QUỐC HỘI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 29-L/CTN
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 12 năm 1993
|
LUẬT
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐ 29-L/CTN NGÀY 27/12/1993 CỦA QUỐC HỘI
Môi trường có tầm quan trọng đặc
biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn
hoá, xã hội của đất nước, dân tộc và nhân loại;
Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp,
các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân
và mọi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo
đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp
phát triển lâu bền của đất nước, góp phần bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu;
Căn cứ vào Điều 29 và Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định việc bảo vệ môi trường.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Môi trường bao gồm các yếu tố tự
nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người,
có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và
thiên nhiên.
Bảo vệ môi trường được quy định
trong Luật này là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải
thiện môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả
xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp
lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Điều 2
Trong Luật này các thuật ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1- Thành phần môi trường là các
yếu tố tạo thành môi trường: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất,
núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản
xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di
tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.
2- Chất thải là chất được loại
ra trong sinh hoạt, trong quá trình sản xuất hoặc trong các hoạt động khác. Chất
thải có thể ở dạng rắn, khí, lỏng hoặc các dạng khác.
3- Chất gây ô nhiễm là những
nhân tố làm cho môi trường trở thành độc hại.
4- Ô nhiễm môi trường là sự làm
thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường.
5- Suy thoái môi trường là sự
làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu
cho đời sống của con người và thiên nhiên.
6- Sự cố môi trường là các tai
biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất
thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng. Sự cố môi trường
có thể xẩy ra do:
a- Bão, lũ, lụt, hạn hán, nứt đất,
động đất, trượt đất, sụt lở đất, núi lửa phun, mưa axít, mưa đá, biến động khí
hậu và thiên tai khác;
b- Hoả hoạn, cháy rừng, sự cố kỹ
thuật gây nguy hại về môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình
kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng;
c- Sự cố trong tìm kiếm, thăm
dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản, dầu khí, sập hầm lò, phụt dầu, tràn dầu,
vỡ đường ống dẫn dầu, dẫn khí, đắm tàu, sự cố tại cơ sở lọc hoá dầu và các cơ sở
công nghiệp khác;
d- Sự cố trong lò phản ứng hạt
nhân, nhà máy điện nguyên tử, nhà máy sản xuất, tái chế nhiên liệu hạt nhân,
kho chứa chất phóng xạ.
7- Tiêu chuẩn môi trường là những
chuẩn mức, giới hạn cho phép, được quy định dùng làm căn cứ để quản lý môi trường.
8- Công nghệ sạch là quy trình
công nghệ hoặc giải pháp kỹ thuật không gây ô nhiễm môi trường, thải hoặc phát
ra ở mức thấp nhất chất gây ô nhiễm môi trường.
9- Hệ sinh thái là hệ thống các
quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan
hệ tương tác với nhau và với môi trường đó.
10- Đa dạng sinh học là sự phong
phú về nguồn gien, về giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.
11- Đánh giá tác động môi trường
là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự
án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh,
công trình kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và các công trình
khác, đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường.
Điều 3
Nhà nước thống nhất quản lý bảo
vệ môi trường trong phạm vi cả nước, lập quy hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng
tiềm lực cho hoạt động bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương.
Nhà nước có chính sách đầu tư,
khuyến khích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước,
ngoài nước đầu tư dưới nhiều hình thức, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ
vào việc bảo vệ môi trường.
Điều 4
Nhà nước có trách nhiệm tổ chức
thực hiện việc giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, phổ biến kiến
thức khoa học và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
tham gia vào các hoạt động nói tại Điều này.
Điều 5
Nhà nước bảo vệ lợi ích quốc gia
về tài nguyên và môi trường.
Nhà nước Việt Nam
mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các nước trên thế
giới, các tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Điều 6
Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của
toàn dân.
Tổ chức, cá nhân phải có trách
nhiệm bảo vệ môi trường, thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, có quyền và
trách nhiệm phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt
động trên lãnh thổ Việt Nam
phải tuân theo pháp luật Việt Nam
về bảo vệ môi trường.
