ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 44/2017/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 06 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH "QUY ĐỊNH QUẢN LÝ KHAI THÁC CÁT, SỎI Ở BÃI BỒI VÀ LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn ban quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính
phủ Quy định về Phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 115/TTr-TNMT ngày
03 tháng 5 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Quản
lý khai thác cát, sỏi ở bãi bồi và lòng sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương,
Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý Khu kinh tế,
Công nghiệp tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cục trưởng Cục thuế tỉnh;
Thủ trưởng các cơ quan có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành
phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Tổng cục
Địa chất và Khoáng sản;
- Cục Kiểm tra Văn bản- Bộ
Tư pháp;
- TVTU, TTHĐND tỉnh:
- CT và các PCT UBND tỉnh:
- Cổng TTĐT
Thừa Thiên Huế;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu VT, TN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ KHAI THÁC CÁT, SỎI Ở BÃI BỒI VÀ LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA
THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định điều kiện khai
thác cát, sỏi ở bãi bồi và lòng sông; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và
các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động khai thác cát, sỏi ở bãi bồi và
lòng sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những nội dung không nêu tại Quy định
này được thực hiện theo Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật có
liên quan.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm
vụ quản lý nhà nước liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường trực thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế (gọi chung là UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
(gọi chung là UBND cấp xã) và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực
khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh;
Điều 2. Điều kiện
khai thác cát, sỏi ở bãi bồi và lòng sông
Các tổ chức, cá nhân được phép khai
thác cát, sỏi ở bãi bồi và lòng sông trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các điều kiện
sau:
1. Có Giấy phép khai thác cát, sỏi ở
bãi bồi và lòng sông do UBND tỉnh cấp.
2. Có thiết kế mỏ được lập, thẩm định,
phê duyệt theo quy định của Bộ Xây dựng và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Xây dựng và UBND cấp huyện nơi có giấy phép được cấp.
3. Tổ chức cắm mốc ranh giới mỏ tại
thực địa theo hồ sơ mốc ranh giới các điểm góc khu vực
khai thác do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp.
4. Thực hiện đăng ký ngày bắt đầu xây
dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp
huyện và UBND cấp xã nơi mỏ được cấp phép.
5. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường
lần đầu trong hoạt động khoáng sản tại Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế
theo quy định.
6. Có Giám đốc
điều hành mỏ đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Khoáng sản và thông
báo bằng văn bản về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý
của Giám đốc điều hành mỏ về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và
UBND cấp xã nơi giấy phép khai thác được cấp.
7. Xây dựng hoàn thành các công trình
xử lý môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường
hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận;
báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận theo quy định pháp luật
về bảo vệ môi trường.
8. Có bãi tập kết cát, sỏi hoặc có hợp
đồng với các tổ chức, cá nhân có các điểm tập kết, kinh doanh cát, sỏi được cấp
phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
9. Hoàn thành các nghĩa vụ về tài
chính theo quy định của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH QUẢN
LÝ, KHAI THÁC
Điều 3. Vị trí
và ranh giới, độ sâu, thời gian, phương thức khai thác
1. Vị trí, ranh giới và độ sâu khai
thác cát, sỏi được quy định cụ thể trong giấy phép khai thác được UBND tỉnh cấp.
- Khoanh vùng khai thác rõ ràng và
khai thác đúng diện tích, tọa độ được cấp phép, đảm bảo khai thác với khoảng
cách xa bờ đúng quy định của Luật đê điều.
2. Thời gian khai thác
Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy
phép khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi bồi chỉ được khai thác từ 6 giờ sáng đến
17 giờ hàng ngày.
3. Phương thức khai thác
Bằng phương pháp thủ công hoặc bằng phương thức khai thác cơ giới máy hút công suất thấp (<D24).
Điều 4. Công tác
bảo vệ môi trường.
- Trong quá trình khai thác cát, sỏi
nếu phát hiện sự cố có khả năng gây ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông thì phải dừng khai
thác và báo cáo với các cơ quan, đơn vị chức năng để nghiên cứu, xử lý.
- Để đảm bảo không xảy ra tình trạng bồi lắng lòng sông làm ảnh
hưởng đến dòng chảy và sạt lở bờ sông, yêu cầu phải khai thác đúng độ sâu cho
phép, tiến hành song song việc san gạt lòng sông trong quá trình khai thác đảm
bảo đúng yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế mỏ đã được cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Trong quá trình khai thác cát, sỏi
các đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung đã nêu trong báo cáo đánh giá tác
động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Định kỳ phải báo cáo
giám sát môi trường theo quy định.
