Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 số 82/2015/QH13 áp dụng 2024

Số hiệu: 82/2015/QH13 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 25/06/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Đã cập nhật Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015

Từ ngày 01/07/2016, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 chính thức có hiệu lực.

Theo đó, quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và đảm bảo phù hợp với các quy định tại Luật này.

Đồng thời, Luật cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như:

- Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật;

- Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo;

- Nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật…

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 82/2015/QH13

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2015

LUẬT

TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm (sau đây gọi chung là hải đảo) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

2. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Bãi cạn lúc chìm lúc nổi là vùng đất, đá nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước.

4. Bãi ngầm là bãi đá, bãi san hô, bãi cát hoặc thành phần tự nhiên khác nhô cao lên khỏi đáy biển nhưng vẫn ngập nước khi thủy triều xuống thấp nhất.

5. Quy hoạch sử dụng biển là định hướng và tổ chức không gian cho việc sử dụng các vùng biển Việt Nam, được lập và phê duyệt theo quy định của Luật biển Việt Nam.

6. Vùng bờ là khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển.

7. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là định hướng và tổ chức không gian cho việc khai thác, sử dụng các loại tài nguyên trong vùng bờ.

8. Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là hoạt động khảo sát, điều tra, phân tích, đánh giá về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm cung cấp số liệu về hiện trạng, xác định quy luật phân bố, tiềm năng, đặc điểm định tính, định lượng của tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

9. Thống kê tài nguyên biển và hải đảo là việc điều tra, tổng hợp, đánh giá hiện trạng tài nguyên biển và hải đảo tại thời điểm thống kê và tình hình biến động giữa các lần thống kê.

10. Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là quá trình theo dõi có hệ thống về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các yếu tố tác động đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm cung cấp thông tin, đánh giá hiện trạng diễn biến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và dự báo, cảnh báo các tác động xấu đối với tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

11. Rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là khả năng xảy ra ô nhiễm và thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội do ô nhiễm môi trường biển và hải đảo gây ra.

12. Sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là việc dầu, hóa chất độc từ phương tiện chứa, vận chuyển hoặc từ công trình, thiết bị và mỏ dầu thoát ra biển do sự cố kỹ thuật, thiên tai, tai nạn hoặc do con người gây ra.

13. Chủ cơ sở là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm pháp lý về toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và sản phẩm dầu, hóa chất độc.

14. Nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của Luật này.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

3. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển.

4. Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh.

5. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

Điều 5. Nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo

1. Tài nguyên biển và hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo.

3. Việc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Điều 6. Tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm sự tham gia thuận lợi, có hiệu quả của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp, bằng văn bản hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tiếp thu, giải trình phải được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 7. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hằng năm.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật.

2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố.

3. Lợi dụng việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

4. Thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 24 và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 của Luật này.

5. Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo.

6. Nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật.

7. Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không đúng quy định của pháp luật.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Chương II

CHIẾN LƯỢC KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 9. Nguyên tắc, căn cứ lập và kỳ chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Nguyên tắc lập chiến lược:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược biển Việt Nam, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia;

b) Đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

2. Căn cứ lập chiến lược:

a) Tiềm năng tài nguyên biển và hải đảo; kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; kết quả thăm dò, đánh giá, thống kê tài nguyên biển và hải đảo; dự báo tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; yêu cầu bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

c) Kết quả thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo kỳ trước.

3. Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia cho giai đoạn 20 năm, tầm nhìn 30 năm.

Điều 10. Nội dung của chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, mục tiêu về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp để phát triển bền vững.

2. Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tổng thể về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

3. Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu của chiến lược.

Điều 11. Lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo và trình Chính phủ phê duyệt. Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo phải được lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập và phải được thẩm định trước khi phê duyệt.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chiến lược của ngành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường cho phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương III

ĐIỀU TRA CƠ BẢN, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Mục 1: ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 12. Yêu cầu đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Phải xác định thứ bậc ưu tiên đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo đối tượng, khu vực điều tra, phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn lực của Nhà nước theo từng giai đoạn.

3. Phải dựa trên nhu cầu điều tra, kế thừa kết quả điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học đã thực hiện ở khu vực dự kiến điều tra. Các hoạt động điều tra cơ bản trên một khu vực biển phải được lồng ghép phù hợp với đặc thù của hoạt động điều tra cơ bản trên biển và hải đảo để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

4. Kết quả điều tra cơ bản phải được nghiệm thu, phê duyệt, giao nộp, khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các dự án, đề án, nhiệm vụ sau đây:

a) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra mang tính liên ngành, liên vùng, ở vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề; điều tra cơ bản hải đảo, phát hiện nguồn tài nguyên mới, các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; trước khi phê duyệt phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung điều tra, tính khả thi, hiệu quả; sau khi phê duyệt phải gửi quyết định phê duyệt và thông tin về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực điều tra của dự án, đề án, nhiệm vụ về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 14. Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào nhu cầu điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của ngành, lĩnh vực, địa phương và quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này có trách nhiệm đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, xây dựng chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ theo chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được phê duyệt.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức được giao thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đúng dự án, đề án, nhiệm vụ đã được phê duyệt; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Bảo đảm tính trung thực, đầy đủ trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu, thông tin về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo mật tài liệu, thông tin theo quy định của pháp luật;

c) Bảo đảm an toàn, an ninh trên biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong quá trình thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra;

d) Trình cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu và giao nộp báo cáo kết quả điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Thống kê tài nguyên biển và hải đảo

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thống kê các loại tài nguyên biển và hải đảo do mình quản lý theo quy định của pháp luật về thống kê, gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả thống kê tài nguyên biển và hải đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mục 2: NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 17. Hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật về khoa học và công nghệ.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và phải được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 18. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, quốc tế;

c) Làm cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; định hướng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

d) Phải huy động nguồn lực quốc gia và có sự tham gia của nhiều ngành khoa học và công nghệ.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gửi về bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác ở trung ương phải phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tổng hợp, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đưa vào chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, xây dựng, đặt hàng thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Việc xác định và tổ chức thực hiện chương trình được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật của nước nơi tổ chức được thành lập; tổ chức quốc tế là tổ chức liên chính phủ; cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước nơi cá nhân mang quốc tịch;

b) Có nhu cầu nghiên cứu khoa học độc lập hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với phía Việt Nam; đối với trường hợp nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam thì phải có sự hợp tác với phía Việt Nam khi Việt Nam có yêu cầu;

c) Hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình; không gây phương hại đến chủ quyền quốc gia, hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam; không gây ô nhiễm môi trường biển; không cản trở các hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong vùng biển Việt Nam;

d) Có đủ hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam sau khi lấy ý kiến các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan và thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi cấp phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho bộ, ngành và địa phương có liên quan để phối hợp quản lý.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép nghiên cứu khoa học có quyền cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi văn bản cấp phép.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.

Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam có các quyền sau đây:

a) Tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam theo nội dung và thời hạn đã được cấp phép;

b) Được công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 21 của Luật này;

c) Được hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ được tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình; không được tiến hành hoạt động khác ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép;

b) Tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng hải; thiết lập khu vực an toàn hàng hải xung quanh thiết bị nghiên cứu; báo hiệu hàng hải; duy trì liên lạc và tuân thủ các quy định khác của pháp luật về hàng hải của Việt Nam;

c) Không được làm ảnh hưởng đến hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam và các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam; không được mang vào vùng biển Việt Nam vũ khí, vật liệu nổ, hóa chất độc, các phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây thiệt hại đối với người, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, trừ trường hợp vật liệu nổ, hóa chất độc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép sử dụng để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học;

d) Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp hoạt động nghiên cứu khoa học gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo;

đ) Hoạt động nghiên cứu khoa học phải được thực hiện với phương thức và phương tiện thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan;

e) Bảo đảm các điều kiện làm việc cần thiết bao gồm cả chi phí cho ít nhất 02 nhà khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cử tham gia nghiên cứu;

g) Phải thông báo ngay cho Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có bất cứ thay đổi nào trong quá trình nghiên cứu khoa học so với nội dung, thời hạn đã được cấp phép và chỉ được thực hiện sự thay đổi đó sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

h) Khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong thời hạn không quá 30 ngày, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có thỏa thuận khác, phải hoàn thành việc tháo dỡ và đưa ra khỏi vùng biển Việt Nam các phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học;

i) Trong thời hạn không quá 06 tháng kể từ khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cấp phép, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có báo cáo chính thức về kết quả nghiên cứu khoa học và cung cấp các tài liệu, mẫu vật gốc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 21. Công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam chỉ được phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu cho bên thứ ba sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam chỉ được phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp đến thăm dò, khai thác tài nguyên cho bên thứ ba sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định cho phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương IV

QUY HOẠCH TỔNG THỂ KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ; CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ

Mục 1: VÙNG BỜ VÀ HÀNH LANG BẢO VỆ BỜ BIỂN

Điều 22. Phạm vi vùng bờ

1. Phạm vi vùng bờ được xác định trên cơ sở căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực trong vùng bờ; đặc điểm quá trình tương tác giữa đất liền hoặc đảo với biển; yêu cầu bảo vệ môi trường vùng bờ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hiện trạng và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và một số đặc điểm khác ở vùng bờ để tổ chức quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ phù hợp với năng lực quản lý.

2. Chính phủ quy định chi tiết về phạm vi vùng bờ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 23. Hành lang bảo vệ bờ biển

1. Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

2. Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

a) Phải căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bảo đảm tính khoa học, khách quan; hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ và phát triển, có tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

c) Phải phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều, khu vực biên giới trên biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh;

d) Phải xác định rõ chỉ giới hành lang bảo vệ bờ biển ở các khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

đ) Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

3. Chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển được tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 24. Các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển

1. Khai thác khoáng sản, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

2. Xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư.

3. Xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải.

4. Khoan, đào, đắp trong hành lang bảo vệ bờ biển, trừ hoạt động quy định tại Điều 25 của Luật này.

5. Lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ biển.

6. Hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

Điều 25. Các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển

1. Trong hành lang bảo vệ bờ biển, hạn chế các hoạt động sau đây:

a) Khai thác nước dưới đất;

b) Khai hoang, lấn biển;

c) Cải tạo công trình đã xây dựng;

d) Thăm dò khoáng sản, dầu khí;

đ) Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2: QUY HOẠCH TỔNG THỂ KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ

Điều 26. Nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

1. Nguyên tắc lập quy hoạch:

a) Phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch sử dụng biển; gắn kết với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành có phạm vi thuộc vùng bờ;

b) Bảo đảm hài hòa trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng bờ; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

c) Lồng ghép các yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

d) Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển;

đ) Phù hợp với nguồn lực thực hiện và bảo đảm tính khả thi.

2. Căn cứ lập quy hoạch:

a) Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch sử dụng biển;

b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc điểm cụ thể của từng khu vực trong phạm vi vùng bờ, tiềm năng tài nguyên, hiện trạng môi trường vùng bờ; tác động dự báo của biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

c) Kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường vùng bờ; thống kê tài nguyên vùng bờ;

d) Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường vùng bờ;

đ) Kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ kỳ trước.

Điều 27. Phạm vi, nội dung, kỳ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

1. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được lập cho toàn bộ vùng bờ của cả nước.

2. Nội dung quy hoạch:

a) Đánh giá tổng quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường; hiện trạng tài nguyên vùng bờ; xu thế biến động tài nguyên và môi trường vùng bờ, dự báo tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với tài nguyên và môi trường vùng bờ; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường vùng bờ;

b) Xác định mục tiêu, định hướng và xây dựng phương án tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ;

c) Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; khu vực biển sử dụng để nhận chìm theo nguyên tắc quy định tại Điều 33 của Luật này;

d) Các giải pháp, chương trình thực hiện quy hoạch.

3. Kỳ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 20 năm.

Điều 28. Điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

1. Việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự điều chỉnh chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch sử dụng biển làm thay đổi nội dung quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Do tác động của thiên tai, chiến tranh, sự cố môi trường làm thay đổi nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Nội dung điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là một bộ phận của quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt.

Điều 29. Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập và trình Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

2. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ phải được thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước khi phê duyệt.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Lấy ý kiến và công bố quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

1. Lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan;

b) Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua hình thức hội nghị, bằng văn bản, lấy ý kiến trực tiếp và công khai trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Thời gian công khai trên trang thông tin điện tử để lấy ý kiến ít nhất là 90 ngày;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến; công khai trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố và công khai quy hoạch trong suốt kỳ quy hoạch.

