HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế, ngày 12 tháng 7
năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT DỰ ÁN CẢI THIỆN
MÔI TRƯỜNG NƯỚC THÀNH PHỐ HUẾ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN
HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân
dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2017
của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành nghị quyết bổ sung nội dung Chương trình
giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2018; Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 09
tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát
"Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế";
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 26/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2018
của Đoàn Giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát về dự án Cải thiện
môi trường nước thành phố Huế và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành
nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Giám sát về dự án Cải thiện môi
trường nước thành phố Huế; đồng thời nhấn mạnh:
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế là dự
án trọng điểm của tỉnh với quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, công nghệ xử lý
hiện đại, có ý nghĩa quan trọng về xã hội và dân sinh. Quá trình triển khai dự
án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh
ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Huế
và Ủy ban nhân dân các phường liên quan. Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan
Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ;
việc triển khai dự án được chính quyền, nhân dân thành phố Huế đồng tình, ủng
hộ, tạo điều kiện cho các nhà thầu thực hiện thuận lợi. Chủ đầu tư, Ban Quản lý
dự án, nhà thầu tư vấn, các nhà thầu xây lắp cơ bản nhận thức đầy đủ và trách
nhiệm trong việc thực hiện các quy trình, quy định của pháp luật về quản lý dự
án đầu tư, về quản lý chất lượng công trình, tuân thủ các quy định của hợp đồng
xây lắp,... Suốt quá trình thực hiện dự án chưa có sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc
triển khai dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, chưa đạt như kỳ vọng của
tỉnh; vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thi công, làm ảnh
hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bức xúc đối với người
dân trong thời gian dài. Cụ thể là:
Công tác chỉ đạo triển khai dự án gặp nhiều vướng
mắc; quy trình, thủ tục thực hiện dự án còn mất nhiều thời gian; một số vị trí chưa
hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; năng lực của nhà thầu tư vấn, các nhà
thầu thi công còn hạn chế; công tác tổ chức thi công một số hạng mục không được
đảm bảo (như chất lượng mặt đường sau hoàn trả, chậm hoàn trả); giải pháp thi
công thiếu tính đồng bộ, khoa học; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất trật tự
an toàn giao thông thường xuyên xảy ra,… Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án còn
thiếu kinh nghiệm trong quản lý, điều hành dự án, thiếu kiên quyết trong việc
xử phạt vi phạm hợp đồng; sự phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thực sự
hiệu quả, trách nhiệm chưa cao, vẫn còn tình trạng buông lỏng; công tác kiểm
tra, giám sát còn thiếu đồng bộ, chưa kiên quyết áp dụng chế tài xử lý các vi
phạm; sự kết nối giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương với
người dân chưa thực sự tốt; tỷ lệ đấu nối của các hộ dân chưa đạt mục tiêu đề
ra.
Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm đẩy nhanh
tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy
ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện một số
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo dự án
Chỉ đạo rà soát tổng thể dự án, có giải pháp khắc
phục kịp thời những hạn chế, tồn tại đã được nêu trong báo cáo kết quả giám
sát.
Việc gia hạn Hiệp định Vay để có thời gian thực hiện
hoàn thành dự án là cần thiết và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ
trương, nhà tài trợ JICA, các Bộ, ngành Trung ương đồng tình. Đề nghị Ủy ban
nhân dân tỉnh khẩn trương chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phối hợp với
các sở, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan để trình
gia hạn Hiệp định Vay theo quy định; có kế hoạch sắp xếp nguồn vốn đối ứng
trong trường hợp Chính phủ không đồng ý sử dụng vốn ODA cho hai năm vận hành và
bảo dưỡng Nhà máy xử lý nước thải.
Vốn kết dư dự án do tiết kiệm trong đấu thầu, tiết
kiệm do điều chỉnh giải pháp trong quá trình thi công, điều chỉnh thiết kế,
biến động tỷ giá, dự phòng… là rất lớn, khoảng 800 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu
quả dự án, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp
với Nhà tài trợ có phương án sử dụng nguồn kết dư này một cách hiệu quả.
2. Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Huế
Chỉ đạo đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng để bàn
giao cho nhà thầu thi công, trọng tâm là các khu vực liên quan thuộc các dự án:
Lịch Đợi 3 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thừa Thiên
Huế); Bàu Vá 4 (Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng Công trình dân dụng và công
nghiệp Thừa Thiên Huế); Khu nhà ở An Đông (Công ty cổ phần đầu tư An Dương). Phối
hợp các ngành liên quan xử lý dứt điểm các vướng mắc còn lại về giải phóng mặt
bằng để bàn giao.
Rà soát tình hình đầu nối của các hộ dân; tăng cường
chỉ đạo công tác tuyên truyền về lợi ích của việc đấu nối; tháo gỡ các khó khăn
liên quan đến đấu nối để tăng tỷ lệ đấu nối đảm bảo mục tiêu đề ra.
Chỉ đạo Công an thành phố, phòng Quản lý đô thị và
các ngành liên quan tăng cường phối hợp trong việc đảm bảo an toàn giao thông
giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình triển khai các hạng mục còn lại
của dự án.
Chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc thi công cuốn chiếu,
làm đến đâu hoàn trả đến đó nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến người dân.
3. Đối với Chủ đầu tư, tư vấn giám sát
Đây là các gói thầu đấu thầu cạnh tranh quốc tế, do
vậy việc tuân thủ các quy định của Hợp đồng xây lắp (điều kiện Hợp đồng FIDIC)
phải được chú trọng. Đối với những nhà thầu không đủ năng lực, không thực hiện
đúng tiến độ theo hợp đồng, kiên quyết phạt tiến độ theo quy định của pháp
luật. Tuy nhiên, việc thực hiện phạt cần được cân nhắc ở thời điểm phù hợp.
Trước mắt, tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện tiến
độ các hạng mục dự án của từng gói thầu; xem xét năng lực thực tế của từng nhà
thầu để chuyển giao các hạng mục của nhà thầu không đảm bảo năng lực, thi công
chậm tiến độ cho nhà thầu khác đủ năng lực để đẩy nhanh tiến độ.
Chỉ đạo các nhà thầu xây dựng kế hoạch tiến độ chi
tiết cho từng hạng mục còn lại, kèm theo phương án bố trí nhân lực, máy móc để
giám sát; đồng thời, khắc phục những vị trí thi công chưa đảm bảo chất lượng
trước khi nghiệm thu, thanh toán.
Tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định về an
toàn lao động, an toàn giao thông và đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình
thi công của các nhà thầu.
Tiếp tục phối hợp Ban giám sát đầu tư cộng đồng các phường,
cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về dự án để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt
động giám sát đầu tư cộng đồng tại các phường theo quy định của pháp luật.
4. Đối với các nhà thầu
Rà soát toàn bộ khối lượng còn lại gói thầu, xây dựng
kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng hạng mục còn lại; khắc phục những vị trí thi
công chưa đảm bảo chất lượng; bổ sung nhân lực thi công; tăng cường làm ca đêm
để đẩy nhanh tiến độ, nhất là các vị trí tuyến ống băng qua đường, các vị trí
có lưu lượng xe lưu thông cao, các tuyến đường ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt
động dịch vụ, du lịch...
Tăng cường các biển báo; tường chắn bảo vệ; bố trí
người gác các vị trí đang thi công, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham
gia giao thông và an toàn lao động trong thi công.
Tăng cường tưới nước các khu vực thi công, giảm thiểu
tối đa ô nhiễm môi trường cho người dân.
Thực hiện nghiêm túc giải pháp thi công cuốn chiếu,
thi công đến đâu hoàn trả mặt đường đến đó.
5. Đối với Ủy ban nhân dân các phường
Phát huy hơn nữa hiệu quả công tác giám sát đầu tư
cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục tuyên truyền để nâng cao tỷ lệ đấu nối hệ
thống nước thải nói chung, nước thải sinh hoạt khu dân cư, hộ dân nói riêng ra
hệ thống thoát nước chung nhằm nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý nước thải.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
tổ chức thực hiện Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện những kiến nghị của Đoàn Giám sát Hội đồng
nhân dân tỉnh tại Báo cáo số 26/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2018 về kết quả
giám sát về dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế; báo cáo kết quả triển
khai thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của
Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn thành phố
Huế và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra và giám sát việc
thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa
Thiên Huế khóa VII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2018./.