ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/2020/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày
28 tháng 7 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
BIỂN, HẢI ĐẢO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường
biển và hải đảo;
Căn cứ Nghị định số 40/2016/NĐ-CP
ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật
Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
Căn cứ Nghị định số 51/2014/NĐ-CP
ngày 21/5/2014 của Chính phủ “Quy định giao các khu vực biển nhất định cho tổ
chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển”;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và
Môi trường tại Tờ trình số 332/TTr- TNMT-BHĐ ngày 28 tháng 4 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh
Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày,
kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 của
UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài
nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc
hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- CT, P1, P3;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- V0, V2, V3, QH1-3, QLĐĐ1-3, GT1;
- Lưu: VT,QLĐĐ1;
L08 bản - QĐ268.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Huy Hậu
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN, HẢI ĐẢO TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 28/7/2020 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định mục
đích, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên
và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với
các sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là
UBND các huyện ven biển).
Điều 2. Mục đích phối hợp
1. Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các sở,
ban, ngành và UBND các huyện ven biển trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo
vệ môi trường biển và hải đảo.
2. Nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban,
ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và UBND các huyện ven biển; tăng cường hiệu
lực, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và
hải đảo trên địa bàn tỉnh.
3. Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý, tiết
kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bảo đảm phát triển bền vững.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm sự quản lý thống nhất, liên ngành, liên
vùng; bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện
ven biển và các đơn vị có liên quan; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan,
đơn vị trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo
vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
2. Việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp dựa trên chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ các quy định của Quy chế này và
các quy định của pháp luật có liên quan. Các nội dung phối hợp khác để thực hiện
quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo thực hiện theo
quy định của pháp luật.
3. Việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp phải bảo đảm
bí mật quốc gia, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm quốc
phòng, an ninh, an toàn trên biển và hải đảo.
4. Không cản trở các hoạt động khai thác, sử dụng hợp
pháp tài nguyên biển, hải đảo và các hoạt động hợp pháp khác của các tổ chức,
cá nhân trên vùng biển, hải đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, ưu tiên các vùng trọng
điểm phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Xây dựng, thực thi pháp luật về quản lý tổng hợp
tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
2. Thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững
tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch không gian biển quốc
gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chiến
lược quản lý tổng hợp vùng bờ.
3. Quản lý, thực hiện hoạt động điều tra cơ bản về
tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; lập, quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo.
4. Thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp
về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ
liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
5. Kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải
đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc, thiên tai trên biển
6. Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo
dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
7. Hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên
và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
8. Thiết lập, quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ
biển.
Chương II
NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM
PHỐI HỢP QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO
Điều 5. Xây dựng, thực thi pháp
luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật
về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn
tỉnh; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Theo dõi việc thi hành, tổ chức rà soát, kiểm
tra việc thực hiện pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường
biển và hải đảo; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn
bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển,
hải đảo trên địa bàn tỉnh;
c) Rà soát, tổng kết và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp
luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa
bàn tỉnh;
2. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
theo dõi việc thi hành pháp luật; rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp
luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa
bàn tỉnh.
3. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biển phòng tỉnh,
tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật
về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
được giao.
4. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp để triển khai và
thực hiện Chỉ thị 07/CT- UBND ngày 05/5/2020 của UBND tỉnh về việc quản lý nhà
nước trong các lĩnh vực đối với khu vực vịnh Cửa Lục.
5. Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện
ven biển có trách nhiệm:
a) Tham gia, góp ý xây dựng các văn bản quy phạm
pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;
b) Phối hợp đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ
sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài
nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo
dõi việc thi hành pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường
biển và hải đảo;
d) Rà soát, tổng kết, báo cáo Ủy ban nhân dân tinh,
Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Điều 6. Phối hợp tổ chức thực
hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển
và hải đảo; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử
dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thông
tin, số liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế -
xã hội, tình hình quản lý, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ
môi trường vùng biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý; thông tin, số liệu khu vực
bãi bồi, vùng đệm, vùng bờ biển xói lở, rừng phòng hộ, đất ngập nước, khu vực cần
bảo tồn hệ sinh thái vùng biển, hải đảo thuộc phạm vi quản lý; định hướng khai
thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển và hải đảo; các giải
pháp quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trong phạm vi của tỉnh;
b) Tham mưu UBND tỉnh góp ý dự thảo và triển khai
thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường
biển và hải đảo; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai
thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ;
c) Rà soát, xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt, điều
chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ thuộc phạm vi quản lý của
tỉnh;
d) Tham mưu UBND tỉnh báo cáo định kỳ hàng năm về
tình hình tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên,
bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch
tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chiến lược quản lý tổng
hợp vùng bờ của tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật;
đ) Cung cấp cho các sở, ban, ngành liên quan và Uỷ
ban nhân dân các huyện ven biển các thông tin về chiến lược khai thác, sử dụng
bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch không gian biển
quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ;
chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh;
e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược
khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy
hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững
tài nguyên vùng bờ; chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh;
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp
các thông tin, số liệu tổng hợp về rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất;
cung cấp các thông tin liên quan đến các Khu bảo tồn biển trên địa bàn tỉnh;
thông tin, số liệu trong lĩnh vực thủy sản; thực trạng và định hướng phát triển
đê biển, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền; bản đồ quy hoạch nuôi trồng
và khai thác nguồn lợi thủy sản; phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý.
3. Sở Giao thông Vận tải cung cấp các thông tin, số
liệu về thực trạng và định hướng phát triển hệ thống tuyến luồng, bến cảng thủy
nội địa thuộc phạm vi quản lý; khu neo đậu và cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp các thông tin, số
liệu tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư; thực trạng, định hướng phát triển
kinh tế - xã hội vùng ven biển và các thông tin, số liệu liên quan khác theo đề
nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
5. Sở Xây dựng cung cấp các thông tin, số liệu về
thực trạng và định hướng phát triển quy hoạch các khu đô thị ven biển; các công
trình xây dựng ven biển, trên biển và hải đảo; các dự án khai thác vật liệu xây
dựng có nguồn gốc từ biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý.
6. Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp các thông tin, số
liệu về bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản (bao gồm di sản vật thể
và phi vật thể), di tích lịch sử, văn hoá ở vùng ven biển và hải đảo thuộc phạm
vi quản lý.
7. Sở Du lịch cung cấp các thông tin, số liệu thực
trạng và định hướng phát triển các khu du lịch, tuyển và điểm du lịch biển, đảo
thuộc phạm vi quản lý.
8. Sở Công Thương cung cấp các thông tin, số liệu về
tình hình và định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hệ thống
cửa hàng, kho chứa xăng dầu ven bờ và trên biển; thông tin, số liệu về tình
hình sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo và khai thác, chế biến khoáng sản
vùng ven biển thuộc phạm vi quản lý.
9. Sở Ngoại vụ cung cấp các thông tin, tài liệu về
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động đối ngoại liên quan đến
việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
10. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biển phòng tỉnh,
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cung cấp các thông tin, số liệu về an ninh, trật tự,
các khu vực cần quản lý đặc biệt, địa điểm cấm, vùng cấm, vùng cấm tạm thời,
khu vực hạn chế hoạt động thuộc phạm vi quản lý, khu vực cần bảo vệ đặc biệt
cho mục đích quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới biển của tỉnh theo quy định.
11. Ban Quản lý Khu kinh tế cung cấp các thông tin,
số liệu về thực trạng, định hướng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ở
vùng ven biển; các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất của doanh
nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp ở vùng ven biển, quản lý tài nguyên
và môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
12. Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cung cấp thông tin,
số liệu về thực trạng và định hướng phát triển, quy hoạch khai thác các cảng biển,
bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải thuộc phạm vi quản lý.
13. Các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân
các huyện ven biển có trách nhiệm:
a) Cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường các
thông tin, số liệu về các lĩnh vực được giao quản lý theo quy định theo quy định
tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 điều này;
b) Tham gia ý kiến về dự thảo chiến lược khai thác,
sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch không
gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên
vùng bờ; chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ;
c) Triển khai thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng
bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch không gian biển
quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ;
chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ;
d) Phối hợp xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo
định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài
nguyên vùng bờ của tỉnh, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp
luật.