Điều 7
Tổ chức, cá nhân sử dụng thành
phần môi trường vào mục đích sản xuất, kinh doanh trong trường hợp cần thiết phải
đóng góp tài chính cho việc bảo vệ môi trường.
Chính phủ quy định các trường hợp,
mức và phương thức đóng góp tài chính nói tại Điều này.
Tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi
trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp
luật.
Điều 8
Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm
vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật
về bảo vệ môi trường.
Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp
có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 9
Nghiêm cấm mọi hành vi làm suy
thoái môi trường, gây ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường.
Chương 2:
PHÒNG, CHỐNG SUY THOÁI
MÔI TRƯỜNG ,Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG , SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
Điều 10
Các cơ quan Nhà nước trong phạm
vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức điều tra, nghiên cứu,
đánh giá hiện trạng môi trường, định kỳ báo cáo với Quốc hội về tình hình môi
trường; xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường và thông báo cho nhân dân biết;
có kế hoạch phòng, chống suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi
trường.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
thực hiện việc phòng, chống suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi
trường.
Điều 11
Nhà nước khuyến khích và tạo điều
kiện cho tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng và khai thác hợp lý thành phần môi
trường, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tận dụng chất thải, tiết
kiệm nguyên liệu, sử dụng năng lượng tái sinh, chế phẩm sinh học trong nghiên cứu
khoa học, sản xuất và tiêu dùng.
Điều 12
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
bảo vệ các giống, loài thực vật, động vật hoang dã, bảo vệ tính đa dạng sinh học,
bảo vệ rừng, biển và các hệ sinh thái.
Việc khai thác các nguồn lợi
sinh vật phải theo đúng thời vụ, địa bàn, phương pháp và bằng công cụ, phương
tiện đã được quy định, bảo đảm sự hồi phục về mật độ và giống, loài sinh vật,
không làm mất cân bằng sinh thái.
Việc khai thác rừng phải theo
đúng quy hoạch và các quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Nhà nước có
kế hoạch tổ chức cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi
núi trọc để mở rộng nhanh diện tích của rừng, bảo vệ các vùng đầu nguồn sông,
suối.
Điều 13
Việc sử dụng, khai thác khu bảo
tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên phải được phép của cơ quan quản lý ngành
hữu quan, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và phải đăng ký với Uỷ
ban nhân dân địa phương được giao trách nhiệm quản lý hành chính khu bảo tồn
thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên nói trên.
Điều 14
Việc khai thác đất nông nghiệp,
đất lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản phải tuân theo quy
hoạch sử dụng đất, kế hoạch cải tạo đất, bảo đảm cân bằng sinh thái. Việc sử dụng
chất hoá học, phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học khác
phải tuân theo quy định của pháp luật.
Trong sản xuất, kinh doanh, xây
dựng các công trình phải áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng, chống xói mòn, sụt
lở, trượt đất, làm đất phèn hoá, mặn hoá, ngọt hoá tuỳ tiện, đá ong hoá, sình lầy
hoá, sa mạc hoá.
Điều 15
Tổ chức, cá nhân phải bảo vệ nguồn
nước, hệ thống cấp nước, thoát nước, cây xanh, công trình vệ sinh, thực hiện
các quy định về vệ sinh công cộng ở đô thị, nông thôn, khu dân cư, khu du lịch, khu sản xuất.
Điều 16
Tổ chức, cá nhân trong sản xuất,
kinh doanh và các hoạt động khác phải thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường,
phải có thiết bị kỹ thuật để xử lý chất thải, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường,
phòng, chống suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
Chính phủ
quy định danh mục tiêu chuẩn môi trường, phân cấp ban hành và kiểm tra việc thực
hiện các tiêu chuẩn đó.
Điều 17
Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở
kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng đã hoạt
động từ trước khi ban hành Luật này phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường
của cơ sở mình để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định. Trường
hợp không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, tổ chức, cá nhân đó phải có biện pháp
xử lý trong một thời gian nhất định theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước
về bảo vệ môi trường.
