ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 93/KH-UBND
|
Đồng Tháp, ngày 08 tháng 05 năm
2015
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG,
CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2015
Phần thứ nhất
KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG,
CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2014
I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI VÀ THIỆT HẠI
DO THIÊN TAI GÂY RA
1. Tình hình thời tiết và thiệt hại
do thời tiết nguy hiểm gây ra
- Trong năm 2014, có 05 cơn bão và 03 áp thấp nhiệt đới
(ATNĐ) hoạt động trên biển Đông ảnh hưởng đến nước ta. Các cơn bão, ATNĐ không
ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhưng đã gián tiếp gây ra mưa
vừa đến mưa to, dông lốc, gió mạnh.
- Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, nắng nóng diễn ra khá
sớm, nền nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng
0,3oC.
- Năm 2014, xảy ra 46 trận mưa to kèm theo gió mạnh, dông
lốc, sấm sét làm chết 2 người, bị thương 5 người; sập 171 căn nhà và 1 phòng
học, tốc mái 470 căn và 9 phòng học; gây đổ ngã 8 trụ điện, 47 cây xanh và
15.103 ha lúa, hoa màu. Đặc biệt ngày 04/9 xảy ra mưa to kèm theo giông gió
mạnh trên địa bàn các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và Tháp Mười làm 02
người bị thương; sập 92 căn nhà; tốc mái, hư hỏng 283 căn,7 phòng học và 01 nhà
để xe giáo viên; gây đổ ngã 3 trụ điện, 46 cây xanh và 4.827 ha lúa Thu đông
đang ở thời kỳ trổ chín đổ ngã.
2. Lũ lụt và thiệt hại do ngập úng
gây ra
a) Khu vực thượng nguồn sông Mê Công
- Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 có 3 đợt lũ. Mực
nước lớn nhất năm 2014 tại các Trạm thượng nguồn sông Mê Công xuất hiện trong
tháng 8 (trừ tại Viêntinane xuất hiện ngày 25/9).
- Mực nước đỉnh lũ năm 2014 thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 9 - 144
cm (riêng Trạm Kratie cao hơn là 137 cm), thấp hơn đỉnh lũ năm 2011 từ 9 - 133
cm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2013 từ 29 - 52cm (trừ Trạm Kratie cao hơn 10 cm).
b) Khu vực tỉnh Đồng Tháp
* Khu vực các huyện, thị xã phía Bắc:
- Thời gian xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất năm 2014 từ ngày 13 -
16/8/2014.
- Mực nước đỉnh lũ lớn nhất năm 2014 thấp hơn mức báo động
II từ 5 - 48 cm; thấp hơn đỉnh lũ TBNN (từ năm 2000 - 2014) từ 27 - 53 cm; thấp
hơn đỉnh lũ năm 2011 từ 91 - 174 cm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2013 từ 40 - 76 cm.
Mực nước đỉnh lũ lớn nhất năm 2014 tại Trạm thủy văn Tân Châu là 395 cm, thấp
hơn mức báo động II là 5 cm; thấp hơn đỉnh lũ TBNN là 27 cm; thấp hơn đỉnh lũ
năm 2011 là 91cm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2013 là 40 cm.
- Lúc 03 giờ ngày 09/8/2014, xảy ra vỡ đê bao lửng tại xã
Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự gây ngập úng làm mất trắng 78 ha lúa ngậm sữa;
61 ha năng suất giảm từ 30% - 60%, thiệt hại ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng.
* Khu vực vùng sâu Đồng Tháp Mười của tỉnh:
- Đỉnh lũ lớn nhất năm 2014 xuất hiện từ ngày 14 - 19/8/2014
(riêng đỉnh lũ tại Trạm Thủy văn Trường Xuân và Trạm Thủy văn Mỹ An xuất hiện
ngày 15/10 và 19/10).
- Mực nước đỉnh lũ lớn nhất năm 2014 thấp hơn mức báo động
III từ 30 - 92 cm; thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 34 - 74 cm; thấp hơn đỉnh lũ năm
2011 từ 74 - 145 cm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2013 từ 49 - 79 cm.
* Khu vực các huyện, thị xã, thành phố phía Nam:
- Thời gian xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất năm 2014 vào ngày
10/10/2014 (riêng đỉnh lũ tại thị trấn Lai Vung và thị trấn Lấp Vò xuất hiện
ngày 14/8).
- Mực nước đỉnh lũ lớn nhất năm 2014 thấp hơn mức báo động
III từ 3 - 40 cm (trừ tại thị trấn Cái Tàu Hạ - huyện Châu Thành cao hơn 44
cm); thấp hơn đỉnh lũ TBNN là 5 cm; thấp hơn đỉnh lũ năm 2011 từ 14 - 31 cm và
thấp hơn đỉnh lũ năm 2013 từ 5 - 15cm.
Do đỉnh lũ lớn nhất năm 2014 trên sông Cửu Long ở mức thấp
và tổng lượng dòng chảy về khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm nhiều so với
TBNN nên cần chủ động đối phó với tình trạng khô hạn trong mùa khô 2014-2015.
