ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2921/QĐ-UBND
|
Thái Nguyên, ngày 01 tháng 11 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CÔNG TÁC TRỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ
Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP
ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng
dẫn một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định 44/2014/QĐ-TTg
ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên
tai;
Căn cứ Quyết định số 446/QĐ-UBND
ngày 03/3/2016 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, năm 2016;
Xét đề nghị của Ban Chỉ huy phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 29/TTr-BCH ngày 16/9/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này “Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 746/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 của UBND
tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị
xã; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và
PTNT;
- Văn phòng BCĐ TW về PCTT;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Báo Thái Nguyên;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, CNN, TH.
(hungnv/QĐ.T10/150b)
|
CHỦ
TỊCH
Vũ Hồng Bắc
|
QUY CHẾ
VỀ CÔNG TÁC TRỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số
2921/QĐ-UBND ngày 01/11/2016 của
UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
áp dụng
1. Phạm vi: Quy chế này quy định công
tác trực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy
phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (viết tắt VPTT Ban Chỉ huy cấp
tỉnh); Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành
phố, thị xã (viết tắt VPTT Ban Chỉ
huy cấp huyện); Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, phường, thị trấn (viết tắt Ban Chỉ huy cấp xã); Chi cục
Thủy lợi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái
Nguyên (viết tắt Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) và công tác kiểm tra,
xử lý tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai.
2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp
dụng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia công tác trực phòng ngừa,
ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh, VPTT Ban Chỉ
huy cấp huyện, Ban Chỉ huy cấp xã, Chi cục Thủy lợi, Công ty Khai thác thủy lợi
Thái Nguyên và và công tác kiểm tra, xử lý tại hiện trường nơi xảy ra thiên
tai.
Điều 2. Thời gian trực
1. Trực phòng, chống thiên tai:
a) Từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày
04 tháng 5 hàng năm: Tổ chức trực theo chế độ 12/24 giờ (từ 8h00 sáng đến 21h00
cùng ngày).
b) Từ ngày 05 tháng 5 đến hết ngày 31
tháng 12 hàng năm: Tổ chức trực theo chế độ 24/24 giờ (từ
8h00 sáng đến 8h00 sáng ngày hôm sau).
Lãnh đạo VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh,
VPTT Ban Chỉ huy cấp huyện, Ban Chỉ huy cấp xã, Chi cục Thủy lợi, Công ty Khai
thác thủy lợi Thái Nguyên phân công trực, điều chỉnh chế độ trực trong thời
gian từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 04 tháng 5 và thời gian nghỉ lễ, tết tùy
theo tình hình thiên tai.
2. Trực tham mưu điều hành quy trình
vận hành các công trình thủy lợi (do Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản
lý), đê điều (do Chi cục Thủy lợi quản lý): Căn cứ diễn biến
tình hình thiên tai, tình hình mưa lũ bất thường và trường
hợp đặc biệt quy định thời gian trực theo chế độ 12/24 giờ
hoặc 24/24 giờ.
3. Trực hành chính và hậu cần: Thời
gian trực được huy động tùy theo tình hình thực tế và trực theo chế độ 12/24 giờ. Trong trường hợp diễn biến thiên tai phức
tạp, công tác chỉ đạo, ứng phó khắc phục hậu quả khẩn
trương, có thể xem xét điều chỉnh chế độ trực từ 12/24 giờ sang chế độ trực từ
24/24 giờ.
4. Tham gia đoàn công tác của Ban Chỉ
huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (viết tắt Ban Chỉ huy cấp tỉnh)
và VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh để chỉ đạo, kiểm tra và xử lý
hiện trường: Thời gian trực được xác định trong suốt thời
gian tham gia đoàn công tác (bao gồm cả thời gian đi và về).
