Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 5208/QĐ-UBND phòng tránh ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra Hồ Chí Minh 2015

Số hiệu: 5208/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Thanh Liêm
Ngày ban hành: 16/10/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ H CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5208/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 16 tháng 9 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 1857/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 8 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố;

Căn cứ Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tại Tờ trình số 157/TTr-PCTT ngày 23 tháng 8 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn Thành phố.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- Đài KTTV khu vực Nam Bộ;
- Chi cục PCTT khu vực miền Nam;
- Ủy ban MTTQ VN TP;
- Các thành viên BCH PCTT và TKCN TP;
- VPUB: các PVP, các Phòng CV;
- Lưu: VT, (CNN/Tr) MH

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

PHƯƠNG ÁN

PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5208/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Điều 1. Mục đích.

Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm cư kiên cố, chắc chắn, nhất là đối với người già, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Điều 2. Yêu cầu.

1. Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

2. Người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng; đồng thời chủ động, nâng cao ý thức tự giác tham gia cùng chính quyền, ban - ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Chương II

CÁC LOẠI THIÊN TAI VÀ CẤP ĐỘ CỦA CÁC LOẠI THIÊN TAI CÓ KHẢ NĂNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Điều 3. Các loại thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến thành phố.

1. Áp thấp nhiệt đới, bão.

2. Lốc, sét, mưa đá và sương mù.

3. Mưa lớn, lũ và ngập lụt.

4. Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.

5. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

6. Nước dâng, triều cường.

7. Gió mạnh trên biển.

8. Động đất, sóng thần.

Điều 4. Cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng xảy ra đối với các loại thiên tai có nguy cơ ảnh hưởng đến thành phố.

1. Đối với áp thấp nhiệt đới và bão: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 5.

2. Đối với lốc, sét và mưa đá: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

3. Đối với sương mù: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

4. Đối với mưa lớn: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

5. Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

6. Đối với nắng nóng: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

7. Đối với hạn hán: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp độ 2.

8. Đối với xâm nhập mặn: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

9. Đối với lũ, ngập lụt: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 4.

10. Đối với nước dâng: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 3.

11. Đối với gió mạnh trên biển: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

12. Đối với động đất: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

13. Đối với sóng thần: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 5.

(Cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Chương III

CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI

Mục I. BÃO, ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, MƯA LỚN, LŨ, NGẬP LỤT, NƯỚC DÂNG, SẠT LỞ ĐẤT

Điều 5. Áp thấp nhiệt đới và bão: ở cấp độ rủi ro là cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp 5.

1. Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

2. Cơ quan chỉ huy:

a) Thành phố: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan.

b) Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

c) Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

3. Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

4. Phương tiện, trang thiết bị: máy bay trực thăng, các loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, xe lội nước, các loại phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng khác.

Điều 6. Mưa lớn, triều cường, nước dâng, lũ, ngập lụt.

1. Đối với mưa lớn, triều cường, nước dâng, , ngập lụt ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

a) Cơ quan chỉ huy:

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

b) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của quận – huyện.

c) Phương tiện, trang thiết bị: các loại ca nô, xuồng, trạm bơm, máy bơm nước và các trang thiết bị khác.

2. Đối với mưa lớn, triều cường, nước dâng, lũ, ngập lụt ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2, cấp độ 3 và lũ, ngập lụt ở cấp độ 4.

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Thành phố: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố, Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố và các sở, ngành liên quan.

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

4. Phương tiện, trang thiết bị: các loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, trạm bơm, máy bơm nước, các loại phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết khác.

Điều 7. Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.

1. Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

a) Cơ quan chỉ huy:

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

b) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của quận – huyện.

c) Phương tiện, trang thiết bị: máy cẩu, máy xúc, xà lan, ca nô, máy cắt bê tông, máy đục bê tông và các loại trang thiết bị khác.

2. Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Thành phố: Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở - ngành liên quan.

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

d) Phương tiện, trang thiết bị: máy cẩu, máy xúc, xà lan, ca nô, máy cắt bê tông, máy đục bê tông và các loại trang thiết bị khác.

Điều 8. Gió mạnh trên biển.

1. Đối với gió mạnh trên biển ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

a) Cơ quan chỉ huy:

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

b) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

c) Phương tiện, trang thiết bị: các loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, các loại phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng khác.

2. Đối với gió mạnh trên biển ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Thành phố: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố, Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan.

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

d) Phương tiện, trang thiết bị: các loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, các loại phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng khác.

Mục II. NẮNG NÓNG, HẠN HÁN VÀ XÂM NHẬP MẶN

Điều 9. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

1. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

a) Cơ quan chỉ huy:

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

b) Lực lượng ứng cứu: Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi và các lực lượng của quận – huyện, phường - xã - thị trấn.

c) Phương tiện, trang thiết bị: trạm bơm, máy bơm nước, các hệ thống thiết bị làm mát, ngăn mặn, các thiết bị cấp nước và các trang thiết bị khác.

2. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Thành phố: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan.

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

d) Phương tiện, trang thiết bị: trạm bơm, máy bơm nước, các hệ thống thiết bị làm mát, ngăn mặn, các thiết bị cấp nước và các trang thiết bị khác.

Mục III. ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN

Điều 10. Động đất, sóng thần.

1. Đối với động đất ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

a) Cơ quan chỉ huy:

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

b) Lực lượng ứng cứu: Các lực lượng chuyên trách, Sở Y tế, Quân đội, Công an, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

c) Phương tiện, trang thiết bị: Các trang thiết bị cứu sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, trang thiết bị y tế và các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn khác.

2. Đối với động đất ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2 và sóng thần ở cấp độ rủi ro là cấp độ 3:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Thành phố: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan.

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Các lực lượng chuyên trách, Sở Y tế, Quân đội, Công an, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

d) Phương tiện, trang thiết bị: các trang thiết bị cứu sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, trang thiết bị y tế và các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn khác.

3. Đối với sóng thần ở cấp độ rủi ro là cấp độ 5:

Thực hiện theo các chỉ đạo của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp.

Mục IV. LỐC, SÉT, MƯA ĐÁ, SƯƠNG MÙ

Điều 11. Lốc, sét, mưa đá, sương mù.

1. Đối với lốc, sét, mưa đá, sương mù ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

a) Cơ quan chỉ huy:

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

b) Lực lượng ứng cứu: lực lượng của các quận – huyện, phường - xã - thị trấn.

c) Phương tiện, trang thiết bị: các loại máy cắt bê tông, máy đục bê tông, cưa máy và các trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng khác.

2. Đối với lốc, sét, mưa đá, sương mù ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Thành phố: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan.

- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.

- Phường - xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của thành phố.

d) Phương tiện, trang thiết bị: các loại xe cứu hộ giao thông, máy cắt bê tông, máy đục bê tông, cưa máy và các trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng khác.

Chương IV

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI

Điều 12. Áp thấp nhiệt đới và bão: ở cấp độ rủi ro là cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5.

Triển khai thực hiện theo Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố ban hành tại Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố. Đồng thời, báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ khi vượt quá khả năng ứng phó của thành phố.

Điều 13. Mưa lớn, triều cường, nước dâng, lũ và ngập lụt.

1. Đối với mưa lớn, triều cường, nước dâng, lũ và ngập lụt ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

Ủy ban nhân dân các quận – huyện, phường - xã – thị trấn căn cứ theo tình tình thực tế khẩn trương triển khai Phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với mưa lớn, triều cường, nước dâng, xả lũngập lụt tại địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

2. Đối với mưa lớn, triều cường, nước dâng, ngập lụt ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2, cấp độ 3 và lũ, ngập lụt ở cấp độ 4:

Thực hiện theo Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố ban hành tại Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố. Đồng thời, báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ khi vượt quá khả năng ứng phó của thành phố.

Điều 14. Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.

1. Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

- Thông báo thường xuyên và liên tục các vị trí bờ sông, kênh, rạch, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời; tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn.

- Thường xuyên kiểm tra các trường hợp xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển; nếu phát hiện công trình, vật kiến trúc xây dựng, xâm phạm trái phép thì kiên quyết xử phạt, buộc tháo dỡ, khôi phục lại nguyên trạng; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nếu không chấp hành.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đúng tiến độ.

- Ủy ban nhân dân các quận – huyện, phường - xã – thị trấn căn cứ theo tình tình thực tế khẩn trương triển khai Phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy tại địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

2. Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:

a) Công tác tổ chức phòng, tránh, ứng phó.

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở tại các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố, tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở, phân loại mức độ sạt lở và sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó có biện pháp xử lý sạt lở phù hợp; trong đó, ưu tiên các vị trí tập trung dân cư đông, các công trình phúc lợi công cộng quan trọng, công trình phục vụ quốc phòng - an ninh; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh;

- Thường xuyên kiểm tra và xử lý đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển và lập các bến bãi trái phép gây sạt lở trên địa bàn thành phố;

- Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển; thường xuyên tổ chức kiểm tra các tuyến kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đã được đầu tư xây dựng để kịp thời phát hiện các vị trí xuống cấp, hư hỏng và có kế hoạch duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, triều cường;

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 670/QĐ-UBND ngày 15 tháng 2 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Công tác tổ chức khắc phục hậu quả:

- Khẩn trương, kịp thời ứng cứu người, trục vớt tài sản và đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sạt lở;

- Tổ chức vận động di dời và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; tổ chức tốt lực lượng thường xuyên chốt chặn tại các vị trí đã xảy ra sạt lở, kiên quyết không để người dân quay lại khu vực sạt lở để di dời tài sản hoặc ở lại các căn nhà có nguy cơ tiếp tục sạt lở, bảo vệ tài sản của hộ dân sau khi đã di dời.

- Kịp thời cứu trợ các cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại sau thiên tai;

- Thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho nhân dân.

Các sở - ngành, đơn vị thành phố và quận – huyện theo chức năng và nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện theo Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố.

Điều 15. Gió mạnh trên biển.

1. Đối với gió mạnh trên biển là cấp độ 1:

Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, các xã, thị trấn của huyện Cần Giờ căn cứ theo tình tình thực tế khẩn trương triển khai Phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với gió mạnh trên biển tại địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

2. Đối với gió mạnh trên biển là cấp độ 2:

Thực hiện theo Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố ban hành tại Quyết định số 2262/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 16. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

1. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

- Theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn tại các trạm quan trắc được bố trí tại các cửa sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Cần Giuộc, kênh Xáng, kênh Thầy Cai.

- Thông báo rộng rãi, kịp thời cho nhân dân biết về diễn biến thay đổi thời tiết, mức độ xâm nhập mặn, khuyết cáo người dân nuôi trồng thủy sản chủ động sử dụng nguồn nước phù hợp khi mặn tăng cao hoặc chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản phù hợp.

- Ủy ban nhân dân các quận – huyện, phường - xã – thị trấn căn cứ theo tình tình thực tế khẩn trương triển khai Phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

2. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:

- Triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh, đặc biệt là cho trẻ em và người già.

- Thực hiện các biện pháp tiết kiệm nguồn nước để đề phòng hiện tượng mùa khô và hạn hán kéo dài. Tận dụng nguồn nước xả đẩy mặn nhà máy nước Tân Hiệp từ hồ Dầu Tiếng và các đợt triều cường để lấy nước và trữ nước trên các trục kênh chính phục vụ sản xuất.

- Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân hợp lý, bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước hiện có.

- Tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới để đảm bảo đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt, phòng chống cháy rừng. Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết.

- Tổ chức vận hành các công trình thủy lợi, các cống lấy nước, trạm bơm nước tưới đảm bảo điều kiện các công trình thủy lợi vận hành tốt, cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống cháy rừng, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

- Chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa xác định lịch xả nước của hồ Dầu Tiếng để chủ động thông báo đến các địa phương lấy nước, trữ nước đủ cho sản xuất nông nghiệp.

Điều 17. Động đất, sóng thần.

1. Đối với động đất ở cấp độ 1:

Ủy ban nhân dân các quận – huyện, phường - xã – thị trấn căn cứ theo tình tình thực tế khẩn trương triển khai Phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với động đất tại địa phương. Tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

2. Đối với động đất ở cấp độ 2 và sóng thần ở cấp độ 3, cấp độ 5:

Triển khai thực hiện theo Phương án “Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” ban hành tại Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố. Đồng thời, báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ khi vượt quá khả năng ứng phó của thành phố.

Điều 18. Lốc, sét, mưa đá, sương mù.

1. Đối với lốc, sét, mưa đá ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:

Ủy ban nhân dân các quận – huyện, phường - xã – thị trấn căn cứ theo tình hình thực tế khẩn trương triển khai Phương án, kế hoạch ứng phó với lốc, sét, mưa đá tại địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

2. Đối với lốc, sét, mưa đá ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:

a) Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khẩn trương triển khai Phương án, Kế hoạch ứng phó với lốc, sét, mưa đá trên địa bàn thành phố.

b) Các Sở, ngành, quận – huyện, phường – xã – thị trấn triển khai công tác phòng, tránh và ứng phó:

- Trên đất liền:

+ Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông gió, lốc xoáy. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibroximăng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có giông gió, lốc xoáy;

+ Chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện…; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích; các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các giàn giáo của công trình cao tầng đang thi công;

+ Khi có mưa kèm theo giông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn; tránh núp dưới bóng cây, trú ẩn trong nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn;

+ Tổ chức thông tin, tuyên truyền đến nhân dân những bản tin dự báo, cảnh báo mưa đá để chủ động phòng, tránh an toàn cho người, vật nuôi, cây trồng và các tài sản khác; hạn chế tác hại của mưa đá đối với các vật dụng, đồ dùng, máy móc…;

+ Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp phòng, tránh và ứng phó hiệu quả.

