Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 45/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dầu khí

Số hiệu: 45/2023/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 01/07/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

03 tiêu chí lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí

Đây là nội dung tại Nghị định 45/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 được ban hành bởi Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022.

03 tiêu chí lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí

Theo đó, nhà thầu tham gia đấu thầu để được lựa chọn ký hợp đồng dầu khí cần đáp ứng 03 tiêu chí sau đây:

(1) Tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu

- Năng lực kỹ thuật, tài chính, khả năng thu xếp vốn để triển khai hoạt động dầu khí.

- Kinh nghiệm thực hiện các hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí (trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh).

- Các hợp đồng, thỏa thuận liên quan đã và đang thực hiện (nếu có).

(2) Tiêu chí về điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí

- Cam kết công việc tối thiểu (thu nổ mới, tái xử lý tài liệu địa chấn, số lượng giếng khoan.

- Cam kết công việc phát triển mỏ, khai thác.

- Phương án triển khai và công nghệ tối ưu cho hoạt động dầu khí, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí carbon dioxide.

(3) Tiêu chí về điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí

- Các mức thuế phù hợp với pháp luật về thuế, phụ thu khi giá dầu tăng cao.

- Tỷ lệ chia dầu lãi, khí lãi cho nước chủ nhà.

- Tỷ lệ quyền lợi tham gia của nước chủ nhà (thông qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khi có phát hiện thương mại đầu tiên trong diện tích hợp đồng dầu khí (nếu áp dụng).

- Tỷ lệ quyền lợi tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được chỉ định tham gia với tư cách là nhà thầu.

- Tỷ lệ thu hồi chi phí.

- Cam kết tài chính tương ứng với các cam kết công việc tối thiểu.

- Cam kết về các nghĩa vụ tài chính khác (các loại hoa hồng, chi phí đào tạo, đóng góp quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dầu khí).

Nghị định 45/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2023; thay thế Nghị định 95/2015/NĐ-CP  và Nghị định 33/2013/NĐ-CP .

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DẦU KHÍ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Dầu khí ngày 14 tháng 11 năm 2022;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí về điều tra cơ bản về dầu khí; danh mục lô dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; hợp đồng dầu khí; an toàn trong hoạt động dầu khí; hồ sơ, trình tự, thủ tục triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí; ưu đãi trong hoạt động dầu khí; khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; quyết toán chi phí hoạt động dầu khí, trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên dự thầu là các tổ chức, cá nhân đăng ký tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí.

2. Bộ hồ sơ điện tử là bộ hồ sơ được lập từ các văn bản điện tử của bộ hồ sơ gốc, ngoại trừ các tài liệu mật theo quy định.

3. Bộ hồ sơ gốc bao gồm các văn bản, giấy tờ, tài liệu là bản gốc, bản chính hoặc bản sao hợp lệ. Đối với các văn bản, giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì bản gốc phải được thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Cam kết công việc tối thiểu và cam kết tài chính tối thiểu là khối lượng công việc tối thiểu và số tiền tối thiểu tương ứng mà nhà thầu cam kết thực hiện trong thời gian cụ thể được quy định tại hợp đồng dầu khí.

5. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đủ thành phần giấy tờ theo quy định tại Luật Dầu khí và Nghị định này.

6. Tỷ lệ chia dầu lãi, khí lãi là tỷ lệ xác định phần chia sản phẩm giữa các bên liên quan theo thang sản lượng, sau khi đã phân bổ sản phẩm để nộp thuế tài nguyên và thu hồi chi phí được thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí.

Chương II

ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ DẦU KHÍ

Điều 3. Xây dựng, phê duyệt danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí

1. Danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí được xây dựng và phê duyệt cho giai đoạn 05 năm phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch về năng lượng, tài nguyên khoáng sản; được rà soát, cập nhật hằng năm.

2. Trước ngày 01 tháng 3 của năm cuối giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 05 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, các tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 Luật Dầu khíĐiều 4 Nghị định này gửi đề xuất đề án điều tra cơ bản về dầu khí cho giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 05 năm tiếp theo đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để xem xét, đánh giá, tổng hợp và đề xuất danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí, bao gồm cả đề án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đề án do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện.

3. Trước ngày 01 tháng 5 của năm cuối giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 05 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề xuất danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí;

b) Văn bản của tổ chức đề xuất đề án điều tra cơ bản về dầu khí, bao gồm: các nội dung chính của đề án theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Dầu khí; tài liệu chứng minh đáp ứng đủ điều kiện thực hiện đề án theo quy định tại Điều 12 Luật Dầu khíĐiều 4 Nghị định này; phương án sơ bộ phối hợp thực hiện với các tổ chức, cá nhân liên quan trong trường hợp đề án điều tra cơ bản về dầu khí được đề xuất thực hiện tại khu vực đã được giao hoặc đang thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

c) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về hồ sơ đề xuất của từng đề án; văn bản tiếp thu, giải trình của tổ chức đề xuất đề án (nếu có);

d) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

5. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

6. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành đánh giá và hoàn chỉnh danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

7. Căn cứ danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

a) Bộ Công Thương thông báo đến cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí để lập và trình đề cương chi tiết và dự toán chi phí thực hiện đề án theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, đồng thời thông báo đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

b) Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp phần kinh phí thực hiện các đề án điều tra cơ bản về dầu khí sử dụng vốn ngân sách nhà nước vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

8. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí và tình hình triển khai thực hiện từng đề án để báo cáo Bộ Công Thương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí (nếu cần thiết). Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Điều 4. Điều kiện của tổ chức chủ trì thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí

Tổ chức chủ trì thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí phải có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí, đáp ứng các điều kiện sau:

1. Chứng minh đủ năng lực tài chính để thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí theo một hoặc đồng thời các hình thức sau:

a) Tự thu xếp bằng nguồn lực của tổ chức hoặc bảo lãnh của công ty mẹ;

b) Bảo lãnh hoặc cam kết tài trợ, cấp vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính.

2. Có phương án huy động máy móc, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thực hiện đề án.

3. Đã tham gia ít nhất 01 đề án điều tra cơ bản về dầu khí hoặc 01 đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hoặc 01 hợp đồng dầu khí.

4. Có cam kết thực hiện các yêu cầu về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật và không đang trong thời gian bị cấm hoạt động trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Điều 5. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt đề cương chi tiết và dự toán chi phí đề án điều tra cơ bản về dầu khí

1. Đề cương chi tiết và dự toán chi phí của đề án điều tra cơ bản về dầu khí bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Cơ sở pháp lý và luận cứ khoa học của việc lập đề án;

b) Khu vực thực hiện điều tra (vị trí địa lý, tọa độ, diện tích điều tra);

c) Đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội khu vực điều tra;

d) Cơ sở tài liệu kỹ thuật để lập đề án;

đ) Đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ của đề án;

e) Phương pháp kỹ thuật và khối lượng công việc dự kiến thực hiện; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế, kỹ thuật (nếu có) dự kiến áp dụng trong thực hiện đề án;

g) Dự kiến kết quả sẽ đạt được và sản phẩm sau khi kết thúc đề án;

h) Kế hoạch và tiến độ thực hiện;

i) Nguồn kinh phí và dự toán chi phí;

k) Phương án phối hợp thực hiện với các tổ chức, cá nhân liên quan trong trường hợp đề án điều tra cơ bản về dầu khí được đề xuất thực hiện tại khu vực đã được giao hoặc đang thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

l) Nội dung khác (nếu có).

2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Công Thương theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị định này, trên cơ sở đề cương chi tiết và dự toán chi phí của đề án điều tra cơ bản về dầu khí do tổ chức chủ trì thực hiện đề án lập và được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho ý kiến, tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt đề cương chi tiết và dự toán chi phí đề án. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt đề cương chi tiết và dự toán chi phí đề án điều tra cơ bản về dầu khí;

b) Đề cương chi tiết và dự toán chi phí của đề án theo quy định tại khoản 1 Điều này; các phụ lục, bản vẽ, các tài liệu kèm theo (nếu có);

c) Văn bản thông báo của Bộ Công Thương gửi tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí;

d) Văn bản xác định nguồn vốn cho đề án trong trường hợp kinh phí thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ trong từng giai đoạn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Ý kiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề cương chi tiết và dự toán chi phí đề án điều tra cơ bản về dầu khí do tổ chức chủ trì thực hiện đề án lập; văn bản tiếp thu, giải trình của tổ chức chủ trì thực hiện đề án (nếu có);

e) Dự thảo thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổ chức ngoài cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chủ trì thực hiện đề án nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Dầu khí, bao gồm các nội dung chính: khu vực thực hiện điều tra; quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tổ chức trong quá trình thực hiện đề án; cam kết của tổ chức về việc lưu giữ, bảo quản mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu, trong quá trình thực hiện đề án; các điều khoản chung của thỏa thuận;

g) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

3. Việc thẩm định đề cương chi tiết và dự toán chi phí đề án điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện các bộ, ngành liên quan) và tổ chuyên viên giúp việc hội đồng thẩm định.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định đề cương chi tiết và dự toán chi phí đề án điều tra cơ bản về dầu khí, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt đề cương chi tiết và dự toán chi phí đề án điều tra cơ bản về dầu khí.

Điều 6. Triển khai thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí

1. Tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí có trách nhiệm:

a) Thực hiện đúng đề án đã được phê duyệt;

b) Thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ít nhất 15 ngày trước khi thực hiện hạng mục công việc tại thực địa.

2. Trong quá trình thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí nếu phát hiện thấy các tài nguyên, khoáng sản khác thì tổ chức, cá nhân phải có ngay báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiến hành công việc và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản, nghiêm cấm hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí để khai thác khoáng sản.

3. Trong quá trình thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, tổ chức chủ trì thực hiện đề án có thể đề nghị điều chỉnh đề cương chi tiết và dự toán chi phí của đề án phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai thực địa. Tổ chức chủ trì thực hiện đề án có văn bản đề xuất điều chỉnh đề cương chi tiết và dự toán chi phí của đề án, trong đó nêu rõ tiến độ và khối lượng công việc đã thực hiện, lý do và nội dung đề xuất điều chỉnh đề án, gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, đánh giá và báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt theo quy trình tương tự được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 5 Nghị định này.

Điều 7. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí

1. Hằng quý (trước ngày làm việc cuối cùng của tháng cuối quý) hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương, tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản về tình hình triển khai đề án đến Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phục vụ công tác giám sát.

2. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ trì kiểm tra tình hình thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí theo kế hoạch và nội dung kiểm tra do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng của các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai công tác giám sát trên thực địa đối với các đề án điều tra cơ bản về dầu khí.

Điều 8. Nghiệm thu, phê duyệt kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí

1. Công tác nghiệm thu kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí bao gồm các nội dung chính sau:

a) Đánh giá khối lượng, chất lượng, tiến độ thực hiện các hạng mục công việc theo đề cương chi tiết được phê duyệt;

b) Đánh giá việc tuân thủ các quy định kỹ thuật, tính trung thực trong việc thu thập, thành lập tài liệu; tính đúng đắn, khoa học trong việc phân tích, xử lý và tổng hợp số liệu;

c) Đánh giá mức độ tin cậy của các kết quả điều tra; các phát hiện mới về địa chất dầu khí (nếu có); các kết luận về đặc điểm địa chất, địa vật lý và các đặc điểm kỹ thuật khác của đối tượng điều tra;

d) Đánh giá việc thực hiện các chế độ tài chính và các quy định, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá hiện hành;

đ) Thẩm định nội dung chi từ nguồn ngân sách nhà nước (nếu có), nội dung chi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nếu có);

e) Đánh giá việc thực hiện thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tổ chức ngoài cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chủ trì thực hiện đề án nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Dầu khí.

2. Nghiệm thu kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí được chia làm hai cấp, gồm nghiệm thu cấp cơ sở và nghiệm thu cấp bộ, cụ thể:

a) Nghiệm thu cấp cơ sở do tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí thực hiện;

b) Nghiệm thu cấp bộ do Bộ Công Thương tiến hành sau khi có kết quả nghiệm thu cấp cơ sở. Hội đồng nghiệm thu cấp bộ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập. Kết quả nghiệm thu cấp bộ là cơ sở để phê duyệt kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đề án điều tra cơ bản về dầu khí, tổ chức chủ trì thực hiện đề án tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hoàn thành nghiệm thu cấp cơ sở, sau khi lấy ý kiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị nghiệm thu cấp bộ và phê duyệt kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị nghiệm thu cấp bộ và phê duyệt kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí;

b) Báo cáo kết quả đề án; phụ lục, bản vẽ và các tài liệu khác kèm theo.

c) Báo cáo tóm tắt kết quả đề án;

d) Báo cáo thẩm tra của tư vấn do tổ chức chủ trì thuê thực hiện (nếu cần thiết);

đ) Biên bản nghiệm thu cấp cơ sở;

e) Ý kiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; văn bản tiếp thu, giải trình của tổ chức chủ trì thực hiện đề án (nếu có);

g) Quyết định phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh đề án của cơ quan có thẩm quyền;

h) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành công tác nghiệm thu cấp bộ và phê duyệt kết quả đề án điều tra cơ bản về dầu khí.

6. Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí hoàn thành quyết toán chi phí thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định; gửi Bộ Công Thương kết quả quyết toán nội dung chi từ nguồn ngân sách nhà nước (nếu có), nội dung chi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nếu có) để xem xét, phê duyệt.

Điều 9. Giao nộp kết quả điều tra cơ bản về dầu khí

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt kết quả đề án điều tra cơ bản về dầu khí, tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí có trách nhiệm chuyển mẫu vật (nếu có) về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để lưu giữ và bảo quản, đồng thời, nộp 01 bộ hồ sơ bản giấy và 01 bộ hồ sơ điện tử (không bao gồm các tài liệu mật theo quy định, nếu có) báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí đến Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bao gồm tài liệu tổng hợp và tài liệu nguyên thủy, cụ thể:

a) Tài liệu tổng hợp gồm: thuyết minh và các tài liệu tổng hợp được trình bày dưới dạng phụ lục, bản đồ, ảnh minh họa thể hiện đầy đủ các kết quả thực hiện;

b) Tài liệu nguyên thủy là các loại tài liệu được thu thập tại thực địa, bao gồm: các loại nhật ký, sổ thực địa, các loại bản đồ, sơ đồ, ảnh chụp, băng từ ghi nhận địa chấn, đĩa; các kết quả đo đạc.

2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật các thông tin, kết quả điều tra cơ bản về dầu khí vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về địa chất và khoáng sản (trừ các thông tin được yêu cầu quản lý theo chế độ mật).

Điều 10. Bảo quản mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu kết quả điều tra cơ bản về dầu khí

1. Thời hạn lưu giữ, bảo quản mẫu vật, tài liệu, thông tin dữ liệu được xác lập đối với từng loại theo quy định hiện hành: lưu giữ, bảo quản vĩnh viễn hoặc lưu giữ, bảo quản có thời hạn. Cơ quan lưu giữ, bảo quản có trách nhiệm thống kê các loại mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu hết giá trị sử dụng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để hủy bỏ nhằm tối ưu chi phí quản lý.

2. Mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu được phân loại theo cấp độ mật (nếu có yêu cầu) và có chính sách bảo vệ an toàn thông tin cho từng loại tương ứng phù hợp với các quy định của pháp luật.

3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý các mẫu vật, tài liệu do các tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí giao nộp theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Dầu khí và tổ chức vận hành hệ thống để có thể khai thác thông tin, tài liệu đã tiếp nhận phù hợp với các quy định của pháp luật.

Điều 11. Khai thác, sử dụng mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu và báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí

1. Các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, tham khảo, khai thác và sử dụng mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu, báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí dưới hình thức dịch vụ công với mức phí khai thác và sử dụng tài liệu dầu khí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí thông qua thỏa thuận ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được phép sử dụng, khai thác mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu và báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí theo thỏa thuận đã ký; được đề xuất thu hồi chi phí khi tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí trong khu vực đã thực hiện điều tra cơ bản theo đề án.

Chương III

DANH MỤC LÔ DẦU KHÍ, LỰA CHỌN NHÀ THẦU ĐỂ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ

Điều 12. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt danh mục các lô dầu khí

1. Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng danh mục các lô dầu khí mới hoặc danh mục điều chỉnh các lô dầu khí, trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt danh mục các lô dầu khí mới hoặc danh mục điều chỉnh các lô dầu khí;

b) Thông tin về các lô dầu khí mới được hình thành hoặc về việc điều chỉnh các lô dầu khí, bao gồm tên, tọa độ, diện tích;

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định và hoàn chỉnh danh mục các lô dầu khí mới hoặc danh mục các lô dầu khí điều chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt danh mục các lô dầu khí mới hoặc danh mục điều chỉnh các lô dầu khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

Điều 13. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để ký hợp đồng dầu khí

1. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu để ký hợp đồng dầu khí, trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để ký hợp đồng dầu khí;

b) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu để ký hợp đồng dầu khí, bao gồm các nội dung chính được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Dầu khí và lý do đề xuất hình thức lựa chọn nhà thầu tương ứng đối với từng lô dầu khí mở; danh sách nhà thầu đề xuất mời tham dự thầu đối với hình thức đấu thầu hạn chế hoặc chào thầu cạnh tranh; loại hợp đồng dầu khí áp dụng và lý do đề xuất loại hợp đồng dầu khí đó; điều kiện về năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm để được tham dự thầu; dự thảo hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh, hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 21 Luật Dầu khí;

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Nội dung thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu để ký hợp đồng dầu khí là kiểm tra, đánh giá các nội dung chính của kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Dầu khí.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu để ký hợp đồng dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để ký hợp đồng dầu khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

6. Điều này không áp dụng cho trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Dầu khí.

Điều 14. Thông báo mời thầu, mời chào thầu cạnh tranh

1. Thông báo mời thầu được đăng liên tục trong 05 ngày liên tiếp trên 05 báo phát hành hằng ngày và được đăng tải trên 05 trang mạng thông tin có uy tín, trong đó phải có ít nhất 01 báo phát hành bằng tiếng Anh đăng tải trên mạng thông tin trong nước hoặc nước ngoài bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thông báo mời thầu cũng có thể được gửi trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân quan tâm đến các lô dầu khí trong danh sách mời thầu hoặc trên các trang mạng chuyên cung cấp thông tin về các sự kiện dầu khí trên thế giới.

2. Thông báo mời chào thầu cạnh tranh được gửi trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lô dầu khí được áp dụng hình thức chào thầu cạnh tranh.

3. Thông báo mời thầu, chào thầu cạnh tranh bao gồm các nội dung sau:

a) Thông tin về lô dầu khí mở mời thầu hoặc mời chào thầu cạnh tranh;

b) Danh mục các tài liệu được phép tiếp cận và các thông tin khác có liên quan;

c) Thời gian tham khảo tài liệu;

d) Hồ sơ, biểu mẫu liên quan (nếu có).

Điều 15. Đăng ký dự thầu

1. Bên dự thầu gửi đăng ký dự thầu đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thời hạn đăng ký không quá 45 ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng thông báo mời thầu hoặc kể từ ngày cuối cùng thông báo mời chào thầu cạnh tranh.

2. Khi đăng ký dự thầu, bên dự thầu phải cung cấp thông tin tóm tắt về năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, dự kiến về việc hình thành liên danh nhà thầu (nếu có) và các thông tin khác theo yêu cầu tại thông báo mời thầu hoặc chào thầu cạnh tranh.

3. Sau khi nhận được đăng ký dự thầu, nếu đáp ứng yêu cầu tại Điều 16 Luật Dầu khí, bên dự thầu được nhận hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh và được quyền tiếp cận các tài liệu theo danh mục đã công bố trong thông báo mời thầu hoặc mời chào thầu cạnh tranh.

Điều 16. Phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh, hồ sơ yêu cầu

1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuẩn bị hồ sơ mời thầu đối với hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh đối với hình thức chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu đối với hình thức chỉ định thầu và phát hành cho các bên dự thầu.

2. Nội dung hồ sơ mời thầu bao gồm:

a) Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hợp đồng dầu khí, bao gồm: tỷ lệ chia dầu lãi, khí lãi; cam kết công việc tối thiểu và cam kết tài chính tối thiểu; tỷ lệ quyền lợi tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc công ty chi nhánh thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được chỉ định tham gia với tư cách là nhà thầu; quyền tham gia của nước chủ nhà (thông qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khi có phát hiện thương mại đầu tiên trong diện tích hợp đồng dầu khí (nếu áp dụng); tỷ lệ thu hồi chi phí; cam kết về các nghĩa vụ tài chính khác (các loại hoa hồng, chi phí đào tạo, đóng góp quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dầu khí); thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu dầu thô (bao gồm cả condensate) và khí thiên nhiên, các loại thuế, phí, lệ phí phải nộp khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí;

b) Yêu cầu về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm triển khai hoạt động dầu khí và văn bản về việc hình thành liên danh nhà thầu (nếu có);

c) Tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;

d) Thời gian tiến hành quá trình lựa chọn nhà thầu và các chi tiết khác về thủ tục lựa chọn nhà thầu;

đ) Tài liệu, thông tin cơ bản về lô dầu khí;

e) Yêu cầu các tài liệu pháp lý của bên dự thầu: giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, điều lệ hoạt động, báo cáo tài chính 03 năm gần nhất hoặc bảo lãnh của công ty mẹ của bên dự thầu là tổ chức; căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với bên dự thầu là cá nhân và các tài liệu khác có liên quan của bên dự thầu hoặc từng bên tham gia trong liên danh tham dự thầu (ngoại trừ trường hợp lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo quy định tại Điều 40 Luật Dầu khí);

g) Hướng dẫn đối với bên dự thầu;

h) Mẫu hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực hoặc đề xuất áp dụng;

i) Yêu cầu về bảo đảm dự thầu (nếu cần thiết) theo mẫu, bao gồm các nội dung về hình thức, giá trị và thời hạn của bảo đảm dự thầu;

k) Đánh giá ban đầu về tiềm năng dầu khí của lô dầu khí liên quan;

l) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

3. Nội dung hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh bao gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l khoản 2 Điều này.

4. Nội dung hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu bao gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l khoản 2 Điều này và các nội dung chuyển tiếp từ hợp đồng dầu khí đang triển khai sang hợp đồng dầu khí mới (nếu có) đối với trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 Luật Dầu khí.

Điều 17. Nhận hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất; mở thầu và quản lý hồ sơ dự thầu

1. Bên dự thầu gửi hồ sơ dự thầu đối với hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh đối với hình thức chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất đối với hình thức chỉ định thầu đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời hạn được ghi trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết định thời hạn nộp hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất và quy định cụ thể trong thông báo mời tham gia nhưng không quá 120 ngày, kể từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu.

2. Yêu cầu đối với hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất

a) Được lập theo quy định tại hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh, hồ sơ yêu cầu;

b) Được coi là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ những yêu cầu tương ứng của hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu, nộp đúng thời gian và cách thức đã được quy định.

3. Mở thầu và quản lý hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất

a) Việc tổ chức mở thầu phải đúng thời gian và cách thức quy định trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu;

b) Thành phần tham dự mở thầu bao gồm đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan (nếu cần thiết), đại diện bên dự thầu;

c) Hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất sau khi được mở phải được quản lý theo chế độ mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong suốt quá trình lựa chọn nhà thầu;

d) Sau thời điểm mở thầu, việc bổ sung tài liệu của bên dự thầu đối với hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất không có giá trị pháp lý, trừ trường hợp tài liệu bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định này.

Điều 18. Tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất

1. Tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu bao gồm: năng lực kỹ thuật, tài chính, khả năng thu xếp vốn để triển khai hoạt động dầu khí; kinh nghiệm thực hiện các hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí (trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh); các hợp đồng, thỏa thuận liên quan đã và đang thực hiện (nếu có);

b) Tiêu chí về điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí bao gồm: cam kết công việc tối thiểu (thu nổ mới, tái xử lý tài liệu địa chấn, số lượng giếng khoan); cam kết công việc phát triển mỏ, khai thác; phương án triển khai và công nghệ tối ưu cho hoạt động dầu khí, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí carbon dioxide;

c) Tiêu chí về điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí bao gồm: các mức thuế phù hợp với pháp luật về thuế, phụ thu khi giá dầu tăng cao; tỷ lệ chia dầu lãi, khí lãi cho nước chủ nhà; tỷ lệ quyền lợi tham gia của nước chủ nhà (thông qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khi có phát hiện thương mại đầu tiên trong diện tích hợp đồng dầu khí (nếu áp dụng); tỷ lệ quyền lợi tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được chỉ định tham gia với tư cách là nhà thầu; tỷ lệ thu hồi chi phí; cam kết tài chính tương ứng với các cam kết công việc tối thiểu; cam kết về các nghĩa vụ tài chính khác (các loại hoa hồng, chi phí đào tạo, đóng góp quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dầu khí).

2. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất bao gồm:

a) Đối với tiêu chí năng lực, kinh nghiệm: đánh giá theo tiêu chí đạt và không đạt;

b) Đối với tiêu chí về điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí: đáp ứng yêu cầu về cam kết công việc tối thiểu và đánh giá theo chấm điểm với thang điểm 100;

c) Đối với tiêu chí về điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí: đánh giá theo chấm điểm với thang điểm 100;

d) Tổng hợp kết quả: tổng điểm sẽ được tính như sau: Tổng điểm = Tổng điểm tiêu chí về điều kiện kỹ thuật nhân (x) với trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật cộng (+) Tổng điểm tiêu chí về điều kiện kinh tế nhân (x) với trọng số tiêu chí về điều kiện kinh tế. Trong đó trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật tối thiểu là 0,3 tùy thuộc vào đặc thù của từng lô dầu khí; trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật cộng (+) trọng số tiêu chí về điều kiện kinh tế = 1;

đ) Bên dự thầu được lựa chọn thắng thầu khi đồng thời đạt được các kết quả sau: năng lực, kinh nghiệm “đạt”; đáp ứng yêu cầu về cam kết công việc tối thiểu và tổng điểm tiêu chí về điều kiện kỹ thuật đạt mức tối thiểu theo quy định tại hồ sơ mời thầu; tổng điểm tiêu chí về điều kiện kinh tế đạt mức tối thiểu theo quy định tại hồ sơ mời thầu; tổng điểm theo mục d khoản 2 Điều này cao nhất.

3. Khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh, hồ sơ yêu cầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải xây dựng và phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất phù hợp với đặc thù của từng lô dầu khí.

Điều 19. Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất

1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập tổ chuyên gia để đánh giá hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất. Tổ chuyên gia gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm và có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, làm việc theo quy chế do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành.

2. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất phải dựa trên các tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu đã được phê duyệt.

3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể yêu cầu bên dự thầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất bằng văn bản. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bên dự thầu phải có văn bản trả lời. Việc làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất là cung cấp thông tin để giải thích nội dung được yêu cầu, không làm thay đổi nội dung chính của hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất.

4. Việc đánh giá thầu được tiến hành trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày mở thầu.

Điều 20. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình kết quả đánh giá thầu và kiến nghị lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí kèm theo bộ điều kiện kinh tế, kỹ thuật của hợp đồng dầu khí;

b) Hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu;

c) Các hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất;

d) Biên bản mở thầu;

đ) Biên bản đánh giá thầu, bảng điểm chấm thầu;

e) Các văn bản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất và văn bản trả lời của bên dự thầu (nếu có);

g) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Nội dung thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí bao gồm:

a) Đánh giá căn cứ của việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;

b) Đánh giá việc tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu;

c) Đánh giá sự phù hợp của phương pháp đánh giá và tiêu chí lựa chọn nhà thầu;

d) Đánh giá việc tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất;

đ) Xem xét những ý kiến khác nhau (nếu có) của tổ chuyên gia;

e) Các nội dung liên quan khác.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

6. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo cho bên dự thầu được lựa chọn vế kết quả lựa chọn nhà thầu, điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hợp đồng dầu khí và kế hoạch đàm phán hợp đồng dầu khí.

7. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành đàm phán hợp đồng dầu khí. Nếu quá thời hạn nêu trên mà chưa thể thống nhất nội dung dự thảo hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương lý do và đề xuất gia hạn thời gian đàm phán để Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

Chương IV

HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ

Điều 21. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thành đàm phán hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí;

b) Dự thảo hợp đồng dầu khí đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu thống nhất; bản giải trình các nội dung khác biệt giữa dự thảo hợp đồng dầu khí trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu và dự thảo hợp đồng dầu khí đã được thỏa thuận;

c) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với tổ chức; bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân tham gia hợp đồng dầu khí;

d) Thư bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của nhà thầu hoặc từng nhà thầu trong liên danh nhà thầu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc công ty mẹ của nhà thầu hoặc từng nhà thầu trong liên danh nhà thầu phát hành theo yêu cầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở kết quả đánh giá báo cáo tài chính của nhà thầu;

đ) Tài liệu của nhà thầu hoặc từng nhà thầu trong liên danh, bao gồm: điều lệ công ty, báo cáo tài chính trong 03 năm gần nhất và các tài liệu pháp lý khác có liên quan làm cơ sở đàm phán hợp đồng dầu khí, bản sao kê khai nghĩa vụ thuế năm gần nhất trong trường hợp là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về thuế của Việt Nam.

e) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định nội dung hợp đồng dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu tiến hành ký kết hợp đồng dầu khí.

Điều 22. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành ký kết hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 01 bộ hồ sơ gốc đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà thầu thực hiện hoạt động dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với hợp đồng dầu khí đã ký cho nhà thầu thực hiện hoạt động dầu khí;

b) Bản gốc hợp đồng dầu khí đã được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời gửi bản chính đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và cơ quan thuế.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhà thầu hoàn tất các nghĩa vụ của hợp đồng dầu khí hoặc ngày chấm dứt hiệu lực hợp đồng dầu khí theo quy định tại Điều 35 Luật Dầu khí tùy thuộc thời điểm nào đến muộn hơn, nhà thầu phải nộp lại các bản gốc, bản chính giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh (nếu có) cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để gửi Bộ Công Thương.

Điều 23. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh nội dung hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh

1. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt điều chỉnh nội dung hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt điều chỉnh nội dung hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, trong đó nêu rõ lý do; giải trình các nội dung điều chỉnh của hợp đồng dầu khí; đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với đề xuất của nhà thầu;

b) Thỏa thuận bổ sung điều chỉnh nội dung hợp đồng dầu khí đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu thống nhất;

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trình tự thẩm định và phê duyệt điều chỉnh nội dung hợp đồng dầu khí được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 21 Nghị định này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt điều chỉnh nội dung hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời gửi bản chính đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và cơ quan thuế.

Điều 24. Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí

1. Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí phải tuân thủ hợp đồng mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu chỉ đàm phán các nội dung được trích yếu “phụ thuộc vào kết quả đấu thầu hoặc đàm phán” và một số nội dung khác quy định tại Điều 20.7 của hợp đồng mẫu.

Điều 25. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí

1. Giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Dầu khí có thể được chia thành các giai đoạn thành phần.

2. Chậm nhất 60 ngày trước ngày kết thúc từng giai đoạn thành phần hoặc ngày kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, trong đó nêu rõ lý do; kế hoạch triển khai hoạt động dầu khí trong thời gian gia hạn; các cam kết công việc bổ sung, cam kết tài chính tương ứng và các đề xuất khác dự kiến thực hiện trong thời gian được gia hạn (nếu có);

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Điều 26. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và chấp thuận gia hạn thời hạn của hợp đồng dầu khí

1. Chậm nhất 01 năm trước ngày kết thúc hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận gia hạn thời hạn của hợp đồng dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận gia hạn thời hạn của hợp đồng dầu khí, trong đó nêu rõ lý do; kế hoạch triển khai hoạt động dầu khí trong thời gian gia hạn; các cam kết công việc tối thiểu và cam kết tài chính tối thiểu trong thời gian được gia hạn (nếu có);

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận gia hạn thời hạn của hợp đồng dầu khí.

Điều 27. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, thời hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt

1. Chậm nhất 60 ngày trước ngày kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí hoặc 01 năm trước ngày kết thúc hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị gia hạn thời hạn tìm kiếm thăm dò dầu khí hoặc gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí hoặc gia hạn thời hạn của hợp đồng dầu khí, trong đó nêu rõ lý do và việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 31 Luật Dầu khí; kế hoạch triển khai hoạt động dầu khí trong thời gian gia hạn; các cam kết công việc bổ sung, cam kết tài chính tương ứng và các đề xuất khác dự kiến thực hiện trong thời gian được gia hạn (nếu có);

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định đề nghị gia hạn thời hạn tìm kiếm thăm dò dầu khí hoặc gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định và đề nghị chấp thuận gia hạn thời hạn tìm kiếm thăm dò dầu khí hoặc gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

Điều 28. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và chấp thuận giữ lại diện tích phát hiện khí

1. Chậm nhất 90 ngày kể từ ngày tuyên bố phát hiện thương mại, trên cơ sở đề nghị của nhà thâu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận giữ lại diện tích phát hiện khí trong thời hạn không quá 05 năm. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận giữ lại diện tích phát hiện khí, trong đó nêu rõ lý do và việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Dầu khí; kế hoạch triển khai phát triển phát hiện khí; cam kết công việc bổ sung và cam kết tài chính tương ứng dự kiến thực hiện trong thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí (nếu có);

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận giữ lại diện tích phát hiện khí trong thời hạn không quá 05 năm.

5. Chậm nhất 90 ngày trước ngày kết thúc thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí đã được Bộ Công Thương chấp thuận, nếu có yêu cầu tiếp tục giữ lại diện tích phát hiện khí trong thời hạn không quá 02 năm theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận kéo dài thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí đến Bộ Công Thương để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận kéo dài thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí, trong đó nêu rõ lý do và việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Dầu khí; kế hoạch triển khai phát triển phát hiện khí; cam kết công việc bổ sung và cam kết tài chính tương ứng dự kiến thực hiện trong thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí (nếu có);

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

7. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

8. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định đề nghị kéo dài thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định và đề nghị chấp thuận kéo dài thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

Điều 29. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do nguyên nhân bất khả kháng

1. Trong trường hợp bất khả kháng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu thỏa thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đạt được thống nhất với nhà thầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do nguyên nhân bất khả kháng để xem xét, chấp thuận. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do nguyên nhân bất khả kháng;

b) Văn bản đề xuất của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do nguyên nhân bất khả kháng.

Điều 30. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và chấp thuận tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí vì lý do quốc phòng, an ninh

1. Căn cứ tình hình thực tế và báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền về quốc phòng, an ninh, để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và lợi ích quốc gia, dân tộc, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí vì lý do quốc phòng, an ninh theo quy định tại khoản 7 Điều 31 Luật Dầu khí và giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo cho nhà thầu.

2. Trên cơ sở kết quả đàm phán với nhà thầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị tạm dừng một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí vì lý do quốc phòng, an ninh để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản báo cáo kết quả đàm phán về việc tạm dừng một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí vì lý do quốc phòng, an ninh, trong đó nêu rõ thông tin về hợp đồng dầu khí; đánh giá nguyên nhân; thời gian đề xuất tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí;

b) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định báo cáo về việc tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí vì lý do quốc phòng, an ninh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị chấp thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí vì lý do quốc phòng, an ninh;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

Điều 31. Hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí và hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận giữ lại hoặc tạm hoãn nghĩa vụ hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí

1. Nhà thầu phải hoàn trả diện tích không nhỏ hơn 20% diện tích hợp đồng dầu khí ban đầu vào cuối mỗi giai đoạn thành phần của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí trừ các diện tích phát triển mỏ dầu khí và diện tích được giữ lại hoặc tạm hoãn nghĩa vụ hoàn trả theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Dầu khí.

2. Nhà thầu có quyền hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí vào bất kỳ lúc nào trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí. Diện tích đã tự nguyện hoàn trả được trừ khỏi nghĩa vụ hoàn trả diện tích của giai đoạn liên quan. Việc tự nguyện hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí không làm giảm các nghĩa vụ đã cam kết đối với giai đoạn liên quan cũng như diện tích đã hoàn trả đó.

3. Diện tích hợp đồng dầu khí hoàn trả phải thuận lợi cho các hoạt động dầu khí tiếp sau.

4. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổng hợp tình hình hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí của các nhà thầu, báo cáo Bộ Công Thương để theo dõi; đề xuất danh mục điều chỉnh các lô dầu khí (nếu cần thiết) theo quy định của Điều 12 Nghị định này.

5. Trường hợp có yêu cầu giữ lại toàn bộ diện tích hợp đồng dầu khí hoặc tạm hoãn nghĩa vụ hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương gửi 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận giữ lại toàn bộ diện tích hợp đồng dầu khí hoặc tạm hoãn nghĩa vụ hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí để xem xét, chấp thuận. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận giữ lại toàn bộ diện tích hợp đồng dầu khí hoặc tạm hoãn nghĩa vụ hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí, trong đó nêu rõ lý do, thời gian giữ lại toàn bộ diện tích hợp đồng hoặc tạm hoãn nghĩa vụ hoàn trả diện tích hợp đồng; kế hoạch triển khai hoạt động dầu khí trong thời gian giữ lại diện tích; cam kết công việc bổ sung và cam kết tài chính tương ứng dự kiến thực hiện trong thời gian giữ lại diện tích hợp đồng hoặc tạm hoãn nghĩa vụ hoàn trả diện tích;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

7. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

8. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận giữ lại toàn bộ diện tích hợp đồng dầu khí hoặc tạm hoãn nghĩa vụ hoàn trả diện tích hợp đồng dầu khí.

Điều 32. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt mở rộng diện tích hợp đồng dầu khí, hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí

1. Căn cứ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 32 Luật Dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt mở rộng diện tích hợp đồng dầu khí hoặc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt mở rộng diện tích hợp đồng dầu khí hoặc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí, trong đó nêu rõ lý do, kết quả nghiên cứu, đánh giá về diện tích đề nghị mở rộng hoặc phương án hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định đề nghị mở rộng diện tích hợp đồng dầu khí hoặc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt mở rộng diện tích hợp đồng dầu khí hoặc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

5. Thỏa thuận nguyên tắc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí sẽ được nhà thầu trình trong kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí; thỏa thuận hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí sẽ được nhà thầu trình trong kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.

Điều 33. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh

1. Căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật Dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, trong đó nêu rõ lý do và việc đáp ứng điều kiện tại khoản 1 Điều 36 Luật Dầu khí;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, điều lệ công ty và báo cáo tài chính 03 năm gần nhất của bên nhận chuyển nhượng là tổ chức; bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu và tài liệu chứng minh khả năng tài chính đối với bên nhận chuyển nhượng là cá nhân;

d) Hợp đồng hoặc thỏa thuận chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế chuyển nhượng của các bên liên quan và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng dầu khí đã được thống nhất giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu;

e) Bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí do ngân hàng thương mại phát hành hoặc bảo lãnh của công ty mẹ của bên nhận chuyển nhượng hoặc hình thức bảo lãnh khác theo yêu cầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nếu cần thiết trên cơ sở đánh giá báo cáo tài chính);

g) Tờ khai thuế và giải trình số thuế chuyển nhượng (nếu có) theo quy định pháp luật về thuế; thông báo của cơ quan thuế về việc đã nhận được hồ sơ khai thuế theo quy định pháp luật về thuế;

h) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định đề nghị chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi nhận được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời gửi bản chính đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và cơ quan thuế.

6. Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của nhà thầu đang nắm giữ quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí, nhà thầu thực hiện việc kê khai và nộp thuế thay cho chủ sở hữu đối với phần thu nhập phát sinh có liên quan đến hợp đồng dầu khí ở Việt Nam (nếu có) hoặc báo cáo gửi cơ quan thuế trong trường hợp không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tờ khai thuế hoặc báo cáo gửi cơ quan thuế và thông báo của cơ quan thuế về việc đã nhận được tài liệu do nhà thầu gửi là các tài liệu được yêu cầu gửi kèm hồ sơ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi chủ sở hữu. Đối với trường hợp chuyển nhượng diễn ra ở ngoài Việt Nam, hồ sơ phải có đầy đủ các thông tin: quốc gia, lãnh thổ, thời điểm hoàn thành giao dịch chuyển nhượng; việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với giao dịch chuyển nhượng có bao gồm giá trị tài sản, quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí tại Việt Nam hay không; trong trường hợp có bao gồm giá trị tài sản, quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí tại Việt Nam thì cần nêu rõ căn cứ, cách thức xác định giá trị đối với phần tài sản, quyền lợi tại Việt Nam. Trường hợp công ty mẹ, chủ sở hữu trực tiếp của nhà thầu đã cấp thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng dầu khí trước đó, nhà thầu phải cung cấp thư bảo lãnh của chủ sở hữu mới và phải được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chấp thuận.

7. Trường hợp nhà thầu thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, đổi tên, chuyển quốc tịch công ty hoặc các hình thức khác làm thay đổi các thông tin cơ bản của nhà thầu được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong hợp đồng dầu khí, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, nhà thầu phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải kê khai và nộp các loại thuế nếu có phát sinh thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

8. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhà thầu thay đổi địa chỉ hoặc người đại diện theo pháp luật, nhà thầu phải gửi văn bản thông báo tới Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu có liên quan trong hợp đồng dầu khí.

9. Nhà thầu chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác trong việc khai thuế và nộp thuế (nếu có) hoặc báo cáo gửi cơ quan thuế trong trường hợp không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật; bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu kê khai, báo cáo không trung thực.

Điều 34. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia, tiếp nhận quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

1. Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 39 Luật Dầu khí, trên cơ sở các điều kiện được thỏa thuận giữa nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt thực hiện quyền tham gia vào hợp đồng dầu khí hoặc quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia mà nhà thầu có ý định chuyển nhượng trong hợp đồng dầu khí đã được ký kết hoặc tiếp nhận toàn bộ quyền lợi của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt thực hiện quyền tham gia hoặc quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia hoặc tiếp nhận quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, bao gồm báo cáo đánh giá cơ hội đầu tư;

b) Thông báo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc thực hiện quyền tham gia hoặc thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu về việc thực hiện quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia hoặc tiếp nhận quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí; văn bản của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận quyền lợi tham gia của nhà thầu rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt;

c) Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng dầu khí đã được thống nhất giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu;

d) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định đề nghị thực hiện quyền tham gia hoặc quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia hoặc tiếp nhận quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt thực hiện quyền tham gia hoặc quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia hoặc tiếp nhận quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện quyền tham gia hoặc quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia hoặc tiếp nhận quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời gửi bản chính đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và cơ quan thuế.

Điều 35. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, chấm dứt, thay đổi văn phòng điều hành của người điều hành nước ngoài trong hợp đồng dầu khí

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có hiệu lực, người điều hành nộp 01 bộ hồ sơ gốc đăng ký thành lập văn phòng điều hành đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đăng ký thành lập văn phòng điều hành do đại diện có thẩm quyền của người điều hành ký;

b) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

c) Quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng thuê đối với trường văn phòng điều hành của người điều hành;

d) Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của trường văn phòng điều hành.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.

3. Thời hạn hoạt động của văn phòng điều hành theo hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, trừ trường hợp được gia hạn để hoàn thành các nghĩa vụ với nước chủ nhà sau khi kết thúc hợp đồng dầu khí.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.

5. Trường hợp thay đổi địa chỉ văn phòng điều hành, thay đổi trưởng văn phòng điều hành, tiếp nhận lại văn phòng điều hành do thay đổi người điều hành và thay đổi các thông tin khác trên giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành đã được cấp, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thay đổi, người điều hành thực hiện thủ tục điều chỉnh các thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành đã được cấp theo quy trình tại khoản 1 Điều này và thông báo với cơ quan thuế các nội dung thay đổi.

6. Trường hợp chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành, người điều hành gửi 01 bộ hồ sơ gốc đề nghị chấm dứt văn phòng điều hành đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành. Hồ sơ bao gồm:

a) Thông báo chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành do đại diện có thẩm quyền của người điều hành ký;

b) Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

c) Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có);

d) Giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc văn phòng điều hành đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và đóng mã số thuế trong trường hợp kết thúc hợp đồng dầu khí;

đ) Bản chính giấy đăng ký thành lập văn phòng điều hành.

7. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo xóa tên văn phòng điều hành và gửi đến người điều hành, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cơ quan thuế.

8. Văn phòng điều hành có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam trước khi chấm dứt hoạt động.

Điều 36. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn

1. Trường hợp nhà thầu đang thực hiện hợp đồng dầu khí đề xuất ký hợp đồng dầu khí mới khi hợp đồng dầu khí hiện hữu hết thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện quy trình chỉ định thầu theo quy định tại Điều 21 Luật Dầu khí và Nghị định này. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt và phát hành hồ sơ yêu cầu.

2. Trường hợp các bên nhà thầu đang thực hiện hợp đồng dầu khí có đề xuất ký hợp đồng dầu khí mới với các điều kiện kinh tế, kỹ thuật khác nhau, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt áp dụng hình thức chào thầu cạnh tranh đối với các bên nhà thầu nêu trên theo quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp nhà thầu đang thực hiện hợp đồng dầu khí không đề xuất ký hợp đồng dầu khí mới, tối thiểu 06 tháng trước thời điểm hợp đồng dầu khí hết thời hạn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề xuất phê duyệt kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn, trong đó đánh giá tình trạng mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; ước tính tài nguyên, trữ lượng dầu khí còn lại;

b) Dự kiến phương án triển khai khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn theo một trong các phương án: không tiếp tục khai thác mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; hoặc tiếp tục khai thác mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí trên cơ sở hợp đồng dầu khí mới với điều kiện kinh tế, kỹ thuật phù hợp; hoặc giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí;

c) Dự thảo cơ chế tài chính để điều hành hoạt động dầu khí trong giai đoạn từ khi tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí đến khi hợp đồng dầu khí mới được ký kết;

d) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành có liên quan.

5. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

6. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

7. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn:

a) Trường hợp không tiếp tục khai thác mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, nhà thầu có trách nhiệm tiến hành thu dọn các công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt;

b) Trường hợp tiếp tục khai thác mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận nguyên trạng mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu và thực hiện điều hành hoạt động dầu khí theo cơ chế tài chính quy định tại Điều 37 Nghị định này cho đến khi hợp đồng dầu khí mới được ký kết nhưng không quá 02 năm; lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành hoạt động dầu khí trong thời gian này (nếu cần thiết). Hết thời hạn 02 năm kể từ khi tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí mà không có nhà thầu quan tâm hoặc không lựa chọn được nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí theo một trong hai phương án quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Dầu khí. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này;

c) Trường hợp khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành hoạt động dầu khí theo quy định tại Chương VIII Nghị định này.

Điều 37. Cơ chế tài chính để điều hành hoạt động dầu khí trong giai đoạn từ khi tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí đến khi hợp đồng dầu khí mới được ký kết

Cơ chế tài chính điều hành hoạt động dầu khí trong giai đoạn từ khi tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí đến khi hợp đồng dầu khí mới được ký kết theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Dầu khíđiểm b khoản 7 Điều 36 Nghị định này được thực hiện như sau: chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện hoạt động dầu khí (bao gồm cả khoản trích nộp quy bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho hoạt động thu dọn công trình dầu khí, nếu cần thiết) được nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí. Chi phí thực hiện hoạt động dầu khí trong trường hợp này là các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật về dầu khí, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cơ chế tài chính điều hành hoạt động dầu khí trong khi chờ hợp đồng dầu khí mới được ký kết bao gồm các nội dung chính sau:

1. Doanh thu bán dầu khí từ hoạt động dầu khí và các doanh thu khác (nếu có) được sử dụng cho các mục đích sau:

a) Thanh toán và hoàn trả toàn bộ các chi phí hợp lý, hợp lệ đã thực hiện trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo chương trình hoạt động và ngân sách được phê duyệt;

b) Tạm ứng các chi phí ước tính sẽ phát sinh cho kỳ tiếp theo phù hợp với chương trình hoạt động và ngân sách đã được phê duyệt;

c) Trang trải chi phí đã thực hiện đầu tư bổ sung nhằm gia tăng trữ lượng, duy trì sản lượng khai thác dầu khí; giá trị trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí đối với các hạng mục công trình đầu tư bổ sung (nếu có).

2. Thực hiện nộp ngân sách nhà nước hằng năm đối với các khoản tiền sau:

a) Toàn bộ doanh thu sau khi đã sử dụng cho các mục đích được quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Phần ngân sách dư còn lại (nếu có) trong trường hợp chi phí thực hiện cuối kỳ ít hơn ngân sách thực tế đã được phê duyệt;

c) Các khoản lãi phát sinh (nếu có) tính trên số dư các khoản dự phòng được phép để lại khi kết thúc năm tài chính;

d) Giá trị còn lại (nếu có) của quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí sau khi hoàn thành thu dọn công trình dầu khí, được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán theo quy định;

đ) Giá trị chênh lệch (nếu có) giữa doanh thu có được từ việc thanh lý tài sản không còn cần dùng cho hoạt động dầu khí; các thiết bị, phương tiện, vật tư và phế thải thu gom được trong quá trình thu dọn công trình dầu khí; chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ tương ứng trong từng trường hợp.

3. Trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

a) Xây dựng và phê duyệt chương trình hoạt động và ngân sách hằng năm;

b) Xây dựng và phê duyệt quy trình lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa trong hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí phù hợp với quy định của Luật Dầu khí và nguyên tắc áp dụng đối với hợp đồng dầu khí;

c) Định kỳ hằng quý báo cáo Bộ Công Thương tình hình thực hiện hoạt động dầu khí;

d) Đề xuất phương án xử lý tiếp theo phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Dầu khí.

Điều 38. Cơ chế quản lý, hạch toán, sử dụng tài sản và tiếp nhận toàn bộ quyền lợi tham gia từ nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận toàn bộ quyền lợi tham gia của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí và tiếp nhận nguyên trạng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác (nếu có) theo thỏa thuận ký với nhà thầu.

2. Giá trị tài sản nhà nước do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận và quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều này là giá trị được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt Nhà nước thanh toán cho nhà thầu từ nguồn ngân sách nhà nước theo thỏa thuận ký giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu.

3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức quản lý và lập báo cáo riêng để theo dõi quyền lợi tham gia tiếp nhận từ nhà thầu và thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác (nếu có) quy định tại khoản 1 Điều này và được quy định cụ thể tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận toàn bộ quyền lợi tham gia từ nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, không phản ánh vào vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và báo cáo tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

4. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng kế hoạch chi phí quản lý, theo dõi tài sản và chi phí cho các vấn đề phát sinh có liên quan để duy trì hợp đồng dầu khí, được xử lý theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí và kết quả kiểm toán được Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt.

