Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 04/2017/QĐ-UBND tiếp nhận xử lý đường dây nóng nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh

Số hiệu: 04/2017/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Đặng Huy Hậu
Ngày ban hành: 11/08/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2017/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 11 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN ĐƯỜNG DÂY NÓNG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy sản năm 2003;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển;

Căn cứ Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và quy định chi tiết Điều 3 của Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản;

Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 01/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản;

Căn cứ Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa đấu tranh với hành vi xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 2592/TTr-NN&PTNT-CCTS ngày 09/8/2017 và báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 03/BC-STP ngày 04/01/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh; Chỉ huy trưởng bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc ban quản lý Vườn quốc gia bái Tử Long; hội nghề cá Quảng Ninh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Huy Hậu

 

QUY CHẾ

TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN ĐƯỜNG DÂY NÓNG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nội dung hoạt động đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là đường dây nóng); trách nhiệm phối hợp của các đơn vị, phòng, ban, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và giải quyết các vụ việc vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

- Các tổ chức, cá nhân cung cấp tin báo và tiếp nhận tin báo có liên quan đến vi phạm hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Thời gian tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng 7 ngày/tuần; 24h/ngày.

Điều 3. Mục tiêu

1. Phát huy dân chủ, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Nâng cao ý thức tự giác của người dân, hiệu lực quản lý Nhà nước trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

2. Tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành của cán bộ chuyên môn các cấp trong việc tiếp nhận đầy đủ, kịp thời mọi thông tin về các trường hợp hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bất hợp pháp.

Điều 4. Giải thích từ ngữ.

1. Đường dây nóng là hệ thống quản lý khép kín gồm: Thiết bị viễn thông, số thuê bao di động, thiết bị công cụ hỗ trợ, nhân sự và quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, tin báo của các tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi và các thông tin liên quan đến vi phạm về khai thác thủy sản để các cơ quan quản lý Nhà nước từ tỉnh đến địa phương có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

2. Tin báo: Là các thông tin liên quan đến vụ việc vi phạm quy định của Nhà nước trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Người báo tin: Tổ chức, cá nhân khi phát hiện đối tượng, hành vi vi phạm thông báo bằng hình thức gọi điện, nhắn tin, gửi email vào đường dây nóng.

4. Tiếp nhận tin báo: Các cơ quan và cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng đường dây nóng theo Quy chế này (sau đây viết tắt là người quản lý đường dây nóng) ghi nhận lại tin báo của tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi và các thông tin có liên quan đến vụ việc vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản.

5. Xử lý tin báo: Các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận tin báo qua đường dây nóng, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.

6. Phản hồi tin báo: Cơ quan quản lý đường dây nóng trực tiếp nhận tin báo thông báo lại kết quả xử lý tin báo cho tổ chức, cá nhân cung cấp tin báo.

7. Tuyến bờ, tuyến lộng: Tuyến bờ là đoạn thẳng gấp khúc nối liền các điểm từ điểm G1 đến điểm G3; tuyến lộng là đoạn thẳng gấp khúc nối liền các điểm từ điểm L1 đến điểm L3, theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ tuyến bờ, tuyến lộng có tọa độ như sau:

Điểm

Tuyến bờ

Điểm

Tuyến lộng

G1

21o 12' 35"N

108o 12'31"E

L1

20o 48' 12" N

108o 17' 40"E

G2

20o 43'08"N

107o 27'22"E

L2

20o 00' 00"N

107o 07' 41"E

G3

20o 36' 52" N

107o 12'25"E

L3

19o 57' 04" N

107o 04' 21"E

Điều 5. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng

1. Đảm bảo giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh của tổ chức, cá nhân báo tin cũng như đảm bảo bí mật thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước. Không sử dụng, lợi dụng đường dây nóng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc phục vụ cho mục đích cá nhân.

2. Từ chối tiếp nhận thông tin trong các trường hợp sau: Người báo tin không nói rõ họ tên, địa chỉ; nội dung tin báo không rõ ràng (không thể xác định được vụ việc cụ thể, địa điểm xảy ra và các tổ chức, cá nhân có liên quan).

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh tiếp nhận, xử lý các tin báo về các vụ việc vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển phạm vi từ tuyến lộng trở ra và các vụ việc cấp huyện không đủ thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp nhận, xử lý các tin báo về các vụ việc vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển phạm vi tuyến bờ và vùng nội đồng, hồ chứa theo địa giới hành chính quản lý.

Trường hợp thông tin tiếp nhận không thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan tiếp nhận chủ động thông báo thông tin đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Điều 6. Quy định các phương thức tiếp nhận, phối hợp, xử lý thông tin

1. Các phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sau: Gọi điện, nhắn tin vào các số điện thoại, thư điện tử, gửi thư tay vào hòm thư tại trụ sở các cơ quan tiếp nhận đường dây nóng.

