ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/2024/QĐ-UBND
|
Điện Biên, ngày
09 tháng 4 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11
năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng
01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10
tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều
của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý chất thải
rắn trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4
năm 2024 và và thay thế Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2018
của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch
UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Điện Biên Phủ;
- Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Thành Đô
|
QUY ĐỊNH
VỀ
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 08/2024/QĐ-UBND ngày 09/4/2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Điện Biên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về quản lý chất thải rắn
trên địa bàn tỉnh Điện Biên bao gồm: Chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn sinh
hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, bùn thải và chất thải nguy hại.
2. Những nội dung không quy định tại Quy định này
được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân (sau đây gọi tắt là tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân) trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất thải rắn (sau
đây gọi tắt là CTR) là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải.
2. Bùn thải là chất thải
rắn dạng sệt được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt
hoặc các hoạt động khác.
3. Chất thải rắn sinh hoạt
(còn gọi là rác thải sinh hoạt; sau đây gọi tắt là CTRSH) là chất thải rắn phát
sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
4. Chất thải rắn công nghiệp
thông thường (sau đây gọi tắt là CTRCNTT) là chất thải rắn phát sinh từ hoạt
động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không thuộc danh mục chất thải nguy hại
(sau đây gọi tắt là CTNH) và không thuộc danh mục chất thải công nghiệp phải kiểm
soát có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng CTNH.
5. Chất thải công nghiệp (sau
đây gọi tắt là CTCN) là chất thải phát sinh từ hoạt
động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó bao gồm chất thải nguy hại, chất
thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường.
6. Chất thải rắn xây dựng (sau
đây gọi tắt là CTRXD) là chất thải rắn phát sinh
trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình (bao gồm công trình xây
dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ).
7. Chất thải rắn
cồng kềnh là vật dụng gia đình được
thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương
tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây.
8. Chất thải nguy hại (sau đây gọi tắt là
CTNH) là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ,
gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
9. Thu gom
chất thải rắn là hoạt động tập hợp, phân loại, đóng gói và lưu giữ tạm thời
CTRSH, CTRCNTT và CTRXD tại tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và điểm tập kết tạm
thời trước khi thu gom, vận chuyển tới địa điểm hoặc cơ sở xử lý.
10. Lưu giữ tạm thời chất thải rắn là việc
giữ CTRSH, CTRCNTT và CTRXD trong một khoảng thời gian nhất định tại vị trí, địa
điểm được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi chuyển giao hoặc vận chuyển
đến địa điểm hoặc cơ sở xử lý.
11. Tái sử dụng chất thải rắn là việc sử dụng
lại CTRSH, CTRCNTT và CTRXD một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm
thay đổi tính chất của chất thải.
12. Tái chế CTRSH, CTRCNTT và CTRXD là quá
trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có
giá trị.
13. Xử lý chất thải là quá
trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm,
loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố
có hại trong chất thải.
14. Chủ nguồn thải là tổ chức, hộ gia đình,
cá nhân có phát sinh CTRSH, CTRCNTT và CTRXD.
15. Chủ xử lý chất thải là tổ chức, cá nhân
sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở xử lý CTR, bãi chôn lấp CTR.
Điều 4. Nguyên tắc chung về quản lý CTR
1. Quản lý CTR gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao
chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế
xã hội, ổn định an ninh, chính trị, thúc đẩy hội nhập kinh tế của tỉnh.
2. Quản lý CTR phải từng bước hướng đến đảm bảo
theo nguyên tắc: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải có trách nhiệm
nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo
quy định; trường hợp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường
thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp tiết kiệm tài
nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm,
nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; từng bước phân loại chất
thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý
và thu hồi năng lượng.
4. Phương tiện vận
chuyển chất thải rắn chỉ được chở đúng dung tích hoặc trọng tải được phép chở của
phương tiện.
5. Khuyến khích việc
xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải
và thu hồi năng lượng từ chất thải; việc đầu tư mới các cơ sở xử lý chất thải
trên địa bàn tỉnh theo hướng tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý thu hồi
năng lượng; hạn chế và giảm dần tỉ lệ chôn lấp chất thải.
6. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTR do chủ
nguồn thải chi trả; nhà nước bù đắp một phần chi phí đối với việc thu gom, vận
chuyển và xử lý CTRSH, tiến tới đảm bảo cân đối thu - chi từ nguồn thu giá dịch
vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật.
7. Coi chất thải là tài nguyên, thúc đẩy phân loại
chất thải rắn tại nguồn, tăng cường quản lý chất thải rắn, thực hiện đồng thời
các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng,
tái chế, xử lý chất thải rắn.
8. Khuyến khích áp dụng các giải pháp chuyển đổi số,
phát triển, ứng dụng các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm
thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý
chất thải rắn.
Chương II
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN
XÂY DỰNG
Điều 5. Phân loại, tái chế, tái
sử dụng, thu gom, chuyển giao chất thải rắn xây dựng
1. CTRXD phải được
phân loại ngay tại nơi phát sinh thành các loại sau đây:
a) CTRXD có khả năng
tái chế được như thủy tinh, sắt thép, gỗ, giấy, chất dẻo…;
b) CTRXD có thể được
tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng
khác;
c) CTRXD không tái
chế, tái sử dụng được và phải đem đi chôn lấp;
d) CTRXD có yếu tố
nguy hại được phân loại riêng và quản lý theo quy định tại Mục 2, Chương IV của
quy định này.
2. Các loại CTRXD được tái chế, tái sử dụng theo
các mục đích sau:
a) Đất, đất bùn thải
không có yếu tố nguy hại từ hoạt động đào, nạo vét lớp đất mặt, đào cọc móng được
ưu tiên sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc san lấp tạo mặt bằng làm tăng
giá trị của đất tại các khu vực phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt;
b) Đất đá, từ vật liệu
xây dựng (gạch, ngói, vữa, bê tông, vật liệu kết dính quá hạn sử dụng) được tái
sử dụng, tái chế làm vật liệu xây dựng hoặc vật liệu san lấp cho các công trình
xây dựng, các mỏ khoáng sản đã có quyết định đóng cửa mỏ hoặc có nhu cầu sử đụng
đất để cải tạo phục hồi trong khai thác khoáng sản; chôn lấp trong bãi chôn lấp
CTRXD;
c) CTRXD có khả năng
tái chế được tái chế, tái sử dụng và quản lý như CTRCNTT.
3. Các tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu
gom chất thải, khi tiến hành các hoạt động xây dựng, cải tạo hoặc phá dỡ công
trình xây dựng, chất thải phát sinh phải được tái sử dụng hoặc hoặc đổ thải
đúng vị trí được Ủy ban nhân dân cấp xã chấp thuận, không được tự ý đổ chất thải
ra môi trường.
4. Các tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn, chủ đầu tư xây dựng tự xử lý CTRXD trong
phạm vi diện tích đất ở, đất vườn và phạm vi đất sử dụng để thực hiện dự án hoặc
chuyển giao cho các đối tượng sau:
a) Chủ cơ sở sản xuất
sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất hoặc san lấp mặt bằng theo quy định
của pháp luật;
b) Chủ cơ sở thu
gom, vận chuyển, xử lý đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
5. Các tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân tại đô thị khi tiến hành hoạt động xây dựng, cải tạo, phá dỡ
công trình xây dựng, chất thải phát sinh phải hợp đồng với các đơn vị, cơ sở
thu gom xử lý chất thải rắn đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật,
cụ thể:
- Đất, đá, bùn thải thải phát sinh từ công việc san
nền, nạo vét, đào móng công trình có thể sử dụng làm đất đất trồng cây, san đắp
mặt bằng và các mục đích phù hợp khác; các loại phế thải có thể tái chế sử dụng
làm vật liệu xây dựng, chuyển giao cho các cơ sở sản xuất trực tiếp hoặc đơn vị
thu gom, vận chuyển đủ điều kiện theo quy định.
- Các loại phế thải không thể tái sử dụng phải được
thu gom và chôn lấp tại các khu vực quy hoạch đổ thải được cấp có thẩm quyền
phê duyệt và phải trả phí chôn lấp theo quy định.
