HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/2023/NQ-HĐND
|
Trà Vinh, ngày 14
tháng 7 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ KHÔNG BẢO ĐẢM YÊU CẦU VỀ
PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC
NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY SỐ 27/2001/QH10 CÓ
HIỆU LỰC
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa
cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng
cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số
136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số
149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi
tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số
136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số
06/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy
chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, QCVN
06:2022/BXD;
Xét Tờ trình số
2081/TTr-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc
ban hành Nghị quyết quy định việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu
về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được đưa vào sử dụng trước
ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; báo cáo thẩm tra
của Ban Pháp chế và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ
họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định việc xử
lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa
bàn tỉnh Trà Vinh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số
27/2001/QH10 (sau đây viết là Luật PCCC) có hiệu lực.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu theo
quy định tại Điều 20 Luật PCCC.
b) Các cơ quan, tổ chức và cá
nhân khác có liên quan.
Điều 2.
Nguyên tắc áp dụng
1. Tuân thủ các quy định về
phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên
và quy định tại Nghị quyết này.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động ổn định; hạn chế việc gián đoạn hoạt động
sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
3. Đáp ứng yêu cầu công tác quản
lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo hướng ổn định phục vụ phát triển kinh
tế bền vững, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, con người, tài sản của nhà nước,
cơ quan, tổ chức và Nhân dân.
4. Cơ sở trong quá trình thực
hiện cải tạo, sửa chữa phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng
cháy, chữa cháy.
Điều 3. Việc
xử lý đối với cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào
sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực
Xem xét áp dụng một hoặc một số
giải pháp kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy bổ sung, tăng cường đảm bảo phù hợp
với quy mô, tính chất của từng công trình, cụ thể:
1. Giải pháp kỹ thuật về phòng
cháy, chữa cháy bổ sung, tăng cường đối với công trình dân dụng không đảm bảo
yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có
hiệu lực (chi tiết tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết).
2. Giải pháp kỹ thuật về phòng
cháy, chữa cháy bổ sung, tăng cường đối với công trình công nghiệp không đảm bảo
yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có
hiệu lực (chi tiết tại Phụ lục II kèm theo Nghị quyết).
3. Đối với các cơ sở không có
khả năng bổ sung, tăng cường giải pháp kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy phải
thay đổi công năng sử dụng của công trình.
Điều 4.
Trình tự thực hiện
1. Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu
tư có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục các nội
dung tồn tại đối với cơ sở thuộc đối tượng quy định của Nghị quyết; lập hồ sơ
thiết kế cải tạo gửi Công an tỉnh tham gia ý kiến bằng văn bản trước khi thi
công.
2. Sau khi thi công hoàn thiện,
người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu đối với công
trình và có văn bản đề nghị, hồ sơ nghiệm thu gửi Công an tỉnh để kiểm tra, xác
nhận việc hoàn thành các nội dung tồn tại.
3. Công an tỉnh có trách nhiệm
đánh giá kết quả kiểm tra nghiệm thu của chủ cơ sở, chủ đầu tư và xác nhận bằng
văn bản về việc khắc phục hoàn thành các nội dung tồn tại về phòng cháy, chữa
cháy đối với cơ sở.
Điều 5. Nguồn
kinh phí thực hiện
1. Đối với các cơ quan, đơn vị,
tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có cơ sở không đảm bảo yêu cầu phòng cháy,
chữa cháy theo quy định tại Nghị quyết này được sử dụng nguồn ngân sách được cấp
theo quy định và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
2. Đối với các cơ quan, đơn vị,
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều
này thì người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư chủ động bố trí kinh phí để tổ chức thực
hiện khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy và chữa cháy đối với công
trình thuộc phạm vi phụ trách, quản lý.
