THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------
|
Số: 209/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 02 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA - KẺ BÀNG, TỈNH
QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003; Luật
Quy hoạch đô thị năm 2010; Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung năm 2009; Luật Bảo
vệ và phát triển rừng năm 2014; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Bảo vệ môi
trường năm 2005; Luật Du lịch năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP
ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Nghị định số
37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt
và quy hoạch đô thị;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch
chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030,
với các nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi nghiên
cứu và giai đoạn lập quy hoạch
a) Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu tổng thể:
Giới hạn phạm vi nghiên cứu tổng thể
Vườn quốc gia và vùng đệm có diện tích khoảng 344.670 ha, trong đó: Vườn quốc
gia khoảng 123.326 ha (theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013
về điều chỉnh ranh giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), có giới hạn như
sau:
+ Phía Bắc giáp các xã Hóa Tiến, Hóa
Thanh, Hóa Hợp, Quý Hóa, Minh Hóa huyện Minh Hóa, xã Cao Quảng huyện Tuyên Hóa
và xã Quảng Sơn thuộc huyện Quảng Trạch.
+ Phía Đông giáp thành phố Đồng Hới
và các xã Lâm Trạch, Liên Trạch, Cự Nẫm, Tây Trạch, Thị trấn nông trường Việt
Trung huyện Bố Trạch.
+ Phía Nam giáp xã Trường Sơn huyện
Quảng Ninh và Xuân Thủy huyện Lệ Thủy.
+ Phía Tây giáp biên giới Việt Nam -
Lào.
- Phạm vi lập quy hoạch xây dựng:
Diện tích lập quy hoạch khoảng 40.860
ha, thuộc địa bàn các xã Sơn Trạch và một phần các xã Phúc Trạch, Hưng Trạch,
Xuân Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Đây là khu vực tập trung
các hoạt động du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch cửa ngõ của Vườn quốc gia
Phong Nha - Kẻ Bàng.
Giới hạn được xác định như sau:
+ Phía Bắc giáp các xã Liên Trạch, Cự
Nẫm huyện Bố Trạch.
+ Phía Tây giáp Phân khu bảo vệ
nghiêm ngặt II.
+ Phía Nam giáp xã Thượng Trạch huyện
Bố Trạch.
+ Phía Đông giáp Phân khu bảo vệ
nghiêm ngặt I và xã Cự Nẫm huyện Bố Trạch.
b) Giai đoạn lập quy hoạch:
Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020, giai
đoạn dài hạn đến năm 2030.
2. Tính chất:
- Là khu vực sinh thái quan trọng có
những giá trị toàn cầu nổi bật được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế
giới, cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
- Là di tích quốc gia đặc biệt chứa đựng
nhiều dấu tích lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các di tích Chăm
và Việt cổ.
- Là khu du lịch trọng điểm có ý
nghĩa quốc gia và quốc tế, cung cấp các dịch vụ du lịch thương mại, góp phần
quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình.
- Là khu vực sinh sống và canh tác của
các nhóm dân cư nhiều sắc tộc với các nền văn hóa riêng đa dạng và đặc sắc. Đồng
thời là khu đệm giảm thiểu các tác động bất lợi tới các giá trị của Vườn Quốc
gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
3. Mục tiêu:
- Bảo tồn nguyên trạng và toàn diện
giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bao gồm
cả các giá trị độc đáo về tự nhiên, văn hóa và lịch sử.
- Gắn bảo tồn di sản với phát triển
kinh tế địa phương. Phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ
Bàng trở thành một trong những vùng du lịch - sinh thái hấp dẫn “bậc nhất” khu
vực châu Á - Thái Bình Dương, động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội tỉnh
Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ.
- Tạo lập cộng đồng dân cư nhân văn
và bền vững, gìn giữ và làm phong phú thêm giá trị văn hóa các dân tộc ít người.
4. Dự báo phát triển
a) Quy mô dân số:
- Vườn quốc gia có bản A Rem thuộc
Phân khu phục hồi sinh thái sinh sống, dân số tối đa khoảng 500 người.
- Vùng đệm: Năm 2020 khoảng 7,7 - 7,8
vạn người, năm 2030 khoảng 8,8 - 8,9 vạn người.
- Trong phạm vi lập quy hoạch xây dựng
(khoảng 40.860 ha): Năm 2020 khoảng 5,2 vạn người, dân số đô thị khoảng 1,8 vạn
người, tỷ lệ đô thị hóa 34%. Năm 2030 khoảng 6,2 vạn người, dân số đô thị khoảng
4,3 vạn người, tỷ lệ đô thị hóa 69%.
b) Quy mô khách du lịch:
Năm 2020 đón khoảng 65 vạn lượt
khách, trong đó khách quốc tế khoảng 2,5 vạn.
Năm 2030 dự báo khoảng 135 vạn lượt
khách, trong đó khách quốc tế khoảng 5,5 vạn.
c) Quy mô đất xây dựng (trong phạm vi
lập quy hoạch xây dựng khoảng 40.860 ha).