Điều 6. Cơ sở thu gom chất thải
rắn xây dựng
Chủ cơ sở
thu gom CTRXD có trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu sau đây:
1. Hoạt động
kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Phải
có đủ thiết bị, phương tiện thực hiện thu gom, vận chuyển đảm bảo các yêu
cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức
năng cấp phép lưu hành theo quy định.
3. Thu
gom, vận chuyển CTRXD đến cơ sở xử lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản
lý theo quy định hoặc công trình khác để tái sử dụng. Chịu trách nhiệm khi có sự
cố xảy ra trong quá trình thu gom, vận chuyển.
4. Giá
dịch vụ thu gom, vận chuyển xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ nguồn thải
và chủ cơ sở cung cấp dịch vụ, được thể hiện trong hợp đồng thu gom, vận chuyển.
5. Phải có
sổ theo dõi quản lý việc thu gom, vận chuyển CTRXD, nội dung gồm:
a) Thông
tin chung về chủ nguồn thải;
b) Số chuyến
xe thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển trong ngày/tháng của từng chủ nguồn thải;
c) Khối lượng,
loại chất thải được thu gom, vận chuyển;
d) Địa điểm
tiếp nhận xử lý (cơ sở xử lý; các cơ sở tái chế, tái sử dụng CTRXD);
đ) Giá dịch
vụ thu gom, vận chuyển;
e) Các
thông tin khác nếu cần thiết khi thu gom, vận chuyển CTRXD.
Điều 7. Vận chuyển, xử lý chất
thải rắn xây dựng
1. Vận chuyển CTRXD
a) CTRXD phải được vận chuyển đến điểm tập kết, cơ sở xử lý được
đầu tư xây dựng theo quy hoạch về xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc
cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng theo quy định pháp luật.
Đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vận chuyển đến vị trí được Ủy ban
nhân dân cấp xã chấp thuận;
b) CTRXD
phải được vận chuyển đảm bảo an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ
quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương;
c) Trong
quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi
vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi.
2. Xử lý
CTRXD
a) Đối với xử lý CTRXD tại nguồn thải: Đối với nguồn thải không yêu cầu hồ sơ bảo vệ môi trường,
thực hiện đảm bảo quy trình, biện pháp xử lý phù hợp, an toàn, bảo vệ môi trường.
Đối với các dự án có hồ sơ bảo vệ môi trường, xử lý đảm bảo theo hồ sơ bảo vệ
môi trường. Khuyến khích việc tự xử lý CTRXD tại nơi phát sinh với biện pháp
phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường;
b) Đối với cơ sở xử lý CTRXD: Cơ sở xử lý phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch
xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các công nghệ xử lý bao gồm: Nghiền,
sàng; sản xuất vật liệu xây dựng; chôn lấp và các công nghệ
khác. Công nghệ xử lý CTRXD phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện
kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu
quả kinh tế xã hội.
3. Trách
nhiệm của chủ xử lý CTRXD
a) Hoạt động
kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Đầu tư
xây dựng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện và bố trí nhân lực
đáp ứng năng lực tiếp nhận CTRXD, đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường theo
quy định;
c) Tiếp nhận
và xử lý CTRXD từ các chủ thu gom, vận chuyển trên cơ sở hợp đồng ký kết và có
phiếu ghi khối lượng, thành phần CTRXD; có xác nhận của bên giao;
d) Có
sổ theo dõi hoạt động xử lý CTRXD, nội dung gồm: Thông tin chung của các chủ
thu gom, vận chuyển CTRXD; khối lượng/dung tích/số chuyến xe chở CTRXD được
tiếp nhận của từng chủ thu gom, vận chuyển; loại CTRXD tiếp nhận.
Điều 8. Quy hoạch điểm đổ chất
thải từ hoạt động xây dựng; bùn từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống
thoát nước; vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy
1. Chất thải
từ hoạt động xây dựng; bùn từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước;
vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy phải được đổ thải đúng vị
trí đã được quy hoạch và được quản lý theo quy định về quản lý CTRCNTT.
2. Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện)
có trách nhiệm bố trí quỹ đất, vị trí, địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng;
bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; vật chất nạo
vét từ hệ thống giao thông đảm bảo môi trường; ưu tiên bố trí địa điểm đổ chất
thải cùng khu vực xử lý CTRSH.
Chương III
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN
SINH HOẠT
Điều 9. Phân loại chất thải rắn
sinh hoạt
1. CTRSH phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình được
phân loại phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo các loại sau:
a) CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế gồm: Giấy
thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết
bị điện, điện tử thải bỏ.
b) Chất thải thực phẩm gồm: Thức ăn dư thừa, thực
phẩm hết hạn sử dụng, hư hỏng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải
bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn...; các sản phẩm bỏ đi từ thịt, gia súc, gia
cầm, hải sản.
c) CTRSH khác gồm: Chất thải nguy hại, chất thải cồng
kềnh, chất thải khác còn lại.
2. Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân thực hiện
phân loại, tái chế, tái sử dụng CTRSH theo cách sau:
a) Phân loại rác tái chế thành nhiều loại tùy theo
nhu cầu và mục đích tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích đổ hết chất thải lỏng hoặc
thực phẩm có trong bao bì, hộp, chai lọ… trước khi phân loại đưa vào chất thải
tái chế, tái sử dụng;
b) Đối với những loại chất thải có điểm thu hồi
theo quy định của nhà sản xuất cần được thu gom, lưu giữ riêng và vận chuyển đến
điểm thu hồi của nhà sản xuất;
c) Phân loại riêng chất thải nguy hại từ chất thải
rắn sinh hoạt khác; lưu chứa chất thải nguy hại trong thiết bị riêng có nắp đậy
và chuyển giao đến điểm tập kết chất thải nguy hại chung của xã/phường/thị trấn
(nếu có) hoặc chuyển giao theo quy định của địa phương;
d) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn tận
dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ làm phân hữu cơ
hoặc làm chất cải tạo đất;
e) Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải thành
các vật dụng hữu ích trong gia đình.
3. Quy định về phân loại CTRSH tại khoản 1 Điều này
phải được thực hiện chậm nhất theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi
trường. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn
sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân không đóng nộp hoặc đóng nộp không đầy đủ giá dịch vụ
thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; không sử dụng bao bì đúng quy định
(trừ trường hợp hộ gia đình sử dụng loại bao bì của chất thải rắn sinh hoạt
khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường). Đồng
thời, khi phát hiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại
chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định thì cơ sở thu gom, vận chuyển có
trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý
theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn
phòng được quy định cụ thể:
a) Đối với trường hợp tổng khối lượng dưới 300
kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý CTRSH như hộ gia đình, cá nhân quy định
tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường hoặc chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng,
xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận
chuyển để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải theo quy định.
b) Đối với trường hợp tổng khối lượng
từ 300 kg/ngày trở lên phải thực hiện một trong các thủ tục môi trường như: Lập
báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường, Đăng ký môi trường
và thực hiện phương án thu gom, quản lý, xử lý chất thải theo nội dung đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định khác theo pháp luật hiện hành. Có
trách nhiệm chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt
cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày
10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (viết tắt là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); ký hợp đồng
dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; chi trả giá dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ
giữa chủ nguồn thải và chủ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.
Điều 10. Quản
lý hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Việc thực hiện thu gom, vận
chuyển CTRSH được thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Điều kiện tham gia hoạt động
thu gom, vận chuyển CTRSH
a) Bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực,
phương tiện và thiết bị để thu gom, vận chuyển toàn bộ CTRSH tại những địa điểm
đã quy định;
b) Thu gom, vận chuyển CTRSH đến
điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị
đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; bố trí phương tiện,
thiết bị thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại các trạm trung chuyển để xử lý đạt
quy chuẩn kỹ thuật hoặc chuyển giao cùng với CTRSH cho đơn vị xử lý.
