HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2021/NQ-HĐND
|
Hà
Nam, ngày 13 tháng 7 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM KHÔNG BẢO ĐẢM YÊU
CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY
VÀ CHỮA CHÁY SỐ 27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa
phương số 77/2015/QH13
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa
cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng
cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết số 99/2019/QH14
ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện, nâng
cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa
cháy;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP
ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 149/2020/TT-BCA
ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày
24/11/2020 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư 02/2021/TT-BXD
ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình;
Xét Tờ trình số 1711/TTr-UBND ngày
12 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc ban hành Nghị quyết
của Hội đồng nhân
dân tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Nam không bảo đảm
yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng
cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế
Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận, thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này
quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Nam không bảo đảm yêu cầu về
phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết tắt là PCCC) được đưa vào sử dụng trước
ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC
là các cơ sở không đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu quy định tại Điều 20
Luật PCCC số 27/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP
ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy
định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật PCCC.
2. Đối tượng áp dụng: Cơ quan, tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Nghị quyết
này.
Điều 2. Nguyên tắc
áp dụng
1. Cơ sở không bảo đảm yêu cầu về
PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực phải
thực hiện các biện pháp khắc phục đối với từng nội dung không bảo đảm an toàn
PCCC theo QCVN 06:2021/BXD và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Trong trường
hợp, nội dung không thể khắc phục theo quy định, cơ sở thực hiện một trong các
giải pháp bổ sung, tăng cường tại Điều 3 của Nghị quyết này. Các giải pháp phải
bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Việc áp dụng quy định tại Điều 3 của
Nghị quyết này phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (sau đây viết
là Cảnh sát PCCC và CNCH) có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.
Sau khi cơ sở tổ chức thực hiện xong phải được Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra,
xác nhận điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định.
Điều 3. Quy định
việc xử lý đối với cơ sở trên địa bàn tỉnh không bảo đảm yêu cầu về PCCC được
đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực
1. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH,
Công an tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban,
ngành hướng dẫn các cơ sở quy định tại Điều 1 Nghị quyết này thực hiện các giải
pháp kỹ thuật bổ sung, tăng cường đảm bảo an toàn PCCC, cụ thể:
a) Về giao thông phục vụ chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ:
- Xem xét đến khả năng tiếp cận thông
qua đường giao thông nội bộ của công trình liền kề.
- Bổ sung các họng tiếp nước từ chỗ
xe chữa cháy có thể triển khai tiếp nước đến hệ thống chữa cháy của nhà.
- Trang bị máy bơm khiêng tay kèm
theo bổ sung nguồn nước chữa cháy ngoài nhà (trụ nước chữa cháy khu đô thị, khu
công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc ao, hồ cạnh khu vực công trình).
- Lắp đặt bổ sung hệ thống lăng giá
phun nước (monitor) được điều khiển bằng tay trong nhà dọc theo chiều dài phía
xe chữa cháy không thể tiếp cận được, khoảng cách các lăng theo bán kính bảo vệ
của lăng giá; hệ thống lăng giá này được kết nối với hệ thống chữa cháy bằng nước
của cơ sở và họng chờ tiếp nước từ xe chữa cháy tại vị trí xe chữa cháy có thể
tiếp cận.
- Trường hợp có đường nội bộ kích thước
nhỏ hơn 3,5m lực lượng chữa cháy có thể tiếp cận được dọc theo đường nội bộ
này, phải mở thêm các cửa tiếp cận từ ngoài vào trong (cửa này phải là cửa chống
cháy có giới hạn chịu lửa, chiều rộng, chiều cao thoát nạn bảo đảm theo quy định),
tại vị trí mỗi cửa này phía ngoài nhà phải bố trí 01 họng nước chữa cháy ngoài
nhà của công trình và 01 họng nước chữa cháy được kết nối trực tiếp trụ tiếp nước
từ xe chữa cháy tại vị trí xe chữa cháy có thể tiếp cận được.
b) Về khoảng cách an toàn về PCCC:
- Cải tạo tường của ngôi nhà, công
trình cao hơn phía tiếp giáp với nhà, công trình khác thành tường ngăn cháy.
- Xây tường ngăn cháy trong khoảng trống
tiếp giáp của 02 nhà, công trình. Tường ngăn cháy phải đảm bảo theo quy định của
tiêu chuẩn, quy chuẩn.
- Tạo vùng ngăn cháy trong nhà, công
trình phía tiếp giáp với tường ngoài (có thể tạo vùng ngăn cháy trong 01 hoặc cả
2 nhà), đảm bảo tổng chiều rộng của vùng ngăn cháy không nhỏ hơn khoảng cách
PCCC theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn giữa 2 nhà, công trình.
