Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 293/QĐ-UBND 2018 phê duyệt Đề án phòng cháy chữa cháy rừng Bắc Ninh

Số hiệu: 293/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Hữu Thành
Ngày ban hành: 07/06/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 293/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 07 tháng 6 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2018 - 2022”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 12/7/2001, sửa đổi, bổ sung ngày 21/11/2013;

Căn cứ Luật Đầu tư công năm 2014;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 Quy định về Phòng cháy chữa cháy rừng; số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 về Quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1938/QĐ-TTg ngày 28/10/2014 của về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2014 - 2020”; số 07/2012/QĐ- TTg ngày 08/02/2012 về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 04/8/2005 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý sử dụng kinh phí cho công tác PCCCR;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, PCCCR; Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 27/3/2013 của Liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN- BTC ngày 22/6/2007;

Căn cứ Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Căn cứ Quyết định số 5345/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1938/QĐ-TTg ngày 28/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ

Căn cứ Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 06/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp UBND tỉnh ngày 22/5/2018;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 671/TTr-SNN-KL ngày 29/5/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2022”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Kho bạc Nhà nước Bắc Ninh; Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có rừng và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c)
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Thành

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2018 - 2022”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 07/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh)

1. Mục tiêu, phạm vi, thời gian thực hiện

1.1. Mục tiêu chung

Củng cố nhận thức, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp. Đặc biệt là lực lượng chuyên ngành để có đủ khả năng kiểm soát cháy rừng, giảm nguy cơ cháy rừng, chữa cháy rừng kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Bảo vệ diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực chỉ huy PCCCR thực hiện tốt việc phối hợp theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

- Nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng; phát hiện sớm và thông báo kịp thời tất cả các điểm cháy rừng thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

- Củng cố tổ chức và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng liên quan đến công tác PCCCR từ tỉnh đến cơ sở để giúp chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp PCCCR, kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả mọi nguy cơ xảy ra cháy rừng.

- Tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác PCCCR, thực hiện kịp thời việc dự báo cấp cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy rừng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội đối với nhiệm vụ PCCCR.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho tất cả các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về công tác PCCCR.

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác PCCCR của chính quyền các cấp, trọng tâm là chính quyền cấp xã.

1.3. Phạm vi thực hiện

Trên phạm vi 24 xã, phường, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa bàn của các huyện Gia Bình, Quế Võ, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.

1.4. Thời gian thực hiện: 2018 - 2022

2. Nội dung

2.1. Cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm điểm cháy

- Phân vùng trọng điểm cháy rừng: Căn cứ theo các nhân tố ảnh hưởng đến cháy rừng (như: địa hình, kiểu thảm thực vật rừng, điều kiện kinh tế, xã hội của khu vực phân bổ rừng) và thực trạng cháy rừng (thống kê số vụ cháy rừng diện tích, đối tượng rừng bị thiệt hại, nguyên nhân...) để phân vùng trọng điểm cháy rừng. Trên cơ sở đó, tổng diện tích rừng dễ cháy bao gồm toàn bộ diện tích rừng hiện có của tỉnh (537,1 ha). Trong đó diện tích rừng đặc biệt có nguy cơ cháy cao là 229,6 ha, tập trung chủ yếu ở các khu rừng thuộc thành phố Bắc Ninh (khu Lãm Làng, phường Vân Dương: 35,0 ha; thôn Đa Cấu, xã Nam Sơn: 15,0 ha); huyện Tiên Du (thôn Chè, xã Liên Bão: 10,0 ha; thôn Núi Đông, xã Hoàn Sơn: 20,0 ha; thôn Long Văn, xã Việt Đoàn: 18 ha; thôn Cổ Miếu, xã Phật Tích: 20,0 ha); huyện Quế Võ (thôn Cựu Tự, thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá: 50,0ha; thôn Đồng Sài, xã Phũ Lãng: 35,6 ha); huyện Gia Bình (núi Thiên Thai, xã Đông Cứu: 26,0 ha).