3. Phương tiện thu gom, vận chuyển
phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 27
Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
4. Quy định về tuyến đường và thời
gian vận chuyển CTRSH
a) Tuyến đường vận chuyển gồm đường
trong khu vực đô thị (đường đô thị, các đoạn tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua đô thị)
và đường ngoài khu vực đô thị;
b) Thời gian vận chuyển: Đối với
phương tiện vận chuyển có hành trình đi qua các tuyến đường thuộc nội thị thành
phố Điện Biên Phủ, thị trấn các huyện: Thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh
hoạt từ 17 giờ ngày hôm trước đến trước 05 giờ ngày hôm sau. Đối với phương tiện
vận chuyển có hành trình đi qua các tuyến đường ngoài khu vực đô thị: Chủ cơ sở
dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phối hợp với Ủy ban nhân
dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng thời gian cho phù hợp tình hình
thực tế tại địa phương.
5. Quy định kỹ thuật về thu gom, vận
chuyển CTRSH
a) Các tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy
định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
trong khoảng thời gian, địa điểm, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định. Cơ
sở thu gom, vận chuyển CTRSH sử dụng loa, chuông, kẻng hoặc hình thức thông báo
khác đã thỏa thuận, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã khi thu gom, vận chuyển
chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời giám sát việc phân loại theo các nhóm chất
thải rắn sinh hoạt đã phân loại tại các điểm tập kết;
b) Chủ dự án đầu tư, Chủ cơ sở sản
xuất, kinh doanh dịch vụ phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn
sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Quy
định này; tổ chức thu gom chất thải rắn từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao
cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
c) Không được phép thu gom CTRSH
có lẫn chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ các
doanh nghiệp đến điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt ngoài
phạm vi hợp đồng đã ký hoặc văn bản giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện
hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã;
d) Quá trình thu gom, vận chuyển
CTRSH phải tuân thủ quy định kỹ thuật về thu gom CTRSH và các quy định về
phòng, chống dịch có liên quan của địa phương.
7. Việc cung ứng dịch vụ thu gom,
vận chuyển CTRSH phải đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường, nội dung hợp đồng
đã ký kết và tuân thủ các quy định hiện hành về kiểm tra, giám sát, nghiệm thu,
thanh toán các hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Điều 11. Thu
gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh
1. Hình thức thu gom, vận chuyển:
a) Chủ nguồn thải tự vận chuyển
CTR cồng kềnh không có yếu tố nguy hại đến nơi tiếp nhận, nhưng phải được chủ
cơ sở khu vực xử lý CTRSH đồng ý;
b) Chủ nguồn thải thỏa thuận với
đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để vận chuyển đến địa điểm tập kết rác thải
vào thời gian cố định hàng tháng (địa điểm, thời gian do Ủy ban nhân dân cấp
huyện quy định, tối thiểu 02 lần/tháng) để được thu gom, vận chuyển đến nơi tiếp
nhận và phải trả chi phí cho đơn vị thu gom, vận chuyển, mức chi phí do hai bên
tự thỏa thuận. Đơn vị thu gom, xử lý có thể thực hiện phân rã CTR cồng kềnh và
căn cứ tính chất của từng loại chất thải sau khi phân rã để vận chuyển, xử lý
riêng từng loại, đối với chất thải không có yếu tố nguy hại được thực hiện như
đối với CTRSH thông thường, trường hợp phát sinh CTNH phải thực hiện quản lý
theo quy định đối với CTNH.
2. Nơi tiếp nhận CTR cồng kềnh là
khu vực xử lý CTRSH, nghiêm cấm tự ý đổ thải CTR cồng kềnh không đúng nơi quy định.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm bố trí quỹ đất trong khu xử lý CTRSH để xử lý CTR cồng kềnh. Quy định
cụ thể vị trí, thời gian tập kết CTR cồng kềnh để thu gom, xử lý tập trung;
giao nhiệm vụ cho đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được lựa chọn hàng
năm xây dựng phương án, đơn giá và cung ứng dịch vụ thu gom, xử lý CTR cồng kềnh
trên địa bàn huyện, đồng thời công bố số điện thoại liên hệ và cách thức thu
gom để Nhân dân biết, thực hiện.
Điều 12. Điểm
tập kết và trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Quy định kỹ thuật về điểm tập kết
a) Điểm tập kết CTRSH đáp ứng yêu
cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định khoản 1 Điều 26 Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT ;
b) Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện
chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác
định vị trí, thời gian tập kết, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải
rắn sinh hoạt tại điểm tập kết phù hợp; bảo đảm an toàn giao thông; hạn chế tối
đa hoạt động vào giờ cao điểm.
2. Quy định kỹ thuật về trạm trung
chuyển
a) Trạm trung chuyển chất thải rắn
sinh hoạt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản
2 Điều 2 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ
trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định
vị trí, thời gian tập kết, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn
sinh hoạt tại trạm trung chuyển;
c) Các điểm tập kết, trạm trung
chuyển phải phù hợp về cự ly vận chuyển đến các khu xử lý; được thiết kế theo
đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; đảm bảo mỹ quan, không gây ô nhiễm
môi trường đất, không khí và nguồn nước trong quá trình vận hành.
3. Thời gian, phương thức chuyển
giao và thu gom CTRSH
a) Thời gian chuyển giao và thu
gom CTRSH phải đảm bảo kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom tại nguồn với
công tác vận chuyển và đảm bảo vệ sinh, mỹ quan khu vực. Tại khu vực đô thị, chủ
nguồn thải phải chuyển giao CTRSH cho đơn vị thu gom hoặc đưa đến thùng lưu giữ
tạm thời từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Tại khu vực nông thôn, thời gian chủ
nguồn thải chuyển giao CTRSH cho đơn vị thu gom hoặc đưa chất thải đến thùng
lưu giữ tạm thời do Ủy ban nhân dân cấp xã quy định sau khi thống nhất với đơn
vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển nhưng không ít hơn 02 lần một tuần;
b) Phương thức chuyển giao CTRSH:
Việc chuyển giao CTRSH phải tuân thủ quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều
75 của Luật Bảo vệ môi trường. Chủ nguồn thải có thể chuyển giao trực tiếp hoặc
để sẵn các thiết bị lưu chứa CTRSH tại vỉa hè hoặc lề đường trước nhà để đơn vị
thực hiện dịch vụ đến thu gom, vận chuyển nhưng không làm ảnh hưởng đến vệ
sinh, mỹ quan khu vực; khuyến khích thực hiện phương thức chuyển giao trực tiếp.
Khi thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, chủ nguồn thải có thể chuyển giao
(cho, bán) chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng không có yếu tố nguy hại
cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu, cơ sở tái chế để tái chế, tái sử dụng;
khuyến khích việc sử dụng chất thải hữu cơ không có yếu tố nguy hại để làm phân
bón, làm thức ăn chăn nuôi;
c) Phương thức thu gom CTRSH: Đơn
vị thu gom, vận chuyển sử dụng loa, chuông hoặc hình thức thông báo khác đã được
thỏa thuận với chủ nguồn thải khi đến thu gom CTRSH. Đơn vị thu gom, vận chuyển
CTRSH có thể thu gom cùng lúc các nhóm chất thải sau phân loại, nhưng không được
để lẫn các chất thải đã được phân loại. Phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH
phải đảm bảo lưu giữ riêng các nhóm chất thải sau phân loại; không được treo,
móc chất thải ở bên ngoài phương tiện;
d) Tần suất thu gom: Đối với khu vực
đô thị, khu vực thị trấn, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, tần suất thu
gom tối thiểu là 01 lần/ngày, thời gian hoạt động từ 17 giờ đến 05 giờ hàng
ngày. Đối với các xã, tùy vào đặc điểm dân cư từng khu vực, điều kiện cung ứng
dịch vụ thực tế và ý kiến của chủ nguồn thải, Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tần
suất thu gom nhưng phải không ít hơn 02 lần một tuần.
Điều 13. Yêu
cầu đối với cơ sở cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm và
các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 59 và khoản 1
Điều 62 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .
2. Khối lượng, chủng loại, thành
phần CTRSH tiếp nhận, xử lý phù hợp với công suất và quy trình, công nghệ xử lý
chất thải của cơ sở xử lý chất thải.
3. Xử lý hết lượng CTRSH đã tiếp
nhận theo đúng hợp đồng đã ký kết bằng công nghệ đã được phê duyệt.