đ) Báo cáo định kỳ hàng năm các thông tin, số liệu
về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội, tình
hình quản lý, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường
vùng biển và hải đảo; thông tin, số liệu khu vực bãi bồi, vùng đệm, vùng bờ biển
xói lở, rừng phòng hộ, đất ngập nước, khu vực cần bảo tồn hệ sinh thái vùng biển
và hải đảo; số liệu thống kê các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển; định
hướng khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển và hải đảo;
các giải pháp quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển; tình hình thực hiện
chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trong phạm vi quản lý gửi Sở
Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.
Điều 7. Phối hợp quản lý, thực
hiện hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
và UBND các huyện ven biển tham mưu UBND tỉnh đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ
thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, hải
đảo trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp theo quy định; tổ
chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Chủ trì xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ
chức thực hiện chương trình, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường
biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ quản lý tài nguyên hải đảo; xây dựng,
quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển
và hải đảo trên địa bàn tỉnh;
c) Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường các
thông tin, số liệu về kết quả điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường vùng bờ,
hải đảo do địa phương thực hiện; thực trạng quản lý, nhu cầu điều tra cơ bản
tài nguyên, môi trường vùng bờ, hải đảo;
d) Cung cấp các thông tin, số liệu về điều tra cơ bản
tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện
ven biển khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật;
đ) Phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện
ven biển theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện chương
trình, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thống
kê, theo dõi, cập nhật biển động tài nguyên và môi trường hải đảo để đưa vào Sổ
thống kê theo quy định;
e) Tham mưu UBND tỉnh báo cáo định kỳ hàng năm về
công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo do tỉnh thực
hiện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp
các thông tin, số liệu về kết quả điều tra cơ bản, thực trạng quản lý, nhu cầu
điều tra cơ bản tài nguyên sinh vật biển và hải đảo; kết quả quan trắc môi trường
trong hoạt động nuôi trồng thủy sản hoặc các chương trình điều tra khác do đơn
vị thực hiện.
3. Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp các thông tin, số
liệu về kết quả điều tra cơ bản thực trạng các di sản thiên nhiên, các di tích
lịch sử văn hóa tại các vùng biển, ven biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý.
4. Sở Du lịch cung cấp các thông tin, số liệu về kết
quả điều tra cơ bản tài nguyên du lịch biển, đảo; thực trạng quản lý các khu du
lịch, điểm du lịch, các danh lam thắng cảnh tại các vùng biển, ven biển và hải
đảo thuộc phạm vi quản lý.
5. Sở Giao thông Vận tải và Cảng vụ Hàng hải Quảng
Ninh cung cấp các thông tin, số liệu về kết quả điều tra cơ bản, thực trạng quản
lý, nhu cầu điều tra cơ bản tài nguyên vị thế phục vụ cho phát triển hệ thống cảng
biển, luồng hàng hải, tuyến luồng thủy nội địa, cảng bến thủy nội địa, khu neo
đậu và các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển thuộc phạm vi quản lý.
6. Sở Ngoại vụ cung cấp thông tin, tài liệu về chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động đối ngoại liên quan đến
hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp các quan điểm, định
hướng phát triển các ngành kinh tế trong các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến
nhu cầu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo.
8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biển phòng tỉnh cung cấp các
thông tin, số liệu về tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển, hải đảo,
khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm, hạn chế hoạt động, khu vực cần bảo vệ đặc biệt
cho mục đích quốc phòng, an ninh.
9. Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện
ven biển có trách nhiệm:
a) Cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường các
thông tin, số liệu về thực trạng hoạt động điều tra cơ bản và tình hình quản
lý, nhu cầu điều tra cơ bản tài nguyên biển và hải đảo trong lĩnh vực được giao
quản lý theo quy định;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
thẩm định các chương trình, kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển
và hải đảo thuộc lĩnh vực được giao quản lý;
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong
việc lập, thực hiện chương trình điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và
hải đảo của tỉnh; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình,
kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong phạm vi
được giao quản lý;
d) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về kết quả điều
tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý, thực
hiện và chuyển giao cơ sở dữ liệu cho Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý,
đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.
