Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 186/2006/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 14/08/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
_________

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________________

Số: 186/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14   tháng 8  năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ RỪNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý rừng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

 

.


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
_________

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________________________________________________

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ RỪNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8  năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về việc tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, bao gồm diện tích có rừng và diện tích không có rừng đã được Nhà nước giao, cho thuê hoặc quy hoạch cho lâm nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc hoặc đơn vị tương đương (sau đây gọi là cộng đồng dân cư thôn), hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng tại Việt Nam.

Điều 3.  Giải thích từ ngữ

Các thuật ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. Cải tạo rừng tự nhiên: là việc trồng lại rừng trên các khu rừng tự nhiên nghèo kiệt có năng suất, chất lượng thấp để thay thế bằng rừng trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và phòng hộ bảo vệ môi trường cao hơn.

2. Cây phù trợ: là cây trồng với cây trồng chính trong một thời gian nhất định có tác dụng thúc đẩy cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

3. Cây trồng xen: là cây trồng kết hợp với cây trồng chính, nhằm tận dụng đất đai, không gian dinh dưỡng để tăng thu nhập sản phẩm trên diện tích rừng mà không ảnh hưởng có hại đối với sinh trưởng và phát triển của cây trồng chính.

4. Cây phi mục đích: là cây không đáp ứng mục đích kinh doanh rừng đối với rừng sản xuất; là cây không đáp ứng mục đích phòng hộ bảo vệ môi trường đối với rừng phòng hộ.

5. Khai thác tận dụng gỗ: là việc chặt hạ những cây gỗ đứng, không thuộc đối tượng khai thác chính.

6. Tận thu gỗ: là việc thu gom cây gỗ nằm, gỗ khô mục, lóc lõi, gỗ cháy, cành, ngọn, gốc, rễ cây với mọi kích thước, chủng loại.

7. Rừng tự nhiên nghèo kiệt: là rừng tự nhiên có trữ lượng rất thấp, chất lượng kém; khả năng tăng trưởng và năng suất rừng thấp, nếu để rừng phục hồi tự nhiên sẽ không đáp ứng được yêu cầu về kinh tế, yêu cầu phòng hộ.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức quản lý rừng

1. Các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất phải được tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

2. Các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất phải có chủ quản lý, bảo vệ và sử dụng.

3. Việc quản lý rừng phải theo đúng mục đích sử dụng chính của từng loại rừng; đồng thời phải sử dụng hợp lý các giá trị tổng hợp từ rừng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

4. Việc xác định các mục tiêu và biện pháp quản lý phải phù hợp với đặc thù của các hệ sinh thái rừng để bảo đảm phát triển bền vững rừng và hệ sinh thái rừng.

5. Một chủ rừng có thể được giao, được thuê nhiều loại rừng nhưng phải thực hiện việc quản lý từng loại rừng theo đúng quy chế đối với loại rừng đó.

Điều 5. Tổ chức quản lý rừng

Việc tổ chức quản lý các khu rừng thực hiện theo quy định như sau:

1. Đối với những khu rừng đã giao, đã cho thuê thực hiện theo quy định tại các Điều 15, 16, 26, 27 và Điều 36 Quy chế này.

2. Đối với những khu rừng chưa giao, chưa cho thuê, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm tổ chức quản lý.

Điều 6. Phân cấp về mức độ phòng hộ xung yếu của rừng và đất lâm nghiệp

1. Rừng và đất không có rừng đã quy hoạch cho lâm nghiệp được phân ra 3 cấp về mức độ phòng hộ xung yếu của rừng và đất lâm nghiệp: rất xung yếu, xung yếu và ít xung yếu. Phân cấp mức độ phòng hộ xung yếu của rừng nhằm xác định loại rừng và đề xuất các biện pháp tác động đối với từng loại rừng.

2. Việc xác định 3 loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất được căn cứ vào tiêu chí đối với từng loại rừng và theo quy định về mức độ phòng hộ xung yếu của rừng và đất lâm nghiệp.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tiêu chí xác định mức độ phòng hộ xung yếu của rừng và đất lâm nghiệp.  

Điều 7. Phân chia xác định ranh giới rừng

1. Rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp được phân chia thành các đơn vị quản lý: tiểu khu, khoảnh, lô theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 23/2006/NĐ-CP).

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể việc phân chia, xác định ranh giới đơn vị quản lý để phục vụ cho việc tổ chức quản lý rừng.

Điều 8. Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

1. Chuyển mục đích sử dụng giữa 3 loại rừng với nhau

a) Việc chuyển mục đích sử dụng giữa 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và phải đảm bảo khu rừng đó đạt tiêu chí và chỉ số theo quy định tại các Điều 13, 25 và Điều 34 Quy chế này.

b) Trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng giữa 3 loại rừng thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP.

2. Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp phải phù hợp với qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt và phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP.

Điều 9. Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, lập hồ sơ quản lý rừng

1. Việc lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo quy định tại các Điều 10, 11, 12, 13, 14 và Điều 18 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP.

2. Việc lập hồ sơ quản lý rừng, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng thực hiện theo quy định tại các Điều 38, 39, 40 và Điều 41 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP.

Điều 10. Cải tạo rừng tự nhiên

1. Đối tượng rừng được phép cải tạo gồm:

a) Rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt, Nhà nước đã giao hoặc cho thuê, không có cây mục đích hoặc có cây mục đích nhưng số lượng không đáp ứng yêu cầu kinh doanh rừng.

b) Rừng phòng hộ là rừng tự nhiên nghèo kiệt, Nhà nước đã giao hoặc cho thuê, không có cây mục đích hoặc có cây mục đích nhưng số lượng không đáp ứng yêu cầu về phòng hộ của rừng.

c) Rừng đặc dụng là rừng tự nhiên nghèo kiệt, được phép cải tạo trong những trường hợp sau:

- Rừng nghiên cứu khoa học, thực nghiệm không phù hợp hoặc không đáp ứng được mục đích nghiên cứu khoa học, thực nghiệm; khu bảo vệ cảnh quan không phù hợp hoặc không đáp ứng được mục đích bảo vệ cảnh quan.

- Rừng trong phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

2. Thẩm quyền cho phép cải tạo rừng tự nhiên

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép cải tạo rừng của chủ rừng là tổ chức thuộc Bộ quản lý.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép cải tạo rừng của chủ rừng là tổ chức thuộc cấp tỉnh quản lý và các khu rừng thuộc các Bộ, ngành khác quản lý có diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm trên địa bàn tỉnh.

c) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) cho phép cải tạo rừng của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

3. Việc cải tạo rừng tự nhiên phải được lập thành Dự án đối với các đối tượng thuộc điểm a và b khoản 2 Điều này và lập kế hoạch đối với các đối tượng thuộc điểm c khoản 2 Điều này, có thiết kế kỹ thuật chi tiết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Trình tự, thủ tục cải tạo rừng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tiêu chí rừng nghèo kiệt và các loại rừng nghèo kiệt được phép cải tạo; hướng dẫn biện pháp, trình tự, thủ tục cải tạo rừng.  

Điều 11. Thanh lý rừng trồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

1. Rừng trồng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước nhưng không có khả năng thành rừng và rừng trồng không thành rừng do các nguyên nhân bất khả kháng hoặc nguyên nhân khác, có biên bản xác minh tại thời điểm xảy ra nguyên nhân đó thì được thanh lý để trồng lại rừng.

2. Việc thanh lý rừng trồng phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước.

3. Thẩm quyền cho phép thanh lý rừng trồng: cơ quan có thẩm quyền cho phép thanh lý rừng trồng là cơ quan có thẩm quyền đã quyết định đầu tư trồng rừng đó.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể tiêu chí về rừng trồng không thành rừng;

5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể đối tượng rừng trồng được thanh lý và trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và kinh phí thu được do thanh lý rừng trồng.

Điều 12. Săn bắn, bẫy, bắt động vật rừng

1. Nghiêm cấm các hoạt động săn bắn, bẫy, bắt các loài động vật hoang dã trong rừng đặc dụng là vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên; trường hợp cần săn, bắn, bẫy, bắt thì phải thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

2. Đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất

Nghiêm cấm các hoạt động săn, bắn, bẫy, bắt các loài động vật rừng nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ, các loài động vật có ích là thiên địch của các loài sâu bọ, chim, chuột phá hoại mùa màng; trường hợp cần săn, bắn, bẫy, bắt các loài nguy cấp, quý hiếm thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ.

Chương 2

QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG

Mục 1: TỔ CHỨC QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 13. Phân loại rừng đặc dụng

Căn cứ tính chất, mục đích quản lý, sử dụng, rừng đặc dụng được chia ra các loại như sau:

1. Vườn quốc gia

a) Vườn quốc gia là khu vực tự nhiên trên đất liền hoặc ở vùng đất ngập nước, hải đảo, có diện tích đủ lớn được xác lập để bảo tồn một hay nhiều hệ sinh thái đặc trưng hoặc đại diện không bị tác động hay chỉ bị tác động rất ít từ bên ngoài; bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu hoặc đang nguy cấp.

b) Vườn quốc gia được quản lý, sử dụng chủ yếu phục vụ cho việc bảo tồn rừng và hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái.

c) Vườn quốc gia được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số: về hệ sinh thái đặc trưng; các loài động vật, thực vật đặc hữu; về diện tích tự nhiên của vườn và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư so với diện tích tự nhiên của vườn.

2. Khu bảo tồn thiên nhiên gồm có khu dự trữ thiên nhiên và khu bảo tồn loài - sinh cảnh

a) Khu dự trữ thiên nhiên là khu vực có rừng và hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền hoặc ở vùng đất ngập nước, hải đảo, được xác lập để bảo tồn bền vững các hệ sinh thái chưa hoặc ít bị biến đổi; có các loài sinh vật đặc hữu, quý, hiếm hoặc đang nguy cấp.

 Khu bảo tồn loài - sinh cảnh là khu vực có rừng và hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền hoặc có hợp phần đất ngập nước được xác lập để bảo tồn loài, bảo vệ môi trường sống nhằm duy trì nơi cư trú và sự tồn tại lâu dài của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm hoặc đang nguy cấp.

b) Khu bảo tồn thiên nhiên được quản lý, sử dụng chủ yếu phục vụ cho việc bảo vệ các hệ sinh thái và các loài sinh vật là các đối tượng cần phải bảo tồn; phục vụ nghiên cứu, giám sát môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường và du lịch sinh thái.

c) Khu bảo tồn thiên nhiên được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về: các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm, nguy cấp và sinh cảnh tự nhiên, môi trường sống cho các loài này; về diện tích tự nhiên của khu bảo tồn và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư so với diện tích tự nhiên của khu bảo tồn.

3. Khu bảo vệ cảnh quan

a) Khu bảo vệ cảnh quan là khu vực có rừng và sinh cảnh tự nhiên trên đất liền hoặc ở vùng đất ngập nước, hải đảo, được hình thành do có sự tác động qua lại giữa con người và tự nhiên, làm cho khu rừng và sinh cảnh ngày càng có giá trị cao về thẩm mỹ, sinh thái, văn hoá, lịch sử.

b) Khu bảo vệ cảnh quan được xác lập nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển mối quan hệ truyền thống giữa thiên nhiên với con người nhằm phục vụ cho các hoạt động về tín ngưỡng, vui chơi, giải trí, tham quan, học tập và du lịch sinh thái.

c) Khu bảo vệ cảnh quan được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về:  lịch sử, văn hoá truyền thống, sinh cảnh; về diện tích tự nhiên của khu bảo vệ cảnh quan và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư so với diện tích tự nhiên của khu cảnh quan.

4. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học

a) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học là rừng và đất rừng được thành lập nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp.

b) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được xác lập dựa trên yêu cầu của tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo và dạy nghề về lâm nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thành lập tổ chức đó.

5. Bộ Thuỷ sản chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý các hợp phần bảo tồn tài nguyên sinh vật biển và đất ngập nước trong các khu rừng đặc dụng.