4. Quản lý, vận hành cơ sở xử lý
CTRSH theo đúng quy trình công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp
thuận và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện
chương trình giám sát môi trường tại cơ sở và báo cáo kết quả quan trắc đến cơ
quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định.
5. Xây dựng kế hoạch, chương trình
và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định đặc biệt là
phương án phòng ngừa ứng phó xử lý CTRSH đã tiếp nhận trong trường hợp xảy ra sự
cố đối với trang thiết bị, máy móc, công nghệ xử lý CTRSH tại cơ sở mình. Thực
hiện công tác báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất và chuyên đề theo đề nghị của Ủy
ban nhân dân cấp huyện thuộc địa bàn phục vụ hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường
theo quy định.
6. Phối hợp với chính quyền địa
phương giữ gìn an ninh trật tự, an toàn của khu vực xử lý và xung quanh cơ sở xử
lý CTRSH được giao quản lý, vận hành.
7. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã tùy thuộc vào tình hình thực tiễn tại địa phương và căn cứ theo phạm vi xử
lý CTRSH của cơ sở xử lý đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư
để lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH phát sinh trên địa bàn theo quy định tại khoản 2
Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 1 Điều 59 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .
Điều 14. Quy định quản lý chất
thải nhựa trong sinh hoạt; chất thải rắn sinh hoạt nơi công cộng
1. Quản lý chất thải nhựa tại các cơ sở kinh doanh,
dịch vụ, hộ gia đình
a) Khuyến khích các hộ gia đình,
cá nhân mang túi, vật dụng từ nhà để đựng sản phẩm, hàng hóa khi đi mua sắm
thay cho việc sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; sử dụng túi ni lông dễ
phân hủy sinh học thay thế túi ni lông khó phân hủy sinh học; sử dụng các đồ
dùng gia dụng bằng các vật liệu khác như gỗ, tre, inox, thủy tinh, sành, sứ
thay thế cho các đồ dùng gia dụng làm bằng nhựa.
b) Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ,
trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng ký
cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã về giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế việc sử
dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học; thay thế
dần túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần bằng túi ni lông dễ
phân hủy hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiến tới chấm dứt việc sử
dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích khách
hàng đưa túi, dụng cụ đựng hàng hóa, sản phẩm từ nhà khi đến mua hàng để hạn chế
sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần do cơ sở kinh
doanh, dịch vụ cung cấp; hạn chế cấp phát miễn phí túi ni lông khó phân hủy cho
khách hàng; niêm yết công khai giá bán túi ni lông khó phân hủy cho khách hàng.
c) Hạn chế dần tiến tới chấm dứt
lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy
sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch (trừ
các sản phẩm, hàng hóa đóng gói sẵn bằng bao bì nhựa khó phân hủy của nhà sản
xuất) bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 theo quy định tại khoản 4 Điều 64
Nghị định 08/2022/NĐ-CP .
2. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt
nơi công cộng
a) Tổ chức, cá nhân quản lý khu vực
công cộng có trách nhiệm: Lắp đặt đầy đủ thiết bị để phân loại CTRSH, có nắp đậy
đảm bảo không rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường; có dán nhãn ký hiệu riêng; lựa
chọn vị trí đặt thùng lưu chứa CTRSH ở vị trí thuận tiện cho việc thải bỏ rác của
du khách; gắn biển tuyên truyền về giảm thiểu, thu gom, phân loại chất thải rắn
sinh hoạt tại những khu vực thường phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; hợp đồng
để chuyển giao CTRSH cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH theo
quy định;
b) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đến
khu vực công cộng khi phát sinh CTRSH phải có trách nhiệm phân loại, thu gom
CTRSH vào thiết bị lưu chứa tại nơi công cộng;
c) Tổ chức, cá nhân có hoạt động
kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực công cộng phải ký cam kết với đơn vị
quản lý khu vực công cộng chấp hành nghiêm túc quy định về quản lý CTRSH và bảo
vệ môi trường tại khu vực công cộng; bố trí đủ thiết bị lưu chứa chất thải đảm
bảo cho việc phân loại tại các điểm phát sinh trong khu vực kinh doanh dịch vụ
của mình; thiết bị phải được dán nhãn phân biệt các loại chất tái chế, chất thải
thực phẩm và chất thải khác; chủ động thực hiện và hướng dẫn khách mua hàng
hóa, dịch vụ thực hiện việc phân loại và thu gom và vệ sinh khu vực kinh doanh
dịch vụ của mình sau mỗi ngày làm việc.
3. Quản lý chất thải sinh hoạt tại
các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch
a) Hạn chế việc sử dụng băng rôn,
khẩu hiệu, pa nô, áp phích làm bằng nhựa, thả bóng bay trong các sự kiện văn
hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh trừ trường hợp thực sự cần thiết.
b) Kết thúc các sự kiện văn hóa,
thể thao, du lịch, các cơ quan chủ trì sự kiện phải có trách nhiệm tổ chức thu
gom chất thải phát sinh từ hoạt động tổ chức sự kiện, phân loại những sản phẩm
còn có khả năng tái sử dụng cho sự kiện khác; các chất thải còn lại phải được
thu gom, phân loại riêng chất thải tái chế (bao gồm cả CTRSH) với chất thải
khác và chuyển giao chất thải tái chế cho cơ sở có chức năng tái chế chất thải.
c) Đối với các khu, điểm du lịch,
điểm di tích, công trình văn hóa và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch: Thành
lập bộ phận hoặc phân công người lao động phụ trách công tác bảo vệ môi trường
theo quy định của pháp luật; xây dựng, ban hành nội quy, quy định bảo vệ môi
trường phù hợp với thực tế, đặc thù của từng khu, điểm du lịch, điểm di tích,
công trình văn hóa và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; bố trí đặt các
thùng rác bảo đảm mỹ quan, thuận tiện cho khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân
loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định.
Yêu cầu các khu, điểm du lịch, điểm di tích, công trình văn hóa và các cơ sở
kinh doanh dịch vụ du lịch nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi
trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn, thực hiện phân
loại chất thải rắn hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để thu
gom chất thải tại cơ sở và chuyển đến nơi xử lý; tăng cường sử dụng các vật liệu,
sản phẩm, trang thiết bị thân thiện với môi trường; thay thế và tiến tới không
sử dụng túi ni lông khó phân huỷ; thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải,
chất thải theo quy định.
Chương IV
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN
CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG; CHẤT THẢI RẮN NGUY HẠI
Mục 1. CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP
THÔNG THƯỜNG
Điều 15. Hệ thống thu gom chất
thải rắn công nghiệp thông thường
1. CTRCNTT phải được tái chế, tái sử dụng, thu hồi
năng lượng và xử lý hoặc chuyển giao cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều
82 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Việc chuyển giao, thu gom, vận chuyển CTRCNTT
cho các cơ sở sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu phải tuân thủ các quy định về
thu gom, vận chuyển CTRCNTT quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 của Quy định
này.
3. Chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý do chủ nguồn
thải chi trả theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết giữa chủ nguồn thải và chủ thu
gom, vận chuyển và xử lý.
Điều 16. Phân loại, lưu giữ chất
thải rắn công nghiệp thông thường
1. CTRCNTT phải được phân định, phân loại tại nguồn
phù hợp với mục đích quản lý, tái sử dụng, tái chế thành các nhóm như sau:
a) Nhóm CTRCNTT sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản
xuất. Các chất thải này phải phân riêng từng loại tương ứng với nguyên liệu cho
quá trình sản xuất phù hợp;
b) Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường sử dụng
để sơ chế, tái chế làm nguyên liệu sản xuất;
c) Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải
xử lý, tiêu hủy, thu hồi năng lượng.
2. Lưu giữ CTRCNTT trong các thiết bị và tại các điểm
tập kết đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 33 Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT .
Điều 17. Thu gom, vận chuyển
chất thải rắn công nghiệp thông thường
1. Việc thu gom, vận chuyển CTRCNTT phải tuân thủ
quy định tại Điều 15 Quy định này.
