BỘ TÀI
NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
160/QĐ-BTNMT
|
Hà Nội,
ngày 14 tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC CÔNG BỐ KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC
(LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI
BỘ
TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ
Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Nghị
quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất
vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV;
Căn cứ Nghị
định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị
định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Quyết
định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng
12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ
Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 08 tháng
01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông
Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Trên cơ sở
các thông tin, số liệu của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khai
thác, sử dụng tài nguyên nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông Đồng Nai và Bản
tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc của
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia;
Theo đề
nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước.
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Công
bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Đồng Nai, cụ thể như sau:
1. Mục
tiêu công bố: phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực
sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng
lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.
Làm căn cứ
để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài
nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản
1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5
năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên
nước.
2. Nội
dung công bố của Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 4 Điều
41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
3. Kỳ công
bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025).
(Chi tiết Kịch bản nguồn nước kèm theo Quyết định này)
Điều 2.
Trách nhiệm tổ chức, thực hiện
1. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh,
Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài
nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này
theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước
năm 2023 và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
2. Căn cứ
Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước,
nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối
hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên
nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn
và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường
xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra
những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu
đối với nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh
lương thực, an ninh năng lượng.
3. Các Bộ,
ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp
thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập
nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai.
4. Văn
phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và
môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn
nước trên lưu vực sông Đồng Nai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên
và Môi trường.
5. Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước,
Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận chỉ
đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa
phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 của Nghị định số
53/2024/NĐ-CP.
Điều 3.
Hiệu lực thi hành
1. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Chánh
Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục trưởng Tổng cục
Khí tượng Thủy văn, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên
nước quốc gia, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện trưởng Viện Khoa
học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà
nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg CP. Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng;
- UBND các tỉnh, Tp: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh,
Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận;
- Các Sở TN&MT, NN&PTNT, CT, XD: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh: Đồng Nai,
Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh
Thuận và Bình Thuận;
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam, NSMO;
- Báo TN&MT, TT Truyền thông TN&MT;
- Lưu: VT, VP, PC, TNN (10).
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê
Minh Ngân
|
KỊCH BẢN
NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG
ĐỒNG NAI
(Kèm
theo Quyết định số: 160/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 01 năm 2025
của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Kịch bản
nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở quy
định tại Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị
quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất
vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16
tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050[1] và Quy
hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050[2]
; hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ
chứa trên lưu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhận định xu thế
diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước và
thông tin, số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương,
Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các tỉnh:
Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm
Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước
lớn, quan trọng trên lưu vực sông Đồng Nai cung cấp.
Phạm vi
xây dựng kịch bản nguồn nước trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ
cận, được phân chia thành 06 (sáu) tiểu lưu vực sông theo Quy hoạch tổng hợp
lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chi tiết
tại Phụ lục kèm theo Kịch bản nguồn nước). Kỳ công bố Kịch bản được tính
toán, đánh giá trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025).
Nội dung
Kịch bản nguồn nước (lần đầu) thực hiện theo quy định tại khoản
4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, gồm những nội dung chính sau:
I. HIỆN
TRẠNG NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI
1.
Hiện trạng nguồn nước mưa, nước mặt
Tổng lượng
mưa (TLM) thời kỳ từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024 trên lưu vực sông Đồng Nai
phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN)[3]; riêng tháng 7 và
tháng 10, TLM phổ biến cao hơn TBNN từ 30% đến 60%.
Dòng chảy
trung bình thời kỳ từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024 trên các sông, suối trên
lưu vực sông như sau: trên sông Bé cao hơn trung bình thời kỳ (TBTK[4])
từ 3% đến 7%; thượng và trung lưu của sông Đồng Nai thấp hơn TBTK từ 10% đến
27%; hạ lưu sông Đồng Nai xấp xỉ TBTK; sông La Ngà (đến hồ Hàm Thuận) xấp xỉ
TBTK; sông Sài Gòn (đến hồ Dầu Tiếng) cao hơn TBTK khoảng 25%.
2.
Hiện trạng nguồn nước dưới đất
Nước dưới
đất trên lưu vực sông Đồng Nai gồm các tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích
Neogen - Đệ tứ phân bố ở tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai và tiểu vùng sông Sài
Gòn - thượng sông Vàm Cỏ; các tầng chứa nước khe nứt trong các thành tạo trước
Kainozoi và tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng trong các bazan phun trào phân bố
tại các tiểu vùng còn lại của lưu vực sông Đồng Nai.
Trữ lượng
nước dưới đất có thể khai thác trên toàn lưu vực sông Đồng Nai khoảng 7,96
triệu m3/ngày đêm, trong đó khai thác cấp nước tập trung khoảng 1,3
triệu m3/ngày đêm (khoảng 940 công trình cấp nước sinh hoạt với lưu
lượng 760.000 m3/ngày đêm; khoảng 2.000 công trình cấp nước cho sản
xuất với lưu lượng 540.000 m3/ngày đêm).
Các công
trình khai thác nước dưới đất quy mô lớn tập trung chủ yếu tại tiểu vùng hạ lưu
sông Đồng Nai và tiểu vùng sông Sài Gòn - thượng sông Vàm Cỏ trong tầng chứa
nước lỗ hổng qp1, n22 và n21
(TP. Hồ Chí Minh có 08 công trình, lưu lượng 70.480 m3/ngày đêm,
tỉnh Đồng Nai có 03 công trình, lưu lượng 25.500 m3/ngày đêm, tỉnh
Tây Ninh có 04 công trình, lưu lượng 32.750 m3/ngày
đêm). Theo số liệu quan trắc từ năm 2015 đến nay cho thấy chiều sâu mực nước
trong các tầng chứa nước lỗ hổng dao động từ 1,59m đến 20,94m tùy theo từng khu
vực (không vượt quá 40m đối với khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh;
không vượt quá 35 m đối với các thành phố, thị xã khác; không vượt quá 30 m đối
với các khu vực khác) và có xu hướng dâng nhẹ từ 0,15m đến 0,5m/năm, nguyên
nhân chủ yếu là do hoạt động khai thác được kiểm soát chặt chẽ kể từ năm 2020
đến nay.