- Xây dựng bản đồ phân vùng cháy rừng các cấp để xác định được các khu vực có nguy cơ cháy cao để tập trung các nguồn lực phục vụ cho PCCCR: Bản đồ cấp xã tỷ lệ 1/10.000, bản đồ cấp huyện tỷ lệ 1/50.000, cấp tỉnh tỷ lệ 1/100.000 và bản đồ phân vùng trọng điểm cháy cho chủ rừng tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000; xây dựng, cập nhật hàng năm bản đồ PCCCR của vùng trọng điểm dễ cháy để xác định được các khu vực có nguy cơ cháy cao nhằm tập trung các nguồn lực phục vụ cho công tác PCCCR. Bản đồ thể hiện các mặt sau: Loại rừng dễ cháy theo cấp tuổi non, trung niên, thành thục; hệ thống đường băng xanh, đường ranh cản lửa, nhà trực, bảng, biển báo...; hệ thống thông tin liên lạc; nguồn nước; vị trí bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra phát hiện cháy; Vùng dân cư phân bổ ven rừng. Đưa ra vùng trọng điểm xảy ra cháy rừng cho từng bản đồ huyện tỷ lệ 1/50.000 và 1/100.000, vùng trọng điểm được tô màu đến lô trạng thái: Màu đỏ sẫm chỉ cấp V: cấp cực kỳ nguy hiểm; Màu da cam chỉ cấp IV: cấp rất nguy hiểm; Màu vàng chỉ cấp III: cấp nguy hiểm.

- Thông tin đều đặn trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh và thông qua địa chỉ Email của các đơn vị cơ sở về công tác dự báo cháy rừng, chương trình chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh thực hiện chuyên mục “Bản tin dự báo cháy rừng”, thông báo cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Các Hạt Kiểm lâm phối hợp với Đài truyền thanh cấp huyện và UBND cấp xã thông tin hàng ngày trong thời gian cao điểm cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, để mọi người dân biết và chủ động PCCCR.

- Phát hiện sớm và xác định điểm cháy tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng: Chủ yếu là xây dựng cơ chế quản lý, cung cấp thông tin và phương án tác chiến khi cháy rừng xảy ra. Khi cháy rừng xảy ra, người phát hiện thấy cháy phải báo cháy nhanh nhất cho cơ quan, đơn vị chức năng và tham gia chữa cháy. Cơ quan, đơn vị nhận được tin báo về vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức chữa cháy; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng, quần chúng nhân dân tại địa phương và khu vực lân cận tham gia tổ chức chữa cháy kịp thời, cụ thể như sau:

+ Trong thời gian cao điểm mùa hanh khô Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phải tăng cường cán bộ Kiểm lâm thường xuyên bám địa bàn để tham mưu cho chính quyền địa phương, đôn đốc nhân dân và các chủ rừng tăng cường công tác PCCCR. Khi phát hiện cháy rừng phải xác định rõ vị trí (toạ độ) đám cháy, mức độ, quy mô đám cháy báo cáo ngay cho Trưởng thôn; Ban chỉ đạo PCCCR xã và thường trực Ban chỉ đạo PCCCR huyện, thành phố (thường trực là Hạt Kiểm lâm); Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR để huy động lực lượng, phương tiện cứu chữa kịp thời không để xảy ra cháy lớn; xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt và hoạt động đều đặn để thông tin 2 chiều từ Ban chỉ đạo PCCCR các cấp và các chủ rừng để xử lý thông tin, kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo công tác PCCCR.

+ Trong các tháng mùa hanh khô duy trì mạng lưới theo dõi cập nhật thông tin về thời tiết tại các trạm (Hạt Kiểm lâm) xây dựng cấp cảnh báo cháy rừng và phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và các địa phương tổ chức cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh, có ý thức khi sử dụng lửa, góp phần chủ động phòng cháy rừng ở cơ sở.

2.2. Củng cố tổ chức và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ

a) Tổ chức chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp

- Kiện toàn Ban chỉ đạo PCCCR ở cả 03 cấp: tỉnh, huyện, xã để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR; xây dựng, rà soát quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cụ thể:

+ Ban chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm Phó Trưởng ban thường trực; đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh làm Phó Trưởng ban; các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Tài chính, Chi cục Kiểm lâm và UBND các huyện, thành phố có rừng và đất lâm nghiệp làm thành viên. Ban chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh.

+ Ban chỉ đạo cấp huyện do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch huyện làm Trưởng ban; các Phó Trưởng ban gồm các đồng chí là đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện; Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế); phòng Cảnh sát PCCC (nếu có); các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan: Công an, Ban chỉ huy quân sự, Văn phòng HĐND - UBND; lãnh đạo các UBND xã, phường, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp làm thành viên. Ban chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác PCCCR trên địa bàn huyện.

+ Ban chỉ đạo cấp xã do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã làm Trưởng ban; Phó Trưởng ban do 01 đồng chí đại diện lãnh đạo Công an xã; các thành viên Ban chỉ đạo bao gồm: đại diện Ban chỉ huy quân sự, cán bộ môi trường, nông nghiệp, cán bộ địa chính, cán bộ kiểm lâm địa bàn. Ban chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác PCCCR trên địa bàn xã.