5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng dẫn, giám sát việc quản lý tài sản quy định tại khoản 1 Điều này của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chương V

AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Điều 39. Tài liệu về quản lý an toàn

1. Khi tiến hành hoạt động dầu khí, nhà thầu có trách nhiệm xây dựng các tài liệu về quản lý an toàn theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Luật Dầu khí bao gồm:

a) Chương trình quản lý an toàn;

b) Báo cáo đánh giá rủi ro;

c) Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

2. Chương trình quản lý an toàn gồm các nội dung chính sau:

a) Chính sách và các mục tiêu về an toàn;

b) Tổ chức công tác an toàn, phân công trách nhiệm về công tác an toàn;

c) Chương trình huấn luyện an toàn; yêu cầu về năng lực, trình độ và kinh nghiệm của người lao động;

d) Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, quy định an toàn, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các tiêu chuẩn khác phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung;

đ) Đánh giá sự tuân thủ pháp luật bao gồm các yêu cầu phải thực hiện theo quy định về giấy phép, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

e) Quản lý an toàn của các nhà thầu dịch vụ, tổ chức, cá nhân.

3. Báo cáo đánh giá rủi ro bao gồm các nội dung chính sau:

a) Xác định mục đích và các mục tiêu đánh giá rủi ro;

b) Mô tả các hoạt động, các công trình dầu khí;

c) Xác định, phân tích, đánh giá rủi ro định tính và định lượng;

d) Các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

4. Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phải dựa trên kết quả báo cáo đánh giá rủi ro bao gồm các nội dung chính sau:

a) Mô tả và phân loại các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra;

b) Sơ đồ tổ chức, phân cấp trách nhiệm, trách nhiệm của từng cá nhân, hệ thống báo cáo khi xảy ra sự cố, tai nạn hoặc xuất hiện các tình huống nguy hiểm;

c) Quy trình ứng cứu các tình huống;

d) Mô tả các nguồn lực bên trong và bên ngoài sẵn có hoặc sẽ huy động để ứng cứu hiệu quả các tình huống khẩn cấp;

đ) Địa chỉ liên lạc và thông tin trong ứng cứu khẩn cấp với các bộ phận nội bộ và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan;

e) Kế hoạch huấn luyện và diễn tập ứng cứu khẩn cấp;

g) Kế hoạch khôi phục hoạt động của công trình dầu khí bao gồm công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả để tái lập và nâng cao mức an toàn của công trình;

h) Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phải phù hợp với hệ thống ứng cứu khẩn cấp của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, địa phương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các liên doanh dầu khí và các nhà thầu dầu khí);

i) Các tổ chức, cá nhân hoạt động dầu khí có thể hợp tác để xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp chung.

5. Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết nội dung các tài liệu quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí.

Điều 40. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt các tài liệu về quản lý an toàn

1. Trước khi tiến hành các hoạt động khoan tìm kiếm thăm dò dầu khí, xây dựng mới hoặc hoán cải công trình dầu khí, thu dọn công trình dầu khí khi kết thúc hoạt động dầu khí, trên cơ sở các tài liệu về quản lý an toàn quy định tại Điều 39 Nghị định này do nhà thầu lập và được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 01 bộ hồ sơ gốc đề nghị phê duyệt các tài liệu về quản lý an toàn. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt các tài liệu về quản lý an toàn;

b) Nội dung tài liệu về quản lý an toàn theo quy định tại Điều 39 Nghị định này;

c) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

d) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Nội dung thẩm định các tài liệu về quản lý an toàn bao gồm:

a) Đánh giá sự phù hợp của hồ sơ, tài liệu theo quy định của Luật Dầu khí và Nghị định này;

b) Đánh giá sự phù hợp, tính chính xác của nội dung trong các tài liệu;

c) Xem xét thực tế tại công trình dầu khí (nếu cần thiết).

3. Việc thẩm định các tài liệu về quản lý an toàn được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan, nếu cần thiết).

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định các tài liệu về quản lý an toàn, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt các tài liệu về quản lý an toàn.

Điều 41. Hệ thống quản lý về an toàn

1. Nhà thầu phải xây dựng, duy trì và cập nhật hệ thống quản lý về an toàn để đảm bảo an toàn cho toàn bộ các hoạt động dầu khí từ khi bắt đầu giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí đến khi kết thúc giai đoạn thu dọn công trình dầu khí.

2. Nội dung chính của hệ thống quản lý an toàn bao gồm:

a) Chính sách, mục tiêu về an toàn, môi trường lao động và chương trình, kế hoạch thực hiện các mục tiêu đó;

b) Danh mục cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng;

c) Các quy trình vận hành, xử lý sự cố và bảo trì công trình, máy, thiết bị; các quy định về quản lý, kiểm tra, kiểm định, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho công trình, máy, thiết bị, hóa chất nguy hiểm;

d) Các quy định an toàn; biển báo an toàn cho dây chuyền, máy, thiết bị, vật tư, hóa chất, các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; quản lý lưu giữ tài liệu và báo cáo;

đ) Hệ thống tổ chức công tác an toàn: phân cấp trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ, các kênh báo cáo; yêu cầu về kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc;

e) Đánh giá kết quả thực hiện chương trình quản lý an toàn và các giải pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng quản lý an toàn. Năng lực về quản lý an toàn, sức khỏe, môi trường của các nhà thầu phải được kiểm soát đảm bảo phù hợp với hệ thống quản lý an toàn của tổ chức, cá nhân;

g) Mọi sự thay đổi về tổ chức, kỹ thuật, công nghệ và các yêu cầu khác có ảnh hưởng tới mức độ rủi ro phải được tổ chức, cá nhân cập nhật, đánh giá và kiểm soát nhằm bảo đảm hệ thống quản lý an toàn được thực hiện liên tục, thống nhất.

Điều 42. Quản lý rủi ro về an toàn

1. Nhà thầu phải bảo đảm mọi rủi ro phải được xác định, phân tích, đánh giá đối với tất cả công trình dầu khí, máy móc, thiết bị, hóa chất, vật liệu nguy hiểm. Kết quả của việc đánh giá rủi ro được sử dụng làm số liệu đầu vào để tổ chức thực hiện công tác ứng cứu khẩn cấp.

2. Công tác quản lý rủi ro bao gồm:

a) Đánh giá rủi ro định tính và định lượng đối với các giai đoạn của hoạt động dầu khí làm cơ sở để triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro và chứng minh các rủi ro nằm trong mức chấp nhận được theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

b) Báo cáo đánh giá rủi ro phải được cập nhật định kỳ 05 năm một lần hoặc khi có hoán cải, thay đổi lớn về công nghệ vận hành và tổ chức, nhằm tạo cơ sở để đưa ra các quyết định liên quan đến an toàn trong hoạt động dầu khí;

c) Nhà thầu phải xác định các vị trí, các điều kiện cụ thể có rủi ro cao cần phải quan tâm về mặt an toàn khi tiến hành hoạt động để có các biện pháp giảm thiểu.

Điều 43. Ứng cứu khẩn cấp

1. Nhà thầu phải xây dựng và duy trì hệ thống ứng cứu sự cố khẩn cấp để tiến hành có hiệu quả các hoạt động ứng cứu khi xảy ra các sự cố, tai nạn gây nguy hại cho người, môi trường hoặc tài sản. Tùy theo mức độ của sự cố, tai nạn mà nhà thầu phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

2. Việc luyện tập và diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp tại các công trình dầu khí phải được tiến hành thường xuyên bảo đảm người lao động hiểu rõ và nắm vững các quy trình ứng cứu với các tình huống khẩn cấp cụ thể. Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro để xác định hình thức và tần suất luyện tập. Kết quả luyện tập, diễn tập phải được đánh giá và ghi chép để hoàn thiện kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

3. Những người lần đầu tiên đến công trình dầu khí phải được hướng dẫn chi tiết về tổ chức ứng cứu khẩn cấp, các trang thiết bị an toàn và các lối thoát nạn.

Điều 44. An toàn trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành công trình dầu khí

1. Công trình dầu khí phải được thiết kế, chế tạo, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được thừa nhận và áp dụng rộng rãi tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm các yêu cầu sau:

a) An toàn về công nghệ;

b) An toàn về xây dựng;

c) An toàn về phòng chống cháy nổ;

d) Vùng và hành lang an toàn;

đ) Các quy định về bảo vệ môi trường;

e) Chịu được các tải trọng dự kiến trong quá trình vận hành và khi xảy ra sự cố;

g) Không tạo ra sự cố dây chuyền từ sự cố đơn lẻ.

2. Việc thiết kế, chế tạo, xây dựng, chạy thử, nghiệm thu công trình dầu khí phải được kiểm tra, chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đảm bảo sự phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Trước khi chạy thử, nhà thầu phải tiến hành các công việc kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm đối với từng hạng mục công trình và phải bảo đảm kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, công tác phòng cháy và chữa cháy đã sẵn sàng được triển khai theo quy định. Trong quá trình chạy thử, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm sẵn sàng ứng cứu kịp thời và có hiệu quả các sự cố, tai nạn có thể xảy ra.

4. Công trình dầu khí chỉ được đưa vào vận hành sau khi kết quả kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm công trình và các nội dung an toàn đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

5. Công trình dầu khí phải được vận hành, bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa theo đúng quy định, phù hợp với các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng được phê duyệt. Nhà thầu phải dừng ngay các hoạt động nếu các hoạt động đó có thể gây nguy hiểm đối với con người, môi trường và công trình dầu khí mà không thể kiểm soát được.

Chương VI

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC PHÊ DUYỆT TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Điều 45. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và chấp thuận dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển

1. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận thực hiện dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận thực hiện dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị trên đất liền và trên biển, trong đó nêu rõ lý do và đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế của phương án thực hiện dự án dầu khí có chuỗi đồng bộ với các phương án khác;

b) Dự thảo nội dung điều chỉnh hợp đồng dầu khí để thực hiện dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị trên đất liền và trên biển;

c) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

d) Đề xuất nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất (nếu có) kèm theo báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng, đất và các hồ sơ, tài liệu khác theo yêu cầu của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan;

đ) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất (nếu có) theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định đề xuất thực hiện dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định và đề nghị chấp thuận chủ trương thực hiện dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị trên đất liền và trên biển;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

5. Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất (nếu có) của dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị trên đất liền và trên biển, hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và chấp thuận chủ trương được thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai. Trường hợp việc chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất (nếu có) thuộc thẩm quyền của Quốc hội, hồ sơ gồm:

a) Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất của dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị trên đất liền và trên biển;

b) Hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai;

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

6. Sau khi chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất và kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt, hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan.

7. Trong thời gian thực hiện việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất để triển khai dự án phát triển mỏ dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu được phép tiến hành khảo sát, đo đạc để thu thập số liệu phục vụ lập kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.

Điều 46. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất của dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền

1. Trường hợp dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Dầu khí, trên cơ sở đề xuất của nhà thầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai.

2. Trường hợp việc chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 42 Luật Dầu khí, hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất tương tự như quy định tại khoản 5 Điều 45 Nghị định này.

3. Trình tự thẩm định và chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất của dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền được thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và pháp luật khác có liên quan.

4. Sau khi chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất và kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt, hồ sơ, quy trình quyết định việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền được thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan.

Điều 47. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí, báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí cập nhật

1. Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày hoàn thành thẩm lượng phát hiện dầu khí, trên cơ sở báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí do nhà thầu lập được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí của phát hiện dầu khí đã được thẩm lượng;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí bao gồm các nội dung chính được quy định tại Điều 45 Luật Dầu khí;

d) Bản tóm tắt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí;

đ) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Việc thẩm định báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan) và tổ chuyên viên giúp việc hội đồng thẩm định.

3. Trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lựa chọn tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí. Kinh phí thuê tư vấn thẩm tra được lấy từ nguồn chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí quy định tại điểm c khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí. Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với nhà thầu. Thời gian thẩm tra không quá 90 ngày.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (bao gồm báo cáo thẩm tra của tổ chức tư vấn, nếu có yêu cầu), hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí.

6. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí cập nhật quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều này.

7. Bộ Công Thương quy định chi tiết về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí.

Điều 48. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, điều chỉnh kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí

1. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí được phê duyệt, trên cơ sở kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí do nhà thầu lập được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí gồm các nội dung chính được quy định tại Điều 46 Luật Dầu khí. Trường hợp phát triển mỏ khí, phương án tiêu thụ khí sơ bộ cần có các thông tin sơ bộ về khách hàng tiêu thụ khí, thời hạn bán khí dự kiến và các điều kiện cần thiết khác của phương án tiêu thụ khí;

d) Bản tóm tắt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí;

đ) Thỏa thuận nguyên tắc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí giữa các bên liên quan (nếu có) trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí theo quy định tại Điều 32 Nghị định này;

e) Thỏa thuận nguyên tắc phát triển chung mỏ dầu khí (nếu có);

g) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Việc thẩm định kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan) và tổ chuyên viên giúp việc hội đồng thẩm định.

3. Trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu, ngoài việc thẩm định kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí bằng hình thức hội đồng thẩm định, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí.

6. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương quy định tại khoản 5 Điều 46 Luật Dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều này.

7. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 46 Luật Dầu khí được thực hiện theo quy trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành.

Điều 49. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí

1. Nhà thầu đề xuất kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí trong các trường hợp sau:

a) Các thông tin hiện có không cho phép xác định phương án khai thác hợp lý theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế mà cần phải thu thập bổ sung số liệu trên cơ sở theo dõi động thái khai thác thực tế của mỏ, tầng sản phẩm và vỉa;

b) Tỷ lệ cấp tài nguyên (dầu khí tại chỗ) P1/2P không thấp hơn 40%; nếu tỷ lệ này thấp hơn 40% thì phải được Bộ Công Thương chấp thuận.

2. Trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt, trên cơ sở kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí do nhà thầu trình lập được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí gồm các nội dung chính được quy định tại Điều 47 Luật Dầu khí;

d) Bản tóm tắt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí;

đ) Thỏa thuận hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí giữa các bên liên quan (nếu có) trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 48 Nghị định này;

e) Thỏa thuận phát triển chung mỏ dầu khí (nếu có) trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc phát triển chung mỏ dầu khí đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 48 Nghị định này;

g) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

3. Việc thẩm định kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan) và tổ chuyên viên giúp việc hội đồng thẩm định.

4. Trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu, ngoài việc thẩm định kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí bằng hình thức hội đồng thẩm định, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

5. Trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lựa chọn tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí. Kinh phí thuê tư vấn thẩm tra được lấy từ nguồn chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí quy định tại điểm c khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí. Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với nhà thầu. Thời gian thẩm tra không quá 90 ngày.

6. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (bao gồm báo cáo thẩm tra của tổ chức tư vấn, nếu có yêu cầu), hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí.

8. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương quy định tại khoản 6 Điều 47 Luật Dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều này.

9. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật Dầu khí được xác định trên tổng mức đầu tư cộng dồn trong lần phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí gần nhất và được thực hiện theo quy trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành.

Điều 50. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí

1. Trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt hoặc trong thời hạn 06 tháng trước khi kết thúc kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, trên cơ sở kế hoạch phát triển mỏ dầu khí do nhà thầu lập được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí gồm các nội dung chính được quy định tại Điều 48 Luật Dầu khí;

d) Bản tóm tắt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí;

đ) Thỏa thuận hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí giữa các bên liên quan (nếu có) trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 48 Nghị định này;

e) Thỏa thuận phát triển chung mỏ dầu khí (nếu có) trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc phát triển chung mỏ dầu khí đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 48 Nghị định này;

g) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Việc thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan) và tổ chuyên viên giúp việc hội đồng thẩm định.

3. Trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu, ngoài việc thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí bằng hình thức hội đồng thẩm định, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

4. Trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lựa chọn tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra kế hoạch phát triển mỏ dầu khí. Kinh phí thuê tư vấn thẩm tra được lấy từ nguồn chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí quy định tại điểm c khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí. Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với nhà thầu. Thời gian thẩm tra không quá 90 ngày.

5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (bao gồm báo cáo thẩm tra của tổ chức tư vấn, nếu có yêu cầu), hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.

7. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương quy định tại khoản 6 Điều 48 Luật Dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều này.

8. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 48 Luật Dầu khí được xác định trên tổng mức đầu tư cộng dồn trong lần phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí gần nhất và được thực hiện theo quy trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành.

Điều 51. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, điều chỉnh kế hoạch thu dọn công trình dầu khí

1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên được khai thác thương mại từ diện tích hợp đồng dầu khí, trên cơ sở kế hoạch thu dọn công trình dầu khí do nhà thầu lập được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí gồm các nội dung chính được quy định tại Điều 50 Luật Dầu khí;

d) Bản tóm tắt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí;

đ) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Việc thẩm định kế hoạch thu dọn công trình dầu khí được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan) và tổ chuyên viên giúp việc hội đồng thẩm định.

3. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí.

5. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương quy định tại khoản 8 Điều 50 Luật Dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều này.

6. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định tại khoản 6 Điều 50 Luật Dầu khí được thực hiện theo quy trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành.

Điều 52. Quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí

1. Đồng tiền trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí là đồng Đô la Mỹ.

2. Mức trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí hàng năm (bao gồm thuế giá trị gia tăng) được xác định theo công thức sau:

En =

An x (Bn - C(n-1) - I(n-1))

Dn

Trong đó:

En: Mức trích lập quỹ năm n, đơn vị tính là USD;

An: Sản lượng dầu khí khai thác năm n, được xác định bằng sản lượng khai thác thực trong năm tương ứng, đơn vị tính là thùng dầu quy đổi;

Bn: Tổng chi phí thu dọn công trình dầu khí cập nhật tại năm n, Bn = (b1 - b2), trong đó:

b1: Tổng chi phí thu dọn công trình dầu khí ước tính trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí (được phê duyệt gần nhất), đơn vị tính là USD;

b2: Ước tính chi phí được xác định trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí (được phê duyệt gần nhất) tương ứng với hạng mục thiết bị, tài sản hoặc công trình đã được thu dọn đến năm (n-1), đơn vị tính là USD;

C(n-1): Số dư quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm (n-1) được xác định bằng tổng số dư của tất cả các tài khoản mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi quỹ của mỏ dầu khí tương ứng, được các tổ chức tín dụng liên quan xác nhận bằng văn bản, đơn vị tính là USD;

I(n-1): Số lãi tiền gửi ngân hàng mà tổ chức, cá nhân được nhận sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (nếu có) cho năm n-1;

Dn: Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi còn lại, Dn = d1-d2, trong đó:

d1: Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi được xác định trong kế hoạch phát triển mỏ dầu khí hoặc kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí đã được phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền tính đến cuối năm thứ n, đơn vị tính là thùng dầu quy đổi;

d2: Tổng sản lượng dầu khí đã được khai thác cộng dồn từ (các) mỏ dầu khí liên quan tính đến năm (n-1), đơn vị tính là thùng dầu quy đổi.

3. Trước khi chấm dứt khai thác mỏ dầu khí hoặc chấm dứt hợp đồng dầu khí trước thời hạn, nhà thầu phải trích lập đủ giá trị quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí cuối cùng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

4. Trong thời hạn 01 năm trước khi kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc kết thúc thời hạn khai thác dầu khí theo kế hoạch phát triển mỏ dầu khí hoặc kế hoạch phát triển mỏ dầu khí điều chỉnh đã được phê duyệt, nhà thầu phải cập nhật kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 51 Nghị định này.

5. Trường hợp số dư của quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí thấp hơn dự toán chi phí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí cuối cùng đã được phê duyệt, trong thời hạn 06 tháng trước khi kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc kết thúc thời hạn khai thác dầu khí, mỗi nhà thầu phải đóng góp bổ sung quỹ theo tỷ lệ quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí. Trường hợp cần thiết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu nhà thầu mở bảo lãnh ngân hàng để bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí với số tiền bảo lãnh tương đương số tiền còn thiếu.

6. Trường hợp số dư của quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí lớn hơn dự toán chi phí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí cuối cùng đã được phê duyệt, khoản chênh lệch sẽ được xử lý khi quyết toán theo quy định tại Điều 54 Nghị định này hoặc được trả lại cho nhà thầu tại thời điểm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận quyền sử dụng quỹ đảm bảo nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí (trong trường hợp nhà thầu được phép để lại toàn bộ hoặc một phần công trình dầu khí) với điều kiện nhà thầu phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với nước chủ nhà theo quy định của hợp đồng dầu khí và pháp luật có liên quan. Phần chênh lệch đã trả lại cho nhà thầu sẽ được xử lý theo nguyên tắc theo quy định tại khoản 5 Điều 54 Nghị định này.

7. Nếu trong hợp đồng dầu khí đã ký kết có thỏa thuận khác về biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí so với quy định của Nghị định này thì nhà thầu thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí đó.

Điều 53. Quản lý và sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí

1. Quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí được sử dụng cho mục đích thu dọn công trình dầu khí. Nhà thầu được sử dụng số tiền trong quỹ để thực hiện nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt.

2. Trường hợp nhà thầu không thể triển khai thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không thể hoàn trả đủ giá trị quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí đã trích nộp, nhà thầu được giải thoát khỏi nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí tương ứng với phần không thể hoàn trả và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm thu dọn các hạng mục công trình dầu khí chưa được thu dọn đó.

3. Trường hợp nhà thầu không phải thu dọn hoặc chỉ thu dọn một phần công trình dầu khí, toàn bộ hoặc một phần quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí tương ứng với toàn bộ hoặc một phần công trình dầu khí được yêu cầu để lại vẫn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý và được sử dụng trực tiếp để thu dọn khi công trình dầu khí không còn cần cho hoạt động dầu khí hoặc không thể tiếp tục hoạt động an toàn. Trong trường hợp này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với nhà thầu xác định giá trị quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí tại thời điểm tiếp nhận quyền sử dụng quỹ và nhà thầu có trách nhiệm trích nộp phần quỹ còn thiếu, được xác định theo quy trình quy định tại Điều 52 Nghị định này. Sau khi nhà thầu hoàn thành trích nộp bổ sung giá trị quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí còn thiếu và bàn giao quyền sử dụng quỹ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhà thầu được giải thoát nghĩa vụ đối với toàn bộ hoặc phần công trình dầu khí chưa được thu dọn, đồng thời được giải thoát nghĩa vụ đóng góp phần chi phí thu dọn thực tế có thể còn thiếu trong tương lai khi triển khai hoạt động thu dọn công trình dầu khí (nếu có).

4. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện việc kiểm toán và xác nhận giá trị đã trích nộp quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí, giá trị giải ngân từ quỹ và chi phí thực tế mà nhà thầu đã thực hiện.

Điều 54. Quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí

1. Trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày kết thúc thu dọn toàn bộ hoặc một phần công trình dầu khí trong diện tích hợp đồng dầu khí, nhà thầu phải lập báo cáo hoàn thành thu dọn toàn bộ hoặc một phần công trình dầu khí, trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt và báo cáo Bộ Công Thương để theo dõi.

2. Nội dung chính của báo cáo hoàn thành thu dọn công trình dầu khí bao gồm:

a) Mô tả công trình dầu khí và hoạt động thu dọn thực tế đã được thực hiện;

b) Tiến độ thực hiện việc thu dọn;

c) Đánh giá nội dung thay đổi giữa hoạt động thu dọn thực tế với phương án được phê duyệt (nếu có);

d) Chi phí thu dọn thực tế;

đ) Tóm tắt các công tác bảo đảm an toàn môi trường đã được thực hiện bao gồm: phương án thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải, phế thải đã thực hiện;

e) Cam kết trách nhiệm đối với công trình để lại (nếu có).

3. Giá trị thanh lý các phế liệu thu được trong và sau quá trình thu dọn công trình dầu khí được ghi nhận và xử lý khi quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí theo quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt báo cáo hoàn thành thu dọn công trình dầu khí, Nhà thầu phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết toán chi phí thực hiện thu dọn công trình dầu khí (bao gồm giá trị thanh lý các phế liệu được quy định tại khoản 3 Điều này).

5. Trường hợp nhà thầu thực hiện thu dọn công trình dầu khí vào cuối thời hạn hợp đồng dầu khí, sau khi quyết toán và hoàn thành nghĩa vụ tài chính của hợp đồng dầu khí, số dư quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí sẽ được xử lý như sau:

a) Nếu nhà thầu đã thu hồi toàn bộ số tiền trích quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí, số dư quỹ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của hợp đồng dầu khí, sẽ được chia cho nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo tỷ lệ chia dầu lãi áp dụng cho thang sản lượng cao nhất đã thực hiện trong hạn của hợp đồng dầu khí;

b) Nếu nhà thầu chưa thu hồi hết số tiền trích quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí, số tiền còn lại trong quỹ sẽ được ưu tiên hoàn trả cho nhà thầu để bù đắp phần trích quỹ chưa được thu hồi này. Phần dư của quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí sau khi thực hiện việc bù đắp này (nếu có), sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của hợp đồng dầu khí, sẽ được chia cho nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo tỷ lệ chia dầu lãi áp dụng cho thang sản lượng cao nhất đã thực hiện trong thời hạn của hợp đồng dầu khí.

6. Trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí và trực tiếp thực hiện thu dọn công trình dầu khí, sau quyết toán, số dư quỹ sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.

7. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng và quyết toán quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình dầu khí.

Điều 55. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận để lại, hoãn thu dọn hoặc thực hiện thu dọn một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí

1. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Dầu khí, trên cơ sở đề xuất của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận đề lại, hoãn thu dọn hoặc thực hiện thu dọn một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị để lại một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí hay hoãn thu dọn một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí;

b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận để lại một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí hay hoãn thu dọn một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí.

5. Trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đề xuất để lại một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí hoặc hoãn thu dọn một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí, quy trình đề xuất và phê duyệt được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

6. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu để lại toàn bộ hoặc một phần công trình dầu khí, Bộ Công Thương có văn bản thông báo gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu ít nhất 06 tháng trước khi bắt đầu triển khai hoạt động thu dọn theo tiến độ đã được phê duyệt.

7. Bộ Công Thương quy định chi tiết về bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí, thu dọn công trình dầu khí.

Chương VII

ƯU ĐÃI TRONG HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Điều 56. Tiêu chí xác định các lô dầu khí tại vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp; mỏ dầu khí cận biên

1. Lô dầu khí tại vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp là các lô có:

a) Điểm nông nhất của lô dầu khí sâu từ 150 m trở lên;

b) Điểm gần bờ nhất của lô dầu khí cách bờ từ 150 km trở lên.

2. Mỏ dầu khí cận biên là mỏ dầu khí có tỷ suất hoàn vốn nội tại cho toàn đời dự án tiệm cận dưới 10% tính theo USD và nhỏ hơn chi phí sử dụng vốn bình quân.

Điều 57. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt danh mục các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt

1. Căn cứ đối tượng ưu đãi quy định tại Điều 53 Luật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng danh mục các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt danh mục các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt;

b) Đánh giá sự phù hợp với tiêu chí quy định tại Điều 53 Luật Dầu khí kèm theo tính toán cụ thể đối với từng lô, mỏ dầu khí trong các danh mục tương ứng (bao gồm nội dung đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án);

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định danh mục các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt danh mục các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

5. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát, đánh giá tình hình đàm phán, ký kết hợp đồng dầu khí và triển khai hoạt động dầu khí tại các lô, mỏ dầu khí, đề xuất điều chỉnh danh mục các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (nếu cần thiết), báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều này.

Chương VIII

KHAI THÁC TẬN THU MỎ, CỤM MỎ, LÔ DẦU KHÍ

Điều 58. Nguyên tắc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

1. Việc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí được thực hiện theo cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định tại Điều 60 Nghị định này phù hợp với đặc thù của từng mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

2. Hoạt động dầu khí đối với mỏ, cụm mô, lô dầu khí khai thác tận thu phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ chi phí, trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc ban hành, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trực tiếp quản lý, điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; được lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí, đảm bảo tận thu nguồn tài nguyên dầu khí hiệu quả.

4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt đầu tư bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Dầu khí, Điều 48 và Điều 50 Nghị định này.

Điều 59. Nội dung chính của cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

1. Thông tin tổng quan về mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu.

2. Nguyên tắc điều hành hoạt động dầu khí đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu theo quy định tại Điều 58 Nghị định này.

3. Doanh thu bán dầu khí từ hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí và các doanh thu khác (nếu có) được sử dụng cho các mục đích sau:

a) Thanh toán và hoàn trả toàn bộ các chi phí hợp lý, hợp lệ đã thực hiện trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo chương trình hoạt động và ngân sách được phê duyệt;

b) Tạm ứng để chi trả các chi phí ước tính sẽ phát sinh cho kỳ tiếp theo phù hợp với chương trình hoạt động và ngân sách đã được phê duyệt; tạm ứng để chi trả các chi phí mua sắm vật tư, sử dụng dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí trong thời gian chưa bán được sản phẩm và trong trường hợp doanh thu bán dầu khí không đủ để thanh toán chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động dầu khí hoặc những phát sinh không thể dự báo trước hoặc cho hoạt động thu dọn công trình dầu khí trong trường hợp quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí không đủ để trang trải cho hoạt động thu dọn công trình dầu khí;

c) Trang trải chi phí đã thực hiện đầu tư bổ sung nhằm duy trì sản lượng khai thác dầu khí; giá trị trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí đối với các hạng mục công trình đầu tư bổ sung (nếu có).

4. Thực hiện nộp ngân sách nhà nước hằng năm đối với các khoản tiền sau:

a) Toàn bộ doanh thu sau khi đã sử dụng cho các mục đích được quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Phần ngân sách dư còn lại (nếu có) trong trường hợp chi phí thực hiện cuối kỳ ít hơn ngân sách thực tế đã được phê duyệt;

c) Các khoản lãi phát sinh (nếu có) tính trên số dư các khoản dự phòng được phép để lại khi kết thúc năm tài chính;

d) Giá trị còn lại của quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí sau khi hoàn thành nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí (nếu có) được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán theo quy định;

đ) Giá trị chênh lệch (nếu có) giữa doanh thu có được từ việc thanh lý tài sản không còn cần dùng cho hoạt động dầu khí; các thiết bị, phương tiện, vật tư và phế thải thu gom được trong quá trình thu dọn công trình dầu khí; chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ tương ứng trong từng trường hợp.

5. Hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Dự báo doanh thu không đủ để thanh toán các chi phí;

b) Tình hạng công trình, thiết bị của mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí không bảo đảm an toàn;

c) Các trường hợp bất khả kháng dẫn đến không thể tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí.

6. Trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

a) Tổ chức thực hiện khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí bảo đảm an toàn, hiệu quả;

b) Xây dựng và phê duyệt chương trình hoạt động và ngân sách hằng năm;

c) Xây dựng và phê duyệt quy trình lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa trong hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí phù hợp với quy định của Luật Dầu khí và nguyên tắc áp dụng đối với hợp đồng dầu khí;

d) Định kỳ hằng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, trong đó đánh giá kết quả lãi hoặc lỗ, các biến động đột biến của hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí (nếu có) và giải pháp xử lý tiếp theo;

đ) Quyết định chấm dứt hoạt động khai thác tận thu và thu dọn công trình dầu khí;

e) Thực hiện kiểm toán tài chính và kiểm toán kết thúc giai đoạn (nếu có); trên cơ sở các báo cáo kiểm toán nêu trên, phê duyệt báo cáo quyết toán thực hiện khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; phê duyệt quyết toán chi phí thu dọn công trình dầu khí;

g) Tiến hành thu dọn công trình dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí và Nghị định này sau khi kết thúc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

Điều 60. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

1. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 41 Luật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí phù hợp với tính chất, đặc thù của từng mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí;

b) Dự thảo cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, bao gồm các nội dung chính theo quy định tại Điều 59 Nghị định này;

c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến kèm theo hồ sơ của Bộ Công Thương, các bộ, ngành có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Công Thương.

4. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

Điều 61. Cơ chế quản lý, hạch toán, sử dụng tài sản tiếp nhận từ nhà thầu để khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

1. Để tiến hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận nguyên trạng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư của hợp đồng dầu khí đã kết thúc theo thỏa thuận ký với nhà thầu; được sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác mà không phải trả tiền.

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức quản lý và lập báo cáo riêng để theo dõi thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã tiếp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều này và cập nhật giá trị đầu tư tăng thêm, được quy định cụ thể tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, không phản ánh vào vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và báo cáo tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

3. Khi kết thúc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí và hoàn thành thu dọn công trình dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục quản lý thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật và tài sản khác (nếu có) theo quy định của Luật Dầu khí và Nghị định này.

Chương IX

QUYẾT TOÁN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ THEO HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ

Điều 62. Quyết toán chi phí hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí

1. Việc quyết toán chi phí hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí được được thực hiện theo giai đoạn hoặc giai đoạn thành phần của hợp đồng dầu khí hoặc khi kết thúc dự án dầu khí, dự án thành phần của dự án dầu khí và khi kết thúc hợp đồng dầu khí phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí đã ký và Luật Dầu khí.

2. Nhà thầu có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán chi phí hoạt động dầu khí khi kết thúc giai đoạn hoặc giai đoạn thành phần của hợp đồng dầu khí; khi kết thúc dự án dầu khí, dự án thành phần của dự án dầu khí và khi kết thúc thời hạn của hợp đồng dầu khí.

3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán chi phí hoạt động dầu khí do nhà thầu lập và trình, trên cơ sở kết quả kiểm toán chi phí hoạt động dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện phù hợp với hợp đồng dầu khí đã ký và Luật Dầu khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được phép thuê kiểm toán độc lập (nếu cần thiết) để kiểm toán báo cáo quyết toán chi phí hoạt động dầu khí do nhà thầu trình.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 63. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thay thế Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí và Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 64. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với hợp đồng dầu khí đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo, kế hoạch, chương trình mới hoặc báo cáo, kế hoạch, chương trình điều chỉnh sau ngày Nghị định này có hiệu lực được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

2. Công ty điều hành chung đại diện cho nhà thầu điều hành hoạt động dầu khí được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (02b), Thọ.

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC

HỢP ĐỒNG MẪU
CỦA HỢP ĐỒNG CHIA SẢN PHẨM DẦU KHÍ

(Kèm theo Nghị định số 45/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ)

HỢP ĐỒNG CHIA SẢN PHẨM DẦU KHÍ

GIỮA

TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

VỚI

………………………

………………………

ĐỐI VỚI LÔ ……………….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Hà Nội, năm 20….

MỤC LỤC

Chương I ĐỊNH NGHĨA, PHỤ LỤC VÀ PHẠM VI HỢP ĐỒNG

Điều 1.1. Định nghĩa

Điều 1.2. Nguyên tắc cơ bản của hợp đồng

Điều 1.3. Quyền lợi tham gia

Chương II THỜI HẠN, CAM KẾT CÔNG VIỆC TỐI THIỂU VÀ HOÀN TRẢ DIỆN TÍCH HỢP ĐỒNG

Điều 2.1. Thời hạn

Điều 2.2. Cam kết công việc và tài chính tối thiểu

Điều 2.3. Hoàn trả diện tích

Chương III ỦY BAN QUẢN LÝ

Điều 3.1. Thành lập Ủy ban Quản lý

Điều 3.2. Quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Quản lý

Điều 3.3. Cơ chế hoạt động của Ủy ban Quản lý

Chương IV CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ NGÂN SÁCH

Điều 4.1. Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí

Điều 4.2. Thẩm lượng và Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí

Điều 4.3. Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí và Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí

Điều 4.4. Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí

Điều 4.5. Các phát hiện tiếp theo

Điều 4.6. Chương trình hoạt động và Ngân sách hằng năm

Điều 4.7. Phát hiện khí tiềm năng

Điều 4.8. Hướng dẫn của PETROVIETNAM

Chương V QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN

Điều 5.1. Nhà thầu

Điều 5.2. PETROVIETNAM

Chương VI PHÂN BỔ DẦU KHÍ

Điều 6.1. Phân bổ Dầu thô

Điều 6.2. Phân bổ Khí thiên nhiên

Chương VII THUẾ, PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 7.1. Nghĩa vụ thuế, phí và lệ phí

Điều 7.2. Thuế tài nguyên

Điều 7.3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Điều 7.4. Thuế xuất khẩu

Điều 7.5. Thuế thu nhập do chuyển nhượng

Điều 7.6. Thuế giá trị gia tăng

Điều 7.7. Phí bảo vệ môi trường

Điều 7.8. Phụ thu đối với dầu lãi

Điều 7.9. Các loại thuế, phí và lệ phí khác

Điều 7.10. Áp dụng các ưu đãi khi có thay đổi pháp luật

Chương VIII ĐỊNH GIÁ TRỊ, ĐO LƯỜNG VÀ XỬ LÝ DẦU KHÍ.

Điều 8.1. Định giá trị Dầu thô

Điều 8.2. Định giá trị Khí thiên nhiên và Khí đồng hành

Điều 8.3. Đo lường dầu khí

Điều 8.4. Lịch trình khai thác

Điều 8.5. Lấy dầu và tiêu thụ khí

Chương IX HOA HỒNG VÀ CHI PHÍ TÀI LIỆU.

Điều 9.1. Hoa hồng

Điều 9.2. Chi phí tài liệu

Chương X ĐÀO TẠO, TUYỂN DỤNG VÀ DỊCH VỤ

Điều 10.1. Đào tạo

Điều 10.2. Tuyển dụng và Dịch vụ.

Chương XI KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN

Điều 11.1. Kế toán

Điều 11.2. Kiểm toán

Điều 11.3. Quyết toán Chi phí hoạt động dầu khí

Chương XII THAM GIA CỦA PETROVIETNAM VÀ CHUYỂN NHƯỢNG

Điều 12.1. Tham gia của PETROVIETNAM

Điều 12.2. Chuyển nhượng

Chương XIII THANH TOÁN, TIỀN TỆ VÀ HỐI ĐOÁI

Điều 13.1. Thanh toán

Điều 13.2. Tiền tệ và hối đoái

Chương XIV SỞ HỮU TÀI SẢN, TÀI SẢN THUÊ VÀ THU DỌN

Điều 14.1. Sở hữu tài sản

Điều 14.2. Tài sản thuê

Điều 14.3. Thu dọn

Chương XV TRỌNG TÀI, MIỄN TRỪ CÓ TÍNH CHỦ QUYỀN VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

Điều 15.1. Trọng tài

Điều 15.2. Miễn trừ có tính chủ quyền

Điều 15.3. Quyết định của chuyên gia

Chương XVI CHẤM DỨT VÀ VI PHẠM

Điều 16.1. Chấm dứt

Điều 16.2. Vi phạm

Chương XVII TIÊU THỤ TRONG NƯỚC

Điều 17.1. Bán Dầu thô trong nước

Điều 17.2. Nghĩa vụ bán Khí thiên nhiên

Chương XVIII ỔN ĐỊNH VÀ HỢP NHẤT

Điều 18.1. Ổn định

Điều 18.2. Hợp nhất và mở rộng

Chương XIX BẤT KHẢ KHÁNG

Điều 19.1. Các sự kiện Bất khả kháng

Điều 19.2. Ảnh hưởng và thông báo

Chương XX NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 20.1. Thông báo

Điều 20.2. Luật áp dụng

Điều 20.3. Bảo hiểm

Điều 20.4. Người điều hành

Điều 20.5. Quan hệ và trách nhiệm

Điều 20.6. Bảo mật

Điều 20.7. Các thỏa thuận khác

Chương XXI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21.1. Hiệu lực

Điều 21.2. Tính toàn vẹn

Điều 21.3. Sửa đổi và bổ sung

Điều 21.4. Mâu thuẫn

Điều 21.5. Khước từ

Điều 21.6. Tính tách biệt của các điều khoản

Điều 21.7. Thông cáo

Điều 21.8. Bản gốc và Ngôn ngữ

Các Phụ lục

[Do Các Bên thoả thuận]

Phụ lục A: Bản đồ và Tọa độ của Diện tích hợp đồng;

Phụ lục B: Thể thức kế toán;

Phụ lục C: Các thông tin cơ bản để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

HỢP ĐỒNG CHIA SẢN PHẨM DẦU KHÍ NÀY được ký kết ngày ... tháng... năm .... bởi và giữa:

TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM, một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, được thành lập và hoạt động theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có trụ sở đăng ký tại số 18 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là “PETROVIETNAM”), là bên thứ nhất, và

[…………………….. ], [……………………… ] được thành lập và hoạt động theo luật của [……………………… ] và có địa chỉ đăng ký tại […………………… ] [sau đây gọi tắt là “………………….. ”].[...] và [....] sau đây được gọi chung là “NHÀ THẦU” và riêng là “Bên Nhà thầu”, là bên thứ hai.

Các bên thứ nhất và thứ hai sau đây được gọi riêng là “Bên” và gọi chung là “Các Bên” tùy theo ngữ cảnh.

CĂN CỨ

Xét rằng, PETROVIETNAM có quyền được quy định tại Điều 61 của Luật Dầu khí và NHÀ THẦU mong muốn ký kết Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí để tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác dầu khí trong Diện tích hợp đồng.

Xét rằng, Các Bên mong muốn xác lập các điều khoản và điều kiện của Hợp đồng này phù hợp với Luật Dầu khí để đạt được các mục tiêu và mục đích được đề ra trong Hợp đồng này.

Nay, vì vậy, Các Bên thoả thuận như sau:

Chương I

ĐỊNH NGHĨA, PHỤ LỤC VÀ PHẠM VI HỢP ĐỒNG

Điều 1.1. Định nghĩa

Các thuật ngữ được sử dụng trong Hợp đồng và các Phụ lục của Hợp đồng này, phù hợp với quy định của Luật Dầu khí, sẽ có nghĩa như được quy định dưới đây:

1.1.1. “Bất khả kháng” được định nghĩa tại Chương XIX.

1.1.2. “Bên” được giải thích trong phần mở đầu của Hợp đồng này và/hoặc những người kế thừa và/hoặc bên nhận chuyển nhượng hợp pháp của họ.

1.1.3. “Bên nước ngoài” là cá nhân và/hoặc pháp nhân được thành lập và đăng ký theo pháp luật nước ngoài tạo thành NHÀ THẦU và/hoặc những người kế thừa và/hoặc bên nhận chuyển nhượng hợp pháp của họ, trừ PETROVIETNAM, các Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM hoặc các công ty được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

1.1.4. “Các Bên” được giải thích trong phần mở đầu của Hợp đồng này và/hoặc những người kế thừa và/hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp của họ.

1.1.5. “Công ty chi nhánh” là của một Bên trong Hợp đồng này, là một tổ chức hoặc cá nhân nào khác (i) chi phối Bên tương ứng hoặc (ii) chịu sự chi phối của Bên tương ứng nào trong Hợp đồng này hoặc (iii) chịu sự chi phối của một tổ chức hoặc cá nhân chi phối Bên tương ứng. Chi phối ở đây được hiểu là quyền sở hữu từ trên năm mươi phần trăm (50%) quyền biểu quyết của tổ chức, cá nhân đó hoặc có quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm tất cả hoặc đa số các thành viên ban điều hành của Công ty chi nhánh.

1.1.6. “Chi phí hoạt động dầu khí” là mọi chi tiêu do NHÀ THẦU thực hiện và gánh chịu để tiến hành hoạt động dầu khí theo Hợp đồng này, bao gồm nhưng không giới hạn các hoạt động được liệt kê tại các Điều từ 1.1.30 đến 1.1.33, được xác định phù hợp với Thể thức kế toán trong Phụ lục B và được thu hồi phù hợp với Điều 6.1.2, Điều 6.2.2 và Điều 11.2.2.

1.1.7. “Chính phủ” là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1.1.8. “Chuẩn mực Kế toán Việt Nam” (VAS) là các chuẩn mực kế toán được sử dụng phổ biến và được chấp nhận rộng rãi trong thông lệ kế toán ở Việt Nam.

1.1.9. “Chuyên gia” là chuyên gia được chỉ định phù hợp với Điều 15.3.

1.1.10. “Chương” có nghĩa là chương của Hợp đồng này.

1.1.11. “Chương trình hoạt động và Ngân sách” là chương trình chi tiết hoạt động dầu khí được lập theo Hợp đồng này cho mỗi Năm với ngân sách dự kiến tương ứng được quy định tại Chương IV.

1.1.12. “Cố ý điều hành sai” là bất kỳ hành động nào hoặc sự bỏ qua không hành động bởi bất kỳ nhân viên nào của NHÀ THẦU do cố tình gây nên, do coi thường hoặc chú ý dẫn đến các hậu quả có hại có thể xảy ra đối với an toàn và tài sản của cá nhân hoặc thực thể khác liên quan đến hoạt động dầu khí được tiến hành hoặc sẽ được tiến hành theo Hợp đồng này mà NHÀ THẦU đó đã biết, hoặc lẽ ra phải biết

1.1.13. “Dầu lãi” là phần sản lượng Dầu thô còn lại sau khi trừ đi Dầu thuế tài nguyên và Dầu thu hồi chi phí từ Sản lượng dầu thực theo quy định tại Điều 6.1.

1.1.14. “Dầu thu hồi chi phí” và “Khí thu hồi chi phí” là phần Sản lượng dầu thực hoặc Sản lượng khí thực, tùy từng trường hợp, mà từ đó NHÀ THẦU thực hiện thu hồi chi phí theo quy định tại Điều 6.1.2 và Điều 6.2.2.

1.1.15. “Dầu thuế tài nguyên” và “Khí thuế tài nguyên” là phần Sản lượng dầu thực hoặc Sản lượng khí thực, tùy từng trường hợp, được phân bổ để hoàn thành các nghĩa vụ Thuế Tài nguyên theo quy định tại Điều 6.1.1 và Điều 6.1.2 tương ứng.

1.1.16. “Diện tích hợp đồng” là diện tích ban đầu với tọa độ được xác định và mô tả trong Phụ lục A và sẽ được điều chỉnh tùy từng thời điểm phù hợp với các quy định tại Điều 2.3.

1.1.17. “Diện tích phát triển” là phần của Diện tích hợp đồng được giữ lại để phát triển một Phát hiện thương mại được xác định rõ hơn tại các Điều 2.1.3 và 2.3.4.

1.1.18. “Điểm giao nhận” là điểm mà tại đó dầu khí chạm mặt bích ngoài của tàu dầu hoặc phương tiện tàng chứa dùng để lấy hoặc tiêu thụ dầu khí hoặc những điểm khác theo thoả thuận của Các Bên.

1.1.19. “Điều” nghĩa là điều của Hợp đồng này.

1.1.20. “Đô la Mỹ” hoặc “USD” là đồng tiền hợp pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

1.1.21. “Đồng” hoặc “VNĐ” là đồng tiền hợp pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1.1.22. “Giá thị trường” là giá dầu thô được lấy hoặc tiêu thụ bởi các Bên Nhà thầu tại Điểm giao nhận như được xác định cho tất cả các mục đích theo Hợp đồng này và phù hợp với Điều 8.1.

1.1.23. “Giai đoạn tìm kiếm thăm dò” là giai đoạn trong đó Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được tiến hành trong các giai đoạn thành phần phù hợp với quy định tại Điều 2.1.1.

1.1.24. “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Bộ Công Thương cấp đối với Hợp đồng này và các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

1.1.25. “Giếng” là một lỗ được khoan vào lòng đất nhằm mục đích tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng và khai thác dầu khí.

1.1.26. “Giếng phát triển” là Giếng được khoan vào vỉa sản phẩm, tầng sản phẩm hoặc mỏ để tiến hành các hoạt động sau đây: khai thác sản phẩm hoặc chất lưu; quan sát, theo dõi động thái của vỉa sản phẩm; bơm ép chất lưu vào vỉa hoặc tầng sản phẩm; bơm thải chất lưu vào giếng.

1.1.27. “Giếng thăm dò” nghĩa là Giếng tìm kiếm hoặc Giếng thẩm lượng.

1.1.28. “Giếng thẩm lượng” là Giếng được khoan để thu thập thông tin về quy mô trữ lượng và tính chất của vỉa sản phẩm, tầng sản phẩm hay của mỏ.

1.1.29. “Giếng tìm kiếm” là Giếng (dù là giếng khô hay giếng có phát hiện) được khoan trong Diện tích hợp đồng nhằm tìm kiếm một tích tụ Dầu khí tại một cấu tạo hoặc các cấu tạo khác biệt với bất kỳ cấu tạo nào đã được NHÀ THẦU khoan trước đây.

1.1.30. “Hoạt động khai thác dầu khí” là hoạt động được nhà thầu tiến hành nhằm thu hồi dầu khí từ mỏ dầu khí trong Diện tích hợp đồng, bao gồm: việc vận hành và bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị cần thiết; lập lịch trình, điều khiển, đo lường, thử vỉa và gọi dòng; thu gom, xử lý, tàng trữ và vận chuyển dầu thô, khí đồng hành và khí thiên nhiên từ bể chứa dầu khí đến Điểm giao nhận.

1.1.31. “Hoạt động phát triển mỏ dầu khí” là hoạt động được Nhà thầu tiến hành gồm lập kế hoạch, thiết kế, mua sắm, chế tạo, xây dựng, lắp đặt công trình dầu khí để khai thác dầu khí nhằm mục đích phát triển các tích tụ dầu khí trong Diện tích phát triển. Hoạt động phát triển mỏ dầu khí bao gồm, nhưng không giới hạn ở: các nghiên cứu và khảo sát mỏ, địa chất và địa vật lý; khoan, thử vỉa, hoàn thiện giếng, tái hoàn thiện giếng, khoan lại các Giếng phát triển, khoan và hoàn thiện các Giếng khai thác; lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng và ký kết hợp đồng để vận chuyển và lắp đặt các đường ống thu gom sản phẩm, lắp đặt các phương tiện và thiết bị ngoài khơi, trên bờ, các bộ chiết tách, bồn chứa, máy bơm, hút nhân tạo, các phương tiện, thiết bị khai thác, thu gom, bơm ép khác và các hoạt động liên quan cần thiết để khai thác, chế biến, xử lý, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận dầu khí và các hoạt động khác cần thiết cho việc phát triển tích tụ dầu khí một cách an toàn và hiệu quả.

1.1.32. “Hoạt động thu dọn công trình dầu khí” là hoạt động được tiến hành để phá bỏ, dỡ đi, phá hủy, hoán cải, bảo quản tạm thời, lâu dài hoặc các biện pháp kỹ thuật khác phù hợp với quy định của pháp luật và Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế đối với các công trình dầu khí không còn cần thiết cho hoạt động dầu khí do NHÀ THẦU xây dựng liên quan đến hoạt động dầu khí phù hợp với quy định tại Điều 14.3.

1.1.33. “Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí” là hoạt động được tiến hành phù hợp với Hợp đồng này nhằm mục đích phát hiện các tích tụ dầu khí, thẩm lượng các tích tụ dầu khí đó, các đặc tính của (các) tầng chứa liên quan và các trạng thái biến đổi của chúng có thể xảy ra khi được khai thác. Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở: các khảo sát địa chất, địa vật lý, địa hóa, khảo sát trên không và các khảo sát khác, các phân tích và các nghiên cứu; khoan, khoan sâu thêm, khoan xiên, đóng giếng, thử vỉa, hoàn thiện giếng, hoàn thiện lại giếng, khoan lại giếng, hủy các Giếng thăm dò, lấy mẫu và thử địa tầng, thử vỉa các giếng đó và tất cả các công việc liên quan tới các hoạt động đó.

