Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 22/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Lê Thanh Dũng
Ngày ban hành: 13/10/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2014/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 13 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 386/TTr-SNN ngày 07 tháng 10 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật Thủy sản, các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thủy sản cho phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của tỉnh; đồng thời, quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Bạc Liêu và vùng nước nội địa thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu, phát triển thủy sản theo hướng bền vững.

2. Quy định cụ thể về công tác quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chính sách, biện pháp và nguồn lực trong quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

3. Quy định này áp dụng cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (kể cả cơ quan Trung ương, tổ chức, cá nhân nước ngoài) có liên quan đến các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phải kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên môi trường; đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các địa phương.

2. Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đi đôi với tăng cường kiểm soát khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên và kiểm soát môi trường nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái tự nhiên các thủy vực.

3. Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài, là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cộng đồng dân cư.

4. Phát triển khai thác thủy sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước và của tỉnh; đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

5. Hoạt động khai thác thủy sản phải kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, các vùng nước tự nhiên khác tuân theo Quy định này và các quy định khác của pháp luật.

6. Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên nhiên; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản trên biển, sông và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

7. Tổ chức, cá nhân gây hủy hoại và ô nhiễm vùng biển, vùng nước nội địa chịu trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG VÀ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 3. Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản

1. Nghiêm cấm các hoạt động sau:

a) Phá hoại các bãi san hô, rừng ngập mặn, các rạn đá, các bãi thực vật ngầm dưới nước và các sinh cảnh đặc biệt khác.

b) Xây dựng mới, phá bỏ, thay đổi các công trình liên quan đến thủy vực vùng nước khi chưa được cấp phép của cấp có thẩm quyền làm thiệt hại đến môi trường sống của các loài thủy sản.

c) Xả, thải, để rò rỉ các chất độc hại, ô nhiễm vào các vùng nước vượt quá giới hạn quy định.

d) Thả các loài thủy sản bị nhiễm bệnh hoặc xả các nguồn nước nuôi trồng thủy sản nhiễm bệnh vào các vùng nước.

đ) Lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước nội địa; khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong Quy định quản lý khu bảo tồn sinh thái.

2. Mọi hoạt động có tác động, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản như: Thăm dò dầu khí, khoáng sản, trục vớt xác tàu, xử lý tràn dầu, chất thải công nghiệp phải có biện pháp tốt nhất để xử lý, không gây tác hại ô nhiễm đến môi trường sống của các loài thủy sản và phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tại Khoản 2, Điều này chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tổn thất về môi trường và nguồn lợi thủy sản do mình gây ra để xử lý, khắc phục, tái tạo môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Điều 4. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Nghiêm cấm các hoạt động làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản tận diệt, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và duy trì loài, giống của các loài thủy sản:

a) Sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc để khai thác thủy sản trong vùng biển, sông, rạch, kênh, ao, hồ, đồng ruộng và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh.

b) Sử dụng các loại ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.

c) Khai thác các đối tượng thủy sản bị cấm khai thác hoặc bị cấm khai thác có thời hạn tại các vùng nước theo quy định pháp luật.

d) Khai thác các loài thủy sản có kích thước tối thiểu nhỏ hơn quy định.

đ) Kinh doanh, vận chuyển các giống loài thủy sản bị nhiễm bệnh.

e) Sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ, di chuyển giống loài thủy sản chưa đủ chứng nhận kiểm dịch, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ.

g) Khai thác, tiêu thụ, nuôi, lưu giữ, chế biến, vận chuyển, mua bán các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ, bảo tồn và phát triển theo quy định về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Công ước CITES), các loài thuộc danh mục bảo vệ của sách Đỏ Việt Nam và của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

2. Nhà nước khuyến khích các cộng đồng ngư dân được quyền khai thác thủy sản trong các vùng nước ven bờ, vùng nước nội địa tự quy định và bảo vệ các khu vực nhỏ để làm nơi sinh sản, sinh trưởng, dự trữ nguồn lợi thủy sản.

Chương III

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG VÙNG NƯỚC NỘI ĐỊA VÀ VÙNG BIỂN

Điều 5. Phân vùng khai thác thủy sản

1. Vùng biển Bạc Liêu được phân thành 03 vùng khai thác thủy sản theo thứ tự tại phụ lục tuyến phân vùng khai thác thủy sản trong vùng biển Bạc Liêu (được quy định tại Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển):

a) Vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biển và tuyến bờ thuộc phạm vi tỉnh Bạc Liêu.

b) Vùng lộng là vùng biển được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng thuộc phạm vi tỉnh Bạc Liêu.

c) Vùng khơi là vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.

2. Ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ của tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Cà Mau được xác định bởi đoạn thẳng AB và với tỉnh Sóc Trăng được xác định bởi đoạn thẳng CD, tọa độ các điểm như sau:

A: 090 0030’’N; 1050 2600’’E.

B: 080 3705’’N; 1050 2600’’E.

C: 090 1440’’N; 1050 49 37’’E.

D: 090 0410’’N; 1050 58 50’’E.

Điều 6. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển

1. Các tổ chức, cá nhân sử dụng tàu cá có trọng tải từ 0,5 tấn khai thác thủy sản trên các vùng biển đều phải có Giấy phép khai thác thủy sản do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp.

2. Nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản sau đây:

a) Nghiêm cấm các hoạt động khai thác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản; gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và duy trì loài, giống của các loài thủy sản đã được quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quy định này.

b) Cấm khai thác thủy sản bằng các nghề đáy neo, đáy cọc ở tất cả các sông, kênh, rạch thông ra biển trong phạm vi từ cửa sông ra biển 02 hải lý.

c) Vi phạm các quy định về an toàn giao thông, an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật về hàng hải, bưu chính viễn thông và các quy định pháp luật khác có liên quan.

d) Vi phạm các quy định về bảo tồn, quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và các khu vực mà tổ chức, cá nhân đã được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê mặt nước ven biển để nuôi trồng thủy sản.

đ) Tàu cá có công suất máy chính dưới 20CV hoặc tàu không lắp máy đăng ký tại Bạc Liêu thì chỉ được phép khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh Bạc Liêu; chỉ được phép khai thác thủy sản tại vùng biển của hai tỉnh lân cận khi có sự thỏa thuận của tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng cho phép tàu của tỉnh Bạc Liêu vào khai thác.

3. Trong quá trình hoạt động tại các vùng khai thác thủy sản trên vùng biển Bạc Liêu, các tàu cá phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn cho người và tàu cá theo Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

b) Mang theo trên tàu đầy đủ các giấy tờ (bản chính):

- Giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, trừ tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn.

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đối với loại tàu cá theo quy định của pháp luật phải có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá).

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (đối với loại tàu cá theo quy định phải có); đối với trường hợp tàu cá đã thế chấp vay vốn tại ngân hàng thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được ngân hàng đó xác nhận.

- Sổ danh bạ thuyền viên, sổ thuyền viên tàu cá theo quy định; đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá mà pháp luật quy định không có sổ thuyền viên thì phải có giấy tờ tùy thân.

- Bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá (đối với loại tàu cá theo quy định phải có).

c) Ghi chép nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản theo quy định.

4. Quy định về công suất tàu cá và các vùng khai thác thủy sản trên vùng biển Bạc Liêu theo các nguyên tắc sau:

a) Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng.

b) Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả.

c) Tàu cá lắp máy có công suất máy chính dưới 20CV hoặc tàu không lắp máy khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả.

Tàu cá có công suất máy chính dưới 20CV, tàu không lắp máy đăng ký tại Bạc Liêu thì chỉ được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh Bạc Liêu; chỉ được phép khai thác thủy sản tại vùng biển của hai tỉnh lân cận khi có sự thỏa thuận của tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng cho phép tàu của tỉnh Bạc Liêu vào khai thác.

d) Các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ và nghề khai thác nhuyễn thể không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong vùng biển ven bờ và vùng lộng.

đ) Ngoài quy định về công suất máy chính của tàu, tàu khai thác thủy sản còn phải đáp ứng đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn khi tàu hoạt động trên từng vùng biển.

e) Tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi phải được đánh dấu để nhận biết theo quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết đối với tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.

5. Các nghề và loại tàu khai thác thủy sản bị cấm hoạt động trong một số vùng khai thác thủy sản:

a) Vùng biển ven bờ cấm các nghề: Lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ, câu tay mực); các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy chính từ 20CV trở lên ngoại trừ các tàu được quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều này.

b) Vùng lộng cấm các nghề kết hợp ánh sáng sử dụng công suất nguồn sáng vượt quá quy định; các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy chính dưới 20CV hoặc từ 90CV trở lên ngoại trừ các tàu được quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều này.

Tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác làm các nghề lưới vây, câu mực, không vượt quá 5.000 oát (W).

6. Cấm phát triển đóng mới hoặc mua từ ngoài tỉnh các tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính hoặc sử dụng các nghề bị cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại vùng bờ và vùng lộng.

- Các nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển.

- Tàu lắp máy có công suất dưới 90CV làm nghề lưới kéo cá.

- Tàu lắp máy dưới 30CV làm các nghề khác.

7. Cấm khai thác thủy sản bằng tất cả các loại nghề trong vùng biển ven bờ tỉnh Bạc Liêu từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm; khu vực cấm khai thác được giới hạn bằng đường thẳng đi qua các điểm A, 13, D trở vào bờ, tọa độ các điểm như sau:

A: 080 3705’’N; 1050 3100’’E.