+ Bộ phận thường trực của Ban chỉ đạo, chỉ huy PCCCR của các cấp đặt tại cơ quan Kiểm lâm cung cấp, thực hiện các nhiệm vụ: Theo dõi, chỉ đạo công tác PCCCR; phôi hợp với lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong PCCCR; phối hợp với các cơ quan để kiểm tra và đôn đốc các địa phương, chủ rừng thực hiện phương án, dự án, kế hoạch PCCCR đã được phê duyệt và khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.

+ Ban chỉ đạo PCCCR các cấp xây dựng quy chế hoạt động, phối hợp cụ thể; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong ban; tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, giáo dục việc PCCCR theo quy định của Nhà nước; tổ chức họp định kỳ và báo cáo tình hình PCCCR ở địa phương theo quy định.

- Quy định cơ chế thống nhất chỉ huy điều hành công tác PCCCR từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là cơ chế huy động lực lượng đến chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ ở địa phương, đơn vị.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị; tổ chức, kiểm tra đôn đốc chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện phương án và các nội dung chỉ đạo của cấp trên về PCCCR; kiến nghị cấp trên xử lý các đơn vị liên quan nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng.

b) Tổ chức và nâng cao năng lực của lực lượng PCCCR

- Tổ chức kiện toàn, củng cố lực lượng PCCCR ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã:

+ Cấp tỉnh: Trên cơ sở lực lượng kiểm lâm hiện có, tiếp tục củng cố, tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện cán bộ; đầu tư trang thiết bị chuyên dùng; xây dựng quy chế hoạt động, phân công địa bàn quản lý, phương án phối hợp chữa cháy rừng của từng xã, huyện và toàn tỉnh.

+ Cấp huyện: Lực lượng nòng cốt PCCCR là Hạt Kiểm lâm huyện, thành phần tham gia gồm: Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, lực lượng của các đơn vị chủ rừng. Tổ chức thành các tổ đội chuyên trách thực hiện nhiệm vụ PCCCR trên địa bàn huyện trong mùa hanh khô, thành phần là lực lượng kiểm lâm và cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp huyện. Trang bị phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp, huy động phương tiện hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành trong huyện.

+ Cấp xã: Tổ chức các tổ, đội xung kích PCCCR từ 10-20 người cho một thôn có rừng làm nòng cốt cùng với lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tại địa phương có rừng. Thực hiện trực chữa cháy trong mùa cao điểm về cháy rừng. Trang bị chủ yếu là dụng cụ, phương tiện thô sơ, vận động người dân đưa vật dụng và máy móc cơ giới tham gia PCCCR khi cần thiết.

- Khi cháy lớn xảy ra, Trưởng ban chỉ đạo PCCCR cấp tỉnh thống nhất với Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh điều động lực lượng, phương tiện của 2 đơn vị này tham gia chữa cháy.

- Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức tập huấn nghiệp vụ về quản lý lửa rừng, kỹ thuật PCCCR cho các lực lượng theo quy định.

- Nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ: Đối tượng đào tạo là các cán bộ quản lý, cán bộ chuyên ngành, cán bộ phụ trách về PCCCR từ tỉnh đến cơ sở; chủ rừng; tổ đội quần chúng bảo vệ rừng. Nội dung đào tạo: Kỹ thuật PCCCR; ứng dụng công nghệ mới, biện pháp cứu hộ, cứu nạn trong PCCCR; nghiệp vụ tuyên truyền và các kỹ thuật khắc phục hậu quả của cháy rừng.

2.3. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các công trình PCCCR

- Tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị PCCCR cho lực lượng PCCCR chuyên ngành và cơ sở là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, quá trình đầu tư phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất và theo nguyên tắc sau:

+ Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị bảo đảm theo đúng yêu cầu thực tế của đơn vị và địa phương, thực hiện theo phương châm hiệu quả, tiết kiệm và tránh lãng phí.

+ Phương tiện, thiết bị đảm bảo đồng bộ, thống nhất; dễ sử dụng, hiệu suất cao, cơ động được tối đa trên địa hình phức tạp và an toàn cho người sử dụng và môi trường.

- Nội dung đầu tư: Đầu tư xây dựng phần mềm phân vùng trọng điểm cháy rừng; Đầu tư phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng PCCCR các cấp và các công trình PCCCR; đầu tư xây dựng và biên soạn các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn việc thực thi pháp luật về PCCCR.

