BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 383/QĐ-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 02 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC
THUỘC TRUNG ƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Căn cứ
Luật Đa dạng sinh học năm 2008;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc
gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng
9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng
01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10
tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ
ĐỐI TƯỢNG
1. Mục đích
a) Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ
bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống
của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là địa phương).
b) Đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý
nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến
khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ
môi trường.
2. Yêu cầu
a) Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của
các địa phương (sau đây gọi tắt là Bộ chỉ số) phải bám sát chủ trương, chính
sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hệ thống chỉ tiêu thống kê các cấp; ưu
tiên đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường hiện hành.
b) Bộ chỉ số phải bảo đảm tính khoa học, khả thi,
phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đánh giá thực chất, khách quan
kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
c) Bảo đảm sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong
quá trình đánh giá.
d) Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng
bộ, thống nhất về kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương để phục vụ công
tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
3. Phạm vi đánh giá, đối tượng áp dụng
a) Phạm vi đánh giá
Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về
bảo vệ chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống
khí hậu, năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của
người dân về chất lượng môi trường sống trong năm của các địa phương.
b) Đối tượng áp dụng
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.
II. NỘI DUNG BỘ CHỈ SỐ
1. Cấu trúc Bộ chỉ số
Bộ chỉ số được cấu trúc thành ba nhóm:
a) Đánh giá mức độ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước
về bảo vệ môi trường.
b) Đánh giá công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức
sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu.
c) Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất
lượng môi trường sống.
2. Các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá kết
quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường
2.1. Các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá mức độ
thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
a) Tiêu chí đánh giá
- Nguồn lực cho bảo vệ môi trường: Nhân lực thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường.
- Mức độ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo
vệ môi trường: Mức độ thực hiện cải cách thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường;
công tác báo cáo về bảo vệ môi trường theo quy định; hiệu quả hoạt động đường
dây nóng về ô nhiễm môi trường.
b) Các chỉ số thành phần đánh giá kết quả thực hiện
công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (gọi tắt là các chỉ số nhóm I) gồm:
- Chỉ số 01: Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động bảo
vệ môi trường;
- Chỉ số 02: Tỷ lệ số vụ việc phản ánh, kiến nghị về
ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng đã được xử lý;
- Chỉ số 03: Tỷ lệ thủ tục hành chính về bảo vệ môi
trường xử lý đúng thời hạn;
- Chỉ số 04: Tỷ lệ gửi các báo cáo định kỳ theo quy
định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2.2. Các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá công
tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu
a) Tiêu chí đánh giá
- Bảo vệ chất lượng môi trường sống: Kiểm soát nguồn
ô nhiễm; quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt; khắc phục ô nhiễm
và cải thiện chất lượng môi trường; hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường.
- Bảo vệ sức sống hệ sinh thái: Bảo tồn thiên nhiên
và đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển rừng.
- Bảo vệ hệ thống khí hậu: Sử dụng năng lượng tái tạo;
giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
b) Các chỉ số thành phần đánh giá kết quả thực hiện
mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường (gọi tắt là các chỉ số nhóm II) gồm:
- Chỉ số 05: Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp dịch
vụ thu gom và xử lý nước thải;
- Chỉ số 06: Tỷ lệ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
tập trung đang hoạt động có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập
trung được cấp giấy phép môi trường theo quy định;
- Chỉ số 07: Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động
có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung được cấp giấy phép môi trường
theo quy định;
- Chỉ số 08: Tỷ lệ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang
hoạt động có hệ thống thu gom, xử lý nước thải được cấp giấy phép môi trường hoặc
đã đăng ký môi trường theo quy định;
- Chỉ số 09: Tỷ lệ phương tiện ô tô, xe mô tô, xe gắn
máy sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng điện, năng lượng xanh tham gia giao thông;
- Chỉ số 10: Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom,
xử lý;
- Chỉ số 11: Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại
chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn;
- Chỉ số 12: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu
gom, xử lý;
- Chỉ số 13: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang
được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp;
- Chỉ số 14: Tỷ lệ diện tích ô nhiễm môi trường đất
được điều tra, đánh giá;
- Chỉ số 15: Tỷ lệ tổng diện tích các khu bảo tồn
thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh
quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng đã được thành lập so với
tổng diện tích được quy hoạch;
- Chỉ số 16: Tỷ lệ che phủ rừng;
- Chỉ số 17: Tỷ lệ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ tập trung đang hoạt động lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động,
liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương
theo quy định;
- Chỉ số 18: Tỷ lệ cơ sở đang hoạt động lắp đặt hệ
thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài
nguyên và Môi trường địa phương theo quy định;
- Chỉ số 19: Tỷ lệ cơ sở thực hiện kiểm kê và có kế
hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
2.3. Các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá mức độ
hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống
a) Tiêu chí đánh giá
- Chất lượng môi trường không khí;
- Chất lượng môi trường nước mặt;
- Chất lượng môi trường đất;
- Cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
b) Chỉ số thành phần đánh giá chất lượng môi trường
(gọi tắt là chỉ số nhóm III):
- Chỉ số 20: Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với
chất lượng môi trường sống.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết về
khái niệm, phương pháp tính đối với từng chỉ số thành phần của Bộ chỉ số.
III. PHƯƠNG PHÁP TÍNH ĐIỂM BỘ CHỈ
SỐ
1. Việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các
địa phương được thực hiện bằng hình thức tính điểm đối với các chỉ số thành phần
của Bộ chỉ số.
2. Điểm đánh giá của các chỉ số thành phần được sử
dụng để tính Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của địa phương, viết tắt
là PEPI (Provincial Environmental Protection Index). Điểm chỉ số PEPI được sử dụng
để đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
3. Cách tính điểm Chỉ số PEPI
Chỉ số PEPI có số điểm tối đa là 100 điểm, được xác
định từ số điểm đạt được của các chỉ số thành phần và trọng số của Bộ chỉ số
theo công thức sau:
PEPI = ∑ Di.Wi = PEPI1 + PEPI2
+ PEPI3
Trong đó:
i: là các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số (i = 1 đến
20).
Di: là điểm đạt được của chỉ số thành phần i.
Wi: là trọng số của chỉ số thành phần i; ∑Wi = 1.
PEPI1 là số điểm đạt được của các chỉ số
đánh giá kết quả thực hiện đánh giá mức độ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về
bảo vệ môi trường (điểm đạt được của các chỉ số nhóm I); có số điểm tối đa là
18 điểm.
PEPI2 là số điểm đạt được của chỉ số
đánh giá kết quả thực hiện đánh giá công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức sống
hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu (điểm đạt được của các chỉ số nhóm II);
có số điểm tối đa là 62 điểm.
PEPI3 là số điểm đạt được của chỉ số
đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống (điểm đạt
được của chỉ số nhóm III); có số điểm tối đa là 20 điểm.
4. Cách tính điểm đạt được của từng chỉ số thành phần
a) Điểm đạt được của từng chỉ số thành phần được
xác định căn cứ vào kết quả thực hiện chỉ số thành phần của mỗi địa phương, kết
quả thực hiện cao nhất trong số các địa phương và điểm tối đa của chỉ số thành
phần đó.
b) Mỗi chỉ số thành phần có số điểm tối đa là 100
điểm.
c) Cách tính điểm đạt được của từng chỉ số thành phần
được quy định cụ thể tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.
5. Trọng số của Bộ chỉ số
a) Trọng số của các tiêu chí, chỉ số thành phần
trong Bộ chỉ số (trọng số của Bộ chỉ số) được xác định căn cứ vào mức độ ưu
tiên, tầm quan trọng của các tiêu chí, chỉ số thành phần đối với kết quả bảo vệ
môi trường.
b) Trọng số của Bộ chỉ số được quy định cụ thể tại
Phụ lục II kèm theo Quyết định này.
IV. QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ BẢO
VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
1. Tự đánh giá của các địa phương
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng
hợp, đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II của Bộ chỉ số; Sở Tài nguyên và Môi
trường là Cơ quan thường trực của địa phương để tổ chức thực hiện.
Cơ quan thường trực của địa phương có trách nhiệm tổng
hợp, bảo đảm tính chính xác của số liệu, tính pháp lý, phù hợp của tài liệu kiểm
chứng; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả
tự đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II; chịu trách nhiệm trước pháp luật và
trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả đánh giá.
b) Kỳ hạn số liệu phục vụ đánh giá là 01 năm, tính
từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá, trừ trường hợp chỉ số
được quy định kỳ hạn số liệu riêng theo tình hình thực tế tại địa phương.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ kết quả tự
đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II của địa phương mình về Bộ Tài nguyên và
Môi trường trước ngày 10 tháng 3 năm sau để tổng hợp, xác minh, thẩm định.
2. Đánh giá việc gửi các báo cáo định kỳ theo quy định
của pháp luật về bảo vệ môi trường
Trên cơ sở kết quả tự đánh giá việc gửi các báo cáo
định kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các địa phương, Bộ
Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, rà soát, đánh giá việc gửi các báo cáo định
kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các địa phương.
3. Đánh giá thông qua điều tra xã hội học
Việc xác định chỉ số nhóm III về đánh giá mức độ
hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống được thực hiện thông qua
điều tra xã hội học.
4. Thẩm định kết quả đánh giá xếp hạng công tác bảo
vệ môi trường của các địa phương
a) Việc thẩm định kết quả đánh giá xếp hạng công
tác bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định
liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập.
Thành phần Hội đồng thẩm định liên ngành gồm: Chủ tịch
Hội đồng (đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường); 01 Phó Chủ tịch Hội đồng;
mời đại diện các Bộ, cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học liên quan làm thành viên
Hội đồng.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể,
phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng; các thành viên Hội đồng làm việc
theo chế độ kiêm nhiệm.
b) Hội đồng thẩm định liên ngành có trách nhiệm tổ
chức thẩm định kết quả tự đánh giá của các địa phương và đánh giá kết quả tổng
hợp điều tra xã hội học. Hội đồng thẩm định liên ngành chịu trách nhiệm trước Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện.
5. Tính điểm Chỉ số PEPI và xếp thứ hạng kết quả bảo
vệ môi trường của các địa phương
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định
liên ngành và phương pháp tính điểm Bộ chỉ số quy định tại Mục
III của Quyết định này, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên
ngành tiến hành tổng hợp, tính điểm của các chỉ số thành phần, điểm Chỉ số PEPI
đối với từng địa phương và xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa
phương theo nguyên tắc sắp xếp từ cao đến thấp theo điểm Chỉ số PEPI; điểm Chỉ
số PEPI bằng nhau thì xếp cùng thứ hạng.
6. Phê duyệt, công bố kết quả bảo vệ môi trường của
các địa phương
a) Căn cứ điểm Chỉ số PEPI của từng địa phương, Cơ
quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành trình Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả bảo
vệ môi trường của các địa phương vào dịp Ngày môi trường thế giới (05 tháng 6)
hoặc chậm nhất trước quý IV năm sau.
c) Kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được
công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Ủ y
ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường của các địa phương.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các
địa phương được thực hiện theo định kỳ hàng năm.
2. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Vụ Môi trường
- Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về khái niệm, phương pháp
tính đối với từng chỉ số thành phần của Bộ chỉ số; hướng dẫn, tổ chức triển
khai tập huấn, theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Bộ chỉ số.
- Là Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định
liên ngành, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Hội
đồng thẩm định liên ngành đánh giá kết quả công tác bảo vệ môi trường của các địa
phương; tổ chức hoạt động thẩm định của Hội đồng sau khi được thành lập. Hội đồng
thẩm định xem xét, đánh giá trên cơ sở hồ sơ gửi về của các địa phương và kết
quả rà soát, thẩm tra của Cơ quan thường trực Hội đồng.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp
kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với chất lượng môi trường sống.
- Được phép thành lập Tổ giúp việc để tổ chức triển
khai hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Bộ chỉ số;
hàng năm lập dự toán kinh phí triển khai các nội dung được quy định tại Quyết định
này.
b) Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài
nguyên môi trường xây dựng phần mềm khai báo, cập nhật, xử lý số liệu, tài liệu
và cơ sở dữ liệu trên hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ Tài nguyên và
Môi trường đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, bảo mật để phục vụ công tác đánh
giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
c) Các đơn vị khác trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi
trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Vụ Môi trường thực hiện
Quyết định này.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương
a) Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định
này tại địa phương.
b) Tổ chức thu thập, tổng hợp, tự đánh giá các chỉ
số nhóm I và nhóm II của Bộ chỉ số đối với địa phương mình; phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện đánh giá,
công bố kết quả bảo vệ môi trường của địa phương theo quy định của Quyết định
này.
4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết
quả bảo vệ môi trường của các địa phương được bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp
bảo vệ môi trường hoặc nguồn chi chuyên môn thường xuyên theo các quy định hiện
hành.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các
địa phương, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để
tổng hợp, xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT ngày 31
tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Bộ chỉ số
đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, PC, MT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Công Thành
|
PHỤ LỤC I
CÁCH TÍNH ĐIỂM ĐẠT ĐƯỢC CỦA TỪNG CHỈ SỐ THÀNH PHẦN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 383/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 02 năm 2025 của
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
TT
|
Chỉ số thành phần
(i)
|
Cách tính điểm
đạt được của từng chỉ số thành phần (Di)
|
01
|
Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường
|
Điểm = (Kết quả thực hiện của địa phương/Kết quả
thực hiện cao nhất trong số các địa phương) x 100
|
02
|
Tỷ lệ số vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm
môi trường thông qua đường dây nóng đã được xử lý
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
03
|
Tỷ lệ thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường xử
lý đúng thời hạn
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
04
|
Tỷ lệ gửi các báo cáo định kỳ theo quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường
|
Địa phương nộp tất cả các báo cáo theo quy định
trước hoặc đúng thời hạn, biểu mẫu và đầy đủ số liệu đánh giá các chỉ số được
100 điểm.
Mỗi báo cáo quá hạn từ 05 ngày làm việc trừ 05 điểm
và mỗi báo cáo không nộp trừ 10 điểm. Số điểm trừ tối đa là 50 điểm.
Mỗi báo cáo không đúng biểu mẫu hoặc không đầy đủ
số liệu trừ 05 điểm. Số điểm trừ tối đa là 50 điểm.
|
05
|
Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp dịch vụ thu gom
và xử lý nước thải
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
06
|
Tỷ lệ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung
đang hoạt động có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung
được cấp giấy phép môi trường theo quy định
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
07
|
Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống
thu gom, xử lý nước thải tập trung được cấp giấy phép môi trường theo quy định
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
08
|
Tỷ lệ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang hoạt động
có hệ thống thu gom, xử lý nước thải được cấp giấy phép môi trường hoặc đã
đăng ký môi trường theo quy định
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
09
|
Tỷ lệ phương tiện ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng
nhiên liệu sạch, sử dụng điện, năng lượng xanh tham gia giao thông
|
Điểm = (Kết quả thực hiện của địa phương/Kết quả
thực hiện cao nhất trong số các địa phương) x 100
|
10
|
Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
11
|
Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn
sinh hoạt tại nguồn
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
12
|
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
13
|
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang được xử lý
bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp
|
Điểm = (1 - Tỷ lệ thực hiện của địa phương) x 100
|
14
|
Tỷ lệ diện tích ô nhiễm môi trường đất được điều
tra, đánh giá
|
Điểm = Tỷ lệ thực hiện của địa phương x 100
|
15
|
Tỷ lệ tổng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên,
hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái
quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng đã được thành lập so với tổng diện
tích được quy hoạch
|
Điểm = (Kết quả của địa phương/Kết quả cao nhất
trong số các địa phương) x 100
|
16
|
Tỷ lệ che phủ rừng
|
Điểm = (Kết quả thực hiện của địa phương/Kết quả
thực hiện cao nhất trong số các địa phương) x 100
|
17
|
Tỷ lệ cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập
trung đang hoạt động lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục,
truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương theo quy
định
|
Điểm = (Kết quả thực hiện của địa phương/Kết quả
thực hiện cao nhất trong số các địa phương) x 100
|
18
|
Tỷ lệ cơ sở đang hoạt động lắp đặt hệ thống quan
trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên
và Môi trường địa phương theo quy định
|
Điểm = (Kết quả thực hiện của tỉnh/Kết quả thực
hiện cao nhất trong số các địa phương) x 100
|
19
|
Tỷ lệ cơ sở thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm
nhẹ phát thải khí nhà kính
|
Điểm = (Kết quả thực hiện của tỉnh/Kết quả thực
hiện cao nhất trong số các địa phương) x 100
|
20
|
Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng
môi trường sống
|
Điểm = (Kết quả thực hiện của địa phương/Kết quả
thực hiện cao nhất trong số các địa phương) x 100
|
PHỤ LỤC II
TRỌNG SỐ CỦA BỘ CHỈ SỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 383/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 02 năm 2025 của
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
TT
|
Tiêu chí, chỉ số
thành phần
|
Trọng số (Wi)
|
I
|
Đánh giá năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ
môi trường
|
0,18
|
1.1
|
Nguồn lực cho bảo vệ môi trường
|
|
1
|
Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường
|
0,04
|
1.2
|
Năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
|
|
2
|
Tỷ lệ số vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm
môi trường thông qua đường dây nóng đã được xử lý
|
0,04
|
3
|
Tỷ lệ thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường xử
lý đúng thời hạn
|
0,05
|
1.3
|
Mức độ hoàn thành chế độ báo cáo của các địa
phương
|
|
4
|
Tỷ lệ gửi các báo cáo định kỳ theo quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường
|
0,05
|
II
|
Đánh giá mức độ bảo vệ chất lượng môi trường sống,
bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu
|
0,62
|
2.1
|
Bảo vệ chất lượng môi trường sống
|
0,44
|
2.1.1
|
Kiểm soát các nguồn ô nhiễm
|
0,23
|
5
|
Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp dịch vụ thu gom
và xử lý nước thải
|
0,05
|
6
|
Tỷ lệ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung
đang hoạt động có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung
được cấp giấy phép môi trường theo quy định
|
0,05
|
7
|
Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống
thu gom, xử lý nước thải tập trung được cấp giấy phép môi trường theo quy định
|
0,05
|
8
|
Tỷ lệ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang hoạt động có
hệ thống thu gom, xử lý nước thải được cấp giấy phép môi trường hoặc đã đăng
ký môi trường theo quy định
|
0,04
|
9
|
Tỷ lệ phương tiện ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng
nhiên liệu sạch, sử dụng điện, năng lượng xanh tham gia giao thông
|
0,04
|
2.1.2
|
Quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn
thông thường
|
0,21
|
10
|
Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý
|
0,04
|
11
|
Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn
sinh hoạt tại nguồn
|
0,04
|
12
|
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý
|
0,05
|
13
|
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang được xử lý
bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp
|
0,04
|
14
|
Tỷ lệ diện tích ô nhiễm môi trường đất được điều
tra, đánh giá
|
0,04
|
2.2
|
Bảo vệ sức sống hệ sinh thái
|
0,06
|
2.2.1
|
Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
|
|
15
|
Tỷ lệ tổng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên,
hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái
quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng đã được thành lập so với tổng diện
tích được quy hoạch
|
0,03
|
2.2.2
|
Bảo vệ và phát triển rừng
|
|
16
|
Tỷ lệ che phủ rừng
|
0,03
|
2.3
|
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường
|
0,08
|
17
|
Tỷ lệ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập
trung lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, truyền số liệu
trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương theo quy định
|
0,04
|
18
|
Tỷ lệ cơ sở lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự
động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa
phương theo quy định
|
0,04
|
2.4
|
Bảo vệ hệ thống khí hậu
|
0,04
|
19
|
Tỷ lệ cơ sở thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm
nhẹ phát thải khí nhà kính
|
0,04
|
III
|
Đánh giá chất lượng môi trường
|
0,20
|
20
|
Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng
môi trường sống
|
0,20
|