13: 080 5827’’N; 1050 4453’’E.

C: 090 0410’’N; 1050 58 50’’E.

Điều 7. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng nước nội địa

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép khai thác các loài thủy sản trong vùng nước nội địa đạt kích thước tối thiểu được phép khai thác theo quy định; trong trường hợp khai thác các loài thủy sản trong vùng nước nội địa có kích thước tối thiểu nhỏ hơn quy định để sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học để làm giống hoặc cứu nạn các loài thủy sản sống trong vùng nước bị ô nhiễm có nguy cơ bị chết thì phải được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cấp phép.

2. Nghiêm cấm các hoạt động khai thác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản; gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và duy trì loài, giống của các loài thủy sản đã được quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quy định này.

3. Cấm khai thác thủy sản bằng các nghề đáy neo, đáy cọc ở tất cả các sông, kênh, rạch thông ra biển trong phạm vi từ cửa sông trở vào trong nội địa 02 hải lý.

4. Cấm tất cả các loại nghề sử dụng phương tiện có gắn động cơ để khai thác thủy sản trừ trường hợp khai thác vào mục đích nghiên cứu khoa học, làm giống hoặc cứu nạn các loài thủy sản sống trong vùng nước bị ô nhiễm có nguy cơ bị chết.

5. Cấm các hoạt động đánh bắt cá bố mẹ trong thời kỳ sinh sản, nuôi con trong các vùng nước nội địa.

6. Cấm nghề đăng, nghề đáy, đặt chà, nò, đó, vó, lú, hoạt động khai thác thủy sản trong vùng nước nội địa; riêng đối với nghề đáy trên các tuyến sông lớn (sông: Gành Hào, Gành Hào - Hộ Phòng, Bạc Liêu - Cà Mau, Bạc Liêu - Vàm Lẻo; kênh Quản Lộ Phụng Hiệp) thì cấm phát triển thêm.

7. Việc quy định khu vực cấm khai thác và khai thác có thời hạn trên vùng nước nội địa sẽ được tiến hành từng bước thích hợp, bảo đảm công ăn việc làm và đời sống cho cộng đồng ngư dân theo đúng quy định của Luật Thủy sản; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các khu vực cấm khai thác và khai thác có thời hạn, lập và bổ sung danh mục các loại nghề khai thác bị hạn chế phát triển hoặc bị cấm trên địa bàn tỉnh.

8. Cấm các hoạt động thủy sản lấn, chiếm, xâm hại rừng phòng hộ tại các cửa sông thông ra biển đã được quy hoạch và công bố.

9. Cấm các phương tiện khai thác thủy sản có hành vi xả thải dầu mỡ, hóa chất và các loài sinh vật có độc tố hoặc các chất thải khác gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho các loại thủy, hải sản.

10. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng đất ngập nước phải có trách nhiệm bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù, bảo tồn đa dạng sinh học, động vật quý hiếm; bảo vệ các công trình ngăn mặn, giữ ngọt; bảo vệ cảnh quan môi trường, các giá trị văn hóa, di tích lịch sử trên các vùng đất ngập nước; cấm vứt rác thải, xả nước bẩn xuống các nguồn nước gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

Chương IV

PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 8. Bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản

1. Nhà nước khuyến khích việc thả giống bổ sung, tái tạo, làm phong phú nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước; đối với vùng nước mà nguồn lợi thủy sản liên quan đến nhiều huyện, thành phố Bạc Liêu thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu để tái tạo nguồn lợi; đối với các vùng nước có nguồn lợi thủy sản độc lập, chính quyền các huyện, thành phố Bạc Liêu và các xã, phường, thị trấn chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm.

2. Việc xã hội hóa bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản được đặc biệt khuyến khích; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu có kế hoạch tái tạo nguồn lợi hàng năm để huy động sự tham gia của các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức ngư dân, các cơ sở sản xuất giống; việc thả giống bổ sung được giám sát bởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương.

3. Việc du nhập giống mới vào các vùng nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 9. Khu bảo tồn nội địa và khu bảo tồn biển

1. Bảo tồn vùng nước nội địa, bảo tồn biển phải được xem là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của toàn xã hội; đồng thời, phải có chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái thủy sinh của các vùng nước nội địa và vùng biển.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu thực hiện các bước triển khai xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thành lập và tổ chức quản lý khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp tỉnh theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020.

3. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án điều tra, nghiên cứu khoa học làm cơ sở xác định, đề xuất các khu bảo tồn và biện pháp bảo vệ cụ thể đối với từng khu bảo tồn; tập trung điều tra, nghiên cứu đối với một số thủy vực có nhiều giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cao.