2. Cơ quan tiếp nhận đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản các cấp phải công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ trụ sở tiếp nhận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh Quảng Ninh như: báo, đài phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử; niêm yết các số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và bố trí hòm thư tiếp nhận đường dây nóng tại trụ sở cơ quan.

3. Người thường trực tại cơ quan tiếp nhận đường dây nóng theo Quy chế này phải lập sổ ghi chép theo dõi, thống kê, lưu trữ tin báo; kịp thời ghi nhận đầy đủ tin báo của tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi, thời gian tiếp nhận tin báo và các thông tin liên quan đến vụ việc về vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Khai thác thủy sản bằng nghề cấm, chất nổ, chất độc, xung điện, khai thác sai vùng, tuyến; khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, vùng cấm khai thác có thời hạn; khai thác, vận chuyển, buôn bán, lưu giữ trái phép các loài thủy sản thuộc danh mục quý hiếm, loài thủy sinh ngoại lai theo quy định của pháp luật; các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bất hợp pháp khác theo quy định.

4. Cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm và UBND cấp huyện nơi xảy ra vi phạm phải kịp thời tiếp nhận thông tin từ người thường trực tại cơ quan tiếp nhận đường dây nóng trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm và cung cấp kết quả xử lý để người quản lý đường dây nóng phản hồi tin báo.

Chương II

QUY TRÌNH TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN

Điều 7. Tổ chức cá nhân cung cấp thông tin, cơ quan tiếp nhận thông tin

1. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền cung cấp thông tin nếu phát hiện thấy các trường hợp vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

2. Cơ quan tiếp nhận thông tin là cơ quan được giao quản lý đường dây nóng, bao gồm:

2.1. Cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý đường dây nóng cấp tỉnh; giao Chi cục Thủy sản là cơ quan thường trực, trực tiếp tiếp nhận thông tin đường dây nóng. Cơ quan thường trực, trực tiếp tiếp nhận thông tin đường dây nóng trên cơ sở chức năng nhiệm vụ các cơ quan liên quan, phân công cơ quan chủ trì xử lý thông tin; trường hợp phức tạp phải báo cáo Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời chỉ đạo xử lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm công khai khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ trụ sở tiếp nhận thông tin theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Quy định này.

2.2. Cấp huyện: Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin theo thẩm quyền từ đường dây nóng cấp tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo tình hình thực tiễn thành lập đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi cấp huyện để tiếp nhận xử lý thông tin kịp thời.

3. Thủ trưởng cơ quan tiếp nhận thông tin quy định tại Khoản 2 Điều này (cấp tỉnh đ/c Chi cục Trưởng - Chi cục Thủy sản; cấp huyện Chủ tịch UBND cấp huyện) có trách nhiệm quản lý, phân công cho cán bộ thường trực đường dây nóng. Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp và công khai danh sách cán bộ thường trực đường dây nóng để đảm bảo thông tin được tiếp nhận và xử lý kịp thời.

Điều 8. Quy trình tiếp nhận và xử lý tin báo

1. Tiếp nhận tin báo

Tin báo được cơ quan tiếp nhận từ người báo tin phải được ghi chép vào sổ nhật ký đường dây nóng đầy đủ nội dung: Thông tin về người báo tin (địa chỉ, số điện thoại liên lạc, ...); thời gian tiếp nhận (ngày, tháng, năm, giờ...); tổ chức, cá nhân vi phạm; địa điểm diễn ra vụ việc, nội dung vụ việc vi phạm.

2. Xử lý tin báo

2.1. Cơ quan thường trực đường dây nóng tiếp nhận tin báo xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi thông tin cho các đơn vị còn lại theo phạm vi quản lý hành chính và cấp quản lý theo nguyên tắc quy định tại Điều 5, Khoản 3 Quy chế này.

2.2. Thủ trưởng các đơn vị tiếp nhận thông tin quy định tại Khoản 2, Điều 7 ngay sau khi nhận tin báo có trách nhiệm phân công đơn vị, cá nhân có đủ thẩm quyền kiểm tra vụ việc, trong thời gian không quá 15 phút kể từ khi nhận được tin báo. Trường hợp có vi phạm pháp luật phải lập tức ngăn chặn, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhận tin báo trong khoảng thời gian từ 00 giờ 00 đến 06 giờ 00 thì ngay sau 06 giờ 00 cùng ngày phải xử lý tin báo.