Điều 14. Phân khu chức năng đối với vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên

1. Trong vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được chia thành các phân khu chức năng sau đây

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:

- Là khu vực có diện tích vừa đủ để bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái tự nhiên như mẫu chuẩn sinh thái quốc gia, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của rừng và hệ sinh thái.

- Đối với rừng đặc dụng ở vùng đất ngập nước, phạm vi và quy mô của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được xác định theo mục tiêu, đối tượng, tiêu chí bảo tồn và điều kiện thuỷ văn.

b) Phân khu phục hồi sinh thái

Là khu vực được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để khôi phục các hệ sinh thái rừng thông qua việc thực hiện một số hoạt động lâm sinh cần thiết.

c) Phân khu dịch vụ - hành chính: là khu vực để xây dựng các công trình làm việc và sinh hoạt của ban quản lý, các cơ sở nghiên cứu - thí nghiệm, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.

2. Các phân khu chức năng trong vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được điều chỉnh về phạm vi ranh giới của từng phân khu dựa trên đặc điểm, thực trạng diễn biến của rừng và mục đích quản lý, sử dụng rừng; việc điều chỉnh ranh giới của các phân khu được thực hiện sau mỗi kỳ quy hoạch hoặc sau mỗi lần rà soát diện tích các loại rừng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 15. Phân cấp quản lý rừng đặc dụng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức việc quản lý các vườn quốc gia có vị trí đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên (đặc trưng tiêu biểu về tính đa dạng sinh học cao, đại diện cho các vùng, miền về sinh cảnh, về nguồn gen); các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn liên tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong phạm vi một tỉnh và các khu bảo vệ cảnh quan.

3. Tổ chức, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng đặc dụng mà cấp Bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thành lập ban quản lý khu rừng, có trách nhiệm tổ chức việc quản lý khu rừng được giao.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho ban quản lý khu rừng theo quyền hạn của mình và theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Tổ chức bộ máy của Ban quản lý rừng đặc dụng 

1. Những khu rừng đặc dụng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập thì tổ chức bộ máy của Ban quản lý khu rừng do cơ quan thành lập ban quản lý quyết định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu rừng đặc dụng thống nhất trong toàn quốc.

2. Biên chế của Ban quản lý khu rừng

a) Biên chế ban đầu của Ban quản lý khu rừng đặc dụng có số lượng tối thiểu phù hợp với cơ cấu tổ chức theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong quá trình hoạt động, tuỳ theo yêu cầu về công tác quản lý và căn cứ vào quy định của Nhà nước, Ban quản lý khu rừng đặc dụng được tự điều chỉnh về biên chế theo thẩm quyền hoặc xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

b) Lực lượng chuyên trách về bảo vệ rừng của Ban quản lý khu rừng thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 18 Quy chế này.

3. Ban quản lý khu rừng đặc dụng có năng lực và điều kiện phát triển hoạt động du lịch sinh thái, được thành lập một bộ phận trực thuộc để thực hiện nhiệm vụ này, theo hình thức bước đầu là đơn vị sự nghiệp có thu, được vay vốn để đầu tư phát triển du lịch theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cấp quản lý khu rừng đặc dụng quyết định việc thành lập bộ phận này theo các quy định của Nhà nước.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chuẩn giám đốc, phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng cho phù hợp với từng loại hình rừng đặc dụng để làm căn cứ bổ nhiệm, đào tạo, quy hoạch cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rừng đặc dụng.  

Mục 2

BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 17. Đầu tư và kinh phí đảm bảo duy trì bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng

Việc đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ và theo quy định dưới đây:

1. Việc xác định các mục tiêu và nội dung đầu tư phải phù hợp với các đặc thù của từng loại hình rừng đặc dụng quy định tại khoản 1 Điều 13 Quyết định này.

Đối với các khu rừng đặc dụng ở vùng đất ngập nước là hệ sinh thái đặc thù, việc xác định các mục tiêu và nội dung đầu tư đối với vùng đất ngập nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9  năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững đất ngập nước.

2. Các nội dung đầu tư chính cho rừng đặc dụng bao gồm:

a) Chi thường xuyên là các khoản chi cho lương, bảo đảm cho hoạt động của bộ máy quản lý, bảo vệ rừng; chi cho việc theo dõi, giám sát hệ sinh thái và đa dạng sinh học; nghiên cứu và thực nghiệm khoa học; đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền giáo dục cộng đồng về bảo vệ rừng đặc dụng, bảo tồn thiên nhiên.

b) Chi đầu tư là các khoản chi để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng vốn rừng và làm giầu rừng, cải tạo rừng, trang thiết bị cho nghiên cứu, thực nghiệm khoa học và quản lý.

3. Ngân sách nhà nước đầu tư cho các hạng mục quy định tại khoản 2 Điều này

a) Ngân sách trung ương đầu tư cho các khu rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách tỉnh thực hiện đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng do địa phương quản lý.

b) Ngân sách địa phương đầu tư cho các khu rừng đặc dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.

4. Nhà nước hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học và khu bảo vệ cảnh quan mà cấp Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thành lập ban quản lý (các khu rừng này được thành lập theo mô hình các trung tâm).

5. Các chủ rừng và Ban quản lý khu rừng đặc dụng được sử dụng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân, các dự án để đầu tư bảo vệ và phát triển khu rừng Nhà nước giao sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

6. Các hạng mục đầu tư cho rừng đặc dụng thuộc nhiều nguồn vốn khác nhau, cấp quản lý rừng đặc dụng phải lồng ghép nhiều nguồn vốn và căn cứ vào quy định của nhà nước về quản lý các nguồn vốn để hướng dẫn Ban quản lý rừng đặc dụng lập dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Nhà nước.

Ban quản lý rừng đặc dụng lập báo cáo quy hoạch đầu tư cho giai đoạn 10 năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, đồng thời căn cứ vào báo cáo quy hoạch đầu tư được phê duyệt, Ban quản lý rừng đặc dụng tiến hành lập các dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện theo các quy định.

7. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng.

Điều 18. Bảo vệ rừng đặc dụng

Việc bảo vệ rừng đặc dụng thực hiện theo quy định của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP và theo các quy định sau:

1. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên nghiêm cấm các hoạt động sau đây:

a) Các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng, loại trừ những hoạt động được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 22 Quy chế này.

b) Các hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã hoặc loài bảo tồn.

c) Thả và nuôi, trồng các loài động vật, thực vật đưa từ nơi khác tới mà trước đây các loài này không có trong khu rừng đặc dụng. Trong trường hợp đặc biệt phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

d) Khai thác tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác.

đ) Gây ô nhiễm môi trường.

e) Mang hoá chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng, đốt lửa trong rừng và ven rừng.

g) Chăn thả gia súc, gia cầm.

2. Trong phân khu phục hồi sinh thái của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nghiêm cấm các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Bảo vệ động vật rừng trong khu rừng đặc dụng

a) Tất cả các loài động vật rừng trong khu rừng đặc dụng phải được bảo vệ; việc săn, bắn, bẫy bắt động vật rừng thực hiện theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.

b) Bảo vệ môi trường sống và nguồn thức ăn của động vật rừng, trường hợp cần thiết có thể tạo thêm nguồn thức ăn, nước uống cho chúng.

c) Việc thả động vật rừng vào khu rừng đặc dụng thực hiện theo quy định như sau:

Chỉ được thả những loài cần thiết bổ sung cho nhu cầu bảo tồn; động vật được thả vào rừng phải là loài động vật bản địa khoẻ mạnh, không có bệnh tật; số lượng động vật của từng loài thả vào rừng phải phù hợp với vùng sống, nguồn thức ăn của chúng và đảm bảo cân bằng sinh thái của khu rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thả động vật hoang dã vào rừng.

d) Đối với rừng đặc dụng ở vùng đất ngập nước hoặc có hợp phần đất ngập nước, Ban quản lý khu rừng đặc dụng phải thiết lập quy chế quản lý, theo dõi chế độ ngập nước cho phù hợp với đặc điểm sinh thái của tài nguyên động thực vật, có phương án phòng cháy, chữa cháy riêng cho rừng tràm, trên đất ngập nước phèn và đất than bùn, có dự án đầu tư quản lý các thực vật ngoại lai gây hại, xâm nhập vào rừng đặc dụng bằng lan truyền theo nước.  

Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thuỷ sản hướng dẫn việc quản lý tài nguyên thuỷ sản trong rừng đặc dụng.

4. Tổ chức bảo vệ rừng đặc dụng

a) Chủ rừng được tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng như sau:

- Tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được bố trí bình quân 500ha/người.

- Ban quản lý được sử dụng quỹ lương của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hoặc tiền công bảo vệ rừng mà Nhà nước quy định trong các dự án được duyệt để khoán việc bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn ở địa phương.

- Thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ rừng.

Chủ rừng quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ cho các lực lượng bảo vệ rừng nêu trên theo quyền hạn của mình và theo quy định của pháp luật.

b) Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng được quy định như sau:

- Vườn quốc gia có diện tích từ 7.000ha trở lên; khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích từ 15.000ha trở lên và có nguy cơ bị xâm hại cao.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lực lượng kiểm lâm bảo vệ vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thuộc Bộ quản lý.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lực lượng kiểm lâm bảo vệ vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thuộc tỉnh quản lý.     

Điều 19. Trồng rừng, phục hồi rừng, cải tạo rừng đặc dụng

1. Đối với vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên

a) Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ duy trì diễn thế tự nhiên của rừng, không được trồng rừng hoặc thực hiện các tác động kỹ thuật lâm sinh khác.

b) Trong phân khu phục hồi sinh thái phải tôn trọng diễn thế tự nhiên; việc phục hồi hệ sinh thái rừng thực hiện chủ yếu bằng biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng; trường hợp cần phải trồng rừng thì ưu tiên trồng cây bản địa của khu rừng đó.

c) Trong phân khu dịch vụ - hành chính được trồng rừng, cải tạo rừng và thực hiện các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng.

2. Đối với khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được trồng rừng, cải tạo rừng và thực hiện các biện pháp lâm sinh khác để nâng cao giá trị thẩm mỹ và phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.

Điều 20. Sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên trong rừng đặc dụng

1. Đối tượng rừng đặc dụng được phép tác động, điều chỉnh

a) Đối với vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên:

- Trong phân khu phục hồi sinh thái được sử dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để điều chỉnh mật độ, cấu trúc, nâng cao chất lượng và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng và hệ sinh thái.

-  Đối với các khu rừng đặc dụng ở vùng đất ngập nước được sử dụng hợp lý các tài nguyên đất ngập nước trừ các loài đặc hữu, quý hiếm quy định trong Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ và không tác động xấu đến các chức năng và giá trị của đất ngập nước.

- Trong phân khu dịch vụ - hành chính được tận thu, tận dụng những cây gỗ đã chết, gẫy đổ và những cây trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo quy hoạch; được khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ trừ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ.

- Trường hợp cần khai thác các nguồn gen phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển rừng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Quy chế này.

b) Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan được tác động, điều chỉnh, chặt cây tạo mật độ hợp lý để nuôi dưỡng rừng và tác động các biện pháp kỹ thuật khác để nâng cao giá trị thẩm mỹ của khu rừng.

c) Đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được phép khai thác lâm sản theo yêu cầu của việc nghiên cứu đào tạo của tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp.

2. Thẩm quyền cho phép sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên trong rừng đặc dụng

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thiết kế và cho phép sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên trong rừng đặc dụng, đối với khu rừng đặc dụng mà chủ rừng thuộc cấp Bộ quản lý.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thiết kế và cấp phép hoặc uỷ quyền cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thiết kế và cấp phép sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên trong rừng đặc dụng, đối với rừng đặc dụng mà chủ rừng thuộc cấp tỉnh quản lý hoặc thuộc các Bộ, ngành khác (trừ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trên địa bàn.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật và trình tự, thủ tục lập hồ sơ sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên trong rừng đặc dụng.

