Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 06/2024/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Vũ Văn Diện
Ngày ban hành: 18/01/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2024/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 18 tháng 01 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TÀU CÁ VÀ LỒNG BÈ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN MẶN, LỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020); Luật Thủy sản năm 2017; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-BNN-TCTS ngày 04/01/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ các Quy chuẩn quốc gia: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước biển, nước biển vùng ven bờ, cột giá trị giới hạn - vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh (QCVN 10-MT:2015/BTNMT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm - Điều kiện vệ sinh thú y (QCVN 01-80:2011/BNNPTNT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở nuôi cá lồng bè/ nước ngọt - điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường (QCVN 02-22:2015/BNNPTNT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước biển, nước biển vùng ven bờ, cột giá trị giới hạn – vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh (QCVN 10-MT:2015/BTNMT);

Căn cứ quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh (QCĐP 08:2020/QN);

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 6358/TTr-SNNPTNT ngày 29/12/2023; Báo cáo thẩm định số 388/BC-STP ngày 21/11/2023 của Sở Tư pháp và ý kiến thống nhất của thành viên UBND tỉnh (văn bản xin ý kiến số 41/VP.UBND ngày 05/01/2024 của Văn phòng UBND tỉnh).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đảm bảo vệ sinh môi trường tàu cá và lồng bè nuôi trồng thủy sản mặn, lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Văn Diện

QUY ĐỊNH

ĐẢM BẢO VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TÀU CÁ VÀ LỒNG BÈ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN MẶN, LỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 18/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định đảm bảo vệ sinh môi trường tàu cá và lồng bè nuôi trồng thủy sản mặn, lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tàu cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè mặn, lợ và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Đảm bảo vệ sinh môi trường trong hoạt động thủy sản là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản bằng hình thức lồng bè và tàu cá.

2. Đảm bảo vệ sinh môi trường trong hoạt động thủy sản phải gắn với phát triển bền vững kinh tế xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

3. Hoạt động sản xuất thủy sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững.

4. Khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia, đóng góp vào hoạt động bảo tồn, bảo vệ, tái tạo môi trường và đa dạng sinh học lĩnh vực thủy sản.

5. Nghiêm cấm mọi hoạt động gây tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường. Chủ động phòng, tránh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Chất thải từ tàu cá bao gồm rác thải, nước bẩn, nước lẫn cặn dầu, khí thải và chất lỏng khác phát sinh trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên tàu cá.

2. Chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong quá trình nuôi trồng thủy sản.

3. Quản lý chất thải trong hoạt động thủy sản bao gồm: Thu gom, lưu giữ tạm thời, vận chuyển và xử lý, tái chế chất thải theo quy định.

4. Nước bẩn là nước lẫn tạp chất, không đảm bảo các chỉ tiêu, thông số giới hạn của chất lượng nước được sử dụng.

Chương 2

QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO VỆ SINH MÔI TRƯỜNG LỒNG BÈ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN MẶN, LỢ

Điều 5. Điều kiện khu vực đặt lồng bè

1. Vị trí đặt lồng bè phải nằm trong vùng quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; không bị ảnh hưởng bởi dòng chảy và các nguồn gây ô nhiễm khác, đảm bảo sức tải môi trường.

2. Trường hợp đặt lồng bè thành từng cụm: Các cụm bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp phải cách nhau tối thiểu 200m.

Điều 6. Nguyên liệu, vật liệu làm lồng bè và thiết bị, dụng cụ trong quá trình nuôi

1. Lồng bè được làm bằng vật liệu chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu với môi trường nước biển, sóng, gió và chất khử trùng tiêu độc. Đối với vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thủy sản lồng bè phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

2. Dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình nuôi phải đảm bảo không gây tổn hại cho đối tượng nuôi, dễ làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Điều 7. Công trình phụ trợ

1. Bố trí khu vệ sinh, xử lý chất thải riêng biệt, đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ không tiếp giáp với lồng, bè nuôi và ảnh hưởng đến dòng chảy; bố trí diện tích nhà vệ sinh phù hợp với số lượng lao động trên bè và phù hợp tiêu chuẩn xử lý chất thải vệ sinh theo quy định, đảm bảo không có bất kỳ mối nguy làm ô nhiễm môi trường và khu vực sản xuất.

