NGHỊ ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2018/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỦY LỢI
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thủy lợi
ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ
môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày
14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Thủy lợi (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số
08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Bảo vệ môi trường)
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Phân loại công trình thủy lợi
Loại công trình thủy lợi quy định tại khoản
2 Điều 16 Luật Thủy lợi được phân loại cụ thể như sau:
1. Đập, hồ chứa nước được phân loại theo quy định tại
Điều 3 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018
của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
2. Trạm bơm tiêu, trạm bơm tưới tiêu kết hợp:
a) Trạm bơm lớn là trạm bơm có tổng lưu lượng từ
72.000 m3/h trở lên;
b) Trạm bơm vừa là trạm bơm có tổng lưu lượng từ
3.600 m3/h đến dưới 72.000 m3/h;
c) Trạm bơm nhỏ là trạm bơm có tổng lưu lượng dưới
3.600 m3/h.
3. Trạm bơm tưới:
a) Trạm bơm lớn là trạm bơm có tổng lưu lượng từ
12.000 m3/h trở lên;
b) Trạm bơm vừa là trạm bơm có tổng lưu lượng từ
2.000 m3/h đến dưới 12.000 m3/h;
c) Trạm bơm nhỏ là trạm bơm có tổng lưu lượng dưới
2.000 m3/h.
4. Cống:
a) Cống lớn là cống có tổng chiều rộng thông nước:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 20 m trở
lên;
Đối với vùng còn lại từ 10 m trở lên.
b) Cống vừa là cống có tổng chiều rộng thông nước:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 3 m đến dưới
20 m;
Đối với các vùng còn lại từ 1,5 m đến dưới 10 m.
c) Cống nhỏ là cống có tổng chiều rộng thông nước:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới 3 m;
Đối với các vùng còn lại dưới 1,5 m.
d) Đối với các cống qua đập phân loại theo loại
công trình đập, hồ chứa.
5. Hệ thống tiêu, thoát nước, tưới tiêu kết hợp:
a) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng lớn
là công trình có các thông số:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ
50 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 20 m trở lên;
Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 20 m3/s
trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 10 m trở lên.
b) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng vừa
là công trình có thông số:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ
3 m3/s đến dưới 50 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5 m đến
dưới 20 m;
Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 1,5 m3/s
đến dưới 20 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 3 m đến dưới 10 m.
c) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng nhỏ
là công trình có các thông số:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng
dưới 3 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 5 m;
Đối với các vùng khác có lưu lượng dưới 1,5 m3/s
hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 3 m.
6. Hệ thống cấp, tưới nước:
a) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng lớn
là công trình có các thông số:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ
20 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 10 m trở lên;
Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 10 m3/s
trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 5 m trở lên.
b) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng vừa
là công trình có thông số:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ
1 m3/s đến dưới 20 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 1 m đến
dưới 10 m;
Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 0,5 m3/s
đến dưới 10 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 0,5 m đến dưới 5 m.
c) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng nhỏ
là công trình có các thông số:
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng
dưới 1 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 1 m;
Đối với các vùng khác có lưu lượng dưới 0,5 m3/s
hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 0,5 m.
7. Đường ống:
a) Đường ống lớn là đường ống dẫn lưu lượng từ 1,5
m3/s trở lên hoặc có đường kính trong từ 1.000 mm trở lên;
b) Đường ống vừa là đường ống dẫn lưu lượng từ
0,025 m3/s đến dưới 1,5 m3/s hoặc có đường kính trong từ
100 mm đến dưới 1.000 mm;
c) Đường ống nhỏ là đường ống dẫn lưu lượng dưới
0,025 m3/s hoặc có đường kính trong dưới 100 mm.
8. Bờ bao thủy lợi:
a) Bờ bao lớn là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện
tích từ 10.000 ha trở lên;
b) Bờ bao vừa là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện
tích từ 500 ha đến dưới 10.000 ha;
c) Bờ bao nhỏ là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện
tích dưới 500 ha.
9. Hệ thống công trình thủy lợi:
a) Hệ thống công trình thủy lợi lớn là hệ thống có
nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự
nhiên từ 20.000 ha trở lên;
b) Hệ thống công trình thủy lợi vừa là hệ thống có
nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự
nhiên từ 2.000 ha đến dưới 20.000 ha;
c) Hệ thống công trình thủy lợi nhỏ là hệ thống có
nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự
nhiên dưới 2.000 ha.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ
chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước
1. Đập, hồ chứa quan trọng đặc biệt: bố trí ít nhất
07 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02 người có thâm niên quản
lý, khai thác đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.