Điều 21. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong khu rừng đặc dụng

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong khu rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo vệ và phát triển rừng Điều 54 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP.

2. Việc sưu tầm mẫu vật, nguồn gen sinh vật rừng trong khu rừng đặc dụng thực hiện theo quy định sau đây:

a) Phải làm rõ loài, số lượng mẫu vật, gen sưu tầm và thời gian sưu tầm.

b) Việc sưu tầm mẫu vật, nguồn gen thực hiện theo sự hướng dẫn, quản lý và giám sát của chủ rừng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lưu giữ, sưu tầm mẫu vật, nguồn gen sinh vật rừng trong khu rừng đặc dụng.

Điều 22. Hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.

1. Hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Chủ rừng được tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, cho thuê môi trường rừng hoặc sử dụng quyền sử dụng đất và giá trị kinh tế của tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan rừng để liên doanh, liên kết với các chủ đầu tư khác, các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái tại khu rừng đặc dụng.

Việc tổ chức du lịch sinh thái tại khu rừng đặc dụng phải được lập thành Dự án đầu tư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng phải đáp ứng các yêu cầu:

a) Không gây ảnh hưởng xấu đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và tác dụng phòng hộ của khu rừng.

b) Việc xây dựng các công trình phục vụ cho du lịch phải theo quy hoạch khu rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

- Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được lập các tuyến đường mòn, lều trú chân, cắm biển chỉ dẫn để tuần tra kết hợp phục vụ du lịch sinh thái. Các tuyến đường mòn phục vụ cho du lịch phải bảo đảm an toàn cho du khách và tuân theo sự hướng dẫn, kiểm tra của chủ rừng.

- Trong phân khu phục hồi sinh thái được mở các đường trục chính, xây dựng công trình để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phục vụ các hoạt động dịch vụ - du lịch.

- Trong phân khu dịch vụ - hành chính, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ cho việc quản lý, nghiên cứu khoa học và tổ chức các hoạt động dịch vụ - du lịch.

- Trình tự, thủ tục xây dựng các công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về tỷ lệ diện tích đất được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng đặc dụng; quy định việc đánh giá kinh tế, tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan rừng đặc dụng và phối hợp với Tổng cục Du lịch hướng dẫn việc quản lý hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.   

c) Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân sống trong khu rừng đặc dụng tham gia các dịch vụ du lịch.

Điều 23. Ổn định đời sống dân cư sống trong các khu rừng đặc dụng

1. Việc ổn định đời sống dân cư sống trong các khu rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

2. Diện tích rừng sản xuất nằm xen kẽ trong rừng đặc dụng được bảo vệ, phát triển và sử dụng theo quy định tại Chương IV Quy chế này.

3. Diện tích đất ở, ruộng, vườn và nương rẫy cố định của dân cư sống trong rừng đặc dụng không tính vào diện tích rừng đặc dụng nhưng phải được thể hiện trên bản đồ, cắm mốc ranh giới rõ ràng trên thực địa và quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 24. Vùng đệm của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên

1. Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên phải xây dựng vùng đệm cho khu rừng.

2. Vùng đệm là vùng rừng, vùng đất hoặc vùng đất có mặt nước nằm liền kề với vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; bao gồm toàn bộ hoặc một phần các xã, phường, thị trấn nằm sát ranh giới với vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

3. Vùng đệm được xác lập nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ sự xâm hại của con người tới vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Ban quản lý khu rừng đặc dụng tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, sử dụng hợp lý lâm sản và các tài nguyên tự nhiên, các dịch vụ du lịch sinh thái để góp phần nâng cao thu nhập và gắn sinh kế của người dân với các hoạt động của khu rừng đặc dụng.

Cơ quan chính quyền nhà nước trên địa bàn vùng đệm lập dự án đầu tư phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng nông thôn để ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư, đồng thời thiết lập quy chế trách nhiệm của cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình trong việc bảo vệ và bảo tồn khu rừng đặc dụng.

4. Diện tích của vùng đệm không tính vào diện tích của khu rừng đặc dụng

a) Diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất nằm trong vùng đệm, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

b) Rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong vùng đệm được quản lý theo quy định tại các Chương III và Chương IV Quy chế này.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các chủ rừng đối với vùng đệm

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp, định canh định cư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện để ổn định và nâng cao đời sống của người dân trong vùng đệm nằm trong ranh giới hành chính của cấp huyện.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án đã được phê duyệt quy định tại điểm a khoản 5 Điều này; tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã có những hoạt động tích cực tham gia bảo vệ và phát triển vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; xây dựng và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự xâm hại của người dân ở vùng đệm vào vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các chủ rừng trong vùng đệm có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý rừng vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chương 3 :

QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ

Mục 1: TỔ CHỨC QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 25. Phân loại rừng phòng hộ

Căn cứ vào tính chất và yêu cầu phòng hộ của rừng, rừng phòng hộ được chia ra các loại như sau

1. Rừng phòng hộ đầu nguồn

a) Rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng được xác lập nhằm tăng cường khả năng điều tiết nguồn nước của các dòng chảy, hồ chứa nước để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, lòng hồ.

b) Rừng phòng hộ đầu nguồn được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về: diện tích, lượng mưa, độ dốc, độ cao tương đối, thành phần cơ giới và độ dày tầng đất.

c) Quy mô của rừng phòng hộ đầu nguồn phù hợp với quy mô của lưu vực sông và việc quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với công tác quản lý tổng hợp lưu vực sông.

2. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay

a) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay được xác lập nhằm chống gió hại, chắn cát di động, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ các khu dân cư, khu đô thị, vùng sản xuất và các công trình khác.

b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về: diện tích, bậc thềm cát ven biển, khí hậu và hiện trạng đặc điểm kinh tế, xã hội của khu vực.

3. Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

a) Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển được xác lập nhằm ngăn cản sóng, chống sạt lở, bảo vệ sản xuất và các công trình ven biển, ven sông.

b) Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về: diện tích, vị trí, thuỷ văn, tình trạng xói lở và các công trình bảo vệ đã có.

c) Đai rừng phòng hộ nằm bên ngoài đê biển có chức năng chắn sóng, cố định bãi bồi, chống sạt lở, bảo vệ đê biển, duy trì diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đai rừng này là một hạng mục của hệ thống đê biển, được thiết kế và đầu tư trong công trình xây dựng đê biển.

d)  Đai rừng phòng hộ nằm bên trong đê biển có tác dụng phòng hộ cho nuôi trồng thủy sản, canh tác nông nghiệp, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và hạn chế tác hại của gió bão, sóng biển đối với tính mạng và tài sản của nhân dân vùng ven biển. 

4. Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường

a) Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường được xác lập nhằm điều hoà khí hậu, chống ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, đô thị và khu công nghiệp, kết hợp phục vụ du lịch, nghỉ ngơi; bảo vệ an ninh quốc gia, biên giới.

b) Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về diện tích, về các yếu tố môi trường, ô nhiễm, độc hại do hoạt động kinh tế, xã hội trong khu vực tạo nên hoặc yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

Điều 26. Phân cấp quản lý rừng phòng hộ

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc quản lý các khu rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức quản lý các khu rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho lực lượng quân đội, công an.

3. Các chủ rừng là tổ chức (không phải là Ban quản lý rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thành lập), hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự tổ chức việc quản lý diện tích rừng phòng hộ được Nhà nước giao, cho thuê.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban quản lý rừng theo quyền hạn của mình và theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Tổ chức bộ máy Ban quản lý rừng phòng hộ

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về tổ chức bộ máy, biên chế Ban quản lý khu rừng phòng hộ thuộc tỉnh, thành phố; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định về tổ chức bộ máy đối với các khu rừng phòng hộ do mình quản lý.

2. Biên chế của Ban quản lý khu rừng phòng hộ

a) Biên chế ban đầu của Ban quản lý khu rừng phòng hộ ít nhất có từ 7 đến 9 người. Trong quá trình hoạt động tuỳ theo yêu cầu về công tác quản lý và căn cứ vào quy định của Nhà nước, Ban quản lý khu rừng phòng hộ được tự quyết định về biên chế theo thẩm quyền hoặc xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

b) Lực lượng chuyên trách về bảo vệ rừng của Ban quản lý khu rừng thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 30 Quy chế này.

Mục 2: BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 28. Tiêu chuẩn định hình đối với rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ đạt tiêu chuẩn định hình về phòng hộ được quy định như sau:

1. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn phải đạt được độ tàn che từ 0,6 trở lên để rừng có khả năng duy trì, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, giảm xói mòn.

2. Đối với rừng phòng hộ chắn gió, chống cát bay cây rừng phải khép tán theo bề mặt ngang và chiều thẳng đứng, rừng đã phát huy tác dụng ngăn chặn hoặc làm suy giảm tác hại của gió, cát cho vùng sản xuất và khu dân cư, nâng cao hoặc ổn định năng suất cây nông nghiệp.

3. Đối với rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển cây rừng đã khép tán, hệ rễ phát triển, rừng đã phát huy tác dụng chắn sóng, ổn định đất, tăng khả năng bồi lấp bờ biển, ngăn chặn hoặc làm giảm sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển, ven sông.

4. Đối với rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, rừng đã có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm ô nhiễm không khí, điều hoà khí hậu, tạo nên cảnh quan, môi trường trong sạch cho khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, nghỉ ngơi.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể tiêu chí rừng phòng hộ đạt tiêu chuẩn.

Điều 29. Đầu tư và kinh phí đảm bảo duy trì bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ

Việc đầu tư và bảo đảm kinh phí thường xuyên cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng và theo quy định dưới đây:

1. Đầu tư bảo đảm kinh phí thường xuyên cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ được quy định như sau:

a) Nhà nước cấp kinh phí thường xuyên để duy trì cho hoạt động bảo vệ rừng; bố trí ngân sách cho các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đã giao cho các Ban quản lý khu rừng phòng hộ do cấp Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

b) Nhà nước hỗ trợ đầu tư và có chính sách hưởng lợi đối với rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho cộng đồng dân cư thôn, giao hoặc cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân.

c) Chủ rừng được sử dụng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân, các dự án để đầu tư bảo vệ và phát triển khu rừng sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ rừng, chủ dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ có trách nhiệm lập dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án đầu tư; trình tự, thủ tục và thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư thực hiện theo quy định về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ.

Điều 30. Bảo vệ rừng phòng hộ

1. Việc bảo vệ rừng phòng hộ được thực hiện theo quy định của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP .

2. Tổ chức bảo vệ rừng phòng hộ

a) Chủ rừng được tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng như sau:

- Tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được bố trí bình quân 1.000ha/người.

- Ban quản lý được sử dụng quỹ lương của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hoặc tiền công bảo vệ rừng mà Nhà nước quy định trong các dự án được duyệt để khoán việc bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn ở địa phương.

- Hợp tác hoặc liên kết trong việc bảo vệ rừng giữa các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

- Được thuê các lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ rừng.

- Chủ rừng được quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ cho các lực lượng nêu trên theo quyền hạn của mình và theo quy định của pháp luật.

b) Khu rừng phòng hộ có tổ chức lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng được quy định như sau:

- Khu rừng phòng hộ đầu nguồn có diện tích từ 20.000 ha trở lên và có nguy cơ bị xâm hại cao.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lực lượng kiểm lâm để bảo vệ các khu rừng phòng hộ do cấp tỉnh quản lý.

Điều 31. Trồng rừng, phục hồi rừng, cải tạo rừng phòng hộ

1. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành khu rừng tập trung, liền vùng; từng bước tạo rừng có cấu trúc hỗn loài, khác tuổi, nhiều tầng; cây rừng là những loài cây có bộ rễ sâu, bám chắc.

2. Đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay phải có ít nhất một đai rừng chính rộng tối thiểu 20 mét, kết hợp với các đai rừng phụ tạo thành ô khép kín; rừng phòng hộ cho sản xuất nông nghiệp và các công trình kinh tế được trồng theo băng, theo đai; mỗi băng, mỗi đai có nhiều hàng cây; cây rừng là những loài cây có thân dẻo dai, bộ rễ sâu, bám chắc.

3. Đối với rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển phải có ít nhất một đai rừng rộng tối thiểu 30 mét, nếu có nhiều đai rừng thì các đai rừng có cửa so le nhau theo hướng sóng chính; cây rừng là những loài cây chịu nước, có bộ rễ sâu, bám chắc.

4. Đối với rừng phòng hộ bảo vệ môi trường phải tạo thành các đai rừng, dải rừng, khu rừng và hệ thống cây xanh xen kẽ trong các khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch để chống ô nhiễm không khí, tạo môi trường trong sạch, kết hợp với vui chơi, giải trí, tham quan du lịch; cây rừng là cây thường xanh, có tán lá rộng, nhiều hoa, hình thái đẹp.

5. Các loài cây trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển bên cạnh tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này cần ưu tiên trồng các loài có nhiều tác dụng, cho sản phẩm thu hoạch hàng năm (nhựa, hoa, quả, lá, măng...).

6. Cải tạo rừng phòng hộ là rừng tự nhiên thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quy chế này.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể việc trồng rừng phòng hộ.

Điều 32. Khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong rừng phòng hộ

1. Nguyên tắc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

a) Không làm giảm hiệu năng phòng hộ của rừng.

b) Lượng khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của rừng.

2. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

a) Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng tự nhiên:

- Được khai thác tận thu, tận dụng gỗ và khai thác lâm sản ngoài gỗ.

- Khi rừng đạt tiêu chuẩn về phòng hộ được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn, độ tàn che của rừng sau khi khai thác phải lớn hơn 0,6.

- Không được khai thác các loài cây quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Chính phủ.

b) Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng trồng; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; chắn gió, chắn cát bay và bảo vệ môi trường.

- Được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ; được khai thác lâm sản ngoài gỗ.

- Khi rừng đạt tiêu chuẩn về phòng hộ và cây trồng chính đạt tiêu chuẩn khai thác thì chặt chọn cây trồng chính, độ tàn che của rừng sau khi khai thác phải lớn hơn 0,6.

3. Thẩm quyền cho phép khai thác gỗ trong rừng phòng hộ

a) Khai thác gỗ trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ là rừng trồng đầu tư bằng vốn ngân sách, chủ rừng phải có thiết kế khai thác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thiết kế và cấp phép khai thác cho chủ rừng là tổ chức kinh tế.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt thiết kế và cấp phép khai thác cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

b) Khai thác rừng phòng hộ là rừng trồng bằng vốn do chủ rừng tự đầu tư, chủ rừng tự quyết định, song việc khai thác phải thực hiện theo quy định tại khoản 2  Điều này.            

4. Trình tự, thủ tục khai thác, quy phạm, quy trình kỹ thuật khai thác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 33. Các hoạt động khác trong rừng phòng hộ

1. Hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong khu rừng phòng hộ.

a) Chủ rừng được tự tổ chức hoặc phối hợp với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học trong rừng phòng hộ.

b) Các hoạt động tại điểm a khoản này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về du lịch và nghiên cứu khoa học.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về tỷ lệ diện tích đất được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ.

2. Sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ

a) Được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu trong rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển nhưng không được làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.

b) Được sử dụng đất không có rừng trong khu rừng phòng hộ để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp:

- Chủ rừng là tổ chức được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không quá 40% diện tích đất không có rừng trên đất rừng ngập mặn hoặc không quá 30% diện tích không có rừng đối với khu vực phòng hộ đầu nguồn, chắn gió, chắn cát bay để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể việc sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ.

3. Quản lý các loại rừng, loại đất khác trong khu rừng phòng hộ.

a) Diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong khu rừng phòng hộ được bảo vệ, phát triển và sử dụng theo quy định tại Chương IV Quy chế này.

b) Đối với đất thổ cư, ruộng, vườn và nương rẫy cố định xen kẽ trong rừng phòng hộ không quy hoạch vào khu rừng phòng hộ và được quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Các hoạt động quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này khi thực hiện không được làm ảnh hưởng xấu tới khả năng phòng hộ của rừng.

Chương 4:

QUẢN LÝ RỪNG SẢN XUẤT

Mục 1: TỔ CHỨC QUẢN LÝ RỪNG SẢN XUẤT

Điều 34. Phân loại rừng sản xuất

Căn cứ vào nguồn gốc hình thành, rừng sản xuất được phân ra các loại như sau:

1. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; căn cứ vào trữ lượng bình quân trên một hecta rừng tự nhiên được chia thành rừng giầu, rừng trung bình và rừng nghèo.

2. Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước và rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư (vốn tự có, vốn vay, vốn liên doanh, liên kết không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) có hỗ trợ của nhà nước và các nguồn khác.

3. Rừng giống gồm có: rừng giống được chuyển hoá từ rừng tự nhiên hoặc từ rừng trồng; rừng giống là rừng trồng và vườn giống.

Điều 35. Tổ chức quản lý rừng sản xuất

Chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng sản xuất tự tổ chức quản lý, sử dụng rừng được giao, được thuê theo Quy chế này và theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Mục 2: BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG RỪNG SẢN XUẤT

Điều 36. Bảo vệ rừng sản xuất

1. Rừng sản xuất được bảo vệ theo quy định tại các Điều 46, 47 và Điều 48 tại Nghị định số 23/2006/NĐ-CP .

2. Tổ chức bảo vệ rừng sản xuất

a) Chủ rừng được tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng như sau:

- Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng.

- Khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

- Hợp tác hoặc liên kết giữa các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

- Thuê các lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ rừng.

- Chủ rừng quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các lực lượng nêu trên theo quyền hạn của mình và theo quy định của pháp luật.

 Chủ rừng được Ủy ban nhân dân các cấp và lực lượng kiểm lâm hỗ trợ trong việc bảo vệ rừng.

b) Đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc bảo vệ rừng.

Điều 37. Phát triển rừng sản xuất

1. Việc phát triển rừng sản xuất phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

2. Các biện pháp lâm sinh được áp dụng để phát triển rừng sản xuất gồm:

a) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung.

b) Trồng rừng (gồm trồng rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng...).

c) Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.

d) Nuôi dưỡng rừng.

đ) Làm giầu rừng.

3. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán thực hiện các biện pháp lâm sinh để phát triển rừng sản xuất

a) Đầu tư phát triển rừng sản xuất bằng vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng hoặc chủ dự án phải lập thiết kế, dự toán; thẩm quyền phê duyệt thiết kế dự toán phát triển rừng sản xuất thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

b) Đầu tư phát triển rừng sản xuất bằng vốn không phải là ngân sách nhà nước thì chủ rừng được quyền quyết định về thiết kế, dự toán.

c) Đối với việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt phải thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quy chế này.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về định mức kinh  tế - kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện các biện pháp lâm sinh để phát triển rừng sản xuất.

Điều 38. Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng sản xuất

Việc đầu tư bảo vệ và phát triển rừng sản xuất thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng và theo quy định dưới đây:

1. Chủ rừng căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh để lập dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng sản xuất và tổ chức thực hiện dự án.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển rừng sản xuất.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư bảo vệ, phát triển rừng sản xuất trong những trường hợp sau:

a) Bảo vệ rừng tự nhiên nghèo.

b) Trồng các loài cây quý, hiếm.

c) Trồng các loài cây có chu kỳ kinh doanh từ 15 năm trở lên.

d) Trồng rừng ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

đ) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung và trong các trường hợp cần thiết khác. 

Điều 39. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Việc khai thác lâm sản phải bảo đảm nguyên tắc quản lý rừng bền vững.

a) Rừng đạt tiêu chuẩn được phép khai thác chính.

b) Cây rừng được khai thác phải đạt tiêu chuẩn về cấp đường kính đối với gỗ và tuổi cây đối với tre, nứa.

c) Lượng khai thác phải nhỏ hơn lượng tăng trưởng của rừng.

d) Trong quá trình khai thác không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và khả năng phòng hộ của rừng.

2. Sản phẩm khai thác: được khai thác các loại lâm sản; trường hợp khai thác các loài cây quý hiếm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Chính phủ.

3.  Khai thác chính gỗ rừng tự nhiên

a) Điều kiện:

- Chủ rừng là tổ chức kinh tế phải có phương án điều chế rừng và thiết kế khai thác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án điều chế rừng của các chủ rừng trực thuộc Bộ, ngành Trung ương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án điều chế rừng của các chủ rừng là tổ chức thuộc tỉnh và phê duyệt thiết kế khai thác cho các chủ rừng là tổ chức trong phạm vi tỉnh.

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn phải có phương án điều chế rừng; Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt hoặc uỷ quyền cho phòng chức năng của cấp huyện phê duyệt phương án điều chế rừng.

b) Thẩm quyền cho phép khai thác:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng hạn mức khai thác hàng năm.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo sản lượng khai thác hàng năm, hướng dẫn các địa phương quản lý cụ thể sản lượng khai thác.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mở rừng khai thác và giao kế hoạch khai thác cho chủ rừng là tổ chức và cho Ủy ban nhân dân cấp huyện theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho địa phương.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện giao kế hoạch khai thác cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

4. Khai thác tận dụng, tận thu gỗ

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thiết kế và cấp phép khai thác cho chủ rừng là tổ chức.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, cấp phép hoặc uỷ quyền cho phòng chức năng thuộc huyện phê duyệt thiết kế, cấp phép khai thác cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

5. Khai thác gỗ gia dụng trong rừng tự nhiên của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có nhu cầu khai thác gỗ rừng tự nhiên phục vụ cho nhu cầu gia dụng chỉ cần báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và quản lý.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy phạm, quy trình khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ; hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ khai thác rừng tự nhiên.

Điều 40. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng

1. Sản phẩm khai thác: được khai thác tất cả các sản phẩm là lâm sản trong rừng trồng.

2. Thẩm quyền cho phép khai thác rừng trồng

a) Trường hợp rừng trồng đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước:

- Những khu rừng mà chủ rừng là tổ chức: Nếu là tổ chức thuộc tỉnh, do Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép; nếu là tổ chức thuộc Bộ, do Bộ chủ quản cho phép.

- Những khu rừng mà chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, do Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép.

b) Trường hợp rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư hoặc được Nhà nước hỗ trợ:

- Chủ rừng tự quyết định về thời gian khai thác, tự do lưu thông tiêu thụ sản phẩm rừng trồng. Khi khai thác rừng trồng, chủ rừng gửi giấy báo trước 10 ngày làm việc cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng khai thác biết.

- Khi nhận được giấy báo của chủ rừng về việc khai thác gỗ rừng trồng, trong thời gian 10 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng khai thác phải có biện pháp theo dõi và giúp đỡ, bảo đảm cho chủ rừng khai thác, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng được thuận lợi. Mọi hành vi gây khó khăn cản trở chủ rừng trồng trong việc khai thác, lưu thông, tiêu thụ gỗ và sản phẩm rừng trồng phải xử lý nghiêm theo pháp luật. 

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn khai thác lâm sản trong rừng trồng theo mức độ phòng hộ xung yếu của rừng sản xuất.

Điều 41. Quản lý và sử dụng rừng giống

1. Việc bình tuyển, công nhận rừng giống thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh Giống cây trồng.

2. Việc quản lý bảo vệ, phát triển và khai thác tận dụng, tận thu lâm sản trong rừng giống thực hiện theo quy định tại Điều 36, 37, 38, 39 và Điều 40 Quy chế này, nhưng không được trái với mục đích kinh doanh rừng giống.

3. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật để sản xuất, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu thị trường.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiêu chuẩn công nhận rừng giống và quy trình thu hái khai thác sản phẩm rừng giống.