1.1.34. “Hợp đồng” là Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí này và các Phụ lục kèm theo cùng với các sửa đổi, bổ sung phù hợp với pháp luật Việt Nam và Hợp đồng này.

1.1.35. “Khai thác thương mại” là khai thác dầu khí từ một Phát hiện thương mại và giao nhận dầu khí đó tại Điểm giao nhận theo một chương trình khai thác và tiêu thụ định kỳ sau khi Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí của Phát hiện thương mại đó được phê duyệt.

1.1.36. “Khí lãi” là phần Sản lượng khí thực còn lại sau khi trừ đi Khí thuế tài nguyên và Khí thu hồi chi phí theo quy định tại Điều 6.2.

1.1.37. “SOFR” là lãi suất cho vay qua đêm sử dụng trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ làm tài sản đảm bảo. SOFR kỳ hạn ba (3) tháng được tính toán dựa trên thị trường phái sinh SOFR tương lai được công bố bởi CME Group - là Cơ quan quản lý chỉ số được ủy quyền và giám sát bởi Cơ quan quản lý tài chính của Anh (FCA).

1.1.38. “Lịch trình khai thác” là bản tóm tắt kế hoạch khai thác dầu thô theo Thùng mỗi ngày hoặc sản lượng khí thiên nhiên theo Mét khối mỗi ngày, được NHÀ THẦU chuẩn bị, được Ủy ban Quản lý chấp thuận và PETROVIETNAM phê duyệt phù hợp với Chương trình hoạt động và Ngân sách cho Hoạt động phát triển mỏ và Hoạt động khai thác dầu khí trong mỗi Diện tích phát triển.

1.1.39. “Luật Dầu khí” là Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 và các bổ sung, sửa đổi sau đó.

1.1.40. “Luật Đầu tư” là Luật Đầu tư do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 và các bổ sung, sửa đổi sau đó.

1.1.41. “Mét khối” là một mét khối Khí thiên nhiên ở áp suất khí quyển một trăm linh một phẩy ba hai năm (101,325) kilopascals và tại nhiệt độ 15 độ Celsius (15°C).

1.1.42. “Mét khối/ngày” là số mét khối Khí thiên nhiên khai thác mỗi ngày từ Diện tích hợp đồng hoặc Mỏ dầu khí.

1.1.43. “Năm” là khoảng thời gian mười hai (12) tháng liên tục bắt đầu từ mồng 1 tháng Một và kết thúc vào ngày 31 tháng Mười Hai theo Dương lịch.

1.1.44. “Năm Hợp đồng” là khoảng thời gian mười hai (12) tháng liên tiếp theo Dương lịch bắt đầu từ Ngày hiệu lực của Hợp đồng này.

1.1.45. “Ngày hiệu lực” là ngày Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Hợp đồng này.

1.1.46. “Ngày khai thác thương mại đầu tiên” là ngày sau ngày thứ ba mươi (30) kể từ khi Dầu khí được khai thác liên tục từ Diện tích hợp đồng, thông qua một hệ thống khai thác bao gồm nhưng không giới hạn: Một hoặc nhiều Giếng Phát triển được nối vào một tàu nổi chứa sản phẩm trung chuyển hoặc thông qua đường ống tới một trạm tàng chứa và xuất khẩu trên bờ, nhưng ngoại trừ bất kỳ các lần thử giếng dài hạn nào.

1.1.47. “Ngày làm việc” là bất kỳ ngày nào mà trong đó các ngân hàng thương mại tại Việt Nam thông thường mở cửa để giao dịch đầy đủ.

1.1.48. “Ngân sách” là toàn bộ chi phí dự kiến cần thiết để tiến hành hoạt động dầu khí theo một Chương trình hoạt động cụ thể.

1.1.49. “Người điều hành” là tổ chức được chỉ định tại Điều 20.4, đại diện cho các Bên Nhà thầu tham gia Hợp đồng để điều hành hoạt động dầu khí và thực hiện một số nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi được ủy quyền theo quy định của Hợp đồng.

1.1.50. “NHÀ THẦU” hoặc “Bên Nhà thầu” có nghĩa như được giải thích trong đoạn đầu của Hợp đồng này và/hoặc những người kế thừa và/hoặc bên nhận chuyển nhượng hợp pháp của Bên đó và phù hợp với Chương XII, có thể bao gồm cả Công ty chi nhánh do PETROVIETNAM chỉ định.

1.1.51. “Nhân viên điều hành cao cấp” nghĩa là bất kỳ nhân viên điều hành nào của NHÀ THẦU, có chức năng như một cán bộ quản lý, giám sát viên hoặc quản lý viên được bổ nhiệm, có trách nhiệm hoặc phụ trách việc khoan, xây dựng hoặc khai thác tại hiện trường và các hoạt động liên quan, hoặc bất kỳ hoạt động thực địa nào khác và bất kỳ nhân viên nào của NHÀ THẦU có vị trí quản lý ngang bằng hoặc cao hơn giám sát viên hoặc quản lý viên được nêu ở trên.

1.1.52. “Phát hiện dầu khí” là tích tụ dầu khí được phát hiện bằng giếng khoan.

1.1.53. “Phát hiện thương mại” là một Phát hiện dầu khí mà theo quan điểm riêng của NHÀ THẦU có thể khai thác một cách kinh tế.

1.1.54. “Quý” là khoảng thời gian ba (3) tháng Dương lịch liên tiếp bắt đầu từ ngày 01 tháng Một, ngày 01 tháng Tư, ngày 01 tháng Bảy và ngày 01 tháng Mười.

1.1.55. “Quyền lợi tham gia” là quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của NHÀ THẦU trong Hợp đồng. Phân quyền lợi tham gia của mỗi Bên nhà thầu tại từng thời điểm được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm, được ghi trong Hợp đồng và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

1.1.56. “Sản lượng dầu thực” là sản lượng Dầu thô khai thác và thu được từ Diện tích hợp đồng, không bao gồm lượng Dầu thô được sử dụng vì mục đích hoạt động dầu khí hoặc những tiêu hao thông thường cho hoạt động dầu khí trong Diện tích hợp đồng.

1.1.57. “Sản lượng khí thực” là sản lượng Khí thiên nhiên, Khí than, Khí đá phiến hoặc Khí sét khai thác và thu được từ Diện tích hợp đồng, không bao gồm lượng Khí thiên nhiên được đưa trở lại mỏ hoặc được dùng hoặc được đốt vì mục đích hoạt động dầu khí hoặc những tiêu hao thông thường cho hoạt động dầu khí trong Diện tích hợp đồng.

1.1.58. “Thùng/ngày” là số thùng Dầu thô khai thác được mỗi ngày từ Diện tích hợp đồng hoặc Mỏ dầu khí.

1.1.59. “Thể thức kế toán” là tài liệu mô tả cách thức ghi chép sổ sách và hạch toán kế toán trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí vì mục đích của Hợp đồng này, tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

1.1.60. “Thỏa thuận mua bán khí” là thỏa thuận quy định việc tiêu thụ Khí thiên nhiên được khai thác phù hợp với từng Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, như được quy định tại Điều 8.5.

1.1.61. “Thoả thuận điều hành chung” là thoả thuận quy định việc quản lý các hoạt động của NHÀ THẦU và quy định các quyền và nghĩa vụ tương ứng với Quyền lợi tham gia của mỗi Bên Nhà thầu trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí.

1.1.62. “Thỏa thuận lấy dầu” là thỏa thuận quy định việc lấy và giao nhận Dầu thô được khai thác phù hợp với Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, như được quy định tại Điều 8.5.

1.1.63. “Thông tin Mật” là các tài liệu, thông tin kỹ thuật, công nghệ và thương mại thuộc sở hữu của NHÀ THẦU có được sau Ngày hiệu lực, bao gồm nhưng không giới hạn ở tất cả các bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ, bí quyết kỹ thuật, thiết kế, ý tưởng, Chương trình hoạt động và Ngân sách, báo cáo tài chính, hóa đơn, thông tin bán hàng và giá cả, các dữ liệu liên quan đến khả năng khai thác, tiếp thị và dịch vụ mà NHÀ THẦU chuẩn bị sau Ngày hiệu lực liên quan đến hoạt động dầu khí và các điều khoản và điều kiện của Hợp đồng này.

1.1.64. “Thuế tài nguyên” là khoản thu bằng tiền mặt hoặc bằng sản phẩm, tùy theo sự lựa chọn của Chính phủ, được các Bên Nhà thầu nộp phù hợp với Điều 6.1.1 và Điều 6.2.1 để được quyền khai thác Dầu khí từ Diện tích hợp đồng.

1.1.65. “Thùng” là một đơn vị đo Dầu thô bằng một trăm năm mươi tám phẩy chín tám bảy (158,987) lít ở áp suất khí quyển một trăm linh một phẩy ba hai năm (101,325) kilopascal và ở nhiệt độ mười lăm độ Celsius (15°C).

1.1.66. “Ủy ban Quản lý” là Ủy ban được thành lập theo quy định tại Chương III.

Điều 1.2. Nguyên tắc cơ bản của hợp đồng

1.2.1. Hợp đồng này là Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí phù hợp với quy định của Luật Dầu khí và pháp luật khác có liên quan tại Việt Nam.

1.2.2. Hợp đồng này xác lập các nguyên tắc và điều kiện, theo đó NHÀ THẦU được trao độc quyền tiến hành hoạt động dầu khí nhằm tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác dầu khí trong Diện tích hợp đồng và các hoạt động khác có liên quan bao gồm quyền xuất khẩu, bán hoặc định đoạt dầu khí theo quy định của Hợp đồng.

1.2.3. NHÀ THẦU có nghĩa vụ tiến hành hoạt động dầu khí bằng chi phí của mình một cách an toàn và hiệu quả và tự chịu rủi ro, phù hợp với quy định của Hợp đồng này, luật pháp Việt Nam và Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

1.2.4. Chi phí hoạt động dầu khí do NHÀ THẦU gánh chịu và được thu hồi phù hợp với các quy định của Hợp đồng.

Điều 1.3. Quyền lợi tham gia

Quyền lợi tham gia của các Bên Nhà thầu vào Ngày hiệu lực như sau:

- [………………………………..]: [……]%

- [………………………………. ]: [……]%

Chương II

THỜI HẠN, CAM KẾT CÔNG VIỆC TỐI THIỂU VÀ HOÀN TRẢ DIỆN TÍCH HỢP ĐỒNG

Điều 2.1. Thời hạn

2.1.1. Thời hạn của Hợp đồng này là [...](...) Năm Hợp đồng kể từ Ngày hiệu lực và có thể được gia hạn không quá năm (5) năm nếu Các Bên thỏa thuận và được Bộ Công Thương phê duyệt Phụ thuộc vào các Điều 2.1.4 và 2.1.5 dưới đây, Giai đoạn tìm kiếm thăm dò của Hợp đồng này là [...] (...) Năm Hợp đồng kể từ Ngày hiệu lực, có thể được gia hạn nhưng không quá [...](...) năm, được chia thành các giai đoạn thành phần: [...] (...) Năm Hợp đồng cho giai đoạn thứ nhất (Giai đoạn Một), và [...] (...) Năm cho giai đoạn thứ hai (Giai đoạn Hai), và [...] (...) Năm cho giai đoạn thứ ba (Giai đoạn Ba). Quyết định bước vào Giai đoạn Hai hoặc Giai đoạn Ba sẽ do NHÀ THẦU lựa chọn và thông báo bằng văn bản cho PETROVIETNAM không muộn hơn mười lăm (15) ngày trước khi hết hạn Giai đoạn Một hoặc Giai đoạn Hai tương ứng.

2.1.2. Phụ thuộc vào các quy định tại các Điều 2.1.4, 2.1.5 và 2.3.4.1, Hợp đồng này được chấm dứt nếu vào thời điểm kết thúc Giai đoạn tìm kiếm thăm dò (bao gồm thời gian gia hạn, nếu có) mà không có Phát hiện thương mại nào trong Diện tích hợp đồng được tuyên bố.

2.1.3. Ngay sau khi xác định Phát hiện thương mại trong bất kỳ phần nào của Diện tích hợp đồng, việc phát triển Phát hiện thương mại đó phải được bắt đầu phù hợp với quy định tại Chương IV. Trong các phần khác của Diện tích hợp đồng, ngoài một hoặc nhiều Diện tích phát triển, việc tìm kiếm thăm dò có thể đồng thời được tiếp tục thực hiện phụ thuộc vào quy định tại Điều 2.1.4, 2.1.5 và Điều 2.3.

2.1.4. Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước khi kết thúc bất kỳ giai đoạn nào trong Giai đoạn tìm kiếm thăm dò theo quy định tại Điều 2.1.1:

2.1.4.1. Nếu NHÀ THẦU tìm thấy một Phát hiện dầu khí trong Diện tích hợp đồng mà thời hạn của bất kỳ giai đoạn liên quan nào không đủ để NHÀ THẦU thẩm lượng Phát hiện dầu khí đó thì thời hạn của giai đoạn này sẽ được gia hạn một cách hợp lý với sự chấp thuận của PETROVIETNAM và sự phê duyệt của cấp thẩm quyền để NHÀ THẦU thẩm lượng Phát hiện dầu khí đó.

2.1.4.2. Nếu một hoặc nhiều Giếng thăm dò đã nằm trong kế hoạch hoặc đang trong quá trình khoan, thời hạn của bất kỳ giai đoạn liên quan nào cũng được gia hạn một cách hợp lý với sự chấp thuận của PETROVIETNAM và sự phê duyệt của Bộ Công Thương để NHÀ THẦU hoàn thành hoạt động khoan và đánh giá kết quả khoan.

Thời hạn gia hạn nói trên không vượt quá năm (05) năm [hoặc mười (10) năm đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư hoặc ưu đãi đầu tư đặc biệt].

2.1.5. Phụ thuộc vào sự chấp thuận của PETROVIETNAM và sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đối với đề nghị của NHÀ THẦU về chương trình hoạt động bổ sung cho Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí trong Diện tích hợp đồng vào thời điểm Giai đoạn tìm kiếm thăm dò chấm dứt, Giai đoạn tìm kiếm thăm dò sẽ được gia hạn thêm một thời gian hợp lý để NHÀ THẦU tiến hành chương trình công việc bổ sung đó.

2.1.6. Trường hợp Giai đoạn tìm kiếm thăm dò được gia hạn cho mục đích của các hoạt động thẩm lượng theo Điều 2.1.4 hoặc trong các tình huống được xác định tại Điều 2.1.5, thời gian gia hạn đó được tính vào thời gian gia hạn tối đa của Giai đoạn tìm kiếm thăm dò như quy định tại Điều 2.1.1 và thời hạn của Hợp đồng sẽ được gia hạn thêm một khoảng thời gian tương ứng với thời gian được gia hạn của Giai đoạn tìm kiếm thăm dò.

2.1.7. Trong trường hợp Bất khả kháng, Các Bên có thể thỏa thuận phương thức tạm dừng việc thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng và phụ thuộc vào phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Dầu khí. Thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng do nguyên nhân Bất khả kháng được tính từ khi sự kiện Bất khả kháng được tuyên bố cho đến khi sự kiện Bất khả kháng chấm dứt.

Điều 2.2. Cam kết công việc và tài chính tối thiểu

2.2.1. NHÀ THẦU phải bắt đầu các hoạt động dầu khí theo Hợp đồng này không chậm hơn ba mươi (30) ngày kể từ ngày PETROVIETNAM phê duyệt Chương trình hoạt động và Ngân sách.

2.2.2. NHÀ THẦU phải tiến hành các cam kết công việc tối thiểu với cam kết tài chính tối thiểu như sau:

[Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

Giai đoạn Một:

Công việc

Cam kết công việc tối thiểu

Cam kết tài chính tối thiểu (USD)

Tổng

Giai đoạn Hai:

Công việc

Cam kết công việc tối thiểu

Cam kết tài chính tối thiểu (USD)

Tổng

Giai đoạn Ba:

Công việc

Cam kết công việc tối thiểu

Cam kết tài chính tối thiểu (USD)

Tổng

Trường hợp NHÀ THẦU thực hiện vượt quá cam kết công việc tối thiểu cho mỗi giai đoạn, công việc vượt quá đó sẽ được trừ vào công việc tối thiểu có tính chất tương tự cho giai đoạn kế tiếp nếu và khi NHÀ THẦU quyết định chuyển sang giai đoạn kế tiếp.

2.2.3. Các cam kết tài chính tối thiểu được quy định tại Điều 2.2.2 chỉ nhằm mục đích hướng dẫn cho việc thực hiện chương trình tìm kiếm thăm dò trong bất kỳ giai đoạn liên quan nào. Tuy nhiên, trường hợp NHÀ THẦU không hoàn thành cam kết công việc tối thiểu cho bất kỳ giai đoạn liên quan nào, NHÀ THẦU phải trả cho PETROVIETNAM một khoản tiền tương đương với giá trị của bất kỳ phần cam kết công việc tối thiểu nào chưa hoàn thành trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn đó.

2.2.4. Nếu NHÀ THẦU hoàn thành các cam kết công việc tối thiểu với chi phí ít hơn các cam kết tài chính tối thiểu được nêu trong Điều 2.2.2, NHÀ THẦU được xem là đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình và không có nghĩa vụ phải trả cho PETROVIETNAM toàn bộ hoặc bất kỳ phần nào trong số tiền mà cam kết tài chính tối thiểu vượt quá các chi phí thực tế khi thực hiện các cam kết công việc tối thiểu đó.

2.2.5. Để tránh hiểu nhầm, các chương trình công việc bổ sung trong thời gian gia hạn Giai đoạn tìm kiếm thăm dò được quy định tại Điều 2.1.5 hoặc trong thời gian được phép giữ lại một phần của Diện tích hợp đồng được quy định tại Điều 2.3.4.12 hoặc trong thời gian tạm dừng nghĩa vụ hoàn trả diện tích, sẽ được xem là cam kết công việc tối thiểu cho thời gian gia hạn, giữ lại hoặc tạm dừng nghĩa vụ hoàn trả diện tích. Trường hợp NHÀ THẦU không hoàn thành khối lượng công việc đã cam kết tương ứng với khoảng thời gian gia hạn, giữ lại hoặc tạm dừng nghĩa, vụ hoàn trả diện tích được phép, Điều 2.2.3 sẽ được áp dụng với những sửa đổi thích hợp.

2.2.6. NHÀ THẦU được phép đề nghị chuyển đổi công việc cam kết đã xác định trong Hợp đồng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của Hợp đồng. NHÀ THẦU có văn bản đề nghị chuyển đổi công việc cam kết trình PETROVIETNAM, trong đó nêu rõ công việc cam kết muốn chuyển đổi, lý do đề nghị chuyển đổi, cơ sở của việc chuyển đổi, kế hoạch thực hiện công việc cam kết sau chuyển đổi. PETROVIETNAM báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Công việc cam kết sau chuyển đổi và cam kết tài chính tối thiểu tương ứng được xem là cam kết công việc và cam kết tài chính tối thiểu của NHÀ THẦU trong Hợp đồng.

Điều 2.3. Hoàn trả diện tích

2.3.1. Trước hoặc vào lúc kết thúc Giai đoạn Một cộng với bất kỳ gia hạn nào của Giai đoạn này, nếu NHÀ THẦU lựa chọn bước vào Giai đoạn Hai, NHÀ THẦU phải hoàn trả không ít hơn hai mươi phần trăm (20%) Diện tích hợp đồng. Trước hoặc vào lúc kết thúc Giai đoạn Hai cộng với bất kỳ thời gian gia hạn nào của Giai đoạn này, nếu NHÀ THẦU lựa chọn bước vào Giai đoạn Ba (nếu áp dụng), NHÀ THẦU phải hoàn trả thêm không ít hơn hai mươi phần trăm (20%) của Diện tích hợp đồng.

Trường hợp NHÀ THẦU lựa chọn không bước vào Giai đoạn Hai vào lúc trước khi kết thúc Giai đoạn Một hoặc lựa chọn không bước vào Giai đoạn Ba (nếu áp dụng) vào lúc trước khi kết thúc Giai đoạn Hai, NHÀ THẦU sẽ được giải thoát khỏi cam kết công việc được xác định một cách tương ứng đối với Giai đoạn tiếp theo.

2.3.2. Bất kỳ phần nào của Diện tích hợp đồng được hoàn trả theo Điều 2.3.1 trên đây sẽ không bao phủ bất kỳ Diện tích phát triển, Diện tích phát hiện khí nào đã xác định.

2.3.3. Vào bất kỳ thời điểm nào sớm hơn thời điểm được quy định tại Điều 2.3.1, bằng một văn bản thông báo trước ba mươi (30) ngày cho PETROVIETNAM, NHÀ THẦU có quyền hoàn trả một phần Diện tích hợp đồng phù hợp với Điều 2.3.5, phần diện tích hoàn trả đó sẽ được trừ vào phần của Diện tích hợp đồng mà NHÀ THẦU sau đó phải hoàn trả theo quy định của Điều 2.3.1 và Điều 2.3.4. Việc hoàn trả trước thời hạn không giải thoát NHÀ THẦU khỏi bất kỳ nghĩa vụ còn nợ và/hoặc nghĩa vụ phát sinh nào từ hoạt động dầu khí đối với phần Diện tích hợp đồng hoàn trả liên quan.

2.3.4.

2.3.4.1. Không ảnh hưởng tới các quy định tại Điều 2.1.4 và Điều 2.1.5, không phụ thuộc vào quy định tại Điều 3.1, trước hoặc vào lúc kết thúc Giai đoạn tìm kiếm thăm dò cộng với bất kỳ gia hạn nào của Giai đoạn này, NHÀ THẦU sẽ hoàn trả tất cả các phần còn lại của Diện tích hợp đồng trừ các diện tích được NHÀ THẦU lựa chọn sau đây:

2.3.4.1.1. Tất cả các Diện tích phát triển và tất cả các Diện tích phát hiện khi được xác định tại Điều 4.7; hoặc

2.3.4.1.2. Trường hợp NHÀ THẦU muốn nhận lại bất kỳ phần nào của Diện tích hợp đồng ngoài Diện tích phát triển hoặc Diện tích phát hiện khí mà phần diện tích đó đã hoàn trà trước đây hoặc NHÀ THẦU không thể giữ lại được theo Điều 2.3.4.1.1 và chưa được giao cho nhà thầu khác, NHÀ THẦU phải trình PETROVIETNAM một Chương trình hoạt động và Ngân sách bổ sung cho các hoạt động dầu khí, nêu rõ: phần diện tích mong muốn được nhận lại của Diện tích hợp đồng ban đầu hoặc phần diện tích muốn mở rộng thuộc phần diện tích đã hoàn trả trước đó; các Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí bổ sung mà NHÀ THẦU dự kiến tiến hành đối với phần diện tích được nhận lại và Ngân sách do NHÀ THẦU dự kiến để hoàn tất các hoạt động đó. PETROVIETNAM sẽ trình cấp thẩm quyền xem xét việc cho phép NHÀ THẦU nhận lại phần diện tích mong muốn trong từng trường hợp cụ thể theo trình tự, thủ tục mở rộng diện tích hợp đồng dầu khí quy định tại khoản 6 Điều 32 Luật Dầu khí cùng với Chương trình hoạt động và Ngân sách bổ sung cam kết.

2.3.4.2. NHÀ THẦU phải tiến hành các Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí phù hợp với Chương trình hoạt động và Ngân sách bổ sung đã được phê duyệt theo Điều 2.3.4.1.2, kể cả các sửa đổi (nếu có) được NHÀ THẦU và PETROVIETNAM thoả thuận.

2.3.4.3. Trường hợp kết quả Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí theo Điều 2.3.4.2 cho thấy:

2.3.4.3.1. Bất kỳ một Phát hiện thương mại mới nào được xác định thì một Diện tích phát triển cho Phát hiện thương mại đó sẽ được xác lập một cách hợp lý vì mục đích của Hợp đồng này;

2.3.4.3.2. Bất kỳ một Phát hiện thương mại hiện hữu nào trong Diện tích hợp đồng được xác định vượt ra ngoài Diện tích phát triển đã được xác lập ban đầu thì Diện tích phát triển ban đầu đó sẽ được điều chỉnh một cách hợp lý theo thoả thuận chung của Các Bên;

2.3.4.3.3. Bất kỳ Phát hiện khí thiên nhiên mới nào được xác định thì Diện tích phát triển của Phát hiện đó có thể được coi là Diện tích phát hiện khí phù hợp với Điều 4.7.

Ngay sau khi hoàn tất việc đánh giá kết quả các Chương trình hoạt động và xác định được Diện tích phát triển mới hoặc điều chỉnh bất kỳ Diện tích phát triển hiện hữu nào phát sinh từ đó hoặc xác định bất kỳ một Diện tích phát hiện khí mới nào, NHÀ THẦU phải hoàn trả tất cả các phần còn lại của Diện tích hợp đồng không thuộc (các) Diện tích phát triển mới hoặc đã được điều chỉnh hoặc (các) Diện tích phát hiện khí mới.

2.3.5. NHÀ THẦU phải thông báo trước cho PETROVIETNAM ngày hoàn trả (các) phần diện tích sẽ được hoàn trả. NHÀ THẦU và PETROVIETNAM phải thoả thuận về hình dạng và kích thước của từng phần riêng rẽ của Diện tích hợp đồng sẽ được hoàn trả. Trước bất kỳ lần hoàn trả nào hoặc trước khi chấm dứt Hợp đồng này, theo yêu cầu của PETROVIETNAM, NHÀ THẦU phải thu dọn tất cả các thiết bị hoặc công trình do NHÀ THẦU lắp đặt hoặc xây dựng nhưng không còn cần cho hoạt động dầu khí nữa ra khỏi phần diện tích sẽ được hoàn trả.

Chương III

ỦY BAN QUẢN LÝ

Điều 3.1. Thành lập Ủy ban Quản lý

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ Ngày hiệu lực, Các Bên sẽ thành lập một Ủy ban Quản lý theo Hợp đồng này. Ủy ban Quản lý có trách nhiệm hỗ trợ PETROVIETNAM và NHÀ THẦU kiểm tra, giám sát các hoạt động dầu khí trong Diện tích hợp đồng phù hợp với Chương trình hoạt động và Ngân sách đã được phê duyệt và Hợp đồng này.

Ủy ban Quản lý bao gồm [……….. ](...) thành viên, [………………. ] (...) thành viên do PETROVIETNAM chỉ định và [ ………….........] (...) thành viên do NHÀ THẦU chỉ định. Số lượng các thành viên của Ủy ban Quản lý có thể tăng hoặc giảm tùy từng thời điểm do Các Bên thoả thuận. NHÀ THẦU sẽ chỉ định một trong số các thành viên của mình làm Chủ tịch trong các buổi họp trước khi có tuyên bố Phát hiện thương mại đầu tiên và PETROVIETNAM sẽ chỉ định một trong số các thành viên của mình làm Chủ tịch trong các buổi họp của Ủy ban Quản lý sau đó. Mỗi thành viên có quyền bỏ một (1) phiếu. Các buổi họp của Ủy ban Quản lý phải cần tối thiểu là [...](...) thành viên, ít nhất mỗi Bên có [...] (...) thành viên tham dự. Trong trường hợp không thể tham gia cuộc họp Ủy ban Quản lý, mỗi thành viên có thể ủy quyền bằng văn bản cho thành viên khác hoặc người khác đại diện và bỏ phiếu thay.

Điều 3.2. Quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Quản lý

Ủy ban Quản lý có các quyền và nghĩa vụ như sau:

- Thông qua và xác nhận việc thực hiện Chương trình hoạt động và Ngân sách hằng năm, kể cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có);

- Phê duyệt quy trình mua sắm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí;

- Thông qua chương trình tìm kiếm thăm dò, kế hoạch thẩm lượng do NHÀ THẦU đề xuất;

- Thông qua Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí của Phát hiện dầu khí và các Báo cáo điều chỉnh do NHÀ THẦU lập;

- Thông qua Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí và các Kế hoạch điều chỉnh (nếu có) trong khoảng thời gian được quy định trong Hợp đồng;

- Thông qua Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí và các Kế hoạch điều chỉnh (nếu có) trong khoảng thời gian được quy định trong Hợp đồng;

- Thông qua Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí và các Kế hoạch điều chỉnh (nếu có) trong khoảng thời gian được quy định trong Hợp đồng;

- Thông qua Kế hoạch Thu dọn công trình dầu khí và các Kế hoạch điều chỉnh (nếu có) trong khoảng thời gian được quy định trong Hợp đồng;

- Thông qua Lịch trình khai thác hằng năm và các điều chỉnh/sửa đổi trong khoảng thời gian được quy định trong Hợp đồng;

- Thông qua đề xuất hoàn trả, tạm dừng nghĩa vụ hoàn trả, giữ lại, nhận lại, mở rộng Diện tích hợp đồng, hợp nhất mỏ dầu khí, các đề xuất gia hạn thời gian của giai đoạn thành phần Giai đoạn tìm kiếm thăm dò, các cam kết công việc bổ sung hoặc hoán đổi trong thời gian gia hạn của Người điều hành;

- Thành lập các tiểu ủy ban (sub-commitee) cần thiết theo yêu cầu và phù hợp với quy định của Hợp đồng;

- Ủy ban Quản lý sẽ giám sát và kiểm tra kế toán đối với các chi phí, khoản chi, chi tiêu và duy trì sổ sách đối với hoạt động dầu khí phù hợp với các điều khoản của Hợp đồng này và Thể thức kế toán;

- Quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban Quản lý theo Hợp đồng này.

Điều 33. Cơ chế hoạt động của Ủy ban Quản lý

33.1. Ủy ban Quản lý sẽ họp ít nhất mỗi Năm một lần, trừ khi có thoả thuận khác. Bất kỳ Bên nào cũng có thể triệu tập hợp Ủy ban quản lý bằng một văn bản thông báo gửi cho Chủ tịch nêu rõ mục đích của cuộc họp. Chủ tịch sau đó phải triệu tập hợp trong thời hạn ba mươi (30) ngày từ khi nhận được thông báo kể trên hoặc trong thời hạn ngắn hơn nhưng không ít hơn bảy (7) ngày theo yêu cầu của Bên đưa ra đề xuất triệu tập hợp, nếu khoảng thời gian ba mươi (30) ngày có thể gây phương hại đáng kể tới vấn đề cần thảo luận.

3.3.2. Trường hợp Ủy ban Quản lý thoả thuận rằng, bất kỳ vấn đề nào có thể được quyết định mà không cần triệu tập hợp, các thành viên Ủy ban Quản lý có thể bỏ phiếu của mình về vấn đề đó bằng bất kỳ cách nào được các thành viên Ủy ban Quản lý chấp nhận và gửi đến cho Người điều hành. Ngay sau khi nhận được tất cả phiếu, Người điều hành sẽ thông báo cho Các Bên về quyết định đã đạt được. Quyết định đó sẽ ràng buộc Các Bên như được bỏ phiếu trong một cuộc họp. Người điều hành phải lưu hồ sơ của mỗi lần bỏ phiếu đó. Hết thời hạn được yêu cầu, nếu bất kỳ thành viên Ủy ban Quản lý nào không có văn bản thông báo về quyết định của mình đối với vấn đề được đệ trình thì coi như vấn đề đã được thành viên đó thông qua.

3.3.3. Các đại diện của mỗi Bên tham dự buổi họp Ủy ban Quản lý có thể kèm theo các cố vấn với số lượng hợp lý. Các cố vấn này sẽ không có quyền bỏ phiếu tại cuộc họp. Các chi phí hợp lý cho mỗi thành viên và cố vấn tham dự các buổi họp Ủy ban Quản lý do NHÀ THẦU gánh chịu và được coi là Chi phí hoạt động dầu khí được thu hồi.

3.3.4. Các quyết định của Ủy ban Quản lý số dựa trên cơ sở bỏ phiếu nhất trí của thành viên có mặt và đại diện được ủy quyền ngoại trừ các vấn đề về tìm kiếm thăm dò và thẩm lượng trước tuyên bố Phát hiện thương mại đầu tiên thì sẽ được Ủy ban Quản lý quyết định trên cơ sở đa số phiếu hoặc như Các Bên có thể thỏa thuận khác.

Chương IV

CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ NGÂN SÁCH

Điều 4.1. Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí

4.1.1. Trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ Ngày hiệu lực, NHÀ THẦU lập Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí làm định hướng cho Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí trong Diện tích hợp đồng theo từng giai đoạn thành phần, bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung chính được quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Dầu khí.

4.1.2. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí hoặc Chương trình tìm kiếm thăm dò cập nhật (tùy thuộc vào bất kỳ sửa đổi nào mà Ủy ban Quản lý có thể yêu cầu), Ủy ban Quản lý sẽ xem xét, thông qua Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí đó. Nếu Ủy ban Quản lý không có văn bản thông qua Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí trong thời hạn ba mươi (30) ngày nêu trên thì Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí coi như đã được Ủy ban Quản lý thông qua.

4.1.3. Trong thời hạn mười (10) ngày sau khi Ủy ban Quản lý thông qua, NHÀ THẦU phải trình Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí cho PETROVIETNAM xem xét, phê duyệt.

4.1.4. Trong trường hợp có sự thay đổi các nội dung chính của Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí quy định tại 4.1.1, NHÀ THẦU thực hiện thủ tục xin phê duyệt điều chỉnh Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí tương tự như thủ tục và quy trình phê duyệt Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí được quy định tại Điều này.

4.1.5. Trong quá trình phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, NHÀ THẦU có thể đề xuất tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí bổ sung và lập Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí bổ sung với nội dung chính như quy định tại Điều 4.1.1 với những điều chỉnh thích hợp. NHÀ THẦU thực hiện thủ tục xin phê duyệt Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí bổ sung tương tự như thủ tục và quy trình phê duyệt Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí được quy định tại Điều này.

Điều 4.2. Thẩm lượng và Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí

Nếu NHÀ THẦU xác định có một Phát hiện dầu khí, NHÀ THẦU phải thông báo cho Ủy ban Quản lý và PETROVIETNAM ngay khi có thể.

Trong thời hạn chín mươi (90) ngày sau khi có thông báo trên, NHÀ THẦU phải trình Ủy ban Quản lý kế hoạch thẩm lượng Phát hiện dầu khí liên quan, Ủy ban Quản lý xem xét và thông qua kế hoạch thẩm lượng do NHÀ THẦU đề xuất trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận. Trong thời hạn mười (10) ngày sau khi được Ủy ban Quản lý thông qua, NHÀ THẦU trình PETROVIETNAM kế hoạch thẩm lượng đó để có được phê duyệt cuối cùng. PETROVIETNAM xem xét và phê duyệt kế hoạch thẩm lượng do NHÀ THẦU trình trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ khi nhận được.

NHÀ THẦU phải thực hiện ngay kế hoạch thẩm lượng đã được PETROVIETNAM phê duyệt Trong thời hạn chín mươi (90) ngày sau khi hoàn thành kế hoạch thẩm lượng nêu trên hoặc một khoảng thời gian khác được sự chấp thuận của PETROVIETNAM, NHÀ THẦU phải trình Ủy ban Quản lý và PETROVIETNAM Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí của Phát hiện dầu khí đã thẩm lượng, đảm bảo các nội dung yêu cầu được quy định của pháp luật dầu khí.

Trường hợp kết quả thẩm lượng, theo quan điểm riêng của NHÀ THẦU, cho thấy:

4.2.1. Phát hiện dầu có tính thương mại, NHÀ THẦU gửi thông báo cho Ủy ban Quản lý và PETROVIETNAM về Phát hiện thương mại đó, đồng thời đưa ra đề xuất về việc xác định Diện tích phát triển cho Phát hiện thương mại đã được tuyên bố phù hợp với các quy định của Hợp đồng này và Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Ngày gửi thông báo sẽ là Ngày tuyên bố Phát hiện thương mại.

4.2.2. Phát hiện khí có tiềm năng thương mại, NHÀ THẦU tuân thủ các quy định tại Điều 4.7 Hợp đồng này.

Ủy ban Quản lý xem xét và thông qua Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí của Phát hiện thương mại do NHÀ THẦU trình trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được văn bản. Trong thời hạn mười (10) ngày sau khi được Ủy ban Quản lý thông qua, NHÀ THẦU trình PETROVIETNAM Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí đó để PETROVIETNAM xem xét, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt phù hợp các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên, trữ lượng dầu khí hiện hành.

Điều 4.3. Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí và Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí

Trong thời hạn chín (09) tháng kể từ ngày Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí cho bất kỳ Phát hiện thương mại nào trong Diện tích hợp đồng được phê duyệt, NHÀ THẦU phải trình Ủy ban Quản lý Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí chính thức và đầy đủ cho Phát hiện thương mại đó.

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, Ủy ban Quản lý sẽ xem xét (hoặc tùy thuộc vào bất kỳ sửa đổi nào mà Ủy ban Quản lý có thể yêu cầu), thông qua Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí đó; Nếu Ủy ban Quản lý không có văn bản thông qua Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí trong thời hạn ba mươi (30) ngày nói trên thì Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí coi như đã được Ủy ban Quản lý thông qua.

Trong thời hạn mười (10) ngày sau khi Ủy ban Quản lý thông qua, NHÀ THẦU phải trình Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí cho PETROVIETNAM xem xét, chấp thuận và trình Bộ Công Thương phê duyệt, tùy thuộc vào bất kỳ sửa đổi nào mà PETROVIETNAM có thể yêu cầu. Trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày NHÀ THẦU trình hoặc trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch sửa đổi theo các yêu cầu của PETROVIETNAM hoặc cơ quan có thẩm quyền (nếu có), tùy từng trường hợp, PETROVIETNAM trình Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí này.

Trường hợp có sự thay đổi các nội dung chính của Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, NHÀ THẦU thực hiện thủ tục xin phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí tương tự như thủ tục và quy trình được quy định tại Điều này và quy định tại khoản 5 Điều 46 Luật Dầu khí.

Trong thời hạn mười tám (18) tháng kể từ ngày Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí hoặc Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí điều chỉnh được phê duyệt, NHÀ THẦU phải trình Ủy ban Quản lý Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí cho Phát hiện thương mại liên quan. Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí được xây dựng trên cơ sở phương án được lựa chọn của Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí hoặc Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí điều chỉnh đã được phê duyệt nhằm mục tiêu phát triển và khai thác tối ưu, bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung chính được quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Dầu khí và các thông tin khác do Ủy ban Quản lý có thể yêu cầu.

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày NHÀ THẦU trình hoặc trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí với những điều chỉnh theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý, tùy từng trường hợp, Ủy ban Quản lý sẽ xem xét, thông qua Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đó. Nếu NHÀ THẦU không nhận được trả lời của Ủy ban Quản lý trong thời hạn ba mươi (30) ngày nói trên thì Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí coi như đã được Ủy ban Quản lý thông qua.

Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ khi được Ủy ban Quản lý thông qua, NHÀ THẦU phải trình Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí cho PETROVIETNAM xem xét, chấp thuận. Trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ khi NHÀ THẦU trình PETROVIETNAM, tùy thuộc vào bất kỳ chỉnh sửa, bổ sung nào có thể được yêu cầu, NHÀ THẦU phải nỗ lực cùng với PETROVIETNAM hoàn thiện Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí để trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Trong trường hợp có sự thay đổi các nội dung chính của Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, NHÀ THẦU thực hiện thủ tục xin phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí tương tự như thủ tục và quy trình được quy định tại Điều này và phù hợp với quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 48 Luật Dầu khí.

Điều 4.4. Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí

Trong trường hợp Nhà thầu mong muốn tiến hành khai thác sớm mỏ dầu khí, trên cơ sở Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí đã được phê duyệt, NHÀ THẦU lập Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí trình PETROVIETNAM xem xét để trình Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định tại Điều 47 của Luật Dầu khí với quy trình tương tự như đối với Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí theo quy định của Hợp đồng này.

Điều 4.5. Các phát hiện tiếp theo

Đối với các phát hiện tiếp theo, NHÀ THẦU phải tuân thủ các quy định tại các Điều 4.2, 4.3 và 4.4 với những sửa đổi phù hợp.

Điều 4.6. Chương trình hoạt động và Ngân sách hằng năm

4.6.1. Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ Ngày hiệu lực trong năm đầu tiên và sau đó là ít nhất chín mươi (90) ngày trước khi bắt đầu mỗi Năm hoặc vào thời điểm khác mà Các Bên có thể thoả thuận, NHÀ THẦU phải chuẩn bị và trình Chương trình hoạt động và Ngân sách hằng năm cho Diện tích hợp đồng cho Năm kế tiếp theo phù hợp với quy định của Hợp đồng và các chương trình, báo cáo, kế hoạch đã được phê duyệt (nếu có), để PETROVIETNAM xem xét và phê duyệt.

4.6.2. Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày trước khi có dòng dầu khí khai thác đầu tiên hoặc chín mươi (90) ngày trước khi bắt đầu mỗi Năm kế tiếp, NHÀ THẦU phải trình Ủy ban Quản lý thông qua và PETROVIETNAM phê duyệt Lịch trình khai thác hằng năm trong Chương trình hoạt động và Ngân sách (trong các Năm kế tiếp) trên cơ sở kế hoạch khai thác đã được dự kiến trong Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí hoặc Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí điều chỉnh đã được phê duyệt, các thông tin cập nhật có được trong quá trình triển khai Hoạt động phát triển mỏ dầu khí và Hoạt động khai thác dầu khí và phù hợp với Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

4.6.3. Chương trình hoạt động và Ngân sách quy định tại các điều 4.6.1 và 4.6.2 được Ủy ban Quản lý thông qua trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ khi NHÀ THẦU trình. Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày Ủy ban Quản lý thông qua, NHÀ THẦU phải trình PETROVIETNAM phê duyệt. PETROVIETNAM phải xem xét và phê duyệt trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được các thông tin bổ sung, điều chỉnh như được yêu cầu. NHÀ THẦU sẽ thực hiện Chương trình hoạt động và Ngân sách đã được duyệt và không cần phải xin thêm bất cứ sự đồng ý hoặc phê duyệt nào nữa đối với khoản tăng chi phí so với mức Ngân sách đã được Ủy ban Quản lý và PETROVIETNAM phê duyệt cho Năm liên quan, không vượt quá 10% đối với bất cứ hạng mục nào trong Ngân sách liên quan với điều kiện là tổng các khoản chi tăng thêm không vượt quá 5% tổng Ngân sách đã được phê duyệt của năm tương ứng.

4.6.4. Quy trình phê duyệt đối với Chương trình hoạt động và Ngân sách sửa đổi, bổ sung sẽ được áp dụng quy trình tương tự như quy định tại các Điều 4.6.1, 4.6.2 và 4.6.3 với những điều chỉnh phù hợp.

Điều 4.7. Phát hiện khí tiềm năng

Trường hợp NHÀ THẦU xác định có một khối lượng Khí thiên nhiên [Khí sét, Khí than, Khí đá phiến] có tiềm năng thương mại trong Diện tích hợp đồng:

4.7.1. Nếu đã có thị trường tiêu thụ và đã có các điều kiện về đường ống, phương tiện xử lý thích hợp, NHÀ THẦU phải cam kết sớm đưa Phát hiện khí tiềm năng đó vào khai thác. Các Bên sẽ cố gắng tối đa để tìm kiếm thị trường khí. NHÀ THẦU phải tiến hành phát triển Phát hiện khí đó phù hợp với quy định của Điều 4.3 và Điều 4.4 để đáp ứng yêu cầu của các thỏa thuận thương mại có liên quan; hoặc

4.7.2. Nếu thị trường tiêu thụ khí và chưa có các điều kiện về đường ống, phương tiện xử lý thích hợp, phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Dầu khí, NHÀ THẦU được phép giữ lại các Diện tích phát hiện khí có tiềm năng thương mại tương ứng tùy thuộc vào phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian giữ lại Diện tích phát hiện khí có tiềm năng thương mại, NHÀ THẦU phải tiến hành các công việc cam kết trong thời gian tương ứng nhằm khẳng định tính thương mại của Phát hiện khí tiềm năng đó.

Điều 4.8. Hướng dẫn của PETROVIETNAM

PETROVIETNAM, tùy từng thời điểm, có thể ban hành các thể thức và hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện các quy định của Chương này.

Chương V

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN

Điều 5.1. Nhà thầu

5.1.1. Quyền của NHÀ THẦU

5.1.1.1. Được hưởng mọi ưu đãi, khuyến khích và bảo đảm đầu tư vì mục đích hoạt động dầu khí được quy định tại Hợp đồng này, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Luật Đầu tư, Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Việt Nam.

5.1.1.2. Sử dụng các mẫu vật, thông tin, dữ liệu thu được để tiến hành các hoạt động dầu khí.

5.1.1.3. Tuyển dụng người lao động trên cơ sở ưu tiên tuyển dụng người lao động Việt Nam.

5.1.1.4. Thuê tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí và phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

5.1.1.5. Miễn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

5.1.1.6. Sở hữu phần sản phẩm dầu khí và các sản phẩm khác khai thác được theo hợp đồng dầu khí sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; được phép bán chung các sản phẩm này theo từng lần và từng thời điểm xuất bán mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

5.1.1.7. Xuất khẩu, bán tại thị trường Việt Nam phần sản phẩm thuộc sở hữu theo thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí, trừ trường hợp nhà thầu phải thực hiện nghĩa vụ bán tại thị trường Việt Nam theo quy định tại khoản 8 Điều 59 của Luật Dầu khí. Nhà thầu không cần xin giấy phép xuất khẩu khi xuất khẩu phần sản phẩm thuộc sở hữu.

5.1.1.8. Thu hồi chi phí hoạt động dầu khí theo thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí.

5.1.1.9. Tiếp cận, sử dụng đối với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, công trình dầu khí sẵn có theo quy định của pháp luật; tiếp cận, sử dụng các cơ sở hạ tầng, công trình dầu khí sẵn có để phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động dầu khí thông qua hợp đồng hoặc thỏa thuận với đơn vị chủ sở hữu hoặc quản lý vận hành các cơ sở hạ tầng, công trình dầu khí trên cơ sở bảo đảm lợi ích của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

5.1.1.10. Mua ngoại tệ tại ngân hàng thương mại để thực hiện góp vốn tham gia hợp đồng dầu khí và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

5.1.1.11. Được sử dụng Đô la Mỹ để thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Hợp đồng này bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối và pháp luật có liên quan.

5.1.1.12. Quyền khác theo quy định của Luật Dầu khí.

5.1.2. Nghĩa vụ của NHÀ THẦU

5.1.2.1. Tuân thủ pháp luật Việt Nam.

5.1.2.2. Trước khi họp Ủy ban Quản lý lần đầu tiên, NHÀ THẦU phải trình chế độ kế toán, kiểm toán để Ủy ban Quản lý xem xét và trình PETROVIETNAM phê duyệt.

5.1.2.3. Tiến hành hoạt động dầu khí và các hoạt động liên quan, cung cấp tất cả các trợ giúp kỹ thuật và nhân lực, ứng trước mọi khoản chi phí và cam kết tài chính cần thiết để thực hiện hoạt động dầu khí và các hoạt động khác theo Chương trình hoạt động và Ngân sách đã được phê duyệt.

5.1.2.4. Chuẩn bị, trình Ủy ban Quản lý và PETROVIETNAM các Chương trình hoạt động và Ngân sách hằng năm; nghiêm chỉnh thực thi các Chương trình hoạt động và Ngân sách phù hợp với Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế sau khi các Chương trình hoạt động và Ngân sách đó đã được phê duyệt

5.1.2.5. Chịu trách nhiệm đối với việc đặt, mua hoặc thuê các dịch vụ, mua các loại vật tư, thiết bị và hàng hóa; ký kết các hợp đồng thương mại cần thiết cho việc thực hiện Hoạt động dầu khí theo Chương trình hoạt động và Ngân sách đã được phê duyệt tuân thủ quy định tại Điều 4.6 và các nguyên tắc sau đây:

5.1.2.5.1. NHÀ THẦU phải xây dựng Quy chế lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí trình Ủy ban Quản lý xem xét và PETROVIETNAM phê duyệt. Quy chế phải đảm bảo nguyên tắc chung cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả.

5.1.2.5.2. Hằng năm, NHÀ THẦU phải lập kế hoạch đấu thầu tổng thể về việc mua và/hoặc thuê các dịch vụ, hàng hóa và trình PETROVIETNAM phê duyệt. Việc chia tách các gói thầu (nếu có) phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, bảo đảm tính đồng bộ và có quy mô gói thầu hợp lý.

5.1.2.5.3. Đối với một hợp đồng mà NHÀ THẦU ước tính có giá trị dưới [……………………] Đô la Mỹ (……………………… USD) cho các Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí và thẩm lượng, và dưới [……………………. ] Đô la Mỹ ( ……………………….USD) cho các Hoạt động phát triển mỏ dầu khí, Hoạt động khai thác dầu khí và Hoạt động thu dọn công trình dầu khí [phụ thuộc vào đàm phán], NHÀ THẦU có quyền giao thầu hợp đồng đó, với điều kiện là các hoạt động liên quan phải thuộc Chương trình hoạt động và Ngân sách đã được phê duyệt.

5.1.2.5.4. Đối với hợp đồng mà NHÀ THẦU ước tính có giá trị bằng hoặc vượt quá giá trị được quy định tại Điều 5.1.2.5.3, NHÀ THẦU phải tổ chức đấu thầu hoặc NHÀ THẦU phải đưa ra được những lý do hợp lý chứng minh rằng việc đấu thầu sẽ bất lợi cho hoạt động thực tiễn hoặc vì lý do tiến độ hoặc sẽ ảnh hưởng đến lợi ích thương mại và được PETROVIETNAM chấp thuận. PETROVIETNAM xem xét, phê duyệt trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của NHÀ THẦU hoặc khoảng thời gian ngắn hơn theo yêu cầu công việc và không được từ chối vô lý. Trong trường hợp lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua đấu thầu, NHÀ THẦU phải:

5.1.2.5.4.1. Trình PETROVIETNAM:

5.1.2.5.4.1.1. Kế hoạch đấu thầu (bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung như tên gói thầu, giá gói thầu, hạng mục và giá trị ngân sách, hình thức lựa chọn nhà thầu, phương thức đấu thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu, hình thức hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng và danh sách mời thầu trong trường hợp đấu thầu hạn chế) để PETROVIETNAM phê duyệt. Trong trường hợp đấu thầu hạn chế, NHÀ THẦU tuân thủ yêu cầu của PETROVIETNAM về việc bổ sung hoặc loại bỏ một hoặc một số cá nhân và/hoặc tổ chức trong danh sách mời thầu với điều kiện PETROVIETNAM cung cấp lý do hợp lý về việc bổ sung hoặc loại bỏ đó.

5.1.2.5.4.1.2. Hồ sơ mời thầu (bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung về phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật; tiêu chí đánh giá thầu) để PETROVIETNAM xem xét, có ý kiến về Hồ sơ mời thầu (nếu có) trước khi mời thầu.

