ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2025/QĐ-UBND
|
Bạc Liêu, ngày 08
tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ HÀNH LANG BẢO VỆ BỜ BIỂN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Tài nguyên, môi
trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
Căn cứ Thông tư số
29/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 368/TTr-STNMT ngày 17 tháng 12 năm
2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển
trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên
và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp
tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Hiệu
lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 18 tháng 01 năm 2025./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UB MTTQVN tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra);
- Các Sở, Ban, Ngành tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Bạc Liêu;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Bạc Liêu;
- Lưu: VT, MT (QĐQPPL).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Hữu Trí
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, BẢO VỆ HÀNH LANG BẢO VỆ BỜ BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC
LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2025/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01
năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về đối tượng,
mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan trong quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc
Liêu.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với
các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo
vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Điều 3. Mục
tiêu
Quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ
bờ biển tỉnh Bạc Liêu nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ
sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với
biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
Điều 4.
Nguyên tắc quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển
1. Quản lý, bảo vệ hành lang bảo
vệ bờ biển phải được lồng ghép thống nhất với chiến lược khai thác, sử dụng bền
vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai
thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch, kế hoạch, chương trình,
nhiệm vụ, đề án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo vệ chủ
quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Hoạt động quản lý, bảo vệ
hành lang bảo vệ bờ biển phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch,
phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng
dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá
trình quản lý, bảo vệ; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
3. Việc quản lý, bảo vệ hành
lang bảo vệ bờ biển phải đảm bảo nguyên tắc thiết lập hành lang theo quy định tại
điểm a, b, c và d, Khoản 2, Điều 23 Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo
số 82/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015.
Chương II
NỘI DUNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ
HÀNH LANG BẢO VỆ BỜ BIỂN
Điều 5. Quản
lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển
1. Hành lang bảo vệ bờ biển
trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là dải đất ven biển được thiết lập tại các khu vực
theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các hoạt động về hành lang bảo
vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh gồm:
a) Xác định, công bố đường mực nước
triều cao trung bình nhiều năm trên địa bàn tỉnh theo phê duyệt của Ủy ban nhân
dân tỉnh.
b) Xác định danh mục các khu vực
phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh theo phê duyệt của Ủy
ban nhân dân tỉnh.
c) Xác định ranh giới hành lang
bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 6. Mốc
giới và quản lý mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển
1. Mốc giới hành lang bảo vệ bờ
biển được dùng để xác định ranh giới trong của hành lang bảo vệ bờ biển trên thực
địa theo Điều 28 Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ
Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ
bờ biển.
2. Mốc giới hành lang bảo vệ bờ
biển phải đảm bảo các yêu cầu theo Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 Thông tư
số 29/2016/TT-BTNMT .
3. Hồ sơ mốc giới hành lang bảo
vệ bờ biển gồm:
a) Sơ đồ vị trí và bảng thống
kê vị trí, tọa độ mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển được quy định tại Phụ lục
06 và Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ;
b) Bản đồ vị trí mốc giới hành
lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bạc Liêu trên thực địa, tỷ lệ 1:50.000, hệ tọa độ
VN-2000, kinh tuyến trục 1050, múi chiếu 30.
4. Nghiêm cấm các hành vi dịch
chuyển vị trí mốc giới trái phép, hành vi phá hoại, làm hư hỏng mốc giới.
5. Mốc giới hành lang bảo vệ bờ
biển phải được kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hàng năm và có phương án khôi phục
mốc giới khi bị hư hỏng, đảm bảo đúng quy cách mốc giới và vị trí mốc giới theo
hồ sơ được lưu giữ.
6. Các hoạt động xâm hại, làm
hư hỏng hệ thống mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển phải bị xử lý, bồi thường
theo quy định pháp luật.
Điều 7. Lưu
giữ, bảo quản, cung cấp, khai thác hồ sơ về hành lang bảo vệ bờ biển
1. Hồ sơ gốc hành lang bảo vệ bờ
biển và hồ sơ gốc mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển được lưu giữ, bảo quản tại
Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Việc lưu giữ, bảo quản, cung
cấp, khai thác thông tin dữ liệu từ hồ sơ hành lang bảo vệ bờ biển và hồ sơ mốc
giới hành lang bảo vệ bờ biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về thu
thập thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Điều 8. Hạn
chế các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển
1. Các hoạt động bị nghiêm cấm
trong hành lang bảo vệ bờ biển được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật
Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo.
2. Các hoạt động bị hạn chế
trong hành lang bảo vệ bờ biển được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật
Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Điều 41 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày
15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo.
3. Các công trình dự án đã đầu
tư xây dựng không thuộc trường hợp tại khoản 1, khoản 2 Điều này, có trước thời
điểm phê duyệt và công bố ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được tiếp tục sử dụng
cho đến hết thời gian được giao; được xem xét gia hạn sử dụng khi tuân thủ các
quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đất đai, xây
dựng và các pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
Điều 9. Điều
chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển
Việc điều chỉnh ranh giới hành
lang bảo vệ bờ biển thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số
40/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 10.