Nếu quá thời hạn quy định mà cơ
sở xử lý không đạt yêu cầu thì cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường
báo cáo lên cơ quan Nhà nước cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định đình chỉ hoạt
động hoặc có biện pháp xử lý khác.
Điều 18
Tổ chức, cá nhân khi xây dựng, cải
tạo vùng sản xuất, khu dân cư, các công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế,
văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng; chủ dự án đầu tư của nước ngoài hoặc liên
doanh với nước ngoài, chủ dự án phát triển kinh tế - xã hội khác phải lập Báo
cáo đánh giá tác động môi trường để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường
thẩm định.
Kết quả thẩm định về Báo cáo
đánh giá tác động môi trường là một trong những căn cứ để cấp có thẩm quyền xét
duyệt dự án hoặc cho phép thực hiện.
Chính phủ
quy định chi tiết việc xây dựng và thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường
và có qui định riêng đối với các cơ sở đặc biệt về an ninh, quốc phòng nói tại
Điều 17 và Điều này.
Quốc hội xem xét, quyết định đối
với dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Danh mục dự án loại này do Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội quyết định.
Điều 19
Việc nhập khẩu, xuất khẩu công
nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học hoặc hoá học, các chất độc hại,
chất phóng xạ, các loài động vật, thực vật, nguồn gien, vi sinh vật có liên
quan tới bảo vệ môi trường phải được phép của cơ quan quản lý ngành hữu quan và
cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Chính phủ quy định danh mục đối
với từng lĩnh vực, từng loại nói tại Điều này.
Điều 20
Tổ chức, cá nhân khi tìm kiếm,
thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, cất giữ các loại khoáng sản và các chế
phẩm, kể cả nước ngầm phải áp dụng công nghệ phù hợp, thực hiện các biện pháp bảo
vệ môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường.
Điều 21
Tổ chức, cá nhân khi tìm kiếm,
thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ dầu khí phải áp dụng công
nghệ phù hợp, phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, có phương án
phòng, tránh rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu, cháy nổ dầu và phương tiện để xử lý kịp
thời sự cố đó.
Việc sử dụng các hoá chất độc hại
trong quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí phải có chứng
chỉ kỹ thuật và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo
vệ môi trường.
Điều 22
Tổ chức, cá nhân có phương tiện
giao thông vận tải đường thuỷ, đường không, đường bộ, đường sắt phải tuân theo
các tiêu chuẩn môi trường và phải chịu sự giám sát, kiểm tra định kỳ về việc bảo
đảm tiêu chuẩn môi trường của cơ quan quản lý ngành hữu quan và cơ quan quản lý
Nhà nước về bảo vệ môi trường; không cho lưu hành các phương tiện không bảo đảm
tiêu chuẩn môi trường đã được quy định.
Điều 23
Tổ chức, cá nhân sản xuất, vận
chuyển, buôn bán, sử dụng, cất giữ, huỷ bỏ các chất độc hại, chất dễ gây cháy,
nổ, phải tuân theo quy định về an toàn cho người, sinh vật, không gây suy thoái
môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
Chính phủ quy định danh mục các
chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ nói tại Điều này.
Điều 24
Việc xác định địa điểm, thiết kế,
xây dựng, vận hành nhà máy thuộc ngành công nghiệp hạt nhân, lò phản ứng hạt
nhân, cơ sở nghiên cứu hạt nhân, sản xuất, vận chuyển, sử dụng, cất giữ chất
phóng xạ, đổ, chôn chất thải phóng xạ phải tuân theo quy định pháp luật về an
toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ
môi trường.
Điều 25
Tổ chức, cá nhân sử dụng máy
móc, thiết bị, vật liệu có nguồn phát ra bức xạ điện từ, bức xạ ion hoá có hại
phải tuân theo quy định pháp luật về an toàn bức xạ và phải thường xuyên kiểm
tra, đánh giá tác động môi trường của cơ sở mình và định kỳ báo cáo với cơ quan
quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Điều 26
Việc đặt các điểm tập trung, bãi
chứa, nơi xử lý, vận chuyển rác và chất gây ô nhiễm môi trường phải tuân theo
quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và chính quyền địa
phương.