Điều 31. Tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ có trách nhiệm tuân thủ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Điều 32. Mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương

1. Các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ cho phù hợp với quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt.

Điều 33. Nguyên tắc phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ

1. Xem xét, đánh giá toàn diện tài nguyên thiên nhiên, điều kiện môi trường, các đặc thù địa lý của khu vực và hiện trạng sử dụng vùng bờ; vai trò của khu vực dự kiến phân vùng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

2. Bảo đảm tính tổng thể; hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng và yêu cầu bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái; hài hòa lợi ích ngắn hạn và dài hạn của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên với lợi ích của Nhà nước và cộng đồng, ưu tiên cho lợi ích lâu dài và lợi ích của cộng đồng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn giao thông, hàng hải.

3. Dựa trên kết quả đánh giá, xác định rõ lĩnh vực, mức độ ưu tiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên, lựa chọn phương án phân vùng tối ưu để bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo nhằm phục vụ phát triển bền vững vùng bờ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục 3: CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ

Điều 34. Phạm vi, nội dung chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ gồm các chương trình có phạm vi liên tỉnh và các chương trình trong phạm vi quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

2. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được lập cho khu vực vùng bờ trong các trường hợp sau đây:

a) Tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và có mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên cần sự phối hợp tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng để giải quyết;

b) Tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái của khu vực vùng bờ có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; là vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao;

c) Có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

3. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ bao gồm các nội dung sau đây:

a) Mục tiêu của chương trình;

b) Các vấn đề cần giải quyết và thứ tự ưu tiên giải quyết để quản lý tổng hợp; các chỉ số để đánh giá kết quả thực hiện chương trình;

c) Các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện chương trình;

d) Nguồn lực để thực hiện chương trình.

Điều 35. Nguyên tắc, căn cứ lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Nguyên tắc lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ:

a) Bảo đảm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên, hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan;

b) Bảo đảm sự tham gia của các bên có liên quan trong quá trình lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ;

c) Bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Căn cứ lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ:

a) Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ;

b) Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường khu vực vùng bờ trong phạm vi lập chương trình;

c) Khả năng về tài chính, nhân lực, khoa học và công nghệ.

3. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được điều chỉnh khi có thay đổi một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này m thay đổi mục tiêu và nội dung của chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.

Điều 36. Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có liên quan lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trong phạm vi quản lý; lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi phê duyệt.

3. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ phải được thẩm định trước khi phê duyệt.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 37. Lấy ý kiến và công bố chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Lấy ý kiến trong quá trình lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ:

a) Cơ quan lập chương trình có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan;

b) Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua hình thức hội nghị, bằng văn bản, lấy ý kiến trực tiếp và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập chương trình.

Thời gian công khai trên trang thông tin điện tử để lấy ý kiến đối với chương trình có phạm vi liên tỉnh ít nhất là 90 ngày, đối với chương trình trong phạm vi quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ít nhất là 60 ngày.

2. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ phải được công bố trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phê duyệt.

Điều 38. Tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ do mình phê duyệt.

Chương V

QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN HẢI ĐẢO

Điều 39. Yêu cầu quản lý tài nguyên hải đảo

1. Tài nguyên hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và quy định tại Chương này.

2. Hải đảo phải được điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

3. Bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Điều 40. Lập, quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo

1. Hải đảo được phân loại để bảo vệ, bảo tồn và khai thác, sử dụng tài nguyên theo quy định của Chính phủ.

2. Hồ sơ tài nguyên hải đảo bao gồm:

a) Phiếu trích yếu thông tin gồm: tên hoặc số hiệu hải đảo; loại hải đảo; vị trí, tọa độ, diện tích; quá trình khai thác, sử dụng hải đảo;

b) Bản đồ thể hiện rõ vị trí, tọa độ, ranh giới hải đảo;

c) Kết quả điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường hải đảo;

d) Sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo và các thông tin khác có liên quan.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo trong phạm vi địa phương.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo.

Điều 41. Khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo

1. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với quần đảo, đảo được thực hiện như đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên đất liền theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Đối với quần đảo, đảo phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, nghiêm cấm các hoạt động sau đây:

a) Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị;

b) Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo, chất lượng đất;

c) Khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản, nước ngầm; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi quần đảo, đảo;

d) Khai hoang, chặt cây, xâm hại thảm thực vật; mang thực vật hoang dã ra khỏi quần đảo, đảo;

đ) Săn bắt, mang động vật ra khỏi quần đảo, đảo; chăn thả gia súc, đưa sinh vật ngoại lai lên quần đảo, đảo;

e) Thải hoặc đưa chất thải lên quần đảo, đảo.

3. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, nghiêm cấm các hoạt động sau đây:

a) Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị;

b) Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo;

c) Khai hoang, khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm;

d) Thải hoặc đưa chất thải lên bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm.

5. Các hoạt động quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này được phép thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của Nhà nước Việt Nam; thực hiện công tác quản lý nhà nước;

b) Phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, đánh giá về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; thực hiện chương trình, đề án, dự án của Nhà nước;

c) Phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn;

d) Các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Chương VI

KIỂM SOÁT Ô NHIỄM, ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU, HÓA CHẤT ĐỘC VÀ NHẬN CHÌM Ở BIỂN

Mục 1: KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 42. Nguyên tắc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

1. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được thực hiện thường xuyên, ưu tiên công tác phòng ngừa; kịp thời xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường biển, suy thoái môi trường biển và hải đảo.

2. Các khu vực biển phải được phân vùng rủi ro ô nhiễm để có giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo hiệu quả.

3. Các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, chất thải không rõ nguồn gốc và xuyên biên giới phải được kiểm soát. Việc kiểm soát các nguồn thải, chất thải phải xem xét đến sức chịu tải môi trường của khu vực biển và hải đảo.

4. Ứng phó có hiệu quả sự cố môi trường biển, kịp thời ngăn chặn lan truyền ô nhiễm trong sự cố môi trường biển.

5. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

Điều 43. Nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

1. Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

2. Định kỳ quan trắc và đánh giá hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo.

3. Điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của các khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

4. Phòng ngừa, phát hiện, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo; cải thiện và phục hồi môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo bị ô nhiễm và suy thoái.

5. Xác định cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

6. Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển.

7. Cấp phép, kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển.

8. Phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới theo quy định của pháp luật.

9. Công khai các vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, thông tin về môi trường nước, môi trường trầm tích của các khu vực biển, hải đảo.

Điều 44. Trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quan trắc, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải; công khai thông tin môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.

Điều 45. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển

1. Chất thải nguy hại từ các hoạt động trên biển phải được thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Các công trình, thiết bị trên biển sau khi hết thời hạn sử dụng mà không tiếp tục sử dụng phải được tháo dỡ, vận chuyển về đất liền hoặc nhận chìm theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

3. Chủ phương tiện vận chuyển, lưu giữ xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ, chất độc và các chất khác có nguy cơ gây ra sự cố môi trường biển phải có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; bảo đảm không làm rò rỉ, thất thoát, tràn thấm ra biển xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ, các chất độc và các chất khác có nguy cơ gây ra sự cố môi trường.

4. Nước thải từ tàu thuyền, giàn khoan, giàn khai thác dầu khí và các công trình, thiết bị khác trên biển; bùn dầu và bùn chứa hợp chất độc hại trong thăm dò, khai thác dầu khí phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển.

5. Nước dằn tàu, nước súc, rửa tàu, nước la canh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không được pha loãng nhằm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển.

6. Việc thải nước dằn tàu, nước súc, rửa tàu, nước la canh và nước thải từ tàu thuyền thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hải, bảo vệ môi trường, pháp luật có liên quan của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Chất thải rắn phát sinh từ tàu thuyền, giàn khoan, giàn khai thác dầu khí, công trình và thiết bị khác trên biển phải được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật; bùn nạo vét luồng hàng hải, cảng biển phải được vận chuyển về đất liền hoặc nhận chìm theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

8. Cảng biển phải có hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt, dầu cặn từ các phương tiện trên biển.

9. Chất thải trôi nổi trên biển và ven bờ biển phải được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.

Điều 46. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ đất liền

1. Chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trên đất liền trước khi thải xuống biển phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Việc bố trí các điểm xả nước thải đã được xử lý xuống biển phải được xem xét trên cơ sở điều kiện tự nhiên của khu vực xả nước thải; các điều kiện động lực, môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên và hiện trạng khai thác, sử dụng vùng biển.

Các điểm xả nước thải ra khu bảo tồn biển, khu vực bãi tắm, danh lam, thắng cảnh ven biển phải được đánh giá, xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên vùng đất ven biển và trên hải đảo phải có đầy đủ phương tiện, thiết bị xử lý chất thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phải định kỳ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về hiện trạng xử lý và xả chất thải ra biển theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Nguồn ô nhiễm từ các lưu vực sông ra biển phải được điều tra, đánh giá và kiểm soát chặt chẽ.

Điều 47. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức quan trắc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và thông báo tình trạng ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan xác định nguồn gây ô nhiễm, xây dựng phương án xử lý, khắc phục.

3. Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hợp tác với các nước và các tổ chức có liên quan trong việc xử , khắc phục ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới.

Điều 48. Phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

1. Phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Quan trắc, điều tra, thu thập, cập nhật, theo dõi, giám sát, tổng hợp, xử lý thông tin, dữ liệu về môi trường biển và hải đảo;

b) Đánh giá rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo;

c) Xác định, lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển hướng dẫn, xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

Điều 49. Cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

1. Rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp. Cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

2. Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp sau đây:

a) Vùng rủi ro ô nhiễm thấp;

b) Vùng rủi ro ô nhiễm trung bình;

c) Vùng rủi ro ô nhiễm cao;

d) Vùng rủi ro ô nhiễm rất cao.

3. Tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo bao gồm:

a) Mức độ ô nhiễm hoặc nguy cơ ô nhiễm môi trường biển và hải đảo;

b) Phạm vi ảnh hưởng;

c) Mức độ nhạy cảm môi trường; khả năng gây thiệt hại đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái biển, hải đảo, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 50. Đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

1. Kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được đánh giá thông qua bộ chỉ số.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; công khai kết quả đánh giá trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

Điều 51. Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo

1. Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo bao gồm báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia, báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo theo chuyên đề.

2. Nội dung báo cáo, kỳ lập báo cáo, thẩm quyền và trách nhiệm lập báo cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Mục 2: ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC SỰ CỐ TRÀN DẦU, HÓA CHẤT ĐỘC TRÊN BIỂN

Điều 52. Nguyên tắc ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển

1. Ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

2. Chú trọng công tác phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, vật tư, nguồn nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.

3. Sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển phải được phân cấp để phân công trách nhiệm ứng phó.

4. Thông tin sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển phải được báo cáo, xử lý kịp thời.

5. Huy động nhanh nhất mọi nguồn lực cho hoạt động ứng phó; bảo đảm chỉ huy thống nhất, điều phối, phối hợp hiệu quả, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn.

6. Bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ trong ứng phó.

7. Cơ sở gây ra sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển phải chịu trách nhiệm khắc phục sự cố, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu, hóa chất độc gây ra theo quy định của pháp luật.

8. Việc phòng ngừa, khắc phục, xử lý sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.

Điều 53. Phân cấp ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển

1. Việc ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển được thực hiện theo 3 cấp: ứng phó sự cố cấp cơ sở, ứng phó sự cố cấp khu vực và ứng phó sự cố cấp quốc gia.

2. Ứng phó sự cố cấp cơ sở:

a) Sự cố xảy ra ở cơ sở thì chủ cơ sở phải tổ chức, chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố; trường hợp sự cố vượt quá khả năng, nguồn lực của mình thì phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố để trợ giúp;

b) Trường hợp xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc sự cố xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển cao hoặc rất cao, chủ cơ sở phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó.

3. Ứng phó sự cố cấp khu vực:

Sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, chưa xác định được cơ sở gây ra sự cố hoặc sự cố xảy ra chưa rõ nguyên nhân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm trực tiếp chủ trì chỉ đạo ứng phó, đồng thời có quyền huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, bộ, ngành trên địa bàn để ứng phó.