Quản lý các khu vực ven biển chưa thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Thực hiện theo quy định của Luật
Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo và pháp luật chuyên ngành đảm bảo nguyên
tắc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, môi trường vùng bờ phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; bảo vệ, duy trì hệ
sinh thái, cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó biến
đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO
VỆ HÀNH LANG BẢO VỆ BỜ BIỂN
Điều 11.
Phối hợp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
là cơ quan chủ trì quản lý hành lang bảo vệ bờ biển có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai thực hiện
quy định này; tham mưu, tổ chức quản lý hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định
của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo; khoản 2 Điều 35, khoản 2 Điều
38, khoản 2 Điều 39 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ;
b) Lưu giữ hồ sơ gốc hành lang
bảo vệ bờ biển, hồ sơ gốc mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển; cung cấp thông
tin, dữ liệu liên quan cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác,
sử dụng theo quy định của pháp luật về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng
thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường;
c) Tuyên truyền, phổ biến các
quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển;
d) Thanh tra, kiểm tra xử lý vi
phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển theo thẩm quyền hoặc
báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của pháp luật;
e) Định kỳ hàng năm báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh kết quả công tác quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển
theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi
trường rà soát các vấn đề liên quan đến hành lang bảo vệ bờ biển khi thực hiện
nhiệm vụ theo thẩm quyền về quy hoạch, cấp phép chủ trương đầu tư các dự án ven
biển nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột với hành lang bảo vệ bờ biển.
3. Sở Tài chính:
Hằng năm, tại thời điểm xây dựng
dự toán ngân sách, căn cứ chủ trương của cấp thẩm quyền, đề nghị của Sở Tài
nguyên và Môi trường và khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính tổng hợp (đối
với nguồn chi thường xuyên) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân
dân tỉnh phê duyệt dự toán chi ngân sách làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ tại
Quy định này theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Sở Xây dựng:
Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi
trường nhằm đảm bảo công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng theo thẩm quyền không
mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột với quy định về hành lang bảo vệ bờ biển.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi
trường trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển; công tác lập
quy hoạch và các nhiệm vụ chuyên ngành có liên quan đến hành lang bảo vệ bờ biển
đảm bảo phù hợp với các quy định, không mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột với
hành lang bảo vệ bờ biển.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi
trường đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư dịch vụ du lịch
trên địa bàn; đảm bảo công tác quy hoạch, quản lý các hoạt động du lịch không
mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột với hành lang bảo vệ bờ biển; đảm bảo quyền tiếp
cận của cộng đồng tới biển.
7. Sở Giao thông vận tải:
Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi
trường rà soát các vấn đề liên quan đến hành lang bảo vệ bờ biển trong việc thực
hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền về quy hoạch, thẩm định các dự án, triển khai
các công trình, tuyến đường giao thông ven biển, cảng biển, bến neo đậu tàu,
thuyền, tránh trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột với hành lang bảo vệ bờ
biển.
8. Sở Nội vụ:
Thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm
quyền về địa giới hành chính đảm bảo việc quản lý bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển
được thuận lợi.
9. Sở Thông tin và Truyền
thông:
Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi
trường hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện,
thành phố Bạc Liêu và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền,
phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển
và Quy định này nhằm nâng cao nhận thức cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ
gia đình và Nhân dân được biết để chấp hành pháp luật trong công tác bảo vệ
hành lang bảo vệ bờ biển.
10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường và các đơn vị có liên quan trong việc quản lý hành lang bảo vệ bờ biển
bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
11. Sở Công Thương; Sở Khoa học
và Công nghệ; các Sở, Ban, Ngành có liên quan:
Theo chức năng, nhiệm vụ được
giao, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc quản lý
hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và
hải đảo; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các quy định của pháp luật
chuyên ngành có liên quan và Quy định này.
Điều 12.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Bạc Liêu có hành
lang bảo vệ bờ biển
1. Ủy ban nhân dân huyện Hòa
Bình, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ
hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và
hải đảo; Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn rà soát, kiểm tra hiện trạng mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển
và đề xuất cơ quan chức năng khôi phục các mốc bị hư hỏng.
2. Xử lý theo thẩm quyền hoặc
báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật quản lý hành lang bảo vệ bờ biển
đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
3. Định kỳ hàng năm báo cáo về
công tác quản lý hành lang bảo vệ bờ biển của địa phương mình về Sở Tài nguyên
và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo để theo dõi, tổng hợp báo
cáo chung.
Điều 13.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có hành lang bảo vệ bờ
biển
1. Tổ chức quản lý, bảo vệ hành
lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
theo quy định tại khoản 3, Điều 43 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Xử lý theo thẩm quyền, báo
cáo kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật quản lý hành lang bảo vệ bờ biển tại
địa phương mình về Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Định kỳ hàng năm báo cáo về
công tác quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển về Ủy ban nhân dân cấp huyện
trước ngày 10 tháng 12 của năm báo cáo để theo dõi, tổng hợp báo cáo chung.
Điều 14.
Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động
trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển phải tuân thủ các quy định của Luật Tài
nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ và
Quy định này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15.
Điều khoản chuyển tiếp
Trong thời gian chưa có mốc giới
hành lang bảo vệ bờ biển ở thực địa, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sử dụng Bản
đồ ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh
và các tài liệu có liên quan để quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển, đồng
thời đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp
luật./.