Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 63/KH-UBND 2021 trồng cây xanh tỉnh Nam Định

Số hiệu: 63/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định Người ký: Trần Anh Dũng
Ngày ban hành: 16/06/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/KH-UBND

Nam Định, ngày 16 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRỒNG CÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 2616/KH-BNN-TCLN ngày 07/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhận thức các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng và ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án ODA để trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng được 6,5 triệu cây xanh các loại, nhằm cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

2. Yêu cầu

- Phân khai và giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể đến từng huyện, thành phố làm cơ sở để tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành các nội dung Kế hoạch đề ra; công tác chăm sóc, bảo vệ sau trồng cây phải đặc biệt được quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân.

- Việc tổ chức thực hiện phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, thay đổi suy nghĩ và hành động về công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và cây xanh nhằm từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây, trồng rừng; đồng thời nhân rộng các mô hình về xã hội hoá phát triển cây xanh đạt hiệu quả trong các năm tiếp theo.

II. NHIỆM VỤ

Giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu trồng 6,5 triệu cây xanh, trong đó: 6 triệu cây phân tán và 500 nghìn cây trồng rừng tập trung (tương đương diện tích 130 ha rừng trồng mới và 240 ha trồng bổ sung phục hồi rừng), cụ thể:

1. Trồng cây xanh phân tán

a) Số lượng: Toàn tỉnh phấn đấu trồng 6 triệu cây phân tán (trung bình mỗi năm trồng 1,2 triệu cây), UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)

b) Loài cây trồng: Ưu tiên trồng cây bản địa, cây trồng đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của địa phương.

c) Địa điểm trồng

- Khu vực đô thị, khu dân cư tập trung: Trồng ven đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở và các công trình công cộng khác,...

- Khu vực nông thôn: Trồng trên đất vườn, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, đường ra đồng; khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu, cụm công nghiệp, khu xử lý rác thải tập trung, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp, đất chưa sử dụng,…

2. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng tập trung

a) Số lượng: Trồng 500 nghìn cây, trong đó: Trồng rừng mới 260 nghìn cây (tương đương diện tích 130 ha), trồng bổ sung phục hồi rừng 240 nghìn cây (tương đương diện tích 240 ha).

(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)

b) Loài cây trồng: Ưu tiên trồng các loài cây bản địa có khả năng phòng hộ, sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng khu vực cụ thể (Trang, Bần chua, Vẹt dù, Đước vòi, Mắm biển, Phi lao,…).

c) Địa điểm trồng: Trên diện tích đất quy hoạch cho bảo vệ và phát triển rừng; ưu tiên trồng mới, trồng bổ sung phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Rà soát bố trí đất thực hiện Kế hoạch

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh để rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí diện tích đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng phù hợp với quy hoạch; bố trí diện tích đất trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông, đất trồng cây xanh nông thôn… phù hợp với địa phương, đơn vị mình.

- Đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây xanh phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ gia đình do các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý. Đối với diện tích rừng, đất công, các công trình công cộng, đường xá, bờ kênh mương thuỷ lợi… chính quyền địa phương tổ chức giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hiệp hội, đoàn thể quần chúng trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây xanh.

2. Về cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng

Căn cứ kế hoạch trồng cây hàng năm, các địa phương chủ động chỉ đạo gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng, phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể. Ưu tiên chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục đích, các loài cây bản địa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương; trồng cây trong những ngày thời tiết ấm, có mưa ẩm, trong khung thời vụ để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt, cụ thể:

- Khu vực đô thị: Lựa chọn loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái của từng địa phương, từng khu vực; tổ chức trồng, chăm sóc cây theo quy trình trồng cây xanh đô thị và áp dụng thâm canh để cây đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, sớm phát huy tác dụng cảnh quan, cụ thể như sau:

+ Thiết kế cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải phù hợp với không gian đô thị; tổ chức hệ thống cây xanh sử dụng công cộng phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị.

+ Cây xanh đường phố phải thiết kế hợp lý để có tác dụng trang trí cảnh quan đường phố, không gây độc hại, nguy hiểm và không ảnh hưởng tới các công trình hạ tầng đô thị.

