HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
236/2015/NQ-HĐND
|
Quảng
Ninh, ngày 12 tháng 12 năm 2015
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
NHỮNG CHỦ TRƯƠNG GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH
QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII -KỲ HỌP THỨ 22
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
năm 2014; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV; Chỉ
thị số 30-CT/TU ngày 07/9/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo,
chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh;
Xét Tờ trình số 7144
/TTr-UBND ngày 02/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban
Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí
thông qua những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi
trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 với nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu
bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020
1. Mục tiêu tổng quát
Ngăn chặn, giảm thiểu suy thoái tài nguyên thiên
nhiên và suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất
lượng môi trường sống, xây dựng lối sống thân thiện môi trường, sử dụng hợp lý
tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực quản lý môi trường và chủ động ứng
phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; phấn đấu Quảng Ninh sẽ
là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về
bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu
gom và xử lý đạt 100%;
- 100% huyện, thị xã, thành
phố có khu xử lý chất thải rắn đảm bảo hợp vệ sinh.
- Tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt
100%;
- Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch
trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54-55%;
- 100%
các khu, cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước
khi đi vào hoạt động.
II. Nhiệm vụ trọng tâm
1. Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng
bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa phát triển các nhóm ngành có
nguy cơ gây ô nhiễm cao; chú trọng phát triển
các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường.
- Xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn môi trường địa
phương để thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên
tiến sau năm 2020.
- Tăng cường ban hành các văn bản chỉ đạo, các quy
hoạch, kế hoạch hướng dẫn chuyên ngành về môi trường; Xây dựng cơ
chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và lực lượng
cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong kiểm tra,
giám sát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoạt động tạm
nhập tái xuất, ngăn chặn có hiệu quả, không cho phép đưa chất thải vào địa bàn
tỉnh.
- Nâng cao hiệu quả của đánh giá tác động môi trường
gắn với thẩm định công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ. Tăng
cường kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu, ngăn chặn
việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu, chất thải, thực
phẩm hư hỏng, gia súc, gia cầm mang dịch bệnh gây ô nhiễm môi trường vào tỉnh.
- Tăng cường các hoạt động giám sát ô nhiễm môi trường
xuyên biên giới và môi trường liên vùng, liên tỉnh.
2. Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái
môi trường
- Nghiên cứu đánh giá tổng thể môi trường ngành
than để đưa ra các giải pháp khắc phục ô nhiễm do sạt lở, rửa trôi, bồi lắng từ
khu vực đầu nguồn các sông suối; Tăng cường đầu tư cải tạo cảnh quan môi
trường, chất lượng nước sông, suối chảy qua các khu dân cư tập trung chịu ảnh
hưởng của khai thác than;
- Thực hiện việc chấm dứt hoạt động của Nhà máy
tuyển than Nam Cầu Trắng tại thành phố Hạ Long trước ngày 01/01/2019 và đẩy
nhanh tiến độ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc
không phù hợp với quy hoạch đô thị theo Nghị quyết số 32/2011/NQ-HĐND ngày
9/12/2011của HĐND tỉnh khóa XII kỳ họp thứ 4.
- Áp dụng công nghệ tiên tiến vào giám sát chất lượng
môi trường và quản lý tài nguyên; chú trọng đầu tư quan trắc khí thải, nước
thải tự động, liên tục đối với các nguồn thải lớn kết nối về Sở Tài nguyên và
Môi trường theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ.
- Triển khai xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi
rác thải sinh hoạt ở các địa phương; đầu tư xây dựng, cải tạo các bãi rác thải
sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch và hợp vệ sinh môi trường; xử lý ô nhiễm
môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
- Từng bước thực hiện thu gom, phân
loại rác thải tại nguồn, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy
các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải tại nguồn và các doanh nghiệp đầu
tư trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải.
3. Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường
- Xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư về nâng cấp, cải
tạo, xây dựng mới các công trình cung cấp nước sạch, các dự án đầu tư thu gom, xử lý
rác thải, hệ thống tiêu thoát nước, nghĩa trang, ao hồ sinh thái khu vực
nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa,
biên giới, hải đảo.
- Hoàn thành xây dựng Dự án thoát nước
và xử lý nước thải thành phố Hạ Long; thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành
phố Móng Cái và xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị
loại 3 trở lên.
- Xây dựng các công trình cảnh báo, sẵn sàng ứng phó sự
cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố thiên tai bão lũ, sạt lở đất với độ
chính xác cao bằng công nghệ hiện đại.
4. Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững
các nguồn tài nguyên thiên nhiên
- Điều tra, kiểm kê, đánh giá tiềm năng, trữ lượng,
giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến các nguồn tài nguyên thiên
nhiên của tỉnh, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên
rừng và tài nguyên biển.