- Trên sông, biển:

Các cơ quan chức năng thông báo, yêu cầu và kiểm tra các chủ phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Toàn bộ thủy thủ, thuyền viên phải mặc áo phao và chuẩn bị đầy đủ phao cứu sinh trên thuyền khi đang ở trên sông, trên biển;

+ Khi thấy ổ mây giông thì phải nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn;

+ Tổ chức hợp lý đội hình khai thác trên biển theo tổ, nhóm, trong đó đảm bảo cự ly, khoảng cách hợp lý giữa các tàu thuyền kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp nạn;

+ Thường xuyên kiểm tra hệ thống, thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo luôn hoạt động hiệu quả để kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi gặp sự cố, tình huống nguy hiểm, bất lợi.

3. Đối với sương mù ở cấp độ rủi ro là cấp 1 và cấp 2:

Khi có sương mù xuất hiện, người điều khiển phương tiện giao thông, tàu thuyền cần quan sát, giảm tốc độ để lưu thông an toàn.

4. Công tác tổ chức khắc phục hậu quả:

Sau khi xảy ra giông gió, lốc xoáy, mưa đá và tai nạn do sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn gây ra, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị để nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó tập trung một số công việc cấp thiết:

- Khẩn trương cứu nạn, cứu hộ cho người và tài sản;

- Chủ động tiến hành cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của giông gió, lốc xoáy. Sau khi khắc phục, sửa chữa và đảm bảo chắc chắn an toàn của hệ thống điện thì phải khôi phục lại ngay việc cung cấp điện cho khu vực để nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất;

- Khẩn trương sửa chữa gia cố công trình, nhà ở dân cư bị hư hỏng, thu dọn cây xanh bị ngã đổ và xử lý vệ sinh môi trường theo quy định;

- Khắc phục các sự cố tàu thuyền bị đánh chìm, trôi dạt, hư hỏng và tổ chức tìm kiếm người, tàu thuyền bị mất liên lạc;

- Kịp thời cứu trợ các cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại sau thiên tai;

- Thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho nhân dân.

Điều 19. Tổ chức di dời, sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra.

Các quận - huyện, phường - xã - thị trấn và cơ quan chức năng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có khả năng bị đổ, sập và những khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

1. Huy động lực lượng gồm: Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong, Đoàn Thanh niên… cùng các phương tiện để giúp dân di chuyển nhanh.

2. Phân công lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận - huyện, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận - huyện trực tiếp xuống địa bàn phường - xã - thị trấn tại khu vực phải di dời dân và các điểm tạm cư để kiểm tra, tổ chức thực hiện kế hoạch chu đáo, an toàn.

3. Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, chăm lo đời sống cho người dân… tại nơi tạm cư và bảo vệ công trình, tài sản, nhà ở của dân tại những nơi đã di dời.

(Đính kèm Phụ lục I - Số người, số hộ dân dự kiến di dời, sơ tán; Phụ lục II - Các khu vực xung yếu và vị trí an toàn trên từng quận - huyện; Phụ lục III – Các vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn thành phố).

Chương V

LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI

Điều 20. Lực lượng.

Lực lượng dự kiến huy động từ các sở - ngành, đơn vị thành phố đến quận - huyện, phường - xã - thị trấn tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó khi xảy ra thiên tai đảm bảo khoảng 29.000 đến 30.000 người. Trong đó, lực lượng chuyên trách cấp thành phố khoảng 4.000 người; lực lượng của quận - huyện khoảng 9.000 đến 10.000 người và lực lượng của ban - ngành, đoàn thể, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên tại các xã - phường - thị trấn khoảng 16.000 người. Tùy theo tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương theo yêu cầu.

(Đính kèm Phụ lục IV – Lực lượng dự kiến huy động).

Điều 21. Phương tiện, trang thiết bị.

Phương tiện, trang thiết bị dự kiến huy động để phòng, tránh, ứng phó với thiên tai gồm có phương tiện, trang thiết bị cơ động, chi viện của các sở - ngành, đơn vị thành phố và phương tiện, trang thiết bị tại chỗ của các quận - huyện.

(Đính kèm Phụ lục V – Phương tiện, trang thiết bị cần huy động).

Chương VI

TRÁCH NHIỆM PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Điều 22. Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường – xã – thị trấn căn cứ phương án này rà soát, xây dựng Phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn các quận – huyện, phường – xã – thị trấn.

Điều 23. Các sở - ngành, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố; Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố; Quyết định số 2262/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố; Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Phương án “Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” và Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố.

Điều 24. Một số nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc, sét, mưa đá, sương mù yêu cầu các sở - ngành, đơn vị thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận – huyện có sản xuất nông nghiệp thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, phổ biến, cảnh báo tình hình thời tiết đến từng địa phương; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, sử dụng các chế phẩm sinh học làm sạch môi trường nước trong ao, đầm nhằm hạn chế thay nước tránh lãng phí.

b) Thường xuyên kiểm tra hoạt động các công trình thủy lợi, các cống lấy nước đảm bảo điều kiện các công trình thủy lợi vận hành tốt, cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

b) Tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường; điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm, tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường nhằm hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

c) Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát, đất trái phép gây sạt lở bờ sông, rạch, công trình phòng, chống thiên tai.

3. Sở Giao thông vận tải:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra và tổ chức ứng phó xử lý khi xảy ra sạt lở bờ sông, kênh, rạch.

b) Tham gia lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn trên sông, rạch do thiên tai gây ra.

4. Các cơ quan lực lượng vũ trang gồm Bộ Tư lệnh thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sơ tán dân, cứu sập công trình, khắc phục sự cố khi xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của nhân dân.

5. Công an thành phố:

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát, đất trái phép gây sạt lở bờ sông, rạch, công trình phòng, chống thiên tai.

b) Tham gia sơ tán, di dời dân khỏi những nơi nguy hiểm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành sơ tán, di dời, hạn chế thấp nhất các trường hợp cưỡng chế.

6. Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ thành phố và các bệnh viện triển khai công tác sơ cấp cứu, cứu thương, chữa trị người bị nạn do thiên tai gây ra.

7. Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi:

a) Có biện pháp quản lý phân phối nước hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm và có hiệu quả, cấp nước cho sinh hoạt và trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Thường xuyên theo dõi, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, tham mưu, đề xuất các đơn vị chức năng xử lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vào hệ thống công trình thủy lợi, gây ô nhiễm nguồn nước.

b) Thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, đặc biệt là các cửa cống điều tiết để hạn chế thất thoát nguồn nước.

c) Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa trong việc tích trữ nước, mở nước đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất, đảm bảo công tác ngăn mặn, có kế hoạch tích trữ nước trong nội đồng để tưới, giữ ẩm, chống cháy, tiêu xả phèn, ô nhiễm.

d) Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

8. Tổng công ty Cấp nước thành phố - TNHH Một thành viên đảm bảo an toàn hệ thống, nguồn và lượng nước sạch cung cấp cho thành phố; dự kiến các phương án tổ chức cung cấp nước sạch kịp thời cho người dân tại các khu vực bị mất nguồn nước và nguồn nước bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra.

9. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a) Triển khai kịp thời công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn mình quản lý.

b) Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng ứng phó kịp thời khi cần huy động.

c) Thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước để đề phòng hiện tượng mùa khô và hạn hán kéo dài. Tổ chức thông báo rộng rãi cho nhân dân biết về tình hình, diễn biến của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động phòng, chống ứng phó kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, sử dụng các chế phẩm sinh học làm sạch môi trường nước trong ao, đầm nhằm hạn chế thay nước tránh lãng phí.

d) Kiểm tra, lập biên bản, xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, công trình đê điều, tiêu thoát nước và san lấp sông, kênh, rạch trái phép.

đ) Các địa phương bị thiệt hại do thiên tai có trách nhiệm kiểm tra, thống kê, đánh giá (nhanh, đầy đủ, chính xác) và báo cáo cơ quan cấp trên kịp thời theo quy định.

10. Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn:

a) Thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa bàn mình quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; những vấn đề vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn báo ngay bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân quận - huyện chỉ đạo giải quyết.

b) Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn bị thiệt hại do thiên tai có trách nhiệm kiểm tra, thống kê, đánh giá (nhanh, đầy đủ, chính xác) và báo cáo kịp thời bằng văn bản cho cơ quan cấp trên theo quy định.

Điều 25. Thủ trưởng các sở - ngành, đơn vị thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố và Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời phải trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, địa phương mình thực hiện nhiệm vụ được phân công khi thiên tai xảy ra. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, quận - huyện, phường - xã - thị trấn thực hiện theo nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách.

Điều 26. Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn thành phố, quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải chịu mọi sự điều động và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương đảm bảo cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất trong công tác chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra đảm bảo quá trình xử lý sự cố thiên tai được kịp thời, nhanh chóng và an toàn cho nhân dân.

Điều 27. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Phương án này được phổ biến đến tận phường - xã - thị trấn, thông tin rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp và đăng tải trên trang web của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (địa chỉ: http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn – mục “Phương án Phòng chống thiên tai”)./.

 

PHỤ LỤC I

SỐ NGƯỜI, SỐ HỘ DÂN DỰ KIẾN DI DỜI, SƠ TÁN KHI XẢY RA THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5208/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

STT

Quận - huyện

Số phường, xã, thị trấn (có dân cần di dời, sơ tán)

Số hộ cần di dời, sơ tán

Số người cần di dời, sơ tán

1

Quận 1

10

2.232

12.127

2

Quận 2

8

536

2.088

3

Quận 3

13

3.688

14.820

4

Quận 4

12

2.932

8.999

5

Quận 5

4

639

2.261

6

Quận 6

13

1.674

6.076

7

Quận 7

7

2.688

2.973

8

Quận 8

15

6.290

23.365

9

Quận 9

2

188

795

10

Quận 10

4

2.958

11.832

11

Quận 11

4

546

2.461

12

Quận 12

3

4.520

22.750

13

Quận Bình Tân

7

600

2.650

14

Quận Gò Vấp

6

2.422

9.690

15

Quận Phú Nhuận

15

5.838

28.887

16

Quận Tân Bình

5

588

2.270

17

Quận Tân Phú

9

4.894

19.583

18

Quận Thủ Đức

12

3.339

13.356

19

Quận Bình Thạnh

12

1.760

7.999

20

Huyện Cần Giờ

7

3.273

12.725

21

Huyện Củ Chi

6

3.700

14.567

22

Huyện Bình Chánh

8

400

1.600

23

Huyện Nhà Bè

7

5.100

20.400

24

Huyện Hóc Môn

5

1.580

4.798

TỔNG CỘNG

194

62.385

249.072

 

PHỤ LỤC II

CÁC KHU VỰC XUNG YẾU VÀ VỊ TRÍ AN TOÀN TRÊN TỪNG QUẬN - HUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5208/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

STT

Quận - huyện

Số khu vực
xung yếu

Số vị trí
an toàn

1

Quận 1

49

36

2

Quận 2

18

15

3

Quận 3

26

61

4

Quận 4

12

21

5

Quận 5

4

7

6

Quận 6

17

34

7

Quận 7

30

32

8

Quận 8

31

49

9

Quận 9

4

5

10

Quận 10

3

2

11

Quận 11

4

1

12

Quận 12

23

40

13

Quận Bình Tân

12

16

14

Quận Gò Vấp

20

35

15

Quận Phú Nhuận

19

18

16

Quận Tân Bình

10

57

17

Quận Tân Phú

22

51

18

Quận Thủ Đức

39

57

19

Quận Bình Thạnh

27

50

20

Huyện Cần Giờ

35

33

21

Huyện Củ Chi

14

57

22

Huyện Bình Chánh

9

11

23

Huyện Nhà Bè

22

33

24

Huyện Hóc Môn

7

19

TỔNG CỘNG

457

740

Các khu vực xung yếu, trọng điểm và vị trí an toàn, kiên cố tại các quận - huyện, cụ thể như sau:

1. Huyện Cần Giờ:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 35 điểm.

­- Xã Bình Khánh: 08 điểm, gồm khu dân cư ấp Bình Mỹ (Doi Mỹ Khánh; khu dân cư Tắc Sông Chà); ấp Bình Trường, ấp Bình Thuận, ấp Bình Phước, ấp Bình Thạnh, ấp Bình Trung, ấp Bình An, ấp Bình Lợi.

­- Xã Tam Thôn Hiệp: 04 điểm, gồm khu dân cư ấp An Hòa; ấp An Phước; ấp An Lộc; ấp Trần Hưng Đạo.

­- Xã An Thới Đông: 06 điểm, gồm các hộ dân ven sông ấp An Hòa; ấp An Bình; ấp An Đông; ấp An Nghĩa; ấp Doi Lầu; ấp Rạch Lá.

­- Xã Lý Nhơn: 03 điểm, gồm khu dân cư ấp Tân Điền, ấp Lý Thái Bửu, ấp Lý Hòa Hiệp.

­- Xã Long Hòa: 05 điểm, gồm khu dân cư ấp Đồng Hòa; ấp Đồng Tranh; ấp Hòa Hiệp; ấp Long Thạnh; khu vực Dần.

­ Thị trấn Cần Thạnh: 05 điểm, gồm khu dân cư khu phố Miễu Ba; khu phố Miễu Nhì; khu phố Hưng Thạnh; khu phố Phong Thạnh; khu phố Giồng Ao.

­ Riêng xã đảo Thạnh An có 02 phương án:

+ Khi bão cấp 8-9: xã đảo Thạnh An di dời 03 điểm, gồm khu dân cư tổ 01 đến tổ 02 ấp Thạnh Hòa; tổ 32 đến tổ 36 ấp Thạnh Bình; khu vực ấp Thiềng Liềng.

+ Khi bão cấp 10-13: đi dời toàn xã đảo Thạnh An: 01 điểm (toàn xã đảo).

­ b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 33 điểm.

