ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2426/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ VÀ GIẢM THIỂU CÁC RỦI RO CÓ THỂ TRỞ THÀNH THẢM
HỌA ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai
ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP
ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP
ngày 21/3/2014 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó có sự cố, thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Quyết định số
172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược
Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện
nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội tại Văn bản số 209/VNC-ĐT ngày
27/4/2018;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi
ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội” (Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các sở,
ban, ngành Thành phố; Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà
Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng;
- Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc;
- Đồng chí Phó Bí thư TT TU Đào Đức Toàn;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các UV BCS Đảng UBND TP;
- VPUB: CVP, các PCVP UBND TP;
KT, TKBT, ĐT;
- Lưu: VT, KT-15971.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sửu
|
ĐỀ ÁN
QUẢN LÝ VÀ GIẢM THIỂU CÁC RỦI RO CÓ THỂ TRỞ THÀNH THẢM HỌA ĐỐI VỚI
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2426/QĐ-UBND ngày 21/5/2018 của UBND thành
phố Hà Nội)
Phần I.
ĐẶT VẤN ĐỀ
I. Sự cần thiết của
Đề án
Trên thế giới, có nhiều định nghĩa về
rủi ro và thảm họa, song có thể quan niệm về rủi ro, thảm họa trong phát triển
kinh tế - xã hội như sau: Rủi ro là những hậu quả tiêu cực xảy ra ngoài ý muốn
trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị; gây thiệt hại, mất
mát về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, xã hội
và đời sống người dân. Thảm họa là hậu quả của quá trình rủi ro xảy ra trên quy
mô rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, vật chất, kinh tế hoặc môi trường.
Rủi ro, thảm họa có thể xảy ra trong
hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, đô thị, môi trường, y tế, an ninh....; có thể do
tác động của thiên nhiên hoặc do con người gây nên.
Trên thế giới, trong vài chục năm trở
lại đây đã xảy ra nhiều thảm họa. Những thảm họa do thiên nhiên như động đất,
lũ lụt xảy ra khá thường xuyên: trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra ở dưới
biển ngoài khơi Indonesia năm 2004 gây ra "vạt" sóng thần lớn và rộng
làm thiệt mạng gần 300.000 người ở nhiều nước Đông Nam Á và Nam Á (là trận động
đất mạnh nhất trong vòng 40 năm qua); trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra
ngày 8/10/2005 tại Pakistan làm hơn 30.000 người thiệt mạng... Bên cạnh đó, các
thảm họa có nguyên nhân từ con người cũng rất nhiều, mà đặc biệt nghiêm trọng
là các thảm họa về hạt nhân như vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Trecnobưn ở Ucraina
(4/1986) làm 140 công nhân bị nhiễm phóng xạ ở mức độ cao, khoảng 30 người chết,
600.000 người bị phơi nhiễm và ảnh hưởng đến 5 triệu người sống trong vùng lân
cận với nhà máy; sự cố mất điện tại Ấn Độ năm 2012 khiến khoảng 600 triệu người,
tức một nửa dân số nước này thiếu điện nước sinh hoạt trong 2 ngày và những thiệt
hại lớn về sản xuất, giao thông...
Tại Việt Nam, rủi ro do thiên tai, lũ
lụt xảy ra trên hầu khắp cả nước. Ngoài ra, cũng đã xảy ra một số sự cố mang
tính thảm họa có nguyên nhân từ con người như tai nạn lật tàu hỏa năm 1982 tại
Trảng Bom, Đồng Nai làm hơn 300 người thiệt mạng, sự cố cháy tòa cao ốc ITC tại
thành phố Hồ Chí Minh năm 2002, làm thương vong hơn 100 người...
Để quản lý và giảm thiểu các rủi ro,
thảm họa, tại nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, vấn đề kiểm soát rủi ro,
phòng ngừa thảm họa đã được nghiên cứu từ rất sớm và được đưa vào trong các
khung chính sách, chương trình hành động quốc gia, như: Đạo luật cơ bản về các
biện pháp ứng phó thảm họa của Nhật Bản (1961), Luật quản lý thảm họa của
Indonesia (2007), Luật Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thảm họa của Philippines
(2010), Pháp lệnh quản lý thảm họa quốc gia của Pakistan (2006), Luật Giảm thiểu
và ngăn chặn thảm họa của Thái Lan (2007),... Bên cạnh ban hành các quy định
pháp luật, một số quốc gia thành lập cơ quan quản lý thảm họa như: Bộ Phòng vệ
dân sự, tình trạng khẩn cấp và giải quyết hậu quả thiên tai của Liên bang Nga,
Bộ quản lý thảm họa và nhân quyền của Srilanka, Bộ lương thực và quản lý thảm họa
của Bangladesh,...