Điều 6. Điều
khoản thi hành
1. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy hoàn
thành việc khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy, chữa cháy trong thời hạn
36 tháng, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Trường hợp không thực hiện sẽ
bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ
chức triển khai thực hiện Nghị quyết; Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của
Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng
nhân dân tỉnh Trà Vinh khóa X - kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2023
và có hiệu lực từ ngày 24 tháng 7 năm 2023./.
PHỤ LỤC I
GIẢI PHÁP KỸ THUẬT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY BỔ SUNG,
TĂNG CƯỜNG ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH DÂN DỤNG KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA
CHÁY ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY SỐ
27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC
(Kèm theo Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Trà Vinh)
1. Bậc chịu lửa
Trường hợp sử dụng kết cấu thép
che mái, bản thang bộ, chiếu thang và sàn trong các nhà, công trình, cho phép bổ
sung các biện pháp bọc, phủ các lớp bảo vệ bằng vật liệu không cháy lên kết cấu
thép, có giới hạn chịu lửa không dưới 45 phút hoặc trang bị bổ sung hệ thống chữa
cháy tự động.
2. Đường giao thông cho xe
chữa cháy
Căn cứ quy mô, tính chất hoạt động,
đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của từng công trình cụ thể, lựa chọn một trong các
giải pháp sau:
- Lắp đặt bổ sung đường ống cố
định, họng nhận nước tại vị trí xe chữa cháy có thể tiếp cận.
- Xem xét đến khả năng tiếp cận
của xe chữa cháy thông qua đường giao thông nội bộ của công trình liền kề theo
hướng tiếp giáp với công trình.
- Trường hợp đường nội bộ có
kích thước nhỏ hơn 3,5m lực lượng chữa cháy có thể tiếp cận được dọc theo đường
nội bộ này, phải mở thêm các cửa ra thoát nạn để tiếp cận từ bên ngoài.
- Xem xét việc tiếp cận từ trên
mái của các cơ sở liền kề mà các cơ sở này xe chữa cháy có thể tiếp cận được; đồng
thời tại các tầng của công trình trang bị bổ sung thang sắt đứng loại P1 (thang
sắt có lồng bảo vệ) hoặc thang dây, ống tụt tại vị trí ban công, lô gia và các
gian phòng phía mặt ngoài nhà.
- Xem xét khả năng tiếp cận của
canô chữa cháy đối với các công trình nằm tiếp giáp với sông, kênh, rạch.
3. Khoảng cách an toàn phòng
cháy, chữa cháy
- Tăng giới hạn chịu lửa các cấu
kiện xây dựng chính (cột, dầm, sàn giữa các tầng, tường buồng thang bộ, bản
thang và chiếu thang) để tăng bậc chịu lửa của công trình.
- Hoặc xây bổ sung tường, vách
ngăn cháy, tấm bê tông nhẹ lắp ghép, có giới hạn chịu lửa tối thiểu EI45 (trong
thời gian cháy 45 phút mà vật liệu không bị biến dạng) ở mặt tiếp giáp với công
trình xung quanh, đường ranh giới khu đất hoặc ốp tấm, vật liệu chống cháy có
giới hạn chịu lửa tối thiểu EI45 bên trong các cửa sổ, lỗ cửa.
- Hoặc giảm tải trọng chất cháy
bố trí trong công trình và bổ sung giải pháp bố trí xen kẽ giữa chất dễ cháy với
chất không cháy, khó cháy hoặc bố trí các chất cháy cách xa tường ngoài phía tiếp
giáp với công trình xung quanh tối thiểu 4m.
4. Bố trí mặt bằng, công
năng sử dụng
- Điều chỉnh công năng sử dụng
phù hợp với quy định tại Phụ lục H QCVN 06:2022/BXD.
- Hoặc xem xét đánh giá điều kiện
thoát nạn thực tế tại công trình, hạn chế số người đối với các công năng bố trí
ở các tầng cao của công trình.
- Hoặc nghiên cứu bổ sung thêm
các gian phòng lánh nạn cục bộ cho những đối tượng có hạn chế về sức khỏe, vận
động.
