Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 02/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước

Số hiệu: 02/2023/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 01/02/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Mẫu đơn đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép tài nguyên nước

Ngày 01/02/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước.

Theo đó, các mẫu đơn đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước gồm:

- Mẫu 01: Đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất;

- Mẫu 02: Đơn đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất;

- Mẫu 03: Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất;

- Mẫu 04: Đơn đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất;

- Mẫu 05: Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt;

- Mẫu 06: Đơn đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt;

- Mẫu 07: Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển;

- Mẫu 08: Đơn đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước biển;

- Mẫu 09: Đơn đề nghị cấp lại giấy phép tài nguyên nước;

- Mẫu 10: Đơn đề nghị trả lại giấy phép tài nguyên nước.

Nghị định 02/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/3/2023 và bãi bỏ Nghị định 201/2013/NĐ-CP .

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết khoản 4 Điều 6; khoản 5 Điều 13; khoản 5 Điều 29; khoản 4 Điều 43; khoản 4 Điều 44; khoản 6 Điều 52; điểm e khoản 1 Điều 72; khoản 3 Điều 72; khoản 2 Điều 73 Luật Tài nguyên nước về lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và công khai thông tin trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; trồng bù diện tích rừng bị mất và đóng góp kinh phí cho bảo vệ, phát triển rừng; chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thăm dò, khai thác nước dưới đất; tổ chức lưu vực sông và việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

2. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước, bao gồm: đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đại diện đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước chịu ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước của dự án và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn được thực hiện như sau:

1. Các dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải lấy ý kiến bao gồm:

a) Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối thuộc trường hợp phải xin phép;

b) Công trình khai thác, sử dụng nước mặt không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này với lưu lượng từ 10 m3/giây trở lên;

c) Công trình chuyển nước giữa các nguồn nước;

d) Công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất (gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân và có khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m) có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.

2. Thời điểm lấy ý kiến:

a) Trong quá trình lập dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này;

b) Trong quá trình thăm dò đối với công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

3. Nội dung thông tin cung cấp để tổ chức lấy ý kiến bao gồm:

a) Thuyết minh và thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) kèm theo tờ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án;

b) Kế hoạch triển khai xây dựng công trình;

c) Tiến độ xây dựng công trình;

d) Dự kiến tác động của việc khai thác, sử dụng nước và vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành;

đ) Các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành;

e) Các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này;

g) Các số liệu, tài liệu khác liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

4. Cơ quan tổ chức lấy ý kiến:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi nguồn nước nội tỉnh chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nguồn nước nội tỉnh quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi nguồn nước liên tỉnh chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên tỉnh quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi có nguồn nước nội tỉnh bị chuyển nước, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình chuyển nước từ nguồn nước nội tỉnh;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có nguồn nước liên tỉnh bị chuyển nước chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình chuyển nước từ nguồn nước liên tỉnh;

đ) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi dự kiến bố trí công trình khai thác nước dưới đất, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

5. Trình tự lấy ý kiến:

a) Chủ đầu tư gửi các tài liệu, nội dung quy định tại khoản 3 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cho chủ đầu tư;

c) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp hoặc đối thoại trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cho chủ đầu tư;

d) Ngoài các nội dung thông tin quy định tại khoản 3 Điều này, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp bổ sung các số liệu, báo cáo, thông tin về dự án nếu các cơ quan quy định tại khoản 4 Điều này có yêu cầu và trực tiếp báo cáo, thuyết minh, giải trình tại các cuộc họp lấy ý kiến để làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án.

6. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Văn bản góp ý và tổng hợp tiếp thu, giải trình là thành phần của hồ sơ dự án khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phải được gửi kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.

7. Việc lấy ý kiến hoặc thông báo trước khi lập dự án đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 của Luật Tài nguyên nước được thực hiện như sau:

a) Đối với dự án có chuyển nước từ nguồn nước nội tỉnh: Chủ đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến kèm theo quy mô, phương án chuyển nước và các thông tin, số liệu, tài liệu liên quan tới Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi nguồn nước nội tỉnh bị chuyển nước và Sở Tài nguyên và Môi trường;

Trong thời hạn 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về quy mô, phương án chuyển nước đề xuất hoặc đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư; tổng hợp ý kiến và gửi cho chủ đầu tư.

b) Đối với dự án có chuyển nước từ nguồn nước liên tỉnh, dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên dòng chính thuộc lưu vực sông liên tỉnh: Chủ đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến kèm theo quy mô, phương án chuyển nước, phương án xây dựng công trình và các thông tin, số liệu, tài liệu liên quan tới Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi nguồn nước liên tỉnh bị chuyển nước hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi dòng chính chảy qua, tổ chức lưu vực sông (nếu có) và các Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan;

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi các tài liệu đến các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh;

Trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ đầu tư: Tổ chức lưu vực sông (nếu có) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư tổng hợp ý kiến và trình Ủy ban nhân dân tỉnh để gửi chủ đầu tư.

c) Đối với dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên dòng nhánh thuộc lưu vực sông liên tỉnh:

Trước khi triển khai lập dự án đầu tư, chủ đầu tư phải thông báo về quy mô, phương án đề xuất xây dựng công trình cho tổ chức lưu vực sông, Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc lưu vực sông.

d) Trên cơ sở các ý kiến góp ý, chủ đầu tư hoàn chỉnh phương án xây dựng công trình gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước xem xét, chấp thuận về quy mô, phương án xây dựng công trình trước khi lập dự án đầu tư.

8. Kinh phí tổ chức lấy ý kiến do chủ đầu tư chi trả.

Điều 3. Công khai thông tin

Việc công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Luật Tài nguyên nước được thực hiện như sau:

1. Chủ đầu tư các dự án quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này phải công bố công khai các thông tin sau đây:

a) Đối với công trình khai thác, sử dụng nước mặt quy định tại điểm a, b và điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị định này: Mục đích khai thác, sử dụng nước; nguồn nước khai thác, sử dụng; vị trí công trình khai thác, sử dụng nước; phương thức khai thác, sử dụng nước; lượng nước khai thác, sử dụng; thời gian khai thác, sử dụng; các đặc tính cơ bản của hồ, đập trong trường hợp xây dựng hồ, đập;

b) Đối với công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Nghị định này: Mục đích khai thác, sử dụng nước; vị trí công trình khai thác, sử dụng nước; tầng chứa nước khai thác, độ sâu khai thác; tổng số giếng khai thác; tổng lượng nước khai thác, sử dụng; chế độ khai thác; thời gian khai thác, sử dụng.

2. Việc công khai thông tin được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của Ủy ban nhân dân các huyện và trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định này;

b) 30 ngày làm việc trước khi khởi công và trong suốt quá trình xây dựng công trình, chủ đầu tư phải niêm yết công khai thông tin quy định tại khoản 1 Điều này tại Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã và tại địa điểm nơi xây dựng công trình.

Điều 4. Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước

1. Thành lập Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước để tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những quyết định quan trọng về tài nguyên nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Chủ tịch Hội đồng; các ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, do Chủ tịch Hội đồng phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Hội đồng.

3. Giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có Văn phòng Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức và hoạt động của Văn phòng Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước do Chủ tịch Hội đồng quy định.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Điều 5. Tổ chức lưu vực sông

1. Tổ chức lưu vực sông được tổ chức và hoạt động theo quy định của tổ chức phối hợp liên ngành.

Tổ chức lưu vực sông có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc điều hòa, phân phối nguồn nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên một hoặc một số lưu vực sông liên tỉnh.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập các tổ chức lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long (Mê Công), theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập các tổ chức lưu vực sông đối với các lưu vực sông liên tỉnh khác với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tài nguyên nước.

Chương II

ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 6. Trách nhiệm thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước

Trách nhiệm thực hiện các nội dung điều tra, đánh giá tài nguyên nước quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Tài nguyên nước được quy định như sau:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh; tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên các lưu vực sông liên tỉnh và trên phạm vi cả nước.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước liên tỉnh trên địa bàn chưa thực hiện việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước; tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên các lưu vực sông nội tỉnh, trên địa bàn và gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

Điều 7. Kiểm kê tài nguyên nước

1. Việc kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước, định kỳ 05 năm một lần, phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Trách nhiệm kiểm kê tài nguyên nước:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng đề án, kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh; tổng hợp, công bố kết quả kiểm kê trên các lưu vực sông liên tỉnh và trên phạm vi cả nước;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh; tổng hợp kết quả kiểm kê của các lưu vực sông nội tỉnh, nguồn nước trên địa bàn và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện kiểm kê tài nguyên nước.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nội dung, biểu mẫu kiểm kê, báo cáo kết quả kiểm kê tài nguyên nước.

Điều 8. Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

1. Trách nhiệm điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước:

a) Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện điều tra, lập báo cáo tình hình sử dụng nước của ngành, lĩnh vực gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra hiện trạng khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia; tổng hợp kết quả điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh và trên phạm vi cả nước;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước trên địa bàn; tổng hợp kết quả điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông nội tỉnh, trên địa bàn và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung, biểu mẫu điều tra, nội dung báo cáo và trình tự thực hiện điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

Điều 9. Quan trắc tài nguyên nước

1. Mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước bao gồm:

a) Mạng lưới trạm quan trắc của Trung ương bao gồm các trạm quan trắc lượng mưa; các trạm quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các nguồn nước mặt liên quốc gia, liên tỉnh và của các nguồn nước nội tỉnh quan trọng, nước biển ven bờ; các trạm quan trắc mực nước, chất lượng nước của các tầng chứa nước liên tỉnh hoặc có tiềm năng lớn;

b) Mạng lưới trạm quan trắc của địa phương bao gồm các trạm quan trắc lượng mưa; các trạm quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn và phải được kết nối với mạng lưới trạm quan trắc của Trung ương.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Căn cứ quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, quản lý và thực hiện việc quan trắc tài nguyên nước đối với mạng lưới trạm quan trắc của Trung ương; Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, quản lý và thực hiện việc quan trắc tài nguyên nước đối với mạng quan trắc tài nguyên nước của địa phương.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung, chế độ quan trắc tài nguyên nước quy định tại Điều này.

Điều 10. Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra

1. Hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra được xây dựng trên từng lưu vực sông và phải được tích hợp chung thành hệ thống thống nhất trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra trên phạm vi cả nước;

b) Thực hiện việc cảnh báo, dự báo, cung cấp và bảo đảm thông tin, số liệu phục vụ phòng, chống lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về phòng, chống lụt, bão, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ yêu cầu phòng, chống lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra, xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo để phục vụ hoạt động của bộ, ngành, địa phương.

Điều 11. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước

1. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước bao gồm:

a) Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

b) Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của địa phương.

2. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu; tổ chức xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và việc khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về sử dụng nước của mình và tích hợp vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của địa phương và tích hợp vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Điều 12. Báo cáo sử dụng tài nguyên nước

1. Hằng năm, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn có trách nhiệm lập báo cáo tình hình sử dụng nước của mình và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 01 năm sau để tổng hợp, theo dõi.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo sử dụng tài nguyên nước.

Chương III

BẢO VỆ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 13. Trồng bù diện tích rừng bị mất và đóng góp kinh phí cho bảo vệ, phát triển rừng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quy định việc trồng bù diện tích rừng bị mất.

2. Việc quy định mức đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng thuộc phạm vi lưu vực hồ chứa và tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Điều 14. Thăm dò nước dưới đất

1. Trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất hoặc điều chỉnh tăng lưu lượng khai thác vượt quá 25% lưu lượng quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đã cấp mà có khoan bổ sung giếng khai thác, chủ đầu tư phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin cấp phép.

2. Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

3. Trong quá trình thăm dò, tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất có nghĩa vụ:

a) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và công trình thăm dò;

b) Bảo đảm phòng, chống sụt, lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm các tầng chứa nước;

c) Trám, lấp giếng hỏng hoặc không sử dụng sau khi kết thúc thăm dò;

d) Thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ nước dưới đất, bảo vệ môi trường.

4. Chủ đầu tư thăm dò có nghĩa vụ:

a) Phối hợp với tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều này, nếu phát hiện có vi phạm thì phải dừng ngay việc thăm dò;

b) Trường hợp xảy ra sự cố thì phải khắc phục kịp thời, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

c) Nộp báo cáo kết quả thăm dò cho cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ quy định tại Điều 29 của Nghị định này.

Điều 15. Giấy phép tài nguyên nước

1. Giấy phép tài nguyên nước bao gồm: Giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước biển.

2. Giấy phép tài nguyên nước có các nội dung chính sau:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép;

b) Tên, vị trí công trình thăm dò, khai thác nước;

c) Nguồn nước thăm dò, khai thác;

d) Quy mô, công suất, lưu lượng, thông số chủ yếu của công trình thăm dò, khai thác nước; mục đích sử dụng đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước;

đ) Chế độ, phương thức khai thác, sử dụng nước;

e) Thời hạn của giấy phép;

g) Các yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với từng trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước do cơ quan cấp phép quy định nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan;

h) Quyền, nghĩa vụ của chủ giấy phép.

Điều 16. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải có giấy phép

1. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tại các điểm a, c, d và điểm đ khoản 1 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước.

2. Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước bao gồm:

a) Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước;

b) Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm;

c) Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m3 hoặc công trình khai thác nước mặt khác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây;

Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m3 có quy mô khai thác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vượt quá 0,1 m3/giây hoặc có các mục đích khai thác, sử dụng nước khác có quy mô khai thác vượt quá quy định tại điểm b, điểm đ khoản này thì phải thực hiện đăng ký hoặc xin phép theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này.

d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW;

đ) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.

Điều 17. Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải có giấy phép

1. Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm:

a) Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 m3/giây đến 0,5 m3/giây;

Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định của Nghị định này.

b) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 m3/ngày đêm đến 100.000 m3/ngày đêm;

c) Khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định này và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;

d) Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.

2. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có giấy phép, bao gồm:

a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 và khoản 1 Điều này;

b) Các trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thuỷ điện để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác nước cho hoạt động làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt) mà tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện này chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích nêu trên.

Điều 18. Nguyên tắc cấp phép

1. Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo vệ tài nguyên nước và môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cung cấp nước cho sinh hoạt.

4. Không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

5. Phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Điều 19. Căn cứ cấp phép

1. Việc cấp phép tài nguyên nước phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:

a) Chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và địa phương;

b) Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có các quy hoạch, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì phải căn cứ vào khả năng nguồn nước và phải bảo đảm không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước;

c) Hiện trạng khai thác, sử dụng nước trong vùng;

d) Báo cáo thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

đ) Nhu cầu khai thác, sử dụng nước thể hiện trong đơn đề nghị cấp phép.

2. Trường hợp cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất, ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này còn phải căn cứ vào các quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước.

Điều 20. Điều kiện cấp phép

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này.

b) Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.

Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.

c) Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 của Luật Tài nguyên nước, điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này và các điều kiện sau đây:

- Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;

- Có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.

2. Trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng nước mà chưa có giấy phép tài nguyên nước, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước khi đáp ứng các điều kiện cấp phép theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc xử lý các hành vi vi phạm do thăm dò, khai thác, sử dụng nước không có giấy phép tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Điều 21. Thời hạn của giấy phép

1. Thời hạn của giấy phép tài nguyên nước được quy định như sau:

a) Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển có thời hạn tối đa là 15 năm, tối thiểu là 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 03 năm, tối đa là 10 năm;

b) Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là 02 năm và được xem xét gia hạn 01 lần, thời gian gia hạn không quá 01 năm;

c) Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là 10 năm, tối thiểu là 03 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định tại khoản này thì giấy phép được cấp hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.

2. Căn cứ điều kiện của từng nguồn nước, mức độ chi tiết của thông tin, số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước và hồ sơ đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép của tổ chức, cá nhân, cơ quan cấp phép quyết định cụ thể thời hạn của giấy phép.

3. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của tổ chức, cá nhân nộp trước ngày giấy phép đã được cấp trước đó hết hiệu lực thì thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.

Điều 22. Gia hạn giấy phép

1. Việc gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải căn cứ vào các quy định tại Điều 18, Điều 19 và Điều 20 của Nghị định này và các điều kiện sau đây:

a) Giấy phép vẫn còn hiệu lực và hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép được nộp trước thời điểm giấy phép hết hiệu lực ít nhất 90 ngày;

b) Đến thời điểm đề nghị gia hạn, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến giấy phép đã được cấp theo quy định của pháp luật và không có tranh chấp;

c) Tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, khả năng đáp ứng của nguồn nước.

2. Đối với trường hợp khác với quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới.

Điều 23. Điều chỉnh giấy phép

1. Các trường hợp điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất:

a) Điều kiện mặt bằng không cho phép thi công một số hạng mục thăm dò đã được phê duyệt;

b) Tăng quy mô lưu lượng thăm dò nhưng không vượt quá 25% theo giấy phép đã được cấp hoặc thay đổi tầng chứa nước thăm dò;

c) Khối lượng hạng mục khoan thăm dò vượt quá 10% so với khối lượng đã được phê duyệt.

2. Các trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước:

a) Nguồn nước không bảo đảm việc cung cấp nước bình thường;

b) Nhu cầu khai thác, sử dụng nước tăng mà chưa có biện pháp xử lý, bổ sung nguồn nước;

c) Xảy ra các tình huống khẩn cấp cần phải hạn chế việc khai thác, sử dụng nước;

d) Bổ sung giếng, điều chỉnh lưu lượng khai thác giữa các giếng dẫn đến tăng lưu lượng nước khai thác của công trình nhưng không vượt quá 25% lưu lượng quy định trong giấy phép đã được cấp.

Trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất mà có bổ sung giếng thì phải có phương án thiết kế, thi công giếng, dự kiến tác động của việc khai thác, sử dụng nước đến nguồn nước và đến các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác và được cơ quan thẩm định quy định tại Điều 29 của Nghị định này chấp thuận bằng văn bản trước khi thi công. Trong thời hạn 30 ngày sau khi hoàn thành việc thi công giếng, chủ công trình phải nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép theo quy định;

Trường hợp khoan giếng mới tương tự để thay thế giếng cũ bị hỏng, suy thoái hoặc bị giải tỏa với thông số khai thác không thay đổi thì không phải thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép nhưng phải được cơ quan thẩm định quy định tại Điều 29 của Nghị định này xem xét, chấp thuận phương án khoan giếng thay thế và xác nhận bằng văn bản sau khi hoàn thành việc khoan thay thế. Văn bản xác nhận là thành phần không thể tách rời của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đã được cấp. Số lượng giếng thay thế không được vượt quá 50% số lượng giếng theo giấy phép được cấp. Khoảng cách giếng thay thế không được vượt quá 1,5 lần chiều dày tầng chứa nước khai thác tại giếng đó, trường hợp vượt quá thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép.

đ) Có sự thay đổi về mục đích khai thác, sử dụng nước theo quy định của giấy phép được cấp trước đó;

e) Có sự thay đổi về chế độ khai thác của công trình;

g) Chủ giấy phép đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép khác với quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Các nội dung trong giấy phép không được điều chỉnh:

a) Nguồn nước, tầng chứa nước khai thác, sử dụng;

b) Lượng nước khai thác, sử dụng vượt quá 25% quy định trong giấy phép đã được cấp.

Trường hợp cần điều chỉnh nội dung quy định tại khoản này, chủ giấy phép phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới.

4. Trường hợp chủ giấy phép đề nghị điều chỉnh giấy phép thì phải lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép theo quy định của Nghị định này; trường hợp cơ quan cấp phép điều chỉnh giấy phép thì cơ quan cấp phép phải thông báo cho chủ giấy phép biết trước ít nhất 90 ngày. Thời hạn của giấy phép điều chỉnh là thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó.

Trường hợp ngoài việc điều chỉnh giấy phép, chủ giấy phép còn có nhu cầu cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng nước tại công trình thì thể hiện rõ trong hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép. Việc cấp lại được xem xét đồng thời trong quá trình điều chỉnh giấy phép theo quy định của Nghị định này.

Điều 24. Đình chỉ hiệu lực của giấy phép

1. Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực khi chủ giấy phép có một trong những vi phạm sau đây:

a) Vi phạm nội dung quy định trong giấy phép gây ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước;

b) Khai thác nước dưới đất gây sụt, lún mặt đất, biến dạng công trình, xâm nhập mặn, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước;

c) Vận hành hồ chứa, đập dâng gây lũ, lụt, ngập úng nhân tạo ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở thượng và hạ du hồ chứa, đập dâng;

d) Chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận;

đ) Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

e) Lợi dụng giấy phép để tổ chức hoạt động trái quy định của pháp luật.

2. Thời hạn đình chỉ giấy phép:

a) Không quá 03 tháng đối với giấy phép thăm dò nước dưới đất;

b) Không quá 12 tháng đối với giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

3. Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, chủ giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép và phải có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

4. Khi hết thời hạn đình chỉ hiệu lực của giấy phép mà cơ quan cấp phép không có quyết định khác thì chủ giấy phép được tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Điều 25. Thu hồi giấy phép

1. Việc thu hồi giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ giấy phép bị phát hiện giả mạo tài liệu, kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung của giấy phép;

b) Tổ chức là chủ giấy phép bị giải thể hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết, bị tòa án tuyên bố là đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích;

c) Chủ giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép, tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần các quy định của giấy phép;

d) Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;

đ) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

2. Trường hợp giấy phép bị thu hồi quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều này, chủ giấy phép chỉ được xem xét cấp giấy phép mới sau 03 năm, kể từ ngày giấy phép bị thu hồi sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến việc thu hồi giấy phép cũ.

3. Trường hợp giấy phép bị thu hồi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xem xét việc cấp giấy phép mới.

4. Trường hợp giấy phép bị thu hồi quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thì chủ giấy phép được nhà nước bồi thường thiệt hại, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Trả lại giấy phép, chấm dứt hiệu lực của giấy phép

1. Giấy phép tài nguyên nước đã được cấp nhưng chủ giấy phép không sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng tiếp thì có quyền trả lại cho cơ quan cấp giấy phép và thông báo lý do.

2. Giấy phép tài nguyên nước đã được cấp nhưng quy mô công trình thay đổi dẫn đến thay đổi thẩm quyền cấp giấy phép thì chủ giấy phép trả lại giấy phép đã được cấp cho cơ quan có thẩm quyền sau khi được cấp giấy phép mới.

3. Giấy phép bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép đã hết hạn;

c) Giấy phép đã được trả lại.

4. Khi giấy phép bị chấm dứt hiệu lực thì các quyền liên quan đến giấy phép cũng chấm dứt.

Điều 27. Cấp lại giấy phép

1. Giấy phép được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị mất, bị rách nát, hư hỏng;

b) Tên của chủ giấy phép đã được cấp bị thay đổi do đổi tên, nhận chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức nhưng không có sự thay đổi các nội dung khác của giấy phép.

2. Thời hạn ghi trong giấy phép được cấp lại là thời hạn còn lại theo giấy phép đã được cấp trước đó.

Điều 28. Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép tài nguyên nước

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp sau đây:

a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

b) Thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;

c) Khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;

d) Hồ chứa, đập dâng thủy lợi khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên và có dung tích toàn bộ từ 03 triệu m3 trở lên; công trình khai thác, sử dụng nước khác cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng khai thác từ 5 m3/giây trở lên;

đ) Hồ chứa, đập dâng thủy lợi không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản này có dung tích toàn bộ từ 20 triệu m3 trở lên;

e) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên;

g) Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên;

h) Khai thác, sử dụng nước biển cho mục đích sản xuất bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng từ 1.000.000 m3/ngày đêm trở lên.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp không quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp không quy định tại điểm b, điểm h khoản 1 Điều này.

Điều 29. Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép

Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép (sau đây gọi chung là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) bao gồm:

1. Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của Sở Tài nguyên và Môi trường; trường hợp địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công thì thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua Bộ phận một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 30. Hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;

b) Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn hoặc điều chỉnh nội dung giấy phép;

b) Báo cáo tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép;

3. Mẫu đơn, nội dung đề án, báo cáo được lập theo Mẫu 01, Mẫu 02, Mẫu 21, Mẫu 22Mẫu 23 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Điều 31. Hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;

b) Sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất;

c) Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên hoặc báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm trong trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động;

d) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn hoặc điều chỉnh giấy phép;

b) Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước và tình hình thực hiện giấy phép. Trường hợp điều chỉnh giấy phép có liên quan đến quy mô công trình, số lượng giếng khai thác, mực nước khai thác thì phải nêu rõ phương án khai thác nước;

c) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

d) Sơ đồ vị trí công trình khai thác nước dưới đất đối với trường hợp điều chỉnh giấy phép.

3. Mẫu đơn, nội dung báo cáo được lập theo Mẫu 03, Mẫu 04, Mẫu 24, Mẫu 25, Mẫu 26Mẫu 27 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Điều 32. Hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;

b) Đề án khai thác, sử dụng nước đối với trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước kèm theo quy trình vận hành đối với trường hợp đã có công trình khai thác (nếu thuộc trường hợp quy định phải có quy trình vận hành);

c) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 03 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ (trừ mục đích khai thác, sử dụng nước cho thủy điện);

d) Sơ đồ vị trí công trình khai thác nước.

Trường hợp chưa có công trình khai thác nước mặt, nước biển, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải nộp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn hoặc điều chỉnh giấy phép;

b) Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước và tình hình thực hiện giấy phép. Trường hợp điều chỉnh quy mô công trình, phương thức, chế độ khai thác sử dụng nước, quy trình vận hành công trình thì phải kèm theo đề án khai thác nước;

c) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 03 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ (trừ mục đích khai thác, sử dụng nước cho thủy điện);

3. Mẫu đơn, nội dung đề án, báo cáo được lập theo Mẫu 05, Mẫu 06, Mẫu 07, Mẫu 08, Mẫu 28, Mẫu 29, Mẫu 30, Mẫu 31, Mẫu 32, Mẫu 33Mẫu 34 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Điều 33. Hồ sơ cấp lại giấy phép tài nguyên nước

1. Đơn đề nghị cấp lại giấy phép.

2. Tài liệu chứng minh lý do đề nghị cấp lại giấy phép (đối với trường hợp đổi tên, nhận chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức).

Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do chuyển nhượng, hồ sơ còn phải bao gồm giấy tờ chứng minh việc chuyển nhượng công trình, việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng nước và các tài liệu có liên quan.

3. Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép tài nguyên nước được lập theo Mẫu 09 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Điều 34. Hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép tài nguyên nước

1. Đơn đề nghị trả lại giấy phép.

2. Tài liệu chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (nếu có).

3. Mẫu đơn đề nghị trả lại giấy phép tài nguyên nước được lập theo Mẫu 10 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Điều 35. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

2. Thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong hồ sơ đề nghị cấp phép (sau đây gọi chung là đề án, báo cáo):

a) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;

b) Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là 18 ngày làm việc;

c) Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.

3. Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để nhận giấy phép.

Điều 36. Trình tự thực hiện thủ tục gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung hoàn thiện mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo rõ lý do.

2. Thẩm định đề án, báo cáo đối với trường hợp gia hạn, điều chỉnh giấy phép:

a) Trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo, nếu cần thiết kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện gia hạn, điều chỉnh giấy phép thì trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trường hợp không đủ điều kiện để gia hạn, điều chỉnh giấy phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo lý do không gia hạn, điều chỉnh giấy phép;

b) Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là 18 ngày làm việc;

c) Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ.

3. Thẩm định hồ sơ đối với trường hợp cấp lại giấy phép:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện để cấp lại giấy phép thì trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trường hợp không đủ điều kiện, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo lý do.

4. Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân để nhận giấy phép.

Điều 37. Trình tự, thủ tục trả lại giấy phép tài nguyên nước

Chủ giấy phép nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến 01 bộ hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép cho cơ quan đã cấp giấy phép trước đó. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 34 của Nghị định này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra và trình cơ quan có thẩm quyền ký Quyết định chấp thuận đề nghị trả lại giấy phép tài nguyên nước.

Điều 38. Trình tự, thủ tục đăng ký khai thác nước dưới đất

1. Cơ quan xác nhận đăng ký khai thác nước dưới đất là Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17; Sở Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 của Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 của Nghị định này:

a) Căn cứ Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước dưới đất thuộc diện phải đăng ký trên địa bàn; thông báo và phát 02 tờ khai đăng ký theo Mẫu 35 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này cho tổ chức, cá nhân để kê khai;

Trường hợp chưa xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký khai thác trước khi tiến hành xây dựng công trình.

b) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hoàn thành 02 tờ khai và nộp cho cơ quan xác nhận đăng ký hoặc nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm nộp tờ khai cho cơ quan đăng ký;

c) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai của tổ chức, cá nhân, cơ quan xác nhận đăng ký có trách nhiệm kiểm tra nội dung thông tin, xác nhận vào tờ khai và gửi 01 bản cho tổ chức, cá nhân.

3. Trình tự, thủ tục đăng ký đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 của Nghị định này:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản kê khai 02 tờ khai đăng ký theo Mẫu 36 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này gửi Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình;

b) Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai của tổ chức, cá nhân, cơ quan xác nhận đăng ký có trách nhiệm kiểm tra nội dung thông tin, xác nhận vào tờ khai và gửi 01 bản cho tổ chức, cá nhân.

4. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã đăng ký khai thác nước dưới đất, nếu không tiếp tục khai thác, sử dụng thì phải thông báo và trả tờ khai (đã được xác nhận) cho cơ quan xác nhận đăng ký hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để báo cho cơ quan đăng ký và thực hiện việc trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định.

5. Cơ quan xác nhận đăng ký có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn; hằng năm trước ngày 15 tháng 12 tổng hợp, báo cáo kết quả đăng ký tới Sở Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan đăng ký là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Điều 39. Trình tự, thủ tục đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển

1. Cơ quan xác nhận đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển là Sở Tài nguyên và Môi trường nơi xây dựng công trình đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định này.

2. Trình tự thủ tục đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển

a) Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển thuộc diện phải đăng ký trên địa bàn; thông báo và phát 02 tờ khai theo Mẫu 37Mẫu 38 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này cho tổ chức, cá nhân để kê khai.

Trường hợp chưa có công trình khai thác, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký khai thác trước khi tiến hành xây dựng công trình.

b) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hoàn thành 02 tờ khai và nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh hoặc nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm nộp tờ khai cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh.

c) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai của tổ chức, cá nhân, cơ quan xác nhận đăng ký có trách nhiệm kiểm tra nội dung thông tin, xác nhận việc đăng ký và gửi 01 bản cho tổ chức, cá nhân.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển, nếu không tiếp tục khai thác, sử dụng thì phải thông báo và trả lại Giấy xác nhận cho cơ quan xác nhận đăng ký.

4. Cơ quan xác nhận đăng ký có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển trên địa bàn.

Điều 40. Trình tự, thủ tục đình chỉ giấy phép về tài nguyên nước

1. Khi phát hiện chủ giấy phép có các vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 24 của Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm xem xét đình chỉ hiệu lực của giấy phép.

2. Căn cứ vào mức độ vi phạm của chủ giấy phép, mức độ ảnh hưởng của việc đình chỉ giấy phép đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng, cơ quan cấp giấy phép quyết định thời hạn đình chỉ hiệu lực của giấy phép.

3. Cơ quan cấp giấy phép có thể xem xét rút ngắn thời hạn đình chỉ hiệu lực của giấy phép khi chủ giấy phép đã khắc phục hậu quả liên quan đến lý do đình chỉ giấy phép và hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép về tài nguyên nước

1. Khi thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện giấy phép, nếu phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 25 của Nghị định này thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép; nếu phát hiện các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 25 của Nghị định này, thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra xử lý theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo, cơ quan cấp phép có trách nhiệm xem xét việc thu hồi giấy phép.

2. Đối với trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Nghị định này thì phải thông báo cho chủ giấy phép biết trước 90 ngày.

Điều 42. Chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước

1. Tính đến thời điểm chuyển nhượng, tổ chức, cá nhân chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước phải đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ về tài chính trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nộp đủ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định; không có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên nước.

2. Điều kiện của tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước:

a) Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng có đủ điều kiện quy định tại Điều 20 của Nghị định này và phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Bảo đảm không làm thay đổi mục đích khai thác, sử dụng nước.

3. Việc chuyển nhượng đảm bảo không làm gián đoạn việc thực hiện các nghĩa vụ trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

4. Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí.

Điều 43. Kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước

1. Kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, quản lý, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10, khoản 4 Điều 21, khoản 5 Điều 27 của Luật Tài nguyên nước.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.

Chương IV

ĐIỀU PHỐI, GIÁM SÁT CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC, PHÒNG, CHỐNG VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA TRÊN LƯU VỰC SÔNG

Mục 1. CÁC HOẠT ĐỘNG CẦN ĐIỀU PHỐI, GIÁM SÁT

Điều 44. Các hoạt động trên lưu vực sông cần điều phối, giám sát

1. Các hoạt động quy định tại các điểm a, b, c và điểm d khoản 1 Điều 72 của Luật Tài nguyên nước.

2. Các hoạt động khác cần được điều phối, giám sát trên lưu vực sông tại điểm e khoản 1 Điều 72 của Luật Tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

a) Các hoạt động cải tạo, khôi phục các dòng sông, bao gồm: Khôi phục, bảo tồn các hệ sinh thái, cải thiện chất lượng nước; phát triển các khu đất ngập nước, vành đai sinh thái ven sông, giải tỏa các vật cản dòng chảy trên sông; bổ sung nước cho các nguồn nước bị cạn kiệt, xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng xử lý nước thải; giảm thiểu nguồn ô nhiễm phân tán ở các khu đô thị và nông thôn; tăng cường các hoạt động phòng, chống sự cố ô nhiễm nguồn nước; xây dựng cơ sở hạ tầng giữ nước để tăng lưu lượng nước trong sông, gia cố bờ sông, nạo vét bồi lắng lòng sông.

b) Các hoạt động cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông, ven hồ, bao gồm: Phát triển các khu vui chơi giải trí, lễ hội, thể dục, thể thao ven sông; phục hồi và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa và du lịch ven sông.

Điều 45. Nội dung, yêu cầu đối với hoạt động điều phối, giám sát trên lưu vực sông

1. Nội dung điều phối bao gồm chỉ đạo, đôn đốc việc phối hợp hoạt động của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các quy định tại Điều 44 của Nghị định này.

2. Nội dung giám sát bao gồm việc theo dõi, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên phạm vi lưu vực sông.

3. Yêu cầu đối với hoạt động điều phối:

a) Bảo đảm khai thác, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước đáp ứng các yêu cầu cấp nước cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

b) Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan tham gia điều phối trên phạm vi lưu vực sông; sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí;

c) Tuân theo quy hoạch, kế hoạch trên phạm vi lưu vực;

d) Xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan tham gia.

4. Yêu cầu đối với hoạt động giám sát:

a) Phát hiện được các hiện tượng bất thường về lưu lượng, mực nước, chất lượng của nguồn nước; cảnh báo, dự báo nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trên phạm vi lưu vực sông;

b) Phát hiện được các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân trong vận hành hồ chứa, liên hồ chứa và trong hoạt động xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi lưu vực sông;

c) Cung cấp thông tin, số liệu phục vụ việc điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra quy định tại Điều 44 của Nghị định này trên phạm vi lưu vực sông;

d) Các yêu cầu khác của công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM ĐIỀU PHỐI, GIÁM SÁT TRÊN LƯU VỰC SÔNG

Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để thực hiện các hoạt động cần điều phối, giám sát quy định tại Điều 44 của Nghị định này đối với các lưu vực sông liên tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Chủ trì việc phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh.

3. Thẩm định, công bố dòng chảy tối thiểu trong sông hoặc đoạn sông đối với các nguồn nước liên tỉnh, quy định dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu của các hồ chứa thuộc thẩm quyền cấp giấy phép.

4. Xây dựng, duy trì hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với lưu vực sông liên tỉnh.

5. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề phát sinh trong việc phối hợp thực hiện của các cơ quan tham gia điều phối, giám sát đối với lưu vực sông liên tỉnh.

Điều 47. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước; chương trình, kế hoạch cải tạo các dòng sông, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt đối với các lưu vực sông nội tỉnh.

2. Chỉ đạo việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn và phối hợp với các địa phương có chung nguồn nước trong việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

3. Thẩm định, công bố dòng chảy tối thiểu trong sông hoặc đoạn sông đối với nguồn nước nội tỉnh, quy định dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu của các hồ chứa thuộc thẩm quyền cấp giấy phép.

4. Xây dựng, duy trì hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với lưu vực sông nội tỉnh.

5. Chủ trì giải quyết các vấn đề phát sinh trong việc phối hợp thực hiện của các cơ quan tham gia điều phối, giám sát đối với lưu vực sông nội tỉnh.

6. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các quy định tại Điều 46 của Nghị định này.

Điều 48. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

1. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

2. Thông báo kế hoạch nhu cầu sử dụng nước của mình đối với từng nguồn nước trên lưu vực sông cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan.

3. Chỉ đạo việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, chương trình, dự án chuyên ngành liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra để phù hợp với kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước, chương trình, kế hoạch cải tạo các dòng sông, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt trên các lưu vực sông và bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu đã được công bố.

4. Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước hồ chứa, kế hoạch khai thác, sử dụng nước của các công trình khai thác nước trên sông theo quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền ban hành và theo kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông.

5. Phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình điều phối giám sát trên lưu vực sông.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 49. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài nguyên nước, bãi bỏ quy định của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:

a) Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 3 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 41/2021/NĐ-CP như sau:

“3. Thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác nước

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp sau khi công trình đi vào vận hành và có Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của cơ quan có thẩm quyền”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:

“Tính đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực, công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP nhưng vẫn chưa đi vào vận hành thì chỉ sau khi đi vào vận hành mới phải thực hiện thủ tục điều chỉnh do thay đổi thời gian vận hành và áp dụng giá tính tiền tại quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước liền trước đó”.”

2. Bãi bỏ khoản 1 Điều 167 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 50. Điều khoản chuyển tiếp

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định của Nghị định này đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển theo quy định của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép. Sau khi giấy phép được cấp hết hiệu lực, nếu tổ chức, cá nhân tiếp tục có nhu cầu khai thác, sử dụng nước thì thực hiện đăng ký theo quy định của Nghị định này.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP mà có sự thay đổi về thẩm quyền cấp phép theo quy định của Nghị định này được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép. Trước khi giấy phép hết hạn, tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Nghị định này.

3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đầy đủ, hợp lệ trước ngày Nghị định này có hiệu lực vẫn được thực hiện thẩm định, xem xét cấp phép theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP. Đối với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp đăng ký theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định này, nếu có nhu cầu thực hiện việc đăng ký theo quy định của Nghị định này thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

4. Đối với các dự án đã hoàn thành việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP trước khi Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện lấy lại ý kiến theo quy định tại Nghị định này.

