Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3476/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Trần Văn Vĩnh
Ngày ban hành: 27/11/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3476/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 27 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 73/2008/QĐ-TTg ngày 04/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy họach và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển cho các sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2817/TTr-SNN ngày 26/10/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

Khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng diện tích đất, mặt nước và các nguồn lực của tỉnh để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, phù hợp chủ trương của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.

Phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với việc tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học để đạt năng suất cao, tăng khả năng cạnh tranh của thủy sản hàng hóa.

Lấy hiệu quả làm mục tiêu, tăng trưởng làm động lực, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết nhiều việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động địa phương, đặc biệt là ngư dân nghèo sống ven sông, hồ.

Phát triển thuỷ sản của tỉnh phải đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến tiêu thụ, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ cả xuất khẩu và nội địa; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về thủy sản đáp ứng yêu cầu quản lý ngành theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ; tăng cường công tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt là trên hồ Trị An và sông Đồng Nai; chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

2. Định hướng phát triển

a) Nuôi trồng thủy sản

- Phát triển nuôi trồng thủy sản với nhiều loại hình nuôi trên các vùng sinh thái, đa dạng hóa với các đối tượng nuôi mặn, lợ, ngọt có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao; góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu ngày càng chủ động hơn và nhiều hơn cho chế biến tiêu thụ.

- Tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo chiều sâu. Chuyển một phần diện tích nuôi thủy sản hình thức kỹ thuật thấp sang nuôi với hình thức bán thâm canh, thâm canh quy mô công nghiệp ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến, tiêu chuẩn kỹ thuật mới (GAqP, BMP, CoC) gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Tổ chức nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng tập trung trên các diện tích ao hồ nhỏ, mặt nước hồ chứa, eo ngách. Với các đối tượng nuôi chủ lực như: Cá rô đồng, điêu hồng, lăng, rô phi đơn tính, lóc, trê; nhóm cá trắng như mè hoa, mè trắng, trôi, trắm, chép.

- Phát triển nuôi lồng bè, vèo trên các sông, hồ với các đối tượng có giá trị kinh tế như: Cá lăng, lóc, điêu hồng, bống tượng.

- Phát triển nuôi thuỷ sản nước lợ ở các huyện vùng ngập mặn với các đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, bên cạnh đó đa dang hoá các loài nuôi trong ao ở các khu vực có điều kiện theo nhu cầu thị trường như cá mú, cá chẽm, cá kèo.

- Đầu tư xây dựng hệ thống trại giống nước ngọt quy mô trại giống cấp tỉnh và xã hội hóa trong dân nhằm chủ động đáp ứng số lượng và đảm bảo chất lượng con giống cho nuôi thương phẩm của các địa phương trong tỉnh.

- Đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở theo vùng, dứt điểm sau đó mở rộng sang các vùng khác. Ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tập trung thâm canh, bán thâm canh trước.

b) Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Từng bước chuyển đổi, cơ cấu lại các nghề khai thác thuỷ sản ở các khu vực hợp lý, hiệu quả. Khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái bền vững nhằm giảm áp lực cho nguồn lợi.

- Tăng cường công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi, nghiêm cấm những nghề gây xâm hại nguồn lợi, ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của ngư dân.

- Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác nhằm nâng cao hiệu quả và bảo vệ tốt nguồn lợi.

- Tổ chức lại sản xuất, hình thành hợp tác xã, đề cao vai trò quản lý dựa vào cộng đồng trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi. Quy định về ngư trường khai thác, ngư cụ và mùa vụ khai thác.

- Các cơ sở dịch vụ hạ tầng phục vụ cho khai thác thủy sản từng bước hình thành hệ thống mạnh, đủ sức đảm nhận các đòi hỏi phát triển của khai thác thuỷ sản.

c) Chế biến và tiêu thụ thủy sản

- Tận dụng triệt để công suất hiện có, đồng thời hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến tinh, tăng tỷ trọng sản phẩm làm sẵn, ăn liền để có thể đưa thẳng vào các siêu thị.

- Quản lý chặt chẽ hệ thống nậu vựa, tiến tới hình thành chợ đầu mối thủy sản để quản lý tốt thị trường nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy sản và tiêu thụ. Chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát sử dụng hoá chất độc hại, kháng sinh cấm trong bảo quản, sơ chế thuỷ sản tại các cơ sở nuôi, ghe thuyền khai thác, cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thuỷ sản.

3. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Xây dựng ngành thủy sản của tỉnh thành ngành sản xuất hàng hóa, theo hướng hiện đại, đạt hiệu quả cao, có năng lực để tự đầu tư phát triển và tăng giá trị xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động thủy sản và các nghề liên quan, góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào an ninh thực phẩm, ổn định xã hội và phát triển kinh tế ở các địa phương, đặc biệt là khu vực ven các sông, hồ.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) ngành thuỷ sản thời kỳ 2011-2020 là 8,38%/năm; trong đó, giai đoạn 2011- 2015 đạt 10,32%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,47%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trên từng lĩnh vực như sau:

+ Nuôi trồng thuỷ sản tăng bình quân 7,82%/năm thời kỳ 2011 - 2020; trong đó giai đoạn 2011- 2015 tăng 9,35%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,32%/năm;

+ Khai thác thuỷ sản tăng bình quân 5,65%/ năm thời kỳ 2011 - 2020; trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 5,22%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,09%/năm;

+ Chế biến thủy sản tăng bình quân 9,58%/năm thời kỳ 2011 - 2020; trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 12,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,74%/năm

Cơ cấu giá trị gia tăng các lĩnh vực như sau:

+ Nuôi trồng thuỷ sản chiếm 60,5% năm 2015 và 60,0% năm 2020;

+ Khai thác hải sản chiếm 2,6% vào năm 2015 và 2,6% năm 2020;

+ Chế biến thuỷ sản chiếm 36,9% năm 2015 và 37,4% năm 2020;

- Thu hút và giải quyết việc làm cho lao động thuỷ sản đến năm 2015.

4. Nhiệm vụ là 22.550 người và đến năm 2020 là 23.910 người

- Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2015 là 34.504 ha, đến năm 2020 tăng lên 35.533 ha; trong đó,

+ Diện tích nuôi nước ngọt đến năm 2015 là 32.639 ha và năm 2020 tăng lên 33.531 ha.

+ Diện tích nuôi mặn lợ đến năm 2015 là 1.865 ha và đến năm 2020 là 2.002 ha.

+ Số lượng lồng bè nuôi cá đến năm 2015 là 992 cái và năm 2020 tăng lên 1.032 cái.

- Giá trị sản xuất (GO) trên đơn vị ghe thuyền khai thác thủy sản đến năm 2015 đạt 50 triệu đồng/chiếc, đến năm 2020 đạt 83 triệu đồng/chiếc.

- Tổng công suất ghe thuyền đến năm 2015 là 11.800 Cv và đến năm 2020 giảm còn 11.500 Cv.;

- Tổng giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2015 đạt 3.606 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 5.205 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân (GO) giai đoạn 2011 - 2015 là 12,44% và giai đoạn 2016 - 2020 là 7,61%.

- Tổng giá trị tăng thêm ngành thủy sản đến năm 2015 đạt 1.302 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 1.936 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân (VA) giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,68% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,27%;

- Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2015 đạt 58.310 tấn, đến năm 2020 đạt 75.720 tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 là 8,03% và giai đoạn 2016 - 2020 là 5,36%;

- Thu hút được một lực lượng lao động toàn ngành khoảng 23.520 người vào năm 2015 và con số này vào năm 2020 là 26.430 lao động.

a) Giai đoạn 2012 – 2015

- Tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Giảm dần hoạt động khai thác thuỷ sản, đặc biệt là các nghề khai thác thuỷ sản gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi và đa dạng sinh học.

- Tiếp tục tổ chức lại quản lý và sản xuất, tăng cường các thể chế và chính sách để người dân có thể tham gia vào hoạt động nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả.

- Mở rộng diện tích các mô hình nuôi cá nước ngọt và tôm mặn lợ theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.

- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ cho quản lý hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh.

- Tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất, nhằm giảm các rủi ro về môi trường, dịch bệnh, đồng thời tăng năng suất và sản lượng.

- Tăng cường công tác giám sát tác động môi trường của hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản trên địa bàn tỉnh của các cơ quan chức năng. Có sự phối hợp liên ngành đồng bộ và chặt chẽ.

- Tăng cường công tác trao đổi thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản ở các khu vực nuôi tập trung (thủy lợi, điện, giao thông, hệ thống giống,..).

- Tăng cường công tác khuyến ngư, tập huấn ngắn hạn cho các hộ tham gia nuôi trồng thủy sản và cập nhật phổ biến các kỹ thuật mới vào sản xuất. Áp dụng các biện pháp nuôi sạch, an toàn và có trách nhiệm trong vùng nuôi như: GAqP, BMP, CoC, SQF,...

- Triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên được đề xuất trong quy hoạch (cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất thủy sản) giai đoạn 2012 - 2015.

- Xây dựng, phân vùng khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

b) Giai đoạn 2016 – 2020

- Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao năng suất và sản lượng đối với hình thức nuôi tôm, cá thâm canh và bán thâm canh.

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.

- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý ngành thủy sản của tỉnh.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên được đề xuất trong quy hoạch (cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất thủy sản) trong giai đoạn 2016 - 2020.

- Khép kín quy trình sản xuất đối với cơ sở có điều kiện tốt nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bảo quản và chống thất thoát sau thu hoạch.

- Tăng cường công tác giám sát, xử lý tác động môi trường của hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản trên địa bàn tỉnh của các cơ quan chức năng.

- Áp dụng công nghệ sinh học trong khâu sản xuất giống và nuôi thương phẩm cũng như các sản phẩm sau thu hoạch. Tăng cường hoạt động bảo vệ và lưu giữ các nguồn giống gen cá bản địa.

- Tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chống thất thoát sau thu hoạch, tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế quản lý vùng nuôi an toàn, sản phẩm chế biến an toàn.

- Hoàn thiện hệ thống kênh thông tin trong và ngoài ngành đặc biệt là thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý phát triển thủy sản trong sản xuất, kinh doanh và thương mại thủy sản. Phát triển hệ thống khuyến ngư đến tận xã, phường, những nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung và tương đối lớn.

- Tiếp tục chuyển đổi nghề khai thác thủy sản xâm hại nguồn lợi sang các hoạt động khác để bảo vệ môi trường, sinh thái.

5. Giải pháp thực hiện

a) Các giải pháp về cơ chế, chính sách

- Triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương ban hành, đồng thời cụ thể hoá các chính sách cụ thể cho ngành thuỷ sản để giải quyết các vấn đề bức xúc nghề cá của tỉnh gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành.

- Thực hiện việc giao đất, mặt nước, cho các thành phần kinh tế sử dụng vào nuôi trồng thuỷ sản ổn định, lâu dài.

- Vận dụng, thực thi tốt Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ ngư dân khai thác ven bờ sang làm dịch vụ nghề cá, nuôi trồng thuỷ sản theo điều kiện của từng địa phương.

- Áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi đầu tư của Nhà nước đối với các dự án đầu tư sản xuất giống thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, mặn lợ tập trung. Thực hiện thí điểm và tiến tới thực hiện trên diện rộng việc bảo hiểm nuôi trồng thuỷ sản nước mặn lợ, ngọt thâm canh, bán thâm canh. Có cơ chế chính sách để các tổ chức nông, ngư dân (chi hội nghề cá, tổ hợp tác, hợp tác xã) vay tín chấp thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thuỷ sản.

- Tăng cường năng lực hành chính trong khai thác thủy sản từ tỉnh xuống đến địa phương. Giao quyền và nghĩa vụ cho người sử dụng tài nguyên, thiết lập hệ thống quản lý và sự tham gia của cộng đồng trong các thuỷ vực.

- Hỗ trợ đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại phục vụ xuất khẩu, chế biến sản phẩm có giá trị cao (đồ hộp thuỷ sản, Sashimi, Surimi, thức ăn nhanh,…); áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh; các doanh nghiệp xây dựng kho lạnh bảo quản thuỷ sản; doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để tái chế các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu; đào tạo kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý - thị trường cho doanh nghiệp chế biến.

- Có chính sách ưu đãi, thu hút lao động có trình độ chuyên môn cao tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và sản xuất cho ngành thủy sản.

b) Bảo vệ tài nguyên, môi trường

+ Trong khai thác thủy sản:

+ Tăng cường đào tạo, tập huấn và nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ môi trường, nguồn lợi.

+ Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó xử lý nghiêm các vi phạm khi sử dụng các biện pháp khai thác mang tính huỷ diệt nguồn lợi như xuyệt điện, chất nổ, chất độc,…

+ Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các bến cá, chợ cá,… như thường xuyên thu gom và xử lý chất thải, khơi thông cống rãnh, phân khu chức năng hợp lý theo từng mặt hàng, và tăng cường xử phạt hành chính.

+ Cấm các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản trên sông, hồ, kênh rạch trong mùa sinh sản tập trung và mùa vụ xuất hiện cá con trên các thủy vực, thời gian cấm hoạt động từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.

+ Xây dựng cơ cấu nghề hợp lý, tăng cường chuyển đổi và sử dụng kỹ thuật khai thác thân thiện với môi trường (các nghề có tính chọn lọc cao và ít gây ảnh hưởng đến nền đáy).

- Trong nuôi trồng thủy sản:

+ Tăng cường năng lực chuyên môn, đầu tư thiết bị và kinh phí cho công tác giám sát chất lượng môi trường nước, thông tin kịp thời cho người nuôi có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời. Xây dựng các Trung tâm quan trắc ở đầu nguồn nước để cảnh báo dịch bệnh và môi trường, giúp giảm các nguy cơ và rủi ro trong sản xuất.

+ Các vùng nuôi tập trung, các trại sản xuất giống đều phải bố trí hệ thống công trình ao nuôi, bể lắng lọc trước khi đưa vào sản xuất và hệ thống xử lý nước thải trước khi xả nước ra môi trường ngoài. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi và sản xuất giống theo tiêu chuẩn ngành.

+ Xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung theo hướng áp dụng qui trình nuôi tiên tiến (GAqP, CoC, BMP,…) để giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất; tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi đưa vào ao nuôi; kiểm dịch các loại thức ăn, thuốc, hóa chất ở các cơ sở kinh doanh thức ăn và vật tư thủy sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc vùng nuôi.

- Trong chế biến và tiêu thụ thủy sản:

Tăng cường năng lực, trình độ công nghệ, trình độ quản lý sản xuất, đặc biệt tăng cường quản lý nguồn nguyên liệu, tiếp tục hỗ trợ, đào tạo cán bộ cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản áp dụng sâu rộng sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải, nước thải, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và xử lý có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm.

c) Các giải pháp về khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực để hướng tới hiện đại hóa ngành thủy sản của tỉnh trong thời gian đến. Ưu tiên thực hiện các đề tài ứng dụng gắn với sản xuất, phục vụ sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất nguyên liệu, nâng dần hàm lượng khoa học - công nghệ trong các sản phẩm chủ yếu của ngành.

- Phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để đẩy mạnh công tác chuyển giao các qui trình sản xuất giống, quy trình nuôi đã nghiên cứu thành công của các đối tượng có giá trị kinh tế.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu các công nghệ sản xuất các sản phẩm nuôi trồng hữu cơ, các sản phẩm sạch, công nghệ sinh học và các hệ thống nuôi an toàn môi trường - sinh thái. Chuyển giao nhanh chóng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho sản xuất.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong việc điều tra, đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản trên hồ Trị An, sông Đồng Nai, làm cơ sở cho việc chỉ đạo khai thác phát triển nghề cá của tỉnh.

d) Phát triển nguồn nhân lực

- Lao động trong khai thác thủy sản:

+ Tập trung đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật trong khai thác thủy sản (thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên), bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; có khả năng tiếp cận và sử dụng tốt các công nghệ khoa học kỹ thuật, máy móc trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

+ Tăng cường tư vấn, hướng nghiệp cho những hộ ngư dân chuyển đổi nghề, hỗ trợ vốn, được vay vốn ưu đãi và đào tạo nghề giúp ngư dân nhanh chóng thích ứng với nghề mới, sớm ổn định cuộc sống và gia tăng sản xuất.

+ Tăng cường giáo dục ý thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm và ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản.

- Lao động trong nuôi trồng thuỷ sản:

+ Tập trung đào tạo cán bộ quản lý ngành thủy sản giỏi kiến thức chuyên môn, xã hội để có thể quản lý ngành phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

+ Mở rộng phạm vi đào tạo cán bộ có trình độ đại học và sau đại học cho các chuyên ngành: công nghệ nuôi trồng thuỷ sản, Ngư y, khuyến ngư và phát triển nông thôn.

- Lao động trong chế biến thủy sản:

+ Tập trung đào tạo và thu hút lao động có trình độ và tay nghề cao vào lĩnh vực chế biến thủy sản, ưu tiên cho cán bộ có trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh và có khả năng tiếp cận với khoa học công nghệ của nước ngoài.

d) Vốn đầu tư:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2012 -2020 cần khoảng 4.713 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2012-2015 khoảng 2.053 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 khoảng 2.660 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn: ngân sách 3,7% (trong đó địa phương 39,4%, Trung ương 60,6%), thu hút từ các thành phần kinh tế 96,3%. Cơ cấu vốn phân theo lĩnh vực: nuôi trồng 2.153 tỷ đồng, khai thác 155 tỷ đồng, và chế biến 2.405 tỷ đồng.

e) Mở rộng thị trường và xúc tiến thương mại:

- Tăng cường mối liên kết giữa ngư dân với các doanh nghiệp chế biến, các hiệp hội nghề cá trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đóng vai trò đầu mối định hướng về loại sản phẩm, thông tin giá cả và các yêu cầu của thị trường cho ngư dân.

- Hỗ trợ triển khai hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường và mở rộng xuất khẩu các sản phẩm lợi thế; ưu tiên các mặt hàng sản phẩm chế biến, cá và đặc sản sống….

- Nhanh chóng thực hiện việc mã số hóa vùng nuôi, trên cơ sở đó các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện việc ghi xuất xứ sản phẩm trên bao bì và thương hiệu hàng hoá của mình.

g) Giải pháp tổ chức sản xuất

- Đối với nuôi thương phẩm và sản xuất giống:

+ Củng cố và phát triển các chi hội nuôi trồng thủy sản, chú ý ở các vùng có điều kiện phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Thành lập Hiệp hội giống thủy sản của tỉnh, vận động các thành viên, doanh nghiệp sản xuất giống áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất giống tốt để đảm bảo uy tín chất lượng đáp ứng nhu cầu nuôi trong tỉnh.

+ Khuyến khích phát triển nhanh về số lượng kinh tế trang trại trong các vùng nuôi thủy sản; gắn kết các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với các vùng nuôi thông qua các hợp đồng kinh tế.

+ Tổ chức nuôi thủy sản gắn với quản lý cộng đồng, hình thành các Hợp tác xã nuôi thủy sản để thống nhất quản lý môi trường, nguồn nước, phân công hợp tác trong thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ nhau về vốn. Nâng cao chất lượng sản phẩm với việc thực hiện quy trình GAqP, CoC, BMP, SQF....; tuyên truyền thực hiện không sử dụng các hóa chất kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản, chống bơm chích tạp chất vào nguyên liệu thủy sản.

+ Gắn kết khu vực sản xuất nguyên liệu với các nhà máy chế biến xuất khẩu để giảm rủi ro về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Đối với khai thác thủy sản

+ Đối với khai thác lấy khai thác nước ngọt là trọng tâm, đẩy mạnh vận động thành lập các mô hình liên kết hợp tác dưới các hình thức: Tổ hợp tác, Hợp tác xã, các nhóm sản xuất có sự tham gia của ngư dân, doanh nghiệp và thương lái nhằm gắn kết các khâu khai thác – dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm hài hòa lợi ích khi tham gia sản xuất.

+ Vận động, đổi mới hoạt động các tổ chức ngư dân hình thành trên cơ sở tập quán, tín ngưỡng của từng địa phương để tổ chức lại sản xuất theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức thí điểm xây dựng mô hình quản lý cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trước hết là nguồn lợi thủy sản trên hồ Trị An.

+ Tổ chức khai thác thủy sản trên cơ sở thống nhất trong quản lý môi trường, khu vực đánh bắt, phân công hợp tác trong hoạt động sản xuất và hỗ trợ nhau về vốn.

- Đối với chế biến thủy sản

- Tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của các hiệp hội; làm tốt vai trò phối hợp, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp để thống nhất về điều hành sản xuất, thông tin thị trường; làm đầu mối phát triển thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng nghiệp vụ kinh doanh, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu dùng chung đối với các sản phẩm thuỷ sản truyền thống.