Đối với nước thải, rác thải có
chứa chất độc hại, nguồn gây dịch bệnh, chất dễ cháy, dễ nổ, các chất thải
không phân huỷ được phải có biện pháp xử lý trước khi thải. Cơ quan quản lý Nhà
nước về bảo vệ môi trường quy định danh mục các loại nước thải, rác thải nói ở khoản
này và giám sát quá trình xử lý trước khi thải.
Điều 27
Việc an táng, quàn, ướp, chôn,
hoả táng, di chuyển thi hài, hài cốt cần áp dụng những biện pháp tiến bộ và
tuân theo các quy định của Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân để bảo đảm vệ sinh môi
trường.
Chính quyền các cấp phải quy hoạch
nơi chôn cất, hoả táng và hướng dẫn nhân dân bỏ dần các tập tục lạc hậu.
Nghĩa địa, nơi hoả táng phải xa
khu dân cư và các nguồn nước.
Điều 28
Tổ chức, cá nhân trong các hoạt
động của mình không được gây tiếng ồn, độ rung động vượt quá giới hạn cho phép
làm tổn hại sức khoẻ và ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của nhân dân xung quanh.
Uỷ ban nhân dân các cấp có trách
nhiệm thực hiện các biện pháp làm giảm tiếng ồn tại khu vực bệnh viện, trường học,
công sở, khu dân cư.
Chính phủ
quy định việc hạn chế, tiến tới nghiêm cấm sản xuất pháo, đốt pháo.
Điều 29
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1- Đốt phá rừng, khai thác
khoáng sản một cách bừa bãi gây huỷ hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh
thái;
2- Thải khói, bụi, khí độc, mùi
hôi thối gây hại vào không khí; phát bức xạ, phóng xạ quá giới hạn cho phép vào
môi trường xung quanh;
3- Thải dầu mỡ, hoá chất độc hại,
chất phóng xạ quá giới hạn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi
khuẩn, siêu vi khuẩn độc hại và gây dịch bệnh vào nguồn nước;
4- Chôn vùi, thải vào đất các chất
độc hại quá giới hạn cho phép;
5- Khai thác, kinh doanh các loại
thực vật, động vật quý, hiếm trong danh mục quy định của Chính phủ;
6- Nhập khẩu
công nghệ, thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; nhập khẩu, xuất khẩu
chất thải;
7 - Sử dụng các phương pháp, phương
tiện, công cụ huỷ diệt hàng loạt trong khai thác, đánh bắt các nguồn động vật,
thực vật.
Chương 3:
KHẮC PHỤC SUY THOÁI MÔI
TRƯỜNG ,Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG , SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
Điều 30
Tổ chức, cá nhân trong hoạt động
sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác mà làm suy thoái môi trường, ô nhiễm
môi trường, gây sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo
quy định của Uỷ ban nhân dân địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ
môi trường, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 31
Tổ chức, cá nhân để phóng xạ, bức
xạ điện từ, bức xạ ion hoá quá giới hạn cho phép phải tiến hành ngay các biện
pháp xử lý và khắc phục hậu quả, báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý ngành và
cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân
dân địa phương để giải quyết.
Điều 32
Việc khắc phục sự cố môi trường
bao gồm : loại trừ nguyên nhân gây sự cố; cứu người, cứu tài sản; giúp đỡ, ổn định
đời sống nhân dân; sửa chữa các công trình; phục hồi sản xuất; vệ sinh môi trường,
chống dịch bệnh; điều tra, thống kê thiệt hại, theo dõi biến động của môi trường;
phục hồi môi trường vùng bị tác hại.
Điều 33
Người phát hiện dấu hiệu xảy ra
sự cố môi trường phải báo ngay cho Uỷ ban nhân dân địa phương, cơ quan hoặc tổ
chức gần nhất để xử lý kịp thời.