2. Việc thu gom, vận chuyển, trung chuyển CTRCNTT
phải bảo đảm không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rỉ và đáp ứng
yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định.
3. CTRCNTT phải được phân định chất thải theo Danh
mục chất thải quy định tại Mẫu số 01, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT ; CTRCNTT sau khi phân định, được chuyển giao cho các cơ sở thu
gom, xử lý CTRCNTT đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với từng loại chất
thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Điều 18. Yêu cầu kỹ thuật đối
với các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường
1. Phương tiện vận chuyển CTRCNTT đáp ứng yêu cầu kỹ
thuật quy định tại Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .
2. Có bản hướng dẫn rút gọn về quy trình vận hành
an toàn phương tiện vận chuyển, quy trình ứng phó sự cố (kèm theo danh sách điện
thoại của các cơ quan quản lý môi trường, công an, cấp cứu, cứu hoả của các địa
phương trên địa bàn hoạt động), nội quy về an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ
(kèm theo yêu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân) đặt ở cabin hoặc khu vực điều khiển
theo quy định của pháp luật, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ.
3. Có gắn thiết bị định vị vệ tinh để theo dõi, giám
sát lộ trình di chuyển.
Điều 19. Trách nhiệm của chủ
nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường
1. Phân loại, chuyển giao CTRCNTT theo quy định tại
Điều 66 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .
2. Bố trí thiết bị,
dụng cụ, khu vực lưu giữ CTRCNTT đảm bảo đúng
theo quy định tại Điều 33 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .
3. Chỉ chuyển giao CTRCNTT cho các đối tượng theo
quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường.
4. Chỉ được tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý,
đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật
hiện hành.
5. Báo cáo quản lý CTRCNTT định kỳ hàng năm theo
quy định và báo cáo đột xuất theo yêu cầu. Việc báo cáo CTRCNTT định kỳ hàng
năm được lồng ghép trong báo cáo định kỳ về công tác bảo vệ môi trường của chủ nguồn
thải.
Điều 20. Tuyến đường và thời
gian vận chuyển
1. Tuyến đường vận chuyển: Phương tiện vận chuyển
CTRCNTT phải xử lý được phép vận chuyển trên các tuyến đường giao thông của tỉnh;
khuyến khích cho phương án có cung đường, cự ly vận chuyển gần; hạn chế tối đa
vận chuyển qua các khu vực đô thị, khu vực đông dân cư.
2. Thời gian vận chuyển:
a) Đối với khu vực nội thị thành phố Điện Biên Phủ:
Các phương tiện vận chuyển CTRCNTT phải xử lý chỉ được vận chuyển trong khoảng
thời gian từ 22 giờ đến 05 giờ sáng ngày hôm sau.
b) Đối với khu vực nội thị, thị trấn, trung tâm các
huyện: Các phương tiện vận chuyển CTRCNTT phải xử lý chỉ được vận chuyển trong
khoảng thời gian từ 20 giờ đến 05 giờ sáng ngày hôm sau.
c) Đối với các khu vực khác: Các phương tiện vận CTRCNTT
phải xử lý không bị giới hạn về thời gian vận chuyển; hạn chế vận chuyển tại
các chợ vào thời điểm tụ tập đông người, địa điểm đang tổ chức sự kiện, trường
học vào thời điểm học sinh đến trường và tan trường.
Mục 2. CHẤT THẢI NGUY HẠI
Điều 21. Phân định, phân loại,
thu gom chất thải nguy hại
1. Việc phân định CTNH được thực hiện hiện theo khoản
1 Điều 68 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .
2. CTNH phải được phân loại theo mã và danh mục
CTNH bắt đầu từ thời điểm khi đưa vào lưu giữ tại cơ sở phát sinh CTNH hoặc khi
chuyển giao CTNH cho các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTNH theo quy định. CTNH
phải được lưu giữ trong các bao bì và thiết bị lưu chứa phù hợp. Chủ nguồn thải
được lựa chọn phân loại hoặc không phân loại theo khoản 3 Điều 35 Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT .
3. Bao bì, thiết bị lưu chứa CTNH phải đáp ứng quy
định tại khoản 4, khoản 5 Điều 35 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .
4. Khu vực lưu giữ chất thải của cơ sở phát sinh
CTNH phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 6 Điều 35 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .
Điều 22. Vận chuyển, xử lý chất
thải nguy hại
1. CTNH phải được vận chuyển bằng phương tiện, thiết
bị đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 37 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Đối với trường hợp chủ nguồn thải tự vận chuyển CTNH thì phương tiện, thiết bị
phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 69 Nghị định số
08/2022/NĐ-CP .
2. CTNH phải được xử lý tại các cơ sở đáp ứng các
yêu cầu tại khoản 1 Điều 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. CTNH trong khuôn viên
cơ sở được tự xử lý khi đáp ứng các yêu cầu theo khoản 2 Điều 70 Nghị định số
08/2022/NĐ-CP .
Điều 23. Tuyến đường và thời
gian vận chuyển
1. Tuyến đường vận chuyển: Phương tiện vận chuyển
CTNH được phép vận chuyển trên các tuyến đường giao thông của tỉnh; khuyến
khích cho phương án có cung đường, cự ly vận chuyển gần; hạn chế tối đa vận
chuyển qua các khu vực đô thị, khu vực đông dân cư.
2. Thời gian vận chuyển:
a) Đối với khu vực nội thị thành phố Điện Biên Phủ,
khu vực nội thị, thị trấn, trung tâm các huyện: Các phương tiện vận chuyển CTNH không được vận chuyển vào các khung giờ cao điểm: Từ
06 giờ - 08 giờ; từ 11 giờ - 14 giờ; từ 16 giờ -19 giờ.
b) Đối với các khu vực khác: Các phương tiện vận
chuyển CTNH không bị giới hạn thời gian vận chuyển; hạn chế vận chuyển tại các
chợ vào thời điểm tụ tập đông người, địa điểm đang tổ chức sự kiện, trường học
vào thời điểm học sinh đến trường và tan trường.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN
LIÊN QUAN
Điều 24. Trách nhiệm và quyền
hạn của chủ nguồn thải
1. Trách nhiệm
a) Thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao CTR
cho đơn vị thu gom, vận chuyển đúng thời gian, phương thức theo quy định. Trường
hợp chủ nguồn thải và đơn vị thu gom, vận chuyển tự thỏa thuận, thực hiện thu
gom, chuyển giao theo thời gian, phương thức đã thỏa thuận, đảm bảo vệ sinh môi
trường;
b) Thực hiện hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển,
xử lý chất thải và các quy định về quản lý cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển
xử lý chất thải và các quy định hiện hành liên quan;
c) Chi trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý
chất thải theo quy định của pháp luật hoặc theo hợp đồng giữa chủ nguồn thải và
tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển, xử lý CTR;
d) Giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, sử dụng
thiết bị lưu chứa đúng quy định; thu gom, tập kết CTR đúng thời gian, đúng nơi
quy định; không được vứt, thải, đổ, bỏ CTR ra môi trường không đúng nơi quy định;
tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, bản, ngõ xóm,
nơi công cộng do chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể phát động;
đ) Dọn dẹp vệ sinh môi trường trong khu đất do mình
sử dụng; giữ gìn vệ sinh môi trường vỉa hè trước và xung quanh nhà, cơ sở hoặc
trụ sở làm việc. Không được vứt, thải, đổ, bỏ CTR trước nhà, vỉa
hè không có thùng lưu giữ rác, trên lòng lề đường, miệng hố ga, ao hồ,
sông, suối, kênh hoặc vào các nơi công cộng khác;
e) Cá nhân, chủ nguồn thải kinh doanh dịch vụ ăn uống
phải bố trí thùng rác tại mỗi bàn ăn hoặc bố trí thùng chứa rác riêng để phục vụ
cho vị trí kinh doanh dịch vụ ăn uống;
f) Giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến chất
lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR; các vi phạm đối với
Quy định này đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã;
g) Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu
hồi năng lượng theo quy định của pháp luật; hạn chế sử dụng túi ni lông khó
phân hủy và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần;
h) Đối với chủ nguồn thải CTRSH, CTRXD, CTRCNTT tự
xử lý chất thải phải đảm bảo an toàn và môi trường. Trường hợp chủ nguồn thải
có hồ sơ bảo vệ môi trường, thực hiện theo hồ sơ bảo vệ môi trường đã được phê
duyệt và các quy định của pháp luật về quản lý chất thải;
i) Tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ
môi trường, quản lý chất thải; tích cực tham gia hưởng ứng các
phong trào thu gom rác thải, vệ sinh môi trường do chính quyền địa
phương, các tổ chức đoàn thể phát động; tham gia xây dựng tuyến
phố, tuyến đường, tổ dân phố, khu dân cư, tổ tự quản, văn minh “Sáng - Xanh - Sạch
- Đẹp”.