2. Có kho chứa bảo quản vật liệu (hóa chất, thuốc, thức ăn và các sản phẩm cải tạo môi trường) phải có mái che, thông thoáng, không ẩm ướt, ngăn được côn trùng và động vật gây hại, không để ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất thủy sản. Kệ để nguyên vật liệu cách nền, tường tối thiểu 0,3m.

3. Khu vực chứa dụng cụ, thiết bị phải gọn gàng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản. Riêng khu vực đặt máy nổ, phát điện, xăng, dầu phải được bố trí riêng biệt với khu bảo quản vật liệu.

Điều 8. Phòng trị bệnh, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường

1. Lồng bè nuôi trồng thủy sản phải được vệ sinh, khử trùng trước và sau khi nuôi theo quy trình kỹ thuật phù hợp với từng đối tượng thủy sản.

2. Sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường theo quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ chuyên môn.

Điều 9. Xử lý chất thải

1. Chất thải trong khu vực nuôi và từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt phải được thu gom chuyển về nơi xử lý, tiêu hủy tập trung của địa phương theo quy định; không xả trực tiếp ra môi trường xung quanh.

a. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý theo quy định của tỉnh và của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

b. Chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (được sử dụng trực tiếp như sản phẩm hàng hóa); chất thải rắn công nghiệp thông thường thuộc diện phải xử lý (khi bàn giao phải có biên bản theo mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TTBTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường chỉ được chuyển giao chất thải cho các đối tượng đã được quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

c. Đối tượng được phép vận chuyển chất thải nguy hại, được quy định cụ thể tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

d. Tại các bè nuôi trồng thủy sản phải trang bị thùng, túi đựng rác và thực hiện phân loại rác từ đầu nguồn.

2. Quản lý nước thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt trên bè nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo chất lượng nước tại vùng nuôi đáp ứng các điều kiện tại Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT ngày 13/3/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh hoặc các Quy chuẩn địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nước thải lẫn dầu là chất thải nguy hại (mã số 17 05 05) được lọc tách dầu bằng thiết bị tách dầu phải đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Nước thải sau xử lý phải được phân định không phải là chất thải nguy hại theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại. Trong trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản không có thiết bị lọc tách dầu thì phải thu gom đưa vào xử lý tập trung trên đất liền.

Điều 10. Xử lý động vật thủy sản chết

1. Động vật thủy sản chết phải được thu gom, xử lý bằng vi sinh trong thùng có nắp đậy hoặc đưa vào đất liền xử lý trong thời gian không quá 02 ngày.

2. Đối với động vật thủy sản chết do dịch bệnh phải phải được xử lý theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Điều 11. Ghi chép và lưu giữ hồ sơ

1. Cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè thực hiện theo dõi, ghi chép các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất (bao gồm cả hoạt động cho ăn, phòng trị bệnh và vệ sinh), bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè phải lưu giữ tài liệu, hồ sơ liên quan đến quá trình nuôi, thu hoạch, bán nguyên liệu để đảm bảo thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc. Thời gian lưu giữ hồ sơ tối thiểu là 2 (hai) năm (phụ lục I đính kèm)

Điều 12. Quy định khác

1. Có bảng nội quy về thu gom, xử lý chất thải tại cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè; trong đó, quy định rõ phương thức quản lý chất thải trong sản xuất, sinh hoạt, bố trí ở khu vực dễ quan sát và được phổ biến đến người lao động. Bảng nội quy có kích thước tối thiểu chiều dài, chiều rộng lần lượt là 0,6 m x 0,8 m.

2. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật về môi trường để được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi trồng thủy sản; chấp hành quy định kiểm tra của cơ quan chức năng trong việc thực hiện cam kết.