Năm 2020 đất xây dựng khoảng 1.750 -
1.830 ha, bằng 4,5% tổng đất tự nhiên, gồm: Đất xây dựng các điểm du lịch sinh
thái khoảng 290 - 300 ha; đất xây dựng đô thị khoảng 410 - 430 ha, chỉ tiêu 270
m2/người; đất xây dựng dân cư nông thôn khoảng 1.050 - 1.100 ha. Còn
lại là đất rừng, nông nghiệp, cảnh quan sinh thái.
Năm 2030 đất xây dựng khoảng 2.150 -
2.200 ha, bằng 5,3% tổng đất tự nhiên. Gồm: Đất xây dựng các điểm du lịch sinh
thái khoảng 430 - 450 ha; đất xây dựng đô thị khoảng 1.020 - 1.040 ha, chỉ tiêu
270 m2/người; đất xây dựng dân cư nông thôn khoảng 700 - 710 ha. Còn
lại là đất rừng, nông nghiệp, cảnh quan sinh thái.
Bảng tổng
hợp quy hoạch sử dụng đất
TT
|
Loại hình sử dụng
đất
|
Quy hoạch (ha)
|
Đến 2020
|
Đến 2030
|
Tổng
|
Vườn quốc gia
|
Vùng đệm
|
Tổng
|
Vườn quốc gia
|
Vùng đệm
|
|
Khu vực lập quy hoạch xây dựng
|
40.860
|
20.860
|
20.000
|
40.860
|
20.860
|
20.000
|
I
|
Khu vực được phép xây dựng
|
1.830
|
123
|
1.707
|
2.178
|
148
|
2.030
|
1
|
Đất du lịch
|
300
|
123
|
177
|
447
|
148
|
299
|
2
|
Đất xây dựng đô thị
|
430
|
0
|
430
|
1.031
|
0
|
1.031
|
3
|
Phát triển khu dân cư nông thôn
|
1.100
|
|
1.100
|
700
|
|
700
|
II
|
Công viên sinh vật cảnh quốc gia
|
2.450
|
|
2.450
|
2.350
|
|
2.350
|
III
|
Phân khu cảnh quan và hỗ trợ phát triển du lịch
sinh thái
|
3.476
|
|
3.476
|
3.351
|
|
3.351
|
IV
|
Đất rừng phục hồi - sinh thái nông nghiệp -
sinh thái rừng và đất khác
|
33.104
|
20.737
|
12.367
|
32.981
|
20.712
|
12.269
|
5. Định hướng phát
triển không gian
a) Nguyên tắc về bảo tồn và phát huy
giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn nguyên trạng và tính toàn vẹn
của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong mối
liên kết bảo tồn với vùng sinh thái Hin Namno của Lào và quần thể sinh thái dãy
Trường Sơn. Thiết lập và kiểm soát các hành lang đa dạng sinh học dọc lưu vực
sông Son, sông Ranh, sông Nhật Lệ nối liền Vườn quốc gia với các vùng tự nhiên
khác trong vùng miền Trung.
Khám phá các giá trị thiên nhiên đặc
sắc tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để nâng cao giá trị về vị thế quốc tế,
nghiên cứu khoa học, gìn giữ môi trường và bảo vệ các đặc điểm tự nhiên, văn
hóa truyền thống của các dân tộc ít người. Hình thành các trung tâm khoa học,
cơ sở cứu hộ động thực vật, trung tâm truyền thông gắn với các điểm đô thị hoặc
trung tâm xã, cung cấp thông tin và kinh nghiệm phục vụ bảo tồn và phát hiện
các biến động về địa chất, đa dạng sinh học.
Kiểm soát các hoạt động sản xuất tiểu
thủ công nghiệp, khai thác đá mỏ quặng, kinh tế thương mại, phát triển dân
cư... trong vùng đệm, đặc biệt tại các khu vực cửa khẩu Thượng Trạch, cửa khẩu
Cha Lo, dọc 2 bên bờ sông Son để không ảnh hưởng đến bảo tồn.
Phát triển khu du lịch quốc gia Phong
Nha - Kẻ Bàng, liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch biển, du lịch văn hóa
lịch sử trong địa bàn tỉnh Quảng Bình và các tỉnh miền Trung trên tuyến du lịch
quốc gia “Con đường di sản miền Trung”.
Xây dựng tuyến không gian lễ hội kéo
dài từ biển đến Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng dọc theo đường thủy từ sông
Gianh đến sông Son và theo đường bộ từ thành phố Đồng Hới đến đô thị Du lịch
Phong Nha.
Xây dựng trung tâm dịch vụ du lịch
cao cấp tại Sơn Trạch và Phúc Trạch. Hình thành các điểm du lịch chất lượng cao
trong Vườn quốc gia, trên sông Son, sông Troóc, sông Long Đại, thác nước Phú Định,
núi Thần Đinh...