3. Sạt lở bờ sông
- Sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra tại 40 xã, phường, thị trấn
của 9 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt tại các xã Thường Phước 1, Long Thuận,
Phú Thuận A,B - huyện Hồng Ngự; các xã Tân Qưới, Tân Bình, An Phong, Tân Thạnh,
Bình Thành - huyện Thanh Bình; các xã Phong Mỹ, Bình Thạnh, Mỹ Xương, Bình Hàng
Trung, Bình Hàng Tây và thị trấn Mỹ Thọ - huyện Cao Lãnh; các xã Tân Thuận
Đông, Tân Thuận Tây, Hòa An, Tịnh Thới, Phường 6 và Phường 11 - thành phố Cao
Lãnh; xã Mỹ An Hưng A, B - huyện Lấp Vò; xã Tân Khánh Đông - thành phố Sa Đéc;
xã An Hiệp - huyện Châu Thành.
- Tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở là 31,5 km, có
nơi sạt lở sâu vào bờ từ 1,5 - 50 m, diện tích đất bị sạt lở 12,288 ha. Đến
ngày 31/12/2014 có 739 hộ di dời đến nơi an toàn, hiện còn 1.733 hộ nằm trong
vành đai sạt lở.
4. Thiệt hại do thiên tai gây ra
trong năm 2014
a) Về người: 13 người chết, giảm 11 người so với năm 2013, trong đó:
- Chết do sét đánh, dông lốc: 2 người, giảm 8 người so
với năm 2013;
- Chết đuối do lũ lụt: 11 trẻ em, giảm 3 trẻ em so với
năm 2013.
b) Tài sản: Tổng thiệt hại về tài sản là 75,571 tỷ đồng, tăng 11,895
tỷ đồng so với năm 2013, cụ thể như sau:
- Thiệt hại do dông lốc gây ra đối với nhà cửa, công trình
hạ tầng: 6,417 tỷ đồng, giảm 12,506 tỷ đồng so với năm 2013.
- Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do dông lốc và ngập úng:
38,967 tỷ đồng, tăng 18,862 tỷ đồng so với năm 2013.
- Sạt lở bờ sông: 30,187 tỷ đồng, tăng 5,539 tỷ đồng so
với năm 2013.
II. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG,
CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2014
1. Công tác chỉ đạo điều hành và ban
hành văn bản về phòng chống thiên tai (PCTT)
a) Ủy ban nhân dân tỉnh
- Tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội
đồng nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
(TKCN).
- Chỉ đạo các địa phương tuân thủ lịch xuống giống lúa của
ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đã hạn chế các thiệt hại do dịch
bệnh và thiên tai gây ra; nạo vét kênh rạch chống hạn phục vụ tưới tiêu và kết
hợp gia cố bờ bao bảo vệ lúa và vườn cây ăn trái.
- Để chủ động ứng phó với lũ chính vụ và bão năm 2014, Ủy
ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác công tác phòng, chống thiên
tai và TKCN giai đoạn I và triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn II/2014 vào
ngày 19/8/2014.
- Ban hành các văn bản:
+ Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 29/4/2014 về tăng cường công
tác phòng, chống thiên tai và TKCN trên địa bàn tỉnh;
+ Quyết định số 508/QĐ-UBND.HC ngày 03/6/2014 về việc công
bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền khu vực phường 11, thành phố Cao
Lãnh;
+ Quyết định số 69/QĐ-UBND.TL ngày 03/6/2014 về việc thành
lập Ban Chỉ đạo cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và TKCN cấp huyện năm 2014
tại huyện Tháp Mười;
+ Công văn số 386/UBND-KTN ngày 27/6/2014 về việc triển khai
các nhiệm vụ nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với tình huống siêu bão.
+ Quyết định số 98/QĐ-UBND.TL ngày 29/8/2014 về việc thành
lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp;
+ Quyết định số 1003/QĐ-UBND.HC ngày 13/10/2014 về việc phê
duyệt Đề cương - dự toán và Quyết định số 1324/QĐ-UBND.HC ngày 24/12/2014 phê
duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án đo đạc và dự báo diễn biến
lòng dẫn các đoạn sông xói lở trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
+ Công văn chỉ đạo và hướng dẫn giải pháp khắc phục sạt lở
bờ sông tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Lai Vung và thành phố Cao Lãnh.
b) Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh:
- Triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng
chống thiên tai Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Tỉnh ủy, Hội đồng
nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN.
- Ban hành các văn bản:
+ Kế hoạch số 03/CLB ngày 07/02/2014 về công tác phòng,
chống thiên tai và TKCN năm 2014;
+ Quyết định số 203/QĐ-CLB ngày 12/3/2014 của Trưởng Ban Chỉ
huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh về việc phân công nhiệm vụ các thành viên
Ban Chỉ huy;
+ Công văn số 43/CLB ngày 09/8/2014 về việc tăng cường công
tác bảo vệ lúa Thu đông năm 2014 và vườn cây ăn trái.
