ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2010/QĐ-UBND
|
Ninh Bình, ngày
28 tháng 06 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển
rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP
ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp,
quý, hiếm;
Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP
ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái
xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng
cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 90/TTr-SNN ngày 19/5/2010 và Báo cáo số
46/BC-STP ngày 11/5/2010 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày
kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tư pháp; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ
Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Công báo tỉnh;
- Lưu VT, VP3, VP7.
- QD.HB05
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Quốc Trị
|
QUY ĐỊNH
VỀ
QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2010 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về công tác quản lý, bảo vệ
các loài chim hoang dã phân bố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này được áp dụng đối với các cơ quan, tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ
các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý và
bảo vệ các loài chim hoang dã
Quy định về quản lý và bảo vệ các loài chim hoang
dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải tuân theo các nguyên tắc, quy định được quy
định tại Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004, Luật bảo vệ môi trường
ngày 29/11/2005, Luật đa dạng sinh học ngày 13/11/2008 và các quy định khác có
liên quan của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Công ước quốc tế mà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia ký kết.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Chim hoang dã trong quy định này được hiểu là
những cá thể chim được xác định là động vật rừng phân bố, sinh sống và phát
triển theo quy luật trong môi trường tự nhiên hoặc được nuôi, sinh sống và phát
triển trong môi trường bán tự nhiên hoặc nhân tạo (gồm chuồng, lồng nuôi sinh
trưởng, vườn rừng, nhà lưới nhưng có nguồn gốc ban đầu từ tự nhiên);
2. Chim hoang dã được xếp vào hạng nguy cấp, quý,
hiếm là những cá thể chim hoang dã thuộc loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
(nhóm IB, nhóm IIB) được quy định tại danh mục thực vật rừng, động vật rừng
nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006
của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và
danh mục các loài động vật hoang dã quy định trong phụ lục I, phụ lục II của
Công ước về buôn bán quốc tế những loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp
(Công ước CITES) mà Việt Nam đã tham gia ký kết ngày 20/4/1994;
3. Chim hoang dã được xếp vào hạng thông thường là
những cá thể chim hoang dã không được quy định tại khoản 2 Điều này;
4. Các loài chim hoang dã được xác định là động vật
rừng khi chúng sinh sống, phân bố trong môi trường rừng hoặc có đủ căn cứ, bằng
chứng kết luận chúng có nguồn gốc từ rừng;
5. Sinh cảnh của chim hoang dã là không gian sống
của một tập hợp các quần thể chim hoang dã;
6. Vùng bảo vệ sinh cảnh của các loài chim hoang dã
là khu vực địa lý cụ thể, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập;
7. Sản phẩm từ chim hoang dã là các dạng sản phẩm
được chế biến từ nguyên liệu là cơ thể của chim hoang dã hoặc các bộ phận của
chúng;
Chương II
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ
CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ
Điều 5. Quy định vùng bảo vệ sinh
cảnh
Các khu vực sau đây được quy định là vùng bảo vệ
sinh cảnh:
1. Các khu rừng đặc dụng: Vườn Quốc gia Cúc Phương,
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu rừng văn hóa - lịch sử -
môi trường Hoa Lư.
2. Các khu rừng phòng hộ tập trung, rừng sản xuất
là rừng tự nhiên.
3. Vùng đệm các khu rừng đặc dụng có tên tại Khoản
1 Điều này, trên địa bàn hành chính các xã: Kỳ Phú, Cúc Phương, Yên Quang, Sơn
Lai, Sơn Hà, Quảng Lạc (huyện Nho Quan); Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hòa, Gia Vân,
Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh, Gia Sinh (huyện Gia Viễn); Ninh Thắng, Trường Yên,
Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa (huyện Hoa Lư).