5. Ngăn cháy lan
- Bổ sung giải pháp tăng giới hạn
chịu lửa của cấu kiện xây dựng để tăng bậc chịu lửa của nhà, công trình đảm bảo
phù hợp với số tầng giới hạn và diện tích khoang cháy theo quy định tại Phụ lục
H QCVN 06:2022/BXD.
- Hoặc sử dụng tường ngăn cháy
hoặc vách ngăn hoặc bổ sung hệ thống, thiết bị chữa cháy tự động bằng nước
Sprinkler.
6. Lối thoát nạn
- Trường hợp công trình chưa đảm
bảo về số lượng cầu thang bộ, buồng thang bộ thoát nạn chọn một trong các giải
pháp sau:
+ Bổ sung cầu thang bên ngoài
nhà, để hở hoặc cầu thang bên trong nhà, được đặt trong buồng thang bộ, chiều rộng
bản thang tối thiểu 0,9m, cửa cầu thang là cửa ngăn cháy, có cơ cấu tự động
đóng;
Đối với các công trình cao
không quá 02 tầng cho phép bổ sung cầu thang bên ngoài nhà, để hở hoặc cầu
thang bên trong nhà, để hở (tầng 1, 2 cùng công năng sử dụng và tổng diện tích
của 02 tầng không quá diện tích khoang cháy cho phép) với chiều rộng bản thang
tối thiểu 0,9m. Trường hợp không có khả năng bổ sung cầu thang thì nghiên cứu bố
trí thang sắt đứng P1 hoặc thang dây hoặc dây thả chậm hoặc ống tụt;
+ Công trình có 01 buồng thang
bộ kín hoặc cầu thang bên trong nhà, để hở có thể mở ô thoáng tại mặt ngoài để
bảo đảm cầu thang được thông gió, thoát khói tự nhiên cho cầu thang;
- Trường hợp cầu thang bộ bên
trong nhà không có khả năng đóng kín thì có giải pháp mở các ô thoáng ở mặt
ngoài của cầu thang bộ bên trong nhà, để bảo đảm cầu thang được thông gió,
thoát khói tự nhiên (tương tự như cầu thang bộ loại 3).
- Trường hợp cầu thang bộ, buồng
thang bộ không đảm bảo chiều rộng bản thang, bậc thang hình rẻ quạt, giật cấp
chọn một trong các giải pháp sau:
+ Trang bị bổ sung đèn chiếu
sáng sự cố, sơn phản quang chỉ dẫn trong cầu thang, buồng thang và tại các bậc
thang rẻ quạt để cảnh báo, nhận biết;
+ Trang bị bổ sung hệ thống chữa
cháy tự động cho toàn bộ công trình.
Ngoài các giải pháp nêu
trên, đồng thời bổ sung giải pháp:
- Trang bị bổ sung khẩu trang lọc
độc tương ứng số người trên mỗi tầng để phục vụ trong quá trình thoát nạn.
- Trang bị bổ sung tối thiểu 02
bộ quần áo cách nhiệt bằng vật liệu chống cháy, 02 bộ mặt trùm lọc độc đặt tại
phòng bảo vệ luôn có người thường trực 24/24 giờ.
7. Trang bị hệ thống, phương
tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy
a) Hệ thống hút khói
- Đối với công trình dân
dụng không có khả năng lắp đặt hệ thống hút khói hành lang (theo quy định phải
trang bị): Bổ sung cửa chống cháy cho các gian phòng có cơ cấu tự động đóng, hoặc
bổ sung đầu phun chữa cháy Sprinkler tự động tại vị trí trước cửa gian phòng,
hoặc mở ô thoáng tại đầu hồi hành lang để thông gió, thoát khói tự nhiên.
b) Các hệ thống, phương tiện,
thiết bị phòng cháy, chữa cháy khác:
Căn cứ quy mô, tính chất hoạt động,
đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của từng công trình cụ thể, lựa chọn trang bị hệ thống,
phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy sau:
- Sử dụng hệ thống báo cháy tự
động không dây đối với các công trình quy mô nhỏ và vừa để thay thế hệ thống
báo cháy thông thường.
