UBND TỈNH YÊN
BÁI -
UBND TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/QCPH-UBND
|
Yên Bái, ngày 27 tháng 11 năm 2020
|
QUY CHẾ PHỐI HỢP
TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHOÁNG SẢN, QUẢN LÝ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TẠI KHU VỰC
GIÁP RANH GIỮA TỈNH YÊN BÁI VỚI TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ
Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP
ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 23/2020/NĐ-CP
ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ Quy định về
quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;
Căn cứ Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp
tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với
các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;
Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang
thống nhất ban hành Quy
chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản, quản
lý cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái với tỉnh Hà Giang như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về nguyên tắc,
phương thức, hình thức và nội dung phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản,
quản lý cát, sỏi lòng sông, suối, ngòi, hồ (sau đây gọi viết tắt là cát, sỏi
lòng sông) và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông tại khu vực giáp
ranh giữa tỉnh Yên Bái với tỉnh Hà Giang (sau đây gọi tắt là khu vực giáp
ranh giữa hai tỉnh),
bao gồm các khu vực giáp ranh giữa huyện Lục Yên, tỉnh Yên
Bái với các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
Các nội dung phối hợp khác không quy
định tại Quy chế này được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ
quan quản lý nhà nước; các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản (bao gồm cả
cát, sỏi lòng sông) tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
Điều 2. Mục đích
của việc phối hợp
1. Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ,
hiệu quả về chuyên môn và thông tin để tăng cường hiệu quả
công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là quản lý cát, sỏi lòng sông
và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của
Chính phủ nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép
tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức
cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân trong việc thực hiện
quy định của pháp luật về khoáng sản và công tác bảo vệ
khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
3. Giải quyết các khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý khoáng sản tại khu vực giáp ranh
giữa 2 tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc
phối hợp
1. Không gây cản trở đến công tác quản
lý của các cơ quan nhà nước và hoạt động khoáng sản hợp pháp của các tổ chức,
cá nhân trên địa bàn tỉnh Yên Bái và tỉnh Hà Giang.
2. Công tác phối hợp được thực hiện
đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và các văn bản có liên quan; phù hợp
với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
3. Bảo đảm đồng bộ, hiệu quả trong việc
trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp kiểm tra hoạt động khoáng sản tại các
khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
4. Chủ động trong công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác; xử lý những vấn đề phát sinh theo chức năng nhiệm vụ
và thẩm quyền của các cơ quan đối với các hoạt động khoáng sản tại khu vực giáp
ranh giữa hai tỉnh. Hỗ trợ trong xử lý các tình huống khi được đề nghị bảo đảm
đúng quy định của pháp luật.
Chương II
PHƯƠNG THỨC,
HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Phương thức
phối hợp
1. Phối hợp tổ chức kiểm tra định kỳ
hoặc đột xuất về khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh nhằm phát hiện,
ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định. Cơ quan chủ trì kiểm tra của tỉnh Yên
Bái hoặc tỉnh Hà Giang có trách nhiệm thông báo cho cơ quan cùng cấp của tỉnh
giáp ranh biết và phối hợp thực hiện khi cần thiết.
2. Tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh,
khi xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép, chính quyền địa phương tại khu vực
đó chủ trì, phối hợp với cơ quan cùng cấp tỉnh giáp ranh tổ chức kiểm tra, thống
nhất hình thức xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp, trong quá trình xử lý có ý kiến
khác nhau thì cơ quan chủ trì quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Điều 5. Hình thức
phối hợp
Tùy theo tính chất, nội dung cần phối
hợp, các hình thức phối hợp gồm:
1. Bằng văn bản đề nghị phối hợp, trường
hợp khẩn cấp có thể thông báo qua điện thoại, sau đó có
văn bản đề nghị. Khi cần thiết thì trực tiếp làm việc để thông
báo, trao đổi thông tin, tài liệu.
2. Thành lập đoàn công tác liên ngành
cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp xã giáp ranh giữa hai tỉnh.