Điều 3. Thành phần trực
1. Trực phòng, chống thiên tai tại
VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh, VPTT Ban Chỉ huy cấp huyện,
UBND các xã, phường, thị trấn (viết tắt UBND cấp xã):
a) Trực chỉ đạo:
- Tại VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh:
Thành viên Ban Chỉ huy cấp tỉnh, lãnh đạo VPTT Ban Chỉ huy
cấp tỉnh;
- Tại VPTT Ban Chỉ huy cấp huyện:
Thành viên Ban Chỉ huy cấp huyện;
- Tại UBND cấp xã: Thành viên Ban Chỉ
huy cấp xã.
b) Trực nghiệp vụ: Trong trường hợp
bình thường thành phần trực gồm 01 trưởng ca trực, 01 cán bộ trực nghiệp vụ;
trường hợp diễn biến thiên tai phức tạp, tùy theo mức độ
diễn biến của thiên tai, số lượng cán bộ của ca trực được bổ sung để hỗ trợ.
c) Trực tham mưu điều hành quy trình vận hành các công trình thủy lợi,
đê điều: 01 cán bộ trực nghiệp vụ, trong trường hợp cần
thiết, khi xảy ra mưa lũ bất thường, tình huống đặc biệt, có thể bổ sung thêm
cán bộ trực để hỗ trợ.
d) Trực hành chính, hậu cần: Trong
trường hợp bình thường, thành phần trực gồm 01 cán bộ hành chính và 01 cán bộ
lái xe; trường hợp diễn biến thiên tai phức tạp, số lượng cán bộ của ca trực được
bổ sung để hỗ trợ cho ca trực.
Lãnh đạo VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh;
VPTT Ban Chỉ huy cấp huyện, Ban Chỉ huy cấp xã căn cứ vào danh sách cán bộ trực và tình hình thực tế, diễn biến của thiên tai để phân trực, bổ sung cán bộ trực.
2. Trực phòng, chống thiên tai tại
Chi cục Thủy lợi và Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên:
- Tại trụ sở Chi cục Thủy lợi và Công
ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên: Trong trường hợp bình thường, thành phần trực
gồm 01 trưởng ca trực và 01 cán bộ trực nghiệp vụ; trường
hợp diễn biến thiên tai phức tạp, lãnh đạo hai đơn vị trên
huy động cán bộ trực nghiệp vụ, lái xe và hậu cần để hỗ trợ ca trực.
- Tại các đơn vị
quản lý trực tiếp đê điều thuộc Chi cục Thủy lợi: 01 cán bộ trực nghiệp vụ.
- Tại các đơn vị quản lý trực tiếp
công trình thủy lợi của Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên: 01 cán bộ trực
nghiệp vụ. Riêng tại Cụm đầu mối công trình hồ Núi Cốc: 02 cán bộ trực nghiệp vụ.
3. Trực chỉ đạo, kiểm tra và xử lý tại hiện trường: Trưởng đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý
tại hiện trường và các đoàn công tác khác thực hiện theo yêu cầu
của lãnh đạo Ban Chỉ huy cấp tỉnh và VPTT Ban Chỉ huy cấp
tỉnh.
Điều 4. Phương thức
truyền thông tin
1. Fax trực tiếp cho nơi cần thông báo tin, sau đó gửi bản gốc bằng đường chuyển công văn để đối
chiếu; lưu trữ bản Fax và cuống Fax theo thứ tự để kiểm
tra khi cần thiết. Đối với các thông tin quan trọng có thể
liên lạc bằng đàm thoại để kiểm tra thông tin đã Fax (cần ghi rõ thời gian và tên người nhận thông tin).
2. Gửi tin nhắn; đọc trực tiếp, trao
đổi bằng đàm thoại (ghi tên người, ngày, giờ nhận điện); gửi Văn bản, Công điện
qua đường truyền phát của ngành Bưu điện, thư điện tử (Email) nếu có.
3. Trường hợp có Công điện của Thủ tướng
Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên
tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đối với các loại hình thiên tai:
- VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh gửi dự thảo Công điện (gửi trực tiếp hoặc qua địa chỉ Email) đến Ban Chỉ huy cấp tỉnh để duyệt và ban hành Công điện, trong
đó có nội dung chỉ đạo các cơ quan: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái
Nguyên, Trung tâm Thông tin tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn
tỉnh tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo, công tác chỉ đạo ứng phó với các loại hình
thiên tai.