- Nghiên cứu trang bị các hệ thống,
thiết bị phòng cháy, chữa cháy mới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng
cháy, chữa cháy như: Hệ thống báo cháy không dây, hệ thống chữa cháy tự động bằng
khí aerosol, hệ thống chữa cháy khí cục bộ, hệ thống phun sương cao áp…đối với
các công trình hiện hữu, không phải thi công, sửa chữa nhiều ảnh hưởng đến kết
cấu của công trình.
- Trang bị máy bơm khiêng tay,
máy bơm nổi có thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm công trình thay cho các
máy bơm chữa cháy cố định đối với các công trình tiếp giáp sông, kênh, rạch có
lượng nước chữa cháy ổn định đảm bảo phục vụ chữa cháy.
- Công trình không có khả năng
trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà hoặc bể nước chữa cháy, nguồn nước
phục vụ chữa cháy không đảm bảo khối tích theo quy định: Sử dụng trụ nước chữa
cháy, hố thu nước, bể nước công cộng, ao, hồ, sông hoặc sử dụng trụ nước chữa
cháy của cơ sở bên cạnh đã được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy có bán kính
không quá 200m so với công trình.
- Trang bị phương tiện chữa
cháy ban đầu, dụng cụ phá dỡ thô sơ phù hợp theo TCVN 3890:2023 Phòng cháy chữa
cháy - Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố
trí.
- Khi trang bị các hệ thống,
thiết bị chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy của Việt Nam
thì áp dụng các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy của nước ngoài theo khoản 4
Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm
2013./.
PHỤ LỤC II
GIẢI PHÁP KỸ THUẬT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY BỔ SUNG,
TĂNG CƯỜNG ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY,
CHỮA CHÁY ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY SỐ
27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2023 của
Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh)
1. Bậc chịu lửa
- Đối với công trình công nghiệp
được phân hạng nguy hiểm cháy nổ hạng A, B, C cao từ 02 tầng trở lên sử dụng kết
cấu khung thép mái tôn, cho phép bổ sung các biện pháp bọc, phủ các lớp bảo vệ
bằng vật liệu không cháy lên kết cấu thép, có giới hạn chịu lửa không dưới 45
phút.
- Đối với công trình công nghiệp
được phân hạng nguy hiểm cháy nổ hạng A, B, C cao không quá 01 tầng được trang
bị hệ thống chữa cháy tự động và công trình công nghiệp được phân hạng nguy hiểm
cháy nổ D, E (không phụ thuộc vào số tầng) cho phép sử dụng kết cấu khung thép
mái tôn. Riêng đối với các công trình công nghiệp được phân hạng nguy hiểm cháy
nổ hạng C tiếp giáp với các sông, kênh, rạch, ao, hồ có trữ lượng nước đảm bảo
phục vụ cho công tác chữa cháy; có trang bị máy bơm khiêng tay hoặc máy bơm nổi
chữa cháy thì không bắt buộc trang bị hệ thống chữa cháy tự động.
2. Đường giao thông cho xe
chữa cháy
a) Căn cứ quy mô, tính chất hoạt
động, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của từng công trình cụ thể, lựa chọn một trong
các giải pháp sau:
- Lắp đặt bổ sung đường ống cố
định, họng nhận nước tại vị trí xe chữa cháy có thể tiếp cận.
- Xem xét đến khả năng tiếp cận
của xe chữa cháy thông qua đường giao thông nội bộ của công trình liền kề theo
hướng tiếp giáp với công trình.
