HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
42/2017/NQ-HĐND
|
Quảng Nam,
ngày 07 tháng 12 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY ĐỊNH CHO THUÊ MÔI TRƯỜNG RỪNG ĐỂ TRỒNG
CÂY DƯỢC LIỆU, LÂM SẢN NGOÀI GỖ VÀ KINH DOANH DU LỊCH SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
QUẢNG NAM
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát
triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29
tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số
23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và
Phát triển rừng; Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007
của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng; Nghị định
số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch
vụ môi trường rừng; Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của
Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Căn cứ Quyết định số
17/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy
chế quản lý rừng phòng hộ; Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng sản xuất; Quyết định
số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020;
Căn cứ Thông tư số
38/2007/TT-BNN&PTNT ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng
cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn; Thông tư số
20/2016/TT-BNN&PTNT ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
38/2007/TT-BNN&PTNT, Thông tư số 78/2011/TT-BNN&PTNT, Thông tư số
25/2011/TT-BNN&PTNT, Thông tư số 47/2012/TT-BNN&PTNT, Thông tư số
80/2011/TT-BNN&PTNT, Thông tư số 99/2006/TT-BNN&PTNT;
Xét Tờ trình số
6508/TTr-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban
hành quy định cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ
và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Báo cáo thẩm tra số
69/BC-HĐND ngày 01/12/2017 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Áp dụng ở những
địa bàn quy hoạch trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch
sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đối với những khu vực chưa có trong quy hoạch trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh
doanh du lịch sinh thái, giao Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh thống nhất bằng văn bản trước khi triển khai, đồng thời tổng hợp
báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung vào quy hoạch.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng,
các tổ chức kinh tế trong nước có nhu cầu và khả năng đầu tư trồng cây dược liệu,
lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch sinh thái trong vùng quy hoạch.
Điều 3. Nguyên tắc cho thuê
1. Việc cho thuê
môi trường rừng để trồng cây dược liệu,
lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái không làm thay đổi quyền sở hữu
của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất.
Không được chuyển quyền sử dụng đất rừng đối với các công trình phục vụ du lịch
sinh thái khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; không xâm hại tài nguyên
thiên nhiên trên và dưới đất rừng trong diện tích được thuê.
2. Các công trình
xây dựng phải dựa theo các điều kiện tự nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường
thiên nhiên, theo đúng quy định về tỷ lệ diện tích đất được xây dựng các công
trình phục vụ du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất
và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo
tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống
tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng
đồng dân cư ở địa phương.
3. Việc sử dụng
diện tích đất trong khu vực thuê môi trường để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái phải
đúng theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quy định
pháp luật về đất đai và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan. Các trường
hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
4. Để đảm bảo tính che phủ của thảm thực vật dưới tán rừng nhằm hạn chế
xói mòn, đảm bảo tính năng phòng hộ của rừng; căn cứ đặc điểm sinh vật học, hướng
dẫn kỹ thuật trồng đối với từng loài cây cụ thể để xác định diện tích đất sử dụng và chỉ được phép sử dụng tối đa 30% diện tích đất dưới tán rừng để trồng
cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ.
Điều 4. Hạn mức
cho thuê
Căn cứ vào quỹ
đất, quỹ rừng hiện có, năng lực tài chính và các
điều kiện cần thiết khác theo quy định, giao Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ
thể hạn mức diện tích cho thuê môi
trường rừng đối với từng cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng,
các tổ chức có nhu cầu được thuê.
Điều 5. Thời hạn
cho thuê
1. Thuê môi trường rừng để trồng
cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tối đa là 25 năm.
2. Thuê môi trường rừng để trồng
Sâm Ngọc Linh tối đa là 40 năm.
3. Thuê môi trường rừng để kinh
doanh du lịch sinh thái tối đa là 50 năm.
4. Sau khi hết thời hạn thuê môi
trường rừng, trường hợp cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng, các tổ chức có nhu cầu
tiếp tục thuê; đồng thời trong quá trình sử dụng rừng đã chấp hành đúng các quy
định pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng phù hợp với quy hoạch thì được
xem xét ưu tiên để tiếp tục kéo dài thời gian cho thuê, nhưng không quá 20 năm.
Điều 6. Mức
giá cho thuê
1. Thuê môi trường rừng để trồng
cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ: 400.000 đồng/ha/năm.
2. Thuê môi trường rừng để kinh
doanh du lịch sinh thái: mức giá thuê được tính bằng 2% doanh thu; trường hợp mới
đầu tư, đi vào hoạt động được miễn tiền thuê trong 03 năm đầu.
3. Mức giá quy định nêu trên chỉ
áp dụng trong trường hợp có 01 tổ chức, cá nhân đề nghị được thuê môi trường rừng.
Nếu có từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị được thuê môi trường rừng tại
một địa điểm thì giá cho thuê môi trường rừng được quyết định thông qua đấu
giá.
4. Trong quá trình thực hiện, khi
mức giá khoán bảo vệ rừng thay đổi hoặc có quy định, hướng dẫn mới của Trung
ương thì mức giá cho thuê môi trường rừng sẽ được điều chỉnh theo giá mới.
Điều 7. Hình
thức thu tiền
1. Tiền thuê môi trường rừng thu hằng
năm và được nộp 100% vào ngân sách tỉnh.
2. Thời điểm nộp tiền thuê đối với
loại hình trồng sâm Ngọc Linh, trồng dược liệu và lâm sản ngoài gỗ là trước
ngày 30/01 của năm thuê; kinh doanh du lịch sinh thái là trước ngày 30/01 của
năm liền kề (sau 3 năm đầu được miễn).
Điều 8. Chính
sách hỗ trợ
1. Miễn tiền thuê môi trường đối với
a) Hộ, nhóm hộ, cộng đồng đã tham
gia ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng; hộ, nhóm hộ, cộng đồng có hộ khẩu
thường trú trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh có nhu cầu, khả năng đầu tư
trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ.
b) Trung tâm phát triển sâm Ngọc
Linh và dược liệu Quảng Nam.
c) Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện
Nam Trà My.
2. Tổ chức, cá
nhân, hộ, nhóm hộ khi tham gia trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh
doanh du lịch sinh thái được hưởng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách đặc thù về giống, vốn
và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu, các chính sách khác được
quy định.
3. Điều tra xác định hiện trạng rừng
a) Chủ rừng thực hiện hoặc thuê
đơn vị tư vấn có đủ điều kiện, năng lực để điều tra xác định vị trí và địa điểm
khu rừng, diện tích rừng, loại rừng, trạng thái rừng, trữ lượng rừng và chất lượng
rừng trước khi cho tổ chức thuê môi trường rừng; kinh phí thực hiện do bên thuê
môi trường rừng chi trả.
b) Đối với hộ,
nhóm hộ, cộng đồng đã tham gia ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng; hộ, nhóm
hộ, cộng đồng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh có
tham gia trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ thì Nhà nước chịu kinh phí điều
tra, đánh giá hiện trạng rừng.
Điều 7. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy
ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân,
các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 12 năm 2017 và
thay thế Nghị quyết số 168/2015/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7
năm 2015 quy định về cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ
6 thông qua ngày 07 tháng 12
năm 2017./.
Nơi nhận:
- UBTVQH;
- VP: QH, CTN, CP;
- Ban CTĐB-UBTVQH;
- Các Bộ: Tài chính, NN&PTNT, TN&MT;
- Cục KT VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban TVTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh,
Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- TTXVN tại Quảng Nam;
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- VP HĐND tỉnh: CPVP, các phòng;
- Lưu VT, TH (Bình).
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Quang
|