- Làm màn nước ngăn cháy thay thế tường
ngăn cháy phía tiếp giáp giữa 02 công trình. Màn nước ngăn cháy bố trí thành 02
dải cách nhau 0,5m và cường độ phun không nhỏ hơn 1 lít/giây cho mỗi mét chiều
dài màn nước (tính chung cho cả 02 dải). Khoảng thời gian duy trì màn nước ít
nhất là 01 giờ.
c) Về bậc chịu lửa:
- Lắp đặt các trần treo, tường ngăn sử
dụng vật liệu ngăn cháy phù hợp để nâng cao giới hạn chịu lửa của các cấu kiện
bảo đảm quy định.
- Đối với các kết cấu của nhà, công
trình như: Cột, dầm, sàn, hệ kết cấu đỡ, mái, tường...có giới hạn chịu lửa thấp
hơn quy định, tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại kết cấu có thể sử dụng giải
pháp bảo vệ các kết cấu như: sơn chống cháy, bọc bằng gạch, trát bằng thạch cao
hoặc xi măng - vôi, bê tông xỉ bọt hoặc bê tông đá bọt phun lên cấu kiện, để
tăng giới hạn chịu lửa của nhà, công trình theo quy định.
d) Về lối ra thoát nạn:
- Bổ sung thêm lối thoát nạn thứ 2 là
các thang sắt ngoài nhà.
- Bổ sung lối thoát nạn khẩn cấp, lối
đi qua ban công, lô gia hoặc sang mái nhà liền kề có cùng độ cao.
- Trang bị thiết bị phục vụ thoát nạn
như: thang dây, thang móc, ròng rọc, ống tụt...để thoát hiểm khẩn cấp trong trường
hợp xảy ra cháy, nổ.
- Tăng cường an toàn cho người trong
quá trình thoát nạn bằng các giải pháp sau: Bổ sung trang bị các phương tiện, hệ
thống kỹ thuật về PCCC; hệ thống cấp nước chữa cháy cho công trình phải thường
xuyên có nước được duy trì ở áp suất đảm bảo yêu cầu chữa cháy; bố trí người trực
24/24 để kịp thời báo động và hướng dẫn thoát nạn; thang thoát nạn hiện có phải
là thang kín có áp suất không khí dương.
đ) Về ngăn cháy lan:
- Xây tường ngăn cháy phân chia mặt bằng
thành các khoang cháy có diện tích đảm bảo quy định.
- Sử dụng màn nước ngăn cháy thay thế
tường ngăn cháy. Màn nước ngăn cháy bố trí thành 02 dải cách nhau 0,5m và cường
độ phun không nhỏ hơn 01 lít/giây cho mỗi mét chiều dài màn nước (tính chung
cho cả 02 dải). Khoảng thời gian duy trì màn nước ít nhất là 01 giờ.
- Tạo vùng ngăn cháy với chiều rộng
không nhỏ hơn 12m. Vùng ngăn cháy là khoảng đệm chia ngôi nhà theo suốt chiều rộng
(chiều dài) và chiều cao. Các phòng trong vùng ngăn cháy không được sử dụng hay
bảo quản các chất khí, chất lỏng và vật liệu dễ cháy cũng như các quá trình tạo
ra bụi dễ cháy. Giới hạn chịu lửa của các cấu kiện và bộ phận của ngôi nhà
trong vùng ngăn cháy phải đảm bảo:
+ 45 phút đối với tường ngăn giữa
vùng ngăn cháy và các khu vực khác.
+ 15 phút đối với vách ngăn.
+ 150 phút đối với cột.
+ 45 phút đối với sàn, mái và tường
ngoài.
e) Về trang bị phương tiện PCCC và hệ
thống kỹ thuật có liên quan về PCCC: Thực hiện các giải pháp theo đúng quy định
của pháp luật hiện hành.
2. Đối với các cơ sở không có khả
năng thực hiện điều kiện an toàn PCCC phải thay đổi tính chất sử dụng công
trình bảo đảm quy định về PCCC.
3. Đối với các cơ sở không thực hiện
hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC theo quy định, cơ
quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định
của pháp luật hiện hành.
Điều 4. Tổ chức
thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế
hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định rõ lộ
trình thời gian cụ thể và nguồn lực cần phải thực hiện đối với các cơ sở trên địa
bàn tỉnh không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật
PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh,
các Ban, các Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển
khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Hà Nam khóa XIX, Kỳ họp thứ hai (Kỳ họp chuyên đề) thông qua ngày 13
tháng 7 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2021./.
Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Cục KT VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh; Công an tỉnh;
- Các Ban, các Tổ, ĐB HĐND tỉnh;
- Sở Tư pháp, Công an tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu VT.
|
CHỦ
TỊCH
Lê Thị Thủy
|