2. Quyền hạn
a) Được bảo đảm việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR
khi đã thanh toán đầy đủ chi phí dịch vụ theo quy định;
b) Được khen thưởng, tuyên dương khi tham gia thực
hiện tốt phong trào, chương trình hoặc hiến kế, góp ý nhằm góp phần bảo vệ môi
trường;
c) Được quyền giám sát và phản ánh các vấn đề liên
quan đến giá dịch vụ hợp đồng, đánh giá chất lượng cung ứng các dịch vụ thu
gom, vận chuyển và xử lý CTR theo quy định với các cơ quan chức năng tại địa
phương (Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường,
các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh);
d) Được quyền phản ánh cho chính quyền địa phương đối
với các trường hợp tổ chức, cá nhân gây mất vệ sinh khu vực đất do mình sở hữu,
vỉa hè trước và xung quanh nhà, cơ sở hoặc trụ sở làm việc để kiểm tra, xử lý đối
với những trường hợp vi phạm Quy định này và quy định pháp luật về bảo vệ môi
trường;
đ) Có quyền thương thảo với chủ thu gom, vận chuyển
CTRSH để được cung cấp các dịch vụ tăng thêm như: Vệ sinh khu phố, thu gom
CTRNH, CTRXD, CTR cồng kềnh ...
Điều 25. Trách nhiệm và quyền
hạn của đơn vị thu gom, vận chuyển
1. Trách nhiệm
a) Quản lý, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường
trên địa bàn được giao; theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm
quy định về quản lý CTR, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan
có thẩm quyền xử lý theo quy định;
b) Phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế
phù hợp đối với từng loại CTR đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo
vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giá dịch vụ
thu gom CTR tại nguồn, vận chuyển CTR theo quy định do cấp có thẩm quyền ban
hành và các quy định hiện hành liên quan;
d) Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong
công tác kiểm tra, giám sát cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR; gửi hợp đồng
và hồ sơ năng lực (bao gồm giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy tờ xe, các hình ảnh
minh họa về xe vận chuyển) và các giấy tờ liên quan về Sở Tài nguyên và Môi trường
để cập nhật vào danh sách các chủ thu gom, vận chuyển chất thải CTR trên địa
bàn tỉnh;
đ) Thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp xã xác định
thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom CTR trên địa bàn;
e) Thông báo rộng rãi về thời gian, phương thức, tần
suất thu gom các loại CTR quy định tại khoản 4 Điều 10, khoản 1 Điều 11, khoản
3 Điều 12 của Quy định này cho tất cả các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải
được biết. Nhắc nhở chủ nguồn thải không giao CTR đúng thời gian và phương thức
quy định, kịp thời trao đổi thông tin với trưởng thôn, bản, khối phố để phối hợp
đôn đốc, yêu cầu thực hiện đúng quy định;
g) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
và các đơn vị liên quan tuyên truyền vận động hộ gia đình, chủ nguồn thải về
trách nhiệm quản lý CTR và nghĩa vụ nộp tiền giá dịch vụ;
h) Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi CTR, gây
phát tán bụi, mùi hoặc rò rỉ nước rỉ rác gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong
quá trình thu gom, vận chuyển đến các điểm tập kết, khu vực xử lý;
i) Đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động cho công
nhân thu gom CTR; tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động
tham gia thu gom CTR theo quy định;
k) Định kỳ trước ngày 15 tháng 01 năm sau, chủ thu
gom, vận chuyển CTR báo cáo thống kê danh sách số lượng chủ nguồn thải, khối lượng
CTR thu gom, vận chuyển; số lượng, loại phương tiện thu gom, địa bàn thu gom
CTR trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường của năm, gửi Sở Tài nguyên và Môi
trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã để quản lý; hoặc báo
cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
l) Đối với chủ thu gom, vận chuyển CTRCNTT, CTRXD,
CTNH xây dựng, lập phương án thu giá dịch vụ trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ
chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển; tự phê duyệt phương án hoặc trình cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt giá thu gom, vận chuyển và niêm yết giá theo quy định,
tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá và các luật khác có liên quan;
m) Đối với chủ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt có
trách nhiệm lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án giá dịch vụ nhưng không
vượt quá giá tối đa của UBND tỉnh đã phê duyệt, ban hành. Giá dịch vụ trên
nguyên tắc chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển được tính đúng, tính đủ của
một đơn vị khối lượng, thể tích ... chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện.
2. Quyền hạn
a) Được thu phí thu gom, vận chuyển CTR theo phương
án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR đã được phê duyệt, hoặc theo hợp đồng đã
ký với chủ nguồn thải;
b) Đề xuất các biện pháp hỗ trợ hoặc thay thế nhằm
làm giảm chi phí cũng như nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường đảm bảo các biện
pháp hỗ trợ hoặc thay thế này không trái với các quy định hiện hành;
c) Có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTR của chủ
nguồn thải không thực hiện phân loại tại nguồn hoặc không giao CTR đúng thời gian
và phương thức quy định liên tiếp 03 lần/tháng và thông báo cho cơ quan có thẩm
quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đối với lĩnh vực
hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và quy định của tỉnh;
đ) Được thực hiện các quyền khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 26. Trách nhiệm và quyền
hạn của chủ đơn vị xử lý chất thải rắn
1. Trách nhiệm
a) Thực hiện các công trình bảo vệ môi trường tại
cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định;
b) Thực hiện chương trình quản lý, giám sát môi trường
theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp giấy phép;
c) Quản lý, vận hành cơ sở xử lý CTR theo đúng quy
trình công nghệ. Thực hiện xử lý chất thải theo đúng quy định này và quy định
pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định pháp luật có liên quan; đảm bảo tái sử
dụng tối đa chất thải, giảm thiểu chất thải phải chôn lấp, không được để lẫn
các loại chất thải đã phân loại để xử lý;
d) Phối hợp, thông báo kịp thời với đơn vị giám sát
để ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý CTR thuộc phạm
vi hoạt động của mình; xử lý chất thải rắn phù hợp với địa bàn hoạt động, công
suất, loại chất thải, các hệ thống, thiết bị xử lý chất thải đã được đầu tư xây
dựng, lắp đặt và xác nhận. Chỉ ký hợp đồng tiếp nhận chất thải rắn với các chủ
thu gom, vận chuyển đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
đ) Có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ
quan quản lý nhà nước, các bên có liên quan trong trường hợp ngừng dịch vụ xử
lý để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, thiết bị xử lý CTR. Nội dung thông
báo phải nêu rõ lý do, thời gian tạm dừng, thời gian tiếp tục xử lý;
e) Khi phát hiện sự cố môi trường phải có trách nhiệm
thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức
cứu người, tài sản và xây dựng các biện pháp khắc phục; kịp thời thông báo với
chính quyền địa phương, cơ quan quản lý tài nguyên, môi trường và các cơ quan
có liên quan để phối hợp xử lý;
g) Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý báo cáo, hồ sơ,
tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý CTR theo quy định;
h) Trường hợp phân rã, phân loại CTR cồng kềnh,
phân loại CTRSH nếu phát hiện chất thải có yếu tố nguy hại hoặc phát sinh CTNH
tại cơ sở xử lý CTRSH thì phải quản lý theo quy định về quản lý CTNH và thực hiện
trách nhiệm của chủ nguồn thải CTNH theo quy định hiện hành;
i) Phối hợp với chính quyền địa phương giữ gìn an
ninh trật tự, an toàn khu vực xử lý và xung quanh cơ sở xử lý CTR được giao quản
lý, vận hành;
k) Lập báo cáo công tác xử lý CTR định kỳ hàng năm
theo quy định hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền;
l) Đối với chủ xử lý CTRCNTT, CTRXD, CTNH xây dựng,
lập phương án thu giá dịch vụ trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt
động xử lý chất thải; tự phê duyệt phương án hoặc trình cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt giá xử lý CTR và niêm yết giá theo quy định, tự chịu trách nhiệm trước
pháp luật về giá và các luật khác có liên quan;
m) Đối với chủ xử lý CTR sinh hoạt được phép thu hoặc
hợp đồng theo phương án giá do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
2. Quyền hạn
a) Được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đối với lĩnh vực
hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và quy định của tỉnh;
b) Được quyền kiểm tra các chất thải trước khi tiếp
nhận, từ chối tiếp nhận các loại CTR không đúng với hợp đồng đã ký;
c) Được thanh toán đúng và đủ giá dịch vụ xử lý CTR
theo hợp đồng đã ký;