- Nghiên cứu, ứng
dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các mô hình sản xuất
sạch hơn trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công
nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải.
- Hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng,
rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn sang mục đích sử dụng khác; Hạn chế tiến tới chấm dứt việc chuyển đổi mục đích sử
dụng đất đối với các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, các
khu vực bảo vệ nguồn nước…
- Khoanh định hành
lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, hạn chế khai thác và các
khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất của tỉnh;
tăng cường
kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, chú trọng kiểm soát ô nhiễm các lưu vực sông và
nguồn nước xuyên biên giới.
- Thực hiện kiểm kê phát thải khí thải từ hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải để có kế hoạch quản lý;
khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giảm thiểu khí thải gây
hiệu ứng nhà kính.
5. Bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên
nhiên và đa dạng sinh học
- Xây dựng và triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng
sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Điều tra, quy hoạch, lập hồ sơ đề xuất thành lập
các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) trên địa bàn tỉnh,
mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên theo các quy hoạch môi trường
và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đã được phê duyệt.
- Thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển,
tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven
biển; trồng, phục hồi rạn san hô, cỏ biển; quản lý bền vững các nguồn tài
nguyên ven biển có sự tham gia của cộng đồng và xúc tiến du lịch sinh thái, xây
dựng và áp dụng cơ chế đồng quản lý nguồn lợi thủy sản.
6. Tăng cường năng lực thích ứng và giảm thiểu
tác động của biến đổi khí hậu
- Tăng cường tiềm lực trang thiết bị và đào tạo
nguồn nhân lực cho công tác cảnh báo sớm thiên tai của tỉnh; xây dựng các mô
hình cảnh báo sớm cho khu vực có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao.
- Triển khai các giải pháp xây dựng công trình
kinh tế và dân sinh thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hỗ trợ kỹ
thuật để người dân, cộng đồng triển khai, mở rộng quy mô các mô hình sản xuất
thân thiện với môi trường.
- Đầu tư phát triển các loại hình giao thông công
cộng sạch và hiệu quả; cải thiện cơ cấu chất đốt ở nông thôn; ứng dụng công
nghệ xử lý và tái tạo phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng
thiết bị tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở thương mại, sản xuất; thu hồi
nhiệt thải trong các nhà máy, xí nghiệp.
III. Các giải pháp chủ yếu
1. Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, đào
tạo nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường
- Tăng cường công
tác giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học gắn với
công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tổ chức,
doanh nghiệp; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, lên án mạnh mẽ các hành
vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Tập trung triển khai có hiệu
quả Đề án “đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”
theo Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ và đưa vấn đề ứng phó với biến đổi
khí hậu vào nội dung giáo dục môi trường trong các cấp học, bậc học trong hệ
thống giáo dục của tỉnh.
2. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ,
biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
- Tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng
3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo
vệ môi trường.
- Phát huy vai
trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức quần chúng trong
việc huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý tài nguyên và môi
trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường
của tỉnh và ở các ngành, các cấp; cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các
thông tin môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi
trường; công khai thông tin về hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật
về bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên các phương
tiện thông tin đại chúng để tạo dư luận và áp lực xã hội.
3. Giải pháp về chính sách,
tài chính
- Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư
cho bảo vệ môi trường; Tăng đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn chi
thường xuyên từ ngân sách cho sự nghiệp môi trường đảm bảo mức chi hàng năm không
dưới 3% tổng chi ngân sách và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh
tế.
- Sử dụng hiệu quả và đúng mục đích
nguồn thu thuế, phí bảo vệ môi trường để đảm bảo nguồn lực cho công tác bảo vệ
môi trường.
- Thực hiện chính
sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động
bảo vệ môi trường theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: Số 15/2009/NQ-HĐND
ngày 11/12/2009 về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá
nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; số
208/2015/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 về một số chính sách
khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư
pháp trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các
cơ chế chính sách và các hướng dẫn giới thiệu về Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),
đẩy mạnh triển khai đầu tư theo hình thức PPP và thúc đẩy hợp tác với các nhà
đầu tư trong nước nhằm triển khai các dự án bảo vệ môi trường, nhất là về thu
gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt tập trung.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyển
giao công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, các dự án xúc
tiến các bon thấp, tiết kiệm năng lượng đã được xác định trong quy hoạch môi
trường tỉnh, phát triển các mô hình cộng đồng về bảo
vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;
Điều 2. Tổ
chức thực hiện:
Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức
triển khai thực hiện Nghị quyết này; hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết
quả thực hiện Nghị quyết.
- Thường trực, các Ban và các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng
Ninh khoá XII, kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 12/12/2015 và có hiệu lực kể từ
ngày 01/01/2016./.