+ Báo cáo số 54A/BC-PCTT, ngày 28/8/2014 về sơ kết công tác
phòng, chống thiên tai và và TKCN giai đoạn I/2014, nhiệm vụ giai đoạn II/2014.
+ Báo cáo số 94/ BC-PCTT, ngày 19/11/2014 về sơ kết công tác
phòng chống thiên tai và TKCN giai đoạn II, nhiệm vụ III/2014.
+ Quyết định số 74/QĐ-CLB ngày 02/10/2014 của Trưởng Ban Chỉ
huy Phòng, chống thiên tai và TKCN Tỉnh về việc phân công nhiệm vụ các thành
viên Ban Chỉ huy (thay thế Quyết định số 203/QĐ-CLB ngày 12/3/2014);
+ Công văn chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với các hiện
tượng thời tiết nguy hiểm, lũ lụt, sạt lở bờ sông.
c) Các huyện, thị xã, thành phố:
- Tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh, Huyện
ủy, Hội đồng nhân dân huyện về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN.
- Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống
thiên tai và TKCN năm 2013 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2014.
- Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN và
phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy.
- Tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và TKCN cấp xã.
- Chỉ đạo xã phường, thị trấn chủ động phòng ngừa, ứng phó
và khắc phục nhanh chóng thiệt hại do các hiện tượng thời tiết nguy hiểm và sạt
lở đất gây ra; triển khai công tác diễn tập phòng phòng, chống thiên tai và
TKCN cấp xã.
2. Công tác dự báo, cảnh báo thiên
tai và thông tin tuyên truyền
- Trung tâm Khí tượng thủy
văn Đồng Tháp đưa các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình khí tượng thủy văn để nhân dân và các ngành các cấp biết
chủ động phòng tránh. Ban hành các bản tin về các cơn bão, ATNĐ và các hiện
tượng thời tiết nguy hiểm.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai
và TKCN tỉnh ban hành các bản thông báo về tình hình khí tượng thủy văn và
thiên tai vào những ngày đầu và giữa tháng, các bản tin về bão và ATNĐ.
- Thực hiện hoàn thành Dự án khảo sát và xây dựng hệ thống
mốc vết lũ năm 2011 trên địa bàn tỉnh: Điều tra và dẫn cao độ 551 vị trí vết
mực nước đỉnh lũ năm 2011; xây dựng 26 mốc mới tại các cụm tuyến dân cư; dẫn
cao độ theo hệ Đồng Tháp (ĐT) về các Trạm thủy văn nội đồng do Đài Khí tượng
thủy văn Nam bộ xây dựng năm 2010 - 2011 nhưng chưa có cao độ; xây dựng được
bản đồ đẳng trị mực nước đỉnh lũ năm 2011 trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện Đề án Phòng chống sét đánh: Xây dựng 2 Trạm cảnh
báo sớm sét tại xã Phú Cường - huyện Tam Nông và xã Trường Xuân - huyện Tháp Mười.
- Triển khai thực hiện Dự án “Đo đạc và dự báo diễn biến
lòng dẫn các đoạn sông xói lở trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” đã được
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.
- Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp, các
Trạm truyền thanh các địa phương thường xuyên đưa tin về tình hình mưa lũ và
công tác ứng phó với thiên tai của các địa phương.
- Các ngành, đoàn thể các cấp tăng cường các hoạt động thông
tin tuyên truyền trong việc ứng phó với thiên tai, đặc biệt là công tác nâng
cao nhận thức cộng đồng, bảo vệ trẻ em, cứu trợ thiên tai.
3. Công tác bảo vệ sản xuất nông
nghiệp
- Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra
công tác xây dựng, gia cố đê bao bảo vệ an toàn 137.883 ha sản xuất vụ Thu
đông, vườn cây ăn trái.
- Trong thời gian lũ lớn các địa phương tổ chức đội tuần
tra, xử lý kịp thời nhiều đoạn đê bao bị sạt lở mái, nước rò rỉ qua thân đê và
bơm tiêu úng bảo vệ an toàn cho lúa Thu đông, lúa Đông xuân xuống giống sớm.
4. Công tác bảo vệ tính mạng và tài
sản
- Vận động và hỗ trợ 739 hộ vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến
nơi an toàn và 12.801 hộ vào ở trong Chương trình cụm tuyến dân cư giai đoạn II
(từ đầu Chương trình đến nay đã có 9.688 hộ vào ở).
- Tổ chức 366 nhóm trẻ cộng đồng với 6.744 cháu được coi
giữ, tạo điều kiện cho các gia đình yên tâm sản xuất trong mùa lũ.
- Tổ chức được 1.044 lớp dạy bơi cho 28.811 trẻ em từ 7 đến
15 tuổi, số trẻ em biết bơi 26.097 trẻ em, đạt 90.6%.