Tại Việt Nam, các văn bản quy phạm
pháp luật chủ yếu tập trung đề cập đến các vấn đề về ứng phó sự cố, phòng chống,
giảm nhẹ thiên tai. Riêng Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính
phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã
đề cập đến cả các sự cố do con người gây ra.
Đối với thành phố Hà Nội, cho đến nay
có một số trường hợp rủi ro có thể được coi là thảm họa do thiên nhiên gây ra:
năm 1971, mưa to liên tục và một cơn bão lớn đã gây nên trận lũ lịch sử tại đồng
bằng sông Hồng với mực nước sông Hồng ngày 20 tháng 8 lên đến 14,13 m ở Hà Nội
(cao hơn mực nước báo động cấp III đến 2,63 m) khiến hệ thống đê bị vỡ ở ba địa
điểm, làm chết 100.000 người, úng ngập 250.000 ha và hơn 2,7 triệu người chịu
thiệt hại; trận mưa lớn lịch sử cuối năm 2008 đã làm hầu hết khu vực nội thành
Hà Nội ngập trong 5 ngày, gây thiệt hại về người, hàng loạt phương tiện giao
thông bị hỏng, nhiều công sở, trường học phải đóng cửa, ước tính thiệt hại khoảng
3.000 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, thực hiện Luật
phòng chống thiên tai 2013, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật,
thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều nội dung đảm bảo công tác phòng, chống, ứng
phó sự cố, thiên tai. Thành phố đã thành lập 3 Ban Chỉ huy (Ban Chỉ huy phòng,
chống thiên tai Thành phố, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Ban Chỉ huy
cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân) để tham mưu Thành phố ban hành các văn bản,
chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, bao gồm cả các sự cố do thiên tai và do
con người gây ra. Trong đó các sự cố liên quan đến cháy nổ, lũ lụt, tai nạn
giao thông, sập đổ công trình... được chú trọng.
Tuy nhiên, việc xác định đầy đủ các rủi
ro có thể trở thành thảm họa đối với một đô thị đặc biệt như thành phố Hà Nội đến
nay chưa được nhận diện cụ thể và cũng chưa có những phương án tổng thể để quản
lý, giảm thiểu rủi ro trở thành thảm họa. Vì vậy, đề án này được thực hiện nhằm
đánh giá các rủi ro có thể trở thành thảm họa của Hà Nội, xác định các giải
pháp, tổ chức thực hiện để giảm thiểu tối đa và xử lý khi có rủi ro trở thành
thảm họa.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Luật Phòng, chống thiên tai năm
2013;
2. Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày
4/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
phòng, chống thiên tai;
3. Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày
21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn đã đề cập đến cả các sự cố do con người gây ra;
4. Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày
16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống
và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020”;
5. Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày
13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng
và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”;
6. Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày
24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng
phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020”;
7. Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày
06/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch ứng
phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020”;
8. Quyết định số 1230/QĐ-UBND ngày
23/3/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai thành phố Hà Nội.
9. Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày
1/4/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động
của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội.
10. Quyết định số 1633/QĐ-UBND ngày
11/4/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai
thành phố Hà Nội.
11. Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày
02/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ về thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất độc trên địa bàn thành phố Hà
Nội;
12. Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày
12/6/2017 của UBND thành phố Hà Nội về lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng
phó sự cố tràn dầu của cảng, cơ sở, dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội.
III. Mục đích, yêu
cầu
1. Mục đích
Nhận diện các rủi ro có thể trở thành
thảm họa của Hà Nội; xác định các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện để quản
lý, giảm thiểu tối đa thiệt hại do rủi ro gây ra và xử lý hiệu quả khi có rủi
ro trở thành thảm họa đối với Hà Nội.
2. Yêu cầu
- Dự báo, nhận diện các rủi ro có thể
trở thành thảm họa để xây dựng các phương án phòng chống, giảm thiểu và khắc phục.
- Phân công rõ trách nhiệm các cấp,
các ngành Thành phố chủ động triển khai thực hiện Đề án.
- Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ
trong xây dựng từng kịch bản rủi ro có thể trở thành thảm họa, tổ chức diễn tập
phương án được duyệt. Hàng năm có tổng kết đánh giá thực hiện Đề án.
IV. Phạm vi thực
hiện:
- Phạm vi không gian: Trên địa bàn
thành phố Hà Nội.
- Phạm vi thời gian: Dự báo đến năm
2030
- Phạm vi học thuật: Do tính chất đặc
thù và vị trí quan trọng của Thủ đô, xác định nội hàm để nhận diện rủi ro có thể
trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội là: những rủi ro xảy ra ngoài ý muốn
trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị gây thiệt hại lớn
về tính mạng, tài sản hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế, an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc tinh thần của số lượng lớn người
dân.
Các rủi ro có thể trở thành thảm họa
được xác định ở Đề án này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội.
Phần II.
NỘI DUNG
1. Dự báo những
rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của thành phố Hà
Nội:
1) Vỡ đê sông Hồng
Nếu do mưa bão, lũ, làm nước sông Hồng
dâng lên trên mức báo động cấp độ III (11,5m), sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ đê sông Hồng
khu vực trên Thành phố, gây nguy hại đến an toàn tính mạng hàng triệu người dân
và thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân Thủ đô.
2) Ô nhiễm nguồn nước
Trong tương lai, Hà Nội sử dụng nước
sinh hoạt chủ yếu là nước mặt. Vì vậy, có thể xảy ra rủi ro nếu nguồn nước mặt
bị nhiễm độc, ô nhiễm từ hóa chất, chất thải công nghiệp. Vấn đề an ninh về chất
lượng nước sạch của các nhà máy nước là vấn đề phải quan tâm.
3) Cháy, nổ, đổ sụp công trình
Các rủi ro cháy, nổ, đổ sụp công
trình được xác định có thể trở thành thảm họa của Hà Nội gồm:
- Cháy, đổ sụp công trình, nhà cao tầng,
khu đô thị:
Đối các chung cư cũ: Rủi ro dẫn đến
thảm họa khi xảy ra hiện tượng cháy, đổ sụp hàng loạt nhà chung cư. Hiện tại,
Hà Nội có 1579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu, với 1273 chung cư và 306 chung
cư riêng lẻ với quy mô từ 2 đến 5 tầng. Đa số các chung cư cũ đã hết niên hạn sử
dụng và phân bố tại 4 quận nội thành cũ, hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp
khá nghiêm trọng. Thảm họa được xác định, nếu động đất với cường độ 4-5 Richter
có thể gây sụp đổ hàng loạt các chung cư cũ (hiện có khoảng 30 nghìn hộ dân
đang sinh sống tại các chung cư cũ 4-5 tầng).
Đối các khu đô thị mới, khu chung cư
cao tầng: Rủi ro thành thảm họa khi cháy toàn bộ, hoặc đổ sụp chung cư cao tầng.
Nguyên nhân đổ sụp có thể do động đất, cường độ lớn (khoảng 7 Richter) đối với
các chung cư không được thiết kế chống động đất; hoặc do sai quy trình thiết kế,
xây dựng.
- Cháy khu dân cư: Rủi ro sẽ thành thảm
họa nếu để xảy ra cháy lớn không dập tắt kịp thời gây thiệt hại lớn về người đối
với một tuyến phố, hay cụm dân cư.
Các khu vực này tồn tại đan xen nhiều
kiến trúc xây dựng khác nhau và quy hoạch xây dựng không đồng bộ; nhà dân xen kẽ
với các khu dịch vụ, thương mại... nên số lượng, chủng loại chất cháy rất đa dạng,
trong đó có nhiều chất dễ cháy như gas, bông, vải sợi, nilon, giấy, hóa chất,...
Đặc biệt đối với các khu có mật độ dân cư cao, tồn tại nhiều nhà và công trình
cổ, cũ, giao thông nhỏ, hẹp... như các khu phố cổ, khu nội đô lịch sử. Là nơi
tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sập đổ công trình và rất khó cứu hỏa.
- Cháy công trình ngầm: trong tương
lai, số lượng công trình ngầm của Hà Nội ngày càng phát triển với quy mô lớn.
Cùng với đó, nguy cơ cháy nổ trở thành thảm họa do động đất, hoặc do ý thức của
con người hoàn toàn có thể xảy ra.