5. Đối với các tỉnh, thành phố đã phê duyệt khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tiếp tục thực hiện đăng ký theo quyết định đã phê duyệt cho đến khi rà soát điều chỉnh theo quy định của Nghị định này.

Điều 51. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2023.

2. Bãi bỏ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC

MẪU ĐƠN, GIẤY PHÉP VÀ NỘI DUNG ĐỀ ÁN, BÁO CÁO TRONG HỒ SƠ CẤP PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC
(Kèm theo Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ)

STT

Ký hiệu

Tên mẫu

Phần I

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP, GIA HẠN, ĐIỀU CHỈNH, CẤP LẠI GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

1

Mẫu 01

Đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất

2

Mẫu 02

Đơn đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất

3

Mẫu 03

Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

4

Mẫu 04

Đơn đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

5

Mẫu 05

Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt

6

Mẫu 06

Đơn đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt

7

Mẫu 07

Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển

8

Mẫu 08

Đơn đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước biển

9

Mẫu 09

Đơn đề nghị cấp lại giấy phép tài nguyên nước

10

Mẫu 10

Đơn đề nghị trả lại giấy phép tài nguyên nước

Phần II

MẪU GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC, GIẤY XÁC NHẬN, QUYẾT ĐỊNH CHẤP THUẬN

11

Mẫu 11

Giấy phép thăm dò nước dưới đất

12

Mẫu 12

Giấy phép thăm dò nước dưới đất (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

13

Mẫu 13

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

14

Mẫu 14

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

15

Mẫu 15

Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt

16

Mẫu 16

Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

17

Mẫu 17

Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển

18

Mẫu 18

Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

19

Mẫu 19

Quyết định chấp thuận đề nghị trả lại giấy phép tài nguyên nước

20

Mẫu 20

Giấy xác nhận đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt/nước biển

Phần III

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ĐỀ ÁN, BÁO CÁO THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

21

Mẫu 21

Đề án thăm dò nước dưới đất (đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

22

Mẫu 22

Thiết kế giếng thăm dò nước dưới đất (đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm)

23

Mẫu 23

Báo cáo tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép (đối với trường hợp đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất)

24

Mẫu 24

Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất (đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

25

Mẫu 25

Báo cáo kết quả thi công giếng khai thác (đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm)

26

Mẫu 26

Báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất (đối với trường hợp công trình khai thác đang hoạt động)

27

Mẫu 27

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất và tình hình thực hiện giấy phép (đối với trường hợp gia hạn/điều chỉnh giấy phép)

Phần IV

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ĐỀ ÁN, BÁO CÁO KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT, NƯỚC BIỂN

28

Mẫu 28

Đề án khai thác, sử dụng nước mặt (đối với trường hợp chưa có công trình khai thác)

29

Mẫu 29

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt (đối với trường hợp đã có công trình khai thác)

30

Mẫu 30

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt (đối với trường hợp công trình thủy lợi gồm: hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, cống thủy lợi vận hành trước năm 2013)

31

Mẫu 31

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt và tình hình thực hiện giấy phép (đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

32

Mẫu 32

Đề án khai thác, sử dụng nước biển (đối với trường hợp chưa có công trình khai thác)

33

Mẫu 33

Báo cáo khai thác, sử dụng nước biển (đối với trường hợp đã có công trình khai thác)

34

Mẫu 34

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước biển và tình hình thực hiện giấy phép (đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

Phần V

MẪU TỜ KHAI ĐĂNG KÝ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC

35

Mẫu 35

Tờ khai đăng ký công trình khai thác nước dưới đất (đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước cho: ăn uống, sinh hoạt hộ gia đình; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các mục đích khác)

36

Mẫu 36

Tờ khai đăng ký công trình khai thác nước dưới đất (đối với trường hợp sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng, bơm hút nước để tháo khô mỏ)

37

Mẫu 37

Tờ khai đăng ký công trình khai thác nước mặt

38

Mẫu 38

Tờ khai đăng ký công trình khai thác nước biển

Mẫu 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Kính gửi:.....................................................................................(1)

1. Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép:

1.1. Tên tổ chức/cá nhân (đối với tổ chức ghi đầy đủ tên theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đối với cá nhân ghi đầy đủ họ tên theo Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân):....................

1.2. Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi cấp, ngày cấp hoặc số Quyết định thành lập, cơ quan ký quyết định (đối với tổ chức)/số Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân (đối với cá nhân):................................

1.3. Địa chỉ (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi địa chỉ hộ khẩu thường trú):........................................................................................................

1.4. Điện thoại:........................ Fax:.......................... Email:................................

2. Nội dung đề nghị cấp phép:

2.1.Vị trí công trình thăm dò:...........................................................................(2)

2.2. Mục đích thăm dò:....................................................................................(3)

2.3. Quy mô thăm dò:...................................................................................... (4)

2.4. Tầng chứa nước thăm dò:..........................................................................(5)

2.5. Thời gian thi công:................................................................................... (6)

3. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo Đơn này gồm có:

- Đề án thăm dò nước dưới đất (đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên).

- Thiết kế giếng thăm dò (đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm).

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.

4. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép:

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn nàycác giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của Giấy phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) kiến nghị các nội dung cấp phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) xem xét, phê duyệt Đề án và cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất cho (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép)./.

...... ngày...... tháng...... năm.......
Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Ghi rõ địa chỉ cụ thể hoặc thôn/ấp..., xã/phường..., huyện/quận..., tỉnh/thành phố...., nơi bố trí công trình thăm dò; trường hợp công trình thăm dò bố trí trong nhiều đơn vị hành chính thì ghi cụ thể các đơn vị hành chính nơi đặt các công trình thăm dò. Ghi rõ tọa độ các điểm góc giới hạn phạm vi bố trí công trình thăm dò theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu.

(3) Ghi rõ thăm dò nước dưới đất để cấp nước cho mục đích: sinh hoạt, sản xuất, tưới, nuôi trồng thủy sản....; trường hợp thăm dò để cấp nước cho nhiều mục đích thì ghi rõ dự kiến lưu lượng để cấp cho từng mục đích.

(4) Ghi rõ tổng số giếng, tổng lưu lượng thăm dò (m3/ngày đêm) và dự kiến lưu lượng của từng giếng.

(5) Ghi rõ tầng chứa nước, chiều sâu dự kiến của các giếng thăm dò; trường hợp thăm dò nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ các tầng thăm dò, số lượng giếng, lưu lượng dự kiến thăm dò trong từng tầng chứa nước.

(6) Ghi rõ thời gian bắt đầu thi công, dự kiến thời gian hoàn thành công tác thi công, thời gian hoàn thành công tác lập báo cáo kết quả thăm dò.

Mẫu 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN/ĐIỀU CHỈNH
GIẤY PHÉP THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Kính gửi:......................................................................(1)

1. Thông tin về chủ giấy phép:

1.1. Tên chủ giấy phép:.........................................................................................

1.2. Địa chỉ:...........................................................................................................

1.3. Điện thoại:........................ Fax:........................... Email:...............................

1.4. Giấy phép thăm dò nước dưới đất số:.......... ngày....... tháng....... năm........ do (tên cơ quan cấp giấy phép) cấp.

2. Lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép:...........................................(2)

3. Thời gian đề nghị gia hạn/nội dung đề nghị điều chỉnh giấy phép:

- Thời hạn đề nghị gia hạn:............. tháng/năm (trường hợp đề nghị gia hạn).

- Nội dung đề nghị điều chỉnh:....... (trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép).

4. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo Đơn này gồm có:

- Báo cáo tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép.

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.

5. Cam kết của chủ giấy phép:

- (Chủ giấy phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn nàycác giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thậtxin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Chủ giấy phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của Giấy phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Chủ giấy phép) kiến nghị các nội dung gia hạn/điều chỉnh nội dung giấy phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) xem xét, gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất cho (tên chủ giấy phép)./.

......., ngày....... tháng....... năm........
Chủ giấy phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung lý do kèm theo các tài liệu chứng minh.

Mẫu 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Kính gửi:.....................................................................(1)

1. Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép:

1.1. Tên tổ chức/cá nhân (đối với tổ chức ghi đầy đủ tên theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đối với cá nhân ghi đầy đủ họ tên theo Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân):....................

1.2. Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi cấp, ngày cấp hoặc số Quyết định thành lập, cơ quan ký quyết định (đối với tổ chức)/số Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân (đối với cá nhân):................................

1.3. Địa chỉ (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú):........................................................................................................

1.4. Điện thoại:.......................... Fax:...................... Email:..................................

2. Nội dung đề nghị cấp phép:

2.1. Vị trí công trình khai thác:........................................................................(2)

2.2. Mục đích khai thác, sử dụng nước:...........................................................(3)

2.3. Tầng chứa nước khai thác:........................................................................(4)

2.4. Số giếng khai thác (hố đào/hành lang/mạch lộ/hang động):....................(5)

2.5. Tổng lưu lượng nước khai thác:.............................................(m3/ngày đêm)

2.6. Thời gian đề nghị cấp phép: (tối đa là 10 năm).............................................

2.7. Chế độ khai thác:............................. ngày/năm.

Số hiệu, vị trí và thông số của công trình khai thác cụ thể như sau:

Số hiệu

Tọa độ (VN2000, kinh tuyến trục..., múi chiếu...)

Chiều sâu đặt ống lọc (m)

Lưu lượng (m3/ngày đêm)

Chiều sâu mực nước động lớn nhất (m)

Tầng chứa nước khai thác

X

Y

Từ

Đến

3. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo Đơn này gồm có:

- Sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất.

- Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên hoặc báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm (đối với trường hợp chưa có công trình khai thác nước dưới đất).

- Báo cáo hiện trạng khai thác (đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động).

- Phiếu kết quả phân tích chất lượng nguồn nước dưới đất không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

- Văn bản góp ý và tổng hợp tiếp thu, giải trình lấy ý kiến cộng đồng (đối với trường hợp công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên và không có yếu tố bí mật quốc gia).

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.

4. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép:

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn này và các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của giấy phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) kiến nghị các nội dung cấp phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (cơ quan cấp phép) xem xét, cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho (tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép)./.

......, ngày....... tháng....... năm........
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Ghi rõ địa chỉ cụ thể hoặc thôn/ấp..... xã/phường.... huyện/quận.... tỉnh/thành phố..... nơi bố trí công trình khai thác nước dưới đất; trường hợp công trình khai thác bố trí trong nhiều đơn vị hành chính thì ghi cụ thể số lượng giếng khai thác trên từng đơn vị hành chính.

(3) Ghi rõ khai thác nước dưới đất để cấp nước cho mục đích: sinh hoạt, sản xuất, tưới, nuôi trồng thủy sản.....; trường hợp khai thác nước dưới đất để cấp nước cho nhiều mục đích thì ghi rõ lưu lượng để cấp cho từng mục đích.

(4) Ghi rõ tầng chứa nước khai thác; trường hợp khai thác nước dưới đất trong nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ lưu lượng khai thác trong từng tầng chứa nước.

(5) Ghi rõ số lượng giếng khai thác hoặc số hố đào/hành lang/mạch lộ/hang động; trường hợp khai thác nước dưới đất trong nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ số lượng giếng trong từng tầng chứa nước.

Mẫu 04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN/ĐIỀU CHỈNH
GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Kính gửi:..........................................................................(1)

1. Thông tin về chủ giấy phép:

1.1. Tên chủ giấy phép:.........................................................................................

1.2. Địa chỉ:...........................................................................................................

1.3. Điện thoại:........................ Fax:.......................... Email:................................

1.4. Giấy phép khai thác nước dưới đất số:.......... ngày....... tháng....... năm........ do (tên cơ quan cấp giấy phép) cấp; thời hạn của giấy phép.

2. Lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép:.......................................... (2)

3. Thời gian đề nghị gia hạn/nội dung đề nghị điều chỉnh giấy phép:

- Thời hạn đề nghị gia hạn:............. tháng/ năm (trường hợp đề nghị gia hạn).

- Nội dung đề nghị điều chỉnh:...... (trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép).

4. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo Đơn này gồm có:

- Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước và tình hình thực hiện giấy phép.

- Phiếu kết quả phân tích chất lượng nguồn nước dưới đất không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.

5. Cam kết của chủ giấy phép:

- (Chủ giấy phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn này các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Chủ giấy phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của Giấy phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Chủ giấy phép) kiến nghị các nội dung gia hạn/điều chỉnh nội dung giấy phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) xem xét, gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho (tên chủ giấy phép)./.

......., ngày....... tháng....... năm........
Chủ giấy phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung lý do kèm theo các tài liệu chứng minh.

Mẫu 05

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

Kính gửi:.................................................................................(1)

1. Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép:

1.1. Tên tổ chức/cá nhân (đối với tổ chức ghi đầy đủ tên theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đối với cá nhân ghi đầy đủ họ tên theo Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân):....................

1.2. Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi cấp, ngày cấp hoặc số Quyết định thành lập, cơ quan ký quyết định (đối với tổ chức)/số Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân (đối với cá nhân):................................

1.3. Địa chỉ (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú):........................................................................................................

1.4. Điện thoại:.......................... Fax:...................... Email:..................................

2. Thông tin chung về công trình khai thác, sử dụng nước:

2.1. Tên công trình................................................................................................

2.2. Loại hình công trình, phương thức khai thác nước...................................(2)

2.3. Vị trí công trình (thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố)....... (3)

2.4. Hiện trạng công trình.................................................................................(4)

3. Nội dung đề nghị cấp phép:

3.1. Nguồn nước khai thác, sử dụng:................................................................(5)

3.2. Vị trí lấy nước:..........................................................................................(6)

3.3. Mục đích khai thác, sử dụng nước:...........................................................(7)

3.4. Lượng nước khai thác, sử dụng:................................................................(8)

3.5. Chế độ khai thác, sử dụng:........................................................................(9)

3.6. Thời gian đề nghị cấp phép: (tối đa là 15 năm).............................................

4. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo Đơn này gồm có:

- Đề án khai thác, sử dụng nước (đối với trường hợp chưa có công trình khai thác/trường hợp công trình chưa đi vào vận hành khai thác nước); báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước kèm theo quy trình vận hành (đối với trường hợp đã có công trình khai thác).

- Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước (không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ) (trừ trường hợp khai thác, sử dụng nước cho phát điện).

- Sơ đồ vị trí công trình khai thác nước.

- Văn bản góp ý và tổng hợp tiếp thu, giải trình lấy ý kiến cộng đồng (trường hợp dự án/công trình thuộc diện phải lấy ý kiến cộng đồng theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 2 của Nghị định này).

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.

5. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép:

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn nàycác giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của giấy phépthực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) kiến nghị các nội dung cấp phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) xem xét, cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt cho (tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép)./.

........ ngày....... tháng....... năm........
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Ghi rõ loại hình công trình (hồ chứa/đập dâng/cống/trạm bơm nước,...), mô tả các hạng mục công trình, dung tích hồ chứa, công suất lắp máy/trạm bơm, cách thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước, trữ nước,...

(3) Trường hợp công trình đặt trên nhiều địa bàn hành chính khác nhau thì ghi đầy đủ các địa danh hành chính đó.

(4) Ghi rõ công trình đã có hay đang xây dựng, dự kiến xây dựng; thời gian đưa vào vận hành/dự kiến vận hành.

(5) Nguồn nước khai thác: Ghi tên sông/suối/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; nêu rõ sông/suối là phụ lưu, phân lưu, thuộc hệ thống sông nào; trường hợp công trình có chuyển nước thì nêu rõ cả tên nguồn nước tiếp nhận.

(6) Nêu rõ địa danh vị trí lấy nước (thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố) và tọa độ các hạng mục chính của công trình: cửa lấy nước, tim tuyến đập (đối với trường hợp có hồ chứa), tim nhà máy thủy điện và cửa xả nước vào nguồn nước (đối với công trình thủy điện) (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30).

(7) Nêu rõ mục đích sử dụng nước; trường hợp công trình sử dụng nước đa mục tiêu thì ghi rõ từng mục đích sử dụng (cấp nước tưới, sinh hoạt, công nghiệp, phát điện, nuôi trồng thuỷ sản....) và ghi rõ các mục đích sử dụng nước phải tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; nhiệm vụ cấp nước trực tiếp, tạo nguồn tương ứng với từng mục đích sử dụng.

(8) Ghi rõ lượng nước khai thác sử dụng lớn nhất cho từng mục đích sử dụng theo từng thời kỳ ngày/tháng/mùa vụ/năm và tổng lượng nước sử dụng trong năm. Trong đó:

- Lượng nước khai thác sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tính bằng m3/s.

- Lượng nước qua nhà máy thủy điện tính bằng m3/s; công suất lắp máy tính bằng MW.

- Lượng nước khai thác, sử dụng cho các mục đích khác tính bằng m3/ngày đêm.

(9) Ghi rõ số giờ lấy nước trung bình trong ngày, số ngày lấy nước trung bình theo tháng/mùa vụ/năm.

Mẫu 06

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN/ĐIỀU CHỈNH
GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

Kính gửi:...............................................................................(1)

1. Thông tin về chủ giấy phép:

1.1. Tên chủ giấy phép:.........................................................................................

1.2. Địa chỉ:...........................................................................................................

1.3. Điện thoại:...................... Fax:......................... Email:...................................

1.4. Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt số:........ ngày..... tháng.... năm...... do (tên cơ quan cấp giấy phép) cấp; thời hạn của giấy phép...

2. Lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép:...........................................(2)

3. Thời gian đề nghị gia hạn/nội dung đề nghị điều chỉnh giấy phép:

- Thời hạn đề nghị gia hạn:................ tháng/năm (trường hợp đề nghị gia hạn).

- Nội dung đề nghị điều chỉnh:....... (trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép).

4. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo Đơn này gồm có:

- Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt và tình hình thực hiện giấy phép.

- Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước (không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ) (trừ trường hợp khai thác, sử dụng nước cho phát điện).

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

5. Cam kết của chủ giấy phép:

- (Chủ giấy phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn nàycác giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Chủ giấy phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của Giấy phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Chủ giấy phép) kiến nghị các nội dung gia hạn/điều chỉnh nội dung giấy phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) xem xét, gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho (tên chủ giấy phép)./.

........, ngày...... tháng......... năm.........
Chủ giấy phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung lý do kèm theo các tài liệu chứng minh.

Mẫu 07

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

Kính gửi:............................................................................(1)

1. Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép:

1.1. Tên tổ chức/cá nhân (đối với tổ chức ghi đầy đủ tên theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đối với cá nhân ghi đầy đủ họ tên theo Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân):....................

1.2. Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi cấp, ngày cấp hoặc số Quyết định thành lập, cơ quan ký quyết định (đối với tổ chức)/số Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân (đối với cá nhân):................................

1.3. Địa chỉ (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú):........................................................................................................

1.4. Điện thoại:...................... Fax:.......................... Email:..................................

2. Thông tin chung về công trình khai thác, sử dụng nước biển:

2.1. Tên công trình................................................................................................

2.2. Vị trí khu vực công trình (thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố).

2.3. Hiện trạng công trình................................................................................ (2)

3. Nội dung đề nghị cấp giấy phép:

3.1. Vị trí khai thác, sử dụng nước biển:......................................................... (3)

3.2. Mục đích khai thác, sử dụng nước biển:.................................................. (4)

3.3. Phương thức khai thác, sử dụng:.............................................................. (5)

3.4. Lượng nước khai thác, sử dụng................................................................ (6)

3.5. Chế độ khai thác, sử dụng:....................................................................... (7)

3.6. Thời gian đề nghị cấp phép: (tối đa là 15 năm).............................................

4. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo Đơn này gồm có:

- Đề án khai thác, sử dụng nước biển (đối với trường hợp chưa có công trình khai thác); báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước kèm theo quy trình vận hành (đối với trường hợp đã có công trình khai thác).

- Kết quả phân tích chất lượng nước tại vị trí khai thác và vị trí xả nước sau khi sử dụng (không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

- Sơ đồ vị trí công trình khai thác, sử dụng nước biển.

5. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép:

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn nàycác giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của giấy phépthực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) kiến nghị các nội dung cấp phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) xem xét, cấp giấy phép khai thác sử dụng nước biển cho (tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép)./.

........ ngày....... tháng....... năm........
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Ghi rõ công trình đã có hay đang xây dựng, dự kiến xây dựng; thời gian đưa vào vận hành/dự kiến vận hành.

(3) Ghi rõ tên vùng biển khai thác thuộc địa phận xã/phường.... huyện/quận.... tỉnh/thành phố...; vị trí lấy nước, sử dụng nước, xả nước: thôn/ấp... xã/phường.... huyện/quận.... tỉnh/thành phố...; tọa độ của điểm lấy nước, khu vực sử dụng nước, xả nước (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30).

(4) Nêu rõ các mục đích sử dụng nước biển (làm mát, nuôi trồng thủy sản, tuyển quặng,...).

(5) Mô tả các hạng mục công trình, công suất trạm bơm, cách thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước về nơi sử dụng, trữ nước trên đất liền,...

(6) Lưu lượng nước khai thác, sử dụng lớn nhất (m3/s), lượng nước khai thác, sử dụng lớn nhất theo ngày (m3/ngày đêm) và theo năm (m3/năm).

(7) Ghi rõ số giờ lấy nước trung bình trong ngày, số ngày lấy nước trung bình theo tháng/mùa...

Mẫu 08

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN/ĐIỀU CHỈNH
GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

Kính gửi:...................................................................................(1)

1. Thông tin về chủ giấy phép:

1.1. Tên chủ giấy phép:.........................................................................................

1.2. Địa chỉ:...........................................................................................................

1.3. Điện thoại:...................... Fax:....................... Email:.....................................

1.4. Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển số:.......... ngày....... tháng....... năm........ do (tên cơ quan cấp giấy phép) cấp; thời hạn của giấy phép.

2. Lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép:.......................................... (2)

3. Thời gian đề nghị gia hạn/nội dung đề nghị điều chỉnh giấy phép:

- Thời hạn đề nghị gia hạn:....tháng/ năm (trường hợp đề nghị gia hạn).

- Nội dung đề nghị điều chỉnh: (trường hợp điều chỉnh giấy phép).

4. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo Đơn này gồm có:

- Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước biển và tình hình thực hiện Giấy phép.

- Kết quả phân tích chất lượng nước tại vị trí khai thác và vị trí xả nước sau khi sử dụng (không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

- Bản sao giấy phép khai thác, sử dụng nước biển đã được cấp.

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

5. Cam kết của chủ giấy phép:

- (Chủ giấy phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn này và các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Chủ giấy phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của Giấy phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Chủ giấy phép) kiến nghị các nội dung gia hạn/điều chỉnh nội dung giấy phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) xem xét, gia hạn/điều chỉnh Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển cho (tên chủ giấy phép)./.

........, ngày...... tháng......... năm.........
Chủ giấy phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung lý do kèm theo các tài liệu chứng minh.

Mẫu 09

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI
GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

Kính gửi:................................................................................(1)

1. Thông tin về tổ chức/cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép.........................(2)

1.1. Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép:.............................................

1.2. Địa chỉ:...........................................................................................................

1.3. Điện thoại:........................ Fax:........................... Email:...............................

1.4. Giấy phép............... (3) số:.......... ngày....... tháng....... năm.......................... do (tên cơ quan cấp giấy phép) cấp.

2. Lý do đề nghị cấp lại giấy phép:.............................................................. (4)

3. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn này gồm có:

- Tài liệu chứng minh lý do đề nghị cấp lại giấy phép.

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.

4. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép:

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn nàycác giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của Giấy phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

- (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép) kiến nghị các nội dung cấp lại giấy phép đối với cơ quan cấp phép (nếu có).

Đề nghị (cơ quan cấp phép) xem xét cấp lại Giấy phép..............................(3) cho (tổ chức/cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép)./.

......., ngày....... tháng....... năm........
Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp tỉnh/Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Là chủ giấy phép đối với trường hợp cấp lại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Nghị định này; là tổ chức/cá nhân sau khi đổi tên, nhận chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức nhưng không có sự thay đổi các nội dung khác của giấy phép theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 của Nghị định này.

(3) Tên loại giấy phép (giấy phép thăm dò nước dưới đất/khai thác, sử dụng nước dưới đất/khai thác, sử dụng nước mặt/khai thác, sử dụng nước biển).

(4) Trình bày rõ lý do đề nghị cấp lại giấy phép.

Mẫu 10

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ TRẢ LẠI
GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

Kính gửi:.......................................................................................(1)

1. Thông tin về chủ giấy phép:

1.1. Tên chủ giấy phép:.........................................................................................

1.2. Địa chỉ:...........................................................................................................

1.3. Điện thoại:...................... Fax:....................... Email:.....................................

1.4. Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước số:... ngày.... tháng..... năm...... do (tên cơ quan cấp giấy phép) cấp; thời hạn của giấy phép...

2. Lý do đề nghị trả lại giấy phép:............................................................... (2)

3. Các giấy tờ, tài liệu có liên quan nộp kèm theo Đơn này (nếu có).

4. Cam kết của chủ giấy phép:

- (Chủ giấy phép) cam đoan các nội dung, thông tin trong Đơn nàycác giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Chủ giấy phép) cam kết liên quan đến việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác liên quan đến khai thác, sử dụng nước theo quy định của pháp luật (tài liệu chứng minh kèm theo) đến thời điểm trả lại giấy phép.

Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) xem xét, chấm dứt hiệu lực của Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt số:.......... ngày....... tháng....... năm........ do (tên cơ quan cấp giấy phép) cấp cho (tên chủ giấy phép)./.

........ ngày....... tháng....... năm........
Chủ giấy phép
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

____________________

HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN:

(1) Tên cơ quan cấp phép: Ghi Bộ Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp tỉnh/Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này).

(2) Trình bày rõ lý do đề nghị trả lại giấy phép.

Mẫu 11

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

GIẤY PHÉP THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan cấp phép;

Căn cứ Nghị định số...... ngày..... tháng..... năm..... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ..................................................................................................................;

Xét Đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) ngày..... tháng...... năm..... và hồ sơ kèm theo;

Theo đề nghị của...................................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép), địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) thăm dò nước dưới đất theo đề án (tên đề án), với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục đích thăm dò:............................................................................................

2. Quy mô thăm dò:..............................................................................................

3. Vị trí công trình thăm dò (ghi rõ địa chỉ cụ thể hoặc thôn/ấp..., xã/phường..., huyện/quận..., tỉnh/thành phố...., nơi bố trí công trình thăm dò; trường hợp công trình thăm dò bố trí trong nhiều đơn vị hành chính thì ghi cụ thể các đơn vị hành chính nơi đặt các công trình thăm dò và tọa độ các điểm góc giới hạn phạm vi bố trí công trình thăm dò theo hệ tọa độ VN 2000, kinh tuyến trục, múi chiếu):.............

(có sơ đồ bố trí công trình thăm dò kèm theo)

4. Tầng chứa nước thăm dò:.................................................................................

5. Khối lượng các hạng mục thăm dò chủ yếu gồm:

(có bảng tổng hợp khối lượng thăm dò kèm theo)

6. Thời hạn của giấy phép là 02 năm.

Điều 2. Các yêu cầu cụ thể đối với (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép):

1. Tuân thủ các nội dung quy định tại Điều 1 của Giấy phép này;

2. Thực hiện việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định (đối với trường hợp công trình có quy mô từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên và không có yếu tố bí mật quốc gia);

3. Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định này;

4. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến thiết kế, thi công công trình thăm dò;

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương.

Điều 4. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày............. Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước khi giấy phép hết hạn, nếu (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) còn tiếp tục thăm dò nước dưới đất như quy định tại Điều 1 của Giấy phép này thì phải làm thủ tục gia hạn giấy phép theo quy định./.


Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố...;
- ........................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép; cơ quan trình cấp phép.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

Mẫu 12

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

GIẤY PHÉP THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(Gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan cấp phép;

Căn cứ Nghị định số...... ngày..... tháng..... năm..... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ..................................................................................................................;

Xét Đơn đề nghị (gia hạn/điều chỉnh/cấp lại) giấy phép thăm dò nước dưới đất của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) ngày..... tháng.... năm... và hồ sơ kèm theo;

Theo đề nghị của...................................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép), địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) thăm dò nước dưới đất theo đề án (tên đề án), với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục đích thăm dò:............................................................................................

2. Quy mô thăm dò:..............................................................................................

3. Vị trí công trình thăm dò (ghi rõ địa chỉ cụ thể hoặc thôn/ấp..., xã/phường..., huyện/quận..., tỉnh/thành phố...., nơi bố trí công trình thăm dò; trường hợp công trình thăm dò bố trí trong nhiều đơn vị hành chính thì ghi cụ thể các đơn vị hành chính nơi đặt các công trình thăm dò và tọa độ các điểm góc giới hạn phạm vi bố trí công trình thăm dò theo hệ tọa độ VN 2000, kinh tuyến trục, múi chiếu).

(có sơ đồ bố trí công trình thăm dò kèm theo)

4. Tầng chứa nước thăm dò:.................................................................................

5. Khối lượng các hạng mục thăm dò chủ yếu gồm:

(có bảng tổng hợp khối lượng thăm dò kèm theo).

6. Thời hạn của giấy phép là 01 năm (đối với trường hợp đề nghị gia hạn giấy phép)/giấy phép có hiệu lực đến........... (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép hoặc cấp lại giấy phép).

Điều 2. Các yêu cầu cụ thể đối với (tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép):

1. Tuân thủ các nội dung quy định tại Điều 1 của Giấy phép này;

2. Thực hiện việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định (đối với trường hợp công trình có quy mô từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên và không có yếu tố bí mật quốc gia);

3. Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định này;

4. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến thiết kế, thi công công trình thăm dò;

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương.

Điều 4. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày....... và thay thế Giấy phép thăm dò nước dưới đất số...., ngày... tháng.... năm do (tên cơ quan cấp phép) cấp. (Thủ trưởng tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép, thủ trưởng các đơn vị liên quan) căn cứ Quyết định thi hành./.

Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố...;
- ........................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép; cơ quan trình cấp phép.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

Mẫu 13

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số...... ngày.... tháng..... năm...... của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường)/Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày.... tháng.... năm....... (trường hợp cơ quan cấp phép là UBND cấp tỉnh);

Căn cứ Nghị định số...... ngày..... tháng..... năm...... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ..................................................................................................................;

Xét Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) ngày... tháng... năm... và hồ sơ kèm theo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (trường hợp cơ quan cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường)/Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan cấp phép là UBND cấp tỉnh).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức/cá nhân), địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) được khai thác nước dưới đất với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục đích khai thác, sử dụng nước:...................................................................

2. Vị trí công trình khai thác nước dưới đất (ghi rõ địa chỉ cụ thể hoặc thôn/ấp..... xã/phường.... huyện/quận.... tỉnh/thành phố....., nơi bố trí công trình khai thác nước dưới đất; trường hợp công trình khai thác bố trí trong nhiều đơn vị hành chính thì ghi cụ thể số lượng giếng khai thác trên từng đơn vị hành chính).

3. Tầng chứa nước khai thác (ghi rõ tầng chứa nước khai thác; trường hợp khai thác nước dưới đất trong nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ lưu lượng khai thác trong từng tầng chứa nước).

4. Tổng số giếng khai thác (ghi rõ số lượng giếng khai thác hoặc số hố đào/hành lang/mạch lộ/hang động; trường hợp khai thác nước dưới đất trong nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ số lượng giếng trong từng tầng chứa nước).

5. Tổng lưu lượng nước khai thác:...................(m3/ngày đêm); trường hợp khai thác nước dưới đất để cấp nước cho nhiều mục đích thì ghi rõ lưu lượng để cấp cho từng mục đích.

6. Thời hạn của giấy phép là...... năm.

7. Chế độ khai thác:.............. ngày/đêm.

8. Vị trí tọa độ, lưu lượng và các thông số của công trình cụ thể như sau:

Số hiệu

Tọa độ (VN2000, kinh tuyến trục...., múi chiếu...)

Lưu lượng (m3/ngày đêm)

Chiều sâu đặt ống lọc (m)

Chiều sâu mực nước động lớn nhất cho phép (m)

Tầng chứa nước khai thác

X

Y

Từ

Đến

(có sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước kèm theo)

Điều 2. Các yêu cầu cụ thể đối với (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép):

1. Tuân thủ các nội dung quy định tại Điều 1 của Giấy phép này; nếu thay đổi nội dung quy định tại Điều 1 phải được cơ quan cấp phép đồng ý bằng văn bản;

2. Thực hiện việc quan trắc mực nước, lưu lượng, chất lượng nước trong quá trình khai thác theo quy định;

3. Thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác theo quy định (nếu có);

4. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực cấp nước theo quy định;

5. Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước;

6. Hằng năm (trước ngày 30 tháng 01 của năm tiếp theo), tổng hợp báo cáo (tên cơ quan cấp phép) về tình hình khai thác, sử dụng nước và các vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác; các kết quả quan trắc theo quy định tại khoản 2 Điều này;

7. Các yêu cầu khác về bảo vệ tài nguyên nước, môi trường, phòng chống sụt lún mặt đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước liên quan đến việc khai thác nước dưới đất (nếu có);

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất của công trình này.

Điều 4. (Tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) được hưởng các quyền hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quyền lợi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày.................... Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước khi Giấy phép hết hạn, nếu (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) còn tiếp tục khai thác nước dưới đất như quy định tại Điều 1 của Giấy phép này thì phải làm thủ tục gia hạn giấy phép theo quy định./.

Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố...;
- Cục thuế tỉnh/thành phố.........;
- ...............................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép, cơ quan trình cấp phép...

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

Mẫu 14

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(Gia hạn/điều chỉnh/cấp lại lần....)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số....... ngày....... tháng...... năm....... của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường)/Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày.... tháng..... năm...... (trường hợp cơ quan cấp phép là UBND cấp tỉnh);

Căn cứ Nghị định số..... ngày... tháng.... năm...... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ.................................................................................................................;

Xét Đơn đề nghị (gia hạn/điều chỉnh/cấp lại) giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) ngày... tháng... năm.... và hồ sơ kèm theo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (trường hợp cơ quan cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường)/Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan cấp phép là UBND cấp tỉnh).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức/cá nhân), địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) được khai thác nước dưới đất với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục đích khai thác, sử dụng nước:...................................................................

2. Vị trí công trình khai thác nước dưới đất (ghi rõ địa chỉ cụ thể hoặc thôn/ấp..... xã/phường.... huyện/quận.... tỉnh/thành phố....., nơi bố trí công trình khai thác nước dưới đất; trường hợp công trình khai thác bố trí trong nhiều đơn vị hành chính thì ghi cụ thể số lượng giếng khai thác trên từng đơn vị hành chính).

3. Tầng chứa nước khai thác (ghi rõ tầng chứa nước khai thác; trường hợp khai thác nước dưới đất trong nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ lưu lượng khai thác trong từng tầng chứa nước).

4. Tổng số giếng khai thác (ghi rõ số lượng giếng khai thác hoặc số hố đào/hành lang/mạch lộ/hang động; trường hợp khai thác nước dưới đất trong nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ số lượng giếng trong từng tầng chứa nước).

5. Tổng lưu lượng nước khai thác:................... (m3/ngày đêm); trường hợp khai thác nước dưới đất để cấp nước cho nhiều mục đích thì ghi rõ lưu lượng để cấp cho từng mục đích.

6. Thời hạn của giấy phép là...... năm (đối với trường hợp đề nghị gia hạn giấy phép)/giấy phép có hiệu lực đến............ (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép).

7. Chế độ khai thác:........ ngày/năm.

8. Vị trí toạ độ, lưu lượng và các thông số của công trình cụ thể như sau:

Số hiệu

Tọa độ (VN2000, kinh tuyến trục...., múi chiếu..., )

Lưu lượng (m3/ngày đêm)

Chiều sâu đặt ống lọc (m)

Chiều sâu mực nước động lớn nhất cho phép (m)

Tầng chứa nước khai thác

X

Y

Từ

Đến

(có sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước kèm theo)

Điều 2. Các yêu cầu cụ thể đối với (tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép):

1. Tuân thủ các nội dung quy định tại Điều 1 của Giấy phép này; nếu thay đổi nội dung quy định tại Điều 1 phải được cơ quan cấp phép đồng ý bằng văn bản;

2. Thực hiện việc quan trắc mực nước, lưu lượng, chất lượng nước trong quá trình khai thác theo quy định;

3. Thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác theo quy định (nếu có);

4. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực cấp nước theo quy định;

5. Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước;

6. Hằng năm (trước ngày 30 tháng 01 của năm tiếp theo), tổng hợp báo cáo (tên cơ quan cấp phép) về tình hình khai thác, sử dụng nước và các vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác; các kết quả quan trắc theo quy định tại khoản 2 Điều này;

..............................................................................................................................

..............................................................................................................................

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất của công trình này.

Điều 4. (Tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) được hưởng các quyền hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và quyền lợi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày.......... và thay thế Giấy phép khai thác nước dưới đất số... ngày.... tháng... năm... do (tên cơ quan cấp phép) cấp. Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước khi giấy phép hết hạn, nếu (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) còn tiếp tục khai thác nước dưới đất như quy định tại Điều 1 của Giấy phép này thì phải làm thủ tục gia hạn giấy phép theo quy định./.

Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố....;
- Cục thuế tỉnh/thành phố........;
- ...............................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép, cơ quan trình cấp phép.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

Mẫu 15

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số...... ngày.... tháng.... năm..... của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường)/Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày.... tháng.... năm.... (trường hợp cơ quan cấp phép là UBND cấp tỉnh);

Căn cứ Nghị định số...... ngày..... tháng.... năm....... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ............................................................................................................ (1);

Xét Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) ngày..... tháng..... năm...... và hồ sơ kèm theo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (trường hợp cơ quan cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường)/Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan cấp phép là UBND cấp tỉnh).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép), địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) khai thác, sử dụng nước mặt với các nội dung sau:

1. Tên công trình:..................................................................................................

2. Mục đích khai thác, sử dụng nước:............................................................. (2)

3. Nguồn nước khai thác sử dụng:................................................................... (3)

4. Vị trí các hạng mục chính của công trình khai thác, sử dụng nước:........... (4)

5. Chế độ khai thác:......................................................................................... (5)

6. Lượng nước khai thác, sử dụng:.................................................................. (6)

7. Phương thức khai thác, sử dụng:................................................................. (7)

8. Thời hạn của giấy phép là........ năm.

Điều 2. Các yêu cầu đối với (tên tổ chức, cá nhân được cấp phép):.............. (8)

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt của công trình này.

Điều 4. (tên tổ chức, cá nhân được cấp phép) được hưởng các quyền hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày.......... Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước khi giấy phép hết hạn, nếu (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) còn tiếp tục khai thác, sử dụng nước mặt với các nội dung quy định tại Điều 1 của Giấy phép này thì phải làm thủ tục gia hạn Giấy phép theo quy định./.

Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố...;
- Cục thuế tỉnh/thành phố.........;
- ...............................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép, cơ quan trình cấp phép.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

____________________

(1) Ghi các căn cứ khác liên quan (nếu có).

(2) Nêu rõ mục đích khai thác, sử dụng nước; trường hợp công trình sử dụng nước đa mục tiêu thì ghi rõ từng mục đích sử dụng (cấp nước tưới, sinh hoạt, công nghiệp, phát điện, nuôi trồng thủy sản....) và ghi rõ nhiệm vụ cấp nước trực tiếp/tạo nguồn.

(3) Ghi tên sông/suối/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; nêu rõ sông/suối là phụ lưu, phân lưu, thuộc hệ thống sông...

(4) Ghi rõ tên địa danh (thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh/thành phố) nơi xây dựng công trình; tọa độ cửa lấy nước (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30). Đối với công trình thủy điện ghi tọa độ tim tuyến đập, cửa lấy nước, nhà máy, cửa xả nước.

(5) Ghi rõ số giờ lấy nước trung bình trong ngày, số ngày lấy nước trung bình theo tháng/ mùa vụ/năm.

(6) Ghi rõ lượng nước khai thác sử dụng lớn nhất cho từng mục đích sử dụng theo từng thời kỳ trong ngày/tháng/mùa vụ/năm và tổng lượng nước sử dụng trong năm, cần ghi rõ lượng nước khai thác và lượng nước để tạo nguồn (nếu có). Trong đó:

- Lượng nước khai thác sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tính bằng m3/s.

- Lượng nước qua nhà máy thủy điện tính bằng m3/s; công suất lắp máy tính bằng MW.

- Lượng nước khai thác, sử dụng cho các mục đích khác tính bằng m3/ngày đêm.

(7) Ghi rõ cách thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước về nơi sử dụng bằng các hạng mục công trình và quy trình vận hành công trình.

(8) Các yêu cầu cụ thể đối với từng trường hợp khai thác, sử dụng nước do cơ quan cấp phép quy định (yêu cầu về: bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu sau công trình, lắp đặt thiết bị, đo đạc, giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước; chất lượng nguồn nước khai thác; nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; chế độ báo cáo; biện pháp giảm thiểu tác động của công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước khác có liên quan; các yêu cầu khác nếu có).

Mẫu 16

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

(Gia hạn/điều chỉnh/cấp lại lần....)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số....... ngày.... tháng..... năm...... của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường)/Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày.... tháng..... năm..... (trường hợp cơ quan cấp phép là UBND cấp tỉnh);

Căn cứ Nghị định số....... ngày..... tháng....năm........ của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ............................................................................................................ (1);

Xét Đơn đề nghị (gia hạn/điều chỉnh/cấp lại) giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị) ngày... tháng... năm... và hồ sơ kèm theo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (trường hợp cơ quan cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường)/Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (trường hợp cơ quan cấp phép là UBND cấp tỉnh).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép), địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) khai thác, sử dụng nước mặt với các nội dung sau:

1. Tên công trình...................................................................................................

2. Mục đích khai thác, sử dụng nước:............................................................. (2)

3. Nguồn nước khai thác sử dụng:................................................................... (3)

4. Vị trí các hạng mục chính của công trình khai thác, sử dụng nước:........... (4)

5. Chế độ khai thác:......................................................................................... (5)

6. Lượng nước khai thác, sử dụng:.................................................................. (6)

7. Phương thức khai thác, sử dụng nước:........................................................ (7)

8. Thời hạn của giấy phép là...... năm (đối với trường hợp đề nghị gia hạn giấy phép)/giấy phép có hiệu lực đến............ (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép).

Điều 2. Các yêu cầu đối với (tên tổ chức, cá nhân được cấp phép)............... (8)

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt của công trình này.

Điều 4. (Tên tổ chức, cá nhân được cấp phép) được hưởng các quyền hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày............... và thay thế Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt số.... ngày... tháng.... năm do (tên cơ quan cấp phép) cấp. Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước khi giấy phép hết hạn, nếu (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) còn tiếp tục khai thác, sử dụng nước mặt như quy định tại Điều 1 của Giấy phép này thì phải làm thủ tục gia hạn giấy phép theo quy định./.

Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố...;
- Cục thuế tỉnh/thành phố.........;
- ...............................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép, cơ quan trình cấp phép.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

___________________

(1) Ghi các căn cứ khác liên quan (nếu có).

(2) Nêu rõ mục đích khai thác, sử dụng nước; trường hợp công trình sử dụng nước đa mục tiêu thì ghi rõ từng mục đích sử dụng (cấp nước tưới, sinh hoạt, công nghiệp, phát điện, nuôi trồng thủy sản....) và ghi rõ nhiệm vụ cấp nước trực tiếp/tạo nguồn.

(3) Ghi tên sông/suối/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; nêu rõ sông/suối là phụ lưu, phân lưu, thuộc hệ thống sông...

(4) Ghi rõ tên địa danh (thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh/thành phố) nơi xây dựng công trình; tọa độ của điểm lấy nước (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30). Đối với công trình thủy điện ghi tọa độ tim tuyến đập, cửa lấy nước, nhà máy, điểm xả nước.

(5) Ghi số giờ lấy nước trung bình trong ngày, số ngày lấy nước trung bình theo tháng/mùa vụ/năm.

(6) Ghi lượng nước khai thác, sử dụng lớn nhất cho từng mục đích sử dụng theo từng thời kỳ trong ngày/tháng/mùa vụ/năm và tổng lượng nước sử dụng trong năm. Trong đó:

- Lượng nước khai thác sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tính bằng m3/s;

- Lượng nước qua nhà máy thủy điện tính bằng m3/s; công suất lắp máy tính bằng MW.

- Lượng nước khai thác, sử dụng cho các mục đích khác tính bằng m3/ngày đêm.

(7) Ghi rõ cách thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước về nơi sử dụng bằng các hạng mục công trình và quy trình vận hành công trình.

(8) Các yêu cầu cụ thể theo giấy phép đã được cấp và đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp trong thời gian hiệu lực của giấy phép (yêu cầu về: chất lượng nguồn nước khai thác, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu sau công trình, lắp đặt thiết bị, đo đạc, giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước; nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, chế độ báo cáo; biện pháp giảm thiểu tác động của công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước khác có liên quan; các yêu cầu khác nếu có).

Mẫu 17

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan cấp phép;

Căn cứ Nghị định số...... ngày..... tháng..... năm..... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ..................................................................................................................;

Xét Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) ngày..... tháng..... năm..... và hồ sơ kèm theo;

Theo đề nghị của...................................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép), địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) khai thác, sử dụng nước biển với các nội dung sau:

1. Tên công trình:..................................................................................................

2. Mục đích khai thác, sử dụng:...................................................................... (2)

3. Vị trí các hạng mục chính của công trình khai thác, sử dụng:.................... (3)

4. Lượng nước khai thác, sử dụng:.................................................................. (4)

5. Chế độ khai thác:......................................................................................... (5)

6. Phương thức khai thác, sử dụng:................................................................. (6)

7. Thời hạn của giấy phép là........ năm.:...............................................................

Điều 2. Các yêu cầu đối với (tên tổ chức, cá nhân được cấp phép).............. (7)

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước biển của công trình này.

Điều 4. (Tên tổ chức, cá nhân được cấp phép) được hưởng các quyền hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày.......................... Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước khi Giấy phép hết hạn, nếu (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) còn tiếp tục khai thác, sử dụng nước biển với các nội dung quy định tại Điều 1 của Giấy phép này thì phải làm thủ tục gia hạn Giấy phép theo quy định./.

Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố...;
- Cục thuế tỉnh/thành phố...;
- ........................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép; cơ quan trình cấp phép.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

___________________

(1) Ghi các căn cứ khác liên quan (nếu có).

(2) Nêu rõ các mục đích khai thác, sử dụng nước biển.

(3) Ghi rõ tên địa danh (thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh/thành phố) nơi xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước biển; tọa độ (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30) cửa lấy nước ngoài biển, vị trí xả nước vào nguồn tiếp nhận.

(4) Lưu lượng khai thác nước lớn nhất (m3/s), lượng nước khai thác lớn nhất theo ngày (m3/ngày đêm) và theo năm (m3/năm).

(5) Ghi số giờ lấy nước trung bình trong ngày, số ngày lấy nước trung bình theo tháng/mùa vụ/năm.

(6) Ghi cách thức lấy nước, dẫn nước biển về nơi sử dụng bằng các hạng mục công trình và quy trình vận hành công trình.

(7) Các yêu cầu cụ thể đối với từng trường hợp khai thác, sử dụng nước do cơ quan cấp phép quy định (yêu cầu về: chất lượng nguồn nước khai thác, lắp đặt thiết bị, đo đạc, giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước, xả nước; chế độ báo cáo; biện pháp giảm thiểu tác động của công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước khác có liên quan, các yêu cầu khác nếu có).

Mẫu 18

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

(Gia hạn/điều chỉnh/cấp lại lần....)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan cấp phép;

Căn cứ Nghị định số...... ngày..... tháng..... năm..... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ..................................................................................................................;

Xét Đơn đề nghị (gia hạn/điều chỉnh/cấp lại) giấy phép khai thác, sử dụng nước biển của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép) ngày... tháng... năm... và hồ sơ kèm theo;

Theo đề nghị của..................................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép), địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) khai thác, sử dụng nước biển với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên công trình:..................................................................................................

2. Mục đích khai thác, sử dụng nước biển:..................................................... (2)

3. Vị trí các hạng mục chính của công trình khai thác, sử dụng:.................... (3)

4. Lượng nước khai thác, sử dụng:.................................................................. (4)

5. Chế độ khai thác:......................................................................................... (5)

6. Phương thức khai thác, sử dụng:................................................................. (6)

7. Thời hạn của giấy phép là...... năm (đối với trường hợp đề nghị gia hạn giấy phép)/giấy phép có hiệu lực đến............ (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép).

Điều 2. Các yêu cầu đối với (tên tổ chức, cá nhân được cấp phép)................ (7)

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt của công trình này.

Điều 4. (tên tổ chức, cá nhân được cấp phép) được hưởng các quyền hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước và các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Giấy phép này có hiệu lực từ ngày.............. và thay thế Giấy phép khai thác nước biển số... ngày.... tháng... năm... do (tên cơ quan cấp phép) cấp. Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước khi giấy phép hết hạn, nếu (tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) còn tiếp tục khai thác, sử dụng nước biển như quy định tại Điều 1 của Giấy phép này thì phải làm thủ tục gia hạn giấy phép theo quy định./.

Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố...;
- Cục thuế tỉnh/thành phố...;
- ........................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép; cơ quan trình cấp phép.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

___________________

(1) Ghi các căn cứ khác liên quan (nếu có).

(2) Nêu rõ các mục đích khai thác, sử dụng nước biển.

(3) Ghi rõ tên địa danh (thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh/thành phố) nơi xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước biển; tọa độ (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30) cửa lấy nước ngoài biển, vị trí xả nước vào nguồn tiếp nhận.

(4) Lưu lượng khai thác nước lớn nhất (m3/s), lượng nước khai thác lớn nhất theo ngày (m3/ngày đêm) và theo năm (m3/năm).

(5) Ghi số giờ lấy nước trung bình trong ngày, số ngày lấy nước trung bình theo tháng/mùa vụ/năm.

(6) Ghi cách thức lấy nước, dẫn nước biển về nơi sử dụng bằng các hạng mục công trình và quy trình vận hành công trình.

(7) Các yêu cầu cụ thể đối với từng trường hợp khai thác, sử dụng nước do cơ quan cấp phép quy định (yêu cầu về: chất lượng nguồn nước khai thác, lắp đặt thiết bị, đo đạc, giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước, xả nước; chế độ báo cáo; biện pháp giảm thiểu tác động của công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước khác có liên quan, các yêu cầu khác nếu có).

Mẫu 19

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

........., ngày...... tháng....... năm....

QUYẾT ĐỊNH

Về việc chấp thuận đề nghị trả lại Giấy phép tài nguyên nước

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan cấp phép;

Căn cứ Nghị định số...... ngày..... tháng..... năm..... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ.............................................................................................................(1);

Xét Đơn đề nghị trả lại Giấy phép...(2) số:.... ngày.... tháng.... năm do (tên của cơ quan cấp phép cấp phép) của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị trả lại giấy phép);

Theo đề nghị của...................................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chấp thuận đề nghị của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị trả lại giấy phép) có địa chỉ tại (đối với tổ chức ghi địa chỉ trụ sở chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập; đối với cá nhân ghi theo địa chỉ hộ khẩu thường trú) trả lại Giấy phép.....(2) số.... ngày... tháng... năm... do (tên của cơ quan cấp phép cấp phép) đối với (tên công trình) với nội dung cụ thể như sau:

1. Lý do trả lại giấy phép:............................................................................... (3)

2. Giấy phép.... (2) số.... ngày... tháng... năm... hết hiệu lực kể từ ngày... tháng... năm... và mọi quyền lợi của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị trả lại giấy phép) liên quan đến Giấy phép nêu trên đều chấm dứt.

Điều 2. Các yêu cầu đối với (tên tổ chức/cá nhân đề nghị trả lại giấy phép):..................................................................................................................... (4)

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên nước/Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép này vào cơ sở dữ liệu thông tin giấy phép tài nguyên dùng chung của trung ương và địa phương.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:
- (Tên chủ giấy phép);
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Sở TN&MT tỉnh/thành phố...;
- Cục thuế tỉnh/thành phố.........;
- ...............................................;
- Lưu: VT, hồ sơ cấp phép, cơ quan trình cấp phép.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

___________________

(1) Ghi các căn cứ khác liên quan (nếu có).

(2) Ghi rõ tên loại giấy phép (giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt, nước biển).

(3) Trình bày rõ lý do trả lại giấy phép.

(4) Các yêu cầu cụ thể đối với từng trường hợp khai thác, sử dụng nước do cơ quan cấp phép quy định (yêu cầu về: hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trám lấp giếng...).

Mẫu 20

TÊN CƠ QUAN
XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /

...., ngày...... tháng.... năm.......

GIẤY XÁC NHẬN

ĐĂNG KÝ KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT/NƯỚC BIỂN

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày.... tháng.... năm....;

Căn cứ Nghị định số...... ngày..... tháng.... năm....... của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước;

Xét Tờ khai đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt/nước biển của (Tên tổ chức, cá nhân đăng ký) ngày..... tháng..... năm......;

(TÊN CƠ QUAN XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ)
XÁC NHẬN

1. (Tên tổ chức, cá nhân đăng ký) đã đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt/nước biển cho (1) ngày... tháng... năm... với các nội dung như sau:

a. Vị trí công trình:.....................................................................................................(2)

b. Nguồn nước khai thác:...........................................................................................(3)

c. Mục đích khai thác, sử dụng:.................................................................................(4)

d. Lưu lượng khai thác:..............................................................................................(5)

đ. Phương thức khai thác, sử dụng nước:...................................................................(6)

e. Chế độ khai thác, sử dụng nước:............................................................................(7)

2. Các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân đăng ký.................................................. (8)

........................................................................................................................................

........................................................................................................................................

3. Cơ quan xác nhận đăng ký có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy xác nhận đăng ký này vào cơ sở dữ liệu thông tin, dữ liệu dùng chung của trung ương và địa phương; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt/nước biển của công trình này.

Nơi nhận:
- Tên tổ chức, cá nhân đăng ký;
- Cục Quản lý tài nguyên nước;
- Lưu: VT, hồ sơ đăng ký, cơ quan trình xác nhận đăng ký.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

___________________

(1) Tên công trình khai thác, sử dụng nước mặt/nước biển.

(2) Ghi rõ tên địa danh (thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh/thành phố) nơi xây dựng công trình; tọa độ các hạng mục chính công trình (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30).

(3) Ghi tên sông/suối/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; nêu rõ sông/suối là phụ lưu, phân lưu, thuộc hệ thống sông...

(4) Nêu rõ mục đích khai thác, sử dụng nước; trường hợp công trình sử dụng nước đa mục tiêu thì ghi rõ từng mục đích sử dụng (cấp nước tưới, sinh hoạt, công nghiệp, phát điện, nuôi trồng thủy sản....) và ghi rõ nhiệm vụ cấp nước trực tiếp/tạo nguồn.

(5) Ghi rõ lượng nước khai thác và lượng nước để tạo nguồn (nếu có).

(6) Ghi rõ cách thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước về nơi sử dụng bằng các hạng mục công trình và quy trình vận hành công trình.

(7) Ghi rõ chế độ điều tiết (đối với hồ chứa), số giờ lấy nước trung bình trong ngày, số ngày lấy nước trung bình theo tháng/mùa vụ/năm.

(8) Nêu rõ các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân đăng ký, cụ thể như:

- Thực hiện vận hành công trình khai thác, sử dụng nước theo đúng cam kết; Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

- Có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Trường hợp có nhu cầu khai thác có quy mô thuộc trường hợp phải có cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thì phải thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định của Nghị định này.

- Các yêu cầu khác trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước (nếu có).

Mẫu 21

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

ĐỀ ÁN

THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

......................(1)

(Đối với công trình thăm dò có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP ĐỀ ÁN
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên công trình thăm dò, vị trí và quy mô thăm dò

HƯỚNG DẪN

NỘI DUNG ĐỀ ÁN THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(Đối với công trình thăm dò có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, nơi cấp, ngày cấp theo Chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Luận chứng, thuyết minh nhu cầu sử dụng nước, mục đích thăm dò, trường hợp thăm dò nước dưới đất để cấp nước cho nhiều mục đích thì phải luận chứng rõ lưu lượng cấp cho từng mục đích sử dụng.

3. Khái quát các nội dung cơ bản của đề án, bao gồm các nội dung chủ yếu về điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội, các đặc điểm cơ bản của nguồn nước dưới đất, hiện trạng khai thác nước dưới đất và các nguồn thải khu vực thăm dò; về đối tượng và phạm vi thăm dò, nội dung, phương pháp, khối lượng thăm dò, tiến độ thực hiện và dự toán kinh phí thăm dò.

4. Đánh giá sự phù hợp của việc thăm dò nước dưới đất với các quy hoạch tài nguyên nước, các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quy định có liên quan đến việc thăm dò nước dưới đất của tổ chức/cá nhân.

5. Thống kê các tài liệu sử dụng làm căn cứ lập đề án thăm dò nước dưới đất gồm: các quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch cấp nước có liên quan; các báo cáo, tài liệu điều tra, đánh giá, quan trắc dưới đất đã thực hiện tại khu vực thăm dò; các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan.

6. Trình bày đầy đủ các thông tin về năng lực của tổ chức, cá nhân lập đề án thăm dò nước dưới đất và đánh giá việc đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Chương I

ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT KHU VỰC THĂM DÒ

I. Đặc điểm điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội khu vực thăm dò:

1. Vị trí hành chính, tọa độ các điểm góc (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu) giới hạn phạm vi bố trí công trình thăm dò nước dưới đất, kèm theo hình vẽ thể hiện vị trí khu vực thăm dò và mối liên kết với các khu vực lân cận.

2. Đặc điểm địa hình, địa mạo, mạng lưới sông suối, khí tượng, thủy văn, hải văn khu vực thăm dò.

3. Đặc điểm phân bố dân cư, kinh tế - xã hội.

4. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại khu vực thăm dò.

5. Đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố này tới việc hình thành nguồn nước dưới đất. Xác định rõ những số liệu, thông tin đã có và những số liệu, thông tin cần phải tiếp tục thực hiện trong quá trình thăm dò.

II. Đặc điểm nguồn nước dưới đất khu vực thăm dò:

1. Tình hình điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất khu vực thăm dò:

2. Đặc điểm của nguồn nước dưới đất tại khu vực thăm dò với các nội dung chủ yếu sau:

a) Đặc điểm của các tầng chứa nước

Mô tả đặc điểm các tầng chứa nước trong khu vực thăm dò, gồm các thông tin, số liệu về phạm vi, chiều sâu phân bố, chiều dày, thành phần đất đá, đặc tính thấm nước, chứa nước, động thái, chiều sâu mực nước của từng tầng chứa nước.

Riêng đối với công trình thăm dò có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên cần phải mô tả các đặc điểm nguồn cấp, miền cấp, miền thoát, hướng dòng chảy của nước dưới đất; biên và điều kiện biên của các tầng chứa nước; quan hệ của nước dưới đất với nước mặt, với các yếu tố khí tượng, thủy văn, hải văn, quan hệ thủy lực giữa các tầng chứa nước tại khu vực thăm dò; đánh giá sơ bộ trữ lượng, chất lượng nước và khả năng khai thác của các tầng chứa nước trong khu vực thăm dò. Trường hợp khu vực thăm dò chưa có đủ thông tin, số liệu về các nội dung nêu trên thì trong đề án thăm dò cần phải bố trí hạng mục công việc để làm rõ.

b) Đặc điểm của các tầng cách nước

Mô tả đặc điểm các lớp thấm nước yếu, cách nước trong khu vực thăm dò, gồm các thông tin, số liệu về phạm vi phân bố theo diện tích và chiều sâu; chiều sâu phân bố, chiều dày, thành phần đất đá, tính chất thấm nước và cách nước.

c) Đặc điểm chất lượng nước

Mô tả đặc điểm, đặc trưng về chất lượng nước dưới đất khu vực thăm dò, tình hình ô nhiễm, xâm nhập mặn của các tầng chứa nước.

d) Bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn

Riêng đối với công trình thăm dò có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên cần phải mô tả, thuyết minh các nội dung chủ yếu của bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn, các mặt cắt kèm theo nhằm làm rõ các đặc điểm về địa chất thủy văn của khu vực thăm dò và các khu vực có liên quan.

đ) Phạm vi ảnh hưởng của công trình

Luận chứng, thuyết minh để làm rõ phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình khai thác nước dưới đất dự kiến và khoanh định trên bản đồ hoặc sơ đồ.

3. Xác định những vấn đề, nội dung thông tin, số liệu về đặc điểm nguồn nước dưới đất khu vực thăm dò cần phải được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để làm rõ trong quá trình thực hiện việc thăm dò.

Chương II

HIỆN TRẠNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ CÁC NGUỒN THẢI KHU VỰC THĂM DÒ

I. Các nội dung, thông tin, số liệu về hiện trạng khai thác nước dưới đất và các nguồn thải khu vực thăm dò, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Hiện trạng khai thác nước dưới đất khu vực thăm dò

a) Hiện trạng khai thác nước dưới đất trong phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình thăm dò.

Thống kê, tổng hợp các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất hiện có trong phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình theo bảng tổng hợp sau:

TT

Tên công trình/số hiệu giếng

Vị trí

Chiều sâu giếng (m)

Lưu lượng (m3/ngày đêm)

Mực nước động lớn nhất (m)

Tầng chứa nước khai thác

Khoảng cách đến khu vực thăm dò (m)

Tình trạng cấp phép (số giấy phép cấp... nếu có)

I

Tên công trình

1

Số hiệu giếng...

2

Số hiệu giếng...

...

II

...

Tổng

b) Hiện trạng khai thác nước dưới đất ngoài phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình thăm dò (thuộc phạm vi thăm dò dự kiến).

Trình bày tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất, gồm các thông tin chủ yếu về loại hình công trình khai thác, vị trí, chiều sâu, khoảng cách đến công trình thăm dò, lưu lượng, mực nước, chế độ khai thác, mục đích khai thác, sử dụng nước của các công trình khai thác để cấp nước tập trung; tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất của các công trình đó.

Tổng hợp số lượng, lưu lượng, các thông số đặc trưng của các công trình khai thác nhỏ lẻ, phân tán quy mô hộ gia đình.

c) Trường hợp đối với công trình thăm dò có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên thì phải đánh giá hiện trạng, diễn biến mực nước, tình hình ô nhiễm, xâm nhập mặn (nếu có) và quy mô, mức độ ảnh hưởng đến các công trình khai thác hiện có trong phạm vi khu vực thăm dò.

2. Hiện trạng các nguồn thải trong khu vực thăm dò

a) Thống kê, tổng hợp các nguồn thải chủ yếu (bãi rác, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang, kho chứa hóa chất, các nguồn nước mặt bị ô nhiễm) trong phạm vi thăm dò, gồm các thông tin về vị trí, quy mô, tính chất ô nhiễmkhoảng cách đến công trình khai thác nước dưới đất dự kiến;

b) Trường hợp đối với công trình thăm dò có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên thì phải phân tích, đánh giá nguy cơ, mức độ ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm hiện có đến chất lượng nước của công trình khai thác dự kiến.

II. Xác định rõ những số liệu, thông tin hiện có về hiện trạng khai thác nước dưới đất, hiện trạng các nguồn thải trong khu vực và những số liệu, thông tin cần phải tiếp tục thực hiện trong quá trình thăm dò.

Chương III

MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

I. Trình bày việc lựa chọn đối tượng, phạm vi thăm dò, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu thăm dò

Phân tích, luận chứng việc lựa chọn mục tiêu thăm dò, các yêu cầu đặt ra và đánh giá tính khả thi để đạt được mục tiêu đó.

2. Lựa chọn đối tượng thăm dò

a) Phân tích thông tin, số liệu về trữ lượng, chất lượng nước, hiện trạng mực nước, khả năng khai thác của các tầng chứa nước trong khu vực thăm dò và luận chứng việc lựa chọn tầng chứa nước, chiều sâu thăm dò nhằm đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu nêu trên. Trường hợp lựa chọn nhiều tầng chứa nước thì phải thuyết minh luận chứng cụ thể các nội dung nêu trên đối với từng tầng chứa nước.

b) Phân tích, tính toán và luận chứng, thuyết minh lựa chọn các phương án dự kiến bố trí công trình khai thác nước dưới đất (sơ đồ bố trí công trình khai thác), bao gồm số lượng, chiều sâu, lưu lượng khai thác dự kiến của từng công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác).

3. Lựa chọn sơ đồ bố trí công trình và tính toán dự báo hạ thấp mực nước

a) Thuyết minh, mô tả các sơ đồ bố trí công trình khai thác dự kiến và đánh giá, lựa chọn sơ đồ bố trí công trình khai thác; tính toán, xác định vùng ảnh hưởng của công trình khai thác dự kiến theo sơ đồ bố trí công trình khai thác lựa chọn.

b) Tính toán dự báo hạ thấp mực nước theo sơ đồ bố trí công trình lựa chọn, bao gồm việc tính toán ảnh hưởng của công trình đến các công trình khai thác nước dưới đất hiện có nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình và ngược lại; tính toán dự báo xâm nhập mặn (nếu có).

c) Phân tích, đánh giá tính hợp lý, khả thi của sơ đồ bố trí công trình khai thác và xác định các yêu cầu cụ thể phải đạt được trong quá trình thăm dò.

d) Luận chứng, thuyết minh việc xác định phạm vi thăm dò nước dưới đất gồm giới hạn về diện tích, chiều sâu thăm dò.

II. Nhận xét, đánh giá và luận chứng xác định các hạng mục thăm dò chủ yếu cần phải tiến hành để đạt được mục tiêu thăm dò, bao gồm các giếng thăm dò, các tuyến đo địa vật lý, các điểm quan trắc, các tuyến điều tra, khảo sát...

Chương IV

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, KHỐI LƯỢNG THĂM DÒ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

I. Nội dung, phương pháp, khối lượng thăm dò

1. Lập sơ đồ bố trí công trình thăm dò, bao gồm các tuyến, các điểm cụ thể để bố trí từng hạng mục thăm dò gồm khoan, bơm hút nước thí nghiệm, đo địa vật lý, quan trắc, điều tra, khảo sát hiện trạng và các hạng mục thăm dò khác đã được xác định ở trên. Sơ đồ bố trí công trình thăm dò phải có tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn, bao trùm phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình.

2. Mô tả sơ đồ bố trí công trình thăm dò (mô tả rõ sơ đồ bố trí các giếng thăm dò, các tuyến đo địa vật lý, các điểm quan trắc, các tuyến điều tra...).

3. Xác định mục đích, nội dung, khối lượng đối với từng hạng mục công tác thăm dò nước dưới đất.

4. Trình bày phương pháp, trình tự, thời gian thực hiện và yêu cầu kỹ thuật đối với từng hạng mục thăm dò.

5. Xác định các lỗ khoan không sử dụng và thuyết minh phương án trám, lấp đối với các lỗ khoan không sử dụng sau khi hoàn thành công tác thăm dò.

6. Trường hợp công trình thăm dò có quy mô từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên, trong vùng có điều kiện địa chất thủy văn phức tạp hoặc vùng có nhiều công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động thì phải có các hạng mục công tác để bảo đảm đánh giá trữ lượng bằng phương pháp mô hình.

II. Lập bảng tổng hợp nội dung, khối lượng các hạng mục thăm dò chủ yếu và bảng kế hoạch, tiến độ thực hiện các hạng mục thăm dò.

Chương V

DỰ TOÁN KINH PHÍ THĂM DÒ

1. Trình bày tổng kinh phí thăm dò.

2. Lập bảng tổng hợp khối lượng hạng mục thăm dò và dự toán kinh phí.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phụ lục kèm theo Đề án:

1. Bản đồ (hoặc Sơ đồ) Địa chất thủy văn tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn, kèm theo các mặt cắt.

2. Sơ đồ bố trí công trình thăm dò tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn.

3. Bản vẽ thiết kế công trình thăm dò (giếng khoan, giếng đào...).

4. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan tới việc thăm dò, khai thác nước dưới đất (nếu có).

Mẫu 22

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

THIẾT KẾ

GIẾNG THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

....................(1)

(Đối với công trình thăm dò có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên công trình, vị trí và lưu lượng thiết kế

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG

HỒ SƠ THIẾT KẾ GIẾNG THĂM DÒ NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(Đối với công trình thăm dò có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, nơi cấp, ngày cấp theo Chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Thuyết minh nhu cầu sử dụng nước, mục đích thăm dò, trường hợp thăm dò nước dưới đất để cấp nước cho nhiều mục đích thì phải thuyết minh rõ lưu lượng cấp cho từng mục đích sử dụng.

3. Khái quát các nội dung cơ bản của hồ sơ thiết kế giếng, bao gồm các nội dung chủ yếu về hiện trạng khai thác nước dưới đất và các nguồn thải khu vực thăm dò; về đặc điểm tầng chứa nước thăm dò; về nội dung, phương pháp, khối lượng, thời gian và tiến độ thực hiện thăm dò nước dưới đất.

4. Đánh giá sự phù hợp của việc thăm dò nước dưới đất với các quy hoạch tài nguyên nước, các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quy định có liên quan đến việc thăm dò nước dưới đất của tổ chức/cá nhân.

5. Thống kê các tài liệu làm căn cứ lập hồ sơ thiết kế giếng thăm dò nước dưới đất: các quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch cấp nước có liên quan; các báo cáo, tài liệu điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất đã thực hiện tại khu vực thăm dò; các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan.

6. Trình bày đầy đủ các thông tin về năng lực của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ thiết kế giếng thăm dò nước dưới đất và đánh giá việc đáp ứng các điều kiện theo quy định.

I. Đặc điểm nguồn nước dưới đất, hiện trạng khai thác nước dưới đất và các nguồn thải khu vực thăm dò

1. Vị trí hành chính, tọa độ các điểm góc (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu) giới hạn phạm vi bố trí giếng thăm dò nước dưới đất, kèm theo hình vẽ thể hiện vị trí khu vực thăm dò và mối liên kết với các khu vực lân cận.

2. Trình bày tổng quan kết quả điều tra, nghiên cứu, đánh giá, quan trắc nước dưới đất đã được thực hiện và đặc điểm nguồn nước dưới đất khu vực thăm dò; hiện trạng khai thác nước dưới đất và các nguồn thải có liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước dưới đất tại khu vực thăm dò theo các tài liệu đã có.

3. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất nêu trên tiến hành mô tả đặc điểm của tầng chứa nước dự kiến thăm dò gồm các thông tin, số liệu chủ yếu về phạm vi, chiều sâu phân bố, chiều dày, thành phần đất đá, đặc tính thấm nước, chứa nước, động thái, chiều sâu mực nước.

4. Trình bày cụ thể các nội dung, thông tin, số liệu về hiện trạng khai thác nước dưới đất và các nguồn thải khu vực thăm dò, với các nội dung chủ yếu sau:

a) Hiện trạng khai thác nước dưới đất trong vùng phạm vi bán kính 200m xung quanh giếng thăm dò.

Thống kê, tổng hợp các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất hiện có trong phạm vi bán kính 200m xung quanh giếng thăm dò, gồm các thông tin chủ yếu: tên chủ công trình, vị trí, chiều sâu, khoảng cách đến giếng thăm dò; lưu lượng, mực nước, chế độ khai thác; mục đích khai thác, sử dụng của từng công trình; tổng số công trình, tổng lưu lượng khai thác của các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất trên phạm vi toàn vùng.

b) Hiện trạng khai thác nước dưới đất ngoài phạm vi bán kính 200m xung quanh giếng thăm dò (thuộc phạm vi thăm dò dự kiến)

Trình bày khái quát tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất, gồm các thông tin chủ yếu về loại hình công trình khai thác, vị trí, chiều sâu, khoảng cách đến giếng thăm dò, lưu lượng, mực nước, chế độ khai thác, mục đích khai thác, sử dụng nước của các công trình khai thác để cấp nước tập trung; tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất của các công trình đó.

c) Thống kê, tổng hợp các nguồn thải chủ yếu (bãi rác, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang, kho chứa hóa chất, các nguồn nước mặt bị ô nhiễm) trong phạm vi thăm dò, gồm các thông tin chủ yếu về vị trí, quy mô, tính chất ô nhiễm và khoảng cách đến các giếng khai thác dự kiến.

5. Xác định rõ những số liệu, thông tin đã có về đặc điểm nguồn nước dưới đất, hiện trạng khai thác nước dưới đất, hiện trạng các nguồn thải trong khu vực thăm dò và những số liệu, thông tin cần phải tiếp tục thực hiện trong quá trình thăm dò.

II. Nội dung, phương pháp và khối lượng thăm dò nước dưới đất

1. Trình bày mục tiêu thăm dò, các yêu cầu đặt ra và đánh giá tính khả thi để đạt được mục tiêu đó.

2. Phân tích, thuyết minh, lựa chọn phương án dự kiến bố trí giếng khai thác (sơ đồ bố trí giếng khai thác) bao gồm số lượng, vị trí, chiều sâu, lưu lượng khai thác dự kiến của từng giếng và khoảng cách giữa chúng.

3. Nội dung, phương pháp, khối lượng thăm dò.

a) Thuyết minh, mô tả thiết kế từng giếng thăm dò, gồm các thông tin về chiều sâu, đường kính giếng, các đoạn ống chống, ống lọc, ống lắng; các đoạn chèn, trám và vật liệu sử dụng để chèn, trám xung quanh thành giếng khoan;

b) Thuyết minh, mô tả thiết kế công tác bơm thổi rửa giếng, bơm thí nghiệm tại từng giếng thăm dò, gồm các thông tin về trình tự thực hiện, lưu lượng bơm dự kiến, thời gian bơm, chế độ đo mực nước, lưu lượng trong khi bơm;

c) Thuyết minh, mô tả dự kiến công tác lấy, phân tích mẫu nước tại từng giếng thăm dò, gồm các thông tin về loại mẫu, số lượng mẫu, thời gian lấy mẫu và dự kiến các chỉ tiêu phân tích.

4. Lập bảng tổng hợp nội dung, khối lượng các hạng mục thăm dò và bảng kế hoạch, tiến độ thực hiện các hạng mục thăm dò.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phụ lục kèm theo:

1. Sơ đồ bố trí giếng thăm dò tỷ lệ từ 1:10.000 trở lên.

2. Bản vẽ thiết kế cột địa tầng và cấu trúc giếng thăm dò nước dưới đất.

Mẫu 23

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

CÁC QUY ĐỊNH TRONG GIẤY PHÉP

....................(1)

(Trường hợp gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi công trình, vị trí và lưu lượng thiết kế

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH TRONG GIẤY PHÉP

(Trường hợp gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày các thông tin của chủ giấy phép thăm dò nước dưới đất (tên chủ giấy phép, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động đối với tổ chức/họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Trình bày các nội dung, thông tin chủ yếu của giấy phép thăm dò nước dưới đất đã được cấp gồm: số giấy phép, ngày cấp, cơ quan cấp, thời hạn còn lại của giấy phép; vị trí, mục đích, quy mô thăm dò, tầng chứa nước thăm dò; nội dung, khối lượng các hạng mục thăm dò chủ yếu theo giấy phép thăm dò.

3. Khái quát các nội dung cơ bản của báo cáo, bao gồm các nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện giấy phép thăm dò, lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép, nội dung đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép.

4. Trình bày đầy đủ các thông tin về năng lực của tổ chức/cá nhân thi công thăm dò, tổ chức/cá nhân lập báo cáo và đánh giá việc đáp ứng các điều kiện theo quy định.

I. Tình hình thực hiện giấy phép thăm dò nước dưới đất

1. Trình bày tổng quan về tình hình thực hiện giấy phép thăm dò nước dưới đất và các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nội dung, khối lượng các hạng mục thăm dò trong quá trình thi công thăm dò nước dưới đất.

2. Thuyết minh, trình bày cụ thể các vấn đề, thông tin, số liệu về tình hình thực hiện giấy phép thăm dò nước dưới đất, với các nội dung chủ yếu sau:

a) Tình hình thi công đối với từng hạng mục thăm dò, gồm các thông tin: ngày bắt đầu thi công, phương pháp thi công, việc tuân thủ quy trình, quy phạm kỹ thuật khi thi công, kết quả đạt được, tiến độ thực hiện so với kế hoạch và các vấn đề khó khăn, sự cố gặp phải trong quá trình thi công;

b) Nội dung, khối lượng các hạng mục thăm dò chưa thực hiện và trình bày rõ lý do chưa thực hiện;

c) Lập bảng tổng hợp nội dung, khối lượng các hạng mục thăm dò đã thực hiện và chưa thực hiện.

3. Đánh giá tình hình chấp hành các nội dung quy định trong giấy phép thăm dò nước dưới đất.

4. Tổng hợp, đánh giá xác định rõ những nội dung khác biệt giữa thiết kế và thi công thực tế của các hạng mục công tác, đề xuất phương án điều chỉnh trong quá trình thăm dò.

II. Lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò

1. Trình bày các lý do liên quan đến việc đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất (điều kiện mặt bằng thi công khó khăn; có sự khác biệt về cấu trúc địa chất thủy văn thực tế so với dự kiến; khối lượng thăm dò thay đổi vượt quá 10% so với phê duyệt hoặc các lý do khác).

Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung lý do.

2. Thuyết minh các hạng mục thăm dò đề nghị điều chỉnh (khoan, bơm,...) và các nội dung điều chỉnh (trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép).

