BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1748/QĐ-UBND
ngày 21 tháng 9 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
I. KHÁI QUÁT CHUNG VÀ TIỀM NĂNG
KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
1. Khái quát chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế
- xã hội
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc
nằm sâu trong nội địa, nằm giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh
Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên
Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành
phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (157 xã và 23
phường, thị trấn); trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn, có 2
huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong
các huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước. Yên Bái là đầu mối và trung độ
của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hải Phòng, Hà Nội
lên cửa khẩu Lào Cai.
Tổng
diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 688.627,64 ha. Trong đó diện tích nhóm đất
nông nghiệp là 585.088,51 ha, chiếm 85% diện tích đất tự nhiên; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 53.711,31 ha chiếm 8%; diện tích đất chưa sử dụng là 49.827,82 ha chiếm 7% (Số liệu thống kê đất đai năm
2013).
Về đặc điểm địa hình của tỉnh Yên
Bái khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp.
Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh.
Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả
năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600 m,
chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44 % diện tích
tự nhiên toàn tỉnh.
Yên Bái có lợi thế để phát triển
ngành nông – lâm sản. Ngoài ra, với nguồn khoáng sản phong phú, tỉnh có điều
kiện thuận lợi trong việc khai thác và chế biến khoáng sản như: Đá vôi trắng
làm khoáng chất công nghiệp, đá ốp lát, quặng sắt, kaolin, felspat…và sản
xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gạch, sứ kỹ thuật, sứ dân dụng, đá xẻ ốp lát,
đá mỹ nghệ và các loại vật liệu xây dựng khác.
2. Tiềm năng khoáng sản
Đến nay, toàn bộ diện tích tỉnh Yên Bái đã được điều
tra, lập bản đồ địa chất và khoáng sản các tỷ lệ 1:500.000, 1:200.000; phần lớn
diện tích đã được đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ
1:50.000 (các nhóm tờ Bảo Yên, Bắc Tú Lệ - Văn Bàn, Đoan Hùng - Yên Bình, Lục
Yên Châu, Trạm Tấu, Văn Chấn). Tuy nhiên, mức độ điều tra, đánh giá tiềm năng
khoáng sản và thăm dò khoáng sản còn thấp, nhất là ở dưới sâu.
Hiện nay, công tác điều tra, đánh giá tiềm năng
khoáng sản đã được quan tâm, nhiều khu vực vẫn đang được lập Đề án để đánh giá
tiềm năng khoáng sản. Thực hiện quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, các mỏ
được cấp phép khai thác cơ bản sẽ được thăm dò, đánh giá trữ lượng.
Trong quá trình
điều tra khảo sát và thu thập tài liệu địa chất khoáng sản đã thực hiện từ
trước đến nay cho thấy tỉnh Yên Bái khá phong phú về chủng loại khoáng sản khác
nhau như: Than các loại, sắt, đồng, chì, kẽm, vàng, bạc, đất hiếm, đá quý, đá
vôi trắng, đá mỹ nghệ, grafit, kaolin, felspat, thạch anh... được chia thành loại khoáng sản nhiên liệu, khoáng sản kim
loại, khoáng sản không kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản quý hiếm
và nước khoáng, nước nóng, cụ thể như sau:
- Khoáng sản nhiên liệu: Tập
trung chủ yếu là than đá, than nâu và than bùn. Nhưng nhìn chung các điểm than
đều có trữ lượng ít, quy mô nhỏ. Được phát hiện ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên
và Trấn Yên.
- Khoáng sản kim loại và kim
loại quý: Các khoáng sản chủ yếu gồm sắt, đồng và chì - kẽm, phân bố không
tập trung, theo công tác địa chất đã điều tra trữ lượng chỉ ở mức vừa và nhỏ.