- Ban Chỉ huy cấp huyện căn cứ Công
điện của Ban Chỉ huy cấp tỉnh ban hành Công điện triển
khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn, trong đó có nội
dung chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện tăng cường tần suất, thời
lượng phát thanh về dự báo, cảnh báo, công tác chỉ đạo ứng phó với các loại
hình thiên tai.
- Ban Chỉ huy cấp xã căn cứ Công điện
của Ban Chỉ huy cấp huyện gửi trực tiếp đến Trưởng
thôn/xóm/bản (Tổ trưởng Tổ dân phố) để phát trên loa phóng thanh cho người dân
biết và chủ động các biện pháp phòng, tránh thiên tai.
Chương II
NHIỆM VỤ CỦA CA
TRỰC
Điều 5. Nhiệm vụ trực phòng, chống
thiên tai
1. Nhiệm vụ trực chỉ đạo:
a) Thành viên Ban Chỉ huy các cấp:
Theo nhiệm vụ phân công của Ban Chỉ huy các cấp.
b) Lãnh đạo VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh,
VPTT Ban Chỉ huy cấp huyện, Ban Chỉ huy cấp xã:
- Theo dõi, tổng hợp các thông tin
liên quan đến tình hình thiên tai; công trình phòng, chống thiên tai;
- Phân công trực, điều chỉnh phân
công nhiệm vụ phục vụ công tác trực phòng, chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn;
- Tham mưu chỉ đạo các biện pháp
phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
- Kiểm tra và ký ban hành các báo cáo nhanh hàng ngày, báo cáo tuần, báo cáo tổng hợp về tình
hình thiên tai;
- Tham gia các cuộc họp sơ kết, tổng
kết, đột xuất liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.
2. Nhiệm vụ trực nghiệp vụ:
a) Cán bộ trực phải có mặt liên tục tại
trụ sở trực trong suốt thời gian trực; có trách nhiệm thu
thập, tiếp nhận đầy đủ, chính xác các thông tin; xử lý kịp thời các tình huống
xảy ra trong ca trực; báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo để chỉ đạo, ứng phó và
khắc phục kịp thời các tình huống thiên tai.
b) Cập nhật tin
tức, thường xuyên theo dõi các thông tin liên quan đến tình
hình thiên tai; thu thập thông tin thiên tai tại hiện trường,
thông tin về mực nước các hồ chứa, lũ trên sông Cầu, sông
Công, sự cố công trình, tình hình tổ chức phòng, chống, ứng
phó và khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương để kịp
thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý.
c) Dự thảo Công điện và các Văn bản
chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ
huy; dự thảo và trình lãnh đạo Trực chỉ đạo các nội dung
tin nhắn về Công điện, tình hình thiên tai, thời tiết nguy hiểm, tình hình thiệt
hại, công tác chỉ đạo, điều hành và các nội dung liên quan khác của lãnh đạo
Ban Chỉ huy để gửi đến các thành viên Ban Chỉ huy.
d) Chuẩn bị báo cáo nhanh, báo cáo tuần,
báo cáo phục vụ họp của Ban Chỉ huy (họp toàn thể hoặc họp Tiểu ban).
e) Fax, gửi Email các tài liệu, Công
điện, Văn bản chỉ đạo, tin nhắn chỉ đạo trong ca trực tới
các cơ quan, đơn vị liên quan; lưu trữ tài liệu theo quy định; đưa Công điện,
các Văn bản chỉ đạo về phòng, chống thiên tai lên Cổng
thông tin điện tử của tỉnh; gửi Công điện, các Văn bản chỉ
đạo về phòng, chống thiên tai tới các thành viên Ban Chỉ huy qua hệ thống thư
điện tử (Email), tin nhắn (SMS).
f) Ghi chép đầy đủ các công việc có
liên quan đến công tác trực phòng, chống thiên tai theo quy định; các thông tin
liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm
cứu nạn được xử lý liên tục; người trực trước phải bàn giao cho người trực sau
để theo dõi và xử lý thông tin kịp thời.