III. Nội dung đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò

1. Trình bày thời gian đề nghị gia hạn giấy phép thăm dò nước dưới đất:.... tháng/năm (đối với trường hợp đề nghị gia hạn giấy phép thăm dò).

2. Trình bày cụ thể các nội dung đề nghị điều chỉnh và thuyết minh rõ trình tự, thời gian thực hiện, yêu cầu kỹ thuật đối với từng hạng mục thăm dò điều chỉnh, kèm theo bảng tổng hợp nội dung, khối lượng điều chỉnh (trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép thăm dò).

3. Thuyết minh, mô tả sơ đồ bố trí công trình thăm dò (trường hợp điều chỉnh có sự thay đổi về sơ đồ bố trí công trình thăm dò).

4. Thuyết minh, mô tả việc điều chỉnh thiết kế công trình thăm dò (trường hợp điều chỉnh có sự thay đổi về thiết kế công trình thăm dò hoặc điều chỉnh chiều sâu thăm dò).

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phụ lục kèm theo Báo cáo

1. Sơ đồ bố trí công trình thăm dò tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn (trường hợp có sự thay đổi về sơ đồ bố trí công trình thăm dò);

2. Bản vẽ thiết kế công trình thăm dò (trường hợp có sự điều chỉnh thiết kế/chiều sâu thăm dò).

3. Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung tài liệu chứng minh lý do đề nghị cấp lại giấy phép và các giấy tờ khác có liên quan.

Mẫu 24

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO KẾT QUẢ THĂM DÒ

ĐÁNH GIÁ TRỮ LƯỢNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

....................(1)

(Đối với công trình thăm dò có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên công trình, vị trí và lưu lượng khai thác

HƯỚNG DẪN

NỘI DUNG BÁO CÁO KẾT QUẢ THĂM DÒ

ĐÁNH GIÁ TRỮ LƯỢNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(Đối với công trình thăm dò có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin của tổ chức/cá nhân là chủ đầu tư công trình thăm dò nước dưới đất (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, nơi cấp, ngày cấp theo Chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Thuyết minh các căn cứ của việc thăm dò nước dưới đất, gồm: Giấy phép thăm dò nước dưới đất, Đề án thăm dò nước dưới đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Khái quát các nội dung cơ bản của báo cáo, bao gồm các nội dung chủ yếu về đặc điểm địa lý tự nhiên, xã hội khu vực thăm dò, nội dung, phương pháp, khối lượng thăm dò đã thực hiện, các đặc điểm cơ bản về nguồn nước dưới đất; về bố trí công trình khai thác và tính toán trữ lượng, ảnh hưởng của công trình khai thác đến nguồn nước, môi trường các công trình khai thác nước dưới đất khác và biện pháp giảm thiểu; về thiết kế công trình khai thác và phương án khai thác nước dưới đất.

4. Đánh giá sự phù hợp của việc khai thác nước dưới đất với quy hoạch tài nguyên nước, các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các quy định có liên quan đến việc thăm dò, khai thác nước dưới đất của tổ chức/cá nhân.

5. Thống kê các tài liệu sử dụng làm căn cứ lập báo cáo, gồm: các quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch cấp nước có liên quan; các thông tin, số liệu, tài liệu, báo cáo thu thập được trong quá trình thăm dò; các thông tin, số liệu thu được khi thi công các hạng mục thăm dò; các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan.

6. Trình bày đầy đủ các thông tin về năng lực của tổ chức, cá nhân lập báo cáo và đánh giá việc đáp ứng các điều kiện theo quy định; danh sách các thành viên tham gia lập báo cáo.

Chương I

ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN, XÃ HỘI KHU VỰC THĂM DÒ

I. Đặc điểm điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội khu vực thăm dò

1. Vị trí hành chính, tọa độ các điểm góc (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu) giới hạn phạm vi công trình thăm dò nước dưới đất, kèm theo hình vẽ thể hiện vị trí khu vực thăm dò và mối liên kết với các khu vực lân cận.

2. Đặc điểm địa hình, địa mạo, mạng lưới sông suối, khí tượng, thủy văn, hải văn khu vực thăm dò.

3. Đặc điểm kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại khu vực thăm dò.

II. Tổng hợp các vấn đề đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội có liên quan đến nguồn nước, đến việc khai thác, sử dụng nước đã được làm rõ trong quá trình thực hiện thăm dò.

Chương II

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, KHỐI LƯỢNG THĂM DÒ ĐÃ THỰC HIỆN

I. Trình bày tổng quan về nội dung, phương pháp, khối lượng thăm dò đã thực hiện và các vấn đề liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thi công thăm dò.

II. Trình bày cụ thể các nội dung, thông tin, số liệu về việc thi công các hạng mục thăm dò, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Thuyết minh, mô tả nội dung, phương pháp, thời gian, trình tự thực hiện, kết quả thi công từng hạng mục thăm dò.

2. Đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và mức độ hoàn thành về nội dung, khối lượng, chất lượng từng hạng mục thăm dò so với phê duyệt.

3. Thuyết minh cụ thể các nội dung, khối lượng thay đổi, điều chỉnh của từng hạng mục thăm dò (nếu có) so với phê duyệt.

III. Tổng hợp, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu thăm dò, mức độ tin cậy của các thông tin, số liệu thu được trong quá trình thăm dò được sử dụng để lập báo cáo và lập bảng tổng hợp nội dung, khối lượng thăm dò đã thực hiện.

Chương III

ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT KHU VỰC THĂM DÒ

I. Trình bày cụ thể các nội dung, thông tin, số liệu về đặc điểm nguồn nước dưới đất, hiện trạng khai thác nước dưới đất và các nguồn thải khu vực thăm dò trên cơ sở các thông tin, số liệu được cập nhật sau khi thực hiện thăm dò, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Thống kê, tổng hợp, đánh giá các thông tin, số liệu được cập nhật, bổ sung về đặc điểm nguồn nước dưới đất sau khi thực hiện thăm dò.

2. Trên cơ sở thông tin, số liệu đã được cập nhật nêu trên tiến hành mô tả đặc điểm của nguồn nước dưới đất tại khu vực thăm dò.

a) Đặc điểm của các tầng chứa nước

Mô tả các đặc điểm, đặc trưng của các tầng chứa nước trong phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình, gồm các thông tin, số liệu về phạm vi, chiều sâu phân bố, chiều dày, thành phần đất đá, đặc tính thấm nước, chứa nước, động thái, chiều sâu và cao độ mực nước.

Mô tả địa tầng, khoảng chiều sâu phân bố và thành phần từng lớp đất đá tại các giếng khoan thăm dò.

Riêng đối với công trình thăm dò có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên cần phải mô tả các đặc điểm nguồn cấp, miền cấp, miền thoát, hướng dòng chảy của nước dưới đất; biên và điều kiện biên của các tầng chứa nước; quan hệ của nước dưới đất với nước mặt, với các yếu tố khí tượng, thủy văn, hải văn, quan hệ thủy lực giữa các tầng chứa nước tại khu vực thăm dò; đánh giá trữ lượng, chất lượng nước và khả năng khai thác của các tầng chứa nước trong khu vực thăm dò.

b) Đặc điểm các tầng cách nước

Mô tả đặc điểm lớp thấm nước yếu, cách nước trong khu vực thăm dò, gồm các thông tin, số liệu về phạm vi phân bố theo diện tích và chiều sâu; chiều sâu phân bố, chiều dày, thành phần đất đá, tính chất thấm nước và cách nước.

c) Đặc điểm chất lượng nước

Mô tả đặc điểm, đặc trưng về chất lượng nước dưới đất khu vực thăm dò, tình hình ô nhiễm, xâm nhập mặn của các tầng chứa nước.

Đối với tầng chứa nước dự kiến khai thác: Đánh giá chất lượng nước theo Quy chuẩn về chất lượng nước ngầm và theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nước cho mục đích sử dụng.

d) Bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn

Riêng đối với công trình thăm dò có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên cần phải mô tả, thuyết minh các nội dung chủ yếu của bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn, các mặt cắt kèm theo nhằm làm rõ các đặc điểm về địa chất thủy văn của khu vực thăm dò và các khu vực có liên quan.

3. Hiện trạng khai thác nước dưới đất và các nguồn thải khu vực thăm dò

a) Thống kê, tổng hợp các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất hiện có trong phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình theo bảng tổng hợp sau:

TT

Tên công trình/số hiệu giếng

Vị trí

Chiều sâu giếng (m)

Lưu lượng (m3/ngày đêm)

Mực nước động lớn nhất (m)

Tầng chứa nước khai thác

Khoảng cách đến khu vực thăm dò (m)

Tình trạng cấp phép (số giấy phép cấp.. nếu có)

I

Tên công trình

1

Số hiệu giếng...

2

Số hiệu giếng...

...

II

...

Tổng

b) Thống kê, tổng hợp các nguồn thải theo các số liệu điều tra trong khu vực thăm dò, gồm các thông tin chủ yếu: vị trí, quy mô, tính chất ô nhiễmkhoảng cách đến công trình khai thác nước dưới đất. Đánh giá ảnh hưởng của các nguồn thải đến hoạt động thăm dò khai thác của công trình.

4. Đánh giá cân bằng nước

Riêng đối với công trình thăm dò có quy mô từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên cần phải tính toán, đánh giá cân bằng nước, đánh giá các nguồn hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất tại khu vực thăm dò.

II. Nhận xét, đánh giá những kết quả đạt được về đặc điểm nguồn nước dưới đất tại khu vực thăm dò qua các thông tin, số liệu được cập nhật sau khi thăm dò và khả năng khai thác của tầng chứa nước thăm dò, kết luận lựa chọn tầng chứa nước khai thác; tổng hợp các vấn đề chưa được làm rõ trong quá trình thăm dò.

Chương IV

BỐ TRÍ SƠ ĐỒ KHAI THÁC VÀ TÍNH TOÁN TRỮ LƯỢNG

I. Tính toán các thông số địa chất thủy văn

Thuyết minh cụ thể việc tính toán xác định các thông số địa chất thủy văn theo tài liệu thí nghiệm thấm; luận chứng lựa chọn các thông số địa chất thủy văn phục vụ công tác tính trữ lượng.

Riêng trường hợp thăm dò có kết hợp lắp đặt giếng khai thác thì phải thuyết minh việc tính toán xác định hiệu suất giếng theo tài liệu bơm giật cấp.

II. Bố trí sơ đồ khai thác nước dưới đất

1. Luận chứng lựa chọn lưu lượng khai thác từng công trình.

2. Thuyết minh, mô tả sơ đồ khai thác gồm các thông tin chủ yếu: số lượng, vị trí, tọa độ, chiều sâu, lưu lượng của từng công trình và khoảng cách giữa chúng, kèm theo sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất.

Yêu cầu nội dung của sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất phải thể hiện được các thông tin chính gồm: các thông tin về ranh giới, địa danh hành chính, hệ thống sông suối, giao thông, dân cư, vị trí, các thông số chính của công trình khai thác nước dưới đất, các công trình khai thác đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng).

III. Mực nước hạ thấp cho phép

Luận chứng, thuyết minh giới hạn hạ thấp mực nước cho phép trong tầng chứa nước dự kiến khai thác.

IV. Tính toán, dự báo hạ thấp mực nước

1. Đối với công trình quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên.

Thuyết minh cụ thể việc tính toán dự báo hạ thấp mực nước tại công trình khai thác, gồm các nội dung chính: lựa chọn phương pháp tính trữ lượng; sơ đồ hóa trường thấm; xác định các điều kiện biên; lập luận chọn các thông số tính toán; xác định các công trình khai thác nước dưới đất nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình để tính can nhiễu mực nước; tính toán dự báo hạ thấp mực nước tại công trình trong thời gian khai thác, trong đó có tính đến ảnh hưởng can nhiễu của các công trình khai thác nước dưới đất khác nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình.

Riêng đối với trường hợp công trình khai thác có quy mô từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên, trong vùng có điều kiện địa chất thủy văn phức tạp hoặc vùng đã có nhiều công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động thì phải đánh giá trữ lượng bằng phương pháp mô hình số.

2. Đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm đến 3.000 m3/ngày đêm.

Thuyết minh cụ thể việc tính toán dự báo hạ thấp mực nước gồm các nội dung chính: lập đồ thị bơm hút nước thí nghiệm và dự báo hạ thấp mực nước trong thời gian khai thác theo đồ thị.

V. Đánh giá kết quả tính toán dự báo hạ thấp mực nước với mực nước hạ thấp cho phép và đánh giá tính hợp lý về mặt kinh tế, kỹ thuật của sơ đồ khai thác.

Chương V

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU

I. Tác động của việc khai thác, sử dụng nước đến nguồn nước, môi trường, các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất khác đang hoạt động và đề xuất biện pháp giảm thiểu, gồm các nội dung chính sau:

1. Tác động của việc khai thác, sử dụng nước tại công trình đến sự suy giảm mực nước, trữ lượng nguồn nước dưới đất trong khu vực khai thác.

2. Tác động của việc khai thác, sử dụng nước tại công trình đến khả năng sụt lún đất, gia tăng ô nhiễm, xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước và ảnh hưởng đến các dòng mặt.

3. Tác động của việc khai thác, sử dụng nước tại công trình đến sự suy giảm lưu lượng, mực nước, biến đổi chất lượng nước của các công trình khai thác nước dưới đất khác nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình.

4. Thuyết minh cụ thể các biện pháp giảm thiểu và đánh giá tính khả thi của chúng đối với các tác động chính do công trình khai thác gây ra đến nguồn nước, môi trường và các công trình khai thác nước dưới đất khác đang hoạt động; trình bày phương án đối phó trong trường hợp xảy ra sự cố khi khai thác nước dưới đất tại công trình và đánh giá tính khả thi của phương án.

II. Nhận xét, đánh giá và tổng hợp, xác định các tác động có mức độ ảnh hưởng lớn, sâu sắc đến nguồn nước, môi trường và các công trình khai thác nước dưới đất khác đang hoạt động do việc khai thác nước tại công trình.

Chương VI

THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH VÀ PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

I. Thiết kế công trình khai thác nước dưới đất:

Luận chứng, thuyết minh, mô tả thiết kế từng công trình trong sơ đồ công trình khai thác nước dưới đất.

II. Thuyết minh, trình bày cụ thể phương án khai thác nước dưới đất, với các nội dung chính sau:

1. Thuyết minh nhu cầu, mục đích sử dụng nước; xây dựng biểu đồ dùng nước theo từng tháng trong năm và theo từng giai đoạn trong thời gian đề nghị cấp phép khai thác.

2. Thuyết minh, trình bày cụ thể các thông số khai thác của công trình gồm: lưu lượng, mực nước tĩnh, mực nước động, chế độ khai thác của từng loại hình trong công trình.

III. Thuyết minh, trình bày cụ thể phương án quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình, gồm các nội dung chính sau:

1. Luận chứng xác định số lượng, vị trí, tọa độ, kinh tuyến trục, múi chiếu, kết cấu công trình quan trắc và thuyết minh, mô tả kế hoạch xây dựng.

2. Luận chứng lựa chọn các thông số quan trắc, chế độ quan trắc.

3. Thuyết minh, mô tả phương án lắp đặt thiết bị quan trắc tại công trình khai thác, công trình quan trắc và phương án bố trí nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất.

IV. Các vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác:

Luận chứng xác định phạm vi các vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác; thuyết minh việc thiết lập, xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh và quy định các nội dung cần phải tuân thủ trong vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác.

V. Các cam kết của chủ công trình:

1. Các cam kết và chịu trách nhiệm về tính trung thực cũng như nguồn gốc của các thông tin, số liệu trình bày trong báo cáo.

2. Trình bày cụ thể các cam kết của chủ công trình, gồm việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất nếu được cấp phép; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực cấp nước; tuân thủ việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình, chế độ báo cáo đối với cơ quan quản lý và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phụ lục kèm theo Báo cáo:

1. Bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn kèm theo mặt cắt.

2. Sơ đồ tài liệu thực tế thăm dò nước dưới đất tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn.

3. Bản vẽ hoàn công công trình thăm dò nước dưới đất.

4. Bản vẽ thiết kế công trình khai thác nước dưới đất và công trình quan trắc.

5. Các tài liệu có liên quan khác (nếu có).

Mẫu 25

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THI CÔNG GIẾNG KHAI THÁC

....................(1)

(Đối với công trình thăm dò có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên công trình, vị trí và lưu lượng khai thác

HƯỚNG DẪN

NỘI DUNG BÁO CÁO KẾT QUẢ THI CÔNG GIẾNG KHAI THÁC

(Đối với công trình thăm dò có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin của tổ chức/cá nhân là chủ đầu tư công trình thăm dò nước dưới đất (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, nơi cấp, ngày cấp theo Chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Thuyết minh các căn cứ của việc thăm dò nước dưới đất, gồm: giấy phép thăm dò nước dưới đất được cấp, hồ sơ thiết kế giếng thăm dò được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Khái quát các nội dung cơ bản của báo cáo bao gồm các nội dung chủ yếu về kết quả thi công thăm dò, lắp đặt giếng khai thác; về ảnh hưởng của giếng khai thác đến các công trình khai thác khác đang hoạt động và phương án khai thác nước dưới đất.

4. Thống kê các tài liệu sử dụng làm căn cứ lập báo cáo, gồm: các quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch cấp nước có liên quan; các thông tin, số liệu, tài liệu, báo cáo thu thập được trong quá trình thăm dò; các thông tin, số liệu khi thi công các hạng mục thăm dò; các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan.

5. Trình bày đầy đủ các thông tin về năng lực của tổ chức, cá nhân lập báo cáo và đánh giá việc đáp ứng các điều kiện theo quy định; danh sách các thành viên tham gia lập báo cáo.

I. Kết quả thi công thăm dò, lắp đặt giếng khai thác

1. Vị trí hành chính, tọa độ các điểm góc (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu) giới hạn phạm vi bố trí giếng thăm dò nước dưới đất kèm theo hình vẽ thể hiện vị trí khu vực thăm dò và mối liên kết với các khu vực lân cận.

2. Trình bày tổng quan về nội dung, phương pháp, khối lượng thăm dò đã thực hiện và các vấn đề liên quan trong quá trình thi công thăm dò.

3. Trình bày cụ thể các nội dung, thông tin, số liệu về việc thi công các hạng mục thăm dò, gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Thuyết minh, mô tả nội dung, phương pháp, thời gian, trình tự thực hiện, kết quả thi công đối với từng hạng mục công tác (khoan, bơm, lấy và phân tích mẫu nước);

b) Trình bày cụ thể việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và mức độ hoàn thành về nội dung, khối lượng, chất lượng từng hạng mục công tác (khoan, bơm, lấy và phân tích mẫu nước) so với phê duyệt;

c) Thuyết minh cụ thể các nội dung, khối lượng thay đổi, điều chỉnh của từng hạng mục công tác (nếu có) so với phê duyệt.

4. Kết quả thăm dò

a) Mô tả địa tầng tại các giếng khoan thăm dò, gồm các nội dung chính: chiều sâu phân bố, chiều dày, thành phần của các lớp đất đá khoan qua;

b) Mô tả cấu trúc hoàn công của các giếng khoan, gồm các nội dung chính: chiều sâu, đường kính, chiều dài các đoạn ống chống, ống lọc, ống lắng; các đoạn chèn, trám và vật liệu chèn, trám xung quanh thành giếng khoan;

c) Thuyết minh cụ thể công tác bơm nước thí nghiệm tại từng giếng, gồm các nội dung chính sau: mực nước tĩnh trước khi bơm, lưu lượng bơm, mực nước động và hạ thấp mực nước, thời gian bơm và thời gian hồi phục mực nước sau khi dừng bơm; lập đồ thị kết quả bơm nước thí nghiệm và luận chứng lựa chọn lưu lượng khai thác hợp lý;

d) Tổng hợp kết quả phân tích mẫu nước, đánh giá chất lượng nước theo quy chuẩn chất lượng nước ngầm và theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước cho mục đích sử dụng.

5. Tổng hợp, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu thăm dò và lập bảng tổng hợp nội dung, khối lượng thăm dò đã thực hiện.

II. Đánh giá ảnh hưởng khai thác của công trình đến công trình khai thác khác và thiết kế phương án khai thác nước dưới đất

1. Đánh giá ảnh hưởng khai thác của công trình đến công trình khai thác nước dưới đất khác đang hoạt động.

Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác nước dưới đất tại công trình đến lưu lượng, mực nước, biến đổi chất lượng nước của các công trình khai thác nước dưới đất khác đang hoạt động nằm trong phạm vi bán kính 200m xung quanh công trình.

2. Thuyết minh, trình bày cụ thể phương án khai thác nước dưới đất, với các nội dung chính sau:

a) Thuyết minh nhu cầu, mục đích sử dụng nước; xây dựng biểu đồ dùng nước theo từng tháng trong năm;

b) Thuyết minh, mô tả sơ đồ khai thác gồm các thông tin chủ yếu: số lượng, vị trí, tọa độ, chiều sâu, lưu lượng của từng giếng và khoảng cách giữa chúng, kèm theo sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất.

Yêu cầu nội dung của sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất phải thể hiện được các thông tin chính gồm: các thông tin về ranh giới, địa danh hành chính, hệ thống sông suối, giao thông, dân cư, vị trí, các thông số chính của công trình khai thác nước dưới đất, các công trình khai thác đang hoạt động khu vực xung quanh (sơ đồ khổ giấy A4 kèm theo báo cáo).

c) Thuyết minh, trình bày cụ thể các thông số khai thác của từng giếng, gồm: lưu lượng, mực nước tĩnh, mực nước động, chế độ khai thác.

3. Thuyết minh, trình bày cụ thể phương án quan trắc, giám sát hoạt động khai thác tại công trình, gồm các nội dung chính: thông số quan trắc, chế độ quan trắc, phương án lắp đặt thiết bị, bố trí nhân lực quan trắc.

4. Thuyết minh các vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác, gồm các nội dung chính: cơ sở xác định các vùng bảo hộ vệ sinh, thuyết minh việc thiết lập, xây dựng và quy định các nội dung cần phải tuân thủ trong vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác.

5. Các cam kết của chủ công trình

a) Các cam kết và chịu trách nhiệm về tính trung thực cũng như nguồn gốc của các thông tin, số liệu trình bày trong báo cáo;

b) Trình bày các cam kết của chủ công trình, gồm việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất nếu được cấp phép; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực cấp nước; tuân thủ việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình, chế độ báo cáo đối với cơ quan quản lý và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phụ lục kèm theo Báo cáo:

1. Bản vẽ hoàn công cột địa tầng và cấu trúc giếng khoan.

2. Các tài liệu có liên quan khác (nếu có).

Mẫu 26

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO

HIỆN TRẠNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

....................(1)

(Trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên công trình, vị trí và lưu lượng khai thác

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG

BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(Trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động)

A. ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH CÓ QUY MÔ TỪ 200M3/NGÀY ĐÊM TRỞ LÊN

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin của tổ chức/cá nhân là chủ công trình khai thác nước dưới đất (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, nơi cấp, ngày cấp theo Chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Thuyết minh, trình bày các thông tin, thông số cơ bản của công trình khai thác nước dưới đất, gồm: loại hình công trình, mục đích khai thác, sử dụng nước; đối tượng, phạm vi cấp nước; năm xây dựng và vận hành công trình; tổng số giếng khoan (giếng đào/hố đào/hành lang/mạch lộ/hang động), tổng lưu lượng khai thác của công trình; tầng chứa nước khai thác hoặc chiều sâu khai thác.

3. Khái quát các nội dung cơ bản của báo cáo, bao gồm các nội dung chủ yếu về đặc điểm tự nhiên, xã hội, các đặc điểm cơ bản về nguồn nước dưới đất, hiện trạng khai thác và các nguồn thải khu vực khai thác; về hiện trạng công trình và tình hình khai thác nước dưới đất; ảnh hưởng của công trình khai thác đến nguồn nước, môi trường, các công trình khai thác khác và kế hoạch khai thác, sử dụng nước dưới đất.

4. Đánh giá sự phù hợp của việc khai thác nước dưới đất với các quy hoạch tài nguyên nước, các quy hoạch chuyên ngành khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quy định liên quan đến việc khai thác nước dưới đất của tổ chức/cá nhân.

5. Thống kê các tài liệu sử dụng làm căn cứ lập báo cáo khai thác nước dưới đất gồm: các quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch cấp nước có liên quan; các báo cáo, tài liệu điều tra, đánh giá, quan trắc dưới đất đã thực hiện tại khu vực khai thác; các báo cáo, tài liệu, số liệu khi thăm dò, thi công, xây dựng, vận hành công trình khai thác nước dưới đất; các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan.

6. Trình bày đầy đủ các thông tin về năng lực của tổ chức, cá nhân lập báo cáo khai thác nước dưới đất và đánh giá việc đáp ứng các điều kiện theo quy định; danh sách các thành viên tham gia lập báo cáo.

Chương I

ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ HIỆN TRẠNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT, HIỆN TRẠNG CÁC NGUỒN THẢI TẠI KHU VỰC KHAI THÁC

I. Trình bày cụ thể các nội dung, thông tin, số liệu về điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội khu vực khai thác, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Vị trí hành chính, tọa độ các điểm góc (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu) giới hạn phạm vi bố trí công trình khai thác nước dưới đất kèm theo hình vẽ thể hiện vị trí khu vực khai thác nước dưới đất và mối liên hệ với các khu vực lân cận.

2. Đặc điểm địa hình, địa mạo, mạng lưới sông suối, khí tượng, thủy văn, hải văn khu vực khai thác.

3. Đặc điểm dân cư kinh tế, xã hội tại khu vực khai thác.

4. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại khu vực khai thác;

5. Đánh giá, nhận xét xác định các yếu tố chủ yếu về đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước dưới đất tại khu vực khai thác.

II. Trình bày các nội dung, thông tin, số liệu về đặc điểm nguồn nước dưới đất, hiện trạng khai thác nước dưới đất, hiện trạng các nguồn thải trong khu vực khai thác, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Thống kê tình hình điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, hiện trạng khai thác và các nguồn thải tại khu vực khai thác

2. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất nêu trên, tiến hành mô tả đặc điểm nguồn nước dưới đất tại khu vực khai thác

a) Đặc điểm của các tầng chứa nước

Mô tả đặc điểm các tầng chứa nước trong khu vực khai thác, gồm các thông tin, số liệu về phạm vi, chiều sâu phân bố, chiều dày, thành phần đất đá, đặc tính thấm nước, chứa nước, động thái, chiều sâu mực nước của từng tầng chứa nước.

Riêng đối với công trình khai thác có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên cần phải mô tả các đặc điểm nguồn cấp, vùng cấp, vùng thoát, hướng dòng chảy, quan hệ của nước dưới đất với các nguồn nước mặt, nước mưa và các tầng chứa nước khác.

b) Đặc điểm của các tầng cách nước

Mô tả đặc điểm lớp thấm nước yếu, cách nước trong khu vực khai thác, gồm các thông tin, số liệu về phạm vi phân bố theo diện tích và chiều sâu; chiều sâu phân bố, chiều dày, thành phần đất đá, tính chất thấm nước và cách nước.

c) Đặc điểm chất lượng nước

Mô tả đặc điểm, đặc trưng về chất lượng nước dưới đất, tình hình ô nhiễm, xâm nhập mặn của các tầng chứa nước trong khu vực khai thác; đánh giá chất lượng nước của tầng chứa nước khai thác theo Quy chuẩn về chất lượng nước ngầm và theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho mục đích sử dụng nước.

d) Bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn

Riêng đối với công trình khai thác có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên phải mô tả, thuyết minh các nội dung chủ yếu của bản đồ hoặc sơ đồ tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn, các mặt cắt kèm theo nhằm làm rõ các đặc điểm về địa chất thủy văn của khu vực khai thác.

đ) Phạm vi ảnh hưởng của công trình khai thác nước dưới đất:

Luận chứng, thuyết minh để làm rõ phạm vi vùng ảnh hưởng của công trình khai thác và khoanh định trên bản đồ hoặc sơ đồ.

3. Trên cơ sở kết quả điều tra, thống kê hiện trạng khai thác nước dưới đất và các tài liệu điều tra, đánh giá các nguồn thải nêu trên tiến hành đánh giá với các nội dung chính sau:

a) Hiện trạng khai thác nước dưới đất trong phạm vi ảnh hưởng của công trình khai thác theo bảng tổng hợp sau:

TT

Tên công trình/số hiệu giếng

Vị trí

Chiều sâu giếng (m)

Lưu lượng (m3/ngày đêm)

Mực nước động lớn nhất (m)

Tầng chứa nước khai thác

Khoảng cách đến khu vực khai thác (m)

Tình trạng cấp phép (số giấy phép cấp.. nếu có)

I

Tên công trình

1

Số hiệu giếng...

2

Số hiệu giếng...

...

II

...

Tổng

b) Hiện trạng các nguồn thải trong khu vực khai thác

Thống kê, tổng hợp các nguồn thải chủ yếu trong khu vực khai thác, gồm các thông tin chủ yếu: vị trí, quy mô, tính chất ô nhiễmkhoảng cách đến công trình khai thác nước dưới đất.

Riêng đối với trường hợp công trình khai thác có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên thì phải phân tích, đánh giá nguy cơ, mức độ ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm hiện có đến chất lượng nước của công trình khai thác.

III. Đánh giá, nhận xét xác định các yếu tố chủ yếu về đặc điểm nguồn nước dưới đất, hiện trạng khai thác nước dưới đất, hiện trạng các nguồn thải trong khu vực khai thác có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến công trình, đến trữ lượng khai thác, chất lượng nước tại công trình.

Chương II

HIỆN TRẠNG CÔNG TRÌNH VÀ TÌNH HÌNH KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TẠI CÔNG TRÌNH

I. Trình bày tổng quan về hiện trạng công trình và tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất tại công trình qua các giai đoạn.

II. Trình bày cụ thể các nội dung về hiện trạng công trình, tình hình khai thác nước tại công trình, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Thuyết minh, mô tả về hiện trạng công trình khai thác nước dưới đất

a) Thuyết minh, mô tả sơ đồ công trình khai thác, gồm các thông tin chính: vị trí, tọa độ, chiều sâu, kết cấu, lưu lượng, chế độ khai thác, tình trạng hoạt động của từng loại hình khai thác và khoảng cách giữa chúng, kèm theo sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất;

b) Yêu cầu nội dung của sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất phải thể hiện được các thông tin chính về ranh giới, địa danh hành chính, hệ thống sông suối, giao thông, dân cư, vị trí, các thông số chính của công trình khai thác nước dưới đất, các công trình khai thác đang hoạt động nằm trong vùng ảnh hưởng (sơ đồ khổ giấy A4 kèm theo báo cáo);

c) Thuyết minh, mô tả quy trình công nghệ xử lý nước; đánh giá hiệu quả xử lý nước và khả năng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nước sau xử lý;

d) Thuyết minh công tác quan trắc trong quá trình khai thác, gồm các thông tin chính: mô tả hệ thống công trình quan trắc, thông số, chế độ quan trắc, thiết bị, nhân lực quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình khai thác;

đ) Thuyết minh, mô tả các vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác gồm các nội dung chính: giới hạn, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh; tình hình chấp hành các quy định trong vùng bảo hộ vệ sinh.

2. Thuyết minh tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất tại công trình, gồm các thông tin chủ yếu sau:

a) Thuyết minh, mô tả tình hình khai thác nước dưới đất tại công trình, gồm các thông tin chủ yếu: năm bắt đầu khai thác; lưu lượng, chế độ khai thác qua từng thời kỳ và lưu lượng, chế độ khai thác hiện tại kèm theo các bảng, biểu đồ khai thác nước dưới đất;

b) Tổng hợp, đánh giá diễn biến mực nước khai thác qua từng thời kỳ tại công trình theo bảng tổng hợp sau:

Ngày/tháng/năm

Giếng khoan/giếng đào/ hang động 1

Giếng khoan/giếng đào/ hang động....

Tổng lưu lượng

(m3/ngày)

Lưu lượng khai thác (m3/ngày đêm)

Mực nước động (m)

Lưu lượng khai thác (m3/ngày đêm)

Mực nước động (m)

Năm....

1/1/..

...

Max

Min

Trung bình

Kèm theo biểu đồ, đồ thị diễn biến mực nước đến thời điểm đề nghị cấp phép khai thác tại từng công trình

c) Tổng hợp, thuyết minh cụ thể diễn biến chất lượng nước trong quá trình khai thác tại công trình, gồm các thông tin chính: sự biến đổi chất lượng nước, tăng thêm chỉ tiêu ô nhiễm, gia tăng hàm lượng đối với các chỉ tiêu ô nhiễm, độ ổn định của các chỉ tiêu chất lượng nước.

d) Đánh giá tình hình chấp hành các quy định của giấy phép đã được cấp trước đây.

III. Đánh giá, nhận xét, xác định các vấn đề chủ yếu liên quan đến hiện trạng công trình khai thác, tình hình biến đổi mực nước, chất lượng nước và các vấn đề khai thác, sử dụng nước tại công trình trong suốt thời gian vận hành công trình đến thời điểm đề nghị cấp phép.

Chương III

TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG TRÌNH KHAI THÁC VÀ KẾ HOẠCH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG THỜI GIAN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP

I. Tổng hợp, đánh giá những ảnh hưởng, tác động cụ thể của việc khai thác nước dưới đất tại công trình đến nguồn nước, môi trường, các công trình khai thác nước dưới đất khác đang hoạt động, gồm các nội dung chính sau:

1. Tác động của việc khai thác, sử dụng nước tại công trình đến sự suy giảm mực nước, trữ lượng nguồn nước dưới đất trong khu vực khai thác.

2. Tác động của việc khai thác, sử dụng nước tại công trình đến khả năng sụt lún đất, gia tăng ô nhiễm, xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước và ảnh hưởng đến các dòng mặt.

3. Tác động của việc khai thác, sử dụng nước tại công trình đến sự suy giảm lưu lượng, mực nước, biến đổi chất lượng nước của các công trình khai thác nước dưới đất khác đang hoạt động nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình.

4. Thuyết minh cụ thể các biện pháp giảm thiểu và đánh giá tính khả thi của chúng đối với các tác động chính do công trình khai thác gây ra đến nguồn nước, môi trường và các công trình khai thác nước dưới đất khác đang hoạt động; trình bày phương án đối phó trong trường hợp xảy ra sự cố khi khai thác nước dưới đất tại công trình và đánh giá tính khả thi của phương án.

II. Trình bày kế hoạch, phương án khai thác, sử dụng nước dưới đất tại công trình trong thời gian tới, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mực nước hạ thấp cho phép

Luận chứng, thuyết minh giới hạn hạ thấp mực nước cho phép trong các tầng chứa nước khai thác.

2. Tính toán dự báo hạ thấp mực nước

a) Đối với công trình quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên

Thuyết minh cụ thể việc tính toán dự báo hạ thấp mực nước tại công trình khai thác, gồm các nội dung chính: lựa chọn phương pháp tính trữ lượng; sơ đồ hóa trường thấm; xác định các điều kiện biên; lập luận chọn các thông số tính toán; xác định các công trình khai thác nước dưới đất nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình để tính can nhiễu mực nước; tính toán dự báo hạ thấp mực nước tại công trình trong thời gian khai thác tiếp theo, trong đó có tính đến ảnh hưởng can nhiễu của các công trình khai thác nước dưới đất khác nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình.

b) Đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm đến 3.000 m3/ngày đêm

Thuyết minh cụ thể việc tính toán dự báo hạ thấp mực nước gồm các nội dung chính: lập đồ thị quan hệ giữa lưu lượng, mực nước khai thác tại từng giếng và dự báo hạ thấp mực nước theo đồ thị.

c) Đánh giá kết quả tính toán dự báo hạ thấp mực nước với mực nước hạ thấp cho phép và đánh giá mức độ đảm bảo về mặt kinh tế, kỹ thuật khi tiếp tục khai thác nước dưới đất tại công trình.

3. Thuyết minh, trình bày kế hoạch, phương án khai thác nước dưới đất trong thời gian tới:

a) Thuyết minh nhu cầu, mục đích sử dụng nước; xây dựng biểu đồ dùng nước theo từng tháng trong năm và trong từng giai đoạn tiếp tục khai thác;

b) Thuyết minh, trình bày các thông số khai thác của công trình, gồm các thông tin: lưu lượng, mực nước tĩnh, mực nước động, chế độ khai thác của từng công trình khai thác trong thời gian tới;

c) Thuyết minh, trình bày phương án quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình trong thời gian tới, gồm các nội dung: luận chứng việc bổ sung công trình quan trắc (nếu có); phương án bố trí thiết bị, nhân lực quan trắc hoặc hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc quan trắc;

d) Luận chứng thiết lập mới hoặc bổ sung các vùng bảo hộ vệ sinh và bổ sung quy định nội dung cần phải tuân thủ trong vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác (nếu chưa có).

4. Các cam kết của chủ công trình

a) Các cam kết và chịu trách nhiệm về tính trung thực cũng như nguồn gốc của các thông tin, số liệu trình bày trong báo cáo;

b) Trình bày cụ thể các cam kết của chủ công trình, gồm việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất nếu được cấp phép; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực cấp nước; tuân thủ việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình, chế độ báo cáo đối với cơ quan quản lý và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phụ lục kèm theo Báo cáo:

1. Bản đồ hoặc sơ đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:25.000 hoặc lớn hơn kèm theo mặt cắt đối với công trình quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm.

2. Bản vẽ cấu trúc công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang,...).

3. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

B. ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH CÓ QUY MÔ NHỎ HƠN 200M3/NGÀY ĐÊM

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin của tổ chức/cá nhân là chủ công trình khai thác nước dưới đất (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, nơi cấp, ngày cấp theo Chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Thuyết minh, trình bày các thông tin, thông số cơ bản của công trình khai thác nước dưới đất, gồm: loại hình công trình, mục đích khai thác, sử dụng nước, đối tượng cấp nước; năm xây dựng và vận hành công trình; tổng số giếng khoan (giếng đào/hố đào/hành lang/mạch lộ/hang động), tổng lưu lượng khai thác của công trình; tầng chứa nước khai thác hoặc chiều sâu khai thác.

3. Khái quát các nội dung cơ bản của báo cáo, bao gồm các nội dung chủ yếu về hiện trạng công trình và tình hình khai thác nước dưới đất, kế hoạch khai thác, sử dụng nước dưới đất.

4. Thống kê các tài liệu sử dụng làm căn cứ lập báo cáo khai thác nước dưới đất gồm: các quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch cấp nước có liên quan; các báo cáo, tài liệu điều tra, đánh giá, quan trắc nước dưới đất đã thực hiện tại khu vực khai thác; các báo cáo, tài liệu, số liệu khi thăm dò, thi công, xây dựng, vận hành công trình khai thác nước dưới đất; các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan.