Điều 42. Các hoạt động khác trong rừng sản xuất

1. Sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp

a) Chủ rừng là tổ chức được sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp trên diện tích rừng và đất trồng rừng được giao, được thuê theo quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được sử dụng không quá 40% diện tích đất không có rừng là đất rừng ngập mặn hoặc không quá 30% diện tích đất không có rừng là đất rừng sản xuất không phải là đất ngập mặn để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp; được trồng xen cây nông nghiệp dưới tán rừng nhưng không làm ảnh hưởng tới mục đích sử dụng chính của rừng.

2. Hoạt động du lịch

a) Chủ rừng được tự tổ chức hoặc hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh dịch vụ du lịch trong rừng Nhà nước giao, cho thuê.

b) Việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái trong rừng sản xuất không được làm thay đổi mục đích sử dụng rừng; các hoạt động về du lịch phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động du lịch, trường hợp cần thiết phải xây dựng các công trình phục vụ cho du lịch thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng. 

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về tỷ lệ diện tích đất được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng sản xuất.

3. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ

a) Chủ rừng được cho các tổ chức, cá nhân hoặc hợp tác với các tổ chức cá nhân thực hiện việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong rừng sản xuất được giao, được thuê theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học.

b) Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, trước 10 ngày làm việc kể từ khi hoạt động nghiên cứu khoa học bắt đầu thực hiện, chủ rừng là tổ chức kinh tế phải thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để theo dõi, giúp đỡ.

4. Quản lý các loại rừng, loại đất khác trong khu rừng sản xuất

a) Những diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xen kẽ trong khu rừng sản xuất được quản lý theo quy định tại Chương II và Chương III quy chế này.

b) Đất thổ cư, ruộng, vườn và nương rẫy cố định xen kẽ trong rừng sản xuất không quy hoạch vào khu rừng sản xuất và được quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 43. Công tác giám sát, đánh giá về quản lý rừng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về rừng và đất rừng, về các loại rừng, hiện trạng và quy hoạch trên phạm vi cả nước.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm giám sát và đánh giá tình hình quản lý rừng trong phạm vi địa phương.

3. Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức giám sát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng rừng trên diện tích rừng Nhà nước giao, được thuê.

4. Nội dung giám sát, đánh giá về quản lý rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định./.

 

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

THE PRIME MINISTER OF GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 186/2006/QD-TTg

Hanoi, August 14, 2006

 

DECISION

PROMULGATING THE REGULATION ON FOREST MANAGEMENT

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the 2004 Law on Forest Protection and Development;
Pursuant to the Government's Decree No. 23/2006/ND-CP of March 3, 2006, on the implementation of the Law on Forest Protection and Development;
Pursuant to the Government's Decree No. 32/2006/ND-CP of March 30, 2006, on management of endangered, precious and rare forest plants and animals;
At the proposal of the Minister of Agriculture and Rural Development,

DECIDES:

Article 1.- To promulgate together with this Decision the Regulation on forest management.

Article 2.- This Decision shall take effect 15 days after its publication in "CONG BAO."

To annul the Prime Minister's Decision No. 08/2001/QD-TTg of January 11, 2001, promulgating the Regulation on management of special-use forests, protection forests and natural production forests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

REGULATION

ON FOREST MANAGEMENT
(Promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 186/2006/QD-TTg of August 14, 2006)

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Governing scope

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- Subjects of application

This Regulation applies to state agencies, organizations, population communities in rural or mountain hamlets and villages or equivalent units (hereinafter called village population communities), domestic households and individuals; overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals involved in the organization of management, protection, development and use of forests in Vietnam.

Article 3.- Interpretation of terms

In this Regulation, the following terms are construed as follows:

1. Regeneration of natural forests means the re-plantation of poor natural forests of low productivity or quality so as to replace them with planted forests of higher productivity, quality, economic efficiency and environmental protection capacity.

2. Subsidiary plants mean plants grown together with major ones, which, within a certain period, will help boost the latter's growth and development.

3. Intercropped plants mean plants grown in combination with major ones, aiming to make full use of land and the nutritious space so as to increase outputs on forest areas without adversely affecting the growth and development of major plants.

4. Non-purpose plants mean plants which fail to meet business purposes of production forests or environmental protection purposes of protection forests.

5. Full exploitation of timber means the logging of standing timber trees other than principal exploitation objects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Poor natural forests mean natural forests with very low reserves, poor quality, low growth capacity and productivity, which, if restored naturally, will not meet economic and protection requirements.

Article 4.- Principles for forest management organization

1. Special-use forests, protection forests and production forests shall be managed, protected, developed and used in a sustainable manner, in line with the forest protection and development plannings and plans.

2. Special-use forests, protection forests and production forests shall have owners to manage, protect and use them.

3. The management of forests shall comply with the major use purposes of each kind of forest; and concurrently ensure the rational use of comprehensive values of forests, contributing to socio-economic development, environmental protection, biodiversity protection as well as defense and security maintenance.

4. The determination of management objectives and methods must be compatible with particularities of forest ecosystems in order to ensure the sustainable development of forests and forest ecosystems.

5. Every forest owner may be assigned or leased forests of different kinds provided that such owner manages forests of each kind strictly according to the regulation applicable to that kind.

Article 5.- Organization of forest management

The organization of forest management shall comply with the following provisions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For forests which have not yet been assigned or leased, the People's Committees of communes, wards or townships (hereinafter called commune-level People's Committees) shall have to organize the management thereof.

Article 6.- Degrees of importance for protection of forests and forestry land

1. Forests and land areas without forests already planned for forestry shall be graded by three degrees of importance for protection: very important, important and less important. Such gradation is aimed to determine kinds of forest and propose measures to exert impacts on forests of each kind.

2. The determination of the three kinds of forests being special-use forests protection forests and production forests shall be based on the criteria set for each kind of forest and comply with the regulations on the degrees of importance for protection of forests and forestry land.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide guidance on criteria for determination of degrees of importance for protection of forests and forestry land.

Article 7.- Delimitation of forest boundaries

1. Forest and forestry land shall be divided into management units: sub-zones, plots and lots according to the provisions of Article 42 of the Government's Decree No. 23/2006/ND-CP of March 3, 2006, on the implementation of the Law on Forest Protection and Development (hereinafter called Decree No. 23/2006/ND-CP for short).

2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall guide in detail the division and delimitation of management units in service of the organization of forest management.

Article 8.- Change of forest use purposes

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The change of use purposes between three kinds of forest (special-use, protection and production forests) shall comply with the provisions of land law, ensuring that such forests satisfy the criteria and indexes specified in Articles 13, 25 and 34 of this Regulation.

b/ The order of, and procedures for, the change of use purposes between three kinds of forest shall comply with the provisions of Article 28 of Decree No. 23/2006/ND-CP.

2. The change of forest use purposes into non-forestry purposes must be compatible with the approved socio-economic plannings and plans, be permitted by competent state agencies and comply with the provisions of Article 29 of Decree No. 23/2006/ND-CP.

Article 9.- Forest protection and development plannings and plans; statistics, inventory and monitoring of changes in forest resources, compilation of forest management dossiers

1. The compilation and management of forest protection and development plannings and plans shall comply with the provisions of Articles 10, 11, 12, 13, 14 and 18 of Decree No. 23/2006/ND-CP.

2. The compilation of forest management dossiers, the statistics, inventory and monitoring of changes in forest resources shall comply with the provisions of Articles 38, 39, 40 and 41 of Decree No. 23/2006/ND-CP.

Article 10.- Regeneration of natural forests

1. Forests to be regenerated include:

a/ Poor natural production forests which have been assigned or leased by the State, have no purpose trees or have purpose trees but the number of such trees fails to meet the forest business requirements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Poor natural special-use forests, which are allowed for regeneration in the following cases:

- Forests for scientific research or experimentation, which are unsuitable with or fail to meet the scientific research or experimentation requirements; landscape protection zones which are unsuitable with or fail to meet the landscape protection requirements.

- Forests in the service-administrative sub-zones of national parks and nature conservation zones.

2. Competence to permit the regeneration of natural forests

a/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall permit the forest regeneration by forest owners being organizations under its management.

b/ Provincial-level People's Committees shall permit the regeneration of forests by forest owners being provincially-run organizations and forests managed by other ministries or branches whose forest areas and forestry land lie within the provincial territory.

c/ People's Committees of rural districts, urban districts, towns or provincial cities (hereinafter called district-level People's Committees) shall permit the forest regeneration by forest owners being households, individuals or village population communities.

3. The regeneration of natural forests must be conducted under projects, for subjects defined at Points a and b, Clause 2 of this Article, and under plans, for subjects defined at Point c, Clause 2 of this Article, be accompanied with detailed technical designs and approved by competent authorities.

4. The order of, and procedures for, regeneration of forests: The Ministry of Agriculture and Rural Development shall guide criteria on poor forests and kinds of poor forests to be regenerated; guide forest regeneration methods, order and procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Planted forests invested with state budget capital but unable to develop into forests and those which cannot develop into forests due to force majeure circumstances or other causes, which are testified by written records made at the time such circumstances occur, shall be liquidated for re-forestation.

2. The liquidation of planted forests shall comply with the Government's regulations on management of state property.

3. Competence to permit the liquidation of planted forests: Agencies competent to permit the liquidation of planted forests are the agencies competent to decide on investment in the plantation of those forests.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall guide in detail criteria on planted forests, which cannot develop into forests.

5. The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in, specifying kinds of planted forest for liquidation as well as the forest liquidation order and procedures and proceeds from such liquidation.

Article 12.- Hunting, trapping and catching of forest animals

1. All acts of hunting, trapping or catching wild animals in special-use forests being national parks or nature conservation zones are prohibited; where those acts are necessary, they must comply with the Government's Decree No. 32/2006/ND-CP of March 30, 2006, on management of endangered, precious and rare forest plants and animals.

2. For protection and production forests

All acts of hunting, trapping or catching forest animals on the list of endangered, precious and rare forest animals provided for in the Government's Decree No. 32/2006/ND-CP of March 30, 2006, or useful animals being natural enemies of pests, birds or rats harmful to crops are prohibited; where those acts are necessary, they must comply with the provisions of the Government's Decree No. 32/2006/ND-CP of March 30, 2006.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



MANAGEMENT OF SPECIAL-USE FORESTS

Section 1. ORGANIZATION OF MANAGEMENT OF SPECIAL-USE FORESTS

Article 13.- Classification of special-use forests

Based on their nature, management and use purposes, special-use forests are classified into the following kinds:

1. National parks

a/ A national park means a natural area on mainland or in a submerged land area or island, which is large enough for its establishment to conserve one or more typical or representative ecosystems which cannot be affected or can only be slightly affected by outside elements; and to conserve the endangered or particular species of organisms.

b/ National parks shall be managed and used mainly for the conservation of forests and forest ecosystems, for scientific research, environmental education and eco-tourism.

c/ A national park shall be established on the basis of criteria and indexes on typical ecosystems; particular flora and fauna species; on natural land area of the park and the proportion of agricultural and residential land area against the natural area of the park.

2. Nature conservation zones, including nature reserves and species-habitat conservation zones

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Species-habitat conservation zones mean areas where exist natural forests and ecosystems on mainland or submerged land areas, which are established for preservation of species or habitats, aimed at maintaining such habitants and long existence of endangered or particular, precious and rare species of organisms.

b/ Nature conservation zones shall be managed and used mainly for the protection of ecosystems and organism species subject to preservation; for scientific research, environmental monitoring, education and raising of public awareness about environment and eco-tourism.

c/ Nature conservation zones shall be established on the basis of criteria and indexes on particular, precious, rare and endangered plant and animal species as well as the natural habitat and living environment of such species; on natural land area of the zones and the proportion of agricultural and residential land against natural land of the zones.