Chương 3

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐẢM BẢO VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TÀU CÁ

Điều 13. Điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường tàu cá

1. Nước, nước đá sử dụng để bảo quản và sinh hoạt trên tàu phải ghi chép vào sổ sách để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Trong trường hợp mua thì phải có hoá đơn.

2. Nhà vệ sinh, khu vực vệ sinh phải bố trí sau cabin lái cách khu vực sản xuất và sinh hoạt, ăn uống,… tối thiếu là 1,0 m.

3. Tàu cá phải trang bị thùng rác, túi, bao đựng, thùng đựng chất thải phân loại từng chất thải trên tàu cá hoặc trang bị thùng chứa chất thải dạng phuy nhựa đặt trong khung sắt gắn cố định phía sau lái:

a. Đối với tàu từ 12m đến dưới 24m: Thùng chứa chất thải có đường kính tối thiểu 0,4m và chiều cao tối thiểu 0,8m.

b. Đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên: Thùng chứa chất thải có đường kính tối thiểu 0,7m và chiều cao tối thiểu 1,2m.

Điều 14. Quy định thu gom, xử lý sử dụng chất thải, khí thải, tiếng ồn trên tàu cá

1. Chất thải rắn thải ra trong quá trình sản xuất phải được phân loại thu gom và đưa lên bờ tại khu tập kết rác thải của cảng cá, bến, khu neo đậu tránh trú bão hoặc khu xử lý rác tập trung tại địa phương khi tàu cập cảng, bến, khu neo đậu và thực hiện theo điểm a, điểm b, điểm c khoản 1, Điều 9 của quy định này.

2. Đối với rác thải lẫn trong sản phẩm khai thác chủ tàu cá thực hiện quy trình xử lý như các chất thải khác của tàu (không được vứt lại xuống biển).

3. Dầu bẩn, nước lẫn dầu phải được lọc tách dầu trước khi xả ra môi trường biển, trong trường hợp tàu cá không có thiết bị lọc tách dầu thì dầu bẩn, nước lẫn dầu buồng máy phải được thu gom đưa vào bờ xử lý theo quy định. Nước thải lẫn dầu là chất thải nguy hại (mã số 17 05 05) được lọc tách dầu bằng thiết bị tách dầu phải đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Nước thải sau xử lý phải được phân định không phải là chất thải nguy hại theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại. Trong trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản không có thiết bị lọc tách dầu thì phải thu gom đưa vào xử lý tập trung trên đất liền.

4. Tàu cá có tổng dung tích từ 1600GT trở lên, tiếng ồn phải đáp ứng các điều kiện tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 80:2014/BGTVT về kiểm soát tiếng ồn trên tàu biển.

5. Tàu cá phải sử dụng các loại dầu chứa ít lượng chất lưu huỳnh và dùng các loại đèn Led trong khai thác thuỷ sản để hạn chế, giảm thiểu hàm lượng khí thải từ tiêu thụ nhiên liệu.

6. Ngư cụ (lưới, phao, bóng đèn…) sau khi không sử dụng, thải bỏ phải được xử lý như rác thải rắn khác của tàu, không được vứt bỏ trực tiếp xuống biển.

Điều 15. Khai báo thông tin chất thải, rác thải trước khi cập cảng, bến cá, khu neo đậu

Tàu cá thực hiện khai báo số lượng chất thải cho cơ quan quản lý cảng cá, bến, khu neo đậu cùng với thủ tục cập cảng cá, bến, khu neo đậu cụ thể từng loại, số lượng chất thải, rác thải và ghi chép, lưu các thông tin liên quan đến việc thải rác trong vòng 3 (ba) năm (phụ lục II kèm theo).

Điều 16. Bảng nội quy vệ sinh môi trường và thu gom chất thải, rác thải trên tàu cá

Tàu cá phải có bảng nội quy về thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong đó quy định rõ phương thức quản lý chất thải trong sản xuất, sinh hoạt, bố trí ở khu vực dễ quan sát và được phổ biến đến người lao động. Bảng nội quy có kích thước tối thiểu chiều dài, chiều rộng lần lượt là 0,2m x 0,3m.