Đối với
tiểu vùng sông Bé, các tầng chứa nước khe nứt thường có mức độ phong hóa, nứt
nẻ rất khác nhau, nước dưới đất chủ yếu được khai thác ở quy mô nhỏ (tầng j1-2) phục vụ
nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Các tầng chứa nước khe nứt, khe nứt -
lỗ hổng phân bố tại thượng lưu sông Đồng Nai và một số khu vực còn lại thường
có mức độ chứa nước không đồng nhất, chỉ có một số khu vực phân bố tầng chứa
nước bazan có mức độ chứa nước tốt có khai thác nước dưới đất quy mô lớn (Nhà
máy nước Bảo Lộc - Lâm Đồng, lưu lượng 6.400 m3/ngày đêm; Nhà máy nước
Long Khánh - Đồng Nai, lưu lượng 7.000 m3/ngày đêm). Theo số liệu
quan trắc từ năm 2015 đến nay cho thấy chiều sâu mực nước trong các tầng chứa nước
bazan trong khoảng 8,17-48,14m, có biên độ dao động theo mùa lớn và thường “lệch
pha” so với chu kỳ khí tượng, thủy văn khoảng 1,5-2,5 tháng. Mực nước trong
tầng chứa nước bazan kể từ tháng 10/2020 đến nay đều dưới 50m, thấp hơn giới
hạn mực nước khai thác theo quy định (không vượt quá 50m đối với tầng chứa nước
tầng chứa nước trong đá bazan, khe nứt).
3.
Hiện trạng tích nước của các hồ chứa
a) Trên
lưu vực sông Đồng Nai hiện có: khoảng 59 hồ chứa thủy điện, trong đó có 08 hồ
chứa thủy điện lớn có khả năng điều tiết năm và nhiều năm (Đơn Dương, Hàm
Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Thác Mơ, Trị An, Đăk R’Tih); khoảng
578 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 41 hồ thủy lợi có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên,
hồ Dầu Tiếng là hồ chứa lớn nhất có khả năng điều tiết nhiều năm.
b) Hiện
trạng tích trữ của các hồ chứa trên lưu vực
- Tổng
lượng nước tích trữ của 09 hồ lớn, quan trọng trên lưu vực gồm: Đơn Dương, Hàm
Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Thác Mơ, Trị An, Đăk R'Tih (bậc trên)
và Dầu Tiếng tại thời điểm đầu mùa cạn năm 2025 (ngày 01/01/2025) khoảng 8,58
tỷ m3 đạt khoảng 95,4% dung tích toàn bộ, cao hơn trung
bình thời kỳ 2015 - 2024 (TBTK) khoảng 7,1%, trong đó:
+ Thượng
lưu sông Đồng Nai: tổng dung tích trữ của hồ Đơn Dương và Đại Ninh khoảng 0,48
tỷ m3, đạt 99,6% dung tích toàn bộ, cao hơn TBTK khoảng 9,6%;
+ Trung
lưu sông Đồng Nai và La Ngà: tổng dung tích trữ của 5 hồ Hàm Thuận, Đồng Nai 2,
Đồng Nai 3, Trị An và Đăk R'Tih (bậc trên) khoảng 5,5 tỷ m3, đạt
99,2% dung tích toàn bộ, cao hơn TBTK khoảng 10,1%;
+ Trên
sông Bé: dung tích của hồ Thác Mơ đã tích được khoảng 1,15 tỷ m3 đạt
khoảng 84,8% dung tích toàn bộ, cao hơn TBTK khoảng 3,1%;
+ Trên
sông Sài Gòn: dung tích của hồ Dầu Tiếng đã tích được khoảng 1,42 tỷ m3 đạt 90%
dung tích toàn bộ, thấp hơn TBTK khoảng 1,1%.
Bảng 1. Lượng nước tích trữ tại 9 hồ chứa lớn (ngày
01/01/2025)
STT
|
Tên hồ chứa
|
MNDBT (m)
|
Mực nước hồ (m) (01/01/2025)
|
Dung tích hồ (triệu m3)
|
Dung tích toàn bộ
|
Dung tích ngày 01/01/2025
|
TB giai đoạn (2015-2024)
|
I
|
Thượng lưu sông Đồng Nai
|
|
|
484,8
|
482,7
|
440,4
|
1
|
Đơn Dương
|
1.042
|
1.042
|
165,0
|
165,0
|
163,0
|
2
|
Đại Ninh
|
880
|
879,88
|
319,8
|
317,7
|
277,4
|
II
|
Trung lưu sông Đồng Nai và La Ngà
|
|
|
5.567,9
|
5.523,0
|
5.018,1
|
3
|
Đồng Nai 2
|
680
|
679,91
|
281,0
|
279,8
|
244,2
|
4
|
Đồng Nai 3
|
590
|
589,44
|
1.690,1
|
1.660,7
|
1.599,9
|
5
|
Hàm Thuận
|
618
|
617,87
|
137,1
|
135,8
|
122,0
|
6
|
Đắk R'Tih
|
605
|
604,96
|
695,0
|
694,3
|
639,6
|
7
|
Trị An
|
62
|
61,96
|
2.764,7
|
2.752,4
|
2.412,4
|
III
|
Sông Bé
|
|
|
1.360,0
|
1.153,6
|
1.119,2
|
8
|
Thác Mơ
|
218
|
216,06
|
1.360,0
|
1.153,6
|
1.119,2
|
IV
|
Sông Sài Gòn
|
|
|
1.580,0
|
1.420,0
|
1.435,5
|
9
|
Dầu Tiếng
|
24,4
|
23,67
|
1.580,0
|
1.420,0
|
1.435,5
|
|
Tổng
|
|
|
8.992,7
|
8.579,4
|
8.013,1
|
- Ngoài ra,
trên lưu vực sông Đồng Nai và phụ cận còn có khoảng 40 hồ chứa thủy lợi có dung
tích từ 3 triệu m3 trở lên, tổng dung tích toàn bộ khoảng
828,5 triệu m3. Trong đó, vùng thượng lưu sông Đồng Nai có 09 hồ
chứa với tổng dung tích khoảng 104,5 triệu m3; vùng hạ lưu sông Đồng
Nai có 04 hồ chứa với tổng dung tích khoảng 50 triệu m3; vùng sông
Bé có 04 hồ chứa với tổng dung tích khoảng 54 triệu m3; vùng sông La
Ngà có 05 hồ chứa với tổng dung tích khoảng 75 triệu m3; vùng sông
Sài Gòn và thượng Vàm Cỏ có 02 hồ chứa với tổng dung tích khoảng 35 triệu m3;
vùng phụ cận ven biển có 16 hồ chứa với tổng dung tích khoảng 510 triệu m3.