Hình thành các tuyến du lịch theo đường
Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường 20 Quyết Thắng; tuyến đến bản A Rem qua các hang
động; tuyến theo đường Hồ Chí Minh đến đỉnh U Bò, hang Én và hang Sơn Đoòng,
sông Long Đại; tuyến du lịch theo quốc lộ 12A từ Cha Lo - Khe Ve đi qua hang
Én, Cổng Trời và di tích lịch sử Bãi Dinh; tuyến theo quốc lộ 15 từ Khe Ve đến
trung tâm xã Sơn Trạch qua thác Mơ, bản dân tộc thiểu số người Rục, hang Chà
Nòi, sân bay Khe Gát.
b) Phân vùng chức năng
Các hoạt động xây dựng trong khu vực
Vườn quốc gia và vùng đệm phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa,
Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường,
Luật Du lịch.
- Đối với Vườn quốc gia
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (I và II)
và khu vực mở rộng: Không có dân cư sinh sống. Phát triển mạng lưới các điểm dịch
vụ du lịch sinh thái đáp ứng lượng nhỏ du khách đến thăm quan, như khám phá
hang động, leo núi mạo hiểm, thám hiểm bằng xe đạp địa hình, đi bộ thám hiểm, rừng
nguyên sinh, ngắm thú ban đêm... Tại các điểm dịch vụ du lịch chỉ xây dựng hệ
thống đường mòn, lều dừng chân, biển báo tuần tra (bảo vệ rừng) kết hợp phục vụ
du lịch; nghiêm cấm việc xây dựng cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ giải trí.
Phân khu phục hồi sinh thái: Khôi phục
hệ sinh thái rừng. Duy trì làng bản dân tộc ít người A Rem gắn với du lịch cộng
đồng. Không phát triển du lịch đại chúng. Tổ chức mạng lưới các điểm dịch vụ du
lịch sinh thái đáp ứng lượng trung bình du khách đến thăm quan, như du lịch
khám phá hang động, văn hóa khảo cổ, thể thao mạo hiểm, du lịch hoang dã,
nghiên cứu khoa học; thăm quan công viên hang động, công viên rừng nguyên sinh,
công viên thạch nhũ, công viên văn hóa lịch sử, bảo tàng sinh học, bảo tàng địa
chất học, khu động vật bán hoang dã... Các điểm dịch vụ du lịch chỉ xây dựng một
số tuyến đường chính có mặt cắt phù hợp cho xe đặc dụng phục vụ du lịch và bảo
vệ rừng; không xây dựng cơ sở lưu trú qua đêm và cơ sở dịch vụ giải trí tại khu
vực này.
Phân khu dịch vụ - hành chính: Phát
triển du lịch đại chúng. Xây dựng văn phòng thông tin và đón tiếp. Nâng cấp các
điểm dịch vụ du lịch văn hóa, thắng cảnh đã khám phá và hình thành mới các tuyến
điểm dịch vụ, du lịch sinh thái thăm quan hang động và thắng cảnh... Các điểm
du lịch sinh thái được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các tuyến đường
giao thông phục vụ xe cơ giới và đi bộ, các khu vực vệ sinh và giải khát, khu vực
bán vé và kiểm soát khách, khu vực mua sắm; không xây dựng cơ sở lưu trú và giải
trí với quy mô lớn.
- Đối với vùng đệm
Phát triển đô thị: Xây mới các đô thị
loại V cung cấp các dịch vụ hạ tầng đô thị dân cư vùng đệm và kiểm soát các hoạt
động phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng để giảm nguy cơ xâm lấn Vườn quốc gia.
Đến năm 2020 xây mới đô thị du lịch Phong Nha. Đến năm 2030 xây mới đô thị Phúc
Trạch - Troóc, đô thị cửa khẩu Cha Lo, đô thị lâm trường Thượng Trạch tại cửa
khẩu Cà Roòng. Tương lai lâu dài nâng cấp các trung tâm cụm xã Trường Sơn và
Pheo theo tiêu chuẩn đô thị loại V.
Khu dân cư nông thôn: Xây dựng nông
thôn mới gắn với sản xuất nông lâm nghiệp và du lịch. Tăng cường điều kiện sống
trong các thôn bản, kiên cố hóa trạm y tế, hệ thống trường học các cấp, nhà văn
hóa xã, các trạm khuyến nông, khuyến lâm…, thành lập hệ thống thủy lợi nhỏ đảm
bảo tưới tiêu. Thiết lập mô hình nhà ở nông thôn gắn với vườn hộ gia đình để khai
thác các nông lâm sản có tiềm năng đối với thị trường du lịch. Phát triển nghề
thủ công nghiệp nông thôn làm hàng lưu niệm xuất xứ từ Phong Nha - Kẻ Bàng. Xây
dựng hạ tầng nông thôn để phục vụ sản xuất, giao lưu và du lịch. Các điểm dân
cư nông thôn đến năm 2020 phấn đấu đạt các tiêu chí: 100% hộ dân sử dụng điện
lưới và nước sạch, 100% bản làng có đường liên thôn, liên xã. Hình thành không
gian kiến trúc làng bản, nhà ở và công trình công cộng dựa trên đặc trưng riêng
của khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.
c) Định hướng phát triển không gian
và thiết kế đô thị (quy mô khoảng 40.860 ha)
- Phân khu phục hồi sinh thái và phân
khu dịch vụ - hành chính thuộc Vườn quốc gia, quy mô khoảng 20.860 ha.