Điều 17. Quy định khác

1. Có biện pháp ngăn chặn và tiêu diệt các loại động vật gây hại (chuột, gián, kiến, côn trùng…) gây ảnh hưởng đến môi trường, không sử dụng các hoá chất độc hại để ngăn chặn và tiêu diệt các loại động vật gây hại, chỉ sử dụng các loại bẫy hoặc chất keo dính không mang tính chất độc hại đến môi trường và sức khoẻ con người.

2. Chủ tàu cá phải ký, thực hiện cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường và chấp hành sự kiểm tra của cơ quan chức năng trong việc thực hiện cam kết.

Chương 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Lộ trình thực hiện

1. Kể từ ngày Quy định đảm bảo vệ sinh môi trường tàu cá và lồng bè nuôi trồng thủy sản mặn, lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hiệu lực: Các tàu cá và cơ sở nuôi trồng thủy sản mặn, lợ bằng lồng, bè thực hiện đầu tư, đóng mới phải đáp ứng yêu cầu theo Quy định này.

2. Sau 12 tháng kể từ ngày Quy định đảm bảo vệ sinh môi trường tàu cá và lồng, bè nuôi trồng thủy sản mặn, lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hiệu lực: Các tàu cá và cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè đã hoạt động trước thời điểm quy định này có hiệu lực thi hành phải khắc phục đảm bảo vệ sinh môi trường để đáp ứng yêu cầu Quy định này.

Điều 19. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc chấp hành Quy định này; hằng năm, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí trình Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở, ngành có liên quan

Căn cứ chức năng và nhiệm vụ phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc chấp hành Quy định này.

Điều 21. Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp

1. Căn cứ chức năng và nhiệm vụ phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các đoàn viên, hội viên chấp hành Quy định này.

2. Cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình nuôi, diễn biến môi trường, dấu hiệu bệnh của các lồng, bè khi có yêu cầu của cơ quan chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn liên quan trong xử lý môi trường tàu cá và dịch bệnh thủy sản.

3. Báo cáo kịp thời cho cơ quan thẩm quyền địa phương các hành vi vi phạm Quy định này.

Điều 22. Trách nhiệm của UBND các địa phương

1. Chỉ đạo các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế, Tài nguyên – Môi trường và nông nghiệp; UBND các xã, phường, thị trấn có nuôi trồng thủy sản lồng, bè phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, các đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động người dân chấp hành nghiêm Quy định này.

2. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc nuôi cá lồng bè đảm bảo các quy định của pháp luật. Xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

3. Hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai quy định, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp.

Điều 23. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản lồng bè, tàu cá

1. Quán triệt và thực hiện đầy đủ nội dung của Quy định này.

2. Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về hoạt động tàu cá, môi trường, dịch bệnh cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

3. Kịp thời ngăn chặn và phản ánh với cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm.

4. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tìm biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại.

Điều 24. Khen thưởng và kỷ luật

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy định này sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và tổng hợp triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, địa phương phản ảnh gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

PHỤ LỤC I: MẪU NHẬT KÝ SẢN XUẤT NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

(Kèm theo Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 18/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

I. Thông tin chung về cơ sở nuôi

Họ, tên chủ cơ sở: …………………………………………………………………

Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………………………………

Số điện thoại: ………………………….Fax: ……………………..Email………………..….…

Số đăng ký cơ sở nuôi (nếu có)………………..…………………………...………

Diện tích mặt nước được giao: …………..…...m2.

Địa điểm (vùng nuôi): ………………………………………………………..

Mã số cơ sở nuôi:……………………………………………………………..