Tổ chức, cá nhân nơi có sự cố
môi trường phải thực hiện những biện pháp để kịp thời khắc phục sự cố môi trường
và báo cáo ngay với cơ quan quản lý cấp trên, Uỷ ban nhân dân địa phương nơi gần
nhất và cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Điều 34
Sự cố môi trường xảy ra ở địa
phương nào thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương đó có quyền huy động khẩn cấp
nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục.
Sự cố môi trường xảy ra trong phạm
vi nhiều địa phương thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương nơi xảy ra sự cố
cùng phối hợp để khắc phục.
Trường hợp vượt quá khả năng khắc
phục của địa phương thì Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp
với thủ trưởng các cơ quan liên quan quyết định áp dụng biện pháp khắc phục và
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 35
Trường hợp sự cố môi trường đặc
biệt nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc áp dụng các biện
pháp xử lý khẩn cấp.
Khi sự cố môi trường đặc biệt
nghiêm trọng đã được khắc phục, Thủ tướng Chính phủ quyết định bãi bỏ việc áp dụng
biện pháp xử lý khẩn cấp.
Điều 36
Cơ quan có thẩm quyền huy động
nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố môi trường phải thanh toán chi
phí cho tổ chức, cá nhân được huy động theo quy định của pháp luật.
Chương 4
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO
VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 37
Nội dung quản lý Nhà nước về bảo
vệ môi trường bao gồm:
1- Ban hành và tổ chức thực hiện
các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn môi
trường;
2- Xây dựng, chỉ đạo thực hiện
chiến lược, chính sách bảo vệ môi trường, kế hoạch phòng, chống, khắc phục suy
thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường;
3- Xây dựng, quản lý các công
trình bảo vệ môi trường, công trình có liên quan đến bảo vệ môi trường;
4- Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ
thống quan trắc, định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi
trường;
5- Thẩm định
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án và các cơ sở sản xuất, kinh
doanh;
6- Cấp, thu hồi
giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường;
7- Giám sát, thanh tra, kiểm tra
việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết các tranh chấp, khiếu
nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
8- Đào tạo cán bộ về khoa học và
quản lý môi trường; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo
vệ môi trường;
9- Tổ chức nghiên cứu, áp dụng
tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
10- Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường.
Điều 38
Theo nhiệm vụ và quyền hạn của
mình, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong cả nước.
Bộ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản
lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của
mình phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện việc bảo vệ
môi trường trong ngành và các cơ sở thuộc quyền quản lý trực tiếp.
Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước
về bảo vệ môi trường tại địa phương.
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi
trường chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương trong việc bảo vệ môi trường ở địa phương.
Điều 39
Hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm
vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường do Chính phủ
quy định.
Điều 40
Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo
vệ môi trường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường
và có trách nhiệm phối hợp với thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành hữu
quan trong việc bảo vệ môi trường.
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt
động và sự phối hợp của thanh tra chuyên ngành trong việc bảo vệ môi trường do
Chính phủ quy định.
Điều 41
Trong quá trình thanh tra, Đoàn
thanh tra hoặc Thanh tra viên có quyền:
1- Yêu cầu các tổ chức, cá nhân
có liên quan cung cấp tài liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh
tra;
2- Tiến hành các biện pháp kiểm
tra kỹ thuật tại hiện trường;
3- Quyết định tạm đình chỉ trong
trường hợp khẩn cấp các hoạt động có nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng về môi trường
và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó, đồng thời báo cáo
ngay với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định xử lý hoặc kiến nghị với cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền để đình chỉ các hoạt động có thể gây sự cố môi trường;
4- Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến
nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm.
Điều 42
Tổ chức, cá nhân phải tạo điều
kiện cho Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên thi hành nhiệm vụ và chấp hành quyết
định của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên.
Điều 43
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu
nại với Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thanh tra về kết luận và biện pháp xử
lý của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên tại cơ sở mình.
