ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
05/2008/QĐ-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 01 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN RỪNG
NGẬP MẶN CẦN GIỜ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi
hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Quyết định của Tổng Giám đốc UNESCO Paris về việc công nhận “Rừng ngập mặn
Cần Giờ - Việt Nam” trở thành Khu Dự trữ sinh quyển nằm trong mạng lưới dự trữ
sinh quyển Thế giới;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số
1745/TTr-SNN-TCCB ngày 10 tháng 12 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý Khu Dự
trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ
ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc
Sở Văn hóa và Thông tin, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Quy hoạch
- Kiến trúc, Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ có
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Tín
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2008 của
Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về cơ chế
quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ căn cứ trên hệ thống luật
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các công ước quốc tế mà Chính
phủ đã phê chuẩn tham gia. Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển
rừng ngập mặn Cần Giờ.
Quy chế này áp dụng đối với các
cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động trong phạm vi Khu
Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Điều 2. Mục
tiêu quản lý
1. Phát huy tốt 3 chức năng của
Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ:
- Chức năng bảo tồn: đóng góp
vào việc bảo tồn đa dạng di truyền, loài, hệ sinh thái và cảnh quan.
- Chức năng phát triển: thúc đẩy
phát triển kinh tế bền vững về sinh thái cũng như các giá trị văn hóa truyền thống.
- Chức năng hỗ trợ: tạo điều kiện
cho các hoạt động nghiên cứu, giám sát, giáo dục và trao đổi thông tin giữa các
địa phương, trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững.
2. Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập
mặn Cần Giờ có diện tích là 75.740ha, quản lý Khu Dự trữ là sự điều phối dựa
trên các mối quan hệ hành chính và ngoài hệ thống hành chính nhằm tạo nên mối
liên kết và hợp tác trong các lĩnh vực: bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn
hóa, phát triển bền vững, kêu gọi đầu tư và trợ giúp các hoạt động nghiên cứu,
giám sát nguồn lợi và phát triển kinh tế xã hội, du lịch sinh thái, giáo dục và
đào tạo… Các hoạt động này sẽ được triển khai dựa trên sự phân vùng chức năng của
các Khu Dự trữ sinh quyển, cụ thể như sau:
- Vùng lõi: khu vực dành riêng
cho bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát các hệ sinh thái, cho phép các hoạt động
nghiên cứu, giáo dục có thể triển khai nếu không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học
của khu vực. Diện tích vùng lõi 4.721ha gồm các tiểu khu 3, 4b, 6, 11, 12 và
13.
- Vùng đệm: bao quanh vùng lõi,
vùng đệm góp phần hạn chế tác động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng
sinh học ở vùng lõi. Các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài
nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo…được
triển khai. Nâng cao mức sống người dân vùng đệm là yếu tố quan trọng bảo đảm
cho sự thành công của công tác bảo tồn ở vùng lõi. Diện tích vùng đệm 37.339ha
gồm các tiểu khu 1, 2, 4a, 5, 7, 8, 9, 10, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22,
23 và 24; cộng với diện tích mặt nước 3.800ha.
- Vùng chuyển tiếp: Các mô hình
phát triển kinh tế, hợp tác để phát triển được cổ vũ với sự tham gia của cán bộ
quản lý, các cơ sở kinh tế, các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, văn hóa, xã hội,
các nhà khoa học, tuyên truyền giáo dục… Diện tích vùng chuyển tiếp 29.310ha gồm
các khu vực còn lại của huyện Cần Giờ và thảm cỏ biển dọc theo ven biển Cần Giờ;
cộng với diện tích mặt nước 570ha.
Điều 3. Nguyên
tắc quản lý
1. Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển
rừng ngập mặn Cần Giờ phải bằng các biện pháp tổng hợp dựa trên cơ sở có sự
tham gia của cộng đồng.
2. Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển
rừng ngập mặn Cần Giờ phải tuân thủ 12 nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái (Theo
Công ước Bảo tồn đa dạng sinh học):
Nguyên tắc 1: Các mục tiêu quản
lý tài nguyên đất đai, nước và sự sống là sự lựa chọn mang tính xã hội.
Nguyên tắc 2: Quản lý phải được
phân quyền đến cấp thích hợp thấp nhất.