II. Ghi chép về con giống thả nuôi

Ngày tháng năm

Đối tượng nuôi

Số lượng giống (con)

Kích cỡ giống

Số lồng

Cơ quan cấp giấy xét nghiệm hoặc kiểm dịch

Cơ sở bán, địa chỉ

Ghi chú

III. Ghi chép tình hình nhập thức ăn công nghiệp (Nếu cơ sở nuôi có sử dụng)

Ngày tháng năm

Loại thức ăn, nhà sản xuất

Số lượng(kg)

Tên người/ cửa hàng đại lý bán và địa chỉ

Ngày sản xuất

Hạn sử dụng

Số lô

IV. Ghi chép tình hình mua nguyên liệu sản xuất thức ăn tự chế biến (Nếu cơ sở nuôi có sử dụng)

Ngày tháng năm

Loại nguyên liệu

Số lượng

(kg)

Tên người/ cửa hàng đại lý sản xuất/ bán nguyên liệu và địa chỉ

Ngày sản xuất

Hạn sử dụng

Đánh giá cảm quan

V. Ghi chép về sử dụng thuốc, chất bổ sung trộn thức ăn

Ngày tháng năm

Loại thức ăn

Loại thuốc/chất bổ sung

Tỷ lệ phối trộn

Khối lượng thuốc (g)

Người trộn

Ao nuôi sử dụng

VI. Bảng theo dõi sử dụng thức ăn:

Ngày tháng năm

Loại thức ăn

Nhà sản xuất

Khối lượng tôm, cá ước tính

(kg)

Tỷ lệ cho ăn(%)

Tổng lượng thức ăn cho ăn (kg)

Ghi chú

VII. Theo dõi nhập thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học

Ngày tháng năm

Tên hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học

Số lượng (liều, kg, g, gói)

Tên người/cửa hàng đại lý bán và địa chỉ

Số lô

Hạn sử dụng

Cách bảo quản (tủ lạnh, trong kho)

Ghi Chú

VIII. Theo dõi sử dụng thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học

Ngày tháng năm

Số ao, loài nuôi

Nguyên nhân triệu chứng

Kích cỡ trung bình

Tổng khối lượng tôm cá nuôi
(kg)

Tên thuốc sử dụng

Liều lượng, cách dùng

Tên người dùng thuốc

Kết quả điều trị

Ngày sớm nhất được thu hoạch

Tên cán bộ chuyên môn hướng dẫn dùng thuốc (Nếu có)

IV. Theo dõi tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống:

Lần kiểm tra

Ngày tháng năm kiểm tra

Mật độ trung bình
(con/m2)

Khối lượng trung bình
(g/con)

Tốc độ sinh trưởng so với lần kiểm tra trước (%)

Tỷ lệ sống (%)

Ghi chú

X. Theo dõi môi trường nước:

Ngày tháng năm

Oxy (mg/l)

pH

Độ mặn (‰)

H2S (mg/l)

NH3 (mg/l)

Các chỉ tiêu khác

Sáng

Chiều

Sáng

Chiều

XI. Ghi chép chi tiết nội dung khác về vệ sinh môi trường nuôi lồng bè

Ngày tháng năm

Tên rác thải

Số lượng (lít, kg, …)

Phương án xử lý

Ghi Chú

PHỤ LỤC II:

MẪU NHẬT KÝ/THÔNG TIN CHẤT THẢI TRƯỚC KHI CẬP CẢNG, BẾN CÁ, KHU NEO ĐẬU

(Kèm theo Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 18/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

I. Thông tin chung về tàu cá

Họ, tên chủ tàu: ……………………………………………………………………..

Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………………………………

Số điện thoại: ………………………….

Số đăng ký tàu: ………………..…………………………...………

Giấy phép khai thác số: …………..…...; Hạn giấy phép:……………….

Số thuyền viên:…………………………

Vùng Khai thác: ……………………………………………………………

Giấy chứng nhận ATTP/Cam kết ATTP:………………………………………………

Ngày tháng năm

Tên rác thải

Số lượng (lít, kg, …)

Cảng/bến/khu neo đậu cập

Ghi Chú

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 06/2024/QĐ-UBND ngày 18/01/2024 quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường tàu cá và lồng bè nuôi trồng thủy sản mặn, lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


341

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.28.217
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!