Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 53/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước

Số hiệu: 53/2024/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 16/05/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước từ 01/7/2024

Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023.

Hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước

Trong đó, hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước bao gồm các hoạt động sau đây:

[1] Hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt được thực hiện trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá tự nhiên và nhân tạo gồm một hoặc một số hoạt động sau đây:

- Điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt;

- Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt;

- Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt;

- Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; điều tra, phân vùng chức năng nguồn nước mặt.

[2] Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất gồm một hoặc một số hoạt động sau đây:

- Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất theo các tỷ lệ 1:200.000; 1:100.000; 1:50.000; 1:25.000;

- Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất;

- Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất;

- Điều tra, khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

- Điều tra, xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

[3] Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

[4] Điều tra, xác định danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

[5] Điều tra, đánh giá phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước.

[6] Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các hoạt động sau đây:

- Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động sau trên phạm vi liên tỉnh:

+ Điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt

+ Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt;

+ Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt;

+ Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; điều tra, phân vùng chức năng nguồn nước mặt;

+ Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất theo các tỷ lệ 1:200.000; 1:100.000; 1:50.000; 1:25.000;

+ Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất;

+ Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

+ Điều tra, xác định danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

- Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động sau:

+ Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất;

+ Điều tra, đánh giá phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước;

[7] Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các hoạt động sau đây:

- Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động sau trên địa bàn tỉnh:

+ Điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt;

+ Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt;

+ Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt;

+ Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; điều tra, phân vùng chức năng nguồn nước mặt;

+ Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất theo các tỷ lệ 1:200.000; 1:100.000; 1:50.000; 1:25.000;

+ Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất;

+ Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;

+ Điều tra, xác định danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

- Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động sau:

+ Điều tra, khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

+ Điều tra, xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Xem chi tiết tại Nghị định 53/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết Điều 7, khoản 5 Điều 9, Điều 10, khoản 5 Điều 17, Điều 19, khoản 9 Điều 23, Điều 30, khoản 5 Điều 31, Điều 35, khoản 3 Điều 37, khoản 10 Điều 38, khoản 3 Điều 51, khoản 10 Điều 63, khoản 6 Điều 66, khoản 5 Điều 71, khoản 5 Điều 81 của Luật Tài nguyên nước về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; hành lang bảo vệ nguồn nước; việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; quy định nguồn nước phải cắm mốc giới hành lang bảo vệ và việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; ngưỡng khai thác nước dưới đất; xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; chuyển nước lưu vực sông; quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước; hạ tầng kỹ thuật vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực; quy trình điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực; xây dựng quy chế phối hợp vận hành đối với các đập, hồ chứa trên sông, suối; đối tượng, quy mô, chế độ, thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước và lộ trình thực hiện; lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; hạch toán tài nguyên nước và lộ trình thực hiện; việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến tài nguyên nước trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giám sát khai thác tài nguyên nước là việc kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc trong quá trình khai thác tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân.

2. Giám sát khai thác tài nguyên nước theo thời gian thực là việc giám sát khai thác tài nguyên nước bằng các thiết bị quan trắc, đo đạc tự động, truyền số liệu trực tuyến, liên tục theo thời gian thực.

3. Tiểu lưu vực sông: một lưu vực sông có thể bao gồm nhiều lưu vực sông nhỏ, lưu vực sông nhỏ này được gọi là tiểu lưu vực sông.

4. Mép bờ của sông, suối, kênh, mương, rạch là ranh giới giữa mái dốc tự nhiên của bờ sông, suối, kênh, mương, rạch với mặt đất tự nhiên theo chiều ngang. Trường hợp sông, suối, kênh, mương, rạch đã được kè bờ thì mép bờ là ranh giới giữa mái dốc của đỉnh bờ kè với mặt đất theo chiều ngang. Mép bờ của đầm, phá, ao, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo không phải là hồ chứa thủy điện, thủy lợi do cơ quan lập phương án cắm mốc xác định trên cơ sở mực nước cao nhất; đối với đầm, phá ven biển thì xác định trên cơ sở mực nước đỉnh triều trung bình nhiều năm.

5. Bãi sông là vùng đất ven sông được tính từ mép bờ của sông đến biên ngoài của hành lang bảo vệ đê đối với các tuyến sông có đê; trường hợp đối với tuyến sông không có đê (trừ các vùng đồng bằng ngập lũ hoặc lũ chảy tràn thường xuyên) thì trên cơ sở đặc điểm của địa hình ven sông và đặc điểm lũ của tuyến sông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định phạm vi cụ thể từ mép bờ của sông đến mực nước đỉnh lũ lớn nhất.

6. Lòng sông là phạm vi giữa hai mép bờ sông.

7. Công trình khai thác nước dưới đất gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân và có khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m.

8. Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước là để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch liên quan đến nguồn nước.

Chương II

ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CÓ TÍNH CHẤT KỸ THUẬT CHUYÊN NGÀNH VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Mục 1. ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 4. Yêu cầu của hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước

Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo đề án, dự án và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu và phê duyệt kết quả thực hiện theo quy định.

2. Căn cứ mục tiêu phạm vi, quy mô của đề án, dự án và đặc điểm cụ thể của từng vùng điều tra, cơ quan phê duyệt đề án, dự án quyết định các nội dung công việc, khối lượng, sản phẩm cụ thể của từng đề án, dự án trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí đề án, dự án. Nội dung, định mức, đơn giá điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và đáp ứng được các mục tiêu của đề án, dự án.

4. Thông tin dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước phải được rà soát, cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định tại khoản 4 Điều 84 của Nghị định này.

Điều 5. Điều tra, đánh giá tài nguyên nước

Hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước bao gồm các hoạt động sau đây:

1. Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt được thực hiện trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá tự nhiên và nhân tạo gồm một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt;

b) Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt;

c) Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt;

d) Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; điều tra, phân vùng chức năng nguồn nước mặt.

2. Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất gồm một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất theo các tỷ lệ 1:200.000; 1:100.000; 1:50.000; 1:25.000;

b) Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất;

c) Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất;

d) Điều tra, khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

đ) Điều tra, xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

3. Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

4. Điều tra, xác định danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

5. Điều tra, đánh giá phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trên phạm vi liên tỉnh;

b) Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 5 Điều này.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trên địa bàn tỉnh;

b) Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 6. Kiểm kê tài nguyên nước

1. Kiểm kê tài nguyên nước là hoạt động thống kê, đo đạc, tính toán, tổng hợp theo các chỉ tiêu kiểm kê về số lượng, chất lượng nước, khai thác sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước tính đến thời điểm thực hiện kiểm kê.

2. Kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện đối với các nguồn nước tự nhiên, nhân tạo; nước mưa; các công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và nước biển; các công trình xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước và được tổng hợp theo lưu vực sông, theo đơn vị hành chính.

3. Kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện định kỳ 05 năm một lần, thống nhất trên phạm vi cả nước, phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Khi đến kỳ kiểm kê, căn cứ nguồn lực, hiện trạng biến động nguồn nước trong kỳ kiểm kê trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tổ chức kiểm kê tài nguyên nước theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc kiểm kê một số chỉ tiêu có biến đổi lớn so với kỳ kiểm kê trước đó hoặc đề xuất sử dụng kết quả kỳ kiểm kê liền kề trước đó.

4. Trách nhiệm kiểm kê tài nguyên nước:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, các địa phương, các tổ chức lưu vực sông (nếu có) xây dựng đề án, kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức kiểm kê tài nguyên nước; tổng hợp, công bố kết quả kiểm kê;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện kiểm kê tài nguyên nước theo đề án, kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh và gửi kết quả kiểm kê tài nguyên nước về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

Điều 7. Báo cáo tài nguyên nước quốc gia và báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ có liên quan

1. Báo cáo tài nguyên nước quốc gia

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức lưu vực sông (nếu có), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập và công bố Báo cáo tài nguyên nước quốc gia định kỳ 05 năm một lần thống nhất trên phạm vi cả nước;

b) Nội dung chính của Báo cáo tài nguyên nước quốc gia bao gồm: tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; hiện trạng tài nguyên nước; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới đất; công tác quản lý tài nguyên nước trên phạm vi cả nước; đề xuất, kiến nghị (nếu có).

2. Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xây dựng Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 01 năm sau. Nội dung chính của Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm các nội dung sau:

a) Hiện trạng sử dụng nước cho nông nghiệp gồm các thông tin sau: số lượng công trình khai thác tài nguyên nước (hồ chứa, đập dâng, cống, trạm bơm, giếng khoan và loại hình công trình khai thác khác) và sự thay đổi so với kỳ báo cáo trước; diện tích tưới thiết kế (nếu có), diện tích tưới thực tế; diện tích nuôi trồng thủy sản; khu vực nguồn nước không đáp ứng đủ nước tưới; khả năng tích trữ nước theo thiết kế và lượng nước tích trữ thực tế tại các công trình hồ chứa, đập dâng theo các tháng trong năm;

b) Hiện trạng cấp nước sinh hoạt gồm các thông tin sau: số lượng công trình cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn (nước mặt, nước dưới đất); lượng nước khai thác của các công trình theo các nguồn nước; khu vực thường xuyên thiếu nước sinh hoạt;

c) Hiện trạng cấp nước cho sản xuất công nghiệp gồm các thông tin sau: số lượng công trình cấp nước cho sản xuất công nghiệp (nước mặt, nước dưới đất); lượng nước khai thác của các công trình theo các nguồn nước;

d) Số lượng công trình thủy điện (quy hoạch, đang xây dựng, đã vận hành) và sự thay đổi so với kỳ báo cáo trước, công suất lắp máy của các nhà máy thủy điện; dung tích toàn bộ của các hồ chứa thủy điện;

đ) Khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm;

e) Đề xuất, kiến nghị (nếu có).

3. Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các bộ có liên quan: căn cứ vào chức năng, phạm vi quản lý, hằng năm, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng tổ chức lập Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 01 năm sau để tổng hợp, theo dõi.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp đối với các công trình thuộc phạm vi quản lý bao gồm các nội dung sau đây:

a) Nội dung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gồm: số lượng công trình khai thác (hồ chứa, đập dâng, cống, trạm bơm, giếng khoan và loại hình công trình khai thác khác) và sự thay đổi so với kỳ báo cáo trước; khả năng tích trữ nước theo thiết kế và lượng nước tích trữ thực tế tại các công trình hồ chứa, đập dâng theo các tháng trong năm; nhu cầu khai thác, sử dụng nước và khả năng đáp ứng của nguồn nước theo các tháng trong năm cho các mục đích;

b) Đề xuất, kiến nghị (nếu có).

5. Trên cơ sở báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, Bộ Công Thương lập Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với mục đích thủy điện và nhiệt điện gồm các nội dung sau đây:

a) Số lượng công trình thủy điện (đã vận hành), tổng công suất các nhà máy thủy điện, sản lượng điện sản xuất theo các tháng trong năm và sự thay đổi so với kỳ báo cáo trước; lượng nước tích trữ tại các hồ chứa thủy điện theo các tháng trong năm đối với các hồ chứa điều tiết năm, nhiều năm;

b) Số lượng công trình nhiệt điện (đã vận hành), sản lượng điện sản xuất theo các tháng trong năm;

c) Đề xuất, kiến nghị (nếu có).

6. Trên cơ sở báo cáo của Sở Xây dựng các địa phương, Bộ Xây dựng lập Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với công trình cấp nước đô thị và các khu, cụm công nghiệp bao gồm các nội dung sau:

a) Số lượng công trình cấp nước (quy hoạch, đang xây dựng, đã vận hành);

b) Tổng công suất khai thác theo các nguồn nước (nước mặt, nước dưới đất) trong năm;

c) Đề xuất, kiến nghị (nếu có).

Điều 8. Các hoạt động điều tra cơ bản khác

1. Hoạt động xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, giám sát, cảnh báo, dự báo nguồn nước mặt, nước dưới đất được thực hiện như sau:

a) Hoạt động xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước mặt và nước dưới đất được thực hiện theo quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan;

b) Hoạt động duy trì, vận hành hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước theo chế độ, chỉ tiêu, thông số quy định tại Điều 85 của Nghị định này do Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương thực hiện;

c) Hoạt động giám sát, cảnh báo, dự báo nguồn nước mặt, nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

2. Hoạt động đo đạc mặt cắt sông, suối được thực hiện như sau:

a) Việc đo đạc mặt cắt sông, suối được thực hiện định kỳ 05 năm một lần để phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Ưu tiên thực hiện đối với các sông, suối, đoạn sông, suối có hiện tượng mất ổn định lòng, bờ, bãi sông, suối, có sự biến đổi lớn về diễn biến lòng dẫn mà ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đến phát triển kinh tế, xã hội; các đoạn sông, suối bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác cát, sỏi, khoáng sản khác ở lòng sông, suối; các đoạn sông, suối bị tác động bởi việc vận hành hồ chứa.

Khi đến kỳ đo đạc mặt cắt sông, suối, căn cứ nguồn lực và tình hình biến đổi diễn biến lòng dẫn của sông, suối, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thực hiện việc đo đạc mặt cắt sông, suối;

b) Việc đo đạc mặt cắt sông, suối được thực hiện theo đề án, dự án riêng hoặc được lồng ghép trong các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước khác. Căn cứ vào mục tiêu của đề án, dự án, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định lựa chọn số lượng mặt cắt, vị trí mặt cắt và tần suất đo đạc mặt cắt sông, suối, bảo đảm tính kế thừa, chính xác, đại diện.

Trường hợp vị trí đo đạc mặt cắt sông, suối phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trùng với vị trí đo đạc mặt cắt sông, suối đã được thực hiện đo đạc để phục vụ công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai thì xem xét, kế thừa kết quả đo đạc này.

3. Hoạt động đánh giá diễn biến sạt lở lòng, bờ, bãi sông để phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, bao gồm các nội dung chính sau:

a) Điều tra, xác định vị trí đoạn sông, khu vực sông xảy ra sạt lở lòng, bờ, bãi sông; xác định quy mô, mức độ, nguyên nhân xảy ra sạt lở lòng, bờ, bãi sông;

b) Lập Danh mục đoạn sông, khu vực sông xảy ra sạt lở lòng, bờ, bãi sông gồm vị trí và phạm vi sạt lở; bản đồ vị trí các điểm, đoạn sông, khu vực sông xảy ra sạt lở lòng, bờ, bãi sông.

4. Hoạt động điều tra, khảo sát phục vụ lập, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất được thực hiện định kỳ 05 năm một lần hoặc đột xuất phải bảo đảm đủ thông tin, số liệu phục vụ việc ban hành, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất.

5. Hoạt động điều tra, khảo sát phục vụ lập, điều chỉnh hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm đủ thông tin, số liệu để ban hành, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.

6. Xây dựng kịch bản nguồn nước và xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ điều hòa, phân phối tài nguyên nước thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Điều 9. Kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước

1. Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho hoạt động điều tra, cơ bản tài nguyên nước:

a) Chi các hoạt động kinh tế:

Ngân sách trung ương đảm bảo chi các nhiệm vụ do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện quy định tại Nghị định này, gồm: điểm a khoản 1 Điều 5; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 5; khoản 3 và khoản 5 Điều 5; Điều 6; khoản 1 và khoản 3 Điều 7; điểm b và điểm c khoản 1 Điều 8; xây dựng kịch bản nguồn nước và vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ điều hòa, phân phối tài nguyên nước quy định tại khoản 6 Điều 8.

Ngân sách địa phương đảm bảo chi các nhiệm vụ do địa phương thực hiện quy định tại Nghị định này, gồm: điểm a khoản 1 Điều 5; điểm a khoản 2 Điều 5; khoản 3 Điều 5; Điều 6; khoản 2 Điều 7; điểm b khoản 1 Điều 8;

b) Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường:

Ngân sách trung ương đảm bảo chi các nhiệm vụ do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện quy định tại Nghị định này gồm: điểm b, c và d khoản 1 Điều 5; điểm c khoản 2 Điều 5; khoản 4 Điều 5; khoản 2 và khoản 3 Điều 8.

Ngân sách địa phương đảm bảo chi các nhiệm vụ do địa phương thực hiện quy định tại Nghị định này gồm: quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều 5; điểm c, d và đ khoản 2 Điều 5; khoản 4 Điều 5; khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 8;.

2. Ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước:

a) Ngân sách trung ương đảm bảo chi các nhiệm vụ các bộ, cơ quan trung ương thực hiện quy định tại Nghị định này, gồm: điểm a khoản 1 Điều 8; xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ điều hòa, phân phối tài nguyên nước quy định tại khoản 6 Điều 8;

b) Ngân sách địa phương đảm bảo chi xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước do địa phương thực hiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Nghị định này.

3. Nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước:

a) Nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước;

b) Nguồn đóng góp, tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

c) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan, trừ các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước liên quan đến an ninh, quốc phòng và cần bảo đảm bí mật nhà nước.

Mục 2. LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CÓ TÍNH CHẤT KỸ THUẬT CHUYÊN NGÀNH VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 10. Quy định chung về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước

1. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước gồm Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh (sau đây gọi chung là quy hoạch).

Đối với Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia sẽ được lập khi có sự hợp tác giữa các quốc gia có chung nguồn nước và trình tự lập, thẩm định, phê duyệt sẽ căn cứ vào thỏa thuận giữa các quốc gia có chung nguồn nước.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và Hội đồng thẩm định quy hoạch. Cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Cơ quan lập quy hoạch thực hiện việc lập quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch tổ chức xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và lập quy hoạch.

4. Thời gian xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch không quá 09 tháng kể từ ngày được giao nhiệm vụ; thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Trường hợp cần gia hạn, Cơ quan lập quy hoạch báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc điều chỉnh kéo dài thời gian nhưng tối đa không quá 03 tháng đối với xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và không quá 12 tháng đối với lập quy hoạch.

5. Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, rà soát, điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 11. Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch

1. Thành phần Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước;

c) Các thành viên của Hội đồng bao gồm: đại diện cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện tổ chức lưu vực sông liên quan (nếu có), đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, chuyên gia về tài nguyên nước.

2. Phiên họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch được tiến hành khi có mặt ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và có mặt đại diện cơ quan lập nhiệm vụ lập quy hoạch.

3. Trách nhiệm của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định:

a) Tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến;

b) Tổ chức họp Hội đồng thẩm định, lập biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định;

c) Yêu cầu cơ quan lập quy hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng lại nhiệm vụ lập quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định;

d) Tổ chức thẩm định lại nhiệm vụ lập quy hoạch trong trường hợp nhiệm vụ lập quy hoạch không được thông qua.

4. Thành phần Hồ sơ thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định của cơ quan lập quy hoạch;

b) Dự thảo tờ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

c) Dự thảo quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

d) Thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch;

đ) Tài liệu khác (nếu có).

5. Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch:

a) Nội dung chính của nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước bao gồm: căn cứ lập quy hoạch; mục tiêu; phạm vi; đối tượng; nội dung nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện chủ yếu; kinh phí; kế hoạch và tiến độ lập quy hoạch; trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong việc tổ chức lập quy hoạch;

b) Nội dung chính của nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Tài nguyên nước.

6. Nội dung thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

a) Sự phù hợp của các căn cứ pháp lý;

b) Sự phù hợp, tính khoa học, độ tin cậy của nội dung và phương pháp lập quy hoạch;

c) Sự phù hợp giữa nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch với dự toán chi phí và nguồn vốn để lập quy hoạch; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;

d) Tính khả thi của kế hoạch lập quy hoạch.

7. Thời gian thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch không quá 30 ngày tính từ ngày cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhận đủ hồ sơ trình thẩm định.

8. Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

a) Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của các thành viên hội đồng và kết luận của Chủ tịch Hội đồng;

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày họp Hội đồng thẩm định, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có trách nhiệm hoàn thiện biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và gửi tới cơ quan lập quy hoạch;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cho ý kiến trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

Điều 12. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

2. Hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gồm:

a) Tờ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

b) Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch kèm theo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch;

c) Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch kèm theo bản giải trình, tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng;

d) Tài liệu khác (nếu có).

3. Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Đối với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, nội dung chính gồm: tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi, mục tiêu lập quy hoạch; nội dung, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu; thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch; yêu cầu về hệ thống sơ đồ, bản đồ, thông tin dữ liệu (nếu có); kinh phí lập quy hoạch; tổ chức thực hiện;

b) Đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nội dung chính gồm: tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch; yêu cầu về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch; yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch; thời hạn lập quy hoạch; quy định về thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, yêu cầu về hệ thống sơ đồ, bản đồ, thông tin dữ liệu (nếu có); quy cách hồ sơ quy hoạch; kinh phí lập quy hoạch; tổ chức thực hiện.

Điều 13. Lập quy hoạch

1. Căn cứ nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt, Cơ quan lập quy hoạch xây dựng các nội dung của Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Luật Tài nguyên nước và nội dung của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh theo quy định tại Điều 16 Luật Tài nguyên nước và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Riêng đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, Cơ quan lập quy hoạch còn có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải được lập, thẩm định đồng thời với quá trình lập, thẩm định quy hoạch.

2. Hồ sơ quy hoạch bao gồm:

a) Báo cáo tổng hợp quy hoạch;

b) Báo cáo tóm tắt;

c) Dự thảo tờ trình phê duyệt quy hoạch;

d) Dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch;

đ) Hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch; tỷ lệ bản đồ đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh thực hiện theo quy định tại Phụ lục I Nghị định này;

e) Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt;

g) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có);

h) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Điều 14. Lấy ý kiến về quy hoạch

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến đối với hồ sơ quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này trước khi tổ chức thẩm định quy hoạch. Nội dung dự thảo quy hoạch được lấy ý kiến trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch, gồm:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quy hoạch;

c) Tổ chức lưu vực sông (nếu có);

d) Đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, ngoài việc lấy ý kiến các đối tượng theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này còn phải lấy ý kiến của cơ quan thẩm định đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và một số tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước quy mô lớn gồm: các hồ chứa, công trình tích trữ nước, phát triển nguồn nước có khả năng điều tiết năm, nhiều năm; công trình điều tiết, khai thác nước có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh hoặc có tác động lớn đến nguồn nước.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch.

4. Hồ sơ quy hoạch phải được đăng tải trong thời gian ít nhất 30 ngày trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật) để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.

5. Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quy hoạch và gửi Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Điều 15. Hội đồng thẩm định quy hoạch

1. Thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước;

c) Các thành viên khác của Hội đồng bao gồm đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định; đại diện tổ chức lưu vực sông liên quan (nếu có); đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quy hoạch, chuyên gia về tài nguyên nước, các cơ quan, đơn vị khác có liên quan do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.

Thành phần Hội đồng có ít nhất 02 thành viên là ủy viên phản biện, riêng đối với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh có thêm ít nhất 01 ủy viên phản biện là đại diện cơ quan thẩm định đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thẩm định:

a) Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội đồng thẩm định; tổ chức, điều hành các cuộc họp của Hội đồng thẩm định hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thực hiện các nội dung công việc thuộc quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng;

b) Ủy viên phản biện có trách nhiệm tham dự cuộc họp của Hội đồng thẩm định; nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; chuẩn bị ý kiến phản biện bằng văn bản gửi cho cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định trước khi họp Hội đồng thẩm định; tham gia ý kiến tại phiên họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch về lĩnh vực chuyên môn và vấn đề chung; rà soát các nội dung đã được tiếp thu, giải trình trong hồ sơ quy hoạch theo Biên bản Hội đồng thẩm định quy hoạch; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về những ý kiến tham gia thẩm định đối với hồ sơ trình thẩm định quy hoạch;

c) Thành viên Hội đồng thẩm định tham dự cuộc họp của Hội đồng thẩm định; nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; chuẩn bị ý kiến bằng văn bản tại các cuộc họp của Hội đồng thẩm định.

3. Trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định:

a) Tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định quy hoạch cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến;

b) Tổ chức họp Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng;

c) Dự thảo biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định và trình Chủ tịch Hội đồng xem xét quyết định.

Điều 16. Nội dung thẩm định quy hoạch

1. Đối với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước:

a) Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt, sự phù hợp với các quy định của pháp luật về quy hoạch;

b) Việc đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước; các yêu cầu về thông tin, số liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên phạm vi cả nước;

c) Tính khả thi của việc đề xuất các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, thứ tự ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch và mạng quan trắc tài nguyên nước; sự phù hợp của danh mục nguồn nước mặt liên quốc gia, danh mục nguồn nước liên tỉnh, danh mục nguồn nước dưới đất;

d) Các giải pháp, kinh phí, kế hoạch và tiến độ thực hiện quy hoạch.

2. Đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh:

a) Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt, sự phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

b) Sự phù hợp của quy hoạch với quy hoạch tài nguyên nước; các quy hoạch ngành quốc gia khác; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan;

c) Diễn biến tài nguyên nước, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

d) Việc phân vùng chức năng nguồn nước; khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước; dòng chảy tối thiểu; ngưỡng, lượng nước có thể khai thác của nguồn nước; các vấn đề về tài nguyên nước cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch;

đ) Về quan điểm, mục tiêu của quy hoạch; định hướng điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra và các nội dung mang tính đặc thù trên lưu vực sông; đánh giá sự phù hợp về nội dung, quy cách, sơ đồ, bản đồ quy hoạch;

e) Các khu vực, nguồn nước cần ưu tiên lập kế hoạch chi tiết;

g) Các giải pháp, kinh phí, kế hoạch và tiến độ thực hiện quy hoạch;

h) Nội dung thẩm định đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 17. Tổ chức thẩm định quy hoạch

1. Cơ quan lập quy hoạch gửi Hồ sơ thẩm định quy hoạch đến các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.

2. Thành phần Hồ sơ thẩm định Quy hoạch bao gồm hồ sơ quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này đã được chỉnh sửa theo ý kiến góp ý kèm theo bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến và bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định quy hoạch hợp lệ, các ủy viên phản biện phải gửi ý kiến bằng văn bản tới cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định để tổ chức họp Hội đồng.

4. Phiên họp thẩm định quy hoạch được tiến hành khi có mặt ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng và tối thiểu 01 ủy viên phản biện, riêng đối với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh phải có thêm 01 ủy viên phản biện là đại diện cơ quan thẩm định đánh giá môi trường chiến lược; đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và có mặt đại diện cơ quan lập quy hoạch.

5. Hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch sau Hội đồng thẩm định:

a) Trường hợp quy hoạch được Hội đồng thẩm định thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ gửi đến cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch;

b) Trường hợp quy hoạch không được Hội đồng thẩm định thông qua, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ, gửi đến cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định lại theo quy trình thẩm định quy hoạch của Nghị định này.

Điều 18. Phê duyệt quy hoạch

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

2. Thành phần hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch bao gồm:

a) Tờ trình phê duyệt quy hoạch;

b) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, nội dung chủ yếu gồm: thời kỳ quy hoạch, phạm vi, đối tượng quy hoạch, quan điểm, mục tiêu, nội dung quy hoạch, giải pháp thực hiện quy hoạch, kinh phí thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện;

c) Biên bản họp Hội đồng thẩm định; văn bản báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch;

d) Bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến và bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân;

đ) Báo cáo thuyết minh quy hoạch đã chỉnh lý, hoàn thiện;

e) Hệ thống sơ đồ, bản đồ về quy hoạch;

g) Tài liệu khác (nếu có);

h) Riêng đối với Hồ sơ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh còn có thêm Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 19. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch

1. Trong trường hợp thay đổi yêu cầu thông tin, số liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên phạm vi cả nước để đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Trình tự lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như việc lập Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

2. Đối với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Tài nguyên nước. Việc điều chỉnh cục bộ quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Tài nguyên nước được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi về nội dung phân vùng chức năng nguồn nước;

b) Bổ sung, điều chỉnh quy mô hoặc đưa ra khỏi quy hoạch đối với công trình đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước có quy mô thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ các hồ chứa, tích trữ nước, phát triển nguồn nước có khả năng điều tiết năm, nhiều năm;

c) Thay đổi về nguồn nước, công trình dự phòng để cấp nước cho sinh hoạt;

d) Bổ sung, điều chỉnh các công trình bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra;

đ) Bổ sung, điều chỉnh khu vực, nguồn nước cần ưu tiên lập kế hoạch chi tiết về điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nội dung về bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra;

e) Thay đổi thứ tự ưu tiên để điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước cho các ngành, địa phương, đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

3. Trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ Quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;

b) Hồ sơ đề nghị điều chỉnh gồm: văn bản đề nghị điều chỉnh quy hoạch; báo cáo thuyết minh đề nghị điều chỉnh; tài liệu khác (nếu có).

Báo cáo thuyết minh đề nghị điều chỉnh phải luận chứng, thuyết minh rõ về căn cứ, quy mô, phạm vi đề nghị điều chỉnh; thuyết minh và kèm theo thông tin, số liệu để chứng minh việc điều chỉnh không làm thay đổi quan điểm, mục tiêu, nội dung chính của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức lưu vực sông (nếu có) và các địa phương liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định này về Hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy thêm ý kiến một số chuyên gia, tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia để cho ý kiến góp ý trước khi xem xét, quyết định việc điều chỉnh;

d) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sau khi phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Điều 20. Danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch

Các lưu vực sông liên tỉnh phải lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh bao gồm:

1. Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng và vùng phụ cận.

2. Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và vùng phụ cận.

3. Lưu vực sông Mã và vùng phụ cận.

4. Lưu vực sông Cả và vùng phụ cận.

5. Lưu vực sông Hương và vùng phụ cận.

6. Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng phụ cận.

7. Lưu vực sông Trà Khúc và vùng phụ cận.

8. Lưu vực sông Ba và vùng phụ cận.

9. Lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và vùng phụ cận.

10. Lưu vực sông Sê San và vùng phụ cận.

11. Lưu vực sông Srêpốk và vùng phụ cận.

12. Lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận.

13. Lưu vực sông Cửu Long và vùng phụ cận.

14. Lưu vực sông ven biển Quảng Ninh.

15. Lưu vực sông ven biển Quảng Bình và Quảng Trị.

16. Lưu vực sông ven biển Nam Trung Bộ.

Chương III

LẬP, QUẢN LÝ HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC VÀ NGƯỠNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT, KHOANH VÙNG CẤM, HẠN CHẾ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Mục 1. LẬP, QUẢN LÝ HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Điều 21. Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

1. Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm các nguồn nước quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước.

2. Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước bao gồm: hồ, ao, đầm, phá trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có diện tích mặt nước từ 02 ha trở lên.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đưa vào Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ, ao, đầm, phá trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có diện tích mặt nước nhỏ hơn 02 ha.

3. Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước bao gồm:

a) Đoạn sông, suối, kênh, mương rạch là nguồn cung cấp nước của công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất;

b) Đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở;

c) Sông, suối, kênh, mương, rạch liên huyện, liên tỉnh là trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp;

d) Đoạn sông, suối, kênh, rạch bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, cần cải tạo, phục hồi nguồn nước;

đ) Sông, suối, kênh, rạch gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông.

Điều 22. Căn cứ xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước.

2. Đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn, môi trường, sinh thái; diễn biến lòng dẫn, bờ sông, suối, kênh, mương, rạch.

3. Hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực ven nguồn nước.

4. Các quy định cụ thể về phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước tại các Điều 23, 24 và 25 của Nghị định này.

Điều 23. Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hồ chứa khác trên sông, suối

1. Đối với hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ lớn hơn một tỷ mét khối (1.000.000.000 m³) hoặc có dung tích toàn bộ từ mười triệu mét khối (10.000.000 m³) đến một tỷ mét khối (1.000.000.000 m³) nhưng nằm ở địa bàn khu dân cư tập trung, địa bàn có công trình quốc phòng, an ninh thì phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng mực nước cao nhất ứng với lũ thiết kế đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ.

2. Đối với các hồ chứa thủy điện khác khoản 1 Điều này và hồ chứa khác trên sông, suối, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ.

3. Đối với đập, hồ chứa thủy lợi, phạm vi, mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định theo mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều 24. Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch

1. Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau:

a) Không nhỏ hơn 10 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung;

b) Không nhỏ hơn 05 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung;

c) Trường hợp đoạn sông, suối, kênh, rạch bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào diễn biến lòng dẫn, tình trạng sạt lở để quyết định phạm vi hành lang bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế các nguyên nhân gây sạt lở bờ, bảo vệ sự ổn định của bờ.

2. Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau:

a) Không nhỏ hơn 20 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung;

b) Không nhỏ hơn 15 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung.

3. Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 30 m tính từ mép bờ hoặc bao gồm toàn bộ vùng đất ngập nước ven sông, suối, kênh, rạch.

4. Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch liên quan đến nguồn nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phạm vi cụ thể của hành lang bảo vệ nguồn nước.

5. Trường hợp sông, suối, kênh, rạch đã được kè bờ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước nhỏ hơn phạm vi tối thiểu được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

6. Trường hợp hành lang bảo vệ nguồn nước có từ hai chức năng trở lên thì phạm vi tối thiểu của hành lang được xác định theo chức năng có phạm vi tối thiểu rộng nhất.

7. Trường hợp hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nhưng ở các đoạn sông, suối, kênh, rạch có công trình đê điều, các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy hoặc các công trình kết cấu hạ tầng khác ở ven nguồn nước thì phạm vi tối đa của hành lang bảo vệ nguồn nước không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ đê về phía sông hoặc hành lang an toàn của các công trình đó về phía bờ.

8. Trường hợp kênh, mương thuộc hệ thống công trình thủy lợi thì phạm vi, mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định theo mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

9. Trường hợp sông, suối, kênh, rạch nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên hoặc nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa.

Điều 25. Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ, ao, đầm phá được xác định trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp và các nguồn nước khác

1. Đối với hồ, ao, đầm, phá được xác định trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp thì phạm vi không nhỏ hơn 10 m tính từ mép bờ, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này. Đối với hồ thủy điện, thủy lợi trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp thì phạm vi hành lang thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

2. Đối với đầm, phá tự nhiên và các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 30 m tính từ mép bờ.

3. Trường hợp nguồn nước nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên hoặc nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa

4. Trường hợp hồ, ao ở các đô thị, khu dân cư tập trung không bảo đảm phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước nhỏ hơn phạm vi tối thiểu được quy định.

Điều 26. Lập, công bố, điều chỉnh Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

1. Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm các nội dung chính sau:

a) Tên, địa giới hành chính của các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ;

b) Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước. Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định cho toàn bộ hành lang hoặc từng đoạn hành lang theo yêu cầu bảo vệ nguồn nước;

c) Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; tọa độ vị trí các điểm giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước;

d) Danh sách nguồn nước phải thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 28 và khoản 1 Điều 29 của Nghị định này và kế hoạch cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước.

Ưu tiên thực hiện cắm mốc giới đối với các nguồn nước tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, tại các đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở để phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng chống nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước.

2. Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm đầy đủ thông tin, số liệu để thể hiện được phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở khu vực theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Lập, công bố Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước:

a) Căn cứ quy định tại các Điều 21 và Điều 22 của Nghị định này, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn, lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành có liên quan, trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

Hồ sơ gửi lấy ý kiến bao gồm: dự thảo Tờ trình; dự thảo Quyết định phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và các tài liệu khác có liên quan.

Dự thảo Tờ trình phải bao gồm các nội dung chính sau: thuyết minh về việc lựa chọn các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; cơ sở xác định chức năng của từng hành lang bảo vệ; quá trình tổ chức xây dựng Danh mục;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a khoản này, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình; dự thảo Quyết định phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, bản tổng hợp, bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định tại điểm a khoản này và các tài liệu khác có liên quan;

c) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.

4. Trường hợp cần điều chỉnh Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ hoặc điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan và tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.

Việc thực hiện điều chỉnh Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ hoặc điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện như việc lập, công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 27. Thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính

1. Căn cứ vào phạm vi hành lang trong Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã xác định mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính. Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải được thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất và đưa vào kế hoạch sử dụng đất; cập nhật, bổ sung mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước sau khi bản đồ địa chính được thành lập.

Việc thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính được quản lý và công bố theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 28. Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi

1. Việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy lợi được thực hiện theo quy định cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của pháp luật về thủy lợi.

2. Việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước thực hiện đối với hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ từ một triệu mét khối (1.000.000 m³) trở lên. Khuyến khích các hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ dưới một triệu mét khối (1.000.000 m³) thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Việc cắm mốc, bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện phải hoàn thành trước khi thực hiện việc tích nước hồ chứa.

3. Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện quy định tại khoản 2 Điều này chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa. Phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Thông số cơ bản của hồ chứa;

b) Hiện trạng quản lý, sử dụng đất quanh hồ chứa;

b) Xác định phạm vi cụ thể hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa trên sơ đồ mặt bằng;

c) Tọa độ, vị trí hành chính của các mốc giới, khoảng cách của các mốc giới;

d) Phương án huy động nhân lực, vật tư, vật liệu, thi công, giải phóng mặt bằng trên thực địa;

đ) Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới, kinh phí thực hiện.

4. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện quy định như sau:

a) Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa nộp 01 bản phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến tại cổng dịch vụ công đến Bộ phận một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp địa phương chưa thành lập Bộ phận một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra phương án. Trường hợp chưa đạt yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa để bổ sung hoàn thiện;

b) Thẩm định phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện:

Trong thời hạn 42 ngày, kể từ ngày nhận được phương án đạt yêu cầu quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa, các cơ quan, đơn vị có liên quan; nếu cần thiết thì tiến hành tổ chức kiểm tra thực địa, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và gửi tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa để hoàn thiện. Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa có trách nhiệm tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ. Thời gian bổ sung, hoàn thiện phương án không tính vào thời gian thẩm định phương án.

Trường hợp đủ điều kiện, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc; trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt thì trả lại phương án cho tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa và thông báo bằng văn bản cho tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa biết và nêu rõ lý do;

5. Căn cứ phương án cắm mốc giới đã được phê duyệt, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa thủy điện thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa; bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có hồ chứa.

Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa thủy điện để quản lý, bảo vệ.

6. Kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện do tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện đảm bảo; kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy lợi được thực hiện theo quy định pháp luật về thủy lợi.

7. Trường hợp hồ chứa thủy điện nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên thì việc thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này được thực hiện tại từng tỉnh.

Điều 29. Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước khác

1. Việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước chỉ thực hiện đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính và thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đoạn sông, suối, kênh, rạch bị sạt lở hoặc có công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt với công suất từ 5.000 m³/ngày đêm trở lên;

b) Các nguồn nước quy định tại khoản 2 Điều 21 của Nghị định này bị sạt lở hoặc có công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt với công suất từ 5.000 m³/ngày đêm trở lên.

2. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch cắm mốc giới hành lang trong Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn.

3. Phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước có các nội dung chính sau đây:

a) Phạm vi cụ thể của hành lang bảo vệ nguồn nước trên sơ đồ mặt bằng;

b) Tọa độ các mốc giới; vị trí hành chính, khoảng cách của các mốc giới;

c) Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có);

d) Phương án tổ chức, huy động vật tư, vật liệu, trang thiết bị, nhân lực, giải pháp kỹ thuật để triển khai trên hiện trường;

đ) Dự toán chi tiết kinh phí thực hiện;

e) Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới;

g) Cơ quan thực hiện cắm mốc giới; cơ quan nhận bàn giao mốc giới để quản lý, bảo vệ.

4. Việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước các sông, suối, kênh, rạch được xác định trùng với mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng hoặc trùng với mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê thì sử dụng mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa hoặc mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê theo quy định của pháp luật về đê điều.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc cắm mốc giới, cơ quan được giao thực hiện cắm mốc giới có trách nhiệm bàn giao cho cơ quan nhận mốc giới để quản lý, bảo vệ.

5. Kinh phí cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại Điều này được lấy từ ngân sách địa phương, nguồn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường hoặc từ nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Quản lý các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải tuân thủ các quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 23 của Luật Tài nguyên nước.

2. Việc sử dụng đất trong hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, tổ chức lập và phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; tổ chức thực hiện và bàn giao mốc giới để quản lý, bảo vệ trên địa bàn;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn;

c) Bố trí kinh phí lập Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn và kinh phí cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách;

d) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật cơ sở dữ liệu về hành lang bảo vệ nguồn nước vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm:

a) Tổ chức quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước;

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn; thể hiện mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn theo bản đồ địa chính;

c) Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa thủy điện trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn và thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt.

Mục 2. NGƯỠNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ KHOANH VÙNG CẤM, VÙNG HẠN CHẾ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 32. Xác định ngưỡng khai thác nước dưới đất

1. Ngưỡng khai thác nước dưới đất được thể hiện qua giới hạn về lượng nước có thể khai thác của từng tầng chứa nước tại từng khu vực và được tính toán trên cơ sở giới hạn mực nước khai thác của tầng chứa nước quy định tại khoản 2 Điều này.

Ngưỡng khai thác nước dưới đất được quy định trong các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Trường hợp quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được phê duyệt mà chưa quy định ngưỡng khai thác nước dưới đất thì được rà soát, cập nhật, bổ sung khi điều chỉnh quy hoạch.

2. Giới hạn mực nước khai thác của tầng chứa nước là chiều sâu mực nước động lớn nhất được phép khai thác tại giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất. Giới hạn mực nước khai thác của tầng chứa nước được tính từ mặt đất tại khu vực xung quanh giếng đến một nửa bề dày của tầng chứa nước không áp hoặc đến mái của tầng chứa nước có áp, nhưng không được vượt quá quy định sau đây:

a) Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng ở các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng: không vượt quá 35 m đối với khu vực nội thành của thành phố Hà Nội và các thành phố, thị xã khác; không vượt quá 30 m đối với các khu vực còn lại;

b) Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng ở khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long: không vượt quá 40 m đối với khu vực nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ; không vượt quá 35 m đối với các thành phố, thị xã khác; không vượt quá 30 m đối với các khu vực còn lại;

c) Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng ở các vùng không quy định tại điểm a, điểm b khoản này không vượt quá 30 m;

d) Đối với các tầng chứa nước trong đá bazan, khe nứt ở các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên và các địa phương khác không vượt quá 50 m.

Điều 33. Phân loại vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

1. Vùng cấm khai thác nước dưới đất được khoanh định đối với khu vực đã xảy ra sụt, lún đất quy định tại điểm b khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước.

2. Vùng hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm các vùng sau đây:

a) Vùng hạn chế 1 bao gồm khu vực có nguy cơ sụt, lún đất quy định tại điểm b khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước; khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn quy định tại điểm c khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước.

Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất là vùng liền kề với khu vực đã xảy ra sụt, lún đất quy định tại khoản 1 Điều này; khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn là vùng liền kề với khu vực bị nhiễm mặn có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan từ 1.500 mg/l trở lên;

b) Vùng hạn chế 2 bao gồm khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước.

Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất là khu vực có mực nước động trung bình tại giếng khai thác trong 06 tháng mùa khô suy giảm trong 03 năm liên tục và vượt quá 95% giới hạn mực nước khai thác của tầng chứa nước quy định tại khoản 2 Điều 32 của Nghị định này, trừ trường hợp giếng khoan khai thác bị suy thoái nghiêm trọng dẫn đến mực nước động bị hạ thấp quá mức.

c) Vùng hạn chế hỗn hợp là các khu vực chồng lấn của Vùng hạn chế 1 và Vùng hạn chế 2.

Điều 34. Nguyên tắc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất

1. Nguyên tắc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất:

a) Bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất của các khu vực đã xảy ra sụt, lún đất hoặc nguy cơ sụt, lún; khu vực có nguy cơ bị xâm nhập mặn; khu vực mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất, đặc điểm của các tầng chứa nước; tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan;

b) Ranh giới vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải thể hiện trên bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và được thành lập trên nền bản đồ hành chính hoặc địa hình có cùng tỷ lệ;

c) Tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí khoanh định cụ thể đối với từng tầng chứa nước, từng vùng, từng khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải bảo đảm công khai, minh bạch.

Không mở rộng phạm vi khoanh định các khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất vượt quá phạm vi quy định tại Nghị định này. Trường hợp nguồn nước dưới đất đã phục hồi thì được xem xét đưa ra khỏi danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

d) Việc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất ở mỗi địa phương phải bảo đảm thống nhất với việc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất của các địa phương liền kề (nếu có);

đ) Thông tin, số liệu sử dụng để làm căn cứ khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực. Chỉ thực hiện việc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khi có đầy đủ thông tin, số liệu và phải được rà soát, cập nhập đến thời điểm thực hiện việc khoanh định.

2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất:

a) Bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước dưới đất, đồng thời phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất được áp dụng cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực cấm, hạn chế nước dưới đất và thứ tự thực hiện đối với từng đối tượng, trường hợp theo quy định của Nghị định này. Không áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất khác với các biện pháp quy định tại Nghị định này;

c) Ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai và phòng cháy, chữa cháy;

d) Việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất phải theo kế hoạch, lộ trình phù hợp được phê duyệt, bảo đảm không gây gián đoạn việc cấp nước, trừ trường hợp sự cố, gây sụt, lún đất hoặc các tình huống khẩn cấp cần phải xử lý, trám lấp giếng để khắc phục sự cố;

đ) Việc thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất mà có liên quan đến trám lấp giếng thì thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; trường hợp liên quan đến cấp, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi, cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;

e) Việc cấm khai thác nước dưới đất áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất; việc hạn chế khai thác nước dưới đất chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải có giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc thuộc trường hợp phải đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định, không áp dụng đối với trường hợp phải kê khai khai thác, sử dụng nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình và các hoạt động quy định tại điểm c khoản này.

3. Trường hợp phát hiện việc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế hoặc áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất không phù hợp với các tiêu chí quy định tại Nghị định này thì phải tạm dừng việc thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các trường hợp đó để rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 35. Khoanh định và áp dụng các biện pháp trong vùng cấm khai thác nước dưới đất

1. Phạm vi vùng cấm khai thác nước dưới đất bao gồm toàn bộ diện tích khu vực đã xảy ra sụt, lún đất quy định tại khoản 1 Điều 33 của Nghị định này.

2. Đối với các khu vực quy định tại khoản 1 Điều này thì cấm toàn bộ hoạt động thăm dò nước dưới đất, xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất, bao gồm cả trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình. Đối với công trình khai thác nước dưới đất đang khai thác thì thực hiện các biện pháp sau đây:

a) Trường hợp công trình đã có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc đã đăng ký khai thác nước dưới đất thì phải dừng khai thác và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thu hồi giấy phép, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo thẩm quyền và yêu cầu thực hiện trám lấp giếng theo quy định;

b) Trường hợp công trình không có giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc không đăng ký khai thác nước dưới đất thì phải dừng khai thác và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc xử lý vi phạm đối với việc khai thác nước dưới đất không có giấy phép theo thẩm quyền và yêu cầu thực hiện trám lấp giếng theo quy định;

c) Trường hợp khai thác nước cho sinh hoạt của hộ gia đình thì thực hiện việc trám lấp giếng sau khi được thay thế bằng nguồn nước khác.

Điều 36. Khoanh định và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất

1. Phạm vi khoanh định Vùng hạn chế 1 được quy định như sau:

a) Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất có phạm vi không vượt quá 500 m kể từ đường biên vùng cấm khai thác nước dưới đất quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định này;

b) Khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn có phạm vi không vượt quá 1.000 m kể từ khu vực bị nhiễm mặn.

2. Phạm vi khoanh định Vùng hạn chế 2 được quy định như sau:

a) Không vượt quá 200 m kể từ miệng giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 10 m³/ngày đêm đến dưới 200 m³/ngày đêm;

b) Không vượt quá 500 m kể từ miệng giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 200 m³/ngày đêm đến dưới 3.000 m³/ngày đêm;

c) Không vượt quá 1.000 m kể từ miệng giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m³/ngày đêm trở lên.

Ngoài việc khoanh định phạm vi xung quanh giếng, còn phải xác định tầng chứa nước khai thác của giếng hoặc chiều sâu của giếng khai thác để làm căn cứ xác định tầng chứa nước hoặc khoảng chiều sâu cần hạn chế khai thác.

Trường hợp khi khoanh định theo quy định tại khoản này mà có các khu vực hạn chế cách nhau không quá 500 m trong cùng một tầng chứa nước hoặc trong cùng khoảng chiều sâu khai thác thì ghép chung thành một khu vực hạn chế.

3. Phạm vi khoanh định Vùng hạn chế hỗn hợp trên cơ sở tổng hợp kết quả khoanh định các vùng, khu vực hạn chế theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trường hợp có các khu vực hạn chế bị chồng lấn nhau, thì phần diện tích chồng lấn được khoanh định vào Vùng hạn chế hỗn hợp.

4. Các biện pháp hạn chế khai thác trong các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất:

a) Không chấp thuận việc đăng ký, cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác nước dưới đất để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới (trừ trường hợp khoan thay thế giếng thuộc công trình đã được cấp giấy phép theo quy định) và thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất quy định tại các điểm b, c và d khoản này đối với các công trình hiện có;

b) Trường hợp công trình đang khai thác nước dưới đất nhưng không có giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc không đăng ký khai thác nước dưới đất thì phải dừng khai thác và cơ quan nhà nước thực hiện việc xử lý vi phạm đối với việc khai thác nước dưới đất không có giấy phép theo thẩm quyền.

Các trường hợp quy định tại điểm này phải thực hiện trám lấp giếng theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

c) Trường hợp công trình có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc giấy phép khai thác nước dưới đất thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và được xem xét cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nhưng không vượt quá lưu lượng nước khai thác đã được cấp phép trước đó; trường hợp công trình đã được đăng ký thì được tiếp tục khai thác, nhưng không được tăng lưu lượng khai thác đã đăng ký;

d) Công trình đang khai thác nước dưới đất để cấp nước cho mục đích sinh hoạt thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc đăng ký nhưng chưa có giấy phép hoặc chưa đăng ký thì được xem xét cấp giấy phép khai thác hoặc đăng ký nếu đủ điều kiện cấp phép, đăng ký theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;

đ) Đối với Vùng hạn chế 2, trường hợp công trình đã có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc giấy phép khai thác nước dưới đất nhưng mực nước động trong giếng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 33 của Nghị định này thì chủ giấy phép phải điều chỉnh chế độ khai thác hoặc giảm lưu lượng khai thác tại giếng đó cho phù hợp với quy định về mực nước động cho phép tại giếng khai thác.

Điều 37. Lập Danh mục và Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

1. Căn cứ quy định tại các Điều 33, 34, 35 và 36 của Nghị định này, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc điều tra, thống kê, tổng hợp thông tin, số liệu và khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn; phân loại, tổng hợp các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và xác định các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất; lập Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lập Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và xây dựng phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất.

2. Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bao gồm danh sách từng vùng, từng khu vực cấm, hạn chế trong vùng đó. Mỗi vùng, mỗi khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Diện tích vùng cấm, vùng hạn chế khai thác;

b) Phạm vi hành chính vùng cấm, vùng hạn chế khai thác;

c) Phạm vi chiều sâu, tầng chứa nước hạn chế khai thác đối với các vùng hạn chế khai thác;

d) Các biện pháp cấm, hạn chế khai thác áp dụng.

3. Trên cơ sở Danh mục các vùng quy định tại khoản 2 Điều này, lập Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Bản đồ phân vùng phải thể hiện kết quả khoanh định các khu vực thuộc các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và các nội dung thông tin chủ yếu của từng khu vực, từng vùng thuộc Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được lập trên nền bản đồ hành chính hoặc địa hình theo hệ tọa độ VN2000, có tỷ lệ từ 1:100.000 đến 1:10.000 phù hợp với từng địa phương.

4. Xây dựng phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm các nội dung chính sau:

a) Danh sách các công trình khai thác nước dưới đất hiện có (đã có giấy phép, không có giấy phép) thuộc từng khu vực, từng vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

b) Phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất đối với từng khu vực, từng công trình nằm trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Điều 38. Phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất

1. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng hồ sơ phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và gửi lấy ý kiến theo quy định tại khoản 2 Điều này. Hồ sơ bao gồm:

a) Dự thảo Tờ trình;

b) Dự thảo Quyết định phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất;

c) Dự thảo Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

d) Dự thảo Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

đ) Dự thảo phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất;

e) Báo cáo thuyết minh kết quả khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Báo cáo thuyết minh phải luận chứng, thuyết minh rõ về căn cứ để khoanh định, phạm vi khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường gửi hồ sơ lấy ý kiến bằng văn bản tới các cơ quan, đơn vị liên quan, bao gồm:

a) Các Sở: Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và các sở, ban, ngành khác có liên quan;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện có phạm vi thuộc vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

c) Đại diện cộng đồng dân cư có phạm vi thuộc vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

d) Các tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước dưới đất nằm trong phương án.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến tại khoản này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hội đồng thẩm định với sự tham gia của các sở, ban, ngành có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học về tài nguyên nước.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến hội đồng thẩm định và gửi hồ sơ kèm theo Báo cáo tiếp thu, giải trình đến Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương liền kề có liên quan và Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến góp ý bằng văn bản. Thời hạn trả lời không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

5. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan quy định tại khoản 4 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình kèm theo dự thảo Quyết định phê duyệt; dự thảo Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; dự thảo Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; dự thảo phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất; bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, bản chụp văn bản góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan và các tài liệu khác có liên quan.

Tờ trình phải bao gồm các nội dung chính sau đây: quá trình tổ chức thực hiện; thuyết minh về căn cứ, kết quả khoanh định; thuyết minh phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất đối với từng khu vực, từng công trình nằm trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và việc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý.

6. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có Quyết định phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi để đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện, đồng thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

Điều 39. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức việc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, công bố Danh mục, Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập phương án tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn;

b) Phê duyệt Danh mục, Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Phương án tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác trên địa bàn và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

c) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về việc xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh;

d) Bố trí kinh phí để thực hiện xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách;

đ) Tổ chức rà soát, công bố đưa các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất không phù hợp với quy định của Nghị định này ra khỏi Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được ban hành theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất theo Phương án được phê duyệt.

4. Các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất có trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khoanh định và xác định phương án, lộ trình thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất (nếu có) đối với công trình khai thác nước dưới đất của mình theo quy định của Nghị định này;

b) Thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất theo phương án đã được phê duyệt.

Chương IV

ĐIỀU HOÀ, PHÂN PHỐI TÀI NGUYÊN NƯỚC

Mục 1. XÂY DỰNG KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC, KẾ HOẠCH, PHƯƠNG ÁN ĐIỀU HÒA, PHÂN PHỐI TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 40. Hoạt động điều hoà, phân phối tài nguyên nước

1. Điều hoà, phân phối tài nguyên nước phải căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước, kịch bản nguồn nước, hiện trạng, nhu cầu và hạn ngạch khai thác tài nguyên nước có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, kết quả hạch toán tài nguyên nước (nếu có) và bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước.

2. Điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua các hoạt động sau đây: a) Điều chỉnh chế độ vận hành các đập, hồ chứa, công trình khai thác nước; b) Điều chỉnh hạn ngạch khai thác tài nguyên nước; cắt, giảm lượng nước khai thác trong giấy phép khai thác tài nguyên nước hoặc tạm dừng hoạt động khai thác nước;

c) Hạn chế phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước không hiệu quả, chưa cấp thiết;

d) Tăng, giảm lượng nước khai thác, khai thác luân phiên giữa các nguồn nước; dẫn chuyển nước giữa các vùng, khu vực; tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra hạn hán, thiếu nước.

3. Trạng thái của nguồn nước phản ánh khả năng của nguồn nước và mức độ đáp ứng các nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông. Trạng thái nguồn nước được xác định, công bố trong kịch bản nguồn nước hằng năm và là cơ sở để cảnh báo, định hướng, xây dựng phương án và thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, tiểu lưu vực sông thông qua các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này, cụ thể:

a) Trường hợp hiện trạng và dự báo nguồn nước trên lưu vực sông ở trạng thái bình thường, thực hiện việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy hoạch về tài nguyên nước, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành trên cơ sở tuân thủ quy định của giấy phép khai thác tài nguyên nước, quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông, hạn ngạch khai thác tài nguyên nước; xem xét tích trữ lượng nước dự phòng để điều tiết cho thời điểm thiếu nước hoặc năm tiếp theo;

b) Trường hợp hiện trạng nguồn nước ở trạng thái bình thường và dự báo nguồn nước có xu thế chuyển sang trạng thái thiếu nước hoặc thiếu nước nghiêm trọng thì điều chỉnh chế độ khai thác, vận hành các công trình có khả năng điều tiết trên lưu vực; tăng cường khả năng tích, trữ nguồn nước; điều chỉnh việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành và các biện pháp khác;

c) Trường hợp hiện trạng hoặc dự báo nguồn nước trên lưu vực sông ở một trong các trạng thái thiếu nước hoặc thiếu nước nghiêm trọng thì tùy thuộc mức độ hạn hán, thiếu nước thực hiện điều hòa như quy định tại điểm b khoản này; hạn chế phân phối hoặc giảm lượng nước khai thác trong giấy phép khai thác tài nguyên nước, điều chỉnh hạn ngạch khai thác tài nguyên nước đối với các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết và các biện pháp khác.

Trường hợp thiếu nước nghiêm trọng thì phải cắt, giảm lượng nước khai thác trong giấy phép khai thác tài nguyên nước; điều chỉnh hạn ngạch khai thác tài nguyên nước; cắt giảm phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết để giảm thiểu thiệt hại; tăng, giảm lượng nước khai thác, khai thác luân phiên giữa các nguồn nước; dẫn chuyển nước giữa các vùng, khu vực. Đồng thời thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định tại Điều 36 của Luật Tài nguyên nước;

d) Trong quá trình thực hiện điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo các trạng thái nguồn nước mà kịch bản nguồn nước có cập nhật chuyển trạng thái nguồn nước thì thực hiện việc điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông phù hợp với khả năng của nguồn nước, giảm thiểu tác hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông (nếu có) và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trên lưu vực sông thực hiện xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và triển khai các hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo trạng thái nguồn nước.

Điều 41. Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông

1. Yêu cầu về thông tin, số liệu phục vụ xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông, bao gồm:

a) Lưu vực sông có trạm quan trắc khí tượng thủy văn, tài nguyên nước; có số liệu vận hành các công trình điều tiết nước lớn, quan trọng có khả năng điều tiết năm, nhiều năm trên lưu vực sông; có thông tin, số liệu về các đặc trưng khí tượng thủy văn và các hiện tượng khí hậu. Thông tin, số liệu bảo đảm đại diện đủ các nhóm năm nhiều nước, trung bình và ít nước;

b) Nhóm thông tin về nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế bao gồm: số liệu sử dụng nước của các ngành kinh tế theo tháng, thời kỳ trong năm và nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế có sử dụng nước theo thời gian và theo các vùng hoặc tiểu lưu vực sông. Các thông tin được tổng hợp tại các vị trí khai thác nước trên các nguồn nước;

c) Nhóm thông tin, số liệu dự báo các đặc trưng khí tượng thủy văn bao gồm: nhiệt độ, mưa, các hiện tượng khí hậu cực đoan có tính đến tác động của biến đổi khí hậu;

d) Nhóm các thông tin về đặc điểm nguồn nước dưới đất, mực nước trong các tầng chứa nước; thông tin về tình hình thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ) đã xảy ra trên lưu vực; mức độ thiệt hại của các năm hạn hán, xâm nhập mặn điển hình; các thông tin khác có liên quan.

2. Mức độ chính xác của kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông phụ thuộc vào điều kiện thông tin, số liệu của lưu vực, mức độ chính xác của số liệu do các bộ, ngành, địa phương cung cấp; ưu tiên thực hiện việc xây dựng kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông đã có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Trường hợp trên lưu vực sông chưa có đầy đủ có số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu vận hành của công trình điều tiết nước lớn, quan trọng, số liệu về nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế thì chưa thực hiện công bố kịch bản nguồn nước.

3. Kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông được công bố hằng năm, tuỳ thuộc đặc điểm về khí tượng thủy văn và việc khai thác, sử dụng nước trên từng lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thời điểm công bố kịch bản nguồn nước, kỳ công bố kịch bản và các nội dung kịch bản quy định tại khoản 4 Điều này trên các lưu vực sông. Căn cứ kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc cập nhật kịch bản nguồn nước.

4. Nội dung chính của Kịch bản nguồn nước bao gồm:

a) Hiện trạng nguồn nước mặt trên lưu vực sông, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa có khả năng điều tiết năm, nhiều năm trên lưu vực sông;

b) Hiện trạng nguồn nước dưới đất, mực nước trong các tầng chứa nước;

c) Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

d) Đánh giá xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, xâm nhập mặn lượng nước tích trữ tại các hồ chứa có khả năng điều tiết năm, nhiều năm, mực nước trong các tầng chứa nước theo các tháng trong kỳ công bố kịch bản.

Tùy thuộc vào mức độ đầy đủ, tin cậy của thông tin, số liệu về chất lượng nước thì quyết định việc thực hiện đánh giá xu thế chất lượng nước của các nguồn nước trên lưu vực sông;

đ) Xác định trạng thái của nguồn nước theo quy định tại Điều 42 của Nghị định này;

e) Đánh giá mức độ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông dựa trên trạng thái của nguồn nước;

g) Cảnh báo tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (nếu có) và định hướng tổng thể việc khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông được công bố kịch bản.

5. Các nội dung chính của kịch bản nguồn nước quy định tại khoản 4 Điều này được xây dựng tổng quan trên lưu vực sông, tiểu lưu vực sông và chi tiết tại các công trình điều tiết nước lớn, quan trọng có khả năng điều tiết năm, nhiều năm trên lưu vực sông; các điểm kiểm soát đại diện việc khai thác nước trên sông.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc công bố, đăng tải thường xuyên, liên tục kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời thông báo đến bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan trên lưu vực sông. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thuộc lưu vực sông đăng tải thường xuyên, liên tục kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương.

Điều 42. Khung trạng thái nguồn nước

1. Trạng thái của nguồn nước trên lưu vực sông, tiểu lưu vực sông bao gồm:

a) Trạng thái bình thường: lượng nước có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường; diễn biến, dự báo xâm nhập mặn ở những khu vực có nguồn nước thường xuyên ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu khai thác nước;

b) Trạng thái thiếu nước: lượng nước có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội, nhưng không đáp ứng đầy đủ lượng nước cho toàn bộ các ngành kinh tế. Trạng thái thiếu nước có thể xảy ra trên toàn bộ lưu vực hoặc ở một số tiểu lưu vực sông hoặc khu vực;

c) Trạng thái thiếu nước nghiêm trọng: lượng nước có thể khai thác không đủ cấp cho các ngành kinh tế và có nguy cơ không bảo đảm cấp cho sinh hoạt, an sinh xã hội và thiếu nước xảy ra trên diện rộng, nhiều lưu vực sông.

2. Hạn ngạch khai thác tài nguyên nước là giới hạn lượng nước cho phép khai thác của công trình khai thác tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác tài nguyên nước quyết định trên cơ sở trạng thái nguồn nước trên lưu vực sông, nhu cầu sử dụng nước và các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước thông qua giấy phép khai thác tài nguyên nước và phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi có dự báo trạng thái nguồn nước tương ứng trạng thái quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này. Việc quyết định hạn ngạch khai thác tài nguyên nước được thực hiện như sau:

a) Trường hợp hiện trạng và dự báo nguồn nước trên lưu vực sông ở trạng thái bình thường thì hạn ngạch khai thác tài nguyên nước được thực hiện theo giấy phép khai thác tài nguyên nước;

b) Trường hợp hiện trạng hoặc dự báo nguồn nước ở trạng thái thiếu nước thì hạn ngạch khai thác tài nguyên nước thực hiện theo hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước tương ứng với trạng thái của nguồn nước quy định tại khoản 3 Điều 40 của Nghị định này.

Điều 43. Kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành có khai thác, sử dụng nước

1. Kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành có khai thác, sử dụng nước phải phù hợp với trạng thái nguồn nước được công bố trong kịch bản nguồn nước và các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

2. Căn cứ kịch bản nguồn nước và các yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông liên tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cụ thể như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức quản lý vận hành công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý, xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt nông thôn;

b) Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên nước cấp cho thủy điện, nhiệt điện;

c) Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức trực thuộc, xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên nước để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các tổ chức quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước thuộc phạm vi quản lý, xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

3. Nội dung chính của kế hoạch khai thác, sử dụng nước:

a) Hiện trạng nguồn nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện;

b) Kế hoạch sản xuất và nhu cầu khai thác, sử dụng nước của công trình theo từng tháng, thời kỳ trong năm phù hợp với trạng thái nguồn nước được công bố;

c) Kế hoạch ứng phó với từng trạng thái thiếu hụt của nguồn nước theo kịch bản nguồn nước được công bố, trong đó gồm: kế hoạch cấp nước dự phòng, ứng phó với trạng thái thiếu hụt của nguồn nước; kế hoạch sản xuất điện; kế hoạch chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, giảm diện tích gieo trồng phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước và diễn biến, dự báo xâm nhập mặn ở những khu vực có nguồn nước thường xuyên ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Điều 44. Phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông

1. Phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông được xây dựng để thực hiện điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông khi kịch bản nguồn nước được công bố có dự báo, cảnh báo sẽ xuất hiện trạng thái thiếu nước hoặc thiếu nước nghiêm trọng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 42 của Nghị định này. Tùy thuộc vào hiện trạng nguồn nước, tình trạng, mức độ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn thì phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước sẽ được xây dựng, cập nhật và thực hiện để triển khai các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông (nếu có), cơ quan, tổ chức có liên quan trên lưu vực sông, tổ chức xây dựng, cập nhật phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước tương ứng với trạng thái nguồn nước và mức độ chuyển trạng thái nguồn nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trên lưu vực sông có trách nhiệm chỉ đạo việc cung cấp, cập nhật thông tin về hiện trạng, dự báo nhu cầu khai thác, sử dụng nước của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông.

Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, tùy thuộc vào mức độ hạn hán, thiếu nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước sẽ được cập nhật, làm cơ sở để các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai phương án.

Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng tại các địa phương trên địa bàn 01 tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đó công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước và triển khai các giải pháp ứng phó.

Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng, trên nhiều lưu vực sông thì Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước và quyết định phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước.

3. Nội dung chính của phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước:

a) Phương án vận hành công trình điều tiết nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông để đáp ứng nhu cầu nước; phương án điều tiết, cắt, giảm, gia tăng lượng nước khai thác theo giấy phép khai thác tài nguyên nước, hạn chế phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết; phương án khai thác luân phiên các nguồn nước tương ứng với trạng thái nguồn nước theo kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông;

b) Thứ tự ưu tiên khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương, đối tượng khai thác, sử dụng nước tương ứng với từng trạng thái thiếu nước theo kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông. Việc xác định thứ tự ưu tiên khai thác, sử dụng nước phải thực hiện trên cơ sở quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và có thể điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn và đặc thù của từng lưu vực sông;

c) Thứ tự các đối tượng khai thác, sử dụng nước phải hạn chế lượng nước khai thác, sử dụng, tạm dừng khai thác nước tương ứng với trạng thái thiếu nước theo kịch bản nguồn nước; thời gian điều chỉnh, hạn chế, tạm dừng, lượng nước phải cắt giảm, hạn chế;

d) Kế hoạch sản xuất, phân bổ nguồn nước, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước trong trường hợp chuyển trạng thái, mức độ thiếu hụt của nguồn nước;

đ) Các biện pháp điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước trên các lưu vực sông, tầng chứa nước thông qua việc khai thác luân phiên giữa các nguồn nước, tăng, giảm lượng nước khai thác, tạm dừng khai thác nước, dẫn chuyển nước giữa các vùng, khu vực;

e) Các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

g) Trách nhiệm của các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông trong việc xây dựng, thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

Điều 45. Trách nhiệm xây dựng, điều chỉnh, thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông và các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng, cập nhật, công bố kịch bản nguồn nước; tổ chức xây dựng, điều chỉnh và thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên các lưu vực sông.

Chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng;

b) Cảnh báo tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và định hướng tổng thể việc khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông được công bố kịch bản;

c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về khí tượng thủy văn có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu về khí tượng, thủy văn, nhiệt độ, hiện tượng khí hậu cực đoan; các bản tin dự báo khí tượng, thủy văn trên các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp cung cấp các thông tin, số liệu quy định tại Điều này để tổng hợp, tính toán phục vụ xây dựng, cập nhật kịch bản nguồn nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước;

đ) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật Tài nguyên nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo, đôn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các nội dung sau:

a) Triển khai lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình, hệ thống công trình thuộc phạm vi quản lý bảo đảm phù hợp với kịch bản nguồn nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, điều chỉnh, triển khai các phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên các lưu vực sông;

c) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn để khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trên phạm vi cả nước;

d) Căn cứ Kịch bản nguồn nước, khả năng điều tiết, cấp nước của công trình, Hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, sản xuất phù hợp, hạn chế nguy cơ bị thiệt hạ do hạn hán, thiếu nước;

đ) Thực hiện việc cung cấp hoặc chỉ đạo việc cung cấp thông tin, số liệu gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp theo các tháng trên lưu vực sông; các thời kỳ sử dụng nước gia tăng; các khu tưới; khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, thời gian xảy ra thiếu nước; yêu cầu về mực nước, lưu lượng nước tại các điểm kiểm soát; số liệu vận hành của các hồ chứa thủy lợi có khả năng điều tiết năm, nhiều năm thuộc phạm vi quản lý; số liệu quan trắc mực nước, lưu lượng, độ mặn tại các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng;

e) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật Tài nguyên nước.

3. Các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch và các bộ, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các trách nhiệm của bộ, ngành theo quy định tại các điểm a, b, e khoản 2 Điều này và các trách nhiệm sau:

a) Bộ Công Thương chỉ đạo việc tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn phù hợp với kịch bản nguồn nước được công bố; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, điều chỉnh, triển khai phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước; rà soát, điều chỉnh cơ cấu nguồn điện cho phù hợp.

Đồng thời, chỉ đạo việc cung cấp thông tin, số liệu về kế hoạch sử dụng nước, số liệu vận hành của các hồ chứa thủy điện có khả năng điều tiết năm, nhiều năm thuộc phạm vi quản lý; số liệu quan trắc mực nước, lưu lượng tại các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng;

b) Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy nước lớn rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước trên các lưu vực sông và theo Kịch bản nguồn nước được công bố.

Đồng thời, chỉ đạo việc cung cấp thông tin, số liệu về kế hoạch khai thác nước, số liệu vận hành của các công trình cấp nước thuộc phạm vi quản lý;

c) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc cung cấp thông tin, số liệu về nhu cầu mực nước của các tuyến giao thông đường thủy;

d) Bộ Văn hoá thể thao và du lịch chỉ đạo việc cung cấp thông tin, số liệu về nhu cầu nước cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, du lịch.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại các điểm a, b, e khoản 2 Điều này và các trách nhiệm sau:

a) Chỉ đạo vận hành hiệu quả các công trình khai thác, sử dụng nước, các công trình tích, trữ nước để chủ động lấy nước, trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tối thiểu khi xảy ra thiếu nước;

b) Trường hợp hiện trạng và dự báo nguồn nước trên lưu vực sông ở trạng thái bình thường thì chủ động triển khai tổ chức lập kế hoạch khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với Kịch bản nguồn nước được công bố;

c) Trường hợp hiện trạng và dự báo nguồn nước trên lưu vực sông ở trạng thái thiếu nước hoặc thiếu nước nghiêm trọng thì rà soát, cắt giảm diện tích canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hạn chế phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước và chưa cấp thiết theo thẩm quyền; quyết định sử dụng các nguồn nước mặt, nước dưới đất và các công trình cấp nước dự phòng trên địa bàn;

d) Chỉ đạo việc cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho sinh hoạt theo các tháng trên lưu vực sông; các thời kỳ sử dụng nước gia tăng; các khu tưới; phạm vi cấp nước của các hồ chứa có khả năng điều tiết năm, nhiều năm; khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, thời gian xảy ra thiếu nước; yêu cầu về mực nước, lưu lượng nước tại các điểm kiểm soát; số liệu vận hành của các hồ chứa thủy lợi có khả năng điều tiết năm, nhiều năm thuộc phạm vi quản lý; số liệu quan trắc mực nước, lưu lượng, độ mặn tại các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

5. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 2 Điều này và cung cấp thông tin phục vụ việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, bao gồm: hiện trạng và nhu cầu khai thác, sử dụng nước của công trình; hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý của mình và các thông tin, số liệu liên quan khác.

6. Các thông tin, số liệu của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân quy định tại Điều này gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tính toán phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

Trong thời gian Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia chưa hoàn thiện thì việc cung cấp thông tin, số liệu quy định tại điểm này được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây: gửi qua trục liên thông văn bản quốc gia; gửi, nhận trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi nhận qua fax; gửi nhận qua hệ thống thư điện tử.

Điều 46. Trách nhiệm xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ quyết định phục vụ việc xây dựng kịch bản, phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc cung cấp, cập nhật các thông tin, dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước vào hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông.