Phát triển mạng lưới các điểm thăm
quan, du lịch sinh thái chất lượng cao. Xây dựng khu trụ sở Ban quản lý. Bố trí
nhà điều hành quản lý hành chính; nhà khách, trung tâm thông tin, đón tiếp,
trưng bày, giới thiệu di sản; nhà tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường di sản;
phát triển các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm khoa học...
Tổ chức mạng lưới các điểm dịch vụ du
lịch sinh thái tại hang Thiên Đường, hang Mẹ Bồng Con, hang Vòm, hang Hổ, hang
Cá và các hang động khác;
Nâng cấp các điểm du lịch tâm linh tại
hang Tám Cô, điểm dịch vụ du lịch tại Bảo tàng đường mòn Hồ Chí Minh ngoài trời,
công viên “Vườn thực vật”, khu cắm trại, nghỉ dưỡng... tại khu vực động Phong
Nha, Hang Tối...
Xây dựng điểm thăm quan thắng cảnh
thiên nhiên và nghỉ dưỡng qua đêm tại suối nước Moọc và sông Chày. Xây dựng
công viên động vật hoang dã thung lũng Sinh tồn.
Xây dựng cảnh quan tuyến du lịch sinh
thái xung quanh phân khu dịch vụ - hành chính, khai thác du lịch trên sông Son
và sông Chày; phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lập Chày, thôn Na; tiếp tục
tổ chức thăm quan động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối,
hang Trồng... bằng thuyền hoặc đi bộ; thám hiểm các hang động đã được khám phá,
như hang Vả, hang Sơn Đoòng...; thám hiểm sông ngầm bằng thuyền; khám phá rừng
nguyên sinh; hình thành các điểm du lịch văn hóa lịch sử như Hang Tám Cô, trọng
điểm A.T.P (cua chữ A, ngầm Talê, đèo Pu - La - Nhích), trọng điểm Trạ Ang; du
lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử thời tiền sử ở Phong Nha.
Duy trì dân cư làng bản A Rem gắn với
du lịch đặc trưng văn hóa dân tộc ít người, phát triển dịch vụ lưu trú tại nhà
dân (stayhome), các không gian tổ chức hoạt động văn hóa, du lịch. Nghiên cứu
phong tục, lối sống truyền thống để ứng dụng thiết kế không gian bản làng, nhà ở
và các thiết bị công cộng phụ vụ du lịch cộng đồng. Kết nối bản Arem với các
thôn bản của xã Thượng Trạch trên tuyến đường 20 Quyết Thắng đi cửa khẩu Cà
Roòng.
- Vùng cảnh quan cửa ngõ của Di sản
thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (khu vực ngã 3 giao cắt
đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây đến lối vào động Phong Nha thuộc vùng
đệm), quy mô khoảng 20.000 ha.
+ Đô thị du lịch Phong Nha
Phát triển đô thị du lịch và cảnh
quan; cung cấp các dịch vụ đô thị cao cấp phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch
Vườn quốc gia.
Dân số năm 2020 khoảng 13 - 18 nghìn
người và năm 2030 khoảng 15 - 21 nghìn người (bao gồm cả các thành phần dân số
khác). Đất xây dựng đô thị khoảng 580 - 600 ha, chỉ tiêu khoảng 270 - 290 m2/người.
Mở rộng, nâng cấp trung tâm xã Sơn Trạch,
huyện Bố Trạch và lựa chọn quỹ đất cao ráo tại các thôn Xuân Sơn, Hà Lời... để
xây dựng các khu chức năng đô thị hạn chế ngập lũ sông Son. Hình thành trung
tâm dịch vụ du lịch Phong Nha trên cơ sở nâng cấp trung tâm du lịch hiện có
trên sông Son thành trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp phục vụ khách du lịch
trong nước và quốc tế.
Xây dựng cảnh quan công viên sinh
thái dọc sông Son; khu vực xung quanh núi Voi và quảng trường đón tiếp du
khách, tổ chức thi tuyển ý tưởng biểu tượng Di sản thiên nhiên thế giới Phong
Nha - Kẻ Bàng mới trên núi.
Khu vực các dãy núi đá vôi dọc sông
Son, sông Troóc: Nghiên cứu lồng ghép với yếu tố lịch sử - văn hóa, tạo lập tác
phẩm nghệ thuật điêu khắc trên núi gắn với hình ảnh thanh niên thời đại Hồ Chí
Minh và cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thiết lập khu vực du lịch tâm linh
tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trên trong chiến tranh chống Mỹ.