5.1.2.5.4.1.3. Báo cáo đánh giá và kiến nghị trao thầu cho cá nhân hoặc tổ chức được chọn (cùng với các hồ sơ chào thầu đã nhận) để PETROVIETNAM xem xét, phê duyệt. NHÀ THẦU có trách nhiệm giải trình, làm rõ các yêu cầu (nếu có) của PETROVIETNAM đối với các tài liệu do NHÀ THẦU trình.

5.1.2.5.4.2. PETROVIETNAM phải thông báo cho NHÀ THẦU về phê duyệt của mình hoặc có ý kiến khác đối với kế hoạch đấu thầu tổng thể, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu của NHÀ THẦU, Báo cáo đánh giá và kiến nghị trao thầu trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày PETROVIETNAM nhận được hồ sơ hợp lệ và không được từ chối vô lý. Trong trường hợp NHÀ THẦU không nhận được ý kiến của PETROVIETNAM bằng văn bản trong khoảng thời gian mười bốn (14) ngày được nhắc tới trên đây, đề xuất của NHÀ THẦU coi như đã được PETROVIETNAM đồng ý.

5.1.2.5.5. Ưu tiên sử dụng vật tư, thiết bị và dịch vụ Việt Nam trên cơ sở cạnh tranh về giá cả, chất lượng và thời hạn giao hàng; NHÀ THẦU phải cụ thể hóa những tiêu chí ưu tiên sử dụng dịch vụ Việt Nam trong hồ sơ mời thầu.

5.1.2.5.6. Cung cấp cho PETROVIETNAM bản sao hợp đồng thương mại đã ký trên cơ sở tuân thủ các quy định tại Điều 5.1.2.4 trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày ký hợp đồng liên quan.

5.1.2.5.7. Quy trình lựa chọn nhà cung cấp trong trường hợp khác được áp dụng theo quy trình trên với những sửa đổi phù hợp.

5.1.2.6. Trình cơ quan có thẩm quyền và PETROVIETNAM Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động dầu khí phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Đưa ra các giải pháp cần thiết về bảo vệ hàng hải, ngư nghiệp và môi trường; ngăn chặn, kiểm soát thích đáng ô nhiễm đối với môi trường biển, sông ngòi, đất đai phù hợp với chương trình bảo hiểm và kế hoạch hành động về môi trường, an toàn và sức khỏe do Ủy ban Quản lý thông qua; thông báo cho PETROVIETNAM và các cơ quan hữu quan khác theo chỉ dẫn của PETROVIETNAM về các giải pháp đó. Trong trường hợp đã thực hiện các giải pháp cần thiết như đã được thông báo nhưng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, NHÀ THẦU có nghĩa vụ phải áp dụng mọi biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu những tác động của ô nhiễm, khắc phục các hậu quả xảy ra và phải trả tiền bồi thường hợp lý đối với các hậu quả đó theo quy định của pháp luật Việt Nam, NHÀ THẦU có thể sử dụng các dịch vụ và nguồn lực của các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu địa phương, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này.

5.1.2.7. Có quyền sở hữu đối với toàn bộ tài sản có được và được sử dụng trong hoạt động dầu khí cho đến khi các tài sản đó trở thành sở hữu của PETROVIETNAM phù hợp với thể thức được quy định trong Điều 14.1; duy trì quyền kiểm soát toàn bộ các tài sản thuê đã đưa vào Việt Nam phù hợp với Điều 14.2 và được chuyển các tài sản thuê đó ra khỏi Việt Nam, được miễn các loại thuế phù hợp với các thủ tục và quy định của Việt Nam về xuất khẩu, nhập khẩu.

5.1.2.8. NHÀ THẦU và nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí trong Hợp đồng có quyền nhập khẩu vào Việt Nam phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, mọi vật tư, thiết bị và các dịch vụ cần thiết cho hoạt động dầu khí và tái xuất toàn bộ hoặc bất kỳ phần nào chưa dùng hết, ngoại trừ các vật tư thiết bị đã được tính vào Chi phí hoạt động dầu khí phù hợp với pháp luật Việt Nam.

5.1.2.9. Vào bất kỳ thời điểm nào, có quyền ra, vào Diện tích hợp đồng, tiếp cận các thiết bị, phương tiện được sử dụng cho hoạt động dầu khí ở bất kỳ vị trí nào trong Diện tích hợp đồng.

5.1.2.10. Được tiếp cận và sử dụng tất cả các tài liệu và thông tin sẵn có về địa chất, địa vật lý, giếng khoan, khai thác, môi trường và các tài liệu, thông tin khác về Diện tích hợp đồng do PETROVIETNAM lưu giữ, trừ những thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

5.1.2.11. Tùy thuộc vào việc phê duyệt hợp lý của PETROVIETNAM, có thể tiếp cận và có quyền tham khảo các tài liệu và thông tin sẵn có về địa chất, địa vật lý, giếng khoan, khai thác, môi trường và các tài liệu, thông tin khác liên quan đến các khu vực liền kề với Diện tích hợp đồng mà PETROVIETNAM đang giữ hoặc sẽ có, với điều kiện các khu vực đó không phải là đối tượng của hợp đồng giữa PETROVIETNAM với các bên thứ ba. Đối với các tài liệu liên quan đến các khu vực liền kề mà PETROVIETNAM đã có hợp đồng với các bên thứ ba, PETROVIETNAM sẽ nỗ lực tối đa để có được sự đồng ý của bên thứ ba đó cho phép tiết lộ các tài liệu và thông tin có liên quan trong phạm vi có thể.

5.1.2.12. Nộp cho PETROVIETNAM các tài liệu, các báo cáo nghiên cứu về kết quả xử lý, thử vỉa và các phân tích tài liệu, mẫu vật gốc thuộc Diện tích hợp đồng, bao gồm nhưng không giới hạn, các tài liệu phân tích về địa chất, địa vật lý, địa hoá, khoan, Giếng, khai thác, thiết kế công nghệ mà NHÀ THẦU hoặc các nhà cung cấp của NHÀ THẦU đã thực hiện. Trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày kể từ khi hoàn thành mỗi công việc xử lý, thử vỉa hoặc các phân tích nói trên, NHÀ THẦU phải chuyển giao cho PETROVIETNAM một bộ tài liệu gốc và ít nhất năm mươi phần trăm (50%) mẫu vật có được từ hoạt động đó phù hợp với Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tối đa năm mươi phần trăm (50%) mẫu vật còn lại có thể được NHÀ THẦU thực hiện ở ngoài Việt Nam, nếu phù hợp và với điều kiện thêm rằng NHÀ THẦU có thể giữ lại các bản sao của các tài liệu gốc đó và tối đa năm mươi phần trăm (50%) mẫu vật cần thiết cho mục đích điều hành và trong trường hợp đó PETROVIETNAM sẽ được tiếp cận vào bất kỳ lúc nào các tài liệu và mẫu vật mà NHÀ THẦU giữ lại. NHÀ THẦU sẽ cung cấp bản sao các tài liệu theo yêu cầu của PETROVIETNAM và chi phí cho việc sao chép đó sẽ được coi là Chi phí hoạt động dầu khí được thu hồi. NHÀ THẦU sẽ chuyển trả cho PETROVIETNAM toàn bộ tài liệu và các mẫu vật ngay sau khi các tài liệu và mẫu vật đó không còn cần thiết cho hoạt động dầu khí hoặc sau khi phần Diện tích hợp đồng liên quan đến các tài liệu và mẫu vật đó đã được hoàn trả.

5.1.2.13. Mở tài khoản, mua ngoại tệ, chuyển thu nhập hợp pháp ra nước ngoài và chuyển tiền góp vốn theo quy định tại Điều 58, Điều 59 Luật Dầu khí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5.1.2.14. Khấu trừ và nộp thuế thu nhập của nhân viên, người lao động Việt Nam và nước ngoài do NHÀ THẦU tuyển dụng liên quan đến hoạt động dầu khí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5.1.2.15. Cung cấp cho PETROVIETNAM các Báo cáo và thông tin sau đây:

5.1.2.15.1. Báo cáo hàng ngày về các hoạt động địa chấn trong khi làm địa chấn.

5.1.2.15.2. Báo cáo hằng ngày về địa chất, thử vỉa và khoan trong khi khoan.

5.1.2.15.3. Báo cáo hằng tuần về tình hình triển khai các hoạt động phát triển.

5.1.2.15.4. Báo cáo hằng tháng về hoạt động dầu khí trong thời hạn bảy (7) Ngày làm việc sau khi kết thúc mỗi tháng.

5.1.2.15.5. Báo cáo hằng năm, về hoạt động dầu khí trong thời hạn ba mươi (30) Ngày làm việc sau khi kết thúc mỗi Năm.

5.1.2.15.6. Báo cáo tổng kết: Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc sau khi kết thúc các hoạt động địa chấn, khoan, nghiên cứu địa chất, phân tích mẫu; trong thời hạn chín mươi (90) ngày làm việc sau khi kết thúc các Hoạt động phát triển mỏ dầu khí hoặc các hoạt động chính yếu khác.

5.1.2.15.7. Các báo cáo và kê khai về tài chính theo quy định của Thể thức kế toán.

5.1.2.15.8. Các Báo cáo về Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, Báo cáo tài nguyên, trữ lượng, Kế hoạch thẩm lượng, Kế hoạch phát triển mỏ và khai thác dầu khí.

5.1.2.15.9. Báo cáo khác theo quy định của pháp luật về dầu khí hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền khi được yêu cầu.

5.1.2.16. Hướng dẫn cho nhân viên và các nhà cung cấp nước ngoài của mình tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và tập quán địa phương; thông báo cho các nhân viên và nhà cung cấp nói trên về các quy định liên quan của Hợp đồng này được áp dụng đối với họ.

5.1.2.17. Có biện pháp tác động để các nhà cung cấp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nộp tất cả các loại thuế liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các khoản thuế đó do NHÀ THẦU trả hoặc tính gộp vào chi phí trả cho nhà cung cấp theo các điều khoản hợp đồng được áp dụng, được tính là Chi phí hoạt động dầu khí vì mục đích thu hồi.

5.1.2.18. Trong khi tiến hành hoạt động dầu khí nếu gặp phải bất kỳ vật chất khác biệt nào bao gồm nhưng không giới hạn ở các khoáng sản rắn có giá trị, NHÀ THẦU phải thông báo và nộp mẫu vật đó cho PETROVIETNAM.

5.1.2.19. Tạo điều kiện bằng chi phí của mình tới [………… ] (…………. ) Đô la Mỹ cho mỗi Năm Hợp đồng cho các đại diện được chỉ định bởi PETROVIETNAM để giám sát các hoạt động dầu khí. Chi phí đó được coi là Chi phí hoạt động dầu khí được thu hồi.

5.1.2.20. Tùy thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, có quyền xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng các đường ống, cáp, các công trình dầu khí và phụ trợ cần thiết cho hoạt động dầu khí (bao gồm nhưng không giới hạn các trạm điện, các phương tiện liên lạc, giao thông, hàng hải và các phương tiện khác) ở trong và ngoài Diện tích hợp đồng và được sử dụng miễn phí các công trình, thiết bị đó.

Đối với các công trình đường giao thông, sân bay, bến cảng và các phương tiện giao thông và vận tải khác do NHÀ THẦU đầu tư xây dựng, NHÀ THẦU được quyền sử dụng và áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành.

5.1.2.21. Tùy thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, có quyền sử dụng các bến cảng, sân bay, đường thủy, đường bộ và các phương tiện khác tại Việt Nam với điều kiện phải thanh toán các loại phí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5.1.2.22. Tùy thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, với sự hỗ trợ của PETROVIETNAM, có quyền tiếp cận và sử dụng các vùng biển và vùng đất không bị cấm tại Việt Nam vì mục đích hoạt động dầu khí.

5.1.2.23. Có quyền chuyển khỏi Việt Nam các tài liệu, mẫu dầu khí, nước, chất lưu thành hệ và các mẫu đá, bao gồm nhưng không giới hạn ở các mẫu vụn, mẫu lõi và mẫu sườn có được từ Diện tích hợp đồng và các diện tích hợp nhất có liên quan khác theo Điều 18.2 để kiểm tra, phân tích hoặc xử lý ở ngoài Việt Nam, theo mức độ cần thiết của hoạt động dầu khí, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

5.1.2.24. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi có sự thay đổi về các thông tin liên quan đến mỗi Bên Nhà thầu (như được liệt kê tại Phụ lục C kèm theo Hợp đồng này) Nhà thầu cần phải thông báo cho PETROVIETNAM bằng văn bản trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ ngày sự thay đổi đó chính thức được xác nhận và NHÀ THẦU phải hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Hợp đồng này (nếu cần thiết) phù hợp với quy định pháp lý hiện hành.

Điều 5.2. PETROVIETNAM

5.2.1. Quyền của PETROVIETNAM

5.2.1.1. Vào mọi thời điểm hợp lý và tự chịu rủi ro, có quyền tiếp cận Diện tích hợp đồng, kiểm tra, thanh tra hoạt động dầu khí, bao gồm cả việc kiểm tra các tài liệu, hồ sơ liên quan đến hoạt động dầu khí và các phương tiện sử dụng cho hoạt động dầu khí sau khi đã gửi thông báo trước bằng văn bản cho NHÀ THẦU về ngày yêu cầu tiếp cận, tên của các đại diện có thẩm quyền tiếp cận, với điều kiện là việc tiếp cận đó không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hoạt động dầu khí.

5.2.1.2. Vào mọi thời điểm, có quyền sở hữu đối với tất cả các tài liệu và mẫu vật gốc, bao gồm nhưng không giới hạn ở các tài liệu và mẫu vật về địa chất, địa vật lý, địa hóa, khoan, giếng, khai thác, công nghệ và các tài liệu, mẫu vật khác có được từ Diện tích hợp đồng hoặc do NHÀ THẦU thu thập được từ hoạt động dầu khí cũng như các tài liệu minh giải và các tài liệu phát sinh khác.

5.2.1.3. Tùy thuộc vào các thoả thuận với NHÀ THẦU, có quyền sử dụng các tài sản do NHÀ THẦU mua để phục vụ hoạt động dầu khí để phục vụ cho mục đích riêng của mình, với điều kiện việc sử dụng các tài sản đó không làm ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí của NHÀ THẦU.

5.2.1.4. Trong thời hạn Hợp đồng, có quyền sở hữu, quyền lấy, bán hoặc định đoạt bằng cách khác phần Dầu lãi và Khí lãi được chia cho nước chủ nhà, được Chính phủ ủy quyền lấy, bán hoặc định đoạt bằng cách khác đối với Dầu thuế tài nguyên và Khí thuế tài nguyên.

5.2.1.5. Thực hiện các chấp nhận/phê duyệt cần thiết trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo đề nghị của NHÀ THẦU và phù hợp với quy định tại Luật Dầu khí.

5.2.1.6. Thực hiện kiểm toán Chi phí hoạt động dầu khí và quyết toán Chi phí hoạt động dầu khí phù hợp với quy định của Chương XI.

5.2.1.7. Có thể ban hành, tùy từng thời điểm, các thể thức và hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện các quy định của Hợp đồng này phù hợp với quy định của Chương V.

5.2.2. Nghĩa vụ của PETROVIETNAM

PETROVIETNAM sẽ trợ giúp NHÀ THẦU liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí. Theo yêu cầu của NHÀ THẦU, với điều kiện NHÀ THẦU cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết liên quan, PETROVIETNAM sẽ hỗ trợ cho NHÀ THẦU trong việc:

5.2.2.1. Có được nơi đặt văn phòng, thuê nhà ở cá nhân, phương tiện vận chuyển, các phương tiện thông tin liên lạc cần thiết cho hoạt động dầu khí với giá cả hợp lý.

5.2.2.2. Có được các phê duyệt và giấy phép cần thiết để mở, duy trì và sử dụng các tài khoản ngân hàng tại Việt Nam và nước ngoài và các thủ tục về ngoại hối.

5.2.2.3. Tiến hành các thủ tục hải quan và xin giấy phép để gửi ra nước ngoài các tài liệu, số liệu, mẫu và mẫu vật để kiểm tra, phân tích hoặc xử lý.

5.2.2.4. Có được các phương tiện, dịch vụ, vật tư, thiết bị và cung ứng trong nước (do Việt Nam sản xuất hoặc sẵn có ở Việt Nam) với chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh và thời gian cung cấp hợp lý; thị thực xuất nhập cảnh và các giấy phép làm việc; vận chuyển đi lại, bảo vệ an ninh; các dịch vụ hải quan và kiểm dịch; các dịch vụ y tế và quyền sử dụng đường giao thông cho các đại diện được ủy quyền, các giám đốc, các nhân viên cùng những người đi kèm của NHÀ THẦU và các nhà cung cấp; thiết lập các khu vực dành riêng trên biển bao quanh các phương tiện hoặc thiết bị lắp đặt để dùng cho hoạt động dầu khí; tuyển dụng người Việt Nam làm nhân viên cho NHÀ THẦU vì mục đích hoạt động dầu khí.

Các lệ phí áp dụng cho việc sử dụng các phương tiện và dịch vụ để cung cấp vật tư, thiết bị, cung ứng nhân lực, thị thực cá nhân, giấy phép hoặc bảo vệ an ninh và các quyền khác theo yêu cầu của NHÀ THẦU theo Hợp đồng này do PETROVIETNAM hoặc bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Việt Nam thực cấp hoặc giao sẽ được tính cùng với những mức giá áp dụng cho các công ty nước ngoài khác tại Việt Nam phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam.

5.2.2.5. Trừ trường hợp quy định tại Chương XVII, thu xếp các thủ tục cần thiết để NHÀ THẦU có thể xuất khẩu phần dầu khí được hưởng theo Hợp đồng và giữ lại ở nước ngoài phần doanh thu có được từ đó.

5.2.2.6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về dầu khí.

Các khoản chi do PETROVIETNAM ứng trước theo yêu cầu của NHÀ THẦU để thực hiện các hỗ trợ như quy định tại Điều 5.2.2 sẽ được NHÀ THẦU hoàn lại cho PETROVIETNAM trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (hóa đơn và các tài liệu giải trình liên quan) và sẽ được coi là Chi phí hoạt động dầu khí được thu hồi.

Chương VI

PHÂN BỔ DẦU KHÍ

Điều 6.1. Phân bổ Dầu thô

Sản lượng dầu thực trong mỗi Quý, được Các Bên lấy theo Thoả thuận lấy dầu được xác lập phù hợp với quy định tại Điều 8.5, sẽ được chia và phân bổ như sau:

6.1.1. Phân bổ Dầu thuế tài nguyên

6.1.1.1. Dầu thuế tài nguyên được phân bổ trên cơ sở lũy tiến từng phần của tổng Sản lượng dầu thực khai thác được trong mỗi kỳ nộp thuế tính theo Sản lượng dầu thực bình quân mỗi ngày khai thác thực của toàn bộ Diện tích hợp đồng theo biểu thuế sau:

[Theo điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ]

Sản lượng Dầu thực trung bình ngày theo Quý trong Diện tích hợp đồng (tính theo Thùng/ngày khai thác thực)

Dầu Thuế Tài nguyên
(% Sản lượng dầu thực theo quy định của pháp luật)

6.1.1.2. Tùy thuộc vào Điều 6.1.1.3., mỗi Bên Nhà thầu sẽ:

6.1.1.2.1. Có quyền lấy theo Thỏa thuận lấy dầu, phần chia ước tính Dầu thuế tài nguyên tương ứng với tỷ lệ phần Quyền lợi tham gia của mình trong mỗi quý.

6.1.1.2.2. Phù hợp với các quy định về thuế tài nguyên, hoàn trả Thuế tài nguyên tạm tính thu từ Dầu thô hằng tháng theo từng chuyến theo tỷ lệ được quy định tại Điều 6.1.1.1 đối với chuyến liên quan trên cơ sở giá của bên đó đã nhận hoặc đã quy trừ về giá tại Điểm giao nhận trong tháng liên quan do đã bán hoặc đã định đoạt bằng cách khác đối với Dầu Thô có được theo Hợp đồng này.

6.1.1.2.3. Phù hợp với các quy định về thuế tài nguyên, hoàn trả Thuế tài nguyên thực thu được từ Dầu thô trên cơ sở giá của bên đó đã nhận hoặc đã quy trừ về giá tại Điểm giao nhận trong Quý với kết toán thích hợp, theo từng chuyến đối với phân chia Dầu thuế tài nguyên tương ứng với tỷ lệ Quyền lợi tham gia của Bên đó đã nhận và bán hoặc được định đoạt bằng cách khác đối với Dầu thô có được theo Hợp đồng này.

6.1.1.3. Ít nhất ba (03) tháng trước khi bắt đầu mỗi Năm, bằng cách gửi văn bản thông báo cho NHÀ THẦU, thông qua PETROVIETNAM, Chính phủ có quyền lựa chọn lấy và nhận bằng sản phẩm tại Điểm giao nhận toàn bộ hoặc một phần Dầu thuế tài nguyên ước tính sẵn có để lấy trong Năm đó dựa trên cơ sở Lịch trình khai thác cho Năm đó đã được PETROVIETNAM phê duyệt. Dầu thuế tài nguyên đó sẽ được Chính phủ lấy trong mỗi Quý của Năm đó phù hợp với Thỏa thuận lấy dầu. Nếu Dầu thuế tài nguyên được giao cho Chính phủ bằng sản phẩm, NHÀ THẦU không có trách nhiệm nộp Thuế tài nguyên đối với Dầu thuế tài nguyên đó.

6.1.1.4. Nếu Chính phủ thực hiện quyền lựa chọn của mình theo Điều 6.1.1.3, PETROVIETNAM với tư cách là đại diện cho Chính phủ, có thể yêu cầu và ký một thỏa thuận với NHÀ THẦU hoặc bất kỳ Bên Nước ngoài nào, theo đó NHÀ THẦU hoặc Bên Nhà thầu đó sẽ (i) lấy và bán thay như là đại lý của PETRO VIETNAM hoặc (ii) mua như một khách hàng chính và lấy toàn bộ hoặc một phần Dầu thuế tài nguyên bằng sản phẩm thuộc quyền của Chính phủ theo mức giá sẽ thoả thuận và phù hợp với các điều khoản và điều kiện thông lệ đang thịnh hành áp dụng cho đại lý hoặc người mua.

6.1.2. Phân bổ Dầu thu hồi chi phí

6.1.2.1. Dầu thu hồi chi phí được phân bổ từ Sản lượng dầu thực để NHÀ THẦU thu hồi Chi phí hoạt động dầu khí (không tính lãi) trong mỗi Quý với điều kiện là khối lượng được phân bổ cho Dầu thu hồi chi phí không vượt quá [........] phần trăm (...%) Sản lượng dầu thực trong Quý đó. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt].

6.1.2.2. Phụ thuộc vào Điều 6.1.2.1 và Điều 6.1.2.4, mỗi Bên Nhà thầu có quyền lấy trong từng Quý phần chia Dầu thu hồi chi phí ước tính của mình phù hợp với Thỏa thuận lấy dầu và thu hồi không tính lãi phần chia của mình đối với Chi phí hoạt động dầu khí đã thanh toán hoặc được quy định khác một cách rõ ràng cho tới và bao gồm cả Quý đó từ việc bán hoặc định đoạt bằng cách khác đối với phần Dầu thu hồi chi phí đã thực lấy theo các điều khoản của Thỏa thuận lấy dầu trong Quý đó.

6.1.2.3. Chi phí hoạt động dầu khí được thu hồi từ Dầu thu hồi chi phí được áp dụng trên cơ sở chi trước - thu hồi trước. Chi phí hoạt động dầu khí chưa được thu hồi trong một Quý có thể được chuyển sang các Quý kế tiếp không tính lãi cho đến khi được thu hồi đủ hoặc cho đến khi kết thúc Hợp đồng, tùy thuộc thời điểm nào xảy ra trước.

6.1.2.4. Sổ sách kế toán về các Chi phí hoạt động dầu khí được điều chỉnh lại mỗi Quý sau khi giá trị áp dụng của Giá thị trường thực nhận đã được xác định cuối cùng và các sửa đổi phù hợp đã được thực hiện cho Quý đó.

6.1.3. Phân bổ Dầu lãi

6.1.3.1. Sau khi phân bổ Dầu thuế tài nguyên và Dầu thu hồi chi phí, phần còn lại của Sản lượng dầu thực được coi là Dầu lãi và sẽ được chia giữa PETROVIETNAM và NHÀ THẦU như sau:

[Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

Sản lượng dầu thực trung bình ngày theo Quý trong Diện tích hợp đồng (tính theo Thùng/ngày khai thác thực)

Dầu lãi (tỷ lệ phần trăm)

PETROVIETNAM

NHÀ THẦU

6.1.3.2. Mỗi Bên sẽ có quyền lấy phần chia Dầu lãi ước tính trong một Quý phù hợp với Thỏa thuận lấy dầu.

6.1.4. Cách thức Phân bổ

Việc phân bổ Sản lượng dầu thực thành Dầu thuế tài nguyên, Dầu thu hồi chi phí và Dầu lãi được thực hiện theo Quý và sẽ được tạm tính vào thời điểm lấy dầu, bằng cách dùng khối lượng ước tính Sản lượng dầu thực sẵn có để lấy cho Quý đó trên cơ sở Lịch trình khai thác cho Quý đó đã được phê duyệt và được điều chỉnh cuối cùng sau khi kết thúc Năm.

Điều 6.2. Phân bổ Khí thiên nhiên

6.2.1. Phân bổ Khí thuế tài nguyên

6.2.1.1. Khí thuế tài nguyên được phân bổ trên cơ sở lũy tiến từng phần của tổng Sản lượng khí thực khai thác trong mỗi kỳ nộp thuế tính theo Sản lượng khí thực bình quân mỗi ngày khai thác được của toàn bộ Diện tích hợp đồng theo biểu thuế sau:

[Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

Sản lượng khí thực theo Quý trong Diện tích hợp đồng
(tính theo Triệu m3/ngày khai thác thực)

Khí thuế tài nguyên
(% Sản lượng khí thực theo quy định của pháp luật)

6.2.1.2. Các Bên thỏa thuận rằng các quy định của Điều 6.1.1.2 và Điều 6.1.1.3 sẽ áp dụng cho Khí thiên nhiên với những sửa đổi phù hợp.

Để tránh hiểu nhầm, NHÀ THẦU được sử dụng Khí thiên nhiên, không phải nộp Thuế tài nguyên, để tiến hành hoạt động dầu khí phù hợp với Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, bao gồm nhưng không giới hạn ở:

6.2.1.2.1. Sử dụng trong các phương tiện khai thác, xử lý và các công trình phụ trợ.

6.2.1.2.2. Tạo điều kiện hoặc nâng cao sản lượng dầu thô.

6.2.1.2.3. Duy trì áp suất bằng các công nghệ thu hồi thứ cấp hoặc tam cấp.

6.2.1.2.4. Xử lý để chiết tách dầu thô.

6.2.1.2.5. Bơm lại xuống vỉa; hoặc

6.2.1.2.6. Đốt bỏ trong trường hợp không có giải pháp kinh tế khác phụ thuộc vào sự phê duyệt của PETROVIETNAM đối với Khí đồng hành. Trong trường hợp khẩn cấp, NHÀ THẦU có thể đốt bỏ Khí đồng hành nhưng ngay sau đó phải báo cáo PETROVIETNAM về quyết định đốt bỏ đó.

6.2.2. Phân bổ Khí thu hồi chi phí

6.2.2.1. Khí thu hồi chi phí sẽ được phân bổ từ Sản lượng khí thực để NHÀ THẦU thu hồi chi phí hoạt động dầu khí (không tính lãi) trong mỗi Quý với điều kiện là khối lượng được phân bổ cho Khí thu hồi chi phí không vượt quá [........] phần trăm (...%) Sản lượng khí thực trong Quý đó. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt].

6.2.2.2. Các Bên thỏa thuận rằng các quy định của các Điều 6.1.2.2, 6.1.2.3 và 6.1.2.4, sẽ áp dụng cho Khí thiên nhiên với những sửa đổi phù hợp.

6.2.3. Phân bổ Khí lãi

6.2.3.1. Sau khi phân bổ Khí thuế tài nguyên và Khí thu hồi chi phí, phần còn lại của Sản lượng khí thực sẽ được coi là Khí lãi và sẽ được chia giữa PETROVIETNAM và NHÀ THẦU như sau:

[Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

Sản lượng khí thực trung bình ngày theo Quý trong Diện tích hợp đồng
(tính theo Triệu m3/ngày khai thác thực)

Khí lãi (tỷ lệ phần trăm)

PETROVIETNAM

NHÀ THẦU

6.2.3.2. Các Bên thỏa thuận rằng các quy định của Điều 6.1.3.2 sẽ áp dụng cho Khí thiên nhiên với những sửa đổi phù hợp.

6.2.4. Phân bổ

Việc phân bổ Sản lượng khí thực thành Khí thuế tài nguyên và Khí thu hồi chi phí và Khí lãi sẽ được thực hiện theo Quý và sẽ được tạm tính vào thời điểm lấy khí, dựa trên khối lượng ước tính Sản lượng khí thực sẵn có để lấy và tiêu thụ cho Quý đó trên cơ sở Lịch trình khai thác cho Quý đó đã được phê duyệt và được điều chỉnh cuối cùng sau khi kết thúc Năm.

Chương VII

THUẾ, PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 7.1. Nghĩa vụ thuế, phí và lệ phí

Các Bên Nhà thầu là đối tượng chịu thuế theo Hợp đồng này và tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí tại Việt Nam, có trách nhiệm hoàn thành các báo cáo kê khai thuế, nộp thuế, lưu giữ các sổ sách và báo cáo liên quan. Việc tạm tính, nộp thuế, đồng tiền nộp thuế và quyết toán thuế tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Điều 7.2. Thuế tài nguyên

Mỗi Bên Nhà thầu chịu trách nhiệm thanh toán đối với thuế tài nguyên của mình phù hợp với quy định tại các Điều 6.1.1 và Điều 6.2.1.

Điều 7.3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Mỗi Bên Nhà thầu chịu trách nhiệm thanh toán đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của mình với thuế suất [................] phần trăm (...%) thu nhập chịu thuế thực phù hợp với quy định của pháp luật thuế Việt Nam. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

Trong đó, Mỗi Bên Nhà thầu chịu trách nhiệm thanh toán đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của mình với thuế suất [............] phần trăm (...%) theo quy định tại Hợp đồng dầu khí này đối với chi phí được phép thu hồi mà Bên Nhà thầu được tiếp nhận từ nhà thầu khác nhưng không phải trả toàn bộ hoặc một phần chi phí hoạt động dầu khí tương ứng với quyền lợi tiếp nhận liên quan, nếu không có thỏa thuận khác.

Điều 7.4. Thuế xuất khẩu

Mỗi Bên Nhà thầu nộp thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật đối với phần Dầu thô thực được lấy và xuất khẩu ra khỏi Việt Nam, ngoại trừ Dầu thô để trả Thuế tài nguyên, với thuế suất [...........] phần trăm (...%). [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

Mỗi Bên Nhà thầu sẽ chịu thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật đối với phần Khí thiên nhiên thực được lấy và xuất khẩu ra khỏi Việt Nam, ngoại trừ Khí thiên nhiên để trả Thuế tài nguyên, với thuế suất (......) phần trăm (...%). [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

Các thuế trên sẽ không được thu hồi, nhưng được khấu trừ vì mục đích xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 7.5. Thuế thu nhập do chuyển nhượng

Mỗi Bên Nhà thầu nộp thuế thu nhập đối với thu nhập phát sinh do chuyển nhượng theo quy định của Điều 12.2 và các loại phí có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 7.6. Thuế giá trị gia tăng

Mỗi Bên Nhà thầu nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định của Luật Thuế VAT của Việt Nam hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 7.7. Phí bảo vệ môi trường

Mỗi Bên Nhà thầu sẽ trả khoản phí bảo vệ môi trường khi khai thác Dầu thô, Khí thiên nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Khoản phí bảo vệ môi trường này được coi là chi phí hoạt động dầu khí được phép thu hồi.

Điều 7.8. Phụ thu đối với dầu lãi

Mỗi Bên Nhà thầu có tránh nhiệm nộp phụ thu đối với phần dầu lãi được chia khi giá Dầu thô biến động tăng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam có hiệu lực tại thời điểm phát sinh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Khoản phụ thu này không được thu hồi, nhưng được khấu trừ vì mục đích xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 7.9. Các loại thuế, phí và lệ phí khác

Mỗi Bên Nhà thầu sẽ nộp các loại thuế khác, tiền thuê đất, phí và lệ phí khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mỗi Bên Nhà thầu không phải nộp tiền thuê mặt nước. Các khoản phải nộp theo Điều này nếu không được tính là chi phí thu hồi thì sẽ được khấu trừ vì mục đích xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 7.10. Áp dụng các ưu đãi khi có thay đổi pháp luật

Nếu pháp luật thuế Việt Nam quy định những mức thuế suất hoặc có chế độ ưu đãi hơn cho công nghiệp dầu khí, NHÀ THẦU với sự hỗ trợ của PETROVIETNAM và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền được áp dụng những mức thuế suất hoặc chế độ ưu đãi đó.

Chương VIII

ĐỊNH GIÁ TRỊ, ĐO LƯỜNG VÀ XỬ LÝ DẦU KHÍ

Điều 8.1. Định giá trị Dầu thô

8.1.1. Vì mục đích của Hợp đồng này, giá trị Dầu thô trong bất kỳ Quý nào sẽ là Giá thị trường. Tất cả các Bên Nhà thầu sẽ cố gắng tối đa để đạt được Giá thị trường cao nhất có thể. Giá thị trường sẽ được xác định bằng Đô la Mỹ và tính theo từng Quý như sau:

8.1.1.1. Đối với tất cả các lần bán Dầu thô theo Giao dịch sòng phẳng, Giá thị trường sẽ là giá thực tế tính bằng Đô la Mỹ mà mỗi Bên nhận được trong Quý đó từ mỗi lần bán với hình thức giao nhận trên cơ sở Miễn vận phí đến tàu (FOB) hoặc Miễn vận phí đến đường ống (FIP) tại Điểm giao nhận hoặc nếu bán trên cơ sở khác thì được tính quy trừ theo giá FOB/FIP tương đương tại Điểm giao nhận.

8.1.1.2. Đối với những lần bán Dầu thô theo Giao dịch không sòng phẳng hoặc có liên quan đến Dầu thô do một Bên Nhà thầu giữ lại thì Bên Nhà thầu đó, trừ khi có thoả thuận khác, phải thoả thuận với PETROVIETNAM về cơ sở tính Giá thị trường FOB bằng Đô la Mỹ cho mỗi lần bán hoặc xuất khẩu Dầu thô trong Quý trước khi bắt đầu Quý liên quan. Các Bên quyết định Giá thị trường bằng Đô la Mỹ phù hợp với các nguyên tắc sau:

8.1.1.2.1. Bằng cách tham khảo giá bình quân số học được ghi trên Khoảng ngày vận đơn trong Ấn phẩm dầu cho giá bán FOB Dầu thô tương ứng được khai thác từ Diện tích hợp đồng với các điều chỉnh thích hợp hoặc nếu Các Bên liên quan không thoả thuận được Ấn phẩm dầu hoặc có thoả thuận nhưng Ấn phẩm dầu không đăng giá;

8.1.1.2.2. Bằng cách tham khảo bình quân số học của giá bán FOB trên thị trường hiện hành được ghi trong Khoảng ngày vận đơn trong Quý đó cho một loại dầu đại diện hoặc một nhóm gồm hai (2) hoặc ba (3) loại dầu thô đại diện đăng trong Tạp chí Platt’s Crude Oil Marketwire mà dầu thô hoặc các loại dầu thô vào thời điểm tính đang được bán nhiều ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và phải có cấp độ, tỷ trọng, chất lượng và khối lượng dễ so sánh nhất với dầu thô và được điều chỉnh theo những khác biệt về địa điểm, chất lượng, phương tiện cảng nạp xuất, những điều kiện tín dụng, công suất và các yếu tố thích hợp khác ảnh hưởng đến chi phí của người mua, sau khi các điều chỉnh thích hợp được tính vào chi phí và phí tổn theo Điều 8.1.1.1, nhưng đối với việc xác định như vậy về Giá thị trường thì không tính đến bất kỳ lần bán nào giữa chính phủ với chính phủ hoặc giữa công ty dầu quốc gia với công ty dầu quốc gia hoặc bán mang tính trao đổi hàng hóa. Bên Nhà thầu sẽ thông báo bằng văn bản cho PETROVIETNAM về việc định giá trị Dầu thô phù hợp với Điều 8.1.1.2.2.

8.1.1.3. Vì mục đích xác định tạm thời Giá thị trường bình quân gia quyền bằng Đô la Mỹ phù hợp với Điều 8.1.3, Giá thị trường bình quân gia quyền sẽ được tính bằng cách xác định trung bình của các giá bán tương đương FOB đối với các chuyến lấy dầu từ Điểm giao nhận cho Quý ngay trước Quý được đánh giá phù hợp với Điều 8.1.1.

8.1.1.4. Trong trường hợp một Bên Nhà thầu đã bán hoặc định đoạt bằng cách khác về Dầu thô trong một Giao dịch không sòng phẳng cho một Công ty chi nhánh thì phải tính như Giá thị trường đối với Dầu thô đó sau Ngày vận đơn ba mươi (30) ngày.

8.1.1.5. Vì mục đích của Điều 8.1.1:

8.1.1.5.1. “Giao dịch sòng phẳng” là việc bán tại thị trường Việt Nam và trên thị trường quốc tế bằng đồng tiền tự do chuyển đổi giữa người bán và người mua tự nguyện và không có liên quan, nhưng không bao gồm việc bán bởi một Bên cho một Công ty chi nhánh của họ, bán giữa các chính phủ hoặc các tổ chức do chính phủ sở hữu hoặc giao dịch trao đổi hoặc đổi hàng và các lần bán không theo giá thị trường tự do quốc tế.

8.1.1.5.2. “Ngày vận đơn” là ngày ghi trên vận đơn được phát hành cho một chuyến chở Dầu thô từ Điểm giao nhận.

8.1.1.5.3. “Khoảng ngày vận đơn” là giai đoạn từ mười (10) ngày trước ngày vận đơn đến mười (10) ngày sau Ngày vận đơn.

8.1.1.5.4. “FOB” có nghĩa như được xác định trong INCOTERMS 2020 và các sửa đổi nếu có.

8.1.1.5.5. “Ấn phẩm dầu” là một ấn phẩm hoặc một dịch vụ hữu tuyến cáp trong ngành dầu khí được quốc tế chấp nhận rộng rãi và bao gồm các báo cáo về giá bán FOB hiện hành của thị trường được Các Bên liên quan thoả thuận và chấp nhận.

8.1.2. Trường hợp sau hai (02) lần được PETROVIETNAM yêu cầu mà một Bên Nhà thầu vẫn bán với giá thấp một cách đáng kể phần Dầu Thô được phân bổ của mình theo Hợp đồng này (Bên bán thấp), PETROVIETNAM có quyền yêu cầu Bên bán thấp đó thảo luận về những sửa đổi thích hợp đối với Giá thị trường đang áp dụng cho thời kỳ được áp dụng (không quá sáu (6) tháng trước khi có yêu cầu đó), trong đó có xét đến giá FOB thực nhận của PETROVIETNAM đối với những lần PETROVIETNAM bán Dầu thô từ Diện tích hợp đồng trong thời kỳ đó, Giá thị trường bình quân gia quyền của Các Bên khác thực nhận cho thời kỳ đó và các điều kiện thị trường hiện hành vào thời điểm đó. Nếu PETROVIETNAM và Bên bán thấp không đạt được thoả thuận để có những sửa đổi thích đáng cho Giá thị trường đang áp dụng cho thời kỳ được áp dụng trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày PETROVIETNAM có văn bản thông báo cho Bên bán thấp thì vấn đề nêu trên sẽ được chuyển đến Chuyên gia theo quy định của Hợp đồng này để giải quyết. Chuyên gia sẽ xác định giá trị của Giá thị trường cho thời kỳ đang áp dụng theo các nguyên tắc được quy định trong Điều 8.1.1.

8.1.3. Trong khi chờ xác định giá trị của Giá thị trường đối với Dầu thô theo Điều 8.1.2 đối với một thời kỳ nào đó, Giá thị trường bình quân gia quyền tính bằng Đô la Mỹ cho thời kỳ liên quan do NHÀ THẦU và PETROVIETNAM nhận được (nhưng không bao gồm Bên bán thấp) sẽ được tạm thời áp dụng cho Bên bán thấp cho đến khi Giá thị trường áp dụng cho thời kỳ đó được xác định cuối cùng. Bất kỳ điều chỉnh nào đối với Giá thị trường tạm thời nói trên và thanh toán, nếu cần, sẽ được thực hiện trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ khi Giá thị trường áp dụng được xác định cuối cùng.

8.1.4. Trường hợp PETROVIETNAM không chấp nhận Giá thị trường đối với Dầu thô của một Bên Nhà thầu theo Điều 8.1.1 và PETRO VIETNAM và Bên Nhà thầu đó không thể đạt được thỏa thuận về việc định giá đó trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày kể từ khi PETROVIETNAM nhận được văn bản thông báo về việc định giá của Bên Nhà thầu đó, vấn đề này sẽ được chuyển tới Chuyên gia theo Hợp đồng này để giải quyết. Chuyên gia sẽ đưa ra quyết định phù hợp với các nguyên tắc trong Điều 8.1.1.

8.1.5. Từng Bên Nhà thầu phải thông báo kịp thời cho PETROVIETNAM bằng văn bản với các chi tiết đầy đủ, phù hợp với Thể thức kế toán, toàn bộ những lần bán Dầu thô đã nhận được theo Thỏa thuận lấy dầu.

Điều 8.2. Định giá trị Khí thiên nhiên và Khí đồng hành

8.2.1. Giá đối với Khí thiên nhiên được xác định dựa trên giá thoả thuận giữa người bán và người mua (bao gồm nhưng không chỉ giới hạn giá Condensate tạo thành từ khí), phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, có tính đến thời điểm tính giá, thị trường, chất lượng, khối lượng khi và các yếu tố liên quan khác.

8.2.2. Khí đồng hành sẽ được định giá phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ ở Việt Nam.

Điều 8.3. Đo lường dầu khí

8.3.1. Đối với tất cả các đo lường dầu khí cần cho mục đích của Hợp đồng này, NHÀ THẦU phải sử dụng các phương pháp và thiết bị phù hợp với Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. PETROVIETNAM có thể chỉ định một đại diện thường trực là người có quyền theo dõi các công việc đo lường, kiểm tra và thử bất kỳ thiết bị nào có thể được sử dụng vào việc đo lường, với chi phí và rủi ro do PETROVIETNAM tự chịu. Đại diện này phải tuân thủ tất cả các nội quy an toàn cần thiết và thông lệ về phòng cháy, các tai nạn khác và sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra, đo thử vào những thời điểm theo các cách thức sao cho hoạt động đó ảnh hưởng tối thiểu đến các hoạt động dầu khí.

8.3.2. Nếu sau khi kiểm tra hoặc đo thử mà phát hiện thấy có bất kỳ thiết bị nào bị hư hỏng, NHÀ THẦU sẽ phải tìm cách sửa chữa trong thời gian hợp lý và nếu khi kiểm tra hoặc đo thử thấy có sai lệch trong bất kỳ thiết bị nào thì sai lệch đó sẽ được coi là đã tồn tại trong một khoảng thời gian bảy (7) ngày trước khi phát hiện thấy sai lệch đó hoặc từ ngày kiểm tra hoặc thử thiết bị đó lần cuối, tùy từng thời gian nào ngắn hơn và tất cả các điều chỉnh từ đó sẽ được tính vào bất kỳ lần thanh toán hoặc giao nhận dầu khí nào bị ảnh hưởng bởi sai sót đó.

8.3.3. Trong trường hợp bất kỳ thiết bị đo nào cần được hiệu chỉnh, sửa chữa hoặc thay thế, NHÀ THẦU sẽ gửi trước thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền đại diện cho PETROVIETNAM để chứng kiến việc hiệu chỉnh, sửa chữa hoặc thay thế nói trên.

Điều 8.4. Lịch trình khai thác

8.4.1. Lịch trình khai thác hằng năm do NHÀ THẦU trình Ủy ban Quản lý thông qua và PETROVIETNAM phê duyệt cuối cùng sẽ bao gồm nhưng không giới hạn: Lịch trình khai thác dự tính của NHÀ THẦU trong đó nêu rõ sản lượng dự kiến biểu thị bằng số Thùng mỗi ngày hoặc Mét khối mỗi ngày, sản lượng và cấp độ của mỗi loại dầu khí trong năm liên quan, phù hợp với hiệu suất khai thác tối đa của mỗi Phát hiện thương mại đã xác định trong Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí và phù hợp với Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

8.4.2. NHÀ THẦU phải nỗ lực hợp lý để đảm bảo rằng sản lượng và cấp độ của mỗi loại dầu khí trong bất kỳ Năm nào cũng sẽ gần nhất với những khối lượng đã dự kiến cho giai đoạn đó trong Lịch trình khai thác đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 8.4.1.

8.4.3. Sau khi bắt đầu lấy dầu thường kỳ, NHÀ THẦU phải chuẩn bị và cung cấp Kế hoạch khai thác hàng Quý cho PETROVIETNAM không chậm hơn bốn mươi lăm (45) ngày trước khi bắt đầu mỗi Quý, trong đó nêu rõ:

8.4.3.1. Sản lượng dầu thực và Sản lượng khí thực trong Quý tiếp theo biểu thị bằng số Thùng mỗi ngày hoặc Mét khối mỗi ngày và cấp độ của mỗi loại phù hợp với Chương trình hoạt động và Ngân sách và Lịch trình khai thác đã được phê duyệt.

8.4.3.2. Ước tính về số lượng, loại và mức Sản lượng dầu thực và Sản lượng khí thực sẵn có để nhận và/hoặc tiêu thụ từ Diện tích hợp đồng, bao gồm cả Dầu thuế tài nguyên, Dầu thu hồi chi phí, Dầu lãi và Khí thuế tài nguyên, Khí thu hồi chi phí và Khí lãi.

Điều 8.5. Lấy dầu và tiêu thụ khí

8.5.1. Nguyên tắc lấy dầu và tiêu thụ khí

8.5.1.1. Tùy thuộc vào phương thức phân bổ quy định tại Chương VI, PETROVIETNAM, mỗi Bên Nhà thầu và Chính phủ (nếu Chính phủ quyết định nhận và lấy Dầu thuế tài nguyên bằng sản phẩm) có quyền lấy tổng các phần Dầu thô cho mỗi chuyến mà mình nhận bao gồm:

8.5.1.1.1. Dầu thuế tài nguyên (nếu áp dụng), Dầu thu hồi chi phí (nếu áp dụng) và phần Dầu lãi được chia đối với trường hợp của PETROVIETNAM và mỗi Bên Nhà thầu.

8.5.1.1.2. Dầu thuế tài nguyên nếu lấy bằng sản phẩm đối với trường hợp của Chính phủ.

8.5.1.2. Phần được hưởng của mỗi Bên trong khi tiêu thụ khí thiên nhiên được phân bổ phù hợp với Điều 6.2 sẽ được giao nhận phù hợp với Thỏa thuận mua bán khí.

8.5.1.3. Phần Dầu thô mà Các Bên được phân bổ sẽ được điều chỉnh vào cuối mỗi Quý bằng cách tăng phần được phân bổ của Bên lấy thiếu vào đầu Quý tiếp theo bằng khối lượng lấy thiếu của Bên đó ở cuối Quý trước và giảm phần được phân bổ của Bên lấy thừa vào lúc bắt đầu Quý tiếp theo bằng khối lượng đã lấy thừa của Bên đó ở cuối Quý trước phù hợp với Thỏa thuận lấy dầu.

Vì mục đích của Điều 8.5.1.3, “Bên lấy thiếu” là Bên trong Quý lấy ít hơn phần được hưởng của mình từ Diện tích hợp đồng và “Bên lấy thừa” là Bên trong Quý lấy nhiều hơn phần được hưởng của mình.

8.5.1.4. Mỗi lần lấy Dầu thô được coi là xảy ra vào Ngày vận đơn theo định nghĩa trong Điều 8.1.1.5.2.

8.5.2. Trong thời hạn hai mươi mốt (21) ngày sau mỗi Quý, Người điều hành phải gửi đến PETROVIETNAM và mỗi Bên Nhà thầu một báo cáo nêu rõ khối lượng, loại, cấp độ dầu thô hoặc khối lượng khí thiên nhiên được khai thác từ Diện tích hợp đồng, các phần được hưởng của mỗi Bên Nhà thầu và PETROVIETNAM, những lần nhận Dầu thô của Các Bên bằng cách tham chiếu Ngày vận đơn liên quan theo định nghĩa trong Điều 8.1.1.5.2 hoặc khối lượng Khí Thiên nhiên được khai thác mà mỗi Bên Nhà thầu và PETROVIETNAM được nhận từ Diện tích hợp đồng và kết quả phần Dầu thô mà PETROVIETNAM và mỗi Bên Nhà thầu lấy thiếu hoặc lấy thừa vào đầu và cuối Quý.

8.5.3. Ủy ban Quản lý sẽ xem xét và thông qua Thỏa thuận lấy dầu và/hoặc Thoả thuận mua bán khí thiên nhiên hoặc khí than (nếu áp dụng), tùy từng trường hợp, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào các thỏa thuận đó cũng phải được thông qua không muộn hơn chín mươi (90) ngày đối với Dầu thô hoặc một trăm tám mươi (180) ngày đối với khí thiên nhiên và khí than trước ngày bắt đầu đưa mỏ vào khai thác như đã được dự kiến trong Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đã được phê duyệt.

Thỏa thuận lấy dầu phải tránh làm gián đoạn việc khai thác dầu khí và sao cho mỗi chuyến tàu dầu rời khỏi cảng xuất với mức chuyên chở tối ưu theo tiêu chuẩn đối với Dầu thô do Người điều hành xác định một cách kịp thời để tránh cắt giảm sản lượng do các khó khăn trong việc tàng trữ dầu thô và giảm thiểu tiền phạt phải chịu do giao nhận chậm. Thỏa thuận lấy dầu phải quy định các vấn đề về lịch trình của tàu chở dầu, hoạt động của cảng xuất, khối lượng ấn định, các thủ tục và phương pháp chi tiết để cân đối bất kỳ tình trạng nhận thừa, nhận thiếu có thể xảy ra theo quy định của Điều 8.5 này.

8.5.4. Nội dung cơ bản của Thỏa thuận lấy dầu hoặc Thỏa thuận mua bán khí thiên nhiên

8.5.4.1. Thoả thuận lấy dầu hoặc Thoả thuận mua bán khí thiên nhiên cũng phải quy định:

8.5.4.1.1. Người điều hành phải là người điều phối việc lấy dầu và tiêu thụ khí.

8.5.4.1.2. Người điều hành phải xác lập các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn trong vận hành và về môi trường cho việc lấy dầu hoặc tiêu thụ khí phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

8.5.4.1.3. PETROVIETNAM và mỗi Bên Nhà thầu và Chính phủ (nếu Chính phủ quyết định nhận và lấy Dầu thuế tài nguyên bằng sản phẩm) có quyền và nghĩa vụ tiếp nhận tại Điểm giao nhận và định đoạt cùng nhau hoặc riêng rẽ phần Dầu thô bằng sản phẩm của mình.