Nguyên tắc 3: Các nhà quản lý hệ
sinh thái phải xem xét các hiệu quả (thực tế hoặc tiềm ẩn) của các hoạt động của
họ đối với các hệ sinh thái tiếp cận và các hệ sinh thái khác.
Nguyên tắc 4: Công nhận các lợi
ích tiềm năng từ sự quản lý, thường có một nhu cầu để hiểu biết và quản lý hệ
sinh thái trong phạm vi kinh tế. Bất cứ chương trình quản lý hệ sinh thái nào
như thế phải: (a) Giảm bớt những tác động tiêu cực của thị trường có ảnh hưởng
bất lợi đến sự đa dạng sinh học. (b) Nhắm đến các động cơ để đẩy mạnh việc bảo
tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững. (c) Chủ quan hóa các chi phí và các lợi
ích trong hệ sinh thái đã quy định vào phạm vi khả thi.
Nguyên tắc 5: Việc bảo tồn cấu
trúc và chức năng của hệ sinh thái, nhằm mục đích duy trì các dịch vụ của hệ
sinh thái, phải là mục tiêu ưu tiên của phương thức tiếp cận hệ sinh thái.
Nguyên tắc 6: Các hệ sinh thái
phải được quản lý trong các giới hạn về chức năng của chúng.
Nguyên tắc 7: Việc tiếp cận hệ
sinh thái phải được thực hiện ở các quy mô thích hợp về mặt không gian và thời
gian.
Nguyên tắc 8: Công nhận sự thay
đổi các quy mô theo thời gian và các kết quả diễn ra từ từ được đặc trưng bởi
các quá trình sinh thái, các mục tiêu đối với việc quản lý hệ sinh thái phải được
thiết lập mang tính dài hạn.
Nguyên tắc 9: Việc quản lý phải
công nhận sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi.
Nguyên tắc 10: Tiếp cận hệ sinh
thái phải tìm kiếm sự cân bằng thích hợp giữa sự hợp thành một hệ thống thống
nhất của việc bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học.
Nguyên tắc 11: Tiếp cận hệ sinh
thái phải xem xét tất cả các dạng thông tin tương ứng, bao gồm kiến thức, các đổi
mới và các thực tiễn của khoa học của cư dân bản địa và cư dân địa phương.
Nguyên tắc 12: Tiếp cận hệ sinh
thái phải liên quan đến tất cả các lĩnh vực xã hội và các ngành khoa học có
liên quan tương ứng.
3. Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển
rừng ngập mặn Cần Giờ là quản lý một hệ sinh thái nhân văn có cấu trúc và chức
năng hoàn chỉnh.
4. Tuân thủ theo các quy định của
pháp luật Việt Nam hiện hành và các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia.
Chương 2:
HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ CƠ
CHẾ QUẢN LÝ
Điều 4.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố là cơ quan tham mưu giúp Ủy
ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn và phát
triển Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ theo quy định của pháp luật
và điều ước quốc tế.
Điều 5.
Các Sở - ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện chức năng giúp Ủy ban nhân
dân thành phố quản lý nhà nước chuyên ngành và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ thực
hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần
Giờ do Ủy ban nhân dân thành phố giao.
Điều 6. Ủy
ban nhân dân thành phố giao cho Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ quản lý địa giới
toàn bộ diện tích Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, ngoại trừ diện
tích 4.379ha thềm lục địa từ Thạnh An, Cần Thạnh đến Long Hòa thuộc Trung ương
quản lý, khi cần tác nghiệp phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài
ra, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ còn có thẩm quyền hướng dẫn và xử phạt người
dân không chấp hành quy định về sinh hoạt trong Khu Dự trữ sinh quyển.
Điều 7.
Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (được thành lập theo
Quyết định số 5902/QĐ-UB-CNN ngày 30 tháng 8 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành
phố Hồ Chí Minh), có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định trong quyết định
thành lập và làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan khoa học,
huyện Cần Giờ, các chủ rừng và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, để thực
hiện việc bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái của Khu Dự trữ sinh quyển Cần
Giờ với nội dung quản lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
Điều 8.
Chi cục Kiểm lâm thành phố, trực tiếp là Hạt Kiểm lâm Cần Giờ chịu trách nhiệm
giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Khu Dự trữ
sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Kiểm tra và xử phạt hành vi vi phạm pháp luật
theo thẩm quyền.