Khu vực sinh thái nông nghiệp hiện hữu:
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phục vụ du lịch, hình thành các vùng cây ăn quả hoặc
trồng hoa cây cảnh phù hợp thổ nhưỡng và tổ chức không gian du lịch nghỉ dưỡng
cắm trại, nghiên cứu trồng cây thuốc Nam...
Xây dựng mới khu nhà ở cán bộ phục vụ
Vườn quốc gia, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối tại khu vực
+ Thị trấn Phúc Trạch (Troóc)
Phát triển đô thị sinh thái, cung cấp
các dịch vụ đô thị phục vụ các điểm dân cư nông thôn vùng đệm.
Dân số năm 2030 khoảng 15 - 22 nghìn
người (bao gồm cả các thành phần dân số khác), đất xây dựng đô thị khoảng 550 -
600 ha, chỉ tiêu khoảng 250 - 270 m2/người.
Mở rộng, nâng cấp trung tâm xã Phúc
Trạch, huyện Bố Trạch về phía Đông đường Hồ Chí Minh. Phát triển các khu nhà ở
sinh thái, dịch vụ công cộng phục vụ khu dân cư nông thôn xã Phúc Trạch và lân
cận, chợ nông sản đầu mối, dịch vụ quá cảnh trên đường Hồ Chí Minh.
+ Các điểm dân cư nông thôn trong khu
vực cửa ngõ Vườn quốc gia, như thôn Lập Chày, Trằm Mé, Na, Thanh Sen: Duy trì cấu
trúc làng xóm truyền thống, không mở rộng làng. Phát triển dịch vụ du lịch sinh
thái, nhà nghỉ, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, chợ nông sản. Nâng cấp hạ tầng bản
làng và chỉnh trang cảnh quan xung quanh công trình văn hóa tín ngưỡng. Không
phát triển nhà ở bám dọc theo đường Hồ Chí Minh.
+ Hình thành công viên sinh vật cảnh
quốc gia tại khu vực vườn thực vật và khu cứu hộ linh trưởng hiện nay theo mô
hình bảo tồn ngoại vi, nhằm giới thiệu đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Phong
Nha - Kẻ Bàng phục vụ khách du lịch thăm quan trong thời gian ngắn. Xây dựng
khu chuyên gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học.
6. Định hướng quy
hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật
a) Định hướng giao thông
- Giao thông đối ngoại
Kết nối Vườn quốc gia với hệ thống hạ
tầng kỹ thuật đầu mối của tỉnh Quảng Bình, như: Cảng biển Hòn La, cảng sông
Gianh, các cảng du lịch trên sông Son, sân bay Đồng Hới, ga đường sắt Đồng Hới,
các tuyến đường bộ quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12A, 15..., cửa khẩu
quốc tế Cha Lo, cửa khẩu Cà Roòng để đón khách quốc tế và trong nước.
Đường bộ: Quốc lộ 12A xuyên Á qua cửa
khẩu Cha Lo nâng cấp đường cấp III. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nắn tuyến đi
ven bên ngoài Vườn quốc gia, đấu nối với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông. Xây mới
tuyến đường thay thế đường 20 Quyết Thắng đi bên ngoài Vườn quốc gia nối cửa khẩu
Cà Roòng với thành phố Đồng Hới.
Đường thủy: Hình thành tuyến du lịch
đường thủy từ sông Gianh đến sông Son.
Đường tuần tra biên giới thực hiện
theo Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2007 về đề án quy hoạch xây dựng
đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo.
- Giao thông trong Vườn quốc gia và
vùng đệm
+ Trong Vườn quốc gia
Tuyến đường 20 Quyết Thắng và tuyến
đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi trong Vườn quốc gia là đường chuyên dụng bảo vệ
rừng và du lịch, đoạn nằm trong Phân khu dịch vụ - hành chính giữ nguyên quy
mô, đoạn nằm trong Phân khu phục hồi sinh thái giảm quy mô đường và không vượt
quá đường cấp IV miền núi.
Nâng cấp các tuyến đường mòn đã có,
xây mới các tuyến đường mòn thiên nhiên, như: Đường đất, đường mòn dạng cầu vượt
đi bộ hoặc xe đạp men theo các đường đồng mức, đường bê tông rộng khoảng 01 m
phục vụ thám hiểm.
Phát triển tuyến giao thông du lịch
đường thủy theo sông Son, sông Chày, suối nước Moọc đến hệ thống các hang động.
+ Trong vùng đệm
Đối với thị trấn du lịch Phong Nha,
thị trấn Troóc và trung tâm dịch vụ du lịch tại xã Sơn Trạch: Xây dựng mạng lưới
đường tiêu chuẩn đô thị du lịch loại V. Xây dựng bến xe có quy mô khoảng 1 - 2
ha gắn với hệ thống bến thuyền du lịch trên sông Son, sông Troóc. Tỷ lệ đất
giao thông đô thị >15 - 20% quỹ đất xây dựng đô thị.