3. Tổ chức các cuộc họp, hội nghị.
Điều 6. Nội dung
phối hợp
1. Phối hợp trao đổi thông tin liên quan đến quản lý khoáng sản:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường, Công
an tỉnh và các sở, ngành liên quan của hai tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ trao đổi thông tin: Về tiềm năng khoáng sản; tình hình quản
lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động
khoáng sản và các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản tại khu vực
giáp ranh; thông tin về giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản (nếu có) đã cấp,
thông tin các khu vực đã có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép liên quan
đến khu vực giáp ranh; đối với cát, sỏi lòng sông cung cấp thêm số lượng, biển hiệu phương tiện, thiết bị tham gia khai thác, vận chuyển cát sỏi, điều kiện hạ tầng kỹ thuật (bến bãi tập kết vật liệu). Đặc
biệt là thông tin liên quan đến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng
khai thác khoáng sản trái phép và hoạt động vận chuyển,
kinh doanh khoáng sản trái phép giữa hai tỉnh.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
khu vực giáp ranh thuộc các tỉnh trao đổi thông tin về
tình hình quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản tại khu vực giáp
ranh, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
2. Phối hợp trong công tác kiểm tra,
kiểm soát nắm tình hình:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
của tỉnh Yên Bái và tỉnh Hà Giang thực hiện phối hợp trong công tác kiểm tra,
kiểm soát nắm tình hình tại các khu vực khoáng sản giáp
ranh trong các trường hợp cần thiết, để xác định, tổ chức ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, mua bán khoáng sản trái phép.
b) Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh
sát giao thông, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, lực lượng công an
tại địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình trên địa
bàn, kịp thời phát hiện, xử lý, trao đổi thông tin với lực lượng công an của tỉnh
giáp ranh về các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, hoạt động vận chuyển, tập kết, mua bán khoáng sản không, có nguồn gốc hợp pháp tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
Nếu hành vi vi phạm tái diễn, gây ảnh hưởng đến người dân, môi trường và cơ sở
hạ tầng cần khởi tố, xử lý nghiêm.
3. Phối hợp trong công tác phát hiện,
ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khoáng sản trái phép:
a) Ủy ban nhân dân các cấp, Công an tỉnh
Yên Bái và Công an tỉnh Hà Giang có trách nhiệm chỉ đạo và xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền, đặc biệt là hoạt động
khai thác khoáng sản trái phép.
b) Phối hợp, tạo điều kiện, hỗ trợ về
phương tiện, thiết bị, lực lượng, đồng thời tổ chức ngăn chặn, giải tỏa hoạt động
khai thác khoáng sản trái phép. Có biện pháp ngăn chặn các đối tượng, phương tiện
vi phạm di chuyển sang tỉnh giáp ranh, trường hợp đã di chuyển sang tỉnh giáp ranh, cần thông báo ngay cho cơ quan quản lý cùng cấp
biết, phối hợp, xử lý. Phát huy và tận dụng tối đa nguồn thông tin của nhân dân
tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh.
4. Phối hợp trong công tác xử lý vi phạm:
a) Xử lý vi phạm trong hoạt động
khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Các đối tượng, tang
vật hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, mua bán
khoáng sản trái phép được xem xét xử lý tại địa phương nơi xảy ra vi phạm.
Trường hợp vụ việc, hành vi vi phạm xảy
ra trên địa bàn cả hai tỉnh, thì bên phát hiện trước sẽ chủ trì xử lý, giải quyết
và thông báo cho cơ quan, đơn vị cùng cấp của tỉnh giáp ranh biết, cùng phối hợp.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ
quan công an, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã khu vực giáp ranh có trách nhiệm
hoàn chỉnh hồ sơ liên quan đến công tác xử lý vi phạm theo thẩm quyền; phối hợp
chặt chẽ việc thực hiện các nội dung quyết định xử lý đã được ban hành; trường
hợp vượt thẩm quyền phải hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý
theo quy định.
c) Kết quả xử lý vi phạm được thông
báo công khai; hành vi vi phạm được thông báo về nơi cư trú của các đối tượng
vi phạm.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh
có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn đối với việc xử lý vi phạm pháp luật về
khoáng sản theo thẩm quyền.
5. Phối hợp trong công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về khoáng sản:
Tại các khu vực khoáng sản giáp ranh,
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã khi tổ chức tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về khoáng sản có thể kết hợp tuyên truyền cho các tổ chức,
cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân của tỉnh giáp ranh trong việc thực hiện
quy định của pháp luật về khoáng sản nói chung và công tác bảo vệ khoáng sản tại
khu vực giáp ranh nói riêng.