Điều 6. Nhiệm vụ trực tham mưu
điều hành quy trình vận hành các công trình thủy lợi, đê điều
1. Theo dõi, cập nhật thông tin về
khí tượng thủy văn khu vực, lượng mưa, lưu lượng đến các hồ chứa, mực nước các hồ, tình hình ngập úng, xả lũ, tình hình mực nước lũ trên sông Cầu, sông Công để vận
hành hồ chứa, trạm bơm, cống dưới đê,... theo quy trình được
duyệt.
2. Khi có thông tin về mưa lũ, lũ bất
thường và trong trường hợp có nguy cơ sự cố về an toàn đập, đê điều phải báo
cáo đề xuất phương án xử lý với VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh
để xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo
Ban Chỉ huy cấp tỉnh.
3. Chuẩn bị báo cáo phục vụ họp trong
trường hợp mưa lũ bất thường và trong trường hợp đặc biệt.
4. Xử lý các tình huống theo sự chỉ đạo,
phân công của lãnh đạo Ban Chỉ huy cấp tỉnh, VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh.
5. Duy trì cập nhật thông tin về an
toàn công trình hồ đập, đê điều cho đến khi kết thúc đợt mưa lũ bất thường hoặc trong trường hợp
đặc biệt.
Điều 7. Nhiệm vụ trực hiện trường
- Cập nhật tin tức, thường xuyên theo
dõi, nắm chắc mọi thông tin tại hiện trường để tham mưu báo cáo trưởng đoàn
công tác xử lý.
- Thường xuyên giữ thông tin liên lạc
với cán bộ trực tại trụ sở để nắm bắt kịp thời các thông tin, chỉ đạo điều
hành; cập nhật, cung cấp thông tin về diễn biến thiên tai và tình hình thực tế
tại hiện trường về VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh, VPTT Ban Chỉ
huy cấp huyện, Ban Chỉ huy cấp xã.
- Chuẩn bị các báo cáo phục vụ họp tại hiện trường.
- Xử lý các tình huống tại hiện trường theo chỉ đạo, phân công cụ
thể của trưởng đoàn công tác.
Chương III
CHẾ ĐỘ CHO CÁN BỘ
TRỰC LÀM NHIỆM VỤ TRỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Điều 8. Chế độ cho cán bộ làm
nhiệm vụ trực
1. Cán bộ làm nhiệm vụ trực phòng, chống
và khắc phục hậu quả thiên tai (tại trụ sở và tại hiện trường) thực hiện làm
đêm, làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt được quy định
tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.
2. Cán bộ làm nhiệm vụ trực phòng, chống thiên tai được trả lương làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ
hàng tuần, ngày nghỉ lễ và làm thêm giờ vào ban đêm theo
quy định tại Điều 97, 105 của Bộ luật
Lao động gồm:
a) Làm thêm giờ được trả lương tính
theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc
đang làm:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hằng
tuần, ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ
có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
b) Làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30%
tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày
làm việc bình thường.
c) Làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài
việc trả lương theo quy định tại điểm a và điểm b, người
lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn
giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Điều 9. Các mức trực phòng, chống
thiên tai
Công tác trực phòng, chống thiên tai được chia theo 05 mức tùy thuộc vào loại hình và mức độ
nguy hiểm của thiên tai, các cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh
như sau:
1. Đối với loại hình thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), lũ, ngập lụt:
Mức 1: Không có rủi ro thiên tai.
Mức 2: Khi có một trong các tin: Bão
gần biển Đông, tin ATNĐ trên biển Đông, báo động lũ cấp I trên hệ thống sông Cầu, sông Công.
Mức 3: Khi có một trong các tin: Bão
trên biển Đông, tin bão gần, tin ATNĐ gần bờ, báo động lũ
cấp II trên hệ thống sông Cầu, sông Công.
Mức 4: Khi có một trong các tin: Bão
khẩn cấp, tin bão trên đất liền, ATNĐ trên đất liền, báo động lũ cấp III
trên hệ thống sông Cầu, sông Công.
Mức đặc biệt: Khi có bão khẩn cấp về bão rất mạnh, siêu bão hoặc có
lũ lịch sử trên hệ thống sông Cầu, sông Công.
2. Đối với các loại hình thiên tai
khác:
Mức 1: Rủi ro thiên tai cấp độ 1 hoặc
không có rủi ro thiên tai.
Mức 2: Rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Mức 3: Rủi ro
thiên tai cấp độ 3 hoặc có sự cố công trình phòng, chống thiên tai.
Mức 4: Rủi ro thiên tai cấp độ 4 hoặc
có sự cố nghiêm trọng công trình phòng, chống thiên tai.
Mức đặc biệt: Rủi ro thiên tai cấp độ
5 hoặc có sự cố đặc biệt nghiêm trọng công trình phòng, chống thiên tai có thể xảy ra thảm họa.
Điều 10. Thời gian làm thêm,
làm đêm giờ theo các mức trực
Căn cứ vào các mức
trực phòng, chống thiên tai, quy định số thời gian làm thêm giờ, làm đêm như
sau:
1. Đối với trực phòng, chống thiên tai; trực tham mưu điều hành quy trình vận
hành các công trình thủy lợi; đê điều:
a) Chế độ trực 12/24 giờ:
- Ngày thường: số
giờ làm thêm được tính 4 giờ.
- Ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ,
ngày nghỉ có hưởng lương: số giờ làm thêm được tính 12 giờ.
b) Chế độ trực 24/24 giờ:
- Ngày thường: Số
giờ làm thêm, làm đêm được tính theo các mức sau:
Mức 1: Số giờ làm thêm được tính 8 giờ
trong đó có 4 giờ làm đêm.
Mức 2: Số giờ làm thêm được tính 10
giờ trong đó có 5 giờ làm đêm.
Mức 3: Số giờ làm thêm được tính 12
giờ trong đó có 6 giờ làm đêm.
Mức 4: Số giờ làm thêm được tính 14
giờ trong đó có 7 giờ làm đêm.
Mức đặc biệt: Số giờ làm thêm được tính 16 giờ trong đó có 8 giờ
làm đêm.
- Ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ,
ngày nghỉ có hưởng lương:
Mức 1: Số giờ
làm thêm được tính 16 giờ trong đó có 4 giờ làm đêm.
Mức 2: Số giờ làm thêm được tính 18
giờ trong đó có 5 giờ làm đêm.
Mức 3: Số giờ làm thêm được tính 20
giờ trong đó có 6 giờ làm đêm.
Mức 4: Số giờ làm thêm được tính 22
giờ trong đó có 7 giờ làm đêm.
Mức đặc biệt: Số giờ làm thêm được tính 24 giờ trong đó có 8 giờ làm đêm.
Thời gian làm thêm vào ban đêm được
tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
2. Đối với trực hành chính và lái xe:
a) Chế độ trực 12/24 giờ:
- Ngày thường: Số
giờ làm thêm được tính 4 giờ.
- Ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ,
ngày nghỉ có hưởng lương: Số giờ làm thêm được tính 12 giờ.
b) Trong trường hợp diễn biến thiên tai phức tạp, số giờ làm thêm được tính toán theo thời
gian huy động của cấp có thẩm quyền nhưng không vượt quá chế
độ trực 24/24 giờ đối với ngày thường và ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ,
ngày nghỉ có hưởng lương.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; thành viên Ban Chỉ huy các cấp;
VPTT Ban Chỉ huy cấp tỉnh, cấp huyện; Chi cục Thủy lợi; Công ty Khai thác thủy
lợi Thái Nguyên và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện
quy chế này./.