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu
nại, tố cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan khác
của Nhà nước những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cơ quan nhận được khiếu nại, tố
cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 44
Khi có nhiều tổ chức, cá nhân hoạt
động trong một vùng mà có gây sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, suy thoái
môi trường thì thẩm quyền xác định trách nhiệm phải xử lý về môi trường đối với
tổ chức, cá nhân được quy định như sau:
1- Sự cố môi trường, ô nhiễm môi
trường hoặc suy thoái môi trường xảy ra trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương do thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường của tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương xác định hoặc báo cáo, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét quyết định. Nếu một hoặc các
bên không đồng ý với quyết định trên thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ
và Môi trường có hiệu lực thi hành.
2- Sự cố môi trường, ô nhiễm môi
trường hoặc suy thoái môi trường xảy ra trong phạm vi hai hoặc nhiều tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương do thanh tra chuyên ngành của Bộ Khoa học, Công
nghệ và Môi trường xác định hoặc báo cáo, đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công
nghệ và Môi trường xem xét quyết định. Nếu một hoặc các bên không đồng ý với
quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì có quyền khiếu
nại lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chương 5:
QUAN HỆ QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ
MÔI TRƯỜNG
Điều 45
Nhà nước Việt Nam thực hiện các điều
ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia có liên quan đến môi trường, tôn trọng các điều
ước quốc tế về bảo vệ môi trường trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau.
Điều 46
Nhà nước Việt Nam có chính sách
ưu tiên đối với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức, cá nhân nước ngoài
trong việc đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học về môi trường, áp dụng công nghệ
sạch, xây dựng và thực hiện các dự án cải thiện môi trường, khắc phục sự cố môi
trường, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, các dự án xử lý chất thải ở
Việt Nam.
Điều 47
Tổ chức, cá nhân và chủ phương
tiện khi quá cảnh lãnh thổ Việt Nam
có mang theo các nguồn có khả năng gây sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường phải
xin phép, khai báo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về
bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam
về bảo vệ môi trường thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Điều 48
Tranh chấp mà một bên hoặc các
bên là người nước ngoài về bảo vệ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam
được giải quyết theo pháp luật Việt Nam,
đồng thời có xem xét đến pháp luật và thông lệ quốc tế.
Tranh chấp giữa Việt Nam
với nước khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được giải quyết trên cơ sở
thương lượng, có xem xét đến pháp luật và thông lệ quốc tế.
Chương 6:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 49
Tổ chức, cá nhân có thành tích
trong hoạt động bảo vệ môi trường, phát hiện sớm và báo cáo kịp thời các dấu hiệu
sự cố môi trường, khắc phục sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi
trường, ngăn chặn các hành vi phá hoại môi trường thì được khen thưởng.
Những người tham gia bảo vệ môi
trường, khắc phục sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và
đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường mà bị thiệt
hại tài sản, sức khoẻ hoặc tính mạng thì được bồi thường theo quy định của pháp
luật.
Điều 50
Người nào có hành vi phá hoại,
gây tổn hại đến môi trường, không tuân theo sự huy động của cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền khi có sự cố môi trường, không thực hiện quy định đánh giá tác động
môi trường, vi phạm các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường thì tuỳ
theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử phạt hành chính hoặc
bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 51
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền
hạn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bao che cho người vi
phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra sự cố
môi trường, ô nhiễm môi trường, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu
quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 52
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá
nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Điều 50 và Điều
51 của Luật này, còn phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy
định của pháp luật.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 53
Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc
nước ngoài đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho môi trường trước khi ban
hành Luật này, còn làm ảnh hưởng xấu lâu dài tới môi trường và sức khoẻ của
nhân dân thì tuỳ theo mức độ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi
môi trường theo quy định của Chính phủ.
Điều 54
Luật này có hiệu lực kể từ ngày
công bố.
Những quy định trước đây trái với
Luật này đều bãi bỏ.
Điều 55
Chính phủ quy định chi tiết thi
hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ tư, thông qua ngày 27 tháng
12 năm 1993.
|
Chủ
tịch Quốc hội
Nông
Đức Mạnh
|