- Tổ chức 491 đội cứu hộ cứu nạn, với 3.163 thành viên,
trong đó có 250 chốt cứu hộ cứu nạn xung yếu, với 1.595 thành viên. Trong thời
gian mùa lũ, các đội cứu hộ, cứu nạn đã cứu vớt 6 người và 9 phương tiện trị
giá tài sản trên 190 triệu đồng.
5. Công tác đào tạo nguồn nhân lực
và nâng cao nhận thức cộng đồng
- Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (GNTT) - Tổng
cục Thủy lợi tổ chức các khóa đào tạo 05 giảng viên cấp tỉnh và các cuộc hội
thảo tập huấn thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro
thiên tai dựa vào cộng đồng (Đề án 1002).
- Thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý
rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong năm 2014 đào tạo 10 lớp giảng viên cấp
xã với 335 học viên tham gia; 07 lớp tập huấn (Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng,
chống thiên tai và TKCN tỉnh 6 lớp và huyện Lai Vung 01 lớp) về công tác phòng,
chống thiên tai - TKCN và quản lý công trình thủy trước thiên tai cho 293 cán
bộ cơ sở; mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, tập huấn.
- Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin
về kết quả công tác phòng, chống thiên tai và TKCN, góp phần quan trọng vào
công tác chỉ đạo kịp thời và hiệu quả của cấp ủy,
chính quyền các cấp.
- Triển khai cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và TKCN
cấp huyện tại huyện Tháp Mười, tổ chức diễn tập thử vào ngày 07/10/2014; tổ
chức 11 cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và TKCN cấp xã.
- Đài Phát thanh và truyền hình Đồng Tháp duy trì phát sóng
bản tin dự báo thời tiết hàng ngày; phát các chuyên đề, tiểu mục, phóng sự
tuyên truyền về phòng chống giông lốc, sét đánh, hướng dẫn người dân chằng
chống nhà cửa, phòng chống đuối nước cho trẻ em; các bản tin cảnh báo nguy cơ
sạt lở bờ sông; định hướng tuyên truyền về phòng, chống thiên tai cho các Đài
Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp với các ban, ngành,
đoàn thể tổ chức 8.917 cuộc vận động với 191.768 cán bộ, hội viên và 46.512
quần chúng phụ nữ về việc chủ động phòng chống, thiên tai, chằng chống nhà cửa,
di dời khỏi khu vực sạt lở, theo dõi tình hình thời tiết và lũ lụt trên các
phương tiện thông tin đại chúng, đưa rước con em đến trường an toàn.
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 18 lớp sơ cấp cứu cộng đồng
cho 630 người là thanh thiếu niên, tình nguyện viên, hội viên Hội Chữ thập đỏ
tại các huyện, thị xã, thành phố, Trường Đại học Đồng Tháp và Trường Cao đẳng
Cộng đồng Đồng Tháp.
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức các hoạt động
truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên
tai.
6. Xây dựng nhà ở và các công trình
hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai
- Từ nguồn phân bổ vốn cấp bù thủy lợi phí của Trung ương,
đã xây dựng 383 công trình thủy lợi các loại phục vụ chống hạn kết hợp gia cố
bờ bao chống lũ và nâng cấp đường giao thông nông thôn, phục vụ xây dựng nông
thôn mới với chiều dài đào đắp là 293.610 m, khối lượng đào đắp 1.368.525 m3,
kinh phí 129,644,738 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch.
- Tiếp tục thi công các hạng mục còn lại của Đê bao bảo vệ
thành phố Cao Lãnh và thi công nâng cấp, duy tu bảo dưỡng đê cấp III - Đê bao
Sa Rài, huyện Tân Hồng.
- Tiếp tục đẩy nhanh thi công 53 cụm tuyến dân cư giai đoạn
2 (46 cụm tuyến đợt 1 và 7 cụm tuyến bổ sung), đến nay đã hoàn thành:
+ San lấp mặt bằng 51/53 cụm tuyến, đạt tỷ lệ chung là
96,2%.
+ Xây dựng hạ tầng thiết yếu: Bình quân chung đạt tỷ lệ
88,07%, trong đó: Hệ thống đường hoàn thành 38/43 cụm tuyến, bình quân đạt
91,35%; thoát nước hoàn thành 26/30 cụm
tuyến, bình quân đạt 91,36%; cấp nước hoàn thành 36/46 cụm tuyến, bình quân đạt
78,26%; cấp điện hoàn thành 42/46 cụm tuyến, bình quân đạt 91,3%.
+ Xét duyệt được 12.801/13.696 hộ, chiếm tỷ lệ 93,47% .
+ Xây dựng nhà ở: Đã có 9.688/13.696 hộ xây dựng nhà ở, đạt
tỷ lệ 70,74%, Riêng đối với 07 cụm, tuyến dân cư bổ sung đã có 861/1.497 hộ vào
ở, đạt tỷ lệ 57,52%.