­- Xã Bình Khánh: 06 điểm, gồm: Trường Tiểu học Bình Mỹ; Chùa Quang Minh Như Lai; Trường tiểu học Bình Khánh; Trường tiểu học Bình Thạnh; Nhà Văn hóa – Thể thao ấp; Trường tiểu học Bình Phước.

­- Xã Tam Thôn Hiệp: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Tam Thôn Hiệp; Trường THCS Tam Thôn Hiệp.

­- Xã An Thới Đông: 07 điểm, gồm Trường Tiểu học An Nghĩa; Trường Tiểu học An Thới Đông; Trường Tiểu học Doi Lầu; Trường THCS Doi Lầu; Trường Trung học cơ sở An Thới Đông; Trường THPT An Nghĩa; Nhà Văn hóa thể thao xã An Thới Đông.

­- Xã Lý Nhơn: 01 điểm, gồm: Trường Tiểu học Vàm Sát.

­- Xã Long Hòa: 06 điểm, gồm: Trường Tiểu học Đông Hòa; Đồn Biên phòng Long Hòa; Trường Tiểu học Hòa Hiệp; Trường Tiểu học Long Thạnh; Trường Trung học cơ sở Long Hòa và Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ.

­- Thị trấn Cần Thạnh: 07 điểm, gồm Trường PTTH Cần Thạnh; Trường Tiểu học Cần Thạnh; Liên đoàn Lao động huyện; Nhà Thiếu nhi huyện; Trung tâm Văn hóa huyện; Trường Trung học cơ sở Cần Thạnh; Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.

­- Xã Thạnh An: 03 điểm, gồm Thánh Thất Cao Đài, Đồn biên phòng Thạnh An, Chùa Hưng Lợi Tự.

2. Huyện Nhà Bè:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 22 điểm.

­- Xã Phú Xuân: 4 điểm, gồm: khu dân cư hẻm 64; hẻm 869; hẻm 917; hẻm 963.

­- Thị trấn Nhà Bè: 01 điểm - khu vực vành đai kè Phú Xuân (sông Phú Xuân).

­- Xã Phước Kiển: 03 điểm, gồm khu vực ấp 1; ấp 4; ấp 3E (ven sông Long Kiển, sông Phước Long, sông Phước Lộc).

­- Xã Nhơn Đức: 03 điểm, gồm khu vực ven sông Mương Chuối ấp 1; rạch Tôm ấp 3; rạch Bà Lào ấp 4.

­- Xã Hiệp Phước: 4 điểm, gồm khu vực ấp 1; ấp 2; ấp 3; ấp 4 (hai bên bờ rạch Giồng, sông Kinh Lộ, sông Soài Rạp, rạch Lò Thang).

­- Xã Long Thới: 03 điểm, gồm khu dân cư ấp 1 (hẻm 17 - xóm Giồng, hẻm 26 - sân Bia, hẻm 28 - Miễu); ấp 2 (hẻm 9, hẻm 11, hẻm 13, hẻm 14, hẻm 18, hẻm 20); khu vực chợ Bà Chồi ấp 2.

­- Xã Phước Lộc: 04 điểm, gồm khu vực ấp 1; ấp 2; ấp 3; ấp 4 (hai bên bờ sông Phước Lộc, đường Đào Sư Tích, đường Bờ Tây).

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 33 điểm.

­- Thị trấn Nhà Bè: 06 điểm, gồm Trường Tiểu học Trần Thị Ngọc Hân; Trung tâm Y tế Dự phòng huyện; Trung tâm Sinh hoạt thanh thiếu niên huyện; trụ sở Ủy ban nhân dân thị trấn; Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường Tiểu học Lâm Văn Bền.

­- Xã Phú Xuân: 06 điểm, gồm Nhà Thiếu nhi huyện; Trường Tiểu học Nguyễn Bình; Trạm Y tế xã; Trường Tiểu học Nguyễn Trực; Trường THCS Lê Văn Hưu; trụ sở Ủy ban nhân dân huyện.

­- Xã Nhơn Đức: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Lê Văn Lương; Trường Tiểu học Lê Lợi; trụ sở Ủy ban nhân dân xã.

­- Xã Phước Lộc: 03 điểm, gồm Trường THCS Phước Lộc; Nhà văn hóa xã; trụ sở Ủy ban nhân dân xã.

­- Xã Phước Kiển: 04 điểm, gồm Trường Tiểu học Tạ Uyên; Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ; Trường Tiểu học Lê Quang Định; khu làng Đại học.

­- Xã Long Thới: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Trang Tấn Khương; Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè; Trường PTTH trường Ngô Quyền.

­- Xã Hiệp Phước: 08 điểm, gồm Trường Tiểu học Dương Văn Lịch; khu cư xá Nhà máy Điện Hiệp Phước; Công ty Xi măng Nghi Sơn; Trường Tiểu học Mương Lớn và Sóc Vàm; Trường THCS Hiệp Phước 3; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo; Nhà Văn hóa xã; trụ sở Ủy ban nhân dân xã.

3. Huyện Bình Chánh:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 9 điểm.

­- Xã Bình Hưng: 02 điểm, gồm: khu dân cư cặp rạch Xóm Củi và Rạch Bà Lao; khu dân cư cặp rạch Bà Lao ấp 4A.

­- Xã Phong Phú: 01 điểm - khu dân cư cặp rạch Bà Lào - Thủ Đảo ấp 1, ấp 4.

­- Xã Qui Đức: 01 điểm - khu dân cư cặp sông Cần Giuộc ấp 1, ấp 4.

­- Xã Đa Phước: 01 điểm - khu dân cư cặp sông Cần Giuộc ấp 2, ấp 3.

­- Xã Phạm Văn Hai: 01 điểm – khu dân cư cặp kênh An Hạ ấp 5,6,7.

­- Xã Bình Lợi: 01 điểm – khu dân cư cặp kênh Xáng Ngang ấp 1, 2.

­- Xã Lê Minh Xuân: 1 điểm – khu dân cư ấp cặp kênh Xáng Ngang ấp 2, 5.

­- Xã Tân Nhựt: 01 điểm – khu dân cư cặp sông chợ Đệm ấp 3, 4.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 11 điểm.

­- Xã Bình Hưng: 01 điểm - Trường Tiểu học Bình Hưng.

­- Xã Phong Phú: 01 điểm - Trường THCS Phong Phú.

­- Xã Qui Đức: 01 điểm - Trường THCS Quy Đức.

­- Xã Phạm Văn Hai: 02 điểm, gồm: Trường Tiểu học An Hạ; Trường THCS Phạm Văn Hai.

­- Xã Bình Lợi: 01 điểm – Trường THCS Gò Xoài.

­- Xã Lê Minh Xuân: 02 điểm, gồm: Trường Tiểu học Ấp 1; Trường Tiểu học Cầu Xáng.

­- Xã Tân Nhựt: 02 điểm, gồm: Trường Tiểu học Tân Nhựt 3, Trường Tiểu học Tân Nhựt 4.

­- Xã Đa Phước: 01 điểm - Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trân.

4. Huyện Củ Chi:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 14 điểm.

­- Xã Hòa Phú: 01 điểm - khu dân cư ven sông Sài Gòn (từ cầu Bà Bếp đến địa phận xã Trung An).

­- Xã Trung An: 2 điểm – khu vực ấp An Hòa, ấp Bốn Phú.

­- Xã Phú Hòa Đông: 02 điểm, gồm khu vực rạch Nàng Âm; rạch Láng The.

­- Xã Tân An Hội: 01 điểm - khu vực ấp Tam Tân.

­- Xã Phước Hiệp: 01 điểm – khu vực Tam Tân, ấp Trại Đèn.

­- Xã Thái Mỹ: 01 điểm – khu vực Tam Tân.

­- Xã Bình Mỹ: 03 điểm, gồm khu vực ấp 3, 5, 7.

­- Xã An Phú: 01 điểm – ven sông Sài Gòn.

­- Xã Tân Phú Trung: 01 điểm – ven kênh Thầy Cai An Hạ.

­- Xã Tân Thông Hội: 01 điểm – ven kênh Thầy Cai An Hạ.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 57 điểm.

­- Xã Bình Mỹ: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trạm y tế xã Bình Mỹ; Trường trung học cơ sở Bình Hòa.

­- Xã Hòa Phú: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trường THCS xã Hòa Phú; Trường Tiểu học Hòa Phú.

­- Xã Trung An: 02 điểm, gồm: Trụ sở UBND xã; Trường Tiểu học Trung An.

­- Xã Phú Hòa Đông: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; trường PTTH Phú Hòa Đông.

­- Xã Nhuận Đức: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trường Thiếu sinh quân thành phố; trường Dạy lái xe Tiến bộ.

­- Xã An Nhơn Tây: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trường PTTH An Nhơn Tây.

­- Xã An Phú: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trạm Y tế xã.

­- Xã Phú Mỹ Hưng: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; khu Bến Dược.

­- Xã Trung Lập Thượng: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; trường PTTH Trung Lập.

­- Xã Trung Lập Hạ: 01 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã.

­- Xã Phạm Văn Cội: 03 điểm - trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Trạm Y tế xã; Trường trung học cơ sở Phạm Văn Cội.

­- Xã Phước Thạnh: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trường PTTH Quang Trung và Trạm Y tế xã.

­- Xã Thái Mỹ: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Nhà Văn hóa xã; Trường THCS Nguyễn Văn Xơ.

­- Xã Phước Hiệp: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; trạm Y tế mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành; Xí nghiệp Quản lý khai thác công trình thủy lợi.

­- Xã Tân An Hội: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; trạm Y tế xã Tân An Hội; Trường trung học cơ sở Tân An Hội.

­ Thị trấn Củ Chi: 07 điểm, gồm Trường Trung học cơ sở Thị Trấn 2; Trung tâm Văn hóa huyện; Trường Tiểu học Thị Trấn; Ủy ban nhân dân Thị trấn; Trường Trung cấp Kỹ thuật nghề Tây Bắc; Trường Trung học phổ thông Củ Chi; Trường Trung học cơ sở Thị Trấn 1.

­- Xã Phước Vĩnh An: 02 điểm - trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trạm Y tế xã.

­- Xã Tân Thạnh Tây: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trạm Y tế xã.

­- Xã Tân Thạnh Đông: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trường Trung học cơ sở Tân Thạnh Đông 3.

­- Xã Tân Thông Hội: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trường PTTH Tân Thông Hội; Nhà Thiếu nhi huyện.

­- Xã Tân Phú Trung: 04 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Công ty TNHH MTV QLKTDV thủy lợi; Trạm y tế xã Tân Phú Trung; Trường Trung học cơ sở Tân Phú Trung.

5. Huyện Hóc Môn:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 7 điểm.

­- Xã Đông Thạnh: 3 điểm, gồm khu Thới Thuận (từ cầu Thầy Mười đến bến đò Thới Thuận); khu vực bến Ba Lát thuộc rạch Bến Lội ấp 2; khu vực từ bến Bà Mai đến cầu Rạch Tra thuộc ấp 3.

­- Xã Tân Hiệp: 01 điểm - khu vực ấp Tân Hòa (tổ 1, tổ 2, tổ 8).

­- Xã Tân Thới Nhì: 01 điểm - khu vực dọc hai bờ kênh An Hạ.

­- Xã Xuân Thới Sơn: 01 điểm - khu vực ấp 5 (tổ 4, tổ 7, tổ 8, tổ 9).

­- Xã Xuân Thới Thượng: 01 điểm - khu vực ấp 6.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 19 điểm.

­- Xã Đông Thạnh: 05 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trường Hoàng Hoa Thám; Trạm Y tế xã; Trường THCS Đông Thạnh; Trường PTTH Đông Thạnh.

­- Xã Tân Hiệp: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trung tâm Dạy nghề Hóc Môn; Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hóc Môn.

­- Xã Tân Thới Nhì: 03 điểm, gồm Doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam; Trường THCS Lý Chính Thắng; Trường Tiểu học Nhị Tân 2.

­- Xã Xuân Thới Sơn: 04 điểm, gồm Trường Tiểu học Nhị Xuân; Trường THCS Nguyễn Hồng Đào; trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trạm Y tế xã.

­- Xã Xuân Thới Thượng: 04 điểm, gồm Trường THCS Xuân Thới Thượng; Trường Tiểu học Xuân Thới Thượng; trụ sở Ủy ban nhân dân xã; Trạm Y tế xã.

6. Quận Bình Thạnh:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 27 điểm.

­- Phường 2: 01 điểm - các hộ dân sống ven rạch Cầu Bông từ tổ 1 đến tổ 8, tổ 12, tổ 13, tổ 14, tổ 48, tổ 49, tổ 50.

­- Phường 3: 01 điểm, gồm các hộ dân khu vực Miếu Nổi.

­- Phường 12: 01 điểm - khu vực rạch Lăng.

­- Phường 13: 03 điểm, gồm khu vực chùa Diệu Pháp; cầu Bình Lợi; ngã ba sông Vàm Thuật - sông Sài Gòn.

­- Phường 17: 01 điểm - gồm khu vực giáp kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

­- Phường 19: 03 điểm, gồm chung cư công trường Hòa Bình; khu tập thể chung cư đường sắt; khu tập thể Xí nghiệp Dược.

­- Phường 21: 01 điểm - khu vực ven rạch Văn Thánh.

­- Phường 24: 01 điểm - khu vực rạch Xuyên Tâm, cầu Sơn – đê Vàm Láng.

­- Phường 25: 03 điểm, gồm khu vực kênh Thanh Đa; ngã ba sông Sài Gòn; kho bãi trạm kinh doanh than miền Nam.

­- Phường 26: 03 điểm, gồm khu vực kênh Thanh Đa; khu dân cư đối diện trạm điện Thanh Đa; rạch Lăng tổ 30, khu phố 3.

­- Phường 27: 04 điểm, gồm khu vực kênh Thanh Đa; khu vực từ cuối bờ kè công đoàn đến khu Bạch Đàn; khu dân cư đối diện lô D cư xá Thanh Đa đến sân tennis Lý Hoàng; khu vực nhà hàng bánh canh Hoàng Ty đến nhà 137/16 Bình Quới.