Quặng vàng, vàng sa khoáng cũng đã được phát hiện ở Yên Bái, quặng vàng gốc
được phát hiện chủ yếu ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên, vàng sa
khoáng phát hiện ở nhiều nơi gần các sông, suối; quặng đồng trên địa bàn tỉnh
Yên Bái được phát hiện ở xã Phong Dụ Thượng và xã Châu Quế Hạ, Văn Yên (là các
điểm đồng Làng Phát, Làng Nhón, Làng Lòm…) và các điểm An Lương, điểm Bản Bam,
xã Nậm Lành, Văn Chấn; quặng Chì-kẽm chủ yếu ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên
Bình; đất hiếm được phát hiện ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên; Uran ở Trạm Tấu… Trong các loại khoáng sản kim
loại thì quặng sắt được đánh giá có tài nguyên, trữ lượng tương đối lớn,
nhưng chất lượng quặng không cao (hàm lượng trung bình từ 20 – 40%) và phân bố
rải rác tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Chấn (khu vực làng Mỵ; khu vực Tân
An, Bản Phào, Khe Bằng, Thu Cúc), huyện Trấn Yên (khu vực Làng Thảo, Núi Vi,
núi 300), huyện Văn Yên.
- Khoáng
sản không kim loại: Gồm pyrit, barit, phosphorit, kaolin, felspat, thạch
anh, talc, grafit, pegmatit, Silimanit, Asbet, Quarzit,
Dolomit. Trong đó đáng chú
ý là khoáng sản kaolin và felspat chủ yếu ở Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, thành
phố Yên Bái, hai khoáng sản này có chất lượng tương đối tốt đáp ứng được các
tiêu chuẩn cho sản xuất gốm sứ, sản xuất giấy... Diện phân bố của chúng rộng
tuy nhiên trữ lượng không lớn và không đồng đều. Các khoáng sản còn lại phân bố
ở một vài nơi trong tỉnh nhưng chỉ tồn tại với trữ lượng nhỏ hoặc chất lượng
thấp.
- Đá quý: Tập trung ở khu
vực Lục Yên, Tân Hương - Yên Bình với khoáng vật rubi, saphia, coridon ...
- Nguyên liệu mài: Phân bố ở
phần Đông Bắc hai bên bờ sông Chảy thuộc vùng đá biến chất cổ gồm silimanit -
granat. tập trung tại An Phú - Lục Yên, Báo Đáp, Đại Đồng – Yên Bình, Làn Nhơn
– Phong Dụ Hạ. Các điểm quặng được đánh giá có triển vọng.
- Vật liệu xây dựng: Gồm có
đá vôi, đá hoa trắng, sét các loại, cát - sỏi lòng sông. Đặc biệt là nguồn cát
sỏi lòng sông Hồng, sông Chảy...
+ Đá vôi và đá hoa trắng phân bố
rộng khắp ở các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu
có trữ lượng lớn, hiện nay đã có một số mỏ khai thác ở quy mô công nghiệp (đá
hoa trắng chủ yếu tại huyện Lục Yên và khu vực Mông Sơn – Yên Bình). Đá vôi của
Yên Bái có chất lượng tốt, khả năng khai thác làm đá mỹ nghệ, đá ốp lát, vật
liệu xây dựng, sản xuất xi măng và làm khoáng chất công nghiệp phục vụ xuất
khẩu.
+ Các mỏ sét, puzlan của tỉnh ngoài
việc dùng sản xuất đồ gốm và gạch ngói, chất lượng mỏ sét còn đáp ứng được cho
sản xuất xi măng.
- Nguyên liệu kỹ thuật: Gồm
các loại khoáng sản như granat, quarzit, dolomit ... hầu hết các loại khoáng
sản này chưa được đánh giá trữ lượng.
- Nước nóng và nước khoáng:
Trong toàn tỉnh phát hiện có 16 điểm nước khoáng, nước nóng chủ yếu ở
huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, có thể sử dụng cho điều dưỡng, chữa
bệnh.
3. Tình hình quản lý, cấp phép hoạt động khoáng
sản
3.1. Tình hình quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai
thác
Trên
cơ sở quy định của Luật Khoáng sản 2010, Ủy ban nhân
dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa
bàn tỉnh tại Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2012, thay thế
Quy định đã được ban hành trước đây, trong đó quy định rõ trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối
với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên
Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý, bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép
như các Văn bản triển khai thực hiện các Chỉ thị của
Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; ban hành Chỉ thị
số 02/CT-UBND ngày 06 tháng 01 năm 2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà
nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng
sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2015
về việc tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh
Yên Bái... Công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được triển khai, thông qua các Kế hoạch
tuyên truyền, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, các chương
trình thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản.