d) Được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xem xét sửa đổi, bổ sung các quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật và các định mức kinh
tế kỹ thuật có liên quan đến hoạt động xử lý CTR;
đ) Được thực hiện các quyền khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 27. Trách nhiệm của các Sở,
ban, ngành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Là cơ quan đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân
tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CTR trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện
Quy định này;
b) Hàng năm phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện,
thị xã, thành phố rà soát nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ, hỗ trợ
cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh theo quy định về
phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành;
c) Phối hợp với các cơ quan liên quan
tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động bảo
vệ môi trường đối với CTR trên địa bàn tỉnh;
d) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị
cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường liên quan
đến thu gom, vận chuyển, xử lý CTR theo thẩm quyền trên địa bàn tỉnh;
g) Đôn đốc, tổng hợp báo cáo công tác thu gom, vận
chuyển, xử lý CTR trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
hàng năm, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân
dân tỉnh theo quy định;
h) Hướng dẫn UBND cấp huyện và các
đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải địa bàn thực hiện quản lý CTR, kiểm tra thực hiện công tác vệ sinh môi trường theo quy định;
i) Hướng dẫn việc cải tạo, phục hồi
môi trường và quy trình đóng bãi chôn lấp CTRSH sau khi kết thúc hoạt động;
m) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc
ban hành mới Bộ đơn giá dịch vụ công ích đối với hoạt động thu gom, vận chuyển,
xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
2. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan thẩm định quy hoạch vị trí xử lý CTR trên địa bàn tỉnh theo quy định của
pháp luật về xây dựng;
b) Tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy
phép xây dựng khu xử lý, điểm tập kết, xử lý CTR theo thẩm quyền;
c) Hướng dẫn thủ tục đầu tư xây dựng các điểm, khu
xử lý CTR đảm bảo phù hợp với khối lượng được thu gom, phân loại và tình hình
thực tế; danh mục chất thải xây dựng.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành biện pháp thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đối với
hoạt động đầu tư xử lý CTR trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt danh mục các dự án xử lý CTR trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn thực hiện
thủ tục đầu tư đối với các dự án xử lý CTR theo phương thức xã hội hóa và các
hình thức đầu tư khác;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan ưu tiên cân đối, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý
CTR đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và
dài hạn. Tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến quản
lý, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét bố trí vốn đầu tư để giải phóng mặt bằng và các hạ tầng
thiết yếu khác đến chân hàng rào theo quy định cho các dự án xây dựng nhà máy xử
lý CTR, khu xử lý chất thải tập trung, xây dựng các điểm tập
kết CTR;
c) Chủ trì thẩm định, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư các dự án xử lý CTR theo quy định;
d) Tham mưu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ
trợ để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý CTR phù hợp
với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
4. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan thẩm định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH;
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ
quan liên quan kiểm tra kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất quá trình thực
hiện cung ứng dịch vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật
hiện hành.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Hướng dẫn, quản lý hoạt động
chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Chuyển giao công nghệ, đánh
giá, giám định công nghệ, môi giới và tư vấn chuyển giao công nghệ, thẩm định
hoặc có ý kiến về cơ sở khoa học và công nghệ của các dự án đầu tư xây dựng cơ
sở xử lý CTR đảm bảo đúng theo cam kết của các nhà đầu tư;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan thẩm định sự phù hợp của công nghệ đối với các dự án đầu tư xử
lý CTR.
6. Sở Giao thông vận tải
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, Công an tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan trong việc quản lý, giám
sát các phương tiện vận chuyển CTR trên địa bàn tỉnh; phối hợp kiểm tra, xử lý
các phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải theo quy định; phối hợp, kiểm tra,
xử lý các hành vi tập kết chất thải lấn chiếm hành lang an toàn giao thông;
b) Triển khai, hướng dẫn thực hiện quy định về
phương tiện, tuyến đường, thời gian vận chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan đến hoạt động vận chuyển CTR trên địa bàn tỉnh;
c) Chia sẻ thông tin kế hoạch cấm đường, sửa chữa
đường và thông tin các tuyến đường mật độ lưu thông đông đúc, thường xuyên tắc
nghẽn giao thông cần hạn chế xe vận chuyển CTR cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đối
với các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý và được ủy thác quản lý.
d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm
tra, giám sát các phương tiện vận chuyển CTRCNTT phải xử lý và CTNH thông qua
thiết bị giám sát hành trình được lắp trên phương tiện.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chỉ đạo, hướng
dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo
dục - đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ
môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường.
Tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về về bảo vệ môi
trường; phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải, vệ sinh
môi trường cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, học viên, sinh
viên các cơ sở giáo dục đào tạo, trường học, cơ sở giáo dục
nghề nghiệp.
b) Rà soát
chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy và biên tập tài liệu, hướng dẫn
giáo dục về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thu
gom rác thải, vệ sinh môi trường lồng ghép vào môn học hoặc
hoạt động ngoại khóa phù hợp với lớp học, cấp học bảo đảm các
biện pháp tuyên truyền, giáo dục dưới các hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu theo từng lứa tuổi.
8. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các doanh nghiệp
trong cụm công nghiệp thực hiện tổ chức phân loại CTR tại nguồn, thu gom, vận
chuyển, xử lý CTR theo quy định;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm thiểu chất thải nhựa và vệ
sinh môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ truyền thống và
các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ngành Công Thương.
9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì thực hiện
công tác tuyên truyền cổ động trực quan (Pano, áp phích, biểu ngữ, tranh cổ động,
màn hình điện tử...). Hướng dẫn thông tin tuyên truyền, biểu trưng nhận diện
thông điệp bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch;
b) Chủ trì triển
khai thí điểm và nhân rộng các mô hình không sử dụng túi ni lông tại các khu,
điểm du lịch, di tích lịch sử, danh thắng trong năm 2025 và nhân rộng trong các
năm tiếp theo;
c) Chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các điểm
du lịch, di tích, bảo tàng thành lập bộ phận hoặc phân công người lao động phụ
trách bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành nội quy bảo vệ môi trường phù hợp với
đặc thù của từng điểm du lịch; bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho
khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân
loại, xử lý rác thải theo quy định;
d) Yêu cầu các cơ sở kinh doanh tại
khu vực di tích, du lịch nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường;
tăng cường sử dụng các vật liệu, sản phẩm, trang thiết bị thân thiện với môi
trường; thay thế và tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân huỷ; thực hiện
thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải theo quy định.
10. Sở Y tế
Chủ trì, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thu gom chất thải, vệ sinh
môi trường tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
11. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng
dẫn các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan có cổng/trang điện tử, hệ thống
thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về
bảo vệ môi trường; phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025 đã được phê
duyệt tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ;
phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; nêu gương
các điển hình tiên tiến, lên án biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ
môi trường.
12. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và công
an huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống tội phạm về môi trường; kịp
thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định
của pháp luật;
b) Tăng cường công tác kiểm tra việc
chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển CTR đảm bảo
đúng tải trọng theo quy định, kịp thời phát hiện các hành vi vận
chuyển CTR quá khổ, quá tải trọng; các hành vi đổ trộm chất thải,
xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
13. Cục Thuế tỉnh
a) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi
trường trong xây dựng, điều chỉnh phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử
lý CTRSH trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;
b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, cơ sở thu gom, vận
chuyển, xử lý CTR thực hiện sử dụng chứng từ thu; đăng ký, kê khai và nộp các
khoản thuế từ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR vào ngân sách nhà nước
theo quy định.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh
Điện Biên và các tổ chức thành viên:
a) Tuyên truyền, vận động toàn thể hội viên, đoàn
viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; tích cực
tham gia công tác bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn;
thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nói không với túi ni
lông khó phân hủy;
b) Phát động các phong trào bảo vệ môi trường; xây
dựng khu dân cư, các mô hình tự quản về vệ sinh môi trường gắn với thực hiện Cuộc
vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;
c) Tham gia phản biện, góp ý xây dựng và hoàn thiện
chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý CTR. Giám sát các tổ chức,
cá nhân trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và trong quản
lý, xử lý vi phạm về quản lý CTR trên địa bàn tỉnh;
d) Tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình,
điển hình của cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống
văn minh, vệ sinh môi trường. Trong đó tập trung ưu tiên xây dựng mới và nhân rộng
tới các khu dân cư trên địa bàn tỉnh các mô hình về phân loại tại nguồn, thu
gom, vận chuyển, xử lý CTR và giữ gìn vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư.
15. Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình
tỉnh Điện Biên
a) Thường xuyên cập
nhật, đưa tin về các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ
môi trường;
b) Sản xuất
các chương trình chuyên đề về hoạt động bảo vệ môi trường, quản
lý CTR trên địa bàn; cập nhật, đưa tin về các mô hình hiệu quả, các phong trào
hoặc địa phương trong và ngoài tỉnh điển hình trong công tác bảo vệ môi trường;
xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên mục, chuyên trang về bảo vệ môi trường trên Đài Phát thanh - Truyền
hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ;
c) Thiết lập
tài khoản trên các mạng xã hội để tương tác,
tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp
luật về bảo vệ môi trường.
Điều 28. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp huyện
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản
lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị
định số 08/2022/NĐ-CP ; điểm đ khoản 1, điểm h khoản 2, Điều 26 Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT và các quy định sau:
1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về
quản lý nhà nước đối với CTR, bảo vệ môi trường trên địa bàn.
2. Chủ trì tổ chức xây dựng và ban hành lộ trình
thu gom, vận chuyển CTRSH đến điểm xử lý rác thải trên địa bàn, đảm bảo tối ưu
về cự ly vận chuyển và tình hình giao thông tại khu vực làm cơ sở đấu thầu,
giao nhiệm vụ, đặt hàng lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định; hằng
năm xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý CTRSH và giảm thiểu rác thải nhựa
trên địa bàn.
3. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn
UBND cấp xã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước của
thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có quy định cụ thể về bảo vệ môi trường, phân
loại rác thải tại nguồn, quản lý CTR theo quy định; hình thức xử lý đối với các
trường hợp không chấp hành.
4. Lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH thông
qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp
không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt
hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
5. Triển khai thí điểm mỗi huyện,
thành phố tối thiểu 01 mô hình điểm về cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường,
thu gom rác thải và vệ sinh môi trường, yêu cầu hoàn thành trong năm 2024, triển
khai nhân rộng trên địa bàn trong các năm tiếp theo.
6. Bố trí quỹ đất, vị trí đổ chất thải từ hoạt động
xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; vật
chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy; xác định, công bố vị trí các điểm
tập kết CTRSH, chất thải rắn cồng kềnh theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;
công bố các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân
trên địa bàn. Bố trí các thiết bị lưu chứa, thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ
gia đình, cá nhân để thu gom, phân loại đảm bảo theo Quy định này.
7. Triển khai các dự án cải tạo, phục hồi môi trường, tái sử dụng đất đối với các bãi chôn lấp
rác thải sau khi đóng cửa; chủ động bố trí kinh phí để thực hiện công
tác quản lý CTR trên địa bàn; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ
môi trường, giá dịch vụ thu gom và xử lý CTR.
8. Trực tiếp xem xét, giải quyết các tranh chấp,
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cung ứng dịch vụ xử lý CTR, trường hợp
vượt quá thẩm quyền báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý theo
quy định.
9. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở xử lý CTR
quy mô liên huyện hoặc có lò đốt thải rắn theo cụm tạo điều kiện hỗ trợ xử lý
CTR cho các địa phương khác, có văn bản thống nhất để các địa phương khác vận
chuyển CTR đến cơ sở xử lý trên địa bàn để xử lý; chịu trách nhiệm quản lý nhà
nước đối với hoạt động của cơ sở xử lý CTR.
10. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ môi
trường, thu gom rác thải vệ sinh môi trường đến toàn thể nhân dân trên hệ thống
phát thanh - truyền hình, trang thông tin điện tử cấp huyện và mạng xã hội; chỉ
đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền theo
từng điểm sinh hoạt cộng đồng như trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn; các
nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thông qua các buổi sinh hoạt tại thôn, bản, tổ dân
phố... để nhân dân biết, thực hiện.
11. Định kỳ trước ngày 31 tháng 01 của năm sau, báo
cáo kết quả triển khai thực hiện quản lý CTR trên địa bàn trong nội dung báo
cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng
hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời báo cáo Hội đồng nhân dân cấp huyện
(theo Mẫu số 01, Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT).
Điều 29. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản
lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị
định số 08/2022/NĐ-CP và các quy định sau:
1. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cấp xã,
Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất
thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Định kỳ trước ngày 10 tháng 01 năm tiếp theo gửi
Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo đánh giá, kết quả triển khai thực hiện trong
năm, đồng thời nêu những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai và kiến
nghị, đề xuất giải pháp thực hiện.
2. Chịu trách nhiệm chỉ đạo và quản lý hoạt động
thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các thôn, xóm, tổ dân
phố và các tổ chức tự quản; định kỳ tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi
trường; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết và thực hiện phân loại rác tại
nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa và giữ gìn vệ sinh môi trường.
3. Phối hợp với các chủ cơ sở thu gom, vận chuyển
chất thải rắn sinh hoạt xác định cụ thể thời gian, phương thức chuyển giao chất
thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải và thời gian chuyển giao
chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm cố định phù hợp với đặc điểm của từng khu
vực, từng địa bàn.
4. Phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện trong
việc lựa chọn và xây dựng các điểm tập kết/trạm trung chuyển chất thải rắn sinh
hoạt trên địa bàn; phổ biến thời gian và phương thức chuyển giao chất thải rắn
sinh hoạt đến tất cả hộ gia đình và chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt trên
địa bàn quản lý.
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cấp
xã tuyên truyền, vận động, phổ biến các nội dung liên quan đến việc phân loại
chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn
sinh hoạt theo quy định.
6. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giảm
thiểu rác thải nhựa. Rà soát, tổ chức cho các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa
hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, quán cà phê, quán ăn vỉa
hè, cơ sở kinh doanh du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên địa bàn quản
lý thực hiện nội dung ký cam kết về giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế việc sử dụng
sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học.
7. Xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ
chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc phân loại, thu
gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; công khai trên
phương tiện truyền thông của xã hoặc trong các cuộc họp về những trường hợp vi
phạm về phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện và
các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức
triển khai thực hiện Quy định này và giám sát, kiểm tra nội dung thực hiện.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được
viện dẫn tại Quyết định được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì được thực hiện
theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
3. Đối với các chủ nguồn thải đã thực hiện ký kết hợp
đồng với các cơ sở cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn
sinh hoạt, trong đó có nội dung chưa đúng với Quy định này thì phải thực hiện
điều chỉnh, bổ sung hoặc ký kết lại hợp đồng cung ứng dịch vụ theo đúng Quy định
này từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành.
Điều 31. Điều khoản thi hành
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì theo
dõi việc triển khai quy định này, định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện quản lý
CTR trên địa bàn tỉnh trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm, báo
cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh
trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn,
vướng mắc, các sở, ban, ngành, UBND các cấp phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên
và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp.