ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
07/2010/QĐ-UBND
|
Gia
Nghĩa, ngày 27 tháng 4 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI; GIẾT
MỔ; MUA BÁN, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT; ẤP TRỨNG GIA CẦM VÀ SẢN XUẤT,
KINH DOANH TRONG LĨNH VỰC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24/3/2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định thi
hành chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ Quy định về điều
kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết
Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh
doanh có điều kiện;
Căn cứ Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về việc quy định
phòng, chống bệnh dại ở động vật;
Căn cứ Nghị định số 40/2009/NĐ-CP, ngày 24/4/2009 của Chính phủ về việc Quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
Căn cứ Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về điều
kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm;
Căn cứ Quyết định số 56/2008/QĐ-BNN ngày 29/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc ban hành quy chế kiểm tra, chứng nhận nuôi trồng thủy sản
theo hướng bền vững;
Căn cứ Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc ban hành quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thủy
sản;
Căn cứ Thông tư số 60/2008/TT-BNN ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn sửa đổi một số nội dung tại Thông tư số 92/2007/TT-BNN ngày
19/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số
điều tại Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về
điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm;
Căn cứ Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về quy trình, thủ tục kiểm dịch động
vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số
29/TTr-SNN, ngày 29 tháng 3 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc quản
lý hoạt động chăn nuôi; giết mổ; mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật;
ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Điều 2.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở:
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Thủ
trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã Gia Nghĩa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này.
Quyết định này có hiệu lực sau
15 ngày kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Diễn
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI; GIẾT MỔ; MUA BÁN, VẬN
CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT; ẤP TRỨNG GIA CẦM VÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH
TRONG LĨNH VỰC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 4 năm 2010 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có hoạt
động liên quan đến chăn nuôi; giết mổ; mua bán; vận chuyển động vật, sản phẩm động
vật; ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản
trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Điều 2.
Các từ ngữ dùng trong Quy định này được hiểu như sau:
1. Động vật gồm các loài gia súc
(trâu, bò, heo, dê, cừu, chó, thỏ…), các loài gia cầm (gà, vịt, ngỗng, đà điểu,
chim cút, chim cảnh…), các loài thủy sản (cá, động vật lưỡng cư, giáp xác, nhuyễn
thể, động vật thủy sinh…) và các loài động vật được phép lai tạo từ động vật
hoang dã đã qua 03 thế hệ.
2. Sản phẩm động vật gồm những sản
phẩm có nguồn gốc từ những loài động vật được quy định tại khoản 1 của điều này
và sản phẩm động vật hoang dã được phép chăn nuôi.
3. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia
cầm và nuôi trồng thủy sản bao gồm: Hệ thống chuồng trại; nhà kho chứa vật dụng,
dụng cụ chăn nuôi; hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống; hệ thống máy móc thiết
bị phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hệ thống xử lý chất thải; bãi chăn
thả có hàng rào bảo vệ; hệ thống ao, hồ, đầm, bờ bao, kênh mương cấp thoát nước
để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
4. Quy mô của cơ sở chăn nuôi,
nuôi trồng thủy sản tập trung được xác định theo số đầu gia súc, gia cầm và diện
tích nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
qui mô lớn: thường xuyên có số lượng động vật hoặc diện tích nuôi trồng thủy sản
như sau:
Trâu, bò: mục đích nuôi sinh sản,
phối giống, lấy sữa từ 100 con trở lên; mục đích nuôi thương phẩm từ 500 con;
Heo: mục đích nuôi sinh sản, phối
giống từ 200 con trở lên; mục đích nuôi thương phẩm từ 1.000 con trở lên;
Dê, cừu: từ 1.000 con trở lên;
Chó: từ 500 con trở lên; Thỏ: từ
10.000 con trở lên;
Gia cầm từ 20.000 con trở lên (đối
với chim cút từ 100.000 con trở lên, đối với đà điểu từ 200 con trở lên);
Nuôi trồng thủy sản có diện tích
mặt nước trên 10 ha.
b) Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
qui mô vừa: thường xuyên có số lượng động vật hoặc diện tích nuôi trồng thủy sản
như sau:
Trâu, bò: mục đích nuôi sinh sản,
phối giống, lấy sữa từ 10 con đến dưới 100 con; mục đích nuôi thương phẩm từ 50
con đến dưới 500 con;
Heo: mục đích nuôi sinh sản, phối
giống từ 20 con đến dưới 200 con; mục đích nuôi thương phẩm từ 100 con đến dưới
1.000 con;
Dê, cừu: từ 100 con đến dưới
1.000 con; Chó: từ 200 con đến dưới 500 con;
Thỏ: từ 1.000 con đến dưới
10.000 con;
Gia cầm từ 2.000 con đến dưới
20.000 con (đối với chim cút từ 20.000 đến dưới 100.000 con);
Nuôi trồng thủy sản có diện tích
mặt nước từ 05 đến 10 ha.
c) Chăn nuôi nuôi trồng thủy sản
qui mô nhỏ: thường xuyên có số lượng động vật hoặc diện tích nuôi trồng thủy sản
như sau:
Trâu, bò: mục đích nuôi sinh sản,
phối giống, lấy sữa từ 5 con đến dưới 10 con; mục đích nuôi thương phẩm từ 20
con đến dưới 50 con;
Heo: mục đích nuôi sinh sản, phối
giống từ 10 con đến dưới 20 con; mục đích nuôi thương phẩm từ 50 con đến dưới
100 con;
Dê, cừu: từ 100 đến dưới 200
con; Thỏ: từ 100 con đến dưới 1.000 con; Chó: từ 50 đến dưới 200 con;
Gia cầm từ 200 con đến dưới
2.000 con (đối với chim cút từ 2.000 đến dưới 20.000 con);
Nuôi trồng thủy sản có diện tích
mặt nước từ 02 đến 05 ha.
d) Chăn nuôi hộ gia đình: có số
động vật hoặc diện tích mặt nước nhỏ hơn qui mô nhỏ.
Tất cả số lượng động vật không
tính số đầu con gia súc chưa cai sữa, số đầu con gia cầm dưới 7 ngày tuổi.
Đối với cơ sở nuôi nhiều loại
gia súc, gia cầm qui mô được xác định căn cứ vào số lượng của loại động vật
nuôi có tỷ lệ cao nhất;
đ) Khu cách ly động vật: nơi tập
trung động vật trong một thời gian nhất định để vận chuyển đến nơi khác hoặc để
nuôi theo dõi trước khi nhập đàn.
5. Báo cáo đánh giá tác động môi
trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ
thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.
6. Bản cam kết bảo vệ môi trường
là cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải và tuân thủ các
quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bản phân tích, dự báo các loại chất
thải phát sinh của dự án để đưa ra các biện pháp xử lý chất thải làm giảm thiểu
ô nhiễm môi trường theo qui định của Luật Bảo vệ môi trường.
7. Cơ sở nuôi thủy sản là nơi có
hoạt động trực tiếp nuôi thuỷ sản do một tổ chức, cá nhân làm chủ.
8. Vùng nuôi thủy sản là vùng đất
để nuôi thuỷ sản có từ 2 cơ sở nuôi trở lên, sử dụng chung nguồn nước cấp và hệ
thống thải nước.
9. Giống thủy sản thương phẩm
bao gồm giống động vật thủy sản, động vật lưỡng cư và giống thực vật thủy sản sử
dụng để nuôi trồng.
10. Sản xuất, kinh doanh giống
thủy sản là các hoạt động nhân giống, ương nuôi, thuần dưỡng, vận chuyển, dịch
vụ giống thủy sản thương phẩm.
11. Các biện pháp phòng bệnh bắt
buộc gồm: Sử dụng vắc xin, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất
dùng trong thú y để phòng bệnh cho động vật; áp dụng các biện pháp vệ sinh thú
y trong chăn nuôi.
12. Cơ sở giết mổ động vật, sơ
chế sản phẩm động vật: Là địa điểm cố định, được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng
ký kinh doanh để giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật.
Chương II
ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI GIA
SÚC, GIA CẦM
Điều 3. Địa
điểm và phương thức chăn nuôi
1. Địa điểm chăn nuôi:
a) Không được chăn nuôi bất kỳ
qui mô nào (kể cả chăn nuôi hộ gia đình) trong Khu công nghiệp;
b) Không được chăn nuôi thủy cầm,
các loại động vật có quy mô vừa và lớn trong khu dân cư tập trung, khu phố thuộc
thị xã, thị trấn, thị tứ;
c) Cơ sở chăn nuôi có quy mô vừa
và lớn phải phù hợp quy hoạch của địa phương và cách xa trường học; bệnh viện;
chợ; nhà dân; cơ sở sản xuất kinh doanh và các khu công cộng khác tối thiểu 500
m;
d) Cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ
cách xa trường học; bệnh viện; chợ; nhà dân; cơ sở sản xuất kinh doanh và các
khu công cộng khác 200 m;
đ) Chăn nuôi hộ gia đình cách xa
khuôn viên trường học; bệnh viện; chợ và các khu công cộng khác 50 m.
2. Về phương thức chăn nuôi:
a) Chăn nuôi phải có chuồng trại
nuôi nhốt gia súc, gia cầm cách biệt với nhà ở; không được thả rông gia súc,
gia cầm trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng, không được làm chuồng ngay
trên sông, suối, kênh mương công cộng;
b) Không được nuôi chung gia súc
với các loại gia cầm trong cùng một chuồng.
Điều 4. Điều
kiện về môi trường
1. Đối với các dự án chăn nuôi từ
1.000 con gia súc trở lên, từ 20.000 con gia cầm trở lên (đối với chim cút
100.000 con trở lên, đà điểu từ 200 con trở lên) phải lập báo cáo đánh giá tác
động môi trường. Các dự án chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ phải lập bản cam kết
bảo vệ môi trường theo qui định của Luật Bảo vệ môi trường.
2. Đối với các cơ sở chăn nuôi
đã hoạt động trước khi quyết định này có hiệu lực mà chưa có Quyết định phê duyệt
đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường thì cơ sở
phải lập Đề án bảo vệ môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi
trường phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định tại Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT,
ngày 18/9/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn lập, phê duyệt
hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề
án bảo vệ môi trường.
Điều 5. Điều
kiện vệ sinh thú y
1. Đối với cơ sở vật chất:
a) Chăn nuôi qui mô vừa và qui
mô lớn:
Có hàng rào hoặc tường bao quanh
cơ sở;
Có khu làm việc, nhà ở riêng biệt;
Có khu vực sát trùng cho người,
phương tiện vận chuyển trước khi ra, vào cơ sở chăn nuôi;
Thực hiện vệ sinh, khử trùng
tiêu độc định kỳ, khi có dịch bệnh và sau mỗi đợt nuôi, xuất bán động vật;
Thức ăn, nước uống dùng trong
chăn nuôi: phải đảm bảo vệ sinh thú y quy định tại Điều 8, Nghị định số
33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của
Pháp lệnh Thú y;
Có khu nuôi cách ly; khu xử lý động
vật bệnh, chết;
Khu nhà kho;
Có nhà vệ sinh, thay quần áo cho
công nhân và khách tham quan;
Có hệ thống sổ sách theo dõi việc
xuất, nhập động vật, sổ theo dõi điều trị, tiêm phòng cho động vật;
Trường hợp chăn nuôi trâu, bò mục
đích khai thác lấy sữa: phải có khu sơ chế bảo quản sữa;
Trường hợp chăn nuôi heo đực giống:
phải có khu khai thác, pha chế, dụng cụ bảo quản tinh dịch;
Trường hợp chăn nuôi gia cầm giống:
nếu có nhu cầu ấp trứng phải có khu ấp trứng riêng biệt với khu chăn nuôi;
Trường hợp chăn nuôi bao gồm
nuôi thương phẩm và nuôi giống phải tách nuôi thương phẩm và nuôi giống thành 2
dãy riêng biệt.
b) Chăn nuôi hộ gia đình và qui
mô nhỏ:
Phải có chuồng trại xây dựng phù
hợp với loài vật nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng, không nuôi nhốt gần nơi ăn
ở sinh hoạt gia đình;
Thực hiện vệ sinh, khử trùng
tiêu độc định kỳ, khi có dịch bệnh và sau mỗi đợt nuôi, xuất bán động vật;
Có nơi xử lý chất thải động vật
bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường.
2. Đối với động vật nuôi:
a) Phải được tiêm phòng bắt buộc
các loại vắc xin theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc
áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho vật nuôi theo quy định tại
khoản 1, Điều 10 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP, ngày 15/3/2005 của Chính phủ về
việc Quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y;
b) Gia súc, gia cầm nuôi để sản
xuất giống: Con giống phải được cơ quan có thẩm quyền công bố chất lượng giống
và kiểm tra định kỳ các bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
c) Đối với trường hợp nuôi chó,
mèo: Chủ nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương cấp xã; thực hiện các biện
pháp phòng, chống bệnh dại và các biện pháp đảm bảo an toàn cho người theo hướng
dẫn của cán bộ thú y, chính quyền địa phương.
Chủ vật nuôi chịu mọi trách nhiệm
khi để chó thả rông cắn người hay phóng uế làm ô nhiễm môi trường công cộng. Bồi
thường tổn thất về sức khoẻ, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra
cho người bị hại trực tiếp và cộng đồng.
Trường hợp chủ vật nuôi để chó
thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải
chịu trách nhiệm dân sự. Nếu có chết người, ngoài việc phải chịu chi phí trong
thời gian đợt điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm bồi thường vật chất
trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan cho hậu
quả do người bị chết để lại theo Quy định tại khoản 3, Điều 5 Nghị định số
05/2007/NĐ-CP, ngày 09/01/2007 của Chính phủ về việc quy định phòng, chống bệnh
dại ở động vật.
d) Đối với chăn nuôi vịt chạy đồng:
- Chủ chăn nuôi vịt chạy đồng phải
đăng ký, khai báo với Ủy ban nhân dân xã để được cấp sổ theo dõi và chỉ được
chăn thả trong khu vực được Ủy ban nhân dân xã cho phép; chỉ được di chuyển đàn
vịt trong địa bàn đã khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Chương III
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIẾT
MỔ GIA SÚC, GIA CẦM
Điều 6. Điều
kiện về địa điểm cơ sở giết mổ động vật
1. Cơ sở phải có tường rào và
cách nhà dân gần nhất tối thiểu 15 mét (khoảng cách này nằm trên phần đất của
chủ cơ sở; trang bị máy phát điện để dự phòng sự cố mất điện.
2. Cơ sở phải có tường rào và
khoảng cách đến trường học, bệnh viện, khu điều dưỡng, khu công sở, cơ sở sản
xuất kinh doanh, cơ sở tôn giáo, khu vui chơi giải trí công cộng, nguồn nước mặt,
giếng khoan lấy nước ngầm phục vụ cho mục đích ăn uống của người dân tối thiểu
500 mét theo Tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày
10/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Đảm bảo theo quy hoạch địa điểm
cơ sở giết mổ động vật của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 7. Điều
kiện về môi trường
1. Đối với các cơ sở giết mổ gia
súc có công suất thiết kế từ 1.000 gia súc/ngày trở lên; gia cầm có công suất
thiết kế từ 10.000 gia cầm/ngày trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi
trường; Chủ cơ sở phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải và thực hiện xử lý chất
thải đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Đối với cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm có quy mô vừa và nhỏ phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường theo
quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 8. Điều
kiện vệ sinh thú y
1. Đường ra vào cơ sở giết mổ phải
trải bê tông, khu giết mổ phải có lối đi riêng để nhập động vật và xuất sản phẩm
động vật.
2. Bố trí các khu vực tại cơ sở
giết mổ:
a) Chuồng nhốt tồn trữ động vật
trước khi giết mổ phải đủ rộng ít nhất bằng 02 (hai) lần số lượng động vật giết
mổ trong ngày. Chuồng phải có mái che, nền bê tông không trơn trượt, dễ thoát
nước và vệ sinh tiêu độc.
b) Khu vực giết mổ bao gồm:
Khu gây mê, chọc tiết động vật;
cạo lông hoặc đánh lông; làm sạch phủ tạng; chế biến phụ phẩm;
Khu mổ lấy lấy phủ tạng, chẻ đôi
thân thịt, kiểm soát giết mổ, pha lóc và bao gói sản phẩm (nếu có).
c) Khu vực khu cách ly động vật
mắc bệnh.
d) Phòng vệ sinh, thay quần áo của
công nhân. đ) Phòng làm việc của nhân viên thú y.
3. Yêu cầu vệ sinh thú y ở các
khu vực giết mổ:
a) Bố trí dây chuyền giết mổ lưu
thông theo một chiều từ khu nhập động vật sống đến khu gây mê, chọc tiết động vật;
cạo lông hoặc đánh lông; làm sạch phủ tạng; chế biến phụ phẩm và đến khu mổ lấy
phủ tạng, chẻ đôi thân thịt, kiểm soát giết mổ, pha lóc và bao gói sản phẩm (nếu
có);
b) Không giết mổ động vật trên mặt
nền nhà. Bệ giết mổ phải có độ cao tối thiểu 0,3 mét so với mặt nền; có bề mặt
phẳng, nhẵn, không kẽ nứt và dễ dàng phát hiện vết bẩn sau khi vệ sinh;
c) Nơi kiểm tra sản phẩm (thịt
và phủ tạng) phải có đủ ánh sáng trắng và giá treo đầu, phủ tạng và trang bị
thùng chứa bệnh phẩm;
d) Nguồn nước phải đạt tiêu chuẩn
vệ sinh thú y;
đ) Mặt nền cơ sở giết mổ không
trơn trượt, có hệ thống rãnh thoát nước nhanh, không ứ đọng, dễ vệ sinh tiêu độc,
ở trên có nắp bảo vệ;
e) Tường của khu vực giết mổ cao
ít nhất 2m, mặt tường phẳng, không bám bụi, dễ vệ sinh tiêu độc, từ nền trở lên
ít nhất 1m phải lát gạch men trắng; góc giữa 02 tường, góc giữa tường và nền phải
tráng nghiêng; có kính chắn bụi, có lưới ngăn chim và côn trùng.
4. Thực hiên vệ sinh, khử trùng
tiêu độc định kỳ 2 lần/tuần và đột xuất khi có gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền
nhiễm; vệ sinh toàn bộ cơ sở trước và sau mỗi đợt giết mổ.
Chương IV
QUY ĐỊNH MUA BÁN, VẬN
CHUYỂN ĐỘNG VẬT VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT
Điều 9. Quy
định mua bán, vận chuyển động vật
1. Động vật khi vận chuyển từ
huyện này đến huyện khác hoặc từ tỉnh khác nhập vào tỉnh để giết mổ làm thực phẩm
phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ và chỉ được chuyển đến cơ sở
giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được phép hoạt động.
2. Động vật ngoài tỉnh khi nhập
vào tỉnh để làm giống hoặc nuôi thương phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ tại các cơ
sở sản xuất giống đã được công bố chất lượng giống, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch
bệnh và phải được Cơ quan Thú y kiểm tra chất lượng con giống, thực hiện kiểm dịch
động vật theo quy định; phải thực hiện nuôi cách ly theo hướng dẫn của Cơ quan
Thú y trước khi nhập đàn, chăn nuôi.
3. Động vật khi vận chuyển từ
huyện này đến huyện khác để làm giống hoặc nuôi thương phẩm phải có nguồn gốc
xuất xứ, đã được tiêm phòng các bệnh bắt buộc và được Cơ quan Thú y thực hiện
kiểm dịch động vật trước khi vận chuyển theo quy định.
Điều 10. Điều
kiện kinh doanh sản phẩm động vật
1. Có giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh; đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; có giấy chứng
nhận sức khỏe trong thời hạn 06 tháng theo quy định của cơ quan y tế; không mắc
các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da theo quy định; có trang phục bảo hộ cá
nhân (áo choàng, mũ, găng tay, khẩu trang, ủng).
2. Có địa điểm cố định, phù hợp
với quy hoạch của chính quyền địa phương và được sự chấp thuận của cơ quan có
chức năng; phù hợp với sự sắp xếp mạng lưới kinh doanh chung của chợ hoặc của địa
phương; cách xa bãi chứa chất thải, nhà vệ sinh, bệnh viện, các cơ sở sản xuất
có nhiều bụi khói, chất độc hại làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
3. Mặt bàn, quầy, sạp bày bán
cách mặt đất tối thiểu 0,8 mét, có bề mặt phẳng, nhẵn, không kẻ nứt và phải làm
bằng vật liệu không rỉ, không thấm nước; có kính che chắn tránh bụi, bẩn, côn
trùng.
4. Dụng cụ dùng trong kinh doanh
phải bằng vật liệu không rỉ, không bị ăn mòn, được vệ sinh sạch sẽ. Vật dụng
dùng để bao gói sản phẩm phải hợp vệ sinh và không độc hại.
5. Có đủ các vật dụng cần thiết
khác như cân đã qua kiểm định; thùng hoặc khay chứa đựng, dao, thớt, vật dụng
bao gói, hệ thống nước rửa hợp vệ sinh.
6. Nơi mua bán và vật dụng dùng
trong mua bán sản phẩm động vật phải được vệ sinh sạch sẽ trước, trong và sau
khi bán.
7. Đối với các cơ sở kinh doanh
sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu phải có tủ lạnh hoặc kho lạnh để bảo quản
sản phẩm; nhiệt độ bảo quản trong suốt quá trình kinh doanh phải đảm bảo theo
hướng dẫn của nhà sản xuất.
8. Không được bán sản phẩm động
vật không đúng nơi quy định, sản phẩm động vật chưa qua kiểm soát giết mổ và kiểm
tra vệ sinh thú y của cơ quan thú y; sản phẩm từ con vật bệnh, chết, sản phẩm
đã bị hư, ôi thiu, đổ nhớt, bơm tiêm nước, bôi phẩm màu công nghiệp và ướp các
hóa chất độc hại vào sản phẩm gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
9. Sản phẩm động vật đông lạnh
nhập khẩu phải có bao bì đóng gói và nhãn hàng hóa thực phẩm và nguồn gốc xuất
xứ theo quy định.
Điều 11. Điều
kiện mua bán động vật sống tại các chợ
1. Động vật khỏe mạnh, đã được
tiêm phòng các bệnh bắt buộc và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ
theo quy định mới được bán.
2. Chỉ được bán động vật sống tại
khu vực riêng do Ban quản lý các chợ sắp xếp và chịu trách nhiệm nộp phí vệ
sinh, tiêu độc hàng ngày cho cơ quan thực hiện tiêu độc theo quy định hiện
hành. Không được giết mổ động vật tại các ki-ốt, các cửa hàng xung quanh khu vực
chợ và nơi không được phép giết mổ.
Điều 12. Điều
kiện đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật
1. An toàn về mặt kỹ thuật để bảo
vệ động vật trong suốt quá trình vận chuyển; nơi chứa động vật phải có đủ diện
tích, không gian để đảm bảo an toàn cho động vật trong quá trình vận chuyển.
2. Sàn xe phải phẳng, kín, không
trơn, không để lọt nước và chất thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển;
dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc; thành, nóc và cửa xe phải chắc chắn để đảm bảo
không hoán đổi khi cơ quan có thẩm quyền niêm phong.
3. Không vận chuyển động vật
trên phương tiện chở hành khách, động vật không rõ nguồn gốc, động vật chết, động
vật chưa được Cơ quan Thú y kiểm dịch.
4. Phương tiện vận chuyển sản phẩm
động vật phải được chứa trong thùng kín bằng kim loại đảm bảo vệ sinh thú y hoặc
phải được bao gói hợp vệ sinh, không làm vấy nhiễm hoặc thay đổi chất lượng sản
phẩm sau khi vận chuyển.
5. Phương tiện vận chuyển động vật,
sản phẩm động vật và dụng cụ chứa đựng sản phẩm động vật phải được rửa sạch, tẩy
trùng, để khô ráo, vệ sinh tiêu độc sát trùng trước và sau khi vận chuyển.
Chương V
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG ẤP
TRỨNG GIA CẦM
Điều 13. Điều
kiện địa điểm
1. Địa điểm của cơ sở ấp trứng
phải phù hợp với quy hoạch của địa phương; riêng biệt và có khoảng cách bảo đảm
an toàn sinh học đối với các cơ quan, trường học, bệnh viện, chợ và các nơi
công cộng khác.
2. Không được ấp trứng gia cầm
trong khu vực dân cư tập trung, khu phố, nội ô thuộc thị xã, thị trấn, khu công
nghiệp.
Điều 14. Điều
kiện về môi trường
Phải có biện pháp thu gom và xử
lý chất thải (vỏ trứng, trứng không nở, xác gia cầm chết) đạt tiêu chuẩn theo
quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 15. Điều
kiện vệ sinh thú y
1. Lối ra vào cơ sở ấp trứng phải
có hố khử trùng, tiêu độc.
2. Đối với ấp trứng để làm thực
phẩm, trứng phải có nguồn gốc từ đàn gia cầm bố mẹ khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh,
đã tiêm phòng vắc xin theo quy định và đã được của Cơ quan Thú y kiểm dịch.
3. Đối với ấp trứng để sản xuất
con giống, trứng phải có nguồn gốc từ đàn gia cầm bố mẹ của cơ sở đã được công
bố chất lượng giống, cơ sở an toàn dịch bệnh, đã tiêm phòng vắc xin theo quy định
và đã được của cơ quan thú y kiểm dịch.
4. Không được sử dụng trứng gia
cầm thương phẩm ngoài thị trường hoặc từ các cơ sở chăn nuôi gia cầm thương phẩm
để sản xuất con giống.
5. Trứng trước khi đưa vào ấp phải
được khử trùng, tiêu độc thực hiện tiêu độc, sát trùng dụng cụ và máy ấp trước
và sau mỗi đợt ấp; tiêu độc định kỳ cơ sở theo hướng dẫn của Cơ quan Thú y.
6. Có nơi xử lý gia cầm con chết,
loại thải, trứng hỏng, vỏ trứng và chất thải khác đảm bảo vệ sinh thú y.
7. Có sổ sách ghi chép các nội
dung về nguồn gốc trứng; số lượng gia cầm con bán; số lượng gia cầm con chết (nếu
có).
Chương VI
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG SẢN
XUẤT, KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN
Điều 16. Điều
kiện địa điểm cơ sở
1. Địa điểm xây dựng cơ sở sản
xuất, kinh doanh giống thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương; phải có giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền cấp. Trường hợp Cơ sở không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định
tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP, ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh
doanh thì chủ cơ sở phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về hoạt động sản
xuất, kinh doanh giống thủy sản của mình.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh
đàn giống bố mẹ, đàn giống thương phẩm phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ
đã được đào tạo về kỹ thuật sản xuất giống thủy sản hoặc nuôi trồng thủy sản.
3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh
đàn giống thuần chủng, đàn giống cụ kỵ, đàn giống ông bà phải có nhân viên kỹ
thuật có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành nuôi trồng thủy sản hoặc
ngành sinh học.
4. Người làm việc trong cơ sở sản
xuất, kinh doanh giống thủy sản phải được bồi dưỡng kiến thức và được cấp giấy
chứng nhận về vệ sinh thú y.
Điều 17. Điều
kiện về môi trường
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống
thủy sản có quy mô vừa và lớn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc
cam kết bảo vệ môi trường theo qui định của Luật Bảo vệ Môi trường.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống
thủy sản có quy mô nhỏ và hộ gia đình phải có biện pháp thu gom xử lý chất thải
(xác động vật thủy sản chết) và nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống
trước khi thải ra môi trường theo qui định về bảo vệ môi trường.
Điều 18. Điều
kiện vệ sinh thú y
1. Hệ thống nuôi, cấp nước phải
đảm bảo vệ sinh và khử trùng; phòng tránh được lây nhiễm khi bệnh xảy ra.
2. Trang thiết bị, dụng cụ sử dụng
cho cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải thuận tiện cho thao tác, được
làm bằng vật liệu không bị rỉ sét và gây ra chất độc hại, dễ vệ sinh và khử
trùng. Dụng cụ chuyên dùng phải được sử dụng riêng cho từng bể.
3. Hệ thống xử lý nước thải phải
đảm bảo thu gom được nước từ tát cả các nguồn thải và không gây ô nhiễm môi trường
cho khu vực sản xuất.
4. Thuốc phòng trị bệnh, chế phẩm
sinh học, vi sinh vật, hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất, ương giống thủy
sản phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
5. Thức ăn sử dụng để sản xuất,
kinh doanh giống thủy sản phải đảm bảo chất lượng và đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú
y.
6. Thủy sản bố mẹ sử dụng để sản
xuất giống phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ngành, có nguồn gốc rõ ràng.
7. Đối với giống thủy sản thương
phẩm khi đưa ra thị trường phải được cơ quan có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn
chất lượng con giống và có nhãn hàng hóa theo quy định.
8. Chỉ được sản xuất, kinh doanh
giống thủy sản có trong Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương VII
ĐIỀU KIỆN NUÔI THỦY SẢN
Điều 19. Điều
kiện địa điểm cơ sở
Điều kiện địa điểm cơ sở nuôi thủy
sản có quy mô vừa và lớn thực hiện theo khoản 1, Điều 16 của Quy định này.
Điều 20. Điều
kiện về môi trường
1. Cơ sở nuôi thủy sản có quy mô
vừa và lớn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ
môi trường trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
2. Cơ sở nuôi thủy sản có quy mô
nhỏ và hộ gia đình phải có biện pháp thu gom xử lý chất thải (xác động vật thủy
sản chết, chất thải sinh hoạt) theo qui định về bảo vệ môi trường.
Điều 21. Điều
kiện vệ sinh thú y
1. Cơ sở nuôi thủy sản phải được
vệ sinh diệt mầm bệnh, các loài động vật trung gian truyền bệnh theo chế độ định
kỳ và sau mỗi vụ nuôi.
2. Dụng cụ dùng trong chăn nuôi
phải được vệ sinh trước khi đưa vào sử dụng.
3. Thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo
tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không gây hại cho động vật và người sử dụng sản phẩm
động vật.
4. Thuốc phòng trị bệnh, chế phẩm
sinh học, vi sinh vật, hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi phải có trong danh
mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
5. Có hồ sơ ghi chép về nguồn gốc
giống, dịch bệnh trong quá trình nuôi.
6. Con giống thả nuôi phải đảm bảo
tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, không mang mầm bệnh truyền nhiễm, đã
được Cơ quan Thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Chương
VIII
QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM
CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 22.
Trách nhiệm của các Sở, ngành có liên quan
1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
a) Chủ trì phối hợp với các
ngành liên quan hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký, biểu mẫu giấy chứng nhận đủ
điều kiện, quy trình thẩm định điều kiện hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán,
vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh
doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh;
b) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh
Quy hoạch, bổ sung quy hoạch cơ sở ấp trứng gia cầm; chăn nuôi thủy cầm và cơ sở
giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh;
c) Thực hiện kiểm tra, giám sát,
chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi cho các cơ sở chăn nuôi động vật và cơ sở
nuôi sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, nuôi thủy sản thương phẩm;
d) Chỉ đạo Chi Cục trưởng Chi cục
Thú y:
Tổ chức thực hiện công tác kiểm
dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật; kiểm tra vệ sinh
thú y, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra, thẩm định
điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi, giết mổ, địa điểm kinh doanh động vật,
sản phẩm động vật, cơ sở ấp trứng gia cầm, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy
sản, cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm trên địa bàn tỉnh;
Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi
tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh bắt buộc theo quy định bệnh và áp dụng
các biện pháp phòng bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
đ) Chỉ đạo Chánh Thanh tra Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra xử
lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý của ngành.
2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường
a) Hướng dẫn, thẩm định các cơ sở
chăn nuôi, giết mổ động vật, ấp trứng gia cầm và sản xuất kinh doanh trên lĩnh
vực nuôi trồng thủy sản lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết
bảo vệ môi trường theo quy mô của cơ sở;
b) Hướng dẫn các cơ sở chăn
nuôi, giết mổ động vật, ấp trứng gia cầm và sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực
nuôi trồng thuỷ sản không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản
cam kết bảo vệ môi trường thực hiện các biện pháp thu gom xử lý chất thải (xác
động vật thủy sản chết) và nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống
trước khi thải ra môi trường theo qui định về bảo vệ môi trường;
c) Chủ trì, phối hợp với các
ngành chức năng, các địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các quy
định trong lĩnh vực môi trường.
3. Giám đốc Sở Y tế
a) Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành liên quan, các địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn
thực phẩm cho tổ chức, cá nhân hoạt động giết mổ động vật, kinh doanh sản phẩm
động vật;
b) Chủ trì và phối hợp các ngành
liên quan, các địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực
phẩm;
c) Phối hợp các cơ quan thông
tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về các biện pháp phòng chống
ngộ độc thực phẩm, cách lựa chọn thực phẩm an toàn và phòng tránh các bệnh lây
nhiễm giữa người và động vật.
4. Giám đốc Sở Công thương
Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường
phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh
về giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên
thị trường và xử lý các trường hợp vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, hạn
sử dụng, chất cấm sử dụng, chất độc hại trong kinh doanh sản phẩm động vật.
5. Giám đốc Công an tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối
hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về giết mổ,
buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
6. Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ
a) Hướng dẫn thực hiện các quy
trình công nghệ về giết mổ, chế biến, đóng gói và bảo quản;
b) Chỉ đạo Chi cục Đo lường chất
lượng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về đo
lường, chất lượng đối với các trường hợp vi phạm trong kinh doanh sản phẩm động
vật;
7. Giám đốc Sở Giao thông vận tải
a) Quy định, hướng dẫn các chủ
phương tiện thực hiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định;
b) Tổ chức kiểm tra và xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật
trên các phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh.
Điều 23.
Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy Ban nhân dân cấp huyện
1. Phối hợp với các Sở, ngành chức
năng tổ chức quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm
động vật; ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy
sản trên địa bàn.
2. Hướng dẫn các tổ chức, cá
nhân thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng hạ tầng đối với hoạt động đầu
tư xây dựng cơ sở chăn nuôi; giết mổ; ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh doanh
trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
3. Thực hiện cấp giấy đủ điều kiện
chăn nuôi động vật quy mô vừa và nhỏ, cơ sở nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm
canh. Cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho cơ sở giết mổ động vật, điểm mua
bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cơ sở ấp trứng gia cầm, cơ sở sản
xuất, kinh doanh giống thủy sản.
4. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp Trạm Thú y, Phòng Tài
nguyên và Môi trường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, cấp giấy xác nhận cam kết
bảo vệ môi trường cho các đối tượng do Ủy ban nhân dân huyện cấp phép; đình chỉ
hoạt động hoặc gia hạn thời gian đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đủ
điều kiện.
5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp
xã, các ngành chức năng có liên quan, Ban quản lý các chợ tổ chức thực hiện
công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nội dung Quy định này tại địa
phương theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch
bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban nhân dân
tỉnh.
6. Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ
phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Công thương sắp xếp, bố trí các điểm
kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại các chợ theo quy định.
Điều 24.
Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Hướng dẫn, theo dõi việc khai
báo, đăng ký đối với qui mô chăn nuôi hộ gia đình (bao gồm cả nuôi chó, mèo),
nuôi vịt chạy đồng, cơ sở nuôi thủy sản để quản lý và cấp sổ theo dõi.
2. Phối hợp với các ngành chức
năng có liên quan, Ban quản lý các chợ tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp
vi phạm trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản
phẩm động vật, ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng
thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Chương IX
QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM
CỦA CHỦ CƠ SỞ CHĂN NUÔI, ẤP TRỨNG GIA CẦM VÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH THỦY SẢN VÀ
CHỦ HÀNG KINH DOANH GIẾT MỔ, MUA BÁN, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT
Điều 25. Đối
với cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi
1. Chấp hành các quy định của
pháp luật về đăng ký kinh doanh, điều kiện vệ sinh thú y hoặc khai báo với Ủy
ban nhân dân xã để được quản lý.
2. Khi phát hiện bệnh lạ, động vật
có dấu hiệu bất thường, chủ vật nuôi phải cách ly với động vật khỏe; hoặc nghi
ngờ động vật mắc bệnh nguy hiểm phải báo cáo cơ quan thú y hoặc chính quyền xã
và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ
quan chuyên môn.
3. Chủ cơ sở chăn nuôi phải khai
báo với cơ quan thú y địa phương khi xuất, nhập động vật tại cơ sở của mình.
Không được bán, giết mổ, vứt bừa bãi động vật bệnh hoặc đã nhiễm bệnh và chỉ
nuôi mới hoặc tái đàn sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hết
dịch trên địa bàn.
4. Chấp hành việc xử lý chất thải
và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đúng theo nội dung của báo cáo
đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường
đã được xác nhận và tuân thủ các quy định khác của pháp luật về môi trường.
Điều 26. Đối
với cơ sở hoạt động ấp trứng gia cầm
1. Chấp hành việc đăng ký kinh
doanh thực hiện việc đăng ký tại cấp có thẩm quyền quy định tại Nghị định số
88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Trường hợp
không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, chủ cơ sở phải khai báo với Ủy ban
nhân dân cấp xã về hoạt động kinh doanh ấp trứng gia cầm.
2. Chấp hành các quy định về vệ
sinh thú y, vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp
luật.
Điều 27. Đối
với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, nuôi thủy sản
1. Chấp hành việc đăng ký sản xuất,
kinh doanh, điều kiện kinh doanh. Trường hợp không thuộc diện phải đăng ký kinh
doanh, chủ cơ sở phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã để theo dõi, quản lý.
2. Thực hiện các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh bắt buộc. Nếu phát hiện thủy sản bố mẹ hoặc con giống mắc
bệnh, chết do bệnh hoặc có dấu hiệu bệnh thuộc danh mục bệnh nguy hiểm, cơ sở
không được phép bán và phải thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.
3. Lập hồ sơ theo dõi quá trình
sản xuất, kinh doanh giống, nuôi thủy sản và báo định kỳ về hoạt động của cơ sở
theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Điều 28. Đối
với cơ sở giết mổ động vật và những người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ
động vật, đưa động vật đến giết mổ tại cơ sở giết mổ động vật tập trung
1. Cơ sở giết mổ động vật phải
đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định để được thẩm định điều kiện
vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
theo quy định.
2. Chấp hành việc xử lý kỹ thuật
đối với động vật mắc bệnh nguy hiểm, sản phẩm động vật không đạt tiêu chuẩn vệ
sinh thú y của cơ quan thú y.
3. Lập sổ theo dõi và ghi chép đầy
đủ số lượng, nguồn gốc động vật nhập vào cơ sở, số lượng động vật đã được giết
mổ hàng ngày. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có động vật đưa đến giết mổ nhập động
vật đúng giờ, đúng vị trí theo quy định của cơ quan thú y và khi xuất sản phẩm
động vật ra khỏi cơ sở phải được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ, đóng dấu hoặc
dán tem vệ sinh thú y.
4. Chấp hành các quy định về thuế,
phí, lệ phí trong công tác thú y; kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường theo quy
định và chịu các khoản phí phát sinh trong quá trình xét nghiệm, xử lý, lưu giữ
động vật, sản phẩm động vật theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
5. Chấp hành việc khám sức khỏe
định kỳ (6 tháng/lần) của cơ quan y tế và trang bị bảo hộ lao động (quần áo, khẩu
trang, ủng…) trong quá trình giết mổ động vật đối với những người trực tiếp
tham gia hoạt động giết mổ động vật.
6. Chấp hành việc vệ sinh tiêu độc
định kỳ cơ sở và biện pháp xử lý chất thải, nước thải theo đúng, đầy đủ các nội
dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường
theo quy định.
7. Đối với tổ chức cá nhân khi
đưa động vật đến giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung phải chấp hành việc xử
lý kỹ thuật hoặc tiêu hủy đối với động vật mắc bệnh, động vật chết trước khi giết
mổ; sản phẩm động vật không đạt không đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của
cơ quan có thẩm quyền và chấp hành việc trả phí địa điểm theo thỏa thuận với chủ
cơ sở giết mổ động vật tập trung.
Điều 29. Đối
với tổ chức, cá nhân kinh doanh động vật và sản phẩm động vật
1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh, tham gia các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Kinh doanh đúng địa điểm đã
được cấp phép hoặc địa điểm phù hợp với sự sắp xếp của Ban Quản lý chợ hoặc của
địa phương.
3. Chấp hành các quy định về điều
kiện về vệ sinh thú y đối với quầy, sạp, dụng cụ, vật dụng bao gói.
4. Chấp hành việc xử lý kỹ thuật
hoặc tiêu hủy đối với động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, sản phẩm
động vật chưa qua kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y của cơ quan thú
y; sản phẩm từ con vật bệnh, chết, sản phẩm đã bị hư, ôi thiu, đổ nhớt, bơm
tiêm nước, bôi phẩm màu công nghiệp và ướp các hóa chất độc hại vào sản phẩm
gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng của các cơ quan có thẩm quyền.
5. Chấp hành các quy định về thuế,
lệ phí, phí trong công tác thú y, phí vệ sinh môi trường theo quy định.
Điều 30. Đối
với tổ chức, cá nhân vận chuyển động vật và sản phẩm động vật
1. Chấp hành việc đăng ký kiểm dịch
với Cơ quan Thú y nơi có động vật xuất đi, nơi động vật nhập đến theo quy định.
2. Giám sát động vật trong quá
trình vận chuyển, trong thời gian nuôi cách ly. Khi phát hiện động vật có biểu
hiện bất thường phải báo cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn xử lý và chấp
hành việc xử lý của cơ quan thú y.
3. Thực hiện việc vệ sinh, tẩy
trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và dụng cụ
chứa đựng sản phẩm động vật trước và sau khi vận chuyển.
4. Đưa động vật, sản phẩm động vật
đến đúng địa điểm trong hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và chấp
hành hướng dẫn của cơ quan thú y nơi đến. Không được đánh tráo số lượng, lấy
thêm, để lẫn với động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, tẩy xóa giấy
chứng nhận kiểm dịch.
5. Chấp hành các quy định về thuế,
phí, lệ phí trong công tác thú y và chịu các khoản phí phát sinh trong quá
trình xét nghiệm, xử lý, lưu giữ động vật, sản phẩm động vật của cơ quan thú y.
Chương X
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 31.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này và
các quy định khác của Pháp luật trong hoạt động chăn nuôi; giết mổ; mua bán; vận
chuyển động vật, sản phẩm động vật; ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh doanh giống
thủy sản, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông sẽ bị xử lý theo quy định
của pháp luật hiện hành.
Chương XI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32.
Những quy định trước đây trái với quy dịnh này đều bãi bỏ,
trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần phải sửa đổi bổ
sung, các Sở, ngành và các địa phương báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét quyết định./.