Tính đến
đầu tháng 01/2025, tổng dung tích trữ của các hồ chứa thuỷ lợi cơ bản đạt trên
80% so với dung tích thiết kế, một số hồ chứa lớn như Sông Ray (lưu vực sông
Ray) đạt 81%, hồ Sông Lũy (lưu vực sông Lũy) đạt 100%, hồ Sông Quao (lưu vực
sông Cái Phan Thiết) đạt 98%, hồ Đá Đen (lưu vực sông Dinh) đạt 97%, hồ Cầu Mới
tuyến VI (lưu vực suối Cái) đạt 85%, hồ Đạ Tẻh (lưu vực sông Đạ Tẻh) và hồ
Tuyền Lâm (lưu vực suối Tía) đạt 100%... (trừ hồ Suối Đá, tỉnh Bình Thuận hiện
mới tích được khoảng 66% dung tích thiết kế).
II. DỰ BÁO
XU THẾ DIỄN BIẾN MƯA, DÒNG CHẢY, LƯỢNG NƯỚC TÍCH TRỮ TRONG CÁC HỒ CHỨA NƯỚC
LỚN, QUAN TRỌNG; MỰC NƯỚC TRONG CÁC TẦNG CHỨA NƯỚC TRONG KỲ CÔNG BỐ KỊCH BẢN
NGUỒN NƯỚC
1. Hiện
tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước
biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương. Dự báo trong 06 tháng đầu năm
2025, ENSO tiếp tục có khả năng ở trạng thái trung tính.
Nhiệt độ
trong các tháng phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng kỳ. Từ tháng 01/2025, nắng
nóng có khả năng xuất hiện cục bộ tại tỉnh Đồng Nai, tháng 02/2025 nắng nóng có
khả năng xuất hiện mở rộng ra các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…;
từ khoảng cuối tháng 3 đến tháng 5/2025 nắng nóng xuất hiện trên diện rộng ở
khu vực Đông Nam Bộ. Cường độ nắng nóng xấp xỉ TBNN cùng kỳ.
2. Tổng
lượng mưa trên lưu vực sông Đồng Nai: từ tháng 01 đến tháng 3/2025 có khả năng
cao hơn TBNN từ 5mm đến 15mm; từ tháng 4 đến tháng 6/2025 nhận định phổ biến
xấp xỉ TBNN, có nơi thấp hơn từ 5% đến 15% so với TBNN.
3. Nhận
định xu thế diễn biến dòng chảy các tháng mùa cạn trên các sông như sau:
- Trên
sông Bé (đến hồ thủy điện Thác Mơ) có khả năng thấp hơn TBTK từ 5% đến 10%;
- Trên các
sông, suối thượng lưu sông Đồng Nai có khả năng thấp hơn TBTK từ 10% đến 15%;
- Trung và
hạ lưu sông Đồng Nai có khả năng ở mức cao hơn TBTK từ 5% đến 10%;
- Trên
sông La Ngà (đến hồ Hàm Thuận) có khả năng thấp hơn TBTK từ 15% đến 25%;
- Trên
sông Sài Gòn (đến hồ Dầu Tiếng) có khả năng ở mức xấp xỉ TBTK.
4. Mực
nước trong các tầng chứa nước dưới đất
Kết quả
quan trắc mực nước tại 116 giếng khoan thuộc mạng quan trắc nước dưới đất quốc
gia trên lưu vực sông Đồng Nai (thời kỳ 2015-2024) cho thấy xu thế mực nước
trong các tầng chứa nước chính các tháng mùa cạn (từ tháng 01 đến tháng 6/2025)
như sau:
- Các tầng
chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Neogen - Đệ tứ tại tiểu vùng hạ lưu sông Đồng
Nai và tiểu vùng sông Sài Gòn - thượng sông Vàm Cỏ, mực nước dưới đất trung
bình dao động trong khoảng từ 5,55m đến 7,27m (n22 ), từ
10,14m đến 12,44m (n21) và có xu hướng dâng nhẹ so với
TBNN, trong đó tăng khoảng 0,15 m/năm đối với tầng chứa nước n22,
tăng khoảng 0,5 m/năm đối với tầng chứa nước n21 (hình
1).
Hình
1. Diễn biến và xu thế mực nước trong các TCN lỗ hổng (n22,
n21) tại tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai và tiểu vùng sông
Sài Gòn - thượng sông Vàm Cỏ
- Các tầng
chứa nước khe nứt, khe nứt-lỗ hổng trong thành tạo trước Kainozoi và trong
bazan phân bố tại các khu vực còn lại của lưu vực sông Đồng Nai, mực nước dưới
đất trung bình dao động trong khoảng từ 16,77m đến 21,4m (β(n2-qp)) và
có xu hướng dâng, hạ không đáng kể so với TBNN tùy vị trí quan trắc.
III. NHU
CẦU KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC CỦA CÁC NGÀNH TRONG KỲ CÔNG BỐ KỊCH BẢN
Tổng nhu
cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông
Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2025 vào khoảng 6,48 tỷ m3. Trong đó,
vùng hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là khu vực có nhu cầu khai thác, sử
dụng nước lớn nhất: lưu vực thượng lưu sông Đồng Nai khoảng 1,15 tỷ m3;
lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai khoảng 1,22 tỷ m3; lưu vực sông Bé khoảng
0,3 tỷ m3; lưu vực sông La Ngà khoảng 0,39 tỷ m3; lưu vực
sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ khoảng 2,19 tỷ m3; lưu vực phụ cận ven
biển khoảng 1,23 tỷ m3.