3. Các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước có trách nhiệm cung cấp thông tin về khai thác, sử dụng nước của công trình do mình quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định của Nghị định này nhằm hỗ trợ ra quyết định điều hoà phân phối tài nguyên nước. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ điều hoà phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, phục vụ vận hành hồ chứa, liên hồ chứa quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật Tài nguyên nước.

Mục 2. CHUYỂN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG

Điều 47. Quy mô dự án chuyển nước phải lấy ý kiến chấp thuận và thời điểm lấy ý kiến

1. Các dự án có hoạt động chuyển nước phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước theo quy định của Điều 37 Luật Tài nguyên nước bao gồm các Dự án có hoạt động chuyển nước ra khỏi lưu vực sông mà ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đời sống của Nhân dân thuộc địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố hoặc 02 quốc gia trở lên như sau:

a) Dự án có hoạt động chuyển nước từ đập, hồ chứa xây dựng trên sông, suối có quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m³/giây trở lên;

b) Dự án có loại hình công trình khác đập, hồ chứa mà có hoạt động chuyển nước từ sông, suối không thuộc vùng triều với quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m³/giây trở lên; từ 10 m³/giây đến dưới 30 m³/giây nhưng vượt quá 40% lưu lượng trung bình mùa kiệt tại vị trí chuyển nước;

c) Dự án có hoạt động đào sông, kênh, mương, rạch, công trình dẫn nước để chuyển nước với quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m³/giây trở lên; từ 10 m³/giây đến dưới 30 m³/giây nhưng vượt quá 40% lưu lượng trung bình mùa kiệt tại vị trí chuyển nước.

2. Thời điểm lấy ý kiến chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước được thực hiện trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc quyết định đầu tư đối với các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước đối với các dự án quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 48. Hồ sơ đề nghị chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước

1. Văn bản đề nghị chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

2. Báo cáo thuyết minh đề xuất phương án chuyển nước theo Mẫu số 02 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

3. Sơ đồ vị trí dự án chuyển nước.

4. Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác có liên quan của dự án.

Điều 49. Trình tự, thủ tục chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước

1. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

a) Tổ chức, cá nhân đề xuất dự án chuyển nước (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến tại cổng dịch vụ công và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về chấp thuận dự án chuyển nước;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung hoàn thiện mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo rõ lý do.

2. Thẩm định Báo cáo đề xuất phương án chuyển nước:

a) Cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định về quy mô, phương án chuyển nước và quản lý hồ sơ;

b) Trong thời hạn 42 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản này, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định các nội dung về quy mô, phương án chuyển nước, lấy ý kiến địa phương nơi nguồn nước bị chuyển nước, tổ chức lưu vực sông (nếu có); nếu cần thiết thì lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định các nội dung về quy mô, phương án chuyển nước. Nội dung thẩm định được quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Trường hợp đủ điều kiện, cơ quan thẩm định trình Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận dự án chuyển nước; trường hợp không đủ điều kiện thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề xuất dự án chuyển nước và thông báo lý do không chấp thuận dự án chuyển nước.

Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện các nội dung về quy mô, phương án chuyển nước thì cơ quan thẩm định gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện báo cáo không tính vào thời gian thẩm định báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là 25 ngày.

3. Nội dung thẩm định Hồ sơ đề nghị chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước, gồm:

a) Sự phù hợp của dự án có hoạt động chuyển nước với chiến lược tài nguyên nước quốc gia, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và quy hoạch khác có liên quan; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các ngành liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông;

b) Khả năng đáp ứng của nguồn nước bị chuyển nước, nhu cầu sử dụng nước của lưu vực sông bị chuyển nước và lưu vực nhận nước;

c) Tác động của việc chuyển nước đến việc khai thác, sử dụng nước, duy trì dòng chảy, phòng, chống lũ, xói lở lòng, bờ, bãi sông, xâm nhập mặn và tác động đến kinh tế - xã hội, môi trường, đặc biệt trong mùa khô của đoạn sông, suối bị chuyển nước, nhận nước phía hạ lưu công trình chuyển nước;

d) Phương án giảm thiểu tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, vận hành;

đ) Các nội dung khác có liên quan (nếu có).

Mục 3. QUY TRÌNH VẬN HÀNH LIÊN HỒ CHỨA VÀ QUY CHẾ PHỐI HỢP VẬN HÀNH GIỮA ĐẬP, HỒ CHỨA TRÊN SÔNG, SUỐI

Điều 50. Điều kiện vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực

1. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc vận hành hồ chứa theo thời gian thực phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của pháp luật có liên quan và bao gồm các thành phần chính như sau:

a) Mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn tự động; thiết bị quan trắc để giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành của hồ chứa và cơ sở dữ liệu có liên quan đến việc vận hành hồ chứa;

b) Hệ thống máy chủ, hạ tầng mạng và các thiết bị phụ trợ khác để thu nhận, truyền tin và lưu trữ thông tin, dữ liệu theo thời gian thực;

c) Phần mềm hỗ trợ xử lý, phân tích thông tin, tính toán, dự báo theo thời gian thực, bao gồm các loại mô hình chính: mô hình thống kê, mô hình thủy văn, mô hình thủy động lực, mô hình cân bằng nước, mô hình vận hành hồ chứa, mô hình chất lượng nước;

d) Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa để đề xuất các nguyên tắc, quy tắc, phương án vận hành hồ chứa theo thời gian thực;

đ) Các hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan.

2. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực bao gồm thành phần chính như sau:

a) Hạ tầng kỹ thuật của các hồ chứa thuộc danh mục đập, hồ chứa vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Thông tin, dữ liệu lưu vực sông phục vụ vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực;

c) Hệ thống máy chủ, hạ tầng mạng và các thiết bị phụ trợ khác để thu nhận, kết nối thông tin, dữ liệu từ các hồ chứa, công trình khai thác sử dụng nước khác theo thời gian thực trên lưu vực sông;

d) Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ vận hành liên hồ chứa để đề xuất các nguyên tắc, quy tắc, phương án vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực;

đ) Các hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan.

3. Đối với các hồ chứa thuộc danh mục đập, hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa phải bảo đảm hạ tầng kỹ thuật quy định tại khoản 1 Điều này, phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để được kiểm tra, kết nối vào hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực. Khuyến khích các hồ chứa khác kết nối vào hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực.

4. Yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực

a) Thông tin, số liệu được cập nhật liên tục, tự động, bảo đảm độ tin cậy;

b) Có hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

c) Mật độ trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn trên lưu vực hồ chứa bảo đảm tối thiểu theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn;

d) Hệ thống phần mềm hỗ trợ xử lý, phân tích thông tin, tính toán, dự báo theo thời gian thực phải được kiểm định, bảo đảm mức độ tin cậy.

5. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm yêu cầu vận hành hồ chứa theo thời gian thực quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này do mình quản lý hoặc thuê dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa để bảo đảm vận hành hồ chứa linh hoạt, an toàn và tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường nhưng phải bảo đảm quy định tại Điều 70 của Luật Tài nguyên nước.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa và các cơ quan, tổ chức có liên quan trên lưu vực sông hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực khi các hồ chứa trên lưu vực sông đã có hạ tầng kỹ thuật đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ điều kiện nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật liên hồ chứa theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 51. Quy định việc lập, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực

Khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực theo quy định tại Điều 50 của Nghị định này, việc lập, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực được thực hiện như sau:

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa thực hiện lập, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa theo thời gian thực trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

2. Căn cứ vào điều kiện thực tế của nguồn nước trên lưu vực sông, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập hoặc điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức quản lý, vận hành đập, hồ chứa có liên quan trên lưu vực sông đề nghị điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực thì xây dựng phương án điều chỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo trình tự quy định tại Điều 52 của Nghị định này.

Điều 52. Trình tự thẩm định phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông

1. Trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hồ chứa đề nghị điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa thì phải xây dựng phương án vận hành liên hồ chứa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

2. Hồ sơ đề xuất phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa bao gồm:

a) Dự thảo Quyết định ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Báo cáo thuyết minh phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa kèm theo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có);

c) Sơ đồ hiện trạng các đập, hồ chứa, liên hồ chứa trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông;

d) Các tài liệu khác có liên quan.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông có liên quan (nếu có) đến quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông đối với hồ sơ điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa.

Trường hợp phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa làm thay đổi cơ bản nội dung chính của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định.

Các thành viên của Hội đồng bao gồm đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; đại diện tổ chức lưu vực sông liên quan (nếu có); đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan, đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa, cơ quan, đơn vị khác có liên quan và chuyên gia về tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.

4. Nội dung thẩm định:

a) Kiểm tra cơ sở pháp lý, sự cần thiết phải điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa và hồ sơ phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa;

b) Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy các tài liệu sử dụng trong tính toán, kết quả tính toán các trường hợp vận hành;

c) Nhận xét, đánh giá tính hợp lý, khả thi của phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa và dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa.

5. Trình tự, thủ tục thẩm định phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho cơ quan, tổ chức để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

b) Trong thời hạn 42 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định phương án. Trường hợp đủ điều kiện phê duyệt phương án, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; trường hợp không đủ điều kiện để phê duyệt thì cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đề nghị phê duyệt để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Điều 53. Các đập, hồ chứa trên sông, suối phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành

Danh mục các đập, hồ chứa trên sông, suối phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành theo quy định tại khoản 9 Điều 38 của Luật Tài nguyên nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt được xác định dựa trên một số cơ sở chủ yếu như sau:

1. Quy mô khai thác, sử dụng nước của công trình; vai trò của đập, hồ chứa trên lưu vực sông.

2. Khả năng điều tiết nước của đập, hồ chứa trên lưu vực sông.

3. Hiệu quả sử dụng nước của đập, hồ chứa trên lưu vực sông.

4. Mức độ tác động, phạm vi ảnh hưởng và biện pháp giảm thiểu tác động do việc vận hành đập, hồ chứa gây ra.

5. Yêu cầu bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, dòng chảy tối thiểu và yêu cầu phòng, chống lũ lụt, hạn hán, thiếu nước, cấp nước ở hạ du.

6. Các yêu cầu khác do cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Điều 54. Nội dung chính của quy chế phối hợp vận hành hệ thống các đập, hồ chứa trên sông, suối

Nội dung của quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc lưu vực sông đã có quy trình vận hành liên hồ chứa phải phù hợp với các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông và bao gồm các nội dung chính như sau:

1. Nguyên tắc vận hành để bảo đảm an toàn công trình, an toàn hạ du, nâng cao hiệu quả phát điện và bảo đảm dòng chảy tối thiểu theo quy định.

2. Các thông số kỹ thuật cơ bản của hệ thống hồ chứa.

3. Các nguyên tắc phối hợp vận hành trong mùa lũ.

4. Các nguyên tắc phối hợp vận hành trong mùa kiệt.

5. Trách nhiệm của các đơn vị, quản lý vận hành các hồ đập và các cơ quan chức năng của địa phương liên quan.

Điều 55. Trình tự phê duyệt quy chế phối hợp vận hành hệ thống các đập, hồ chứa trên sông, suối

1. Việc lập danh mục đập, hồ chứa phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành được thực hiện như sau:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, xác định danh mục các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc phạm vi quản lý cần phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành;

b) Lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan, tổ chức lưu vực sông, tổ chức, cá nhân có liên quan về danh mục đập, hồ chứa phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành trên các lưu vực sông thuộc phạm vi tỉnh;

c) Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục đập, hồ chứa phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc xây dựng quy chế phối hợp vận hành của các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc phạm vi quản lý theo trình tự như sau:

a) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, tổ chức, cá nhân quản lý vận hành đập, hồ chứa và các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc phạm vi quản lý cần phải xây dựng quy chế;

b) Lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, tổ chức lưu vực sông (nếu có) và tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc phạm vi tỉnh;

c) Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tiếp thu, giải trình góp ý và hoàn thiện dự thảo quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa trên sông, suối và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy chế.

3. Trường hợp các đập, hồ chứa phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành trên sông, suối thuộc phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở hạ du của nguồn nước liên tỉnh chủ trì lập danh mục, xây dựng quy chế phối hợp vận hành và lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước khi lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trình tự thực hiện việc lập danh mục đập, hồ chứa và xây dựng, phê duyệt quy chế phối hợp vận hành của các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc phạm vi từ 02 tỉnh trở lên được thực hiện như quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Chương V

PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA VÀ HẠCH TOÁN TÀI NGUYÊN NƯỚC

Mục 1. DANH MỤC HỒ, AO, ĐẦM, PHÁ KHÔNG ĐƯỢC SAN LẤP

Điều 56. Lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp

1. Các hồ, ao, đầm, phá không được san lấp quy định tại khoản 6 Điều 63 Luật Tài nguyên nước bao gồm:

a) Hồ chứa trên sông, suối, kênh, rạch;

b) Hồ, ao, đầm, phá trong khu vực đô thị, khu dân cư tập trung có diện tích mặt nước từ 0,5 ha trở lên trừ trường hợp đã được quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh và hồ, ao, đầm, phá thuộc đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình và đất thương mại, dịch vụ thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân;

c) Hồ, ao, đầm, phá có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hoá;

d) Các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật Tài nguyên nước;

đ) Các hồ, ao, đầm, phá khác với quy định tại các điểm a, b và c khoản này có diện tích mặt nước từ 01 ha trở lên;

e) Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đưa các hồ, ao, đầm, phá khác với các quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản này hoặc hồ, ao, đầm, phá có diện tích mặt nước nhỏ hơn quy định tại điểm b hoặc điểm đ khoản này vào Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

2. Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp gồm những nội dung chính sau:

a) Tên, mã hiệu, vị trí hành chính của hồ, ao, đầm, phá;

b) Tọa độ đại diện cho vị trí của hồ, ao, đầm, phá (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30);

c) Diện tích mặt nước;

d) Dung tích (nếu có);

đ) Chức năng của hồ, ao, đầm, phá;

e) Hồ, ao, đầm, phá phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước;

g) Đơn vị quản lý hồ, ao, đầm, phá.

Điều 57. Phê duyệt, công bố Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp

1. Đối với Danh mục hồ, ao, đầm, phá thuộc nguồn nước mặt liên tỉnh không được san lấp (sau đây gọi là Danh mục hồ, ao, đầm, phá liên tỉnh không được san lấp):

a) Cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; gửi lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hồ, ao, đầm, phá thuộc Danh mục và tổ chức lưu vực sông (nếu có) có liên quan.

Hồ sơ gửi lấy ý kiến bao gồm: báo cáo thuyết minh việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá liên tỉnh không được san lấp và Dự thảo Quyết định phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm phá liên tỉnh không được san lấp;

b) Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt.

Hồ sơ trình phê duyệt bao gồm: Tờ trình; Dự thảo Quyết định phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm phá liên tỉnh không được san lấp; báo cáo thuyết minh việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá liên tỉnh không được san lấp; bản tổng hợp giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý, kèm theo bản chụp các ý kiến góp ý; các tài liệu khác liên quan;

c) Trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt, Cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan và cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định tại Nghị định này.

2. Đối với Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh thuộc nguồn nước mặt nội tỉnh không được san lấp (sau đây gọi là Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp):

a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh, gửi lấy ý kiến các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan.

Hồ sơ gửi lấy ý kiến bao gồm: báo cáo thuyết minh việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp và Dự thảo Quyết định phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm phá nội tỉnh không được san lấp;

b) Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị quy định tại điểm a khoản này, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình lấy ý kiến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi phê duyệt.

Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bao gồm: Tờ trình; báo cáo thuyết minh việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp; Dự thảo Quyết định phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm phá nội tỉnh không được san lấp; bản tổng hợp giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý, kèm theo bản chụp các ý kiến góp ý; các tài liệu khác liên quan;

c) Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Quyết định phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp trên địa bàn tỉnh.

Hồ sơ trình Ủy ban nhân nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt bao gồm: Tờ trình; Dự thảo Quyết định phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp; báo cáo thuyết minh việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá, nội tỉnh không được san lấp; báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và bản tổng hợp giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý, kèm theo bản chụp các ý kiến góp ý; các tài liệu khác liên quan;

d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có Quyết định phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp trên địa bàn tỉnh; gửi đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định tại Nghị định này.

Điều 58. Rà soát, điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp

1. Định kỳ 05 năm một lần hoặc trong trường hợp cần thiết, cơ quan phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp thuộc phạm vi quản lý.

2. Các trường hợp điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp:

a) Bổ sung hồ, ao, đầm, phá vào Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp;

b) Điều chỉnh đưa hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh ra khỏi Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp để phục vụ mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh;

c) Việc phê duyệt điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp theo quy định tại điểm a khoản này được thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 57 của Nghị định này. Đối với trường hợp điều chỉnh quy định tại điểm b khoản này được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Việc điều chỉnh đưa hồ, ao, đầm, phá ra khỏi Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp được thực hiện như sau:

a) Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành hoặc Ủy ban nhân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Ủy ban nhân cấp huyện nơi có hồ, ao, đầm, phá đề xuất đưa ra khỏi Danh mục và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hồ sơ gửi lấy ý kiến gồm: dự thảo Tờ trình; dự thảo Quyết định điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp trên địa bàn tỉnh, Báo cáo thuyết minh lý do việc đưa ra khỏi Danh mục và các tài liệu khác liên quan;

b) Sau khi hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các cơ quan quy định tại điểm a khoản này, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi phê duyệt.

Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bao gồm: Tờ trình; dự thảo Quyết định điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp trên địa bàn tỉnh, Báo cáo thuyết minh lý do việc đưa ra khỏi Danh mục; bản tổng hợp giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý, kèm theo bản chụp các ý kiến góp ý; các tài liệu khác liên quan;

c) Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Quyết định điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp trên địa bàn tỉnh.

Hồ sơ trình Ủy ban nhân nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt bao gồm: Tờ trình; dự thảo Quyết định điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm phá nội tỉnh không được san lấp; Báo cáo thuyết minh lý do việc đưa ra khỏi Danh mục; báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và bản tổng hợp giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý, kèm theo bản chụp các ý kiến góp ý; các tài liệu khác liên quan;

d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có Quyết định điều chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đã được điều chỉnh; gửi đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định tại Nghị định này.

Điều 59. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đơn vị quản lý ao, hồ, đầm, phá không được san lấp

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, tổ chức xây dựng, điều chỉnh, phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá liên tỉnh không được san lấp và cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp theo quy định tại Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, tổ chức xây dựng, điều chỉnh, phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá nội tỉnh không được san lấp trên địa bàn tỉnh và cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

b) Chỉ đạo tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư không xả chất thải chưa qua xử lý vào hồ, ao, đầm, phá gây ô nhiễm nguồn nước, không được tự ý san lấp, cải tạo;

c) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đối với các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác đã bảo đảm các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, khoáng sản tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ, tạo cảnh quan theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật Tài nguyên nước.

3. Các tổ chức, cá nhân quản lý hồ, ao, đầm, phá nằm trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có trách nhiệm:

a) Sử dụng đúng mục đích và không được tự ý san lấp, cải tạo;

b) Kiểm soát chặt chẽ các hành vi lấn chiếm xây dựng công trình trái phép, xả nước thải sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trực tiếp vào hồ, ao, đầm, phá. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời thông báo và phối hợp cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mục 2. BẢO VỆ, PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ LÒNG, BỜ, BÃI SÔNG, HỒ

Điều 60. Yêu cầu chung về bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ

1. Các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, hồ, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Tài nguyên nước bao gồm:

a) Khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, hồ;

b) Nạo vét, khơi thông luồng để mở mới, cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, trừ duy tu, bảo dưỡng định kỳ các tuyến đường thủy nội địa hiện có;

c) Kè bờ, gia cố bờ sông, hồ, nắn sông trừ công trình kè bờ, chỉnh trị sông để phòng chống thiên tai;

d) Cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông, hồ;

đ) Xây dựng công trình, vật kiến trúc nổi trên sông, hồ và các công trình sử dụng đất có mặt nước;

e) Xây dựng cầu, cảng sông, bến tàu, phà tiếp nhận tàu, âu tàu và các công trình thủy khác.

2. Yêu cầu chung về bảo vệ, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ đối với các hoạt động quy định tại khoản 1 điều này bao gồm:

a) Phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan;

b) Phù hợp với các quy định về hành lang thoát lũ, xả lũ của các hồ chứa, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, các công trình liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, kết cấu hạ tầng giao thông và công trình hạ tầng khác, trừ trường hợp xử lý khẩn cấp; phù hợp với các quy định về bảo vệ, bảo tồn hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch; bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ nguồn nước;

c) Bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông; không làm suy giảm khả năng thoát lũ dẫn đến gây ngập úng bãi, vùng đất ven sông, gây sạt lở bờ, bãi sông, hồ; không làm suy giảm mực nước sông trong mùa cạn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sử dụng nước trên sông;

d) Không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, hồ; không làm mất ổn định bờ, bãi sông, hồ và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước;

đ) Thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông, hồ;

e) Tuân thủ các quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Điều 61. Yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông

1. Hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông bao gồm khai thác cát sỏi lòng, bãi sông phải tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 60 của Nghị định này và các yêu cầu sau:

a) Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định;

b) Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định;

c) Trường hợp đoạn sông ở khu vực trung du, miền núi bị bồi lắng theo mùa, căn cứ diễn biến của tình hình bồi lắng, cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, bảo đảm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông;

d) Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi trên bãi sông thì cao độ đáy khu vực khai thác không vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác, trừ trường hợp kết hợp với việc khơi thông dòng chảy, tăng cường khả năng thoát lũ của đoạn sông;

đ) Vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác và chế độ khai thác cát, sỏi phải do cơ quan nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản cho phép theo quy định pháp luật về khoáng sản bảo đảm không gây xói lở để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

2. Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt lở bờ tại khu vực khai thác, thì phải tạm dừng việc khai thác, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác để chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Trường hợp không đủ điều kiện để tiếp tục khai thác thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung vào khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông theo quy định pháp luật về khoáng sản.

Điều 62. Yêu cầu đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi trong hồ

Việc khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 60 Nghị định này và các yêu cầu sau:

1. Phải gắn với yêu cầu nạo vét, phòng, chống bồi lắng lòng hồ; vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác và chế độ khai thác phải được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật về khoáng sản đảm bảo không gây xói lở để bảo vệ lòng, bờ hồ.

2. Không gây ô nhiễm nguồn nước; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hồ; không làm suy giảm chức năng, nhiệm vụ của hồ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi thì phải tuân thủ các quy định pháp luật về thủy lợi, pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và bảo đảm an toàn công trình, bảo vệ môi trường hồ chứa.

Điều 63. Yêu cầu đối với hoạt động mở mới và nạo nét, khơi thông luồng, tuyến giao thông thủy

Việc nạo vét, khơi thông luồng để mở mới, cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến giao thông thủy nội địa (nạo vét cơ bản) thuộc vùng nước đường thủy nội địa phải tuân thủ các quy định của pháp luật về vùng nước đường thủy nội địa, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 60 của Nghị định này và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Phạm vi nạo vét luồng phải phù hợp với yêu cầu về chiều rộng, chiều sâu để bảo đảm cấp kỹ thuật của luồng chạy tàu, thuyền theo quy hoạch đã phê duyệt.

2. Trường hợp phạm vi cần nạo vét nằm sát phía bờ bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở thì phải xem xét, điều chỉnh luồng phù hợp để hạn chế nguy cơ sạt lở bờ sông.

3. Trường hợp đang thực hiện việc nạo vét mà có hiện tượng sạt lở bờ thì phải tạm dừng việc nạo vét, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động nạo vét để chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 64. Yêu cầu đối với hoạt động kè bờ, gia cố bờ sông, hồ, nắn sông; cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông, hồ

Việc kè bờ, gia cố bờ sông, hồ, nắn sông; cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông, hồ phải đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ quy định tại khoản 2 Điều 60 của Nghị định này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, phòng chống xói lở lòng dẫn, bờ, bãi sông, các yêu cầu về chỉnh trị sông và phải có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, hạn chế tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông ở khu vực lân cận phía thượng và hạ lưu.

2. Hạn chế tối đa việc thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Trường hợp phải thu hẹp sông, hồ để thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, hồ, bảo đảm sự ổn định của bờ sông, hồ, các vùng đất ven sông, hồ hoặc các yêu cầu khác về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ, thì phải gắn với các yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông, hồ và phần diện tích bị thu hẹp chỉ sử dụng cho các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Điều 65. Đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ

1. Các dự án có hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 60 của Nghị định này phải thực hiện đánh giá tác động của hoạt động đó đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông, hồ; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, bồi, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi, suy giảm mực nước trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan (dưới đây gọi chung là đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ) và có phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ theo nội dung tại khoản 2 Điều này.

2. Việc đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Phải đánh giá cụ thể các tác động đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, hồ và các vùng đất ven sông, hồ; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ trong mùa lũ; diễn biến bồi lắng, sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; sự suy giảm mực nước trong mùa cạn và ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác nước trên sông, hồ.

Trường hợp khai thác cát, sỏi, nạo vét, khơi thông luồng, kè bờ, xây dựng công trình trên sông, ven sông khác nhau thì việc đánh giá được thực hiện theo các phương án khác nhau tương ứng với từng kịch bản về dòng chảy lũ, kiệt khác nhau, bao gồm cả kịch bản bất lợi nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

b) Phải luận chứng, thuyết minh làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ theo quy định của Nghị định này và lựa chọn, đề xuất phương án thực hiện để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ bao gồm phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện và các cam kết trong quá trình thực hiện nhằm giảm thiểu các tác động đến lòng, bờ, bãi sông, hồ;

c) Nội dung phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và các yêu cầu, điều kiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ đối với các dự án có hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 60 của Nghị định này phải được thể hiện trong Quyết định phê duyệt kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 66. Trách nhiệm của các bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Thẩm định, phê duyệt phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quy định tại pháp luật bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông liên tỉnh; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về công tác bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông theo thẩm quyền.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trách nhiệm:

a) Thẩm định, phê duyệt phương án để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quy định tại pháp luật bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông nội tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông nội tỉnh.

Mục 3. ĐIỀU PHỐI, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC, PHÒNG, CHỐNG VÀ KHẮC PHỤC TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC LƯU VỰC SÔNG

Điều 67. Nội dung, yêu cầu đối với hoạt động điều phối, giám sát trên lưu vực sông

1. Nội dung điều phối bao gồm chỉ đạo, đôn đốc việc phối hợp hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Tài nguyên nước.

2. Nội dung giám sát bao gồm việc theo dõi, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên phạm vi lưu vực sông.

3. Yêu cầu đối với hoạt động điều phối:

a) Bảo đảm khai thác, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước đáp ứng các yêu cầu cấp nước cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

b) Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan tham gia điều phối trên phạm vi lưu vực sông; sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí;

c) Tuân theo quy hoạch, kế hoạch trên phạm vi lưu vực;

d) Xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan tham gia.

4. Yêu cầu đối với hoạt động giám sát:

a) Phát hiện được các hiện tượng bất thường về lưu lượng, mực nước, chất lượng của nguồn nước; cảnh báo, dự báo nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trên phạm vi lưu vực sông;

b) Phát hiện được các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân trong vận hành hồ chứa, liên hồ chứa và trong hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi lưu vực sông;

c) Cung cấp thông tin, số liệu phục vụ việc điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Tài nguyên nước trên phạm vi lưu vực sông;

d) Đáp ứng các yêu cầu khác của công tác quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

Điều 68. Tổ chức lưu vực sông

1. Tổ chức lưu vực sông là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng tổ chức lưu vực sông, cơ cấu, thành phần, bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động của tổ chức lưu vực sông.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án thành lập tổ chức lưu vực sông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Điều 69. Hoạt động của tổ chức lưu vực sông

1. Tổ chức lưu vực sông có nhiệm vụ thực hiện điều phối, giám sát hoạt động bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông; thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 81 của Luật Tài nguyên nước.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ về các định hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên các lưu vực sông, cụ thể như sau:

a) Xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ chức lưu vực sông; tham gia xây dựng các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác, các chương trình, đề án, dự án về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông;

b) Kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách (kể cả khung pháp lý quốc tế và khu vực), quy hoạch về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và môi trường trên lưu vực sông;

c) Kiến nghị các giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả các chiến lược và quy hoạch (khu vực và quốc gia) về tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan trên lưu vực sông;

d) Kiến nghị các giải pháp ứng phó với các diễn biến bất thường trên lưu vực sông, các tác động tiềm tàng tới Việt Nam do các hoạt động phát triển thượng nguồn và biến đổi khí hậu trên cơ sở giám sát và nghiên cứu trên lưu vực sông;

đ) Triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trên cơ sở kết quả tham gia thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là đầu mối hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông đối với các lưu vực sông quốc tế (nếu có), các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế;

e) Theo dõi, giám sát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền có giải pháp về hoạt động liên quan bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. Trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tổ chức lưu vực sông thành lập Hội đồng tham vấn gồm đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan để xây dựng phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định;

g) Tham gia xây dựng dự án về tài nguyên nước, xây dựng kịch bản nguồn nước phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông; tham gia bảo vệ, phục hồi và phát huy các giá trị di sản văn hóa liên quan đến tài nguyên nước;

h) Cung cấp thông tin về diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước;

i) Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước, các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên liên quan đến tài nguyên nước trên lưu vực sông;

k) Phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các chương trình, đề án, dự án, hoạt động về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông;

l) Tổ chức tuyên truyền về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên lưu vực sông;

m) Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông;

n) Thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao, phân công.

Mục 4. HẠCH TOÁN TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 70. Quy định chung về hạch toán tài nguyên nước

1. Hạch toán tài nguyên nước bao gồm:

a) Hạch toán tài nguyên nước quốc gia;

b) Hạch toán tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh thuộc danh mục phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.

2. Kết quả hạch toán tài nguyên nước là một trong những cơ sở để thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước; lựa chọn các phương án trong quy hoạch về tài nguyên nước và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xây dựng Báo cáo tài nguyên nước quốc gia và phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

3. Việc hạch toán tài nguyên nước được thực hiện theo các loại ngành kinh tế theo quy định của pháp luật về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và được tổng hợp theo hệ thống các nhóm tài khoản quy định tại Điều 71 của Nghị định này.

Trên cơ sở thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu quản lý tài nguyên nước và mức độ đáp ứng về cơ sở dữ liệu phục vụ hạch toán, cơ quan chủ trì thực hiện hạch toán quyết định lựa chọn ngành kinh tế, nhóm tài khoản để thực hiện hạch toán cho từng giai đoạn.

4. Định kỳ 05 năm một lần, cơ quan chủ trì thực hiện hạch toán tài nguyên nước công bố kết quả hạch toán trong Báo cáo tài nguyên nước quốc gia.

5. Dữ liệu sử dụng thực hiện hạch toán tài nguyên nước phải đồng bộ, thống nhất trong định dạng, thời gian thu thập; phải được tích hợp với Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Điều 71. Hệ thống nhóm tài khoản trong hạch toán tài nguyên nước

Hệ thống các nhóm tài khoản trong hạch toán tài nguyên nước bao gồm:

1. Nhóm tài khoản về đặc điểm tài nguyên nước.

2. Nhóm tài khoản về khai thác, sử dụng nước.

3. Nhóm tài khoản về xả nước thải vào nguồn nước.

4. Nhóm tài khoản về kinh tế - xã hội liên quan đến tài nguyên nước.

Điều 72. Dữ liệu hạch toán tài nguyên nước

1. Dữ liệu của nhóm tài khoản về đặc điểm tài nguyên nước bao gồm:

a) Số lượng nước mặt tính đến cuối kỳ hạch toán;

b) Trữ lượng nước dưới đất tính đến cuối kỳ hạch toán.

2. Dữ liệu của nhóm tài khoản về khai thác, sử dụng nước bao gồm:

a) Tên đơn vị khai thác, sử dụng nước; loại ngành kinh tế;

b) Nguồn nước khai thác; vị trí khai thác;

c) Lượng nước khai thác cho các mục đích sử dụng nước theo năm; tổng lượng nước khai thác theo năm;

d) Lượng nước tái sử dụng, tuần hoàn cho từng mục đích (nếu có).

3. Dữ liệu của nhóm tài khoản về xả nước thải vào nguồn nước bao gồm:

a) Tên đơn vị xả nước thải, loại ngành kinh tế;

b) Vị trí xả thải; nguồn tiếp nhận nước thải;

c) Lượng nước thải xả vào nguồn nước;

d) Tải lượng chất ô nhiễm có trong nước thải.

4. Dữ liệu của nhóm tài khoản về kinh tế - xã hội liên quan đến tài nguyên nước bao gồm:

a) Số dân trong phạm vi thực hiện hạch toán;

b) Sản phẩm, sản lượng sản xuất phân theo các ngành kinh tế; diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp;

c) Tổng sản phẩm theo giá phân theo các ngành kinh tế và theo địa bàn hành chính.

Điều 73. Kết quả hạch toán tài nguyên nước

Kết quả hạch toán tài nguyên nước được thể hiện qua các chỉ số chủ yếu sau đây:

1. Tổng lượng nước mặt, trữ lượng nước dưới đất.

2. Tổng lượng nước khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước.

3. Mức sử dụng nước thực tế cho sinh hoạt, cho từng ngành kinh tế.

4. Tải lượng chất ô nhiễm xả vào nguồn nước phân theo các ngành kinh tế.

5. Hiệu suất sử dụng nước theo ngành kinh tế, theo phạm vi hạch toán, địa phương (đồng/m³); hiệu suất sử dụng nước gia tăng giữa các kỳ hạch toán (đồng/m³).

6. Giá trị đóng góp của tài nguyên nước cho phát triển kinh tế - xã hội theo phạm vi hạch toán, địa phương (m³/đồng); giá trị gia tăng của tài nguyên nước giữa các kỳ hạch toán (m³/đồng).

Điều 74. Trách nhiệm tổ chức thực hiện hạch toán tài nguyên nước

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện hạch toán tài nguyên nước theo lộ trình quy định tại Điều 75 của Nghị định này; công bố kết quả hạch toán tài nguyên nước trong Báo cáo tài nguyên nước quốc gia và trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thực hiện hạch toán tài nguyên nước; tổ chức xây dựng và vận hành phần mềm hỗ trợ hạch toán tài nguyên nước.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan thống kê các cấp có trách nhiệm phối hợp, cung cấp dữ liệu quy định tại khoản 4 Điều 72 của Nghị định này cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiến hành thực hiện hạch toán tài nguyên nước.

Điều 75. Lộ trình thực hiện hạch toán tài nguyên nước

1. Đến năm 2027, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật thực hiện hạch toán tài nguyên nước.

2. Đến năm 2030:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng và vận hành phần mềm hỗ trợ thực hiện hạch toán tài nguyên nước;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và công bố kết quả hạch toán tài nguyên nước trên các lưu vực sông Đồng Nai, Vu Gia - Thu Bồn cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện và công nghiệp.

3. Đến năm 2035, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện hạch toán và công bố kết quả hạch toán tài nguyên nước cho các lưu vực sông liên tỉnh và quốc gia theo kỳ hạch toán.

Chương VI

HỆ THỐNG THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU TÀI NGUYÊN NƯỚC QUỐC GIA VÀ QUY ĐỊNH VỀ QUAN TRẮC, GIÁM SÁT KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC, CHẤT LƯỢNG NƯỚC

Mục 1. HỆ THỐNG THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU TÀI NGUYÊN NƯỚC QUỐC GIA

Điều 76. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

1. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất để quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc.

Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường, đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

2. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bao gồm các thành phần cơ bản sau đây:

a) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin;

b) Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

c) Phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

3. Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bao gồm tập hợp các thông tin, dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Tài nguyên nước, được sắp xếp thành các nhóm thông tin, dữ liệu sau đây:

a) Thông tin, dữ liệu về nguồn nước, lưu vực sông;

b) Thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nước;

c) Thông tin, số liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; thông tin về kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất;

d) Dữ liệu kiểm kê, điều tra, đánh giá tài nguyên nước, quy hoạch về tài nguyên nước;

đ) Thông tin, số liệu quan trắc về tài nguyên nước và số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, chất lượng môi trường nước.

Điều 77. Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước

1. Thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nước là các giá trị tính toán của các đặc trưng để đánh giá biến động số lượng, chất lượng của nguồn nước như sau:

a) Thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nguồn nước mặt: đặc trưng mực nước, lượng dòng chảy tại các vị trí trên sông suối, kênh, mương, rạch theo thời đoạn tính toán; dung tích, diện tích hồ, ao, đầm, phá; kết quả đo đạc, phân tích thông số chất lượng nước; chỉ số đánh giá chất lượng nước;

b) Thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất: trữ lượng động, trữ lượng tĩnh của các tầng chứa nước; trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước; kết quả đo đạc, phân tích thông số chất lượng nước; chỉ số đánh giá chất lượng nước.