+ Xây dựng một số doanh nghiệp nòng cốt ở các lĩnh vực, tạo được uy tín thương hiệu đối với các sản phẩm có lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh cao về đầu vào và đầu ra sản phẩm, đóng vai trò chủ lực trong quá trình CNH - HĐH ngành Thủy sản tỉnh Đồng Nai.

h) Tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

+ Tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch theo quy định.

+ Chủ trì xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc ngành phù hợp với quy hoạch tổng thể và yêu cầu thực tế. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện trên thực tế.

+ Chủ trì và phối hợp các ngành chức năng rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực có lợi thế theo mục tiêu, định hướng quy hoạch.

+ Rà soát chức năng nhiệm vụ, xây dựng đề án tổng thể về tổ chức bộ máy của ngành thủy sản để nâng cao năng lực quản lý, định hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn sắp tới.

+ Tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình kết cầu hạ tầng thiết yếu; xây dựng và triển khai các chương trình các dự án lớn đã đề ra trong quy hoạch.

+ Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại; tài trợ của các tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp phát triển ngành.

+ Định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời Quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế và trên cơ sở xử lý tốt các mâu thuẫn giữa quy hoạch thủy sản với các quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo được tính hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực.

- Các sở, ngành liên quan

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của ngành thủy sản. Tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng thuỷ sản hằng năm. Phối hợp gọi vốn đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế thuỷ sản.

+ Sở Tài chính: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện của địa phương nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất trong khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thuỷ sản.

+ Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chính sách đổi mới công nghệ chế biển thủy sản, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước; phối hợp và hỗ trợ các địa phương quy hoạch, phát triển các khu, cụm chế biến, đóng sửa tàu thuyền. Phối hợp và hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quy hoạch, xây dựng chợ thủy sản đầu mối và chợ thủy sản nông thôn vùng tập trung nguyên liệu.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nhu cầu đất các công trình, dự án phát triển thủy sản vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh thời kỳ tới. Tăng cường hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường theo quy định.

+ Sở Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, ISO,… Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp trong ngành thủy sản xây dựng thương hiệu sản phẩm.

+ Các Sở Xây dựng, Giao thông - vận tải và các ngành có liên quan khác trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà.

+ Chủ động triển khai và cụ thể hóa quy hoạch, định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, sản phẩm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, năm năm của địa phương; trực tiếp tổ chức quản lý phát triển sản xuất kinh doanh thuỷ sản trên địa bàn quản lý theo phân công, phân cấp.

+ Phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT trong quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra thực hiện quy hoạch phát triển thuỷ sản trên địa bàn.

- Bổ sung nhu cầu đất thuỷ sản theo quy hoạch trên địa bàn vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

- Quản lý các công trình, cơ sở vật chất phục vụ thủy sản trên địa bàn theo phân công, phân cấp.

- Quan tâm, chỉ đạo bố trí cán bộ chuyên trách thuỷ sản trong các Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trọng điểm nghề cá bố trí cán bộ, cộng tác viên theo dõi phát triển ngành thủy sản tại địa phương.

6. Các chương trình, đề án và dự án chủ yếu

a) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

- Tiếp tục đầu tư dự án nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

- Nâng cấp và đầu tư mới cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung thâm canh và bán thâm canh theo quy hoạch.

b) Dự án xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường năng lực ngành:

- Dự án xây dựng Trung tâm giống Thủy sản cấp I.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các lao động NTTS.

- Chương trình hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

c) Dự án tăng cường công tác quản lý nguồn lợi thủy sản

d) Dự án chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản

đ) Dự án xây dựng khu Bảo tồn thủy sản

- Khu Bảo tồn thủy sản trên hồ Trị An.

- Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Vườn Quốc gia Cát Tiên.

e) Dự án xây dựng mô hình đồng quản lý trong khai thác thủy sản

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở:Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Chánh, Phó Văn phòng;
- Trung tâm công báo;
- Lưu: VT, TH, các phòng
Th.cnn

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3476/QĐ-UBND ngày 27/11/2012 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.674

DMCA.com Protection Status
IP: 3.21.246.53
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!