2.4. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về công tác PCCCR

- Xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền về công tác PCCCR, thông báo cấp dự báo nguy cơ cháy rừng hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng trong các tháng cao điểm của mùa hanh khô.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong công tác PCCCR; tuyên truyền lợi ích của rừng đối với cuộc sống con người và môi trường sinh thái.

- Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR; biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; in ấn và phát hành các tờ rơi, tài liệu phổ biến về PCCCR và các quy định của pháp luật về lĩnh vực bảo vệ rừng.

3. Giải pháp

3.1. Giải pháp về cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành

- Xây dựng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, tổ chức trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và các quy định hiện hành.

- Củng cố hoạt động của Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và quy định cơ chế thống nhất chỉ huy điều hành công tác PCCCR từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là cơ chế huy động lực lượng chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị; tổ chức, kiểm tra đôn đốc chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện phương án và các nội dung chỉ đạo của cấp trên về PCCCR.

3.2. Giải pháp huy động lực lượng Quân đội và Công an tham gia chữa cháy rừng

- Huy động lực lượng Quân đội: Khi cháy lớn xảy ra, Trưởng ban chỉ đạo các cấp thống nhất với Chỉ huy trưởng cùng cấp điều động lực lượng tham gia chữa cháy rừng; Việc huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy rừng cho lực lượng quân đội tham gia chữa cháy do Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm đảm nhiệm.

- Huy động lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: Khi cháy rừng xảy ra, cảnh sát phòng cháy và chữa cháy địa phương có trách nhiệm tham gia chữa cháy rừng.

- Phương tiện vận chuyển lực lượng, công cụ, phương tiện chữa cháy rừng và hậu cần do đơn vị được huy động đảm nhiệm.

3.3. Giải pháp tuyên truyền

- Phối hợp các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCCCR cho người dân và các lực lượng liên quan để họ chấp hành nghiêm quy định về PCCCR; quản lý tốt nguồn lửa trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về công tác PCCCR bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, đặc biệt các hộ dân sống gần rừng, cụ thể như: Tổ chức các buổi tuyên truyền ở cơ sở, vận động và hướng dẫn thực hiện quy ước của cộng đồng về bảo vệ rừng và PCCCR; xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR; biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; in ấn và phát tài liệu phổ biến về PCCCR; phối hợp với các trường học, nhà máy để tổ chức tuyên truyền công tác PCCCR đối với học sinh, công nhân.

3.4. Giải pháp về công nghệ, kỹ thuật trong PCCCR

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lửa rừng: Xây dựng bản đồ cháy rừng các cấp; xây dựng và ứng dụng phần mềm phân vùng trọng điểm cháy rừng; truyền tin, xử lý thông tin và chỉ huy chữa cháy rừng, huy động lực lượng và tổ chức chữa cháy rừng.

- Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, phương tiện, thiết bị và công cụ PCCCR tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh như: Dọn vệ sinh rừng làm giảm khối lượng vật liệu cháy, làm đường ranh cản lửa; mua sắm trang bị phương tiện phục vụ công tác PCCCR: bồn chứa nước di động; máy bơm chuyên dụng chữa cháy rừng; máy phát điện, máy định vị GPS; bàn dập lửa...

- Xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng: nhà trực gác rừng; bể chứa nước, đập chứa nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng; đường ranh cản lửa...

3.5. Giải pháp tập huấn, huấn luyện, diễn tập PCCCR, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ chuyên môn

- Tùy theo đối tượng đào tạo (cán bộ quản lý, cán bộ chuyên ngành về PCCCR các cấp; chủ rừng; tổ đội quần chúng bảo vệ rùng và các tình nguyện viên....) để xây dựng nội dung đào tạo phù hợp, cụ thể:

+ Tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên ngành, cán bộ phụ trách về PCCCR từ tỉnh đến cơ sở; chủ rừng, nội dung tập huấn gồm: ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật PCCCR, nghiệp vụ tuyên truyền trong công tác PCCCR và các biện pháp cứu hộ, cứu nạn trong chữa cháy rừng; biện pháp khắc phục hậu quả sau cháy rừng.

+ Tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng quần chúng bảo vệ rừng cơ sở để nắm được kiến thức cơ bản về PCCCR.

- Tổ chức diễn tập phương án PCCCR theo quy mô cấp huyện và cấp xã tại các khu rừng trọng điểm về cháy rừng với nhiều dạng địa hình, loại vật liệu cháy và các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy khác nhau; sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy. Qua đó tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức chữa cháy rừng đạt hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra.

- Tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm về công tác PCCCR ở các tỉnh làm tốt về công tác PCCCR.

4. Khái toán vốn đầu tư

4.1. Tổng kinh phí

Tổng kinh phí thực hiện đề án tạm tính: 29.992.200.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi chín tỷ, chín trăm chín mươi hai triệu, hai trăm nghìn đồng)

Hàng năm theo tiến độ thực hiện đề án, ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí thực hiện từng nhiệm vụ của đề án theo quy định hiện hành.

4.2. Nguồn kinh phí

Nguồn vốn ngân sách nhà nước, theo phân cấp ngân sách của Luật ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn vốn hợp pháp khác.

5. Hiệu quả

5.1. Hiệu quả chung

Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát công tác PCCCR các cấp; củng cố, hoàn thiện lực lượng PCCCR chuyên ngành; tăng cường đầu tư nhằm nâng cao năng lực PCCCR, góp phần hạn chế và giảm thiểu tối đa các nguy cơ xảy ra cháy rừng, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất do cháy rừng gây ra nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, cảnh quan môi trường sinh thái, các di tích lịch sử và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

5.2. Hiệu quả về kinh tế

Đề án được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý, khoa học và phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng chữa cháy chuyên ngành, các cấp, các ngành và các chủ rừng. Tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các lực lượng, các ngành, địa phương và cộng đồng, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Phát hiện và chữa cháy kịp thời các vụ cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, giảm thiệt hại tối đa về kinh tế do cháy rừng gây ra.

Đồng thời, tài nguyên rừng được bảo vệ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân hưởng lợi trực tiếp từ các sản phẩm của rừng: Sản phẩm tỉa thưa khi chăm sóc rừng, các sản phẩm nông lâm kết hợp dưới tán rừng, nguồn nước sạch; thu hút khách tham quan du lịch...

5.3. Hiệu quả về xã hội

Rừng được bảo vệ, góp phần tạo sự ổn định cho dân cư ven rừng, nâng cao nhận thức cho cộng đông dân cư về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định, chế độ của địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và các lực lượng khác có liên quan.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao được kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý, tiếp cận được những thành tựu tiến bộ khoa học; tăng cường sự phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh góp phần phát huy nội lực của các thành phần kinh tế trên cơ sở sử dụng tài nguyên rừng hợp lý, bền vững.

5.4. Hiệu quả về môi trường, cảnh quan

Giảm thiểu cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra nhằm cân bằng hệ sinh thái, tạo nguồn nước, bảo vệ môi trường tăng cường hiệu quả phòng hộ của rừng, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện môi trường xanh trên địa bàn tỉnh và cũng là môi trường vành đai xanh của thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Tạo môi trường cảnh quan đẹp cho các khu di tích lịch sử, góp phần thu hút ngày càng đông khách tham quan, du lịch, tạo đà phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân sở tại.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Tiến độ thực hiện

Từ 2018 đến 2022; Chia hai giai đoạn:

- Năm 2018: Xây dựng và trình duyệt đề án

- Từ năm 2019 - 2022: Thực hiện các thủ tục xây dựng và trình duyệt dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước, chuẩn bị đầu tư; tổ chức thực hiện các hạng mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6.2. Trách nhiệm thực hiện

- Sở Nông nghiệp và PTNT: là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác PCCCR; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án. Đề xuất, tham mưu trình UBND tỉnh các biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Hàng năm căn cứ vào đề án được phê duyệt tham mưu giúp UBND tỉnh bố trí kế hoạch và kinh phí đảm bảo theo tiến độ thực hiện của đề án; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn theo quy định của Nhà nước.

- Các Sở, Ngành liên quan: Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Khí tượng thuỷ văn và các Sở, Ban, Ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện đề án.

- Chi cục Kiểm lâm: Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án sau khi được duyệt; trực tiếp tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của đề án theo đúng chế độ, chính sách hiện hành. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện đề án với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và các Bộ, ngành liên quan.

- UBND các huyện, thành phố và các xã có rừng: Theo chức năng nhiệm vụ và phạm vi quản lý có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác PCCCR tại địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện đề án có hiệu quả trên địa bàn quản lý; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác PCCCR (theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 09/2006/NĐ-CP của Chính phủ).

Trên đây là Đề án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018- 2022”. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các ngành, các địa phương phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 293/QĐ-UBND ngày 07/06/2018 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2022”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.240

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.180.101
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!