4. Ứng phó sự cố cấp quốc gia:

a) Trường hợp sự cố vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố phải kịp thời báo cáo để Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó;

b) Trường hợp sự cố vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế;

c) Trường hợp sự cố gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Điều 54. Xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động

1. Trong trường hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố, cơ quan, người chủ trì ứng phó đề xuất việc thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố.

2. Việc xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tại địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố xem xét, quyết định theo đề xuất của cơ quan, người chủ trì ứng phó.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc xác định và thông báo về khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố.

Điều 55. Tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển

Trong trường hợp cơ sở gây sự cố cản trở hoạt động khắc phục sự cố và điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố.

Điều 56. Trách nhiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển

1. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố trong phạm vi cả nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Chỉ đạo theo thẩm quyền và huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương, trung tâm ứng phó sự cố khu vực để ứng phó sự cố xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;

c) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của các nước có liên quan để xử lý sự cố xảy ra trên vùng biển Việt Nam hoặc vùng nước tiếp giáp với các nước khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt quá thẩm quyền.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển;

b) Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và bộ, ngành, địa phương có liên quan để ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.

3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp giải quyết thủ tục cho các đơn vị ứng phó sự cố của Việt Nam tham gia hỗ trợ quốc tế và lực lượng hỗ trợ ứng phó của nước ngoài tại Việt Nam khi có đề nghị của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn;

b) Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành có liên quan thông qua đường ngoại giao trao đổi thông tin, chuyển yêu cầu phối hợp hoặc đề nghị trợ giúp ứng phó sự cố khi có sự cố xảy ra ở lãnh thổ, vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến Việt Nam hoặc sự cố xảy ra trong vùng biển Việt Nam ảnh hưởng đến nước ngoài.

4. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp và thống nhất với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc giám sát, phát hiện sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố theo địa bàn hoạt động.

5. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển khi được Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan có thẩm quyền huy động.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố; chỉ đạo kịp thời ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển thuộc phạm vi quản lý.

7. Chủ cơ sở gây ra sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để huy động nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng phó sự cố; bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản; kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cấp có thẩm quyền về sự cố xảy ra.

Mục 3: NHẬN CHÌM Ở BIỂN

Điều 57. Yêu cầu đối với việc nhận chìm ở biển

1. Việc nhận chìm ở biển chỉ được thực hiện khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật này.

2. Vật, chất nhận chìm phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam không được phép nhận chìm ở vùng biển Việt Nam.

3. Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

4. Việc nhận chìm ở biển không được gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển.

5. Việc nhận chìm ở biển phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Điều 58. Vật, chất được nhận chìm ở biển

1. Vật, chất được nhận chìm ở biển phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Không chứa chất phóng xạ, chất độc vượt quy chuẩn kỹ thuật an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; bảo đảm không tác động có hại đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản;

c) Không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội;

d) Thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển.

2. Chính phủ quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển.

Điều 59. Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Giấy phép nhận chìm ở biển gồm các nội dung chính sau đây:

a) Tên tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;

b) Tên, khối lượng, kích thước, thành phần của vật được nhận chìm; tên, loại, khối lượng, thành phần của chất được nhận chìm;

c) Vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích khu vực biển được sử dụng để nhận chìm;

d) Phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm;

đ) Thời điểm và thời hạn được phép thực hiện hoạt động nhận chìm;

e) Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;

g) Hiệu lực thi hành.

2. Thời hạn của Giấy phép nhận chìm ở biển được xem xét trên cơ sở vật, chất được nhận chìm, quy mô, tính chất hoạt động nhận chìm và khu vực biển được sử dụng để nhận chìm tối đa không quá 02 năm và được gia hạn một lần nhưng không quá 01 năm.

Điều 60. Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm ở biển trong trường hợp khu vực biển được sử dụng để nhận chìm có một phần hoặc toàn bộ nằm ngoài vùng biển ven bờ hoặc khu vực biển giáp ranh giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển cấp Giấy phép nhận chìm ở biển trong vùng biển ven bờ thuộc phạm vi quản lý của mình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển nào thì có quyền cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển đó.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển.

Điều 61. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có các quyền sau đây:

a) Được nhận chìm ở biển theo nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển;

b) Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp;

c) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc nhận chìm ở biển bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

d) Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại giấy phép theo quy định của pháp luật;

đ) Khiếu nại, khởi kiện hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc nhận chìm ở biển theo quy định của pháp luật;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển;

b) Nộp lệ phí cấp phép và tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật;

c) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nhận chìm trong suốt quá trình nhận chìm ở biển;

d) Không cản trở hoặc gây thiệt hại đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp ở biển của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ liệu, thông tin về hoạt động nhận chìm ở biển khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

e) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường biển do hoạt động nhận chìm của mình gây ra theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện việc quan trắc, giám sát môi trường biển và chế độ thông tin, báo cáo về hoạt động nhận chìm theo quy định của pháp luật;

h) Bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động nhận chìm ở biển không đúng quy định của mình gây ra;

i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 62. Kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển

1. Tổ chức, cá nhân được phép nhận chìm ở biển phải đăng ký và gắn các thiết bị giám sát hành trình, ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

2. Trường hợp vật, chất được nhận chìm được bốc, xếp tại cảng thì cảng vụ có trách nhiệm kiểm tra vật, chất được nhận chìm bảo đảm phù hợp với nội dung Giấy phép nhận chìm ở biển trước khi cho phương tiện chuyên chở rời cảng.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Nhận chìm ngoài vùng biển Việt Nam gây thiệt hại tới tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam

Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện nhận chìm ngoài vùng biển Việt Nam nhưng gây thiệt hại cho môi trường, các hệ sinh thái và kinh tế - xã hội trong vùng biển, hải đảo Việt Nam có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả toàn bộ chi phí liên quan tới điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường, hệ sinh thái và các chi phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương VII

QUAN TRẮC, GIÁM SÁT TỔNG HỢP VÀ HỆ THỐNG THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Mục 1: QUAN TRẮC, GIÁM SÁT TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 64. Yêu cầu đối với quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được thiết lập đồng bộ, tiên tiến, hiện đại để bảo đảm thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Bảo đảm kết nối với hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của khu vực và thế giới.

Điều 65. Thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thiết lập trên cơ sở kết nối các hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của bộ, ngành, địa phương.

2. Hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là một hệ thống mở, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ trung ương đến địa phương.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 66. Tham gia các hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới

Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tổ chức tham gia các hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới; có trách nhiệm quản lý, công bố, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu thu được từ việc tham gia hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương theo quy định của pháp luật.

Mục 2: HỆ THỐNG THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 67. Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thiết kế tổng thể và xây dựng thành hệ thống thống nhất trong phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam.

2. Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm:

a) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng;

c) Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 68. Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm:

a) Dữ liệu về vùng đất ven biển, địa hình đáy biển;

b) Dữ liệu về khí tượng, thủy văn biển;

c) Dữ liệu về địa chất biển, địa vật lý biển, khoáng sản biển; dầu, khí ở biển; dữ liệu về tính chất vật lý, hóa lý của nước biển;

d) Dữ liệu về hệ sinh thái biển; đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản biển; tài nguyên vị thế biển và kỳ quan sinh thái biển;

đ) Dữ liệu về môi trường biển, nhận chìm ở biển;

e) Dữ liệu về hải đảo;

g) Dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ;

h) Dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo;

i) Kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;

k) Kết quả của các chương trình, đề án, đề tài, dự án, nhiệm vụ trong quản lý, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

l) Kết quả thống kê tài nguyên biển và hải đảo;

m) Các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

n) Dữ liệu khác liên quan đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia là tập hợp thống nhất toàn bộ dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong phạm vi cả nước được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, được số hóa để cập nhật, quản lý, khai thác bằng hệ thống công nghệ thông tin.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia.

Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm điều tra, thu thập dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của bộ, ngành, địa phương; cung cấp dữ liệu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia.

Điều 69. Lưu trữ, khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Việc lưu trữ dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ, các quy định, quy trình, quy phạm và quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành. Tất cả các dữ liệu thu thập được phải được phân loại, đánh giá, xử lý để có hình thức, biện pháp lưu trữ, bảo quản, bảo vệ phù hợp, bảo đảm an toàn.

2. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được công khai theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả và phải trả phí theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quy định cụ thể về thẩm quyền cung cấp, phạm vi, mức độ, đối tượng được khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do mình quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp, sử dụng phí khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 70. Tích hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

2. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm việc tiếp cận và sử dụng dữ liệu phục vụ kịp thời việc đánh giá, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức; bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan và bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập, quản lý dữ liệu;

c) Bảo đảm dữ liệu được thu thập đầy đủ, chính xác và có hệ thống; thống nhất các dữ liệu đã được thu thập, cập nhật, quản lý;

d) Bảo đảm việc trao đổi, cung cấp dữ liệu được thông suốt, kịp thời; bảo đảm các yêu cầu về an toàn thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước;

đ) Bảo đảm thu thập, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng hiệu quả, khả thi, tiết kiệm kinh phí, nguồn nhân lực.

Chương VIII

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 71. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đặt trong tổng thể chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược biển, chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam.

2. Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải bảo đảm nguyên tắc xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Bảo đảm phát huy tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phát triển bền vững biển và hải đảo.

4. Chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong các tổ chức quốc tế và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 72. Hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Nhà nước thực hiện hợp tác với các nước, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong các hoạt động sau đây:

a) Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu biển và hải đảo; điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển và hải đảo do các hoạt động khai thác tài nguyên biển và hải đảo;

c) Khai thác bền vững tài nguyên biển và hải đảo;

d) Bảo vệ tính đa dạng sinh học biển và hải đảo và duy trì năng suất, tính đa dạng của hệ sinh thái biển, hải đảo và vùng bờ;

đ) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

3. Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có trách nhiệm hằng năm đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế của cơ quan mình, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chương IX

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 73. Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Lập, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh;

c) Lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, xây dựng, đặt hàng thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

d) Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển theo thẩm quyền; cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi văn bản cấp phép hoạt động nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc thiết lập và bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển; điều tra, thống kê, phân loại, quản lý tài nguyên hải đảo;

e) Thiết lập, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia;

g) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; quản lý việc nhận chìm ở biển;

h) Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

i) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

k) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

l) Hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Tham gia xây dựng chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì tổ chức thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

c) Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam;

d) Thực hiện thống kê tài nguyên biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý;

đ) Quan trắc và đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường;

e) Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển;

g) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thiết lập và vận hành hệ thống quan trắc, giám, sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc lĩnh vực quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường;

h) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

i) Đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ hằng năm.

Điều 74. Trách nhiệm quản tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ trong phạm vi quản lý;

c) Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, thống kê tài nguyên biển và hải đảo;

d) Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển theo thẩm quyền;

đ) Thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển; lập hồ sơ và quản lý tài nguyên hải đảo theo phân cấp;

e) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của địa phương;

g) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; quản lý việc nhận chìm ở biển;

h) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo tại địa phương;

i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

k) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo chưa khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật;

c) Bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trong phạm vi địa phương; phối hợp với cơ quan, tổ chức bảo vệ hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đặt trên địa bàn quản lý;

d) Tham gia ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố gây ô nhiễm môi trường biển, sạt, lở bờ biển;

đ) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

e) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo chưa khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật;

b) Bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trong phạm vi địa phương; phát hiện và tham gia giải quyết sự cố môi trường biển, sạt, lở bờ biển;

c) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

d) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Điều 75. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền để nhân dân tham gia việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiệu quả, bền vững và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phản biện xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.

Điều 76. Nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Nguyên tắc phối hợp:

a) Bảo đảm sự quản lý thống nhất, liên ngành, liên vùng; bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

c) Việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp phải bảo đảm bí mật quốc gia, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trên biển;

d) Không cản trở các hoạt động khai thác, sử dụng hợp pháp tài nguyên biển, hải đảo và các hoạt động hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển Việt Nam.

2. Nội dung phối hợp:

a) Xây dựng, thực thi pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Lập và tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ;

c) Quản lý, thực hiện hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

d) Thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

đ) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển;

e) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

g) Hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

h) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

i) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Điều 77. Báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Định kỳ hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trình Chính phủ.

2. Định kỳ hằng năm, các bộ, ngành có trách nhiệm lập báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Định kỳ hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết nội dung, thể thức, thời điểm báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Điều 78. Thanh tra về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Việc thanh tra về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 79. Điều khoản chuyển tiếp

1. Kể từ thời điểm Luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Xây dựng mới công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa;

b) Xây dựng mới công trình theo dự án đầu tư phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư;

c) Xây dựng công trình theo dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm Luật này được công bố.