8.5.4.1.4. Quyền sở hữu và rủi ro đối với dầu khí được chuyển qua Bên được quyền nhận dầu khí đó tại Điểm giao nhận.

8.5.4.1.5. Các chi phí liên quan đến việc bán Dầu thô, Khí thiên nhiên sẽ do các Bên Nhà thầu hoặc Các Bên gánh chịu, tùy từng trường hợp, không được coi là chi phí thu hồi theo quy định của Hợp đồng nhưng được khấu trừ vì mục đích xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

8.5.4.2. Khi cần thiết và theo yêu cầu của bất kỳ Bên nào, Ủy ban Quản lý xem xét, sửa đổi và bổ sung các điều khoản trong Thoả thuận lấy dầu hoặc Thỏa thuận mua bán khí.

Chương IX

HOA HỒNG VÀ CHI PHÍ TÀI LIỆU

Điều 9.1. Hoa hồng

9.1.1. NHÀ THẦU sẽ trả cho PETROVIETNAM một khoản tiền hoa hồng chữ ký là [......] Đô la Mỹ (.......USD) trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ Ngày hiệu lực của Hợp đồng này. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

9.1.2. NHÀ THẦU sẽ trả cho PETROVIETNAM một khoản tiền là [.........] Đô la Mỹ (......USD) trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày NHÀ THẦU tuyên bố Phát hiện thương mại đầu tiên trong Diện tích hợp đồng. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

9.1.3. NHÀ THẦU sẽ trả cho PETROVIETNAM một khoản tiền là [.........] Đô la Mỹ (.............USD) trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày khai thác thương mại đầu tiên trong Diện tích hợp đồng. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

9.1.4. NHÀ THẦU sẽ trả cho PETROVIETNAM một lần một khoản tiền hoa hồng theo thang sản lượng tăng lên (nếu áp dụng) trong thời hạn ba mươi (30) ngày sau khi sản lượng hằng ngày từ Diện tích hợp đồng lần đầu tiên đạt mức trung bình trên mức sản lượng tương ứng trong bảng dưới đây sau khoảng thời gian liên tục ba mươi (30) ngày đối với Dầu thô và Khí thiên nhiên tương ứng:

[Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

9.1.4.1. Đối với Dầu thô:

Sản lượng dầu thực trung bình ngày theo Quý trong Diện tích hợp đồng
(tính theo Thùng/ngày khai thác thực)

Tiền hoa hồng

9.1.4.2. Đối với Khí thiên nhiên/Khí than

Sản lượng khí thực trung bình ngày theo Quý trong Diện tích Hợp đồng
(tính theo Triệu m3/ngày khai thác thực)

Tiền hoa hồng

9.1.5. Các khoản tiền hoa hồng trả cho PETROVIETNAM theo quy định tại Điều 9.1 không được tính là chi phí thu hồi và không được khấu trừ thuế vì mục đích xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Điều 9.2. Chi phí tài liệu

Chi phí tài liệu (nếu áp dụng): NHÀ THẦU sẽ trả cho PETROVIETNAM một khoản chi phí tài liệu là [..............] Đô la Mỹ (..............USD) để truy cập tất cả các tài liệu và thông tin liên quan đến Diện tích hợp đồng mà PETROVIETNAM lưu giữ và có quyền sử dụng các tài liệu và thông tin đó trong thời hạn của Hợp đồng này với điều kiện là quyền sở hữu các tài liệu đó sẽ luôn thuộc về PETROVIETNAM. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

Chi phí tài liệu trả cho PETROVIETNAM theo quy định tại Điều 9.2 không được tính là chi phí thu hồi và không được khấu trừ thuế vì mục đích xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Chương X

ĐÀO TẠO, TUYỂN DỤNG VÀ DỊCH VỤ

Điều 10.1. Đào tạo

10.1.1. NHÀ THẦU cam kết trả cho PETROVIETNAM một khoản tiền là [...] Đô la Mỹ (........USD) cho mỗi Năm Hợp đồng trước khi có Phát hiện thương mại đầu tiên và một khoản tiền là [...] Đô la Mỹ (........USD) cho mỗi Năm Hợp đồng sau đó để đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên PETROVIETNAM. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

10.1.2. NHÀ THẦU thực hiện việc thanh toán chi phí đào tạo cho các cơ sở đào tạo do Các Bên thỏa thuận hoặc do PETROVIETNAM chỉ định. Theo đề nghị của PETROVIETNAM, NHÀ THẦU sẽ trả cho PETROVIETNAM hoặc chuyển sang Năm Hợp đồng kế tiếp bất kỳ phần còn lại nào của cam kết chi tiêu đào tạo hằng năm. Bất kỳ chi tiêu đào tạo nào trong một Năm Hợp đồng vượt quá số tiền được quy định trong Điều 10.1.1 sẽ được chuyển sang và được trừ vào cam kết theo Điều 10.1.1 trong (các) Năm Hợp đồng tiếp theo.

10.1.3. NHÀ THẦU cam kết trả PETROVIETNAM một khoản tiền tương ứng với [.......] phần trăm (.......%) Chi phí hoạt động dầu khí hằng năm kể từ thời điểm khai thác dòng dầu/khí đầu tiên hoặc một khoản tiền là [...] Đô la Mỹ (......USD) cho mỗi Năm Hợp đồng cho quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dầu khí. [Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt]

10.1.4. Các khoản tiền trả cho PETROVIETNAM theo quy định tại Điều 10.1.1 và Điều 10.1.3 không được tính là chi phí thu hồi và không được khấu trừ thuế vì mục đích xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Điều 10.2. Tuyển dụng và Dịch vụ

10.2.1. Trong Chương trình hoạt động và Ngân sách hằng năm, NHÀ THẦU phải xây dựng chương trình sử dụng nhân lực bao gồm nhưng không giới hạn việc tuyển dụng lao động địa phương, đào tạo nhân viên Việt Nam, lộ trình và tỷ lệ thay thế lao động nước ngoài bằng lao động địa phương.

NHÀ THẦU phải thực hiện chương trình sử dụng nhân lực theo kế hoạch đã được phê duyệt.

10.2.2. NHÀ THẦU sẽ ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các công ty Việt Nam trong khi tiến hành hoạt động dầu khí trên nguyên tắc các dịch vụ đó đảm bảo cạnh tranh về giá cả, chất lượng, tiến độ và khả năng sẵn có.

Chương XI

KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN

Điều 11.1. Kế toán

11.1.1. NHÀ THẦU, thông qua Người điều hành, phải tuân thủ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, quy định của pháp luật Việt Nam về kế toán.

11.1.2. NHÀ THẦU, thông qua Người điều hành, phải ghi nhận toàn bộ Chi phí hoạt động dầu khí, sản lượng Dầu thô và/hoặc Khí thiên nhiên mà Các Bên nhận được và doanh thu của từng Bên tương ứng theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, quy định của pháp luật Việt Nam về kế toán và phù hợp với Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Điều 11.2. Kiểm toán

11.2.1. Ủy ban quản lý sẽ lựa chọn một doanh nghiệp kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có đủ năng lực để tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của NHÀ THẦU phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam và Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Các chi phí liên quan đến kiểm toán độc lập do NHÀ THẦU gánh chịu và được tính là Chi phí hoạt động dầu khí vì mục đích thu hồi.

11.2.2.

11.2.2.1. PETROVIETNAM có quyền vào bất cứ lúc nào, bằng chi phí và rủi ro của mình, thông báo bằng văn bản cho NHÀ THẦU trước ít nhất ba mươi (30) ngày, tiếp cận và kiểm toán các sổ sách, ghi chép, tài liệu và chứng từ gốc của NHÀ THẦU bởi các kiểm toán viên nội bộ của họ hoặc các kiểm toán viên của bên thứ ba; với điều kiện là việc kiểm toán đó không nhiều hơn một (01) lần một (01) Năm. Việc kiểm toán đó phải được hoàn tất trong thời hạn mười hai (12) tháng sau khi gửi thông báo được nhắc tới trên đây.

11.2.2.2. Bất kỳ khoản chi phí nào trên Báo cáo tài chính không được kiểm toán của PETROVIETNAM chấp nhận tại thời điểm kiểm toán sẽ được đưa ra bằng văn bản (Kết luận kiểm toán) trong thời hạn sáu mươi (60) ngày sau khi kết thúc kiểm toán và nêu rõ các lý do cụ thể.

Nếu Kết luận kiểm toán không được đưa ra trong thời hạn sáu mươi (60) ngày sau khi kết thúc kiểm toán, các sổ kế toán, báo cáo tài chính của NHÀ THẦU sẽ được coi là chính xác vì tất cả các mục đích.

11.2.2.3. Nếu NHÀ THẦU không đưa ra phản đối về các nội dung trong Kết luận kiểm toán trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được Kết luận kiểm toán thì kết quả kiểm toán của PETROVIETNAM là cuối cùng và ràng buộc Các Bên. Nếu Nhà thầu đưa ra phản đối trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được Kết luận kiểm toán, thì PETROVIETNAM và NHÀ THẦU sẽ cố gắng giải quyết thông qua hòa giải để đạt được thoả thuận chung. Trong thời hạn một trăm tám mươi (180) ngày kể từ ngày nhận được văn bản phản đối nêu trên mà Các Bên không đạt được thỏa thuận chung thì vấn đề tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài theo Điều 15.1.

11.2.2.4. Để tránh hiểu nhầm, bất kỳ chi phí nào do PETROVIETNAM loại hoặc treo trong Kết luận kiểm toán sẽ không được thu hồi cho đến khi tranh chấp được giải quyết xong theo Điều 11.2.2.3.

Điều 11.3. Quyết toán Chi phí hoạt động dầu khí

11.3.1. Việc thực hiện quyết toán Chi phí hoạt động dầu khí phải bảo đảm nguyên tắc chi phí quyết toán phản ánh trung thực, đầy đủ, hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

11.3.2. NHÀ THẦU tiến hành quyết toán Chi phí hoạt động dầu khí sau khi hoàn thành công việc và tùng giai đoạn của Hợp đồng hoặc từng giai đoạn thành phần phù hợp với quy định tại Hợp đồng hoặc Kế hoạch phát triển mỏ được phê duyệt khi hoàn thành hoặc khi kết thúc Hợp đồng, phù hợp với quy định của pháp luật dầu khí.

11.3.3. Căn cứ vào các kết quả kiểm toán tài chính hàng năm và/hoặc kiểm toán kết thúc từng giai đoạn liên quan của Hợp đồng hoặc từng giai đoạn thành phần phù hợp với quy định tại Hợp đồng hoặc khi kết thúc Hợp đồng; Chương trình hoạt động và Ngân sách liên quan đã được phê duyệt; và/hoặc Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí và các điều chỉnh (nếu có), PETROVIETNAM phê duyệt báo cáo quyết toán do NHÀ THẦU lập và trình phù hợp với quy định tại Hợp đồng và pháp luật dầu khí của Việt Nam.

Chương XII

THAM GIA CỦA PETROVIETNAM VÀ CHUYỂN NHƯỢNG

Điều 12.1. Tham gia của PETROVIETNAM

12.1.1. Trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ khi NHÀ THẦU tuyên bố Phát hiện thương mại đầu tiên, PETROVIETNAM có quyền lựa chọn tham gia tới [...........] phần trăm (...%) Quyền lợi tham gia trong toàn bộ quyền và nghĩa vụ của NHÀ THẦU theo Hợp đồng này (sau đây gọi tắt là Quyền lợi tham gia của PETROVIETNAM). Quyền lựa chọn đó sẽ bị hủy bỏ nếu PETROVIETNAM không có văn bản thông báo ý định tham gia của mình cho NHÀ THẦU trong thời hạn một trăm tám mươi (180) ngày kể từ ngày NHÀ THẦU tuyên bố Phát hiện thương mại đầu tiên (sau đây gọi tắt là Ngày bắt đầu), nếu không có thỏa thuận khác. Tùy thuộc vào quyết định của PETROVIETNAM, Quyền lợi tham gia của PETROVIETNAM có thể được quản lý và thực hiện trực tiếp bởi PETROVIETNAM hoặc thông qua một Công ty chi nhánh của mình.

Trường hợp PETROVIETNAM thực hiện quyền lựa chọn của mình, PETROVIETNAM hoặc Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM, tùy từng trường hợp, Các Bên sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết đề sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các Bên Nhà thầu sẽ xem xét, sửa đổi (một cách phù hợp) và thông qua một Thỏa thuận điều hành chung hoặc Thỏa thuận sửa đổi đối với Thỏa thuận điều hành chung, tùy từng trường hợp.

12.1.2. Toàn bộ chi phí ứng với phần tham gia của PETROVIETNAM hoặc Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM do NHÀ THẦU gánh chịu trong quá trình thực hiện Hợp đồng này từ Ngày hiệu lực tới Ngày bắt đầu, sẽ do NHÀ THẦU gánh chịu. Nếu PETROVIETNAM thông báo ý định tham gia theo quy định tại Điều 12.1.1, NHÀ THẦU sẽ được hoàn trả toàn bộ phần chi phí ứng trước đó phù hợp với các quy định sau:

12.1.2.1. Đối với chi phí tương ứng với phần tham gia của PETROVIETNAM hoặc Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM trong toàn bộ chi phí do NHÀ THẦU gánh chịu theo Hợp đồng này (trừ hoa hồng và chi phí tài liệu theo Chương IX, chi phí đào tạo theo Chương X) từ Ngày hiệu lực tới Ngày bắt đầu, NHÀ THẦU sẽ được quyền lấy [.................phần trăm (....%) phần chia của PETROVIETNAM hoặc Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM trong Dầu thu hồi chi phí và/hoặc Khí thu hồi chi phí thuộc quyền của NHÀ THẦU cho tới khi NHÀ THẦU thu hồi đủ không tính lãi đối với phần góp đó;

12.1.2.2. Đối với chi phí tương ứng với phần tham gia của PETROVIETNAM hoặc Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM trong toàn bộ chi phí do NHÀ THẦU gánh chịu theo Hợp đồng này (ngoại trừ hoa hồng và chi phí tài liệu theo Chương IX, chi phí đào tạo theo Chương X) từ Ngày bắt đầu cho tới và bao gồm cả ngày PETROVIETNAM thông báo ý định tham gia, PETROVIETNAM hoặc Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM, tùy từng trường hợp, sẽ trả một lần cho Người điều hành toàn bộ khoản tiền nói trên trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày Người điều hành thay mặt cho NHÀ THẦU gửi yêu cầu nộp tiền;

12.1.2.3. Đối với chi phí tương ứng với phần tham gia của PETROVIETNAM hoặc Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM trong toàn bộ chi phí do NHÀ THẦU gánh chịu theo Hợp đồng này (ngoại trừ hoa hồng và chi phí tài liệu theo Chương IX, chi phí đào tạo theo Chương X và chi phí trích lập quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật dầu khí theo Chương X) sau ngày PETROVIETNAM thông báo ý định tham gia, PETROVIETNAM hoặc Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM sẽ đóng góp trên cơ sở gọi vốn hiện hành, phù hợp với quy định của Thỏa thuận điều hành chung;

1 2.1.2.4. Các Bên cam kết rằng PETROVIETNAM sẽ không có nghĩa vụ tài chính nào theo quy định của Chương này nếu không có Phát hiện thương mại nào trong Diện tích hợp đồng được tuyên bố.

12.1.3. Trường hợp Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM tham gia trong tổ hợp nhà thầu ngay từ khi ký Hợp đồng và (các) Bên Nhà thầu còn lại trong tổ hợp có nghĩa vụ gánh vốn toàn bộ hoặc một phần cho Công ty chi nhánh của PETROVIETNAM thì tỷ lệ tham gia, tỷ lệ gánh vốn, phương thức gánh vốn, phương thức thu hồi chi phí đối với phần gánh vốn và việc tham gia của PETROVIETNAM theo quy định tại Điều 12.1 do Các Bên thỏa thuận trong Hợp đồng.

Điều 12.2. Chuyển nhượng

12.2.1. Mỗi Bên Nhà thầu có quyền bán, chuyển nhượng, sang tên hoặc định đoạt bằng cách khác toàn bộ hoặc một phần quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng này cho Công ty chi nhánh của mình với thông báo bằng văn bản cho PETROVIETNAM. Việc bán, chuyển nhượng, chuyển giao, sang tên hoặc định đoạt bằng cách khác nêu trên phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.

12.2.2. Tùy thuộc vào quyền ưu tiên mua trước của PETROVIETNAM theo Luật Dầu khí và sau đó là của các Bên Nhà thầu khác theo Thỏa thuận điều hành chung trên cơ sở các điều kiện chuyển nhượng như đã được thỏa thuận giữa Bên Nhà thầu có ý định chuyển nhượng và bên thứ ba (bên nhận chuyển nhượng tiềm năng không phải là Công ty chi nhánh của Bên chuyển nhượng), mỗi Bên Nhà thầu sẽ có quyền bán, chuyển nhượng, sang tên hoặc định đoạt bằng cách khác toàn bộ hoặc một phần quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng này cho bên thứ ba phụ thuộc vào sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. PETROVIETNAM phải có văn bản thông báo cho Bên Nhà thầu có ý định chuyển nhượng về quyết định của mình đối với quyền ưu tiên mua trước trong thời hạn một trăm hai mươi (120) ngày hoặc một khoảng thời gian khác do các bên liên quan thỏa thuận, kể từ ngày nhận được thông báo ý định chuyển nhượng và hợp đồng chuyển nhượng đã ký giữa Bên Nhà thầu có ý định chuyển nhượng với bên thứ ba. Nếu Bên Nhà thầu có ý định chuyển nhượng không nhận được văn bản thông báo của PETROVIETNAM trong thời hạn một trăm hai mươi (120) ngày được nhắc tới trên đây hoặc một khoảng thời gian khác như đã được thỏa thuận trước đó thì coi như PETROVIETNAM đã từ bỏ quyền ưu tiên mua trước.

12.2.3. Phù hợp với quy định tại Điều 12.2.1 và Điều 12.2.2, Bên nhận chuyển nhượng tiềm năng phải:

12.2.3.1. Có đủ năng lực kỹ thuật và tài chính để thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng này;

12.2.3.2. Chấp nhận và tuân thủ đối với Quyền lợi tham gia được chuyển nhượng theo mọi điều kiện và điều khoản của Hợp đồng này; và

12.2.3.3. Theo yêu cầu và phụ thuộc vào sự chấp thuận của PETROVIETNAM, cung cấp cho PETROVIETNAM bảo lãnh của công ty mẹ hoặc bảo lãnh của tổ chức tín dụng tương ứng với Quyền lợi tham gia của bên nhận chuyển nhượng.

12.2.4. Vì mục đích của Điều 12.2, việc thay đổi quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát của một Bên Nhà thầu (trừ trường hợp tái cơ cấu, dàn xếp tài chính nội bộ của Bên Nhà thầu đó hoặc hợp nhất của công ty mẹ của Bên Nhà thầu đó), Bên Nhà thầu liên quan phải thực hiện thủ tục kê khai và nộp thuế thu nhập phát sinh từ việc thay đổi quyền kiểm soát (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chương XIII

THANH TOÁN, TIỀN TỆ VÀ HỐI ĐOÁI

Điều 13.1. Thanh toán

13.1.1. Phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam về quản lý ngoại hối, các thanh toán đến hạn nào của một Bên cho Bên kia hoặc từ một Bên Nhà thầu cho Người điều hành, theo Hợp đồng này có thể được thực hiện bằng Đô la Mỹ hoặc bằng một hoặc các ngoại tệ tự do chuyển đổi khác mà Bên nhận hoặc Người điều hành có thể chấp nhận được vào từng thời điểm, tại một ngân hàng và tài khoản ngân hàng do Bên nhận hoặc Người điều hành chỉ định.

Không phụ thuộc vào Điều 5.1.2.13, Người điều hành phải mở tài khoản chung tại các ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam để phục vụ mục đích góp vốn.

13.1.2. Trừ khi có quy định khác trong Hợp đồng này hoặc trong Thể thức kế toán, bất kỳ thanh toán nào cần thực hiện theo Hợp đồng này phải thực hiện trong thời hạn ba mươi (30) ngày sau khi kết thúc tháng mà trong đó phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán.

Điều 13.2. Tiền tệ và hối đoái

13.2.1. Theo các quy định trong Hợp đồng này và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối, NHÀ THẦU và Người điều hành có các quyền sau đây:

13.2.1.1. Thực hiện bất kỳ thanh toán nào, duy trì, quản lý các tài khoản ngân hàng bằng bất kỳ loại tiền nào trong nước Việt Nam và tự do chuyển đổi bất kỳ khoản tiền nào của mình thành tiền Việt Nam hoặc sang bất kỳ ngoại tệ nào khác sẵn có được áp dụng với tỷ giá mua bán của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch chuyển đổi và được tự do giữ lại hoặc định đoạt bất kỳ khoản tiền nào NHÀ THẦU và Người điều hành đang giữ.

13.2.1.2. Thực hiện thanh toán, duy trì, quản lý các tài khoản ngân hàng bằng ngoại tệ ở ngoài Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

13.2.1.3. Được chuyển ra khỏi Việt Nam thu nhập bằng ngoại tệ từ việc bán Dầu thu hồi chi phí, Dầu lãi, Khí thu hồi chi phí, Khí lãi và các thu nhập hợp pháp khác thu được trong quá trình hoạt động dầu khí với điều kiện Nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

13.2.1.4. Tự do chuyển đổi ngoại tệ quy định tại Điều 13.2.1.3 thành những tiền tệ khác.

13.2.1.5. Tự do duy trì và điều hành các tài khoản trong sổ sách hoặc trong ghi chép của mình.

13.2.2. Trong khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng này, NHÀ THẦU có quyền thanh toán ở nước ngoài bằng bất kỳ loại tiền nào các chi tiêu đã gánh chịu để mua vật tư, thiết bị, dịch vụ và các khoản thanh toán khác liên quan đến hoạt động dầu khí. NHÀ THẦU, Người điều hành và các nhà cung cấp nước ngoài và các nhân viên nước ngoài của mình được quyền nhận toàn bộ hoặc một phần các khoản thanh toán của mình ở ngoài Việt Nam với điều kiện họ phải mang vào hoặc để lại Việt Nam một lượng tiền có thể chuyển đổi tự do đủ để thanh toán cho các chi tiêu trong đó có thuế thu nhập cá nhân của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

13.2.3. Mọi vấn đề khác có liên quan đến hối đoái và việc chuyển tiền ra nước ngoài phát sinh dưới bất kỳ hình thức nào liên quan đến Hợp đồng này, NHÀ THẦU và Người điều hành (và nhân viên nước ngoài của họ) và các nhà cung cấp (và nhân viên nước ngoài của họ) có quyền được hưởng đối xử thuận lợi không kém các công ty nước ngoài hoặc người nước ngoài bình thường khác đang kinh doanh ở Việt Nam.

Chương XIV

SỞ HỮU TÀI SẢN, TÀI SẢN THUÊ VÀ THU DỌN

Điều 14.1. Sở hữu tài sản

14.1.1. Tùy thuộc vào Điều 14.3, quyền sở hữu đối với tài sản của NHÀ THẦU sử dụng để phục vụ cho hoạt động dầu khí trong Diện tích hợp đồng và được tính vào Chi phí hoạt động dầu khí sẽ đương nhiên được chuyển cho PETROVIETNAM khi tổng chi phí của các tài sản này đã được NHÀ THẦU thu hồi đủ theo các Điều 6.1.2 và Điều 6.2.2 hoặc vào ngày kết thúc Hợp đồng, tùy theo trường hợp nào xảy ra trước. Không phụ thuộc vào các quy định trên, NHÀ THẦU được quyền sử dụng miễn phí các tài sản nói trên trong phạm vi các tài sản đó vẫn cần thiết cho hoạt động dầu khí theo Hợp đồng này.

Đối với các tài sản sử dụng chung cho nhiều hợp đồng dầu khí, khi Hợp đồng này kết thúc thì việc xử lý các tài sản nói trên được thực hiện theo hướng dẫn của PETROVIETNAM phù hợp với Điều 5.2.1.6.

14.1.2. Trường hợp bất kỳ tài sản nào đã được thu hồi chi phí nhưng không còn cần thiết cho hoạt động dầu khí, NHÀ THẦU phải trao các tài sản đó cho PETROVIETNAM. Trường hợp PETROVIETNAM không muốn nhận các tài sản đó thì NHÀ THẦU có thể thay mặt PETROVIETNAM định đoạt các tài sản đó. Tất cả doanh thu thực từ việc bán hoặc định đoạt bằng cách khác đối với những tài sản đó sẽ được trả cho PETROVIETNAM phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

14.1.3. Trường hợp bất kỳ tài sản nào chưa được thu hồi chi phí đầy đủ nhưng không còn cần thiết cho hoạt động dầu khí nữa, NHÀ THẦU có thể định đoạt các tài sản đó phụ thuộc vào sự phê duyệt của PETROVIETNAM. Tất cả doanh thu thực từ việc định đoạt những tài sản đó sẽ được giảm trừ vào Chi phí hoạt động dầu khí.

Điều 14.2. Tài sản thuê

14.2.1. Điều 14.1 không áp dụng đối với bất kỳ tài sản nào được sử dụng trong hoạt động dầu khí do NHÀ THẦU hoặc Người điều hành thuê, kể cả các tài sản thuê hoặc sở hữu của nhà cung cấp hoặc của bất kỳ người nào khác thực hiện dịch vụ cho NHÀ THẦU hoặc Người điều hành.

14.2.2. NHÀ THẦU, Người điều hành, các nhà cung cấp và bất kỳ người nào thực hiện dịch vụ cho NHÀ THẦU hoặc cho Người điều hành, được giữ quyền kiểm soát, được nhập khẩu và tái xuất toàn bộ các tài sản thuê để thực hiện hoạt động dầu khí theo Hợp đồng này.

14.2.3. Tiền thuê tài sản sử dụng cho hoạt động dầu khí do NHÀ THẦU hoặc Người điều hành gánh chịu sẽ được coi là Chi phí hoạt động dầu khí.

Điều 14.3. Thu dọn

14.3.1. Trường hợp bất kỳ công trình dầu khí nào do NHÀ THẦU xây dựng hoặc khoan vì mục đích của Hợp đồng này phải thu dọn trong thời hạn của Hợp đồng hoặc khi chấm dứt Hợp đồng theo quy định tại Chương XVI, theo văn bản yêu cầu của PETROVIETNAM, NHÀ THẦU phải thực hiện việc thu dọn các công trình dầu khí đó bằng cách hoặc bịt giếng, phá hủy, di chuyển, tháo dỡ, cải tạo, thay thế hoặc bảo quản tạm thời hay lâu dài hoặc bằng cách khác phù hợp với quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

14.3.2. NHÀ THẦU, không chậm hơn chín (09) tháng kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên đối với mỗi mỏ dầu hoặc mỏ khí, phải trình và được Ủy ban Quản lý phê duyệt Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí mà họ phải thực hiện sau khi hoàn tất khai thác đối với mỏ dầu hoặc mỏ khí liên quan, Ủy ban Quản lý xem xét Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí do NHÀ THẦU chuẩn bị và trình theo quy định tại Hợp đồng này. Phụ thuộc vào bất kỳ sửa đổi nào được thực hiện phù hợp với Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, Ủy ban Quản lý phải thông qua trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ khi NHÀ THẦU trình. Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí do NHÀ THẦU trình bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở các nội dung chính theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Dầu khí.

Không muộn hơn một (01) năm kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên đối với mỗi mỏ dầu hoặc mỏ khí, Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được Ủy ban quản lý thông qua đó sẽ được gửi tới PETROVIETNAM xem xét để trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

14.3.3. Không phụ thuộc vào việc phê duyệt Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của cơ quan có thẩm quyền, không muộn hơn một (01) năm kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên đối với mỗi mò dầu hoặc mỏ khí, NHÀ THẦU, thông qua Người điều hành, phải thực hiện tạm trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí theo phương án thu dọn trong Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí hoặc Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí điều chỉnh đã được phê duyệt. Việc trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí nói trên sẽ được điều chỉnh, bổ sung theo Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí hoặc Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí điều chỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Dầu khí. Việc trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí và các chỉ tiêu phát sinh để thực hiện thu dọn trong quá trình thực hiện Hợp đồng là trách nhiệm của mỗi Bên Nhà thầu tương ứng với tỷ lệ quyền lợi tham gia và được tính vào Chi phí hoạt động dầu khí vì mục đích thu hồi của Hợp đồng này.

14.3.4. Trong quá trình phát triển, khai thác dầu khí nếu xét thấy công trình dầu khí bị sự cố không có khả năng sửa chữa, khắc phục hoặc không bảo đảm an toàn để duy trì hoạt động, NHÀ THẦU trình PETROVIETNAM xem xét, phê duyệt phương án thu dọn.

14.3.5. Trước khi kết thúc Hợp đồng hoặc kết thúc thời hạn giai đoạn khai thác mỏ dầu khí, NHÀ THẦU phải hoàn thành trích nộp quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí như được xác định trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí cập nhật gần nhất được cấp thẩm quyền phê duyệt.

14.3.6. Trường hợp NHÀ THẦU phát triển mỏ theo giai đoạn thông qua Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, việc trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí được thực hiện theo quy định tại các Điều từ 14.3.1 đến 14.3.5 với những điều chỉnh phù hợp.

Chương XV

TRỌNG TÀI, MIỄN TRỪ CÓ TÍNH CHỦ QUYỀN VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

Điều 15.1. Trọng tài

15.1.1. Các Bên sẽ cố gắng thông qua đàm phán để giải quyết những bất đồng và tranh chấp liên quan đến hoặc phát sinh từ Hợp đồng này.

15.1.2. Trừ các tranh chấp được chuyển đến Chuyên gia để xem xét theo quy định tại Điều 15.3, trong trường hợp các bất đồng hoặc tranh chấp không thể giải quyết thông qua đàm phán bởi Các Bên trong thời hạn chín mươi (90) ngày sau khi có thông báo của bất kỳ Bên nào về một tranh chấp thì những bất đồng hoặc tranh chấp đó sẽ được giải quyết thông qua phân xử của hội đồng trọng tài. Các Bên của các phía tranh chấp sẽ chỉ định mỗi phía một trọng tài viên. Hai trọng tài viên được chọn, bằng thỏa thuận chung, sẽ chỉ định một trọng tài viên thứ ba để làm chủ tịch của hội đồng trọng tài. Trong trường hợp hai trọng tài do Các Bên chỉ định không thể thoả thuận việc chọn trọng tài thứ ba trong thời hạn ba mươi (30) ngày từ khi trọng tài thứ hai được chỉ định thì chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ được chỉ định bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế/Việt Nam... (tùy theo thỏa thuận). Phân xử trọng tài sẽ được tiến hành bằng [ ...] (tiếng Anh hoặc Tiếng Việt), phù hợp với Quy tắc Trọng tài của [....] (tùy theo thỏa thuận). Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài sẽ ở [.......]. Bất kỳ phán quyết nào của hội đồng trọng tài sẽ là cuối cùng, buộc Các Bên phải thi hành.

Chi phí trọng tài liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa Các Bên trong Hợp đồng sẽ do bên thua kiện gánh chịu.

Chi phí trọng tài liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa Các Bên trong Hợp đồng sẽ không được coi là Chi phí hoạt động dầu khí được thu hồi.

Điều 15.2. Miễn trừ có tính chủ quyền

Các Bên thoả thuận tất cả các giao dịch được dự liệu trong Hợp đồng này sẽ được coi là các hoạt động thương mại. Trong phạm vi mà một Bên có quyền trong bất kỳ tài phán nào, đòi hỏi cho mình hoặc bất kỳ đại lý, chi nhánh, của cải, tài sản nào của mình, quyền miễn trừ, cho dù mang tính chất chủ quyền quốc gia hoặc bằng cách khác hoặc phát sinh từ một hành động của nhà nước hay chủ quyền, khỏi các vụ kiện, thi hành, tịch biên hoặc các quá trình tố tụng với bất kỳ bản chất nào, Bên đó khước từ rõ ràng và dứt khoát quyền miễn trừ và đồng ý không đòi hỏi hoặc cho phép ai thay mặt mình hoặc bất kỳ đại lý hoặc chi nhánh nào của mình đòi hỏi quyền miễn trừ này. Không làm hạn chế nguyên tắc chung nói trên, mỗi Bên qua đây khước từ một cách rõ ràng bất kỳ quyền đòi hỏi miễn trừ nào theo pháp luật Việt Nam hoặc của bất kỳ tài phán nào trên thế giới.

Điều 15.3. Quyết định của chuyên gia

Bất kỳ tranh chấp, tranh cãi hoặc khiếu nại kỹ thuật nào liên quan đến việc áp dụng Thông lệ công nghiệp dầu khí guốc tế hoặc bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến bất đồng kỹ thuật đối với khối lượng, đo lường và định giá trị Dầu thô hoặc Khí thiên nhiên theo Hợp đồng này hoặc bất kỳ quyết định nào đối với một tranh chấp được dẫn chiếu cụ thể trong Hợp đồng này hoặc bất kỳ vấn đề nào khác được quy định trong Hợp đồng này có thể được chuyển đến Chuyên gia quyết định mà Các Bên không thể giải quyết thông qua hòa giải trong một thời gian hợp lý, sẽ được đưa ra để quyết định bởi Chuyên gia [...do các Bên thoả thuận...] chỉ định. Chuyên gia đưa ra quyết định của mình phù hợp với các quy định trong Hợp đồng này. Các đại diện của Các Bên có quyền thảo luận với Chuyên gia và cung cấp cho Chuyên gia các tài liệu và thông tin, với điều kiện là Chuyên gia có thể áp đặt các giới hạn hợp lý đối với quyền này. Chuyên gia được tự do đánh giá mức độ quan trọng hoặc mức độ liên quan đối với bất kỳ tài liệu, thông tin hoặc bằng chứng khác. Quyết định của Chuyên gia sẽ là cuối cùng và buộc Các Bên phải thi hành. Chuyên gia sẽ quyết định về việc phân bổ chi phí Chuyên gia mà mỗi Bên phải gánh chịu, chi phí này sẽ được tính vào Chi phí hoạt động dầu khí được thu hồi. Nếu Các Bên không thống nhất được rằng một tranh chấp hoặc khiếu nại có liên quan chủ yếu đến các vấn đề kỹ thuật hay không, và họ không giải quyết được tranh chấp đó trong thời hạn sáu mươi (60) ngày thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết cuối cùng bởi Trọng tài phù hợp với Điều 15.1.

Chương XVI

CHẤM DỨT VÀ VI PHẠM

Điều 16.1. Chấm dứt

16.1.1. Không ảnh hưởng đến Điều 16.2, nếu có những hoàn cảnh không đảm bảo để tiếp tục hoạt động dầu khí và sau khi tham vấn với PETROVIETNAM, NHÀ THẦU vào bất kỳ thời điểm nào bằng việc gửi văn bản thông báo cho PETROVIETNAM trước chín mươi (90) ngày về ý định từ bỏ các quyền và được giải thoát khỏi các nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng này, trừ các quyền và nghĩa vụ còn lại của thời gian trước khi có việc từ bỏ đó cũng như các quyền và nghĩa vụ tiếp tục khác đã được dự liệu trong Hợp đồng này.

Trong trường hợp NHÀ THẦU đề nghị chấm dứt Hợp đồng phù hợp với các quy định của Hợp đồng này hoặc khi hết thời hạn Hợp đồng, NHÀ THẦU phải hoàn tất các nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của Hợp đồng và Luật Dầu khí. Việc chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng sẽ có hiệu lực vào ngày được ghi trong quyết định chấm dứt hiệu lực Hợp đồng của Bộ Công Thương.

16.1.2. Không ảnh hưởng đến Điều 16.2, PETROVIETNAM có quyền chấm dứt Hợp đồng bằng thông báo cho NHÀ THẦU trước chín mươi (90) ngày mà không phải bồi thường cho Nhà thầu bất kỳ tổn thất nào trong các trường hợp sau:

16.1.2.1. Trường hợp NHÀ THẦU không triển khai Hoạt động phát triển mỏ dầu khí theo Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đã được phê duyệt trong thời hạn mười hai (12) tháng kể từ ngày Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí liên quan được phê duyệt hoặc ngừng các Hoạt động phát triển mỏ dầu khí theo tiến độ đã được phê duyệt trong Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trong thời hạn sáu (06) tháng liên tục, trừ trường hợp việc chậm tiến độ nêu trên gây ra bởi (i) sự kiện Bất khả kháng theo quy định tại Chương XIX; (ii) bởi một quyết định của cơ quan có thẩm quyền; hoặc (iii) được PETROVIETNAM chấp thuận.

16.1.2.2. Trong trường hợp NHÀ THẦU đưa mỏ vào khai thác chậm hơn mười hai (12) tháng so với tiến độ đã được phê duyệt hoặc NHÀ THẦU ngừng Hoạt động khai thác dầu khí trong thời hạn ba (03) tháng liên tục ngoại trừ việc ngừng (i) được phê duyệt trước bởi PETROVIETNAM; (ii) bởi một quyết định của cơ quan có thẩm quyền; (iii) vì lý do Bất khả kháng;

16.1.2.3. Nếu một Bên Nhà thầu bị phá sản, mất khả năng thanh toán hoặc bị giải thể, với điều kiện là thông báo kết thúc nói trên chỉ có hiệu lực nếu các Bên Nhà thầu còn lại không có ý định tiếp nhận quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng này của Bên Nhà thầu bị vỡ nợ hoặc bị giải thể và các Bên Nhà thầu phải thông báo quyết định đó cho PETROVIETNAM trong thời hạn chín mươi (90) ngày nói trên.

16.1.2.4. Nếu tất cả các Bên Nhà thầu cùng bị phá sản, mất khả năng thanh toán hoặc bị giải thể.

Điều 16.2. Vi phạm

16.2.1. Trường hợp một Bên (Bên vi phạm), vi phạm nghiêm trọng bất kỳ nghĩa vụ nào của mình theo Hợp đồng này thì Bên kia (Bên không vi phạm) có thể gửi thông báo yêu cầu Bên vi phạm sửa chữa vi phạm đó. Nếu Bên vi phạm không sửa chữa hoặc không sửa chữa được hoặc không bắt đầu hoặc không tiếp tục sửa chữa một cách nghiêm túc vi phạm đó trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày Bên không vi phạm thông báo vi phạm và Bên vi phạm nhận được thông báo đó, Bên không vi phạm có thể, vào bất kỳ lúc nào sau khi hết hạn ba mươi (30) ngày trên, chấm dứt Hợp đồng này bằng cách gửi thông báo chấm dứt cho Bên vi phạm. Nếu phát sinh tranh chấp giữa Các Bên về việc một Bên vi phạm nghiêm trọng bất kỳ nghĩa vụ nào của mình theo Hợp đồng này hoặc nếu một Bên có quyền chấm dứt Hợp đồng này dựa theo những quy định của Điều này thì bất kỳ Bên nào cũng có thể yêu cầu đưa việc tranh chấp đó ra trọng tài theo Điều 15.1 của Hợp đồng này.

16.2.2. Vì mục đích của Điều 16.2.1, một Bên sẽ bị coi là vi phạm nghiêm trọng theo Hợp đồng này vào lúc xảy ra bất kỳ trường hợp nào trong các trường hợp dưới đây:

16.2.2.1. Không thực hiện bất kỳ việc gọi vốn hoặc thanh toán khác theo quy định của Hợp đồng này trong thời hạn ba mươi (30) ngày sau ngày yêu cầu thanh toán đó đến hạn, trừ khi có thỏa thuận khác.

16.2.2.2. Không thực hiện hoặc không tuân thủ bất kỳ nghĩa vụ quan trọng phải thực hiện và không tuân theo Hợp đồng này, mà việc không thực hiện hoặc không tuân thủ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai hoặc đến mục đích kinh tế, thương mại của Hợp đồng này, nếu việc không thực hiện đó vẫn tiếp tục không được sửa chữa trong thời hạn ba mươi (30) ngày sau khi nhận được thông báo từ Bên không vi phạm. Tuy nhiên, với điều kiện, nếu việc không thực hiện đó có thể sửa chữa (như quyết định bởi Bên không vi phạm), nhưng không thể sửa chữa được trong thời hạn ba mươi (30) ngày đó, thì không bị coi là vi phạm nghiêm trọng nếu Bên vi phạm nhanh chóng bắt đầu và thực hiện một cách cẩn trọng để hoàn thành việc sửa vi phạm đó và hoàn thành việc sửa vi phạm trong thời hạn chín mươi (90) ngày sau khi có thông báo đó.

Chương XVII

TIÊU THỤ TRONG NƯỚC

Điều 17.1. Bán Dầu thô trong nước

17.1.1. Dầu thô khai thác từ Diện tích hợp đồng phải được ưu tiên bán tại thị trường Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ trên cơ sở kế hoạch khai thác hằng năm đã được phê duyệt. NHÀ THẦU và PETROVIETNAM sẽ trao đổi về kế hoạch mua Dầu thô hằng năm.

17.1.2. Trong trường hợp khẩn cấp, theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, PETROVIETNAM có thể, bằng một văn bản thông báo trước ba mươi (30) ngày yêu cầu NHÀ THẦU bán Dầu thô nhiều hơn so với kế hoạch đã thỏa thuận với PETROVIETNAM. Dầu thô này sẽ được cung cấp từ phần Sản lượng dầu thực mà NHÀ THẦU được quyền sở hữu theo Hợp đồng này.

17.1.3. Trường hợp NHÀ THẦU cung cấp Dầu Thô để tiêu thụ trong nước thì giá thanh toán cho NHÀ THẦU sẽ được tính trên cơ sở giá cạnh tranh quốc tế phù hợp với Điều 8.1.1 và trả bằng Đô la Mỹ hoặc bất kỳ loại tiền tệ chuyển đổi tự do nào khác được thoả thuận giữa Các Bên và được tự do chuyển ra nước ngoài. Thanh toán cho việc cung cấp này sẽ được thực hiện trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày giao nhận Dầu thô liên quan.

Điều 17.2. Nghĩa vụ bán Khí thiên nhiên

Theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, NHÀ THẦU có nghĩa vụ bán phần Khí thiên nhiên thuộc sở hữu của mình tại thị trường Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận tại các dự án phát triển, khai thác khí.

Chương XVIII

ỔN ĐỊNH VÀ HỢP NHẤT

Điều 18.1. Ổn định

18.1.1. Các Bên đặt các mối quan hệ của mình theo Hợp đồng này trên cơ sở các nguyên tắc thiện chí, tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, tôn trọng các đảm bảo đầu tư và các quyền lợi khác được chấp thuận cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.

18.1.2. PETROVIETNAM sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho mỗi Bên Nhà thầu được áp dụng trong thời hạn Hợp đồng tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ về thuế theo quy định tại Điều 7.2, Điều 7.3 và Điều 7.4.

18.1.3. Nếu sau Ngày hiệu lực, pháp luật hiện hành được sửa đổi, hủy bỏ hoặc ban hành các luật và quy định mới ở Việt Nam hoặc áp dụng những thay đổi quy định của một luật hoặc giấy phép bị hủy bỏ hoặc các điều kiện do vậy bị sửa đổi mà ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi và nghĩa vụ thuế được quy định tại Điều 7.2, Điều 7.3 và Điều 7.4 thì ngay khi có thông báo của NHÀ THẦU, Các Bên sẽ trao đổi với nhau để có những sửa đổi các nội dung cần thiết của Hợp đồng này để duy trì quyền, lợi ích và quyền lợi của NHÀ THẦU theo Hợp đồng, bao gồm phần chia Dầu lãi hoặc Khí lãi của NHÀ THẦU như tại Ngày hiệu lực cũng như đảm bảo rằng bất kỳ thu nhập, doanh thu hoặc lợi tức nào, bao gồm bất kỳ một hoặc nhiều quyền lợi nêu trên của NHÀ THẦU đã phát sinh hoặc sẽ phát sinh theo Hợp đồng này sẽ không bị giảm bớt so với dự định ban đầu do kết quả của những thay đổi hay vô hiệu hoá của pháp luật hoặc do hậu quả của những thay đổi, hủy bỏ đối với các phê duyệt hoặc giấy phép.

Điều 18.2. Hợp nhất và mở rộng

18.2.1. Nếu bất kỳ một tích tụ Dầu khí nào đã được chứng minh vượt quá Diện tích hợp đồng, lấn sang diện tích lân cận do một hoặc nhiều nhà thầu đã được cấp phép thì PETRO VIETNAM và NHÀ THẦU và các nhà thầu có liên quan trong các diện tích lân cận đó sẽ phải thoả thuận về một biện pháp hiệu quả nhất để cùng nhau thẩm lượng tích tụ đó và (các) thoả thuận về khả năng cùng nhau phát triển, khai thác, tàng chứa, vận chuyển Dầu khí từ tích tụ đó và cách thức, theo đó các chi phí và dầu khí được khai thác từ diện tích hợp nhất đó sẽ được chia theo tỷ lệ công bằng. Tùy từng trường hợp nhưng không muộn hơn mười tám (18) tháng kể từ khi Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí của Phát hiện dầu khí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo cách thức và thủ tục như được quy định tại Điều 4.2 của Hợp đồng này với những điều chỉnh thích hợp, NHÀ THẦU phải nhận được văn bản phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành. Phần diện tích hợp nhất được điều chỉnh bởi các hợp đồng tương ứng và thỏa thuận hợp nhất được phê duyệt bởi Bộ Công Thương.

18.2.2. Nếu bất kỳ một tích tụ Dầu khi nào đã được chứng minh vượt quá Diện tích hợp đồng, lấn sang diện tích lân cận do một quốc gia khác quản lý, NHÀ THẦU và các nhà thầu có liên quan trong các diện tích lân cận đó phải đàm phán để đạt được thỏa thuận phát triển hợp nhất để cùng thẩm lượng, phát triển, khai thác tích tụ Dầu khí đó theo cách thức được chấp nhận chung trong ngành công nghiệp dầu khí, theo đó các chi phí và dầu khí được khai thác từ diện tích hợp nhất đó sẽ được chia theo tỷ lệ công bằng. Thỏa thuận phát triển hợp nhất như vậy phải được Chính phủ Việt Nam và quốc gia liên quan phê duyệt. Phần diện tích hợp nhất được điều chỉnh bởi các hợp đồng dầu khí tương ứng và thỏa thuận hợp nhất.

18.2.3. Nếu bất kỳ một tích tụ dầu khí nào đã được chứng minh vượt quá Diện tích hợp đồng, lấn sang một diện tích lân cận khác mà tại thời điểm đó chưa thuộc bất kỳ hợp đồng nào được ký giữa PETROVIETNAM với bên thứ ba, và được coi là “mở” thì NHÀ THẦU được quyền, với tài liệu địa chấn và các giải pháp kỹ thuật có thể tại thời điểm đó và được phê duyệt bởi PETROVIETNAM, xác định giới hạn của tích tụ đó. NHÀ THẦU và PETROVIETNAM sẽ cố gắng để đạt được thỏa thuận bổ sung thay đổi ranh giới Diện tích hợp đồng nhằm bao trùm toàn bộ tích tụ mới được phát hiện đó và phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc thay đổi nêu trên được giới hạn bởi diện tích cụ thể được xác định theo các giới hạn khai thác thẳng đứng và nằm ngang của tích tụ hoặc mỏ mới được phát hiện.

Chương XIX

BẤT KHẢ KHÁNG

Điều 19.1. Các sự kiện Bất khả kháng

Không Bên nào phải chịu trách nhiệm trước Bên khác vì việc trì hoãn hoặc không thực hiện, gây ra bởi một sự kiện Bất khả kháng trong phạm vi sự trì hoãn hoặc không thực hiện đó và không bị quy là lỗi hoặc sự bất cẩn của một Bên đang tìm kiếm sự bảo hộ theo Chương XIX này. Theo ý nghĩa được sử dụng ở đây, một sự kiện Bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được, nằm ngoài sự kiểm soát hợp lý của Các Bên và không thể tránh được, bao gồm, nhưng không giới hạn ở các tai họa thiên nhiên như cháy, nổ, lụt lội hoặc động đất, các sự kiện khác như chiến tranh, phong toả hoặc cấm vận, chiếm đóng, nội chiến, nổi loạn, phá hoại hay rối loạn xã hội, đình công hay náo loạn lao động khác hoặc bất kỳ việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được công bố và ban hành mà có ảnh hưởng làm gián đoạn, gây trở ngại hoặc ngăn cản việc tiến hành hoạt động dầu khí. Để tránh hiểu nhầm, thiếu vốn sẽ không được coi là sự kiện Bất khả kháng.

Điều 19.2. Ảnh hưởng và thông báo

19.2.1. Nếu sự kiện Bất khả kháng xảy ra và ngăn cản bất kỳ Bên nào thực hiện đúng thời hạn các nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng này, nhưng ngoại trừ bất kỳ sự thiếu vốn nào, Bên có các hoạt động bị ảnh hưởng sẽ được miễn thực hiện cho đến khi sự kiện Bất khả kháng liên quan chấm dứt.

19.2.2. Bên tuyên bố sự kiện Bất khả kháng có nghĩa vụ thông báo ngay lập tức bằng văn bản cho Các Bên khác về sự tồn tại của một sự kiện Bất khả kháng. Thông báo đưa ra sẽ bao gồm thông tin liên quan đến bản chất của tình huống và trong phạm vi có thể, dự kiến mức độ ảnh hưởng đến hoạt động của Bên đó cũng như dự kiến khi nào hoạt động theo Hợp đồng của Bên đó sẽ được khôi phục.

19.2.3. Vào lúc xảy ra một sự kiện Bất khả kháng, thời gian để hoàn thành các nghĩa vụ liên quan theo Hợp đồng này sẽ được hoãn lại tương đương với khoảng thời gian xảy ra các tình huống đó và thời gian khắc phục hậu quả của sự kiện Bất khả kháng đó.

19.2.4. Bên tuyên bố sự kiện Bất khả kháng, với sự tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Hợp đồng này, sử dụng tất cả các nỗ lực hợp lý để loại bỏ các nguyên nhân của việc không thực hiện và hoàn tất thực hiện công việc của mình trong thời gian sớm nhất.

19.2.5. Vào lúc chấm dứt sự kiện Bất khả kháng, Bên bị ảnh hưởng sẽ thông báo ngay cho Các Bên khác bằng văn bản. Thông báo đó sẽ nêu rõ thời gian được coi là cần thiết để hoàn thành các nghĩa vụ theo Hợp đồng này. Nếu Bên bị ảnh hưởng không gửi thông báo hoặc gửi thông báo một cách chậm trễ không hợp lý thì Bên đó sẽ phải bồi thường bất kỳ tổn thất nào mà Các Bên khác phải chịu như hậu quả trực tiếp của việc không thông báo hoặc thông báo chậm trễ đó.