3. Landscape protection zones

a/ Landscape protection zones mean areas with forests and natural habitats on mainland or in submerged land or island areas, which are formulated from interaction between human and nature, thus making such forests and habitats more and more valuable in terms of aesthetics, ecology, culture and history.

b/ Landscape protection zones shall be established to protect, maintain and develop traditional relations between nature and human in service of belief, recreational, entertainment, sightseeing, study and eco-tourist activities.

c/ Landscape protection zones shall be established on the basis of criteria and indexes on history, traditional culture and habitat; on natural area of the zones and proportion of agricultural and residential land area against natural area of the zones.

4. Forests for scientific research or experimentation

a/ Forests for scientific research or experimentation mean forests and forestland established in service of scientific research or experimentation, forestry training and vocational training.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The Ministry of Fisheries shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development and the Ministry of Natural Resources and Environment in, guiding the management of the integral parts of marine creature conservation and submerged land resource in special-use forests.

Article 14.- Functional zones in national parks and nature conservation zones

1. A national park or nature conservation zone shall be divided into the following functional sub-zones:

a/ Strictly-protected sub-zones:

- They are the zones large enough for intact protection of natural ecosystems such as the national standard ecological samples, which shall be strictly protected and protected to oversee the natural developments of forests and ecosystems.

- With regard to special-use forests in submerged land areas, the scope and size of strictly-protected sub-zones shall be determined according to the conservation objectives, subjects and criteria and hydrological conditions.

b/ Ecological restoration sub-zones

They are the strictly-managed and -protected zones for restoration of forest ecosystems through the performance of some necessary bio-forestrial activities.

c/ Service-administrative sub-zones mean the areas for construction of working offices and facilities for routine activities of management boards, research and experimentation institutions, and for tourist, recreational and entertainment activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 15.- Decentralization of the management of special-use forests

1. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall organize the management of national parks with special positions for nature conservation (which are typically characterized by high biodiversity, representing areas and regions in terms of habitats and gene sources); national parks and nature conservation zones lying in the inter-provincial areas.

2. Provincial-level People's Committees shall organize the management of national parks and nature conservation zones lying within a province and landscape protection zones.

3. Organizations and village population communities, which are assigned special-use forests by the State without the establishment of forest management boards by ministries or provincial-level People's Committees, shall be responsible for organizing the management of the assigned forests.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development and the provincial-level People's Committees shall define the functions, tasks and powers of forest management boards according to their respective functions and the provisions of law.

Article 16.- Organizational apparatus of special-use forest management boards

1. For special-use forests established by the Ministry of Agriculture and Rural Development or provincial-level People's Committees, the organizational apparatus of forest management boards shall be decided by the agencies setting up those boards. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall uniformly specify the organizational structure of special-use forest management boards nationwide.

2. Payrolls of forest management boards

a/ The initial payrolls of special-use forest management boards shall each comprise a minimum staff suitable with their organizational structure defined by the Ministry of Agriculture and Rural Development. In the course of operation, based on the management requirements and the State's regulations, special-use forest management boards may adjust their payrolls according to their competence or elaborate annual payroll plans to be submitted to competent state agencies for decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Management boards of special-use forests which have capability and conditions for development of eco-tourist activities may each set up a dependent section to perform this task, which shall initially operate as a revenue-generating non-business unit, entitled to borrow capital for tourist development investment under investment projects approved by competent authorities. The authority managing the special-use forests shall decide on the establishment of this section under the State's regulations.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall specify criteria for directors and deputy directors of special-use forests in suitability with each kind of special-use forest, which shall serve as a basis for appointment, training and planning of personnel, aimed at raising the efficiency of the management of special-use forests.

Section 2. PROTECTION, DEVELOPMENT AND USE OF SPECIAL-USE FORESTS

Article 17.- Investment and fund for maintaining the protection and development of special-use forests

The investment in protection and development of special-use forests shall comply with the Government's regulations on investment and construction management and the following provisions:

1. The determination of investment objectives and contents must be compatible with particularities of each kind of special-use forest as specified in Clause 1, Article 13 of this Decision.

With regard to special-use forests in submerged land areas being typical eco-systems, the determination of investment objectives and contents for submerged land areas shall comply with the provisions of the Government's Decree No. 109/2003/ND-CP of September 23, 2003 on preservation and sustainable development of submerged land.

2. Major investment contents for special-use forests shall cover:

a/ Regular expenditures, which mean expenditures on salaries, assurance of operations of the forest management and protection apparatus; on monitoring and supervision of ecosystems and biodiversity; scientific research and experimentation; human resource training; and community education about the protection of special-use forests and nature conservation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. State budget investment for items specified in Clause 2 of this Article

a/ The central budget investment in special-use forests shall be managed by the Ministry of Agriculture and Rural Development; the targeted central budget supports for provincial budgets for investment in special-use forest protection and development shall be locally managed.

b/ The local budget investment in special-use forests shall be managed by the provincial-level People's Committees.

4. The State shall provide investment supports for protection and development of forests for scientific research or experimentation and landscape protection zones, for which management boards are not set up by ministries or provincial-level People's Committees (these forests are established after the model of centers).

5. Special-use forest owners and management boards may use revenues from service activities and financial supports provided by organizations, individuals or projects for investment in protection and development of forests assigned by the State after fulfilling financial obligations and other obligations under the provisions of law.

6. For items of investment in special-use forests from different capital sources, the authorities managing special-use forests shall integrate such capital sources and, on the basis of the State's regulations on management of capital sources, guide special-use forest management boards to formulate investment projects and submit them to competent authorities for approval according to the State's regulations.

Special-use forest management boards shall draw up 10-year investment planning reports and submit them to competent authorities for approval according to regulations, and at the same time, based on the approved investment planning reports, formulate investment projects, and submit them to competent authorities for approval and execution according to regulations.

7. The State encourages organizations and individuals to invest in protection and development of special-use forests.

Article 18.- Protection of special-use forests

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. In strictly-protected sub-zones of national parks and nature conservation zones, the following activities are strictly prohibited:

a/ Activities which change the natural landscapes of forests, except those conducted according to the provisions of Point b, Clause 2, Article 22 of this Regulation.

b/ Activities which affect the natural life of the wildlife or species under conservation.

c/ Releasing and raising or planting animal or plant species introduced from other places, which had earlier not existed in special-use forests. In special cases, such must be decided by the Minister of Agriculture and Rural Development or reported to the Prime Minister for decision.

d/ Exploiting organism resources and other natural resources.

e/ Causing environmental pollution.

f/ Bringing toxic chemicals, explosives or inflammables into forests, set fire in forests or at forest edges.

g/ Grazing cattle or poultry.

2. In ecological restoration sub-zones of national parks and nature conservation zones, activities defined in Clause 1 of this Article are strictly prohibited.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ All animal species in special-use forests must be protected; the hunting, catching and trapping of forest animals shall comply with the provisions of Article 12 of this Regulation.

b/ To protect the living environment and feed sources of forest animals and when necessary, to create more feed and water sources for them.

c/ The release of forest animals into special-use forests shall comply with the following provisions:

To release only those species which need the addition to meet the conservation demand; animals released into forests must be healthy and disease-free indigenous ones; the number of animals of each species released into forests must be suitable with their living environment and feed sources, and ensure the forests' ecological balance as well.

The Ministry of Agriculture and Rural Development shall guide the release of wild animals into forests.

d/ With regard to special-use forests in submerged land areas or areas with integral parts being submerged land, the special-use forest management boards shall have to elaborate regulations on management and monitoring of the submergence in line with the ecological characteristics of forest fauna and flora, adopt separate fire prevention and fighting plans for cajeput forests, on submerged alum land and peat land, formulate investment projects for management of exotic plants which may cause harms to or penetrate into special-use forests through dissemination in water.

The Ministry of Agriculture and Rural Development shall coordinate with the Ministry of Fisheries in guiding the management of aquatic resources in special-use forests.

4. Protection of special-use forests

a/ Forest owners may organize forest protection forces as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The management boards may use salary funds of forest protection- specialized forces or forest protection remuneration set by the State in approved projects for package contracting of forest protection to households, individuals and village population communities.

- Hiring professional protection forces to protect forests.

Forest owners shall define functions, powers and tasks of the above-mentioned forest protection forces according to their powers and the provisions of law.

b/ Forest ranger forces shall be organized for national parks and nature conservation zones as follows:

- A national park must have a land area of 7,000 ha or more; a nature conservation zone must have a land area of 15,000 ha or more and is exposed to the high risk of encroachment.

- The Ministry of Agriculture and Rural Development shall organize ranger forces to protect national parks and nature conservation zones under its management.

- Provincial-level People's Committees shall organize ranger forces to protect national parks and nature conservation zones under the provincial management.

Article 19.- Planting, restoration and regeneration of special-use forests

1. For national parks and nature conservation zones

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ In ecological restoration sub-zones, it is required to respect the natural development of forests; to restore forest ecosystems mainly through zoning off forests for tending, natural regeneration and enrichment; where it is necessary to plant forests, priority shall be given to the planting of indigenous plants of such forests.

c/ In service-administrative sub-zones, it is allowed to plant or regenerate forests and carry out bio-forestrial methods in order to raise the quality of forests.

2. With regard to landscape protection zones, forests for scientific research or experimentation, it is allowed to plant and regenerate forests and apply other bio-forestrial methods in order to raise the aesthetic values of forests in service of scientific research.

Article 20.- Rational use of natural resources in special-use forests

1. Special-use forests where impacts or adjustments are allowed:

a/ For national parks and nature conservation zones:

- In ecological restoration sub-zones, it is allowed to use comprehensively bio-forestrial techniques to adjust the density and structure, raise the quality and speed up the process of restoration of forests and ecosystems.

- With regard to special-use forests in submerged land areas, it is allowed to rationally use natural resources of submerged land, except for particular, precious and rare species on the Lists of endangered, precious and rare forest plant and animal species specified in the Government's Decree No. 32/2006/ND-CP of March 30, 2006, provided that it shall not adversely affect the functions and values of submerged land.

- In service-administrative sub-zones, it is allowed to extract and make full use of dead and fallen timber trees as well as trees in the areas subject to ground clearance for construction of works under plannings; to exploit forest products other than timber, except for endangered, precious and rare plant and animal species defined in the Government's Decree No. 32/2006/ND-CP of March 30, 2006.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ With regard to landscape protection forests, it is allowed to exert impacts, make adjustments or log trees to create a rational density for nurturing the forests and apply other technical measures in order to raise the aesthetic values of those forests.

c/ With regard to forests for scientific research or experimentation, it is allowed to exploit forest products according to the research and training requirements of scientific research and technological development institutions or forestry training and vocational training establishments.

2. Competence to permit the rational use of natural resources in special-use forests

- The Ministry of Agriculture and Rural Development shall approve designs of, and permit the rational use of natural resources in, special-use forests whose owners are under its management.

- Provincial-level People's Committees shall approve designs of, and permit or authorize provincial/municipal Agriculture and Rural Development Services to approve designs of, and permit the rational use of natural resources in, special-use forests whose owners are under their management or the management by ministries or branches (except the Ministry of Agriculture and Rural Development) in localities.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide technical guidance, order and procedures for rational use of natural resources in special-use forests.

Article 21.- Scientific research, teaching and practicing activities in special-use forests

1. Scientific research, teaching and practicing activities in special-use forests shall comply with the provisions of Article 52 of the Law on Forest Protection and Development and Article 54 of Decree No. 23/2006/ND-CP.

2. The collection of specimens and gene sources of forest organisms in special-use forests shall comply with the following provisions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The collection of specimens and gene sources shall be conducted under the forest owners' guidance, management and supervision.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall guide the preservation and collection of specimens and gene sources of forest organisms in special-use forests.

Article 22.- Eco-tourist activities in special-use forests

1. Eco-tourist activities in special-use forests shall comply with the provisions of Article 53 of the Law on Forest Protection and Development and the Government's Decree No. 23/2006/ND-CP.

2. Forest owners may organize eco-tourist business activities, lease forest environments or use the land use rights and economic values of biodiversity resources and forest landscapes for joint venture or association with other investors, organizations or individuals for investment in eco-tourist business in special-use forests.