2. Trong thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.

3. Các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên của ngành, địa phương, quy hoạch phát triển ngành, địa phương được tiếp tục thực hiện cho đến khi được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt.

Điều 80. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Điều 81. Quy định chi tiết

Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

THE NATIONAL ASSEMBLY

-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness
---------------

Law No. 82/2015/QH13

Hanoi, June 25, 2015

 

LAW

NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT OF SEA AND ISLANDS

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

National Assembly promulgates natural resources and environment of sea and island.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Governing scope

This Law regulates general management of natural resources and environment (hereinafter referred to as natural resources and environment); rights, obligations and responsibilities of agencies, organizations and individuals in general management and protection of natural resources and environment in Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Regulated entities

This Law applies to agencies, organizations or individuals involved in activities in connection with general management and protection of natural resources and environment in Vietnam.

Article 3. Interpretation of terms

In this Law, some terms are construed as follows:

1. Natural resources of sea and islands include biotic resources and non-biotic resources within sea blocks, seabed, underwater landmass, shoreline areas, archipelago, islands, shallow areas, sandbank (hereinafter referred to as islands) that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam.

2. General management of natural resources of sea and islands means activities of planning and organizing the implementation of policies, mechanism and means for intersectoral and inter-regional coordination to ensure natural resources of sea and islands are exploited and used effectively, maintain function and structure of ecosystem for sustainable development, protection of sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam over the sea, and to ensure national defense and security.

3. Shallow area means an area of soil and rock rising naturally from sea surface, surrounded by ocean, being exposed or submerged at low or high tides respectively.

4. Sandbank means an area of rock, coral, sand or other natural components raising high from seabed but still submerged at lowest tide.

5. Sea use planning means orientation and arrangement of space for use of territorial waters of Vietnam, being formulated and approved according to the Law on Sea.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. General planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones means orientation and arrangement of space for exploitation and use of natural resources in littoral zones.

8. Fundamental investigation into natural resources and environment (hereinafter referred to as fundamental investigation) means activities of research, investigation, analysis and assessment of natural resources and environment in order to supply figures on current conditions, determine the law of distribution, potentiality, qualitative and quantitative characteristics of natural resources and environment.

9. Statistical report on natural resources of sea and islands means investigation, compilation and assessment of current conditions of natural resources of sea and islands at the time of statistical reporting and fluctuations between statistical reporting periods.

10. General monitoring and supervision of natural resources and environment mean a process of monitoring natural resources and environment, and impacts on natural resources and environment in a systematical way to supply information for assessment of current conditions and development of natural resources and environment, making forecasts and warnings about negative impacts on natural resources and environment.

11. Risk of environmental pollution means possible occurrence of pollution and damage to people, property, natural resources, living conditions and socio-economic activities caused by sea and island environment pollution.

12. Oil and toxic chemical spill on the sea means oil and toxic chemicals released into the sea from containers, transport vehicles, or from installations, facilities and oil field as a result of technical failures, natural disasters, and accidents or by human activities.

13. Facility owners mean individuals or heads of agencies, organizations responsible for all activities of exploitation, transportation and use of oil, oil products and toxic chemicals.

14. Sea dumping means intentional plunging or emptying into the sea all physical objects, matters subject to dumping at the sea as prescribed hereof.

Article 4. State policies on natural resources and environment of sea and island

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The State shall mobilize resources and encourage fundamental investigation and scientific research of natural resources and environment; place priority on deep and remote ocean, islands, bordering international waters and new natural resources of great importance for socio-economic development, assurance of National defense and security; issue policies encouraging organizations or individuals to participate in the exploitation and use of natural resources and environment in a sustainable way.

3. Intensify control of sea and island environmental pollution; increase efficiency in coordination in pollution control, prevention and coping with sea and island environment problems, climate change, rising sea; keep tight control of sea dumping activities.

4. Making investment to increase capability of observation, monitoring and forecasts about natural resources and environment; establish comprehensive information and database system on natural resources and environment fostering development of marine economy and National defense and security.

5. Expand and increase efficiency in international cooperation in the management, exploitation and use of natural resources and environment on the principles of maintaining independence and sovereignty of the Nation.

Article 5. Principles of general management of natural resources of sea and islands

1. Natural resources of sea and islands must be managed in agreement with strategy for exploitation and sustainable use and protection of natural resources and environment; planning and plans for use of sea; general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones; protection of national sovereignty, assurance of National defense and security.

2. General management of natural resources of sea and islands must be based on ecosystem approach ensuring natural resources of sea and islands are exploited and used in agreement with function of each sea area and within load capacity of environment, ocean ecosystem and islands.

3. General management of natural resources of sea and islands must have close coordination between sectors and levels; creating favorable conditions for residential communities, relevant organizations or individuals to get involved actively and effectively during the management, ensuring rights of residents to get access to the sea.

Article 6. Participation of residential communities, relevant organizations or individuals in the general management of natural resources and environment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Competent state agencies shall be responsible for getting suggestions from residential communities, relevant organizations or individuals during the formulation of the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and environment, the general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones, the program of general management of natural resources in littoral zones and establishment of coastal area protection corridors; be open to and make explanation of suggestions contributed by residential communities, relevant organizations or individuals.

3. Collection of suggestions from residential communities, relevant organizations or individuals is carried out in writing or by means of mass media, electronic information pages of competent state agencies. Reception or explanation of suggestions must be made public on electronic information pages of competent state agencies.

Article 7. Week of Sea and Islands in Vietnam

Week of Sea and Islands in Vietnam is from June 01-08 annually.

Article 8. Prohibited acts

1. Exploitation and use of natural resources of sea and islands in opposition to law provisions;

2. Violate the planning and plans for use of sea, general planning for exploitation and sustainable use of natural resources of littoral zones approved and announced by competent state agencies;

3. Make corrupt use of fundamental investigation, scientific research, exploitation and use of natural resources of sea and islands to affect national defense and security, national interests, lawful rights and benefits of other organizations, individuals.

4. Perform activities within coastal area protection corridors as prescribed in Article 24 and on archipelago, islands, shallow areas, and sandbanks to be protected as prescribed in Clauses 2, 4, Article 41 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Plunge and empty into the sea within territorial waters of Vietnam physical matters without permission and in opposition to law provisions;

7. Supply, exploit and use of natural resources of sea and islands in opposition to law provisions;

8. Make corrupt use of business titles and powers to break regulations on general management of natural resources and environment;

Chapter II

STRATEGY FOR EXPLOITATION AND SUSTAINABLE USE OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT OF SEA AND ISLAND

Article 9. Principles and foundations for formulation of strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and environment of sea and island

1. Principles:

a) Accord with strategy and general planning for socio-economic development, strategy for Vietnamese sea and for protecting the national environment;

b) Satisfy demands for exploitation, appropriate and effective use and protection of natural resources and environment, coping with climate change, rising sea; protection of national sovereignty, assurance of National defense and security; preserve and bring into play values of cultural heritages;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Potentiality of sea and islands; result of fundamental investigation; result of research, assessment and statistical reports on natural resources and environment; forecasts about impacts of climate change, rising sea on natural resources and environment;

b) Demands for exploitation and use of natural resources of sea and islands; demands for protection of environment of sea and islands;

c) Result of exploitation and sustainable use of natural resources of environment in the previous reporting period;

3. Strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and environment established at national level for a 20-year period and a 30-year vision;

Article 10. Content of strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and environment

1. Viewpoints and principles of directions, vision and objectives of fundamental investigation, scientific research, international cooperation, exploitation and use of natural resources and environment meeting demands for general management for sustainable development;

2. Orientation, tasks and general solutions for fundamental investigation, scientific research, international cooperation, exploitation and use of natural resources and environment, coping with climate change and rising sea;

3. Programs, projects and tasks for the implementation of the strategy's objectives;

Article 11. Formulation, assessment, approval and implementation of the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and environment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, within the scope of duties and powers, shall be responsible for making checks, proposals for supplements and amendments to the strategy of relevant sectors and localities to accord with the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and environment.

3. This Article shall be detailed by the Government.

Chapter III

FUNDAMENTAL INVESTIGATION, SCIENTIFIC RESEARCH ON NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT

Section 1: Fundamental investigation

Article 12: Requirements for fundamental investigation

1. Ensure adequate provision of information and data on natural resources and environment to serve management and development of marine economy, coping with climate change, rising sea, protection of national sovereignty, assurance of National defense and security;

2. Identify order of priority for activities of fundamental investigation into natural resources and environment by subject, location in accordance with the State’s capacity to meet resources in each period;

3. Base oneself on demands for investigation, result of fundamental investigation, scientific research carried out in the location expected to be investigated; Activities of fundamental investigation on an area of sea must integrate appropriately with special characteristics of activities of fundamental investigation on sea and islands to ensure thrifty and efficiency.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 13: Activities of fundamental investigation

1. Activities of fundamental investigation shall be carried out through projects and tasks as follows:

a) Projects and tasks of fundamental investigation within key program for fundamental investigation;

b) Projects and tasks of fundamental investigation outside key program for fundamental investigation;

2. Projects and tasks of fundamental investigation as prescribed in Point a, Clause 1 of this Article include projects and tasks of investigation at intersectorial, interregional levels, at deep and high sea areas and neighboring international waters; fundamental investigation into islands, discovery of new natural resources; projects and tasks of importance for socio-economic development and assurance of National defense and security.

3. Projects and tasks as prescribed in Point b, Clause 1 of this Article shall be formulated, approved and implemented in accordance with law provisions by relevant ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces; prior to approval, suggestions on necessity, subjects, scope and information of investigation, feasibility and efficiency must be collected from the Ministry of Natural Resources and Environment; after approval, the decision on approval and information on location, borderlines, area and coordinates of the area subject to investigation shall be sent to the Ministry of Natural Resources and Environment.

Article 14. Key program for fundamental investigation

1. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, in reliance on demands for fundamental investigation of sectors, fields and localities and provisions set out in Clause 2, Article 13 hereof, shall be responsible for proposing projects and tasks to the Ministry of Natural Resources and Environment for compilation and formulation of the key program for fundamental investigation and submission to the Government for approval.

2. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall carry out implementation of projects and tasks according to the key program for fundamental investigation approved by the Prime Minister.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. This Article shall be detailed by the Government.

Article 15: Responsibilities of agencies, organizations for fundamental investigation

1. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, within the scope of duties and powers, shall be responsible for directing and organizing the implementation of fundamental investigation as prescribed hereof and relevant law provisions.

2. Agencies, organizations that are assigned to carry out projects and tasks of fundamental investigation shall take the responsibilities as follows:

a) Carry out projects and tasks as approved and in accordance with technical regulations and standards, norms, unit price in fundamental investigation;

b) Ensure honesty and sufficiency in collection and compilation of documents, information on natural resources and environment of sea and islands; keep confidential documents and information according to law provisions;

c) Ensure safety and security on the sea as well as protection of natural resources and environment of sea and islands during the implementation of projects and tasks;

d) Make submission to competent agencies for inspection, acceptance and submission of report on result of investigation according to law provisions;

Article 16. Statistical reports on natural resources and environment of sea and island

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible for compiling statistical work and make the report to the Prime Minister.

Section 2: SCIENTIFIC RESEARCH ON NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT

Article 17: Activities of scientific research on natural resources and environment

1. Activities of scientific research on natural resources and environment shall be carried out through science and technology tasks for natural resources and environment as prescribed hereof and the Law on Science and Technology.

2. The State shall prioritize investment in science and technology tasks for natural resources and environment through national-level science and technology programs for natural resources and environment.

3. Activities of scientific research conducted by foreign organizations and individuals within Vietnamese waters must meet conditions and must be permitted by the Laws of Vietnam.

Article 18. National-level science and technology program for natural resources and environment

1. National-level science and technology programs for natural resources and environment include topics, projects and tasks meeting the following criteria:

a) Have importance for socio-economic development, increase efficiency in exploitation and sustainable use of natural resources and environment; bring into play capability of science and technology for natural resources and environment and ensure National defense and security;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) As rationale for planning policies, mechanism to increase effectiveness and efficiency in general management of natural resources and environment; orientate activities of fundamental investigation; cope with climate change and rising sea;

d) Mobilize national resources and participation of various scientific and technological branches;

2. Agencies, organizations, and individuals that have proposals for science and technology tasks for natural resources and environment should make the submission of such proposals in accordance with sectors, fields and administrative divisions within management to ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, and other regulatory agencies at central level for compiling and proposing science and technology tasks to be included to national-level science and technology programs for natural resources and environment.