- Cháy, nổ các phương tiện vận chuyển
vật liệu hóa chất: Với số lượng lớn các phương tiện vận chuyển vật liệu, hóa chất
qua khu vực nội thành hàng ngày, sẽ có thể xảy ra thảm họa nếu các phương tiện
này bị cháy, nổ tại các tuyến đường có mật độ người tham gia giao thông đông;
cháy, nổ dễ lan truyền sang nhiều phương tiện vận tải khác, hậu quả gây thiệt hại
lớn về người, tài sản.
4) Tai nạn giao thông
- Thảm họa đối với hệ thống đường sắt
trên cao: Với số lượng vận chuyển hành khách 500 khách/chuyến, tần suất 10
phút/chuyến, nếu xảy ra rủi ro như tàu đang chạy bị rơi xuống thì sẽ là một thảm
họa, vì số lượng người thương vong rất lớn (cả số lượng người tham gia giao
thông phía dưới).
- Thảm họa đối với hàng không: có thể
xảy ra khi có hiện tượng bão (cấp 10 trở lên) kết hợp mưa lớn (180-280mm) và từ
sai sót của phi công điều khiển máy bay, hoặc bộ phận điều hành bay dưới mặt đất
dẫn đường hạ cánh không chính xác, máy bay hạ cánh ngoài đường băng gây cháy nổ,
chết người... Với thành phố Hà Nội, rủi ro do nguyên nhân chủ quan từ con người
có khả năng xảy ra cao hơn do thiên tai.
5) Rủi ro tại các sự kiện tập trung
đông người
Thành phố Hà Nội thường xuyên đăng
cai và diễn ra các sự kiện lớn, trong đó có sự kiện tập trung đông người như
các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm với số lượng hàng nghìn người tập trung tại một địa
điểm (tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, quảng trường, sân vận động...); nếu có các sự cố
gây hoảng loạn, người dân chen lấn, giẫm đạp để thoát thân, sẽ có khả năng trở
thành thảm họa nếu số lượng người chết và bị thương lớn.
6) Rủi ro dịch bệnh
Rủi ro thành thảm họa được dự báo khi
có các bệnh dịch lạ, khó điều trị, lan truyền với tốc độ nhanh trên địa bàn,
gây thiệt hại lớn về người.
7) Rủi ro trong lĩnh vực thông tin,
truyền thông
- Các cuộc tấn công mạng dưới các
hình thức mã độc gián điệp, mạng botnet, DDos... có chủ đích vào các cơ quan
nhà nước, các hệ thống tài chính, ngân hàng, các hạ tầng thông tin trọng yếu,
các website của tổ chức, doanh nghiệp nhằm phá hoại hệ thống thông tin và đánh
cắp thông tin, gây thiệt hại lớn về kinh tế, tài chính, xã hội và an ninh của
Thành phố.
- Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch
vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm chống lại Đảng, Nhà nước; gây nguy hại
đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, kích động bạo lực,
biểu tình, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục
của dân tộc; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm...
- Rủi ro thành thảm họa khi bị sự cố
mất đường truyền internet trong nhiều ngày, trên toàn địa bàn Thành phố.
8) Rủi ro do mất điện diện rộng
Sự cố đường dây cao áp có thể xảy ra
mất điện trên diện rộng, gây hiện tượng rã lưới điện toàn hệ thống, thời gian
khắc phục sự cố dài ngày, các nhà máy, dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động,
không có điện để phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày... Điều này sẽ gây ra
những tổn thất to lớn về kinh tế và tạo ra sự bất ổn trong xã hội.
9) Rủi ro do rò rỉ phóng xạ
Thảm họa sẽ xảy đến nếu có sự cố từ 3
nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc. Theo đánh giá, Hà Nội
là một trong số các tỉnh phía Bắc nước ta sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu 3
nhà máy này có sự cố. Do bụi phóng xạ có khả năng phát tán rộng làm ô nhiễm
không khí, ô nhiễm nguồn nước.
(10). Rủi ro khi có các hoạt động khủng
bố, phá hoại
Với đặc điểm là trung tâm chính trị của
cả nước, các rủi ro từ các hoạt động khủng bố, phá hoại của các tổ chức trong
và ngoài nước rất có khả năng xảy ra. Đây là những rủi ro có khả năng thành thảm
họa rất lớn vì ảnh hưởng đến chính trị và tính mạng của người dân.
2. Nhiệm vụ
1) Kiện toàn cơ quan ứng phó sự cố,
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Để đảm bảo thuận lợi cho công tác chỉ
huy phòng, chống, ứng phó với rủi ro từ thiên tai và con người, Thành phố thành
lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố trên cơ sở
hợp nhất Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố với Ban chỉ huy tìm kiếm cứu
nạn và Ban chỉ huy cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân; do Chủ tịch UBND Thành
phố làm Trưởng ban, Bộ Tư lệnh Thủ đô là cơ quan Thường trực Tìm kiếm cứu nạn,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Phòng, chống
thiên tai; Sở Khoa học và Công nghệ là thường trực Ứng phó sự cố bức xạ, sự cố
hạt nhân; các sở, ngành khác tham gia thành viên Ban Chỉ huy Thành phố.
2) Tăng cường công tác dự báo, cảnh
báo sớm
- Giao các đơn vị liên quan xây dựng
kịch bản chi tiết phòng, chống và ứng phó rủi ro trở thành thảm họa theo lĩnh vực
chuyên ngành.
- Tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống
dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên nhiên và chất lượng môi trường:
+ Hoàn thiện hệ thống dự báo các hiện
tượng thời tiết, biến đổi khí hậu có thể xảy ra rủi ro, như: bão, lũ, nóng, lạnh,
động đất, hạn hán... để chủ động ứng phó khi xảy ra.
+ Tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc
môi trường, cảnh báo trước các hiện tượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước,
đặc biệt là hệ thống nước mặt cấp cho sinh hoạt của Thành phố để kịp thời ứng
phó, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người dân.
+ Hiện đại hóa hệ thống thông tin cảnh
báo sớm từ Thành phố đến các quận, huyện.
3) Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính
sách đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống rủi ro
- Ban hành Kế hoạch phòng chống sự cố,
thảm họa đến năm 2020 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội, phù hợp với
Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Đề án
quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến
năm 2020 và các văn bản pháp lý khác.
- Ban hành các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ
thuật đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro có thể trở thành thảm họa
đồng thời điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy chuẩn về dự báo các thảm họa có
thể xảy ra.
- Ban hành các cơ chế, chính sách
khuyến khích xã hội hóa đối với công tác phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro, thảm
họa: Các chính sách tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng
văn bản pháp luật, lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý và giám sát việc thực hiện
các chương trình, dự án tại địa phương; chính sách ưu tiên và bảo vệ lợi ích hợp
pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thảm
họa; chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư
nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến kết hợp với các biện pháp
truyền thống; chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
tham gia vào việc cung cấp tài chính cho sự nghiệp phòng, chống và giảm nhẹ thảm
họa, tiến hành các hoạt động nhân đạo và từ thiện đối với khu vực bị thiệt hại
do thảm họa.
4) Nâng cao năng lực phòng chống, ứng
phó rủi ro cho các đối tượng
- Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn
cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và lực lượng nhân dân địa
phương; hàng năm các ngành, các địa phương tổ chức diễn tập phòng, chống và giảm
nhẹ rủi ro, thảm họa.
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực
đáp ứng yêu cầu phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro, thảm họa. Đặc biệt nguồn nhân
lực cho bộ máy tổ chức quản lý, tham mưu, điều hành công tác phòng, chống và giảm
nhẹ thảm họa.
- Khuyến khích thành lập các tổ chức
hỗ trợ quản lý thảm họa, các cơ sở đào tạo, huấn luyện, các đơn vị dịch vụ công
phục vụ cho phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.
5) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giáo dục
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao
nhận thức cộng đồng. Xây dựng năng lực tự phòng ngừa, ứng phó với thảm họa. Tổ
chức lực lượng tự nguyện của cộng đồng để tham gia cứu hộ, cứu nạn. Phát huy
vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội trong các hoạt động chuẩn bị ứng phó,
khắc phục hậu quả. Phát triển lực lượng tình nguyện viên trong công tác tuyên
truyền, vận động, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất... Khuyến khích các tổ
chức cá nhân trong và ngoài nước có các hình thức hỗ trợ đa dạng, hiệu quả cho
người dân và địa phương nơi có thảm họa xảy ra.
6) Ứng dụng khoa học công nghệ về
phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa
- Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ
bản, đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực phòng,
chống và giảm nhẹ thảm họa.
- Thành phố khuyến khích áp dụng các
thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo,
thông tin liên lạc, khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ
thảm họa.
- Khuyến khích phát triển các chuyên
ngành khoa học về phòng chống thảm họa: tình trạng khẩn cấp, quản lý thảm họa,
phát triển bền vững, y tế thảm họa, phục hồi sản xuất và môi trường sau thảm họa.
7) Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc
tế
- Tăng cường hợp tác với các địa
phương trong và ngoài nước trong công tác cảnh báo, dự báo, giáo dục, đào tạo,
chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các bài học thực tiễn...
tiến tới xây dựng các thỏa thuận, ký kết hợp tác về phòng, chống và giảm nhẹ thảm
họa; hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các chương trình liên
quan đến rủi ro, thảm họa.
- Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh lân cận
trong xây dựng các kế hoạch phòng, chống, ứng phó với sự cố, thiên tai (do có
nhiều sự cố, thiên tai mang tính chất liên tỉnh như bão, lũ, ô nhiễm môi trường
nước sông, ô nhiễm không khí...).
Phần III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền:
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế & Đô
thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội
dung Đề án trên các phương tiện thông tin của Thành phố theo quy định.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc
thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị xã hội Thành phố căn cứ chức năng,
nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị
xã tham gia tuyên truyền, phổ biến và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề
án.
2. Phân công các sở, ngành:
1) Sở Nội vụ: Nghiên cứu, đề xuất
phương án, trình UBND Thành phố phê duyệt phương án, kiện toàn cơ quan ứng phó
sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2018.
2) Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì,
phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND Thành phố các nhiệm vụ liên quan đến
các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.
Xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự
cố hạt nhân.
3) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn: Xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa vỡ đê sông Hồng.
4) Sở Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng
kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa ô nhiễm nguồn nước.
5) Sở Xây dựng: Xây dựng kịch bản chi
tiết phòng chống khi có thảm họa đổ sụp công trình xây dựng, nhà ở.
6) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy:
Xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa cháy công trình ngầm,
cháy khu dân cư, cháy nổ phương tiện vận tải, chất dễ cháy, cháy nổ chung cư...
7) Sở Giao thông Vận tải: Xây dựng kịch
bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa tai nạn giao thông hoặc sập các công
trình giao thông trên cao, giao thông ngầm,...
8) Bộ Tư lệnh Thủ đô: Xây dựng kịch bản
chi tiết phòng chống các thảm họa khủng bố, phá hoại và thảm họa giao thông
hàng không.
9) Công an thành phố Hà Nội: Xây dựng
kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa tại các sự kiện tập trung đông
người.
10) Sở Y tế: Xây dựng kịch bản chi tiết
phòng chống khi có thảm họa do dịch bệnh lây lan diện rộng trên địa bàn Thành
phố.
11) Sở Thông tin và Truyền thông: Xây
dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa trong lĩnh vực thông tin,
truyền thông.
12) Sở Công thương: Xây dựng kịch bản
chi tiết phòng chống khi có thảm họa do mất điện diện rộng.
Việc nghiên cứu, xây dựng các kịch bản
phòng, chống rủi ro trở thành thảm họa cụ thể cần được áp dụng các phương pháp
nghiên cứu hiện đại để đánh giá mức độ rủi ro; đề xuất các giải pháp phòng ngừa,
ứng phó với sự cố rủi ro bằng các công nghệ tiên tiến, đáp ứng được các yêu cầu
phức tạp của từng loại hình rủi ro (đảm bảo sự hài hòa giữa các kịch bản của
Thành phố và Trung ương nếu có). Mỗi kịch bản cũng sẽ dự kiến nguồn tài chính cần
đầu tư ban đầu và hàng năm trong công tác phòng chống rủi ro thành thảm họa,
trình HĐND phê duyệt theo quy định.
3. UBND các quận, huyện, thị xã:
Căn cứ Đề án được duyệt, chủ động xây
dựng kế hoạch, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan Thành phố chỉ đạo thực
hiện công tác tuyên truyền, triển khai ứng phó, xử lý kịp thời khi xảy ra rủi
ro trở thành thảm họa.
Trong quá trình tổ chức thực hiện có
khó khăn, vướng mắc, các đơn vị tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét điều
chỉnh, bổ sung phù hợp./.