ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
32/2023/QĐ-UBND
|
Gia Lai, ngày 05
tháng 9 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
GIA LAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng
9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chúa nước;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng
5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6 tháng 5
năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15
tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi
tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 03/2022/TT-BNNPTNT ngày 16
tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số
điều của Luật Thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phạm vi vùng phụ cận
đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9
năm 2023.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Giám đốc Công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Gia Lai;
các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CNXD, NL.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Mah Tiệp
|
QUY ĐỊNH
PHẠM
VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Kèm theo Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Gia Lai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định phạm vi vùng phụ cận đối với
công trình thủy lợi được xây dựng và đưa vào khai thác trên địa bàn tỉnh Gia
Lai, bao gồm: Đập dâng; tràn xả lũ; kênh và công trình trên kênh (trừ kênh có
lưu lượng từ 2 m3/s trở lên); đường ống dẫn nước; bờ bao thủy lợi;
kè chống sạt lở bờ sông, suối; trạm bơm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Đập dâng là công trình kiến trúc chắn ngang
dòng chảy để nâng cao mực nước thượng lưu và cho phép dòng chảy tràn qua đập.
2. Tràn xả lũ là công trình tháo xả lũ nhằm
đảm bảo cho hồ chứa nước được an toàn.
3. Kênh nổi là công trình dẫn nước hở, có mặt
cắt ngang kênh đắp nổi trên nền đất tự nhiên hoặc nửa đào, nửa đắp.
4. Kênh nội đồng là công trình gồm kênh,
mương, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản
phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Phạm vi vùng phụ cận đối
với công trình thủy lợi
1. Đập dâng
a) Phần thuộc lòng sông, suối: Phạm vi vùng phụ cận
tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra, tối thiểu là 30 m.
b) Phần trên cạn của hai vai đập dâng: Phạm vi vùng
phụ cận tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra, tối thiểu là 20 m.
c) Đối với đập dâng có mặt đập kết hợp làm đường
giao thông liên thôn, liên xã: Phạm vi vùng phụ cận thực hiện theo quy định về
hành lang bảo vệ công trình giao thông nhưng không được nhỏ hơn phạm vi vùng phụ
cận bảo vệ công trình theo quy mô đập tương ứng.
2. Tràn xả lũ
a) Trường hợp tràn xả lũ nằm trong phạm vi thân đập:
Phạm vi vùng phụ cận thuộc vùng phụ cận của đập và hồ chứa nước được quy định tại
khoản 3 Điều 40 Luật Thủy lợi.
b) Trường hợp tràn xả lũ nằm ngoài phạm vi thân đập:
Phạm vi vùng phụ cận tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra, tối thiểu là 20 m.
3. Kênh và công trình trên kênh
a) Kênh nổi có lưu lượng nhỏ hơn 2 m3/s:
Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra, tối thiểu là 1m.
b) Kênh chìm:
- Kênh chìm có lưu lượng nhỏ hơn 2 m3/s:
Phạm vi vùng phụ cận tính từ giao tuyến giữa mái đào với mặt đất tự nhiên trở
ra, tối thiểu là 1 m.
- Các đoạn kênh chìm đi qua khu đông dân cư có nhà ở
liền kề ven kênh, phạm vi vùng phụ cận tính từ mép ngoài bờ kênh trở ra, tối
thiểu là 2 m.
- Đối với những đoạn kênh chìm, tuyến kênh chìm có
bờ kênh kết hợp làm đường giao thông, phạm vi vùng phụ cận thực hiện theo quy định
về hành lang bảo vệ công trình giao thông nhưng không được nhỏ hơn phạm vi vùng
phụ cận bảo vệ công trình theo quy mô kênh tương ứng.
c) Kênh nội đồng: Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân
mái ngoài cùng trở ra, tối thiểu là 1 m.
d) Công trình trên kênh: Phạm vi vùng phụ cận tính
từ phần xây dựng hoặc gia cố bảo vệ ngoài cùng của công trình trở ra tương ứng
quy định tại điểm a, điểm b khoản này.
đ) Đường ống dẫn nước: Phạm vi vùng phụ cận tính từ
mép ngoài đường ống trở ra tương ứng quy định tại điểm a, điểm b khoản này.
4. Bờ bao thủy lợi: Phạm vi vùng phụ cận tính từ
chân bờ bao trở ra, tối thiểu là 2 m.
5. Kè chống sạt lở bờ sông, suối: Phạm vi vùng phụ
cận tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra, tối thiểu là 5 m.
6. Trạm bơm
a) Trạm bơm phải có hàng rào bảo vệ: Phạm vi vùng
phụ cận tính từ mép ngoài móng hàng rào bảo vệ trở ra là 3 m (trường hợp nền
hàng rào là đất đắp thì tính từ chân mái đắp trở ra là 3 m).
b) Trường hợp trạm bơm đã xây dựng chưa có hàng rào
bảo vệ thì đơn vị trực tiếp quản lý khai thác trạm bơm phải xây dựng hàng rào bảo
vệ trong ranh giới được giao đất. Phạm vi vùng phụ cận theo quy định tại điểm a
khoản này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm của các cơ
quan, tổ chức cá nhân
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối
hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp: Tổ chức tuyên truyền
phổ biến rộng rãi các quy định về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
theo dõi, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Quy định này; đôn đốc, kiểm tra
việc lập phương án bảo vệ các công trình thủy lợi do địa phương quản lý; giải
quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết
các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính,
Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải,
Công Thương, Công an tỉnh: Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của ngành phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp quản lý
khai thác công trình thủy lợi để xử lý các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công
trình thủy lợi.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi có công trình thủy lợi phối hợp với
đơn vị quản lý công trình, tổ chức tuyên truyền Luật Thủy lợi và các quy định của
Chính phủ về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Chịu trách nhiệm
trước Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái
phép phần đất thuộc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi do địa phương mình quản
lý.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai
thác công trình thủy lợi Gia Lai, các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khai
thác công trình thủy lợi có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án bảo
vệ công trình thủy lợi, phương án cắm mốc chỉ giới theo quy định hiện hành.
Điều 6. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc,
các tổ chức, cá nhân, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp./.