2. Đập, hồ chứa nước lớn:
a) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 50.000.000 m3
trở lên: bố trí ít nhất 05 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02
người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên và phải
được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước;
b) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 10.000.000 m3
đến dưới 50.000.000 m3: bố trí ít nhất 03 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi,
trong đó có ít nhất 01 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ
05 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác
đập, hồ chứa nước;
c) Đập, hồ chứa lớn còn lại, trừ đập, hồ chứa lớn
quy định tại điểm a, điểm b khoản này: bố trí ít nhất 02 kỹ sư chuyên ngành thủy
lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa
nước.
3. Đập, hồ chứa nước vừa:
a) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 1.000.000 m3
đến dưới 3.000.000 m3: tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 01
kỹ sư chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản
lý, khai thác đập, hồ chứa nước;
b) Đập, hồ chứa vừa còn lại, trừ đập, hồ chứa nước
vừa quy định tại điểm a khoản này: tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất
01 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về
quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.
4. Đập, hồ chứa nước nhỏ: tổ chức, cá nhân khai
thác phải có ít nhất 01 người có trình độ từ trung học phổ thông hoặc công nhân
bậc 2 trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập,
hồ chứa nước.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ
chức, cá nhân khai thác trạm bơm điện cố định
1. Trạm bơm điện tiêu và tưới tiêu kết hợp loại lớn:
a) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ
11.000 m3/h trở lên: phải có ít nhất 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi
và 01 kỹ sư chuyên ngành cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở
lên;
b) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 8.000
m3/h đến dưới 11.000 m3/h: phải có ít nhất 01 kỹ sư
chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 02 năm trở
lên;
c) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 4.000
m3/h đến dưới 8.000 m3/h: phải có ít nhất 01 kỹ sư chuyên
ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 01 năm trở lên.
2. Trạm bơm điện tiêu và tưới tiêu kết hợp loại vừa:
a) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ
11.000 m3/h trở lên: phải có ít nhất 01 cán bộ có trình độ cao đẳng
chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở
lên;
b) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 8.000
m3/h đến dưới 11.000 m3/h: phải có ít nhất 02 trung cấp
chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở
lên;
c) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 4.000
m3/h đến dưới 8.000 m3/h: phải có ít nhất 02 trung cấp
chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở
lên;
d) Trạm bơm điện có loại máy bơm có công suất từ
1.000 m3/h đến dưới 4.000 m3/h: phải có ít nhất 01 trung
cấp chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm
trở lên.
3. Trạm bơm điện tiêu và tưới tiêu kết hợp loại nhỏ:
a) Trạm bơm điện có loại máy bơm có công suất từ
1.000 m3/h đến dưới 4.000 m3/h: phải có ít nhất 01 công
nhân chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 02
năm trở lên;
b) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 540 m3/h
đến dưới 1.000 m3/h: phải có ít nhất 01 người vận hành có trình độ
trung học cơ sở và có thâm niên quản lý, vận hành từ 01 năm trở lên.
4. Trạm bơm điện tưới:
a) Trạm bơm tưới loại lớn có tổng lưu lượng từ
72.000 m3/h trở lên thì áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Trạm bơm tưới loại lớn có tổng lưu lượng từ
12.000 m3/h đến dưới 72.000 m3/h và trạm bơm tưới loại vừa
có tổng lưu lượng từ 3.600 m3/h đến dưới 12.000 m3/h thì
áp dụng quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Trạm bơm tưới loại vừa có tổng lưu lượng dưới
3.600 m3/h và trạm bơm tưới loại nhỏ áp dụng quy định tại khoản 3 Điều
này.
5. Ngoài số lượng cán bộ chuyên môn được quy định tại
các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này, số lượng lao động khác đối với
từng trạm bơm được xác định bằng định mức kinh tế - kỹ thuật được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Đào tạo về quản lý, khai thác công
trình thủy lợi
1. Các cơ sở đào tạo có chức năng, nhiệm vụ, năng lực
phù hợp được tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực,
nghiệp vụ cho các đối tượng làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi,
quản lý đập.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng,
ban hành chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng làm công
tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý đập làm cơ sở để các cơ sở
đào tạo và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 như sau:
“3. Đối với các tổ chức được giao khai thác nhiều
công trình đầu mối, nhân sự quản lý, khai thác được phép bố trí làm việc kiêm
nhiệm nhưng phải đảm bảo quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo
pháp luật lao động và đảm bảo đủ năng lực để vận hành, khai thác các công trình
được giao.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Nguyên tắc cấp phép
1. Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và công
trình được cấp phép, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; không ảnh
hưởng đến nhiệm vụ của công trình thủy lợi, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với nguyên tắc sử dụng
công trình đa mục tiêu, sử dụng tổng hợp đất đai, quản lý, khai thác, bảo vệ
tài nguyên nước theo quy định tại Luật Thủy lợi,
Luật Đất đai, Luật
Tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
2. Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ
tục theo quy định của pháp luật.