- Trường hợp đường nội bộ có
kích thước nhỏ hơn 3,5m lực lượng chữa cháy có thể tiếp cận được dọc theo đường
nội bộ này, phải mở thêm các cửa ra thoát nạn để tiếp cận từ bên ngoài, tại các
vị trí cửa này phía ngoài nhà phải bố trí họng nước chữa cháy (họng khô) ngoài
nhà của công trình được kết nối với đường ống cấp nước có bố trí họng nhận nước
tại vị trí xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy có thể tiếp cận được.
- Lắp đặt bổ sung hệ thống lăng
giá phun nước được điều khiển bằng tay trong nhà dọc theo chiều dài phía xe chữa
cháy không tiếp cận được và kết nối với hệ thống chữa cháy bằng nước của công
trình, họng nhận nước từ xe chữa cháy tại vị trí xe chữa cháy, máy bơm chữa
cháy có thể tiếp cận được.
- Xem xét việc tiếp cận từ trên
mái của các cơ sở liền kề mà các cơ sở này xe chữa cháy có thể tiếp cận được; đồng
thời tại các tầng của công trình trang bị bổ sung thang sắt đứng loại P1 (thang
sắt có lồng bảo vệ) hoặc thang dây, ống tụt tại vị trí ban công, lô gia và các
gian phòng phía mặt ngoài nhà.
- Xem xét khả năng tiếp cận của
canô chữa cháy đối với các công trình nằm tiếp giáp với sông, kênh, rạch.
b) Thực hiện giải pháp bổ sung
- Trang bị khẩu trang lọc độc
tương ứng số người trên mỗi tầng để phục vụ trong quá trình thoát nạn.
- Trang bị tối thiểu 02 bộ quần
áo cách nhiệt bằng vật liệu chống cháy, 02 bộ mặt trùm lọc độc đặt tại phòng bảo
vệ luôn có người thường trực 24/24 giờ.
3. Khoảng cách an toàn phòng
cháy, chữa cháy
- Tại các vị trí không thể bố
trí các tường, vách ngăn cháy theo quy định về khoảng cách an toàn về phòng
cháy, chữa cháy, cho phép trang bị bổ sung đầu phun sprinkler tự động hoặc thiết
bị tạo màn nước drencher, bố trí thành 02 dải cách nhau 0,5m với cường độ phun
không nhỏ hơn 1 l/s cho mỗi mét chiều dài màn nước (tính chung cho cả 02 dải),
thời gian duy trì màn nước ít nhất 1 giờ.
- Hoặc tăng giới hạn chịu lửa
các cấu kiện xây dựng chính (cột, dầm, sàn giữa các tầng, tường buồng thang bộ,
bản thang và chiếu thang) để tăng bậc chịu lửa của công trình.
- Hoặc xây bổ sung tường, vách
ngăn cháy, tấm bê tông nhẹ lắp ghép, có giới hạn chịu lửa tối thiểu EI45 (trong
thời gian cháy 45 phút mà vật liệu không bị biến dạng) ở mặt tiếp giáp với công
trình xung quanh, đường ranh giới khu đất hoặc ốp tấm, vật liệu chống cháy có
giới hạn chịu lửa tối thiểu EI45 bên trong các cửa sổ, lỗ cửa.
- Hoặc bổ sung giải pháp phân
vùng ngăn cháy, bố trí các chất cháy cách xa tường ngoài phía tiếp giáp với
công trình xung quanh tối thiểu 6m, giảm tải trọng chất cháy bố trí trong công
trình.
* Đối với công trình cửa
hàng xăng dầu:
- Trang bị bổ sung phương tiện,
hệ thống chữa cháy cố định hoặc bán cố định để đảm bảo khoảng cách an toàn
phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại QCVN 01:2020/BCT.
- Hoặc xây tường ngăn cháy phần
tiếp giáp giữa cửa hàng xăng dầu đến các công trình bên ngoài cửa hàng hoặc giữa
các hạng mục bên trong cửa hàng.
4. Bố trí mặt bằng, công
năng sử dụng
- Điều chỉnh công năng sử dụng
phù hợp với quy định tại Phụ lục H QCVN 06:2022/BXD.