­- Phường 28: 05 điểm, gồm khu vực khách sạn Nhật Nguyệt đến quán Tư Trì; nhà hàng Gấu Misa từ nhà thờ Lasan Mai Thôn đến rạch Ông Ngữ; Trung tâm Cai nghiện Thanh Đa; Công ty Đóng tàu Tiền Phong; khu vực từ khách sạn Domain đến khách sạn Hoàng Kim.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 50 điểm.

­- Phường 1: 02 điểm, gồm Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên quận; Trung tâm Văn hóa quận.

­- Phường 2: 02 điểm, gồm chung cư Mỹ Phước; Trường Lam Sơn cấp 1, 2.

­- Phường 3: 04 điểm, gồm chung cư 18 tầng khu dân cư Miếu Nổi; Trường PTTH Võ Thị Sáu; Trường PTCS Trương Công Định; Trường PTCS Hà Huy Tập.

­- Phường 5: 03 điểm, gồm 24 A Trần Bình Trọng; Trường Nguyễn Bá Học; Trường Yên Thế.

­- Phường 12: 03 điểm, gồm Liên đoàn Lao động quận; khu Công ty Điện tử Hòa Bình; Trường Tiểu học Trần Quang Vinh.

­- Phường 13: 04 điểm, gồm chung cư 447/61C; chung cư cấp nước 16 căn; trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường THCS Bình Lợi Trung.

­- Phường 14: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu; Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

­- Phường 15: 08 điểm, gồm Công ty Cổ phần kinh doanh địa ốc Sài Gòn; cao ốc Hud buidling; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Khu Công nghệ đa năng; Công ty TNHH Không gian riêng; chung cư Đinh Bộ Lĩnh; Công ty Điện cơ; Trường Lê Đình Chinh.

­- Phường 17: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Hồng Hà; Trường PTTH Gia Định; Trường THCS bán công Điện Biên.

­- Phường 19: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Phù Đổng; Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Tây.

­- Phường 21: 01 điểm, gồm Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển;

­- Phường 24: 03 điểm, gồm Trường THCS Bạch Đằng; Trung tâm Kỹ thuật - Hướng nghiệp - Dạy nghề; khách sạn Mỹ Xuân;

­- Phường 25: 01 điểm - trụ sở Phường đội.

­- Phường 26: 05 điểm, gồm Trường Tiểu học Tầm Vu; giáo xứ Thanh Đa; chùa Hòa Hưng; Công ty Thiết bị đồ dùng dạy học Trung ương II.

­- Phường 27: 04 điểm, gồm nhà nghỉ Công đoàn; Trường Tiểu học Cù Chính Lan; Trường PTTH Thanh Đa; Trường THCS Thanh Đa.

­- Phường 28: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; trụ sở Phường đội; Trường THCS Bình Qưới Tây.

7. Quận Bình Tân:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 12 điểm.

­- Phường Bình Hưng Hòa: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 4; khu phố 9.

­- Phường Bình Hưng Hòa A: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 7; khu phố 21.

­- Phường Bình Hưng Hòa B: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 5; khu phố 6.

­- Phường An Lạc: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 2

­- Phường An Lạc A: 01 điểm - khu dân cư khu phố 5.

­- Phường Tân Tạo: 01 điểm - khu dân cư khu phố 1.

­- Phường Tân Tạo A: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 6.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 16 điểm.

­- Phường Bình Hưng Hòa: 01 điểm, gồm Trường Tiểu học Bình Thuận.

­- Phường Bình Hưng Hòa A: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Bình Long; Trạm Y tế phường.

­- Phường Bình Hưng Hòa B: 03 điểm, gồm Trường THCS Bình Hưng Hòa; Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa 1, 2.

­- Phường An Lạc: 03 điểm, gồm Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Trường PTTH An Lạc; Trường THCS bán công An Lạc.

­- Phường An Lạc A: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học An Lạc 2, 3.

­- Phường Tân Tạo: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Tân Tạo; Trường THCS Tân Tạo; Trường Tiểu học Bình Tân.

­- Phường Tân Tạo A: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Tân Tạo A; Bệnh viện Bình Tân.

8. Quận Thủ Đức:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 39 điểm.

­- Phường Linh Đông: 04 điểm, gồm khu phố 5, khu phố 6, khu vực ven rạch Gò Dưa khu phố 7; ven sông Sài Gòn khu phố 8.

­- Phường Hiệp Bình Chánh: 06 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 2; khu phố 6; khu phố 7; khu phố 8; khu phố 9.

­- Phường Linh Trung: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 4; khu phố 5.

­- Phường Linh Xuân: 05 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 2; khu phố 3; khu phố 4; khu phố 5.

­- Phường Linh Tây: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 4, khu phố 5.

­- Phường Linh Chiểu: 01 điểm - khu dân cư khu phố 2.

­- Phường Tam Bình: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 4, khu phố 5.

­- Phường Tam Phú: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 2.

­- Phường Bình Chiểu: 03 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 2; khu phố 3.

­- Phường Hiệp Bình Phước: 06 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 2; khu phố 3; khu phố 4; khu phố 5; khu phố 6.

­- Phường Trường Thọ: 05 điểm, gồm khu dân cư khu phố 5; khu phố 6; khu phố 7; khu phố 8; khu phố 9.

­- Phường Bình Thọ: 01 điểm - khu dân cư khu phố 2.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 57 điểm.

­- Phường Linh Đông: 05 điểm, gồm Trường THCS Linh Đông; Trường Tiểu học Đặng Văn Bất; Giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang; Ủy ban nhân dân phường Linh Đông; Trường Tiểu học Linh Đông.

­- Phường Hiệp Bình Chánh: 06 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Bình Triệu; Trường Tiểu học Hiệp Bình Chánh; Trường THCS Ngô Chí Quốc, chung cư Mỹ Kim; chung cư 4S.

­- Phường Linh Trung: 06 điểm, gồm Trường Đại học Nông Lâm; VP Đại học Quốc gia; chung cư Bình Minh; Trung tâm Thực nghiệm Nông Lâm; Trường THCS Đỗ Tấn Phong; Trường THCS Linh Trung.

­- Phường Linh Xuân: 04 điểm, gồm Trường Tiểu học Xuân Hiệp và Phân hiệu Truông Tre; Trường THCS Xuân Trường; Trường PTTH Đào Sơn Tây

­- Phường Linh Tây: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường THCS Trương Văn Ngư; Trường tiểu học Linh Tây.

­- Phường Linh Chiểu: 03 điểm, gồm Trung tâm Văn hóa quận; Trung tâm Thể dục Thể thao quận, Nhà Thiếu nhi quận.

­- Phường Tam Bình: 04 điểm, gồm Trường Tiểu học Tam Bình; UBND Phường; Nhà Văn hóa phường; Trường THCS Tam Bình.

­- Phường Tam Phú: 05 điểm, gồm đình Bình Đức; Trường PTTH Tam Phú; Trường THCS Thái Văn Lung; Giáo xứ Châu Bình; Giáo xứ Tam Hà.

­- Phường Bình Chiểu: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Bình Chiểu; Trường Trung học Cơ sở Bình Chiểu; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây.

­- Phường Hiệp Bình Phước: 06 điểm, gồm Trường THPT Bách Việt; Trường THCS Hiệp Bình; trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường THPT Hiệp Bình; Trường THPT Nguyễn Khuyến.

­- Phường Trường Thọ: 08 điểm, gồm chung cư Thủ Đức; Trường THCS Nguyễn Văn Banh; Chung cư Lan Phương; Trường THCS Trường Thọ; UBND Phường; Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 2; Ký túc xá Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 2; Làng thiếu nhi Picaso.

­- Phường Bình Thọ: 4 điểm, gồm Trường THPT Thủ Đức; Trường THCS Bình Thọ; Trường THPT Nguyễn Hữu Huân; Trường Tiểu học Từ Đức.

9. Quận Gò Vấp:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 20 điểm.

­- Phường 5: 03 điểm, gồm khu dân cư khu phố 7; khu phố 9; khu phố 12.

­- Phường 6: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 5.

­- Phường 13: 04 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 2; khu phố 3; khu phố 4.

­- Phường 14: 09 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 2; khu phố 5; khu phố 6; khu phố 07; khu phố 8; khu phố 9; khu phố 11; khu phố 12.

­- Phường 15: 01 điểm - khu dân cư khu phố 8 (tổ 59, tổ 60, tổ 61, tổ 62).

­- Phường 17: 01 điểm - khu dân cư từ tổ 1 đến tổ 7.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 35 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm, gồm Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền.

­- Phường 3: 05 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Bệnh viện 175; Công ty Singer; Trường Nguyễn Văn Trỗi; Trường Gò Vấp.

­- Phường 4: 01 điểm - Trường Tiểu học Hạnh Thông.

­- Phường 5: 04 điểm, gồm giáo xứ Bến Cát; giáo xứ Bến Hải; Trường THCS Nguyễn Viết Xuân; Trường THCS Nguyễn Văn Nghi.

­- Phường 6: 03 điểm, gồm Trường PTTH Trần Hưng Đạo; Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ; trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường 7: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường PTCS Gò Vấp 2.

­- Phường 8: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Nguyễn Công Trứ; chùa Thới Hòa.

­- Phường 9: 02 điểm, gồm Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ; giáo xứ Thạch Đà.

­- Phường 10: 01 điểm - Ủy ban nhân dân quận.

­- Phường 11: 03 điểm, gồm trụ sở Công an quận; Công ty Quyết Thắng; Công ty Hồng Ngọc.

­- Phường 12: 04 điểm, gồm Làng thiếu nhi SOS; trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Sài Gòn; thao trường Quận đội.

­- Phường 13: 03 điểm, gồm giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình; giáo xứ Lam Sơn; giáo xứ Hợp An.

­- Phường 14: 01 điểm - Công ty Huê Phong đường Phạm Văn Chiêu.

­- Phường 16: 01 điểm - Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

­- Phường 17: 01 điểm - chung cư An Lộc.

10. Quận Phú Nhuận:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 19 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm - khu vực cống Cầu Cụt tổ 44, tổ 45, tổ 46, tổ 47.

­- Phường 2: 01 điểm - khu dân cư khu phố 4.

­- Phường 3: 02 điểm, gồm khu vực tổ 11; hẻm 440 Nguyễn Kiệm.

­- Phường 4: 02 điểm, gồm khu dân cư khu phố 3; khu phố 4.

­- Phường 5: 01 điểm - khu dân cư khu phố 2.

­- Phường 7: 01 điểm - khu vực tổ 27, tổ 28, tổ 29, tổ 30, tổ 103, tổ 104, tổ 112.

­- Phường 8: 01 điểm - khu dân cư khu phố 1.

­- Phường 9: 01 điểm - khu vực ngã 3 Hoàng Văn Thụ và Hồ Văn Huê.

­- Phường 10: 01 điểm - khu dân cư khu phố 1.

­- Phường 11: 01 điểm - chung cư 32 Lê Văn Sĩ.

­- Phường 12: 01 điểm - khu vực xung quanh kênh Bao Ngạn.

­- Phường 13: 01 điểm - khu vực xung quanh kênh Nhiêu Lộc khu phố 3.

­- Phường 14: 01 điểm - khu vực dọc bờ kênh Nhiêu Lộc.

­- Phường 15: 01 điểm - khu vực tổ 14, tổ 43.

­- Phường 17: 03 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1; khu phố 3; khu phố 4.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 18 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm - Trường THCS Cầu Kiệu.

­- Phường 2: 01 điểm - Trường CĐ Kinh tế đối ngoại.

­- Phường 3: 01 điểm - Trường Tiểu học Sông Lô.

­- Phường 4: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Cổ Loa; cư xá Nguyễn Đình Chiểu.

­- Phường 5: 01 điểm - Trường THCS Độc Lập.

­- Phường 7: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Đông Ba; Trường THCS Châu Văn Liêm.

­- Phường 8: 01 điểm - Trường THCS Ngô Mây.

­- Phường 9: 01 điểm - Trường Tiểu học Hồ Văn Huê.

­- Phường 10: 01 điểm - Trường THCS Ngô Tất Tố.

­- Phường 11: 01 điểm - Trường Tiểu học Khởi Nghĩa.

­- Phường 12: 01 điểm - Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính.

­- Phường 13: 02 điểm, gồm trụ sở khu phố 3; trụ sở khu phố 4.

­- Phường 14: 01 điểm - Trường Tiểu học Chí Linh.

­- Phường 15: 01 điểm - Trường Tiểu học Trung Nhất.

­- Phường 17: 01 điểm - Chi nhánh Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

11. Quận Tân Phú:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 22 điểm.

­- Phường Phú Thọ Hòa: 05 điểm, gồm Chung cư A; chung cư B; chung cư C; Chung cư lô B và C đường Phạm Vấn và Đinh Liệt; Chung cư A hẻm 28 đường Phạm Ngọc Phách.

­- Phường Phú Thạnh: 01 điểm - hẻm 102 đường Bình Long.

­- Phường Tây Thạnh: 03 điểm, gồm khu vực đường Trường Chinh (từ Chế Lan Viên đến đài Liệt sỹ); khu vực đường khu phố 8; khu quy hoạch KCN Tân Bình.

­- Phường Sơn Kỳ: 01 điểm - khu quy hoạch Tân Thắng.

­- Phường Tân Sơn Nhì: 02 điểm, gồm chung cư điện lực đường Trần Tấn; chung cư điện lực Bà Quẹo.

­- Phường Tân Quý: 03 điểm, gồm khu dân cư đường Bình Long thuộc khu phố 1, khu phố 2; đường Đàm Thuận Huy thuộc khu phố 7, khu phố 8; khu quy hoạch đường Tân Hương (từ đường Độc Lập đến nhà số 47 Tân Hương) thuộc khu phố 8, khu phố 9.