2. Thông tin, số liệu về kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước, bao gồm:

a) Thông tin, dữ liệu đối với công trình khai thác nước dưới đất thuộc đối tượng kê khai theo nội dung thông tin chính trong bản kê khai;

b) Thông tin, dữ liệu đối với công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, nước biển thuộc đối tượng đăng ký theo nội dung thông tin chính trong giấy xác nhận đăng ký;

c) Thông tin, dữ liệu đối với công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất, nước biển thuộc đối tượng cấp phép theo nội dung thông tin giấy phép được cấp và thông tin về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;

d) Thông tin của giấy phép thăm dò nước dưới đất;

đ) Thông tin của giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất;

e) Thông tin, dữ liệu về công trình xả nước thải vào nguồn nước theo giấy phép môi trường.

3. Dữ liệu kiểm kê, điều tra, đánh giá tài nguyên nước, quy hoạch về tài nguyên nước, bao gồm: dữ liệu, sản phẩm của đề án kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; dữ liệu, sản phẩm của các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước; dữ liệu quy hoạch tài nguyên nước; dữ liệu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; thông tin, dữ liệu của báo cáo tài nguyên nước quốc gia.

4. Thông tin, dữ liệu về danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước theo danh mục lưu vực sông, nguồn nước; hành lang bảo vệ nguồn nước; hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; dòng chảy tối thiểu trên sông, suối, kênh, mương, rạch; chức năng nguồn nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

5. Thông tin, dữ liệu về mặt cắt sông, suối của các dự án, đề án đã được nghiệm thu; bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng; danh mục, bản đồ về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành; ngưỡng khai thác nước dưới đất trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; kịch bản nguồn nước hằng năm do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

6. Thông tin, số liệu quan trắc về tài nguyên nước và số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, chất lượng môi trường nước:

a) Thông tin, dữ liệu quan trắc lượng bốc hơi tại trạm khí tượng; lượng mưa tại trạm đo mưa, trạm khí tượng, trạm thủy văn, tại công trình đập, hồ chứa có quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định;

b) Thông tin, dữ liệu quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước và các yếu tố khác tại trạm quan trắc tài nguyên nước mặt, nước dưới đất;

c) Thông tin, dữ liệu quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước, độ mặn và các yếu tố khác tại trạm thủy văn và trạm đo mặn;

d) Thông tin, dữ liệu quan trắc mực nước biển tại một số trạm hải văn;

đ) Thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng nước tại trạm quan trắc môi trường nước;

e) Thông tin, dữ liệu quan trắc về khai thác nước tại công trình phục vụ giám sát khai thác tài nguyên nước.

7. Số liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các công trình khai thác nước và xả nước thải tại các công trình xả nước thải vào nguồn nước.

8. Các thông tin, dữ liệu khác về tài nguyên nước, bao gồm:

a) Văn bản pháp luật về tài nguyên nước và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên nước; quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước;

b) Danh mục và sản phẩm các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến tài nguyên nước;

c) Nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh;

d) Báo cáo định kỳ về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kết quả thanh tra, kiểm tra của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoặc đăng ký và các dữ liệu khác có liên quan;

đ) Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các bộ và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

e) Kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng nước dưới đất của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất; thông tin, số liệu về cấu trúc địa chất, địa tầng tại các vị trí khoan khảo sát, thăm dò địa chất, địa chất thủy văn, thăm dò nước dưới đất, địa chất công trình của các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất và hành nghề khoan khảo sát khác;

g) Thông tin, dữ liệu về địa tầng tại vị trí các công trình khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm, khoan thăm dò địa chất, thăm dò khai thác khoáng sản, dầu khí và các dự án khác;

h) Kết quả hạch toán tài nguyên nước.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật về cấu trúc, chuẩn dữ liệu đối với các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước quy định tại Điều này.

Điều 78. Hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

1. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin bao gồm tập hợp thiết bị máy chủ, máy trạm, thiết bị kết nối mạng, hệ thống đường truyền, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn, thiết bị lưu trữ, thiết bị ngoại vi và thiết bị khác.

2. Phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bao gồm các phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích và phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và Cổng thông tin của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

3. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bảo đảm các yêu cầu theo quy định kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 79. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

1. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải đảm bảo cập nhật đầy đủ, chính xác, có tính pháp lý các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo tính pháp lý, chính xác.

3. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thực hiện theo quy định kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 80. Kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường kết nối liên thông cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, địa phương, các cơ quan có liên quan để chia sẻ thông tin dữ liệu tài nguyên nước phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

2. Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước thực hiện theo mô hình được quy định tại Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, thông qua các dịch vụ trên nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia. Các tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước thực hiện theo quy định về kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu khác.

3. Nội dung thông tin, dữ liệu tài nguyên nước được kết nối liên thông, chia sẻ phải có sự thống nhất giữa các bên có liên quan và theo quy định của pháp luật.

Điều 81. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên nước

1. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và các pháp luật khác có liên quan.

2. Cơ quan quản lý, vận hành Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia quyết định việc phân quyền truy cập khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước thì truy cập và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng dữ liệu của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Trường hợp khai thác, sử dụng số liệu quan trắc khí tượng thủy văn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.

4. Cơ quan quản lý Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia không được chia sẻ, cung cấp các thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, các thông tin mang tính cá nhân của người sử dụng trừ trường hợp phục vụ hoạt động điều tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật và phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 82. Bảo đảm an toàn và chế độ bảo mật thông tin, dữ liệu tài nguyên nước

1. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải được bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng theo cấp độ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc in, sao, vận chuyển, giao nhận, truyền dữ liệu, lưu giữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu và hoạt động khác có liên quan đến dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Danh mục bí mật nhà nước về tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 83. Bảo đảm kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và duy trì Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

1. Các hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và duy trì Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bao gồm: xây dựng, nâng cấp, bảo trì hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm; thu thập, xây dựng, cập nhật thông tin, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; duy trì, vận hành và bảo đảm an toàn thông tin của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

2. Ngân sách trung ương từ nguồn chi đầu tư phát triển cho hoạt động xây dựng, nâng cấp, bảo trì hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; chi từ nguồn các hoạt động kinh tế cho các hoạt động thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và hoạt động duy trì, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

3. Ngân sách địa phương từ nguồn chi các hoạt động kinh tế đảm bảo cho các hoạt động thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

4. Khuyến khích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật phục vụ xây dựng, quản lý, vận hành và duy trì Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

5. Cơ quan quản lý, vận hành hệ thống thông tin tài nguyên nước quốc gia được phép thuê hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.

6. Việc lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện năng lực đảm nhận thực hiện xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin tài nguyên nước quốc gia theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng, quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Điều 84. Trách nhiệm xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo:

a) Cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; kết nối, chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia với cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương;

b) Cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước tổ chức cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu trong phạm vi quản lý, thực hiện vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

c) Cơ quan chuyên môn về khí tượng thủy văn cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu gồm: thông tin, dữ liệu về mặt cắt sông, suối (nếu có); số liệu quan trắc quy định tại các điểm a, c và d khoản 6 Điều 77 Nghị định này theo chế độ quan trắc và chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu quy định của pháp luật khí tượng thủy văn; chuỗi số liệu đã được chỉnh biên tính từ thời điểm trạm bắt đầu vận hành quan trắc và được cập nhật hằng năm ngay sau khi có kết quả chỉnh biên; thông tin, số liệu khác theo yêu cầu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước;

d) Cơ quan chuyên môn về môi trường cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng nước tại các trạm quan trắc môi trường theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 77 của Nghị định này và cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu đối với công trình xả nước thải vào nguồn nước theo quy định tại khoản 7 Điều 77 của Nghị định này thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

đ) Cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu tài nguyên nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 77 của Nghị định này và dữ liệu khác có liên quan để xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

2. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp, chia sẻ dữ liệu điều tra cơ bản liên quan đến tài nguyên nước; báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước hằng năm và dữ liệu khác có liên quan về tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp, chia sẻ, cập nhật các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước quy định tại Điều 77 của Nghị định này và dữ liệu khác có liên quan trong phạm vi quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

4. Cơ quan, đơn vị thực hiện các chương trình kiểm kê, điều tra, đánh giá tài nguyên nước, quy hoạch về tài nguyên nước và các dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước khác cung cấp, cập nhật các thông tin, dữ liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu.

5. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cung cấp, cập nhật số liệu quan trắc tự động trực tuyến, định kỳ theo quy định tại các Điều 88, Điều 89, Điều 90, Điều 91, Điều 92, Điều 93 và Điều 94 của Nghị định này và báo cáo định kỳ hằng năm về khai thác, sử dụng nước tại công trình thuộc đối tượng cấp phép vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

6. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất cung cấp, cập nhật kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng nước dưới đất, thông tin, số liệu về địa tầng, thông số địa chất thủy văn và các thông số thí nghiệm khác tại vị trí giếng khoan vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia sau khi hoàn thành công tác thăm dò.

Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất; tổ chức, cá nhân thăm dò địa chất, khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò, khai thác khoáng sản cung cấp thông tin, số liệu về cấu trúc địa chất, địa tầng tại vị trí giếng khoan vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này phải cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước và thông tin, dữ liệu có liên quan để phục vụ việc xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và thường xuyên cập nhật theo quy định.

Mục 2. QUY ĐỊNH VỀ QUAN TRẮC, GIÁM SÁT KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC, CHẤT LƯỢNG NƯỚC

Điều 85. Chế độ, thông số, chỉ tiêu quan trắc tài nguyên nước

1. Chế độ đo lượng mưa tại trạm đo mưa, trạm khí tượng, trạm thủy văn tại công trình đập, hồ chứa có quan trắc khí tượng thủy văn và chế độ đo mực nước, lưu lượng, chất lượng nước, độ mặn tại trạm thủy văn, trạm đo mặn thực hiện theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.

2. Thông số, chỉ tiêu quan trắc đối với các trạm quan trắc:

a) Đối với trạm quan trắc tài nguyên nước mặt, bao gồm: lưu lượng, mực nước và các chỉ tiêu chất lượng nước;

b) Đối với trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất, bao gồm: lưu lượng tại mạch lộ, mực nước trong giếng khoan và các chỉ tiêu chất lượng nước.

3. Chế độ quan trắc đối với các trạm quan trắc:

a) Đối với trạm quan trắc tài nguyên nước mặt: được thực hiện theo chế độ quan trắc của trạm thủy văn theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn;

b) Đối với trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất: tần suất 03 ngày/lần (mùa khô), 06 ngày/lần (mùa mưa) đối với thiết bị đo thủ công; tần suất 02 giờ/lần đối với thiết bị đo tự động, trực tuyến.

Điều 86. Đối tượng, hình thức giám sát khai thác tài nguyên nước

1. Đối tượng giám sát khai thác tài nguyên nước là các công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất, nước biển thuộc trường hợp phải đăng ký, phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước.

2. Việc quan trắc để giám sát khai thác tài nguyên nước được thực hiện như sau:

a) Đối với công trình thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước, thực hiện việc quan trắc để giám sát theo quy định tại các Điều 88, Điều 89, Điều 90, Điều 91, Điều 92 và Điều 93 của Nghị định này và được cập nhật, kết nối, truyền dữ liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước;

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp phải quan trắc, giám sát chất lượng nước thực hiện việc quan trắc, cập nhật số liệu chất lượng nước khai thác vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

b) Đối với công trình thuộc trường hợp phải đăng ký, thực hiện việc quan trắc để giám sát theo quy định tại Điều 94 của Nghị định này.

3. Các hình thức giám sát khai thác tài nguyên nước:

a) Giám sát trực tuyến: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc tự động, liên tục được kết nối và truyền trực tiếp vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

b) Giám sát định kỳ: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc được cập nhật định kỳ vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

c) Giám sát bằng camera: theo dõi hình ảnh bằng camera được kết nối và truyền trực tiếp, liên tục vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

4. Thông tin số liệu quan trắc khai thác tài nguyên nước do các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cung cấp vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia là một trong những căn cứ để xác định dấu hiệu vi phạm hành chính, hình sự trong việc tuân thủ quy định của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các quy định của pháp luật về tài nguyên nước khi thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 87. Yêu cầu đối với thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu phục vụ giám sát

1. Thiết bị đo đạc tại công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau đây:

a) Có dải đo phù hợp với giá trị cần đo;

b) Hoạt động liên tục, kết nối, truyền thông tin, số liệu tới thiết bị thu nhận, lưu trữ của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

c) Đối với các thiết bị đo đạc tự động mực nước, lưu lượng thì thời gian đo đảm bảo không quá 15 phút 01 lần; đối với camera giám sát, tốc độ ghi hình không nhỏ hơn 01 khung hình/phút;

d) Các loại thiết bị đo đạc trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật hiện hành về chất lượng, sản phẩm hàng hóa và phải được kiểm soát về đo lường (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) theo quy định của pháp luật về đo lường.

2. Sai số phép đo khi đo đạc phải đảm bảo sai số tuyệt đối không vượt quá 01 cm đối với thông số mực nước; sai số tương đối không vượt quá 5% so với giá trị thực đo đối với thông số lưu lượng.

3. Các thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu phải có chuẩn dữ liệu kết nối phù hợp, đảm bảo kết nối, truyền số liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

4. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, tổ chức, cá nhân gửi văn bản thông báo đến cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các công trình thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các công trình thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trường hợp kết nối, truyền số liệu trên Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia chưa đầy đủ thông tin, số liệu hoặc chưa ổn định để đảm bảo việc giám sát khai thác tài nguyên nước theo quy định thì cơ quan nhận thông báo quy định tại khoản này gửi văn bản thông báo đến tổ chức, cá nhân về việc chưa đảm bảo yêu cầu.

Điều 88. Thông số, chỉ tiêu và chế độ quan trắc để giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt

1. Tổ chức, cá nhân khai thác nước để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước thực hiện giám sát mực nước, lưu lượng, giám sát bằng camera theo quy định tại Điều 89, Điều 90, Điều 91 và Điều 92 của Nghị định này và thực hiện việc quan trắc chất lượng nguồn nước khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc quan trắc chất lượng nguồn nước khai thác quy định như sau:

a) Thông số quan trắc để giám sát trực tuyến đối với công trình khai thác nguồn nước mặt có quy mô từ 10.000 m³/ngày đêm trở lên tại vị trí lấy nước, tối thiểu bao gồm: nhiệt độ, pH, hàm lượng ôxy hoà tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxy hoá học (COD), Amoni (NH4+ tính theo Nitơ) và các thông số khác theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt do cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định trong giấy phép trên cơ sở hiện trạng chất lượng nguồn nước khu vực khai thác;

b) Thông số quan trắc để giám sát trực tuyến đối với công trình khai thác nguồn nước dưới đất có quy mô từ 5.000 m³/ngày đêm trở lên tại vị trí giếng quan trắc, tối thiểu bao gồm: pH, tổng chất rắn hòa tan (TDS), Amoni (NH4+ tính theo Nitơ), Nitrate (NO3- tính theo Nitơ) và các thông số khác theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất do cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định trong giấy phép trên cơ sở hiện trạng chất lượng nguồn nước khu vực khai thác;

c) Ngoài các thông số quan trắc để giám sát trực tuyến quy định tại điểm a, điểm b khoản này, cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định trong giấy phép các thông số, chế độ quan trắc để giám sát định kỳ trên cơ sở hiện trạng chất lượng nguồn nước khu vực khai thác.

Tổ chức, cá nhân khai thác nước cho các mục đích khác từ nguồn nước có chức năng cấp nước sinh hoạt, cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định trong giấy phép các thông số quan chắc chất lượng nước trên cơ sở đặc điểm nguồn nước, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Điều 89. Thông số, chỉ tiêu và chế độ quan trắc để giám sát hoạt động khai thác nước đối với công trình hồ chứa để phát điện

Việc giám sát hoạt động khai thác nước mặt đối với công trình hồ chứa để phát điện quy định được thực hiện như sau:

1. Thông số, chỉ tiêu quan trắc để giám sát:

a) Mực nước hồ;

b) Lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu (nếu có);

c) Lưu lượng xả qua nhà máy;

d) Lưu lượng xả qua tràn.

2. Hình thức giám sát:

a) Hồ chứa có dung tích toàn bộ từ một (01) triệu m³ trở lên: thực hiện quan trắc tự động để giám sát trực tuyến đối với các thông số quy định tại khoản 1 Điều này và lắp đặt camera để giám sát việc xả nước quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này;

b) Hồ chứa có dung tích toàn bộ nhỏ hơn một (01) triệu m³: thực hiện quan trắc tự động để giám sát trực tuyến đối với các thông số quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này và thực hiện quan trắc để giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại điểm d khoản 1 Điều này; lắp đặt camera để giám sát việc xả nước quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều này.

3. Chế độ quan trắc để giám sát:

a) Đối với thông số quan trắc để giám sát trực tuyến, không quá 15 phút 01 lần.

Trường hợp dữ liệu bị gián đoạn do việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo phải có biện pháp thực hiện quan trắc, lưu trữ số liệu theo chế độ giám sát định kỳ quy định tại điểm b khoản này và cập nhật đầy đủ thông tin, số liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đồng thời, phải báo cáo cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các công trình thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các công trình thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và nêu rõ kế hoạch thực hiện việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị. Thời gian thực hiện kế hoạch không quá 30 ngày.

Trường hợp đường truyền dữ liệu bị gián đoạn vì lý do khác thì ngay sau khi phục hồi, hệ thống phải tự động thực hiện truyền các dữ liệu của khoảng thời gian bị gián đoạn. Trong trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn liên tục quá 12 giờ, đơn vị vận hành hệ thống phải có thông báo ngay bằng văn bản về nguyên nhân, các biện pháp khắc phục về sự cố gián đoạn này với cơ quan nhận báo cáo quy định tại điểm này;

b) Đối với thông số quan trắc để giám sát định kỳ, cập nhật hằng ngày (trước 10 giờ sáng ngày hôm sau) số liệu lưu lượng và thời gian xả tương ứng trong ngày vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Điều 90. Thông số, chỉ tiêu và chế độ quan trắc để giám sát hoạt động khai thác đối với công trình hồ chứa thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cho các mục đích khác

Việc giám sát hoạt động khai thác nước mặt đối với công trình hồ chứa thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cho các mục đích khác được thực hiện như sau:

1. Thông số, chỉ tiêu quan trắc để giám sát:

a) Mực nước hồ;

b) Lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu (nếu có);

c) Lưu lượng khai thác cho các mục đích;

d) Lưu lượng xả qua tràn;

đ) Chất lượng nước trong quá trình khai thác (nếu có).

2. Hình thức giám sát:

a) Hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 03 triệu m³ trở lên: thực hiện quan trắc để giám sát trực tuyến đối với các thông số quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này, quan trắc để giám sát định kỳ với thông số quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;

b) Hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 01 triệu m³ đến dưới 03 triệu m³: thực hiện quan trắc để giám sát trực tuyến đối với các thông số quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, quan trắc để giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Hồ chứa có dung tích toàn bộ dưới 01 triệu m³: thực hiện quan trắc để giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chế độ quan trắc để giám sát:

a) Đối với các thông số quan trắc để giám sát trực tuyến và thông số quan trắc để giám sát định kỳ, thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 89 của Nghị định này;

b) Đối với thông số chất lượng nước trong quá trình khai thác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này, thực hiện cập nhật số liệu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả phân tích.

Vị trí, thông số, tần suất quan trắc chất lượng nước phục vụ giám sát thực hiện theo quy định của giấy phép khai thác nước mặt (nếu có).

Điều 91. Thông số, chế độ và chỉ tiêu quan trắc để giám sát hoạt động khai thác đối với công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt khác

Việc giám sát hoạt động khai thác nước mặt đối với công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt khác quy định được thực hiện như sau:

1. Thông số, chỉ tiêu quan trắc để giám sát:

a) Lưu lượng khai thác;

b) Chất lượng nước trong quá trình khai thác (nếu có).

2. Hình thức giám sát: thực hiện quan trắc để giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại khoản 1 Điều này; khuyến khích thực hiện quan trắc để giám sát trực tuyến đối với thông số quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Chế độ quan trắc để giám sát:

a) Đối với thông số lưu lượng khai thác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, phải cập nhật hằng ngày (trước 10 giờ sáng ngày hôm sau) số liệu lưu lượng và thời gian khai thác tương ứng trong ngày vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

b) Đối với thông số chất lượng nước trong quá trình khai thác quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, thực hiện cập nhật số liệu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả phân tích.

Vị trí, thông số, tần suất quan trắc chất lượng nước phục vụ giám sát thực hiện theo quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt (nếu có).

Điều 92. Thông số, chế độ và chỉ tiêu quan trắc để giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất

Việc giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất được thực hiện như sau:

1. Thông số, chỉ tiêu quan trắc để giám sát:

a) Lưu lượng khai thác của công trình (là tổng lưu lượng của từng giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác thuộc công trình khai thác nước dưới đất).

Khuyến khích tổ chức, cá nhân lắp đặt thiết bị quan trắc lưu lượng cho từng giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác thuộc công trình khai thác nước dưới đất để điều chỉnh tối ưu việc khai thác nước dưới đất;

b) Mực nước trong từng giếng khai thác đối với giếng khoan, giếng đào;

c) Chất lượng nước trong quá trình khai thác (nếu có);

d) Đối với công trình có quy mô từ 3.000 m³/ngày đêm trở lên phải có tối thiểu 01 giếng quan trắc. Ngoài việc thực hiện quan trắc để giám sát các thông số quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này còn phải quan trắc thông số mực nước trong các giếng quan trắc.

Trường hợp công trình khai thác trong nhiều tầng chứa nước thì mỗi tầng chứa nước khai thác phải có tối thiểu 01 giếng quan trắc.

2. Hình thức giám sát:

a) Đối với công trình có quy mô từ 3.000 m³/ngày đêm trở lên: thực hiện quan trắc để giám sát trực tuyến đối với các thông số quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều này, quan trắc để giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Đối với công trình có quy mô từ 1.000 m³/ngày đêm đến dưới 3.000 m³/ngày đêm: thực hiện quan trắc để giám sát trực tuyến đối với các thông số quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, quan trắc để giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Đối với công trình có quy mô từ 10 m³/ngày đêm đến dưới 1.000 m³/ngày đêm: thực hiện quan trắc để giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này.

3. Chế độ quan trắc để giám sát:

a) Đối với thông số quan trắc để giám sát trực tuyến, không quá 01 giờ 01 lần;

b) Đối với các thông số quan trắc để giám sát định kỳ, không quá 24 giờ 01 lần và phải cập nhật số liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia trước 10 giờ sáng ngày hôm sau đối với thông số lưu lượng, mực nước; đối với thông số chất lượng nước trong quá trình khai thác, thực hiện cập nhật số liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả phân tích.

Vị trí, thông số, tần suất quan trắc chất lượng nước phục vụ giám sát thực hiện theo quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (nếu có).

Điều 93. Thông số, chỉ tiêu và chế độ quan trắc để giám sát hoạt động khai thác nước biển

Việc giám sát hoạt động khai thác nước biển đối với công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước biển khác quy định được thực hiện như sau:

1. Thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát: lưu lượng khai thác.

2. Hình thức giám sát: thực hiện quan trắc để giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại khoản 1 Điều này; khuyến khích thực hiện quan trắc tự động để giám sát trực tuyến đối với thông số quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Chế độ quan trắc để giám sát: cập nhật hằng ngày (trước 10 giờ sáng ngày hôm sau) số liệu tổng lượng nước khai thác trong ngày vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Điều 94. Thông số, chỉ tiêu và chế độ quan trắc để giám sát hoạt động khai thác nước thuộc trường hợp phải đăng ký

Việc giám sát hoạt động khai thác nước đối với công trình khai thác thuộc trường hợp phải đăng ký được thực hiện như sau:

1. Thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát: lưu lượng khai thác, dòng chảy tối thiểu đối với công trình hồ, đập (nếu có).

2. Hình thức, chế độ giám sát: lập sổ theo dõi lượng nước khai thác và việc xả dòng chảy tối thiểu hàng ngày, tháng, năm (nếu có) và thực hiện quan trắc để giám sát định kỳ 01 ngày 01 lần đối với thông số quy định tại khoản 1 Điều này và được lưu trữ trong sổ theo dõi.

Chương VII

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 95. Trách nhiệm thực hiện

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các trách nhiệm theo quy định của Nghị định này và các trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành hướng dẫn kỹ thuật, định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập hành lang bảo vệ nguồn nước; hướng dẫn kỹ thuật thực hiện hạch toán tài nguyên nước; quy định kỹ thuật về cấu trúc, chuẩn dữ liệu đối với các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; hướng dẫn kỹ thuật về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện: việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; việc khoanh định cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc kết nối, chia sẻ thông tin trên Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

c) Tổ chức quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tổ chức xây dựng, cập nhật phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước; chỉ đạo việc xây dựng vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ điều hòa, phân phối tài nguyên nước;

d) Chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước; xây dựng Đề án thành lập tổ chức lưu vực sông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;

đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện hạch toán tài nguyên nước theo lộ trình quy định tại Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm theo quy định của Nghị định này và các trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất; tổ chức thực hiện việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; tổ chức thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin trên Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

b) Tổ chức thực hiện việc xây dựng, phê duyệt quy chế phối hợp vận hành của các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc phạm vi quản lý;

c) Tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ đối với nguồn nước mặt nội tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông nội tỉnh; giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lý, bảo vệ, phát triển, phục hồi, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra đối với các nguồn nước mặt nội tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các trách nhiệm theo quy định của Nghị định này và các trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc: xây dựng Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn; xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác trên địa bàn và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt;

b) Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công;

c) Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt;

d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc: khoanh định, công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo Phương án được phê duyệt;

e) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trách nhiệm theo quy định của Nghị định này và các trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

b) Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công;

c) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp trên.

Điều 96. Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định có liên quan đến tài nguyên nước

1. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 38/2016/NĐ- CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật khí tượng thủy văn, như sau:

“c) Phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chia sẻ thông tin, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định pháp luật về tài nguyên nước để phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước”.

2. Bãi bỏ Điều 1 của Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

3. Bãi bỏ các Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 và khoản 5 Điều 33 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Điều 97. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước: trường hợp Đề cương dự án có hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tùy vào điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện theo Đề cương dự án đã được phê duyệt nếu phù hợp với quy định của Nghị định này. Trường hợp không phù hợp với Nghị định này thì rà soát, điều chỉnh để phù hợp.

2. Đối với quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước:

a) Đối với các hồ chứa thủy điện đã thực hiện cắm mốc giới hoặc đã phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện việc cắm mốc theo phương án được phê duyệt và được quản lý, bảo vệ mốc giới theo quy định của Nghị định này;

b) Đối với các hồ chứa thủy điện đã nộp phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì trình tự thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, quy định tại Điều 1 của Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và thực hiện cắm mốc theo phương án được phê duyệt;

c) Đối với các địa phương đã phê duyệt, công bố Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì có kế hoạch thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này. Trường hợp nội dung Danh mục không đáp ứng điều kiện để thể hiện phạm vi trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì rà soát, điều chỉnh, cập nhật Danh mục theo quy định của Nghị định này;

d) Đối với các địa phương đã phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 thì phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định của Nghị định này;

đ) Đối với các địa phương đang thực hiện lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định của Nghị định này.

3. Đối với quy định các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được phê duyệt mà chưa quy định ngưỡng khai thác nước dưới đất thì được rà soát, cập nhật, bổ sung khi thực hiện quy hoạch được điều chỉnh.

4. Đối với các dự án có hoạt động chuyển nước quy định tại khoản 1 Điều 47 của Nghị định này đang trong quá trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc thẩm định quyết định đầu tư đối với các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện.

5. Đối với việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp: Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức rà soát, cập nhật, công bố hoặc điều chỉnh danh mục theo quy định của Nghị định này hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2026.

6. Đối với quy định về bảo vệ, phòng, chống sạt lở, lòng, bờ bãi sông, hồ: trường hợp Hồ sơ đánh giá tác động môi trường của các dự án có hoạt động tại khoản 1 Điều 60 của Nghị định này được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

7. Đối với quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước

a) Đối với các mạng quan trắc tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất của trung ương và địa phương đã được quy hoạch trong các quy hoạch có liên quan, mạng đang xây dựng hoặc đã vận hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện;

b) Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác tài nguyên nước mặt quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 90 của Nghị định này, phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu, thực hiện việc quan trắc tự động, liên tục để giám sát trực tuyến các thông số theo quy định của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2027 đối với công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 và hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025 đối với công trình xây dựng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

Trong thời gian chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu để thực hiện việc giám sát trực tuyến thì tổ chức, cá nhân có công trình khai thác tài nguyên nước phải thực hiện việc cập nhật số liệu giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại khoản 1 Điều 90 của Nghị định này;

c) Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước dưới đất có quy mô từ 3.000 m³/ngày đêm đã được cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà khai thác từ 2 tầng chứa nước trở lên chưa đảm bảo số lượng giếng quan trắc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 92 của Nghị định này thì tiếp tục thực hiện cho đến khi giấy phép khai thác nước dưới đất hết hiệu lực và phải bổ sung giếng quan trắc khi đề nghị cấp, gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất.

Trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng để bổ sung giếng quan trắc theo quy định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xem xét, quyết định trong quá trình cấp phép;

d) Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước mặt có quy mô khai thác từ 10.000 m³/ngày đêm trở lên để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, thực hiện việc quan trắc chất lượng nguồn nước khai thác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 88 của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2026;

đ) Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước dưới đất để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt có quy mô khai thác từ 5.000 m³/ngày đêm trở lên đã được cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải thực hiện việc quan trắc chất lượng nguồn nước khai thác theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 88 của Nghị định này khi đề nghị cấp, gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất.

Trường hợp không đủ giếng quan trắc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 92 của Nghị định này thì thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước tại một giếng khai thác đại diện đối với tầng chứa nước không có giếng quan trắc theo quy định;

e) Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất đang phải quan trắc để giám sát trực tuyến trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà thuộc trường hợp chỉ phải quan trắc để giám sát định kỳ theo quy định của Nghị định này thì tự quyết định lựa chọn việc tiếp tục quan trắc tự động hoặc chuyển sang quan trắc định kỳ theo quy định của Nghị định này;

g) Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất đang phải quan trắc lưu lượng khai thác tại từng giếng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tự quyết định lựa chọn việc tiếp tục quan trắc lưu lượng khai thác tại từng giếng hoặc chuyển sang quan trắc tổng lưu lượng khai thác của công trình theo quy định của Nghị định này;

h) Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước dưới đất có giếng khoan khai thác được xây dựng trước ngày 30 tháng 11 năm 2021 không lắp đặt được thiết bị đo mực nước tự động hoặc không đo được mực nước thủ công trong giếng khai thác, mà đã khoan bổ sung giếng quan trắc theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước năm 2012 thì tiếp tục quan trắc mực nước theo quy định của Nghị định này để phục vụ giám sát.

Trường hợp chưa khoan bổ sung giếng quan trắc thì khoan bổ sung tối thiểu 01 giếng quan trắc đại diện cho mỗi tầng chứa nước khai thác khi đề nghị cấp, gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất. Trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng để bổ sung giếng quan trắc theo quy định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xem xét, quyết định trong quá trình cấp phép;

i) Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước biển thuộc trường hợp phải có giấy phép, công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất thuộc trường hợp phải đăng ký xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, thực hiện quan trắc theo quy định của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2026.

8. Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc đối tượng phải giám sát theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước năm 2012 trước ngày Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đi vào vận hành chính thức thì tiếp tục thực hiện cập nhật, kết nối, truyền số liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của địa phương đối với đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với địa phương chưa có hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cập nhật, kết nối, truyền số liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước Bộ Tài nguyên và Môi trường để địa phương thực hiện giám sát.

9. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước thì tiếp tục thực hiện và phải tích hợp vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia khi Hệ thống đi vào vận hành chính thức.

Sau khi Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia vận hành chính thức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn việc sử dụng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tỉnh hoặc sử dụng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để giám sát khai thác tài nguyên nước trên địa bàn.

10. Ủy ban lưu vực sông Mê Công Việt Nam được tiếp tục hoạt động theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Điều 98. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định của Chính phủ sau đây hết hiệu lực thi hành:

a) Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi;

b) Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định về Quản lý lưu vực sông;

c) Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước (trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 97 Nghị định này);

d) Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG





Trần Hồng Hà

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 53/2024/ND-CP

Hanoi, May 16, 2024

 

DECREE

ELABORATING SOME ARTICLES OF THE LAW ON WATER RESOURCES

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; Law dated November 22, 2019 on Amendments to some Articles of the Law on Government Organization and Law on Local Government Organization;

Pursuant to the Law on Natural Resources dated November 27, 2023;

At the request of the Minister of Natural Resources and Environment;

The Government hereby promulgates a Decree elaborating some Articles of the Law on Water Resources.

Chapter I

GENERAL

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Decree elaborates Article 7, clause 5 Article 9, Article 10, clause 5 Article 17, Article 19, clause 9 Article 23, Article 30, clause 5 Article 31, Article 35, clause 3 Article 37, clause 10 Article 38, clause 3 Article 51, clause 10 Article 63, clause 6 Article 66, clause 5 Article 71, clause 5 Article 81 of the Law on Water Resources on national water resources information system and database; baseline survey of water resources; formulation, appraisal, approval and adjustment of planning for baseline survey of water resources; conduct of baseline survey of water resources; formulation, appraisal and approval of comprehensive inter-provincial river basin planning; list of inter-provincial river basins for which planning is required; review and adjustment of comprehensive inter-provincial river basin planning; water source protection corridors; determination of perimeters of water source protection corridors; regulations on water sources requiring protection corridor boundary markers and planting of water source protection corridor boundary markers; groundwater exploitation threshold; determination of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation; regulation and distribution of water resources; river basin water transfer; regulations on procedures and power to approve details about water transfer plans; technical infrastructure for real-time operation of reservoirs and inter-reservoirs; procedures for adjusting inter-reservoir operation procedures; establishment and adjustment of procedures for real-time inter-reservoir operation procedures; formulation of regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs in rivers and streams; subjects, scope, frequencies, parameters for monitoring of water resources, surveillance of water resource exploitation and surveillance of water quality, and roadmap for implementation thereof; compilation of lists of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; river and lake bed, bank and terrace erosion prevention and control; water resource accounting and roadmap therefor; coordination and surveillance of exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water; organizational structures and activities of river basin organizations.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to agencies, organizations, residential communities, households and individuals whose activities involve water resources within the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 3. Definitions

For the purposes of this Decree, the terms below shall be construed as follows:

1. “surveillance of water resource exploitation” means the control of water resource exploitation activities by competent authorities by way of keeping track of monitoring data in the process of water resource exploitation by organizations and individuals.

2. “real-time surveillance of water resource exploitation” means the surveillance of water resource exploitation using equipment for automatic monitoring and measuring or online and continuous transmission of data in real time.

3. “river sub-basin”: A river basin may include multiple small watersheds called sub-basins.

4. “bank edge of a river, stream, canal or ditch” means the boundary between the natural slope of the river, stream, canal or ditch and the natural ground surface in horizontal direction. For an embanked river, stream, canal or ditch, the bank edge is the boundary between the slope of the top of the embankment and the ground surface in horizontal direction. The bank edge of a natural or man-made lagoon, pond or lake other than a hydropower or irrigation reservoir shall be determined by the authority formulating the marker planting plan based on the highest water level; for a coastal lagoon, its bank edge shall be determined based on the average highest tide in many years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. “river bed” means the range between the two bank edges of a river.

7. “groundwater exploitation structures” consist one or more drilled wells, dug wells, dug holes, corridors, springs and caves used for exploitation of groundwater and owned by an organization or individual and the adjacent distance among them is not greater than 1,000 m.

8. “functions of a water source protection corridor” are to maintain the bank stability, prevent and combat the encroachment upon land along the water source; to prevent and combat activities threatening to pollute and deteriorate the water source; to maintain the development of aquatic ecosystems, flora and fauna along the water source; to protect and preserve religious activities, practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity, maintain the development of tourism in relation to the water source.