3. Based on proposals from ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, and other regulatory agencies at central level, the Ministry of Science and Technology shall preside over and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in compiling, formulating and placing order for implementation of projects and tasks within national-level science and technology programs for natural resources and environment. Identification and implementation of the program are carried out in accordance with law provisions.

Article 19. Issuance of permit for scientific research within Vietnamese waters to foreign organizations and individuals

1. Article 19. Issuance of permits for scientific research to foreign organizations and individuals that conduct scientific research within Vietnam’s territorial waters (hereinafter referred to as foreign organizations and individuals)

a) Organizations with legal status according to the laws of the country where such organizations are established; international organizations as inter-governmental organizations; individuals fully capable of civil acts according to the laws of the country of which such individuals are nationals;

b) Have demands for independent scientific research or cooperation in scientific research with Vietnam; in case scientific research takes place within the territorial waters of Vietnam, cooperation with Vietnam is required at the request of Vietnam;

c) Activities of scientific research for peaceful purpose without causing harm to national sovereignty and National defense and security, pollution to sea environment and obstructions to legal activities of organizations and individuals within Vietnam’s territorial waters;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Minister of Natural Resources and Environment shall issue scientific research permit to foreign organizations and individuals after collection of suggestions from relevant sectors, fields, People’s committees of central-affiliated cities and provinces and after getting agreement with the Ministry of National Defense, the Ministry of Public Security, the Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of Science and Technology. After the permit is issued, the Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible for making notifications to relevant ministries, regulatory bodies and local governments for cooperation in management;

3. Competent agencies that issue scientific research permit have the right to re-issue, extend, amend, supplement, suspend and revoke the permit.

4. The Government shall detail issuance of scientific research permit to foreign organizations and individuals.

Article 20. Rights and obligations of foreign organizations and individuals

1. Foreign organizations and individuals that conduct scientific research within Vietnam’s territorial waters shall have the following rights:

a) Carry out activities of scientific research within Vietnam’s territorial waters as prescribed in the permit;

b) Announce and transfer information, research findings as prescribed in Clauses 1, 2, Article 21 hereof;

c) Instruct, provide communication services, and create favorable conditions for scientific research in Vietnam’s territorial waters;

2. Foreign organizations and individuals that conduct scientific research within Vietnam’s territorial waters shall have the following obligations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Comply with regulations on marine security and safety; establish marine safety area surrounding research facilities; marine signals; maintain contact and comply with other regulations on marine;

c) Do not cause negative effects to National defense and security and activities of fundamental investigation, scientific research, survey, exploitation and use of natural resources and environment legally carried out in Vietnam’s territorial waters; do not bring into the territorial waters of Vietnam weapons, explosives, toxic chemicals, other means and equipment capable of causing damage to people, natural resources, and sea environment except explosives, toxic chemicals permitted by competent agencies for implementation of activities of scientific research;

d) Comply with regulations on environmental protection and remediation, and compensation for damage according to law provisions in case activities of scientific research cause pollution and degradation to sea and island environment and ecosystem;

dd) Activities of scientific research must be carried out with appropriate manner and vehicles, in accordance with the Laws of Vietnam and relevant international laws;

e) Ensure necessary conditions including expenses for at least two scientists appointed to take part in the research by competent state agencies;

g) Make immediate notice to the Ministry of Natural Resources and Environment upon detection of changes during scientific research in comparison with content and time limit prescribed in the permit, and only perform such changes when a written approval from the Minister of Natural Resources and Environment is obtained;

h) When activities of scientific research are completed, make the report on preliminary result of research findings to the Ministry of Natural Resources and Environment; within 30 days, unless otherwise as negotiated or except force majeure, complete removal and bring out of the territorial waters of Vietnam vehicles and equipment used for scientific research;

i) Within six months since permitted activities of scientific research are completed, make an office report on result of scientific research and provide materials or original specimen to the Ministry of Natural Resources and Environment;

Article 21. Announce and transfer information and research findings by foreign organizations and individuals

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Foreign organizations and individuals Foreign organizations and individuals are permitted to announce and transfer information and research findings in direct connection with survey and exploitation of natural resources to a third party only when a written approval from the Minister of Natural Resources and Environment is obtained;

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall decide to permit announcement and transfer of information and research findings as prescribed in Clauses 1, 2 of this Article after consulting with the Ministry of National Defense, the Ministry of Public Security, the Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of Science and Technology.

Chapter IV

GENERAL PLANNING FOR EXPLOITATION AND SUSTAINABLE USE OF NATURAL RESOURCES IN LITTORAL ZONES

Section 1: Littoral zones and coastal area protection corridors

Article 22. Scope of coastal area

1. Scope of coastal area is determined on the basis of natural, socio-economic conditions in each coastal area; characteristics of interaction between mainland or islands and ocean; demands for protection of coastal area environment, coping with climate change, rising sea; current conditions and demands for exploitation and use of natural resources, and other characteristics for general management of natural resources in littoral zones in accordance with management capacity.

2. The Government shall detail scope of coastal area as prescribed in Clause 1 of this Article.

Section 23: Coastal area protection corridors

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Establishment of coastal area protection corridors must comply with the following principles:

a) Base oneself on requirements, objectives of the establishment of coastal area protection corridors as prescribed in Clause 1 of this Article;

b) Ensure scientificity, objectivity and harmony between requirements for protection and development with due account taken of current conditions of exploitation and use of natural resources in shoreline areas; preserve and bring into play value of cultural heritages; ensure feasibility and conformity with actual conditions in local administrative division;

c) Accord with regulations on dikes and dike maintenance, sea borders; ensure National defense and security;

d) Define borderlines of coastal area protection corridors in the areas with corridors being established;

3. Width of coastal area protection corridors is calculated from average height of tides over years to the mainland or inside the island.

4. People’s committees of central-affiliated coast cities and provinces shall rely on actual circumstances in local administrative divisions as prescribed in this Article to organize establishment, announcement of coastal area protection corridors within management.

5. This Article shall be detailed by the Government.

Section 24: Prohibited acts within coastal area protection corridors

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Establish new constructions and expand construction works except the works used for protection of National defense and security, prevention and fighting against natural disaster and coastal land slides, coping with climate change, rising sea, preserving and bringing into play value of cultural heritages and other construction works serving interests of the nation, communities decided to invest by the National Assembly, Government, the Prime Minister, heads of ministries, central agencies, People’s Council, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces.

3. Construct cemeteries and landfills;

4. Activities of drilling, excavation, and backfilling within coastal area protection corridors except activities as prescribed in Article 25 hereof;

5. Illegal transgression and use of coastal area protection corridors;

6. Activities that cause coastal landslide, degrade ecosystem, value of service of ecosystem and natural landscapes;

Article 25: Restricted activities within coastal area protection corridors

1. Within coastal area protection corridors, the following activities are restricted:

a) Exploit underground water;

b) Carry out land reclamation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Carry out survey of minerals, oil and gas;

dd) Activities of production, trading and services likely to degrade ecosystem, value of service of ecosystem and natural landscapes;

2. This Article shall be detailed by the Government.

Section 2: GENERAL PLANNING FOR EXPLOITATION AND SUSTAINABLE USE OF NATURAL RESOURCES IN LITTORAL ZONES

Section 26: Principles, foundations for formulating general planning

1. Principles:

a) Accord with the strategy for exploitation and sustainable use and protection of natural resources and environment; sea-use planning;

b) Ensure harmony in exploitation and use of natural resources, protection of environment and sustainable development of littoral zones, protection of national sovereignty, defense and security;

c) Integrate requirements for preventing and fighting natural disasters, coping with climate change, rising sea;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Accord with resources and ensure feasibility;

2. Foundations:

a) Strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and environment; sea-use planning;

b) Natural and socio-economic conditions and specific characteristics of each area within littoral zones, potentiality of natural resources, current conditions of coastal area environment; forecast impacts of climate change, rising sea;

c) Result of fundamental investigation of littoral zones; statistical reports on natural resources in littoral zones;

d) Demands for exploitation and use of natural resources; demands for protection of environment in littoral zones;

dd) Result of performance of general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones in previous reporting period;

Article 27: Scope, content and period of general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones

1. General planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones is formulated for the entire coast areas across the country.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Perform general assessment of natural and socio-economic conditions, environment; current conditions of coastal area environment; trends in fluctuation of natural resources and environment in littoral zones; demands for exploitation and use of natural resources and demands for environmental protection in littoral zones;

b) Identify objectives, orientation and construction of general method of exploitation and sustainable use of natural resources and protection of environment in littoral zones;

c) Zoning for exploitation and use of natural resources in littoral zones; sea areas used to dump physical matters as prescribed in Article 33 hereof;

d) Solutions and programs for implementing the planning

3. Period of general planning of exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones established for a 10-year period, and a 20-year vision.

Article 28: Revision of general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones

1. Revision of general planning for exploitation and sustainable use of natural resources of littoral zones is made in the following cases:

a) Revisions made to the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources, protection of environment, the sea-use planning result in changes to the approved planning.

b) Impacts of natural disasters, wars, environmental emergencies result in changes to the approved planning.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 29: Formulation, assessment, approval and revision of general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces in the formulation and submission of the general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones to the Government for revision and approval.

2. The general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones must be assessed prior to submission for approval according to law provisions.

3. This Article shall be detailed by the Government.

Article 30: Collection of suggestions and announcement of general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones

1. Collection of suggestions during the formulation of general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones;

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible for organizing collection of suggestions from relevant agencies, organizations, individuals, and residential communities;

b) Suggestions are collected through conferences, written communications, and public announcement on the websites of the Government, the Ministry of Natural Resources and Environment and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces.

Time for public announcement on the websites to collect suggestions is at least 90 days.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 30 days since general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones is approved by the Government, the Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible for making public announcement of the planning throughout the planning period;

Article 31: Implementation of general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces in organizing and inspecting the implementation of the general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones.

2. Ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall be responsible for organizing the implementation of the general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones.

3. Organizations and individuals in connection with exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones shall be responsible for complying with the general planning for exploitation and use of natural resources in littoral zones.

Article 32. Relationship between general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones and planning for exploitation and use of natural resources, planning for development of sectors and localities

1. Planning for exploitation and use of natural resources, planning for development of sectors and localities with content in connection with exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones must conform to the approved general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones.

2. Ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, within the scope of duties and powers, shall be responsible for making checks, proposals for supplements and amendments to planning for exploitation and use of natural resources, planning for development of sectors, localities with content in connection with exploitation and sustainable use of natural resources and environment in accordance with the approved general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones.

Article 33. Principles of zoning exploitation and use of natural resources in littoral zones

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ensure integrity and harmony between demands for exploitation and use, and demands for protection of natural resources, environment and ecosystem; harmonize short-tem and long-term interests of organizations and individuals that exploit and use natural resources and interests of the State and communities; prioritize long-term interests and interests of communities; ensure people’s rights to access to sea; ensure National defense and security, maritime traffic safety.

3. Based on result of assessment and identification of area, level of priority in exploitation and use natural resources, select an optimal zoning plan to ensure harmony between economic development and protection of environment and ecosystem of sea and islands for sustainable development of littoral zones, defense of national sovereignty, assurance of national defense and security.

Section 3. PROGRAM FOR GENERAL MANAGEMENT OF NATURAL RESOURCES IN LITTORAL ZONES

Article 34. Scope and content of program for general management of natural resources in littoral zones

1. The program for general management of natural resources in littoral zones includes programs at interprovincial level and programs within management of central-affiliated coastal cities and provinces.