- Hoặc xem xét đánh giá điều kiện
thoát nạn thực tế tại công trình, hạn chế số người đối với các công năng bố trí
ở các tầng cao của công trình.
- Hoặc nghiên cứu bổ sung thêm
các gian phòng lánh nạn cục bộ cho những đối tượng có hạn chế về sức khỏe, vận
động.
5. Ngăn cháy lan
- Bổ sung giải pháp tăng giới hạn
chịu lửa của cấu kiện xây dựng để tăng bậc chịu lửa của nhà, công trình đảm bảo
phù hợp với số tầng giới hạn và diện tích khoang cháy theo quy định tại Phụ lục
H QCVN 06:2022/BXD.
- Hoặc sử dụng tường ngăn cháy
hoặc vách ngăn cháy hoặc thiết bị tạo màn nước drencher, bố trí thành 02 dải
cách nhau 0,5m với cường độ phun không nhỏ hơn 1 l/s cho mỗi mét chiều dài màn
nước (tính chung cho cả 2 dải), thời gian duy trì màn nước ít nhất 1 giờ.
- Hoặc bổ sung hệ thống, thiết
bị chữa cháy tự động sprinkler, thiết bị chữa cháy tự động bằng bột, khí.
- Hoặc cho phép thay đổi tường
ngăn cháy bằng vùng ngăn cháy với chiều rộng không nhỏ hơn 12m. Giới hạn chịu lửa
của các cấu kiện và bộ phận của ngôi nhà trong vùng ngăn cháy phải đảm bảo:
+ 45 phút đối với tường ngăn giữa
vùng ngăn cháy và các khu vực khác;
+ 15 phút đối với vách ngăn;
+ 150 phút đối với cột;
+ 45 phút đối với sàn, mái và
tường ngoài.
Lưu ý: Trong các ngôi
nhà một tầng có bậc chịu lửa III, IV, V mà không sử dụng, bảo quản các chất
khí, chất lỏng dễ cháy cũng như không có các quá trình tạo ra bụi dễ cháy cho
phép thay thế tường ngăn cháy bằng vùng ngăn cháy với chiều rộng không nhỏ hơn
6m.
6. Lối thoát nạn
- Trường hợp chưa đảm bảo số lượng
cầu thang bộ, buồng thang bộ thoát nạn:
+ Đối với nhà công nghiệp, nhà
phụ trợ cao không quá 02 tầng:
Bổ sung cầu thang bên ngoài
nhà, để hở hoặc cầu thang bên trong nhà, để hở (tầng 1, 2 cùng công năng sử dụng
và tổng diện tích của 02 tầng không quá diện tích khoang cháy cho phép), chiều
rộng bản thang tối thiểu 0,9m.
Hạn chế tính nguy hiểm cháy của
vật liệu xây dựng thuộc các lớp bề mặt kết cấu gian phòng, hành lang, đường
thoát nạn.
+ Đối với nhà công nghiệp, nhà
phụ trợ cao từ 03 tầng trở lên:
Bổ sung cầu thang bên ngoài
nhà, để hở hoặc cầu thang bên trong nhà, được đặt trong buồng thang, chiều rộng
bản thang tối thiểu 0,9m.
Hạn chế tính nguy hiểm cháy của
vật liệu xây dựng thuộc các lớp bề mặt kết cấu gian phòng, hành lang, đường
thoát nạn.