Chapter II

BASELINE SURVEY OF WATER RESOURCES AND FORMULATION, APPRAISAL, APPROVAL AND ADJUSTMENT OF SPECIALIZED AND TECHNICAL PLANNING FOR WATER RESOURCES

Section 1. BASELINE SURVEY OF WATER RESOURCES

Article 4. Requirements for activities of baseline survey of water resources

Activities of baseline survey of water resources specified in clause 3 Article 9 of the Law on Water Resources shall comply with the following requirements:

1. Activities of baseline survey of water resources shall be carried out according to schemes and projects by competent authorities having competence in appraisal, acceptance and approval of results.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Synchronization, consistence and fulfillment of objectives of each scheme or project shall be ensured.

4. Information, data and results of baseline survey of water resources shall be reviewed and updated to the national water resources information system and database as prescribed in clause 4 Article 84 of this Decree.

Article 5. Survey and assessment of water resources

The activities of survey and assessment of water resources specified in point clause 3 Article 9 of the Law on Water Resources consist of the following:

1. Survey and assessment of surface water resources carried out on natural and artificial rivers, streams, canals, ditches, lakes, ponds and lagoons, including one or more activities below:

a) Survey and assessment of morphological characteristics of rivers, streams, canals, ditches, lakes, ponds and lagoons; survey and assessment of quantity and quality of surface water;

b) Survey and assessment of deterioration, depletion, pollution and salinization of surface water sources;

c) Survey and assessment of carrying capacity of surface water sources;

d) Survey and assessment of minimum flows on rivers and streams; survey and zoning of surface water functions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Survey and assessment of reserves and quality of groundwater on a scale of 1:200.000; 1:100.000; 1:50.000; 1:25.000;

b) Survey and prospecting of groundwater sources;

c) Survey and assessment of deterioration, depletion, pollution and salinization of groundwater sources;

d) Survey and zoning of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation;

dd) Survey and determination of the capacity for artificial recharge of groundwater.

3. Survey and assessment of exploitation and use of water resources and discharge of wastewater into water sources.

4. Survey and determination of list of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation.

5. Survey and assessment in service of making of zoning map for drought and water scarcity risks.

6. The Ministry of Natural Resources and Environment shall carry out survey and assessment of groundwater resources with regard to the following activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Survey and assessment of the activities specified in point b clause 2 and clause 5 of this Article.

7. Every provincial People's Committee shall carry out survey and assessment of groundwater resources with regard to the following activities:

a) Survey and assessment of the activities specified in clause 1, points a and c clause 2, clauses 3 and 4 of this Article on a provincial scale;

b) Survey and assessment of the activities specified in points d and dd clause 2 of this Article.

Article 6. Inventory of water resources

1. Inventory of water resources means the production of statistics on, measurement, calculation, and aggregation according to inventory indicators of water quantity and quality, water exploitation and use and discharge of wastewater into water sources by the time of conducting an inventory.

2. Water resources inventory shall be conducted for natural and artificial water sources; rain water; structures for exploitation and use of surface water, groundwater and seawater; works which discharge wastewater into water sources nationwide. They are classified by river basins and administrative units.

3. Water resources inventory shall be conducted every 05 years nationwide in conformity with the national socio-economic development plan period and comprehensive inter-provincial river basin planning.

When it is time to conduct an inventory, based on resources and water resource fluctuations in the previous inventory period, the Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with other Ministries and ministerial agencies to recommend the Prime Minister to consider and decide to organize an inventory of water resources according to clause 1 of this Article or inventory of several indicators to which a major change is made in comparison with those in the previous inventory period or recommend the results of the adjacent previous inventory period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with other Ministries, related ministerial agencies, local authorities and river basin organizations (if any) in formulating water resources inventory schemes or plans nationwide and submitting them to the Prime Minister for approval; organize inventory of water resources; consolidate and announce inventory results;

b) Every provincial People’s Committee shall organize the conduct of water resources inventory according to the water resources inventory scheme or plan approved by the Prime Minister within its province and send water resources inventory results to the Ministry of Natural Resources and Environment for consolidation.

Article 7. National water resources report and reports on exploitation and use of water resources of provinces, central-affiliated cities and related Ministries

1. National water resources report

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies, river basin organizations (if any) and provincial People's Committees in organizing the formulation and announcement of the national water resources report every 05 years nationwide;

b) Main contents of the national water resources report include an overview of natural, economic and social conditions that impact the exploitation, use and protection of water resources; current status of water resources; current status of exploitation and use of water resources; assessment of deterioration, depletion, and pollution of surface and groundwater sources; nationwide water resources management; propositions (if any).

2. Regarding a report on exploitation and use of water resources of a province or central-affiliated city: on an annual basis, each provincial People’s Committee shall preside over preparing a report on exploitation and use of water resources within its province or central-affiliated city and submit it to the Ministry of Natural Resources and Environment before January 30 of the next year. Main contents of the report exploitation and use of water resources of the province or central-affiliated city are composed of:

a) Current use of water for agriculture, including the following information: number of water resource exploitation structures (reservoirs, roller dams, culverts, pumping stations, drilled wells and other types of exploitation structures) and the changes compared to the previous reporting period; design irrigation area (if any), actual irrigation area; area of aquaculture; areas where water sources are not sufficient for irrigation; design capacity for water storage and actual amount of water stored in reservoirs and roller dams by months of the year;

b) Current supply of domestic water, including the following information: quantity of facilities for supply of urban and rural domestic water (surface water, groundwater); volume of water exploited by structures by water sources; areas frequently experiencing domestic water scarcity;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Number of hydropower works (planned, under construction, in operation) and changes compared to the previous reporting period, installed capacity of hydropower plants; total capacity of hydropower reservoirs;

dd) Areas frequently experiencing drought, water scarcity and pollution;

e) Propositions (if any).

3. Regarding reports on exploitation and use of water resources of related Ministries: on an annual basis, the Ministry of Industry and Trade, Ministry of Agriculture and Rural Development and Ministry of Construction shall, according to their functions and scope of management, organize formulation of reports on exploitation and use of water resources as prescribed in clauses 4, 5 and 6 of this Article to the Ministry of Natural Resources and Environment before January 30 of the next year for consolidation and monitoring.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall prepare a report on exploitation and use of water resources for agricultural production regarding structures under its management, including the following contents:

a) Contents of exploitation and use of water resources for agricultural production, including the following information: number of exploitation structures (reservoirs, roller dams, culverts, pumping stations, drilled wells and other types of exploitation structures) and the changes compared to the previous reporting period; design capacity for water storage and actual amount of water stored in reservoirs and roller dams by months of the year; demands for exploitation and use of water and supply capacity of water sources by months of the year for various purposes;

b) Propositions (if any).

5. According to reports of Departments of Industry and Trade of provinces, the Ministry of Industry and Trade shall prepare a report on exploitation and use of water resources for hydropower and thermal power purposes, including the following contents:

a) Number of hydropower works (in operation), total capacity of hydropower plants, electricity production by months of the year and changes compared to the previous reporting period; volume of water stored in hydropower reservoirs by months of the year for annual or multi-year regulating reservoirs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Propositions (if any).

6. According to reports of Departments of Construction of provinces, the Ministry of Construction shall prepare a report on exploitation and use of water resources regarding urban water supply facilities, industrial parks and industrial clusters, including the following contents:

a) Number of water supply facilities (planned, under construction, in operation);

b) Total exploitation capacity by water sources (surface water, groundwater) in a year;

c) Propositions (if any).

Article 8. Other baseline survey activities

1. Activities of forming and maintaining networks for surface water and groundwater resources monitoring, surface water and groundwater source surveillance, warning and forecasting shall be carried out as follows:

a) The surface water and groundwater resources monitoring networks shall be formed according to planning for baseline survey of water resources, provincial planning and relevant regulations of law;

b) The maintenance and operation of the water resources monitoring network system according to the frequencies, indicators and parameters prescribed in Article 85 of this Decree shall be carried out by the Ministry of Natural Resources and Environment and local authorities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The activity of measuring river or stream cross sections shall be carried out as follows:

a) The measurement of river or stream cross sections shall be carried out every 05 years to service the state management of water resources. Priority is given to the measurement on rivers, streams, river and stream segments with unstable river or stream beds, banks and terraces or with major changes in bed evolutions that affect people's lives and socio-economic development; river or stream segments affected by the exploitation of sand, gravel and other minerals in river or stream bed; river or stream segments affected by reservoir operation.

When it is time to measure river or stream cross sections, based on resources and river or stream bed evolutions, the competent authority shall decide to the measurement of river or stream cross sections;

b) The measurement of river or stream cross sections shall be conducted under a separate scheme or project or integrated into another baseline water resources survey scheme or project.  According to the objectives of the scheme or project, the authority having power to approve the project shall decide to select the number of cross sections, locations of cross sections and frequency of measurement of river or stream cross sections, ensuring inheritance, accuracy and representativeness.

If a location of measurement of river or stream cross section in service of water resources management is identical with the location of measurement of river or stream cross section in service of management of flood control system and natural disaster management, the result of the latter shall be considered and inherited.

3. The activity of assessing the progress in river bed, bank or terrace erosion to service water resources management, including the following main contents:

a) Conducting investigation and determining the river segment or river area where river bed, bank or terrace erosion occurs; determining the scale, degree and causes of river bed, bank or terrace erosion;

b) Compiling a list of river segments and river areas where river bed, bank or terrace erosion occurs, including locations of erosion; maps showing river points, segments and areas where river bed, bank or terrace erosion occurs;

4. The activities of carrying out investigation and survey in service of formulating the groundwater protection plan shall be carried out every 05 years or on an ad hoc basis, ensuring the adequacy of information and data in service of formulation and adjustment of the groundwater protection plan.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The development of water source scenarios, creation and operation of decision support tool systems in service of regulation and distribution of water resources shall comply with the regulations enshrined in this Decree.

Article 9. Funding for activities of baseline survey of water resources

1. State budget for regular expenditures on activities of baseline survey of water resources:

a) Expenditures on economic activities:

Central government budget for expenditures on the tasks performed by ministries and central authorities as specified in this Decree, including: point a clause 1 of Article 5; points a and b clause 2 of Article 5; clauses 3 and 5 of Article 5; Article 6; clauses 1 and 3 of Article 7; points b and c clause 1 of Article 8; development of water source scenarios and operation of a decision support tool system to serve the regulation and distribution of water resources specified in clause 6 of Article 8.

Local government budget for expenditures on the tasks performed by local authorities as specified in this Decree, including: point a clause 1 Article 5; point a clause 2 of Article 5; clause of Article 5; Article 6; clause 2 of Article 7; point b clause 1 of Article 8;

b) Expenditures on environmental protection:

Central government budget for expenditures on the tasks performed by ministries and central authorities specified in this Decree, including: points b, c and d clause 1 of Article 5; point c clause 2 of Article 5; clauses 4 and 5 of Article 5; clauses 2 and 3 of Article 8.

Local government budget for expenditures on the tasks performed by local authorities as specified in this Decree, including: points b, c and d clause 1 of Article 5; points c, d and dd clause 2 of Article 5; clause 4 of Article 5; clauses 2, 3, 4 and 5 of Article 8.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Central government budget for expenditures on the tasks performed by ministries and central authorities as specified in this Decree, including: point a clause 1 Article 8; creation of a decision support tool system in service of regulation and distribution of water resources as specified in clause 6 of Article 8;

b) Local government budget for expenditures on establishment of a water resources monitoring network as specified in point a clause 1 Article 8 of this Decree.

3. Sources of private capital for activities of baseline survey of water resources:

a) Sources of legitimate capital of enterprises, organizations and individuals involved in activities of baseline survey of water resources;

b) Contributions, sponsorships and aids from organizations and individuals under regulations of law;

c) Other revenues in accordance with regulations of law (if any).

The raising of private capital for performance of tasks of baseline survey of water resources specified in this Decree shall comply with regulations of law on natural resources and other relevant regulations of law, except for tasks of baseline survey of water resources related to national defense and security and classified as state secrets.

Section 2. FORMULATION, APPRAISAL, APPROVAL AND ADJUSTMENT OF SPECIALIZED AND TECHNICAL PLANNING FOR WATER RESOURCES

Article 10. General regulations on formulation, appraisal, approval and adjustment of specialized and technical planning for water resources

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



For the planning for protection, exploitation and use of transboundary water sources, it will be formulated with the cooperation between countries sharing water sources and the procedures for formulation, appraisal and approval thereof shall rely on the agreement between countries sharing water sources.

2. The Minister of Natural Resources and Environment shall establish a Planning Task Appraisal Council and Planning Appraisal Council. Specialized water resources authority affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment is a standing body of the Appraisal Council.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall assign the planning authority to formulate planning. The planning authority shall organize the determination of planning tasks and formulation of planning or hire a consultancy to do so.

4. The deadline for determining planning tasks is no more than 09 months from the date on which the task is assigned; deadline for formulating planning is no more than 24 months from the date on which the planning tasks are approved. If extension is needed, the planning authority shall request the Minister of Natural Resources and Environment to decide to extend the deadline by up to 03 months in the case of determination of planning tasks and up to 12 months in the case of formulating planning.

5. The costs of formulating, appraising, approving, announcing, reviewing and adjusting planning shall be covered by the budget for regular expenditures in accordance with regulations of law on state budget or other legal sources of capital.

Article 11. Appraisal of planning tasks

1. A Planning Task Appraisal Council is composed of:

a) Council’s Chairperson, who is a leader of the Ministry of Natural Resources and Environment;

b) Council’s Deputy Chairperson, who is a leader of the specialized water resources authority;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A meeting about appraisal of planning tasks will be conducted if it is attended by at least two thirds (2/3) of the Appraisal Council’s members, including the Chairperson or the Deputy Chairperson, representative standing body of the Appraisal Council and representative of the planning authority.

3. The Appraisal Council’s standing body has the responsibility to:

a) Receive, examine, process and provide applications for appraisal of planning tasks to the Appraisal Council’s members for their examination and contribution of comments;

b) Hold Appraisal Council's meetings and make minutes of meetings;

c) Request the planning authority to adjust, supplement, complete or re-determine planning tasks according to the conclusion given by the Appraisal Council;

d) Organize re-appraisal of planning tasks in case they are not approved.

4. An application for appraisal of planning tasks consists of:

a) An application form for appraisal submitted by the planning authority;

b) A draft proposal for approval of planning tasks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) An explanatory note to planning tasks;

dd) Other documents (if any).

5. Details of planning tasks:

a) Main details of tasks of formulating the comprehensive planning for baseline survey of water resources include: bases for planning formulation; objectives; scope; details of tasks and main solutions for implementation; funding; plan for and progress in formulation of planning; responsibilities of related agencies for formulation of planning;

b) Main details of tasks of formulating the comprehensive inter-provincial river basin planning are specified in Article 15 of the Law on Water Resources.

6. Details of appraisal of planning tasks:

a) Conformity of legal bases;

b) Conformity, scientificity and reliability of planning contents and methods;

c) Conformity of details of planning tasks with cost estimates and capital sources for planning formulation; solutions and resources for planning implementation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. The deadline for appraising planning tasks is no more than 30 days from the date on which the Appraisal Council’s standing body receives a sufficient application for appraisal.

8. Minutes of a meeting about appraisal of planning tasks:

a) A minutes of meeting about appraisal of planning tasks shall explicitly state comments of the Council’s members and conclusions of the Council’s Chairperson;

b) Within 10 days from the date on which the meeting is held, the Appraisal Council’s standing body shall complete the minutes of meeting and send it to the planning authority;

c) Within 15 days from the date on which the minutes of meeting is received, the planning authority shall study, respond to and receive appraisal comments, revise, complete and send the application to the Appraisal Council’s standing body to seek its comments before submission to the Minister of Natural Resources and Environment for approval of planning tasks.

Article 12. Approval of planning tasks

1. The Minister of Natural Resources and Environment shall approve planning tasks.

2. An application for approval of planning tasks includes:

a) An application form for approval of planning tasks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) A minutes of meeting about appraisal of planning tasks enclosed with a statement of explanation and responses to comments of the Council's members;

d) Other documents (if any).

3. A decision on approval of planning tasks primarily consists of the following details:

a) For the comprehensive planning for baseline survey of water resources: name of the planning, planning period, scope and objectives of the planning; details, tasks and main solutions for implementation; composition, quantity, standards and specifications of planning dossier; requirements for diagrams, maps, information and data (if any); funding for formulation of planning; implementary organization;

b) For the comprehensive inter-provincial river basin planning: name of the planning, planning period, scope of the planning; requirements for viewpoints, objectives and principles of formulating planning; requirements for planning details and methods for planning formulation; regulations on composition, quantity and standards, requirements for diagrams, maps, information and data (if any); specifications of planning dossier; funding for formulation of planning; implementary organization.

Article 13. Formulation of planning

1. According to the approved planning tasks, the planning authority shall develop contents of the comprehensive planning for baseline survey of water resources as prescribed in point b clause 4 Article 9 of the Law on Water Resources and contents of the comprehensive inter-provincial river basin planning as prescribed in Article 16 of the Law on Water Resources and complete the planning dossier as prescribed in clause 2 of this Article.

For the comprehensive inter-provincial river basin planning, the planning authority shall prepare a strategic environmental assessment report in accordance with regulations of law on environmental protection. The strategic environmental assessment report shall be prepared and appraised together with the formulation and appraisal of the planning.

2. A planning dossier includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Summary report;

c) A draft proposal for approval of planning;

d) A draft decision on approval of planning;

dd) Diagrams and maps of the planning; map scale regarding comprehensive inter-provincial river basin planning as specified in the Appendix I of this Decree;

e) Approved planning tasks;

g) Other relevant documents (if any);

h) A strategic environmental assessment report regarding the comprehensive inter-provincial river basin planning.

Article 14. Collecting comments on planning

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall send the planning dossier prescribed in clause 2 Article 13 of this Decree to collect comments before organizing appraisal of planning. Comments on contents of the draft planning, except for those related to state secrets as prescribed by law shall be collected.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Ministries and ministerial agencies: Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Construction, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Transport, Ministry of Culture, Sports and Tourism, Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, relevant Ministries and ministerial agencies;

b) Provincial People’s Committees within the scope of the planning;

c) River basin organization (if any);

d) For the comprehensive inter-provincial river basin planning, apart from collecting comments of the entities specified in points a, b and c of this clause, it is required to collect comments of the authority appraising the strategic environmental assessment in accordance with regulations of law on environmental protection and several organizations and individuals exploiting and using water on large scale, including reservoirs, facilities for water storage and water source development having capacity for annual or multi-year regulation; facilities for water regulation and exploitation having inter-regional or inter-provincial impacts or great impacts on water sources.

3. The enquired agencies, organizations and individuals specified in clause 2 of this Article shall give written responses within 30 days from the date on which the enquiry about the planning is received.

4. The planning dossier must be posted within at least 30 days on the web portal of the Ministry of Natural Resources and Environment (except for contents related to state secrets as prescribed by law) to collect comments from organizations and individuals.

5. The planning authority shall complete the application for appraisal of planning and submit it to the Planning Appraisal Council.

Article 15. Planning Appraisal Council

1. A Planning Appraisal Council is composed of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Council’s Deputy Chairperson, who is a leader of the specialized water resources authority;

c) Other Council’s members, including representatives of the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Construction, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Transport, Ministry of Culture, Sports and Tourism; representative of the Appraisal Council’s standing body; representative of the related river basin organization (if any); representative of the provincial People's Committee within the scope of the planning, water resources experts, other relevant agencies and units decided by the Minister of Natural Resources and Environment;

There must be at least 02 Council’s members acting as reviewers. For the comprehensive inter-provincial river basin planning, there must be 01 more member acting as a reviewer, who is a representative of the authority appraising the strategic environmental assessment report as prescribed by law.

2. Responsibilities and powers of the Appraisal Council:

a) The Council’s Chairperson shall take responsibility for activities of the Appraisal Council; hold and chair meetings of the Appraisal Council or authorize the Deputy Chairperson to perform the tasks within the power and responsibility of the Council’s Chairperson;

b) Reviewers shall attend meetings of the Appraisal Council; examine applications for appraisal of planning; send their written comments to the Appraisal Council’s standing body prior to each Appraisal Council’s meeting; make their comments at the meeting of the Planning Appraisal Council about contents within the scope of their expertise and general issues; review responses and explanations in the planning dossier according to the Planning Appraisal Council’s minutes; be responsible to the Council’s Chairperson and the law for their comments on the applications for appraisal of planning;

c) Council’s members shall attend meetings of the Appraisal Council; examine applications for appraisal of planning; make written comments at meetings of the Appraisal Council.

3. The Appraisal Council’s standing body has the responsibility to:

a) Receive, examine, process and provide applications for appraisal of planning to the Appraisal Council’s members for their examination and contribution of comments;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Make draft minutes of Appraisal Council's meetings and submit them to the Council's Chairperson for his/her consideration and decision.

Article 16. Details of appraisal of planning

1. For the comprehensive planning for baseline survey of water resources:

a) Its conformity with approved planning tasks, conformity with regulations of law on planning;

b) Assessment of results of planning implementation in the previous period; requirements for information and data on natural resources, exploitation and use of water resources nationwide;

c) Feasibility of proposed activities of baseline survey of water resources, order of priority given to the conduct thereof during the planning period and water resources monitoring network; conformity of list of transboundary surface water sources, list of inter-provincial water sources, list of groundwater sources;

d) Solutions, funding, plans for and progress in implementation of the planning.

2. For the comprehensive inter-provincial river basin planning:

a) Conformity with approved planning tasks, conformity with regulations of law on planning and other relevant regulations of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Water resources changes, exploitation, use and protection of water resources; protection and development of water generation sources; prevention of, response to and recovery from damage caused by water;

d) Zoning of water source functions; areas frequently experiencing drought and water scarcity; minimum flows; threshold and volume of water that can be exploited from water sources; water resource issues that need to be resolved during the planning period;

dd) Viewpoints and goals of the planning; orientations for regulation, distribution and protection of water resources; prevention of, response to and recovery from damage caused by water and other characteristics of river basins; assessment of conformity of contents, specifications, diagrams and maps of the planning;

e) Areas and water sources to which priority is given to formulate detailed planning;

g) Solutions, funding, plans for and progress in implementation of the planning;

h) Details of appraisal of the strategic environmental assessment report in accordance with regulations of law on environmental protection.

Article 17. Organizing appraisal of planning

1. The planning authority shall send planning appraisal documentation to the Planning Appraisal Council’s members through the Appraisal Council’s standing body.

2. The planning appraisal documentation includes the planning dossier specified in clause 2 Article 13 of this Decree which has been revised based on comments, enclosed with a consolidated sheet of responses and explanations for comments and photocopies of comments of agencies, organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. A meeting about appraisal of planning will be conducted if it is attended by at least two thirds (2/3) of the appraisal council’s members, including the Chairperson or the Deputy Chairperson and at least 01 reviewer. For the comprehensive inter-provincial river basin planning, there must be 01 more member acting as a reviewer, who is a representative of the authority appraising the strategic environmental assessment report; representative of the Appraisal Council’s standing body and representative of the planning authority.

5. The documentation for formulation of planning shall be completed and sent to the Appraisal Council:

a) If the planning (and revisions thereto, if any) is approved by the Appraisal Council, within 30 days from the date on which the planning appraisal result report is received, the planning authority shall complete and send the documentation to the Appraisal Council’s standing body to seek its comments before reporting to the Minister of Natural Resources and Environment for consideration and decision on submission to the Prime Minister for approval of the planning.

b) If the planning is not approved by the Appraisal Council, within 90 days from the date on which the planning appraisal result report is received, the planning authority shall complete and send the documentation to the Appraisal Council’s standing body for reporting to the Ministry of Natural Resources and Environment for re-appraisal in accordance with the planning approval procedures of this Decree.

Article 18. Approval of planning

1. The Minister of Natural Resources and Environment shall submit an application to the Prime Minister for approval of planning.

2. An application for approval of planning includes:

a) An application form for approval of planning;

b) Prime Minister’s draft Decision on approval of planning, primarily containing: planning period, scope and subjects of the planning; viewpoints, objectives and contents of the planning, solutions and funding for formulation of planning, and implementary organization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) A consolidated sheet of responses and explanations for comments and photocopies of comments of agencies, organizations and individuals;

dd) An explanatory report on the revised and completed planning;

e) Diagrams and maps of the planning;

g) Other documents (if any);

h) For the comprehensive inter-provincial river basin planning dossier, a strategic environmental assessment in accordance with regulations of law on environmental protection is required.

Article 19. Review and adjustment of planning

1. In case of changing the requirements for information and data on water resources, exploitation and use of water resources nationwide so as to meet the demands for water resources management, the Ministry of Natural Resources and Environment shall recommend the Prime Minister to adjust the comprehensive planning for baseline survey of water resources. Procedures for collecting comments, appraising and approving adjustments to the planning are the same as those for formulating the comprehensive planning for baseline survey of water resources.

2. The review and adjustment of the comprehensive inter-provincial river basin planning shall be carried out as prescribed in Article 19 of the Law on Water Resources. The local adjustment specified in clause 4 Article 19 of the Law on Water Resources shall be made in the following cases:

a) Change of details of zoning of water source functions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Change of water sources and backup facilities for supply of domestic water;

d) Addition or adjustment of structures for water source protection and minimization of damage caused by water

dd) Addition or adjustment of areas or water sources to which priority is given to formulate a detailed plan containing the following contents: regulation, distribution, exploitation and use of water resources; protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water;

e) Change of order of priority for regulation and distribution of water resources in the case of drought or water scarcity to industries, localities, and entities exploiting and using water resources.

3. Procedures for making local adjustments to the comprehensive inter-provincial river basin planning as prescribed in clause 2 of this Article shall be initiated as follows:

a) A Ministry, ministerial agency or provincial People’s Committee shall, within the scope of its functions and tasks, submit an application for adjustment to the Ministry of Natural Resources and Environment for appraisal;

b) The application for adjustment consists of a written request for adjustment; an explanatory report on the request for adjustment; other documents (if any).

The explanatory report on the request for adjustment must explicitly justify and explain the bases, scale and scope of the request for adjustment; explain and include information and data to prove that the adjustment does not change the viewpoints, objectives, and main contents of the comprehensive inter-provincial river basin planning approved by the Prime Minister;

c) The Ministry of Natural Resources and Environment shall collect comments on the application for adjustment of the planning from Ministries, ministerial agencies, river basin organization (if any) and relevant local authorities as prescribed in clause 2 Article 14 of this Decree. Where necessary, the Ministry of Natural Resources and Environment shall collect comments of some experts, hold meetings with related agencies and units and experts to obtain their comments before considering and deciding the adjustment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 20. List of inter-provincial river basins for which planning is required

River basins for which the comprehensive inter-provincial river basin planning is required include:

1. Bang Giang - Ky Cung river basin and its vicinity.

2. Red - Thai Binh river basin and its vicinity.

3. Ma river basin and its vicinity.

4. Ca river basin and its vicinity.

5. Huong river basin and its vicinity.

6. Vu Gia - Thu Bon river basin and its vicinity.

7. Tra Khuc river basin and its vicinity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Kon - Ha Thanh river basin and its vicinity.

10. Se San river basin and its vicinity.

11. Srepok river basin and its vicinity.

12. Dong Nai river basin and its vicinity.

13. Cuu Long river basin and its vicinity.

14. Coastal river basins of Quang Ninh province.

15. Coastal river basins of Quang Binh and Quang Tri provinces.

16. Coastal river basins of the South Central Coast.

Chapter III

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. ESTABLISHMENT AND MANAGEMENT OF WATER SOURCE PROTECTION CORRIDORS

Article 21. Water sources requiring protection corridors

1. Water sources requiring protection corridors include those specified in clause 2 Article 23 of the Law on Water Resources.

2. Water sources requiring protection corridors specified in point c clause 2 Article 23 of the Law on Water Resources include lakes, ponds and lagoons on the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation with a surface water area of at least 02 ha.

According to current local situation, the provincial People’s Committee shall decide to include lakes, ponds and lagoons on the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation with a surface water area of at least 02 ha in the List of water sources requiring protection corridors.

3. The water sources requiring protection corridors specified in point d clause 2 Article 23 of the Law on Water Resources consist of:

a) River, stream, canal and ditch segments, which are sources of supply of water to domestic and production water supply facilities;

b) River and stream segments, which suffer from or are prone to erosion;

c) Inter-district and inter-provincial rivers, streams, canals and ditches, which are drainage channels for urban areas, high density residential areas, industrial parks and industrial clusters;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Rivers, streams, canals and ditches in relation to livelihoods of residential communities living along rivers.

Article 22. Bases for determination of water source protection corridors

1. Functions of water source protection corridors.

2. Topographic, geological, hydrogeological, environmental and ecological characteristics; river, stream, canal and ditch bed and bank evolutions.

3. Current land use, land use planning, economic, cultural and social activities in areas along water sources.

4. Specific regulations on perimeters of water source protection corridors specified in Articles 23, 24 and 25 of this Decree.

Article 23. Perimeters of water source protection corridors for hydropower and irrigation dams and reservoirs and other reservoirs on rivers and streams

1. For a hydropower reservoir having a total capacity greater than one billion cubic meters (1,000,000,000 m³) or with a total capacity from ten million cubic meters (10,000,000 m³) to one billion cubic meters (1,000,000,000 m³) but located in a high density residential area or area where national defense and security works exist, the perimeter of the water source protection corridor shall extend from the reservoir margin with its elevation equal to the highest water level corresponding to the design flood to the reservoir margin with its elevation equal to the reservoir bed ground clearance elevation.

2. For a hydropower reservoir other than that specified in clause 1 of this Article and other reservoirs on rivers and streams, the perimeter of the water source protection corridor shall extend from the reservoir margin with its elevation equal to the crest elevation to the reservoir margin with its elevation equal to the reservoir bed ground clearance elevation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 24. Perimeters of water source protection corridors for rivers, streams, canals and ditches

1. For a river, stream, canal or ditch protection corridor having the function of maintaining the bank stability, preventing and combating the encroachment upon land along the water source, the perimeter of the water source protection corridor shall be:

a) At least 10 m from the bank edge for the segment of the river, stream, canal or ditch flowing through urban areas or high density residential areas or planned for construction of an urban area or high density residential area;

b) At least 05 m from the bank edge for the segment of the river, stream, canal or ditch not flowing through urban areas or high density residential areas;

c) If a river, stream, canal or ditch segment suffers from erosion or is prone to erosion, the provincial People’s Committee shall rely on the bed evolutions and status of the erosion to decide the protection corridor to ensure the safety of the people and their property, minimize the causes of bank erosion and maintain the bank stability.

2. For a river, stream, canal or ditch protection corridor having the function of preventing and combating activities threatening to pollute and deteriorate the water source, the perimeter of the water source protection corridor shall be:

a) At least 20 m from the bank edge for the segment of the river, stream, canal or ditch flowing through urban areas or high density residential areas or planned for construction of an urban area or high density residential area;

b) At least 15 m from the bank edge for the segment of the river, stream, canal or ditch not flowing through urban areas or high density residential areas.

3. For a river, stream, canal or ditch protection corridor having the function of maintaining the development of aquatic ecosystems, flora and fauna along the water source, the perimeter of the water source protection corridor shall be at least 30 m from the bank edge or cover the entire wetland of the river, stream, canal or ditch.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. If a river, stream, canal or ditch has been embanked, the provincial People’s Committee shall consider and decide a perimeter of the water source protection corridor which must be shorter than the minimum perimeter specified in clauses 1, 2 and 3 of this Article.

6. If the water source protection corridor has two functions or more, the wider minimum perimeter shall apply.

7. In case the water source protection corridors defined in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article are located on the segments of the river, stream, canal or ditch along which dykes, railway lines, roads, waterways or other infrastructural facilities exist, the maximum perimeter of these water source protection corridors must not transcend the boundary marker of the dyke protection corridors close to the river or of the safety corridor of such facilities close to the bank.

8. In case a canal or ditch is within the system of a hydraulic structure, the perimeter and boundary marker of the water source protection corridors shall be the boundary marker of the hydraulic structure protection corridor.

9. In case a river, stream, canal or ditch is located within a nature reserve or within the protection perimeter of a historical and cultural site, regulations of law on nature conservation and protection of historical and cultural sites shall be complied with.

Article 25. Water source protection corridors for lakes, ponds and lagoons on the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation and other water sources

1. For lakes, ponds and lagoons on the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation and other water sources, the perimeter of the water source protection corridor must not be shorter than 10 m from the bank edge, except for the cases specified in clauses 2, 3 and 4 of this Article. For hydropower and irrigation reservoirs on the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation, the perimeter shall be determined as prescribed in Article 23 of this Decree.

2. For natural lagoons and water sources related to religious activities, practices of folk beliefs, high biodiversity, cultural conservation, and protection and development of ecosystems, the perimeter of the water source protection corridor shall not be shorter than 30 m from the bank edge.

3. In case a water source is located within a nature reserve or within the protection perimeter of a historical and cultural site, regulations of law on nature conservation and protection of historical and cultural sites shall be complied with.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 26. Compilation, announcement and adjustment of List of water sources requiring protection corridors

1. A List of water sources requiring protection corridors primarily contains the following:

a) Names and administrative divisions of the water sources requiring protection corridors;

b) Functions of water source protection corridors. Functions of a water source protection corridor shall be determined for the entire corridor or each corridor segment according to requirements for water source protection;

c) Perimeters of water source protection corridors; coordinates of vertices of water source protection corridors;

d) A List of water sources for which the planting of boundary markers of protection corridors is required as prescribed in clause 2 Article 28 and clause 1 Article 29 of this Decree and a plan to plant boundary markers of protection corridors.

Priority is given to planting of boundary markers for water sources in urban areas, high density residential areas, on river or stream segments which suffer from erosion or is prone to erosion in order to prevent and combat the encroachment upon land along the water source, maintain the bank stability and prevent risks of polluting and deteriorating the water sources.

2. The List of water source protection corridors must fully contain information and data so as to show perimeters of water source protection corridors on cadastral maps or current land use maps in areas as per regulations of law on land.

3. Compilation and announcement of a List of water sources requiring protection corridors:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The documentation submitted for comments includes a draft Proposal; draft Decision on approval of List of water sources requiring protection corridors and other relevant documents.

The draft Proposal must contain the following main contents: explanatory notes to the selection of water sources requiring protection corridors; bases for determining function of each protection corridors; process of compiling the List;

b) The Department of Natural Resources and Environment shall complete the application based on the comments of the units, agencies, organizations and individuals specified in point a of this clause and submit it to the provincial People’s Committee for consideration and approval.

The application is composed of a Proposal; draft Decision on approval of List of water sources requiring protection corridors, consolidate sheet and photocopies of comments of the units, agencies, organizations and individuals specified in point a of this clause and other relevant documents.

c) Within 15 days from the date of approval, the Department of Natural Resources and Environment shall announce the List of water sources requiring protection corridors on mass media, post it on its web portal, notify it to the district-level People's Committee and openly post it at the headquarters of the People's Committee of a commune, ward or commune-level town (hereinafter referred to as “communal People's Committee”) where water sources requiring protection corridors exist.

4. If it is needed to adjust the List of water sources requiring protection corridors or adjust approved perimeters of water source protection corridors, the Department of Natural Resources and Environment shall carry out review and assessment and collect comments from the Department of Agriculture and Rural Development, Department of Industry and Trade, Department of Construction, Department of Transport, relevant departments and district-level People's Committees, consolidate such comments and submit them to the provincial People's Committee for consideration and decision on adjustment of the List of water sources requiring protection corridors.

The adjustment of the List of water sources requiring protection corridors or adjustment of perimeters of water source protection corridors shall be made as in the case of compiling and announcing List of water sources requiring protection corridors as prescribed in clause 3 of this Article.

Article 27. Showing perimeters of water source protection corridors on cadastral maps

1. According to corridor perimeters on the approved List of water sources requiring protection corridors, the Department of Natural Resources and Environment shall cooperate with district-level People’s Committees and communal People’s Committees in determining boundary markers of water source protection corridors on cadastral maps regarding areas for which cadastral maps are available. If cadastral maps are unavailable, perimeters of water source protection corridors shall be shown on current land use maps and included in the land use planning; update and add boundary markers of water source protection corridors after cadastral maps are made.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Boundary markers of water source protection corridors on cadastral maps shall be managed and announced as per regulations of law on land.

Article 28. Planting boundary markers of water source protection corridors for hydropower and irrigation dams and reservoirs

1. The planting of boundary markers of water source protection corridors for irrigation dams and reservoirs shall comply with regulations of law on planting of boundary markers of hydraulic structure protection perimeters prescribed by the law on irrigation.

2. The planting of boundary markers of water source protection corridors shall be carried out for hydropower reservoirs with a total capacity of one million cubic meters (1,000,000 m³) or more. It is advisable to plant boundary markers of water source protection corridors for hydropower reservoirs with a total capacity of less than one million cubic meters (1,000,000 m³). The planting and transfer of boundary markers of water source protection corridors for hydropower reservoirs shall be completed before storing water at reservoirs.