Nhu cầu
nước của một số ngành sử dụng nước chính trên lưu vực như sau:
1. Nhu cầu
cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp
Tổng nhu
cầu khai thác, sử dụng nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp trong mùa cạn năm
2025 trên lưu vực khoảng 2,53 tỷ m3. Tổng số công trình cấp nước
sinh hoạt (với lưu lượng khai thác từ 5.000 m3/ngày đêm đối với khai
thác nước mặt và từ 1.000 m3/ngày đêm đối với khai thác nước dưới
đất) là 323 công trình, với tổng lượng nước khai thác khoảng 1,8 tỷ m3,
trong đó:
- 96 công
trình khai thác nước mặt (chủ yếu khai thác trên các sông Đồng Nai, sông Sài
Gòn) với tổng lượng khai thác khoảng 1,64 tỷ m3. Trong đó, các công
trình khai thác lớn chủ yếu tập trung ở hạ lưu sông Đồng Nai, sông Đồng Tranh, Rạch
Mương như: nhà máy nước Thủ Đức, B.O.O Thủ Đức, Tân Hiệp,...
- 227 công
trình khai thác nước dưới đất (chủ yếu khai thác trong các tầng chứa nước n21 , n22 ) với tổng
lượng khai thác khoảng 0,16 tỷ m3 . Trong đó, các công trình khai
thác lớn chủ yếu tập trung ở hạ lưu sông Đồng Nai, Sài Gòn như: các trạm cấp
nước của Xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn huyện Bình Chánh; các nhà máy
nước Tuy Hạ, Phú Mỹ, Bình Hưng, Tân Phú; khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, Nhơn
Trạch 5.
2. Nhu cầu
nước cho nông nghiệp
Tổng nhu
cầu khai thác, sử dụng nước cho nông nghiệp từ tháng 01 đến tháng 6/2025 vào khoảng
3,62 tỷ m3. Lượng nước cấp cho tưới vụ Đông Xuân và Hè Thu từ các hồ
chứa lớn những năm gần đây có xu thế giảm, trong đó nhu cầu cấp nước tưới vụ
Đông Xuân và Hè Thu năm 2025 của một số hồ như sau: hồ Dầu Tiếng khoảng 1,1 tỷ m3 (giảm
32,8% so với trung bình thời kỳ 2015-2024, giảm 62,5% so với năm 2024); hồ Sông
Quao khoảng 0,056 tỷ m3 (tương đương trung
bình thời kỳ 2015-2024, giảm 23% so với năm 2024); hồ Cầu Mới khoảng 0,016 tỷ m3 (giảm 41%
so với trung bình thời kỳ 2015-2024, giảm 13% so với năm 2024)…
3. Nhu cầu
nước cho sản xuất thuỷ điện
Nhu cầu
nước phục vụ sản xuất thuỷ điện (của 08 hồ chứa thuỷ điện lớn trên lưu vực) từ
tháng 01 đến tháng 6/2025 khoảng 11,35 tỷ m3 (tương
đương sản lượng điện 2.664 triệu kWh), thấp hơn khoảng 10% so với TBTK (2.964
triệu kWh), xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, sản lượng điện (thủy
điện) trong các tháng 3, 4, 5 năm 2025 dự kiến khoảng 1.362 triệu kWh, thấp hơn
18,7% so với trung bình thời kỳ 2015-2024, thấp hơn 12,6% cùng kỳ của năm 2024.
IV. TRẠNG
THÁI CỦA NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI
Trên cơ sở
thông tin, số liệu về hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của 09 hồ
chứa lớn, quan trọng; 40 hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 03 triệu m3 trở lên;
nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong các TCN; dự báo khí tượng, thủy
văn trên các lưu vực sông[5] thì nhận
định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai trong mùa cạn năm 2025 ở “Trạng
thái bình thường”. Để đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn nước cấp cho
sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp, các nhu cầu sử dụng nước khác
và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng
lượng[6] nhằm giảm
thiểu rủi ro khả năng thiếu nước do việc khai thác, sử dụng nước không hiệu
quả, lãng phí. Việc tính toán, đánh giá theo các vùng, các nguồn nước,
cụ thể như sau:
- Mức độ
đáp ứng của 09 hồ chứa lớn trên lưu vực (Đơn Dương, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng
Nai 2, Đồng Nai 3, Thác Mơ, Trị An, Đăk R'Tih và Dầu Tiếng) cho các nhu cầu
khai thác, sử dụng nước (sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ
điện, yêu cầu đẩy mặn...).
- Mức độ
đáp ứng của các hồ chứa thủy lợi và mức độ đáp ứng của nguồn nước các tiểu lưu
vực sông (tiểu vùng) nằm ngoài phạm vi điều tiết cấp nước của các hồ chứa nước
lớn trên các tiểu vùng thượng lưu sông Đồng Nai, hạ lưu sông Đồng Nai, sông Sài
Gòn - thượng Vàm Cỏ, sông Bé, sông La Ngà và Phụ cận ven biển cho các nhu cầu
sử dụng nước.
1.
Đối với 09 hồ chứa lớn trên lưu vực
1.1. Đối
với 02 hồ chứa Đơn Dương và Đại Ninh
- Đối với
hồ Đơn Dương: nhu cầu khai thác, sử dụng nước từ hồ Đơn Dương để phục vụ phát
điện và bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp (phía
tỉnh Ninh Thuận) trong các tháng mùa cạn từ tháng 01/2025 đến tháng 7/2025 khoảng
0,66 tỷ m3 (tương đương sản lượng điện khoảng
578,5 triệu kWh), thấp hơn trung bình thời kỳ 2015-2024 khoảng 15%; đồng thời
lượng nước duy trì dòng chảy tối thiểu về đoạn sông Đa Nhim (thượng lưu sông
Đồng Nai) phía hạ lưu đập Đơn Dương khoảng 24,6 triệu m3.
Hình
2. Nhận định xu thế diễn biến dung tích hồ Đơn Dương
- Đối với
hồ Đại Ninh: nhu cầu khai thác, sử dụng nước từ hồ Đại Ninh để phục vụ phát
điện và bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp (phía
tỉnh Bình Thuận) trong các tháng mùa cạn từ tháng 01/2025 đến ngày tháng 7/2025
khoảng 0,68 tỷ m3 (tương đương sản lượng điện khoảng 501
triệu kwh), thấp hơn trung bình thời kỳ 2015-2024 khoảng 11%; đồng thời lượng
nước duy trì dòng chảy tối thiểu về đoạn sông Đồng Nai phía hạ lưu đập Đại Ninh
khoảng từ 12,8 triệu m3 đến 27,5 triệu m3.