The organization of eco-tourism in special-use forests must be formulated into investment projects to be submitted to competent state agencies for approval.

Eco-tourism development projects in special-use forests must meet the following requirements:

a/ Not to adversely affect the objectives of preservation of biodiversity and environmental landscapes as well as the protection utility of the forests.

b/ The construction of works in service of tourism must comply with forest plannings approved by competent authorities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- In ecological restoration sub-zones, it is allowed to open main routes, build works for forest protection and development and organization of service and tourist activities.

- In service-administrative sub-zones, landscape protection zones and forests for scientific research or experimentation, it is allowed to build architectural works in service of management, scientific research and organization of tourist and service activities.

- The order of, and procedures for, the construction of works shall comply with legal provisions on construction.

- The Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide guidance on proportions of land area allowed for construction of works in service of eco-tourism or convalescence in special-use forests; provide for evaluation of economic values, biodiversity resources and landscapes of special-use forests and coordinate with the Vietnam National Administration of Tourism in guiding the management of eco-tourist activities in special-use forests.

c/ To create conditions for households and individuals living in special-use forests to participate in the provision of tourist services.

Article 23.- Stabilization of the life of residents in special-use forests

1. The stabilization of the life of residents in special-use forests shall comply with the provisions of Article 54 of the Law on Forest Protection and Development.

2. The area of production forests intermingling with special-use forests shall be protected, developed and used in accordance with the provisions of Chapter IV of this Regulation.

3. The stable acreage of residential land, fields, gardens and milpa of residents in special-use forests shall not be counted into the acreage of such forests but must be shown on maps and identified explicitly with land markers on field and managed in accordance with the provisions of land law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. National parks and nature conservation zones must have their buffer zones.

2. A buffer zone is a forest area, land area or water-surface area contiguous to a national park or nature conservation zone, encompassing all or a part of communes, wards and townships bordering on such national park or nature conservation zone.

3. Buffer zones shall be established to prevent or reduce the human's encroachment upon national parks and nature conservation zones.

Management boards of special-use forests shall make arrangement for buffer zone residents to participate in the protection, conservation and rational use of forest products and natural resources as well as eco-tourist services so as to contribute to raising their incomes and associating their ways of earning living with activities in the special-use forests.

The state agencies in buffer zones shall formulate investment projects on production and rural infrastructure development in order to stabilize the life of population communities and concurrently elaborate regulations on responsibilities of population communities and households for the protection and preservation of special-use forests.

4. The acreage of buffer zones shall not be counted into the acreage of special-use forests.

a/ The acreage of protection or production forests in buffer zones shall be assigned or leased by competent People's Committees to organizations, households, individuals or village population communities according to the provisions of forest protection and development law.

b/ Protection forests and production forests in buffer zones shall be managed in accordance with the provisions of Chapters III and IV of this Regulation.

5. Responsibilities of People's Committees at all levels and of forest owners towards buffer zones

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Commune-level People's Committees shall have to organize the execution of approved projects defined at Point a, Clause 5 of this Article; propagate and encourage people in communes to actively participate in the protection and development of national parks and nature conservation zones; adopt and apply measures to prevent the encroachment by buffer zone residents upon national parks and nature conservation zones.

c/ District- and commune-level People's Committees as well as forest owners in buffer zones shall have to coordinate with the management boards of national parks and nature conservation zones in forest management, protection and development.

Chapter III

MANAGEMENT OF PROTECTION FORESTS

Section 1. ORGANIZATION OF MANAGEMENT OF PROTECTION FORESTS

Article 25.- Classification of protection forests

Based on their nature and protection requirements, protection forests are classified into three following kinds:

1. Headwater protection forests

a/ Headwater protection forests mean forests established to enhance water source-regulation capability of water flows and reservoirs, thereby restricting floods, reducing erosion, protecting land and restricting the extension with deposits of riverbed and lakebed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The size of headwater protection forests shall be compatible with the size of river basins and the management of headwater protection forests shall be associated with the comprehensive management of river basins.

2. Wind- and sand-shielding protection forests

a/ Wind- and sand-shielding protection forests shall be established to cope with harmful wind and moving sand, protect agricultural production, residential quarters, urban centers, production areas and other works.

b/ Wind- and sand-shielding protection forests shall be established on the basis of criteria and indexes on the acreage, coastal sand bench, climate and current socio-economic conditions of the concerned regions.

3. Breakwater and sea encroachment protection forests

a/ Breakwater and sea encroachment protection forests shall be established against waves and landslide and for protection of production and coastal and riverside works.

b/ Breakwater and sea encroachment protection forests shall be established on the basis of criteria and indexes on the acreage, position, hydrological conditions, state of erosion and existing protection works.

c/ Protection forest belts beyond sea dikes shall have the functions of breaking waves, fixing alluvial grounds, preventing landslides, protecting sea dikes and maintaining natural development of ecosystems of submerged saline forests. These forest belts shall constitute part of the sea dike system to be designed and invested under the sea dike construction project.

d/ Protection forest belts inside sea dikes shall serve the protection of aquaculture, agricultural production, tourist development, environmental protection and the restriction of harms caused by stormy wind and sea waves to the life and property of people in the coastal regions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Protection forests for environmental protection shall be established to regulate climate, combat environmental pollution in residential quarters, urban centers and industrial parks, in combination with tourism and convalescence; maintenance of national security and borders.

b/ Protection forests for environmental protection shall be established on the basis of criteria and indexes on the acreage, environmental factors, pollution, hazards caused by economic and social activities in the regions or national security and defense requirements.

Article 26.- Decentralization of the management of protection forests

1. Provincial-level People's Committees shall have to organize the management of protection forests assigned by the State to forest management boards they have set up.

2. The Ministry of Defense and the Ministry of Public Security shall have to organize the management of protection forests assigned by the State to military and public security forces.

3. Forest owners being organizations (other than forest management boards set up by provincial-level People's Committees, the Ministry of Defense or the Ministry of Public Security), households, individuals or village population communities shall themselves organize the management of protection forest acreages assigned or leased to them by the State.

4. The Ministry of Defense, the Ministry of Public Security, the other ministries and branches and provincial-level People's Committees shall define the functions, tasks and powers of forest management boards in accordance with their competence and provisions of law.

Article 27.- Organizational apparatus of protection forest management boards

1. Provincial-level People's Committees shall decide on organizational apparatus and payroll of provincial/municipal protection forest management boards; the Ministry of Defense and the Ministry of Public Security shall decide on organizational apparatus of protection forest management boards under their management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The initial payroll of protection forest management boards shall each comprise between 7 and 9 persons. In the course of their operation, depending on management requirements and based on the State's regulations, the protection forest management boards may decide on their payrolls according to their competence or elaborate annual payroll plans to be submitted to competent state agencies for decision.

b/ Forest protection-specialized forces of forest management boards shall abide by the provisions of Point a, Clause 2, Article 30 of this Regulation.

Section 2. PROTECTION, DEVELOPMENT AND USE OF PROTECTION FORESTS

Article 28.- Determinative criteria of protection forests

Protection forests meeting the determinative criteria on protection are prescribed as follows:

1. For headwater protection forests, the forest canopy cover must be 0.6 or more so that the forests are capable of maintaining and regulating water sources, protecting soil and reducing erosion.

2. For wind- and sand-shielding protection forests, the forest trees must have both horizontal and vertical crown contact, the forests must have helped prevent or alleviate harms caused by wind or sand to production areas or population quarters, raise or stabilize agricultural productivity.

3. For breakwater and sea encroachment protection forests, the forest trees must have a crown contact and a developed root system, the forests must have helped break waves, stabilize land, increase coastal alluvium, prevent or reduce landslides and protect coastal and riverside works.

4. For protection forests for environmental protection, the forests must have helped prevent or reduce air pollution, regulate climate, create landscapes and a clean environment for industrial parks, urban centers, tourist or convalescence resorts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 29.- Investment and fund for maintaining the protection and development of protection forests

The investment and regular fund for the protection and development of protection forests shall comply with the investment and construction management regulations and the following provisions:

1. Investment to guarantee regular fund for the protection and development of protection forests is stipulated as follows:

a/ The State shall allocate regular fund to maintain forest protection activities; arrange budget for investment projects on protection and development of protection forests which have been assigned to protection forest management boards set up by ministries or provincial-level People's Committees.

b/ The State shall provide investment supports and adopt benefit policies for protection forests it has assigned to village population communities or leased to economic organizations, households or individuals.

c/ Forest owners may use revenues from service activities and financial supports provided by organizations, individuals or investment projects for investment in forest protection and development after fulfilling financial obligations and other obligations in accordance with the provisions of law.

2. Forest owners and project owners using state budget capital for investment in the protection and development of protection forests shall have to formulate projects to be submitted to competent state agencies for approval and organize the execution thereof; the order of, procedures and competence for, approving such investment projects shall comply with the Government's regulations on investment and construction management.

Article 30.- Protection of protection forests

1. The protection of protection forests shall comply with the provisions of Decree No. 23/2006/ND-CP.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Forest owners may organize forest protection forces as follows:

- Organizing forest protection-specialized forces, every person of which shall be arranged to protect 1,000 ha on average.

- The management boards may use salary funds of forest protection-specialized forests or forest protection remuneration set by the State in approved projects for package contracting of forest protection to local households, individuals and village population communities.

- Cooperating or associating with households, individuals and village population communities in forest protection.

- Hiring professional protection forces to protect forests.

- Defining the functions, powers and tasks of the above-said forces in accordance with their competence and provisions of law.

b/ Protection forests having forest protection-specialized forces are defined as follows:

- They are headwater protection forests, which have the acreage of 20,000 ha or more each and are exposed to the high risk of encroachment.

- Provincial-level People's Committees shall organize forest ranger forces to protect protection forests under their management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. With regard to headwater protection forests, they must be built into concentrated and uninterrupted ones; gradually turned into forests with mixed species, of different ages and with different layers; forest trees must be those with deep and adhesive root systems.

2. With regard to wind- and sand-shielding protection forests, each must have at least one major forest belt with a minimum width of 20 m, combined with other forest belts to create a closed umbrella; protection forests in service of agricultural production and economic works shall be planted in bands or belts; each band or belt shall consist of different rows of trees; forest trees must be those with tough stems, deep and adhesive root systems.

3. With regard to breakwater and sea encroachment protection forests, each must have at least one forest belt with a minimum width of 30 m or have different forest belts with alternate gates toward the main wave direction; forest trees must be water-enduring trees, with deep and adhesive root systems.

4. With regard to protection forests for environmental protection, there must be forest belts, forest ranges, forest areas and greeneries intermingled with population quarters, industrial parks and tourist resorts to fight air pollution, create a clean environment, combined with recreation, entertainment, expedition and tourism; forest trees must be large-crown evergreens which are multiflorous and nicely shaped.

5. Apart from the plants for plantation of headwater protection forests, wind- and sand-shielding protection forests and breakwater and sea encroachment protection forests defined in Clauses 1, 2 and 3 of this Article, priority should also be given to those species which have many utilities and can be harvested annually (for resin, flowers, fruits, leaves or shoots, etc.)

6. The regeneration of natural protection forests shall comply with the provisions of Article 10 of this Regulation.

7. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall guide in detail the plantation of protection forests.

Article 32.- Exploitation of timber and forest products other than timber in protection forests

1. Principles for exploitation of forest products in protection forests

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The exploitation volume must not be bigger than the growth volume of the forests.

2. Exploitation of forest products in protection forests

a/ With regard to natural headwater protection forests:

- It is allowed to fully exploit and make full use of timber and exploit forest products other than timber.

- When the forests are up to protection standards, it is allowed to exploit timber by mode of selective logging, provided that the forest canopy cover after exploitation must be bigger than 0.6.

- It is prohibited to exploit precious and rare trees specified in the Government's Decree No. 32/2006/ND-CP of March 30, 2006 on management of endangered, precious and rare forest plants and animals.

b/ With regard to planted headwater protection forests; wind- and sand-shielding protection forests; breakwater and sea encroachment protection forests and protection forests for environmental protection:

- It is allowed to exploit intermingled and subsidiary trees; trim, extract or make full use of timber; and exploit forest products other than timber.