3. Any organization managing and operating a hydropower reservoir specified in clause 2 of this Article shall preside over and cooperate with the People’s Committee of the district where the reservoir is located in formulating a plan to plant boundary markers of protection corridor of the reservoir's water source, which mainly consists of the following contents:

a) Basic parameters of the reservoir;

b) Current management and use of land around the reservoir;

c) Determination of specific perimeter of the water source protection corridor on the site plan;

d) Coordinates and administrative locations of boundary markers and distance between boundary markers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Progress in planting and transfer of boundary markers, funding therefor.

4. Procedures for appraising and approving the plan to plant boundary markers of protection corridor of the hydropower reservoir’s water source:

a) Receive and inspect the plan:

The organization managing and operating the reservoir shall submit 01 plan to plant boundary markers of water source protection corridor in person or by post or online via a public service portal to the Single Window System or Public Administrative Service Center of the provincial People’s Committee. If the Single Window System or Public Administrative Service Center has yet to be established, the Department of Natural Resources and Environment shall receive the plan.

Within 07 working days from the date on which the plan to plant boundary markers of water source protection corridor is received, the Department of Natural Resources and Environment shall consider and inspect the plan. If the plan fails to satisfy the requirements set out in clause 3 of this Article, the Department of Natural Resources and Environment shall notify the organization managing and operating the reservoir so as for it to complete the plan;

b) Appraise the plan to plant boundary markers of protection corridor of the hydropower reservoir’s water source:

Within 42 days from the date of receiving a satisfactory plan as prescribed, the Department of Natural Resources and Environment shall collect comments of the Department of Industry and Trade, Department of Agriculture and Rural Development and People’s Committee of the district where the reservoir is located, related agencies and units; carry out a site inspection where necessary, request the provincial People's Committee to establish a council for appraisal of the plan.

Within 07 working days, the enquired agencies shall give their written responses to the Department of Natural Resources and Environment. The Department of Natural Resources and Environment shall consolidate those comments and send them to the organization managing and operating the reservoir so as for it to complete the plan. The organization managing and operating the reservoir shall receive and respond to the comments and complete the plan. The time needed to supplement and complete the plan shall not be included in the appraisal time.

Where the plan is satisfactory, the Department of Natural Resources and Environment shall approve the plan to plant boundary markers; where the plan is unsatisfactory for approval, it shall return the plan to the organization managing and operating the reservoir and notify it in writing of the reasons for failure to grant approval;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



According to actual conditions of each locality, the provincial People's Committee shall transfer boundary markers to the People’s Committee of the district or commune where the hydropower reservoir is located for management and protection.

6. Funding for planting of boundary markers of water source protection corridors for hydropower reservoirs shall be covered by organizations managing and operating hydropower reservoirs; funding for planting of boundary markers of water source protection corridors for irrigation dams and reservoirs shall comply with regulations of law on irrigation.

7. If a hydropower reservoir is located in 02 provinces or more, the planting of boundary markers of water source protection corridor as prescribed in clauses 1 through 6 of this Article shall be carried out in each province.

Article 29. Planting boundary markers of water source protection corridors for other water sources

1. The planting of boundary markers of water source protection corridors shall be only carried out for areas for which cadastral maps are unavailable and in any of the following cases:

a) Any river, stream, canal or ditch segment suffers from erosion or there is a structure for exploitation of water for supply of water for domestic use with a capacity of 5,000 m3/24 hours;

b) Any water source specified in clause 2 Article 21 of this Decree suffers from erosion or there is a structure for exploitation of water for supply of water for domestic use with a capacity of 5,000 m3/24 hours.

2. On an annual basis, according to the plan to plant boundary markers of corridors on the approved List of water sources requiring protection corridors, the Department of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the district-level People’s Committee in submitting a plan to plant boundary markers of water source protection corridors within its district to the provincial People’s Committee for approval.

3. The plan to plant boundary markers of a water source protection corridor primarily contains the following:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Coordinates and administrative locations of boundary markers and distance between boundary markers;

c) A compensation, land clearance and resettlement plan (if any);

d) A plan to organize and mobilize supplies, materials, equipment, human resources and technical solutions for planting on site;

dd) A detailed estimate of the costs of planting;

e) Progress in planting and transfer of boundary markers;

g) Authority planting boundary markers; authority receiving boundary markers for management and protection.

4. The planting of boundary markers of water source protection corridors shall adhere to technical guidelines of the Ministry of Natural Resources and Environment. If boundary markers of protection corridors of water sources of rivers, streams, canals and ditches are identical with boundary markers of channel protection corridors or with boundary markers of dyke protection corridors, it is required to use boundary markers of channel protection corridors in accordance with regulations of law on inland waterway traffic or boundary markers of dyke protection corridors in accordance with regulations of law on flood control system.

Within 10 days from the date of completing the boundary marker planting, the authority assigned to plant boundary markers shall transfer boundary markers to the authority receiving boundary markers for management and protection.

5. Funding for planting of boundary markers of water source protection corridors as prescribed in this Article shall be covered by the local government budget, budget for expenditures on environmental protection or sources of private capital and other legal sources of capital in accordance with regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Agencies, organizations, residential communities, households and individuals living, conducting production and business activities and providing services within water source protection corridors shall comply with the regulations set out in clauses 7 and 8 Article 23 of the Law on Water Resources.

2. The use of land within water source protection corridors shall comply with regulations of law on land.

Article 31. Responsibilities of the Ministry of Natural Resources and Environment and People’s Committees at all levels

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall instruct and direct localities to establish and manage water source protection corridors as per regulations of this Decree.

2. Every provincial People's Committee shall:

a) Direct and organize the formulation and approval of the List of water sources requiring protection corridors and plans to plant boundary markers of water source protection corridors; organize the implementation thereof and transfer boundary markers for management and protection in its province;

b) Organize the communication and dissemination of regulations on management of water resource protection corridors in its province; carry out audit and inspect, and impose penalties for violations against the law on establishment and management of water source protection corridors in its province;

c) Allocate a budget for compiling the List of water sources requiring protection corridors in its province and budget for planting of boundary markers of water source protection corridors in the annual estimated local government budget in line with regulations of law on state budget;

d) Direct the Department of Natural Resources and Environment to update the database of water source protection corridors to the national water resources information system and database.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Organize the management and protection of boundary markers of water source protection corridors as directed by the provincial People’s Committee; supervise activities within water source protection corridors;

b) Cooperate with the Department of Natural Resources and Environment in compiling the List of water sources requiring protection corridors; showing boundary markers of water source protection corridors in its district or commune on cadastral maps;

c) Cooperate with organizations and individuals operating hydropower reservoirs in formulating a plan to plant boundary markers, determining protection corridors of the hydropower reservoirs’ water source in its district or commune and planting boundary markers on site after the plan to plant boundary markers is approved.

Section 2. GROUNDWATER EXPLOITATION THRESHOLD AND ZONING OF AREAS PROHIBITED AND RESTRICTED FROM GROUNDWATER EXPLOITATION

Article 32. Determination of groundwater exploitation threshold

1. Groundwater exploitation threshold is expressed as the permissible limit on exploitable water level of exploitable water of each aquifer in each area and is calculated on the basis of the permissible limit on exploitable water level of the aquifer specified in clause 2 of this Article.

The groundwater exploitation threshold shall be stipulated under comprehensive inter-provincial river basin planning. If the comprehensive inter-provincial river basin planning has been approved but has yet to stipulate a groundwater exploitation threshold, the threshold may be reviewed, updated and supplemented when adjusting the planning.

2. The permissible limit on exploitable water level of an aquifer is the maximum depth of the pumping water level allowed to be exploited in wells of a groundwater exploitation structure. The permissible limit on exploitable water level of an aquifer shall extend from the ground in the area surrounding the well to half the thickness of the unconfined aquifer or to the roof of the confined aquifer but must not exceed the prescribed distance below:

a) Regarding porous aquifers in localities in the Red River Delta: 35 m for metropolitan area of Hanoi City and other cities and district-level towns; 30 m for the remaining areas;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Regarding porous aquifers in the regions other than those specified in points a and b of this clause: 30 m;

d) Regarding basalt and karst aquifers in localities in the Central Highlands and other localities: 50 m.

Article 33. Classification of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation

1. Areas prohibited from groundwater exploitation shall be zoned off regarding the areas where land subsidence has occurred mentioned in point b clause 5 Article 31 of the Law on Water Resources.

2. Areas restricted from groundwater exploitation consist of the following:

a) Restricted areas 1, including areas at risk of land subsidence mentioned in point b clause 5 Article 31 of the Law on Water Resources; areas where groundwater sources are at risk of suffering from saltwater intrusion mentioned in point c clause 5 Article 31 of the Law on Water Resources.

An area at risk of land subsidence is the area adjacent to the area where land subsidence has occurred prescribed in clause 1 of this Article; an area at risk of suffering from saltwater intrusion is the area adjacent to the area suffering from saltwater intrusion with the total dissolved solids of 1,500 mg/l or more;

b) Restricted areas 2, including areas where the groundwater level is declining continuously and at risk of exceeding the groundwater exploitation threshold mentioned in point a clause 5 Article 31 of the Law on Water Resources.

An area where the groundwater level is declining continuously and at risk of exceeding the groundwater exploitation threshold mentioned is the area where the average pumping water level in a exploitation well in 06 months of the dry season has declined for 03 consecutive years and exceeds 95% of the permissible limit on exploitable water level of the aquifer specified in clause 2 Article 32 of this Decree, except where a drilled well is seriously deteriorated resulting in the pumping water level being excessively lowered .

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 34. Rules for zoning off areas prohibited and restricted from groundwater exploitation and applying measures to restrict groundwater exploitation

1. Rules for zoning off areas prohibited and restricted from groundwater exploitation:

a) It is required to ensure the suitability with the size and nature of areas where land subsidence has occurred or at risk of land subsidence; areas at risk of suffering from saltwater intrusion; areas where the groundwater level is declining continuously and at risk of exceeding the groundwater exploitation threshold, characteristics of aquifers; comply with technical regulations and related techno-economic norms;

b) Boundaries of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation shall be shown on a zoning map of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation which is made on the basis of an administrative or topographic map on the same scale;

c) It is required to properly fulfill specific zoning criteria applicable to each aquifer, each region, each area prohibited or restricted from groundwater exploitation according to regulations of this Decree and other relevant regulations of law, and ensure openness and transparency.

The zoned-off range of the areas prohibited and restricted from groundwater exploitation shall not be extended in excess of the range prescribed in this Decree. If any groundwater source has been restored, it may be considered to be removed from the list of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation;

d) Areas prohibited and restricted from groundwater exploitation in each locality and in adjacent localities (if any) must be zoned off in a uniform manner;

dd) Information and data used to form a basis for zoning off areas prohibited and restricted from groundwater exploitation must be adequate, explicit, accurate and truthful. Areas prohibited and restricted from groundwater exploitation shall be zoned off only when information and data are adequate. Such information and data shall also be reviewed and updated by the time of zoning off.

2. Rules for applying measures to prohibit and restrict groundwater exploitation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) It is required to properly adopt measures to restrict groundwater exploitation applicable to each region, each area prohibited or restricted from groundwater exploitation and follow the sequence of applying such measures to each entity and case as prescribed in this Decree. Groundwater exploitation restriction measures other than those specified in this Decree shall not be applied;

c) Priority shall be given to the supply of water for domestic use, natural disaster management and fire prevention and fighting;

d) The implementation of the groundwater exploitation restriction measures shall adhere to an approved appropriate plan or roadmap without interrupting the water supply, except where an incident occurs and leads to land subsidence or an emergency arises and results in handling and sealing of wells;

dd) Where the application of measures to prohibit or restrict groundwater exploitation involves well sealing, regulations of the Ministry of Natural Resources and Environment on handling and sealing of unused wells shall be complied with; in case of involving the issuance, extension, adjustment, revoke and re-issuance of a water resource exploitation permit, regulations of law on water resources shall be complied with;

e) The prohibition of groundwater exploitation shall apply to every organization or individual exploring and exploiting groundwater; the restriction of groundwater exploitation shall only apply to every organization or individual exploring and exploiting groundwater required to obtain the groundwater exploration permit and groundwater exploitation permit or required to register the groundwater exploitation as prescribed and shall not apply in the case of declaring exploitation and use of groundwater for domestic use by households and the activities specified in point c of this clause.

3. If it is discovered that the zoning off of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation or the adoption of groundwater exploitation prohibition and restriction measures fails to satisfy the criteria set out in this Decree, the implementation of those measures shall be suspended for review and appropriate adjustments.

Article 35. Zoning off and applying measures in areas prohibited from groundwater exploitation

1. An area prohibited from groundwater exploitation shall cover the entire area of the area where land subsidence has occurred mentioned in clause 1 Article 33 of this Decree.

2. For the area specified in clause 1 of this Article, the groundwater exploration, construction of groundwater exploitation structures, including the exploitation and use of groundwater for domestic use by households are all prohibited. For the groundwater exploitation structure in operation, the following measures shall be adopted:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In case the structure has not been issued with a groundwater exploitation permit or the groundwater exploitation has not been registered, it is required to suspend the exploitation and the regulatory body shall impose penalties for the exploitation of groundwater without a permit within its power and request the well sealing according to regulations;

c) In case of exploiting water for domestic use by households, wells shall be sealed after another water source is available.

Article 36. Zoning off and applying measures in areas restricted from groundwater exploitation

1. Zoned-off range of Restricted area 1 is prescribed as follows:

a) An area at risk of land subsidence shall have a range not exceeding 500 m from the margin of the area prohibited from groundwater exploitation specified in clause 1 Article 35 of this Decree;

b) An area where groundwater sources are at risk of suffering from saltwater intrusion shall have a range not exceeding 1,000 km from the area suffering from saltwater intrusion.

2. Zoned-off range of Restricted area 2 is prescribed as follows:

a) Not exceeding 200 m from the well’s mouth for a groundwater exploitation structure having a capacity from 10 m3/24 hours to less than 200 m3/24 hours;

b) Not exceeding 500 m from the well’s mouth for a groundwater exploitation structure having a capacity from 200 m3/24 hours to less than 3,000 m3/24 hours;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In addition to carry out zoning off around a well, exploitation aquifer of the well or depth of the exploitation well shall be determined to form a basis for determining the aquifer or depth at which the exploitation needs to be restricted.

In the case where there are restricted areas which are no more than 500 m apart in the same aquifer or at the same exploitation depth upon carrying out zoning off as prescribed in this clause, they shall be combined into one restricted area.

3. The zoned-off range of Mixed restricted area shall be determined by way of consolidating results of zoning off of restricted zones and areas as prescribed in clauses 1 and 2 of this Article. If restricted areas overlap, the overlapped area shall be zoned off in the Mixed restricted area.

4. Exploitation restriction measures in areas restricted from groundwater exploitation:

a) The registration and issuance of the groundwater exploration permit or groundwater exploitation permit for construction of a new groundwater exploitation structure (except for drilling for replacement of wells of the structure that has been issued with a permit according to regulations) shall not be approved and the groundwater exploitation restriction measures specified in points b, c and d of this clause shall apply to existing structures;

b) In case a structure is exploiting groundwater without a groundwater exploitation permit or the registration of groundwater exploitation has not been registered, it is required to suspend the exploitation and the regulatory body shall impose penalties for the exploitation of groundwater without a permit within its power.

Wells must be sealed as prescribed in the cases specified in this point, except for the case specified in point d of this clause;

c) In case a structure has been issued with a permit for exploitation and use of groundwater or a groundwater exploitation permit, the exploitation shall continue until the expiry date of the permit and the issuance, extension, adjustment or re-issuance of the permit may be considered but the previously permitted exploitation capacity shall not be exceeded; in case the structure has been registered, the exploitation may continue but the registered capacity is not permitted to be increased;

d) The structure which is exploiting groundwater for supply of water for domestic use required to be issued with the groundwater exploitation permit or required to be registered but not having a permit or having yet to be registered may be considered to be issued with the exploitation permit or registered if it is eligible to be issued with the permit or registered as per regulations of law on water resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 37. Making List and Map of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation

1. Pursuant to the regulations set forth in Articles 33 through 36 of this Decree, each Department of Natural Resources and Environment shall carry out investigation, produce statistics on, aggregate information and data and zone off areas prohibited and restricted from groundwater exploitation in the locality; classify and consolidate areas prohibited and restricted from groundwater exploitation and determine measures to prohibit or restrict groundwater exploitation; make a List of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation and zoning map of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation and formulate plans and roadmap for prohibiting or restricting groundwater exploitation.

2. The list of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation shall include each prohibited or restricted zone or area in such zone. The following information on each zone or area prohibited or restricted from groundwater exploitation shall be included:

a) Area of the areas prohibited or restricted from groundwater exploitation;

b) Administrative range of the areas prohibited or restricted from groundwater exploitation;

c) Range of depth or aquifer restricted from exploitation regarding areas restricted from exploitation;

d) Applied measures to prohibit or restrict groundwater exploitation.

3. According to the List of areas specified in clause 2 of this Article, making a zoning map of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation. The zoning map shall show results of zoning off of zones in areas prohibited and restricted from groundwater exploitation and main information on each zone or area on the List of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation.

The zoning map of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation shall be made on the basis of an administrative or topographic map using the VN2000 coordinate system on a scale from 1:100,000 to 1:10,000 suitable for each locality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) A list of existing groundwater exploitation structures (with or without a permit) in each zone or area prohibited or restricted from groundwater exploitation;

b) A plan or roadmap for prohibiting or restricting groundwater exploitation for each area or each structure located in areas prohibited or restricted from groundwater exploitation.

Article 38. Approval of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation and plans and roadmaps for prohibiting and restricting groundwater exploitation

1. Each Department of Natural Resources and Environment shall prepare an application for approval of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation; plan or roadmap for prohibiting or restricting groundwater exploitation and send them for collection of comments as prescribed in clause 2 of this Article. The application is composed of:

a) A draft Proposal;

b) A draft Decision on approval of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation and plan or roadmap for prohibiting or restricting groundwater exploitation;

c) A draft List of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation;

d) A draft Map of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation;

dd) A draft plan or roadmap for prohibiting or restricting groundwater exploitation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Department of Natural Resources and Environment shall send enquiries to related agencies and units, including:

a) Department of Construction, Department of Industry and Trade, Department of Agriculture and Rural Development, Department of Health and other relevant provincial departments and local authorities;

b) People’s Committees of districts within areas prohibited or restricted from groundwater exploitation;

c) Representatives of residential communities within areas prohibited or restricted from groundwater exploitation;

d) Organizations and individuals having groundwater exploitation structures under the plan.

The enquired entities specified in this clause shall give written responses within 30 days from the date on which the enquiry is received.

3. The Department of Natural Resources and Environment shall complete the application based on the comments of the units, agencies, organizations and individuals specified in clause 2 of this Article and request the provincial People’s Committee to form an appraisal council with the participation of related provincial departments and local authorities, water resources experts and scientists.

4. The Department of Natural Resources and Environment shall complete the application according to comments of the appraisal council and send it together with a report on responses and explanations to related Departments of Natural Resources and Environment of adjacent provinces and Ministry of Natural Resources and Environment to collect their written comments. The time limit for giving comments shall not exceed 30 days from the date on which a sufficient application is received.

5. Based on comments of the agencies specified in clause 4 of this Article, the Department of Natural Resources and Environment shall complete the application and submit the application to the provincial People’s Committee for consideration and approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The draft shall contain the following primary contents: process for organizing implementation; explanatory notes to bases and results of zoning off; explanatory notes to the plan or roadmap for prohibiting or restricting groundwater exploitation for each area or each structure located in areas prohibited or restricted from groundwater exploitation and responses and explanations for the comments.

6. Within 20 days from the date on which the approval decision is approved, the Department of Natural Resources and Environment shall announce the List of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation and plan or roadmap for prohibiting or restricting groundwater exploitation on the mass media and send it to the provincial People's Committee for posting thereof on its web portal; notify it to the People’s Committees of districts and communes where the areas prohibited or restricted from groundwater exploitation exist; notify it to relevant organizations and individuals for implementation and send it to the Ministry of Natural Resources and Environment for consolidation.

Article 39. Responsibility of the Ministry of Natural Resources and Environment, People’s Committees at all levels and organizations and individuals exploiting groundwater

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall instruct and direct localities to prohibit and restrict groundwater exploitation as prescribed in this Decree.

2. Every provincial People's Committee shall:

a) Direct the Department of Natural Resources and Environment to zone off areas prohibited and restricted from groundwater exploitation; announce the List of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation and zoning map of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation and formulate plans and roadmap for prohibiting or restricting groundwater exploitation within its province;

b) Approve the List and Map of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation and plan for prohibiting or restricting groundwater exploitation within its province and direct the Department of Natural Resources and Environment, district-level People’s Committee and communal People’s Committee to organize the implementation thereof after being approved;

c) Carry out inspection and audit, and impose penalties for violations against the law on determination of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation within its province;

d) Allocate a budget for determination of areas prohibited or restricted from groundwater exploitation in its province in the annual estimated local government budget in line with regulations of law on state budget;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Each district-level People’s Committee or communal People’s Committee shall cooperate with the Department of Natural Resources and Environment in zoning off areas prohibited and restricted from groundwater exploitation; announce Lists of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation and zoning maps of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation; supervise organizations and individuals within its district or commune implementing measures to prohibit or restrict groundwater exploitation according to the approved plan.

4. Organizations and individuals exploiting groundwater shall:

a) Cooperate with the Department of Natural Resources and Environment in zoning off and determining plans and roadmap for implementing measures to prohibit and restrict groundwater exploitation (if any) with regard to its groundwater exploitation structure as prescribed in this Decree;

b) Implement measures to prohibit or restrict groundwater exploitation according to the approved plan.

Chapter IV

REGULATION AND DISTRIBUTION OF WATER RESOURCES

Section 1. DEVELOPMENT OF WATER SOURCE SCENARIOS AND PLANS FOR REGULATION AND DISTRIBUTION OF WATER RESOURCES

Article 40. Regulation and distribution of water resources

1. The regulation and distribution of water resources shall rely on the water resource-related planning, water source scenarios, status, demands and quotas for exploitation of water resources with due account taken of impacts of climate change, results of water resource accounting (if any) and adhere to the principles specified in clause 1 Article 35 of the Law on Water Resources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Adjusting the regime for operation of dams, reservoirs and water exploitation structures;

b) Adjusting the quotas for water resource exploitation; reducing the exploitation capacity in the water exploitation permit or suspending the exploitation;

c) Restricting the distribution of water resources to the inessential and inefficient activities that use a lot of water;

d) Increasing or decreasing the exploitation capacity, exploiting water alternatively from water sources; transporting water between regions and areas; organizing the implementation of measures to respond to and minimize damage in the event of drought or water shortage.

3. The state of water sources reflects their capacity and the extent to which they meet the demands for exploitation and use of water in river basins. The state of water sources shall be determined and announced under the annual water resource scenario and serve as the basis for issue warnings, provide guidelines for, develop plans, regulate and distribute water resources in river basins and sub-basins through the activities specified in clause 2 of this Article. To be specific:

a) In case the current status of water sources in a river basin is in a normal state and the forecast says the water sources in a river basin are also in a normal state, exploit and use water resources according to water resource-related planning and plans for exploitation and use of water resources by the industries by way of compliance with regulations of the water resource exploitation permit, reservoir operation procedures, inter-reservoir operation procedures in the river basin and quotas for exploitation of water resources; consider storing backup water with a view to regulation in the event of a water shortage or for the following year;

b) In case the current status of water sources is in a normal state and the forecast says the water sources tend to switch to a state of water shortage or serious water shortage, adjust the exploitation and operation regime of structures with regulation capability in the river basin; enhance the ability to store water sources; adjust the exploitation and use of water resources by industries and adopt other measures;

c) In case the current status of the water sources or the forecast says the water sources is in a state of either water shortage or serious water shortage, depending on the level of the drought or water shortage, carry out regulation as prescribed in point b of this clause; restrict the distribution or reduce the exploitation capacity specified in the water resource exploitation permit, adjust quotas for exploitation of water resources regarding the water-intensive activities and inessential activities and adopt other measures;

In the event of serious water shortage, reduce the exploitation capacity specified in the water resource exploitation permit; adjust water resource exploitation quotas; reduce the distribution of water resources to water-intensive activities and inessential activities to minimize damage; increase or decrease the exploitation capacity, exploit water alternatively from water sources; transport water between regions and areas. Regulate and distribute water resources as prescribed in Article 36 of the Law on Water Resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction, ministerial agencies, provincial People's Committees, river basin organization (if any) and other agencies and organizations in formulating and organizing the implementation of the water resource regulation and distribution plan, and regulate and distribute water resources by water source states.

Article 41. Scenarios for water sources in river basins

1. Requirements for information and data in service of construction and announcement of a scenario for water sources in river basins:

a) Regarding river basins, there must be hydro-meteorological and water resources monitoring stations therein; data on operation of large and important water regulation works capable of annual or multi-year regulation in the river basins; information and data on hydro-meteorological characteristics and climate phenomena. Information and data must be fully representative of groups of years with much water, years with medium water and years with little water;

b) Group of information on the demands for use of water by economic sectors includes data on water use by economic sectors by month, period in the year and demands for water use by economic sectors that use water over time and by regions or river sub-basins. Information is obtained from water exploitation points on water sources;

c) Group of information and data on predicted hydro-meteorological characteristics includes temperature, rain, extreme climate events with due account taken of the impacts of climate change;

d) Groups of information on characteristics of groundwater sources, water level in aquifers; information on natural disasters (drought, saltwater intrusion, flooding) occurring in the river basin; levels of damage in typical years with drought and saltwater intrusion; other relevant information.

2. The accuracy of a scenario for water sources in river basins depends on the information and data on each basin, and the accuracy of data provided by ministries and local authorities; the construction of scenarios for water sources in river basins for which comprehensive inter-provincial river basin planning is available.

Where there is insufficient hydro-meteorological data in the river basins, data on operation of large and important water regulation works and data on demands for water use by economic sectors, water source scenarios shall not be announced.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Main contents of the water source scenario include:

a) Current status of water sources in river basins, current status of water storage in annual or multi-year regulation reservoirs in river basins;

b) Current status of groundwater sources, water level in aquifers;

c) Demands for exploitation and use of water resources;

d) Assessment of trends in rainfall, flow, saltwater intrusion and water storage in annual or multi-year regulation reservoirs, water level in aquifers by months during the scenario publication period.

Depending on the adequacy and reliability of information and data on water quality, the assessment of trends in water quality of water sources in river basins shall be carried out;

dd) Determination of states of water sources specified in Article 42 of this Decree;

e) Assessment of level of drought, water shortage or saltwater intrusion in river basins and sub-basins according to states of water sources;

g) Warning of drought, water shortage or saltwater intrusion (if any) and overall orientations for water exploitation and use in river basins for which scenario is announced.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The Ministry of Natural Resources and Environment shall direct the regular and continuous announcement and posting of scenarios for water sources in river basins on its web portal and at the same time notifies such to other ministries, ministerial agencies and provincial People's Committees concerned in river basins. Each provincial People’s Committee located within river basins shall regularly and continuously post water sources in river basin scenarios on its web portal.

Article 42. Framework for states of water sources

1. States of water sources in river basins and sub-basins include:

a) Normal state: the volume of exploitable water is sufficient for daily needs and social security; for economic sectors and environmental protection; for evolutions and forecasts of saltwater intrusion in areas where water sources are frequently affected by saltwater intrusion but the demand for water exploitation is not affected;

b) State of water shortage: the volume of exploitable water is sufficient for daily needs and social security but insufficient for all economic sectors. The state of water shortage may occur in the entire river basins or in some river sub-basins or areas;

c) State of serious water shortage: the volume of exploitable water is insufficient for economic sectors and likely to be insufficient for daily needs and social security and the water shortage occurs on a large scale, in many river basins.

2. Water resource exploitation quota refers to the permissible water exploitation capacity intended for a water resource exploitation structure which is decided by the authority having power to license water resource exploitation on the basis of states of water sources in a river basin, demand for water use and requirements for water resource protection through the water resource exploitation permit and water resource regulation and distribution plan when there is a forecast about water source states corresponding to the states specified in points b and c clause 1 of this Article. The water resource exploitation quota shall be decided as follows:

a) In case the current status of water sources in a river basin is in a normal state and the forecast says the water sources in a river basin are also in a normal state, the water resource exploitation quota shall comply with the water resource exploitation permit;

b) In case the current status of the water sources is in a state of water shortage or the forecast says the water sources are also in a state of water shortage, regulate and distribute water resources corresponding to the states of water sources specified in clause 3 Article 40 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Plans for exploitation and use of water resources of industries that exploit and use water must be suitable for the states of water sources announced under water source scenarios and principles of water resource regulation and distribution.

2. According to water source scenarios and requirements for management, exploitation and use of water resources, the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction and provincial People’s Committees in inter-provincial river basins shall, within their jurisdiction, direct the formulation of plans for exploitation and use of water resources. To be specific:

a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall direct specialized agencies and hydraulic structure operating organizations under its management to formulate plans for exploitation of water resources for agricultural production, aquaculture and domestic use in rural areas;

b) The Ministry of Industry and Trade shall direct specialized agencies and organizations under its management to formulate plans for exploitation of water resources for hydropower and thermal power;

c) The Ministry of Construction shall direct specialized agencies and its affiliated organizations to formulate plans for exploitation of water resources for production and supply of water for domestic use;

d) Provincial People’s Committees shall direct provincial departments and local authorities and managing and operating hydraulic structures under their management to formulate plans for exploitation of water resources for domestic use, agricultural production and aquaculture.

3. Main contents of a plan for exploitation and use of water:

a) States of water sources stored in irrigation reservoirs, hydraulic structures and hydropower reservoirs;

b) A production plan and demands for exploitation and use of water by structures by each month and in each period during a year, which are suitable for the states of water sources announced;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 44. Plans for regulation and distribution of water resources in river basins

1. A plan for regulation and distribution of water resources in river basins shall be formulated to coordinate the activities of exploiting and using water resources in river basins as the announced water source scenario contains a forecast or warning of a state of water shortage or serious water shortage as prescribed in points b and c clause 1 Article 42 of this Decree. Depending on the current status of water sources, current status and level of drought, water shortage or saltwater intrusion, the water resource regulation and distribution plan shall be formulated, updated and implemented to adopt measures for damage response and minimization and efficient and economical exploitation and use of water.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies, provincial People’s Committees, river basin organization (if any), agencies and organizations concerned in river basins in organizing the formulation and updating of the plan water resource regulation and distribution plan corresponding to each state of water source and level of switch to a state of water source.

The Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction, other Ministries, ministerial agencies, provincial People's Committees concerned in river basins shall provide directions for providing and updating information about current status of and forecast about demands for exploitation and use of water by industries and sectors under their management to the Ministry of Natural Resources and Environment with a view to formulation and updating of the plan for regulation and distribution of water resources in river basins.

As a drought or water shortage occurs, depending on the level of the drought or water shortage, the water resource regulation and distribution plan shall be updated to form a basis for other Ministries and provincial People's Committees to implement the plan.

Where the drought or serious water shortage occurs in localities in 01 province, the People’s Committee of such province shall announce the status of drought or water shortage and adopt response measures.

If the drought or serious water shortage occurs on a large scale, in many river basins, the Ministry of Natural Resources and Environment shall request the Prime Minister to consider announcing the state of drought or water shortage and decide a water resource regulation and distribution plan.

3. Main contents of the plan for regulation and distribution of water resources in river basins in the case of a drought or water shortage forecast:

a) A plan to operate large and important water regulation works in river basins with a view to satisfaction of water demands; plan to regulate, reduce or increase the water exploitation capacity specified in the water resource exploitation permit, restrict distribution of water resources to water-intensive activities and inessential activities; plan for alternative exploitation of water sources corresponding to their states according to the scenario for water sources in river basins;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The order in which the entities exploiting and using water must restrict the volume of water exploited and used or suspend the exploitation corresponding to the state of water shortage according to the water source scenario; time for adjustment, restriction or suspension, volume of water to be reduced or restricted;

d) A plan for production, water source distribution, operation of structures for exploitation and use of water in the case of switch to a state of water source, level of water source shortage;

dd) Measures to coordinate activities of exploiting and using water sources in river basins and aquifers by way of alternative exploitation of water sources, increase or reduce the exploitation capacity, suspend the exploitation, transfer water between regions and areas;

e) Measures to respond to and minimize damage in the event of drought, water shortage or saltwater intrusion;

g) Responsibility of Ministries and provincial People’s Committees in river basins for formulating and implementing the water resource regulation and distribution plan.

Article 45. Responsibility for formulating, adjusting and implementing water resource regulation and distribution plans

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) Preside over and coordinate with other Ministries, ministerial agencies, provincial People's Committees, river basin organizations and relevant organizations and individuals to develop, update and announce water source scenarios; organize the formulation, adjustment and implementation of plans to regulate and distribute water resources in river basins.

Preside over and request the Prime Minister to consider and decide a water resource regulation and distribution plan in the event of a drought or serious water shortage on a large scale;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Direct hydrometeorology authorities to be responsible for providing information and data on meteorology, hydrology, temperature, and extreme climate events; forecasts about meteorology and hydrology in river basins and sub-basins;

d) Request other Ministries, central and local authorities in writing to cooperate in providing information and data specified in this Article for consolidation and calculation in service of formulating and updating water source scenarios and water source regulation and distribution plans;

dd) Fulfill other responsibilities prescribed in Articles 35 and 36 of the Law on Water Resources.

2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall, within its jurisdiction, direct and urge agencies, organizations and individuals to perform the following tasks:

a) Tailor plans for exploitation and use of water resources for structures and structure systems under its management, ensuring their conformity with the water source scenarios announced by the Ministry of Natural Resources and Environment;

b) Cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment, other Ministries, central and local authorities in formulating, adjusting and implementing plans for regulation and distribution of water resources in river basins;

c) Build, improve, upgrade and modernize the systems of hydraulic structures and rural domestic water supply facilities for economical and efficient exploitation and use of water nationwide;

d) Based on the water source scenario, structures’ ability to regulate and supply water, system of hydraulic structures and hydropower reservoirs, cooperate with local authorities in reviewing and determining areas with abundant water sources, areas at high risk of drought, water shortage or saltwater intrusion; provide guidance on crop conversion and appropriate production, minimizing the risk of damage caused by drought or water shortage;

dd) Provide or direct the provision of information and data to the Ministry of Natural Resources and Environment on demands for use of water for agricultural production by months in river basins; periods of increased water use; irrigation areas; areas suffering from frequent droughts and water shortages, periods of water shortages; requirements for water level and flow rate at control points; data on operation of irrigation reservoirs capable of annual or multi-year regulation under its management; data on monitoring of water level, flow rate and salinity at specialized hydrometeorological stations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction, Ministry of Transport, Ministry of Culture, Sports and Tourism and other Ministries and central authorities shall, within their jurisdiction, direct specialized agencies to fulfill responsibilities of Ministries and central authorities as prescribed in points a, b and e clause 2 of this Article and the following responsibilities:

a) The Ministry of Industry and Trade shall provide directions for calculating and proposing flexible operation of large irrigation reservoirs in accordance with the announce water source scenarios; cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in formulating, adjusting and implementing water resource regulation and distribution plans; review and adjust power source structure in an appropriate manner.

At the same time provide directions for providing information and data on water use plans, data on operation of irrigation reservoirs capable of annual or multi-year regulation under its management; data on monitoring of water level and flow rate at specialized hydrometeorological stations;

b) The Ministry of Construction shall direct units managing and operating large water plants to review and improve the capability and efficiency in water extraction in a manner that suits actual conditions of water sources in river basins and announced water source scenarios.

At the same time provide directions for providing information and data on water exploitation plans, data on operation of water supply facilities under its management;

c) The Ministry of Transport shall provide directions for providing information and data on water level demands of waterway traffic routes;

d) The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall provide directions for providing information and data on demands of water for religious, folk belief, cultural and tourism activities.

4. Each provincial People’s Committee shall, within their jurisdiction, direct specialized agencies to fulfill the responsibilities prescribed in points a, b and e clause 2 of this Article and the following responsibilities:

a) Direct the effective operation of structures for exploitation and use of water and water storage facilities to proactively take water and store water to meet minimum demands for water use in the event of a water shortage;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) In case the current status of the water sources or the forecast says the water sources is in a state of either water shortage or serious water shortage, review and decrease the cultivated area, change crop and livestock structure, and restrict the distribution of water resources to water-intensive activities and inessential activities within its power; decide to use surface water sources, groundwater sources and backup water supply facilities in its province;

d) Direct the provision of information on demands for use of water for agricultural production and supply of water for domestic use by months in river basins; periods of increased water use; irrigation areas; scope of water supply of annual or multi-year regulation reservoirs; areas suffering from frequent droughts and water shortages, periods of water shortages; requirements for water level and flow rate at control points; data on operation of irrigation reservoirs capable of annual or multi-year regulation under its management; data on monitoring of water level, flow rate and salinity at specialized hydrometeorological stations.