Đối với khu dân cư nông thôn vùng đệm:
Phát triển giao thông phục vụ sinh hoạt và sản xuất đảm bảo các tiêu chí nông
thôn mới. Xây dựng hệ thống đường liên huyện, liên xã kết nối cơ sở hạ tầng cho
khu vực vùng đệm, nâng cao đời sống của khu vực dân cư nông thôn.
b) Định hướng chuẩn bị kỹ thuật
- Giải pháp phòng chống lũ: Hạn chế
lũ rừng ngang và lũ thượng nguồn dọc lưu vực sông Son, sông Chày, sông Troóc,
kiểm soát hành lang cách ly an toàn ven sông, mỗi bên ³ 5 m, kè bờ và thường
xuyên nạo vét lòng sông, xây dựng công trình mật độ thấp, tăng cường cây xanh
sinh thái. Công trình xây dựng mới dọc sông phải kiên cố, tối thiểu 2 tầng trở
lên, khuyến khích tầng 1 để rỗng nhằm thoát nước khi có lũ về.
- Cao độ nền: Đô thị Phong Nha cao độ
≥ 5,0 m, đảm bảo chống lũ tiểu mạn. Đô thị Troóc cao độ ≥ 10,5 m. Đô thị Cha Lo
≥ 70,1 m. Đô thị Cà Roòng cao độ ≥ 610 m. Khu trung tâm dịch vụ du lịch Phong
Nha ≥ 5,0 m. Các điểm khu cư dân cư nông thôn cao độ nền phù hợp với cao độ hiện
trạng, không xây dựng ở khu vực ven sông suối và khu vực có nguy cơ sạt lở.
- Thoát nước mặt: Các điểm đô thị,
trung tâm dịch vụ du lịch Phong Nha, sử dụng cống thoát nước nửa riêng. Các khu
vực xây mới chọn hệ thống thoát riêng, mật độ cống đạt 80%. Các khu vực dân cư
nông thôn thoát nước mưa theo địa hình tự nhiên.
c) Định hướng cấp nước
- Nhu cầu cấp nước: Năm 2020 tổng nhu
cầu là 5.500 m3/ngày đêm, năm 2030: Tổng nhu cầu là 11.000 m3/ngày
đêm.
- Công trình đầu mối: Cải tạo nâng cấp
trạm cấp nước Phong Nha công suất năm 2020 là 3.000 m3/ngày đêm; năm
2030 là 8.000 m3/ngày đêm lấy từ nguồn nước mặt sông Son. Xây mới trạm
cấp nước cửa khẩu Cha Lo công suất năm 2030: 700 m3/ngày đêm, lấy từ
nguồn nước mặt sông Gianh. Xây mới trạm cấp nước đô thị Cà Ròong (Thượng Trạch)
công suất 500 m3/ngày đêm lấy từ nguồn nước ngầm.
- Giải pháp cấp nước:
Vườn quốc gia: Điểm dịch vụ du lịch sử
dụng nước giếng khoan tại chỗ hoặc bể chứa nước mưa xử lý qua thiết bị lọc. Bản
ARem sử dụng nước suối kết hợp nguồn nước ngầm. Khu trụ sở Ban quản lý dùng nguồn
trạm cấp nước Phong Nha.
Vùng đệm: Đối với đô thị Phong Nha,
Trung tâm dịch vụ du lịch Phong Nha, các làng du lịch cộng đồng tại thôn Na,
thôn Trằm Né, thôn Lập Chày, đô thị Phúc Trạch dùng nguồn trạm cấp nước Phong
Nha. Đô thị cửa khẩu Cha Lo dùng nước mặt sông Gianh. Đô thị Cà Ròong (Thượng
Trạch), trung tâm cụm xã Trường Sơn, Pheo (Trung Hóa) sử dụng nguồn nước ngầm.
Các khu dân cư nông thôn sử dụng hình thức cấp nước sạch nông thôn như: Giếng
đào, khe suối và trạm cấp nước quy mô nhỏ được đầu tư theo chương trình Cấp nước
sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
d) Định hướng cấp điện và chiếu sáng
Tổng nhu cầu cấp điện đợt đầu đến năm
2020 là 28.841 KVA, đến năm 2030 là 44.695 KVA. Nguồn điện được lấy từ trạm 110
KV Bố Trạch công suất 2x25 MVA, trạm 110 KV Minh Hóa công suất 25 MVA và trạm
110 KV Bắc Đồng Hới công suất 25 MVA, đồng thời khuyến khích sử dụng các nguồn
năng lượng tái tạo như: Thủy điện mini, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và
năng lượng sinh khối.