5. Trình bày đầy đủ các thông tin về năng lực của tổ chức, cá nhân lập báo cáo khai thác nước dưới đất và đánh giá việc đáp ứng các điều kiện theo quy định; danh sách các thành viên lập báo cáo.

I. Hiện trạng công trình và tình hình khai thác nước dưới đất

1. Vị trí hành chính, tọa độ các điểm góc (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu) giới hạn phạm vi bố trí công trình khai thác nước dưới đất kèm theo hình vẽ thể hiện vị trí khu vực khai thác nước dưới đất và mối liên hệ với các khu vực lân cận.

2. Thuyết minh, trình bày cụ thể các nội dung về hiện trạng công trình khai thác nước dưới đất, với các nội dung chính sau:

a) Thuyết minh, mô tả sơ đồ công trình khai thác, gồm các thông tin: vị trí, tọa độ, chiều sâu, kết cấu, lưu lượng, chế độ khai thác, tình trạng hoạt động của từng giếng khoan và khoảng cách giữa chúng, kèm theo sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất;

b) Yêu cầu nội dung của sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất phải thể hiện được các thông tin chính gồm: các thông tin về ranh giới, địa danh hành chính, hệ thống sông suối, giao thông, dân cư, vị trí, các thông số chính của công trình khai thác nước dưới đất, các công trình khai thác đang hoạt động khu vực xung quanh);

c) Thuyết minh, mô tả quy trình công nghệ xử lý nước; đánh giá hiệu quả xử lý nước và khả năng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nước sau xử lý (nếu có);

d) Thuyết minh công tác quan trắc trong quá trình khai thác, gồm các thông tin chính: mô tả hệ thống công trình quan trắc, thông số, chế độ quan trắc, thiết bị, nhân lực quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình khai thác (nếu có).

đ) Thuyết minh, mô tả các vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác gồm các nội dung chính: giới hạn, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh; tình hình chấp hành các quy định trong vùng bảo hộ vệ sinh.

3. Thuyết minh, trình bày tình hình khai thác nước dưới đất tại công trình với các nội dung chính sau:

a) Thuyết minh, mô tả tình hình khai thác nước dưới đất tại công trình, gồm các thông tin chủ yếu: năm bắt đầu khai thác, lưu lượng, chế độ khai thác qua từng thời kỳ và lưu lượng, chế độ khai thác hiện tại, kèm theo bảng, biểu đồ khai thác nước dưới đất;

b) Tổng hợp, đánh giá diễn biến mực nước, chất lượng nước qua từng thời kỳ tại công trình khai thác (nếu có).

II. Kế hoạch khai thác, sử dụng nước dưới đất trong thời gian đề nghị cấp phép

1. Thuyết minh, trình bày kế hoạch, phương án khai thác nước dưới đất

a) Thuyết minh nhu cầu, mục đích sử dụng nước; xây dựng biểu đồ dùng nước theo từng tháng trong năm;

b) Thuyết minh, trình bày các thông số khai thác của công trình, gồm các thông tin: lưu lượng, mực nước tĩnh, mực nước động, chế độ khai thác của từng công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động) trong thời gian tới;

c) Thuyết minh, trình bày phương án bố trí thiết bị, nhân lực quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình trong thời gian tới;

d) Thiết lập hoặc bổ sung các vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác và bổ sung quy định nội dung cần phải tuân thủ trong vùng bảo hộ vệ sinh của công trình (nếu chưa có).

2. Các cam kết của chủ công trình

a) Các cam kết và chịu trách nhiệm về tính trung thực cũng như nguồn gốc của các thông tin, số liệu trình bày trong báo cáo;

b) Trình bày cụ thể các cam kết của chủ công trình, gồm việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất nếu được cấp phép; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực cấp nước; tuân thủ việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình, chế độ báo cáo đối với cơ quan quản lý và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phụ lục kèm theo Báo cáo:

1. Bản vẽ cấu trúc công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang...).

2. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Mẫu 27

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO

HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẤY PHÉP

....................(1)

(Trường hợp gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên công trình, vị trí và lưu lượng khai thác

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG

BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẤY PHÉP

(Trường hợp gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày các thông tin của chủ giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (tên chủ giấy phép, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Trình bày các nội dung, thông tin chủ yếu của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đã được cấp gồm: số giấy phép, ngày cấp, cơ quan cấp, thời hạn còn lại của giấy phép, vị trí công trình khai thác; mục đích khai thác, sử dụng nước; tổng số giếng, tổng lượng nước khai thác, sử dụng; tầng chứa nước khai thác.

3. Khái quát các nội dung cơ bản của báo cáo, bao gồm các nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện giấy phép khai thác, lý do và nội dung đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

4. Đánh giá sự phù hợp của việc gia hạn/điều chỉnh nước dưới đất với các quy hoạch về tài nguyên nước, các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quy định có liên quan đến việc gia hạn/điều chỉnh nước dưới đất của tổ chức/cá nhân.

5. Thống kê các tài liệu sử dụng làm căn cứ lập báo cáo gồm: các báo cáo, tài liệu, số liệu quan trắc trong quá trình khai thác tại công trình; các văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu khác có liên quan.

6. Trình bày đầy đủ các thông tin về năng lực của tổ chức/cá nhân lập báo cáo và đánh giá việc đáp ứng các điều kiện theo quy định.

I. Hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tại công trình

1. Thuyết minh, mô tả tình trạng hoạt động của công trình khai thác, gồm các thông tin về: tình trạng hoạt động, tổng lưu lượng khai thác thực tế của công trình, lưu lượng, chế độ khai thác mùa mưa, mùa khô tại từng giếng khoan (giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động).

2. Tổng hợp, đánh giá diễn biến lưu lượng khai thác nước dưới đất đến thời điểm xin gia hạn/điều chỉnh giấy phép tại công trình, kèm theo bảng tổng hợp và đồ thị diễn biến lưu lượng khai thác.

3. Tổng hợp, đánh giá diễn biến mực nước đến thời điểm xin gia hạn/điều chỉnh giấy phép tại từng giếng khoan (hoặc giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động), kèm theo bảng tổng hợp và đồ thị diễn biến mực nước.

4. Tổng hợp, đánh giá diễn biến chất lượng nước trong quá trình khai thác nước dưới đất đến thời điểm xin gia hạn/điều chỉnh giấy phép, kèm theo bảng tổng hợp kết quả phân tích mẫu nước các thời kỳ.

5. Tổng hợp, đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác nước dưới đất đến tình trạng sụt lún đất, biến dạng công trình, gia tăng nhiễm bẩn, nhiễm mặn, suy giảm các dòng chảy mặt và ảnh hưởng đến các công trình khai thác nước dưới đất xung quanh (nếu có).

II. Tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép

1. Thuyết minh, trình bày cụ thể tình hình thực hiện các nội dung quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

2. Thuyết minh, trình bày việc thực hiện các nghĩa vụ của chủ giấy phép được quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và các nghĩa vụ khác có liên quan, kèm theo giấy tờ chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính (khi có yêu cầu của cơ quan thẩm định).

III. Nội dung đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác

1. Trình bày các lý do liên quan đến việc đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (thay đổi nhu cầu, mục đích sử dụng nước; thay đổi số lượng giếng; thay đổi lưu lượng khai thác hoặc các lý do khác có liên quan).

Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung lý do.

2. Thời gian đề nghị gia hạn:.... tháng/năm (đối với trường hợp đề nghị gia hạn giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất).

3. Thuyết minh, mô tả nhu cầu sử dụng nước hiện tại và trong các năm tới; nhu cầu tăng/giảm công suất khai thác, kế hoạch khai thác nước dưới đất trong các năm tới.

4. Trình bày các nội dung đề nghị điều chỉnh (trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất).

5. Các cam kết của chủ công trình.

a) Các cam kết và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin, số liệu trình bày trong báo cáo.

b) Trình bày cụ thể các cam kết của chủ công trình, gồm việc tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất nếu được gia hạn/điều chỉnh giấy phép; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực cấp nước; tuân thủ việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất tại công trình, chế độ báo cáo đối với cơ quan quản lý và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

IV. Phương án khai thác nước dưới đất (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh giấy phép có liên quan đến quy mô công trình, số lượng giếng khai thác, mực nước khai thác).

1. Thuyết minh nhu cầu, mục đích sử dụng nước; xây dựng biểu đồ dùng nước theo từng tháng trong năm.

2. Thuyết minh, mô tả sơ đồ công trình khai thác và các thông số khai thác của công trình, gồm các thông tin về lưu lượng, mực nước tĩnh, mực nước động, chế độ khai thác của từng giếng, kèm theo sơ đồ bố trí công trình khai thác nước dưới đất và bản vẽ cấu trúc giếng (trường hợp điều chỉnh có sự thay đổi quy mô công trình, số lượng giếng khai thác).

Yêu cầu nội dung của sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất phải thể hiện được các thông tin chính gồm: các thông tin về ranh giới, địa danh hành chính, hệ thống sông suối, giao thông, dân cư, vị trí, các thông số chính của công trình khai thác nước dưới đất, các công trình khai thác đang hoạt động khu vực xung quanh.

3. Thuyết minh, trình bày phương án bổ sung công trình quan trắc; phương án lắp đặt thiết bị, bố trí nhân lực quan trắc; thiết lập bổ sung và mô tả các vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác (trường hợp điều chỉnh tăng số lượng giếng khai thác).

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phụ lục kèm theo Báo cáo:

1. Bản vẽ cấu trúc công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang...) đối với trường hợp điều chỉnh tăng số lượng công trình khai thác.

2. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

3. Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung tài liệu chứng minh lý do đề nghị cấp lại giấy phép và các giấy tờ khác có liên quan.

Mẫu 28

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

ĐỀ ÁN

KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

.......................................................................................................................(1)

(Đối với trường hợp chưa có công trình khai thác)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP ĐỀ ÁN
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên, vị trí và quy mô công trình khai thác, sử dụng nước

HƯỚNG DẪN

NỘI DUNG ĐỀ ÁN KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

(Đối với trường hợp chưa có công trình khai thác)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, nơi cấp, ngày cấp địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Trình bày sự phù hợp của công trình khai thác, sử dụng nước xin cấp phép với quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành hoặc các quy hoạch khác có liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước.

3. Trình bày các thông tin cơ bản của công trình khai thác, sử dụng nước xin cấp phép.

- Tên, vị trí công trình: thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố; tọa độ tim các hạng mục chính của công trình (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu).

- Nguồn nước khai thác, sử dụng: tên sông/suối/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; nêu rõ sông/suối là phụ lưu, phân lưu, thuộc hệ thống sông nào; trường hợp công trình có chuyển nước thì trình bày cả thông tin về nguồn nước tiếp nhận.

- Nhiệm vụ và quy mô: Thuyết minh chi tiết từng nhiệm vụ của công trình khai thác, sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên, quy mô và thời kỳ phục vụ của công trình cho từng mục đích sử dụng nước.

- Mục đích khai thác, sử dụng nước: cấp nước sinh hoạt, tưới, sản xuất công nghiệp, phát điện, nuôi trồng thủy sản... Trường hợp công trình khai thác, sử dụng nước cho nhiều mục đích thì nêu rõ từng mục đích sử dụng.

- Loại hình công trình: Trình bày loại hình công trình và phương thức khai thác, sử dụng nước bằng các hạng mục chính của công trình (lấy nước, dẫn nước, chuyển nước). Đối với công trình hồ chứa, trình bày các hạng mục công trình để đảm bảo: duy trì dòng chảy tối thiểu; sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu; sử dụng dung tích chết của hồ chứa trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng; sự di cư của các loài cá; việc đi lại của phương tiện vận tải thủy,...

- Phương thức khai thác, sử dụng nước: trình bày phương thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước bằng các hạng mục chính của công trình.

- Chế độ và lượng nước khai thác, sử dụng: trình bày chế độ khai thác, sử dụng nước của công trình cho từng mục đích theo các thời kỳ trong năm (thời gian, lưu lượng và lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất và nhỏ nhất).

- Các thông số kỹ thuật cơ bản của công trình khai thác, sử dụng nước.

- Hiện trạng xây dựng và thời gian dự kiến hoàn thành, vận hành công trình: trình bày thời gian khởi công xây dựng và thời gian dự kiến đưa công trình đi vào khai thác, sử dụng; trình bày tiến độ hoàn thành các hạng mục chính của công trình tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép.

4. Thuyết minh căn cứ lập đề án khai thác, sử dụng nước:

- Căn cứ pháp lý: nêu các văn bản pháp lý khác liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước.

- Liệt kê các tài liệu, thông tin, số liệu sử dụng lập đề án (tài liệu đo đạc, điều tra, đánh giá nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước,...); các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật áp dụng; nguồn gốc

- Đánh giá mức độ đầy đủ, tin cậy của tài liệu, thông tin, số liệu sử dụng.

5. Thông tin về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan đối với trường hợp phải lấy ý kiến hoặc thông báo theo quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 và Điều 2 của Nghị định này.

Trường hợp phải lấy ý kiến hoặc thông báo: Trình bày rõ trình tự, nội dung thực hiện và tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức cá nhân liên quan.

6. Thông tin về tổ chức, cá nhân lập đề án: thuyết minh lĩnh vực hoạt động, điều kiện năng lực, kinh nghiệm của tổ chức/cá nhân lập đề án; danh sách, trình độ chuyên môn của các thành viên tham gia lập đề án.

(Đính kèm Sơ đồ (khổ A4 đến A3) khu vực công trình khai thác, sử dụng nước, trong đó thể hiện rõ: vị trí các hạng mục chính của công trình, địa danh hành chính các cấp của khu vực)

Chương I

ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NƯỚC VÀ TÌNH HÌNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC

(Trình bày đặc điểm và tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước đề nghị được cấp phép. Trường hợp có chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác thì trình bày cả đặc điểm và tình hình khai thác, sử dụng nước của nguồn nước tiếp nhận).

I. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội

1. Mô tả khái quát vị trí địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, thảm phủ thực vật khu vực dự kiến xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước.

2. Mô tả tình hình dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội khu vực dự án và vùng phụ cận (dân cư và phân bố dân cư, đô thị, hiện trạng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và các ngành khác liên quan đến sử dụng nước, nguồn nước khai thác, sử dụng).

II. Mạng lưới sông suối

1. Trình bày vị trí nguồn nước khai thác trong mạng lưới sông suối của lưu vực (phụ lưu/phân lưu/dòng chính), vị trí nguồn sông, cửa sông, các địa danh hành chính mà sông, suối chảy qua.

2. Trình bày cụ thể các đặc trưng hình thái của nguồn nước khai thác (chiều dài, diện tích lưu vực, hình dạng, độ dốc,...) và đặc điểm sông, suối, hồ chứa, các công trình điều tiết nước có liên quan trong khu vực.

III. Đặc điểm khí tượng, thủy văn

1. Mô tả mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông và vùng phụ cận (tên, vị trí trạm, yếu tố đo, tần suất đo, thời kỳ quan trắc).

2. Luận chứng việc lựa chọn các trạm quan trắc và số liệu sử dụng để tính toán trong đề án.

3. Phân tích đặc điểm mưa, bốc hơi, dòng chảy sông, suối theo các thời kỳ trong năm của khu vực dự án và vùng phụ cận.

IV. Chế độ dòng chảy

Thuyết minh, đánh giá phương pháp tính toán, xử lý số liệu và kết quả tính toán các đặc trưng thủy văn tại tuyến xây dựng công trình hoặc vị trí khai thác nước, bao gồm:

1. Đối với loại hình công trình hồ, đập.

a) Dòng chảy năm:

+ Quá trình biến đổi dòng chảy trong năm; biến đổi dòng chảy năm trong nhiều năm.

+ Dòng chảy trung bình nhiều năm (các đặc trưng và dòng chảy tương ứng với tần suất).

+ Mô hình phân phối dòng chảy năm theo các nhóm năm nhiều nước, trung bình, ít nước.

b) Đường duy trì lưu lượng bình quân ngày.

c) Dòng chảy lũ:

+ Lưu lượng đỉnh lũ, tổng lượng lũ và quá trình lũ ứng với các tần suất.

+ Lưu lượng lớn nhất các tháng mùa lũ ứng với các tần suất.

d) Dòng chảy kiệt: Lưu lượng bình quân mùa kiệt, ba tháng kiệt nhất, tháng kiệt nhất và ngày nhỏ nhất ứng với các tần suất.

đ) Đường quan hệ lưu lượng, mực nước Q(fz) hạ lưu công trình.

e) Dòng chảy bùn cát: số liệu quan trắc bùn cát, lượng bùn cát trung bình nhiều năm; phân tích đánh giá bồi lắng hồ chứa và tính toán tuổi thọ công trình.

g) Mô tả chế độ triều, biên độ triều, các tác động của hoạt động triều đến nguồn nước khai thác (đối với công trình khai thác nước nằm trong vùng ảnh hưởng triều).

2. Đối với loại hình công trình cống, trạm bơm, kênh dẫn:

a) Phân tích diễn biến mực nước, lưu lượng theo các tháng trong năm, trung bình nhiều năm.

b) Các giá trị mực nước, lưu lượng trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất từng tháng trong chuỗi số liệu tính toán; ứng với tần suất thiết kế của công trình.

c) Quan hệ mực nước, lưu lượng tại vị trí khai thác.

d) Biến đổi dòng chảy kiệt thời kỳ nhiều năm (mùa kiệt, ba tháng kiệt nhất, tháng kiệt nhất).

đ) Dòng chảy bùn cát: độ đục, lưu lượng bùn cát lơ lửng trung bình năm, nhiều năm.

e) Mô tả chế độ triều, biên độ triều, các tác động của hoạt động triều đến nguồn nước khai thác (đối với công trình khai thác nước nằm trong vùng ảnh hưởng triều).

V. Chất lượng nguồn nước

1. Phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nước dựa vào số liệu đo chất lượng nước tại các trạm quan trắc gần nhất nằm ở thượng, hạ lưu công trình; kết quả phân tích chất lượng nước cho mục đích sử dụng tại thời điểm xin cấp phép (trừ trường hợp khai thác nước cho thủy điện).

2. Đánh giá các yếu tố tác động đến chất lượng nguồn nước khu vực khai thác.

VI. Hiện trạng khai thác, sử dụng nước và hệ sinh thái thủy sinh trong khu vực

1. Trình bày tổng quan nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh, các ngành sử dụng nước chính trong khu vực dự án và vùng phụ cận.

2. Trình bày các công trình khai thác, sử dụng nước hiện tại và dự kiến trên lưu vực nguồn nước khai thác, sử dụng, cụ thể như sau:

a) Đối với công trình khai thác, sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp: phương thức, chế độ và yêu cầu khai thác, sử dụng nước; các thời kỳ lấy nước trong năm; lưu lượng và tổng lượng nước khai thác, sử dụng trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất theo từng thời kỳ;

b) Đối với công trình khai thác, sử dụng nước cho thủy điện: phương thức và chế độ khai thác, sử dụng nước; lưu lượng phát điện ngày, tháng, mùa, năm trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất; chế độ và lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu sau công trình;

c) Đối với công trình khai thác, sử dụng nước cho các mục đích khác (cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản...): phương thức, chế độ và yêu cầu khai thác, sử dụng nước; lượng nước khai thác trong ngày, tháng, mùa, năm (trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất).

3. Phân tích, đánh giá ảnh hưởng việc khai thác, sử dụng nước của các công trình nêu trên đến nguồn nước khai thác, sử dụng của dự án.

4. Hệ sinh thái thủy sinh: Mô tả hiện trạng hệ sinh thái thủy sinh, các loài thủy sinh quý hiếm cần bảo tồn trong khu vực nguồn nước khai thác, sử dụng.

(Đính kèm Sơ đồ minh họa (khổ A4 đến A3) khu vực khai thác, sử dụng nước, trong đó thể hiện rõ: mạng lưới sông suối; các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn; các công trình khai thác, sử dụng nước; địa danh hành chính các cấp của khu vực; trường hợp có chuyển nước sang lưu vực sông khác thì phải có cả thông tin về khu vực và nguồn nước tiếp nhận).

Chương II

NHU CẦU VÀ PHƯƠNG THỨC KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC

I. Phương pháp và kết quả tính toán nhu cầu nước

1. Đối với công trình khai thác, sử dụng nước đề nghị cấp phép

a) Trình bày phương pháp và số liệu dùng để tính toán nhu cầu nước cho từng nhiệm vụ của công trình theo từng thời kỳ trong năm (bao gồm cả nhiệm vụ bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu công trình).

b) Trình bày kết quả tính toán nhu cầu nước (theo dạng bảng biểu) cho từng nhiệm vụ của công trình theo từng thời kỳ và tổng lượng nước khai thác trong năm.

2. Đối với các nhu cầu sử dụng nước khác trong khu vực:

a) Trình bày phương pháp và số liệu dùng để tính toán nhu cầu nước cho các mục đích sử dụng nước khác trong khu vực theo từng thời kỳ trong năm;

b) Trình bày kết quả tính toán nhu cầu nước (theo dạng bảng biểu) cho các mục đích khác trong khu vực tổng lượng nước khai thác, sử dụng theo các thời kỳ trong năm.

3. Tổng hợp nhu cầu khai thác, sử dụng nước trong khu vực theo từng thời kỳ trong năm, bao gồm: nhu cầu sử dụng nước của công trình đề nghị cấp phép và các nhu cầu sử dụng nước khác (lập biểu tổng hợp nhu cầu sử dụng nước).

4. Đánh giá khả năng của nguồn nước bảo đảm cho nhu cầu sử dụng nước của công trình đề nghị cấp phép và cho các nhu cầu sử dụng nước khác trong khu vực theo từng thời kỳ trong năm.

II. Chế độ và lượng nước khai thác, sử dụng nước

1. Trình bày chế độ khai thác, sử dụng nước của công trình cho từng mục đích theo các thời kỳ trong năm (thời gian, lưu lượng và lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất và nhỏ nhất).

2. Trình bày phương án vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

3. Trình bày phương án vận hành công trình để đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu và đảm bảo đường đi của cá (nếu có).

III. Biện pháp giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước

1. Luận chứng việc xác định vị trí đo, phương pháp đo, yếu tố đo, tần suất đo, thiết bị đo của trạm quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng nước của công trình.

2. Phương án bố trí nhân lực quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng nước; đối với dự án xây dựng hồ chứa, phải có phương án quan trắc khí tượng thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa.

Chương III

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

I. Tác động của việc khai thác, sử dụng nước đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác

1. Tác động đến nguồn nước

a) Đánh giá, dự báo sự biến đổi mực nước, lưu lượng và chất lượng nước ở thượng và hạ lưu công trình theo từng thời kỳ khai thác, sử dụng nước.

b) Đối với dự án có xây dựng hồ, đập làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông, suối phải đánh giá, dự báo sự biến đổi mực nước, lưu lượng, chất lượng nước trên đoạn sông, suối bị gián đoạn. Trường hợp dự án có chuyển nước sang lưu vực sông khác phải đánh giá, dự báo sự biến đổi mực nước, lưu lượng, chất lượng nước ở cả nguồn nước khai thác và nguồn nước tiếp nhận.

2. Tác động đến các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác

a) Đánh giá tác động do việc vận hành khai thác, sử dụng nước của công trình tới các công trình khai thác, sử dụng nước ở thượng, hạ lưu công trình (an toàn công trình, chế độ và phương thức khai thác, sử dụng nước) trong các thời kỳ mùa lũ, mùa kiệt, thời kỳ cấp nước gia tăng, thời kỳ hạn hán thiếu nước.

b) Đối với loại hình công trình hồ chứa, bổ sung đánh giá ảnh hưởng của việc xả lũ đến hạ lưu công trình (diện tích ngập lụt và thiệt hại do lũ gây ra) trong các trường hợp: vận hành bình thường trong mùa lũ, vận hành xả lũ để bảo vệ công trình, vận hành trong tình huống vỡ đập; trường hợp có chuyển nước sang lưu vực sông khác thì phải đánh giá ảnh hưởng đến: chế độ dòng chảy (mùa lũ, mùa kiệt), chế độ phù sa, bùn cát, xói lở lòng, bờ, bãi sông, các công trình khai thác, sử dụng nước trên nguồn tiếp nhận; dự báo khả năng bồi lấp, khô cạn các cảng sông, tuyến, luồng giao thông thủy.

3. Tác động đến môi trường

Đánh giá, dự báo sự biến đổi lượng phù sa, bùn cát, xói lở, bồi lắng lòng, bờ bãi sông; biến đổi hệ sinh thái thủy sinh và các loài động thực vật quý hiếm cần bảo tồn; tác động của việc xây dựng công trình đến diện tích, chất lượng rừng, thảm phủ thực vật; tác động do sự cố xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng nước của công trình.

II. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực

Thuyết minh cụ thể phương án, biện pháp và kế hoạch thực hiện phòng, chống và giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động khai thác, sử dụng nước của công trình gây ra.

1. Xây dựng giải pháp giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện trong thời gian xây dựng, vận hành công trình.

a) Bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, đảm bảo yêu cầu cấp nước phía hạ du:

- Trình bày toàn bộ các hạng mục vận hành xả nước của công trình, bao gồm các hạng mục như xả tràn, xả sâu, cống xả cát, công trình xả dòng chảy tối thiểu,...

- Trình bày cụ thể phương pháp xác định giá trị dòng chảy tối thiểu và có giải pháp công trình xả phù hợp với giá trị đề xuất (đối với công trình xả dòng chảy tối thiểu, nêu rõ các thông số chính của công trình, năng lực xả,... kèm theo bản vẽ của công trình).

b) Sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu.

c) Bảo đảm sự di cư của các loài cá; việc đi lại của phương tiện vận tải thủy,...

d) Các giải pháp bảo đảm sử dụng dung tích chết của hồ chứa để cấp nước cho hạ du trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng (đối với công trình hồ, đập).

đ) Giải pháp khai thác nguồn nước thay thế trong trường hợp xẩy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước khai thác (đối với công trình cấp nước cho mục đích sinh hoạt).

2. Các giải pháp bảo đảm vận hành an toàn công trình.

3. Các giải pháp có liên quan đến: Phòng chống sạt lở, lũ, lụt hạ du; Hành lang bảo vệ hồ chứa; Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực khai thác cho mục đích sinh hoạt;...

III. Giải trình các ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư

KIẾN NGHỊ VÀ CAM KẾT

1. Các kiến nghị liên quan đến việc cấp phép khai thác, sử dụng nước.

2. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép (về tính chính xác, trung thực của tài liệu, thông tin, số liệu trong đề án; nghiêm túc thực hiện các biện pháp, phương án phòng ngừa, giảm thiểu tác động của công trình khai thác, sử dụng nước và lộ trình thực hiện; thực hiện các quy định trong giấy phép,...).

Phụ lục kèm theo Đề án:

1. Bản sao các văn bản pháp lý có liên quan đến việc xin phép khai thác, sử dụng nước: quyết định thành lập tổ chức/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; quyết định phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành liên quan; văn bản chấp thuận đầu tư (nếu có); văn bản góp ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan và văn bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình nếu thuộc trường hợp phải lấy ý kiến (quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước và Điều 2 của Nghị định này).

2. Phụ lục thông tin, số liệu về khí tượng, thủy văn và các tài liệu liên quan sử dụng để lập Đề án.

Mẫu 29

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO

HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

.......................................................................................................................(1)

(Đối với trường hợp đã có công trình khai thác)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
(Ký, đóng dấu)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
(Ký, đóng dấu)

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên, vị trí và quy mô công trình khai thác, sử dụng nước

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG

BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

(Đối với trường hợp đã có công trình khai thác)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin về tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Trình bày tóm tắt về công trình khai thác, sử dụng nước xin cấp phép, với các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, mục đích, quy mô, nhiệm vụ của công trình (đối với công trình có nhiều nhiệm vụ thì sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên).

b) Vị trí công trình khai thác, sử dụng nước: thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố nơi đặt công trình.

c) Nguồn nước khai thác, sử dụng: nêu rõ tên sông/suối (sông chính/phụ lưu/ phân lưu cấp...., thuộc hệ thống sông/lưu vực sông....)/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; vị trí tọa độ, địa danh điểm lấy nước (thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố).

d) Phương thức khai thác, sử dụng nước: mô tả loại hình công trình, các hạng mục chính của công trình lấy nước, dẫn nước, chuyển nước... (Bảng thông số kỹ thuật cơ bản của công trình liên quan đến khai thác, sử dụng nước).

đ) Các căn cứ pháp lý liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành công trình; thời gian bắt đầu vận hành công trình.

3 Tóm tắt tình hình hoạt động của công trình đến thời điểm nộp hồ sơ; tình hình tuân thủ pháp luật về tài nguyên nước, tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa (nếu thuộc quy trình), tuân thủ các quy định của Giấy phép (nếu đã được cấp phép); những thay đổi của công trình đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép; tình hình thực hiện các nghĩa vụ tài chính; thanh tra, kiểm tra (nếu có).

4. Trình bày các thông tin, số liệu sử dụng để lập báo cáo:

a) Liệt kê các tài liệu, thông tin, số liệu đo đạc, đánh giá nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong tính toán, lập báo cáo; nêu rõ nguồn gốc thông tin, số liệu thu thập.

b) Đánh giá mức độ, tin cậy của tài liệu, thông tin, số liệu sử dụng.

5. Thuyết minh lĩnh vực hoạt động, điều kiện năng lực, kinh nghiệm của tổ chức/cá nhân lập báo cáo; danh sách, trình độ chuyên môn của các thành viên tham gia lập báo cáo.

Chương I

ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NƯỚC

(Trình bày đặc điểm nguồn nước khai thác, sử dụng đề nghị được cấp phép. Trường hợp có chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác thì trình bày cả đặc điểm của nguồn nước tiếp nhận).

I. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội

1. Trình bày khái quát vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên khu vực khai thác, sử dụng nước và vùng phụ cận; phân tích, đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố này đến nguồn nước trên lưu vực và nguồn nước khai thác, sử dụng.

2. Trình bày khái quát đặc điểm kinh tế - xã hội khu vực khai thác, sử dụng nước và vùng phụ cận (phân bố dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước,...).

II. Mạng lưới sông suối

1. Mô tả vị trí nguồn nước khai thác trong mạng lưới sông suối của lưu vực (phụ lưu/phân lưu/dòng chính), vị trí nguồn sông, cửa sông, các địa danh hành chính mà sông, suối chảy qua.

2. Mô tả cụ thể các đặc trưng hình thái của nguồn nước khai thác và các sông, suối, hồ chứa, các công trình điều tiết nước có liên quan trong khu vực.

III. Đặc điểm khí tượng, thủy văn

1. Mô tả mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông (có nguồn nước khai thác) và vùng phụ cận (tên, vị trí trạm, yếu tố đo, tần suất đo, thời kỳ quan trắc); luận chứng việc lựa chọn trạm quan trắc và số liệu sử dụng để tính toán trong báo cáo.

2. Phân tích đặc điểm mưa, bốc hơi, dòng chảy sông, suối theo các thời kỳ trong năm của khu vực khai thác, sử dụng nước và vùng phụ cận.

(Đính kèm Sơ đồ minh họa (khổ A4 đến A3) khu vực khai thác, sử dụng nước, trong đó thể hiện rõ: mạng lưới sông suối; các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn; các công trình khai thác, sử dụng nước; địa danh hành chính các cấp của khu vực; trường hợp có chuyển nước sang lưu vực sông khác thì phải có cả thông tin về khu vực và nguồn nước tiếp nhận).

IV. Chế độ dòng chảy

1. Trình bày đặc điểm dòng chảy năm, dòng chảy mùa lũ, mùa kiệt; phân phối dòng chảy các tháng trong năm.

2. Trình bày cụ thể phương pháp và kết quả tính toán các đặc trưng thủy văn tại vị trí tuyến công trình theo thời gian tháng, mùa, năm trước và sau khi vận hành công trình.

3. Phân tích, đánh giá diễn biến nguồn nước khai thác trước và sau khi có công trình.

4. Đánh giá diễn biến tổng lượng bùn cát năm, mùa lũ, mùa cạn trong quá trình vận hành công trình.

V. Chất lượng nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh

1. Phân tích, đánh giá đặc điểm, diễn biến chất lượng nguồn nước khu vực khai thác trước và sau khi vận hành công trình.

2. Phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến chất lượng nguồn nước khu vực khai thác.

Chương II

TÌNH HÌNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC VÀ KẾ HOẠCH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC

I. Hiện trạng công trình khai thác, sử dụng nước xin cấp phép

1. Trình bày cụ thể vị trí, nhiệm vụ, quy mô của công trình; các hạng mục chủ yếu và phương thức khai thác, sử dụng nước của công trình.

2. Trình bày cụ thể về tình trạng hoạt động của công trình đến thời điểm lập báo cáo; những thay đổi của công trình trong suốt quá trình vận hành (kèm theo bảng các thông số kỹ thuật cơ bản của công trình khai thác, sử dụng nước tại thời điểm lập báo cáo).

3. Trình bày cụ thể việc tuân thủ quy định về tài nguyên nước, quy định việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa (nếu thuộc phạm vi), các quy định trong Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; tình hình thực hiện các nghĩa vụ tài chính; thanh tra, kiểm tra (nếu có). Riêng đối với loại hình công trình hồ, đập cần đánh giá việc tuân thủ quy trình vận hành xả dòng chảy tối thiểu; quan trắc, giám sát tài nguyên nước, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, an toàn công trình.

(Đính kèm Sơ đồ (khổ A4 đến A3) khu vực công trình khai thác, sử dụng nước, trong đó thể hiện rõ: mạng lưới sông suối; địa danh hành chính các cấp của khu vực, các hạng mục chính của công trình).

II. Tình hình khai thác, sử dụng nước của công trình

1. Trình bày cụ thể chế độ, lượng nước khai thác cho từng mục đích sử dụng trong suốt thời gian vận hành công trình, đến thời điểm lập báo cáo:

a) Đối với khai thác, sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản: trình bày cụ thể các thời kỳ (tháng/mùa/vụ) lấy nước trong năm; số giờ, số ngày lấy nước trong từng thời kỳ; lưu lượng (m3/s) và tổng lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất theo từng thời kỳ; diễn biến lượng nước khai thác, sử dụng qua các năm.

b) Đối với khai thác, sử dụng nước cho thủy điện: nêu rõ số giờ phát điện, lưu lượng phát điện trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất (m3/s), tổng lượng nước phát điện trong năm và diễn biến qua các năm; chế độ và lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu (m3/s) trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất sau công trình (nếu có).

c) Đối với khai thác, sử dụng nước cho các mục đích khác: trình bày cụ thể lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất (m3/ngày đêm) theo các thời kỳ (tháng/mùa/vụ) lấy nước trong năm và diễn biến qua các năm khai thác.

2. Trình bày tổng lượng nước khai thác, sử dụng cho từng thời kỳ và tổng lượng nước khai thác, sử dụng trong từng năm đối với công trình khai thác, sử dụng nước phục vụ nhiều mục đích.

3. Trình bày cụ thể các vị trí quan trắc và nội dung, phương pháp, chế độ, thiết bị quan trắc, giám sát trong quá trình khai thác, sử dụng nước.

4. Đánh giá tình hình khai thác, sử dụng nước của công trình

III. Tình hình khai thác, sử dụng nước của các tổ chức, cá nhân khác trong khu vực

1. Liệt kê các công trình khai thác, sử dụng nước liên quan hiện có trên lưu vực: tên, vị trí, loại hình công trình, nhiệm vụ, mục đích, quy mô, phạm vi cấp nước, khoảng cách đến công trình xin cấp phép,...

2. Trình bày cụ thể tình hình khai thác, sử dụng nước của các công trình có liên quan:

a) Đối với khai thác, sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản: các thời kỳ lấy nước trong năm; số giờ, số ngày lấy nước trong từng thời kỳ; chế độ, lưu lượng (m3/s) và tổng lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất theo từng thời kỳ.

b) Đối với công trình khai thác, sử dụng nước cho thủy điện: số thời gian phát điện trong ngày, tháng, mùa, năm; lưu lượng nước phát điện trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất (m3/s) theo ngày, tháng, mùa; chế độ và lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu (m3/s) sau công trình (nếu có).

c) Đối với công trình khai thác, sử dụng nước cho các mục đích khác: trình bày lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất (m3/ngày đêm) theo các thời kỳ ngày, tháng, mùa, năm.

d) Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của các công trình nêu trên đến nguồn nước và vận hành của công trình xin cấp phép.

3. Trình bày hiện trạng hệ sinh thái thủy sinh trong khu vực, liệt kê các loài quý hiếm cần bảo tồn trong khu vực khai thác, sử dụng.

IV. Kế hoạch khai thác, sử dụng nước của công trình trong thời gian đề nghị cấp phép: thuyết minh cụ thể nhu cầu, kế hoạch, chế độ khai thác, sử dụng nước của công trình trong thời gian đề nghị cấp phép.

Chương III

TÁC ĐỘNG TRONG QUÁ TRÌNH VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH VÀ BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

I. Đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng nước và vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước khác có liên quan trong khu vực

1. Đối với loại hình công trình hồ, đập.

a) Đánh giá tác động của việc điều tiết, vận hành công trình đến: chế độ dòng chảy (mực nước, lưu lượng) mùa lũ, mùa kiệt; chế độ phù sa/bùn cát, xói lở lòng, bờ, bãi sông; chất lượng nước; hệ sinh thái thủy sinh và việc khai thác, sử dụng nước của các đối tượng khác trên sông, suối phía thượng và hạ lưu công trình trong các thời kỳ (mùa lũ, mùa kiệt, thời kỳ dùng nước gia tăng).

b) Đối với công trình thủy điện kiểu đường dẫn: bổ sung đánh giá tác động đến chế độ dòng chảy, khai thác, sử dụng nước, hệ sinh thái thủy sinh trên các đoạn sông, suối giữa đập và nhà máy (thể hiện rõ độ dài đoạn sông, suối bị giảm nước, các đặc trưng dòng chảy, tình hình sử dụng nước...).

c) Trường hợp công trình có chuyển nước thì phải đánh giá tác động đến nguồn nước tiếp nhận (biến đổi dòng chảy, gia tăng lũ lụt, xói lở, bồi lấp, biến dạng hình thái sông/suối,...) và các hoạt động khai thác, sử dụng nước khác trên nguồn nước tiếp nhận.

2. Đối với các loại hình công trình khác: đánh giá các tác động đến chế độ dòng chảy (mực nước, lưu lượng) và các công trình khai thác, sử dụng nước khác trên sông, suối phía hạ lưu công trình theo từng thời kỳ sử dụng nước.