­- Phường Phú Trung: 01 điểm - Ngã 5 Thạch Lam.

­- Phường Tân Thành: 01 điểm - khu vực đường Âu Cơ thuộc các tổ 48, tổ 49, tổ 50, tổ 51, tổ 52.

­- Phường Hiệp Tân: 03 điểm, gồm hẻm 152 Tô Hiệu; hẻm Lý Thánh Tông; khu 81B Thoại Ngọc Hầu.

­- Phường Tân Thới Hòa: 02 điểm, gồm khu dọc rạch Bàu Trâu khu phố 1; dọc kênh Hiệp Tân khu phố 04.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 51 điểm.

­- Phường Tân Quý: 08 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tô Vĩnh Diện; giáo xứ Tân Thái Sơn; chung cư Gò Dầu 1; Trường Tiểu học Tân Hương; chung cư Độc Lập; giáo xứ Tân Hương; Trạm Y tế phường.

­- Phường Phú Thạnh: 05 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường THCS Đồng Khởi; Trường Phan Chu Trinh; Trường Võ Thị Sáu; Trạm Y tế phường.

­- Phường Tân Sơn Nhì: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trạm Y tế phường.

­- Phường Phú Trung: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trạm Y tế phường.

­- Phường Tân Thành: 04 điểm, gồm Trường chuyên biệt Bình Minh; Trạm Y tế phường; Trường THCS Phan Bội Châu; Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

­- Phường Tây Thạnh: 12 điểm, gồm chung cư KCN Tân Bình; trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trạm Y tế phường; Tòa án nhân dân quận; Trường Lê Lai; Trường Lê Lợi; Trường Cao đẳng Công nghệ Thực phẩm; Trường Tây Nam Á; Trường Đức Trí 1; chùa Giác Ân; giáo xứ Nhân Hòa; Hội quán khu công nghiệp.

­- Phường Hòa Thạnh: 06 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trạm Y tế phường; Trường Huỳnh Văn Chính; Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin; Trường Trí Đức; trụ sở Ủy ban nhân dân quận.

­- Phường Hiệp Tân: 03 điểm, gồm Trường Hiệp Tân; Trường Duy Tân; Trạm Y tế phường.

­- Phường Sơn Kỳ: 04 điểm, gồm Trạm Y tế phường; Trường Tân Quý; trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Nhân văn.

­- Phường Tân Thới Hòa: 03 điểm, gồm Trường Hùng Vương; Trường Tân Thới Hòa; Trạm Y tế phường.

­- Phường Phú Thọ Hòa: 02 điểm, gồm Trường Lê Anh Xuân; Trạm Y tế phường.

12. Quận Tân Bình:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 10 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm - chung cư 309/2 Nguyễn Văn Trỗi.

­- Phường 2: 03 điểm, gồm chung cư 251 Hoàng Văn Thụ; chung cư 18 Phạm Văn Hai; chung cư 481 Lê Văn Sỹ.

­- Phường 4: 01 điểm - chung cư 350 Hoàng Văn Thụ.

­- Phường 7: 03 điểm, gồm chung cư 47 Long Hưng; chung cư 137 Lý Thường Kiệt, chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt.

­- Phường 8: 02 điểm, gồm chung cư số 40/1 Tân Phước; chung cư 170-171 Tân Châu.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 57 điểm

­- Phường 1: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ.

­- Phường 2: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền; Trường THCS Ngô Sĩ Liên.

­- Phường 3: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Bình Giã.

­- Phường 4: 06 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Tân Sơn Nhất; Trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền; Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng; Trung tâm Triễn lãm và Hội chợ quốc tế Hoàng Văn Thụ, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.

­- Phường 5: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Phạm Văn Hai; Trường THCS Âu Lạc.

­- Phường 6: 03 điểm, gồm Trường THCS Nguyễn Gia Thiều; Trường Tiểu học Đống Đa; Trường Tiểu học Bạch Đằng.

­- Phường 7: 04 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Bành Văn Trân; Trường THCS Tân Bình; Trường THCS Lê Anh Xuân.

­- Phường 8: 02 điểm, gồm Trường PTTH Trần Văn Ơn, trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường 9: 05 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường THCS Phạm Ngọc Thạch; Trường PTTH Nguyễn Thái Bình; Trường THCS Lý Thường Kiệt, Giáo xứ Tân Phước.

­- Phường 10: 05 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm; Trường Tiểu học Phú Thọ Hòa; trụ sở Hội Phụ nữ; Nhà thiếu nhi.

­- Phường 11: 04 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường THCS Võ Văn Tần; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Trường Tiểu học Lạc Long Quân.

­- Phường 12: 04 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường THCS Ngô Quyền; Trường THCS Trường Chinh; Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn.

­- Phường 13: 05 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường PTTH Hoàng Hoa Thám; Trường PTTH Nguyễn Chí Thanh; Trường Tiểu học Yên Thế; Nhà Văn hóa Lao động quận.

­- Phường 14: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

­- Phường 15: 07 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Tân Trụ, Trạm Y tế phường, Trường Nguyễn Văn Kịp, chung cư Phúc Yên, chung cư Vườn Hồng Ngọc.

13. Quận 1:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 49 điểm.

­- Phường Nguyễn Thái Bình: 15 điểm, gồm hẻm 100 Nguyễn Công Trứ, chung cư 35-37 Bến Chương Dương, chung cư 14 Tôn Thất Đạm, chung cư 46-48 Tôn Thất Đạm - khu phố 1; chung cư 146 Nguyễn Công Trứ, chung cư 47-57 Nguyễn Thái Bình – khu phố 2; hẻm 95 Phó Đức Chính, hẻm 108 Calmette - khu phố 3; nhà tập thể 10-12 Yersin, chung cư 281 Nguyễn Công Trứ, hẻm 1 Yersin – khu phố 4; chung cư 71-73 Calmette, chung cư 284-286 Nguyễn Công Trứ - khu phố 5; chung cư 61 Trần Hưng Đạo, chung cư 59 Lê Thị Hồng Gấm – khu phố 6.

­- Phường Cô Giang: 04 điểm, gồm khu dân cư hẻm 329 Trần Hưng Đạo; chung cư Cô Giang; khu dân cư hẻm 233 Bến Chương Dương; khu tạm cư kinh tế mới tại hẻm 42 Trần Đình Xu.

­- Phường Cầu Kho: 01 điểm - khu dân cư Dạ Lữ Viện các hẻm 42-46 Nguyễn Văn Cừ.

­- Phường Cầu Ông Lãnh: 05 điểm, gồm khu dân cư hẻm số 3 Yersin; khu vực chợ Cầu Muối; hẻm 15 Cô Bắc; hẻm 48 Cô Bắc; hẻm 182 Đề Thám.

­- Phường Nguyễn Cư Trinh: 03 điểm, gồm khu dân cư đường Trần Đình Xu; khu dân cư tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Trần Đình Xu, Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh; khu dân cư tam giác Phạm Viết Chánh, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi.

­- Phường Tân Định: 07 điểm, gồm khu dân cư dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; khu dân cư khu phố 4; khu dân cư khu phố 5; khu dân cư khu phố 6; khu dân cư khu phố 7; khu dân cư khu phố 8; khu dân cư khu phố 9.

­- Phường Phạm Ngũ Lão: 05 điểm, gồm khu dân cư hẻm 241 Phạm Ngũ Lão; hẻm 120 Trần Hưng Đạo; đường Đỗ Quang Đẩu; hẻm 162 Bùi Thị Xuân; hẻm 282 Cống Quỳnh.

­- Phường Đakao: 02 điểm, gồm khu dân cư dọc theo kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè khu phố 2; khu dân cư khu phố 1.

­- Phường Bến Nghé: 03 điểm, gồm cảng Bạch Đằng và dọc tuyến đường giáp ranh sông Sài Gòn; khu dân cư hẻm 5 Nguyễn Trung Ngạn; khu dân cư đường Ngô Văn Năm.

­- Phường Bến Thành: 04 điểm, gồm hẻm 24 Thủ Khoa Huân; hẻm 115 Nguyễn Du; hẻm 58 Trương Định; hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 36 điềm.

­- Phường Nguyễn Thái Bình: 08 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trung tâm Học tập Cộng đồng phường; Công an phường; Trụ sở dân quân tự vệ - 99 Nguyễn Thái Bình; Trường Tiểu học Khai Minh – 44 Phó Đức Chính; Trường Tiểu học Khai Minh 2; Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình; Trạm Y tế phường; Trung tâm Triển lãm.

­- Phường Cô Giang: 03 điểm, gồm khu nhà xưởng số 121-139 Cô Giang; chùa Cao Đài; chùa Linh Sơn.

­- Phường Cầu Kho: 01 điểm - Trường Tiểu học Chương Dương.

­- Phường Cầu Ông Lãnh: 04 điểm, gồm Trường TH Nguyễn Thái Học; Trường THCS Đồng Khởi; Trường THCS Minh Đức; đình Nhơn Hòa.

­- Phường Nguyễn Cư Trinh: 04 điểm, gồm Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo; Trường THCS Chu Văn An; Trường THCS Đức Trí; Trường Tiểu học Phan Văn Trị.

­- Phường Tân Định: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Đuốc Sống; Công ty Vệ sinh Môi trường thành phố.

­- Phường Phạm Ngũ Lão: 04 điểm, gồm trường THPT Teleman, xí nghiệp Dược Quân Đội, trường Cao đẳng Nghệ thuật, trường THPT Bùi Thị Xuân.

­- Phường Đakao: 04 điểm, gồm Ban chỉ huy Quân sự phường; Đình Hòa Mỹ; Trạm Y tế phường; trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường Bến Nghé: 03 điểm, gồm Trường Trần Đại Nghĩa; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; khu vực Thảo Cầm Viên;

­- Phường Bến Thành: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân; Trường Tiển học Nguyễn Huệ.

14. Quận 2:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu: 18 vị trí.

­- Phường An Phú: 02 vị trí, gồm khu vực cầu Giồng Ông tố thuộc tổ 16, khu phố 2; tổ 20, khu phố 3.

­- Phường An Khánh: 03 vị trí, gồm khu vực giáp sông Sài Gòn, tổ 45 khu phố 3; tổ 60, ấp 4; tổ 79, ấp 4.

­- Phường Bình An: 01 vị trí - khu vực bờ sông Sài Gòn, khu phố 2 (cách cầu Sài Gòn khoảng 500m về phía hạ lưu).

­- Phường Bình Trưng Đông: 05 vị trí, gồm khu vực giáp dự án 154ha thuộc khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3, khu phố 4, khu phố 5.

­- Phường Bình Trưng Tây: 02 vị trí, gồm khu vực cầu Giồng Ông Tố thuộc khu phố 1, khu phố 3.

­- Phường Cát Lái: 02 vị trí, gồm khu vực bờ biền khu phố 3 (tổ 33, tổ 34, tổ 35); khu vực cầu cảng tổ 43, khu phố 3.

­- Phường Thạnh Mỹ Lợi: 02 vị trí, gồm khu vực bờ sông Đồng Nai khu phố 3 (tổ 35, tổ 36, tổ 40); khu vực bờ sông Sài Gòn, khu phố 4.

­- Phường Thảo Điền: 01 vị trí - khu vực bờ sông Sài Gòn (hẻm 16, đường Nguyễn Văn Hưởng, khu phố 4).

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 15 vị trí.

­- Phường An Phú: 01 điểm - Trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường An Khánh: 01 điểm - Trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường Bình An: 02 điểm - Trường trung học cơ sở Bình An và Trụ sở Ủy ban nhân dân phường Bình An.

­- Phường Bình Khánh: 01 điểm, Trụ sở Ủy ban nhân dân phường

­- Phường Bình Trưng Đông: 04 điểm, gồm Giáo xứ Mỹ Hòa, Dòng mến thánh giá Tân Lập, Trạm y tế và trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường Bình Trưng Tây: 02 điểm, gồm Nhà thiếu nhi quận 2; Trường Trung học phổ thông Giồng Ông Tố.

­- Phường Cát Lái: 01 điểm, gồm Trường Trung học Kỹ thuật Hải Quân.

­- Phường Thạnh Mỹ Lợi: 02 điểm gồm, Chung cư Thạnh Mỹ Lợi; Trường trung học cơ sở Thạnh Mỹ Lợi.

­- Phường Thảo Điền: 01 điểm, Ủy ban nhân dân phường.

15. Quận 3:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 26 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm - cư xá Đường sắt Lý Thái Tổ.

­- Phường 3: 03 điểm – 51/59 và 51/80 Cao Thắng; 94 Bàn Cờ.

­- Phường 4: 02 điểm, gồm hẻm 390-416 Nguyễn Đình Chiểu; hẻm 33-117 đường số 4 Cư xá Đô Thành.

­- Phường 5: 08 điểm, gồm 306/33 và 328 Nguyễn Thị Minh KHai; 406 Nguyễn Thị Minh Khai; 241 và 263 Nguyễn Đình Chiểu; hẻm 02 Cao Thắng và đường Nguyễn Sơn Hà; Nhà Tập thể 456 Nguyễn Thị Minh Khai; Nhà tập thể 220 Võ Văn Tần; Nhà tập thể 362 và 364 Võ Văn Tần; Chung cư 450 Nguyễn Thị Minh Khai.

­- Phường 6: 05 điểm, gồm 57, 59, 67 Phạm Ngọc Thạch; 42 Trần Cao Vân; chung cư 72 Trương Quyền; chung cư 86 Trương Quyền.

­- Phường 8: 05 điểm, gồm chung cư 72/8 Trần Quốc Toản; hẻm 47/29 Trần Quốc Toản; Nhà tập thể 443 Hai Bà Trưng; hẻm 475/32 Hai Bà Trưng; hẻm 475/50 Hai Bà Trưng.