6. Phối hợp giải quyết các vấn đề
khác liên quan đến khoáng sản:
a) Đối với các dự án xây dựng công
trình, dự án khác (dự án thủy điện, thủy lợi...) khi vận hành, tích nước có ảnh
hưởng đến hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông trên địa
bàn của tỉnh giáp ranh ở phía thượng lưu dòng chảy thì cơ quan chuyên môn nơi
thực hiện dự án (Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường...) cung cấp thông
tin, hồ sơ, tài liệu, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn cùng cấp của tỉnh giáp
ranh để giải quyết các vấn đề liên quan ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, cát, sỏi
lòng sông trên địa bàn của tỉnh giáp ranh ở phía thượng lưu dòng chảy.
b) Phối hợp trong việc quản lý sử dụng,
cho thuê đất, quản lý sản lượng khai thác khoáng sản, cát, sỏi: Ủy ban nhân dân
các huyện, cấp xã, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh và các cơ quan có
liên quan trao đổi, cung cấp thông tin trong việc quản lý
sử dụng, cho thuê đất, quản lý sản lượng khai thác khoáng sản, cát, sỏi tại khu
vực giáp ranh liên quan đến hai tỉnh, đặc biệt đối với trường hợp khai thác tại
một tỉnh nhưng tập kết, tiêu thụ khoáng sản, cát, sỏi ở tỉnh
khác.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm
thực hiện
1. Các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị
liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh
Yên Bái, tỉnh Hà Giang căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức thực
hiện hoặc phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Quy chế này.
2. Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên, tỉnh
Yên Bái; Ủy ban nhân dân các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, tỉnh Hà Giang có
trách nhiệm triển khai thực hiện, phổ biến Quy chế này đến Ủy ban nhân dân cấp
xã, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn quản lý.
3. Các cơ quan đầu mối theo dõi, hướng
dẫn, đôn đốc, báo cáo kết quả thực hiện Quy chế này; tham mưu giải quyết các vấn
đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý, hoạt động khoáng sản tại khu vực
giáp ranh giữa hai tỉnh, tổ chức các cuộc họp, hội nghị
liên quan:
a) Cấp tỉnh: Sở Tài nguyên và Môi trường.
b) Cấp huyện: Phòng Tài nguyên và Môi
trường.
c) Cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp xã.
4. Chế độ báo cáo kết quả thực hiện
Quy chế (trong đó có: nội dung trao đổi
thông tin quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy chế này;
đánh giá kết quả, nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối
với khoáng sản, cát, sỏi lòng sông trên địa bàn vùng
giáp ranh và các vấn đề
khác liên quan):
a) Ủy ban nhân dân cấp xã: Trước ngày
20 tháng 01 hằng năm gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân cấp huyện
(thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường), đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp xã
của tỉnh giáp ranh để biết, cùng theo dõi, quản lý.
b) Ủy ban nhân
dân cấp huyện: trước ngày 30 tháng 01 hằng năm gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh
(thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường), đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện
của tỉnh giáp ranh để biết, cùng theo dõi, quản lý.
c) Công an tỉnh: Trước ngày 30 tháng
01 hằng năm gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi
trường), đồng thời gửi Công an tỉnh của tỉnh giáp ranh để biết,
cùng theo dõi, quản lý.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường: Trước
ngày 10 tháng 02 hăng năm gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở
Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh giáp ranh để
biết, cùng theo dõi, quản lý.
đ) Ngoài chế độ báo cáo định kỳ nêu trên,
khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do
nhiệm vụ đột xuất, các cơ quan liên quan phải báo cáo kịp thời công tác quản lý khoáng sản, quản lý cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa
hai tỉnh.
5. Trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân
tỉnh Yên Bái và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức họp, hội nghị đánh giá kết
quả thực hiện Quy chế này.
Điều 8. Hiệu lực
thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày
ký và thay thế Quy chế số 03/QCPH-UBND
ngày 10 tháng 11 năm 2017 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái với Ủy ban nhân dân
tỉnh Hà Giang.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện
nếu có khó khăn vướng mắc hoặc có nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, các cơ
quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân tỉnh
Hà Giang để phối hợp xem xét, xử lý./.
TM. UBND TỈNH
YÊN BÁI
CHỦ TỊCH
Trần Huy Tuấn
|
TM. UBND TỈNH
HÀ GIANG
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tổng cục ĐC và KS Việt Nam;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái,
- TT Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hà Giang;
- Các sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái,
- Các sở, ban, ngành tỉnh Hà Giang;
- UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái;
- UBND các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, tỉnh Hà Giang;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, tỉnh Hà Giang;
- Lưu: VT, TNMT, NLN.
|
|
|
|
|