2.3. Thời hạn xem xét giải quyết vụ việc đối với đơn vị chủ trì xử lý trong thời gian không quá: 04 giờ làm việc đối với vụ việc vi phạm thông thường, thuộc thẩm quyền đối với cấp huyện; 08 giờ làm việc đối với vụ việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp (vụ việc vượt thẩm quyền xử phạt vi phạm hoặc có yếu tố cần phải xác minh, điều tra) lập biên bản, xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Chậm nhất sau 01 ngày làm việc kể từ thời điểm có kết quả vụ việc, cơ quan chủ trì xử lý phải chuyển thông tin phản hồi đến cơ quan thường trực đường dây nóng bằng email hoặc bằng văn bản để đưa tin trên hệ thống cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương III

KINH PHÍ THỰC HIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG

Điều 9. Kinh phí thành lập và duy trì thực hiện đường dây nóng

1. Ngân sách nhà nước đảm bảo duy trì đường dây nóng, bao gồm: Mua trang thiết bị thành lập đường dây nóng, chi phí văn phòng phẩm; Chi phí mua tin (Khoản 6, Điều 1, Thông tư 105/2014/TT-BTC ngày 07/8/2014 sửa đổi một số điều của Thông tư 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính); phụ cấp người thường trực tiếp nhận thông tin; Tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm, của đơn vị có thẩm quyền chủ trì xử lý vụ việc từ tin báo các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).

2. Cơ quan quản lý đường dây nóng có trách nhiệm lập dự toán hàng năm và thanh toán các chi phí đảm bảo duy trì đường dây nóng. Các cơ quan chủ trì xử lý thông tin (tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm) có trách nhiệm lập dự toán hàng năm đảm bảo xử lý các vụ việc từ tin báo các cấp đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Cơ quan thường trực đường dây nóng trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

2. Tiếp nhận thông tin, trả lời và chủ trì xử lý tin báo về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo nguyên tắc tiếp nhận và xử lý thông tin quy định tại Quy chế này.

3. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan truyền thông tổ chức triển khai thực hiện, phổ biến pháp luật về Thủy sản và Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng tới các tổ chức, cá nhân khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

4. Kiểm tra, kiểm soát; hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các địa phương trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý các vi phạm trong khai thác, quản lý nguồn lợi thủy sản.

5. Phản hồi kết quả xử lý tin báo các vụ việc vi phạm đã được tiếp nhận đến người báo tin; đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các vụ việc vi phạm.

Điều 11. Trách nhiệm của các Sở, ngành, đơn vị liên quan

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công An tỉnh, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long thực hiện kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản và Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới các tổ chức, cá nhân có liên quan; trao đổi cung cấp thông tin qua đường dây nóng cho cơ quan có thẩm quyền; thực hiện các nội dung công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Sở Thông tin và truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình Tỉnh phổ biến pháp luật về thủy sản và Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới các tổ chức, cá nhân có liên quan; kịp thời đưa tin về các vụ việc xử lý vi phạm qua đường dây nóng; Sở Thông tin và truyền thông cung cấp 02 số thuê bao miễn phí cước gọi đi, đến (01 số điện thoại bàn; 01 số điện thoại di động) đảm bảo hoạt động đường dây nóng liên tục.

3. Sở Tài chính: Thẩm định kinh phí thành lập và duy trì đường dây nóng cấp tỉnh hàng năm; tham mưu bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động của đường dây nóng.

4. Các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp đảm bảo hoạt động của đường dây nóng hiệu quả, kịp thời.

Điều 12. Trách nhiệm UBND các huyện, thị xã, thành phố

1. Tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, xử lý tin báo, giải quyết vụ việc vi phạm theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 và thực hiện theo đúng trình tự quy định tại Quy chế này.

2. Thiết lập Đường dây nóng cấp huyện: Từ huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn để nắm thông tin và chỉ đạo xử lý nhanh chóng, kịp thời.

3. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tuyên truyền phổ biến pháp luật về Thủy sản, Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến các tổ chức, cá nhân thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng thực hiện tốt Quy chế này trên địa bàn;

4. Bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí khác để thực hiện nhiệm vụ xử lý thông tin, giải quyết vụ việc từ đường dây nóng; chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra thông tin khi nhận được tin báo, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định hiện hành.

5. Thực hiện công khai phương thức tiếp nhận thông tin theo quy định tại Điều 6 Quy chế này; chỉ đạo niêm yết số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và bố trí hòm thư tiếp nhận tin báo đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại trụ sở các UBND xã, phường, thị trấn, tổ dân, khu phố, thôn trên địa bàn quản lý.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Người cung cấp thông tin đúng, có giá trị giúp cơ quan tiếp nhận thông tin kịp thời phát hiện tiêu cực trong công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xem xét khen thưởng.

2. Người cung cấp thông tin không đúng sự thật, lợi dụng việc cung cấp thông tin qua đường dây nóng gây rối, vì mục đích cá nhân, làm mất thời gian của đơn vị tiếp nhận ... tùy theo mức độ sai phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức, được phân công tiếp nhận, xử lý thông tin, giải quyết vụ việc có thành tích được xét khen thưởng; thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Hàng quý (trước ngày 25 tháng cuối quý, hoặc đột xuất khi có yêu cầu), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình triển khai đường dây nóng.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, phát sinh cần sửa đổi báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 04/2017/QĐ-UBND ngày 11/08/2017 Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.702

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.246.193
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!