Tuy nhiên, thời gian qua công tác bảo vệ khoáng sản
chưa khai thác còn bộc lộ nhiều hạn chế, tình trạng khai thác khoáng sản trái
phép vẫn diễn ra trên địa bàn như: Khai thác quặng sắt tại huyện Trấn Yên;
quặng chì-kẽm huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu; đá cảnh, đá mỹ nghệ, than huyện Văn
Chấn; cát, sỏi, vàng sa khoáng trên sông Hồng, sông Chảy… làm thất thoát tài
nguyên, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; ảnh hưởng đến an ninh trật tự
và đời sống của người dân địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương
chưa làm hết trách nhiệm được giao trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản
chưa khai thác; chưa kịp thời phát hiện, tổ chức lực lượng kiên quyết ngăn chặn
dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc xử lý đối với các hành
vi vi phạm còn chưa nghiêm; một số địa phương còn tự ý thỏa thuận, cho phép các
tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái pháp luật, qua đó thu ngân sách cho
địa phương không đúng theo quy định.
Ngoài ra,
trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác các địa phương còn một
số khó khăn như: Kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
chưa được xác định cụ thể; ý thức chấp hành pháp luật của
một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, đời sống nhân dân còn
gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số; địa
bàn rộng, khoáng sản chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, một số
loại khoáng sản nằm lộ thiên, phân bố không tập trung, hình thức khai thác không đòi hỏi máy móc
thiết bị phức tạp và lao động trình độ cao, vì vậy rất khó khăn trong công tác
bảo vệ như cát, sỏi, vàng sa khoáng, đá quý, đá bán quý dọc theo các sông,
suối, khai thác quặng sắt, quặng chì-kẽm; công tác phối hợp, trao đổi thông tin
liên quan đến công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động
khoáng sản trái phép giữa các địa phương giáp ranh còn hạn chế.
3.2. Tình hình cấp phép thăm dò, khai thác khoáng
sản
3.2.1. Tình hình
cấp phép thăm dò khoáng sản
Tính đến
ngày 30 tháng 8 năm 2015, trên địa bàn tỉnh
Yên Bái có 50 Giấy phép thăm dò
cấp cho 45 doanh nghiệp, trong đó: Đá làm vật liệu xây
dựng thông thường 11 Giấy phép, cát-sỏi 06 Giấy phép, sét làm gạch 04 Giấy
phép, đá vôi trắng 17 giấy phép, đá gabro làm ốp lát
01 Giấy phép, kaolin 02 Giấy phép, felspat 01 Giấy phép, thạch anh 02 Giấy
phép, quặng mangan 01 Giấy phép, quặng đồng 01 Giấy phép, quặng sắt 03 Giấy
phép, quặng chì-kẽm 01 Giấy phép.
Trong 50 Giấy
phép có 23 giấy
phép do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, 27 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Trên địa bàn
huyện Lục Yên 11 khu vực mỏ, huyện Trấn Yên 08 khu vực, huyện Yên Bình 08 khu
vực, huyện Văn Chấn 08 khu vực, huyện Trạm Tấu 03 khu vực, huyện Mù Cang Chải
01 khu vực, huyện Văn Yên 10 khu vực, thành phố Yên Bái 02 khu vực. Có 01 khu
vực kaolin-felspat nằm trên địa bàn hai huyện: Trấn Yên và Văn Yên.
3.2.2. Tình hình cấp phép khai thác
khoáng sản
Tính đến
ngày 30 tháng 8 năm 2015, trên địa bàn tỉnh
Yên Bái có 124 Giấy phép khai
thác khoáng sản còn hiệu lực cấp cho 91 doanh nghiệp, trong đó: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường 24 Giấy phép, cát-sỏi 09 Giấy phép,
sét làm gạch 01 Giấy phép, đất san lấp 01 Giấy phép, đá vôi trắng 29 giấy phép, kaolin 01 Giấy phép, felspat 02 Giấy phép,
granit bán phong hóa 02 Giấy phép, thạch anh 03 Giấy phép, sét sản xuất xi măng
01 Giấy phép, than 02 Giấy phép, quặng grafit 02 Giấy phép, quặng đồng 01 Giấy
phép, quặng sắt 33 Giấy phép, quặng chì-kẽm 08 Giấy phép, quặng vàng 04 Giấy
phép, quặng đất hiếm 01 Giấy phép.