Chương XX

NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 20.1. Thông báo

Mọi thông báo do bất kỳ Bên nào yêu cầu hoặc gửi cho Các Bên kia sẽ coi như đã được gửi một cách hợp lệ khi đã được chuyển tận tay hoặc bằng các dịch vụ thư tín được thừa nhận hay telefax đến địa chỉ sau:

Gửi: TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

18 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Người nhận: Tổng Giám đốc

Điện thoại: 84-4-38 252526

Fax: 84-4-38 265942

Gửi: NHÀ THẦU

Địa chỉ:

Người nhận:

Điện thoại:

Fax:

Bất kỳ Bên nào cũng có thể thay đổi địa chỉ trên bằng văn bản thông báo trước về thay đổi đó cho Các Bên khác.

Điều 20.2. Luật áp dụng

Hợp đồng này sẽ được diễn giải và điều chỉnh bởi quy định pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh thì những quy định liên quan của luật nước ngoài {Các Bên có thể thỏa thuận và chỉ rõ trong Hợp đồng} hoặc Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế sẽ được áp dụng, với điều kiện hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Điều 20.3. Bảo hiểm

Hằng năm, NHÀ THẦU phải đề xuất lên Ủy ban Quản lý một chương trình bảo hiểm cho những tổn thất hoặc thiệt hại đối với tất cả các giếng, công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba, bảo hiểm con người và bảo hiểm khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và Thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Khi được Ủy ban Quản lý chấp thuận, NHÀ THẦU phải chịu trách nhiệm mua và duy trì bảo hiểm đó, ưu tiên mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm có năng lực và kinh nghiệm bảo hiểm trong lĩnh vực dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 20.4. Người điều hành

20.4.1. …………………[Theo các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản đối với Hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt] là Người điều hành được chỉ định và được chấp thuận theo các điều khoản của Hợp đồng này và Thỏa thuận điều hành chung (nếu có). Việc chỉ định bất kỳ Người điều hành kế nhiệm nào sẽ phù hợp với Hợp đồng này và Thỏa thuận điều hành chung (nếu có) và tùy thuộc vào sự chấp thuận của PETROVIETNAM và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

20.4.2. Người điều hành được chỉ định để thay mặt NHÀ THẦU thực hiện các nghĩa vụ thuế, các công việc và nghĩa vụ theo Hợp đồng này. Các Bên cũng xác nhận thêm rằng nếu có trường hợp khẩn cấp hoặc bất thường đòi hỏi phải hành động ngay lập tức, bất kỳ Bên nào cũng có thể thực hiện tất cả các hành động mà mình cho là thích hợp hoặc nên thực hiện để bảo vệ lợi ích của mình và lợi ích của các nhân viên của mình và thông báo ngay cho Bên kia về việc đó, bất kỳ các chi phí nào phát sinh liên quan đến việc đó sẽ được tính là Chi phí hoạt động dầu khí được phép thu hồi theo các Điều 6.1.2 và 6.2.2 và phụ thuộc vào kết quả kiểm toán được quy định tại Điều 11.2.

20.4.3. Nhằm mục đích thực hiện hoạt động dầu khí theo Hợp đồng này, Người điều hành nước ngoài sẽ phải thành lập một văn phòng điều hành tại Việt Nam như được quy định cụ thể tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn chín mươi (90) ngày hoặc một khoảng thời gian khác được thống nhất bởi Các Bên kể từ Ngày hiệu lực. Người điều hành có thể sử dụng chung văn phòng với Công ty chi nhánh của mình tại Việt Nam (nếu có). Chi phí cho văn phòng sẽ được chia sẻ tương ứng theo các nguyên tắc được Ủy ban quản lý chấp nhận. Trường hợp thay đổi thông tin liên quan đến văn phòng điều hành hoặc tiếp nhận lại văn phòng điều hành do thay đổi người điều hành hoặc chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành, Người điều hành phải có văn bản thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành và phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo yêu cầu.

20.4.4. Trường hợp một Bên Nhà thầu có văn bản chính thức đề nghị rút lui khỏi Hợp đồng này (“Bên Rút lui”), các Bên Nhà thầu còn lại được quyền ưu tiên tiếp nhận Quyền lợi tham gia của Bên Rút lui và phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ đã cam kết theo quy định của Hợp đồng này. Không muộn hơn mười hai (12) tháng kể từ ngày nhận được thông báo của Bên Rút lui, các Bên Nhà thầu có liên quan phải hoàn tất các thủ tục pháp lý để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sự rút lui và tiếp nhận đó. Trong trường hợp các Bên Nhà thầu không thể thỏa thuận được các văn bản pháp lý có liên quan trong khoảng thời gian mười hai (12) tháng kể từ ngày Bên Rút lui có văn bản chính thức xin rút lui, NHÀ THẦU phải báo cáo PETROVIETNAM để giải quyết hoặc tuyên bố kết thúc hợp đồng. Trường hợp các Bên Nhà thầu còn lại không nhận Quyền lợi tham gia của Bên Rút lui thì PETROVIETNAM có quyền chấm dứt Hợp đồng bằng thông báo cho NHÀ THẦU trước chín mươi (90) ngày mà không phải bồi thường cho Nhà thầu bất kỳ tổn thất nào.

Điều 20.5. Quan hệ và trách nhiệm

20.5.1. Các quyền, bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của Các Bên theo Hợp đồng này sẽ là riêng rẽ, không chung và tách biệt. Mỗi Bên không chịu trách nhiệm chung và chịu trách nhiệm tách biệt để thanh toán bất kỳ khoản tiền tới hạn nào của bất kỳ Bên nào khác vì lý do hoạt động dầu khí được thực hiện theo Hợp đồng này. Mỗi Bên Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm riêng rẽ đối với Quyền lợi tham gia tương ứng trong các nghĩa vụ tương ứng của mình như quy định trong Hợp đồng và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi Quyền lợi tham gia tương ứng của mình đối với bất kỳ các khiếu nại, thiệt hại, phân xử hoặc phán quyết nào theo quy định trong Hợp đồng này.

20.5.2. NHÀ THẦU phải chịu trách nhiệm với PETROVIETNAM hoặc bất kỳ bên thứ ba nào đối với bất kỳ thiệt hại hoặc tổn thất nào, bao gồm ô nhiễm môi trường, phát sinh từ hoạt động dầu khí gây ra do Cố ý điều hành sai, sự bỏ qua không hành động và cẩu thả. Trong mọi trường hợp, NHÀ THẦU không chịu trách nhiệm đối với các tổn thất hoặc thiệt hại mang tính hệ quả.

Điều 20.6. Bảo mật

20.6.1. Trừ khi được quy định khác dưới đây, Hợp đồng này và toàn bộ các thông tin có được hoặc nhận được bởi bất kỳ Bên nào theo Hợp đồng này sẽ được giữ bí mật.

20.6.2. Không phụ thuộc vào quy định của Điều 20.6.1, Các Bên có thể sử dụng bất kỳ Thông tin mật nào vì mục đích chuẩn bị, công bố bất kỳ báo cáo và kê khai nào theo yêu cầu của pháp luật.

20.6.3. PETROVIETNAM có thể công bố bất kỳ thông tin nào về địa chất, khoa học và kỹ thuật có liên quan tới một diện tích đã được hoàn trả vào bất kỳ thời điểm nào sau khi hoàn trả.

20.6.4. PETROVIETNAM có thể tiết lộ Thông tin mật khi các tổ chức tài trợ hoặc các tư vấn của họ yêu cầu mà không cần phải có sự đồng ý trước bằng văn bản của NHÀ THẦU, ngoại trừ các thông tin về các bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ, bí quyết kỹ thuật, thiết kế, ý tưởng của NHÀ THẦU có được hoặc được phép sử dụng trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo Hợp đồng này.

20.6.5. NHÀ THẦU không được tiết lộ cho bên thứ ba Thông tin Mật nếu chưa được PETROVIETNAM đồng ý, sự đồng ý này sẽ không bị từ chối một cách vô lý trừ những trường hợp sau:

20.6.5.1. Do yêu cầu phải tiết lộ cho cơ quan tài phán theo luật pháp hoặc của các quy định của thị trường chứng khoán.

20.6.5.2. Cho Công ty chi nhánh, các cố vấn kỹ thuật của mình, bất kỳ tổ chức tài chính nào mà NHÀ THẦU đang tìm kiếm vốn vì mục đích thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng này và cho bên nhận chuyển nhượng tiềm năng đối với quyền lợi trong Hợp đồng này, với điều kiện rằng NHÀ THẦU phải có được cam kết bảo mật từ người tiếp nhận trước khi thông tin được tiết lộ và cung cấp cho PETROVIETNAM cam kết bảo mật đã ký.

20.6.5.3. Cho các nhà cung cấp, trong phạm vi cần thiết cho hoạt động dầu khí liên quan, với điều kiện rằng NHÀ THẦU phải có được cam kết bảo mật từ các nhà cung cấp đó trước khi thông tin được tiết lộ.

20.6.6. Các quy định nêu trên của Điều 20.6 này sẽ tiếp tục có hiệu lực sau khi Hợp đồng này kết thúc trong thời hạn năm (5) Năm.

Điều 20.7. Các thỏa thuận khác [phụ thuộc vào đàm phán]

Chương XXI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21.1. Hiệu lực

Hợp đồng này sẽ có hiệu lực vào và kể từ Ngày hiệu lực.

Điều 21.2. Tính toàn vẹn

Hợp đồng này là một thỏa thuận toàn vẹn giữa Các Bên liên quan đến đối tượng của Hợp đồng. Bất kỳ sửa đổi hoặc thay đổi nào của Hợp đồng này sẽ không có giá trị trừ khi sửa đổi hoặc thay đổi đó được thực hiện bằng văn bản và được các đại diện có thẩm quyền hợp pháp của Các Bên ký. Không một thỏa thuận nào trước đây mà Các Bên tham gia được coi là một phần của Hợp đồng này trừ khi được kết hợp một cách cụ thể bằng tham chiếu.

Điều 21.3. Sửa đổi và bổ sung

Các sửa đổi, bổ sung của Hợp đồng này được Các Bên thỏa thuận và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 21.4. Mâu thuẫn

Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy định của Hợp đồng và các Phụ lục thì các quy định của Hợp đồng này được ưu tiên áp dụng.

Điều 21.5. Khước từ

Mọi khước từ bất kỳ vi phạm nào của Hợp đồng này bởi một Bên sẽ không có hiệu lực trừ khi được lập thành văn bản và do một đại diện có thẩm quyền hợp lệ của Bên đó ký. Sự khước từ đó sẽ không ảnh hưởng đến các quyền của Các Bên đối với bất kỳ vi phạm nào khác.

Điều 21.6. Tính tách biệt của các điều khoản

Nếu bất kỳ điều khoản nào của Hợp đồng này trở nên vô hiệu hoặc không thể thực thi được, sự vô hiệu hoặc không thể thực thi đó sẽ không ảnh hưởng tới hiệu lực phần còn lại của Hợp đồng này. Các phần còn lại của Hợp đồng sẽ duy trì đầy đủ hiệu lực và giá trị như thể quy định vô hiệu hoặc không thể thực thi đó không phải là một phần của Hợp đồng này.

Điều 21.7. Thông cáo

Các Bên sẽ hợp tác trong việc chuẩn bị các tuyên bố thông cáo chung được đăng tin vào một thời gian thỏa thuận. Sau Ngày hiệu lực, mọi thông cáo về hoạt động dầu khí sẽ được ban hành thông qua NHÀ THẦU với sự phê duyệt của PETROVIETNAM.

Điều 21.8. Bản gốc và Ngôn ngữ

Hợp đồng này sẽ được làm thành [............................] (...) bản gốc: bao gồm [..............................] (...) bản bằng tiếng Việt và [.................................] (...) bản bằng tiếng Anh (hoặc tiếng nước ngoài thông dụng khác do Các Bên thỏa thuận); cả [....] (....) bằng cả hai ngôn ngữ sẽ có giá trị như nhau và đầy đủ hiệu lực và hiệu lực thi hành.

Người điều hành được phép sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong các văn bản giao dịch và trong ghi chép sổ sách kế toán, nhưng sẽ được dịch ra tiếng Việt đối với yêu cầu cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

CHỨNG KIẾN TẠI ĐÂY, Các Bên dưới đây đã lập và ký kết Hợp đồng này theo ngày, tháng, năm được ghi lần đầu trên đây.

TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Bởi: [....................................]

Tên: [....................................]

Chức danh: [....................................]

NHÀ THẦU

Bởi: [....................................]

Tên: [....................................]

Chức danh: [....................................]

ĐỂ THAM KHẢO

PHỤ LỤC B

THỂ THỨC KẾ TOÁN

HỢP ĐỒNG CHIA SẢN PHẨM DẦU KHÍ

LÔ .........

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

PHỤ LỤC B

THỂ THỨC KẾ TOÁN

Phần

Trang

1. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

2. PHÂN LOẠI, ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN BỔ CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

3. CHI PHÍ CÓ THỂ THU HỒI VÀ CHI PHÍ KHÔNG THỂ THU HỒI CỦA NHÀ THẦU

4. THU HỒI CHI PHÍ VÀ THỜI ĐIỂM THU HỒI CHI PHÍ

5. CÁC GHI CHÉP VÀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

6. BÁO CÁO KHAI THÁC

7. BÁO CÁO ĐỊNH GIÁ SẢN PHẨM

8. BÁO CÁO CÁC CHI TIÊU, CHI PHÍ CÓ THỂ THU HỒI VÀ GHI CÓ

9. BÁO CÁO DẦU THUẾ TÀI NGUYÊN VÀ KHÍ THUẾ TÀI NGUYÊN

10. BÁO CÁO THU HỒI CHI PHÍ

11. BÁO CÁO DẦU LÃI VÀ KHÍ LÃI

1. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 GIỚI THIỆU

Thể thức Kế toán này phải được áp dụng và tuân theo trong việc thực hiện nghĩa vụ của Các Bên theo Hợp đồng mà Thể thức Kế toán này là một Phụ lục của Hợp đồng đó.

Người Điều hành sẽ thay mặt NHÀ THẦU thực hiện các chức năng được quy định trong Thể thức Kế toán này.

Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa Hợp đồng và Thể thức Kế toán này, các quy định của Hợp đồng sẽ được áp dụng.

1.2 NGUYÊN TẮC

Các hoạt động kế toán sẽ được thực hiện theo quy định của Hợp đồng này và các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định hướng dẫn kế toán đối với các Người Điều hành tiến hành Hoạt động Dầu khí tại Việt Nam.

1.3 CÁC BÁO CÁO VÀ KÊ KHAI KẾ TOÁN

1.3.1. Các ghi chép và sổ sách kế toán sẽ được lập và lưu giữ trên Cơ sở Tích lũy phù hợp với quy định của Hợp đồng, các hệ thống và thể thức kế toán được công nhận và chấp nhận chung và phù hợp với Thông lệ Công nghiệp Dầu khí Quốc tế được Chấp nhận Chung.

1.3.2. NHÀ THẦU phải lập các báo cáo định kỳ liên quan đến Hoạt động Dầu khí như sau:

1.3.2.1. Báo cáo Khai thác (Phần 6);

1.3.2.2. Báo cáo Định giá Sản phẩm (Phần 7);

1.3.2.3. Báo cáo Chi tiêu, Chi phí có thể Thu hồi và Ghi có (Phần 8);

13.2.4. Báo cáo Dầu Thuế Tài nguyên và Khí Thuế Tài nguyên (Phần 9);

1.3.2.5. Báo cáo Thu hồi Chi phí (Phần 10);

1.3.2.6. Báo cáo Dầu Lãi và Báo cáo Khí Lãi (Phần 11);

1.3.2.7. Báo cáo quyết toán chi phí; và

1.3.2.8. Bảng Cân đối Kế toán.

1.3.3. Ngoài các ghi chép và báo cáo được quy định cụ thể tại Phần 1 này, NHÀ THẦU cũng phải chuẩn bị cho PETROVIETNAM các thông tin và dữ liệu mà PETROVIETNAM có thể yêu cầu một cách hợp lý và có liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ của NHÀ THẦU theo Hợp đồng, trong chừng mực mà các dữ liệu và thông tin đó được thu thập và lưu giữ.

1.3.4. Các báo cáo được đề cập tại các Khoản từ 1.3.2.3 đến 1.3.2.5 của Phụ lục này sẽ được lập, trình bày và lưu giữ trên cả Cơ sở Thực thanh và Cơ sở Tích lũy.

Để tính toán việc phân bổ Dầu khí và thuế theo Hợp đồng, Hệ thống Cơ sở Tích lũy sẽ được áp dụng. Để phục vụ mục đích xác nhận Chi phí Hoạt động Dầu khí của kiểm toán PETROVIETNAM theo Điều 11.2.2 của Hợp đồng. Hệ thống Cơ sở Thực thanh sẽ được sử dụng. Các Bên tại đây khẳng định và xác nhận rằng (i) Hệ thống Cơ sở Tích lũy và (ii) Hệ thống Cơ sở Thực thanh có ý nghĩa được nêu tại Khoản 1.5 của Phụ lục này. Báo cáo được đề cập tại các Khoản 1.3.2.3 đến 1.3.2.5 của Phụ lục này sẽ được lập, trình bày và lưu giữ trên Cơ sở Thực thanh với sự chuyển đổi từ Cơ sở Tích lũy sang Cơ sở Thực thanh với bằng chứng về các khoản tiền đã không nhận được hoặc chưa thanh toán bởi NHÀ THẦU có nêu rõ các khoản phải thu và các khoản phải trả.

1.4 NGÔN NGỮ VÀ ĐƠN VỊ KẾ TOÁN

1.4.1. Tất cả các sổ sách kế toán, dữ liệu về hoạt động, báo cáo và các thông tin trao đổi đều được lập bằng tiếng Anh và sẽ được ghi lại bằng Đô la Mỹ, Một hệ thống đơn vị nhất quán sẽ được sử dụng cho việc đo lường được yêu cầu theo Thể thức Kế toán này. Trường hợp cần thiết cho mục đích làm rõ, các đơn vị đo lường và tiền tệ khác có thể được duy trì trong các tài khoản và ghi chép. Trường hợp cần thiết theo yêu cầu cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các sổ sách kế toán, dữ liệu về hoạt động, báo cáo và các thông tin trao đổi sẽ được dịch sang tiếng Việt.

1.4.2. Thể thức Kế toán này có mục đích để cả PETROVIETNAM và NHÀ THẦU không hưởng lợi hoặc chịu lỗ từ việc chuyển đổi tiền tệ tương ứng với chi phí hoặc cho lợi ích tương ứng của Bên kia. Việc chuyển đổi tiền tệ được ghi nhận theo tỷ giá thực tế trong lần chuyển đổi đó. Nếu có bất kỳ khoản lợi nhuận hoặc thua lỗ nào phát sinh từ việc chuyển đổi tiền tệ, thì khoản lợi nhuận hoặc thua lỗ đó sẽ được ghi có hoặc ghi nợ vào các tài khoản theo Hợp đồng.

1.4.3. Phụ thuộc vào Khoản 1.4.2 của Phụ lục này, các khoản tiền thu và chi phí được thực hiện bằng tiền Đồng hoặc bằng các loại tiền tệ khác Đô la Mỹ sẽ được ghi nhận bằng Đô la Mỹ dựa trên cơ sở tỷ giá chuyển đổi thực tế hoặc, nếu không chuyển đổi, dựa trên giá trị trung bình của các tỷ giá mua và bán do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (“VCB”) công bố vào ngày đầu tiên của tháng có phát sinh giao dịch. Ngoại trừ các nội dung được quy định trên đây, các bút toán được ghi nhận bằng tiền Đồng hoặc các loại tiền tệ khác Đô la Mỹ sẽ được ghi nhận bằng Đô la Mỹ dựa trên tỷ giá do VCB công bố vào ngày đầu tiên của tháng thực hiện bút toán đó.

1.5 ĐỊNH NGHĨA

Các thuật ngữ xuất hiện trong Thể thức Kế toán này mà đã được định nghĩa trong Hợp đồng sẽ có cùng nghĩa như đã được định nghĩa trong Hợp đồng. Một số thuật ngữ cụ thể được sử dụng trong Thể thức Kế toán này được định nghĩa như sau:

1.5.1. “Tài sản” nghĩa là bất kỳ hạng mục nào trị giá hơn ba mươi triệu Đồng (30.000.000 VNĐ) hoặc một nghìn ba trăm Đô la Mỹ (1.300 USD), và có tuổi thọ sử dụng hơn một (1) năm.

1.5.2. “Hệ thống Cơ sở Tích lũy” hoặc “Cơ sở Tích lũy” nghĩa là hệ thống cơ sở tích lũy của thu nhập và chi phí ghi nhận thu nhập khi được hưởng và nghĩa vụ đối với chi phí khi phát sinh.

1.5.3. “Hệ thống Cơ sở Thực thanh” hoặc “Cơ sở Thực thanh” nghĩa là hệ thống cơ sở thực thanh của thu nhập và chi phí ghi nhận thu nhập khí được hưởng bằng tiền mặt, hoặc tương đương tiền mặt, và các chi phí khi thanh toán.

1.5.4. “Báo cáo Thu hồi Chi phí” nghĩa là báo cáo được nêu tại Phần 10.

1.5.5. “Chi phí Phát triển” nghĩa là các chi phí được nêu tại Khoản 2.2 của Phụ lục này.

1.5.6. “Chi phí Tìm Kiếm Thăm dò” nghĩa là các chi phí được nêu tại Khoản 2.1 của Phụ lục này.

1.5.7. “G&A” nghĩa là Chi phí Chung và Chi phí Hành chính,

1.5.8. “Chi phí Chung và Chi phí Hành chính” nghĩa là các chi phí được nêu tại Khoản 2.4 của Phụ lục này.

1.5.9. “Tài sản Cố định” nghĩa là tất cả các Tài sản không được định nghĩa là Tài sản Lưu động.

1.5.10. “Tài sản Lưu động” bao gồm các Tài sản như công cụ khai thác và khoan trên bề mặt và/hoặc dưới lòng đất, thiết bị và phương tiện, xà lan, tầu nổi, thiết bị tự động, máy bay, thiết bị xây dựng, đồ đạc, thiết bị văn phòng và các thiết bị khác.

1.5.11. “Chi phí Khai thác” nghĩa là các chi phí được nêu tại Khoản 2.3 của Phụ lục này.

1.5.12. “Báo cáo Khai thác” nghĩa là báo cáo được nêu tại Phần 6.

1.5.13. “Báo cáo Khí Lãi” nghĩa là báo cáo được nêu tại Phần 11.

1.5.14. “Báo cáo Dầu Lãi” nghĩa là báo cáo được nêu tại Phần 11.

1.5.15. “Phần” là một phần của Thể thức Kế toán này, trừ trường hợp được quy định cụ thể khác.

1.5.16. “Báo cáo Chi tiêu, Chi phí có thể Thu hồi và Ghi có” nghĩa là báo cáo được nêu tại Phần 8.

1.5.17. “Báo cáo Dầu Thuế Tài nguyên và Khí Thuế Tài nguyên” nghĩa là báo cáo được nêu tại Phần 9.

1.5.18. “Báo cáo Định giá Sản phẩm” nghĩa là báo cáo được nêu tại Phần 7.

1.5.19. “Khoản” nghĩa là một khoản trong Thể thức Kế toán này, trừ trường hợp được quy định cụ thể khác.

2. PHÂN LOẠI, ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN BỔ CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Tất cả chi phí và phí tổn liên quan đến Hoạt động Dầu khí sẽ được coi là Chi phí Hoạt động Dầu khí như được giải thích và định nghĩa rõ hơn tại các Khoản 2.1 đến 2.5 (bao gồm cả Khoản 2.1 và Khoản 2.5) của Phụ lục này và tại Phần 3 (trừ những chi phí được loại một cách rõ ràng ra khỏi chi phí thu hồi theo Khoản 3.2 của Phụ lục này). Chi phí Hoạt động Dầu khí được phân loại và quy định chi tiết như sau:

2.1 CHI PHÍ TÌM KIẾM THĂM DÒ

Chi phí Tìm kiếm Thăm dò” là tất cả các chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp được phân bổ gánh chịu trong quá trình tìm kiếm Dầu khí bao gồm, nhưng không giới hạn ở:

2.1.1. Việc thu thập các dữ liệu địa vật lý, địa hóa học, địa chất và trắc địa, bao gồm cả việc xử lý, tái xử lý và minh giải các dữ liệu đó;

2.1.2. nhân công, vật tư, vật tư mua dự trữ, thiết bị và dịch vụ được sử dụng trong việc khoan các Giếng Tìm kiếm Thăm dò;

2.1.3. một phần chi phí (như được định nghĩa tại Khoản 2.4 của Phụ lục này) được phân bổ cho Chi phí Tìm kiếm Thăm dò theo thông lệ kế toán dầu khí quốc tế tiêu chuẩn; và

2.1.4. phụ thuộc vào Điều 2.2.2 của Hợp đồng, bất kỳ khoản chi phí nào khác phát sinh trong quá trình tìm kiếm Dầu khí sau (hoặc, nếu có được chấp thuận của PETROVIETNAM, trước) Ngày Hiệu lực, nhưng trước ngày Khai thác Thương mại trên Diện tích Phát triển có liên quan, bao gồm cả các chi phí thẩm lượng và không được đề cập tại Khoản 2.2 của Phụ lục này.

2.2 CHI PHÍ PHÁT TRIỂN

Chi phí Phát triển” là tất cả các chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp được phân bổ gánh chịu trong quá trình phát triển một hoặc nhiều vỉa Dầu khí trong một Diện tích Phát triển và tất cả các hệ thống bao tiêu, xử lý và/hoặc vận chuyển kèm theo, bao gồm, nhưng không giới hạn ở:

2.2.1. Việc khoan các Giếng, ngoài các Giếng Thầm lượng, được hoàn thành như là các Giếng khai thác và việc khoan các Giếng nhằm mục đích khai thác từ một vỉa Dầu khí bất kể các Giếng đó khô hoặc khai thác được hoặc dùng để bơm ép nước hoặc Khí Thiên nhiên hoặc bất kỳ khí nào khác nhằm nâng cao việc thu hồi Dầu khí;

2.2.2. hoàn thiện các Giếng bằng cách lắp đặt ống chống hoặc thiết bị hoặc bằng cách khác sau khi Giếng được khoan để đưa Giếng đó vào sử dụng như Giếng khai thác hoặc Giếng dùng để bơm ép nước hoặc Khí Thiên nhiên hoặc bất kỳ khí, chất lỏng hoặc chất rắn nào khác nhằm nâng cao việc thu hồi Dầu khí;

2.2.3. chi phí khoan vô hình như lao động, vật tư tiêu hao và các dịch vụ không có giá trị tận dụng lại mà phát sinh trong quá trình khoan và khoan sâu thêm các Giếng cho các mục đích nêu tại các Khoản 2.2.1 và 2.2.2 của Phụ lục này;

2.2.4. các chi phí cho những phương tiện tại mỏ như đường ống, ống dẫn, tổ hợp khai thác và xử lý, thiết bị đầu giếng, thiết bị ngầm, hệ thống thu hồi tăng cường, các giàn ngoài khơi, phương tiện nén, hệ thống nạp ngoài khơi kể cả các tàu chứa, phương tiện tàng trữ Dầu khí, các cầu tầu và cảng xuất hàng, hải cảng, sân bay và các phương tiện có liên quan, và các đường ra vào cho các hoạt động khai thác;

2.2.5. nghiên cứu khả thi, thiết kế công nghệ và thiết kế mô hình cho các phương tiện được nêu tại Khoản 2.2.4 của Phụ lục này; và

2.2.6. một phần chi phí (như đề cập tại Khoản 2.4 của Phụ lục này) được phân bổ vào chi phí phát triển theo thông lệ kế toán dầu khí quốc tế tiêu chuẩn.

2.3 CHI PHÍ KHAI THÁC

Chi phí Khai thác” là tất cả các chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp được phân bổ gánh chịu trong quá trình khai thác Dầu Thô và Khí Thiên nhiên trong Diện tích Hợp đồng mà không phải là Chi phí Tìm kiếm Thăm dò và Chi phí Phát triển, bao gồm cả phần chi phí G&A (như được định nghĩa tại Khoản 2.4 của Phụ lục này) có thể được phân bổ vào và áp dụng đối với chi phí khai thác.

2.4 CHI PHÍ CHUNG VÀ CHI PHÍ HÀNH CHÍNH (“G&A”)

Chi phí chung và chi phí hành chính nghĩa là tất cả các chi phí sau:

2.4.1. G&A tại Việt Nam là tất cả các chi phí quản lý, hành chính và chi phí chung trực tiếp phát sinh tại văn phòng đại diện và các văn phòng thực địa của Người Điều hành tại Việt Nam bao gồm, nhưng không giới hạn ở các dịch vụ giám sát, kế toán, pháp lý, kỹ thuật và liên quan đến lao động.

G&A phát sinh ngoài Việt Nam là tất cả các chi phí quản lý, hành chính và chi phí chung do Người Điều hành và các Chi nhánh của Người Điều hành gánh chịu ở ngoài Việt Nam và liên quan trực tiếp đến Hoạt động Dầu khí bao gồm, nhưng không giới hạn ở các dịch vụ giám sát, kế toán, pháp lý, kỹ thuật và liên quan đến lao động. Việc phân bổ các chi phí này vào Chi phí Hoạt động Dầu khí phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Khoản 3.1.4.2 của Phụ lục này.

2.4.2. Chi phí Quản lý Chung của Người Điều hành:

Các Chi phí Quản lý Chung của Người Điều hành đối với Hoạt động Dầu khí theo Thể thức Kế toán này sẽ được tính là Chi phí Hoạt động Dầu khí hàng tháng. Khoản phí này áp dụng đối với hoạt động tư vấn, dịch vụ và trợ giúp có tính chất chung mà không được tính trực tiếp vào Chi phí Hoạt động Dầu khí bằng bất kỳ cách nào khác và sẽ được trả theo tỷ lệ sau đây đối với tổng Chi phí Hoạt động Dầu khí (không bao gồm G&A thuộc Khoản 2.4.2 của Phụ lục này) tính cho Hoạt động Dầu khí trong Năm:

Đối với năm (05) Triệu Đô la Mỹ đầu tiên cho mỗi Năm

5%

Đối với ba (03) Triệu Đô la Mỹ tiếp theo cho mỗi Năm

3%

Đối với hai (02) Triệu Đô la Mỹ tiếp theo cho mỗi Năm

2%

Trên mười (10) Triệu Đô la Mỹ cho mỗi Năm

1%

Nếu trong một Năm bất kỳ, khoản tiền tính cho các dịch vụ này trên cơ sở tỷ lệ phần trăm nêu trên ít hơn một trăm nghìn Đô la Mỹ (100.000 USD), thì khoản tiền đó sẽ được tăng lên đến một trăm nghìn Đô la Mỹ (100.000 USD), ngoại trừ cho Năm đầu tiên và Năm cuối cùng, khi đó một trăm nghìn Đô la Mỹ (100.000 USD) tối thiểu đó được chia theo tỷ lệ số tháng trong Năm tương ứng.

2.4.3. Phân bổ “G&A

Tất cả “G&A” sẽ được phân bổ và được chia định kỳ như quy định tại các Khoản 2.1.3, 2.2.6 và 2.3 của Phụ lục này cho Chi phí Tìm Kiếm Thăm dò, Chi phí Phát triển và Chi phí Khai thác một cách tương ứng.

2.5 CHI PHÍ CHUNG

Chi phí Phát triển và Chi phí Khai thác phát sinh liên quan đến các phương tiện sử dụng trong hơn một Diện tích Phát triển sẽ được chia cho các Diện tích Phát triển này có tính đến mức sử dụng ước tính của mỗi Diện tích Phát triển dựa trên cơ sở sẽ được thỏa thuận giữa NHÀ THẦU và PETROVIETNAM.

Trong trường hợp Dầu Thô và Khí Thiên nhiên được khai thác từ một Phát hiện Thương mại trong Diện tích Hợp đồng, và trong phạm vi việc xác định phân bổ Chi phí Hoạt động Dầu khí đối với sản lượng Dầu Thô hoặc Khí Thiên nhiên là khó khăn và không thực tế, thì Chi phí Hoạt động Dầu khí phát sinh sẽ được phân bổ đối với sản lượng Dầu Thô hoặc Khí Thiên nhiên trên cơ sở doanh thu tương đối từ sản lượng Dầu Thô và Khí Thiên nhiên một cách tương ứng.

3. CHI PHÍ CÓ THỂ THU HỒI VÀ CHI PHÍ KHÔNG THỂ THU HỒI CỦA NHÀ THẦU

3.1 CHI PHÍ CÓ THỂ THU HỒI

Phụ thuộc vào các quy định của Hợp đồng, NHÀ THẦU sẽ gánh chịu và thanh toán các chi phí và phí tổn sau đây liên quan đến Hoạt động Dầu khí theo Hợp đồng. Những chi phí và phí tổn nêu trên được thanh toán theo các Khoản từ 3.1.1 đến 3.1.9 (bao gồm cả Khoản 3.1.1 và Khoản 3.1.9) của Phụ lục này hoặc các phí tổn khác phát sinh theo Khoản 3.1.10 dưới đây sẽ được phân loại theo các đề mục được tham chiếu tới trong Phần 2 và số được thu hồi theo thể thức được xác định tại Chương VI của Hợp đồng.

3.1.1 QUYỀN VỀ BỀ MẶT

Tất cả các chi phí trực tiếp phát sinh từ việc đạt được, gia hạn hoặc từ bỏ các quyền về bề mặt có được sau Ngày Hiệu lực và được duy trì trong Diện tích Hợp đồng.

3.1.2 CHI PHÍ NHÂN CÔNG VÀ CÁC CHI PHÍ LIÊN QUAN

3.1.2.1. Tổng số tiền lương và tiền công bao gồm cả tiền công bổ sung và phụ cấp cho các nhân viên của Người Điều hành và các Chi nhánh đã trực tiếp tham gia vào Hoạt động Dầu khí, bất kể nơi làm việc của các nhân viên đó, được hiểu rằng, trong trường hợp nếu những nhân viên này chỉ cống hiến một phần chứ không phải toàn bộ thời gian của họ cho Hoạt động Dầu khí, thì chỉ được tính phần tiền lương và tiền công áp dụng theo tỉ lệ thời gian.

3.1.2.2. Tất cả các nhân viên, ngoại trừ nhân viên văn phòng và nhân viên không chuyên nghiệp, mà tham gia vào Hoạt động Dầu khí và các chi phí nhân viên của những người này có thể thu hồi theo Khoản 3.1.2.1 của Phụ lục này sẽ duy trì các bảng chấm công hoặc cơ sở phân bổ hợp lý khác nhằm mục đích tính các chi phí nhân công đó. Những bảng chấm công này sẽ ghi thời gian làm việc cho Hoạt động Dầu khí cho dù các nhân viên liên quan có dành toàn bộ hay chỉ một phần thời gian cho Hoạt động Dầu khí và sẽ thể hiện toàn bộ thời gian làm việc cho các dự án khác nhau cấu thành Hoạt động Dầu khí.

3.1.2.3. Chi phí của Người Điều hành đối với các khoản thanh toán ngày nghỉ lễ, nghỉ phép, nghỉ ốm và mất khả năng lao động và các khoản thanh toán trợ cấp thôi việc theo hợp đồng hoặc các khoản thanh toán theo yêu cầu của pháp luật áp dụng đối với tiền lương và tiền công được tính theo Khoản 3.1.2.1 của Phụ lục này.

3.1.2.4. Các chi phí hoặc khoản đóng góp được thực hiện theo các mức ấn định hoặc nghĩa vụ được áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam áp dụng đối với chi phí tiền lương và tiền công của Người Điều hành được tính theo Khoản 3.1.2.1 của Phụ lục này.

3.1.2.5. Chi phí của Người Điều hành đối với các chương trình bảo hiểm nhân thọ, viện phí, lương hưu và các khoản phúc lợi khác có tính chất tương tự thường được cấp cho nhân viên của Người Điều hành.

3.1.2.6. Chi phí đi lại và chi phí cá nhân hợp lý của nhân viên của Người Điều hành và gia đình họ bao gồm cả các chi phí trả cho việc chuyển vùng và nghỉ hàng năm của nhân viên nước ngoài và gia đình họ được cử tới Việt Nam, tất cả các chi phí này đều phù hợp với chính sách và thể thức của Người Điều hành.

3.1.2.7. Tất cả các khoản thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam áp dụng đối với nhân viên nước ngoài của Người Điều hành và được Người Điều hành khấu trừ hoặc thanh toán hoặc hoàn trả bằng cách khác.

3.1.2.8. Người Điều hành sẽ tính chi phí cho Hoạt động Dầu khí theo mức đơn vị hoặc mức giờ công thông thường đối với các dịch vụ do Người Điều hành hoặc các Chi nhánh của Người Điều hành cung cấp ở ngoài Việt Nam. Mức này sẽ bao gồm mọi chi phí nhân viên được trả bao gồm nhưng không giới hạn ở các Khoản 3.1.2.1, 3.1.2.2, 3.1.2.3, 3.1.2.4, 3.1.2.5 và 3.1.2.7 của Phụ lục này và phù hợp với Khoản 3.1.4.2 của Phụ lục này.

3.13 VẬN CHUYỂN

Các chi phí liên quan đến vận chuyển nhân viên, thiết bị, vật tư và cung ứng cần thiết để tiến hành Hoạt động Dầu khí (bao gồm cả, nếu được áp dụng, chi phí đóng bao bì, xử lý, môi giới và bảo hiểm) nếu không được thu hồi theo bất kỳ quy định nào khác trong Thể thức Kế toán này.

3.1.4 PHÍ DỊCH VỤ

3.1.4.1. Chi phí thực tế của các hợp đồng cho các dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ khác do Người Điều hành ký kết liên quan đến Hoạt động Dầu khí và được thực hiện với các bên thứ ba (bao gồm các Bên Nhà thầu nhưng không bao gồm Người Điều hành) không phải là Chi nhánh của Người Điều hành.

3.1.4.2. Trong trường hợp các dịch vụ để hỗ trợ Hoạt động Dầu khí được cung cấp bởi một Chi nhánh của Người Điều hành, thì các khoản phí sẽ được tính dựa trên chi phí thực tế không có lãi cho Người Điều hành. Các khoản phí không được vượt quá giá mà Chi nhánh tính với các bên thứ ba đối với các dịch vụ có thể so sánh theo các điều khoản và điều kiện tương tự ở bất kỳ nơi nào khác. Nếu được yêu cầu, Người Điều hành sẽ cung cấp xác nhận hàng năm do kiểm toán viên độc lập của Chi nhánh cấp (kiểm toán viên độc lập đó là công ty kiểm toán công được quốc tế công nhận) xác nhận rằng việc tính toán các mức được sử dụng trong việc xác định các phí không bao gồm bất kỳ yếu tố lợi nhuận nào và rằng các phí đó được tính toán theo các thông lệ kế toán được áp dụng thống nhất của Chi nhánh đó và được tính theo cách không phân biệt đối xử, theo hệ thống tính tiêu chuẩn của Chi nhánh đó, Các dịch vụ đó sẽ được cung cấp trong phạm vi các hợp đồng dịch vụ giữa Người Điều hành và Chi nhánh liên quan.

3.1.4.3. Chi phí thực tế mà Người Điều hành phải gánh chịu để minh giải, tái xử lý, kiểm tra và mua dữ liệu địa chấn từ PETROVIETNAM trước Ngày Hiệu lực với chấp thuận bằng văn bản của PETROVIETNAM.

3.1.5 VẬT TƯ

3.1.5.1. Quy định chung

Trong phạm vi có thể thực hiện và nhất quán với việc hoạt động có hiệu quả và kinh tế, NHÀ THẦU sẽ chỉ mua hoặc cung cấp để sử dụng cho các hoạt động theo Hợp đồng các loại vật tư như có thể cần thiết cho việc sử dụng trong một tương lai có thể dự đoán trước một cách hợp lý và để tránh việc tích lũy hàng tồn kho.

3.1.5.2. Bảo hành vật tư

NHÀ THẦU không bảo hành vật tư được cung cấp ngoài mức bảo đảm của các nhà cung cấp hay nhà sản xuất và, trong trường hợp vật tư hay thiết bị có khuyết tật, thì bất kỳ điều chỉnh nào mà NHÀ THẦU nhận được từ nhà cung cấp/nhà sản xuất hay đại lý của họ sẽ được ghi có vào Chi phí Hoạt động Dầu khí theo Hợp đồng.

3.1.5.3. Trị giá của vật tư được tính vào Chi phí Hoạt động Dầu khí theo Hợp đồng

Trừ khi được quy định khác tại Khoản 3.1.5.4 của Phụ lục này, vật tư do NHÀ THẦU mua để sử dụng trong Hoạt động Dầu khí sẽ được định giá theo giá hóa đơn trừ đi chiết khấu thương mại (nếu có) cộng với phí mua và cung ứng, cước vận chuyển và các chi phí giao nhận giữa điểm cung cấp và điểm nhận hàng, tiền cước vận chuyển đến cảng nhận, phí bảo hiểm, các khoản thuế, thuế hải quan (nếu có), phí lãnh sự và các khoản khác áp dụng đối với vật tư nhập khẩu, và tùy trường hợp, chi phí bốc dỡ và vận chuyển từ điểm nhập khẩu đến kho hàng hay hiện trường.

3.1.5.4. Vật tư mua từ các Chi nhánh

Vật tư mua từ các Chi nhánh của NHÀ THẦU sẽ được tính theo giá được quy định tại Khoản 3.1.5.4.1 và Khoản 3.1.5.4.2 của Phụ lục này một cách thích ứng.

3.1.5.4.1. Vật tư mới (Điều kiện “A”) được định giá theo giá thấp hơn giữa giá của Chi nhánh của NHÀ THẦU hoặc giá quốc tế hiện hành.

3.1.5.4.2. Vật tư đã qua sử dụng (Điều kiện “B” và “C”):

3.1.5.4.2.1. vật tư còn trong tình trạng tốt, sử dụng được và thích hợp cho việc tái sử dụng mà không cần phải tân trang sẽ được xếp loại là Điều kiện “B” và được định giá không cao hơn bảy mươi lăm phần trăm (75%) giá vật tư mới được quy định tại Khoản 3.1.5.4.1 của Phụ lục này.

3.1.5.4.2.2. vật tư không thể xếp loại là Điều kiện “B” nhưng sau khi tân trang vẫn còn sử dụng được như chức năng ban đầu như vật tư đã qua sử dụng còn tốt, hoặc có thể sử dụng được như chức năng ban đầu nhưng về cơ bản không thích hợp để tân trang, sẽ được xếp loại là Điều kiện “C” và được định giá không cao hơn năm mươi phần trăm (50%) giá của vật tư mới được quy định trong Khoản 3.1.5.4.1 của Phụ lục này. Bất kỳ chi phí tân trang nào sẽ được tính vào vật tư đã tân trang với điều kiện là giá trị vật tư theo Điều kiện “C” cộng với chi phí tân trang không vượt quá trị giá của vật tư theo Điều kiện “B” cùng chủng loại.

3.1.5.4.2.3. vật tư không thể xếp loại là Điều kiện “B” hoặc Điều kiện “C” nhưng có thể được sử dụng mà không cần phải tân trang cho mục đích hoạt động khác với chức năng ban đầu của Người Điều hành sẽ được định giá không cao hơn bảy mươi lăm phần trăm (75%) giá vật tư mới phục vụ mục đích thực sử dụng của Người Điều hành quy định tại Khoản 3.1.5.4.1 của Phụ lục này.

3.1.6 TIỀN THUÊ, THUẾ QUAN VÀ CÁC ĐỊNH THUẾ KHÁC

Bất kỳ khoản tiền thuê, khoản thuế (bao gồm thuế giá trị gia tăng), các khoản thuế hải quan và xuất khẩu, khoản nộp bắt buộc, phí tổn, phí, khoản đóng góp và bất kỳ định thuế và phí nào khác do Chính phủ đặt ra liên quan đến Hoạt động Dầu khí trong phạm vi mà NHÀ THẦU phải trả và không được PETROVIETNAM hoàn lại cho NHÀ THẦU. Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế Tài nguyên, thuế xuất khẩu đánh vào Dầu Thô của NHÀ THẦU trong mọi trường hợp đều không phải là chi phí có thể thu hồi của NHÀ THẦU.

3.1.7 BẢO HIỂM VÀ TỔN THẤT

Các khoản phí và chi phí bảo hiểm, trừ đi bất kỳ khoản hoa hồng, giảm giá và chiết khấu, không kể khoản chiết khấu tiền mặt gánh chịu cho bảo hiểm, với điều kiện là việc bảo hiểm đó là thông lệ và đem lại sự bảo vệ thận trọng đối với các rủi ro. Nếu bảo hiểm đó được cung cấp toàn bộ hay một phần cho một Chi nhánh của NHÀ THẦU, thì phí bảo hiểm và phí tổn đó chỉ có thể thu hồi trong phạm vi được tính chung bởi các công ty bảo hiểm cạnh tranh ngoài Chi nhánh nói trên của NHÀ THẦU.

Phí tổn và tổn thất gánh chịu nhưng không thể thu hồi theo các hợp đồng bảo hiểm mua theo Hợp đồng này, trong bất kỳ trường hợp nào, sẽ được thu hồi ngoại trừ trong các trường hợp khi các phí tổn và tổn thất đó phát sinh từ việc Cố ý Điều hành Sai của NHÀ THẦU như được nêu tại Điều 20.5.2. của Hợp đồng.

3.1.8 CÁC CHI PHÍ PHÁP LÝ

Tất cả phí tổn và chi phí kiện tụng và các dịch vụ pháp lý hoặc dịch vụ có liên quan cần thiết hay có lợi cho việc bảo đảm, hoàn thiện, giữ lại và bảo vệ Diện tích Hợp đồng, để tiến hành Hoạt động Dầu khí, và để bào chữa hay khởi tố các vụ kiện, xét xử trọng tài hay các thủ tục giải quyết tranh chấp thay thế khác liên quan đến Hoạt động Dầu khí và/hoặc Hợp đồng, hay bất kỳ khiếu nại của bên thứ ba nào liên quan đến Hoạt động Dầu khí và/hoặc Hợp đồng, hay các khoản tiền thanh toán liên quan đến các dịch vụ pháp lý cần thiết hay có lợi cho việc bảo vệ và tư vấn về quyền lợi của PETROVIETNAM và/hoặc NHÀ THẦU. Trường hợp các dịch vụ pháp lý về các vấn đề trên được các luật sư hưởng lương của Người Điều hành hay một Chi nhánh của Người Điều hành cung cấp, thì phí tổn và chi phí của các dịch vụ pháp lý đó sẽ được phân loại phù hợp với Khoản 3.1.2 hoặc Khoản 3.1.4 của Phụ lục này, tùy trường hợp.

3.1.9 CHI PHÍ CHUNG VÀ CHI PHÍ HÀNH CHÍNH

Tất cả các chi phí được nêu trong Khoản 2.4 của Phụ lục này.

3.1.10 CÁC CHI PHÍ KHÁC

3.1.10.1 bất kỳ khoản chi phí nào không phải là chi phí được đề cập bởi các quy định trên đây của Phần 3 này, do NHÀ THẦU trả theo Ngân sách đã được phê duyệt hoặc do Ủy ban Quản lý phê duyệt bằng cách nào khác cho dù nội dung chi tiết của các chi phí đó có thể không được nêu trong các báo cáo hay thông tin trước đó;

3.1.10.2. phụ thuộc vào các phê chuẩn được quy định trong Hợp đồng hoặc do Ủy ban Quản lý phê duyệt bằng cách khác, bất kỳ chi phí nào do NHÀ THẦU gánh chịu để tiến hành các Hoạt động Dầu khí cần thiết và thích đáng phù hợp với Thông lệ Dầu khí Quốc tế được Chấp nhận Chung;

3.1.10.3. chi phí nghiên cứu và phát triển các thiết bị, vật tư và kỹ thuật mới để sử dụng cho việc thăm dò, phát triển và khai thác Dầu khí;

3.1.10.4. chi phí xây dựng, bảo trì, tiền thuê, khoản thanh toán trước và tiền đặt cọc đã trả cho văn phòng, nhà ở, kho tàng, chi phí thiết bị, đồ đạc, xe cộ, máy vi tính, phần mềm và chi phí bảo trì của các mục nói trên;

3.1.10.5. bất kỳ khoản thanh toán nào được thực hiện theo Điều 2.2.3 của Hợp đồng.

3.1.10.6. tất cả các chi phí liên quan trực tiếp đến Hoạt động Thu dọn;

3.1.10.7. văn phòng khu vực, lều trại, và các thiết bị phụ;

3.1.10.8. sinh thái và môi trường (bao gồm bất kỳ khoản thanh toán nào được thực hiện theo Điều 5.1.2.6 của Hợp đồng);

3.1.10.9. nghiên cứu và phát triển;

3.1.10.10. chi phí giáo dục, đào tạo và các chi phí tiện ích;

3.1.10.11. chi phí kết thúc dự án; và

3.1.10.12. các khoản thuế và phí khác, nếu có, đối với việc vận chuyển, lưu trữ, xử lý và bán Dầu khí trong trường hợp Dầu khí không được bán tại đầu giếng.