Cải tạo toàn bộ lưới điện 35 KV, 10
KV về cấp điện áp chuẩn 22 KV, dỡ bỏ trạm trung gian Hưng Trạch. Xây mới tuyến
22 KV tạo mạch vòng cấp điện cho khu vực Sơn Trạch và Phúc Trạch.
Trong vườn quốc gia: Các điểm du lịch
nằm trên tuyến Hồ Chí Minh và đường 20 Quyết Thắng cấp điện lưới đảm bảo cảnh
quan, hạn chế phá vỡ cấu trúc tự nhiên. Đối với khu du lịch tập trung xây dựng
hệ thống lưới trung thế, kết cấu lưới điện sử dụng cáp ngầm để đảm bảo mỹ quan.
Đối với các điểm du lịch mà lưới điện quốc gia không đến được, khuyến khích sử
dụng nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống chiếu sáng cảnh quan trong hang động phải
đảm bảo các yêu cầu bảo tồn di sản, có giá trị thẩm mỹ cao và khuyến khích sử dụng
các đèn năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Trong vùng đệm: Các đô thị cải tạo
xây mới các nhánh rẽ cáp ngầm, sử dụng cáp ngầm. Khu dân cư nông thôn, cải tạo
hệ thống lưới trung thế, hạ thế hiện hữu đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định, kết
cấu lưới đi nổi trên cột bê tông ly tâm.
đ) Định hướng hệ thống thông tin liên
lạc
Bổ sung 2 trạm thu phát tín hiệu tại
Tân Trạch và Hưng Trạch. Phát triển 2 tuyến cáp quang mới Phong Nha - Hưng Trạch
và Phong Nha - Tân Trạch.
e) Định hướng thoát nước thải, quản
lý chất thải rắn và nghĩa trang
- Thoát nước thải: Các điểm thăm quan
du lịch, trụ sở Ban quản lý Vườn, các điểm dân cư nông thôn xử lý nước thải bằng
phương pháp sinh học tự nhiên. Các đô thị du lịch Phong Nha, Troóc, Cha Lo, Thượng
Trạch và các trung tâm cụm xã Trường Sơn, Pheo xây dựng trạm xử lý tập trung
quy mô 1 - 2 ha/1 trạm.
- Quản lý chất thải rắn: Tổng khối lượng
chất thải rắn đến năm 2020 là 111,5 tấn/ngày, đến năm 2030 là 139,5 tấn/ngày.
Các đô thị Phong Nha, Troóc sử dụng khu xử lý chất thải rắn Đồng Hới. Đô thị
Cha Lo, Thượng Trạch, trung tâm cụm xã Pheo, Trường Sơn xây dựng bãi chôn lấp hợp
vệ sinh cho từng khu vực, quy mô từ 3 - 5 ha. Các điểm du lịch và các cụm dân
cư dọc sông Chày, sông Son sử dụng bãi chất thải rắn Phong Nha tại xã Sơn Trạch
quy mô 10 ha. Các điểm dân cư nông thôn xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn hợp
vệ sinh quy mô 0,6 - 1 ha/xã.
- Nghĩa trang: Nâng cấp mở rộng nghĩa
trang Sơn Trạch cho 2 đô thị Phong Nha và Troóc, quy mô 5 - 7 ha. Đô thị Cha
Lo, Thượng Trạch và trung tâm cụm xã Trường Sơn, Pheo xây dựng nghĩa trang khu
vực, quy mô 3 - 5 ha/1 nghĩa trang. Khu dân cư nông thôn khoảng 0,2 - 0,5 ha/1
xã. Bản A Rem xây dựng nghĩa trang theo phong tục truyền thống.
7. Đánh giá môi
trường chiến lược
- Duy trì tính toàn vẹn di sản thiên
nhiên và bảo tồn văn hóa truyền thống:
Bảo vệ môi trường cảnh quan, hệ thủy
văn karst, địa mạo, địa chất, chất lượng không khí tự nhiên, đa dạng sinh học
và hệ sinh thái hang động... đảm bảo hệ sinh thái địa chất phát triển ổn định,
bảo tồn sự tiến hóa liên tục của các loài động thực vật. Duy trì chất lượng nước
và tránh mọi nguồn gây ô nhiễm khu vực sông Son, sông Chày.
Lưu giữ và làm phong phú lịch sử, văn
hóa bản địa của các nhóm dân tộc thiểu số trong kiến trúc công trình, cảnh quan
du lịch, đời sống văn hóa tinh thần để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút du
lịch và khuyến khích người dân tham gia vào công tác bảo tồn.
- Thiết kế quy hoạch kiến trúc bền vững:
Các công trình xây dựng phục vụ quản lý bảo vệ Vườn quốc gia, nghiên cứu khoa học,
dịch vụ du lịch… áp dụng công nghệ sinh thái, thân thiện với môi trường, hạn chế
thay đổi cảnh quan thiên nhiên, không gây ảnh hưởng đến cấu trúc hệ sinh thái
núi đá vôi, không gây suy thoái hệ sinh thái rừng, không ảnh hưởng đến hành
lang di cư động vật hoang dã... và đảm bảo sự an toàn cho khách tham quan, có
phương án bảo vệ khi có sự cố như cháy, nổ, sụt Iở hang hoặc các tai biến thiên
tai khác.