đ) Báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động điều tra
cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong lĩnh vực được giao quản lý
gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Phối hợp trong việc thiết
lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải
đảo; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và
hải đảo.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Chủ trì xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát
tài nguyên và môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện ven biển xây dựng hệ thống thông
tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo của tỉnh; kết nối
hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo và hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo của Bộ Tài
nguyên và Môi trường khi có yêu cầu.
b) Cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về tài
nguyên và môi trường biển, hải đảo cho các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức,
cá nhân và UBND các huyện có biển khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2. Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện
ven biển có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong
việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường biển và hải
đảo và thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường
biển và hải đảo của tỉnh;
b) Cung cấp chia sẻ thông tin, dữ liệu về tài
nguyên và môi trường biển và hải đảo do đơn vị quản lý cho Sở Tài nguyên và Môi
trường theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Phối hợp kiểm soát ô nhiễm
môi trường biển và hải đảo ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc,
thiên tai trên biển và hải đảo
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và
Môi trường trong việc nghiên cứu, điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định
nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo và lập bản đồ phân vùng rủi ro
ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên phạm vi của tỉnh;
b) Tham mưu UBND tỉnh cung cấp cho Bộ Tài nguyên và
Môi trường số liệu quan trắc, giám sát môi trường biển và hải đảo của tỉnh;
c) Xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các kế
hoạch, biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường
biển và hải đảo theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám
sát việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.
d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa
phương và đơn vị liên quan thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát
ô nhiễm; huy động các lực lượng có đủ chức năng, nhiệm vụ và năng lực để ứng
phó kịp thời và khắc phục hậu quả các sự cố môi trường biển và hải đảo trên địa
bàn tỉnh; xác định việc đền bù thiệt hại đối với môi trường biển và hải đảo địa
bàn trên tỉnh do các sự cố môi trường, hoá chất độc, sự cố tràn dầu trên biển
thuộc địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
đ) Phối hợp với các Sở Công thương, Bộ Chỉ huy Quân
sự tỉnh và các ban, ngành, địa phương, có liên quan thực hiện công tác phòng ngừa,
ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả các sự cố
tràn dầu, hóa chất độc trên biển, đảo.
e) Định kỳ hàng năm tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh
báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý chất thải; kiểm soát ô
nhiễm và ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc và các sự cố môi trường
biển; việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm
soát ô nhiễm biển và hải đảo, ứng phó khắc phục sự cố tràn đầu, hóa chất độc và
các sự cố môi trường, thiên tai trên biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Công thương chủ trì thực hiện công tác phòng
ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả các sự
cố hóa chất độc hại biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh; cung cấp các số liệu,
thông tin về hoạt động hóa chất trên biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh; báo cáo
công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó kịp thời và khắc phục
hậu quả sự cố hoá chất độc hại trên biển và hải đảo gửi Sở Tài nguyên và Môi
trường hàng năm.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì huy động các lực
lượng, phương tiện, trang bị trong và ngoài quân đội tham gia ứng phó và khắc
phục hậu quả sự cố tràn dầu cung cấp các thông tin, số liệu về tình hình an
ninh, trật tự, an toàn trên biển, hải đảo, khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm, hạn
chế hoạt động, khu vực cần bảo vệ; cung cấp các thông tin công tác phòng ngừa,
ngàn chặn, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả sự cố tràn
dầu trên biển và hải đảo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường hàng năm.
4. Công an tỉnh cung cấp các thông tin về tình hình
tội phạm và vi phạm pháp luật về quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường
biển và hải đảo; chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc tăng cường kiểm
soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; huy động các lực lượng ứng phó, khắc
phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển và các sự cố môi trường, thiên
tai trên biển, hải đảo.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì,
phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương trong công tác phòng chống thiên tai
trên biển.
6. Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện
ven biển có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường điều
tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
biển, hải đảo và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo
trên địa bàn tỉnh;
b) Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch,
biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và
hải đảo theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các quy định về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển,
hải đảo, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc, các sự cố môi trường,
thiên tai trên biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý;
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở
Công thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để huy động các nguồn lực để ngăn chặn, ứng
phó các sự cố tràn dầu, hóa chất độc và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển
và hải đảo thuộc phạm vi quản lý; UBND huyện chủ trì yêu cầu giải quyết việc đền
bù thiệt hại, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường biển và hải đảo theo quy định
của pháp luật;
d) Chủ trì, phối hợp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ven biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển,
xử lý các trường hợp vi phạm
đ) Báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện
các chương trình, kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo,
ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường,
thiên tai trên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi
quản lý và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Phối hợp tuyên truyền
về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên
và bảo vệ môi trường biển và hải đảo
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo
trên địa bàn tỉnh;
b) Hỗ trợ, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu
cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và các cơ quan báo chí trên địa
bàn để phục vụ công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức,
cá nhân về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và
hải đảo; phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả sự cố môi trường
biển và hải đảo; Các nội dung tuyên truyền, giáo dục về biển và đại dương trong
nhà trường; các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ
biển...
c) Tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch
tổ chức các sự kiện của Tuần lễ Biển và Hải đảo, ngày Đại dương Thế giới; phối
hợp với các sở, ban, ngành và địa phương ven biển tổ chức các hoạt động hưởng ứng
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm trên địa bàn tỉnh;
d) Phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chương trình
đào tạo, tuyên truyền về biển, hải đảo.
2. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về biển và hải đảo
trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện
hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, đề nghị phóng viên các cơ quan
báo chí hợp tác truyền thông với tỉnh, phóng viên các văn phòng đại diện, thường
trú, chuyên trách trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên
truyền sâu rộng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên,
môi trường biển và hải đảo.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở
Tài nguyên và Môi trường để tổ chức tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến,
giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và
hải đảo cho các đối tượng học sinh, sinh viên.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì,
phối hợp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức về bảo vệ và phát triển nguồn
lợi thủy sản cho các tổ chức, cá nhân trên biển và hải đảo.
6. Trung tâm truyền thông tỉnh có trách nhiệm bố
trí thời lượng phát sóng, đưa tin, bài, chuyên mục tuyên truyền về chính sách,
pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo
trên địa bàn tỉnh; các sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày
Đại dương Thế giới vào thời điểm đạt hiệu quả tuyên truyền cao.
7. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan có trách
nhiệm hưởng ứng các sự kiện của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và các hoạt động
khác liên quan đến lĩnh vực biển và hải đảo; tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên
và bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
8. UBND các huyện ven biển có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng
và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch tuyên truyền về biển và hải đảo
trên địa bàn tỉnh;
b) Định kỳ hàng năm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi
trường kết quả công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững
tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý.
Điều 11. Phối hợp hợp tác quốc
tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì,
phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh:
1. Phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường mở rộng, đẩy
mạnh hợp tác quốc tế với một số địa phương ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế
trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo
trên địa bàn tỉnh;
2. Báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình hợp tác quốc
tế trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên
địa bàn tỉnh, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Phối hợp trong thiết
lập, quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Tham mưu, trình UBND tỉnh thiết lập, công bố và
quản lý hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định; Tham mưu, trình UBND tỉnh ban
hành các quy định quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển;
b) Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc
quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định; tuyên truyền, phổ biến
các quy định của pháp luật về quản lý, hành lang bảo vệ bờ biển;
c) Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa
phương, đơn vị trong kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật quản lý hành
lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh;
2. UBND các huyện ven biển có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật của tỉnh
về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển; tuyên truyền, phổ biến các quy định
của pháp luật về quản lý, hành lang bảo vệ bờ biển tại địa phương;
b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên chưa
khai thác, sử dụng trong hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của pháp luật;
c) Tham gia xây dựng và phối hợp thực hiện việc cắm
mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn;
d) Quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển;
chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất
thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn;
e) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa
phương và đơn vị trong kiểm tra việc chấp hành và pháp luật về quản lý, bảo vệ
hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng
dẫn, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND
các huyện ven biển có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.
3. Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ven biển,
hải đảo gửi thông tin, số liệu, báo cáo định kỳ hàng năm tại các điều 5, 6, 7,
8, 9, 10, 11, 12 về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 hàng
năm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc,
các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ven biển, hải đảo và các tổ chức
có liên quan phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và
Môi trường) xem xét, quyết định./.