- Trường hợp cầu thang bên
trong nhà không có khả năng đóng kín buồng thang chọn một trong các giải pháp
sau:
+ Bổ sung giải pháp sử dụng quạt
cắt gió ngăn hành lang và cầu thang hoặc thiết bị tạo màn nước drencher, bố trí
thành 02 dải cách nhau 0,5m với cường độ phun không nhỏ hơn 1 l/s cho mỗi mét
chiều dài màn nước (tính chung cho cả 2 dải), thời gian duy trì màn nước ít nhất
1 giờ (có giải pháp sử dụng vách đứng kín bằng vật liệu không cháy hạ xuống để
ngăn chặn lan truyền của khói);
+ Có giải pháp mở các ô thoáng ở
mặt ngoài của cầu thang bộ bên trong nhà, để bảo đảm cầu thang được thông gió,
thoát khói tự nhiên (tương tự như cầu thang bộ loại 3);
+ Trang bị bổ sung hệ thống chữa
cháy tự động cho toàn bộ công trình.
- Trường hợp cầu thang bộ, buồng
thang bộ không đảm bảo chiều rộng bản thang, bậc thang hình rẻ quạt, giật cấp
chọn một trong các giải pháp sau:
+ Trang bị bổ sung đèn chiếu
sáng sự cố, sơn phản quang chỉ dẫn trong cầu thang, buồng thang và tại các bậc
thang rẻ quạt để cảnh báo, nhận biết;
+ Bổ sung hệ thống tăng áp cho
buồng thang bộ;
+ Trang bị bổ sung hệ thống chữa
cháy tự động cho toàn bộ công trình.
Ngoài các giải pháp nêu
trên, đồng thời bổ sung giải pháp:
- Trang bị bổ sung khẩu trang lọc
độc tương ứng số người trên mỗi tầng để phục vụ trong quá trình thoát nạn.
- Trang bị bổ sung tối thiểu 02
bộ quần áo cách nhiệt bằng vật liệu chống cháy, 02 bộ mặt trùm lọc độc đặt tại
phòng bảo vệ luôn có người thường trực 24/24 giờ.
7. Trang bị hệ thống, phương
tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy
a) Hệ thống hút khói
- Đối với công trình công nghiệp
không có khả năng lắp đặt hệ thống hút khói cưỡng bức bằng cơ khí phải căn cứ
quy mô, tính chất hoạt động, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của từng cơ sở cụ thể,
nghiên cứu giải pháp thông gió, thoát khói tự nhiên qua cửa trời, lỗ cửa sổ (cửa
chớp) trên mặt tường ngoài.
b) Các hệ thống, phương tiện,
thiết bị phòng cháy, chữa cháy khác:
Căn cứ quy mô, tính chất hoạt động,
đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của từng công trình cụ thể, lựa chọn trang bị hệ thống,
phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy sau:
- Nghiên cứu trang bị các hệ thống,
thiết bị phòng cháy, chữa cháy mới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng
cháy, chữa cháy như: Hệ thống báo cháy không dây, hệ thống chữa cháy tự động bằng
khí aerosol, hệ thống chữa cháy khí cục bộ, hệ thống phun sương cao áp…đối với
các công trình hiện hữu, không phải thi công, sửa chữa nhiều ảnh hưởng đến kết
cấu của công trình.
- Trang bị máy bơm khiêng tay,
máy bơm nổi có thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm công trình thay cho các
máy bơm chữa cháy cố định đối với các công trình tiếp giáp sông, kênh, rạch có
lượng nước chữa cháy ổn định đảm bảo phục vụ chữa cháy.
- Công trình không có khả năng
trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà hoặc bể nước chữa cháy, nguồn nước
phục vụ chữa cháy không đảm bảo khối tích theo quy định: Sử dụng trụ nước chữa
cháy, hố thu nước, bể nước công cộng, ao, hồ, sông hoặc sử dụng trụ nước chữa
cháy của cơ sở bên cạnh đã được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy có bán kính
không quá 200m so với công trình.
- Trang bị phương tiện chữa
cháy ban đầu, dụng cụ phá dỡ thô sơ phù hợp theo TCVN 3890:2023 Phòng cháy chữa
cháy - Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố
trí.
- Khi trang bị các hệ thống,
thiết bị chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy của Việt Nam
thì áp dụng các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy của nước ngoài theo khoản 4
Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm
2013./.