II. Thuyết minh các biện pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực và giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước

1. Đối với loại hình công trình hồ, đập, công trình có chuyển nước

a) Rà soát hiện trạng vận hành của biện pháp duy trì dòng chảy tối thiểu hiện có của công trình, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của biện pháp. Luận chứng, xác định dòng chảy tối thiểu cần phải duy trì ở hạ lưu công trình; thuyết minh biện pháp, phương án bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trong thời gian đề nghị cấp phép. Bao gồm: bản vẽ thiết kế hạng mục công trình xả dòng chảy tối thiểu, thể hiện rõ cao trình, vị trí hạng mục công trình, năng lực xả lớn nhất ứng với MNC; giải pháp dự phòng khi có nhu cầu gia tăng ở hạ du (nếu có).

b) Thuyết minh phương án, giải pháp khắc phục, giảm thiểu các tác động tiêu cực (đã đánh giá ở điểm a mục 1 của Chương này) trong thời gian đề nghị cấp phép (trong điều kiện bình thường và trong trường hợp xảy ra sự cố, thiên tai lũ lụt, hạn hán thiếu nước).

c) Thuyết minh tình hình thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa (nếu thuộc đối tượng); tình hình thực hiện các phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, ứng phó với tình huống thiên tai cho đập, hồ chứa và phương án phòng, chống lụt bão cho hạ du...

2. Đối với các loại hình khai thác, sử dụng nước khác:

a) Thuyết minh giải pháp, phương án khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc khai thác, sử dụng nước tại công trình (đã đánh giá ở điểm b mục 2 của Chương này) trong thời gian đề nghị cấp phép.

b) Riêng đối với loại hình khai thác, sử dụng nước cấp cho sinh hoạt tập trung cần thuyết minh rõ tình hình thực hiện xác định phạm vi vùng bảo hộ cấp nước sinh hoạt.

3. Thuyết minh các biện pháp giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước (giám sát lưu lượng khai thác, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu, mực nước, chất lượng nước): vị trí đo, loại dụng cụ đo, yếu tố đo, chế độ đo. Đối với loại hình công trình là hồ chứa, đập dâng: thuyết minh rõ phương án quan trắc khí tượng, thủy văn; dự báo lượng nước đến hồ; phương tiện, thiết bị, nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước.

4. Các cam kết của chủ công trình về việc khai thác, sử dụng nước, quan trắc, giám sát nguồn nước khai thác, sử dụng, vận hành công trình để bảo đảm dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu công trình và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động do vận hành công trình, khai thác, sử dụng nước gây ra.

Chương IV

ĐỀ ÁN KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

(Bổ sung thêm nội dung đề án khai thác, sử dụng nước mặt đối với trường hợp công trình đề xuất điều chỉnh quy mô công suất)

I. Thuyết minh luận chứng phương án điều chỉnh:

1. Căn cứ pháp lý: Liệt kê các văn bản, quyết định pháp lý liên quan đến việc điều chỉnh quy mô/quy trình vận hành công trình.

2. Căn cứ kỹ thuật: tính toán, luận chứng để đảm bảo chức năng nguồn nước, khả năng đáp ứng của nguồn nước đối với việc điều chỉnh quy mô công suất.

II. Phương án điều chỉnh:

1. Đối với trường hợp điều chỉnh các hạng mục công trình (nâng đập, xây mới nhà máy...):

- Thuyết minh rõ vị trí, quy mô, hạng mục, thông số của phương án điều chỉnh so với giấy phép đã được cấp và các biện pháp thi công các hạng mục công trình nêu trên.

- Thuyết minh rõ phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước so với quy mô trước khi điều chỉnh: cách thức lấy nước, thời gian lấy nước, chế độ vận hành công trình.

- Đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước, an toàn công trình đối với việc điều chỉnh quy mô công trình.

2. Đối với trường hợp bổ sung nguồn nước khai thác (biện pháp công trình chuyển nước về tuyến đập):

- Thuyết minh rõ nguồn nước khai thác (khu vực chuyển nước và khu vực nhận nước), biện pháp công trình chuyển nước về tuyến công trình hiện có, biện pháp nâng công suất (tăng dung tích điều tiết của hồ; nâng công suất tổ máy, lắp đặt tổ máy...) và các biện pháp thi công các hạng mục công trình.

- Thuyết minh rõ vị trí, thông số, quy mô của phương án điều chỉnh so với giấy phép đã được cấp.

- Thuyết minh rõ phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước so với quy mô trước khi điều chỉnh: cách thức lấy nước, thời gian lấy nước, chế độ vận hành công trình.

- Đánh giá các vấn đề an toàn công trình, an toàn hạ du của việc điều chỉnh quy mô của công trình.

III. Kế hoạch sử dụng nước theo phương án điều chỉnh:

Thuyết minh cụ thể nhu cầu, kế hoạch, chế độ khai thác, sử dụng trong thời gian đề nghị cấp phép theo phương án điều chỉnh. Trong đó, thuyết minh, tính toán rõ nhu cầu sự dụng nước cho từng mục đích (phát điện, tưới... xả dòng chảy tối thiểu).

IV. Đánh giá tác động và biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực theo phương án điều chỉnh:

1. Đối với trường hợp điều chỉnh các hạng mục công trình (nâng đập, xây mới nhà máy...):

Đánh giá tác động gia tăng của việc điều chỉnh quy mô công suất đến nguồn nước (gia tăng ngập lụt, xói lở...), môi trường, hệ sinh thái thủy sinh và các công trình khai thác, sử dụng nước ở phía thượng và hạ du công trình (nguy cơ ngập lụt ở thượng lưu; nguy cơ mất an toàn, thiếu nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước khu vực hạ du...) và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tương ứng với các tác động nêu trên (thuyết minh rõ biện pháp xả dòng chảy tối thiểu - nếu có điều chỉnh).

2. Đối với trường hợp bổ sung nguồn nước khai thác (biện pháp công trình chuyển nước về tuyến đập):

Đánh giá tác động và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tương ứng với mục a đối với lưu vực nhận nước.

Bổ sung đánh giá tác động đến lưu vực chuyển nước, cụ thể: tác động đến nguồn nước - suy giảm lượng nước), môi trường, hệ sinh thái thủy sinh và nguy cơ gây thiếu nước cho các công trình khai thác, sử dụng nước (nếu có).

KIẾN NGHỊ VÀ CAM KẾT

1. Các kiến nghị liên quan đến việc cấp phép khai thác, sử dụng nước.

2. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép (về tính chính xác, trung thực của tài liệu, thông tin, số liệu trong báo cáo; nghiêm túc thực hiện các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động của công trình khai thác, sử dụng nước và lộ trình thực hiện; thực hiện các quy định trong giấy phép,...).

Phụ lục kèm theo Báo cáo:

1. Bản sao các văn bản pháp lý liên quan đến việc xin phép khai thác, sử dụng nước: quyết định thành lập tổ chức/giấy phép đăng ký kinh doanh; quyết định phê duyệt quy hoạch chuyên ngành liên quan đến xây dựng công trình, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phê duyệt quy trình vận hành công trình/hồ chứa; văn bản bàn giao nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình (nếu có).

2. Phụ lục thông tin, số liệu về khí tượng, thủy văn; sổ vận hành công trình (ít nhất là 3 năm gần nhất tính đến thời điểm lập Báo cáo) và các tài liệu liên quan sử dụng để lập Báo cáo.

Mẫu 30

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO

HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

.......................................................................................................................(1)

(đối với trường hợp công trình thủy lợi gồm: hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, cống vận hành trước năm 2013)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
(Ký, đóng dấu)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
(Ký, đóng dấu)

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên, vị trí và quy mô công trình khai thác, sử dụng nước

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG

BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

(đối với trường hợp công trình thủy lợi gồm: hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, cống vận hành trước năm 2013)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin về tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Trình bày tóm tắt về công trình khai thác, sử dụng nước xin cấp phép, với các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, vị trí, mục đích, quy mô, nhiệm vụ, phương thức khai thác, sử dụng nước của công trình (Bảng thông số kỹ thuật cơ bản của công trình liên quan đến khai thác, sử dụng nước).

b) Nguồn nước khai thác, sử dụng: nêu rõ tên sông/suối (sông chính/phụ lưu/ phân lưu cấp...., thuộc hệ thống sông/lưu vực sông....)/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; vị trí tọa độ, địa danh điểm lấy nước (thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố).

c) Các căn cứ pháp lý liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành công trình; thời gian bắt đầu vận hành, tình hình hoạt động của công trình đến thời điểm nộp hồ sơ.

3. Tóm tắt tình hình hoạt động của công trình đến thời điểm nộp hồ sơ; tình hình tuân thủ các quy định về tài nguyên nước; những thay đổi thông số kỹ thuật của công trình đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép; khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình khai thác, sử dụng nước của công trình.

4. Trình bày các thông tin, số liệu sử dụng để lập báo cáo:

Liệt kê các tài liệu, thông tin, số liệu đo đạc, điều tra, đánh giá nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong tính toán, lập báo cáo; nêu rõ nguồn gốc thông tin, số liệu thu thập. Đánh giá mức độ đầy đủ, tin cậy của tài liệu, thông tin, số liệu sử dụng.

5. Thuyết minh lĩnh vực hoạt động, điều kiện năng lực, kinh nghiệm của tổ chức/cá nhân lập báo cáo; danh sách, trình độ chuyên môn của các thành viên tham gia lập báo cáo.

Chương I

ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NƯỚC

I. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội

Trình bày khái quát vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, thảm phủ thực vật khu vực khai thác, sử dụng nước và vùng phụ cận; đặc điểm kinh tế - xã hội khu vực khai thác, sử dụng nước và vùng phụ cận (phân bố dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, tình hình sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, xả nước thải,...).

II. Mạng lưới sông suối và đặc điểm khí tượng thủy văn

1. Mô tả vị trí nguồn nước khai thác trong mạng lưới sông suối của lưu vực (phụ lưu/phân lưu/dòng chính), vị trí nguồn sông, cửa sông; đặc trưng hình thái của nguồn nước khai thác và các sông, suối có liên quan trong khu vực.

2. Mô tả mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông (có nguồn nước khai thác) và vùng phụ cận (tên, vị trí trạm, yếu tố đo, tần suất đo, thời kỳ quan trắc); luận chứng việc lựa chọn trạm quan trắc và số liệu sử dụng để tính toán trong báo cáo.

3. Phân tích đặc điểm mưa, dòng chảy sông, suối theo các thời kỳ trong năm của khu vực khai thác, sử dụng nước.

(Đính kèm Sơ đồ minh họa (khổ A4 đến A3) khu vực khai thác, sử dụng nước, trong đó thể hiện rõ: mạng lưới sông suối; các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn; các công trình khai thác, sử dụng nước; địa danh hành chính các cấp của khu vực).

III. Chế độ dòng chảy

1. Trình bày các đặc trưng thủy văn tại vị trí tuyến công trình theo thời gian tháng, mùa, năm. Đối với loại hình hồ chứa, đập dâng: Trình bày đặc điểm dòng chảy năm, dòng chảy mùa lũ, mùa kiệt; phân phối dòng chảy các tháng trong năm. Đối với loại hình cống, trạm bơm, kênh dẫn: Trình bày đặc điểm mực nước, lưu lượng theo các tháng trong năm, quan hệ mực nước, lưu lượng tại vị trí khai thác.

2. Mô tả chế độ triều, biên độ triều, các tác động của hoạt động triều đến nguồn nước khai thác (đối với công trình khai thác nước nằm trong vùng ảnh hưởng triều).

Chương II

TÌNH HÌNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC

I. Hiện trạng công trình khai thác, sử dụng nước xin cấp phép

1. Trình bày cụ thể vị trí, nhiệm vụ, quy mô của công trình; các hạng mục chủ yếu và phương thức khai thác, sử dụng nước của công trình.

2. Trình bày cụ thể về tình trạng hoạt động của công trình đến thời điểm lập báo cáo; những thay đổi của công trình trong suốt quá trình vận hành (kèm theo bảng các thông số kỹ thuật cơ bản của công trình khai thác, sử dụng nước tại thời điểm lập báo cáo).

II. Tình hình khai thác, sử dụng nước của công trình

1. Trình bày cụ thể các thời kỳ (tháng/mùa/vụ) lấy nước trong năm; lưu lượng (m3/s) và tổng lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất theo từng thời kỳ; diễn biến lượng nước khai thác, sử dụng qua các năm.

2. Trình bày cụ thể các vị trí quan trắc và nội dung, phương pháp, chế độ, thiết bị quan trắc, giám sát trong quá trình khai thác, sử dụng nước.

3. Đánh giá tình hình khai thác, sử dụng nước của công trình: thuận lợi, khó khăn, bất cập, đề xuất (nếu có).

III. Tình hình khai thác, sử dụng nước của các tổ chức, cá nhân khác trong khu vực

1. Trình bày cụ thể tình hình khai thác, sử dụng nước của các công trình có liên quan: vị trí, nhiệm vụ, mục đích, phương thức, chế độ và yêu cầu khai thác, sử dụng nước của các công trình khai thác nước có liên quan.

2. Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của các công trình nêu trên đến nguồn nước và vận hành của công trình xin cấp phép.

Chương III

KẾ HOẠCH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC VÀ BIỆN PHÁP GIÁM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

I. Nhu cầu khai thác, sử dụng nước của công trình trong thời gian đề nghị cấp phép

Thuyết minh cụ thể nhu cầu, kế hoạch, chế độ khai thác, sử dụng nước của công trình trong thời gian đề nghị cấp phép.

II. Đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng nước và vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước khác có liên quan trong khu vực

Đánh giá tác động của việc điều tiết, vận hành công trình đến: chế độ dòng chảy (mực nước, lưu lượng) mùa lũ, mùa kiệt; xói lở lòng, bờ, bãi sông; chất lượng nước; hệ sinh thái thủy sinh và việc khai thác, sử dụng nước của các đối tượng khác trên sông, suối phía thượng và hạ lưu công trình trong các thời kỳ (mùa lũ, mùa kiệt, thời kỳ dùng nước gia tăng).

III. Thuyết minh các biện pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực và giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước

1. Đối với loại hình công trình hồ, đập: Luận chứng, xác định dòng chảy tối thiểu duy trì ở hạ lưu công trình; thuyết minh biện pháp, phương án bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu.

2. Đối với các loại hình khai thác, sử dụng nước khác: thuyết minh giải pháp, phương án khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc khai thác, sử dụng nước tại công trình trong thời gian đề nghị cấp phép.

3. Thuyết minh các biện pháp giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước (giám sát lưu lượng khai thác, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu, mực nước, chất lượng nước): vị trí đo, loại dụng cụ đo, yếu tố đo, chế độ đo. Thuyết minh rõ phương án quan trắc khí tượng, thủy văn; phương tiện, thiết bị, nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước.

KIẾN NGHỊ VÀ CAM KẾT

1. Các kiến nghị liên quan đến việc cấp phép khai thác, sử dụng nước.

2. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép (về tính chính xác, trung thực của tài liệu, thông tin, số liệu trong báo cáo; nghiêm túc thực hiện các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động của công trình khai thác, sử dụng nước và lộ trình thực hiện; thực hiện các quy định trong giấy phép,...).

Phụ lục kèm theo Báo cáo:

1. Bản sao các văn bản pháp lý liên quan đến việc xin phép khai thác, sử dụng nước: quyết định thành lập tổ chức/giấy phép đăng ký kinh doanh; quyết định phê duyệt quy hoạch chuyên ngành liên quan đến xây dựng công trình, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phê duyệt quy trình vận hành công trình/hồ chứa; văn bản bàn giao nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình (nếu có).

2. Phụ lục thông tin, số liệu về khí tượng, thủy văn; sổ vận hành công trình và các tài liệu liên quan sử dụng để lập Báo cáo.

Mẫu 31

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO HIỆN TRẠNG

KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT VÀ
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẤY PHÉP

...................................(1)

(đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
(Ký, đóng dấu)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
(Ký, đóng dấu)

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên, vị trí và quy mô công trình khai thác, sử dụng nước

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG

BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẤY PHÉP

(đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

A. BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẤY PHÉP

MỞ ĐẦU

Trình bày tóm tắt các thông tin về tổ chức/cá nhân đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép và công trình khai thác, sử dụng nước xin gia hạn, điều chỉnh, bao gồm:

1. Tên chủ giấy phép; địa chỉ, điện thoại liên hệ....

2. Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt số........ do (tên cơ quan cấp phép) cấp ngày:....... tháng..... năm....... với thời hạn...

3. Sơ lược về công trình khai thác, sử dụng nước và tình hình hoạt động của công trình.

4. Trình bày lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh.

Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung lý do.

5. Trình bày các căn cứ, thông tin, số liệu sử dụng để lập báo cáo đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép, đánh giá mức độ đầy đủ, tin cậy của tài liệu, thông tin, số liệu sử dụng.

6. Thuyết minh lĩnh vực hoạt động, điều kiện năng lực, kinh nghiệm của tổ chức/cá nhân lập báo cáo; danh sách, trình độ chuyên môn của các thành viên tham gia lập báo cáo.

I. Hiện trạng khai thác, sử dụng nước

1. Trình bày cụ thể về tình trạng hoạt động của công trình đến thời điểm lập báo cáo; những thay đổi của công trình trong quá trình vận hành (nếu có).

2. Trình bày lượng nước khai thác, sử dụng quy định trong giấy phép và lượng nước đã khai thác, sử dụng theo từng tháng/thời kỳ trong từng năm kể từ ngày được cấp phép đến thời điểm xin gia hạn/điều chỉnh giấy phép theo các mục đích sử dụng khác nhau; tổng lượng nước khai thác, sử dụng của công trình.

3. Trình bày tình hình diễn biến mực nước, lưu lượng nước, chất lượng nguồn nước trong quá trình khai thác, sử dụng; hiện trạng hệ sinh thái thủy sinh trong khu vực khai thác, sử dụng nước.

4. Phân tích, đánh giá các tác động, ảnh hưởng của công trình và quá trình vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường và các công trình khai thác, sử dụng nước khác trong khu vực và ngược lại.

(kèm theo bảng số liệu khai thác, sử dụng nước trong quá trình vận hành công trình).

II. Tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép

1. Đánh giá cụ thể tình hình thực hiện các quy định của giấy phép trong thời gian vận hành công trình, bao gồm:

a) Mục đích sử dụng nước.

b) Lượng nước khai thác, sử dụng.

c) Phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước, quy trình vận hành công trình...

2. Đánh giá tình hình thực hiện các yêu cầu theo quy định của giấy phép, gồm:

a) Việc chấp hành quy định về xả dòng chảy tối thiểu sau công trình (nếu có).

b) Việc quan trắc, giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước, xả dòng chảy tối thiểu trong quá trình khai thác, sử dụng nước.

c) Việc thực hiện chế độ báo cáo, nghĩa vụ tài chính, các yêu cầu cụ thể khác của giấy phép và các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đề nghị cấp phép.

III. Các kiến nghị liên quan đến gia hạn/điều chỉnh giấy phép

1. Thuyết minh cụ thể các vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng nước tại công trình.

2. Trình bày lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh và các nội dung đề nghị điều chỉnh so với giấy phép đã được cấp. Đối với trường hợp điều chỉnh quy mô công trình, phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước, quy trình vận hành công trình thì phải bổ sung thêm nội dung đề án khai thác nước (theo hướng dẫn tại mục B dưới đây).

3. Trình bày kế hoạch khai thác, sử dụng nước trong thời gian đề nghị cấp phép.

4. Đánh giá tác động của việc điều chỉnh đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng khai thác, sử dụng nước ở thượng hạ lưu công trình; các biện pháp giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện.

B. ĐỀ ÁN KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT (Bổ sung thêm nội dung đề án khai thác, sử dụng nước mặt đối với trường hợp có điều chỉnh quy mô công trình, phương thức, chế độ khai thác sử dụng nước, quy trình vận hành công trình).

I. Nội dung đề nghị điều chỉnh

Trình bày nội dung đề nghị điều chỉnh (quy mô công trình/phương thức/chế độ khai thác, sử dụng nước/quy trình vận hành công trình); các căn cứ kiến nghị điều chỉnh.

II. Phương án điều chỉnh và kế hoạch khai thác, sử dụng nước

1. Đối với điều chỉnh quy mô công trình: nêu rõ phương án điều chỉnh công suất, lưu lượng, lượng nước khai thác, sử dụng so với giấy phép đã được cấp.

2. Đối với điều chỉnh phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước: nêu rõ phương án điều chỉnh các hạng mục, thông số của công trình, cách thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước, sử dụng nước; thời gian lấy nước và chế độ vận hành công trình so với giấy phép đã được cấp.

3. Đối với điều chỉnh quy trình vận hành công trình: nêu rõ nội dung, phương án điều chỉnh so với quy trình vận hành đã được phê duyệt.

4. Trình bày cụ thể kế hoạch khai thác, sử dụng nước mặt theo các nội dung đề nghị điều chỉnh.

(kèm theo bảng tổng hợp các nội dung đề nghị điều chỉnh so với giấy phép đã được cấp)

III. Đánh giá tác động của việc điều chỉnh quy mô công trình/phương thức/chế độ khai thác, sử dụng nước/quy trình vận hành công trình và biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực

1. Đánh giá tác động của việc điều chỉnh quy mô công trình/phương thức/chế độ khai thác, sử dụng nước/quy trình vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường, hệ sinh thái thủy sinh và các công trình khai thác, sử dụng nước khác ở thượng, hạ lưu công trình.

2. Các biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực và lộ trình thực hiện./.

Mẫu 32

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

ĐỀ ÁN

KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

.......................................................................................................................(1)

(đối với trường hợp chưa có công trình khai thác)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
(Ký, đóng dấu)

ĐƠN VỊ LẬP ĐỀ ÁN
(Ký, đóng dấu)

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên, vị trí và quy mô công trình khai thác, sử dụng nước

HƯỚNG DẪN

NỘI DUNG ĐỀ ÁN KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

(đối với trường hợp chưa có công trình khai thác)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt các thông tin về tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND/căn cước công dân/số định danh cá nhân, nơi cấp, ngày cấp, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Trình bày thông tin cơ bản về dự án đầu tư có khai thác, sử dụng nước biển: tên, vị trí, quy mô, các hoạt động chính và nhu cầu khai thác, sử dụng nước biển.

3. Luận chứng việc lựa chọn sử dụng nước biển và vị trí lấy nước, xả nước của công trình.

4. Trình bày các căn cứ lập đề án khai thác, sử dụng nước biển.

- Các nội dung quy định liên quan đến khai thác, sử dụng nước biển của dự án được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, quy hoạch chuyên ngành, các văn bản pháp lý liên quan khác (nếu có).

- Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật áp dụng.

- Các tài liệu, thông tin số liệu sử dụng để lập đề án (tài liệu, số liệu đo đạc, điều tra, đánh giá nguồn nước biển ven bờ, hiện trạng khai thác, sử dụng nước biển; tên tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu, số liệu).

5. Trình bày thông tin cơ bản về công trình khai thác, sử dụng nước biển.

- Vị trí lấy nước biển: địa danh hành chính (thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố); tọa độ tim cửa lấy nước (theo hệ toạ độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu...).

- Vị trí sử dụng nước biển: địa danh hành chính (thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố); tọa độ tim nhà máy/tọa độ các góc khu vực sử dụng nước biển trên đất liền (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu).

- Vị trí xả nước biển sau khi sử dụng: địa danh hành chính (thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố); tọa độ tim cửa xả nước (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu).

- Nguồn nước tiếp nhận nước biển sau khi sử dụng: vùng biển ven bờ/tên sông, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá.

- Mục đích khai thác, sử dụng nước biển: cấp nước sản xuất công nghiệp, nhiệt điện, nuôi trồng hải sản, khai thác và chế biến khoáng sản,... Trường hợp công trình khai thác, sử dụng nước cho nhiều mục đích thì nêu rõ từng mục đích sử dụng.

- Loại hình công trình và phương thức khai thác, sử dụng nước biển: trình bày các hạng mục chính của công trình và cách thức lấy nước, xả nước biển sau khi sử dụng (trạm bơm, đường ống/kênh dẫn nước, ao, hồ chứa nước, xả nước biển,...).

- Chế độ và lượng nước khai thác, sử dụng nước biển: trình bày lưu lượng và lượng nước khai thác, sử dụng, lượng nước xả sau khi sử dụng trung bình, lớn nhất và nhỏ nhất trong từng thời kỳ trong năm cho từng mục đích sử dụng.

- Các thông số kỹ thuật cơ bản của công trình khai thác, sử dụng nước biển và xả nước sau khi sử dụng.

6. Thông tin về tổ chức, cá nhân lập đề án: thuyết minh lĩnh vực hoạt động, điều kiện năng lực, kinh nghiệm của tổ chức/cá nhân lập đề án; danh sách, trình độ chuyên môn của các thành viên tham gia lập đề án.

(Đính kèm sơ khu vực công trình khai thác, sử dụng nước trong đó thể hiện rõ các hạng mục chính và địa danh hành chính của công trình: vị trí lấy nước, khu vực sử dụng, vị trí xả của công trình).

Chương I

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI KHU VỰC KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC

I. Đặc điểm tự nhiên

1. Trình bày khái quát đặc điểm địa hình, địa mạo, tài nguyên đất, rừng, đất ngập nước, khoáng sản, cảnh quan môi trường ven biển.

2. Mô tả hệ thống sông, hồ, đầm, phá, kênh, rạch, các tầng chứa nước dưới đất khu vực cửa sông, ven biển.

3. Trình bày đặc điểm chất lượng nước vùng cửa sông, ven biển khu vực khai thác.

4. Trình bày đặc điểm hệ sinh thái thủy sinh vùng cửa sông, ven biển, nhu cầu phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái dưới nước, ven bờ.

II. Đặc điểm khí tượng, thủy văn, hải văn

1. Mô tả mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn trong khu vực, các yếu tố quan trắc và chế độ quan trắc, đánh giá độ tin cậy của số liệu.

2. Trình bày kết quả phân tích, xử lý số liệu khí tượng, thủy văn, hải văn (phục vụ tính toán).

3. Trình bày đặc điểm, chế độ mưa, bốc hơi, nhiệt độ nước và không khí, gió, bão (tháng, mùa, năm).

4. Trình bày đặc trưng thủy triều khu vực khai thác (chế độ thủy triều, mực nước đỉnh triều, mực nước chân triều, biên độ triều trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất, vận tốc dòng triều và chu kỳ triều), mực nước tổng cộng, hoàn lưu nước.

5. Trình bày đặc điểm và chế độ dòng chảy của sông, kênh, rạch trong vùng cửa sông, ven biển khu vực lấy nước của công trình (tháng, mùa, năm).

6. Trình bày đặc điểm và chế độ dòng chảy bùn cát trong sông, kênh, rạch trong vùng cửa sông, ven biển khu vực lấy nước (tháng, mùa, năm).

III. Tình hình khai thác, sử dụng nước trong khu vực

1. Trình bày tổng quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực: phân bố dân cư, thực trạng và dự kiến phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông thủy, du lịch, giải trí, hệ thống đê biển, đê cửa sông, các công trình bảo vệ bờ, các công trình lớn xây dựng trên đê, đê bao các vùng đầm phá...

2. Trình bày nhu cầu khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, nước biển phục vụ cho các mục đích cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản,... khu vực cửa sông, ven biển (vị trí, nhiệm vụ, chế độ và phương thức khai thác, sử dụng nước của các công trình).

3. Mô tả hoạt động giao thông thủy, bến cảng, các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão; các thông số cơ bản của bến cảng, khu neo đậu, luồng tàu, các hoạt động giao thông thủy ở vùng cửa sông, ven biển trong khu vực.

4. Đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản,... khu vực cửa sông, ven biển đến việc khai thác, sử dụng nước của dự án.

Chương II

NHU CẦU VÀ PHƯƠNG THỨC KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC CỦA CÔNG TRÌNH

I. Nhu cầu khai thác, sử dụng nước

1. Trình bày phương pháp và số liệu dùng để tính toán nhu cầu sử dụng nước biển theo từng thời kỳ trong năm.

2. Trình bày kết quả tính toán nhu cầu nước trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất trong từng thời kỳ (m3/ngày đêm) và tổng lượng nước sử dụng trong năm (m3).

II. Phương thức khai thác, sử dụng nước

1. Luận chứng việc lựa chọn vị trí khai thác, sử dụng nước biển.

2. Trình bày các hạng mục chính của công trình khai thác, sử dụng nước (cửa lấy nước, trạm bơm, kênh dẫn, đường ống dẫn nước, nhà máy/khu vực sử dụng nước, cửa xả nước...).

3. Mô tả cách thức lấy nước, dẫn nước vào đất liền, sử dụng nước và xả nước sau khi sử dụng,... Trường hợp nước sau khi sử dụng không xả trả lại biển thì phải mô tả rõ vị trí xả và nguồn nước tiếp nhận.

(kèm theo sơ đồ bố trí các hạng mục công trình khai thác, sử dụng nước)

III. Chế độ và lượng nước khai thác, sử dụng nước

1. Trình bày chế độ khai thác và lưu lượng khai thác, sử dụng nước, xả nước sau khi sử dụng trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất (m3/ngày đêm) và tổng lượng nước khai thác (m3) trong từng thời kỳ trong năm (ngày, tháng, năm) của công trình.

2. Mô tả phương án vận hành khai thác, sử dụng nước của công trình.

IV. Biện pháp giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước của công trình

1. Luận chứng việc xác định vị trí đo, phương pháp đo, yếu tố đo, tần suất đo, thiết bị đo của trạm quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng nước biển và xả nước sau khi sử dụng vào nguồn tiếp nhận.

2. Trình bày phương án bố trí nhân lực quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng nước biển và xả nước sau khi sử dụng vào nguồn tiếp nhận.

(Đính kèm Sơ đồ minh họa (khổ A4 đến A3) khu vực khai thác, sử dụng nước của công trình, trong đó thể hiện rõ: địa danh hành chính các cấp; mạng lưới sông, suối, vùng cửa sông, ven biển; các trạm quan trắc khí tượng, thủy, hải văn; các hạng mục chính và vị trí giám sát khai thác, sử dụng nước của công trình; các công trình khai thác, sử dụng nước khác trong khu vực; khu vực sinh thái, rừng ngập mặn, các công trình bảo vệ bờ, các bến cảng, các khu neo đậu tàu thuyền - nếu có).

Chương III

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN VÀ BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU

I. Tác động đến chế độ dòng chảy vùng cửa sông, ven biển

1. Đánh giá tác động đến vận tốc dòng chảy do việc lấy nước và xả nước của công trình (theo chế độ triều lên, xuống).

2. Đánh giá tác động do việc lấy nước và xả nước của công trình tới dao động mực nước tại khu vực khai thác trong một kỳ triều (14 ngày).

3. Đánh giá tác động do việc vận hành của công trình đến chế độ dòng chảy các sông, kênh, rạch chịu ảnh hưởng.

4. Thuyết minh về các biện pháp, phương án phòng, chống, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện của công trình.

II. Tác động đến chất lượng nguồn nước

1. Đánh giá, xác định phạm vi, mức độ nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới đất trong khu vực do vận hành công trình.

2. Đối với hoạt động khai thác, sử dụng nước biển để làm mát phải đánh giá, xác định phạm vi, mức độ lan truyền nhiệt trong nguồn nước vùng cửa sông, ven biển theo chế độ vận hành của công trình trong điều kiện thời tiết bình thường và trong điều kiện thời tiết cực đoan (thời kỳ nhiệt độ tăng cao).

3. Thuyết minh về các biện pháp, phương án phòng, chống, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện của công trình.

III. Tác động đến hệ sinh thái thủy sinh, rừng ngập mặn ven biển

1. Đánh giá tác động trước mắt và lâu dài của việc lấy nước, dẫn nước, xả nước của công trình đến hệ sinh thái thủy sinh và rừng ngập mặn trong khu vực.

2. Thuyết minh các biện pháp, phương án phòng, chống, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện của công trình.

IV. Tác động tới hệ thống đê biển, đê cửa sông, các công trình bảo vệ bờ

1. Đánh giá tác động của việc lấy nước, dẫn nước, sử dụng nước biển và xả nước sau khi sử dụng đến hệ thống đê biển, cửa sông và các công trình bảo vệ bờ, đê bao vùng đầm phá (nếu có).

2. Thuyết minh các biện pháp, phương án phòng, chống, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện của công trình.

V. Tác động tới hoạt động giao thông thủy

1. Đánh giá tác động đến hoạt động giao thông thủy và bến cảng, khu neo đậu tàu thuyền, vùng cửa sông, ven biển trong khu vực.

2. Thuyết minh các biện pháp, phương án phòng, chống, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện của công trình; đánh giá mức độ bồi, xói của luồng tàu do khai thác, sử dụng nước biển của công trình.

VI. Tác động đến các hoạt động khác trong khu vực

1. Đánh giá tác động đến việc khai thác, sử dụng nước phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, du lịch, giải trí, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản,... trong khu vực.

2. Đánh giá tác động của việc lấy nước, dẫn nước, xả nước của công trình đến các hoạt động kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường trong khu vực.

3. Thuyết minh các biện pháp, phương án phòng, chống, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện của công trình.

KIẾN NGHỊ VÀ CAM KẾT

1. Các kiến nghị liên quan đến việc cấp phép khai thác, sử dụng nước biển.

2. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng nước biển (về mức độ chính xác, trung thực của thông tin, số liệu trong đề án, các biện pháp giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện; thực hiện các quy định trong giấy phép).

Phụ lục kèm theo Đề án:

1. Bản sao các văn bản pháp lý có liên quan tới việc xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển: quyết định thành lập tổ chức, giấy phép đăng ký kinh doanh, các quy hoạch chuyên ngành liên quan, văn bản chấp thuận đầu tư (nếu có),...

2. Phụ lục thông tin, số liệu về khí tượng, thủy, hải văn và các tài liệu liên quan sử dụng để lập Đề án.

Mẫu 33

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO

HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

.................................................................................(1)

(đối với trường hợp đã có công trình khai thác)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
(Ký, đóng dấu)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
(Ký, đóng dấu)

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên, vị trí và quy mô công trình khai thác, sử dụng nước

HƯỚNG DẪN

LẬP BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

(đối với trường hợp đã có công trình khai thác)

MỞ ĐẦU

1. Trình bày tóm tắt thông tin của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển (tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức; họ tên, số CMND, nơi cấp, ngày cấp theo Chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú đối với cá nhân).

2. Trình bày khái quát về phạm vi, quy mô và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ yếu liên quan đến nhu cầu khai thác, sử dụng nước biển của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép.

3. Khái quát hoạt động của công trình đến thời điểm nộp hồ sơ, đánh giá sự tuân thủ pháp luật về tài nguyên nước, các quy định trong Giấy phép (đối với trường hợp đã được cấp phép) và các quy định pháp luật khác.

4. Trình bày tóm tắt về công trình khai thác, sử dụng nước xin cấp phép, với các thông tin chủ yếu sau:

- Thời gian bắt đầu khai thác, sử dụng nước biển.

- Vị trí lấy nước biển: địa danh hành chính thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố; tọa độ tim cửa lấy nước (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục..., múi chiếu...).

- Vị trí khu vực sử dụng nước biển trên đất liền: địa danh hành chính thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố; tọa độ tim nhà máy/tọa độ các góc khu vực sử dụng nước biển trên đất liền (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu).

- Vị trí xả nước biển sau khi sử dụng: địa danh hành chính thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố; tọa độ tim cửa xả nước (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu); nguồn nước tiếp nhận nước biển sau khi sử dụng (vùng biển ven bờ, sông, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá).

- Mục đích khai thác, sử dụng nước biển (trường hợp khai thác, sử dụng nước biển cho nhiều mục đích thì nêu rõ từng mục đích sử dụng theo thứ tự ưu tiên).

- Phương thức khai thác, sử dụng nước biển: trình bày các hạng mục chính của công trình và cách thức lấy nước, dẫn nước, sử dụng nước, xả nước biển sau khi sử dụng (trạm bơm, đường ống, kênh dẫn nước, ao, hồ chứa nước,...).

- Chế độ khai thác, sử dụng nước biển (số giờ trong ngày, số ngày trong năm...).

- Lưu lượng nước khai thác và xả nước sau khi sử dụng trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất trong từng thời kỳ (ngày, tháng) trong năm cho từng mục đích sử dụng; Tổng lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất năm.

- Bảng thông số kỹ thuật cơ bản của công trình khai thác, sử dụng nước biển.

- Sơ đồ khối các hạng mục chính của công trình. Trong đó thể hiện rõ: điểm lấy nước, hệ thống dẫn nước, nhà máy, hệ thống thu gom (nước mưa, nước thải), hệ thống dẫn xả, điểm xả của công trình.

5. Trình bày các căn cứ, thông tin, số liệu sử dụng để lập báo cáo.

- Liệt kê các văn bản pháp lý liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành công trình; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong lập báo cáo.

- Thuyết minh nguồn gốc, mức độ đầy đủ, tin cậy của tài liệu, thông tin, số liệu sử dụng lập báo cáo.

6. Thông tin về tổ chức, cá nhân lập báo cáo: thuyết minh lĩnh vực hoạt động, điều kiện năng lực, kinh nghiệm của tổ chức/cá nhân lập báo cáo; danh sách, trình độ chuyên môn của các thành viên tham gia lập báo cáo.

Chương I

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI KHU VỰC KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN

I. Đặc điểm tự nhiên

1. Trình bày khái quát đặc điểm địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, rừng và thảm phủ thực vật, cảnh quan môi trường khu vực ven biển.

2. Mô tả hệ thống sông, hồ, đầm, phá, kênh, rạch, vùng cửa sông, ven biển khu vực khai thác nước.

3. Trình bày đặc điểm hệ sinh thái thủy sinh vùng cửa sông, ven biển, nhu cầu phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái dưới nước, ven bờ.

II. Đặc điểm thủy, hải văn

1. Mô tả mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, mạng lưới quan trắc chất lượng nước trong khu vực, các yếu tố quan trắc và chế độ quan trắc; đánh giá độ tin cậy của số liệu.

2. Trình bày kết quả phân tích, xử lý số liệu khí tượng, thủy văn, hải văn (phục vụ tính toán).

3. Trình bày đặc điểm, chế độ mưa, bốc hơi, nhiệt độ, gió, bão (tháng, mùa, năm).

4. Trình bày đặc trưng thủy triều khu vực khai thác (chế độ thủy triều, mực nước đỉnh triều, mực nước chân triều, biên độ triều trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất, vận tốc dòng triều và chu kỳ triều), mực nước tổng cộng, hoàn lưu nước.

5. Trình bày đặc điểm và chế độ dòng chảy của sông, kênh, rạch vùng cửa sông, ven biển khu vực lấy nước của công trình (tháng, mùa, năm).

6. Trình bày đặc điểm và chế độ dòng chảy bùn cát trong sông, kênh, rạch trong vùng cửa sông, ven biển khu vực lấy nước.

III. Tình hình khai thác, sử dụng nước trong khu vực

1. Trình bày tổng quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, gồm: phân bố dân cư, thực trạng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, khai khoáng, giao thông thủy, du lịch, giải trí, hệ thống đê biển, đê cửa sông, các công trình bảo vệ bờ, đê bao ven đầm, phá và các công trình lớn xây dựng trên đê cửa sông, ven biển...