Hình
3: Nhận định xu thế diễn biến dung tích hồ Đại Ninh
Như vậy, nguồn nước
của hồ Đơn Dương, Đại Ninh cơ bản đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nước của hồ
trong giai đoạn từ tháng 01/2025 đến cuối mùa cạn năm 2025. Tuy nhiên, trường
hợp có gia tăng phát điện, cấp nước về hạ du sông Lũy thì nguồn nước hồ
Đại Ninh có nguy cơ thiếu hụt vào tháng 7/2025. Vì vậy, cần rà soát các
nhu cầu sử dụng nước của hồ Đại Ninh để bảo đảm việc cấp nước trong suốt thời
gian mùa cạn năm 2025, đồng thời có dự phòng xả gia tăng về hạ du đập Đại Ninh
trong trường hợp các xã Tân Hội, Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng xảy
ra hạn hán, thiếu nước và khi có nhu cầu xả nước gia tăng phục vụ lễ hội và du
lịch của thác Pongour.
1.2. Đối
với hồ chứa Thác Mơ và Dầu Tiếng
- Đối với
hồ Thác Mơ: nhu cầu khai thác, sử dụng nước từ hồ Thác Mơ để bảo đảm yêu cầu
phát điện và cấp nước cho hạ du sông Bé, sông Đồng Nai trong các tháng mùa cạn
từ ngày 01/01/2025 đến ngày 30/6/2025 dự kiến khoảng 2,83 tỷ m3 (tương
đương sản lượng điện khoảng 311,9 triệu kWh), xấp xỉ TBTK, cao hơn khoảng 12%
so với năm 2024.
Hình
4: Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích hồ Thác Mơ
Nhu cầu
khai thác, sử dụng nước từ hồ chứa Thác Mơ cơ bản được đáp ứng trong giai đoạn
từ tháng 01/2025 đến khoảng cuối tháng 5/2025 nhưng dung tích của hồ chứa có xu
thế giảm xuống dưới vùng cảnh báo thiếu nước vào cuối mùa cạn (tháng 6/2025).
- Đối với
hồ Dầu Tiếng: nhu cầu nước cấp từ hồ Dầu Tiếng để bảo đảm cho nông nghiệp, sinh
hoạt, công nghiệp, phát điện trong vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2025 khoảng 1,1
tỷ m3 (giảm 32,8% so với TBTK, giảm 62,5% so với
năm 2024).
Hình
5: Nhận định xu thế diễn biến dung tích hồ Dầu Tiếng
Nguồn nước
của hồ Dầu Tiếng cơ bản đáp ứng đủ cho các nhu cầu sử dụng nước trong giai đoạn
từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành hồ Dầu
Tiếng cấp nước cho các nhu cầu thuộc nhiệm vụ của công trình, chuyển nước sang
sông Vàm Cỏ và xả nước qua đập tràn về hạ lưu sông Sài Gòn phục vụ đẩy mặn cho
trạm bơm Hòa Phú (khai thác nước sông Sài Gòn để cấp nước cho Nhà máy nước Tân
Hiệp) cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương hạ du để khai thác nguồn nước
hiệu quả, hạn chế thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Như vậy, với hiện
trạng và nhận định xu thế diễn biến nguồn nước trên sông Bé (đến hồ Thác Mơ) và
sông Sài Gòn (đến hồ Dầu Tiếng) thì cần rà soát, điều chỉnh nhu cầu khai thác,
sử dụng nước của hồ chứa Thác Mơ (nhu cầu khai thác nước phục vụ phát điện của
Nhà máy thuỷ điện Thác Mơ và Nhà máy Thác Mơ mở rộng) và các hồ chứa phía hạ
lưu (Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Phước Hòa), bảo đảm phù hợp với trạng thái nguồn
nước, xu thế diễn biến nguồn nước hồ Thác Mơ, giảm thiểu tình trạng thiếu nước
vào cuối mùa cạn.
Đồng thời,
việc duy trì lưu lượng xả về hạ lưu sông Bé sau đập Phước Hòa bảo đảm tuân thủ
theo đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng
Nai[7].
Khi nguồn nước đến hồ Thác Mơ có xu thế thiếu hụt và phải hạn chế lượng nước xả
về hạ du thì ưu tiên bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập Phước Hòa theo
quy định và hạn chế lượng nước lấy vào kênh chuyển nước để bảo đảm hài hoà lợi
ích trong khai thác, sử dụng nguồn nước sông Bé.
1.3. Đối
với các hồ Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đăk R’Tih, Hàm Thuận, Trị An
Các hồ
chứa Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đăk R’Tih, Hàm Thuận, Trị An ngoài nhiệm vụ bảo
đảm nhu cầu nước phục vụ phát điện theo kế hoạch và yêu cầu sử dụng nước phục
vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt ở hạ du từng hồ còn phải phối hợp với hồ Trị
An để bảo đảm yêu cầu đẩy mặn, cấp nước cho cho sinh hoạt, sản xuất nông
nghiệp, đặc biệt là các nhà máy nước khai thác ở hạ lưu sông Đồng Nai.
Tổng nhu
cầu nước phục vụ phát điện và cấp nước hạ du của các hồ nêu trên trong các
tháng mùa cạn từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025 khoảng 7,09 tỷ m3,
thấp hơn so với TBTK khoảng 12%.
Mức độ đáp
ứng của cụm 05 hồ chứa được đánh giá theo các trường hợp khai thác, sử dụng
nước như sau:
1.3.1.
Trường hợp 1: nhu cầu nước phục vụ phát điện (từ tháng 01/2025 đến
tháng 6/2025) theo nhu cầu dự kiến, thấp hơn khoảng 12% so với TBTK.
Hình
6: Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 05 hồ chứa Đồng Nai 2, Đồng Nai 3,
Đắk R’Tih, Hàm Thuận, Trị An (đối với trường hợp 1).
1.3.2.
Trường hợp 2: Nhu cầu nước phục vụ phát điện từ tháng 01/2025 đến tháng
6/2025 có xem xét gia tăng phát điện trong thời kỳ nắng nóng cao điểm, xảy ra
diện rộng toàn vùng (mức độ gia tăng so với dự kiến trung bình khoảng 10%).
Hình
7: Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 05 hồ chứa Đồng Nai 2, Đồng Nai 3,
Đắk R’Tih, Hàm Thuận, Trị An (đối với trường hợp 2)
Như vậy, mặc dù về
tổng thể thì nguồn nước của các hồ chứa cơ bản đáp ứng được các nhu cầu sử dụng
nước ở hạ du, kể cả trường hợp nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao trong
các tháng có nguy cơ xảy ra nắng nóng diện rộng (các tháng 3, 4, 5/2025) và xảy
ra thiếu hụt các nguồn điện khác (hồ Đồng Nai 3 có khả năng thiếu nước trong
các tháng cuối mùa cạn năm 2025).
2.
Đối với các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông
Trên cơ sở
tính toán, dự báo mưa, dòng chảy, nhu cầu sử dụng nước và hiện trạng, quy hoạch
các công trình khai thác, sử dụng nước trên các vùng, tiểu lưu vực thuộc 6 vùng
quy hoạch[8], nguồn nước cơ bản ở trạng thái
bình thường, khả năng không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước diện
rộng trên các lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, Bé, La Ngà và vùng phụ cận
ven biển.
Tuy nhiên,
một số vùng, tiểu lưu vực vẫn còn có nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước
mang tính cục bộ, bên cạnh nguyên nhân thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy thì
nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là
năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ
thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc thiếu nước tại các khu
vực này ảnh hưởng chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của
người dân.
2.1.
Thượng lưu sông Đồng Nai và hạ lưu sông Đồng Nai
Hiện nay
toàn vùng (gồm cả thượng lưu và hạ lưu sông Đồng Nai) có khoảng 326 hồ chứa
thuỷ lợi (trong đó có 13 hồ chứa có dung tích từ 03 triệu m3 trở lên)
và quy hoạch khoảng 120 hồ chứa. Tính đến thời điểm đầu mùa cạn năm 2025, hầu
hết các hồ có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã
tích được trên 85% so với dung tích thiết kế và có khả năng đáp ứng các nhu cầu
sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước.
Tuy nhiên,
một số địa phương ở khu vực không có công trình thủy lợi có khả năng sẽ thiếu
hụt nguồn nước trong tháng 4, 5/2025 do thiếu hụt lượng mưa, trong đó, một số
khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt như: xã
Tân Thành, Tân Hội, huyện Đức Trọng và một số khu vực thuộc huyện Lâm Hà, Đạ
Hoai, Di Linh, tỉnh Lâm Đồng (thuộc các tiểu lưu vực sông Đa Dâng và
khu giữa hạ lưu thủy điện Đa Dâng 3 và Đồng Nai 2).
2.2. Lưu
vực sông Bé
Toàn vùng
hiện có khoảng 118 hồ chứa thuỷ lợi (trong đó có 4 hồ chứa có dung tích từ 03
triệu m3 trở lên) và quy hoạch khoảng 16 hồ chứa. Tính
đến thời điểm đầu mùa cạn năm 2025, hầu hết các hồ có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã
tích được trên 100% so với dung tích thiết kế và có khả năng đáp ứng các nhu
cầu sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước.
Tuy nhiên,
một số địa phương ở khu vực không có công trình thủy lợi có khả năng sẽ thiếu
hụt nguồn nước trong tháng 5/2025 do thiếu hụt lượng mưa và nguồn nước dưới đất
suy giảm, trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho mục
đích sinh hoạt cục bộ như tại một số khu vực của các huyện Đồng Phú, Bù
Gia Mập, Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và các xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, xã An
Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
2.3. Lưu
vực sông La Ngà
Hiện nay
toàn vùng có khoảng 52 hồ chứa thuỷ lợi trong đó có 5 hồ chứa có dung tích từ
03 triệu m3 trở lên và quy hoạch khoảng 33 hồ
chứa. Tính đến thời điểm đầu mùa cạn năm 2025, hầu hết các hồ có dung tích từ 3
triệu m3 trở lên đã tích được trên 96% so với dung
tích thiết kế và có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước thuộc phạm vi cấp
nước.
Tuy nhiên,
một số địa phương ở khu vực không có công trình thủy lợi có khả năng sẽ thiếu
hụt nguồn nước trong tháng 5/2025, trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy
ra thiếu nước cấp cho nông nghiệp do thiếu hụt lượng mưa và thiếu công trình
tích trữ nước như tại một số khu vực của các huyện: Di Linh, Bảo Lâm,
tỉnh Lâm Đồng.
2.4. Lưu
vực sông Sài Gòn-thượng Vàm Cỏ
Toàn vùng
hiện có khoảng 29 hồ chứa thuỷ lợi (trong đó có 2 hồ chứa có dung tích từ 03
triệu m3 trở lên) và quy hoạch khoảng 4 hồ chứa. Tính
đến thời điểm đầu mùa cạn năm 2025, hầu hết các hồ đã tích được 100% so với
dung tích thiết kế và có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước thuộc phạm
vi cấp nước. Ngoài ra, hồ thủy lợi Dầu Tiếng đóng vai trò điều tiết nước chính
trong vùng hiện đã tích được 90% so với dung tích thiết kế, đáp ứng được nhu
cầu nước cho hạ du và vùng lân cận. Do đó, về cơ bản trên lưu vực không có nguy
cơ xảy ra thiếu nước.
2.5. Vùng
phụ cận ven biển
Toàn vùng
hiện có khoảng 53 hồ chứa thuỷ lợi (trong đó có 16 hồ chứa có dung tích từ 03
triệu m3 trở lên) và quy hoạch khoảng 38 hồ chứa. Tính
đến thời điểm đầu mùa cạn năm 2025, hầu hết các hồ có dung tích từ 03 triệu m3 trở lên đã
tích nước đạt từ 84% đến 100% so với dung tích thiết kế, chỉ có hồ Suối Đá
(thuộc tiểu lưu vực sông Quao) mới đạt 65,8% và hồ Gia Hoét 1 (thuộc tiểu lưu
vực sông Ray) đạt 75,6% so với dung tích thiết kế.