Trong 124 Giấy
phép có 88 giấy phép do Ủy ban
nhân dân tỉnh cấp, 36 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Trên địa bàn
huyện Lục Yên 28 khu vực mỏ, huyện Trấn Yên 19 khu vực, huyện Yên Bình 15 khu
vực, huyện Văn Chấn 30 khu vực, huyện Trạm Tấu 01 khu vực, huyện Mù Cang Chải
07 khu vực, huyện Văn Yên 18 khu vực, thành phố Yên Bái 07 khu vực (trong đó có
01 khu vực mỏ đất san lấp nằm trên địa bàn hai huyện: Trấn Yên và thành phố Yên
Bái).
Ngoài ra, trên
địa bàn tỉnh có 130 khu vực mỏ được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết
hiệu lực, trong đó: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường 27 Giấy phép;
cát-sỏi 15 Giấy phép, sét làm gạch 06 Giấy phép, đá vôi trắng 04 giấy phép, kaolin 05 Giấy phép, felspat 04 Giấy phép, barit
01 Giấy phép, thạch anh 07 Giấy phép, than 06 Giấy phép, quặng đồng 03 Giấy phép,
quặng sắt 38 Giấy phép, quặng chì-kẽm 11 Giấy phép, đá quý 03 Giấy phép; trên
địa bàn huyện Lục Yên 18 khu vực mỏ, huyện Trấn Yên 23 khu vực, huyện Yên Bình
19 khu vực, huyện Văn Chấn 31 khu vực, huyện Mù Cang Chải 04 khu vực, huyện Văn
Yên 24 khu vực, thành phố Yên Bái 11 khu vực.
Như vậy, trên địa
bàn tỉnh Yên Bái có 21 loại khoáng sản (đá làm vật liệu xây dựng thông
thường, cát-sỏi, đất san lấp, sét làm gạch, đá vôi trắng, đá gabro làm ốp lát, kaolin, felspat, granit bán phong hóa, barit, thạch
anh, sét sản xuất xi măng, than, quặng mangan, quặng grafit, quặng đồng, quặng
sắt, quặng chì-kẽm, quặng vàng, quặng đất hiếm, đá quý) đã được cấp Giấy phép thăm dò, khai thác nằm
trên địa bàn 08 huyện, thành phố (huyện Lục Yên, huyện Trấn Yên, huyện Yên
Bình, huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Yên, thành
phố Yên Bái)
(Có các Bảng
tổng hợp ở Phụ lục kèm theo)
II. SỰ CẦN THIẾT, QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU
1. Sự cần thiết ban hành Phương án
Ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và chấn chỉnh
trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn các
huyện, thành phố, thị xã; kịp thời ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác
khoáng sản trái phép; thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ
thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi
chính sách, pháp luật về khoáng sản.
2. Quan điểm
- Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp
luật, chiến lược của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa
khai thác.
- Chỉ cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò,
khai thác khoáng sản khi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường/Ủy ban nhân dân
tỉnh Yên Bái cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản. Chính quyền
địa phương cấp huyện, cấp xã không được thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá
nhân thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật dưới mọi hình thức. Không cho
phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng việc triển khai Dự án đầu tư khác
hoặc lợi dụng việc được phép sử dụng đất để thăm dò, khai thác khoáng sản trái
pháp luật.
- Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng
sản trái pháp luật; người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm
trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
3. Mục tiêu
- Quản lý chặt chẽ, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cảnh quan, môi trường,
an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng
sản.
- Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền
các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng
sản trái pháp luật.
- Xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản
chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu
vực giáp ranh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa
khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.
III. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN
1. Đối tượng cần bảo vệ: Khoáng sản
chưa khai thác, kể cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa được bảo vệ theo
quy định của Luật Khoáng sản.
2. Cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh:
2.1. Chính quyền
địa phương cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Yên Bái giáp ranh giữa các huyện trong
và ngoài tỉnh, giữa các xã trong và ngoài huyện phải có trách nhiệm phối hợp
cung cấp thông tin trong trường hợp phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép;
phối hợp, tổ chức lực lượng trong công tác ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng
sản trái phép khi có đề nghị của địa phương giáp ranh.
