THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1407/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VIỆT NAM CHỦ ĐỘNG CHUẨN BỊ VÀ THAM GIA XÂY DỰNG
THỎA THUẬN TOÀN CẦU VỀ Ô NHIỄM NHỰA ĐẠI DƯƠNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường
biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày
22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững
kinh tế biên Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày
05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW
ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế
biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày
01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường tại các văn bản số 35/TTr-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021
và 4336/BTNMT-TCBHĐVN ngày 02 tháng 8 năm 2021,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và
tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (sau đây gọi tắt
là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm
1. Thực hiện chủ trương, đường lối và
định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam;
tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp
phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa
hiệu quả.
2. Bảo đảm thực hiện nhất quán đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng
hóa, đa phương hóa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia,
dân tộc Việt Nam; tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ quốc tế trong quá trình
chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương
(sau đây gọi tắt là Thỏa thuận.
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
Bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực,
thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm
phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống
ô nhiễm nhựa đại dương.
2. Mục tiêu cụ thể
- Chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực của đội
ngũ cán bộ liên quan đến công tác đàm phán; tổng hợp thông tin, thiết lập cơ sở
dữ liệu trong nước và quốc tế làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án đàm
phán; bố trí đầy đủ nguồn lực về tài chính, phương tiện cho công tác chuẩn bị
đàm phán.
- Thiết lập cơ chế điều phối hiệu quả
giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương; huy động, sử dụng
hiệu quả các nguồn lực, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm trong nước và quốc tế
trong suốt quá trình chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc
gia đối với khu vực và quốc tế trong các nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa
đại dương; đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Thỏa thuận.
III. Nhiệm vụ
1. Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm
phán
- Đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ về
luật pháp quốc tế, kỹ năng đàm phán, các quy trình, thủ tục khi tham gia đàm
phán.
- Phân tích, xây dựng các kịch bản
đàm phán, đánh giá những thuận lợi, thách thức khi Việt Nam tham gia vào tiến
trình đàm phán.
2. Thu thập thông tin, thiết lập
cơ sở dữ liệu
- Rà soát, tổng hợp, đánh giá các thỏa
thuận quốc tế có liên quan đến rác thải nhựa mà Việt Nam
đã tham gia ký kết và thực thi; các quy định pháp luật trong nước có liên quan
đến quản lý nhựa, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương.
- Điều tra, đánh giá và xây dựng Báo
cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương.
- Theo dõi, thu thập thông tin, dữ liệu
tại các diễn đàn quốc tế, tổng hợp các chương trình, dự án, các sáng kiến cấp
khu vực, toàn cầu liên quan đến rác thải nhựa đại dương.
3. Bố trí nguồn lực công tác chuẩn
bị đàm phán
Bố trí đầy đủ nguồn lực tài chính cho
các hoạt động xây dựng, thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng Thỏa thuận.
4. Thiết lập cơ chế điều phối
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ
quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương để triển khai Đề án và các
công tác chuẩn bị đàm phán, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng.
5. Huy động hỗ trợ trong nước và
quốc tế
- Huy động nguồn lực quốc tế đẩy mạnh
nghiên cứu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia
trong khu vực, trên thế giới về ô nhiễm nhựa đại dương; tăng cường năng lực cho
các cán bộ có liên quan đến công tác đàm phán.
- Xây dựng và tổ chức mạng lưới đối
tác giữa khu vực chính phủ, tư nhân, các tổ chức liên quan đến nhựa và rác thải
nhựa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác chuẩn bị đàm phán.
6. Tăng cường vai trò, trách nhiệm
quốc gia
- Nâng cao nhận thức, tinh thần trách
nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương cùng tham gia chủ trì, phối hợp trong quá
trình chuẩn bị cho đàm phán.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ
quan, giữa các cấp, các ngành, giữa ngoại giao song phương, ngoại giao đa
phương.
- Chủ động, tích cực trong việc tham
gia xây dựng, đàm phán song phương, đa phương, với những đóng góp cụ thể của Việt
Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi và phù hợp điều kiện của Việt Nam; đăng cai tổ chức
các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương, khẳng định
trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu.
IV. Thời gian thực
hiện
Từ khi Đề án được phê duyệt đến khi bắt
đầu tiến trình đàm phán.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ
trì:
- Phối hợp với các cơ quan liên quan
tổ chức thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa
thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; xây dựng Báo cáo
quốc gia về rác thải nhựa đại dương làm cơ sở xây dựng lập
trường của ta trong đàm phán Thỏa thuận.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại
giao và các cơ quan rà soát, tổng hợp, đánh giá các quy định pháp luật trong nước
và các thỏa thuận quốc tế về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương
để chuẩn bị cho việc tham gia xây dựng Thỏa thuận.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức
đào tạo, tập huấn kỹ năng đàm phán cho cán bộ các Bộ, ngành liên quan.
- Thực hiện thủ tục đề xuất đàm phán,
ký kết Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương sau khi xác định được tên
gọi, thẩm quyền và danh nghĩa đàm phán, ký kết, cũng như các nội dung cơ bản của
Thỏa thuận, theo đúng quy định của Luật Điều ước quốc tế và Luật Thỏa thuận quốc
tế.
2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với
Bộ Tài nguyên và Môi trường vận động các quốc gia, các tổ chức quốc tế ủng hộ
quan điểm của ta và các nội dung mà ta có lợi ích trong quá trình xây dựng Thỏa
thuận.
3. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc
phòng, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, địa phương liên quan:
- Cử cán bộ tham gia thực hiện Đề án.
- Cung cấp thông tin, dữ liệu về hiện
trạng quản lý nhựa và rác thải nhựa trong lĩnh vực mình phụ trách;
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi
trường xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương;
- Tham gia góp ý các nội dung để xây
dựng Thỏa thuận theo chức năng, nhiệm vụ.
Điều 3. Hiệu lực
và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên
và Môi trường, Ngoại giao, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao
thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Thông tin
và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTgCP, các PTTgCP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: NN, KGVX, TH;
- Lưu: VT, QHQT (3).HM.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Bình Minh
|