Một số khu
vực thuộc phạm vi cấp nước của hồ Suối Đá, Gia Hoét 1 và các khu vực không có
công trình thủy lợi có khả năng sẽ thiếu hụt nguồn nước trong tháng 4, 5/2025,
trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho sản xuất nông
nghiệp và sinh hoạt do thiếu hụt lượng mưa và thiếu công trình tích trữ nước
như: các xã Hồng Sơn, Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, một số xã thuộc
huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và các xã Quảng Thành, Bình Trung, huyện Châu
Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
V. KẾT
LUẬN, KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở
kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng,
thủy văn trên lưu vực sông Đồng Nai, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn
nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công
nghiệp và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an
ninh năng lượng trong kỳ công bố kịch bản, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa
lớn, quan trọng, nguồn nước trên các tiểu vùng, tiểu lưu vực sông, vùng quy hoạch
cơ bản ở Trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai
thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành kinh tế,
bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực trong kỳ công bố
kịch bản vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn nước (lượng nước và chất lượng
nước) cấp cho các mục đích nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu
quả.
- Chất
lượng nguồn nước mặt hạ lưu các sông Đồng Nai, Sài Gòn chịu ảnh hưởng lớn bởi
các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, xả nước thải vào nguồn nước và xâm
nhập mặn nguy cơ mất an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Diễn biến xâm nhập
mặn khu vực hạ lưu sông Đồng Nai, Sài Gòn ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến
việc khai thác nước của các nhà máy nước lớn (như Nhà máy nước Tân Hiệp, Bình An,
Thủ Đức,...).
- Thiếu
nước cục bộ vẫn có khả năng xảy ra ở một số xã, huyện thuộc các tỉnh Lâm Đồng,
Đắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận, Bình Dương nguyên nhân chính là do
thiếu các công trình khai thác nước, công trình, hệ thống công trình thủy lợi.
Để giảm
thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo cấp nước
cho sinh hoạt trên lưu vực sông Đồng Nai trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và
Môi trường đề nghị:
1. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân
các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, TP.
Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn được giao, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài
nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành,
lĩnh vực và địa phương[9]. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước
phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự
phòng nguy cơ xảy ra thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
2. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổ
chức, chỉ đạo, đôc đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các
hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công
trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, và bảo
đảm lưu thông dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
b) Chỉ đạo
đơn vị quản lý vận hành hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà giám sát chặt
chẽ việc khai thác nguồn nước hồ Dầu Tiếng phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp
và các mục đích khác, đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí nước. Đồng thời, chỉ
đạo việc phối hợp trong vận hành xả nước phục vụ đẩy mặn, nâng cao khả năng lấy
nước cho các công trình cấp nước sinh hoạt quan trọng ở hạ lưu sông Sài Gòn và
sông Vàm Cỏ.
3. Bộ Công
Thương: chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống
điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy
điện đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du các hồ chứa, tạo thuận lợi cho vận hành công
trình thủy lợi lấy nước và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện trên cơ sở
tuân thủ quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng
Nai. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thuỷ
điện trên lưu vực sông bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng của nguồn nước
và bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du đến cuối mùa cạn năm 2025.
4. Bộ Xây
dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình
Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận
và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo cấp nước sinh hoạt
cho người dân và cấp nước cho sản xuất ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu công
nghệ cao.
5. Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình
Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu
a) Rà
soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình
vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết
kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông dòng chảy, không gây ứ đọng, ô
nhiễm nguồn nước.
b) Xây
dựng các công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy
hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các tiểu vùng có
nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước (vùng thượng sông Đồng Nai thuộc tỉnh
Lâm Đồng, vùng lưu vực sông La Ngà thuộc tỉnh Bình Thuận, vùng phụ cận ven biển
thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận).
c) Giám
sát chặt chẽ việc khai thác nguồn nước các hồ chứa thuỷ lợi, hệ thống công
trình thuỷ lợi, đặc biệt là các hệ thống thuỷ lợi như: Dầu Tiếng - Phước Hoà,
Cầu Mới tuyến V và VI, Sông Ray, Đá Đen, Sông Quao, …phục vụ cấp nước cho sản
xuất nông nghiệp và các mục đích khác, đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí nước.
d) Kiểm
soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước hồ Dầu Tiếng, Phước Hoà, Trị An
và hạ lưu sông Sài Gòn (khu vực huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh và Tp. Bến Cát,
tỉnh Bình Dương), hạ lưu sông Đồng Nai (khu vực Tp. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai).
Đồng thời,
khẩn trương xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy
nước sinh hoạt của các nhà máy nước khai thác nguồn nước mặt cấp nước cho sinh
hoạt, đặc biệt tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.
đ) Tổ chức
chỉ đạo khai thác nước mặt, nước dưới đất theo hình thức kết hợp hoặc luân
phiên; chỉ đạo đầu tư mở rộng hoặc xây mới các nhà máy nước theo kế hoạch phát
triển cấp nước của địa phương.
6. Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo thực hiện
các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, trong đó:
a) Chỉ đạo
theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn trên các sông để xây dựng kế hoạch
khai thác nước sông Đồng Nai, Sài Gòn phục vụ cấp nước cho sinh hoạt phù hợp
với diễn biến xâm nhập mặn và chế độ điều tiết nước của các hồ chứa thượng lưu.
b) Chỉ đạo
xây dựng phương án, giải pháp cấp nước an toàn cho các nhà máy nước, đặc biệt
là các nhà máy cấp nước lớn khai thác nguồn nước hạ lưu sông Đồng Nai và sông
Sài Gòn. Về lâu dài, nghiên cứu, đầu tư giải pháp khai thác nước trực tiếp từ
các hồ thuỷ lợi, hệ thống công trình thuỷ lợi để cấp nước cho sinh hoạt, giảm
dần việc khai thác nước trực tiếp trên đoạn hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai.
c) Khẩn
trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô, công suất và lộ
trình điều chỉnh quy hoạch các nhà máy nước (nếu cần thiết) trong trường hợp
các nhà máy nước mặt, mạng lưới cấp nước không đảm bảo tiến độ để cấp nước liên
tục, ổn định cho nhân dân.
7. Ủy ban
nhân dân tỉnh Lâm Đồng:
a) Kiểm
soát các hoạt động kinh tế - xã hội khu vực thượng lưu các hồ chứa có chức năng
cấp nước cho sinh hoạt, đặc biệt là lưu vực hồ Đan Kia để bảo đảm an toàn cấp
nước sinh hoạt của thành phố Đà Lạt.
b) Chỉ đạo
rà soát, đánh giá tổng thể các nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất
nông nghiệp, du lịch, lễ hội, duy trì cảnh quan sinh thái khu vực hạ lưu đập
Đơn Dương, Đại Ninh, làm cơ sở chỉ đạo việc vận hành các hồ Đơn Dương, Đại Ninh
xả nước về hạ du khi xảy ra hạn hán, thiếu nước hoặc khi có yêu cầu gia tăng
cấp nước, đặc biệt là khu vực thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, thác Pongour và
xã Tân Hội, Tân Thành, huyện Đức Trọng.