- Việc khai thác cát sỏi và khoáng sản khác phải gắn với yêu cầu bảo đảm hành lang thoát
lũ của sông;
- Sau khi khai thác, phải cải tạo đảm
bảo cảnh quan khu vực khai thác;
Điều 5. Đảm bảo
trật tự xã hội, an toàn giao thông.
1. Đảm bảo trật tự xã hội.
- Ưu tiên tuyển
dụng các lao động là người dân địa phương để hạn chế những vấn đề xã hội phát sinh trên địa bàn hoạt động khai
thác.
- Khi xảy ra các xung đột về xã hội,
chủ dự án phải có phương án giải quyết phù hợp, nếu không giải quyết được phải
báo cáo với chính quyền địa phương để phối hợp giải quyết ổn thỏa, không để sự
việc kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội khu vực.
- Tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về mục đích và các lợi ích kinh tế xã hội
đem lại từ việc thực hiện dự án.
2. Đảm bảo an toàn giao thông.
- Bố trí các tuyến
vận chuyển hợp lý, tránh vận chuyển nhiều xe trong cùng một thời điểm gây tắc nghẽn giao thông, lắp đặt phao định vị tại khu vực
khai thác và không vận chuyển quá trọng tải quy định.
- Tuân thủ các quy định về an toàn
giao thông đường bộ và đường thủy.
- Tất cả các phương tiện, thiết bị phục
vụ việc khai thác và vận chuyển cát sỏi phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định về
mức độ an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm
của các cơ quan, đơn vị
1. Sở Tài nguyên
và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng và trình Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật, quy định của Nhà nước về quản lý, hoạt động khai thác cát, sỏi bãi bồi
và lòng sông trên địa bàn tỉnh;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về khoáng sản;
c) Là đầu mối quản lý hoạt động khai
thác cát, sỏi bãi bồi và lòng sông trên địa bàn tỉnh;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và pháp luật
khác có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi
ở bãi bồi và lòng sông. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp huyện
trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép. Trường
hợp không giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm phải báo cáo UBND tỉnh để
có biện pháp xử lý theo quy định;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan kiểm tra hệ thống mốc, ranh giới, độ sâu các vị
trí khai thác và đánh giá trữ lượng trước khi khai thác;
e) Phối hợp với chính quyền địa
phương kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động cát, sỏi
theo Giấy phép được cấp, việc đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường khu vực hoạt động
cát, sỏi theo đề án được phê duyệt; hướng dẫn, giám sát việc ký quỹ phục hồi
môi trường của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.
g) Thực hiện các trách nhiệm khác
theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan kiểm tra, thẩm định, cho ý kiến bằng văn bản về
đảm bảo khả năng thoát lũ và an toàn đê điều đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng
bến, bãi tập kết cát, sỏi làm vật liệu xây dựng;
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng
kiểm tra, giám sát, thẩm định các vấn đề liên quan đến việc khai thác trên các
lòng sông phù hợp với Quy hoạch chính trị ổn định các
sông;
c) Phối hợp với sở, ngành có liên
quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình:
đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai và các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở lòng sông; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ
thị số 447/CT-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác,
vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; xử lý hoặc
kiến nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.
d) Thực hiện các trách nhiệm khác
theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Sở Xây dựng:
a) Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và thực
hiện việc cấp phép xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi đối với
các dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư theo quy định; kiểm tra,
giám sát việc thực hiện các quy định của giấy phép xây dựng đã được cấp theo thẩm
quyền;
b) Tham mưu UBND
tỉnh ban hành quy định về quản lý, thực hiện quy hoạch; cập nhật số liệu, thông tin và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đã
được phê duyệt phù hợp với tình hình thực tế hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng;
c) Tổ chức công bố
công khai Quy hoạch khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt;
d) Thực hiện việc quản lý, kiểm tra,
giám sát các hoạt động mở bến bãi kinh doanh khoáng sản trên hệ thống các sông
trong địa bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt;
đ) Thực hiện các trách nhiệm khác
theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan thẩm định trình UBND tỉnh cấp, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu
tư dự án. cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án khai thác
cát, sỏi ở bãi bồi và lòng sông và dự án xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu xây
dựng cát, sỏi trong quy hoạch đã được phê duyệt;
b) Thực hiện các trách nhiệm khác
theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Sở Giao thông vận tải:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tham mưu việc cấp giấy phép mở bến thủy nội địa tại địa phương theo
thẩm quyền đối với các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi nằm trong quy hoạch được phê duyệt;
b) Quản lý các tuyến đường vận chuyển
khoáng sản, công tác đấu nối giữa các tuyến đường vận chuyển khoáng sản với các tuyến đường trong phạm vi quản lý;
c) Kiểm tra việc thực hiện các dự án
nạo vét, chỉnh trị luồng trên hệ thống các sông trong địa
bàn tỉnh. Xử lý các vi phạm hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền;
d) Chủ trì, phối hợp với các các sở,
ban, ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ
quy định về an toàn giao thông trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa
bàn tỉnh. Đồng thời kiểm soát và xử lý các phương tiện vận chuyển khoáng sản vượt
tải trọng cho phép.
đ) Thực hiện các trách nhiệm khác
theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp
tỉnh.
Phối hợp với Cảnh sát Giao thông đường
thủy, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và
Môi trường, Thanh tra Giao thông đường thủy và UBND huyện Phú Lộc đẩy mạnh công
tác kiểm tra, xử lý các phương tiện và chủ phương tiện khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép, vi
phạm các quy định của pháp luật thuộc địa bàn của Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh quản lý.
7. Cục Thuế tỉnh
Chủ trì, chỉ đạo các Chi cục Thuế địa
phương hướng dẫn, triển khai thực hiện thu các khoản tài chính liên quan.
8. Công an tỉnh:
a) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật đối với
các đối tượng khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép và các phương tiện
vận chuyển vi phạm giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; kiên quyết
xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống đối, cản trở người thi hành công vụ;
b) Chỉ đạo Công an cấp huyện phối hợp
chặt chẽ với các đơn vị chức năng của UBND cấp huyện, với UBND cấp xã trong việc
kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
9. Các Sở, ngành khác liên quan theo
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và
UBND cấp huyện trong việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi ở bãi bồi và lòng sông và sử dụng bến, bãi tập kết vật liệu
xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm
của UBND cấp huyện
1. Giải quyết theo thẩm quyền các thủ
tục cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và
các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức,
cá nhân được phép hoạt động khai thác cát, sỏi ở bãi bồi
và lòng sông và sử dụng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng
cát, sỏi tại địa phương. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cắm mốc, bàn giao khu vực khai thác cát, sỏi cho tổ chức, cá nhân được
cấp giấy phép khai thác cát, sỏi.
2. Thực hiện các biện pháp bảo vệ
cát, sỏi chưa khai thác, bảo vệ đê điều và tài nguyên thiên nhiên khác theo quy
định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có
khoáng sản. Chỉ đạo UBND cấp xã có biện pháp nhằm bảo vệ cát, sỏi chưa khai
thác; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, đê điều.
3. Tuyên truyền, phổ biến Quy định
này trong cán bộ cơ sở, nhân dân địa phương; kiểm tra, giám sát việc chấp hành
các quy định của pháp luật về khoáng sản, đê điều và pháp luật khác liên quan đối
với các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi ở bãi bồi
và lòng sông và sử dụng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng
cát, sỏi trên địa bàn.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan trong việc kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông
trái phép và các trường hợp xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi
trái phép trên địa bàn địa phương; tổ chức giải tỏa các bến, bãi tập kết vật liệu
xây dựng cát, sỏi không năm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu
để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và sử dụng bến, bãi tập kết vật
liệu xây dựng chứa cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
5. Thành lập Tổ công tác liên ngành của
cấp huyện để tổ chức kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi
lòng sông và sử dụng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng
cát, sỏi trái phép. Trang bị phương tiện, bố trí lực lượng
cắm chốt tại các địa bàn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác trái phép, tập
trung nhiều phương tiện khai thác vào ban đêm để phát hiện, xử lý kịp thời các
vi phạm về khai thác cát, sỏi trái phép.
6. Thường xuyên kiểm tra, giám sát
tình hình sạt lở bờ sông nơi có hoạt động khai thác cát, sỏi và nơi sử dụng đất
ven sông làm bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi.
Nếu có hiện tượng sạt lở bất thường xảy ra phải tiến hành khảo sát thực địa, có
biện pháp xử lý, đồng thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực
hiện.
7. Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt
động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy
ra trên địa bàn. Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo xử lý trong
trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
8. Định kỳ hàng năm (trước ngày
15/12) tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và
Môi trường) về tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản
trên địa bàn.
Điều 8. Trách nhiệm
của UBND cấp xã
1. Giải quyết theo thẩm quyền các thủ
tục cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, sử dụng
hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép
hoạt động bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi tại địa phương.
2. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi
trường, cát, sỏi chưa khai thác, bảo vệ đê điều và tài
nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự
an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản. Xây dựng quy chế phối hợp với các xã
để kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép tại vùng giáp ranh.
3. Thực hiện việc tuyên truyền, phổ
biến chính sách pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, đê điều và bảo
vệ môi trường cho nhân dân địa phương và các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận
thức của quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ khoáng sản, bảo vệ đê điều và bảo
vệ môi trường sinh thái.
4. Tổ chức kiểm tra, giải tỏa đối với
hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép
trên địa bàn. Đối với những địa bàn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác
cát, sỏi lòng sông trái phép, tập trung nhiều phương tiện khai thác vào ban đêm
thì Chủ tịch UBND cấp xã đó phải có kế hoạch bố trí lực lượng,
phương tiện để xử lý; đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện, Tổ công tác
liên ngành của huyện để bổ sung lực lượng kịp thời xử lý vi phạm.
5. Chỉ đạo các Trưởng thôn giáp các
tuyến sông thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn, thông
báo kịp thời cho UBND cấp xã để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Nếu để hoạt động
khai thác cát, sỏi lòng sông và sử dụng bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép
thành điểm nóng tập trung đông người, ảnh hưởng xấu đến đê
điều, đất đai, môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân, Chủ tịch UBND cấp xã nơi có hoạt động khoáng sản
trái phép phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện quản
lý.
7. Định kỳ hằng năm (trước ngày 05
tháng 12) báo cáo UBND cấp huyện công tác quản lý và tình hình hoạt động khai
thác cát, sỏi và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trên địa bàn.
Điều 9. Trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi ở bãi bồi và lòng sông.
1. Thực hiện đầy đủ các quy định,
nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo nội dung tại Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều
5 của Quy định này.
2. Cung cấp cho UBND cấp xã bản sao
Giấy phép khai thác và hồ sơ kèm theo (gồm vị trí khu vực khai thác, mốc giới hạn
khu vực khai thác, danh sách phương tiện khai thác và thông tin về người điều
khiển phương tiện khai thác, giám đốc điều hành mỏ) trước khi khai thác.
3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức cắm mốc ranh giới khu vực khai thác
tại thực địa và quản lý mốc giới mỏ của mình trong suốt quá trình hoạt động.
4. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài
chính vào ngân sách nhà nước và ký quỹ phục hồi môi trường tại Quỹ Bảo vệ môi
trường tỉnh theo quy định.
5. Có trách nhiệm bảo vệ các công
trình hạ tầng kỹ thuật của địa phương có liên quan đến hoạt động khai thác mỏ;
ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương vào hoạt động khai thác cát, sỏi và các
dịch vụ có liên quan; bồi thường các thiệt hại khác do hoạt động khai thác cát,
sỏi gây ra theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi
trường, đất đai và đảm bảo an toàn đê điều, hành lang thoát lũ, an toàn các
công trình giao thông và an toàn giao thông trong quá trình khai thác cát, sỏi;
ban hành nội quy an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm các phương tiện vận chuyển, khai thác cát,
sỏi (nếu có); nghiêm chỉnh chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền.
8. Thực hiện nghiêm các nội dung quy
định trong Giấy phép và các nghĩa vụ khác có liên quan
theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cung cấp cát, sỏi
cho các điểm tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép.
Điều 10. Khen
thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong
việc thực hiện các quy định trên được khen thưởng theo quy
định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
Điều 11. Xử lý
vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định
trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm bằng hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu
gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép kéo dài hoặc lợi dụng việc
nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác cát, sỏi trái
phép mà không xử lý hoặc không báo cáo kịp thời theo quy định nêu trên, Chủ tịch
UBND cấp huyện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 12. Điều
khoản thi hành
1. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện
thị xã, thành phố Huế và các cơ quan chức năng liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện những nội dung được quy định tại
Quy định này.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ
quan đầu mối tiếp nhận các vướng mắc;
tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh giải quyết trong quá trình tổ chức thực hiện Quy
định này./.