- Tiếp tục thực hiện các dự án về phòng, chống sạt lở bờ
sông:
+ Phương án xử lý khẩn cấp Kè chống xói lở giai đoạn III tại
thành phố Sa Đéc (giai đoạn khẩn cấp), kinh phí 27 tỷ đồng;
+ Kè chống xói lở giai đoạn III tại thành phố Sa Đéc (giai
đoạn khẩn cấp), kinh phí 49 tỷ đồng;
+ Hoàn thành Phương án xử lý khắc phục sự cố sạt lở bờ Sông
Tiền khu vực xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, với kinh phí 53,9 tỷ đồng;
+ Tiểu Dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị trấn
Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (vốn ADB) đang tiến hành lập Hồ sơ mời thầu
xây lắp;
+ Thực hiện Dự án khắc phục cấp bách sạt lở bờ sông Tiền tại
phường 11, thành phố Cao Lãnh, kinh phí ước tính 10 tỷ đồng.
- Thực hiện Tiểu dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh
trục thoát lũ, cung cấp nước tưới tiêu
cho vùng Đồng Tháp Mười (nguồn vốn ADB) gồm: Cái Cái, Thống Nhất, Kháng Chiến,
Tân Công Chí - Đốc Vàng Hạ và 5 công trình kênh trục lớn: Nha Mân - Tư tải,
Mương Khai, Cần Thơ - Huyện Hàm, Đồng Tiến Lagrange, An Phong - Mỹ Hòa - Bắc
Đông (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ).
- Các ngành, các cấp sửa chữa, nâng cấp các công trình kết
cấu hạ tầng được giao quản lý.
7. Công tác khắc phục hậu quả và cứu
trợ thiên tai
- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN
tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành tỉnh cùng với các địa phương khảo sát
thực địa, xác định nguyên nhân và đề xuất các biện pháp khắc phục các điểm sạt
lở nguy hiểm tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Lai Vung và thành phố Cao
Lãnh.
- Sau khi dông lốc, sấm sét, sạt lở bờ sông xảy ra, cấp ủy
cùng chính quyền và đoàn thể các cấp đã kịp thời huy động lực lượng tại chỗ hỗ
trợ các gia đình bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả và ổn định cuộc
sống. Trong năm 2014, đã cứu trợ cho 539 hộ dân bị thiệt hại (13 hộ có người bị
chết, 05 hộ có người bị thương và 515 hộ có nhà cửa bị thiệt hại do dông lốc,
sạt lở bờ sông, cháy gây ra) với số tiền là 2.586 triệu đồng.
- Ngày 09/8/2014, Ủy ban nhân dân huyện Hồng Ngự đã huy động
729 người (trong đó: Tiểu đoàn 320: 160 người; dân quân xã Thường Phước 1: 19
người; Thường Phước 2: 550 người; Bộ đội Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường
Phước 1: 19 người) và 32 máy gặt đập liên hợp để tham gia khắc phục sự cố vỡ bờ
bao lửng Khu 1 xã Thường Phước 1.
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm tình
nguyện viên của 4 xã Tân Nghĩa, Ba Sao, Gáo Giồng, Phương Thịnh - huyện Cao
Lãnh giúp 45 hộ dân sửa chữa nhà cửa bị mưa dông làm thiệt hại, ổn định chỗ ở
với giá trị ngày công lao động là 24,9 triệu đồng.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức giúp dân chằng
chống, tu sửa 13 căn nhà tương ứng 78 ngày công, thu hoạch lúa vụ 3 bị ngập lụt
tương ứng 95 ngày công, phối hợp với địa phương tổ chức 14 lớp phổ cập bơi cho
360 trẻ em.
- Phát hiện và dập tắt kịp thời các dịch bệnh; tổ chức khám
chữa bệnh cho nhân dân ở các vùng khó khăn; kiểm tra và xử lý tình hình ô nhiễm
môi trường.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những việc đã làm được
- Công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2014 được các
ngành, các cấp chủ động triển khai thực hiện ngay từ đầu năm; phối hợp và hỗ
trợ tốt trong công tác ứng phó khắc phục kịp thời; thực hiện đào tạo nguồn nhân
lực nâng cao nhận thức cộng đồng nên đã giảm thiểu các mặt thiệt hại do thiên
tai gây ra.
- Các ngành, các cấp phối hợp, hỗ trợ tốt hơn trong công tác
ứng phó và khắc phục kịp thời các hậu quả do thiên tai gây ra. Phương châm “Bốn
tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng” đã được các địa phương chủ động triển khai
thực hiện.
- Các thông tin về dự báo, cảnh báo thiên tai được thông tin
kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp các ngành, các cấp và
người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó.
- Năng lực về quản lý rủi ro thiên tai của cán bộ các cấp,
các ngành và nhận thức người dân từng bước được nâng lên.
- Công tác dạy bơi cho trẻ em, giữ trẻ, cứu hộ cứu nạn được
các ngành các cấp triển khai thực hiện hiệu quả.
- Sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, Ủy ban nhân dân và đoàn
thể tại địa phương đã kịp thời huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các gia đình
bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.