- When the forests are up to protection standards and the major plants are up to exploitation standards, it is allowed to selectively log major plants, provided that the forest canopy cover after exploitation must be bigger than 0.6.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To exploit timber in natural protection forests or protection forests planted with state budget investment capital, forest owners must have exploitation designs approved by competent state agencies:

- Provincial/municipal Services of Agriculture and Rural Development shall approve the designs and issue exploitation permits to forest owners being economic organizations.

- District-level People's Committees shall approve designs and issue exploitation permits to forest owners being households, individuals and village population communities.

b/ The exploitation of protection forests being forests planted with forest owners' own capital shall be decided by forest owners themselves but the exploitation must comply with the provisions of Clause 2 of this Article.

4. The order of, and procedures for, the exploitation as well as technical exploitation regulations and processes shall comply with the guidance of the Ministry of Agriculture and Rural Development.

Article 33.- Other activities in protection forests

1. Tourist, scientific research, teaching and practicing activities in protection forests:

a/ Forest owners may themselves organize or coordinate with other organizations, households or individuals in landscape, convalescence, eco-tourist and scientific research activities in protection forests.

b/ Activities specified at Point a of this Clause must strictly comply with the provisions of law on tourism and scientific research.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Combined agro-fishery production in protection forests

a/ It is allowed to intercrop industrial trees and pharmaceutical trees in headwater protection forests, wind- and sand-shielding protection forests; breakwater and sea encroachment protection forests, which, however, must not affect the forests' protection capacity.

b/ It is allowed to use land without forests in protection forests for combined agro-forestry production:

- Forest owners may organize land areas without forests for combined agro-forestry production under plannings already approved by competent authorities.

- Forest owners being households or individuals may use not more than 40% of submerged land areas without forests or not more than 30% of land areas without forests, for headwater protection, wind- or sand-shielding areas for combined agro-forestry production.

c/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall specify the combined agro-forestry and fishery production in protection forests.

3. Management of other kinds of forests and land in protection forests

a/ Production forest areas intermingling with protection forests shall be protected, developed and used according to the provisions of Chapter Iv of this regulation.

b/ With regard to stable residential land, fields, gardens and milpa intermingling with protection forests, they shall not be planned for inclusion into production forests and shall be managed according to the provisions of land law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

MANAGEMENT OF PRODUCTION FORESTS

Section 1. ORGANIZATION OF MANAGEMENT OF PRODUCTION FORESTS

Article 34.- Classification of production forests

Based on their origin of formation, production forests are classified into the following kinds:

1. Natural production forests, including natural forests and forests restored by zoning off for tending and natural regeneration; based on the average forest reserves per hectare, natural forests are classified into rich, average and poor forests.

2. Planted production forests, including forests planted with state budget capital and forests planted with forest owners' investment capital (their own capital, loan capital, joint-venture or association capital not originating from the state budget) with state supports and other sources.

3. Seedling forests, including seedling forests converted from natural or planted forests; seedling forests being planted forests and seedling gardens.

Article 35.- Organization of management of production forests

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 2. PROTECTION, DEVELOPMENT AND USE OF PRODUCTION FORESTS

Article 36.- Protection of production forests

1. Production forests shall be protected according to the provisions of Articles 46, 47 and 48 of Decree No. 23/2006/ND-CP.

2. Organization of protection of production forests

a/ Forest owners may organize the following forest protection forces:

- Their own forest protection-specialized forces.

- Forest protection by households, individuals and village population communities under contracts.

- Households, individuals and village population communities in cooperation or association.

- Hired professional protection forces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Forest owners shall be supported by People's Committees at all levels in protection of forests.

b/ With regard to forest and forestland areas not yet assigned or leased, commune-level People's Committees shall have to organize the management thereof.

Article 37.- Development of production forests

1. The development of production forests must strictly comply with forest protection and development plannings and plans.

2. Bio-forestrial methods applicable to development of production forests include:

a/ Zoning off for tending and natural regeneration or additional plantation of forests.

b/ Afforestation (including forest plantation, tending and nurturing, etc.)

c/ Regeneration of natural poor forests.

d/ Nurturing of forests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Competence to approve designs and cost estimates for application of bio-forestrial methods to develop production forests

a/ For investment in development of production forests with state budget capital, forest owners or project owners must draw up designs and cost estimates; the competent to approve such designs and cost estimates shall comply with legal provisions of investment and construction management.

b/ For investment in development of production forests with non-state budget capital, forest owners may decide on designs and cost estimates themselves.

c/ The regeneration of poor natural forests shall comply with the provisions of Article 10 of this Regulation.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide econo-technical norms and guide the application of bio-forestrial methods for development of production forests.

Article 38.- Investment in protection and development of production forests

The investment in the protection and development of production forests shall comply with the regulations on investment and construction management and the following provisions:

1. Forest owners shall base themselves on land use as well as forest protection and development plannings and plans and production and business tasks to formulate investment projects on the protection and development of production forests and organize the execution thereof.

2. The State encourages organizations, households and individuals to invest in the protection and development of production forests in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Plantation of precious and rare trees.

c/ Plantation of forests in areas meeting with socio-economic difficulties or extreme difficulties.

3. The State shall adopt investment support policies for the protection and development of production forests in the following cases:

a/ Protection of poor natural forests.

b/ Plantation of precious and rare trees.

c/ Plantation of trees with a commercial circle of 15 years or more

d/ Plantation of forests in the areas meeting with socio-economic difficulties or extreme difficulties.

e/ Provision of supports for construction of infrastructure in the areas for concentrated plantation of raw material forests and in other necessary cases.

Article 39.- Exploitation of forest products in natural production forests

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The forests must reach standards for major exploitation.

b/ The to be-exploited forest trees must reach standards on diameters, for timber trees and tree ages, for bamboos and rattans.

c/ The exploitation volume must be smaller than the growth volume of the forests.

d/ The exploitation process must not adversely affect the environment and protection capacity of the forests.

2. Forest products for exploitation: It is allowed to exploit forest products of all kinds; the exploitation of precious and rare plant species shall comply with the provisions of the Government's decree No. 32/2006/ND-CP of March 30, 2006, on management of endangered, precious and rare forest plants and animals.

3. Major exploitation of natural forest timber

a/ Conditions:

- Forest owners being economic organizations must have forest-regulation schemes and exploitation designs approved by competent authorities: The Ministry of Agriculture and Rural Development shall approve forest-regulation schemes of forest owners under ministries or centrally-run branches; provincial/municipal Agriculture and Rural Development Services shall approve forest-regulation schemes of forest owners being provincial organizations and approve exploitation designs of forest owners being organizations within their respective provinces.

- Forest owners being households, individuals or village population communities must have forest-regulation schemes; district-level People's Committees shall approve or authorize district-level functional divisions to approve such schemes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The Prime Minister shall decide on the annual total exploitation limit.

- The Ministry of Agriculture and Rural Development shall announce the annual exploitation output and guide localities in managing specifically the exploitation outputs.

- Provincial-level People's Committees shall open forests for exploitation and assign exploitation plans to forest owners being organizations and to district-level People's Committees under the plans assigned to localities by the Ministry of Agriculture and Rural Development.

- District-level People's Committees shall assign exploitation plans to forest owners being households, individuals and village population communities.

4. Full exploitation and extraction of timber

a/ Provincial/municipal Agriculture and Rural development Services shall approve designs and issue exploitation permits to forest owners being organizations.

b/ District-level People's Committees shall approve, issue exploitation permits or authorize their functional divisions to approve and issue exploitation permits to forest owners being households, individuals and village population communities.

5. Exploitation of natural forest timber for domestic use by households, individuals and village population communities

Households, individuals and village population communities that wish to exploit natural forest timber for domestic use shall only need to notify such to commune-level People's Committees for certification and management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 40.- Exploitation of forest products in planted production forests

1. Forest products for exploitation: it is allowed to exploit all forest products in planted forests.

2. Competence to permit exploitation of planted forests

a/ Where planted forests are invested with the state budget capital:

- With regard to forests whose owners are organizations: If such organizations are the provincial ones, the forest exploitation shall be permitted by the provincial-level People's Committees; if such organizations are ministerial ones, the forest exploitation shall be permitted by their respective managing ministries.

- With regard to forests whose owners are households, individuals or hamlet population communities, the forest exploitation shall be permitted by district-level People's Committees.

b/ Where planted forests are invested by forest owners themselves or with the State's supports:

- Forest owners shall decide on the exploitation time and be free to circulate and consume planted forest products. Ten working days before exploiting planted forests, forest owners must send advance notices to commune-level People's Committees of the localities where exist the to be-exploited forests.

- Within 10 working days after receiving forest owners' written notices on the exploitation of planted forest timber, commune-level People's Committees of the localities where exist the to be-exploited forests shall take measures to monitor and assist forest owners, ensuring that the latter can exploit and consume planted forest products in a convenient manner. All acts of causing difficulties to or obstructing forest owners in the exploitation, circulation or consumption of timber and planted forest products shall strictly be handled according to law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 41.- Management and use of seedling forests

1. The selection and recognition of seedling forests shall comply with the provisions of Article 19 of the Ordinance on Plant Varieties.

2. The management of protection, development, full exploitation and extraction of seedling forest products shall comply with the provisions of Articles 36, 37, 38, 39 and 40 of this Regulation but must not contravene business purposes of seedling forests.

3. The State encourages and assists organizations and individuals in forestry extension, transfer of techniques for production and use of high-yield and quality forestry plant varieties to meet the market demand.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall promulgate criteria for recognition of seedling forests and procedures for the harvest of their products.

Article 42.- Other activities in production forests

1. Combined agro-forestry production

a/ Forest owners being organizations may conduct combined agro-forestry production on the assigned or leased forest and forestland areas under forest protection and development plannings already approved by competent state agencies.

b/ Forest owners being households, individuals or village population communities may use not more than 40% of submerged saline forestland areas without forests or not more than 30% of production forestland area without forests, other than submerged saline land, for combined agro-forestry production; may plant intermingledly agricultural trees under the forest crown, which, however, must not affect the forests' major use purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Forest owners may themselves organize or cooperate with other organizations and individuals in the provision of tourist services in forests assigned or leased by the State.

b/ The organization of eco-tourist activities in production forests must not alter the forest use purposes; tourist activities must comply with the relevant provisions of law; where it is necessary to build works in service of tourism, the provisions of land law and construction law must be complied with.

c/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall guide the land area proportion for construction of works in service of eco-tourism and convalescence in production forests.

3. Scientific research, technical and technological application activities

a/ Forest owners may let organizations, individuals or coordinate with the latter in conducting scientific research, technical or technological application in assigned or leased production forests according to the provisions of law on scientific research.

b/ With regard to scientific research activities, 10 working days before starting scientific research activities, forest owners being economic organizations must notify such to provincial/municipal Agriculture and Rural Development Services; forest owners being households, individuals or village population communities shall have to notify such to district-level People's Committees for monitoring and assistance.

4. Management of other kinds of forest and land in production forests

a/ Special-use or protection forest areas intermingled in production forests shall be managed according to the provisions of Chapters II and III of this Regulation.

b/ Stable residential land, fields, gardens and milpa in production forests shall not be planned for inclusion in production forests and shall be managed in accordance with the provisions of land law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION RESPONSIBILITIES

Article 43.- Supervision and assessment of forest management

1. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall have to organize the management of the unified database system on forests and forestland, kinds of forests and their current status as well as forest plannings nationwide.

2. People's Committees at all levels shall have to supervise and assess the forest management situation in their respective localities.

3. Forest owners shall have to organize the supervision and assess the management and use of forests on forest areas assigned or leased by the State.

4. The contents of supervision and assessment of forest management shall be provided by the Ministry of Agriculture and Rural Development.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/08/2006 ban hành Quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


35.273

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.250.187
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!