5. Organizations and individuals managing and operating structures for exploitation and use of water shall fulfill the responsibilities specified in points a, b, c and e clause 2 of this Article and provide information in favor of water resource regulation and distribution, including current status of and demands for exploitation and use of water by structures; current status of water storage in reservoirs under their management and other monitoring information and data.

6. Information and data of Ministries, central and local authorities, organizations and individuals specified in this Article shall be sent to the Ministry of Natural Resources and Environment in writing for consolidation and calculation in service of formulating and updating water source scenarios and water source regulation and distribution plans.

Pending the completion of the national water resources information system and database, the provision of information and data specified in this point shall be carried out adopting one of the following methods: via National E-Document Exchange Platform; in person; by post; by fax; by email.

Article 46. Responsibility for building decision support tool system in service of digital technology-driven water resource regulation and distribution

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide directions for building and operating a decision support tool system in service of digital technology-driven water resource regulation and distribution.

2. The Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction and related provincial People’s Committees shall, within their jurisdiction, direct the provision and updating of information and data on exploitation and use of water resources to the decision support tool system in river basins.

3. Organizations and individuals managing and operating structures for exploitation and use of water shall provide information on exploitation and use of water by structures under their management to the national water resources information system and database as per regulations of this Decree in order to support the decision on water resource regulation and distribution. Organizations and individuals are encouraged to contribute to building and operating the decision support tool system in service of regulation and distribution of water resources in river basins and operation of reservoirs and inter-reservoirs according to clause 5 Article 38 of the Law on Water Resources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 47. Scale of water transfer projects requiring approval and time for approval obtainment

1. An approval of contents of the water transfer plan from a water resources authority is required for projects involving water transfer as prescribed in Article 37 of the Law on Water Resources, including projects involving the transfer of water out of river basins which affects the socio - economic activities, environment and people’s lives in 02 provinces or cities or 02 countries or more. To be specific:

a) Projects that involve the transfer of water from dams or reservoirs built on rivers or streams with a design transfer flow rate of at least 30 m3/second;

b) Projects with structures other than dams and reservoirs that involve the transfer of water from rivers or streams that are not in tidal regions with a design transfer flow rate of at least 30 m3/second; 10 m3/second to less than 30 m3/second but exceeding 40% of the average flow in dry season at the water transfer location;

c) Projects that involve digging of rivers, canals or ditch or have water conveyance facilities for the transfer of water with a design transfer flow rate of at least 30 m3/second; 10 m3/second to less than 30 m3/second but exceeding 40% of the average flow in dry season at the water transfer location.

2. The approval for the water transfer plan shall be obtained before the competent authority approves investment guidelines of the projects executed in accordance with regulations of law on investment or decides investment in the projects executed in accordance with regulations of law on public investment.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall approve contents of the water transfer plan regarding the projects specified in clause 1 of this Article.

Article 48. Application for approval of contents of water transfer plan

1. An application form for approval of contents of water transfer plan, which is made using the Form No. 01 in the Appendix II to this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Diagram of the water transfer project location.

4. Other relevant regal and technical documents of the project.

Article 49. Procedures for approval of contents of water transfer plan

1. Receive and inspect the application:

a) The organization or individual proposing the water transfer plan (hereinafter referred to as “the organization or individual”) shall submit 01 application in person or by post or online via the public service portal and pay a fee for appraising the application to the Office in charge of receiving documents serving administrative procedures and returning results of the Ministry of Natural Resources and Environment. The Office shall receive documents serving administrative procedures and return results of handling of administrative procedures for approval of the water transfer plan;

b) Within 03 working days from the date on which the application is received, the receiving authority shall consider and inspect it. If the application is unsatisfactory, the receiving authority shall notify the organization or individual in order for them to supplement and complete it as prescribed.

If the application remains unsatisfactory after the supplementation and completion, the receiving authority shall return it to the organization or individual and explicitly notify them of the reasons therefor.

2. Appraisal or the report on proposal for water transfer plan:

a) The water resources authority affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment shall appraise the water transfer scale and plan, and manage the report.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) If the report is satisfactory, the appraising authority shall submit it to the Ministry of Natural Resources and Environment for approval of the water transfer plan; if the report is unsatisfactory, it shall return the report to the organization or individual proposing the water transfer plan and notify them of the reasons for failure to approve the water transfer plan.

If the report has to be supplemented and revised to complete the contents regarding the water transfer scale and plan, the appraising authority shall notify the organization or individual in writing of the contents to be supplemented and completed. The time needed to supplement and complete the report shall not be included in the appraisal time. The time limit for appraisal after supplementing and completing the report is 25 days.

3. The appraisal of the application for approval of contents of water transfer plan shall cover:

a) The conformity of the project involving the transfer of water with the national water resource strategy and national environmental protection strategy; water resource-related planning, provincial planning and other relevant planning; local authorities and industries’ socio - economic development plans related to exploitation and use of water resources in river basins;

b) Supply capacity of the water source from which water is transferred, demands for use of water in river basins from which water is transferred and receiving basins;

c) Impacts of the water transfer on water exploitation and use, flow maintenance, prevention and control of flooding, river bed, bank, and terrace erosion and saltwater intrusion, economy, society, and environment, especially during the dry season on the river or stream segments from which water is transferred, and receiving river or stream segments downstream of the water transfer structure;

d) A plan for minimize adverse impacts in the process of construction and operation;

dd) Other relevant contents (if any).

Section 3. INTER-RESERVOIR OPERATION PROCURES AND REGULATIONS ON COOPERATION IN OPERATION OF DAMS AND RESERVOIRS ON RIVERS AND STREAMS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Technical infrastructure for real-time reservoir operation shall comply with standards and technical regulations of relevant laws and consist of the following elements:

a) Network of automatic hydro-meteorological monitoring stations; monitoring equipment for automatic and online surveillance of reservoir operation and database related to reservoir operation;

b) Servers, network infrastructure and other auxiliary devices for receiving, transmitting and storing information and data in real time;

c) Software that supports the processing and analysis of information, calculation and forecasting in real time, including the following main types of models: statistical model, hydrological models hydrodynamic model, water balance model, reservoir operation model, water quality model;

d) Decision support tool system for reservoir operation intended for proposing principles, rules and plans for real-time reservoir operation;

dd) Other relevant technical infrastructure.

2. Technical infrastructure for real-time inter-reservoir operation shall encompass the following elements:

a) Technical infrastructure of reservoirs on the list of dams and reservoirs operating according to the inter-reservoir operation procedures as prescribed in clause 1 of this Article;

b) Information and data serving real-time inter-reservoir operation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Decision support tool system for inter-reservoir operation intended for proposing principles, rules and plans for real-time inter-reservoir operation;

dd) Other relevant technical infrastructure.

3. For the reservoirs on the list of dams and reservoirs that must operate according to the inter-reservoir operation procedures, the technical infrastructure specified in clause 1 of this Article must be in place and notified to the water resources authority affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment to be inspected and connected to the technical infrastructure for real-time inter-reservoir operation. It is advisable that the technical infrastructure of other reservoirs should be connected to the technical infrastructure in service of real-time inter-reservoir operation.

4. Requirements for real-time operation of reservoirs and inter-reservoirs

a) Information and data are updated in a continuous, automatic and reliable manner;

b) There must be technical infrastructure which satisfies the conditions and requirements for reservoir and inter-reservoir operation specified in clauses 1, 2 and 3 of this Article;

c) The density of hydro-meteorological monitoring stations in the reservoir basin must not fall below the minimum permissible limit as prescribed by regulations of law on hydro-meteorology;

d) The software system that supports the processing and analysis of information, calculation and forecasting in real time must be inspected and reliable.

5. Organizations and individuals managing and operating reservoirs shall invest in the construction of technical infrastructure to satisfy the requirements for real-time reservoir operation specified in clauses 1 and 4 of this Article under their management or hire a qualified entity to provide decision support service for reservoir operation to ensure flexible and safe operation of their reservoirs and optimize socio-economic and environmental benefits but regulations set out in Article 70 of the Law Water Resources are also required to be adhered to.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 51. Regulations on establishment and adjustment of procedures for real-time operation of reservoirs and inter-reservoirs

As the technical infrastructure satisfies the conditions and requirements for real-time operation of reservoirs and inter-reservoirs as prescribed in Article 50 of this Decree, the establishment and adjustment of procedures for real-time operation of reservoirs and inter-reservoirs shall be carried out as follows:

1. Organizations and individuals managing and operating dams and reservoirs shall establish and adjust real-time reservoir operation procedures and submitting them to a competent authority for appraisal and approval as per regulations of law on management of dam and reservoir safety.

2. According to actual conditions of water sources in river basins, where necessary, the Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over establishing or adjusting real-time inter-reservoir operation procedures and submitting them to the Prime Minister for approval.

3. Where a Ministry, ministerial agency, provincial People’s Committee or relevant organization managing and operating dams and reservoirs in river basins makes a request for adjustment of real-time inter-reservoir operation procedures, it shall formulate an adjustment plan and send it to the Ministry of Natural Resources and Environment for appraisal before submission thereof to the Prime Minister for approval according to the procedures mentioned Article 52 of this Decree.

Article 52. Procedures for appraising plan to adjust procedures for operation of reservoirs in river basins

1. Where a Ministry, ministerial agency, provincial People’s Committee or organization managing and operating reservoirs makes a request for adjustment of real-time inter-reservoir operation procedures, they shall formulate an inter-reservoir operation plan and send it to the Ministry of Natural Resources and Environment for appraisal before submission thereof to the Prime Minister for consideration and approval.

2. Documents about the proposed plan to adjust inter-reservoir operation procedures is composed of:

a) A draft Decision on promulgation of procedures for operation of inter-reservoirs in river basins submitted to the Prime Minister for approval;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) A diagram showing current status of dams, reservoirs and inter-reservoirs under procedures for operation of inter-reservoirs in river basins;

d) Other relevant documents.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall collect comments of the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministries, ministerial agencies, provincial People’s Committees and river basin organization (if any) related to the inter-reservoir operation procedures on the documents about adjusted inter-reservoir operation procedures.

In case the plan to adjust inter-reservoir operation procedures basically changes main contents of the procedures for operation of inter-reservoirs in river basins, the Ministry of Natural Resources and Environment shall form an Appraisal Council.

The Council’s members include representative of the Ministry of Natural Resources and Environment; Ministry of Industry and Trade; National Steering Committee for Civil Defense; representative of the related river basin organization (if any); representative of the related provincial People’s Committee, unit managing and operating reservoirs, other related agencies and units, and experts in water resources decided by the Minister of Natural Resources and Environment.

4. Details of appraisal:

a) Inspecting legal bases and necessity for adjusting the plan to adjust inter-reservoir operation procedures and documents about the plan to adjust inter-reservoir operation procedures;

b) Inspecting and assessing the reliability of the documents used in the process of calculation, results of calculation in the case of operation;

c) Commenting on and assessing the suitability and feasibility of the plan to adjust inter-reservoir operation procedures and draft inter-reservoir operation procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Within 07 working days from the date on which the documents are received, the receiving authority shall consider and inspect them. If the required documents prescribed in clause 2 of this Article are not sufficient, the receiving authority shall notify the agency or organization so as for it to supplement and complete the documents.

b) Within 42 days from the date on which the required documents specified in clause 2 of this Article are fully received, the Ministry of Natural Resources and Environment shall appraise the plan. Where the plan is satisfactory for approval, the Ministry of Natural Resources and Environment shall submit it to the Prime Minister for consideration and approval; where the plan is unsatisfactory for approval, the receiving authority shall notify the applicant in writing to supplement and complete the documents.

Article 53. Dams and reservoirs on rivers and streams requiring regulations on cooperation in operation thereof

The list of dams and reservoirs on rivers and streams requiring regulations on cooperation in operation thereof specified in clause 9 Article 38 of the Law on Water Resources which is approved by the provincial People’s Committee shall be determined based on several major bases:

1. Scale of exploitation and use of water of structures; role of dams and reservoirs in river basins.

2. Capacity for water regulation of dams and reservoirs in river basins.

3. Efficiency in use of water by dams and reservoirs in river basins.

4. Scale and magnitude of impacts and measures to minimize impacts caused by the operation of dams and reservoirs.

5. Requirements for ensuring safety of dams and reservoirs and maintaining minimum flow and requirements for prevention and control of flood, drought and water shortage and water supply in lowlands.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 54. Main contents of regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams

Contents of regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams in river basins for which inter-reservoir operation procedures have been available shall conform to the regulations under procedures for operation of inter-reservoirs in river basins and mainly include:

1. Principles of operation for assurance about safety of structures and lowlands, increase in efficiency in electricity generation and maintenance of minimum flow in accordance with regulations.

2. Basic technical specifications of reservoirs.

3. Principles of cooperation in operation during flood season.

4. Principles of cooperation in operation during dry season.

5. Responsibilities of units managing and operating reservoirs and dams and local competent authorities concerned.

Article 55. Procedures for approving regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams

1. A list of dams and reservoirs requiring regulations on cooperation in operation thereof shall be compiled as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Collect comments of the Ministry of Natural Resources and Environment, agencies, river basin organization, organizations and individuals concerned on the list of dams and reservoirs requiring regulations on cooperation in operation thereof in river basins within a province;

c) Conduct consolidation and submit to the provincial People’s Committee for approval of the list of dams and reservoirs requiring regulations on cooperation in operation thereof.

2. The provincial People’s Committee shall organize the formulation of regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams under its management as follows:

a) Direct the Department of Natural Resources and Environment to preside over and cooperate with the Department of Agriculture and Rural Development, Department of Industry and Trade, organizations and individuals managing and operating dams and reservoirs, and relevant units in formulating regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams under their management requiring regulations;

b) Collect comments of the Ministry of Natural Resources and Environment, agencies, river basin organization (if any), organizations and individuals concerned on the draft regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams within its province;

c) The Ministry of Natural Resources and Environment shall consolidate, respond to, comment on and complete the draft regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams and submit them to the provincial People’s Committee for approval.

3. Where dams and reservoirs requiring regulations on cooperation in operation on rivers and streams are located in two provinces or central-affiliated cities or more, the People's Committee of the province in lowlands of the inter-provincial water sources shall make a list, formulate regulations on cooperation in operation and collect comments of provincial People’s Committees of provinces concerned before collecting comments of the Ministry of Natural Resources and Environment.

Procedures for making a list of dams and reservoirs, formulating and approving regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams located in 02 provinces or more are specified in clauses 1 and 2 of this Article.

Chapter V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. LIST OF LAKES, PONDS AND LAGOONS PROHIBITED FROM RECLAMATION

Article 56. Compiling List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation

1. Lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation specified in clause 6 Article 63 of the Law on Water Resources consist of:

a) Reservoirs on rivers, streams, canals and ditches;

b) Lakes, ponds and lagoons in urban areas and high density residential areas with a water surface area of at least 0.5 ha, except for those planned for public, national defense and security purposes and those on land under the ownership of households and land reserved for commercial and service purposes under the ownership of organizations and individuals;

c) Lakes, ponds and lagoons having the functions of protecting and preserving religious activities, practices of folk beliefs and cultural values;

d) Pits for minerals, soil and construction materials at the end of the mining period as prescribed in clause 5 Article 27 of the Law on Water Resources;

dd) Lakes, ponds and lagoons other than those specified in points a, b and c of this clause with a surface water area of at least 01 ha;

e) According to current local situation, the provincial People’s Committee shall decide to include lakes, ponds and lagoons other than those prescribed in points a, b, c and dd of this clause or lakes, ponds and lagoons prohibited with a surface water area smaller than that prescribed in point b or d of this clause in the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Names, codes and administrative locations of lakes, ponds and lagoons;

b) Coordinates representing the locations of lakes, ponds and lagoons (VN2000 coordinate system, projection zone 30);

c) Surface water area;

d) Capacity (if any);

dd) Functions of lakes, ponds and lagoons;

e) Lakes, ponds and lagoons requiring water source protection corridors;

g) Units managing lakes, ponds and lagoons.

Article 57. Approving and announcing List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation

1. For the List of lakes, ponds and lagoons belonging to inter-provincial surface water sources prohibited from reclamation (hereinafter referred to as “the List of inter-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation”):

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The documentation submitted for comments includes an explanatory report on the List of inter-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation and draft Decision on approval of the List of inter-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation;

b) According to comments of the units specified in point a of this clause, the specialized water resources authority affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment shall consolidate, respond to and explain them, and complete the application for submission to the Minister of Natural Resources and Environment for consideration and approval.

The application for approval includes a Proposal; draft Decision on approval of the List of inter-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; explanatory report on the List of inter-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; consolidated sheet of responses and explanations for comments enclosed with photocopies of comments; other related documents;

c) Within 15 days from the date on which the List of inter-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation is approved, the specialized water resources authority affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment shall announce it on the web portal of the Ministry of Natural Resources and Environment, notify it to the People’s Committee of the province where lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation exist, other Ministries and ministerial agencies concerned and update it to the national water resources information system and database as prescribed in this Decree.

2. For the List of lakes, ponds and lagoons belonging to intra-provincial surface water sources prohibited from reclamation (hereinafter referred to as “the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation”):

a) The Department of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the district-level People’s Committee in compiling a List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation located in a province; send documentation to obtain contents from the Department of Agriculture and Rural Development, Department of Industry and Trade, Department of Construction, Department of Culture, Sports and Tourism, relevant departments and district-level People’s Committees.

The documentation submitted for comments includes an explanatory report on the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation and draft Decision on approval of the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation;

b) According to comments of the units specified in point a of this clause, the Department of Natural Resources and Environment shall consolidate, respond to and explain them, and complete the application for submission to the provincial People’s Committee for submission to the provincial People's Council before approval.

The application submitted to the provincial People's Council includes a Proposal; explanatory report on the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; draft Decision on approval of the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; consolidated sheet of responses and explanations for comments enclosed with photocopies of comments; other related documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The application submitted to the provincial People's Council for consideration and approval includes a Proposal; draft Decision on approval of the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; explanatory report on the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; report on responses and explanations for comments of the provincial People's Council and consolidated sheet of responses and explanations for comments enclosed with photocopies of comments; other related documents;

d) Within 15 days from the date on which the approval decision is approved, the Department of Natural Resources and Environment shall organize the announcement of the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; send it to the provincial People’s Committee for posting thereof on its web portal and update it to the national water resources information system and database as prescribed in this Decree.

Article 58. Reviewing and adjusting List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation

1. Every 05 years or where necessary, the authority approving the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation shall review, update and adjust the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation within the scope of its management.

2. Cases in which the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation is adjusted:

a) Any lake, pond or lagoon is added to the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation;

b) Any lake, pond or lagoon is removed from the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation to serve public, national defense or security purposes;

c) The approval of adjustment to the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation as specified in point a of this clause shall be granted as prescribed in Article 57 of this Decree. In the case mentioned in point b of this clause, the regulations enshrined in clause 3 of this Article shall be adhered to.

3. The removal of a lake, pond or lagoon from the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation shall be carried out as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The documentation submitted for comments includes a Proposal; draft Decision to adjust the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation in a province, explanatory report on reasons for removal from the List and other related documents;

b) After perfecting the application according to comments of the units specified in point a of this clause, the Department of Natural Resources and Environment shall submit it to the provincial People’s Committee for submission to the provincial People's Council before approval.

The application submitted to the provincial People's Council includes a Proposal; draft Decision to adjust the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation in a province; explanatory report on reasons for removal from the List; consolidated sheet of responses and explanations for comments enclosed with photocopies of comments; other related documents;

c) According to the Resolution of the provincial People’s Council, the Department of Natural Resources and Environment shall complete the application and submit it to the provincial People’s Committee for approval of the Decision to adjust the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation in its province.

The application submitted to the provincial People's Council for consideration and approval includes a Proposal; draft Decision to adjust the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; explanatory report on reasons for removal from the List; report on responses and explanations for comments of the provincial People's Council and consolidated sheet of responses and explanations for comments enclosed with photocopies of comments; other related documents;

d) Within 15 days from the date on which the adjustment decision is obtained, the Department of Natural Resources and Environment shall organize the announcement of the adjusted List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; send it to the provincial People’s Committee for posting thereof on its web portal and update it to the national water resources information system and database as prescribed in this Decree.

Article 59. Responsibilities of Ministry of Natural Resources and Environment, provincial People’s Committees and units managing ponds, lakes and lagoons prohibited from reclamation

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) Direct and organize the compilation, adjustment and approval of the List of inter-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation, and update it to the national water resources information system and database;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Every provincial People's Committee shall:

a) Direct and organize the compilation, adjustment and approval of the List of intra-provincial lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation in a province and update it to the national water resources information system and database;

b) Direct the propagation, dissemination and raising of residential community's awareness of regulations on the prohibition on discharge of untreated waste into ponds, lakes and lagoons causing water source pollution and on the deliberate reclamation and improvement;

c) Review, adjust and make additions to the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation with respect to the pits for minerals, soil and construction materials at the end of the mining period which have satisfied regulations of laws on investment, land, environment and minerals to be repurposed into lakes for water regulation and storage and landscape creation as prescribed in clause 5 Article 27 of the Law on Water Resources.

3. Organizations and individuals managing lakes, ponds and lagoons on the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation shall:

a) Use them for their intended purposes and not deliberately carry out reclamation or improvement;

b) Closely control acts of illegally encroaching upon and building works, discharging domestic wastewater and wastewater generated from production and business activities directly into lakes, ponds and lagoons. If any act is found, promptly notify and cooperate with the competent authority in imposing penalties therefor as prescribed by law.

Section 2. PROTECTION OF RIVER AND LAKE BEDS, BANKS AND TERRACES AND PREVENTION AND CONTROL OF EROSION OCCURRING THEREON

Article 60. General requirements for protection of river and lake beds, banks and terraces and prevention and control of erosion occurring thereon

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Mining sand, gravel and other minerals in rivers and lakes;

b) Dredging and clearing channels to open, renovate and upgrade channels and inland waterway routes, except for periodic maintenance and repair on existing inland waterway routes;

c) Embanking and fortifying river and lake bank, rectifying rivers except for river embankments and river training works intended for natural disaster management;

d) Improving riparian and lakeside landscapes;

dd) Building works and architectures floating on rivers, lakes and works using land with water surface;

e) Building river bridges, ports, wharfs and ferry terminals receiving ships and other hydraulic structures.

2. General requirements for protection of river and lake beds, banks and terraces and prevention of erosion occurring thereon with respect to the activities specified in clause 1 of this Article:

a) Conform to regional planning, provicinal planning, water resource-related planning, natural disaster planning, irrigation planning and other relevant provincial planning;

b) Conform to regulations on flood drainage and flood discharge corridors of reservoirs, protection corridors of hydraulic works, flood control systems, religion and folk belief-related works, traffic infrastructure and other infrastructural constructions, except for the case of emergency; conform to regulations on protection and conservation of cultural activities, practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity, and tourism development; ensure national defense and security and protect water resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Do not cause river and lake bed sedimentation and erosion; do not cause river and lake bank and terrace instability and affect functions of water sources;

dd) Adopt measures to prevent and control water source pollution and protect riparian and lakeside environment, landscapes and ecosystem;

e) Comply with regulations on management of water source protection corridors.

Article 61. Requirements for mining of sand and gravel in rivers

1. River sand and gravel mining activities including river bed and terrace sand and gravel mining must comply with regulations of law on minerals, other relevant regulations of law, requirements specified in clause 2 Article 60 of this Decree and the following requirements:

a) The mining area’s that must be away from the edge of the bank at a minimum distance suitable for the natural width of the river bed, topographic and geological characteristics and river bank stability shall be decided by the authority appraising the environmental impact assessment report within its power;

b) The slope of the bed of the mined river route which must be equivalent to the natural slope of the bed of the mined river segment and must not suddenly change the slope of the whole river route and the mining depth which must be suitable for the topographic and geological characteristics of the river segment and must not form any swirling hole or increase the risk of river bank instability shall be decided by the authority appraising the environmental impact assessment report;

c) If the river segment running through a midland or mountainous region has undergone seasonal sedimentation, according to the sedimentation changes, the authority appraising the environmental impact assessment report shall decide to lay down specific requirements for the sand and gravel mining to ensure that the risk of river bank and terrace erosion is prevented and minimized;

d) In the case of river terrace sand and gravel mining, the height of the bed of the mining area must not exceed the height corresponding to the average water level during dry season in the mining area, except for the case in which the mining is carried out together with the clearing of flow and enhancement of the flood drainage ability of the river segment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If any sign of bank erosion appears in the mining area during the mining process, it is required to suspend the mining and immediately notify the local government and Department of Natural Resources and Environment of the province where the mining is carried out in order to preside over and cooperate with relevant agencies to inspect and identify the causes and magnitude of impacts on river beds, banks and terraces and a report thereon shall be submitted to the provincial People’s Committee for consideration and decision.

If the mining cannot be resumed, the provincial People’s Committee shall consider adding the mining area to the list of areas prohibited or temporarily prohibited river bed sand and gravel mining in accordance with regulations of law on minerals.

Article 62. Requirements for mining of sand and gravel in lakes

River sand and gravel mining activities including river bed and terrace sand and gravel mining must comply with regulations of law on minerals, other relevant regulations of law, requirements specified in clause 2 Article 60 of this Decree and the following requirements:

1. Satisfy the requirements for lake bed dredging and sedimentation prevention and control; mining locations, range and depth, sand and gravel mining modes shall be permitted by the regulatory body licensing the mineral mining as per regulations of law on minerals, ensuring that erosion is not caused to protect lake beds and banks.

2. Do not cause water pollution; do not affect the exploitation and use of water resources of lakes; do not reduce functions of lakes approved by the competent authority.

3. The mining of sand and gravel in hydropower or irrigation reservoir beds shall comply with regulations of law on irrigation, management of dam and reservoir safety, assurance about safety of structures and environmental protection in reservoirs.

Article 63. Requirements for opening, dredging and clearing of channels and waterway traffic routes

Dredging and clearing channels to open, improve and upgrade inland channels and inland waterway routes (basic dredging) within inland water areas shall comply with regulations of law on inland water areas, other relevant regulations of law, general requirements specified in clause 2 Article 60 of this Decree and the following requirements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If the area to be dredged is close to the eroded bank or bank at risk of erosion, it is required to consider adjusting the channel in an appropriate manner to reduce the risk of river bank erosion.

3. If any sign of bank erosion appears in the mining area during the dredging process, it is required to suspend the dredging and immediately notify the local government and Department of Natural Resources and Environment of the province where the mining is carried out in order to preside over and cooperate with relevant agencies to inspect and identify the causes and magnitude of impacts on river beds, banks and terraces and a report thereon shall be submitted to the provincial People’s Committee for consideration and decision.

Article 64. Requirements for river bank embankment, fortification and rectification; riparian and lakeside landscape improvement

The river and lake bank embankment, fortification and rectification; riparian and lakeside landscape improvement shall comply with the general requirements for river bed, bank and terrace protection as prescribed in clause 2 Article 60 of this Decree and the following requirements:

1. Ensure the flow circulation and ability to drain flood, and prevent and control river bed, bank and terrace erosion, satisfy river training requirements and take measures to ensure inland waterway traffic safety and minimize adverse impacts on river bed, bank and terrace stability in the vicinity of the downstream and upstream.

2. Minimize the narrowing of the river’s space intended for containing and draining flood. If river or lake encroachment has to be carried out in order to take measures to prevent and control river or lake bank erosion, ensure river or lake bank and riparian or lakeside zone stability or comply with other requirements for river or lake bed, bank and terrace protection, it is required to carry out it together with satisfaction of requirements for river training and improvement of riparian or lakeside landscapes and the narrowed area is only intended for public, national defense and security purposes, unless otherwise permitted by the Prime Minister.

Article 65. Assessment of impacts on river beds, banks and terraces

1. For the projects that involve the activities specified in clause 1 Article 60 of this Decree, it is required to assess impacts of such activities on river bank and riparian and lakeside zone stability; flow circulation, flood drainage ability, river bed erosion and sedimentation, river bank and terrace erosion, reduction in river water level during dry season and conservation of relevant ecosystems (hereinafter referred to as “assessment of impacts on river beds, banks and terraces”) and adopt measures to protect river beds, banks and terraces and prevent and control erosion occurring thereon as prescribed in clause 2 of this Article.

2. The assessment of impacts on river beds, banks and terraces shall satisfy the following requirements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In the case of mining of sand and gravel, dredging and clearing of channels or embankment or construction of structures in different rivers or riparian zones, the assessment shall be carried out using different methods corresponding to each different scenario for flood flow and low stream flow, including the most unfavorable scenario in the context of climate change and sea level rise;

b) It is required to provide explanation for satisfaction of requirements for river and lake bed, bank and terrace protection in accordance with regulations of this Decree and select and propose implementation plans to protect river and lake beds, banks and terraces, including the range, time limit and commitments made during the implementation to minimize impacts on river and lake beds, banks and terraces.

c) Contents of plans to prevent and control river banks, beds and terraces, requirements and conditions for protection of river and lake beds, banks and terraces and prevention and control of erosion occurring thereon for the projects involving the activities specified in clause 1 Article 60 of this Decree must be shown in the decision to approve the environmental impact assessment report.

Article 66. Responsibilities of Ministries and provincial People’s Committees

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) Appraise and approve the plan to protect river beds, banks and terraces and prevent and control erosion occurring thereon in the environmental impact assessment report within its power as prescribed in the law on environmental protection;

b) Organize the implementation of measures to protect river and lake beds, banks and terraces, prevent and control erosion occurring thereon with respect to inter-provincial rivers; carry out audit and inspection, and impose penalties for violations against the law on protection of river and lake beds, banks and terraces and prevention and control of erosion occurring thereon within its power.

2. Ministries and ministerial agencies shall, within their jurisdiction, organize the implementation of measures for protection of river and lake beds, banks and terraces and prevention and control of erosion occurring thereon as prescribed.

3. Every provincial People's Committee shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Organize the implementation of measures to protect river and lake beds, banks and terraces, prevent and control erosion occurring thereon with respect to intra-provincial rivers; organize the investigation, assessment, monitoring and surveillance of flow, river bed, bank and terrace sedimentation and erosion changes on intra-provincial rivers.

Section 3. COORDINATION AND SURVEILLANCE OF EXPLOITATION, USE AND PROTECTION OF WATER RESOURCES, PREVENTION OF, RESPONSE TO AND RECOVERY FROM DAMAGE CAUSED BY WATER, ORGANIZATIONAL STRUCTURES AND ACTIVITIES OF RIVER BASIN ORGANIZATIONS

Article 67. Contents and requirements for coordination and surveillance activities in river basins

1. The coordination activities include directing and expediting the cooperation among Ministries, ministerial agencies, local authorities, and related agencies and organizations in implementing the regulations set out in clause 1 Article 81 of the Law on Water Resources.

2. The surveillance activities include monitoring and inspecting the exploitation and use water resources, discharge of wastewater into water sources and implementation of measures to protect water resources, prevent, respond to and recover damage caused by water in river basins.

3. Requirements for coordination activities:

a) Ensure water sources are exploited and used in a comprehensive, economical and effective manner to maintain water supply to the people’s life and socio-economic development; protect water resources, prevent, respond to and recover damage caused by water;

b) Ensure the synchronous and uniform cooperation between agencies participating in coordination in river basins; use sources in a reasonable and effective manner to avoid overlapping and wastefulness;

c) Comply with planning and plans in river basins;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Requirements for surveillance activities:

a) Discover unusual events in terms of flow rates, water level and quality of water sources; provide warnings and forecasts about the risk of pollution, deterioration and depletion of water sources in river basins;

b) Detect violations against laws on water resources of organizations or individuals in operating reservoirs, inter-reservoirs and in exploiting and using water, and discharging wastewater into water sources in river basins;

c) Provide information and data serving the coordination of activities of exploitation, use and protection of water sources, prevention of, response to and recover from damage caused by water prescribed in clause 1 Article 81 of the Law on Water Resources in river basins;

d) Satisfy other requirements for management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water sources, prevention of, response to and recover from damage caused by water in river basins.

Article 68. River basin organization

1. River basin organization means an inter-agency cooperation organization whose establishment is decided by the Prime Minister. The Prime Minister shall decide the number of river basin organizations, their structures, composition, assisting apparatus and operating funding.

2. The Minister of Natural Resources and Environment shall formulate a Scheme to establish river basin organizations and submit it to the Prime Minister for decision on establishment.

Article 69. Activities of river basin organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Prime Minister shall be assisted with orientations and solutions for addressing important, inter-agency and transboundary issues in river basins. To be specific:

a) Formulate operating plans of river basin organizations; participate in formulating documents of the Government and Prime Minister providing directions for cooperation activities, programs, schemes and projects on sustainable development, use, management and protection of water resources and related resources in river basins;

b) Propose the development, amendment and supplementation of legislative documents, mechanisms, policies (including international and regional legal framework), planning for sustainable development, use, management and protection of water resources and environment in river basins;

c) Propose solutions for ensuring effective implementation of strategies and planning (regional and national) for water resources and related fields in river basins;

d) Propose solutions for response to unusual evolutions in river basins and potential impacts on Vietnam due to upstream development activities and climate change by way of carrying out surveillance and research in river basins;

dd) Implement international cooperation activities within the framework of international agreements and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory; act as a conduit for cooperation with countries in river basins regarding international river basins (if any), non-governmental organizations and international organizations;

e) Monitor, supervise and request competent authorities to seek solutions for activities related to protection, regulation, distribution, development, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recover from damage caused by water. In the event of drought, water shortage or saltwater intrusion, the river basin organization shall establish a consultation council consisting of representatives of relevant Ministries, ministerial agencies and local authorities to formulate a water source regulation and distribution plan and submit it to the Prime Minister or the Ministry of Natural Resources and Environment for consideration and decision;

g) Participate in setting up water resource projects, constructing water source scenarios to serve water resource management in river basins; participate in protecting, restoring and promoting cultural heritage values ​​related to water resources;

h) Provide information on water resource changes, the use, protection and sustainable development of water resources and related resources to domestic and foreign news and press agencies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Cooperate with ministries, central authorities and People's Committees of relevant provinces and cities to submit to the Prime Minister programs, schemes, projects and activities on sustainable development, use, management and protection of water resources and related resources in river basins;

l) Disseminate regulations on sustainable development, efficient use, management and protection of water resources and related resources in river basins;

m) Mobilize domestic and international resources to support the performance of tasks of water resources and environmental protection in river basins;

n) Perform other tasks and exercise other powers as assigned and delegated by the Prime Minister.

Section 4. WATER RESOURCE ACCOUNTING

Article 70. General provisions on water resource accounting

1. Water resource accounting includes:

a) National water resource accounting;

b) Accounting of water resources in inter-provincial river basins on the list of river basins for which the comprehensive inter-provincial river basin planning is required as prescribed in Article 20 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Water resources shall be accounted for by economic sectors in accordance with regulations of law on Vietnam Standard Industrial Classification and classified into the groups of accounts specified in Article 71 of this Decree.

Based on the current status of socio-economic development, the demand for water resources management and the availability of database serving accounting, the authority in charge of accounting shall decide on the economic sector and account group to perform accounting for each period.

4. Every 05 years, the authority in charge of water resource accounting shall disclose the accounting result in the national water resources report.

5. Data used for water resource accounting must be synchronous and consistent in terms of its format and collection time; must be integrated with the national water resources information system and database.

Article 71. Groups of accounts in water resource accounting

Groups of accounts in water resource accounting consist of:

1. Groups of accounts for characteristics of water resources.

2. Groups of accounts for exploitation and use of water.

3. Groups of accounts for discharge of wastewater into water sources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 72. Water resource accounting data

1. Data on groups of accounts for characteristics of water resources includes:

a) Quantity of surface water as of the end of the accounting period;

b) Groundwater reserves as of the end of the accounting period.

2. Data on groups of accounts for exploitation and use of water resources includes:

a) Name of the unit exploiting and using water; type of economic sector;

b) Water sources exploited; exploitation locations;

c) Volume of water exploited for water uses by year; total volume of exploited water by year;

d) Volume of water reused and circulated for each purpose (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Name of the unit discharging wastewater; type of economic sector;

b) Discharge locations; receiving waters;

c) Volume of wastewater discharged into water sources;

d) Pollutant loads in wastewater.

4. Data on groups of socio-economic accounts related to water resources includes:

a) Population within the area intended for accounting;

b) Products and production output classified by economic sector; land area used for agriculture;

c) Gross production classified by economic sectors and administrative divisions.

Article 73. Water resource accounting results

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Total quantity of surface water, reserves of groundwater.