­- Phường 9: 07 điểm, gồm chung cư 13C Kỳ Đồng; Chung cư 14/12 Kỳ Đồng; Chung cư 16/8 Kỳ Đồng; 86 Nguyễn Thông; hẻm 128 Bà Huyện Thanh Quan; hẻm 85 Cống hộp Rạch Bùng Binh; hẻm 525 Lý Chính Thắng.

­- Phường 10: 02 điểm, gồm Nhà tập thể 288 và 192 Cách Mạng Tháng 8.

­- Phường 11: 01 điểm – đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (khu phố 4,5,6).

­- Phường 12: 01 điểm – phía sau trường Đoàn Thị Điểm.

­- Phường 13: 05 điểm, gồm Dự án Chung cư Lô C Trần Quang Diệu; hẻm 195 Lê Văn Sỹ; hẻm 31/10 Lê Văn Sỹ; hẻm 46 Trần Quang Diệu; dân cư dọc tuyến đường Trường Sa.

­- Phường 14: 02 điểm, gồm hẻm 136 Trần Quang Diệu; dân dư dọc tuyến đường Trường Sa (tiếp giáp quận Phú Nhuận).

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 61 điểm.

­- Phường 1: 03 điểm, gồm Trường Phan Sào Nam; Trường Nguyễn Thiện Thuật; Nhà văn hóa sinh viên thành phố.

­- Phường 2: 04 điểm, gồm Trường THCS Thăng Long; Trường Phan Đình Phùng; Chùa Phước Hòa; Công an phường.

­- Phường 3: 02 điểm, gồm chung cư 73 Cao Thắng; Trường tiểu học Nguyễn Sơn Hà.

­- Phường 4: 03 điểm, Trường THCS Bàn Cờ; Trường tiểu học Lê Trí Trực; Trường tiểu học Lương Định Của.

­- Phường 5: 05 điểm, gồm Trường Kiến Thiết; Trường Phan Văn Hân; Tòa nhà số 52 Cao Thắng; Tòa nhà 454 Nguyễn Thị Minh Khai; Tòa nhà 354 Nguyễn Thị Minh Khai.

­- Phường 6: 03 điểm, gồm Nhà thi đấu Phan Đình Phùng; Trường Lê Quý Đôn (cấp II); Trường Lê Quý Đôn (cấp III).

­- Phường 7: 05 điểm, gồm Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai; Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố; Chùa Vĩnh Nghiêm; Chùa Changtarangsay; Cư xá Thanh niên.

­- Phường 8: 09 điểm, gồm Nhà thờ Tân Định; Trường HTCS Hai Bà Trưng; Trường Cán Bộ thành phố; Viện Pasteur; Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn; Trường THPT Nguyễn Thị Diệu; UBND phường 8; Trường chuyên biệt Tương Lai; Văn phòng II TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

­- Phường 9: 05 điểm, gồm Trường tiểu học Kỳ Đồng; Nhà thờ Dòng chúa Cứu thế; UBND phường 9; Công an phường 9; Trung tâm giáo dục thường xuyên Quận.

­- Phường 10: 08 điểm, gồm Cao ốc Savimex; Trường Nguyễn Việt Hồng; Tu viện Mến Thánh Giá; Rạp Thanh Vân; Tuần báo Công Giáo; Chùa Vạn Quốc; Chùa Trung Hòa; Ủy ban nhân dân phường 10.

­- Phường 11: 03 điểm, gồm Trường tiểu học Trần Văn Đang; Trường THPT Lương Thế Vinh; Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo.

­- Phường 12: 06 điểm, gồm Chung cư SREC; Trường THCS Đoàn Thị Điểm; Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo; Nhà thờ Vườn Xoài; Nhà thờ Bùi Phát; Ủy ban nhân dân phường 12.

­- Phường 13: 03 điểm, gồm Trường Trương Quyền; Nhà văn hóa phường; Khách sạn RAMANA.

­- Phường 14: 02 điểm, gồm Trường Đại học sư phạm; Nhà văn hóa phường.

16. Quận 4:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 12 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm - khu vực cù lao Nguyễn Kiệu.

­- Phường 2: 01 điểm - khu vực dọc rạch Cầu Dừa thuộc công viên Hồ Khánh Hội.

­- Phường 3: 01 điểm - khu vực dọc tuyến đường Tôn Thất Thuyết.

­- Phường 4: 01 điểm - chung cư Tôn Thất Thuyết (lô A, lô B, lô C).

­- Phường 5: 01 điểm - cư xá Vĩnh Hội (lô A, lô B, lô C, lô D, lô F).

­- Phường 6: 01 điểm, gồm chung cư Vĩnh Hội (lô A, lô B, lô C).

­- Phường 8: 01 điểm - cư xá Vĩnh Hội (lô R, lô S, lô T, lô V, lô U).

­- Phường 9: 01 điểm - cư xá Vĩnh Hội (lô O).

­- Phường 12: 01 điểm – khu vực khu dân cư phường 12

­- Phường 13: 01 điểm - chung cư Trúc Giang.

­- Phường 15: 01 điểm - gồm khu vực ven sông đường Tôn Thất Thuyết.

­- Phường 18: 01 điểm - khu vực ven sông đường Tôn Thất Thuyết.

­ Chợ Xóm Chiếu

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 21 điểm.

­- Phường 1: 04 điểm, gồm Ủy ban nhân dân phường 1; Chung cư Vạn Đô; chung cư 360 Khánh Hội I+II; chung cư M1.

­- Phường 2: 02 điểm, gồm Trường THCS Nguyễn Huệ 2; Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

­- Phường 3: 02 điểm, gồm Trường PTTH Nguyễn Hữu Thọ; Trường THCS Quang Trung.

­- Phường 4: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Vĩnh Hội; Trường Hướng nghiệp Kỹ thuật.

­- Phường 5: 03 điểm, gồm Trường Đặng Trần Côn, Chùa Long Bửu đường Khánh Hội; Thánh Cao Đài.

­- Phường 6: 02 điểm, gồm chung cư H3 đường Hoàng Diệu; Trường Tiểu học Lý Nhơn.

­- Phường 8: 01 điểm - Trường THCS Vân Đồn.

­- Phường 9: 02 điểm, Trạm y tế phường 9; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.

­- Phường 12: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Bạch Đằng và Trường phổ thông Trung học Nguyễn Hữu Thọ.

­- Phường 15: 04 điểm, gồm Trường tiểu học Đống Đa; Trường Tăng Bạt Hổ A; Trường Tăng Bạt Hổ B; Chùa Linh Bửu.

­- Phường 18: 02 điểm, gồm Trường trung học cơ sở Khánh Hội A; Trường Trung học Nguyễn Trãi.

­ Chợ Xóm Chiếu: 01 điểm - Cao ốc Đinh Lễ

17. Quận 5:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 4 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm - Khu dân cư đường Cao Đạt.

­- Phường 10: 01 điểm - Khu dân cư đường Châu Văn Liêm.

­- Phường 11: 01 điểm - Khu dân cư đường Lão Tử.

­- Phường 13: 01 điểm - Khu dân cư ven rạch Hàng Bàng.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 7 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm - Trường Tiểu học Hàm Tử.

­- Phường 4: 01 điểm - Trường Thực nghiệm Sư phạm.

­- Phường 6: 01 điểm - Trường THCS Kim Đồng.

­- Phường 9: 01 điểm - Trường THPT Trần Khai Nguyên.

­- Phường 12: 02 điểm, gồm Trường THCS Hồng Bàng, Trường THPT Hùng Vương.

­- Phường 13: 01 điểm – Trường Tiểu học Lê Đình Chính.

18. Quận 6:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 17 điểm.

­- Phường 1: 02 điểm, gồm khu nhà lụp xụp, trệt gác gỗ tại khu phố 1; khu phố 5.

­- Phường 2: 01 điểm - khu dân cư ven kênh Hành Bàng.

­- Phường 3: 01 điểm - chung cư Gia Phú 489-509.

­- Phường 4: 02 điểm - chung cư 127; khu vực Phạm Phú Thứ - Bình Tiên.

­- Phường 5: 01 điểm - khu dân cư ven kênh Hàng Bàng

­- Phường 6: 03 điểm, gồm chung cư 73/18G Hồng Bàng; chung cư 218 Minh Phụng; chung cư 73 Hùng Vương.

­- Phường 9: 01 điểm - hẻm 486 Bến Phú Lâm.

­- Phường 10: 01 điểm - khu nhà thuộc tổ dân phố 12, 13, 14, 15, 17, 19, 20.

­- Phường 11: 01 điểm - khu nhà cấp 4 thuộc tổ 4, tổ 16, tổ 28, tổ 29, tổ 30, tổ 31, tổ 54, tổ 55.

­- Phường 13: 02 điểm, gồm khu nhà cấp 4 - mái tole tại khu phố 3; khu phố 5.

­- Phường 14: 02 điểm, gồm khu nhà cấp 4 - mái tole (thôn đoàn kết 183 Tân Hòa Đông); khu vực ven rạch Bầu Trâu.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 34 điểm.

­- Phường 1: 04 điểm, gồm Trường THCS Bình Tây; Trường THCS Phạm Đình Hổ; Trường Tiểu học Nguyễn Huệ; Trường Nguyễn Thiện Thuật.

­- Phường 2: 01 điểm - Trường Tiểu học Mai Xuân Thưởng.

­- Phường 3: 01 điểm - Trường Tiểu học Kim Đồng.

­- Phường 4: 01 điểm - Trường Tiểu học Nhật Tảo.

­- Phường 5: 02 điểm, gồm Trường Bình Tiên; Châu Văn Liêm.

­- Phường 6: 02 điểm, gồm Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh; Trường Võ Văn Tần.

­- Phường 7: 02 điểm, gồm Công ty Đông lạnh 3; Công ty bao bì kho bãi Bình Tây.

­- Phường 8: 03 điểm, gồm - Trường THCS Văn Thân; Trường TH Phạm Văn Chí; Trường THCS Hùng Vương.

­- Phường 9: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Lê Văn Tám; chùa Tuyền Lâm; chùa Phước Long.

­- Phường 10: 04 điểm, gồm Trường THPT Bình Phú; Trường TH Phú Định; chùa Hưng Minh Tự; khu TDTT phường 10.

­- Phường 11: 05 điểm, gồm Trường THCS Nguyễn Văn Luông; Trường Bán công Lam Sơn; Trường Tiểu học bán trú Phù Đổng; Trường TH Kỹ thuật Nghiệp vụ Phú Lâm; Trường THPT Nguyễn Tất Thành.

­- Phương 12: 02 điểm, gồm Trường Lam Sơn 1; Trường Giao thông vận tải.

­- Phường 13: 01 điểm - Trường Him Lam.

­- Phường 14: 03 điểm, gồm Trường THPT Mạc Đĩnh Chi; Trường Tiểu học công lập Phú Lâm; Trường THCS Đoàn kết.

19. Quận 7:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 30 điểm.

­- Phường Phú Mỹ: 02 điểm, gồm các hộ dân sống ven sông Phú Xuân khu phố 2 (tổ 15, tổ 18); khu dân cư tổ 32, khu phố 3.

­- Phường Phú Thuận: 05 điểm, gồm khu vực Mũi Đèn Đỏ; rạch Tam Đệ; bến đò cảng rau quả khu phố 1; bến đò cảng dầu thực vật khu phố 2; bến đò Cửa khẩu Biên phòng khu phố 4.

­- Phường Tân Thuận Tây: 04 điểm, gồm khu dân cư khu phố 1 (tổ 1, tổ 4, tổ 5); khu phố 2 (tổ 13, tổ 14, tổ 15); khu vực dưới cầu Tân Thuận 1 tổ 8 - khu phố 3; khu vực dọc theo rạch Bần Đôn khu phố 4 (tổ 12, 13, 14, 15 và 16).

­- Phường Tân Thuận Đông: 05 điểm, gồm khu vực dọc kênh Tẻ; khu vực sông cầu kênh; rạch Bến Ngựa; rạch Ông Chồn; bến đò ngang tại chợ Tân Thuận qua phường An Lợi Đông, quận 2.

­- Phường Tân Phong: 05 điểm, gồm khu vực ven rạch Đĩa – rạch Tư Dinh (khu phố 1); khu vực ven đập Bến Sao – rạch Thầy Tiêu (khu phố 2); khu vực ven rạch Bàng – đường Lê Văn Lương; khu vực ven sông Ông Lớn; khu vực ven sông Ông Lớn – rạch Đĩa.

­- Phường Tân Kiểng: 03 điểm, gồm khu vực ven kênh Tẻ; khu nhà ven sông Tân; khu vực Bến đò.

­- Phường Bình Thuận: 02 điểm, gồm khu vực ven ao cá Hương Tràm thuộc khu phố 1, khu phố 2, khu vực ven rạch Bần Đồn thuộc khu phố 3A, khu phố 4, khu phố 4A, khu phố 5.

­- Phường Tân Hưng: 04 điểm, gồm khu vực ven kênh Tẻ, khu vực ven sông Ông Lớn, khu vực ven rạch Bàng, khu vực ven rạch Ấp Chiến lược.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 32 điểm.

­- Phường Phú Mỹ: 05 điểm, gồm Trường Ngô Quyền; Trường Tiểu học Phú Mỹ 3; Trạm Y tế phường; Trường Hoàng Quốc Việt; Trung tâm Văn hóa - CS1.

­- Phường Phú Thuận: 02 điểm, gồm Trường Lê Anh Xuân; Trường Nguyễn Văn Hưởng.

­- Phường Bình Thuận: 04 điểm, gồm Trường TH KT và Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh; Trường THCS Huỳnh Tấn Phát; Trường Nguyễn Hiền; Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định.

­- Phường Tân Thuận Tây: 04 điểm, gồm Liên đoàn Lao động quận; Trường Kim Đồng; Trường Đặng Thùy Trâm; Chùa Thiên Hậu.