2. Program for general management of natural resources in littoral zones is formulated for the coastal area in the following cases:

a) Concentration of a great deal of activities of exploitation and use of natural resources with conflicts or possible risk of conflicts of interests in exploitation and use of natural resources that need participation of various levels, sectors and communities for handling;

b) Natural resources and values of ecosystems of the coastal area running the risk of severe degradation as a result of activities of exploitation and use of natural resources; running high or very high risk of pollution;

c) Having a particular significance for socio-economic development, National defense and security, preservation and promotion of values of cultural heritages, protection of environment and ecosystem but vulnerable to climate change and rising sea.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Objectives;

b) Issues to be addressed, order of priority to handling; indices for assessment of program implementation;

c) Specific solutions and tasks for implementation of the program;

d) Resources for implementation of the program;

Article 35. Principles, foundations for formulation and revision of program for general management of natural resources in littoral zones

1. Principles of formulation and revision of program for general management of natural resources in littoral zones;

a) Ensure settlement of conflicts of interests in exploitation and use of natural resources; harmonize interests of the parties involved;

b) Ensure participation of the parties involved during the formulation of the program for general management of natural resources in littoral zones;

c) Ensure practicality, feasibility during the implementation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) General planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones

b) Current conditions of exploitation and use of natural resources and environment in littoral zones within scope of the program;

c) Financial, workforce, science and technology capabilities;

3. The program for general management of natural resources in littoral zones shall be revised when one of foundations as prescribed in Clause 2 of this Article changes.

Article 36. Formulation, assessment, approval and revision of program for general management of natural resources in littoral zones

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces in the formulation and submission of interprovincial-level program for general management of natural resources in littoral zones to the Prime Minister for revision and approval.

2. People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall organize formulation and revision of the program for general management of natural resources in littoral zones within management; collect suggestions from the Ministry of Natural Resources and Environment before approval.

3. The program for general management of natural resources in littoral zones must be assessed in advance of approval.

4. This Article shall be detailed by the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Collect suggestions during formulation of program for general management of natural resources in littoral zones

a) The agency charged with formulating the program shall be responsible for collecting suggestions from relevant agencies, organizations, individuals, and residential communities;

b) Suggestions are collected through conferences, written communications, and public announcement on the websites of the agency charged with formulating the program.

For programs at interprovincial levels and programs within management of central-affiliated coastal cities and provinces, time limit for public announcement on the websites to collect suggestions is at least 90 days and 60 days respectively.

2. The program for general management of natural resources in littoral zones must be made in public within 30 days since it is approved.

Section 38. Implementation of program for general management of natural resources in littoral zones

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over implementation of the interprovincial-level program for general management of natural resources in littoral zones Ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall be responsible for cooperating with the Ministry of Natural Resources and Environment in the implementation of the interprovincial-level program for general management of natural resources in littoral zones.

2. People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall organize implementation of the program for general management of natural resources in littoral zones under its approval.

Chapter V

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 39. Requirements for management of natural resources in islands

1. Natural resources in islands must be managed in agreement with the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and protection of sea and island environment; sea-use planning and plans; general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones and provisions as prescribed hereof.

2. Islands must be put into fundamental investigation, overall and comprehensive assessment of natural conditions, natural resources and environment; statistical reporting, classification for documentation and orientation of exploitation and appropriate and effective use of natural resources for socio-economic development, defense of national sovereignty, assurance of National defense and security, coping with climate change, rising sea, preservation and promotion of values of cultural heritages.

3. Ensure harmony between demands for exploitation and use of natural resources and demands for preservation, development and protection of environment and ecosystem;

Article 40. Formulation and management of documentation of natural resources in islands

1. Islands shall be classified for protection, preservation, exploitation and use of natural resources according to the Government’s regulations;

2. Documentation of natural resources in islands includes:

a) Information sheet: names or number signs of islands; type of islands; positions, coordinates, area; exploitation and use of islands;

b) Maps defining positions, coordinates and borderlines of islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Statistical reports, records of fluctuations in island natural resources and environment, and other relevant information;

3. People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall be responsible for formulating and managing documentation of islands within local level.

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall detail documentation of natural resources in islands and provide guidance on formulation and management of natural resources in islands.

Article 41. Exploitation and use of natural resources in islands

1. Exploitation and use of natural resources in archipelago, islands are instructed in the same way as exploitation and use of natural resources in mainland as prescribed hereof and other relevant law provisions.

2. For archipelago, islands that must be protected and preserved except cases as prescribed in Clause 5 of this Article, the following activities are prohibited:

a) Carry out new constructions; installation of facilities;

b) Impacts resulting in changes to topography, geomorphology and soil quality;

c) Activities of exploitation, excavation, backfilling, soil improvement; exploitation of minerals, underground water; bringing natural formations out of archipelago, islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Hunting, bringing animals out of archipelago, islands; grazing livestocks, bringing alien living things on archipelago, islands;

e) Dump or bring waste matters on archipelago, islands;

3. Exploitation and use of natural resources in shallow areas, sandbanks must be permitted by competent state agencies as prescribed hereof, relevant law provisions and the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

4. For shallow areas, sandbanks to be protected, preserved except cases as prescribed in Clause 5 of this Article, the following activities are prohibited:

a) Carry out new constructions; installation of facilities;

b) Impacts resulting in changes to topography, geomorphology;

c) Reclamation, exploitation, excavation, backfilling, soil improvement; exploitation of minerals; bringing natural formations out of shallow areas, sandbanks;

d) Dump or bring waste matters on shallow areas, sandbanks;

5. Activities as prescribed in Clauses 2, 4 of this Article shall be permitted in the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Serve the purpose of scientific research, investigation, research and assessment of natural conditions, natural resources and environment permitted by competent state agencies; carry out programs and projects of the State;

c) Prevention and fighting against natural disasters, activities of rescue and relief;

d) Other cases as approved by the Prime Minister;

Chapter VI

CONTROL OF POLLUTION, COPING WITH SPILL OF OIL, TOXIC CHEMICALS AND SEA DUMPING

Section 1: Control of sea and island environment pollution

Article 42: Principles of sea and island environment pollution control

1. Control of sea and island environment pollution must be regularly conducted with the task of prevention being prioritized; carry out early and effective remedy for pollution, sea environment emergencies, degradation of sea and island environment.

2. Sea areas must be zoned for risk of pollution to come up with effective solutions for pollution control.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Effectively coping with sea environment emergencies and early prevention of spread of pollution

5. Close coordination among relevant sectors, levels, organizations and individuals for control of sea and island environment pollution;

Article 43: Content of sea and island environment pollution control

1. Carry out investigation, statistical work, classification and assessment of waste sources from mainland, activities on sea and islands; state of environmental pollution;

2. Conduct regular monitoring and assessment of current conditions of water, sediments, ecosystems and biodiversity of sea and island areas;

3. Conduct investigation and assessment of loading capacity of environment in the areas running high or very high risk of pollution; make public announcement of areas out of capacity to receive waste;

4. Prevent, detect, handle and overcome pollution and degradation of environment, ecosystems; improve and remediate environment and ecosystems polluted and degraded;

5. Identify level of risk of environmental pollution; zone and map risk of environmental pollution;

6. Cope with environmental emergencies;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Cooperate with state agencies and foreign agencies and organizations in sharing information and assessing sea water environment quality; control cross-border environmental pollution according to law provisions;

9. Make public announcement of areas running the risk of environmental pollution, information about water, sediments of sea and island areas;

Article 44: Responsibilities of investigation and assessment of sea and island environment

1. The Ministry of Natural Resources and Environment, ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, within the scope of duties and powers, shall be responsible for carrying out monitoring and assessment of environmental pollution in sea and islands, current conditions of water, sediments, ecosystems and biodiversity of sea and island areas; conducting investigation, statistical work, classification and assessment of waste sources from mainland, activities on sea and islands according to regulations on environmental protection.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible for conducting investigation and assessment of loading capacity of environment in areas running high or very high risk of pollution; making public announcement of sea and island areas out of capacity to receive waste; publicize information about sea and island environment according to law provisions;

Article 45: Control of environment pollution from sea activities

1. Hazardous waste from sea activities must be collected, classified, stored, transported and treated according to regulations on environmental protection.

2. Any works, facility on the sea that are no longer used after expiration date must be dismantled and transported to mainland or dumped at sea as prescribed hereof and other relevant law provisions.

3. Owners of vehicles transporting and storing petrol, oil, chemicals, radioactive substances, toxins and other substances running the risk of sea environment emergencies must have a plan for prevention and coping with environmental emergencies, ensuring no leakage, loss and spilling.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Ballast water, rinses, washing water, bilge water must be treated to meet technical regulations on environment before being discharged to sea.

6. Discharge of ballast water, rinses, washing water, bilge water and other wastewater from ships is instructed in accordance with regulations of the laws on maritime, environmental protection, relevant law provisions and the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

7. Solid waste from ships, drilling rigs, works and other facilities on sea must be closely managed under the laws; mud dredged from navigable channels, ports must be transported to mainland or dumped at sea as prescribed hereof and relevant law provisions.

8. Ports must be equipped with a system to receive and process domestic waste, residual oil from vehicles on sea.

9. Waste floating on ocean surface or along the shores must be collected, classified and treated according to regulations on environmental protection and relevant law provisions.

Article 46: Control of sea environment pollution from mainland

1. Waste arising from production, trading and domestic activities on mainland must be treated to meet Technical regulations on environment before being discharged to sea.

2. Positions of discharging treated wastewater to sea must be arranged on the basis of natural conditions of the area of discharge; factors such as dynamics, environment, ecology, biodiversity, natural resources and current conditions of exploitation and use of sea areas.

Positions of discharging wastewater to sanctuaries, beaches, famous landscapes along sea shores must be examined, considered and handled according to the laws on environmental protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Pollution sources from river basins to sea must be investigated, assess and closely controlled.

Article 47: Control of cross-border sea environment pollution

1. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, within the scope of duties and powers, shall be responsible for conducting monitoring, early detection, prevention and notification of cross-border sea environmental pollution to the Ministry of Natural Resources and Environment.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment as a central agency for controlling cross-border sea environment pollution shall be responsible for presiding over and cooperating with the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of National Defense, the Ministry of Science and Technology and relevant ministries, ministerial-level agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces in identifying pollution sources and bringing forward handling and remedial measures.

3. The Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of Natural Resources and Environment, within their duties and powers, shall be responsible for cooperating with relevant countries and organizations in handling and remedying cross-border sea environmental pollution.

Article 48: Zoning risk of sea and island environment pollution

1. Zoning risk of sea and island environment pollution includes the following activities:

a) Monitor, investigate, collect, update, compile, and handle information, data about sea and island environment;

b) Assessment of risk of sea and island environment pollution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with relevant ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces in instructing, identifying, assessing and zoning risk of sea and island environment pollution.

Article 49: Level of risk of sea and island environment pollution

1. Risk of pollution are classified into the following levels: Level of risk of pollution serves as the grounds for provision of effective pollution control measures.

2. Areas running the risk of environment pollution are classified into the following levels:

a) Low risk of pollution;

b) Medium risk of pollution;

c) High risk of pollution;

d) Very high risk of pollution;

3. Criteria for classifying risk of pollution include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Affected scope;

c) Level of environmental sensitivity; possible damage caused to human health, sea and island ecosystems, other activities, use of natural resources in sea and islands;

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall detail criteria for classifying areas running the risk of pollution.

The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with relevant ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces in formulating maps of zoned risk of pollution and making the submission to the Prime Minister for approval.

Article 50: Assessment of performance of sea and island environment pollution control

1. Performance of sea and island environment pollution control is assessed through a set of factors.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment, ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, within the scope of duties and powers, shall be responsible for conducting assessment of pollution control performance; making public disclosure of performance result on their own website.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall detail the set of factors and the assessment of pollution control performance.

Article 51: Reports on current conditions of sea and island environment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Contents of reports, reporting period, authorities and responsibilities for formulating reports are instructed in accordance with regulations on environmental protection.

Section 2: COPING AND REMEDYING OIL AND TOXIC CHEMICAL SPILL

Article 52: Principles of coping and remedying oil and toxic chemical spill

1. Coping and remedying oil and toxic chemical spill are responsibilities of agencies, organizations and individuals.

2. Focus on the task of prevention; take the initiative in constructing plans, investment in equipment, materials, workforce for coping with oil and toxic chemical spill;

3. Incidents of oil and toxic chemical spill must be classified to assign responsibilities for coping.

4. Information about oil and toxic chemical spill must be reported and handled in a timely manner.

5. Mobilize every resource for coping as quick as possible; ensure effective and close coordination among workforces, vehicles and equipment for coping with oil and toxic chemical spill with activities of rescue and relief being prioritized.

6. Ensure safety, prevention and fighting against explosion during the task of coping;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Prevention, remedial work and handling of oil and toxic chemical spill are instructed in accordance with regulations on environmental protection and relevant law provisions.