2. Trình bày tổng quan tình hình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, nước biển khu vực cửa sông, ven biển (nêu rõ vị trí, nhiệm vụ, mục đích sử dụng, chế độ và phương thức khai thác, sử dụng nước của các công trình có liên quan).

3. Mô tả hoạt động giao thông thủy, bến cảng; các thông số cơ bản của bến cảng, khu neo đậu tàu thuyền, các thông số của luồng tàu, các hoạt động giao thông thủy vùng cửa sông, ven biển trong khu vực khai thác.

4. Đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản,... khu vực cửa sông, ven biển đến việc khai thác, sử dụng nước của dự án.

Chương II

TÌNH HÌNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN VÀ KẾ HOẠCH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN CỦA CÔNG TRÌNH

I. Hiện trạng công trình

1. Trình bày cụ thể mục đích khai thác, sử dụng nước biển của công trình (trường hợp khai thác, sử dụng nước biển cho nhiều mục đích thì nêu rõ từng mục đích sử dụng theo thứ tự ưu tiên).

2. Trình bày cụ thể tình hình vận hành của công trình đến thời điểm nộp hồ sơ, đánh giá sự tuân thủ pháp luật về tài nguyên nước, các quy định trong Giấy phép (đối với trường hợp đã được cấp phép) và các quy định pháp luật khác.

3. Trình bày cụ thể việc tuân thủ quy định về tài nguyên nước và các quy định trong Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển (vận hành an toàn công trình; quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng nước biển; sự cố ô nhiễm, sạt lở (nếu có)...); tình hình thực hiện các nghĩa vụ tài chính; công tác thanh tra, kiểm tra (nếu có).

4. Trình bày phương thức khai thác, sử dụng nước biển: các hạng mục chính của công trình và cách thức lấy nước, dẫn nước, sử dụng nước, xả nước biển sau khi sử dụng (trạm bơm, đường ống, kênh dẫn nước, ao, hồ chứa nước,...), những thay đổi của công trình trong suốt quá trình vận hành (nếu có).

5. Các thông số kỹ thuật cơ bản của công trình khai thác, sử dụng nước biển; sự thay đổi các thông số kỹ thuật (nếu có).

II. Tình hình khai thác, sử dụng nước biển của công trình

1. Trình bày thời gian hoạt động của công trình (tháng, năm bắt đầu khai thác, thời gian hoạt động trong từng năm).

2. Trình bày chế độ khai thác, lưu lượng và lượng nước khai thác, xả nước sau khi sử dụng trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất từng thời kỳ trong năm và diễn biến qua các năm vận hành.

3. Thuyết minh diễn biến nguồn nước tiếp nhận nước xả sau khi sử dụng trong thời gian vận hành công trình (biến đổi chế độ dòng chảy, chế độ phù sa, các chỉ tiêu chất lượng nước,...).

4. Trình bày cụ thể các vị trí quan trắc và nội dung, phương pháp, chế độ, thiết bị quan trắc, giám sát trong quá trình khai thác, sử dụng nước biển; các kết quả quan trắc.

(Đính kèm sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác, sử dụng nước biển, trong đó thể hiện rõ: địa danh hành chính các cấp; mạng lưới sông, suối vùng cửa sông, ven biển; các trạm quan trắc khí tượng, thủy, hải văn; các hạng mục chính và vị trí giám sát khai thác, sử dụng nước của công trình; các công trình khai thác, sử dụng nước khác liên quan trong khu vực; khu vực sinh thái, rừng ngập mặn, các công trình bảo vệ bờ, các bến cảng, các khu neo đậu tàu thuyền - nếu có).

III. Kế hoạch khai thác, sử dụng nước biển của công trình trong thời gian đề nghị cấp phép

Thuyết minh cụ thể nhu cầu, kế hoạch, chế độ và lượng nước biển khai thác, sử dụng cho từng mục đích trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất (m3/ngày đêm) và tổng lượng nước khai thác (m3) cho từng thời kỳ trong năm, trong thời gian đề nghị cấp phép.

Chương III

TÁC ĐỘNG TRONG QUÁ TRÌNH VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH VÀ BIỆN PHÁP GIÁM THIỂU TÁC ĐỘNG

I. Đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng nước biển đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước khác trong khu vực và biện pháp khắc phục, giảm thiểu

1. Tác động đến chế độ dòng chảy vùng cửa sông, ven biển và biện pháp giảm thiểu.

a) Đánh giá tác động do việc lấy nước và xả nước của công trình tới dòng chảy tại khu vực khai thác trong một kỳ triều (14 ngày).

b) Đánh giá tác động do việc lấy nước và xả nước của công trình tới dao động mực nước tại khu vực khai thác trong một kỳ triều.

c) Đánh giá tác động đến chế độ dòng chảy các sông, kênh, rạch chịu ảnh hưởng trong quá trình vận hành công trình.

d) Thuyết minh về các biện pháp, phương án khắc phục, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện (nếu có tác động).

2. Tác động đến chất lượng nguồn nước và biện pháp giảm thiểu.

a) Xác định phạm vi, mức độ nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới đất vùng cửa sông, ven biển trong quá trình vận hành công trình.

b) Đối với hoạt động khai thác, sử dụng nước biển để làm mát phải đánh giá phạm vi, mức độ lan truyền nhiệt trong nguồn nước vùng cửa sông, ven biển theo chế độ vận hành của công trình.

c) Thuyết minh về các biện pháp, phương án khắc phục, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện (nếu có tác động).

3. Tác động đến hệ sinh thái thủy sinh, rừng ngập mặn ven biển và biện pháp giảm thiểu.

a) Đánh giá tác động việc vận hành công trình đến hệ sinh thái thủy sinh và rừng ngập mặn trong khu vực.

b) Thuyết minh các biện pháp, phương án khắc phục, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện (nếu có tác động).

4. Tác động tới hệ thống đê biển, đê cửa sông, các công trình bảo vệ bờ và biện pháp giảm thiểu.

a) Đánh giá tác động của việc vận hành công trình đến hệ thống đê biển, cửa sông và các công trình bảo vệ bờ, đê bao vùng đầm phá.

b) Thuyết minh các biện pháp, phương án khắc phục, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện (nếu có tác động).

5. Tác động tới hoạt động giao thông thủy và biện pháp giảm thiểu.

a) Đánh giá tác động của việc vận hành đến hoạt động của các luồng giao thông thủy và bến cảng vùng cửa sông, ven biển trong khu vực, đánh giá mức độ bồi xói của luồng tàu do khai thác, sử dụng nước biển của công trình.

b) Thuyết minh các biện pháp, phương án khắc phục, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện (nếu có tác động).

6. Tác động đến các hoạt động khác và biện pháp giảm thiểu trong khu vực:

a) Đánh giá tác động của việc vận hành công trình đến khai thác, sử dụng nước phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, du lịch, giải trí, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản,... trong khu vực.

b) Đánh giá tác động vận hành công trình đến lấy nước, dẫn nước, sử dụng nước biển và xả nước của công trình đến các hoạt động kinh tế-xã hội, cảnh quan môi trường trong khu vực.

c) Thuyết minh các biện pháp, phương án khắc phục, giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện (nếu có tác động).

II. Biện pháp quan trắc, giám sát trong quá trình khai thác, sử dụng nước biển

1. Thuyết minh vị trí quan trắc, giám sát và yếu tố, phương pháp, tần suất, thời điểm, thiết bị quan trắc, giám sát trong quá trình khai thác, sử dụng nước biển và xả nước sau khi sử dụng (riêng đối với nước làm mát có sử dụng clo hoặc hóa chất khử trùng để diệt vi sinh vật ra môi trường phải lắp đặt các thông số quan trắc tự động, liên tục gồm: lưu lượng, nhiệt độ và clo đối với nguồn nước làm mát theo quy định hiện hành).

2. Trình bày phương án bố trí nhân lực quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng nước biển và xả nước sau khi sử dụng.

KIẾN NGHỊ VÀ CAM KẾT

1. Các kiến nghị liên quan đến việc cấp phép khai thác, sử dụng nước biển.

2. Cam kết của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép (về tính chính xác, trung thực của tài liệu, thông tin, số liệu trong báo cáo; nghiêm túc thực hiện các biện pháp, phương án phòng ngừa, giảm thiểu tác động của công trình khai thác, sử dụng nước và lộ trình thực hiện).

Phụ lục kèm theo Báo cáo:

1. Bản sao các văn bản pháp lý liên quan tới việc xin phép khai thác, sử dụng nước biển: quyết định thành lập tổ chức/giấy phép đăng ký kinh doanh; quyết định phê duyệt quy hoạch chuyên ngành liên quan đến xây dựng công trình và các quyết định phê duyệt đầu tư, xây dựng công trình, vận hành công trình (nếu có).

2. Phụ lục thông tin, số liệu về khí tượng, thủy, hải văn; sổ vận hành công trình (ít nhất là 3 năm gần nhất tính đến thời điểm lập Báo cáo) và các tài liệu liên quan sử dụng để lập Báo cáo.

Mẫu 34

(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO

HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẤY PHÉP

...................................(1)

(đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
Ký (đóng dấu nếu có)

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm.....

(1) Ghi tên, vị trí và quy mô công trình khai thác, sử dụng nước

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG

BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẤY PHÉP

(đối với trường hợp đề nghị, gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

A. BÁO CÁO HIỆN TRẠNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẤY PHÉP

MỞ ĐẦU

Trình bày tóm tắt các thông tin về tổ chức/cá nhân đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép và công trình khai thác, sử dụng nước biển gia hạn, điều chỉnh, bao gồm:

1. Tên chủ giấy phép; địa chỉ, điện thoại liên hệ,....

2. Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển số........ do (tên cơ quan cấp phép) cấp ngày:....... tháng..... năm....... với thời hạn,...

3. Sơ lược về công trình khai thác, sử dụng nước biển và tình hình hoạt động của công trình.

4. Trình bày lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh.

Trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép mà chủ giấy phép có nhu cầu cấp lại giấy phép thì phải bổ sung lý do.

5. Trình bày các căn cứ, thông tin, số liệu sử dụng để lập báo cáo đề nghị gia hạn/điều chỉnh nội dung giấy phép, đánh giá mức độ đầy đủ, tin cậy của tài liệu, thông tin, số liệu sử dụng.

6. Thuyết minh lĩnh vực hoạt động, điều kiện năng lực, kinh nghiệm của tổ chức/cá nhân lập báo cáo; danh sách, trình độ chuyên môn của các thành viên tham gia lập báo cáo.

I. Hiện trạng khai thác, sử dụng nước

1. Trình bày cụ thể về tình trạng hoạt động của công trình đến thời điểm lập báo cáo; những thay đổi của công trình trong quá trình vận hành (nếu có).

2. Trình bày lượng nước biển khai thác, sử dụng quy định trong giấy phép và lượng nước đã khai thác, sử dụng theo từng tháng/thời kỳ trong từng năm kể từ ngày được cấp phép đến thời điểm xin gia hạn/điều chỉnh nội dung giấy phép theo các mục đích sử dụng khác nhau; tổng lượng nước khai thác, sử dụng của công trình.

3. Trình bày tình hình diễn biến mực nước, lưu lượng nước, chất lượng nguồn nước trong quá trình khai thác, sử dụng; hiện trạng hệ sinh thái thủy sinh trong khu vực khai thác, sử dụng nước.

4. Phân tích, đánh giá các tác động, ảnh hưởng của công trình và quá trình vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường và các công trình khai thác, sử dụng nước khác trong khu vực và ngược lại.

(kèm theo bảng số liệu khai thác, sử dụng nước trong quá trình vận hành công trình).

II. Tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép đã được cấp

1. Đánh giá cụ thể tình hình thực hiện các quy định của giấy phép đã được cấp, bao gồm:

a) Mục đích sử dụng nước.

b) Lượng nước khai thác, sử dụng.

c) Phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước, quy trình vận hành công trình...

2. Đánh giá tình hình thực hiện các yêu cầu theo quy định của giấy phép, gồm:

a) Việc quan trắc, giám sát quá trình khai thác, sử dụng nước biển, xả nước sau khi sử dụng, việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái dưới nước và ven bờ, nguồn nước khai thác, sử dụng của các đối tượng khác trong khu vực.

b) Việc thực hiện chế độ báo cáo, nghĩa vụ tài chính, các yêu cầu cụ thể khác của giấy phép và các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đề nghị cấp phép.

III. Các kiến nghị liên quan đến gia hạn/điều chỉnh nội dung giấy phép

1. Thuyết minh cụ thể các vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng nước biển của công trình.

2. Trình bày lý do đề nghị gia hạn/điều chỉnh và các nội dung đề nghị điều chỉnh so với giấy phép đã được cấp. Đối với trường hợp điều chỉnh quy mô công trình, phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước, quy trình vận hành công trình thì phải bổ sung thêm nội dung đề án khai thác nước (theo hướng dẫn tại mục B dưới đây).

3. Trình bày kế hoạch khai thác, sử dụng nước trong thời gian đề nghị cấp phép.

4. Đánh giá tác động của việc điều chỉnh nội dung giấy phép đến nguồn nước, môi trường và các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác trong khu vực; các biện pháp giảm thiểu tác động và lộ trình thực hiện.

B. ĐỀ ÁN KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC BIỂN (Bổ sung thêm nội dung đề án khai thác, sử dụng nước biển đối với trường hợp có điều chỉnh quy mô công trình, phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước, quy trình vận hành công trình).

I. Nội dung đề nghị điều chỉnh

Trình bày nội dung đề nghị điều chỉnh (quy mô công trình/phương thức/chế độ khai thác, sử dụng nước/quy trình vận hành công trình); các căn cứ kiến nghị điều chỉnh.

II. Phương án điều chỉnh và kế hoạch khai thác, sử dụng nước biển

1. Đối với trường hợp điều chỉnh quy mô công trình: nêu rõ phương án điều chỉnh công suất, lưu lượng, lượng nước biển khai thác, sử dụng so với giấy phép đã được cấp.

2. Đối với trường hợp điều chỉnh phương thức, chế độ khai thác, sử dụng nước: nêu rõ phương án điều chỉnh các hạng mục, thông số của công trình, cách thức lấy nước, dẫn nước, sử dụng nước, xả nước sau khi sử dụng; thời gian lấy nước và chế độ vận hành công trình so với giấy phép đã được cấp.

3. Đối với trường hợp điều chỉnh quy trình vận hành công trình: nêu rõ nội dung, phương án điều chỉnh so với quy trình vận hành đã được phê duyệt.

4. Trình bày cụ thể kế hoạch khai thác, sử dụng nước biển theo các nội dung đề nghị điều chỉnh.

(kèm bảng tổng hợp các nội dung đề nghị điều chỉnh so với giấy phép đã được cấp)

III. Đánh giá tác động của việc điều chỉnh quy mô công trình/phương thức/chế độ khai thác, sử dụng nước/quy trình vận hành công trình và biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực

1. Đánh giá tác động của việc điều chỉnh quy mô công trình/phương thức/chế độ khai thác, sử dụng nước/quy trình vận hành công trình đến nguồn nước, môi trường và hoạt động khác trong khu vực, bao gồm:

- Đánh giá tác động đến chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm ở khu vực ven biển chịu tác động của công trình.

- Đánh giá tác động đến nguồn nước khai thác, sử dụng (cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, khu du lịch, giải trí ven biển, hoạt động giao thông thủy, bến cảng, nuôi trồng thủy sản ven biển,...) của các đối tượng khác trong khu vực.

- Đánh giá tác động tới hệ sinh thái thủy sinh dưới nước và ven bờ, rừng ngập mặn, cảnh quan môi trường, chất lượng đất...

- Tác động do việc dẫn nước, xả nước sau khi sử dụng tới xói lở lòng, bờ và hoạt động của các đối tượng khác vùng cửa sông, ven biển (nếu có).

- Tác động tới hệ thống đê biển, đê cửa sông, các công trình bảo vệ bờ,...

2. Trình bày các biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực và lộ trình thực hiện./.

Mẫu 35

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

TỜ KHAI

ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước cho: ăn uống, sinh hoạt hộ gia đình; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các mục đích khác)

A - PHẦN DÀNH CHO TỔ CHỨC/CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ

1. Thông tin về tổ chức/cá nhân đăng ký:

1.1. Tên tổ chức/cá nhân:............................................................................................

(Đối với tổ chức ghi đầy đủ tên theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đối với cá nhân ghi đầy đủ họ tên theo Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân).

1.2. Địa chỉ liên hệ:.....................................................................................................

1.3. Số điện thoại liên hệ:............................................................................................

2. Thông tin về công trình khai thác:

2.1. Vị trí công trình:...................................................................................................

(Ghi rõ thôn/ấp; xã/phường; quận/huyện; tỉnh/thành phố nơi đặt công trình khai thác nước dưới đất)

2.2. Số giếng khai thác:............(m); Chiều sâu khai thác:...............(m)

2.3. Lượng nước khai thác, sử dụng:............ (m3/ngày đêm);

2.4. Mục đích khai thác, sử dụng nước:......................................................................

(Ghi rõ khai thác, sử dụng nước cho: ăn uống, sinh hoạt hộ gia đình; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các mục đích khác)

.........., ngày..... tháng........ năm...........
Tổ chức/cá nhân đăng ký
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

B - PHẦN XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

(Xác nhận, ký, đóng dấu)

Cơ quan đăng ký khai thác nước dưới đất xác nhận các nội dung sau:

1. Tính xác thực về tư cách pháp nhân của tổ chức /cá nhân xin đăng ký.

2. Vị trí công trình, lưu lượng khai thác và mục đích sử dụng nước.

3. Quy định trường hợp không còn sử dụng công trình khai thác nước dưới đất thì thông báo trực tiếp và trả tờ khai cho cơ quan tiếp nhận quản lý; thực hiện việc trám, lấp giếng theo quy định khi không còn sử dụng công trình khai thác nước dưới đất; thông báo ngay cho cơ quan quản lý khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra trong quá trình khai thác nước dưới đất tại công trình đăng ký.

Mẫu 36

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

TỜ KHAI

ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(đối với trường hợp sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng, bơm hút nước để tháo khô mỏ)

A - PHẦN DÀNH CHO TỔ CHỨC/CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ

1. Thông tin về tổ chức/cá nhân đăng ký:

1.1. Tên tổ chức/cá nhân:............................................................................................

(Đối với tổ chức ghi đầy đủ tên theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đối với cá nhân ghi đầy đủ họ tên theo Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số định danh cá nhân).

1.2. Địa chỉ liên hệ:.....................................................................................................

1.3. Số điện thoại liên hệ:............................................................................................

2. Thông tin về công trình:

2.1. Vị trí, tên công trình/dự án:..................................................................................

(Ghi rõ thôn/ấp; xã/phường; quận/huyện; tỉnh/thành phố nơi đặt công trình khai thác nước dưới đất)

2.2. Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp (nếu có):.......................................

2.3. Kích thước moong khai thác:..............................................................................;

2.4. Lượng nước để bơm hút tháo khô mỏ:....................................... (m3/ngày đêm);

2.4. Chế độ...................................................................................................................

2.5. Thời gian đăng ký:................................................................................................

Cam kết của tổ chức/cá nhân đăng ký công trình khai thác nước dưới đất (về tính chính xác, trung thực, thông tin số liệu trong tờ khai đăng ký; về trách nhiệm bảo vệ về tài nguyên môi trường).

.........., ngày..... tháng........ năm..............
Tổ chức/cá nhân đăng ký
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

B - PHẦN XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

(Xác nhận, ký, đóng dấu)

Cơ quan đăng ký khai thác nước dưới đất xác nhận các nội dung sau:

1. Tính xác thực về tư cách pháp nhân của tổ chức/cá nhân xin đăng ký.

2. Vị trí, tên công trình/dự án.

3. Quy định trường hợp không còn sử dụng công trình khai thác nước dưới đất thì thông báo và trả Tờ khai cho cơ quan quản lý hoặc thông báo trực tiếp; thực hiện việc trám, lấp giếng theo quy định khi không còn sử dụng công trình khai thác nước dưới đất; thông báo ngay cho cơ quan quản lý khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra trong quá trình khai thác nước dưới đất tại công trình đăng ký.

Mẫu 37

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

TỜ KHAI

ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT

Kính gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố (nơi xây dựng công trình)

1. Thông tin về tổ chức/cá nhân đăng ký:

1.1. Tên tổ chức/cá nhân:....................................................................................... (1)

1.2. Địa chỉ liên hệ:.....................................................................................................

1.3. Số điện thoại, địa chỉ email liên hệ (nếu có):.......................................................

2. Thông tin về công trình khai thác:

2.1. Trường hợp có một (01) công trình khai thác, sử dụng nước mặt

a. Vị trí công trình:................................................................................................. (2)

b. Nguồn nước khai thác:....................................................................................... (3)

c. Mục đích khai thác, sử dụng:............................................................................. (4)

d. Lưu lượng khai thác:.......................................................................................... (5)

đ. Phương thức khai thác, sử dụng nước:.............................................................. (6)

e. Chế độ khai thác, sử dụng nước:........................................................................ (7)

2.2. Trường hợp có từ hai (02) công trình khai thác trở lên: Kê khai đầy đủ theo mẫu phụ lục đi kèm tờ khai đăng ký này.

3. Cam kết của tổ chức, cá nhân đăng ký:

- (Tên tổ chức/cá nhân đăng ký) cam đoan các nội dung, thông tin trong Tờ khai này là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Tên tổ chức/cá nhân đăng ký) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố (nơi xây dựng công trình) xem xét, xác nhận việc đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt cho (tổ chức/cá nhân đăng ký)./.

.........., ngày..... tháng........ năm..............
Tổ chức/cá nhân đăng ký
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

___________________

(1) Đối với tổ chức ghi đầy đủ tên theo Quyết định thành lập, Giấy đăng ký kinh doanh/đối với cá nhân ghi đầy đủ họ tên theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân.

(2) Ghi rõ tên địa danh (thôn/ấp; xã/phường; quận/huyện; tỉnh/thành phố nơi xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước mặt; tọa độ X, Y các hạng mục chính công trình (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30) đo bằng GPS cầm tay hoặc đo bằng thiết bị tương đương).

(3) Ghi tên sông/suối/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; nêu rõ sông/suối là phụ lưu, phân lưu, thuộc hệ thống sông...

(4) Nêu rõ mục đích khai thác, sử dụng nước; trường hợp công trình sử dụng nước đa mục tiêu thì ghi rõ nhiệm vụ cấp nước trực tiếp cho từng mục đích sử dụng (cấp nước tưới, sinh hoạt, công nghiệp, phát điện, nuôi trồng thủy sản....) và mục đích tạo nguồn (nếu có).

(5) Ghi rõ lượng nước khai thác và lượng nước để tạo nguồn (nếu có).

(6) Ghi rõ loại hình công trình (hồ chứa/đập dâng/cống/trạm bơm nước,...), mô tả các hạng mục công trình, dung tích hồ chứa, công suất trạm bơm, cách thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước, trữ nước,...

(7) Ghi rõ chế độ điều tiết (đối với hồ chứa), số giờ lấy nước trung bình trong ngày, số ngày lấy nước trung bình theo tháng/mùa vụ/năm.

Phụ lục

Tên công trình

Đơn vị quản lý

Loại hình công trình khai thác (hồ chứa, cống, trạm bơm, kênh dẫn,..)

Vị trí

Nguồn nước khai thác (Ghi rõ sông/ suối khai thác, thuộc hệ thống sông nào

Mục đích khai thác, sử dụng/ tạo nguồn cấp nước

Lưu lượng khai thác, sử dụng (m3/s)

Hồ chứa

Trạm bơm

Cống

Ghi chú

X

Y

Xã, huyện, tỉnh

Dung tích toàn bộ (triệu m3)

Dung tích hữu ích (triệu m3)

Công suất thiết kế (m3/h)

Công suất thực tế (m3/h)

Lưu lượng thiết kế (m3/s)

Kích thước (m)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

(16)

Mẫu 38

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

TỜ KHAI

ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC BIỂN

Kính gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố (nơi xây dựng công trình)

1. Thông tin về tổ chức/cá nhân đăng ký:

1.1. Tên tổ chức/cá nhân:..................................................................................................

(Đối với tổ chức ghi đầy đủ tên theo Quyết định thành lập, Giấy đăng ký kinh doanh/đối với cá nhân ghi đầy đủ họ tên theo căn cước công dân).

1.2. Địa chỉ liên hệ:............................................................................................................

1.3. Số điện thoại, địa chỉ email liên hệ (nếu có):..............................................................

2. Thông tin về công trình khai thác:

2.1. Trường hợp có một (01) công trình khai thác

a. Vị trí công trình (Bao gồm vị trí lấy nước biển, vị trí sử dụng, vị trí xả):.......................

Ghi rõ tên địa danh (thôn/ấp; xã/phường; quận/huyện; tỉnh/thành phố nơi xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước biển; tọa độ X, Y các hạng mục chính công trình (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 30) đo bằng GPS cầm tay hoặc đo bằng thiết bị tương đương).

b. Nguồn nước tiếp nhận nước biển sau khi sử dụng:......................................................

c. Mục đích khai thác:........................................................................................................

d. Lưu lượng khai thác:.....................................................................................................

đ. Phương thức khai thác và phương thức xả:..................................................................

e. Chế độ khai thác sử dụng:.............................................................................................

2.2. Trường hợp có từ hai (02) công trình khai thác trở lên: Kê khai đầy đủ theo mẫu phụ lục đi kèm tờ khai đăng ký này.

3. Cam kết của tổ chức, cá nhân đăng ký:

- (Tên tổ chức/cá nhân đăng ký) cam đoan các nội dung, thông tin trong Tờ khai này là đúng sự thật xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- (Tên tổ chức/cá nhân đăng ký) cam kết chấp hành đúng, đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật tài nguyên nước và quy định của pháp luật có liên quan.

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố (nơi xây dựng công trình) xem xét, xác nhận việc đăng ký khai thác nước biển cho (tổ chức/cá nhân đăng ký)./.

.........., ngày..... tháng........ năm..............
Tổ chức/cá nhân đăng ký
Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

Phụ lục

Tên công trình

Đơn vị quản lý

Loại hình công trình khai thác (cống, trạm bơm, kênh dẫn,..)

Vị trí lấy nước biển

Vị trí nguồn nước tiếp nhận sau khi sử dụng

Mục đích khai thác, sử dụng

Lưu lượng khai thác, sử dụng (m3/ngày)

Ghi chú

X

Y

Xã, huyện, tỉnh

X

Y

Xã, huyện, tỉnh

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No. 02/2023/ND-CP

Hanoi, February 01, 2023

 

DECREE

ELABORATING CERTAIN ARTICLES of the Law on water resources

Pursuant to the Law on Governmental Organization dated June 19, 2015; Law on amendments to the Law on Governmental Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Water Resources dated June 21, 2012;

Pursuant to the Law on Environmental Protection dated November 17, 2020;

At the request of the Minister of Natural Resources and Environment;

The Government promulgates a Decree elaborating certain Articles of the Law on Water Resources.

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 1. Regulated scope and entities

1. This Decree elaborates Clause 4 Article 6; Clause 5 Article 13; Clause 5 Article 29; Clause 4 Article 43; Clause 4 Article 44; Clause 6 Article 52; Point e Clause 1 Article 72; Clause 3 Article 72; Clause 2 Article 73 of the Law on Water Resources on community survey on exploitation and use of water resources of representatives of the residential community and publicizing it; carrying out basic survey of water resources; reforesting the lost forest area and contributing funds for forest protection and development; transferring the right to exploit water resources; registering and issuing permits for exploitation and use of water resources; exploring and exploiting underground water; organizing river basin development and coordination and supervision of exploitation, use and protection of water resources, prevention, combat against and overcoming of harmful effects caused by water in river basins.

2. This Decree is applicable to agencies, organizations, residential community, households and individuals carrying out operations related to the contents prescribed in Clause 1 of this Article on the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 2. Community survey on exploitation and use of water resources

Survey on exploitation and use of water resources shall be conducted among representatives under the regulations in Article 6 of the Law on Water Resources, including: representatives of the People’s Committees of communes, the Vietnam Fatherland Front Committees of communes, the People's Committees of districts, representatives of units managing and operating water exploitation and use works affected by the project's water exploitation and use, and other relevant organizations and individuals

Community survey on exploitation and use of water resources significantly affecting production and life of people living in areas of exploitation shall be carried out as follows:

1. Projects on construction of works for exploitation and use of water resources on which community survey is mandatory include:

a) Reservoirs and dams, built on rivers and streams, subject to the request for permission;

b) Works for exploitation and use of surface water other than works stated in point a of this clause with a flow rate of from at least 10 m3 per second;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Works for exploitation and use of groundwater (including one or more drilled wells, dug wells, dug holes, corridors, roads and caves used for exploitation of groundwater and owned by an organization or individual and the adjacent distance among them is not greater than 1.000 m) with a flow rate of at least 12.000 m3/day and night.

2. Survey time:

a) During the process of making projects on investment in the works prescribed in Points a, b and c Clause 1 of this Article;

b) During the process of exploration for works for exploitation and use of groundwater prescribed in Point d Clause 1 of this Article.

3. Information provided to hold a survey includes:

a) Explanation and basic design of the work construction and investment project (feasibility study report) enclosed with the statement submitted to the agency competent to assess the project;

b) Plans for construction of works;

c) Progress of construction of works;

d) Anticipation of impacts of exploitation and use of water and operation of works on water sources, environment and other subjects exploiting and using water possible to be affected during the process of construction and operation of works and during the non-operational periods of works;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Information specified in Clause 1 Article 3 of this Decree;

g) Other data and documents related to exploitation and use of water resources.

4. Surveying agencies:

a) The People’s Committees of districts where the intra-provincial water sources flow through shall carry out survey on works for exploitation and use of intra-provincial water resources prescribed in Points a and b Clause 1 of this Article;

b) The People’s Committees of provinces where the interprovincial water sources flow through shall carry out survey on works for exploitation and use of interprovincial water resources prescribed in Points a and b Clause 1 of this Article;

c) The People’s Committees of districts where the intra-provincial water sources are diverted shall carry out survey on works for water diversion from the intra-provincial water resources;

d) The People’s Committees of provinces where the interprovincial water sources which are diverted flow through shall carry out survey on works for water diversion from the interprovincial water resources;

dd) The People’s Committees of districts where they are intending to set works for exploitation of groundwater shall carry out survey on works for exploitation and use of groundwater prescribed in Point d Clause 1 of this Article.

5. Survey steps:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If surveying agencies are the district-level People’s Committees, within 30 working days from the date of receiving proposals to carry out survey of investors, the district-level Divisions of Natural Resources and Environment shall assist the district-level People’s Committees in organizing working sessions and meetings with relevant agencies, organizations and individuals to comment on scheduled construction works or direct dialogues with investors; and collect opinions, submit them to the district-level People’s Committees and they will transfer them to the investors;

c) If surveying agencies are the provincial People’s Committees, within 40 working days from the date of receiving proposals to carry out survey of investors, the Departments of Natural Resources and Environment shall assist the provincial People’s Committees in organizing working sessions and meetings with relevant agencies, organizations and individuals to comment on scheduled construction works or direct dialogues with investors; and consolidate opinions, submit them to the provincial People’s Committees and they will transfer them to the investors;

d) Apart from information prescribed in Clause 3 of this Article, the investors shall provide additional data, reports and information on their projects if the agencies specified in Clause 4 of this Article make requests and directly report and explain to clarify matters related to their projects at meetings.

6. Investors are responsible for receiving and responding to comments. Comments and explanation documents are included in a project dossier submitted to competent authorities for appraisal and approval and must be attached to the application for granting a water resources licence.

7. The survey or notification before setting up an investment project prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 6 of the Law on Water Resources shall be carried out as follows:

a) For an intra-provincial water diversion project: investor shall send a survey form enclosed with a water diversion scale and plan and related information, data and documents to the People’s Committee of the commune and the People’s Committee of the district where the water source is located and the Department of Natural Resources and Environment.

Within 40 working days from the date of receiving the proposal to carry out a survey of the investor, the Department of Natural Resources and Environment shall assist the People’s Committee of the district and the People’s Committee of the commune in organizing working sessions and meetings with relevant agencies and organizations to comment on the proposed water diversion scale and plan or have a direct dialogue with the investor; consolidate suggestions and submit them to the investor.

b) For an intra-provincial water diversion project, a project on investment and construction of lakes and dams on the main stream in an inter-provincial river basin: investor shall send the survey form enclosed with a water diversion scale and plan and a work construction plan as well as relevant information, data and documents to the People’s Committees of provinces where the inter-provincial water sources are diverted or the People’s Committees of provinces where the main stream flows through, a river basin organization (RBO) (if any) and relevant Departments of Natural Resources and Environment;

Within 07 working days from the date of receiving the proposal to carry out a survey of the investor, the Departments of Natural Resources and Environment shall send the documents to relevant departments and local authorities of provinces;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) For a project on investment and construction of lakes and dams on ramifications of an inter-provincial river basin:

Before the project is set up, investor must send notices on the proposed work construction scale and plan to construct works to RBO and the People’s Committees of provinces belonging to the river basin.

d) On the basis of the comments, the investor shall complete the work construction plan and submit it to the authority competent to issue the water resources licence for consideration and approval of the work construction scale and plan before setting up the investment project.

8. Survey costs shall be paid by the investor.

Article 3. Publication of information

The publication of information concerning exploitation and use of water resources prescribed in Point b Clause 1 Article 6 of the Law on Water Resources shall comply with the following regulations:

1. Investors of the projects prescribed in Clause 1 Article 2 of this Decree must publicize the following information:

a) For the works for exploitation and use of surface water prescribed in Points a, b and c Clause 1 Article 2 of this Decree: purposes for exploitation and use of water; exploited and used water sources; positions of the works for exploitation and use of water; methods for exploitation and use of water; the amount of water exploited and used; exploitation and use periods; basic characteristics of lakes and dams in case of constructing lakes and dams;

b) For the works for exploitation and use of groundwater prescribed in Points d Clause 1 Article 2 of this Decree: purposes for exploitation and use of water; positions of the works for exploitation and use of water; aquifers, depths; total number of wells; total amount of water exploited and used; modes of exploitation; exploitation and use periods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Information on mass media of the People’s Committees of districts and web portals of the People’s Committees of provinces prescribed in Clause 3 Article 2 of this Decree;

b) During 30 working days before beginning construction and during the process of construction of works, investors must publicly post the information prescribed in Clause 1 of this Article in the People’s Committees of districts, the People’s Committees of communes and the positions where the works are constructed.

Article 4. National Water Resources Council

1. A National Water Resources Council (NWRC) is established to advise the Government and the Prime Minister of Vietnam on important decisions on water resources under their tasks and entitlements.

2. NWRC is chaired by a Deputy Prime Minister; the Minister of Natural Resources and Environment is act as the Vice Chairperson of NWRC; Council members are leading representatives of relevant ministries, central authorities, agencies and organizations, and the Ministry of Natural Resources and Environment is approved as a standing body of NWRC by the Chairperson of NWRC.

3. Supporting NWRC, there is the Office of NWRC located in the Ministry of Natural Resources and Environment. Organizations and operations of the office of NWRC are stipulated by the Chairperson of NWRC.

4. The Prime Minister prescribes tasks and entitlements of NWRC.

Article 5. River basin organizations (RBOs)

1. Organizations and operations of RBOs are under the regulations of interdisciplinary organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Prime Minister of Vietnam shall decide the establishment of Hong - Thai Binh RBO and Mekong RBO, at the request of the Minister of Natural Resources and Environment.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall establish RBOs of inter-provincial river basins other than the cases prescribed in Clause 2 of this Article, at the request of the Head of the water resources authority.

Chapter II

BASIC SURVEY ON WATER RESOURCES

Article 6. Responsibilities for carrying out survey on and assessment of water resources

Responsibilities for carrying out contents of survey on and assessment of water resources prescribed in Clause 2 Article 12 of the Law on Water Resources include:

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall carry out survey on and assessment of water resources in terms of inter-country water sources and inter-provincial water sources; consolidate results of the survey on and assessment of water resources in inter-provincial river basins and nationwide.

2. The Provincial People’s Committees shall organize surveys on and assessment of water resources in terms of intra-provincial water sources and inter-provincial water sources in areas where surveys on and assessment of water resources have not been carried out; consolidate results of the water resources survey and assessment in intra-provincial river basins as well as in such areas and submit the results to the Ministry of Natural Resources and Environment for consolidation.

Article 7. Water resources inventory

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Responsibilities for making water resources inventories:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with relevant ministries and ministerial agencies in developing water resources inventory schemes and plans nationwide, submitting them to the Prime Minister for approval; organizing water resources inventories for inter-country water sources and inter-provincial water sources; consolidating and publicizing the results of inventories in inter-provincial river basins and nationwide;

b) The Provincial People’s Committees shall carry out water resources inventories for intra-provincial water sources; consolidating results of inventories of intra-provincial river basins as well as other water sources in their provinces and submit them to the Ministry of Natural Resources and Environment for consolidation;

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall instruct inventory contents and forms and report results of water resources inventories.

Article 8. Surveys on the status of exploiting and using water resources and discharging wastewater into water sources

1. Responsibilities for surveying the status of exploiting and using water resources and discharging wastewater into water sources:

a) Ministry of Industry and Trade, Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Construction, Ministry of Transport, Ministry of Culture, Sports and Tourism and relevant ministries and ministerial agencies, within their competence in tasks and entitlements, shall organize surveys and make reports on the water use status of sectors and fields then submit them to the Ministry of Natural Resources and Environment for consolidation;

b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize surveys on the status of exploiting water resources and discharging wastewater into water resources for inter-provincial water sources and inter-country water sources; consolidate results of surveys on the status of exploiting and using water resources and discharging wastewater into water sources in inter-provincial river basins and nationwide;

c) The Provincial People’s Committees, within their competence in tasks and entitlements, are responsible for surveying the status of exploiting and using water resources and discharging wastewater into water sources for intra-provincial water sources and those in their areas; consolidate results of surveys on the status of exploiting and using water resources and discharging wastewater into water sources in intra-provincial river basins and in their areas and submit them to the Ministry of Natural Resources and Environment for consolidation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 9. Water resources monitoring

1. A network of water resources monitoring stations includes:

a) A central network of monitoring stations includes rainfall monitoring stations; flow rate monitoring stations, water level and water quality monitoring stations of inter-country and inter-provincial surface water sources and of important intra-provincial water sources, coastal sea water; water level monitoring stations and water quality monitoring stations of inter-provincial or high potential aquifers;

b) A local network of monitoring stations includes rainfall monitoring stations; flow rate monitoring stations, water level and water quality monitoring stations of surface water and groundwater sources in local areas and must be connected with the central network of monitoring stations.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with the Provincial People’s Committees in doing planning of networks of water resources monitoring stations nationwide and submitting it to the Prime Minister for approval;

3. Based on the planning of networks of water resources monitoring stations, the Ministry of Natural Resources and Environment shall organize formulation, management and implementation of water resources monitoring for the central network of monitoring stations; the Department of Natural Resources and Environment shall organize development, management and implementation of the water resources monitoring for the local network of water resources monitoring stations.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide water resources monitoring contents and regulations prescribed in this Article.