­- Phường Tân Thuận Đông: 04 điểm, gồm Trường Trần Quốc Toản; Trường Tiểu học Tân Thuận; khu lưu trú khu chế xuất Tân Thuận; Trường 19/5.

­- Phường Tân Phong: 02 điểm, Trường PTTH Tân Phong; Trường THCS Nguyễn Thị Thập.

­- Phường Tân Kiểng: 05 điểm, gồm Trường Trần Quốc Tuấn; Trường Lê Thánh Tôn; Trường Lương Thế Vinh; Trường Nguyễn Hữu Thọ; Trường Phan Huy Thực.

­- Phường Tân Hưng: 06 điểm, gồm Chung cư Tân Hưng; Xí nghiệp Nexim – chân cầu rạch Ông; Trường Lê Quí Đôn; trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Chung cư Hoàng Anh; trụ sở Ban Quản lý Dự án đường thủy.

20. Quận 8:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 31 điểm.

­- Phường 1: 01 điểm - khu dân cư ven rạch Ông Lớn khu phố 1 (tổ 6, tổ 7).

­- Phường 2: 02 điểm, gồm khu dân cư ven sông Kênh Đôi khu phố 1; ven sông Kênh Xáng khu phố 7.

­- Phường 3: 01 điểm - khu dân cư ven rạch Du.

­- Phường 4: 02 điểm, gồm khu vực ven sông Kênh Đôi khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3, khu phố 5; chung cư Phạm Thế Hiển (lô A, lô B, lô C).

­- Phường 5: 01 điểm - khu vực ven rạch Hiệp Ân khu phố 3 (tổ 30, tổ 38).

­- Phường 6: 02 điểm, gồm khu vực ven rạch Bà Tàng; Hẻm 2385 đường Phạm Thế Hiển

­- Phường 7: 02 điểm, gồm khu vực ven rạch Bà Tàng khu phố 1 (tổ 1, tổ 2); khu vực ven sông Cần Giuộc thuộc tổ 60 - khu phố 5, tổ 65 - khu phố 6.

­- Phường 8: 01 điểm - khu vực ven sông Kênh Đôi khu phố 1.

­- Phường 9: 01 điểm - khu vực ven sông Kênh Đôi khu phố 2, khu phố 3, khu phố 4.

­- Phường 10: 01 điểm – khu vực bến Ụ Cây.

­ - Phường 11: 05 điểm, gồm khu vực ven rạch Ụ Cây khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3; kho 152, 115-117 Bến Xóm Củi; kho 165 Phong Phú; kho 132 Ưu Long.

­- Phường 12: 02 điểm, gồm chung cư Phong Phú khu phố 1; khu vực ven Kênh Đôi khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3.

­- Phường 13: 03 điểm, gồm chung cư Bình Đông; nhà tập thể số 120 - 122 Tuy Lý Vương; nhà tập thể 515 Bình Đông.

­- Phường 14: 05 điểm, gồm khu vực ven sông Kênh Đôi khu phố 1 (tổ 11, tổ 13); khu phố 2 (tổ 15, tổ 17, tổ 18, tổ 19); khu phố 3 (tổ 40, tổ 44); khu phố 4 (tổ 65, tổ 67); khu phố 5 (tổ 71, tổ 72, tổ 73).

­- Phường 16: 02 điểm, gồm khu vực ven kênh Tàu Hủ khu phố 3 (tổ 25, tổ 26, tổ 27, tổ 28, tổ 29); khu vực ven rạch Ruột Ngựa khu phố 1 (tổ 1, tổ 2, tổ 3, tổ 4, tổ 5, tổ 6, tổ 7, tổ 8).

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 49 điểm.

­- Phường 1: 02 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Nguyễn Trực.

­- Phường 2: 02 điểm, gồm Trường THCS Dương Bá Trạc; Trường THCS Rạch Ông.

­- Phường 3: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Âu Dương Lân; Trường Trung học Khánh Bình.

­- Phường 4: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông; Trường PTTH Lương Văn Can; Hội trường Bồn nước.

­- Phường 5: 05 điểm, gồm Trường Tiểu học Bông Sao; Trường THCS Chánh Hưng; Trường THCS Bông Sao A; Trường PTTH Tạ Quang Bửu;.

­- Phường 6: 02 điểm, gồm kho Công ty Nông lương 2225 Phạm Thế Hiển; Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu.

­- Phường 7: 03 điểm, gồm Trường Tiểu học Bình An; Trường Tiểu học Trung Ngạn; Hội trường Trung tâm Thương mại Bình Điền.

­- Phường 8: 02 điểm, gồm Trường THCS Trần Danh Lâm; Trường Trung học Trần Danh Ninh.

­- Phường 9: 03 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Hưng Phú A; Trường Ba Đình.

­- Phương 10: 02 điểm, gồm Trường Tiểu học Đinh Công Tráng; Trường Tiểu học Hưng Phú.

­- Phường 11: 02 điểm, gồm kho 99 Bến Bình Đông; kho 281 Bến Bình Đông.

­- Phường 12: 06 điểm, gồm Công ty May Hữu Nghị; Công ty May Hòa Bình; trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Nhà văn hóa phường; Trường Tùng THCS Thiện Vương; Trường Tiểu học Tuy Lý Vương.

­- Phường 13: 06 điểm, gồm đình Vĩnh Hội; Trường Tiểu học Trần Nguyên Hãn; kho 56 Nguyễn Văn Của; kho 58 - 60 Tuy Lý Vương; chùa Chung Đức Thiện Đường; kho 27 Nguyễn Chế Nghĩa.

­- Phường 14: 03 điểm, gồm Trường Hồng Đức; kho bột mì Bình Đông; kho 1458 Hoài Thanh.

­- Phường 15: 03 điểm, gồm Trường TH Công nghệ Lương thực thực phẩm TW2; Trường PHTH Ngô Gia Tự; Trường THCS Nguyễn Nhược Thị.

­- Phường 16: 03 điểm, gồm Trường PTTH Nguyễn Thị Định; Trường Bình Đông; Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ.

21. Quận 9:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 4 điểm.

­- Phường Long Bình: 01 điểm - khu vực tại vàm Long Đại.

­- Phường Long Phước: 03 điểm, gồm khu vực ấp Long Đại (từ vàm Long Đại đến rạch Bà Kỳ); ấp Lân Ngoài (từ rạch Bà Kỳ đến rạch Giáng); ấp Trường Khánh (từ rạch Mương đến ngã 3 sông Tắc - phía hạ lưu).

­ b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 5 điểm.

­- Phường Long Bình: 01 điểm - trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường Phước Long: 04 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trạm y tế phường; Nhà văn hóa phường; Trường PTCS Long Phước

22. Quận 10:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 03 điểm.

­- Phường 3: 01 điểm – Lô F chung cư Ngô Gia Tự .

­- Phường 12: 01 điểm – Tuyến đường 3 tháng 2 (từ công trường Dân chủ đến ngã tư 3 tháng 2 – Thành Thái.

­- Phường 14: 01 điểm - Tuyến đường 3 tháng 2 (từ ngã tư 3 tháng 2 đến Thành Thái – Lý Thường Kiệt).

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 2 điểm.

­- Phường 12: 01 điểm – Trung tâm TDTT lực lượng vũ trang thành phố (Hồ Kỳ Hòa).

­- Phường 15: 01 điểm – Công viên văn hóa Lê Thị Riêng.

23. Quận 11:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 4 điểm.

- Phường 2: 01 điểm – Cư xá Điện lực Minh Phụng;

- Phường 3: 01 điểm – khu dân cư ven kênh Tấn Hóa;

- Phường 7: 01 điểm – khu chung cư Lý Thường Kiệt (lô B, D, J);

- Phường 15: 01 điểm – chung cư 162 Nguyễn Thị Nhỏ;

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 1 điểm – Khu vực trường đua Phú Thọ.

24. Quận 12:

a. Các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân: 23 điểm.

­- Phường An Phú Đông: 06 điểm, gồm khu dân cư ven sông Vàm Thuật tổ 26, tổ 27; rạch Sáu Trình tổ 31; rạch Thầy Bảo tổ 38; rạch Gia tổ 22, khu vực sông Sài Gòn – tổ 17, khu vực sông Vàm Thuật – khu phố 1.

­- Phường Thạnh Lộc: 08 điểm, gồm khu dân cư ven sông Sài Gòn; rạch Trùm Bích; rạch Quản; rạch Ông Đụng; rạch Giao Khẩu; rạch Ba Thôn; rạch Cầu Võng; rạch Tư Củi.

­- Phường Thạnh Xuân: 08 điểm, gồm khu dân cư ven rạch Hai Ức; rạch Ông Dầm; rạch Thầy Quyền; rạch Cả Bốn; rạch Đá Hàn; rạch Cầu số 3; rạch Rỗng Hầm; rạch Sơ Rơ - Rỗng Tùng.

­- Phường Thới An: 01 điểm - khu vực sông Đá Hàn – khu phố 1.

b. Các vị trí an toàn, kiên cố để đưa người dân di dời, sơ tán đến tạm cư: 40 điểm.

­- Phường An Phú Đông: 02 điểm, gồm Trường THCS An Phú Đông; Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu.

­- Phường Thạnh Lộc: 03 điểm, gồm Trường Cao đẳng Điện Lực 2; Trường TH Thạnh Lộc; Bến xe Công ty Vận tải Bến bãi thành phố.

­- Phường Thạnh Xuân: 05 điểm, gồm khách sạn Thạnh Xuân; khách sạn Xuân Lộc; khách sạn Hoa Hải Hà; Trường Trung học Thạnh Xuân.

­- Phường Thới An: 04 điểm, gồm Công ty TNHH SX - TM Âu Lạc; kho Bia Sài Gòn; khu nhà của Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận; Trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường Tân Thới Hiệp: 01 điểm - Nhà văn hóa phường.

­- Phường Tân Hưng Thuận: 02 điểm, gồm Trường PTTH Trường Chinh; trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường Trung Mỹ Tây: 09 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường THCS Trung Mỹ Tây 2; Trường Trung học GTTC; Công ty TNHH Phương Khoa; Công ty TNHH B và O; Trường Tiểu học Quang Trung; Trung tâm Văn hóa quận; Trung tâm TDTT quận; Công ty Giày An Giang.

­- Phường Hiệp Thành: 02 điểm, gồm Trường TH Hiệp Thành; Trụ sở Ủy ban nhân dân phường.

­- Phường Đông Hưng Thuận: 07 điểm, gồm trụ sở Ủy ban nhân dân phường; Trường Tiểu học Đông Hưng Thuận 1 và 2; Trường THCS Phan Bội Châu; chùa Tân Thành; chùa Long Thành; chùa Thiên Minh; giáo xứ Chợ Cầu.

­- Phường Tân Thới Nhất: 04 điểm, gồm Khách sạn Xuân Hoa; Khách sạn Kim Mỹ; Công ty TNHH Phương Đông; Khách sạn Thiên Đàn.

­- Phường Tân Chánh Hiệp: 1 điểm – Nhà Văn hóa phường.

 

PHỤ LỤC III

CÁC VỊ TRÍ CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5208/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

TT

Khu vực sạt lở

Chiều dài (m)

Chiều rộng (m)

Cấp độ sạt lở

Ghi chú

I

Huyện Củ Chi

 

 

 

 

1

Sông Sài Gòn, bờ phải khu vực hạ lưu cầu Bến Súc cách Cầu Bến Súc khoảng 700m Ấp Phú Hiệp, Xã Phú Mỹ Hưng.

100

15

Đặc biệt nguy hiểm

- Không có dân cư sinh sống

- Đang thi công hệ thống đê bao.

- Khu đang tiến hành cắm biển cảnh báo sạt lở.

- Sạt lở ảnh hưởng sát chân đê bao

2

Sông Sài Gòn, bờ phải khu vực hạ lưu cầu Bến Súc cách Cầu Bến Súc khoảng 2000m Ấp Phú Hiệp, Xã Phú Mỹ Hưng.

100

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Không có dân cư sinh sống

- Đang thi công hệ thống đê bao.

- Khu đang tiến hành cắm biển cảnh báo sạt lở.

- Sạt lở ảnh hưởng sát chân đê bao

3

Sông Sài Gòn, bờ phải, khu vực Ấp Xóm Thuốc, xã An Phú.

50

20

Đặc biệt nguy hiểm

- Không có dân cư sinh sống

- Đang thi công hệ thống đê bao.

- Khu đang tiến hành cắm biển cảnh báo sạt lở.

- Sạt lở ảnh hưởng sát chân đê bao

II

Quận 12

 

 

 

 

4

Sông Vàm Thuật, khu phố 1, phường An Phú Đông.

500

5

Nguy hiểm

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

- Đã có hệ thống đê bao (cách đê bao 10m)

- Còn 4 hộ dân nằm sát bờ sông .

III

Quận Thủ Đức

 

 

 

 

5

Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực công ty may Sài Gòn 3, phường Hiệp Bình Phước

250

5

Nguy hiểm

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

- Sạt lở một đoạn bờ 50m năm 2014

6

Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực nhà thờ Fatima, phường Hiệp Bình Chánh

300

10

Nguy hiểm

- Nhà thờ Fatima.

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

7

Sông Sài Gòn, bờ trái, thượng lưu ngã 3 rạch Gò Dưa - 50m, đến ngã 3 rạch Gò Dưa, phường Hiệp Bình Chánh.

50

10

Bình thường

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở

- Doanh nghiệp đã tự gia cố khắc phục bằng cừ tràm.

8

Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực ký túc xá Đại học Mỹ thuật, phường Hiệp Bình Chánh.

150

5

Đặc biệt nguy hiểm

- Khu đang tiến hành cắm biển cảnh báo sạt lở.

- Xảy ra sạt lở năm 2014.

9

Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực đình Bình Phước, ngã ba rạch Vĩnh Bình - sông Sài Gòn, KP1, phường Hiệp Bình Phước.