Điều 9.
Các chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ, khai thác, bảo tồn và phát triển rừng ngập
mặn Cần Giờ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và Công ước quốc tế về
Khu Dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận.
Chương 3:
NỘI DUNG QUẢN LÝ
Điều 10.
Nội dung quản lý chính
Có 3 nội dung chính trong việc
quản lý khu dự trữ sinh quyển:
- Bảo đảm sự cân bằng động của hệ
sinh thái nhân văn Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Điều hòa các mối quan hệ giữa
con người và môi trường trong phạm vi Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần
Giờ.
- Phát triển kinh tế xã hội kết
hợp với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.
Điều 11.
Điều tra, đánh giá, lập kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên
1. Các nguồn tài nguyên thiên
nhiên trong phạm vi Khu Dự trữ sinh quyển phải được điều tra, đánh giá trữ lượng,
khả năng tái sinh, giá trị kinh tế để làm căn cứ lập kế hoạch sử dụng và xác định
mức độ giới hạn cho phép khai thác ở từng vùng chức năng: vùng lõi, vùng đệm và
vùng chuyển tiếp.
2. Kế hoạch sử dụng tài nguyên
thiên nhiên phải gắn với sự cân bằng của hệ sinh thái nhân văn Khu Dự trữ sinh
quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Điều 12.
Bảo vệ đa dạng sinh học trong phạm vi Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần
Giờ
1. Việc bảo vệ đa dạng sinh học
phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng
dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan.
2. Thành lập các ngân hàng gen để
bảo vệ và phát triển các nguồn gen bản địa quý hiếm. Giới hạn việc du nhập các
giống loài không phải là bản địa nếu chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách
khoa học.
3. Xây dựng kế hoạch bảo vệ các
loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; Áp dụng các biện pháp ngăn
chặn việc săn bắt, khai thác kinh doanh, sử dụng các loài này đồng thời thực hiện
các chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ theo chế độ đặc biệt phù hợp với
từng loài.
Điều 13.
Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Khuyến khích việc sử dụng năng
lượng sạch, năng lượng tái tạo được khai thác từ gió, mặt trời, địa nhiệt, nước,
sinh khối trong phạm vi Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Điều 14.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ
1. Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn
Cần Giờ đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Phải
thực hiện thủ tục đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá
tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành và tại Nghị định số
80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
2. Phải xây dựng hoàn chỉnh và vận
hành thường xuyên các công trình xử lý ô nhiễm môi trường: thiết kế, xây dựng,
lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý triệt để toàn bộ lượng bụi, mùi, khí thải
phát sinh từ các quá trình sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển nguyên vật
liệu, hàng hóa; xây dựng hệ thống thu gom tách riêng và xử lý triệt để toàn bộ
lượng nước thải phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
vận hành thường xuyên các công trình xử lý ô nhiễm môi trường; đảm bảo các tiêu
chuẩn, quy định về môi trường.
3. Thường xuyên tuyên truyền,
giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo vệ Khu Dự trữ sinh quyển
cho người lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình.
4. Đối với khu sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ tập trung phải có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ thu gom tập trung
chất thải rắn sinh hoạt, xà bần, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và
đáp ứng các yêu cầu tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các cơ sở
trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
5. Đối với khu sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ tập trung phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung,
hệ thống xử lý khí thải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường
và được vận hành thường xuyên.
Điều 15.
Bảo vệ môi trường đối với các làng nghề
1. Việc quy hoạch, xây dựng, cải
tạo và phát triển làng nghề phải gắn với việc bảo vệ môi trường, có hệ thống
thu gom tập trung các loại chất thải rắn sinh hoạt, xà bần, chất thải công nghiệp
và chất thải nguy hại.
2. Phải có hệ thống thu gom và xử
lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định
về bảo vệ môi trường và được vận hành thường xuyên.
Điều 16.
Bảo vệ cảnh quan đối với các công trình xây dựng
Các công trình xây dựng trong phạm
vi Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ phải bảo đảm các điều kiện như
sau:
- Trong vùng lõi: không cho phép
xây dựng các công trình, trừ những công trình phục vụ cho mục tiêu bảo tồn đa dạng
sinh học và được cấp có thẩm quyền cho phép.