Article 53: Decentralization of coping with incidents of oil and toxic chemical spill

1. Coping with incidents of oil and toxic chemical spill is carried out in three levels:

2. Grass-root level:

a) If the incident occurs at facilities, the owners thereto must organize, command and mobilize workforces, vehicles and equipment for early coping and at the same time make immediate report to governing body, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces where the incident occurs; if such incident is out of capacity and resources, make immediate report to governing body, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces where the incident occurs for support;

b) If the incident causes severe pollution or occurs in the area prioritized for protection, running high or very high risk of pollution, the owners must make the report to People’s committees of central-affiliated cities and provinces where the incident occurs and National Search and Rescue Committee for early direction and coping.

3. Regional level:

If the incident is out of capacity with causes not yet determined, presidents of People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces where the incident occurs shall be responsible for giving directions on coping with the incident, and at the same time carrying out urgent mobilization of necessary resources from establishments, sectors and agencies in the administrative divisions for coping.

4. National level:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) If the incident is out of capacity of the country's forces, National Search and Rescue Committee shall make proposal to the Prime Minister for consideration and decision on calling for international support;

c) In case the incident causes particularly severe pollution, follow regulations on state of emergency;

Article 54. Identification and public announcement of areas with restricted activities

1. To create favorable conditions for rescue, relief and emergency response, persons in charge should propose areas of restricted activities to pave the way for activities of rescue, relief and emergency response.

2. Identification and public announcement of areas of restricted activities shall be examined and decided by People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces where the incident occurs as proposed by agencies and persons in charge.

3. The Government shall detail identification and public announcement of areas of restricted activities to prioritize activities of rescue, relief and emergency response.

Article 55: Temporary suspension of facilities causing oil and toxic chemical spill

In case facilities causing the incident obstruct remedial work, investigation and identification of the cause, ministries, ministerial-level agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, in reliance on their duties and powers, shall decide temporary suspension of operation for facilities that cause the incident.

Article 56: Responsibilities for coping with oil and toxic chemical spill

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Preside over direction and implementation of the national plan for emergency response across the country after it is approved by the Prime Minister;

b) Direct and mobilize workforces and vehicles from ministries, sectors, localities, regional emergency response centers to cope with the incident within responsibilities;

c) Cooperate with competent agencies from relevant countries in handling incidents on the territorial waters of Vietnam or waters bordering other countries and make the report to the Prime Minister on ultra vires cases;

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take the following responsibilities:

a) Preside over and cooperate with the Ministry of Industry and Trade, National Search and Rescue Committee, and relevant ministries, sectors in formulating the Statute on Oil and Toxic Chemical Spill Response and making the submission to the Prime Minister for promulgation; preside over and cooperate with relevant ministries, sectors in promulgating or submitting to competent authorities for promulgation regulations on monitoring and assessment of risks, remedial work and handling of incidents of oil and toxic chemical spill;

b) Cooperate with National Search and Rescue Committee, relevant ministries, sectors and localities in coping with oil and toxic chemical spill;

3. The Ministry of Foreign Affairs shall take the following responsibilities:

a) Direct ministerial agencies, Vietnam’s representative bodies overseas to coordinate handling procedures for Vietnam’s emergency response units participating in international support and foreign response forces in Vietnam at the request of National Search and Rescue Committee;

b) Cooperate with National Search and Rescue Committee and relevant ministries and sectors through diplomacy in exchanging information, transferring requirements for coordination or proposing support for incidents occurring on overseas waters but having effects on Vietnam or incidents occurring within the territorial waters of Vietnam but having effects on overseas waters.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Relevant ministries, sectors shall be responsible for directing affiliated agencies and units to organize workforces and vehicles for participating in coping with incidents of oil and toxic chemical spill as mobilized by National Search and Rescue Committee and competent agencies.

6. People’s committees of central-affiliated coast cities and provinces shall be responsible for approving and organizing the implementation of emergency plan; carrying out early directions for coping with incidents within management.

7. Owners of facilities that cause oil and toxic chemical spill must take urgent measures to mobilize workforces, material resources and vehicles for emergency response; ensure safety to people and property; organize rescue of people and property; make immediate notification to local authorities and competent authorities about incidents.

Section 3: SEA DUMPING

Article 57. Requirements for sea dumping

1. Sea dumping shall be allowed under the permit issued by competent state management agencies as prescribed hereof.

2. Physical matters arising outside the territorial waters of Vietnam are not allowed to be dumped in the territorial waters of Vietnam.

3. Sea areas used for dumping must accord with sea-use planning, general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones.

4. Activities of sea dumping shall not be allowed to adversely affect human health and the country’s potentiality of economic development; minimize adverse effects on the environment and ecosystem.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 58. Physical matters subject to sea dumping

1. Physical matters subject to sea dumping must satisfy the following requirements:

a) Do not contain radioactive substances, or toxins beyond regulations on radiation safety engineering and Technical regulations on environment;

b) Treated to meet Technical regulations on environment and ensure not to adversely affect human health, environment, ecosystem and aquatic resources;

c) Unable to be dumped, stored or treated on mainland or dumping, storage and treatment on mainland do not bring about socio-economic efficiency;

d) Belong to the list of physical matters subject to sea dumping;

2. The list of physical matters subject to sea dumping shall be prescribed by the Government.

Article 59. Permit for sea dumping

1. Permit for sea dumping (hereinafter referred to as the permit) includes the following information:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Name, weight, size, components of physical matters subject to sea dumping; name, type, weight and components of physical matters subject to sea dumping;

c) Position, borderline, coordinates, areas of sea areas used for sea dumping;

d) Transport vehicles, manner of dumping;

dd) Time and time limit for dumping;

e) Obligations of organizations and individuals granted the permit;

g) Effect

2. Validity period of the permit shall be considered on the basis of physical matters subject to sea dumping, scale and nature of dumping, and areas used for dumping and last no more than two years. Extension is allowed once but no more than one (01) year.

Article 60. Issuance, re-issuance, extension, supplements, amendments, returning and revocation of the permit

1. The Minister of Natural Resources and Environment shall grant the permit for sea areas (used for dumping) that have part or whole of the area lying outside littoral zones or areas bordering two central-affiliated coastal cities and provinces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Competent agencies that grant the permit for a certain sea area shall have the right to re-issue, extend, supplement, amend, return or revoke the permit for such area.

4. Issuance, re-issuance, extension, supplements, amendments, returning and revocation of the permit shall be detailed by the Government.

Article 61. Rights and obligations of organizations and individuals granted the permit

1. Organizations and individuals granted the permit shall have the following rights:

a) Carry out dumping at sea as prescribed in the permit;

b) Enjoy protection of lawful rights and interests by the State;

c) Request organizations and individuals that cause damage to their lawful rights and interests in dumping to compensate for damage caused according to law provisions;

d) Make request to competent state management agencies that grant the permit for re-issuance, extension, amendments, supplements and returning the permit according to law provisions;

dd) Make complaints, and take legal proceedings against violations of their own lawful rights and interests in sea dumping according to law provisions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Organizations and individuals granted the permit shall have the following obligations:

a) Comply with regulations of the law on management of natural resources and environment of sea and islands and the permit;

b) Pay fees, charges for issuance of the permit and for use of sea areas for dumping according to law provisions;

c) Comply with technical regulations concerning activities of dumping during the dumping period;

d) Do not obstruct or cause damage to lawful exploitation and use of natural resources at sea by other organizations and individuals;

dd) Provide adequate and authentic data and information on activities of dumping at the request of competent state agencies;

e) Take measures to ensure safety, prevent and cope with environmental emergencies caused by their own dumping activities according to law provisions;

g) Conduct monitoring and supervision of sea environment, communication and reporting regime on sea dumping activities according to law provisions;

h) Compensate for losses to organizations or individuals suffering the damage caused by irregular dumping activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 62. Control of sea dumping

1. Organizations and individuals granted the permit must make registration, install movement monitoring devices, and record all dumping activities to facilitate the investigation and supervision of competent state management agencies and sea patrol forces.

2. In case physical matters subject to sea dumping are loaded at a port, authorities of such port shall be responsible for inspecting physical matters to ensure they are in conformity with the permit before permitting them to leave the port.

3. Competent agencies (that grant the permit) and sea patrol forces shall carry out investigation, inspection and supervision of dumping activities and handle violations according to law provisions.

Article 63. Dumping outside territorial waters of Vietnam causing damage to natural resources and environment of Vietnam’s sea and island

Organizations and individuals at home or abroad that carry out dumping outside the territorial waters of Vietnam causing damage to the environment, ecosystem and socio-economic development within Vietnam’s sea and islands shall be responsible for compensating for losses caused or return all expenses for investigation, research, assessment of damage, implementation of solutions of remediation of environment and ecosystem and other expenses according to the laws of Vietnam and the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Chapter VII

GENERAL MONITORING AND SUPERVISION, INFORMATION AND DATABASE SYSTEM ON NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT OF SEA AND ISLANDS

Section 1: GENERAL MONITORING AND SUPERVISION OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT OF SEA AND ISLANDS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. General monitoring and supervision of natural resources and environment of sea and islands must be regularly and comprehensively conducted to serve management of natural resources and environment of sea and islands, to foster socio-economic development and ensure National defense and security.

2. General monitoring and supervision system to be set up must be synchronous and state of the art to ensure adequate and timely collection of information and data on natural resources and environment of sea and islands.

3. Ensure connection with activities of monitoring and supervision of natural resources and sea and islands in the region and the world;

Article 65: Establishment of general monitoring and supervision system for natural resources and environment of sea and islands (hereinafter referred to as the general monitoring system)

1. The general monitoring system is established on the basis of connection with monitoring systems of ministries, sectors and localities.

2. The general monitoring system is an open system that connects and shares information throughout from central to local government.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with relevant ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces in formulating and submitting the general monitoring system to the Prime Minister for approval.

Article 66. Joining sea and ocean monitoring system of the region and the world

The Ministry of Natural Resources and Environment plays a key role in joining the sea and ocean monitoring system of the region and the world; takes responsibility for managing, announcing, sharing and providing information and data collected from participating in the monitoring system according to law provisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 67: System of information on natural resources and environment of sea and islands (hereinafter referred to as the information system)

1. The information system is designed and constructed as a whole and uniform system across the country serving multiple of targets in accordance with national and international technical regulations and standards recognized in Vietnam.

2. The information system includes:

a) Technical infrastructure of information technology for natural resources and environment of sea and islands;

b) Operating softwares, system and application softwares;

c) Database on natural resources and environment of sea and islands;

3. The Ministry of Natural Resources and Environment, relevant ministries, sectors and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall construct the information system.

Article 68. Construction of database on natural resources and environment of sea and islands (hereinafter referred to as the database system)

1. The database system includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Data on sea meteorology and hydrology;

c) Data on sea geology, geophysics, minerals, oil, gas; data on physical and physiochemical properties of sea water;

d) Data on sea ecosystem, biodiversity and aquatic resources; natural resources and wonders of sea ecosystem;

dd) Data about sea environment, sea dumping;

e) Data on islands;

g) Data on sea-use planning, plans; general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones; program for general management of natural resources in littoral zones;

h) Data on exploitation and use of natural resources of sea and islands;

i) Result of settlement of disputes, complaints, denunciations on natural resources and environment of sea and islands executed by competent state agencies;

k) Result of performance of programs, projects, topics and tasks of management, fundamental investigation, scientific research for natural resources and environment of sea and islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

m) Legislative documents, technical regulations and standards, economic and technical norms on natural resources and environment of sea and islands;

n) Other data on natural resources and environment of sea and islands;

2. The database system is a whole and uniform collection of data on natural resources and environment of sea and islands across the country standardized according to national standards, and digitalized for updating, management and exploitation via information technology.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall regulate construction of the database system.

The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with ministries, ministerial-level agencies, and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall construct the database system.

Ministries, ministerial-level agencies, and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, within their duties and powers, shall be responsible for investigating and collecting data on natural resources and environment of sea and islands to construct the database system for ministries, sectors and localities; providing data to the Ministry of Natural Resources and Environment for construction of national database system.

Article 69. Storage, exploitation and use of natural resources and environment of sea and islands

1. Storage of data on natural resources and environment of sea and islands is instructed in accordance with the Archives Law. All collected data shall be classified, assessed and processed to ensure appropriate and safe storage and preservation.

2. Data on natural resources and environment of sea and islands must be made public according to law provisions; Organizations and individuals that exploit and use natural resources and environment of sea and islands must ensure right purposes and efficiency and pay fees as prescribed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministers, heads of ministerial-level agencies, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall regulate scope of supply, level and entities permitted to exploit and use of data on natural resources and environment of sea and islands within management as prescribed.