Điều 10. Nguồn tài chính cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Kinh phí bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hàng năm: Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa bàn (diện tích mặt nước nuôi trồng, khai thác thủy sản, số lượng tàu thuyền, phương tiện đánh bắt, sản lượng đánh bắt thủy sản,…) và khả năng ngân sách của cấp mình để bố trí kinh phí phù hợp cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Nguồn lực xã hội hóa:

a) Đóng góp của các tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, nuôi trồng, chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.

b) Đóng góp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.

c) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

d) Vốn ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho các hoạt động nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản.

đ) Tiền đền bù thiệt hại về nguồn lợi thủy sản, khắc phục hậu quả sự cố môi trường sống của các loài thủy sinh vật theo quy định của pháp luật.

e) Phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

g) Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

3. Thành lập Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản của tỉnh nhằm thu hút các nguồn đầu tư và chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản của tỉnh, xây dựng Quy định tổ chức và hoạt động Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản; hàng năm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu có các vùng nước tự nhiên sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản của tỉnh để tổ chức thả giống xuống các vùng nước tự nhiên phục vụ tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Điều 11. Mô hình đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Khuyến khích cộng đồng ngư dân, chính quyền địa bàn cấp xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý các hoạt động nghề cá tại các vùng nước nội địa, vùng nước ven bờ với sự tham gia của cộng đồng; gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng ngư dân thành lập hợp tác xã, tổ nhóm, hội và phối hợp với chính quyền địa phương quản lý việc khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng nước nội địa, vùng biển ven bờ.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu hướng dẫn, xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng nước nội địa và vùng biển ven bờ.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu căn cứ các quy hoạch đã được phê duyệt tiến hành giao quyền sử dụng mặt nước cho cộng đồng ngư dân để thực hiện các mô hình đồng quản lý trong khai thác, nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, gắn kết sinh kế cộng đồng ở vùng nước nội địa và vùng nước ven bờ; ưu tiên phát triển các mô hình gắn kết phát triển thủy sản và du lịch, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.

Chương V

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 12. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

1. Quyền lợi của các tổ chức, cá nhân:

a) Được khai thác thủy sản theo những nội dung ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.

b) Được cơ quan chuyên môn thông báo về tình hình diễn biến thời tiết, nguồn lợi thủy sản, thông tin về thị trường, các hoạt động thủy sản và hướng dẫn kỹ thuật về khai thác thủy sản.

c) Được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp do thành quả lao động và kết quả đầu tư hoạt động khai thác thủy sản mang lại.

d) Được tham gia vào công tác bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản; bảo đảm tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, rạch và các vùng nước tự nhiên khác.

2. Nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân:

a) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.

b) Nộp các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

c) Đánh dấu ngư cụ đang sử dụng theo quy định của pháp luật.

d) Tuân thủ sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

đ) Phải cứu hộ khi gặp người, tàu thuyền bị tai nạn.

e) Phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.

g) Cung cấp tần số liên lạc cho Trạm Biên phòng khi ra khơi khai thác; khi có bão, áp thấp nhiệt đới phải chấp hành sự điều động, sắp xếp của các đồn biên phòng và đơn vị thường trực phòng chống lụt bão của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

h) Tuân thủ theo các quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Quy định này và các quy định khác của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp nhằm khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, các đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp khai thác ven bờ, nghề cấm khai thác sang các nghề khác, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định; hướng dẫn và nhân rộng các mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển, hướng dẫn thực hiện mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ có sự tham gia quản lý của cộng đồng; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu trong quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển; thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện hoạt động thủy sản; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp trong khai thác thủy sản của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương mình; đồng thời, làm tốt công tác quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy sản cho nhân dân, nhất là ngư dân.

3. Quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển và các vùng nước tự nhiên khác được phân cấp quản lý; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan trong việc quản lý các hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng nước.

4. Chỉ đạo việc xây dựng các mô hình tổ chức khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với việc quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

5. Căn cứ vào vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phân cấp quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cấp xã, phường, thị trấn tại vùng nước nội địa, vùng biển ven bờ để phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng.

6. Triển khai các biện pháp nhằm quản lý tốt các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi được phân công quản lý; phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, lực lượng biên phòng thực hiện kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 15. Trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị có liên quan

Trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy sản; thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Triển khai thực hiện

1. Các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm của mình phải tăng cường phối hợp, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác được quy định trong Quy định này.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung thì đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu và các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, nghiên cứu và tham mưu đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Quy định này cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

TUYẾN PHÂN VÙNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG VÙNG BIỂN BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 22/2014/QĐ-UBND ngày 13/10/2014 về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.021

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.190.224
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!