- Trong vùng đệm: chỉ chấp nhận
các công trình xây dựng có kết cấu và vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự
nhiên, không làm vỡ cân bằng sinh thái và được các cấp có thẩm quyền cho phép.
- Trong vùng chuyển tiếp: các
công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch của Khu Dự
trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, khuyến khích xây dựng các công trình có
tính thẩm mỹ cao nhằm tăng vẻ đẹp cảnh quan khu vực, đồng thời hài hòa với điều
kiện hiện trạng tự nhiên.
Chương 4:
KINH PHÍ QUẢN LÝ
Điều 17.
Nguồn kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động của Ban Quản
lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được trích từ các nguồn thu của
thành phố:
1. Phí bảo vệ môi trường;
2. Tiền thuê cảnh quan phục vụ
cho du lịch sinh thái;
3. Các nguồn phí khác theo quy định
của pháp luật hiện hành.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18.
Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
- Chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy
ban nhân dân thành phố về quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển rừng
của thành phố.
- Phối hợp với các sở - ngành
liên quan, xây dựng trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các cơ chế, chính
sách để đảm bảo mục tiêu quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Kiện toàn Ban Quản lý Khu Dự
trữ sinh quyển cho phù hợp với yêu cầu thực tế và khuyến khích sự tham gia của
cộng đồng trong việc quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ để
phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái
nhân văn này.
- Định kỳ báo cáo Thường trực Ủy
ban nhân dân thành phố về tình hình quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn
Cần Giờ.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng
các dự án đầu tư cho các chương trình hoạt động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khi được các cấp có
thẩm quyền quyết định.
3. Sở Tài chính:
- Cấp kinh phí cho các chương
trình hoạt động của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ,
sau khi có phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Hỗ trợ Ban Quản lý Khu Dự trữ
sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ xây dựng cơ chế sử dụng các loại phí: bảo vệ
môi trường, cho thuê cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái...
4. Sở Văn hóa và Thông tin và Sở
Du lịch:
- Thường xuyên tổ chức thông tin
tuyên truyền về ý nghĩa của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và các chương
trình hoạt động của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển sâu rộng đến với quần
chúng và nhân dân thành phố cũng như trong nước và nước ngoài.
- Triển khai thực hiện quy hoạch
tổng thể vùng du lịch sinh thái Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Thực hiện các chương trình
giáo dục môi trường cho du khách.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Có kế hoạch đưa nội dung giới
thiệu về Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ vào chương trình giảng dạy
ở các cấp học.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chỉ đạo các lực lượng giám sát
tài nguyên môi trường hỗ trợ Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần
Giờ trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế
xã hội trên địa bàn theo xu hướng phát triển bền vững.
Điều 19.
Trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước địa phương
1. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ:
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban
nhân dân thành phố về việc triển khai và thực hiện nội dung quản lý Khu Dự trữ
sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Lồng ghép các chương trình hoạt
động của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ vào các chương
trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Xây dựng chương trình truyền
thông trong nhân dân và các địa điểm du lịch của huyện Cần Giờ từ năm 2009 hạn
chế sử dụng các loại bao bì bằng nylon để đựng vật dụng, thức ăn xả rác gây ô
nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng các loại bao bì bằng vật liệu dễ phân hủy;
đến năm 2010 cấm hẳn việc sử dụng bao bì bằng nylon trong khu vực Khu Dự trữ
sinh quyển.
- Chỉ đạo các lực lượng vũ trang
tại địa phương khi cần thiết để thực hiện công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ
sinh thái nhân văn Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Chỉ đạo các lực lượng Chính
quyền các xã, thị trấn, đoàn thể tại địa phương hỗ trợ tích cực cho các chương
trình hoạt động của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
2. Ủy ban nhân dân các xã và thị
trấn thuộc huyện Cần Giờ:
- Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức
thực hiện các văn bản pháp quy về việc bảo vệ và phát triển bền vững Khu Dự trữ
sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Kiểm tra và xử phạt vi phạm
hành chính các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Điều 20.
Điều khoản thi hành
Giám đốc các sở - ngành thành phố,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển
rừng ngập mặn Cần Giờ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm
thực hiện Quy chế này; tập thể, cá nhân vi phạm Quy chế này tùy theo mức độ sẽ
bị xử lý theo quy định của pháp luật./.