3.2 CHI PHÍ KHÔNG THỂ THU HỒI THEO HỢP ĐỒNG

3.2.1. các chi phí gánh chịu trước Ngày Hiệu lực trừ khi được quy định hoặc thỏa thuận khác đi một cách cụ thể;

3.2.2. các khoản phạt tiền hình sự hoặc hình phạt (bao gồm nhưng không giới hạn tiền phạt bắt buộc) do Chính phủ, hoặc một cơ quan của Chính phủ quyết định;

3.2.3. bất kỳ các chi phí, phí hoặc phí tổn nào bao gồm nhưng không giới hạn ở bất kỳ các khoản tài trợ và cho tặng liên quan đến quan hệ công chúng hoặc nâng cao hình ảnh công ty và tăng lợi ích cho công ty của NHÀ THẦU ngoại trừ các chi phí đóng góp mà đã được PETROVIETNAM chấp thuận;

3.2.4. tất cả các khoản thuế đối với thu nhập hoặc lợi nhuận của NHÀ THẦU, thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu theo bất kỳ pháp luật được áp dụng nào; hoặc bất kỳ các phí tổn liên quan phát sinh trực tiếp hoặc theo cách khác (bao gồm cả các phí tổn phát sinh liên quan đến việc chuẩn bị và nộp tờ kê khai thuế, các tài khoản liên doanh để báo cáo công ty và phí trả cho tư vấn thuế);

3.2.5. các chi phí, tổn thất hoặc thiệt hại gánh chịu hoặc bất kỳ trách nhiệm nào phải chịu do bất kỳ Cố ý Điều hành Sai của NHÀ THẦU đã được chứng minh và được dẫn chiếu đến tại Điều 20.5.2 của Hợp đồng, bao gồm bất kỳ khoản tiền nào được trả để giải quyết bất kỳ khiếu nại nào cáo buộc việc Cố ý Điều hành Sai cho dù việc Cố ý Điều hành Sai đó có được thừa nhận hay không, hoặc khoản tiền đó có được tuyên bố là được thanh toán trên cơ sở thiện chí hoặc cơ sở tương tự hay không;

3.2.6. các chi phí thay thế và/hoặc sửa chữa đối với các tài sản hoặc các bất động sản khác mà không được bảo hiểm hoặc bảo hiểm dưới chuẩn và dẫn đến trách nhiệm pháp lý đối với các bên thứ ba trên cơ sở chịu trách nhiệm bất kể có lỗi hay không, trong mỗi trường hợp mà NHÀ THẦU đã không bảo hiểm hoặc bảo hiểm với số tiền ít hơn số tiền đã được Ủy ban Quản lý thông qua;

3.2.7. phí kiểm toán và phí kế toán (trừ các khoản phí và các chi phí gánh chịu cho việc thực hiện các dịch vụ kiểm toán và kế toán được yêu cầu bởi Hợp đồng) gánh chịu theo các yêu cầu về kiểm toán và kế toán của bất kỳ pháp luật được áp dụng nào và tất cả các chi phí và phí tổn gánh chịu liên quan đến các yêu cầu về báo cáo doanh nghiệp trong nội bộ công ty (cho dù pháp luật có yêu cầu hay không);

3.2.8. bất kỳ các chi phí và phí nào liên quan đến việc thành lập bất kỳ công ty có liên quan nào hoặc bất kỳ hợp danh hoặc thỏa thuận liên doanh nào;

3.2.9. thanh toán bồi thường hoặc bồi thường thiệt hại theo Hợp đồng ngoại trừ các bồi thường hoặc bồi thường thiệt hại liên quan đến Hoạt động Dầu khí (trừ khi được PETROVIETNAM chấp thuận khác đi);

3.2.10. bất kỳ các chi phí và phí nào đối với việc điều hành tập trung hoặc văn phòng chính của NHÀ THẦU hoặc bất kỳ công ty liên quan nào của NHÀ THẦU cho dù trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến nhưng không giới hạn ở bất kỳ việc sáp nhập, tái cơ cấu và/hoặc hợp nhất công ty trừ khi được PETROVIETNAM chấp thuận;

3.2.11. tất cả các chi phí, phí tổn và phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp (không phải là các tranh chấp liên quan đến Hoạt động Dầu khí) bao gồm tất cả các chi phí và phí tổn phân xử trọng tài hoặc kiện tụng phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng (cho dù có thắng kiện hay không) mà không được PETROVIETNAM chấp thuận trước;

3.2.12. bất kỳ chi phí nào phát sinh mà không liên quan đến Hoạt động Dầu khí hoặc về các vấn đề hoặc các hoạt động vượt ngoài Điểm Giao nhận;

3.2.13. các chi phí mà không có chứng từ hoặc chứng minh đầy đủ;

3.2.14. tất cả các chi phí và phí tổn trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hoặc gắn liền với việc đào tạo nhân viên người nước ngoài;

3.2.15. bất kỳ thanh toán nào theo Chương IX “Hoa hồng và Phí Tài liệu” (bao gồm cả phí ngân hàng và hoa hồng) hoặc chi phí đào tạo theo Chương X của Hợp đồng;

3.2.16. bất kỳ chi phí nào phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc huy động vốn để tài trợ cho Hoạt động Dầu khí và các loại phí và chi phí phụ khác liên quan đến việc đó được huy động bằng bất kỳ phương thức nào; và chi phí đó bao gồm tiền lãi ngoại trừ như được quy định hoặc thỏa thuận khác đi một cách cụ thể, phí ngân hàng, hoa hồng, phí và môi giới;

3.2.17. chi phí hoạt động đối với các hạng mục không được bao gồm trong Ngân sách cho Năm liên quan hoặc chi phí đối với bất kỳ hạng mục nào đã được bao gồm trong ngân sách mà chưa có được sự chấp thuận của PETROVIETNAM; và

3.2.18. bất kỳ chi phí nào khác không thuộc bất kỳ các hạng mục nào nêu trên mà được ghi rõ ở những phần khác trong Hợp đồng là chi phí không thể thu hồi, hoặc các chi phí được ghi rõ là không phải là các chi phí được cho phép cho mục đích tính toán thu hồi chi phí hoặc các khoản tiền được chi tiêu mà không có sự chấp thuận của PETROVIETNAM (trong trường hợp cần phải có sự chấp thuận như thế) hoặc được chi tiêu do vi phạm hoặc không tuân thủ các nghĩa vụ của NHÀ THẦU theo Hợp đồng.

3.3 CÁC GIAO DỊCH SAU ĐÂY SẼ ĐƯỢC GHI CÓ VÀO CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ THEO HỢP ĐỒNG

3.3.1. các khoản tiền ròng thu được từ bất kỳ khoản bảo hiểm hay yêu cầu bồi thường nào liên quan đến Hoạt động Dầu khí;

3.3.2. doanh thu mà NHÀ THẦU nhận từ các bên thứ ba đối với việc sử dụng vật sở hữu hoặc tài sản được tính vào Chi phí Hoạt động Dầu khí theo Hợp đồng;

3.3.3. bất kỳ khoản điều chỉnh nào mà NHÀ THẦU nhận từ các nhà cung cấp/nhà sản xuất hoặc đại lý của họ liên quan đến vật tư có khiếm khuyết, mà phí tổn của vật tư này trước đó được NHÀ THẦU tính vào Chi phí Hoạt động Dầu khí theo Hợp đồng;

3.3.4. tiền thuê, khoản hoàn trả, tiền đặt cọc hoặc bất kỳ khoản ghi có nào khác mà NHÀ THẦU nhận được mà áp dụng cho bất kỳ khoản phí nào đã được tính vào Chi phí Hoạt động Dầu khí theo Hợp đồng, nhưng không bao gồm bất kỳ khoản tiền nào NHÀ THẦU nhận được theo một phán quyết trọng tài được đề cập tại Khoản 3.2.11 của Thể thức Kế toán này;

3.3.5. các khoản tiền ròng nhận được từ vật tư lưu kho được tính vào Chi phí Hoạt động Dầu khí theo Hợp đồng mà sau đó được định đoạt nhưng không được sử dụng trong Hoạt động Dầu khí và chưa được thu hồi hết.

3.4 TÍNH KÉP GHI NỢ VÀ GHI CÓ

Không phụ thuộc vào bất kỳ điều khoản nào quy định khác đi trong Thể thức Kế toán này, ý định của Các Bên là không để có việc tính kép ghi nợ hoặc ghi có trong các tài khoản theo Hợp đồng.

4. THU HỒI CHI PHÍ VÀ THỜI ĐIỂM THU HỒI CHI PHÍ

4.1 Việc thu hồi Chi phí Hoạt động Dầu khí theo Hợp đồng sẽ được thực hiện theo thể thức được quy định trong các Điều 6.1.2 và 6.2.2 của Hợp đồng. Bất kỳ các chi phí nào do PETROVIETNAM loại hoặc treo trong các báo cáo kiểm toán của mình sẽ không được thu hồi cho đến khi được Các Bên giải quyết. Các Bên hết sức nỗ lực để giải quyết và hoàn tất tất cả các chi phí tranh chấp trong thời gian sớm nhất có thể.

4.2 Nguyên tắc ghi chép chi phí vật tư theo Hợp đồng

4.2.1. Chi phí mua vật tư để lưu kho và được xem là Chi phí Tìm Kiếm Thăm dò hoặc Chi phí Phát triển phải được ghi chép như vốn lưu động và có thể được thu hồi khi được đưa vào sử dụng.

4.2.2. Chi phí mua vật tư để lưu kho và được xem là Chi phí Khai thác có thể được thu hồi kể từ ngày thanh toán cho vật tư đó.

5. CÁC GHI CHÉP VÀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

NHÀ THẦU sẽ lưu giữ các ghi chép chi tiết về tài sản được sử dụng cho Hoạt động Dầu khí phù hợp theo Thông lệ Công nghiệp Dầu khí Quốc tế được Chấp nhận Chung và sẽ gửi cho PETROVIETNAM một báo cáo về tất cả các tài sản này vào mỗi Năm.

5.1 KIỂM KÊ TÀI SẢN

Vào các khoảng thời gian hợp lý nhưng ít nhất một lần trong mỗi Năm đối với các Tài sản Lưu động và ba (3) Năm một lần đối với Tài sản cố định, việc kiểm kê tài sản sử dụng cho Hoạt động Dầu khí nói trên sẽ do NHÀ THẦU tiến hành. NHÀ THẦU sẽ gửi cho PETROVIETNAM văn bản thông báo trước ít nhất ba mươi (30) Ngày về ý định thực hiện việc kiểm kê đó và PETROVIETNAM, bằng chi phí riêng của mình, có quyền có mặt khi việc kiểm kê được tiến hành. Trong trường hợp PETROVIETNAM không tham gia, PETROVIETNAM được coi như đã chấp thuận việc kiểm kê do NHÀ THẦU tiến hành mà không có sự có mặt của PETROVIETNAM. NHÀ THẦU sẽ nêu các nguyên tắc được dùng làm cơ sở cho việc định giá hàng kiểm kê đó. Khi thực hiện việc chuyển nhượng các quyền theo Hợp đồng này, NHÀ THẦU có thể tiến hành việc kiểm kê đặc biệt theo yêu cầu của bên thụ nhượng; với điều kiện là chi phí kiểm kê đó do bên thụ nhượng chi trả.

5.2 KIỂM KÊ VẬT TƯ

Ít nhất một lần trong một Năm, và sau mỗi chiến dịch khoan, NHÀ THẦU sẽ tiến hành kiểm kê tất cả vật tư trong kho dùng cho các Hoạt động Dầu khí. NHÀ THẦU sẽ thông báo cho PETROVIETNAM và cho phép PETROVIETNAM, bằng chi phí riêng của mình, tham gia vào việc kiểm kê đó. Trong trường hợp PETROVIETNAM không tham gia, PETROVIETNAM được coi như đã chấp thuận việc kiểm kê do NHÀ THẦU tiến hành mà không có sự có mặt của PETROVIETNAM.

6. BÁO CÁO KHAI THÁC

6.1 Sau khi bắt đầu Khai thác Thương mại tại mỗi Diện tích Phát triển, NHÀ THẦU sẽ trình một Báo cáo Khai thác hàng tháng cho từng Diện tích Phát triển lên PETROVIETNAM nêu rõ các thông tin sau đây:

6.1.1. lượng Dầu Thô được khai thác và tàng trữ trong tháng;

6.1.2. lượng Khí Thiên nhiên được khai thác và tàng trữ trong tháng;

6.1.3. lượng Dầu khí được sử dụng cho Hoạt động Dầu khí trong tháng;

6.1.4. lượng Khí Thiên nhiên bị đốt bỏ;

6.1.5. lượng Dầu Thô tích trữ vào đầu tháng;

6.1.6. lượng Dầu Thô tích trữ vào cuối tháng;

6.1.7. lượng Dầu Thô được mỗi Bên lấy trong tháng; và

6.1.8. lượng Khí Thiên nhiên được mỗi Bên bán trong tháng.

6.2 Báo cáo Khai thác của mỗi tháng sẽ được trình lên PETROVIETNAM không chậm hơn mười lăm (15) Ngày sau khi kết thúc tháng đó.

7. BÁO CÁO ĐỊNH GIÁ SẢN PHẨM

7.1 NHÀ THẦU sẽ chuẩn bị một “Báo cáo Định giá Sản phẩm” bao gồm việc xác định giá trị Dầu khí được lấy trong mỗi Quý. Báo cáo này bao gồm các thông tin sau đây:

7.1.1. khối lượng và giá mà mỗi Bên thu được từ việc bán từng chuyến Dầu Thô cho các bên thứ ba trong Quý có liên quan;

7.1.2. khối lượng và giá mà mỗi Bên thu được từ việc bán từng chuyến hàng Dầu Thô trong Quý có liên quan, không phải cho các bên thứ ba; và

7.1.3. khối lượng và giá mà mỗi Bên thu được từ mỗi đợt bán Khí Thiên nhiên cho các bên thứ ba trong Quý có liên quan.

7.2 Báo cáo Định giá Sản phẩm của mỗi Quý sẽ được trình lên PETROVIETNAM không muộn hơn ba mươi (30) Ngày sau khi kết thúc Quý đó và trong thời hạn sáu mươi (60) Ngày sau khi kết thúc mỗi Năm.

8. BÁO CÁO CÁC CHI TIÊU, CHI PHÍ CÓ THỂ THU HỒI VÀ GHI CÓ

8.1 Đối với mỗi tháng, Quý và Năm, NHÀ THẦU sẽ lập một “Báo cáo Chi tiêu, Chi phí có thể Thu hồi và Ghi có” theo Hợp đồng này. Báo cáo này phân biệt giữa Chi phí Tìm kiếm Thăm dò, Chi phí Phát triển và Chi phí Khai thác và sẽ xác định các hạng mục chi tiêu chính trong các nhóm này mà trùng khớp với các hạng mục thuộc Ngân sách hàng năm được phê duyệt. Báo cáo này sẽ bao gồm các nội dung sau đây:

8.1.1. các chi tiêu, chi phí có thể thu hồi và ghi có (không bao gồm các khoản nhận được từ việc bán Dầu khí) đối với Quý liên quan;

8.1.2. các chi tiêu và ghi có chi tiết cộng dồn (không bao gồm các khoản nhận được từ việc bán Dầu khí) đối với Ngân sách dành cho Năm liên quan;

8.1.3. các chi tiêu và ghi có cộng dồn được dự báo gần đây nhất đối với cả Năm; và

8.1.4. các chênh lệch giữa Ngân sách và dự báo mới nhất và giải trình về dự báo đó.

8.2 Báo cáo Chi tiêu, Chi phí có thể Thu hồi và Ghi có cho từng tháng, từng Quý sẽ được trình lên PETROVIETNAM không muộn hơn mười lăm (15) Ngày sau khi kết thúc tháng, ba mươi (30) Ngày sau khi kết thúc Quý và trong thời hạn sáu mươi (60) Ngày sau khi kết thúc Năm, bao gồm báo cáo kiểm toán năm cho Năm liên quan được thực hiện bởi một công ty kiểm toán quốc tế do Ủy ban Quản lý chỉ định. Báo cáo kiểm toán năm của kiểm toán quốc tế được lựa chọn sẽ được nộp cho PETROVIETNAM không muộn hơn chín mươi (90) Ngày sau khi kết thúc năm đó.

9. BÁO CÁO DẦU THUẾ TÀI NGUYÊN VÀ KHÍ THUẾ TÀI NGUYÊN

9.1 Đối với Diện tích Hợp đồng, NHÀ THẦU sẽ lập một “Báo cáo Dầu Thuế Tài nguyên và Khí Thuế Tài nguyên” bao gồm các thông tin sau đây:

9.1.1. các điều chỉnh về Dầu Thô có hiệu lực trở về trước đối với khối lượng và giá trị của Dầu Thuế Tài nguyên trong Năm trước đó;

9.1.2. các điều chỉnh về Khí Thiên nhiên có hiệu lực trở về trước đối với Khí Thuế Tài nguyên trong Năm trước đó;

9.1.3. nộp hàng quý cho PETROVETNAM khối lượng và giá trị tạm tính Dầu Thuế Tài nguyên; và

9.1.4. nộp hàng quý cho PETROVIETNAM khối lượng và giá trị tạm tính Khí Thuế Tài nguyên.

9.2 Báo cáo Dầu Thuế Tài nguyên và Khí Thuế Tài nguyên tạm tính (i) cho từng Quý sẽ được trình lên PETROVIETNAM không muộn hơn ba mươi (30) Ngày sau khi kết thúc Quý; và (ii) cho từng Năm sẽ được trình lên PETROVIETNAM không muộn hơn sáu mươi (60) Ngày sau khi kết thúc quyết toán năm.

10. BÁO CÁO THU HỒI CHI PHÍ

10.1 Đối với Diện tích hợp đồng, NHÀ THẦU sẽ lập một “Báo cáo Thu hồi Chi phí” trong từng Quý bao gồm các thông tin sau đây:

10.1.1. các điều chỉnh về Dầu Thô và/hoặc Khí Thiên nhiên có hiệu lực trở về trước đối với khối lượng và giá trị Dầu Thu hồi Chi phí và/hoặc Khí Thu hồi Chi phí do NHÀ THẦU nhận và định đoạt trong Quý trước đó;

10.1.2. Chi phí Hoạt động Dầu khí có thể thu hồi, được chuyển sang từ Quý trước đó;

10.1.3. Chi phí Hoạt động Dầu khí có thể thu hồi đã phát sinh, được phân tích theo nhóm chi phí hoạt động, trong Quý; trong Năm cho đến thời điểm báo cáo và từ Ngày đầu dự án cho đến thời điểm báo cáo;

10.1.4. tổng chi phí có thể thu hồi trong Quý, là tổng số tiền của các Khoản 10.1.2 và 10.1.3 của Phụ lục này;

10.1.5. khối lượng và giá trị Dầu Thu hồi Chi phí do NHÀ THẦU thực nhận và định đoạt trong Quý, tùy trường hợp;

10.1.6. khối lượng và giá trị Khí Thu hồi Chi phí do NHÀ THẦU thực nhận và định đoạt trong Quý, tùy trường hợp;

10.1.7. tổng chi phí đã thu hồi trong Quý; trong Năm cho đến thời điểm báo cáo và từ Ngày đầu dự án cho đến thời điểm báo cáo; và

10.1.8. Chi phí Hoạt động Dầu khí có thể thu hồi được chuyển sang Quý kế tiếp.

10.2 NHÀ THẦU sẽ chuẩn bị “Báo cáo Thu hồi Chi phí” hoàn chỉnh của Năm đối với Diện tích Hợp đồng, trong đó có bao gồm các thông tin sau:

10.2.1. số dư chi phí có thể thu hồi được chuyển sang từ Năm trước;

10.2.2. số dư chi phí có thể thu hồi phát sinh trong Năm và từ Ngày đầu dự án đến thời điểm báo cáo;

10.2.3. tổng số dư chi phí có thể thu hồi sẽ được thu hồi cho Năm (c = a + b);

10.2.4. số chi phí được quyền thu hồi cho Năm (doanh thu * % chi phí có thể thu hồi được xác định trong Hợp đồng) không vượt quá tổng số dư chi phí có thể thu hồi quy định tại Khoản 10.2.3 của Phụ lục này;

10.2.5. chi phí có thể thu hồi tạm thời đã thu hồi được trong Năm;

10.2.6. số chi phí thu hồi vượt quá/chưa đủ sẽ được điều chỉnh khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho Năm (f = d - e); và

10.2.7. số dư chi phí có thể thu hồi được chuyển sang Năm sau (g = c - d).

10.3 Báo cáo Thu hồi Chi phí (i) cho từng Quý sẽ được trình lên PETROVIETNAM không muộn hơn ba mươi (30) Ngày sau khi kết thúc Quý; và (ii) cho Năm sẽ được trình lên PETROVIETNAM trong thời hạn sáu mươi (60) Ngày sau khi kết thúc mỗi Năm.

11. BÁO CÁO DẦU LÃI VÀ KHÍ LÃI

11.1 Đối với Diện tích Hợp đồng, NHÀ THẦU sẽ lập một “Báo cáo Dầu Lãi” và, khi phù hợp, “Báo cáo Khí Lãi”, tùy từng trường hợp, bao gồm các thông tin sau đây:

11.1.1. Sản lượng Dầu Thực trong Quý/Năm;

11.1.2. Sản lượng Khí Thực trong Quý/Năm;

11.1.3. Sản lượng Dầu Thực và Sản lượng Khí Thực tích lũy được cho đến khi kết thúc Quý/Năm;

11.1.4. khối lượng Dầu Lãi phân bổ cho PETROVIETNAM và NHÀ THẦU trong Quý/Năm;

11.1.5. khối lượng Khí Lãi phân bổ cho PETROVIETNAM và NHÀ THẦU trong Quý/Năm;

11.1.6. khối lượng Dầu Lãi và Khí Lãi tích lũy được phân bổ cho PETROVIETNAM và NHÀ THẦU cho đến khi kết thúc Quý; và

11.1.7. khối lượng Dầu Lãi và Khí Lãi do PETROVIETNAM và NHÀ THẦU nhận và định đoạt trong Quý/Năm.

11.2 Báo cáo Dầu Lãi và Báo cáo Khí Lãi cho từng Quý sẽ được trình lên PETROVIETNAM không muộn hơn ba mươi (30) Ngày sau khi kết thúc Quý và trong thời hạn sáu mươi (60) Ngày sau khi kết thúc mỗi Năm đối với báo cáo cho từng Năm.

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

No. 45/2023/ND-CP

Hanoi, July 01, 2023

 

DECREE

ELABORATING THE LAW ON PETROLEUM

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendment to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Petroleum dated November 14, 2022;

At request of the Minister of Industry and Trade;

The Government promulgates Decree elaborating the Law on Petroleum.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. This Decree elaborates the Law on Petroleum regarding petroleum screening; list of oil blocks; selection of contractors for signing of petroleum contracts; petroleum contracts; safety in petroleum operation; dossiers and procedures for implementing petroleum operation, petroleum projects; preferential treatment in petroleum operations; salvaging of operation of oil fields, groups of oil fields and oil blocks; finalization of costs of petroleum operations on land, islands, and sea waters of the Socialist Republic of Vietnam.

2. This Decree applies to Vietnamese and foreign agencies, organizations, individuals related to petroleum screening and petroleum operations in Vietnam.

Article 2. Definitions

In this Decree, terms below are construed as follows:

1. “bidders” mean organizations and individuals registering for selection of contractors for petroleum contracts.

2. “set of electronic documents” means a set of documents produced from electronic papers of set of original documents, except confidential documents as per the law.

3. “set of original documents” consists of papers, documents, instruments that are either original copies, master registers, or legitimate copies. Regarding documents and texts presented in foreign languages, their original copies must undergo consular legalization procedures unless they are exempt from consular legalization as per Vietnamese laws and international treaties to which Vietnam is a signatory.

4. “minimum work obligations and minimum expenditure obligations” mean the minimum work and expenditure obligations guaranteed by the contractors in a specific amount of time under petroleum contracts.

5. “legitimate documents” mean documents containing adequate contents according to the Law on Petroleum and this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter II

PETROLEUM SCREENING

Article 3. Development and approval for list of petroleum screening schemes

1. List of petroleum screening schemes shall be developed and approved for every 5-year stage in a manner that adheres to energy, resource, and mineral strategies, planning, planning execution plans; reviewed and updated on an annual basis.

2. Organizations satisfying conditions under Article 12 of the Law on Petroleum and Article 4 of this Decree shall send petroleum screening scheme proposal for the next 5-year socio-economic development stage to the Vietnam National Oil and Gas Group (hereinafter referred to as “PVN”) before March 1 of the final year of 5-year socio-economic development stage for consideration, assessment, consolidation, and proposition of list of petroleum screening schemes, including schemes implemented by the PVN and schemes implemented by state authorities.

3. The PVN shall send 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to propose list of petroleum screening schemes before May 1 of the final year of each 5-year socio-economic development stage in accordance with Resolution of the National Assembly. The documents consist of:

a) Documents of PVN proposing petroleum screening schemes;

b) Documents of organizations proposing petroleum screening schemes, including: primary details of the schemes in accordance with Clause 1 Article 10 of the Law on Petroleum; documents proving eligibility for scheme execution according to Article 12 of the Law on Petroleum and Article 4 hereof; preliminary solutions for cooperating with relevant organizations and individuals in implementation if proposed petroleum screening schemes have been handed over or have reached geological screening or mineral prospecting, extraction phase during implementation as per the law;

c) Evaluation of the PVN regarding proposition of each scheme; documents on acknowledgement and presentation of proposing organizations (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request for feedback to Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Ministry of Transport, and relevant ministries, central departments, local governments.

5. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries, central departments, and local governments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

6. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall evaluate and adjust list of petroleum screening schemes in order to request the Prime Minister to review and approve. The documents consist of:

a) Written request for approval of list of petroleum screening schemes to be sent to the Prime Minister;

b) Documents under Clause 3 of this Article;

c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

7. Based on the list of petroleum screening schemes approved by the Prime Minister:

a) The Ministry of Industry and Trade shall notify and request presiding agencies and organizations of petroleum screening schemes (hereinafter referred to as “presiding organizations”) to produce and present detailed outline and estimates on scheme execution expenditure in accordance with Article 5 hereof while notifying the PVN;

b) The Ministry of Finance shall take charge consolidating expenditure on execution of petroleum screening schemes utilizing state budget to annual state budget estimates, report to the Government and propose to the National Assembly in accordance with the Law on State Budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Eligibility of presiding organizations of petroleum screening

Presiding organizations of petroleum screening must be financially, technically capable and experienced in conducting petroleum screening and satisfy eligibility below:

1. They must prove sufficient financial capability to conduct petroleum screening via one or multiple methods simultaneously below:

a) By their resources or parent company guarantee;

b) Guarantee or funding, sponsor commitment of credit institutions, financial institutions.

2. They must have solutions for mobilizing machinery, equipment, and personnel meeting technical requirements for execution of the schemes.

3. They have participated in at least 1 petroleum screening scheme or 1 geological screening scheme or 1 petroleum contract.

4. They have committed to national defense and security requirements as per the law and are not being suspended from conducting petroleum screening or petroleum operation.

Article 5. Application and procedures for assessment, approval for detailed outline and expenditure estimates of petroleum screening schemes

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Legal basis and scientific reasoning of the schemes;

b) Area of screening (geography location, coordinates, and area of screening);

c) Natural geography, socio-economic characteristics of screening area;

d) Technical documents serving as the basis for the schemes;

dd) Subjects, objectives, and tasks of the schemes;

e) Technical solutions and expected workload; technical standards, regulations, economic and technical norms (if any) expected to be applied during scheme execution;

g) Expected results and products upon completion of the schemes;

h) Execution plans and progress;

i) Funding sources and expenditure estimates;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



l) Other details (if any).

2. Within 60 days from the date on which notice of the Ministry of Industry and Trade under Point a Clause 7 Article 3 hereof is received, on the basis of detailed outline and expenditure estimates of petroleum screening produced by presiding organizations and counseled by the PVN, presiding organizations shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for detailed outline and expenditure estimates on scheme execution. The documents consist of:

a) Request for approval for detailed outline and expenditure estimates on petroleum screening;

b) Detailed outline and expenditure estimates of the schemes under Clause 1 of this Article; appendices, drawings, attachments (if any);

c) Notice sent by the Ministry of Finance to presiding organizations;

d) Documents verifying funding sources of the schemes if funding for execution of petroleum screening schemes utilizes state budget in a manner that adheres to budget allocation rules, criteria, and norms from time to time approved by competent authority;

dd) Feedback of the PVN pertaining to detailed outline and expenditure estimates of petroleum screening schemes produced by presiding organizations; documents on acknowledgement and presentation produced by presiding organizations (if any);

e) Draft agreements between the PVN and presiding organizations other than state authorities and state-owned enterprises in case of Point b Clause 3 Article 10 of the Law on Petroleum, which contain: screening area; rights and obligations of PVN and presiding organizations during scheme execution; commitment of presiding organizations pertaining to storage and preservation of samples, documents, information, and data during scheme execution; general clauses of the agreements;

g) Other relevant documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, assessment councils shall assess detailed outline and expenditure estimates and request the Minister of Industry and Trade to review and approve.

5. Within 5 working days from the date on which written assessment sent by assessment council is received, the Ministry of Industry and Trade shall issue decisions approving detailed outline and expenditure estimates of petroleum screening schemes.

Article 6. Implementation of petroleum screening schemes

1. Presiding organizations of petroleum screening schemes are responsible for:

a) adequately adhering to approved schemes;

b) notifying the Ministry of Industry and Trade, Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Transport, Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, Ministry of Foreign Affairs, People’s Committees of provinces and cities (hereinafter referred to as “provincial People’s Committees”), and PVN in writing at least 15 days prior to conducting field work.

2. If other resources and/or minerals are found during petroleum screening, organizations and individuals must immediately report to the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Natural Resources and Environment, provincial People’s Committees where the work is performed, and the PVN in writing; protect unextracted minerals in accordance with mineral laws and do not take advantage of petroleum screening to mine for minerals.

3. Presiding organizations are allowed to request adjustment to detailed outline and expenditure estimates of petroleum screening schemes during execution of the schemes depending on situations on the field. Presiding organizations shall send written request for adjustment to detailed outline and expenditure estimates of the schemes which contains actual work progress and workload implemented, reasons for and details of adjustment to the PVN for consideration, assessment, and submission to the Ministry of Industry and Trade for approval in accordance with Clauses 3, 4, and 5 Article 5 hereof.

Article 7. Inspection and supervision of petroleum screening scheme execution

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Ministry of Industry and Trade shall take charge, cooperate with relevant ministries, central departments, and PVN or assign PVN to take charge inspecting execution of petroleum screening schemes according to inspection plans and details approved by the Ministry of Industry and Trade.

3. PVN is responsible for cooperating with agencies and entities affiliated to relevant ministries, central departments, and local authorities in supervising field work of petroleum screening schemes.

Article 8. Commissioning and approval for results of petroleum screening schemes

1. Commissioning of results of petroleum screening schemes consists of:

a) Assessing workload, quality, and progress of work items according to approved detailed outline;

b) Assessing compliance with technical regulations and truthfulness in collecting, forming documents; adequate and scientific properties in analyzing, processing, and gathering data;

c) Assessing credibility of screening results; new discoveries regarding petroleum geology (if any); conclusions regarding geology, geophysics, and other technical characteristics of screening subjects;

d) Assessing implementation of applicable financial regulations and regulations on technical and economic norms, unit price;

dd) Assessing expenditure made from state budget (if any) and expenditure made by PVN (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Commissioning of results of petroleum screening schemes shall be divided into 2 levels which are grassroots-level commissioning and ministry-level commissioning, to be specific:

a) Grassroots-level commissioning shall be implemented by presiding organizations;

b)Ministry-level commissioning shall be implemented by the Ministry of Industry and Trade as soon as grassroots-level commissioning results are available. The Minister of Industry and Trade shall issue decision on establishment of council for ministry-level commissioning. Results of ministry-level commissioning serve as the basis for approving results of petroleum screening schemes.

3. Within 30 days from the date on which petroleum screening schemes end, presiding organizations shall organize grassroots-level commissioning.

4. Within 45 days from the date on which grassroots-level commissioning is complete, after consulting the PVN regarding results of petroleum screening schemes, presiding organizations shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request ministry-level commissioning and approval for results of petroleum screening schemes. The documents consist of:

a) Written request for ministry-level commissioning and approval for results of petroleum screening schemes.

b) Report on scheme results; appendices, drawings, and other documents.

c) Report on summary of scheme results;

d) Report on assessment of consulting bodies hired by presiding organizations (if necessary);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Remarks of the PVN regarding results of petroleum screening schemes; documents on acknowledgement and presentation of presiding organizations (if any);

g) Decision on approval or approval for revision of the scheme issued by competent authority;

h) Other relevant documents.

5. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall conduct ministry-level commissioning and approve results of petroleum screening schemes.

6. Within 180 days from the date on which documents approving results of petroleum screening results are received, presiding organizations shall finalize costs for petroleum screening schemes as per the law; send finalization results of expenditure that utilizes state budget (if any) and expenditure made by PVN (if any) to the Ministry of Industry and Trade for consideration and approval.

Article 9. Submission of petroleum screening results

1. Within 60 days from the date on which documents approving results of petroleum screening schemes are received, presiding organizations are responsible for transferring exhibits (if any) to the PVN and submitting 1 set of physical and 1 set of electronic reports on results of petroleum screening schemes (excluding confidential documents, if any) to the Ministry of Industry and Trade and PVN, including compiled documents and raw documents, to be specific:

a) Compiled documents consist of: written presentation and compiled documents presented as appendices, maps, and illustrations depicting results of scheme execution;

b) Raw documents are documents collected from the field, including: diaries, field records, maps, graphs, photos, tapes recording seismic activities; measurement results.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 10. Preservation of exhibits, documents, information, and data of petroleum screening

1. Duration of preservation and storage of exhibits, documents, and information shall be determined on a case-by-case basis in accordance with applicable laws: permanent or temporary storage and preservation. Storage and preservation agencies are responsible for listing all obsolete exhibits, documents, information, and data and requesting competent authority to approve of their disposal in order to maximize administrative expenses.

2. Exhibits, documents, information, and data shall be classified by level of confidentiality (if required) and protected by appropriate information safety policies in a manner that conforms to regulations and law.

3. PVN is responsible for receiving, managing exhibits and documents submitted by presiding organizations in accordance with Clause 1 Article 14 of the Law on Petroleum and organizations that operate the systems in order to extract received information and data in a law-compliant manner.

Article 11. Extraction and use of exhibits, documents, information, data, and reports on petroleum screening results

1. Organizations and individuals are allowed to access, consult, extract, and use exhibits, documents, information, data, and reports on petroleum screening results via public services whose fees conform to regulations and law on fees and charges, except for case under Clause 2 of this Article.

2. Presiding organizations are allowed to use, extract exhibits, documents, information, data, and reports on petroleum screening results as per agreement signed with the PVN; allowed to request refund of service charges when participating in bidding and signing petroleum contracts at oil blocks in areas where they have conducted petroleum screening according to screening schemes.

Chapter III

LIST OF OIL BLOCKS, SELECTION OF CONTRACTORS FOR SIGNING OF PETROLEUM CONTRACTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Pursuant to Article 7 of the Law on Petroleum, the PVN shall develop new lists of oil blocks or revised list of oil blocks and submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service for assessment. The documents consist of:

a) Written request for approval of new lists of oil blocks or revised lists of oil blocks;

b) Information on new oil blocks or adjustment to oil blocks, including name, coordinates, and area;

c) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request for feedback to Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Ministry of Transport, Ministry of Construction, and relevant ministries, central departments, local governments.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries, central departments, and local governments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess and finalize new lists of oil blocks or revised lists of oil blocks and request the Prime Minister to consider and approve. The documents consist of:

a) Written presentation of assessment results and request for approval of new lists of oil blocks or revised lists of oil blocks to be sent to the Prime Minister;

b) Documents under Clause 1 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 13. Documents and procedures for assessment and approval of plans for selecting contractors to sign petroleum contracts

1. Pursuant to Point a Clause 1 Article 24 of the Law on Petroleum, the PVN shall produce plans for selecting contractors to sign petroleum contracts and submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service for assessment. The documents consist of:

a) Written request for approval of plans for selecting contractors to sign petroleum contracts;

b) Plans for selecting contractors to sign petroleum contracts, including main details specified under Clause 2 Article 17 of the Law on Petroleum and reasons for selecting contractors for each available oil blocks; list of contractors invited in case of limited bidding or shopping; proposed types of petroleum contracts and reasons for proposing types of petroleum contracts; financial, technical capability and experience required to participate in bidding; draft bidding documents, draft shopping documents, request for proposal of direct contracting in accordance with Points a and b Clause 1 Article 21 of the Law on Petroleum;

c) Other relevant documents.

2. Assessment of plans for selecting contractors to sign petroleum contracts means to examine, assess primary contents of the plans for selecting contractors in accordance with Clause 2 Article 17 of the Law on Petroleum.

3. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send request for feedback to Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, and relevant ministries and central departments.

4. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

5. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess plans for selecting contractors to sign petroleum contracts and request the Prime Minister to consider and approve. The documents consist of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Documents under Clause 1 of this Article;

c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

6. This Article does not apply to direct contracting in accordance with Clause 2 Article 40 of the Law on Petroleum.

Article 14. Notice to bidders, notice to shopping

1. Notice to bidders shall be posted for 5 consecutive days on 5 daily newspaper and uploaded on 5 reputable websites, including at least 1 newspaper in English published in domestic information network or 1 newspaper in both Vietnamese and English published in foreign information network. Notice to bidders can be sent directly to organizations and individuals interested in oil blocks or via websites specializing in providing information on worldwide petroleum-related events.

2. Notice to shopping shall be sent directly to organizations and individuals interested in oil blocks to which shopping is applied.

3. Notice to bidders and notice to shopping consist of:

a) Information on available oil blocks for bidding or shopping;

b) List of documents allowed to be accessed and other relevant information;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Relevant documents and schedules (if any).

Article 15. Bid registration

1. Bidders shall send bid registration to the PVN. Registration deadline shall be 45 days from the last day in which notice to bidders is uploaded or the last day in which notice to shopping is uploaded.

2. Upon bid registration, bidders must provide brief summary regarding their financial capability, technical capability, and potential establishment of contractor consortium (if any) and other information as required under notice to bidders or notice to shopping.

3. Upon receiving bid registration, if bidders satisfy requirements under Article 16 of the Law on Petroleum, they shall receive bidding documents or shopping documents and shall be permitted to access documents according to the list publicized under notice to bidders or notice to shopping.

Article 16. Issuance of bidding documents, shopping documents, request proposals

1. The PVN shall prepare bidding documents in case of open bidding or limited bidding, competitive bidding documents in case of shopping or request for proposals in case of direct contracting and issue to bidders.

2. Bidding documents consist of:

a) Basic economic and technical indicators of petroleum contracts, including: profit oil, profit gas ratio; minimum work obligations and minimum expenditure obligations; participating interests of PVN or branch companies affiliated to the PVN designated to participate as contractors; the right to participate of host countries (via PVN) upon initial discovery in area covered under petroleum contracts (if applicable); cost recovery percentage; other financial obligations (commissions, training costs, donation to fund for scientific research and development of petroleum technology); severance tax, corporate income tax, export duties of crude oil (including condensates) and natural gas, other taxes, fees, and charges payable in accordance with tax, fee, charge laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Criteria for selecting contractors and bid evaluation solutions in accordance with Article 18 hereof;

d) Period of contractor selection and other details pertaining to procedures for contractor selection;

dd) Basic documents and information on oil blocks;

e) Legal documents of bidders: certificate of operation registration, operating charters, financial statements of the latest 3 years or guarantee of parent companies of bidders that are organizations; Citizen ID Card or passport of bidders that are individuals and other relevant documents of bidders or each participant of bidder consortium (except for cases of selecting contractors to sign petroleum contracts in accordance with Article 40 of the Law on Petroleum);

g) Instructions for bidders;

h) Applicable or proposed petroleum contract form;

i) Bid security requirements (if necessary) using defined form, including details regarding format, value, and term of bid security;

k) Initial assessment regarding petroleum potentials of relevant oil blocks;

l) Other relevant documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Request for proposals for direct contracting shall contain items specified under Points a, b, c, dd, e, g, h, i, k, and l Clause 2 of this Article and provisions carried over from effective petroleum contracts to new petroleum contracts (if any) for cases of direct contracting in accordance with Point c Clause 1 Article 21 of the Law on Petroleum.

Article 17. Receipt of bid, competitive bidding documents, proposals; bid opening and management of bid

1. Bidders shall send bid in case of open bidding, limited bidding, or competitive bidding documents in case of shopping or proposals in case of direct contracting to the PVN within the time limit specified under bidding documents or shopping documents or request for proposals. The PVN shall decide on time limit for submission of bid or competitive bidding documents or proposals and specify under notice documents. The time limit must not exceed 120 days from the date on which bidding documents or shopping documents or request for proposals is issued.

2. Bids and competitive bidding documents and proposals shall

a) be produced in accordance with bidding documents, shopping documents, request for proposals;

b) be legitimate if bidding documents, shopping documents, or request for proposals meet corresponding requirements, are submitted within the time limit and via specified means.

3. Bid opening and management of bids or competitive bidding documents or proposals

a) Bid opening must conform to time and format regulations under bidding documents or shopping documents or request for proposals;

b) Participant compositions of bid opening include representatives of PVN, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Public Security, relevant ministries, central departments (if necessary), and representatives of bidders;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Any additional documents submitted by bidders to bids or competitive bidding documents or proposals after bid opening date shall be illegitimate, except for additional documents under Clause 3 Article 19 hereof.

Article 18. Criteria for selecting contractors and methods for evaluating bids, competitive bidding documents, and proposals

1. Criteria for selecting contractors include:

a) Criteria regarding capacity and experience of contractors, including: technical and financial capacity, available funding sources for execution of petroleum operations; experience in executing petroleum operations, petroleum contracts (in case of contractor consortium, capacity and experience of contractors shall be determined by the sum of capacity and experience of members of contractor consortium); relevant contracts and agreements that have been and are being implemented (if any);

b) Criteria regarding technical conditions appropriate to each oil block include: minimum work obligations (new seismic acquisition, reprocessing of seismogram, quantity of wells); field development and extraction obligations; methods of implementation and optimal technology for petroleum operations that fulfill of requirements pertaining to environmental protection and reduction of carbon dioxide emission;

c) Criteria regarding economic conditions appropriate to each oil block, including: taxes conforming to tax laws and surcharges when oil price surges; host country’s profit oil, profit gas ratio; participating interests of host country (via the PVN) upon making first commercial discovery within the area covered by petroleum contracts (if applicable); participating interests of PVN or subsidiaries thereof when designated to participate as contractors; percentage of costs recovered; financial commitment corresponding to minimum work obligations; commitment to other financial obligations (commissions, training costs, donations to petroleum scientific research and technology development fund).

2. Solutions for evaluating bids, competitive bidding documents, and proposals include:

a) Regarding capacity and experience criteria: assess whether each criterion is satisfactory or not satisfactory;

b) Regarding technical condition criteria appropriate to each oil block: assess fulfillment of minimum work obligations and score on a scale of 100;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Total results: total scores will be determined as follows: Total scores = Total score of technical condition criteria multiplied (x) by weighing factor of technical condition criteria plus (+) Total score of economic condition criteria multiplied (x) by weighting factor of economic condition criteria. Where minimum weighting factor of technical condition criteria is 0,3 depending on specific characteristics of each oil block; weighting factor of technical condition criteria plus (+) weighting factor of economic condition criteria equal (=) 1;

dd) Bidders shall be awarded with contracts when they achieve all results below: “satisfactory” capacity and experience; requirements regarding minimum work obligations are met and total score of technical condition criteria meet minimum level according to bidding documents; total score of economic condition criteria meet minimum level according to bidding documents; total score under Point d Clause 2 of this Article is the highest.

3. When producing bidding documents, shopping documents, or request for proposals, the PVN shall develop and approve criteria for selecting contractors, solutions for evaluating bids, competitive bidding documents, and proposals appropriate to specific characteristics of each oil block.

Article 19. Evaluating bids, competitive bidding documents, and proposals

1. The PVN shall establish expert teams to evaluate bids or competitive bidding documents or proposals. Expert teams consist of individuals with capacity, experience, and training certificates pertaining to bidding in accordance with bidding laws and operate within principles promulgated by the PVN.

2. Evaluation of bids or competitive bidding documents or proposals must be based on criteria for contractor selection and evaluation solutions under contractor selection plans and approved bidding documents, shopping documents, or request for proposals.

3. The PVN may request bidders to clarify bids or competitive bidding documents or request for proposals in writing. Within 5 days from the date on which request sent by the PVN is received, bidders must provide written response. Clarification of bids or competitive bidding documents or request for proposals means to provide explanation for requested contents without altering main contents of the bids or competitive bidding documents or request for proposals.

4. Bid evaluation shall be conducted within 30 days from the date on which bid opening is implemented.

Article 20. Documents and procedures for assessment and approval of contractor selection results to sign petroleum contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Presentation of bid evaluation results and proposed contractors to sign petroleum contracts together with economic and technical conditions of petroleum contracts;

b) Bidding documents or shopping documents or request for proposals;

c) Bids, competitive bidding documents, or request for proposals;

d) Record of bid opening;

dd) Record of contractor assessment, scoring sheets;

e) Documents of PVN requesting clarification to bids or shopping documents or request for proposals and written response of bidders (if any);

g) Other relevant documents.

2. Assessment of contractor selection results to sign petroleum contracts includes:

a) Assessment of the basis of contractor selection process;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Assessment of appropriateness of assessment solutions and contractor selection criteria;

d) Assessment of compliance with the law during evaluation of bids, competitive bidding documents, and request for proposals;

dd) Consideration of different opinions (if any) of expert teams;

e) Other relevant details.

3. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

4. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

5. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess contractor selection results to sign petroleum contracts and request the Prime Minister to consider and approve. The documents consist of:

a) Written presentation of assessment results and written request for approval of contractor selection results to sign petroleum contract to be sent to the Prime Minister;

b) Documents under Clause 1 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Within 15 days from the date on which written approval for contractor selection results sent by the Prime Minister is received, the PVN shall inform bidders about contractor selection results, basic economic and technical conditions of petroleum contracts, and plans for negotiating petroleum contracts.

7. Within 90 days from the date on which notice on contractor selection results sent by the PVN is received, contractors and PVN must finish negotiating petroleum contracts. If details of draft petroleum contracts have not been agreed upon within the aforementioned time limit, the PVN shall file reasons for disagreement and proposed negotiation time limit to the Ministry of Industry and Trade.

Chapter IV

PETROLEUM CONTRACTS

Article 21. Documents and procedures for assessment, approval of petroleum contract

1. Within 30 days from the date on which petroleum contract negotiation concludes, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for petroleum contracts. The documents consist of:

a) Written request for approval of petroleum contracts;

b) Draft petroleum contracts agreed upon by the PVN and contractors; written presentation for difference between draft petroleum contracts under bidding documents or shopping documents or request for proposals and agreed draft petroleum contracts;

c) Certified true copies of certificate of operation registration in case of organization participants in petroleum contracts; certified true copies of ID Cards or Citizen ID Cards or passports in case of individual participants in petroleum contracts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Documents of contractors or each contractor in contractor consortium, including: company charters, financial statements of the last 3 years, and other relevant legal documents serving as the basis for petroleum contract negotiation, copies of declaration of tax obligation of the latest year if regulated by Vietnamese tax laws.

e) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess petroleum contracts and request the Prime Minister to approve. The documents consist of:

a) Written presentation of assessment results and request for approval of petroleum contracts to be sent to the Prime Minister;

b) Documents under Clause 1 of this Article;

c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

5. Within 5 working days from the date on which written approval for petroleum contracts is received, the PVN and contractors shall sign petroleum contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Within 5 working days from the date on which petroleum contracts are signed, the PVN shall submit 1 set of original documents to the Ministry of Industry and Trade to request issuance of investment registration certificate (IRC) to contractors performing petroleum operations. The documents consist of:

a) Written request for issuance of IRC for signed petroleum contracts to contractors performing petroleum operations;

b) Original petroleum contracts signed by the PVN and the contractors.

2. Within 15 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall issue investment registration certificate to contractors and the PVN and send original copies of the IRC to the Ministry of Finance, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Justice, and tax authorities.

3. Within 30 days from the date on which contractors fulfill all obligations under petroleum contracts or the date on which petroleum contracts are terminated in accordance with Article 35 of the Law on Petroleum (whichever comes later), the contractors must submit original copies, main copies of IRC and revised IRC (if any) to the PVN in order to submit to the Ministry of Industry and Trade.

Article 23. Documents and procedures for assessment, approval for revision of petroleum contracts and issuance of revised investment registration certificate

1. Pursuant to Clause 1 Article 28 of the Law on Petroleum, at request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request revision to petroleum contracts and issue revised investment registration certificate. The documents consist of:

a) Written request for approval of revised petroleum contracts and issuance of revised IRC which states reason for revision; explanation for contents of petroleum contracts to be revised; assessment of the PVN regarding request of the contractors;

b) Agreement on addition and revision to petroleum contracts agreed upon by the PVN and the contractors;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Procedures for assessing and approving revision to petroleum contracts shall conform to Clauses 2, 3, and 4 Article 21 hereof.

3. Within 5 working days from the date on which written approval for revision to petroleum contracts sent by the Prime Minister is received, the Ministry of Industry and Trade shall issue revised IRC to the contractors and PVN while sending the original copies of revised IRC to the Ministry of Finance, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Justice, and tax authorities.

Article 24. Petroleum product sharing contract

1. Petroleum product sharing contracts must conform to contract form under Appendix attached hereto.

2. PVN and contractors shall only negotiate details mentioned under “dependent on bidding or negotiation results” and other details under Article 20.7 of the contract form.

Article 25. Documents and procedures for approving extension of hydrocarbon exploration time limit

1. Hydrocarbon exploration period under Clause 1 Article 31 of the Law on Petroleum can be divided into smaller periods.

2. At least 60 days before the end of each smaller period or final day of hydrocarbon exploration period, on the basis of request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for extension of hydrocarbon exploration period. The documents consist of:

a) Written request for approval of extension of hydrocarbon exploration period which states reason for extension; plans for performing petroleum operations during extended period; additional work commitment, corresponding financial commitment, and other propositions to be implemented during extended period (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Other relevant documents.

3. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

4. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

5. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall promulgate written approval for extension of hydrocarbon exploration period.

Article 26. Documents and procedures for assessment and approval of extension of petroleum contracts

1. At least 1 year prior to the termination of petroleum contracts, at request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post to request approval for extension of petroleum contracts. The documents consist of:

a) Written request for approval of extension of petroleum contracts which states reason for extension; plans for implementing petroleum operations during extended period; minimum work obligations and minimum financial obligations during extended period (if any);

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Other relevant documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall promulgate documents approving extension of petroleum contracts.

Article 27. Documents and procedures for assessment, approval of extension of hydrocarbon exploration, extension of petroleum contracts in special cases

1. At least 60 days prior to the end of hydrocarbon exploration period or at least 1 year prior to the termination of petroleum contracts, at request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request extension of hydrocarbon exploration or extension of petroleum contracts in special cases for assessment. The documents consist of:

a) Written request for approval of extension of hydrocarbon exploration period or extension of petroleum contracts which states reason for extension and fulfillment of conditions under Clause 4 Article 31 of the Law on Petroleum; plans for implementing petroleum operations during extended period; additional work obligations, corresponding financial obligations, and other expected propositions during extended period (if ay);

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Written report on assessment results sent to the Prime Minister and written request for approval of extension of hydrocarbon exploration period or extension of petroleum contracts in special cases;

b) Documents under Clause 1 of this Article;

c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

Article 28. Documents and procedures for assessment, approval for retention of discovery area

1. Within 90 days from the date on which commercial discovery is made, at request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for retention of discovery area for up to 5 years. The documents consist of:

a) Written request for approval of retention of discovery area which states reason and fulfillment of conditions under Clause 5 Article 31 of the Law on Petroleum; plans for developing gas discovery; additional work obligations, corresponding financial obligations, and expected implementation during retention of discovery area (if any);

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall promulgate documents approving retention of discovery area for up to 5 years.

5. At least 90 days prior to the end of retention period of discovery area approved by the Ministry of Industry and Trade, if discovery area is to be retained for no more than 2 years in accordance with Clause 5 Article 31 of the Law on Petroleum, at request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request for extension of retention period of discovery area. The documents consist of:

a) Written request for approval of extension of retention period of discovery area which states reason and fulfillment of conditions under Clause 5 Article 31 of the Law on Petroleum; plans for developing gas discovery; additional work obligations, corresponding financial obligations, and expected implementation during retention of discovery area (if any);

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Other relevant documents.

6. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

7. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

8. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess the request for extension of retention period of discovery area and request the Prime Minister to approve. The documents consist of:

a) Written report to the Prime Minister on assessment report and request for approval of extension of retention period of discovery area;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

Article 29. Documents and procedures for approval of temporary suspension of execution of certain rights and obligations under petroleum contracts due to force majeure

1. In case of force majeure, the PVN and contractors shall negotiate methods for temporarily suspending execution of certain rights and obligations under petroleum contracts.

2. Within 30 days from the date on which an agreement with the contractors has been reached, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for methods for temporarily suspending execution of certain rights and obligations under petroleum contracts due to force majeure. The documents consist of:

a) Written request for approval of methods for temporarily suspending execution of certain rights and obligations under petroleum contracts due to force majeure;

b) Written propositions of the contractors (if any);

c) Other relevant documents.

3. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

4. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 30. Documents and procedures for assessment, approval of temporary suspension of execution of certain rights and obligations under petroleum contracts due to national defense and security reasons

1. Based on actual situations and reports of competent authorities in national defense and security, for the purpose of maintaining an environment of peace and stability, national and people benefits, the Prime Minister shall decide on temporary suspension of execution of certain rights and obligations under petroleum contracts for national defense, security reasons in accordance with Clause 7 Article 31 of the Law on Petroleum and request the PVN to notify the contractors.

2. On the basis of results of negotiation with the contractors, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request temporary suspension of certain rights and obligations under petroleum contracts for national defense and security reasons. The documents consist of:

a) Written report on negotiation results regarding temporary suspension of execution of certain rights and obligations under petroleum contracts due to national defense and security reasons which states information on petroleum contracts;

b) Other relevant documents.

3. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

4. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

5. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess report on temporary suspension of execution of certain rights and obligations under petroleum contracts for national defense and security reasons and request the Prime Minister to approve. The documents consist of:

a) Written report to the Prime Minister on assessment results and request for approval of methods for temporarily suspending execution of certain rights and obligations under petroleum contracts for national defense and security reasons;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

Article 31. Return of petroleum contract area and documents, procedures for approval of retention or temporary relinquishment of obligation to return petroleum contract area

1. Contractors must return a minimum of 20% of initial petroleum contract area at the end of each component periods of hydrocarbon exploration periods except for petroleum mine development area, retained area, and area where return obligation is temporarily suspended in accordance with Clause 3 Article 32 of the Law on Petroleum.

2. Contractors have the right to return petroleum contract area at any time throughout hydrocarbon exploration period. Area that has been voluntarily returned shall be deducted from total area to be returned in relevant period. Voluntary return of petroleum contract area shall not reduce obligations applicable to relevant period as well as the returned area.

3. Petroleum contract area to be returned must be convenient for subsequent petroleum operations.

4. On an annual basis, the PVN shall consolidate return of petroleum contract area made by contractors and report to the Ministry of Industry and Trade for monitoring; propose revised list of oil blocks (if necessary) in accordance with Article 12 hereof.

5. If full retention of petroleum contract area is required or temporary relinquishment of obligation to return petroleum contract area is required, at request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for full retention of petroleum contract area or temporary relinquishment of obligation to return petroleum contract area. The documents consist of:

a) Written request for approval of full retention of petroleum contract area or temporary relinquishment of obligation to return petroleum contract area which states reason and duration of retention period of petroleum contract area or suspension of obligation to return petroleum contract area; plans for implementing petroleum operations during retention period of petroleum contract area; expected additional work obligations and corresponding financial obligations during retention period of petroleum contract area or suspension period of obligation to return petroleum contract area;

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

7. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

8. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall promulgate documents approving full retention of petroleum contract area or temporary relinquishment of obligation to return petroleum contract area.

Article 32. Documents and procedures for assessment, approval for expansion of petroleum contract area, consolidation of petroleum discovery and oil, gas field

1. Pursuant to Clause 4 and Clause 5 Article 32 of the Law on Petroleum, at request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request expansion of petroleum contract area or consolidation of petroleum discovery and oil, gas field. The documents consist of:

a) Written request for approval of expansion of petroleum contract area or consolidation of petroleum discovery, oil, gas field which states reason, research and assessment results regarding area requested to be expanded or solutions for consolidating petroleum discovery, oil, gas field;

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, Ministry of Industry and Trade shall assess request for expansion of petroleum contract area or consolidation of petroleum discovery, oil, gas fields and request the Prime Minister to approve. The documents consist of:

a) Written report to the Prime Minister on assessment results and request for approval of expansion of petroleum contract area or consolidation of petroleum discovery, oil, gas field;

b) Documents under Clause 1 of this Article;

c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

5. Agreement regarding rules for consolidating petroleum discovery, oil, gas field in overall field development plan; agreement regarding consolidation of petroleum discovery, oil and gas field shall be presented by contractors in early development plans, field development plans.

Article 33. Documents and procedures for assessment, approval for transfer of rights and obligations under petroleum contracts and issuance of revised IRC

1. Pursuant to Clause 1 Article 36 of the Law on Petroleum, at request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for transfer of rights and obligations under petroleum contracts. The documents consist of:

a) Written request for approval of transfer of rights and obligations under petroleum contracts and issuance of revised IRC which states reason and fulfillment of conditions under Clause 1 Article 36 of the Law on Petroleum;

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Contracts or agreements on transfer of rights and obligations under petroleum contracts which specify transfer tax duties of relevant parties and other financial obligations in accordance with Vietnamese laws;

dd) Agreements on amendments to petroleum contracts agreed upon by the PVN and contractors;

e) Guarantee for contract obligation execution of recipients of transferred participating interests in petroleum contracts published by commercial banks or guarantee of parent companies of recipients or other forms of guarantee at request of the PVN (if necessary on the basis of financial statement assessment);

g) Tax declaration and explanation for transfer tax (if any) in accordance with tax laws; notice of tax authority regarding receipt of tax declaration in accordance with tax laws;

h) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments to provide feedback.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess the transfer of rights and obligations under petroleum contracts and request the Prime Minister to consider and approve. The documents consist of:

a) Written presentation of assessment results and request for approval of transfer of rights and obligations under petroleum contracts to be sent to the Prime Minister;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

5. Within 5 working days from the date on which approval for transfer of rights and obligations under petroleum contracts of the Prime Minister is received, the Ministry of Industry and Trade shall issue revised IRC to contractors and PVN and send original copies to the Ministry of Finance, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Justice, and tax authority.

6. In case of change to owners of contractors holding participating interests in petroleum contracts, contractors shall declare and pay taxes on behalf of the owners regarding income related to petroleum contracts in Vietnam (if any) or file reports to tax authority if they are not subject to tax in accordance with Vietnamese laws. Tax declaration or reports sent to tax authority and notice of tax authority regarding receipt of documents sent by the contractors must be attached to reports filed to tax authority regarding change of ownership. If the transfer occurs outside of Vietnam, the documents must include information on: country, territory, time of completion of transfer; whether fulfillment of tax obligations of transfer includes property value, participating interests in petroleum contracts in Vietnam or not; if the fulfillment of tax obligations of transfer includes property value, right to participate in petroleum contracts in Vietnam, state the basis and methods for determining value of the portion of property and right in Vietnam. In case parent companies or direct owners of contractors have issued letter of guarantee for previous petroleum contracts, contractors must provide letter of guarantee of new owners which must be approved by the PVN.

7. If contractors undergo merger, acquisition, full division, partial division, change to registration country, or other operations that alter basic information of the contractors recorded in IRC or petroleum contracts, the contractors must adopt procedures for amending IRC, declare and pay taxes for taxable income in accordance with regulations and law of Vietnam and international treaties to which Vietnam is a signatory.

8. Within 15 days from the date on which contractors change their address or legal representatives, the contractors must notify the Ministry of Industry and Trade, the PVN, and relevant contractors mentioned under petroleum contracts in writing.

9. Contractors are responsible for adequacy and legitimacy of tax declaration and payment (if any) or reports filed to tax authority if they are not subject to tax as per the law; shall be met with legal actions for inadequate or illegitimate declaration and reporting.

Article 34. Documents and procedures for assessment and approval of execution of the right to participate, priority over participating interests, receipt of participating interests in petroleum contracts of the PVN

1. Pursuant to Clause 1 and Clause 2 Article 39 of the Law on Petroleum, on the basis of conditions agreed upon between contractors and the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval of the right to participate in petroleum contract or priority over participating interests which the contractors intend to transfer under signed petroleum contracts or receipt of the entirety of contractor benefits in case the contractors withdraw from petroleum contracts for special reasons. The documents consist of:

a) Written request for approval of exercising of the right to participate or priority over participating interests or receipt of participating interest in petroleum contracts and issuance of revised IRC, including investment opportunity assessment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Agreements on amendments to petroleum contracts agreed upon by the PVN and contractors;

d) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send request for feedback to Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, and relevant ministries and central departments.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess request for exercising of the right to participate or priority over participating interests or receipt of participating interests in petroleum contracts of the PVN and request the Prime Minister to consider, approve. The documents consist of:

a) Report to the Prime Minister on assessment results and request for approval of exercising of the right to participate or priority over participating interest or receipt of participating interests in petroleum contracts of the PVN;

b) Documents under Clause 1 of this Article;

c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

5. Within 5 working days from the date on which approval of the Prime Minister for exercising of the right to participate or priority over participating interests or receipt of participating interests in petroleum contracts is acquired, the Ministry of Industry and Trade shall issue revised IRC to contractors and the PVN and send original copies to the Ministry of Finance, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Justice, and tax authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Within 60 days from the date on which IRC comes into effect, operators shall submit 1 set of original documents for registration of operating office establishment to Departments of Planning and Investment where the operating offices are located. The documents consist of:

a) Written registration for operating office establishment signed by competent representatives of operators;

b) Certified true copies of IRC;

c) Decision on employment or hiring contracts with respect to heads of operating offices of operators;

d) Certified true copies of ID Card or Citizen ID Card or passport of heads of operating offices.

2. Within 15 days from the date on which adequate documents are received, the Departments of Planning and Investment shall issue certificate of operation registration of operating office.

3. Operating period of operating offices shall conform to effective period of IRC or revised IRC except for cases where IRC is extended for the purpose of fulfilling obligations to host countries upon termination of petroleum contracts.

4. Departments of Planning and Investment shall send copies of certificate of operation registration of operating offices to the Ministry of Industry and Trade, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, and PVN.

5. Within 15 days from the date on which change to address of operating offices, heads of operating offices, takeover of operating offices from previous operators, and other information on issued certificate of operation registration of operating offices occurs, operators shall adopt procedures for revising information of issued certificate of operation registration of operating offices in accordance with Clause 1 of this Article and notify tax authority about the changes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Notice on termination of operating offices signed by competent representatives of operators;

b) List of employees and their applicable benefits;

c) Seals and certification of seal specimen (if any);

d) Written confirmation of tax authority regarding operating office’s fulfillment of tax duties and closure of taxpayer identification number in case of termination of petroleum contracts;

dd) Original copies of establishment registration of operating office.

7. Within 15 days from the date on which adequate documents are received, Departments of Planning and Investment shall send notice on removal of operating offices to operators, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, the PVN, and tax authority.

8. Operating offices are responsible for fulfilling obligations according to Vietnamese regulations and laws prior to their termination.

Article 36. Documents and procedures for assessment, approval of follow-up plan for oil fields, groups of oil fields, oil blocks upon expiry of petroleum contracts

1. If contractors under petroleum contracts propose signing new petroleum contracts upon expiry of current petroleum contracts according to Clause 2 Article 40 of the Law on Petroleum, the PVN shall implement direct contracting in accordance with Article 21 of the Law on Petroleum and this Decree. The PVN shall approve and distribute request for proposals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If contractors under petroleum contracts do not propose signing of new petroleum contracts, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for follow-up plans for oil fields, groups of oil fields, oil blocks upon expiry of petroleum contracts at least 6 months prior to the expiry of petroleum contracts. The documents consist of:

a) Written request for approval of follow-up plan for oil fields, oil blocks upon expiry of petroleum contracts which evaluates oil field conditions, oil field group conditions, oil block conditions; estimation of remaining petroleum resources and reserves;

b) Expected solutions for implementation upon expiry of petroleum contracts: ceasing to operate oil fields, groups of oil fields, oil blocks; continuing with operation of oil fields, groups of oil fields, oil blocks on the basis of new petroleum contracts with appropriate economic and technical conditions; or assigning the PVN to salvage operation of oil fields, groups of oil fields, oil blocks;

c) Draft financial regulations for regulating petroleum operations during periods that start from receipt of oil fields, groups of oil fields, oil blocks to signing of new petroleum contracts;

d) Other relevant documents.

4. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send request for feedback to Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, and relevant ministries and central departments.

5. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

6. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess follow-up plans for oil fields, groups of oil fields, oil blocks before the expiry of petroleum contracts and request the Prime Minister to approve. The documents consist of:

a) Written presentation of assessment results and request for approval of follow-up plans for oil fields, groups of oil fields, oil blocks upon expiry of petroleum contracts to be sent to the Prime Minister;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

7. Based on decision of the Prime Minister approving follow-up plans for oil fields, groups of oil fields, oil blocks upon expiry of petroleum contracts:

a) In case of ceasing to operate oil fields, groups of oil fields, or oil blocks, contractors are responsible for decommissioning petroleum installations in accordance with approved decommissioning plans;

b) In case of continuing with operation of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks, the PVN shall receive oil fields, groups of oil fields, and oil blocks in their current states from the contractors and coordinate petroleum operations in accordance with financial regulations under Article 37 hereof until new petroleum contract is signed or for no longer than 2 years; select and designate entities responsible for petroleum operations during this period (if necessary). If no contractors express their interest or are selected to sign new petroleum contracts after 2 years from the date on which the PVN receives oil fields, groups of oil fields, and oil blocks, the PVN shall request the Prime Minister to assess, the Prime Minister to approve follow-up plans for oil fields, groups of oil fields, and oil blocks which utilize any of the two solutions under Clause 3 Article 41 of the Law on Petroleum. Documents and procedures for assessment, approval of follow-up plans for oil fields, groups of oil fields, oil blocks shall conform to Clauses 3, 4, 5, and 6 of this Article;

c) In case of taking over operation of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks, the PVN shall carry out petroleum operations in accordance with Chapter VIII hereof.

Article 37. Financial regulations for regulating petroleum operations during periods that start from receipt of oil fields, groups of oil fields, oil blocks to signing of new petroleum contracts

Financial regulations for regulating petroleum operations during periods that start from receipt of oil fields, groups of oil fields, oil blocks to signing of new petroleum contracts according to Clause 3 Article 41 of the Law on Petroleum and Point b Clause 7 Article 36 hereof shall be implemented in a manner where any surplus created by revenues and expenditure on petroleum operations (including amounts submitted to guarantee funds for fulfillment of financial obligations for petroleum installation decommissioning, if necessary) shall be submitted to the state budget while maintaining effectiveness and closely controlling petroleum operation costs. Petroleum operation costs in this case mean deductibles of income subject to corporate income tax in accordance with corporate income tax laws, petroleum laws, relevant legislative documents, and international treaties to which Vietnam is a signatory. Financial regulations for regulating petroleum operations while waiting for the signing of new petroleum contracts include:

1. Petroleum sales generated by petroleum operations and other revenues (if any) shall be used for:

a) Paying and disbursing legitimate, reasonable costs incurred during petroleum operations according to approved operation programs and budget;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Covering additional investment to increase petroleum reserve, maintain petroleum mining productivity; contributing to guarantee fund for fulfillment of petroleum installation decommissioning obligations for work items of additional investment (if any).

2. Submit the following amounts to the state budget on an annual basis:

a) Remaining revenues after spending on purposes under Clause 1 of this Article;

b) Remaining budget (if any) if total amount spent at the end of the period is lower than actual approved budget;

c) Interests (if any) of remaining provisions that are allowed to be retained at the end of financial year;

d) Remaining amount (if any) of guarantee fund for fulfillment of petroleum installation decommissioning obligations after decommissioning, determined by audit results as per the law;

dd) Surplus (if any) of revenues generated by liquidation of assets no longer useful for petroleum operations; equipment, instruments, materials, and wastes collected during petroleum installation decommissioning; legitimate, reasonable costs on a case-by-case basis.

3. The PVN shall be responsible for

a) developing and approving annual operation programs and budget;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) producing quarterly reports to the Ministry of Industry and Trade on petroleum operations;

d) proposing follow-up plans appropriate to Clause 3 Article 41 of the Law on Petroleum.

Article 38. Regulations on management, recording, use of assets, and receipt of participating interests from contractors in special cases

1. If contractors decide to withdraw from petroleum contracts due to special reasons under Clause 2 Article 39 of the Law on Petroleum, the PVN shall receive all participating interests of the contractors under petroleum contracts and receive information, data, documents, specimen, petroleum installations, and other assets (if any) in their current states in accordance with agreement signed with the contractors.

2. Contractors shall be paid in value of state assets received and managed by the PVN under Clause 1 of this Article from state budget in accordance with agreement signed between the PVN and contractors.

3. The PVN shall manage and produce separate reports to monitor participating interests that they receive from contractors, information, data, documents, specimen, petroleum installations, and other assets (if any) in accordance with Clause 1 of this Article and specific decisions of the Prime Minister assigning the PVN to receive all participating interests from contractors in special cases and not record in state investment in enterprises and financial statements of the PVN.

4. On an annual basis, the PVN shall develop plans for expenditure on management, monitoring of assets and expenditure for relevant issues which shall be processed in accordance with Point d Clause 4 Article 64 of the Law on Petroleum and whose audit results shall be approved by Board of members of the PVN.

5. The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with Committee for Management of State Capital at Enterprises in guiding, monitoring asset management performed by the PVN under Clause 1 of this Article.

Chapter V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 39. Documents on safety management

1. When performing petroleum operations, contractors are responsible for developing documents on safety management in accordance with Point a Clause 4 Article 8 of the Law on Petroleum, including:

a) Safety management program;

b) Risk assessment report;

c) Emergency response plan.

2. Safety management program includes basic details such as:

a) Policies and goals regarding safety;

b) Safety operations, delegation of responsibilities regarding safety operations;

c) Safety training program; capacity, qualification, and experience requirements for employees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Assessment of compliance with the law including requirements to be met in accordance with regulations on license, certificate of technical safety and environmental protection;

e) Safety management implemented by service contractors, organizations, individuals.

3. Risk assessment report includes basic details such as:

a) Purpose and goals of risk assessment;

b) Description of petroleum operations, petroleum installations;

c) Quantitative and qualitative risk identification, analysis, and assessment;

d) Risk mitigating solution.

4. Emergency response plan must rely on results of risk assessment report and include basic details such as:

a) Description and classification of possible emergencies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Response procedures for every scenario;

d) Description of internal and external resources that are available or can be mobilized to effectively respond to emergencies;

dd) Contact address and information of internal departments for emergency response and reporting to relevant competent authority;

e) Emergency response training and drill plans;

g) Operational recovery plans for petroleum installations include inspect, assessment of causes and consequences for the purpose of re-establishing and improving safety level of petroleum installations;

h) Emergency response plan must conform to emergency response system of the National Committee for Search and Rescue, local governments, and PVN (with respect to entities affiliated to the PVN, petroleum joint venture, and petroleum contractors);

i) Organizations and individuals engaging in petroleum operations available for cooperation in developing general emergency response plan.

5. The Ministry of Industry and Trade shall provide detail guidelines on safety management documents in petroleum operations.

Article 40. Documents and procedures for assessment, approval of safety management documents

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Written request for approval of safety management documents;

b) Safety management documents under Article 39 hereof;

c) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

d) Other relevant documents.

2. Assessment of safety management documents includes:

a) Assessing compliance of documents with the Law on Petroleum and this Decree;

b) Assessing adequacy and accuracy of contents of documents;

c) Physical observation at petroleum installations (if necessary).

3. Assessment of safety management documents shall be conducted by assessment councils. The Minister of Industry and Trade shall promulgate decision on establishment and operating regulations of assessment councils (including representatives of ministries, central departments, relevant organizations, if necessary).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Within 5 working days from the date on which written assessment produced by assessment councils is received, the Minister of Industry and Trade shall promulgate decision approving safety management documents.

Article 41. Safety management system

1. Contractors must develop, maintain, and update safety management system in order to ensure safety of all petroleum operations starting from hydrocarbon exploration phase to the end of petroleum installation decommissioning phase.

2. Primary details of safety management system include:

a) Policies and objectives regarding safety, working environment and programs, plans for executing these objectives;

b) Up-to-date list of relevant legislative documents, standards, technical regulations;

c) Operating, emergency response, construction and machinery maintenance procedures; regulations on management, examination, inspection, and certification of technical safety and environmental protection in regarding constructions, machinery, equipment, and hazardous chemicals;

d) Safety regulations; safety signs for production lines, machinery, equipment, materials, chemicals, and tasks with strict safety requirements; document storage and management, reporting;

dd) System of safety operations; decentralized responsibilities, task execution, report recipients; qualification and experience requirements appropriate to working positions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Mandatory update, assessment, and control implemented by organizations and individuals regarding any change to organization, technicality, technology, and other requirements that affect risk levels in order to ensure continuous and consistent performance of safety management system.

Article 42. Safety risk management

1. Contractors must ensure that all risks are identified, analyzed, and assessed for all petroleum installations, machinery, equipment, chemicals, and hazardous materials. Risk assessment results shall serve as input data for organizing of emergency response operations.

2. Risk management operations include:

a) Quantitative and qualitative risks must be conducted for every phase of petroleum operations to act as the basis for solutions for controlling, mitigating risks, and proving acceptable risk levels according to national technical regulations;

b) Risk assessment reports must be updated once every 5 year or in case of modification or major change to operating technology and organization in order to act as the basis for decisions relating to petroleum operation safety;

c) Contractors must identify positions and specific conditions where high risks are present and where safety concerns exist when implementing activities in order to take mitigating actions.

Article 43. Emergency response

1. Contractors must develop and maintain emergency response system in order to effectively respond to emergencies and accidents that threaten humans, the environment, or property. Contractors shall notify competent authority depending on severity of emergencies and accidents as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Individuals arriving at petroleum installations for the first time must receive detail guidance regarding emergency response operations, safety equipment, and means of egress.

Article 44. Safety in designing, manufacturing, constructing, and operating petroleum installations

1. Petroleum installations must be designed, manufactured, and constructed in a manner that adheres to national technical regulations, national standards, or international standards, regional standards, and foreign standards that are widely accepted, applied, compliant with Vietnamese regulations and law, international treaties to which Vietnam is a signatory, and satisfies requirements below:

a) Technology safety;

b) Construction safety;

c) Fire prevention and safety;

d) Safety zone and corridor;

dd) Regulations on environmental protection;

e) Ability to withstand expected load during operation and emergency;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Designing, manufacturing, constructing, testing, and commissioning of petroleum installations must be inspected and certified by competent authority as per the law in order to ensure compliance with technical regulations, standards, Vietnamese regulations and law, and international treaties to which Vietnam is a signatory.

3. Prior to conducting test runs, contractors must conduct inspection, test, and experiment for each work item and make sure that emergency response plan and fire prevention and firefighting operation are ready and available as per the law. During test runs, organizations and individuals must adopt solutions for timely and effective response to possible accidents and emergencies.

4. Petroleum installations shall only enter into operation if their inspection, test, experiment results, and safety features meet the requirements.

5. Petroleum installations must be operated, maintained, inspected, and repaired in a manner that adheres to regulations of the law, procedures, technical regulations, and standards applied. Contractors must immediately cease operations if such operations can harm humans, the environment, or petroleum installations and cannot be controlled.

Chapter VI

PROCEDURES FOR APPROVING EXECUTION OF PETROLEUM OPERATIONS

Article 45. Documents and procedures for assessment, approval of oil field development projects with uniform chains of onshore and offshore petroleum installations and equipment

1. Pursuant to Clause 1 Article 42 of the Law on Petroleum, on the basis of request of contractors approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for oil field development projects with uniform chains of onshore and offshore petroleum installations and equipment. The documents consist of:

a) Written request for approval of oil field development projects with uniform chains of onshore and offshore petroleum installations and equipment which states reasons and includes assessment, comparison of economic effectiveness between solutions that involve uniform chains and other solutions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

d) Proposed demand for forest, land repurposing (if any) together with presentation, maps of current forest and land conditions, and other documents in accordance with forestry laws, land laws, and relevant law provisions;

dd) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request for feedback to Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of Construction, Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, Committee for Management of State Capital at Enterprises (if the PVN participates in petroleum contracts as contractors), and relevant ministries, central departments, local governments.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries, central departments, and local governments shall send written feedback regarding their expertise to the Ministry of Industry and Trade, where the Ministry of Natural Resources and Environment and Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide feedback on forest and land repurposing (if any) in accordance with forestry laws, land laws, and other relevant law provisions.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess request for execution of oil field development projects with uniform chains of onshore and offshore petroleum installations and equipment and request the Prime Minister to approve. The documents consist of:

a) Written report on assessment results and request for approval of execution principles of oil field development projects with uniform chains of onshore and offshore petroleum installations and equipment to be sent to the Prime Minister;

b) Documents under Clause 1 of this Article;

c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Written request for approval of forest and land repurposing principles for oil field development projects with uniform chains of onshore and offshore petroleum installations and equipment to be sent to the National Assembly by the Government;

b) Documents according to forestry and land laws;

c) Other relevant documents.

6. When forest and land repurposing principles and overall field development plans are approved, documents and procedures of provincial People’s Committees for expropriation and repurposing of forests, land that serve execution of oil field development projects with uniform chains of onshore and offshore petroleum installations and equipment shall conform to forestry laws, land laws, and relevant law provisions.

7. During the period of forest, land expropriation and repurposing to execute oil field development projects, the PVN and contractors are allowed to conduct surveying and measurement to collect data for preparation of oil field development plans.

Article 46. Documents and procedures for assessment, approval of forest, land repurposing principles of onshore oil field development projects

1. If onshore oil field development projects require forest, land repurposing in accordance with Clause 2 Article 42 of the Law on Petroleum, on the basis of request of contractors, the PVN shall request competent authority to assess and approve forest, land repurposing principles in accordance with forestry laws and land laws.

2. If approval for forest, land repurposing principles is only granted by the National Assembly in accordance with Point a Clause 2 Article 42 of the Law on Petroleum, the Government shall send documents requesting approval for forest, land repurposing principles to the National Assembly in the same manner depicted under Clause 5 Article 45 hereof.

3. Procedures for assessing and approving forest, land repurposing principles of onshore oil field development projects shall conform to forestry laws, land laws, and other relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 47. Documents and procedures for assessment, approval of petroleum resource and reserves report, updated petroleum resource and reserves report

1. Within 120 days from the date on which appraisal of petroleum discovery, on the basis of petroleum resource and reserves report produced by contractors and approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval of petroleum resource and reserves report. The documents consist of:

a) Written request for approval of petroleum resource and reserves report of petroleum discovery that has undergone appraisal;

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Petroleum resource and reserves report containing basic details under Article 45 of the Law on Petroleum;

d) Summary of petroleum resource and reserves report;

dd) Other relevant documents.

2. Assessment of petroleum resource and reserves report shall be conducted by assessment councils. The Minister of Industry and Trade shall promulgate decision on establishment and operating regulations of assessment councils (including representatives of relevant ministries, central departments, and relevant organizations) and expert teams assisting the assessment councils.

3. During assessment process, the Ministry of Industry and Trade shall request the PVN to appoint capable consulting organizations to assess petroleum resource and reserves report if necessary. Expenditure on hiring consultants shall be sourced from costs for management and supervision of petroleum contracts under Point c Clause 4 Article 64 of the Law on Petroleum. Consulting organizations must be legally and financially independent of the contractors. Assessment period shall last no longer than 90 days.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Within 5 working days from the date on which written assessment sent by assessment councils is received, the Minister of Industry and Trade shall promulgate decision approving petroleum resource and reserves report.

6. Documents and procedures for assessment, approval of updated petroleum resource and reserves report under Clause 5 Article 45 of the Law on Petroleum shall conform to this Article.

7. The Ministry of Industry and Trade shall elaborate decentralization and production of petroleum resource and reserves report.

Article 48. Documents and procedures for assessment, approval of overall oil field development plan, revised overall oil field development plan

1. Within 12 months from the date on which petroleum resource and reserves report is approved, on the basis of overall oil field development plan produced by contractors and approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for overall oil field development plan. The documents consist of:

a) Written request for approval of overall oil field development plan;

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Overall oil field development plan containing basic details under Article 46 of the Law on Petroleum. In case of gas field development, preliminary gas sale plan must contain basic information on gas buyers, expected time of gas sale, and other prerequisites of gas sale plan;

d) Summary of overall oil field development plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Agreement on common oil field development principles (if any);

g) Other relevant documents.

2. Assessment of overall oil field development plan shall be conducted by assessment councils. The Minister of Industry and Trade shall promulgate decision on establishment and operating regulations of assessment councils (including representatives of relevant ministries, central departments, and relevant organizations) and expert teams assisting the assessment councils.

3. If the PVN participates in petroleum contracts as contractors, in addition to assessment of overall oil field development plan conducted by assessment councils, the Ministry of Industry and Trade shall send request for feedback to the Committee for Management of State Capital at Enterprises regarding capital use of the PVN.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the assessment councils shall assess overall oil field development plan and request the Minister of Industry and Trade to approve.

5. Within 5 working days from the date on which written assessment sent by assessment councils is received, the Minister of Industry and Trade shall promulgate decisions approving overall oil field development plan.

6. Documents and procedures for assessment, approval of revised overall oil field development plan for revision that requires approval of the Ministry of Industry and Trade according to Clause 5 Article 46 of the Law on Petroleum shall conform to this Article.

7. Documents and procedures for assessment, approval of revised overall oil field development plan for revision that requires approval of the PVN under Clause 5 Article 46 of the Law on Petroleum shall conform to procedures promulgated by the PVN.

Article 49. Documents and procedures for assessment, approval of early development plans, revised early development plans

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Currently available information does not permit determination of reasonable production plan according to international oil and gas industry practice but demands additional data gathering on the basis of actual production of oil fields, deposit layers, and seams;

b) Proved and probable reserves (on-site petroleum) P1/2P must not be lower than 40% or approval of the Ministry of Industry and Trade is required.

2. Within 18 days from the date on which overall oil field development plan is approved, on the basis of early development plan produced by contractors and approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for early development plan. The documents consist of:

a) Written request for approval of early development plan;

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Early development plan containing basic details under Article 47 of the Law on Petroleum;

d) Summary of early development plan;

dd) Agreement on combined petroleum and oil field discovery between relevant parties (if any) on the basis of approval of the Prime Minister regarding combining of petroleum discovery, oil field discovery under Article 48 hereof;

e) Agreement on common oil field development (if any) on the basis of agreement on common oil field development principles approved under Article 48 hereof;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Assessment of early development plan shall be conducted by assessment councils. The Minister of Industry and Trade shall promulgate decision on establishment and operating regulations of assessment councils (including representatives of relevant ministries, central departments, and relevant organizations) and expert teams assisting the assessment councils.

4. If the PVN participates in petroleum contracts as contractors, in addition to assessment of overall oil field development plan conducted by assessment councils, the Ministry of Industry and Trade shall send request for feedback to the Committee for Management of State Capital at Enterprises regarding capital use of the PVN.

5. During assessment process, the Ministry of Industry and Trade can request the PVN to appoint consulting organizations capable of assessing early development plan if necessary. Expenditure on hiring consultants shall be sourced from costs for management and supervision of petroleum contracts under Point c Clause 4 Article 64 of the Law on Petroleum. Consulting organizations must be legally and financially independent of the contractors. Assessment period shall last no longer than 90 days.

6. Within 45 days from the date on which adequate documents are received (including assessment report of consulting organizations, if needed), assessment councils shall assess early development plan and request the Ministry of Industry and Trade to approve.

7. Within 5 working days from the date on which written assessment sent by assessment councils is received, the Minister of Industry and Trade shall promulgate decisions approving early development plan.

8. Documents and procedures for assessment, approval of revised early development plan for revision that requires approval of the Ministry of Industry and Trade according to Clause 6 Article 47 of the Law on Petroleum shall conform to this Article.

9. Documents and procedures for assessment, approval of revised early development plan for revision that requires approval of the PVN according to Clause 5 Article 47 of the Law on Petroleum shall be determined by total investment accumulated from the last time early development plan was approved and conform to procedures promulgated by the PVN.

Article 50. Documents and procedures for assessment, approval of oil field development plan, revised oil field development plan

1. Within 18 months from the date on which overall oil field development plan is approved or within 6 months prior to the end of early development plan, on the basis of oil field development plan produced by contractors and approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval of oil field development plan. The documents consist of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Oil field development plan containing basic details under Article 48 of the Law on Petroleum;

d) Summary of oil field development plan;

dd) Agreement on combined petroleum and oil field discovery between relevant parties (if any) on the basis of approval of the Prime Minister regarding combining of petroleum discovery, oil field discovery under Article 48 hereof;

e) Agreement on common oil field development (if any) on the basis of agreement on common oil field development principles approved under Article 48 hereof;

g) Other relevant documents.

2. Assessment of oil field development plan shall be conducted by assessment councils. The Minister of Industry and Trade shall promulgate decision on establishment and operating regulations of assessment councils (including representatives of relevant ministries, central departments, and relevant organizations) and expert teams assisting the assessment councils.

3. If the PVN participates in petroleum contracts as contractors, in addition to assessment of oil field development plan conducted by assessment councils, the Ministry of Industry and Trade shall send request for feedback to the Committee for Management of State Capital at Enterprises regarding capital use of the PVN.

4. During assessment process, the Ministry of Industry and Trade can request the PVN to appoint consulting organizations capable of assessing oil field development plan if necessary. Expenditure on hiring consultants shall be sourced from costs for management and supervision of petroleum contracts under Point c Clause 4 Article 64 of the Law on Petroleum. Consulting organizations must be legally and financially independent of the contractors. Assessment period shall last no longer than 90 days.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Within 5 working days from the date on which written assessment sent by assessment councils is received, the Minister of Industry and Trade shall promulgate decisions approving oil field development plan.

7. Documents and procedures for assessment, approval of revised oil field development plan for revision that requires approval of the Ministry of Industry and Trade according to Clause 6 Article 48 of the Law on Petroleum shall conform to this Article.

8. Documents and procedures for assessment, approval of revised early development plan for revision that requires approval of the PVN according to Clause 5 Article 48 of the Law on Petroleum shall be determined by total investment accumulated from the last time early development plan was approved and conform to procedures promulgated by the PVN.

Article 51. Documents and procedures for assessment, approval of decommissioning plan, revised decommissioning plan

1. Within 1 year from the date on which first oil or first gas is produced commercially from area under petroleum contract, on the basis of decommissioning plan produced by contractors and approved by the PVN, the PVN shall submit 2 sets of documents (1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for decommissioning plan. The documents consist of:

a) Written request for approval of decommissioning plan;

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Decommissioning plan containing basic details under Article 50 of the Law on Petroleum;

d) Summary of decommissioning plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Assessment of decommissioning plan shall be conducted by assessment councils. The Minister of Industry and Trade shall promulgate decision on establishment and operating regulations of assessment councils (including representatives of relevant ministries, central departments, and relevant organizations) and expert teams assisting the assessment councils.

3. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, assessment councils shall assess decommissioning plan and request the Ministry of Industry and Trade to approve.

4. Within 5 working days from the date on which written assessment sent by assessment councils is received, the Minister of Industry and Trade shall promulgate decisions approving decommissioning plan.

5. Documents and procedures for assessment, approval of decommissioning plan for revision that requires approval of the Ministry of Industry and Trade according to Clause 8 Article 50 of the Law on Petroleum shall conform to this Article.

6. Documents and procedures for assessment, approval of revised decommissioning plan for revision that requires approval of the PVN under Clause 6 Article 50 of the Law on Petroleum shall conform to procedures promulgated by the PVN.

Article 52. Guarantee fund for fulfillment of decommissioning obligations

1. Currency used in guarantee fund for fulfillment of decommissioning obligations (hereinafter referred to as “decommissioning fund”) shall be the USD.

2. Annual donation to decommissioning fund (including VAT) shall be determined using formula below:

En =

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Dn

Where:

En: Donation to the fund in the year n, in USD;

An: Petroleum production in the year n, determined by production in the corresponding year, in barrel of oil equivalent (BOE);

Bn: Total decommissioning costs in the year n, Bn = (b1 - b2), where:

b1: Total decommissioning costs estimated under (the latest and approved) decommissioning plan, in USD;

b2: Estimates of costs determined under (the latest and approved) decommissioning plan corresponding to equipment, property, or installations that have been decommissioned as of the year (n-1), in USD;

C(n-1): Balance of decommissioning fund as of December 31 of the year (n-1) determined by total balance of all accounts which the PVN donates to and verified by relevant credit institutions in writing, in USD;

I(n-1): Interests of bank deposits which organizations and individuals are eligible for after the PVN fulfills obligations to the state budget (if any) on their behalf for the year n-1;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d1: Oil reserves for exploitation determined under oil field development plan or early development plan approved by competent authority as of the end of the year n, in BOE;

d2: Total oil reserves exploited from (other) relevant oil fields as of the year (n-1), in BOE.

3. Prior to termination of oil field operation or early termination of petroleum contracts, contractors must prepare adequate decommissioning fund according to the final decommissioning plan approved by competent authority.

4. Within 1 year prior to termination of petroleum contracts or the end of petroleum exploitation period according to approved oil field development plan or revised oil field development plan, contractors must update decommissioning plan and request competent authority to approve in accordance with Article 51 hereof.

5. If balance of decommissioning fund is lower than cost estimates detailed under the final and approved decommissioning plan, within 6 months prior to termination of petroleum contracts or the end of petroleum exploitation period, each contractor must make additional donations to the fund depending on their participating interests in petroleum contracts. If necessary, the PVN shall request contractors to apply for bank guarantee in order to guarantee fulfillment of decommissioning obligations where guarantee amount is equivalent to the missing amount.

6. If balance of decommissioning fund is greater than cost estimates detailed under the final and approved decommissioning plan, the surplus will be dealt with during finalization in accordance with Article 54 hereof or returned to contractors if the PVN receives use right of decommissioning fund (in case contractors are allowed to partially or entirely retain petroleum installations) as long as the contractors have fulfilled financial obligations with host countries in accordance with petroleum contracts and relevant law provisions. The surplus returned to contractors shall be dealt with in accordance with Clause 5 Article 54 hereof.

7. If signed petroleum contracts contain agreements regarding guarantee for fulfillment of decommissioning obligations that are different from this Decree, contractors shall conform to the petroleum contracts.

Article 53. Management and use of decommissioning fund

1. Decommissioning fund shall serve decommissioning of petroleum installations. Contractors shall tap into the fund for the purpose of decommissioning petroleum installations in accordance with approved decommissioning plan.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If contractors are not required to decommission or only required to partially decommission petroleum installations, the entirety or part of decommissioning fund corresponding to the entirety or party of petroleum installations required to be retained shall remain under management of the PVN and shall be used for decommissioning petroleum installations that are no longer required for petroleum operations or safety operation of which can no longer be maintained. In this case, the PVN shall cooperate with contractors in determining amount of decommissioning fund at the time in which the PVN receives use right of the fund while the contractors are responsible for donating the missing amount which is determined in accordance with Article 52 hereof. When contractors have made additional donations to decommissioning fund and transferred fund use right to the PVN, the contractors shall be relieved from obligations to the entirety or party of petroleum installations that have not been decommissioned and relieved from obligations to contingency costs for decommissioning of petroleum installations (if any).

4. On an annual basis, the PVN shall audit and verify donations to decommissioning fund, disbursement from the fund, and costs incurred by the contractors.

Article 54. Finalization of decommissioning fund

1. Within 9 months from the date on which partial or total decommissioning of petroleum installations under petroleum contracts, contractors must produce decommissioning completion report for partial or total decommissioning, request the PVN to approve, and request the Ministry of Industry and Trade to monitor.

2. Primary contents of decommissioning completion report include:

a) Description of petroleum installations and actual decommissioning work conducted;

b) Decommissioning progress;

c) Assessment of changes between actual decommissioning operation and approved plan (if any);

d) Actual decommissioning costs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Responsibility for retained installations (if any).

3. Sale value of refuse collected during and after decommissioning process shall be recorded and dealt with during finalization of decommissioning fund in accordance with Clause 4 and Clause 5 of this Article.

4. Within 30 days from the date on which the PVN approves decommissioning completion report, contractors shall cooperate with the PVN in finalizing decommissioning costs ( including sale value of refuse mentioned under Clause 3 of this Article).

5. If contractors decommission petroleum installations at the end of petroleum contracts, balance of decommissioning fund, after finalization and fulfillment of financial obligations of petroleum contracts, shall be dealt with as follows:

a) If contractors have recovered donations to decommissioning fund, fund balance, after fulfilling financial obligation in accordance with petroleum contracts, shall be distributed to contractors and the PVN depending on profit oil ratio applicable to the highest production scale implemented during effective period of petroleum contracts;

b) If contractors have not fully recovered their donations to decommissioning fund, the remaining fund balance shall cover the unrecovered amount. Fund balance after allowing contractors to recover their donations (if any) and fulfilling financial obligations according to petroleum contracts shall be distributed between contractors and the PVN depending on profit oil ratio applicable to the highest production scale implemented during effective period of petroleum contracts.

6. If the PVN receives decommissioning fund and directly implements decommissioning, fund balance after finalization shall be submitted to state budget.

7. On an annual basis, the PVN shall submit reports on management, use, and finalization of decommissioning fund to the Ministry of Industry and Trade and Ministry of Finance.

Article 55. Documents and procedures for approval of retention, delayed decommissioning, partial or total decommissioning

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Written request for partial, total retention of petroleum installations or delayed partial, total decommissioning;

b) Assessment of PVN regarding request of the contractors; documents on acknowledgement and presentation of the contractors (if any);

c) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request for feedback to the Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Transport, Ministry of Planning and Investment, Ministry of National Defense, and relevant ministries and central departments.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall promulgate written approval for partial, total retention of petroleum installations or delayed partial, total decommissioning.

5. If the PVN requests partial, total retention of petroleum installations or delayed partial, total decommissioning, procedures for requesting and approving shall conform to Clauses 1, 2, 3, and 4 of this Article.

6. If competent authority requests partial or total retention of petroleum installations, the Ministry of Industry and Trade shall inform the PVN and contractors in writing at least 6 months prior to decommissioning according to approved progress.

7. The Ministry of Industry and Trade shall elaborate preservation and abandonment of oil wells and decommissioning of petroleum installations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



PREFERENTIAL TREATMENT IN PETROLEUM OPERATIONS

Article 56. Criteria for determining oil blocks in deep waters, offshore waters, areas with extremely difficult geographic conditions, complicated geological situations; marginal fields

1. Oil blocks in deep waters, offshore waters, areas with extremely difficult geographic conditions, complicated geological situations are oil blocks where:

a) the shallowest point is located at a minimum depth of 150 m;

b) the point closest to shore is at least 150 km away from shore.

2. Marginal fields are fields whose internal rate of return for the entire project lifetime is below 10% in USD and is lower than average cost of capital.

Article 57. Documents and procedures for assessment, approval of list of oil blocks, oil fields eligible for investment incentive policies and special investment incentive policies

1. Depending on eligible entities under Article 53 of the Law on Petroleum, the PVN shall develop list of oil blocks and oil fields eligible for investment incentive policies and special investment incentive policies and submit 2 sets of documents (including 1 set of original documents and 1 set of copies) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service. The documents consist of:

a) Written request for approval of list of oil blocks, oil fields eligible for investment incentive policies and special investment incentive policies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send request for feedback to Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, and relevant ministries and central departments.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess lists of oil fields and oil blocks eligible for investment incentive policies and special investment incentive policies and request the Prime Minister to approve. The documents consist of:

a) Written presentation of assessment results and written request for approval of lists of oil blocks and oil fields eligible for investment incentive policies and special investment incentive policies to be sent to the Prime Minister;

b) Documents under Clause 1 of this Article;

c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

5. On an annual basis, the PVN shall review and evaluate negotiation, signing of petroleum contracts, and implementation of petroleum operations in oil blocks and oil fields, and propose adjustment to lists of oil blocks and oil fields eligible for investment incentive policies and special investment incentive policies (if necessary), request the Ministry of Industry and Trade to assess, and request the Prime Minister to approve in accordance with this Article.

Chapter VIII

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 58. Salvaging rules of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks

1. Salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks shall conform to Article 60 hereof depending on specific oil fields, groups of oil fields, and oil blocks.

2. Petroleum operations in oil fields, groups of oil fields, and oil blocks must be safe, efficient, effective, strictly control costs, conform to economic and technical norms approved or promulgated by competent authority, and adhere to relevant law provisions.

3. The PVN shall directly manage and coordinate salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks; select and designate operators with sufficient financial, technical capability and experience in petroleum operations to perform salvaging operations effectively.

4. Documents and procedures for assessment, approval of additional investment shall conform to Clause 5 Article 44 of the Law on Petroleum, Article 48 and Article 50 hereof.

Article 59. Main details of regulations on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks

1. General information oil fields, groups of oil fields, and oil blocks for salvaging.

2. Rules of coordinating petroleum operations in oil fields, groups of oil fields, and oil blocks for salvaging under Article 58 hereof.

3. Petroleum sales generated by salvaging operations of oil field, groups of oil fields, and oil blocks, and other revenues (if any) shall serve:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Advance payment for cost estimates of subsequent phases in accordance with approved operating program and budget; advance payment for procurement costs of materials, services serving petroleum operations during periods where no products have been sold and in case petroleum sales are insufficient to cover legitimate, reasonable costs of petroleum operations or contingency costs or decommissioning costs in case decommissioning fund is insufficient to cover decommissioning operations.

c) Additional investment made to maintain petroleum mining productivity; donation to decommissioning fund for work items of additional investment (if any).

4. Submit the following amounts to the state budget on an annual basis:

a) Remaining revenues after spending on purposes under Clause 3 of this Article;

b) Remaining budget (if any) if total amount spent at the end of the period is lower than actual approved budget;

c) Interests (if any) of remaining provisions that are allowed to be retained at the end of financial year;

d) Remaining amount (if any) of decommissioning fund after decommissioning determined by audit results as per the law;

dd) Surplus (if any) of revenues generated by liquidation of assets no longer useful for petroleum operations; equipment, instruments, materials, and wastes collected during petroleum installation decommissioning; legitimate, reasonable costs on a case-by-case basis.

5. Salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks shall be terminated when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Conditions of constructions and equipment in oil fields, groups of oil fields, and oil blocks are no longer safe;

c) Force majeure that causes continuation of petroleum operations no longer viable occurs.

6. In salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks, the PVN has the responsibility to

a) organize safe and effective salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks; e

b) develop and approve annual operation programs and budget;

c) develop and approve procedures for selecting contractors for service provision, procurement in takeover operation of oil fields, groups of oil fields, oil blocks in a manner that is compliant with the Law on Petroleum and rules applicable to petroleum contracts;

d) submit quarterly reports on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, oil blocks which include surplus and/or deficit assessment, fluctuations in salvaging operations (if any), and subsequent solutions to the Prime Minister;

dd) decide on termination of salvaging operations and decommissioning of petroleum installations;

e) implement financial audit and period-end accounting (if any); approve finalization reports of salvaging operations on the basis of the aforementioned accounting reports; approve finalization report of decommissioning costs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 60. Documents and procedures for assessment, approval of regulations on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks

1. Pursuant to Point c Clause 2 and Point b Clause 3 Article 41 of the Law on Petroleum, the PVN shall develop regulations on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks appropriate to nature and characteristics of each oil field, group of oil field, and oil block and submit 2 sets of documents (including 1 set of original document and 1 set of copy) to the Ministry of Industry and Trade directly or via post service to request approval for regulations on salvaging operations. The documents consist of:

a) Written request for approval of regulations on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and blocks;

b) Draft regulations on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks containing basic contents under Article 59 hereof;

c) Other relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall send written request for feedback to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Justice, Ministry of Natural Resources and Environment, Committee for Management of State Capital at Enterprises, and relevant ministries and central departments.

3. Within 15 days from the date on which written request for feedback sent by the Ministry of Industry and Trade is received, ministries and central departments must send written feedback within their competence to the Ministry of Industry and Trade.

4. Within 45 days from the date on which adequate documents are received, the Ministry of Industry and Trade shall assess regulations on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks and request the Prime Minister to approve. The documents consist of:

a) Written presentation of assessment results and request for approval of regulations on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Consolidated report on acknowledgement and presentation of feedback of ministries, central departments, and copies of written feedback of ministries and central departments.

Article 61. Regulations on management, recording, and use of assets received from contractors in salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks

1. In order to salvage oil fields, groups of oil fields, and oil blocks, the PVN shall receive information, data, documents, specimen, petroleum installation, and other assets installed, invested under terminated petroleum contracts in accordance with agreement with contractors; the PVN is allowed to use information, data, documents, specimen, petroleum installations, and other assets without paying.

2. The PVN shall manage, produce separate reports to monitor information, data, documents, specimen, petroleum installations, and other assets that they have received in accordance with Clause 1 of this Article and update as an increase in investment. The increase in investment is specified under Decision of the Prime Minister approving regulations on salvaging operations of oil fields, groups of oil fields, and oil blocks and does not reflect in state capital invested in enterprises or financial statement of the PVN.

3. At the end of salvaging operations and decommissioning, the PVN shall continue to manage information, data, specimen, documents, and other assets (if any) in accordance with the Law on Petroleum and this Decree.

Chapter IX

FINALIZATION OF PETROLEUM OPERATIONS UNDER PETROLEUM CONTRACTS

Article 62. Finalization of costs of petroleum operations under petroleum contracts

1. Finalization of costs of petroleum operations under petroleum contracts shall be done in each period or smaller periods of petroleum contracts or at the end of petroleum projects, sub-projects of petroleum projects and upon termination of petroleum contracts in accordance with signed petroleum contracts and the Law on Petroleum.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The PVN is responsible for inspecting and approving finalization reports on costs of petroleum operations produced and presented by contractors on the basis of audit results of costs of petroleum operations implemented by the PVN in accordance with signed petroleum contracts and the Law on Petroleum. The PVN is allowed to hire independent audit (if necessary) to audit finalization reports of costs of petroleum operations presented by contractors.

Chapter X

IMPLEMENTATION

Article 63. Entry into force

1. This Decree comes into force from July 1, 2023 and replaces Decree No. 95/2015/ND-CP dated October 16, 2015 of the Government and Decree No. 33/2013/ND-CP dated April 22, 2013 of the Government.

2. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities are responsible for the implementation of this Decree.

Article 64. Transition clause

1. With respect to petroleum contracts issued with IRC before the effective date hereof, entitlement, documents, and procedures for assessment, approval of new reports, plans, programs or revised reports, plans, programs after the effective date hereof shall conform to this Decree.

2. Joint operating companies representing the contractors coordinating petroleum operations established before the effective date hereof shall continue to operate in accordance with petroleum contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

ON BEHALF OF. THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Tran Hong Ha

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 45/2023/NĐ-CP ngày 01/07/2023 hướng dẫn Luật Dầu khí

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


20.704

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.71.239
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!