4. The Minister of Finance shall instruct collection and payment of fees, charges for exploitation and use of data.

Article 70. Incorporating, exchanging and sharing data on natural resources and environment of sea and islands

1. The database system must be standardized according to national standards on the basis of database on natural resources and environment of sea and islands incorporated from ministries, ministerial-level agencies, and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall construct the database system.

2. Data on natural resources and environment of sea and islands shall be exchanged and shared between ministries, ministerial-level agencies and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces in the following principles:

a) Ensure quick access to data serving assessment, forecasting and planning of strategy, policies, construction of planning, increasing effectiveness and efficiency in state management tasks meeting demands for socio-economic development and assurance of National defense and security.

b) Conform to functions and duties of each agency, organization; ensure no duplication or overlap between relevant agencies and organizations and ensure close coordination in collection and management of data;

c) Ensure data are adequately, accurately and systematically collected in agreement with the collected, updated and managed data;

d) Ensure smooth and timely exchange and provision of data; requirements for information safety and state secrecy;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter VIII

INTERNATIONAL COOPERATION ON NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT OF SEA AND ISLANDS

Article 71. Principles of international cooperation on natural resources and environment of sea and islands

1. International cooperation on natural resources and environment must be included in overall strategy, planning for socio-economic development, sea strategy, strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and environment of sea and islands, protection of sea and island environment and in accordance with foreign policies of Vietnam.

2. International cooperation on natural resources and environment of sea and islands must ensure principles of constructing a sea area of peace, cooperation and friendship developed on the basis of respects for independence, sovereignty and territorial integrity without interfering in each other’s internal affairs, equality and mutual benefits, and respects for the laws of Vietnam and the International Agreement to which Vietnam is a signatory.

3. Ensure to bring into play all potentiality, strength and effective exploitation of natural resources and environment of sea and islands, sustainable development of sea and islands;

4. Take the initiative in joining and fulfilling rights and obligations in international organizations and the International Agreement to which Vietnam is a signatory.

Article 72. International cooperation in general management of natural resources and environment of sea and islands

1. The State shall carry out cooperation with other countries, foreign organizations or international organizations in the following activities:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Investigate, study natural resources and environment of sea and islands; apply science and technology to investigation and study on sea and islands; investigate and assess level of damage caused to natural resources and environment of sea and islands; make forecasts about natural disasters, sea and island environment pollution caused by activities of exploitation of natural resources of sea and islands.

c) Carry out sustainable exploitation of natural resources of sea and islands;

d) Protect sea and island biodiversity and maintain productivity and diversity of ecosystem in sea, islands and littoral zones;

dd) Control sea and island environment pollution, cope with sea environment pollution, climate change and rising sea;

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall play a key role in compiling international cooperation activities in general management of natural resources and environment of sea and islands.

3. Ministries, sectors and People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces involved in international cooperation on natural resources and environment of sea and islands shall be responsible for conducting annual assessment of international activities of their own agencies and making the report to the Ministry of Natural Resources and Environment for compilation and reporting to the Prime Minister.

Chapter IX

RESPONSIBILITIES FOR GENERAL MANAGEMENT OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT OF SEA AND ISLANDS

Article 73. Responsibilities for general management of natural resources and environment of sea and islands of the Government, ministries and ministerial-level agencies

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take the following responsibilities to the Government for carrying out general management of natural resources and environment of sea and islands:

a) Formulate and make submission to competent authorities for promulgation or promulgate within competence and organize the implementation of legislative documents on general management of natural resources and environment of sea and islands;

b) Formulate and make submission to the Government for approval and organize the implementation of the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources, protection of sea and island environment; general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones; submit interprovincial-level program for general management of natural resources in littoral zones to the Prime Minister for approval and organize the implementation.

c) Formulate and make submission to the Prime Minister for approval and organize the implementation of the key program for fundamental investigation of natural resources and environment of sea and islands; cooperate with the Ministry of Science and Technology in compiling, constructing and placing order for implementation of topics, projects and tasks within national science and technology program for natural resources and environment of sea and islands.

d) Issue, re-issue, extend, amend, supplement, return and revoke the permit within competence; Issue, re-issue, extend, amend, supplement, return and revoke written permission granted to foreign organizations and individuals for activities of scientific research conducted in the territorial waters of Vietnam;

dd) Instruct and inspect the establishment and protection of coastal area protection corridors; conduct investigation, statistical reports and management of natural resources of islands;

e) Establish and manage the general monitoring system; construct and manage national information system;

g) Control sea and island environment pollution; cope with incidents of oil and toxic chemical spill; manage sea dumping;

h) Train and foster professional competence of general management of natural resources and protection of sea and island environment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

k) Investigate, inspect and settle complaints, denunciations in general management of natural resources and environment of sea and islands;

l) Carry out international cooperation in general management of natural resources and environment of sea and islands;

3. Ministers, heads of ministerial-level agencies within their duties and powers, shall take the following responsibilities:

a) Take part in the construction of the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and protection of sea and island environment; general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones and organize the implementation of the strategy and planning after approval;

b) Preside over the implementation of projects, topics and tasks of fundamental investigation, scientific research on natural resources and environment of sea and islands as prescribed hereof and relevant law provisions;

c) Cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in granting written permission to foreign organizations and individuals for conducting scientific research in the territorial waters of Vietnam;

d) Carry out statistical reports on natural resources and environment of sea and island within management;

dd) Monitor and assess sea and island environment pollution, current conditions of water quality, sediments, ecosystems and biodiversity in sea and island areas; conduct investigation and statistical reports, classification and assessment of waste sources from mainland, activities performed on sea and islands as prescribed hereof and the law on environmental protection;

e) Cooperate with National Search and Rescue Committee, the Ministry of Natural Resources and Environment in coping with incidents of oil and toxic chemical spill;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Carry out propagation of sea and islands; disseminate and educate the laws on general management of natural resources and environment of sea and islands;

i) Assess activities of international cooperation on natural resources and environment of sea and islands within management to the Ministry of Natural Resources and Environment on an annual basis;

Article 74. Responsibilities of People’s committees at all levels for general management of natural resources and environment of sea and islands

1. People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces, within duties and powers, shall take the following responsibilities:

a) Formulate and promulgate within competence, and organize the implementation of legislative documents on general management of natural resources and environment of sea and islands;

b) Organize the implementation of the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources, protection of sea and island environment; sea-use planning, plans; general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones; formulate, approve and organize the implementation of general planning for natural resources and environment in littoral zones within management;

c) Organize the implementation of activities of scientific research, fundamental investigation, statistical reports on natural resources and environment of sea and islands;

d) Issue, re-issue, extend, amend, supplement, return and revoke the permit within competence;

dd) Establish and manage coastal area protection corridors; document and manage natural resources and environment of islands within authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Control sea and island environment pollution; cope with incidents of oil and toxic chemical spill; manage sea dumping;

h) Carry out propagation of sea and islands; disseminate and educate the laws on general management of natural resources and environment of sea and islands in localities;

i) Investigate, inspect and settle complaints, denunciations in general management of natural resources and protection of sea and island environment;

k) Periodically, compile and report activities of general management of natural resources and protection of sea and island environment to the Ministry of Natural Resources and Environment;

2. People’s committees of provincial-affiliated coastal districts, communes and equivalent administrative units, within duties and powers, shall take the following responsibilities:

a) Organize the execution of legislative documents on general management of natural resources and environment of sea and islands;

b) Carry out measures of protecting natural resources and islands un-exploited and un-used according to law provisions;

c) Protect coastal area protection corridors within locality; cooperate with relevant agencies, organizations in protecting the monitoring system built on the administrative divisions under management;

d) Participate in coping with incidents of oil and toxic chemical spill; monitor, detect and participate in tackling causes to environmental pollution, landslides;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Periodically, compile and report activities of general management of natural resources and protection of sea and island environment to People’s committees of higher levels;

3. People’s committees of coastal communes, wards and towns, within their duties and powers, shall the following responsibilities:

a) Organize the execution of legislative documents on general management of natural resources and environment of sea and islands; carry out measures of protecting natural resources and islands un-exploited and un-used according to law provisions;

b) Protect coastal area protection corridors within locality; detect and participate in tackling environmental emergencies, landslides;

c) Carry out propagation of sea and islands; disseminate and educate the laws on general management of natural resources and protection of sea and island environment;

d) Periodically, compile and report activities of general management of natural resources and protection of sea and island environment to People’s committees of higher levels;

Article 75. Responsibilities of the Vietnamese Fatherland Front and its member organizations

The Vietnamese Fatherland Front and its member organizations, within duties and powers, shall be responsible for cooperating with state management agencies in performing activities of propagation to people; Enhance social criticism and monitor the task of exploitation and use of natural resources and environment of sea and islands performed by regulatory agencies according to law provisions

Article 76. Principles and contents of coordination in general management of natural resources and environment of sea and islands

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Ensure uniformity of interdisciplinary and interregional management; ensure comprehensiveness and efficiency; specify responsibilities of individual agencies for presiding over and coordinating general management of natural resources and environment of sea and islands;

b) Implementation of coordinated tasks must be based on functions, tasks, powers assigned as prescribed hereof and relevant law provisions;

c) Implementation of coordinated tasks must ensure national secrecy and confidentiality according to law provisions; ensure National defense and security and marine safety;

d) Do not obstruct activities of lawful exploitation and use of natural resources of sea and islands and other lawful activities by organizations and individuals within Vietnamese waters;

2. Contents:

a) Construct and execute the laws on general management of natural resources and protection of sea and island environment;

b) Formulate and organize the implementation of the strategy for exploitation and sustainable use of natural resources and protection of sea and island environment; sea-use planning, plans; general management of natural resources and sustainable use of natural resources in littoral zones; program for general management of natural resources and environment in littoral zones;

c) Manage, carry out activities of fundamental investigation, scientific research on natural resources and environment of sea and islands;

d) Establish the general monitoring system; construct the information and database system on natural resources and environment of sea and islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Carry out propagation of sea and islands; disseminate and educate the laws on general management of natural resources and protection of sea and island environment;

g) Carry out international cooperation in general management of natural resources and protection of sea and island environment;

h) Investigate, inspect and settle complaints, denunciations in general management of natural resources and protection of sea and island environment;

i) Other matters according to law provisions;

3. The Government shall detail coordination between ministries, sectors and localities in general management of natural resources and protection of sea and island environment;

Article 77. Reports on general management of natural resources and protection of sea and island environment

1. Annually, the Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible for reporting activities of general management of natural resources and protection of sea and island environment to the Government.

2. Annually, ministries, sectors shall be responsible for reporting management of activities of fundamental investigation, exploitation and use of natural resources and protection of sea and island environment within responsibilities to the Ministry of Natural Resources and Environment.

3. Annually, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces shall be responsible for reporting management of activities of fundamental investigation, exploitation and use of natural resources and protection of sea and island environment, general management of natural resources and environment within responsibilities to the Ministry of Natural Resources and Environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 78. Investigation into general management of natural resources and protection of sea and island environment

Investigation into general management of natural resources and protection of sea and island environment is instructed in accordance with the law on investigation.

Chapter X

IMPLEMENTARY PROVISIONS

Article 79. Transitional provisions

1. Since this Law is announced, quo status must be maintained with no permission for any activity of investment or new constructions within 100 meters from average tide over years to mainland or islands determined by People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces as instructed by the Ministry of Natural Resources and Environment until coastal area protection corridors are established as prescribed hereof, except the following cases:

a) Carry out new constructions for the purpose of National defense and security, prevention and fighting against natural disasters, landslides, coping with climate change, rising sea, preservation and promotion of values of cultural heritages;

b) Carry out new constructions under investment projects for the benefits of the country and the public initiated by National Assembly, Government, the Prime Minister, heads of ministries, central agencies, People’s Council, People’s committees of central-affiliated coastal cities and provinces;

c) Carry out new construction under investment projects initiated by competent state agencies or permitted by competent state agencies before this Law is announced.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Planning for exploitation and use of natural resources within sectors and localities, development planning for sectors and localities shall be still implemented until they are checked and revised to suit sea-use planning and plans, approved general planning for exploitation and sustainable use of natural resources in littoral zones.

Article 80. Effect

This Law takes effect since July 01, 2016.

This Law has been ratified in June 25, 2015 in the 9th Session of the 13th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam.

 

 

CHAIRMAN OF NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


74.544

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.134.18
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!