Article 10. Development and maintenance of systems of warning and forecasting floods, droughts, saltwater intrusion, sea level rise and other harmful effects caused by water

1. A system of warning and forecasting floods, droughts, saltwater intrusion, sea level rise and other harmful effects caused by water shall be developed in each river basin and must be integrated into a uniform system in the system of water resources information and database.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Develop and maintain systems of warning and forecasting floods, droughts, saltwater intrusion, sea level rise and other harmful effects caused by water nationwide;

b) Issue warnings and forecasts, provide and ensure information and data serving prevention and combat of floods, droughts, saltwater intrusion, sea level rise and other harmful effects caused by water according to the regulations of laws on water resources and laws on prevention and combat of floods, storms as well as prevention and mitigation of natural disasters.

3. Ministries, ministerial agencies, the Provincial People’s Committees, based on the request for prevention and combat of floods, droughts, saltwater intrusion, sea level rise and other harmful effects caused by water, shall develop warning and forecasting systems serving operations of ministries, central and local authorities.

Article 11. Water resources information and database systems

1. Water resources information and database systems include:

a) National water resources information and database system;

b) Local water resources information and database system.

2. Responsibilities of ministries, ministerial agencies and the Provincial People’s Committees:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide for data sets and data standards; organize construction and management of the national water resources information and database system and exploitation as well as sharing of information and database of water resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The Provincial People’s Committees shall organize construction, management and exploitation of the local water resources information and database system and integrate them into the national water resources information and database system.

Article 12. Reports on the use of water resources

1. Annually, the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Agriculture and Rural Development, the Ministry of Construction and relevant ministries and ministerial agencies, and the Provincial People’s Committees, within their competence in tasks and entitlements, shall make reports on their water use status and then submit them to the Ministry of Natural Resources and Environment before January 30 of the following year for consolidation and monitoring.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide for contents and forms of the reports on the use of water resources.

Chapter III

PROTECTION, EXPLOITATION AND USE OF WATER RESOURCES

Article 13. Reforesting destroyed forested areas and contributing funds to protect and develop forests

1. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall prescribe the reforestation of the destroyed forested areas.

2. The mandatory financial contributions to the protection of forests in reservoir basins and the participation in protecting and developing watersheds shall be established according to the regulations of forestry laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Before constructing works for exploitation of groundwater or increasing the flow rate by more than 25% of that prescribed in the granted permits for exploitation and use of groundwater with more drilled exploitation wells, investors must carry out the exploration for evaluating reserves, exploitation capacity or groundwater for which exploration permits must be included, except for exploitation and use of groundwater for which exploration permits are not required.

2. Organizations and individuals constructing works for groundwater exploration must fully satisfy requirements for groundwater drilling practicing according to regulations and must be granted certificates for groundwater drilling practicing by competent authorities.

3. During the exploration period, organizations and individuals constructing works for groundwater exploration are responsible for:

a) Implementing measures for assurance about the safety of explorers and exploitation works;

b) Ensuring the prevention and combat of land subsidence, saltwater intrusion, and pollution of aquifers;

c) Filling damaged or unused wells after the end of exploration;

d) Implementing measures for protection of groundwater as well as environment.

4. Investors shall:

Cooperate with organizations and individuals constructing works for groundwater exploration in inspecting and supervising the implementation of regulations in Clause 3 of this Article. If any violation is detected, the exploration must be stopped.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Submit reports on exploration results to agencies receiving and processing documents prescribed in Article 29 hereof.

Article 15. Water resources licences

1. Water resources licences include: groundwater exploration licence; licence for surface water exploitation and use; licence for groundwater exploitation and use; licence for sea water exploitation and use.

2. Each water resources licence has the following contents:

a) Name and address of organization/individual granted the licence;

b) Name and address of the work for water exploration and exploitation;

c) The explored and exploited water source;

d) Scale, capacity, flow rates, key parameters of the work for water exploration and exploitation; the use purpose for the license for water exploitation and use;

dd) Regimes and methods for water exploitation and use;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Specific requirements for each case of water resources exploration, exploitation and use prescribed by the licence issuer in order to protect water sources, ensure legal rights and interests of other relevant organizations and individuals;

h) Rights and obligation of the licence-holder.

Article 16. Cases of water resources exploitation and use for which registration and licensing are not required

1. Cases of water resources exploitation and use prescribed in Points a, c, d and dd Clause 1 Article 44 of the Law on Water Resources and not included in Clause 2 Article 44 of the Law on Water Resources.

2. Works for water resources exploitation and use with a small scale for production and trading prescribed in Point b Clause 1 Article 44 of the Law on Water Resources, including:

a) Groundwater exploitation for production and trading with a scale not exceeding 10 m3/day and night not prescribed in Clause 2 Article 44 of the Law on Water Resources;

b) Surface water exploitation for non-agricultural trading and production with a scale not exceeding 100 m3/day and night;

c) Irrigation reservoirs and dams with total capacity of less than 0,01 million m3 or other works for surface water exploitation for agricultural production and aquaculture with a flow rate not exceeding 0,1 m3/second;

If an irrigation reservoir or dam with total capacity of less than 0,01 million m3 has a flow rate serving agricultural production and aquaculture exceeding 0,1 m3/second or those with other exploitation and use purposes has a flow rate exceeding the values prescribed in Point b and dd of this Clause, registration or licensing shall be mandatory according to the regulations in Article 17 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Sea water exploitation and use for onshore operation with a flow rate not exceeding 10.000 m3/night; sea water exploitation and use for operations at sea.

Article 17. Works for water resources exploitation and use for which registration and licensing are required

1. Works for water resources exploitation and use for which registration is required include:

a) Irrigation reservoirs and dams with total capacity of from 0,01 million m3 to 0,2 million m3 or other works for surface water exploitation and use for the purpose of agricultural production and aquaculture (excluding other purposes with a scale subject to licensing) with a flow rate of from greater than 0,1 m3/second to 0,5 m3/second;

If an irrigation reservoir or dam with total capacity of from 0,01 million m3 to 0,2 million m3 with purposes and a scale subject to licensing, the licensing must be made according to the regulations hereof.

b) Works for sea water exploitation and use for onshore production and trading including aquaculture and trading thereof with a scale of from more than 10.000 m3/day and night to 100.000 m3/day and night;

c) Works for groundwater exploitation and use prescribed in Point a Clause 2 Article 16 hereof and those prescribed in Point a Point d Clause 1 Article 44 of the Law on Water Resources, specified in the list of areas restricted groundwater exploitation published by the Provincial People’s Committees;

d) Works for use of self-supply groundwater in mining pits for sifting ores without lowering the groundwater level or pumping water to drain the self-supply water in the mining pits.

2. Works for water resources exploitation and use for which licensing is required, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Works prescribed in Point a of this Clause that directly exploit and use surface water from irrigation and hydroelectricity reservoirs and dams, systems of irrigation and hydroelectricity canals for non-agricultural trading and production (including exploitation of water for cooling of machines and equipment, steam generation and heating) that organizations and individuals managing and operating such hydroelectricity and irrigation reservoirs and dams and systems of irrigation and hydroelectricity canals have not been licensed to exploit and use surface water for the above purposes.

Article 18. Principles of licence issuance

1. Compliance with regulations on authority, subjects and procedures as prescribed by law.

2. Protection of state interests, legal rights and benefits of relevant organizations and individuals; protect water resources and environment as prescribed by law.

3. Prioritized licensing for exploration, exploitation and use of water resources for domestic use.

4. No depletion or pollution of water sources when conducting exploration, exploitation and use of water resources.

Article 19. Bases for licence issuance

1. The water resources licence issuance must be based on:

a) Socio-economic development strategies and planning for of nations, sectors and areas;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The status of exploitation and use of water in areas

d) Assessment reports of competent regulatory agencies on applications for issuance of licences for water resources exploration, exploitation and use;

dd) Demands for water exploitation and use specified in application forms.

2. In case of issuance of licences for groundwater exploration, exploitation and us, apart from bases prescribed in Clause 1 of this Article, it must also be based on the regulations in Clause 4 Clause 5 Article 52 of the Law on Water Resources.

Article 20. Requirements for licence issuance

1. Organizations and individuals granted water resources licences must satisfy the following requirement:

a) Have completed the notification and community survey of representatives of the residential community and relevant organizations and individuals as prescribed in this Decree.

b) Have schemes and reports applicable to the approved relevant water resources planning, provincial planning, regulations on restricted groundwater exploitation areas and specialized planning or suitable for water source capacity in case such planning and regulations are not issued. The schemes and reports must be made by qualified organizations and individuals as prescribed; information and data used for making schemes and reports must be sufficient, obvious, accurate and reliable.

Work design plans or works for water resources exploitation must be suitable for exploitation scales and subjects and satisfy requirements for protection of water resources and environment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Have plans for arranging equipment and human resources to operate reservoirs, monitor and supervise the exploitation and use of water; plans for meteorological and hydrological monitoring, provision of forecasts about the amount of water inflow serving the reservoir operation according to regulations for cases where works are not constructed;

- Have the reservoir operation process; have equipment, human resources or contracts to hire qualified organizations and individuals to perform reservoir operation, monitoring and supervision of the exploitation and use of water; meteorological and hydrological monitoring and provision of forecasts about the amount of water inflow serving the reservoir operation according to regulations for cases where works have been constructed.

2. If an entity explores, exploits or use water without any water resources licence, a competent authority shall consider deciding issuance of water exploitation and use licence when the following requirements for licence issuance are met as prescribed in Clause 1 of this Article.

The handling of violations caused by water exploration, exploitation and use without a water resource licence shall comply with regulations of laws on administrative penalties for violations against regulations on water resources.

Article 21. Licence validity period

1. The validity period of water resources licences shall be as follows:

a) The validity period of licences for exploitation and use of surface water and sea water reaches a maximum of 15 years and a minimum of 05 years and is considered to be renewed for many times. The minimum renewal period shall be 03 years and the maximum one shall be 10 years per time;

b) The validity period of licences for exploitation and use of groundwater is 02 years and is considered to be renewed for only one time; the renewal period shall not exceed 01 year;

c) The validity period of licences for exploitation and use of groundwater reaches a maximum of 10 years and a minimum of 03 years and is considered to be renewed for many times. The minimum renewal period shall be 02 years per time and the maximum one shall be 05 years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Based on the conditions of each water source, level of detail (LOD) of information, survey data and assessment of water resources and application for licence issuance or renewal of the organization/individual, the licence issuer shall decide the specific validity period of each licence.

3. If the application for licence issuance of the organization/individual is submitted before the date on which the licence granted previously becomes invalid, the effective date specified in the licence shall be determined as the following date of expiry date of the licence granted previously.

Article 22. Licence renewal

1. The renewal of a licence for water resources exploration, exploitation and use shall be based on the regulations in Articles 18, 19 and 20 of this Decree and the following requirements:

a) The licence is still valid and application for licence renewal is submitted before the date on which the licence comes invalid for at least 90 days;

b) Until the date of renewal as requested, organizations and individuals granted licences have fulfilled adequate obligations related to their granted licences as prescribed by laws and have not cause any dispute;

c) At the date a request for renewal of licences, plans for exploitation and use of water resources of organizations and individuals must be applicable to water resources planning, provincial planning and satisfaction capacity of water sources.

2. For cases other than the regulations in Point a Clause 1 of this Article, organizations and individuals exploring, exploiting and using water resources must make applications for issuance of new licences.

Article 23. Modification of licences

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Ground conditions ineligible for construction of some approved exploration works;

b) Increase in the flow rate of exploited water of not exceeding 25% of that specified in the granted licence or the modification of aquifers;

c) Volume of exploration drilling exceeding 10% of the approved volume.

2. A licence for exploitation and use of water resources shall be modified in the following cases:

a) The provision of water sources is not ensured in an usual manner;

b) Demands for exploitation and use of water increases but there are no measures for handling and replenishment of water sources;

c) In case of emergency, the exploitation and use of water must be limited;

d) Addition of wells or adjustment of flow rates of water exploited between wells leads to an increase in the flow rate of the work of not exceeding 25% of the flow prescribed in the granted licence.

In case of modification of a licence for exploitation and use of groundwater including replenishment of wells, there must have well design and construction plans, anticipate impacts of the exploitation and use of water on water sources and on other water exploiters and users and be approved in writing before construction by competent authorities prescribed in Article 29 hereof. Within 30 days after completing the construction of wells, a construction project owner must submit an application for modification of his/her licence as prescribed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) There is a change in the purpose of exploitation and use of water as prescribed in the licence granted previously;

e) There is a change in exploitation regulations of works;

g) The licensee requests a modification of the contents of his/her licence apart from the regulations in Clause 3 of this Article.

3. Contents specified in a licence shall not be modified:

a) Water sources and aquifers;

b) The amount of water exploited and used exceeding 25% of the amount prescribed in the granted licence.

If any content specified in this Clause needs to be modified, the licensee must make an application for issuance of a new licence.

4. If the licensee proposes a modification of his/her licence, an application for modification of the licence must be made according to the regulations of this Decree; if the issuing agency approves the modification, a notification must be sent to the licensee before at least 90 days. The validity period of the modified licence shall be the remaining period of the licence grated previously.

In addition to modifying the licence, if the licensee also needs to reissue the licence for exploitation and use of water at the construction site, the proposal for reissuance must be clarified in the application for modification of the licence. The reissuance must be considered simultaneously in the process of modification of the license as prescribed in this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A licence shall be suspended when the licensee commits one of the following violations:

a) Violate the contents specified in the licence, thereby causing serious pollution and depletion of water sources;

b) Exploit groundwater, thereby causing serious ground subsidence, deformation of works, saltwater intrusion, depletion and pollution of water sources;

c) Operate reservoirs and dams, thereby causing floods, artificial inundation, seriously affecting production and daily life of people in the upstream and downstream of reservoirs and dams;

d) Transfer the right to exploit water resources without approval of the competent issuing agency.

d) Do not fulfill the financial obligation as prescribed;

e) Exploit the licence to organize activities violating regulations of law.

2. Time limit for licence suspension:

a) Do not exceed 03 months for licences for groundwater exploration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. During the suspension period of a licence, the licensee shall not have any right related to the licence and must have measures to resolve the effects and compensate for losses (if any) as prescribed by law.

4. When the suspension period ends but the issuing agency does not issue any other decisions, the licensee shall be able to continue to perform his/her rights and obligation.

Article 25. Revocation of licenses

1. A licence shall be revoked in one of the following cases:

a) The licensee is detected of having forced documents, dishonestly declaring the contents specified in the application for licence issuance or modification, thereby causing discrepancies in the contents of the licence;

b) Organization that is the licensee is dissolved or declared bankrupt; individual that is the licensee die, is declared dead, losses his/her civil act capacity or is declared missing c) The licensee violates the decision on suspension of the licence, repeats or violates the regulations in the licence for multiple times;

d) The license is issued by the wrong person;

dd) A competent regulatory agency decides to revoke the licence for the national defense and security reasons or for the national and community interests.

2. If a licence is revoked according to the regulations in Point a and Point c Clause 1 of this Article, the licensee shall be considered to be granted a new licence after 03 years from the date on which the current licence is revoked after completing obligation related to the revocation of the current licence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. If a licence is revoked according to the regulations in Point dd Clause 1 of this Article, the State shall compensate for losses and refund the fee for grant of the right to exploit water resources as prescribed by law.

Article 26. Return of licences and termination of licences

1. A water resources licence which has been granted but the licensee does not use it or has no demands for continuing using it, the licensee may return it to the issuing agency and clarify the reasons.

2. A water resources licence which has been granted but the scale of construction site changes leading a change in the competence in licence issuance, the licence shall return the granted licence to the competent agency after a new licence is granted.

3. A licence shall be terminated in one of the following cases:

a) The licence is revoked;

b) The licence has become invalid;

c) The licence has been returned.

4. When a licence is terminated, the relevant rights of the licence shall be terminated as well.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A licence shall be reissued in one of the following cases:

a) The licence is lost and damaged;

b) Name of the licensee is changed due to the changes in name, transfer, merger, full division, partial division, restructuring without any change in the other contents of the licence.

2. The period specified in the reissued licence shall be the remaining period of the licence granted previously.

Article 28. Competence to issue, renew, modify, suspend, revoke and reissue water resources licences

1. The Ministry of Natural Resource and Environment shall issue, renew, modify, suspend, revoke and reissue water resources licences in the following cases:

a) National essential construction works for water resources exploitation and use within the domain of the Prime Minister;

b) Works for groundwater exploration with a flow rate of from at least 3.000 m3/day and night;

c) Works for groundwater exploitation with a flow rate of from at least 3.000 m3/day and night;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Irrigation reservoirs and dams apart from the works specified in Point d of this Clause with the total capacity of from at least 20 million m3;

e) Works for surface water exploitation and use serving power generation with an installed capacity of from at least 2.000 kW;

g) Works for surface water exploitation and use serving other purposes with a flow rate of from at least 50.000 m3/day and night;

h) Sea water exploitation and use serving onshore production including aquaculture as well as trading with a flow rate of from at least 1.000.000 m3/day and night;

2. The Provincial People’s Committees shall issue, renew, modify, suspend, revoke and reissue licences for cases other than those prescribed in Points a, c, d, dd, e and g Clause 1 of this Article.

3. The Department of Natural Resources and Environment shall issue, renew, modify, suspend, revoke and reissue licences for cases other than those prescribed in Points b and h Clause 1 of this Article.

Article 29. Agencies receiving and managing applications and licences

Agencies receiving and managing applications and licences (hereinafter collectively referred to as “receiving agencies”) include:

1. The Division of Receiving and Returning Results of administrative documents of the Ministry of Natural Resources and Environment is responsible for receiving and returning results of administrative documents within the domain of the Ministry of Natural Resources and Environment; the Department of Water Resources Management of the Ministry of Natural Resources and Environment is responsible for processing and managing applications and licences within the domain of the Ministry of Natural Resources and Environment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 30. Applications for issuance, renewal and modification of groundwater exploration licences

1. An application for issuance of a groundwater exploration licence includes:

a) An application form for licence issuance;

b) A scheme for groundwater exploration for works with a scale of from at least 200 m3/day and night; an exploratory well design for works with a scale of less than 200 m3/day and night.

2. An application for renewal and modification of a groundwater exploration licence includes:

a) An application form for renewal or modification of the licence;

b) A report on the status of compliance with regulations in the licence;

3. The application form, scheme contents and report shall be made using Form No. 01, Form No. 02, Form No. 21, Form No. 22 and Form No. 23 specified in the Appendix enclosed herewith.

Article 31. Applications for issuance, renewal and modification of groundwater exploitation and use licences

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) An application form for licence issuance;

b) A map showing the area and location where the work for groundwater exploitation is built;

c) An report on groundwater exploration result enclosed exploitation plans for works with a scale of from at least 200 m3/day and night or a well construction report for exploitation works with a flow rate of less than 200 m3/day and night in case exploration works are not built; a report on the current exploitation status of groundwater exploitation works currently in operation;

d) Results for analyzing the quality of water sources published within 06 months up to the date of submitting the application.

2. An application for renewal or modification of a groundwater exploitation and use licence includes:

a) An application form for renewal or modification of the licence;

b) A report on the current water exploitation and use status and the licence compliance; In case the licence modification affects the scale of construction site, the number of wells used for exploitation and the water level, a plan for water exploitation must be clarified;

c) Results for analyzing the quality of water sources published within the last 06 months before the application is submitted;

d) A map showing the location of the work for groundwater exploitation in case of modifying the licence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 32. Applications for issuance, renewal and modification of licences for exploitation and use of surface water and sea water

1. An application for issuance of a surface water or sea water groundwater exploitation and use licence includes:

a) An application form for licence issuance;

b) A water exploitation and use scheme in case exploration works are not built; a report on the current water exploitation and use status enclosed with an operation process in case exploration works have been built (the operation process is mandatory in this case);

c) Results for analyzing the quality of water sources published within 03 months up to the date of submitting the application (except for works for exploitation and use of water for hydroelectricity);

d) A map showing the location of the work for water exploitation.

In case the work for surface water or sea water exploitation has not been built, the application for issuance of the licence must be submitted in the preparation period for investment.

2. An application for renewal or modification of a surface water or sea water exploitation and use licence includes:

a) An application form for renewal or modification of the licence;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Results for analyzing the quality of water sources published within 03 months up to the date of submitting the application (except for works for exploitation and use of water for hydroelectricity);

3. The application form, scheme and report shall be made using Form No. 05, Form No. 06, Form No. 07, Form No. 08, Form No. 28, Form No. 29, Form No. 30, Form No. 31, Form No. 32, Form No. 33 and Form No. 34 specified in the Appendix enclosed herewith.

Article 33. Applications for reissuance of water resources licences

1. An application form for licence reissuance.

2. Documents proving the reasons for reissuance of a licence (in case of renaming, transfer, merger, full division, partial division or restructuring),

In case of applying for licence reissuance due to a transfer of the work, the application must include documents proving the transfer and the complete fulfillment of financial obligation related to the water exploitation and use and other relevant documents.

3. The application form for a reissuance of the water resources licence shall be made using the Form No. 09 specified in the Appendix enclosed herewith.

Article 34. Applications for return of water resources licences

1. An application form for a licence return.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The application form for return of the water resources licence shall be made using the Form No. 10 specified in the Appendix enclosed herewith.

Article 35. Procedures for issuance of licences for exploration, exploitation and use of water resources

1. Receiving and examining an application:

a) Each organization or individual applying for issuance of a licence shall submit 01 application in person or by post or via the online public service portal and pay fees for processing the application as prescribed;

b) Within 03 working days after receiving the application, the receiving agency shall consider and examine the application. In case of lawlessness, the receiving agency shall notify the organization or individual applying for the licence issuance of supplementation and completion of the application as prescribed.

In case the supplemented application still fails to satisfy the requirements for licence issuance as prescribed, the receiving agency shall return the application and clarify the reasons to the organization or individual applying for the licence issuance.

2. Appraising the scheme and report for exploration, exploitation and use of water resources specified in the application for the licence issuance (hereinafter collectively referred to as "scheme and report”):

a) Within 30 working days after fully receiving a valid application as prescribed in Clause 1 of this Article, the receiving agency shall appraise its scheme and report; if necessary, a physical inspection may be carried out and an appraisal council may be established for appraising the scheme and report. In case the requirements for a licence issuance are fully satisfied, the receiving agency shall appeal to the competent authority to issue a licence; on the contrary, the application shall be returned to the organization or individual applying for the licence issuance and clarify the reasons for the return;

b) In need of a supplementation or a modification for completion of the scheme and report, the receiving agency shall send a notification to the organization or individual applying for the licence issuance and clarify contents needed to be supplemented to complete the scheme and report. The period for supplementation and completion of the scheme and report shall not be included in the period for appraising the scheme and report. The appraisal period shall be 18 working days after the scheme or report is supplemented and completed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Returning results of processing the application for the licence issuance

Within 03 working days after receiving the licence from the competent authority, the receiving agency shall notify the organization or individual applying for the licence issuance of receiving the licence.

Article 36. Procedures for renewal, modification and reissuance of licences for exploration, exploitation and use of water resources

1. Receiving and examining an application:

a) Each organization or individual applying for renewal, modification or reissuance of a licence hereinafter referred to as “organization or individual”) shall submit 01 application in person or by post or via the online public service portal and pay fees for processing the application as prescribed by law to the receiving agency;

b) Within 03 working days after receiving the application, the receiving agency shall consider and examining the application. In case of lawlessness, the receiving agency shall notify the organization or individual of completing the application as prescribed.

In case the completed application still fails to satisfy the requirements for licence issuance as prescribed, the receiving agency shall return the application to the organization or individual and clarify the reasons for that.

2. Appraising its scheme and report in case of the licence renewal or modification:

a) Within 25 working days after fully receiving a valid application as prescribed in Clause 1 of this Article, the receiving agency shall appraise the scheme and report; if necessary, a physical inspection may be carried out and an appraisal council may be established for appraising the scheme and report. In case the requirements for the licence renewal or modification are fully satisfied, the receiving agency shall appeal to the competent authority to issue a licence. In case the requirements for the licence renewal or modification are not fully satisfied, the receiving agency shall return the application to the organization or individual and clarify the reasons for the return;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) In case the scheme or report must be remade, the receiving agency shall submit a written notification to the organization or individual and clarify the unsatisfactory contents and return the application.

3. Processing the application for reissuance of the licence:

Within 10 working days after fully receiving a valid application as prescribed in Clause 1 of this Article, the receiving agency shall process the application; if the requirements for reissuance of the licence are fully satisfied, the receiving agency shall appeal to the competent authority to reissue the licence. On the contrary, the receiving agency shall return the application to the organization or individual and clarify the reasons for the return.

4. Returning results of processing the application for licence issuance:

Within 03 working days after receiving the licence from the competent authority, the receiving agency shall notify the organization or individual of receiving the licence.

Article 37. Procedures for returning water resources licences

A licensee shall submit 01 application for returning his/her licence to the issuing agency where the licence has been issued previously in person or by post or via the online public service portal; Within 10 working days after fully receiving a valid application as prescribed in Article 34 of this Decree, the receiving agency shall consider, examine and submit the application to the competent authority for signing a Decision on approval for the application for returning the water resources licence.

Article 38. Procedures for registration of groundwater exploitation

1. Authority that confirms registration of a groundwater exploitation (hereinafter referred to as "confirming authority") shall be the district-level People’s Committee for the cases prescribed in Point c Clause 1 of Article 17; and shall be the Department of Natural Resources and Environment for the cases prescribed in Point d Clause 1 Article 17 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Based on the List of restricted groundwater exploitation areas approved by the Provincial People’s Committee, the Commune-level People’s Committee shall review and make a list of organizations and individuals owning groundwater exploitation works subject to registration in the commune; notify and send 02 declaration forms for the registration using the Form No. 35 specified in the Appendix enclosed herewith to each organization or individual for declaration;

If the groundwater exploitation work has not been built, an exploitation registration shall be required before beginning construction of such work.

b) Within 10 working days after receiving the two declaration forms, the organization or individual shall fill in such forms and submit them to a confirming authority or to the Commune-level People’s Committee. The Commune-level People’s Committee shall submit such declaration forms to a registering agency;

c) Within 10 working days after receiving such declaration forms of the organization or individual, the confirming authority shall check information of the declaration forms, provide a confirmation in the forms and send 01 of them to the organization or individual.

3. Registration procedures for the work prescribed in Point d Clause 1 Article 17 of this Decree:

a) Organization or individual who uses self-supply groundwater in mining pits for sifting ores without lowering the groundwater level or pumping water to drain the self-supply water in the mining pits shall fill in the 02 declaration forms using Form No. 36 specified in the Appendix enclosed herewith and submit them to the Department of Natural Resources and Environment where the work is constructed;

b) Within 15 working days after receiving such declaration forms of the organization or individual, the confirming authority shall check information of the declaration forms, provide a confirmation in the forms and send 01 of them to the organization or individual.

4. In case the organization or individual has been registered for groundwater exploitation, if he/she does not continue to exploit or use, he/she must send a notification of it and return the declaration forms (which have been confirmed) to the confirming authority or the Commune-level People’s Committee that notifies the registering agency and then fills unused wells according to regulations.

5. The confirming authority shall keep a log of data on registration of groundwater exploitation in its area; report results of registration to the Department of Natural Resources and Environment before December 15 every year (if the registering agency is the District-level People’s Committee).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Authority that confirms registration of a surface water or sea water exploitation and use (hereinafter referred to as "confirming authority") shall be the Department of Natural Resources and Environment where a work prescribed in Points a and b Clause 1 Article 17 of this Decree is constructed.

2. Procedures for registration of surface water or sea water exploitation and use

a) The Commune-level People’s Committee shall review and make a list of organizations and individuals owning surface water or sea water exploitation and use works subject to registration in the commune; notify and provide 02 declaration forms for the registration using the Form No. 37 and Form No. 38 specified in the Appendix enclosed herewith to each organization or individual for declaration;

If the groundwater exploitation work has not been built, an exploitation registration shall be required before beginning construction of such work.

b) Within 10 working days after receiving the two declaration forms, organizations and individuals shall fill in such forms and submit them to the Provincial Department of Natural Resources and Environment or to the Commune-level People’s Committee. The Commune-level People’s Committee shall submit such declaration forms to the Provincial Department of Natural Resources and Environment.

c) Within 10 working days after receiving such declaration forms of the organization or individual, the confirming authority shall check information of the declaration forms, provide a confirmation in writing on them and send 01 of them to the organization or individual.

3. In case the organization or individual has been registered for surface water or sea water exploitation and use, if he/she does not continue to exploit or use, he/she must send a notification of it and return the Confirmation to the confirming authority.

4. The confirming authority shall establish a set of books for monitoring and update data on registration of surface water or sea water exploitation and use in its area.

Article 40. Procedures for suspension of water resources licences

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Based on the severity of violations committed of the licensee and the consequences of the licence suspension for production and life of the people in the living area of the licence, the issuing agency shall decide the suspension period of the licence.

3. The issuing agency may consider shortening the suspension period of the licence if the licensee has taken actions to deal with consequences caused by the licence suspension and completely fulfill his/her obligation as prescribed by law.

Article 41. Procedures for revocation of water resources licences

1. When conducting a periodic or ad hoc inspection of implementation of the licence, if any case prescribed in Points a and b Clause 1 Article 25 hereof is detected, an agency having the competence in conducting inspections (hereinafter referred to as “inspecting agency”) shall be responsible for making and submitting a written report to the issuing agency; if any case prescribed in Points c and d Clause 1 Article 25 of this Decree is detected, the inspecting agency shall handle under its competence, and preparing and submitting a written report to the issuing agency.

Within 30 working days after receiving the report, the issuing agency shall consider revoking the licence.

2. If a competent regulatory agency decides to revoke a licence as prescribed in Point dd Clause 1 Article 25 hereof, a notification must be sent to the licensee before 90 days.

Article 42. Transfer of the right to exploit water resources

1. Up to the date of transfer of the right to exploit water resources, the transferor must ensure complete fulfillment of the financial obligation in exploitation and use of water resources and full payment of the fee for granting of the right to exploit water resources as prescribed; ensure that there is no dispute about rights and obligation related to the exploitation of water resources.

2. Requirements for receiving a transfer of the right to exploit water resources for a transferee:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The transferee must not change the initial purpose of water exploitation and use.

3. The transfer must not interrupt fulfillment of the obligations in exploitation and use of water resources.

4. The transferor and transferee must fulfill their own obligations related to taxes, fees and charges imposed for the transfer as prescribed by laws on taxes, fees and charges.

Article 43. Funds for conducting basic survey, planning and protection of water resources

1. Funds for basic survey, planning, management and protection of water resources shall comply with the regulations in Clause 1 Article 10, Clause 4 Article 21, Clause 5 Article 27 of the Law on Water Resource.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment in managing and using funds for basic survey, planning, management and protection of water resources.

Chapter IV

REGULATING AND MONITORING EXPLOITATION, USE, PROTECTION OF WATER SOURCES, PREVENTION, COMBAT AND OVERCOMING OF HARMFUL EFFECTS CAUSED BY WATER IN RIVER BASINS

Section 1. Activities in need of regulation and monitoring

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The activities prescribed in Points a, b, c and d Clause 1 Article 72 of the Law on Water Resources.

2. Other activities in need of regulation and monitoring in river basins prescribed in Point e Clause 1 Article 72 of the Law on Water Resources:

a) River rehabilitation and restoration: Restore and conserve ecosystems, improve water quality; develop wetlands, riverside ecological belts, remove obstructions to flow on rivers; replenish water for depleted water sources, build and upgrade wastewater treatment infrastructure; reduce pollution dispersion in urban and rural areas; strengthen activities to prevent and combat incidents of water source pollution; build water retention infrastructure to increase flow rates in rivers, strengthen riverbanks, dredge river beds.

b) Landscape improvement and development of riverside and lakeside lands: Develop riverside entertainment, festivals, riverside sports; restore and develop riverside history, culture and tourism values.

Article 45. Contents and requirements for the regulation and monitoring of activities in river basins

1. Contents of the regulation: directing and speeding up the cooperation between ministries, central and local authorities and relevant agencies and organizations in complying the regulations prescribed in Article 44 hereof.

2. Monitoring contents: monitor and check the exploitation and use of water resources, discharge of wastewater into water sources and organize implementation of measures to protect water resources, prevent, combat and overcome harmful effects caused by water in river basins.

3. Requirements for the regulation:

a) Ensure the exploitation and use of water sources in a collective, economical and effective manner to satisfy the water supply to the people life and socio-economic development; protect water resources, prevent, combat and overcome harmful effects caused by water;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Comply river basin planning and plans;

d) Specify presiding agency, cooperation agency and responsibilities of each participating agency.

4. Requirements for the monitoring:

a) Discover unusual changes in flow rates and quality of water sources; provide warnings and forecasts about the risk of pollution, degradation and depletion of water sources in river basins;

b) Detect violations against laws on water resources of organizations or individuals in operating reservoirs, inter-reservoirs and in discharging wastewater into water sources in river basins;

c) Provide information and data serving the regulation of exploitation, use, protection of water sources, prevention, combat and overcoming of harmful effects caused by water prescribed in Article 44 hereof in river basins;

d) Other requirements for management, protection, exploitation and use of water sources, prevention, combat and overcoming of harmful effects caused by water in river basins.

Section 2. Responsibility for regulation and monitoring of activities in river basins

Article 46. Responsibilities of the Ministry of Natural Resources and Environment

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Take charge of cooperation in responding and overcoming incidents from inter-country and interprovincial water source pollution.

3. Assess and publish minimum flows in rivers or river segments for interprovincial water sources and prescribe minimum flows in lower sections of reservoirs within its domain.

4. Build and maintain a system for monitoring exploitation and use of water resources for interprovincial river basins.

5. Resolve issues arising in the cooperation in performance of agencies participating in regulation and monitoring of activities in interprovincial river basins within the domain of the Ministry or submit them to the Prime Minister for consideration.

Article 47. Responsibilities of the Provincial People’s Committees

1. Develop, approve and organize implementation of plans for distribution of water resources; programs and plans for regulation and improvement of rivers and restoration of polluted or depleted water sources for intra-provincial river basins.

2. Direct response and overcoming of incidents from water source pollution in their provinces and cooperate with other provinces using the same water sources in responding and overcoming incidents from water source pollution.

3. Assess and publish minimum flows in rivers or river segments for intra-provincial water sources and prescribe minimum flows in lower sections of reservoirs within its domain.

4. Build and maintain a system for monitoring exploitation and use of water resources for intra-provincial river basins.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in implementing the regulations prescribed in Article 46 hereof.

Article 48. Responsibilities of ministries and ministerial agencies

1. Cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment and the Provincial People’s Committees in regulating and monitoring the exploitation, use, protection of water sources, prevention, combat and overcoming of harmful effects caused by water in river basins.

2. Notify their plans and demands for using water for each water source in river basins to the Ministry of Natural Resources and Environment and the relevant Provincial People’s Committees.

3. Direct the development and revision of plans, programs and specialized schemes related to the exploitation, use, protection of water sources, prevention, combat and overcoming of harmful effects caused by water to be applicable to plans for distribution of water resources, programs and plans for improvement of rivers and restoration of polluted or depleted water sources in river basins and ensure the maintenance of minimum flows that have been published.

4. Direct the development and implementation of plans for regulation of water in reservoirs and plans for water exploitation and use of water exploitation works on rivers following the reservoir and inter-reservoir process issued by competent authorities and according to the plans for distribution of water resources in river basins.

5. Cooperate in resolving issues arising in the process of regulation and monitoring of activities in river basins.

Chapter V

IMPLEMENTATION CLAUSES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Decree No. 41/2021/ND-CP dated March 30, 2021 of the Government amending Decree No. 82/2017/ND-CP dated July 17, 2017 of the Government providing for methods for calculation and collection of fees for granting the right to exploit water resources shall be amended as follows:

a) Clause 3 shall be supplemented to after Clause 2 Article 3 of Decree No. 82/2017/ND-CP, which had been amended by Clause 1 Article 1 of Decree No. 41/2021/ND-CP as follows:

“3. Time for paying the fee for granting the right to exploit water

The amount of money used for granting the right to exploit water resources shall be paid after a work comes into operation and a Decision on approval for the amount of money used for grating the right to exploit water resources is issued by a competent authority”.

b) Amendments to Clause 2 Article 2:

“Up to the date on which this Decree comes into force, the work has spent the amount of money granting the right to exploit water resources as prescribed in Decree No. 82/2017/ND-CP but it does not come into operation, only after the work comes into operation, the adjustment due to changes in time for operation shall be made and application of prices for calculating the amount of money used for granting the right to exploit water resources prescribed in the previous decision on approval for the amount of money used for grating the right to exploit water resources".”

2. Clauses 1 Article 167 of Decree No. 08/2022/ND-CP dated January 10, 2022 elaborating certain Articles of the Law on Environment Protection shall be annulled.

Article 50. Transitional clauses

1. Entity subject to a registration as prescribed herein and granted a sea water or surface water exploitation and use licence as prescribed in Decree No. 201/2013/ND-CP may continue to exploit and use water up to the end of the period specified in the licence. After the granted licence is invalid, if the entity wishes to continue to exploit and use water, he/she must make a registration according to the regulations in this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The application for issuance of a water resources licence which is received fully and validly by the competent agency before the date on which this Decree comes into force shall be continued to be assessed and considered to issue as prescribed in Decree No. 201/2013/ND-CP. Entity subject to a registration of water exploitation and use as prescribed in Points a and b Clause 1 Article 17 hereof, if the entity wishes to carry out the registration as prescribed in this Decree, the entity shall request the competent agency to consider returning the application for licence issuance.

4. For projects of which community survey of representatives of residential community and relevant entities about exploitation and use of water resources have been completely carried out as prescribed in Decree No. 201/2013/ND-CP before the date on which this Decree comes into force, other surveys are not required as prescribed in this Decree.

5. For provinces and cities in which areas subject to registration of groundwater exploitation have been approved as prescribed in Circular No. 27/2014/TT-BTNMT dated May 30, 2014 of the Ministry of Natural Resources and Environment, the registration shall be continued as prescribed in the approved decisions until the date on which an adjustment is made as prescribed in this Decree.

Article 51. Implementation provisions

1. This Decree comes into force from March 20, 2023.

2. Decree No. 201/2013/ND-CP dated November 27, 2013 of the Government elaborating the Law on Water Resources shall be annulled.

3. Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of the People's Committees of provinces and central-affiliated cities, relevant organizations and individuals are responsible for implementation of this Decree./.

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 hướng dẫn Luật Tài nguyên nước

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


88.189

DMCA.com Protection Status
IP: 3.128.31.76
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!