250

10

Nguy hiểm

- Đây là khu dân cư tập trung.

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

- Xảy ra sạt lở năm 2014

10

Bờ trái sông Sài Gòn, cuối đường số 7, KP5, phường hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức(cách cầu Bình Phước khoảng 1000m về phía hạ lưu).

100

40

Đặc biệt Nguy hiểm

- Đây là khu vực tập trung dân cư

- Đang lắp đặt báo hiệu sạt lở

- Đã xảy ra sạt lở ngày 1/7/2015 làm 01 căn nhà bị trôi xuống sông, 2 căn khác bị ảnh hưởng cùng nhiều vật dụng bị trôi xuống sông và có khả năng tiếp tục sạt lở.

IV

Quận Bình Thạnh

 

 

 

 

IV.1

Sông Sài Gòn, bờ phải, khu vực bán đảo Thanh Đa

 

 

 

 

11

Sông Sài Gòn - khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine

2.797

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu dân cư tập trung (khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine).

- Sạt lở 2002, 2004, 2011, 2014.

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

12

Sông Sài Gòn, Bình Quới - Cây Bàng - rạch Chùa.

4.270

10

Nguy hiểm

- Đây là khu dân cư tập trung.

- Sạt lở 2000, 2004.

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

13

Sông Sài Gòn, khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ Lasan Mai Thôn

2.772

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Khu dân cư tập trung (khu vực biệt thự Lý Hoàng).

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

IV.2

Kênh Thanh Đa

 

 

 

 

14

Đoạn 1.4 từ thượng lưu cầu Kênh Thanh Đa đến bờ kè Công Đoàn, P.27

447

15

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu dân cư tập trung.

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở .

- Dự án chưa thể tiếp tục thi công do địa phương chưa thực hiện xong công tác GPMB

V

Quận 2

 

 

 

 

15

Sông Sài Gòn, bờ trái, đối diện nhà 16/5 đến 16/13 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền.

350

10

Nguy hiểm

- Đây là khu dân cư tập trung (còn 8 nhà 3 tầng ở cách bờ sông 10 m)

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

16

Rạch Giồng Ông Tố, bờ phải, thượng và hạ lưu cầu Giồng Ông Tố 1, phường An Phú

100 x 2 bên cầu

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu dân cư tập trung

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở

17

Rạch Giồng Ông Tố, bờ trái, thượng và hạ lưu cầu Giồng Ông Tố 1, phường Bình Trưng Tây

10

- Đây là khu dân cư tập trung

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở

18

Sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500m, phường Bình An.

100

10

Nguy hiểm

- Đây là khu dân cư tập trung.

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở .

 

VI

Quận 8

 

 

 

 

19

Kênh Tàu Hủ-Lò Gốm, trước kho 277- 289, Bến Bình Đông, phường 14.

100

3

Nguy hiểm

- Khu vực tập trung dân cư

- Trước khu vực này có đường Bến Bình Đông

20

Kênh Tàu Hủ-Lò Gốm, trước Chùa Long Hoa, Bến Bình Đông, phường 15.

200

2

Đặc biệt Nguy hiểm

- Khu vực tập trung dân cư

- Trước khu vực này có đường Bến Bình Đông và 01 ngôi chùa.

VII

Huyện Bình Chánh

 

 

 

 

21

Rạch Xóm Củi, bờ trái, thượng lưu cầu Xóm Củi +100m, xã Bình Hưng.

400

20

Đặc biệt nguy hiểm

Đây là khu dân cư tập trung (có 25 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm cần di dời khẩn cấp).

 

22

Kênh Xáng Lý Văn Mạnh, bờ phải, hạ lưu cầu Cái Tâm đến ngã 3 sông Chợ Đệm Bến Lức, qua bờ hữu ngã 3 sông Chợ Đệm Bến Lức về hạ lưu 100 m, xã Tân Nhựt.

300

15

Đặc biệt nguy hiểm

- Còn 1 miếu bà và nhà ven sông.

- Sạt lở tháng 7/2009, 5/2014.

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

- Hiện nay UBND huyện Bình Chánh đang thực hiện công tác GPMB nên Khu chưa triển khai thi công.

23

Sông Chợ Đệm Bến Lức, bờ phải, km 21+100- km 21+450, xã Tân Nhựt (gần bến đò Tân Nhựt), xã Tân Nhựt

350

10

Nguy hiểm

- Có nhiều nhà dân nằm dọc theo bờ sông.

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở

VIII

Huyện Nhà Bè

 

 

 

 

VIII.1

Kênh Cây Khô

 

 

 

 

24

Kênh Cây Khô (ngã ba kênh Cây Khô- Tắc Bến Rô) vòng qua Tắc Bến Rô, cách cầu Tắc Bến Rô 100m, xã Phước Lộc

250

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu dân cư tập trung (có nhiều nhà dân sống sát mép bờ cao rạch, gần cầu Tắc Bến Rô).

- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt lở.

- Đã xảy ra sạt lở vào ngày 31/12/ 2011.

VIII.2

Rạch Ông Lớn 2:

 

 

 

 

25

Bờ trái, cầu Phước Lộc về phía hạ lưu +200m, xã Phước Kiển.

100

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Có đường nông thôn sát bờ, 4 hộ dân và 1 khu nhà trọ sát mép bờ

- Đã lắp báo hiệu cảnh báo sạt lở

 

26

Bờ phải, thượng lưu cầu Phước Lộc

247

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu vực tập trung dân cư.

- Đã lắp báo hiệu cảnh báo sạt lở.

- Dự án triển khai chậm do vướng GPMB.

27

Rạch Ông Lớn 2, bờ phải , hạ lưu cầu Phước Lộc, xã Phước Lộc

150

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Khu vực tập trung dân cư.

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

VIII.3

Sông Phước Kiển:

 

 

 

 

28

Bờ trái từ cầu Long Kiển về thượng lưu 100m, về hạ lưu 630m

730

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Khu vực có nhiều cụm dân cư sát bờ sông (không chấp thuận di dời).

- Đã lắp báo hiệu cảnh báo sạt lở.

29

Bờ phải từ cầu Long Kiển về thượng lưu 146m

146

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Còn nhiều cụm dân cư sát bờ sông.

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

- Dự án triển khai chậm do vướng GPMB.

VIII.4

Rạch Tôm (nhánh Phú Xuân)

 

 

 

 

30

Bờ trái, đầu vàm Phú Xuân đến hạ lưu + 1000m, TT. Nhà Bè.

150

10

Nguy hiểm

- Đây là khu vực tập trung dân cư có nguy cơ sạt lở cao, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực.

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

- Sạt lở năm 2011,2012, 2013.

31

Bờ phải, thượng lưu , đầu kè Bộ Công An

350

10

Đặc biệt nguy hiểm

Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

VIII.5

Sông Mương Chuối

 

 

 

 

32

Bờ phải, ngã 3 rạch Bà Chiêm - sông Mương Chuối về thượng lưu, xã Nhơn Đức.

650

15

Đặc biệt nguy hiểm

- Cách khoảng 20m đến hộ dân.

- Đã lắp đặt báo hiệu cảnh báo sạt lở

- Xảy ra sạt lở nghiêm trọng vào ngày 22/5/2015

VIII.6

Rạch Giồng

 

 

 

 

33

Bờ trái, thượng lưu ngã 3 Kinh Lộ - Tắc Mương lớn, xã Hiệp Phước

1.000

10

Đặc biệt nguy hiểm

- 200m gần cầu Kênh Lộ có 15 hộ dân, cách bờ 10m.

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

- Sạt lở năm 2012, 2014.

34

Bờ phải, thượng lưu ngã 3 Kinh Lộ - Tắc Mương Lớn, xã Hiệp Phước,

1.000

20

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu vực tập trung dân cư.

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

- Sạt lở năm 2012, 2013 .

35

Rạch Giồng, bờ phải , cách ngã ba rạch Giồng - Kinh Lộ 600m về hạ lưu, ấp 3, xã Hiệp Phước

100

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu vực tập trung dân cư.

- Đã lắp đặt báo hiệu sạt lở

- Đã xảy ra sạt lở ngày 4/7/2015.

VIII.7

Tắc Mương Lớn

 

 

 

 

36

Bờ phải, thượng lưu cầu Trạm Xá - 80m đến - 130m, xã Hiệp Phước.

400

15

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu vực tập trung dân cư sinh sống sát bờ sông.

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

- Xảy ra sạt lở vào ngày 19/6/2015.

37

Bờ trái, thượng lưu cầu Trạm Xá

400

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Khu vực tập trung dân cư

- Xảy ra sạt lở 2 lần vào năm 2014.

VIII.8

Rạch Dơi - sông Kinh

 

 

 

 

38

Bờ trái Rạch Dơi - Sông Kinh tổ 12, ấp 2 , xã Long Thới.

100

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Đây là khu vực tập trung dân cư.

- Đang lắp đặt báo hiệu sạt lở.

- Đã xảy ra sạt lở ngày 11/7/2015 .

VIII.9

Rạch Giồng Chồn

 

 

 

 

39

Bờ phải, thượng lưu ngã 3 Kinh Lộ - 50m đến ngã 3 Kinh Lộ, xã Hiệp Phước.

50

15

Nguy hiểm

- Khu vực tập trung dân cư

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

- Sạt lở 30/5/2013 .

IX

Huyện Cần Giờ

 

 

 

 

40

Tắc Sông Chà, bờ trái từ ngã ba rạch Tân-Tắc Sông Chà đến rạch thoát nước

300

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Khu vực tập trung dân cư sinh sống.

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

41

Tắc Sông Chà, bờ phải, giao với sông Soài Rạp về hạ lưu Tắc Sông Chà

581

10

Đặc biệt nguy hiểm

- Khu vực tập trung dân cư.

- Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

42

Kênh Bà Tổng, bờ trái, cách cầu An Nghĩa 300m về phía thượng lưu, xã An Thới Đông.

100

10

Đặc biệt nguy hiểm

Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

43

Kênh Bà Tổng, bờ phải, kè ấp An Hòa đến ngã 3 sông Soài Rạp, xã An Thới Đông.

100

10

Đặc biệt nguy hiểm

Đã lắp BH cảnh báo sạt lở.

44

Tắc An Nghĩa, bờ trái, hạ lưu cầu An Nghĩa 100m, xã An Thới Đông.

100

15

Nguy hiểm

Đã lắp BH cảnh báo sạt lở

 

PHỤ LỤC IV

LỰC LƯỢNG DỰ KIẾN HUY ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5208/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

STT

LỰC LƯỢNG

THÀNH PHỐ

QUẬN, HUYỆN

PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN

TỔNG CỘNG

1

Quân sự

360

2.856

3.220

6.436

2

Bộ đội Biên phòng

400

 

 

400

3

Công an

100

2.000

600

2.700

4

Cảnh sát PCCC

1.000

 

 

1.000

5

Y tế

500

1.100

 

1.600

6

Hội Chữ thập đỏ

100

900

 

1.000

7

Doanh nghiệp Công ích

 

1.000

 

1.000

8

Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị

400

 

 

400

9

Công ty TNHH MTV QL KT dịch vụ Thủy lợi

200

 

 

200

10

Thanh niên xung phong

800

 

 

800

11

Dân quân, Thanh niên xung kích

 

 

5.900

5.900

12

Lực lượng khác

 

1.500

6.300

7.800

Tổng cộng các lực lượng

3.860

9.356

16.020

29.236

 

PHỤ LỤC V

PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ DỰ KIẾN HUY ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5208/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

STT

DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ

ĐƠN VỊ

SỞ - NGÀNH, ĐƠN VỊ

QUẬN, HUYỆN

TỔNG CỘNG

1

Xe tải các loại

chiếc

349

46

395

2

Xe cứu thương

chiếc

29

27

56

3

Xe mô tô

chiếc

 

8

8

4

Xe lăn

chiếc

 

12

12

5

Xe chuyên dùng các loại

chiếc

28

55

83

6

Ca nô

chiếc

53

40

93

7

Tàu TKCN các loại

chiếc

19

6

25

8

Tàu kéo

chiếc

2

 

2

9

Ghe cứu hộ

chiếc

10

28

38

10

Xuồng máy các loại

chiếc

19

14

33

11

Phà

chiếc

24

2

26

12

Xà lan

chiếc

1

 

1

13

Trạm bơm

trạm

28

 

28

14

Máy bơm

máy

215

67

282

15

Máy bộ đàm

máy

514

313

827

16

Máy phát điện

máy

268

102

370

17

Cưa máy các loại

máy

130

167

297

18

Máy khoan cắt bê tông

máy

10

42

52

19

Phao tròn

cái

3.816

6.752

10.568

20

Phao bè

cái

183

103

286

21

Áo phao

cái

7.505

12.439

19.944

22

Áo phao 3 đai

cái

 

310

310

23

Phao dây

cái

9

78

87

24

Nệm phao cứu hộ

cái

7

10

17

25

Nhà bạt các loại

cái

153

144

297

26

Ống nhòm

cái

69

33

102

27

Súng bắn pháo hiệu

khẩu

10

 

10

28

Xà beng các loại

cái

222

459

681

29

Búa các loại

cái

226

544

770

30

Cuốc và xẻng

cái

838

3570

4408

31

Cưa tay

cái

69

192

261

32

Bộ đồ lặn

bộ

30

 

30

33

Bộ đồ chống cháy

bộ

10

 

10

34

Đèn chiếu sáng xách tay

cái

50

150

200

35

Loa pin cầm tay

cái

30

96

126

36

Thang xếp

cái

3

51

54

37

Dây thừng

m

100

10.640

10.740

38

Kềm cộng lực

cái

 

45

45

39

Bộ dây cứu hộ - cứu nạn chuyên dụng

bộ

 

2

2

40

Đèn pha

cái

 

5

5

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 5208/QĐ-UBND ngày 16/10/2015 về Phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.137

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.75.238
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!