2.2. Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố, thị xã xây dựng cụ thể Chương trình phối hợp trong
công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với
địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh, trong đó quy định rõ cách thức phối hợp,
cơ quan thường trực là đầu mối chịu trách nhiệm liên hệ, cung cấp thông tin
trong công tác phối hợp, triển khai cụ thể chương trình phối hợp tới Ủy ban nhân
dân cấp xã.
2.3. Sở Tài nguyên
và Môi trường là cơ quan trường trực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái
các vấn đề liên quan đến cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác với các cơ quan đồng cấp của tỉnh giáp ranh.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm
chỉnh quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Quy định về
Quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các Văn bản chỉ đạo
của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
4. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thực hiện nghiêm chỉnh
các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Ủy ban
nhân dân cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của mình có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản
lý.
5. Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai
thác trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã:
5.1. Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh Yên Bái về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khoáng sản trái
phép trên địa bàn quản lý; Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện về
bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn
quản lý.
5.2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
triển khai bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định hiện hành, Phương án
này và Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính trên
địa bàn các huyện, thành phố, thị xã đã được phê duyệt. Địa phương nào chưa xây
dựng, ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành
chính, khẩn trương hoàn thành và ban hành trong năm 2015.
Hàng năm lập dự toán chi cho nhiệm
vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân
sách nhà nước) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp để đề nghị Sở Tài chính
thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
5.3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã triển khai các
biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cụ thể như
sau:
Khi phát hiện hoạt động thăm dò, khai thác khoáng
sản trái phép phải chủ động huy động, tổ chức ngay lực lượng để giải
tỏa, ngăn chặn; lập Biên bản hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân; xử lý
theo thẩm quyền (xử lý hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép theo
quy định của Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính
phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và
khoáng sản và các quy định khác có liên quan), trường hợp hành vi vi phạm
vượt quá thẩm quyền xử lý hành chính, phải báo cáo cơ quan cấp trên để xử lý
theo quy định.
Đối với các trường hợp phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm
soát, đã tổ chức lực lượng và có các biện pháp xử lý nhưng vẫn không thể giải
quyết phải kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên. Các trường hợp khẩn cấp có thể
thông báo qua điện thoại, nhưng sau đó phải có Văn bản báo cáo cụ thể.
Ủy ban nhân dân
cấp huyện, cấp xã nếu để hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn
quản lý; gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh
hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc
kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng
sản trái phép; thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản
trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.
5.4. Quản lý đối
với các trường hợp được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản:
Chỉ cho phép tổ chức, cá nhân
(được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản còn hiệu lực) thăm
dò khoáng sản khi đã thực hiện việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép
thăm dò khoáng sản; thông báo bằng văn bản kế
hoạch thăm dò cho Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi thực hiện và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
5.5. Quản lý đối
với các trường hợp được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản:
Chỉ cho phép tổ chức, cá nhân (được cơ quan có thẩm
quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực) khai thác khoáng sản khi
đã thực hiện các thủ tục sau:
- Hoàn tất các thủ tục để được thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (trừ
trường hợp không sử dụng lớp đất mặt hoặc hoạt động khoáng sản không ảnh hưởng
đến việc sử dụng mặt đất của tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp);
- Cắm mốc điểm khép góc khu vực được phép khai thác
khoáng sản;
- Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản
mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy
phép và thông báo bằng văn bản ngày bắt đầu xây
dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác cho Ủy ban nhân dân các
cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;
- Ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện
các biện pháp, xây dựng các công trình bảo
vệ môi trường theo quy định;
- Bổ nhiệm và thông báo bằng văn bản về trình độ
chuyên môn, năng lực của Giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản;
- Lập, phê duyệt và nộp thiết kế
mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản (ghi
trong Giấy phép khai thác khoáng sản);
- Các nghĩa vụ
khác theo quy định của pháp luật.
Giấy phép thăm
dò, Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực mà tổ chức, cá nhân vẫn tiến
hành thăm dò, khai thác khoáng sản là hoạt động khoáng sản trái phép; trừ
trường hợp thuộc quy định tại Khoản 2, Điều 17 và Khoản 3, Điều 25 Nghị định số
15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ.