2. Total volume of water exploited and used and volume of wastewater discharged into water sources.

3. Actual use of water used for domestic activities and each economic sector.

4. Pollution loads discharged into water sources by economic sectors.

5. Water use efficiency by economic sector, by scope of accounting and by area (VND/m³); water use efficiency increased between accounting periods (VND/m³).

6. Contributed value of water resources in socio-economic development by scope of accounting and by area (m³/VND); added value of water resources between accounting periods (m³/VND).

Article 74. Responsibility for organizing water resource accounting

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) Preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies, provincial People's Committees, relevant organizations and individuals to organize water resource accounting according to the roadmap specified in Article 75 of this Decree; disclose water resource accounting results in the national water resources report and on its web portal;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Ministry of Planning and Investment shall direct statistical authorities at all levels to cooperate and provide data specified in clause 4 Article 72 of this Decree to the Ministry of Natural Resources and Environment so as to carry out water resource accounting.

Article 75. Roadmap for water resource accounting

1. By 2027, the Ministry of Natural Resources and Environment will preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies and provincial People's Committees in developing and promulgating technical guidelines on water resource accounting.

2. By 2030:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment will preside over and cooperate with relevant units in designing and operating software in service of water resource accounting;

b) The Ministry of Natural Resources and Environment will carry out and disclose results of accounting of water resources in Dong Nai and Vu Gia - Thu Bon river basins for domestic, agricultural, hydroelectric and industrial purposes.

3. By 2035, the Ministry of Natural Resources and Environment is expected to carry out and disclose results of accounting of water resources in inter-provincial and transboundary river basins by accounting periods.

Chapter VI

NATIONAL WATER RESOURCES INFORMATION SYSTEM AND DATABASE AND REGULATIONS ON MONITORING OF WATER RESOURCES, SURVEILLANCE OF WATER RESOURCE EXPLOITATION, MONITORING AND SURVEILLANCE OF WATER QUALITY

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 76. National water resources information system and database

1. National water resources information system and database shall be built into a centralized and uniform system to manage, operate, update and exploit water resources information nationwide.

The national water resources information system and database must be suitable for Vietnam e-Government Architecture Framework, e-Government Architecture in the natural resources and environment sector, meet standards and technical regulations of the national water resources database.

2. The national water resources information system and database is composed of the following basic elements:

a) Information technology infrastructure;

b) National water resources database;

c) Software for the national water resources information system and database.

3. The national water resources database includes the information and data specified in clause 1 Article 7 of the Law on Water Resources and classified into the groups of information and data below:

a) Information and data on water sources and river basins;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Information and data on exploitation and use of water resources and discharge of wastewater into water sources; information on declaration, registration and licensing of exploration, exploitation and use of water, fee for water resource exploitation right and licensing of groundwater drilling practicing;

d) Data on inventory, survey and assessment of water resources, water resource-related planning;

dd) Information and data on water resource monitoring and data on meteorological, hydrological and water quality monitoring.

Article 77. Information and data on water resources

1. Information and data on water quantity and quality are calculated values ​​of characteristics to assess changes in quantity and quality of water sources as follows:

a) Information and data on the quantity and quality of surface water sources: water level, flow at locations on rivers, streams, canals and ditches by calculation period; capacity and area of ​​lakes, ponds and lagoons; results of measurement and analysis of water quality parameters; water quality index;

b) Information and data on quantity and quality of groundwater sources: dynamic and static reserves of aquifers; exploitable reserves of aquifers; results of measurement and analysis of water quality parameters; water quality index.

2. Information and data on declaration, registration and licensing of exploration, exploitation and use of water, groundwater drilling practicing and discharge of wastewater into receiving waters include:

a) Information and data for groundwater exploitation structures subject to declaration according to main information in declarations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Information and data for structures for exploitation and use of surface water, groundwater and seawater subject to licensing according to information on issued permits and information on the fee for water resource exploitation right;

d) Information on groundwater exploration permits;

dd) Information on licenses to practice groundwater drilling;

e) Information and data on structures discharging wastewater into water sources according to environmental licenses.

3. Data on inventory, survey and assessment of water resources, water resource-related planning, including data and products of the national water resources inventory scheme; data and products of water resource survey and assessment projects; data on water resources planning; data on comprehensive inter-provincial river basin planning; information and data on national water resources reports.

4. Information and data on the list of river basins and the list of water sources according to the list of river basins and water sources; water source protection corridor; lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; domestic water safeguard zones; minimum flow on rivers, streams, canals and ditches; water source functions approved by competent authorities;

5. Information and data on river and stream cross-sections of accepted projects and schemes; zoning maps for drought and water scarcity risks made by the Ministry of Natural Resources and Environment; lists and maps of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation, groundwater protection plans issued by provincial People's Committees; groundwater exploitation threshold in comprehensive river basin planning; annual water resource scenarios announced by the Ministry of Natural Resources and Environment.

6. Information and data on water resource monitoring and data on meteorological, hydrological and water quality monitoring:

a) Information and data on monitoring of evaporation at meteorological stations; rainfall at rain gauge stations, meteorological stations, hydrological stations, dams and reservoirs with the hydrometeorological monitoring function according to regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Information and data on monitoring of flow, water level, water quality, salinity and other factors at hydrological stations and salinity measuring stations;

d) Information and data on monitoring of sea level at some oceanographic stations;

dd) Information and data on monitoring of water quality at water monitoring stations;

e) Monitoring information and data on water exploitation at structures serving surveillance of water resource exploitation.

7. Data on exploitation and use of water resources at structures for water exploitation and discharge of wastewater at structures for discharge of wastewater into receiving waters.

8. Other information and data on water resources, including:

a) Legal documents on water resources, standards, technical regulations and techno-economic norms for water resources; technical processes and technical guidelines for water resources;

b) List and products of scientific research programs and topics related to water resources;

c) Contents of plans for exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water under provincial planning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Reports on exploitation and use of water resources by ministries and provincial People's Committees;

e) Results of exploration and assessment of groundwater reserves of groundwater exploration permit holders; information and data on geological and stratigraphic structure at locations of survey drilling, geological survey drilling, hydrogeological survey drilling, groundwater exploration drilling and engineering geological survey of organizations and individuals practicing groundwater drilling and other drilling operations in service of survey;

g) Stratigraphic information and data at locations of structures for engineering geological survey drilling, handling of foundations of construction works, construction of underground structures, geological exploration drilling, mineral exploration and mining drilling, oil and gas exploration and extraction drilling and other projects;

h) Water resource accounting results.

9. The Ministry of Natural Resources and Environment shall promulgate technical regulations on structure and data standards for information and data on water resources specified in this Article.

Article 78. Information technology infrastructure and software of the national water resources information system and database

1. Information technology infrastructure includes a set of server equipment, workstations, network devices, transmission systems, security and safety equipment, storage equipment, peripheral equipment and other equipment.

2. Software of the national water resources information system and database includes system software, utility software and application software in service of management, operation, updating and exploitation of the national water resources database and information portal of the national water resources information system and database.

3. Information technology infrastructure and software of the national water resources information system and database shall satisfy requirements in accordance with technical regulations imposed by the Minister of Natural Resources and Environment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Upon establishment of the national water resources database, it is required to sufficiently, accurately and legally update information and data on water resources of regulatory bodies, organizations and individuals concerned.

2. The national water resources database shall be regularly and promptly updated, ensuring the legality and accuracy.

3. The updating of the shall adhere to technical regulations of the Minister of Natural Resources and Environment.

Article 80. Connecting and sharing national water resources database

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall the national water resources database with national databases, databases of ministries, local authorities and relevant agencies to share information and data on water resources data in service of state management and handling of administrative procedures according to the Government’s regulations on management, connection and sharing of digital data of regulatory bodies.

2. Information and data on water resources shall be shared using the model specified in the Vietnam e-Government Architecture Framework or through services on data exchange platforms, National E-Document Exchange Platform and National Data Exchange Platform. Technical standards for water resources information and data sharing services shall comply with regulations on connection of the national database with other information systems and databases.

3. Information and data on water resources connected and shared must be agreed upon by involved parties and adhere to regulations of law.

Article 81. Exploitation and use of information and data on water resources

1. The exploitation of information and data on water resources shall comply with regulations of law on access to information and other relevant regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Any organization or individual that wishes to exploit and use information and data on water resources shall access and follow the instructions on the data portal of the national water resources information system and database.

In case of exploiting and using hydrometeorological monitoring data, regulations of law on hydrometeorology shall be complied with.

4. The agency managing and operating the national water resources information system and database is not allowed to share or provide information that affects national security, business secrets of enterprises or personal information of users, except in the case of facilitating the investigation and verification in service of imposing penalties for violations against laws and facilitating the state management by competent authorities.

Article 82. Ensuring security and confidentiality of information and data on water resources

1. Security of the national water resources information system and database must be assured as per regulations of law on cyberinformation security at certain grades and other relevant regulations of law.

2. The printing, copying, transport, delivery, transmission, storage, preservation and provision of information and data and other activities related to data within the scope of state secrets must comply with regulations of law on protection of state secrets.

3. The list of state secrets about water resources shall comply with regulations of law on state secrets.

Article 83. Providing funding for investment in establishment, management, operation and maintenance of the national water resources information system and database

1. The establishment, management, operation and maintenance of the national water resources information system and database include building, upgrading and maintaining information technology infrastructure and software; collecting, creating and updating information and data on the national water resources database; maintaining, operating and ensuring information security of the national water resources information system and database.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The local government budget dedicated to economic activities shall cover the costs of collecting and updating information and data on the national water resources database.

4. It is advisable to use private capital and other legal sources of capital in accordance with regulations of law for the establishment, management, operation and maintenance of the national water resources information system and database.

5. The agency managing and operating the national water resources information system is permitted to lease information technology infrastructure in accordance with regulations of law on state budget, law on bidding and other relevant laws.

6. The selection of organizations fully competent to take charge of building, managing and operating the national water resources information system shall comply with regulations of law on state budget, law on public investment, law on bidding, law on cyberinformation security, law on network security, regulations on management of state investment in information technology application and other relevant laws.

Article 84. Responsibility for establishment, management, maintenance and operation of the national water resources information system and database

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall direct:

a) Information technology authorities to organize the management, operation, maintenance, upgradation of information technology infrastructure and design software of the information system and national water resources database; connect and share information from the national water resources database with the national public service portal, information systems and databases of other Ministries, ministerial agencies and local authorities;

b) Water resources authorities to organize the provision and updating of information and data under their management to the national water resources information system and database;

c) Hydro-meteorological authorities to provide and share information and data, including: information and data on cross-sections of rivers and streams (if any); monitoring data specified in points a, c and d clause 6 Article 77 of this Decree according to the monitoring frequencies and information and data transmission frequencies prescribed by the law on hydrometeorology; data series corrected from the time a station started its monitoring operations and updated annually immediately after the correction results are available; other information and data upon request to serve state management of water resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Other authorities and units under the Ministry of Natural Resources and Environment to provide and update information and data on water resources within their jurisdiction specified in Article 77 of this Decree and other relevant data to build the national water resources information system and database.

2. The Ministry of Industry and Trade, Ministry of Agriculture and Rural Development and relevant Ministries and ministerial agencies shall direct specialized agencies to provide and share data on baseline survey of water resources; annually report the exploitation and use of water resources and other related data on water resources under their management to the national water resources information system and database.

3. Each provincial People’s Committee shall direct the Department of Natural Resources and Environment and relevant authorities and units to provide, share and update information and data on water resources as prescribed in Article 77 of this Decree and other relevant data under its management to and with the national water resources information system and database.

4. Agencies and units implementing water resource inventory, survey and assessment programs, water resource-related planning and other water resource baseline survey projects shall provide and update information and data to the national water resources information system and database after being appraised and accepted by a competent authority.

5. Organizations and individuals exploiting water resources shall provide and update automatic, online and periodic monitoring data as prescribed in Articles 88, Article 89, Article 90, Article 91, Article 92, Article 93 and Article 94 of this Decree and submit annual reports on water exploitation and use at structures subject to licensing to the national water resources information system and database.

6. Groundwater exploitation permit holders shall provide and update results of exploration and assessment of groundwater reserves, information and data on stratigraphy, hydrogeological parameters and other parameters experiments at locations of drilled wells into the national water resources information system and database after completing the exploration work.

Organizations and individuals practicing groundwater drilling; organizations and individuals carrying out geological exploration, conducting engineering geological survey, handling foundations of construction works and constructing; exploring and mining minerals shall provide information and data on geological and stratigraphic structure at locations of drilled wells to the national water resources information system and database.

7. Authorities, organizations and individuals specified in clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 of this Article must provide and share information and data on water resources and related information and data to serve the establishment of the national water resources information system and database and regularly update them according to regulations.

Section 2. REGULATIONS ON MONITORING OF WATER RESOURCES, SURVEILLANCE OF WATER RESOURCE EXPLOITATION, MONITORING AND SURVEILLANCE OF WATER QUALITY

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Frequencies of rainfall measurement at rain gauge stations, meteorological stations, hydrological stations at dams and reservoirs with hydrometeorological monitoring functions and frequencies of measurement of water level, flow, water quality and salinity at hydrological stations and salinity measuring stations shall comply with regulations of law on hydrometeorology.

2. Monitoring parameters and indicators for monitoring stations:

a) Regarding surface water resource monitoring stations: flow, water level and water quality indicators;

b) Regarding groundwater resource monitoring stations: flow at springs, water level in drilled wells and water quality indicators.

3. Monitoring frequencies for monitoring stations:

a) Regarding surface water resource monitoring stations: applying the monitoring frequencies for hydrological stations according to regulations of law on hydrometeorology;

b) Regarding groundwater resource monitoring stations: every 03 days (dry season), every 06 days (rainy season) for manual measuring equipment; every 02 hours for automatic and online measuring equipment.

Article 86. Subjects and methods of water resource monitoring

1. Subjects of water resource monitoring include structures for exploitation of surface water, groundwater and seawater for which registration and permit for exploitation of water resources are required.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) For a structure for which the water resource exploitation permit is required, it is required to carry out monitoring for surveillance as prescribed in Articles 88, Article 89, Article 90, Article 91, Article 92, and Article 93 of this Decree and update, connect and transmit data to the national water resources information system and database with a view to surveilling water resource exploitation;

Organizations and individuals not required to carry out monitoring and surveillance of water quality are encouraged to monitor and update data on exploited water quality to the national water resources information system and database.

b) For a structure for which the registration is required, it is required to carry out monitoring for surveillance as prescribed in Article 94 of this Decree.

3. Methods of surveilling water resource exploitation:

a) Online surveillance: keep track of data on measurement and automatic and continuous monitoring connected and transmitted directly to the national water resources information system and database;

b) Periodic surveillance: keep track of measurement and monitoring data periodically updated to the national water resources information system and database;

c) Camera surveillance: keep track of images using camera on connected and transmitted directly and continuously to the national water resources information system and database.

4. Information and data on monitoring of water resource exploitation provided by organizations and individuals exploiting water resources to the national water resources information system and database is one of the bases for determining signs of administrative and criminal violations committed during the compliance with the permit for exploitation and use of water resources and regulations of law on water resources upon inspection and audit by competent authorities.

Article 87. Requirements for equipment for measurement, data connection and transmission in service of surveillance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The value to be measured must be within the measurement range;

b) The measuring equipment must operate continuously, connect and transmit information and data to the data logger of the national water resources information system and database;

c) Regarding automatic water level and flow meters, the measurement time must not exceed 15 minutes at a time; regarding surveillance cameras, the shutter speed must be at least 01 frame per minute;

d) Before being put into use, the measuring equipment must ensure quality, comply with standards and technical regulations in accordance with prevailing regulations on quality, products and goods, and be kept under metrological control (inspection, calibration, testing) in accordance with regulations of law on measurement.

2. Upon carrying out measurement of water level, the absolute error must not exceed 01 cm; regarding the flow meter, the relative error must not exceed 5% of the actually measured value.

3. The equipment for measurement, data connection and transmission must comply with data connecting standard to ensure that data is connected and transmitted to the national water resources information system and database.

4. After completing the installation of equipment for measurement, data connection and transmission in the national water resources information system and database, the organization or individual shall issue a notification to the water resources authority affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment regarding structures to which the water resource exploitation permit is issued by the Ministry of Natural Resources and Environment or to the Department of Natural Resources and Environment regarding structures to which the water resource exploitation permit is issued by the provincial People’s Committee.

Where the information and data connected and transmitted to the national water resources information system and database are insufficient or the connection and transmission remains unstable, thereby failing to facilitate the surveillance of water resource exploitation as prescribed, the authority receiving the notification specified in this clause shall issue a notification to the organization or individual of their failure to satisfy the requirements.

Article 88. Monitoring parameters, indicators and frequencies for surveillance of exploitation of water resources for production and supply of clean water for domestic use

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The monitoring of quality of exploitable water sources is prescribed as follows:

a) Monitoring parameters for online surveillance of surface water exploitation structures with a capacity of 10,000 m³/24 hours or more at the water exploitation location shall at least include temperature, pH, dissolved oxygen (DO), total suspended solids (TSS), chemical oxygen demand (COD), Ammonium (NH4+ expressed as Nitrogen) and other parameters according to national technical regulations on surface water quality prescribed by the licensing authority in the permit based on the current status of water source quality in the exploitation area;

b) Monitoring parameters for online surveillance of groundwater exploitation structures with a capacity of 5,000 m³/24 hours or more at monitoring wells shall at least include temperature, pH, total suspended solids (TSS), Ammonium (NH4+ expressed as Nitrogen), Nitrate (NO3- expressed as Nitrogen) and other parameters according to national technical regulations on groundwater quality prescribed by the licensing authoity in the permit based on the current status of water source quality in the exploitation area;

c) In addition to the monitoring parameters for online surveillance specified in points a and b of this clause, the licensing authority shall prescribe in the permit the monitoring parameters and frequencies for periodic surveillance based on the current status of water source quality in the exploitation area.

Organizations and individuals exploiting water for other purposes from a water source with the function of supplying domestic water, the licensing authority shall stipulate in the license the water quality monitoring parameters based on the characteristics of the water source and the risk of water pollution.

Article 89. Monitoring parameters, indicators and frequencies for surveillance of water exploitation through reservoirs for electricity generation

The surveillance of surface water exploitation through reservoirs for electricity generation shall be carried out as follows:

1. Monitoring parameters and indicators for surveillance:

a) Reservoir water level;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Plant overflow rate;

d) Weir overflow rate.

2. Surveillance methods:

a) The reservoir with a total capacity of at least one (01) million m3: carry out automatic monitoring for online surveillance of the parameters specified in clause 1 of this Article and install cameras for surveillance of the water discharge specified in points b, c and d clause 1 of this Article;

b) The reservoir with a total capacity of less than one (01) million m3: carry out automatic monitoring for online surveillance of the parameters specified in points a, b and c clause 1 of this Article and carry out automatic monitoring for periodic surveillance of the parameters specified in point d clause 1 of this Article; install cameras for surveillance of the water discharge specified in points b and d clause 1 of this Article.

3. Frequencies of monitoring for surveillance:

a) Regarding monitoring parameters for online surveillance, within 15 minutes at a time.

In case data transmission is interrupted due to maintenance, inspection, calibration, replacement of spare parts, repair or replacement of measuring equipment, it is required to adopt measures to monitor and store data according to the periodic surveillance frequencies specified in point b of this clause and fully update information and data to the national water resources information system and database. It is also required to report the case to the water resources authority affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment regarding structures to which the water resource exploitation permit is issued by the Ministry of Natural Resources and Environment or to the Department of Natural Resources and Environment regarding structures to which the water resource exploitation permit is issued by the provincial People’s Committee, and explicitly describe the plan for maintenance, inspection, calibration, replacement of spare parts, repair or replacement of equipment. The plan shall be implemented within 30 days.

In case the data transmission is interrupted for other reasons, immediately after being recovered, the system must automatically transmit the data generated during the interruption period. In case the data transmission is interrupted continuously for more than 12 hours, the system operator must immediately notify the report receiving authority specified in this point in writing of the reasons and corrective actions for this interruption;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 90. Monitoring parameters, indicators and frequencies for surveillance of exploitation of water through irrigation reservoirs for agricultural production, aquaculture and other purposes

The surveillance of surface water exploitation through irrigation reservoirs for agricultural production, aquaculture and other purposes shall be carried out as follows

1. Monitoring parameters and indicators for surveillance:

a) Reservoir water level;

b) Discharge flow for minimum flow maintenance (if any);

c) Exploitation capacity for purposes;

d) Weir overflow rate;

dd) Quality of water in the course of exploitation (if any).

2. Surveillance methods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The reservoir with a total capacity of 01 million m3 to less than 03 million m3: carry out monitoring for online surveillance of the parameters specified in points a, b and c clause 1 of this Article and carry out monitoring for periodic surveillance of the parameters specified in point d and dd clause 1 of this Article;

c) The reservoir with a total capacity of less than 01 million m3: carry out monitoring for periodic surveillance of the parameters specified in clause 1 of this Article.

3. Frequencies of monitoring for surveillance:

a) Regarding monitoring parameters for online surveillance and monitoring parameters for periodic surveillance, comply with the regulations set out in clause 3 Article 89 of this Decree;

b) Regarding the parameter “water quality in the process of exploitation” specified in point dd clause 1 of this Article, update data to the national water resources information system and database within 05 working days from the date on which the analysis is available.

Locations, parameters and frequencies of water quality monitoring in service of surveillance shall comply with the regulations enshrined in the surface water exploitation permit (if any).

Article 91. Monitoring parameters, indicators and frequencies for surveillance of water exploitation through drains, pumping stations and other surface water exploitation structures

The surveillance of surface water exploitation for surveillance of water exploitation through drains, pumping stations and other surface water exploitation structures shall be carried out as follows:

1. Monitoring parameters and indicators for surveillance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Quality of water in the course of exploitation (if any).

2. Surveillance methods: carry out monitoring for periodic surveillance of the parameters specified in clause 1 of this Article; encourage the monitoring for periodic surveillance of the parameter specified in point a clause 1 of this Article.

3. Frequencies of monitoring for surveillance:

a) Regarding the parameter exploitation capacity specified in point a clause 1 of this Article, daily update (before 10:00 am next day) data on flow and corresponding exploitation time during the day to the national water resources information system and database;

b) Regarding the parameter “water quality in the process of exploitation” specified in point b clause 1 of this Article, update data to the national water resources information system and database within 05 working days from the date on which the analysis is available.

Locations, parameters and frequencies of water quality monitoring in service of surveillance shall comply with the regulations enshrined in the permit for exploitation and use of surface water (if any).

Article 92. Monitoring parameters, indicators and frequencies for surveillance of groundwater exploitation

The surveillance of groundwater exploitation shall be carried out as follows:

1. Monitoring parameters and indicators for surveillance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Organizations and individuals are encouraged to install flow monitoring equipment in each drilled well, dug well, dug hole, corridor, spring and cave to optimize the groundwater exploitation;

b) Water level in each exploitation well regarding drilled and dug wells;

c) Quality of water in the course of exploitation (if any);

d) For a structure with a capacity of at least 3,000 m3/24 hours, there must be at least 01 monitoring well. In addition to monitoring the parameters specified in points a, b and of this clause, the parameter “water level in monitoring wells” must be monitored.

If the exploitation structure operates in multiple aquifers, there must be at least 01 monitoring well in each aquifer.

2. Surveillance methods:

a) For the structure with a total capacity of 3,000 m3/24 hours or more: carry out monitoring for online surveillance of the parameters specified in points a, b and d clause 1 of this Article and carry out monitoring for periodic surveillance of the parameter specified in point c clause 1 of this Article;

b) For the structure with a total capacity of 1,000 m3/24 hours to less than 3,000 m3/24 hours: carry out monitoring for online surveillance of the parameters specified in points a and b clause 1 of this Article and carry out monitoring for periodic surveillance of the parameter specified in point c clause 1 of this Article;

c) For the structure with a total capacity of 10 m3/24 hours to less than 1,000 m3/24 hours: carry out monitoring for periodic surveillance of the parameters specified in points a, b and c clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Regarding monitoring parameters for online surveillance: within 01 hour at a time;

b) Regarding monitoring parameters for periodic surveillance: within 24 hours at a time. Data must be updated to the national water resources information system and database before 10:00 am next day for the parameters “flow” and “water level”; for the parameter “water quality in the process of exploitation”, data must be updated to the national water resources information system and database within 05 working days from the date on which the analysis is available.

Locations, parameters and frequencies of water quality monitoring in service of surveillance shall comply with the regulations enshrined in the permit for exploitation and use of groundwater (if any).

Article 93. Monitoring parameters, indicators and frequencies for surveillance of seawater exploitation

The surveillance of sea water exploitation for surveillance of seawater exploitation through drains, pumping stations and other seawater exploitation structures shall be carried out as follows:

1. Monitoring parameters and indicators: exploitation capacity.

2. Surveillance methods: carry out monitoring for periodic surveillance of the parameters specified in clause 1 of this Article; encourage the automatic monitoring for online surveillance of the parameter specified in point a clause 1 of this Article.

3. Frequencies of monitoring for periodic surveillance, daily update (before 10:00 am next day) data on total volume of water exploited in a day to the national water resources information system and database.

Article 94. Monitoring parameters, indicators and frequencies for surveillance of water exploitation subject to registration

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Monitoring parameters and indicators: exploitation capacity; minimum flow in the case of reservoirs and dams (if any)

2. Surveillance methods and frequencies: prepare a logbook to record the volume of water exploited and the minimum flow discharge rate on a daily, monthly and yearly basis (if any) and carry out monitoring for periodic surveillance once a day for the parameter specified in clause 1 of this Article and record the surveillance in the logbook.

Chapter VII

RESPONSIBILITY FOR IMPLEMENTATION AND EFFECT

Article 95. Responsibility for implementation

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall fulfill the responsibilities specified in this Decree and the following responsibilities:

a) Issue technical guidelines, norms and unit prices for planning, baseline survey of water resources and establishment of water resource protection corridors; technical guidelines on water resources accounting; technical regulations on structure and data standards for information and data on water resources; technical guidelines on information technology infrastructure and software of the national water resources information system and database and updating of water resources databases thereto;

b) Instruct and direct local authorities to establish and manage water source protection corridors; zone off areas prohibited and restricted from groundwater exploitation; compile the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; instruct local authorities, organizations and individuals to connect and share information with the national water resources information system and database;

c) Organize state management of management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources; organize the formulation and updating of water resource regulation and distribution plans; direct the creation and operation of a decision support tool system to serve the regulation and distribution of water resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies, provincial People's Committees, relevant organizations and individuals to organize water resource accounting according to the roadmap specified in this Decree.

2. Provincial People’s Committees shall fulfill the responsibilities specified in this Decree and the following responsibilities:

a) Organize the establishment and management of water source protection corridors in their provinces; organize the prohibition and restriction on groundwater exploitation; organize the compilation of the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; organize the connection and sharing of information with the national water resources information system and database;

b) Organize the formulation and approval of regulations on cooperation in operation of dams and reservoirs on rivers and streams under their management;

c) Organize the implementation of measures to protect river and lake beds, banks and terraces, prevent and control erosion occurring thereon with respect to intra-provincial surface water sources; organize the investigation, assessment, monitoring and surveillance of flow, river bed, bank and terrace sedimentation and erosion changes on intra-provincial rivers; address the issues that arise from the management, protection, development, restoration, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water with respect to intra-provincial surface water sources.

3. District-level People’s Committees shall fulfill the responsibilities specified in this Decree and the following responsibilities:

a) Cooperate with Departments of Natural Resources and Environment in compiling the List of water sources requiring protection corridors; formulating plans to plant boundary markers of protection corridors of rivers, streams, canals, ditches,  natural or man-made lakes in urban areas and high density residential areas and other water sources in their districts and cooperate in planting boundary markers on site after the plans to plant boundary markers are approved;

b) Receive, manage and protect boundary markers of water source protection corridors as assigned;

c) Cooperate with organizations and individuals operating reservoirs in formulating plans to plant boundary markers, determining protection corridors of hydropower and irrigation reservoirs in their districts and planting boundary markers on site after plans to plant boundary markers are approved;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Perform tasks of state management of water resources as decentralized or authorized by provincial People’s Committees.

4. Communal People’s Committees shall fulfill the responsibilities specified in this Decree and the following responsibilities:

a) Take water resource protection measures as prescribed by law;

b) Receive, manage and protect boundary markers of water source protection corridors as assigned;

c) Perform tasks of state management of water resources as decentralized or authorized by superior People’s Committees.

Article 96. Amendments to several Decrees related to water resources

1. Point c clause 2 Article 23 of the Decree No. 38/2016/ND- CP dated May 15, 2016 amended by the Government’s Decree No. 48/2020/ND-CP dated April 15, 2020 is amended as follows:

 “c) Serving the formulation of socio-economic development strategies, planning and plans of Ministries, central and local authorities at the request of Ministers, heads of ministerial agencies or Chairpersons of provincial People’s Committees; share information and data with the national water resources database in accordance with regulations of law on water resources to serve the state management of water resources”.

2. Article 1 of the Government’s Decree No. 22/2023/ND-CP dated May 12, 2023 is repealed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 97. Transition clauses

1. For water resource baseline survey activities: in case the project plan containing water resource baseline survey activities is approved before the effective date of this Decree, the competent authority shall, depending on actual conditions, consider and decide the resumption of such activities according to the approved project plan if conformable with regulations of this Decree. If conformable with this Decree, review and adjustment shall be made.

2. Regarding regulations on water source protection corridors:

a) For a hydropower reservoir for which boundary markers of water source protection corridor is planted or the plan to plant boundary markers of water source protection corridor is approved before the effective date of this Decree, boundary markers shall continue to be planted according to the approved plan and shall be managed and protected as per regulations of this Decree;

b) For a hydropower reservoir for which the plan to plant boundary markers of water source protection corridor is submitted before the effective date of this Decree, the procedures for appraising and approving the plan to plant boundary markers of water source protection corridor shall continue to be initiated according to regulations of the Government’s Decree No. 43/2015/ND-CP dated May 06, 2015 and regulations set out in Article 1 of the Government’s Decree No. 22/2023/ND-CP dated May 12, 2023 and boundary markers shall be planted according to the approved plan;

c) For a local authority that approves and announces the List of water sources requiring water source protection corridors before the effective date of this Decree, it shall introduce a plan to show perimeters of water source protection corridors on cadastral maps or current land use maps as prescribed in Article 27 of this Decree. Where contents of the List fail to satisfy the conditions to be shown on cadastral maps or current land use maps, the List shall be reviewed, adjusted and updated as prescribed in this Decree;

d) For a local authority that approves the plan to plant boundary markers of water source protection corridors of water sources as prescribed in Article 13 of the Decree No. 43/2015/ND-CP date May 06, 2015, it shall review, adjust and update the List as prescribed in this Decree;

dd) For a local authority that is compiling the List of water sources requiring water source protection corridors before the effective date of this Decree, it shall review, adjust and update the List as prescribed in this Decree.

3. Regarding the regulation specifying that comprehensive inter-provincial river basin planning has been approved but has yet to stipulate a groundwater exploitation threshold, the threshold may be reviewed, updated and supplemented when implementing the adjusted planning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. In the case of compiling the List of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation: If the List is approved before the effective date of this Decree, it shall remain effective. The provincial People's Committee shall review, update, announce or adjust the list as prescribed in this Decree and complete it before July 01, 2026.

6. Regarding regulations on protection of river banks, beds and terraces, prevention and control of erosion occurring thereon: where the dossier on environmental impact assessment for the projects involving any activity specified in clause 1 Article 60 of this Decree is received before the effective date of this Decree, it shall be processed as prescribed in the Decree No. 23/2020/ND-CP dated February 24, 2020.

7. Regarding regulations on monitoring and surveillance of water resources:

a) For central and local surface water and groundwater resource monitoring networks which are planned under relevant planning or networks which are being established or operate before the effective date of this Decree, those networks shall continue to operate.

b) Any organization or individual that has the surface water exploitation structure specified in points a and b clause 2 Article 90 of this Decree shall complete the installation of equipment, connection and transmission of data and carry out automatic and continuous monitoring for online surveillance of the parameters as prescribed in this Decree before July 01, 2027 regarding the structure constructed before January 01, 2013 and before December 31, 2025 regarding the structure constructed from January 01, 2013 to before the effective date of this Decree.

Pending the installation of equipment, connection and transmission of data with a view to online surveillance, the organization or individual having the water resource exploitation structure shall update data on periodic monitoring of the parameters specified in clause 1 Article 90 of this Decree;

c) For any organization or individual that has the groundwater exploitation structure with a capacity of at least 3,000 m3/24 hours which is issued with the permit before the effective date of this Circular and exploits water in at least 2 aquifers but fails to adhere to the regulation on the number of monitoring wells set out in point d clause 1 Article 92 of this Decree, the structure shall continue to operate until the expiry date of the groundwater exploitation permit and the monitoring wells shall be added when applying for issuance or extension of the groundwater exploitation permit.

In case the area is not sufficient to have more monitoring wells as prescribed, the licensing authority shall consider making a decision during the licensing process;

d) Any organization or individual that has the surface water exploitation structure with a capacity of at least 10,000 m3/24 hours for production and supply of clean water for domestic use which is constructed before the effective date of this Circular shall complete the installation of equipment and monitor quality of exploited water sources as prescribed in point a clause 2 Article 88 of this Decree before July 01, 2026;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the number of monitoring wells is insufficient as prescribed in point d clause 1 Article 92 of this Decree, monitor quality of water sources in one representative monitoring well regarding the aquifer in which no monitoring well is available;

e) Any organization or individual that has the structure for exploitation and use of groundwater exploitation has been carrying out monitoring for online surveillance before the effective date of this Decree but is only required to carry out monitoring for periodic surveillance according to regulations of this Decree, they shall decide whether to continue automatic monitoring or switch to periodic monitoring according to regulations of this Decree;

g) Any organization or individual that has the structure for exploitation and use of groundwater exploitation has been monitoring the exploitation capacity in each well before the effective date of this Decree, they shall decide whether to continue to monitoring the exploitation capacity in each well or switch to monitoring total exploitation capacity of the structure according to regulations of this Decree;

h) Where any organization or individual that has the groundwater exploitation structure with exploitation drilled wells built before November 30, 2021 fails to install an automatic water level measuring device or fails to measure the water level manually in exploitation wells but already drilled additional monitoring according to regulations of law on water resources 2012, they shall keep monitoring the water level according to this Decree to serve the surveillance.

If no additional monitoring well is drilled, drill at least 01 monitoring well representative of each exploitation aquifers when applying for issuance or extension of the groundwater exploitation permit. In case the area is not sufficient to have more monitoring wells as prescribed, the licensing authority shall consider making a decision during the licensing process;

i) Any organization or individual that has the seawater exploitation structure required to be issued with the permit or surface water or groundwater exploitation structure required to obtain registration which is constructed before the effective date of this Circular shall complete the installation of equipment and carry out monitoring as prescribed in this Decree before July 01, 2026.

8. Any organization or individual having structure for exploitation and use of resources and required to carry out surveillance according to regulations of law on water resources 2012 before the date on which the national water resources information system and database is put into official operation shall continue to update, connect and transmit data to the local system for surveillance of water resource exploitation and use for the structure under the licensing authority of the provincial People's Committee and the system for surveillance of water resource exploitation and use of the Ministry of Natural Resources and Environment for the structure under the licensing authority of the Ministry of Natural Resources and Environment.

For a local authority that fails to have a system for surveillance of water resource exploitation and use after the effective date of this Decree, the organization or individual having the structure for exploitation and use of water resources under the licensing authority of the provincial People's Committee shall update, connect and transmit data to the system for surveillance of water resource exploitation and use of the Ministry of Natural Resources and Environment so as for the local authority to carry out surveillance.

9. Any province or central-affiliated city which is operating or building a system for surveillance of water resource exploitation and use shall continue to do so and integrate the system into the national water resources information system and database as the latter are put into official operation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. The Vietnam Mekong River Basin Committee shall keep operating according to Prime Minister’s Decision No. 619/QD-TTg dated May 08, 2020 defining functions, tasks, powers and organizational structure of the Vietnam National Mekong Committee.

Article 98. Effect

1. This Decree comes into force from July 01, 2024.

2. From the effective date of this Decree, the following Government’s Decrees shall cease to have effect:

a) Decree No. 112/2008/ND-CP dated October 20, 2008;

b) Decree No. 120/2008/ND-CP dated December 01, 2008;

c) Decree No. 43/2015/ND-CP dated May 06, 2015;

d) Decree No. 167/2018/ND-CP dated December 26, 2018;

3. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities, organizations and individuals are responsible for the implementation of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. THE PRIME MINISTER
THE DEPUTY PRIME MINISTER




Tran Hong Ha

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 53/2024/NĐ-CP ngày 16/05/2024 hướng dẫn Luật Tài nguyên nước

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


31.220

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.214.175
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!