8. Ủy ban
nhân dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận:
Chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp,
kế hoạch sử dụng nước phù hợp với khả năng và xu thế diễn biến nguồn nước các
hồ chứa thuỷ điện Đơn Dương, Đại Ninh, Hàm Thuận - Đa Mi, giảm thiểu áp lực đối
với việc vận hành của hồ chứa thuỷ điện
Đối với Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Thuận: Sớm hoàn thiện hệ thống kênh dẫn nước từ hồ đập
dâng Tà Pao đến các khu tưới để bảo đảm cấp nước cho khu vực Tánh Linh, Đức
Linh, tỉnh Bình Thuận theo nhiệm vụ được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh quy
trình vận hành hồ chứa nước Sông Lũy và hệ thống thuỷ lợi Phan Rí - Phan Thiết,
Châu Tá - 812 để chủ động, nâng cao hiệu quả điều tiết cấp nước cấp cho hạ du.
9. Đối với
việc khai thác nguồn nước dưới đất: tổng lượng khai thác nước dưới đất trên lưu
vực sông Đồng Nai chỉ chiếm khoảng 16,3% so với lượng nước có thể khai thác và
những năm gần đây mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước đang được kiểm
soát ổn định và có xu hướng tăng nhẹ. Vì vậy, nguồn nước dưới đất vẫn đảm bảo
khả năng đáp ứng để khai thác, phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã
hội và có thể gia tăng công suất khai thác đối với các công trình tại một số
khu vực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương nhưng cần kiểm soát
chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất thông qua các hoạt động khoanh định vùng
cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, đăng ký, kê khai, cấp phép theo quy
định để đảm bảo không gây hạ thấp mực nước quá mức, gia tăng sụt lún mặt đất,
xâm nhập mặn.
Đồng thời
với xu thế mực nước đang dâng lên trong các tầng chứa nước và nhằm bảo đảm an
ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, cá nhân trong việc khai thác nước dưới đất thì đề nghị các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương trên lưu vực sông Đồng Nai khẩn trương rà soát, phê
duyệt kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, trong đó sớm đưa ra khỏi Danh mục vùng
cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các khu vực, các tầng chứa
nước mà mực nước dưới đất đã phục hồi, nhất là đối với Thành phố Hồ Chí
Minh, các tỉnh Đồng Nai và Long An.
Ngoài ra,
đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham
mưu thực hiện Văn bản số 3201/BTNMT-TNN ngày 20/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi
trường gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai
việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
PHỤ LỤC
PHẠM VI XÂY DỰNG KỊCH
BẢN
(Kèm theo
Quyết định số: 160/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Phần diện
tích lưu vực sông Đồng Nai thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm 6 tiểu vùng quy hoạch[10]
: Thượng lưu sông Đồng Nai, Hạ lưu sông Đồng Nai, Sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ,
Sông Bé, Sông La Ngà, Phụ cận ven biển tương đương với 10 tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình
Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sơ
đồ phạm vi xây dựng kịch bản lưu vực sông Đồng Nai
TT
|
Tên vùng
|
Phạm vi hành chính (tỉnh/huyện)
|
Diện tích (km2)
|
1
|
Thượng lưu sông Đồng Nai
|
Lâm Đồng (Đơn Dương, TP. Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng,
Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, TP. Bảo Lộc);
Đắk Nông (Đắk Glong, Đắk Song, TP. Gia Nghĩa, Tuy Đức, Đắk R’Lấp); Bình Phước
(Bù Đăng); Đồng Nai (Tân Phú, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán);
Bình Thuận (Đức Linh, Tánh Linh).
|
10.690
|
2
|
Hạ lưu sông Đồng Nai
|
Đồng Nai (TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh, Vĩnh Cửu, Trảng
Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch); Bình Dương (TP. Thủ Dầu
Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An, TX. Bến Cát, TP. Tân Uyên, Bắc Tân Uyên); TP.
Hồ Chí Minh (TP. Thủ Đức, Quận 7, Quận 8, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè); Bà
Rịa - Vũng Tàu (TX. Phú Mỹ, Châu Đức).
|
3.467
|
3
|
Sông Sài
Gòn - Thượng Vàm Cỏ
|
Tây Ninh
(Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu, TX. Trảng Bàng, TP. Tây Ninh,
TX. Hòa Thành, Châu Thành, Bến Cầu); Bình Phước (Bù Đốp, Lộc Ninh, TX. Bình
Long, Hớn Quản, Chơn Thành); Bình Dương (Dầu Tiếng, Bàu Bàng, TX. Bến Cát,
TX. Tân Uyên, TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An, Bắc Tân Uyên); TP. Hồ
Chí Minh (Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 10,
Quận 11, Quận 12, Quận Phú Nhuận, Quận Gò Vấp, Quận Tân Bình, Quận Bình Tân,
Quận Bình Thạnh, Quận Tân Phú, TP. Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn).
|
7.816
|
4
|
Sông Bé
|
Đắk Nông
(Tuy Đức, Đắk R’Lấp); Bình Phước (Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, TX. Phước
Long, TX. Bình Long, TP. Đồng Xoài, Phú Riềng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Hớn Quản,
Chơn Thành); Bình Dương (Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên); Đồng Nai (Vĩnh
Cửu).
|
7.502
|
5
|
Sông La Ngà
|
Lâm Đồng
(Di Linh, Bảo Lâm, TP. Bảo Lộc, Đạ Huoai); Bình Thuận (Đức Linh, Tánh Linh,
Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam); Đồng Nai (Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Thống
Nhất, TP. Long Khánh).
|
3.990
|
6
|
Phụ Cận Ven
Biển
|
Toàn bộ
tỉnh Ninh Thuận; phần còn lại của các tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu;
Lâm Đồng (Đơn Dương, Di Linh); Đồng Nai (Xuân Lộc, TP. Long Khánh, Cẩm Mỹ).
|
12.680
|