IV.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
1.1. Hằng năm xây
dựng kế hoạch, thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về
khoáng sản của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; tăng cường thanh
tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai
thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý, kiểm điểm hoặc kiến nghị xử
lý, kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
1.2. Tổng hợp dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng
sản chưa khai thác của các huyện, thành phố, thị xã, đề nghị Sở Tài chính thẩm
định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
1.3. Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về
các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; phối hợp với Công an tỉnh, các
sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công
tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép;
là cơ quan thường trực tham mưu cho Ủy ban
nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
với các tỉnh giáp ranh.
2. Sở Công Thương, Sở Xây dựng:
2.1. Rà soát quy
hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy
ban nhân dân tỉnh, trong đó chú ý đến các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động
khoáng sản theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp
trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động
thăm dò, khai thác khoáng sản.
2.2. Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị
trường tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ
khoáng sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý
hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán chi
cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo đề nghị của Sở Tài nguyên và
Môi trường, tổng hợp phương án phân bổ chi ngân sách trình Ủy ban nhân dân
tỉnh xem xét, quyết định.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan
báo chí, phát thanh - truyền hình trên địa bàn tỉnh Yên Bái tăng cường công tác
tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân nắm
rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định
của Luật Khoáng sản và theo Phương án này.
5. Công an tỉnh: Tăng cường phối hợp
với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
ngăn chặn hiệu quả các hoạt động khoáng sản trái phép.
Thường xuyên tuần tra kiểm soát, nhất là những nơi thường xảy ra hiện
tượng khai thác khoáng sản trái phép, bảo đảm an ninh,
trật tự; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, xử
lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, buôn bán, vận
chuyển khoáng sản trái phép.
6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chỉ đạo
các lực lượng liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị
xã trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn các hoạt
động khoáng sản trái phép, nhất là các khu vực khoáng sản ở vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không
tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có
trách nhiệm:
7.1. Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về khoáng sản, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo
dục pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác. Triển khai, quy định rõ trách nhiệm của các Phòng,
ban, đơn vị có liên quan, đặc biệt Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện
Phương án này và Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành
chính của địa phương.
7.2. Xây dựng
Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp
ranh.
7.3. Tổ chức thực hiện các quy định về
bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ khoáng
sản chưa khai thác thuộc thẩm quyền.
7.4. Hàng năm lập dự toán chi
cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý.
7.5. Chỉ đạo, tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm
tra, khi phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép phải tổ chức ngay lực lượng giải tỏa, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan
có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm như nội dung Phương án này.
7.6. Hằng năm xây dựng kế hoạch, thực hiện thanh
tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp
xã; tăng cường kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền đối với các đơn vị được cấp
Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; xử lý, kiểm điểm hoặc kiến nghị xử lý,
kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
7.7. Hàng quý báo cáo tình hình quản lý,
hoạt động khoáng sản trên địa bàn về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài
nguyên và Môi trường theo đúng yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
8. Các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò,
Giấy phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong diện tích
được cấp giấy phép; thăm dò khoáng sản theo Đề án thăm dò khoáng sản đã được
phê duyệt và Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng dự án đầu tư đã
được phê duyệt, thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai
thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà
nước có thẩm quyền cấp giấy phép.
9. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có
trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng (kể
cả khoáng sản trong lòng đất). Không được tự ý khai thác khoáng sản
nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản,
như sau:
- Đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng
sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự
án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây
dựng công trình đó. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân
phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch
khai thác tại Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân khai
thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong diện
tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các
công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
10. Cơ quan, tổ
chức lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng
điểm dân cư nông thôn phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh/Bộ
Tài nguyên và Môi trường tùy theo thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản về
các vấn đề liên quan đến khoáng sản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
quy hoạch. Khi trình phê duyệt quy hoạch phải trình kèm theo ý
kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.
11. Các cơ quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
phối hợp tốt với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của pháp
luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và Phương án này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân được
cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân
có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc Phương án này.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và
các cơ quan liên quan lập chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Phương án
này. Trước ngày 10 tháng 01 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân
dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường.
3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn
đốc việc triển khai thực hiện Phương án này, hàng năm tổng hợp, xây dựng Báo
cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh./.