3. Đối với nhiều hoạt động thuộc cùng một dự án do
tổ chức, cá nhân đầu tư từ giai đoạn xây dựng công trình đến giai đoạn khai
thác, sử dụng thuộc thẩm quyền cấp phép của một cơ quan thì cấp một giấy phép.
4. Đối với các dự án bảo trì, sửa chữa, nâng cấp,
hiện đại hóa hoặc bổ sung hạng mục vào công trình thủy lợi hiện có do chủ sở hữu
công trình thủy lợi quyết định chủ trương đầu tư thì không phải xin giấy phép.”
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Căn cứ cấp phép
Việc cấp giấy phép đối với các hoạt động trong phạm
vi bảo vệ công trình thủy lợi phải căn cứ:
1. Nhiệm vụ, hiện trạng công trình thủy lợi.
2. Quy hoạch thủy lợi được cấp có thẩm quyền phê
duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thủy lợi được duyệt thì căn cứ vào thiết kế
của công trình thủy lợi và bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn và vận hành công
trình thủy lợi.
3. Tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép
đã cấp của tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn giấy phép.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
“Điều 16. Thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều
chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động quy định tại Điều 13 Nghị
định này
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp
lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động quy
định tại khoản 1, khoản 3, khoản 9, khoản 10 Điều 13 Nghị định này trong phạm
vi bảo vệ công trình do bộ quản lý.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn,
điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động quy định tại Điều
13 Nghị định này trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn, trừ trường
hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:
“Điều 22. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại
các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản
10 Điều 13 Nghị định này
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ
sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua môi trường mạng đến cơ quan
tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục III ban
hành kèm theo Nghị định này.
2. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành hoạt động đề nghị
cấp giấy phép.
3. Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc
quản lý, khai thác và an toàn công trình thủy lợi.
4. Văn bản ý kiến của tổ chức, cá nhân khai thác
công trình thủy lợi về ảnh hưởng của hoạt động đến việc quản lý, khai thác và
an toàn công trình thủy lợi của tổ chức, cá nhân.
5. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cơ
giới đường bộ; phương tiện đường thủy nội địa đối với hoạt động tại khoản 7 Điều
13 Nghị định này.
6. Bản sao giấy phép dịch vụ nổ mìn đối với hoạt động
tại khoản 9 Điều 13 Nghị định này.
7. Đối với các dự án đầu tư trong phạm vi bảo vệ của
công trình thủy lợi, hồ sơ đề nghị cấp phép phải bổ sung:
a) Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
b) Bản sao quyết định phê duyệt quy hoạch, chủ
trương đầu tư, dự án đầu tư;
c) Bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc
kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định
của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Bản sao thông báo thẩm định thiết kế cơ sở, bản
vẽ thiết kế của dự án;
đ) Bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công được phê duyệt
đối với trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 10 Điều 13 Nghị
định này.”
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 như sau:
“Điều 28. Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội
dung giấy phép
Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội
dung giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua
môi trường mạng đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định
này. Hồ sơ bao gồm:
1. Đơn đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy
phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục
III ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành hoạt động đề nghị
gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép.
3. Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép được cấp của
tổ chức, cá nhân.
4. Văn bản ý kiến của tổ chức, cá nhân khai thác
công trình thủy lợi về tình hình thực hiện giấy phép được cấp của tổ chức, cá
nhân.
5. Đối với các dự án đầu tư trong phạm vi bảo vệ của
công trình thủy lợi, hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép phải
bổ sung:
a) Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp (cập nhật đến thời điểm đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội
dung giấy phép);
b) Trường hợp có thay đổi quy mô, công suất, thông
số chủ yếu của các hoạt động được cấp phép phải bổ sung: bản sao quyết định phê
duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; bản sao
báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường; bản sao
thông báo thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thiết kế của dự án điều chỉnh.”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 29 như sau:
“a) Đối với hoạt động quy định tại khoản 1, khoản
2, khoản 3, khoản 10 Điều 13 Nghị định này:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy
đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu
đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ
điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.
b) Đối với hoạt động quy định tại khoản 5, khoản 7
Điều 13 Nghị định này:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu
đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ
điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.
c) Đối với hoạt động quy định tại khoản 6, khoản 8,
khoản 9 Điều 13 Nghị định này:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu
đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ
điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.”