4. Vùng bãi bồi và cồn Nổi thuộc huyện Kim Sơn.
Điều 6. Quy định bảo vệ các
loài chim hoang dã
1. Quy định quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã.
a) Đối với những loài chim hoang dã thuộc hạng nguy
cấp, quý, hiếm việc quản lý, bảo vệ được thực hiện theo quy định tại Nghị định
số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động
vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
b) Đối với những loài chim hoang dã thuộc hạng
thông thường việc quản lý, bảo vệ được áp dụng theo khoản 2 và khoản 3 Điều này;
2. Quy định quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã
ngoài vùng bảo vệ sinh cảnh.
a) Nghiêm cấm việc săn bắn, bẫy, bắt dưới bất kỳ
hình thức nào khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;
b) Nghiêm cấm kinh doanh, mua, bán, vận chuyển các
loài chim hoang dã (còn sống hoặc đã chết) và bộ phận cơ thể của chúng mà không
có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp;
c) Nghiêm cấm quảng cáo, tàng trữ, giết, mổ, sử
dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ chim hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp
hoặc chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;
d) Nghiêm cấm nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các
loài chim hoang dã khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;
3. Quy định quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã
trong vùng bảo vệ sinh cảnh.
a) Nghiêm cấm các hoạt động làm hủy hoại môi trường
sống hoặc các hoạt động khác có tác động xấu ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh
học và tính bền vững của vùng bảo vệ sinh cảnh hoặc làm thay đổi tập tính sinh
sống tự nhiên của các loài chim hoang dã;
b) Nghiêm cấm các hành vi vi phạm quy định tại
Khoản 2 Điều này;
Điều 7. Quy định về nuôi sinh sản,
nuôi sinh trưởng các loài chim hoang dã
1. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi sinh sản,
nuôi sinh trưởng các loài chim hoang dã phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền;
2. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi sinh sản,
nuôi sinh trưởng các loài chim hoang dã được xếp vào hạng nguy cấp, quý, hiếm
thực hiện theo quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính
phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển,
quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động
vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
3. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi sinh sản,
nuôi sinh trưởng các loài chim hoang dã thông thường thực hiện theo hướng dẫn
tại văn bản số 515/KL-VPCITES ngày 14/5/2007 của Cục Kiểm lâm về việc đăng ký
trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường;
4. Các trường hợp nuôi sinh trưởng trái với quy
định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
cấp giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định như trong giấy phép được cấp
hoặc không chấp hành các quy định hiện hành của nhà nước về trình tự, thủ tục
quản lý đều bị xử lý theo quy định của pháp luật;
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan
quản lý nhà nước
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ
quan thường trực có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ
chức điều tra xác định vùng bảo vệ sinh cảnh các loài chim hoang dã; kiểm kê,
thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài chim hoang dã và vùng sinh cảnh
của chúng; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về
quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch
quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, ngăn
chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim
hoang dã.
b) Cấp, thu hồi các loại giấy phép theo quy định
của pháp luật về nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài chim hoang dã; tổ
chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học trong bảo tồn các loài chim hoang
dã; thực hiện hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, đào
tạo nguồn nhân lực để quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã.
2. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ
huy Biên phòng tỉnh
Phối hợp với lực lượng kiểm lâm triển khai các biện
pháp quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa bàn.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
a) Thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo
vệ chim hoang dã trên địa bàn.
b) Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của
tỉnh triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa
bàn.
b) Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các
biện pháp quản lý, bảo vệ các loài chim chim hoang dã.
4. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
a) Thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo
vệ chim hoang dã trên địa bàn.
b) Tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ chim
hoang dã tại khu vực trong và ngoài vùng bảo vệ sinh cảnh đã được quy định.
Điều 9. Trách nhiệm của cộng đồng
1. Thực hiện bảo vệ các loài chim hoang dã trong
phạm vi khu vực được nhà nước giao quản lý, bảo vệ.
2. Chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi
phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã; phối hợp với chính
quyền địa phương tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tích
cực tham gia hoạt động bảo vệ các loài chim hoang dã.
Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi
phạm
1. Những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích
trong công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã được xem xét khen thưởng
theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng.
2. Những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định
này và các quy định khác của nhà nước về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã
thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Sửa đổi, bổ sung quy định
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ
quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời./.