2. Những khó khăn và tồn tại cần
khắc phục
- Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như nắng nóng, giông lốc,
sấm sét tiếp tục xảy ra theo hướng tăng trong những năm gần đây, gây thiệt hại
về tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân.
- Công tác truyền thông nâng cao kiến thức về phòng, chống
thiên tai và TKCN còn thiếu thường xuyên. Một bộ phận lớn người dân chưa chủ
động trong việc chằng chống nhà cửa, gia cố các công trình kết cấu hạ tầng,
phòng, chống gió mạnh, giông lốc, ATNĐ,… dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
- Đa số xã, phường, thị trấn chưa xây dựng các phương án ứng
phó thiên tai đối với các công trình, trọng điểm; công tác chuẩn bị theo phương
châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng” ứng phó thiên tai chưa thực sự được
quan tâm đúng mức, còn lúng túng, chưa chủ động ứng phó trong khắc phục sự cố.
- Số trẻ em chết đuối trong thời gian mùa lũ còn nhiều,
nguyên nhân chủ yếu là do gia đình bất cẩn trong việc coi giữ.
- Tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra mạnh ở nhiều nơi;
còn nhiều hộ dân sinh sống trong vùng đang diễn ra sạt lở. Công tác di dời dân
còn chậm là do đa số các hộ dân không có đất để xây dựng nhà và kinh tế khó
khăn.
- Công tác tổng hợp, báo cáo về tình hình thiên tai chưa
thường xuyên và kịp thời.
(Chi tiết xem phụ lục 1, 2, 3, 4, 7,
8, 9 kèm theo).
Phần thứ 2
KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG
THIÊN TAI VÀ TKCN NĂM 2015
I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH KHÍ TƯỢNG
THỦY VĂN VÀ THIÊN TAI
1. Tình hình khí tượng thủy văn
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Tháp về
tình hình khí tượng thủy văn mùa khô năm 2014 - 2015 như sau:
- Nền nhiệt độ trong mùa khô 2014-2015 ở mức xấp xỉ và cao
hơn TBNN, đầu tháng 5/2015 và ở mức 35-36oC.
- Trong mùa khô có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Lượng
mưa trong mùa khô ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN.
- Mực nước trong các tháng đầu mùa khô tại các nơi trong
tỉnh ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 0,2 - 0,4m, đến giữa và cuối mùa khô mực
nước các nơi xuống thấp dần và ở mức xấp xỉ và thấp TBNN.
2. Tình hình thiên tai
- Mực nước đỉnh lũ năm 2014 trên sông Cửu Long ở mức thấp và
thời gian duy trì đỉnh lũ ngắn nên tổng lượng dòng chảy ở khu vực đồng bằng
sông Cửu Long thấp hơn so với TBNN. Vì vậy, các địa phương cần chủ động thực
hiện các giải pháp ứng phó với tình trạng khô hạn trong mùa khô 2014 - 2015.
- Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như khô hạn, dông lốc,
gió mạnh, sấm sét tiếp tục xảy ra từ cuối tháng 3 cho đến tháng 10 năm 2015.
- Sạt lở bờ sông sẽ tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở
các xã Thường Phước 1, Long Khánh A, Long Thuận - huyện Hồng Ngự, xã Tân Bình,
An Phong, Bình Thành - huyện Thanh Bình; các xã Hòa An, Tân Thuận Đông, Tịnh
Thới và phường 11 - thành phố Cao Lãnh; xã Mỹ An Hưng B - huyện Lấp Vò, xã An
Hiệp - huyện Châu Thành.
II. YÊU CẦU, MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ
TIÊU CHỦ YẾU
1. Yêu cầu
Triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2015
ngay từ đầu năm; chủ động thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu
“Ba sẵn sàng”.
2. Mục tiêu
Chủ động ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về
tính mạng, tài sản do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển
dâng và thiên tai gây ra. Bảo vệ an toàn các công trình kết cấu hạ tầng nhằm
đáp ứng yêu cầu phòng, chống và khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai gây ra;
đảm bảo hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, thuận lợi.
3. Các chỉ tiêu kế hoạch
- Đảm bảo an toàn cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp.
- Đảm bảo an toàn cho 100% các công trình kết cấu hạ tầng,
cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.
- Đảm bảo an toàn tính mạng cho 100% hộ dân sinh sống ở các
vùng ngập sâu, vùng sạt lở; 90% trẻ em từ 7 - 15 tuổi tự bảo vệ được mình trong
thời gian lũ lụt.
- Đảm bảo 100% người dân có đủ lương thực, thực phẩm và
thuốc chữa bệnh khi xảy ra thiên tai nghiêm trọng như lũ lớn, bão,...
- Đảm bảo 80% người dân biết được thông tin về dự báo, cảnh
báo thiên tai.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
CHỦ YẾU (chi
tiết xem phụ lục 5, 6 kèm theo)
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của
Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015.
- Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống
thiên tai và TKCN năm 2014 và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng,
chống thiên tai và TKCN năm 2015; sau mỗi giai đoạn tổ chức họp sơ kết đánh giá
kết quả thực hiện và triển khai kế hoạch giai đoạn tiếp theo.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản có
liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó với
biến đổi khí hậu.
- Xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó với bão
mạnh và siêu bão, các phương án bảo vệ các khu vực và công trình trọng điểm;
riêng cấp xã phải triển khai thực hiện các phương án ứng phó đến tận hộ dân.
- Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai; triển khai thực hiện
Quy chế về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai trên địa bàn
tỉnh; ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và TKCN các cấp, các ngành.
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác chuẩn bị
ứng phó tình huống thiên tai và tổ chức ứng phó kịp thời khi trường hợp thiên
tai khẩn cấp xảy ra. Giải quyết nhanh các khó khăn vướng mắc ở cơ sở.
- Điều tra thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và lập kế
hoạch khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
- Tổng kết đánh giá kết quả công tác phòng, chống thiên và
TKCN giai đoạn 2011 - 2015, lập kế hoạch phòng, chống thiên và TKCN giai đoạn
2016 - 2020.
2. Công tác dự báo, cảnh báo thiên
tai và thông tin tuyên truyền
- Phát hành các bản dự báo, cảnh báo về tình hình khí tượng
thủy văn 10 ngày, tháng, mùa, các hiện
tượng thời tiết nguy hiểm, sạt lở bờ sông và thông tin kịp thời trên các phương
tiện thông tin đại chúng để các ngành, các cấp và nhân dân biết chủ động phòng
tránh.
- Thực hiện Dự án đo đạc và dự báo diễn biến lòng dẫn các
đoạn sông xói lở trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Ủy ban sông Mê kông Việt Nam thực hiện dự án
Nghiên cứu thí điểm ứng phó với lũ lụt trong điều kiện biến đổi khí hậu tại
huyện Tam Nông.
- Thực hiện Đề án “phòng chống sét đánh trên địa bàn tỉnh
Đồng Tháp năm 2015, trong đó xây dựng 2 Trạm cảnh báo sớm giông lốc, sấm sét
tại huyện Cao Lãnh, Lấp Vò.
- Hướng dẫn và nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, nhân dân chủ
động gia cố, chằng chống nhà cửa, các công trình kết cấu hạ tầng, cơ sở sản
xuất kinh doanh đảm bảo an toàn khi giông lốc, sấm sét, bão xảy ra.
- Xây dựng tài liệu truyền thông hướng dẫn về phòng, chống
bão và.
- Cập nhật và thông báo mực nước tại 28 Trạm thủy văn nội
đồng theo hệ ĐT để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
3. Công tác đào tạo nguồn nhân lực
và nâng cao nhận thức cộng đồng
- Thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý
rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, trong đó tập trung vào việc đào tạo tập
huấn viên các cấp; phổ biến các tài liệu truyền thông về phòng, chống các hiện
tượng thời tiết nguy hiểm.
- Tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã về phòng, chống thiên
tai, tìm kiếm cứu nạn và quản lý công trình thủy lợi an toàn trước thiên tai.
- Phối hợp với các Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung
ương, các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án về phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai,
trong đó cần tập trung vào các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực về quản lý rủi
ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cộng đồng.
4. Công tác bảo vệ tính mạng, tài
sản của nhân dân, Nhà nước
- Vận động và hỗ trợ di dời 1.900 hộ dân vùng sạt lở, vùng
ngập sâu đến nơi an toàn và các cụm tuyến dân cư đã hoàn thành.
- Tổ chức 376 nhóm trẻ cộng đồng, coi giữ 6.619 cháu, mở
thêm các điểm giữ trẻ bán trú ở nông thôn khi lũ lớn xảy ra.
- Tổ chức 1.009 lớp dạy bơi cho 27.725 trẻ em từ 7 - 15
tuổi.
- Duy trì 486 đội cứu hộ cứu nạn, với 3.263 thành viên,
trong đó có 257 chốt cứu hộ cứu nạn xung yếu, với 1.673 thành viên. Mua sắm các
trang thiết bị cần thiết cho công tác cứu hộ cứu nạn.
- Phát hiện và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh; tổ chức khám
chữa bệnh cho nhân dân ở các vùng khó khăn; kiểm tra và xử lý tình hình ô nhiễm
môi trường.
- Bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, vật tư, phương tiện, kinh phí hỗ trợ nhân dân
di dời khi có lũ lớn, bão và thiên tai xảy ra.
5. Công tác bảo vệ sản xuất
- Trên cơ sở dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng lịch thời vụ
xuống giống thích hợp để né lũ và phòng tránh dịch bệnh; chuyển đổi cơ cấu cây
trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn và lũ lớn xảy ra.
- Chủ động bơm tưới chống hạn, tiêu úng bảo vệ an toàn cho
570.000ha sản xuất nông nghiệp năm 2015 (cây lúa 510.000 ha; hoa màu, cây
kiểng, cây công nghiệp ngắn ngày 35.000 ha và cây ăn trái 25.000 ha).