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 30 như sau:
“Điều 30. Cấp lại giấy phép
1. Giấy phép được cấp lại thuộc một trong các trường
hợp sau đây:
a) Giấy phép bị mất, bị rách, hư hỏng;
b) Tên của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép bị
thay đổi do chuyển nhượng, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức.
2. Hồ sơ cấp lại giấy phép:
a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này:
Tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban
hành kèm theo Nghị định này;
b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này:
Tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban
hành kèm theo Nghị định này; bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bản
sao các Quyết định do cơ quan có thẩm quyền cấp về việc thay đổi tên doanh nghiệp
do chuyển nhượng, sát nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức.
3. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép:
a) Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: Tổ chức,
cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua môi trường
mạng đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được hồ sơ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ
điều kiện thì cấp lại giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép
thì trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không cấp lại giấy
phép.
4. Thời hạn ghi trong giấy phép cấp lại là thời hạn
còn lại của giấy phép đã cấp.”
Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi
bỏ một số quy định của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Thủy lợi
1. Thay thế cụm từ “cống dưới đê” bằng cụm từ “cống
qua đê” tại khoản 1 Điều 10; thay cụm từ “cống ngăn sông lớn”
bằng cụm từ “cống lớn ngăn sông” tại khoản 1 Điều 10; thay
thế cụm từ “Tổng cục Thủy lợi” bằng cụm từ “Cục Thủy lợi” tại khoản
1 Điều 17.
2. Bỏ cụm từ “và có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ
về quản lý, khai thác công trình thủy lợi” tại khoản 2 Điều 10.
3. Bãi bỏ Điều 24; Điều 25; Điều
26; Điều 27.
4. Bổ sung vào sau Mẫu số 02 Phụ lục III Nghị định số
67/2018/NĐ-CP Mẫu số 03 Đơn đề nghị cấp lại giấy
phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại Phụ lục ban hành
kèm theo Nghị định này.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực
hiện
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức,
cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15
tháng 8 năm 2023.
2. Quy định chuyển tiếp
a) Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh
giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của tổ
chức, cá nhân nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục
xem xét, giải quyết theo quy định của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng
5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi (đã được sửa đổi, bổ sung một số
điều tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy
định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi
trường).
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, kiện toàn chủ thể khai thác công trình thủy
lợi phù hợp với quy định của Luật Thủy lợi,
hoàn thành chậm nhất 05 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Lưu Quang
|
Phụ
lục
(Kèm theo Nghị định
số 40/2023/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ)
Mẫu
số 03
TÊN TỔ CHỨC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
……, ngày ...
tháng ... năm...
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
CẤP LẠI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG TRONG PHẠM VI BẢO VỆ
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Kính gửi: Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (Ủy ban nhân dân tỉnh...)
Tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép:
……………………………………………….
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: ………………………………………. Số Fax:
……………………………………
Đang tiến hành các hoạt động ………… trong phạm vi bảo
vệ công trình thủy lợi tại vị trí theo giấy phép số.... ngày... tháng... năm...
do (Tên cơ quan cấp phép); thời hạn sử dụng giấy phép từ ……………… đến ………………
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ủy
ban nhân dân tỉnh) xem xét và cấp lại giấy phép cho (tên tổ chức, cá nhân đề
nghị cấp lại giấy phép) với các nội dung sau:
- Tên các hoạt động đề nghị cấp phép lại:
………………………………………………………
- Vị trí của các hoạt động:
…………………………………………………………………………
- Nội dung: ………………………………………………………………………………………….
- Thời hạn cấp phép: từ … ngày … tháng … năm … đến
ngày … tháng … năm ...
- Lý do xin cấp lại:
………………………………………………………………………………….
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ủy ban
nhân dân tỉnh) xem xét và cấp lại giấy phép cho (tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp
phép) thực hiện các hoạt động trên. Chúng tôi cam kết hoạt động đúng phạm vi được
phép và tuân thủ các quy định của giấy phép.
|
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI
GIẤY PHÉP
(Ký tên, đóng dấu, ký và ghi rõ họ tên)
|