- Giảm thiểu các tác động tiêu cực đến
môi trường từ hoạt động du lịch:
Giám sát hệ thống tác động môi trường
(EIS) cho các đường chính xây dựng trong Vườn quốc gia (như đường 20 Quyết Thắng
và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây). Không sử dụng thiết bị ảnh hưởng các loài động
vật xung quanh. Kiểm soát thu gom và xử lý chất thải rắn, sử dụng nguồn năng lượng
tiết kiệm và tái sử dụng, giảm thiểu tiêu thụ nước. Hạn chế tối thiểu các tác động
từ hoạt động của con người như tiếng ồn, đi lại đặc biệt là trong mùa ghép đôi
và mùa sinh sản của động vật hoang dã
Quản lý hang động theo hướng dẫn quản
lý do Hiệp hội Hang động Quốc tế xây dựng (UIS 2012). Kiểm soát đèn chiếu sáng
và xây dựng lối đi lại trong hang động để không tác động lên các cấu trúc hệ
sinh thái. Các hang động có giá trị đặc biệt như hang Sơn Đoòng, Hang Vả...
phát triển du lịch chất lượng cao, có giải pháp quản lý khống chế lượng khách
tham quan du lịch theo ngày.
- Xây dựng chính sách tham gia tích cực
và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương trong bảo tồn di sản, khoanh vùng bảo
vệ, tuân thủ các yêu cầu về bảo tồn, nguyên tắc phát huy giá trị di sản, phát
triển du lịch sinh thái.
8. Các chương
trình và dự án ưu tiên đầu tư
- Về bảo tồn di sản: Chương trình xác
định ranh giới và cắm mốc bảo vệ Vườn quốc gia. Chương trình tiếp tục khám phá
các giá trị địa chất, đa dạng sinh học; lập hệ thống bản đồ khảo sát hệ thống địa
chất các dãy núi, hang động, sông ngầm, nơi cư trú và di chuyển của các loài động
vật để quản lý, bảo vệ và lưu giữ nguyên vẹn giá trị nổi bật toàn cầu của di sản,
theo dõi diễn biến tự nhiên của rừng và hệ sinh thái, khai thác phát triển du lịch.
Chương trình bảo vệ các hành lang đa dạng sinh học bên ngoài Vườn quốc gia. Dự
án xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ bảo tồn và nghiên cứu khoa học.
Thiết lập tuyến tuần tra bảo vệ rừng, xác định ranh giới khu cư trú động vật để
thiết lập hệ thống hàng rào điện tử bảo vệ và quản lý...
- Về du lịch sinh thái: Lập quy hoạch
phát triển khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Dự án đầu tư xây dựng các
điểm du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia và vùng đệm. Chương trình nghiên cứu,
phát triển văn hóa dân gian, nghề thủ công mỹ nghệ khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.
Dự án xây dựng hạ tầng du lịch; xây dựng tuyến đường mòn thiên nhiên đến các
hang động: Hang Tối, hang Vả, động Sơn Đoòng; xây dựng các tuyến đường chính tại
trung tâm thị trấn Phong Nha. Xây dựng không gian lễ hội từ thành phố Đồng Hới
đến Vườn quốc gia.
- Về đô thị - nông thôn: Lập quy hoạch
xây dựng và đề án thành lập các đô thị Phong Nha, Troóc, Thượng Trạch, Cha Lo.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư nông thôn vùng đệm.
- Về hạ tầng kỹ thuật: Đề án tăng cường
cơ sở vật chất, công trình đầu mối đón khách du lịch trong nước và quốc tế đến
Phong Nha - Kẻ Bàng. Xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và tuyến đường
20 Quyết Thắng đi bên ngoài Vườn quốc gia. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật
khung kết nối với mạng lưới hạ tầng quốc gia và đồng bộ theo các giai đoạn phát
triển, ưu tiên tại thị trấn Phong Nha và khu trung tâm dịch vụ du lịch tại Sơn
Trạch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Bộ Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân
tỉnh Quảng Bình tổ chức công bố quy hoạch theo quy định; kiểm tra việc thực hiện
đồ án Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng
Bình đến năm 2030 được duyệt.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình:
Ban hành Quy định quản lý xây dựng
theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng
Bình đến năm 2030.
Triển khai lập quy hoạch phân khu,
quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia
Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Xây dựng và ban hành quy chế
quản lý quy hoạch, kiến trúc theo quy định.
Xây dựng cơ chế, chính sách để thực hiện
các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di sản
thiên nhiên theo Quy hoạch được duyệt.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân
tỉnh Quảng Bình xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách phù hợp để quản lý bảo vệ
và phát huy giá trị di sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát;
có cơ chế khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời theo các quy định của Luật Di sản
văn hóa và pháp luật hiện hành.
- Các Bộ ngành liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng
Bình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh
Quảng Bình đến năm 2030 theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng
Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính,
Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và
Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông;
- Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NC,
V.III, KGVX;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|