- Kiểm tra, gia cố bảo vệ an toàn các cơ sở sản xuất kinh
doanh dịch vụ; đảm bảo sản xuất liên tục và an toàn trong mọi tình huống.
6. Đầu tư xây dựng các công trình
kết cấu hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai theo hướng đa mục tiêu
- Nạo vét các kênh rạch bị cạn kiệt, đảm bảo đủ nước tưới
cho lúa Đông xuân, Hè thu, Thu đông, vườn cây ăn trái và nước sinh hoạt của
nhân dân.
- Xây dựng hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu trong
các cụm tuyến dân cư giai đoạn 2.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kết cấu hạ
tầng:
+ Dự án nâng cấp đê cấp III, đê bao chống lũ bảo vệ thị trấn
Sa Rài, huyện Tân Hồng. Kế hoạch Duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2015 tỉnh Đồng Tháp;
+ Tiểu dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị trấn
Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (vốn ADB);
+ Thực hiện Dự án khắc phục cấp bách sạt lở bờ sông Tiền tại
phường 11, thành phố Cao Lãnh.
- Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông
Tiền khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, với chiều dài khoảng
2.100m (Quyết định số 358/QĐ-UBND.HC ngày 26/3/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
và phương án khắc phục.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp
tục thực hiện các dự án nâng cấp các kênh: Nha Mân - Tư Tải, Mương Khai - Đốc
Phủ Hiền, Cần Thơ - Huyện Hàm, Đồng Tiến Lagrange và An Phong - Mỹ Hòa - Bắc Đông.
- Tiếp tục thực hiện Tiểu dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống
kênh trục thoát lũ và cung cấp nước tưới
tiêu cho vùng Đồng Tháp Mười (vốn ADB), gồm 04 công trình kênh: Kháng Chiến,
Thống Nhất, Tân Công Chí - Đốc Vàng Hạ và Kênh Cái Cái.
- Các ngành, các cấp sửa chữa và nâng cấp các công trình kết
cấu hạ tầng được giao quản lý.
7. Công tác cứu trợ
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn tỉnh
chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố:
- Tổ chức thăm hỏi, cứu trợ và huy động lực lượng tại chỗ
giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản
xuất.
- Điều tra đánh giá tình hình thiệt hại, xác định nhu cầu
cứu trợ sau thiên tai và lập kế hoạch hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các gia đình
bị thiệt hại sửa chữa nhà cửa; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, trang thiết bị,
kinh phí để người dân phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp
kêu gọi vận động giúp đỡ đồng bào và các địa phương bị thiệt hại; tổ chức tiếp
nhận và phân phối nhanh hàng cứu trợ cho cho gia đình bị thiệt hại do thiên tai
gây ra.
8. Giải pháp về vốn
- Ủy ban nhân dân các cấp trích ngân sách nhà nước để thực
hiện các hoạt động tại phụ lục 5 kèm theo.
- Lồng ghép các hoạt động phòng, chống thiên tai vào kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp.
- Tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức quốc tế,
nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA cho các dự án phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai,
ưu tiên sử dụng cho việc nâng cao năng lực và chuyển giao khoa học công nghệ.
- Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ Phòng, chống thiên
tai.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham
gia vào công tác phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai; tiến hành các hoạt động nhân
đạo và từ thiện đối với các vùng bị thiệt hại do thiên tai.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Để công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2015 đạt
hiệu quả cao, các ngành, các cấp cần chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ
được giao tại phụ lục 5 kèm theo.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành
tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cân đối bố trí từ ngân sách
và tìm nguồn vốn tài trợ khác để thực hiện hiệu quả các hoạt động của kế hoạch.
Lồng ghép các chương trình, đề án, dự án về phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai vào
quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Sở Tài chính đề xuất nguồn ngân sách cho công tác phòng,
chống thiên tai và TKCN năm 2015 theo quy định;
tổ chức tiếp nhận, quản lý và cấp phát nguồn vốn do Trung ương phân bổ đến các
ngành, các cấp thực hiện.
4. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN
tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; tổ chức
sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh kế hoạch cho
phù hợp, hiệu quả.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các
ngành, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; lồng ghép các nội dung phòng
ngừa giảm nhẹ thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương; định kỳ hàng Quý báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Thường trực
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ kế hoạch chung của tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể
tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được giao chủ trì thực hiện
các chương trình, đề án, dự án phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên
quan chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Lồng ghép các chương trình,
dự án, đề án, hoạt động trong kế hoạch phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2015
vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên
tai và TKCN tỉnh, các ngành, các cấp lập và triển khai thực hiện kế hoạch
phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2015 của các ngành, các cấp thật cụ thể, để
việc thực hiện kế hoạch được thống nhất và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở./.
Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo
PCTT TW;
- Ủy ban Quốc gia TKCN;
- TT.TU, TT.HDND tỉnh;
- CT và các Phó CT UBND tỉnh;
- TV Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Dương
|