+ Cây xanh ven sông, kênh mương phải có tác dụng chống sạt lở, bảo vệ bờ, dòng chảy, chống lấn chiếm mặt nước.

+ Thiết kế công viên, vườn hoa phải lựa chọn loại cây trồng và giải pháp thích hợp nhằm tạo được bản sắc và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

- Khu vực nông thôn: Lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, tập quán canh tác; ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, trồng cây đa mục đích.

- Tổ chức trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể của từng loài cây.

3. Về huy động nguồn lực

Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, trong đó:

- Huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức đoàn thể… Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, trồng, chăm sóc duy trì cây xanh trên các khu đất quy hoạch công viên, vườn hoa, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ; kêu gọi, vận động các doanh nghiệp có thương hiệu đóng góp kinh phí trồng mới cây xanh ở một số tuyến đường trọng điểm và giao cho đơn vị chức năng thực hiện công tác duy trì bảo vệ cây xanh.

- Kết hợp lồng ghép các chương trình đầu tư công của Nhà nước như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình phát triển kinh tế xã - hội khác,…

- Huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, đặc biệt là sự tình nguyện tham gia tích cực của hội viên, đoàn viên thanh niên.

4. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.

- Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc trồng cây xanh; tăng cường ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của nhân dân, vận động nhân dân lên án, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phá rừng, khai thác rừng trái phép và các hành vi phá hoại cây xanh, đặc biệt là cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, đô thị.

- Vận động nhân dân trong các khu dân cư tập trung, khu quy hoạch đô thị mới làm tốt công tác bảo vệ cây xanh ở các khu công viên, vườn hoa đã được nhà nước đầu tư xây dựng để duy trì cảnh quan, tạo nơi thư giãn, nghỉ ngơi kết hợp với sinh hoạt cộng đồng.

- Mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức phát động phong trào thi đua để kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội; đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch: 169.200 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: 57.240 triệu đồng, vốn nhà nước chủ yếu đầu tư trồng mới rừng tập trung, trồng bổ sung phục hồi rừng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo các Chương trình, dự án hỗ trợ trồng rừng; huy động một phần ngân sách từ việc lồng ghép Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác,… để hỗ trợ trồng cây phân tán.

- Nguồn vốn xã hội hóa: 111.960 triệu đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là đầu mối kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện có rừng xây dựng các Chương trình, dự án, huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, các tổ chức phi chính phủ để tổ chức trồng, chăm sóc rừng.

- Chỉ đạo quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng theo quy định; hướng dẫn lựa chọn cơ cấu các loài cây trồng phù hợp với địa phương; tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xanh đảm bảo yêu cầu đề ra.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tham mưu triển khai lập kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nam Định; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp cho phát triển rừng và trồng cây xanh, bảo đảm ổn định, lâu dài, đúng mục đích.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư các chương trình, dự án về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh.

4. Các Sở, ban, ngành có liên quan

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

a. Sở Xây dựng, Sở Công Thương

Phối hợp UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức rà soát các quy hoạch xây dựng, xác định rõ diện tích đất khuôn viên khu đô thị, khu, cụm công nghiệp phục vụ trồng cây phân tán; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc trồng cây phân tán tại các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp.

b. Sở Giao thông vận tải

Phối hợp với các địa phương thực hiện các dự án phát triển giao thông gắn với trồng cây xanh bảo đảm các đường giao thông đô thị và nông thôn được trồng cây xanh bóng mát, tạo cảnh quan theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

c. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc trồng cây phân tán tại các khuôn viên trụ sở các cơ sở y tế, trường học đảm bảo được trồng cây xanh bóng mát, tạo cảnh quan môi trường.

d. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh và vai trò, tác dụng của rừng, cây xanh trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.

5. UBND các huyện, thành phố

- Tùy từng điều kiện cụ thể, UBND các huyện, thành phố chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh; duy trì thường xuyên và tổ chức hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại mục II và III Kế hoạch này; chủ động rà soát quỹ đất, triển khai thực hiện tốt kế hoạch trồng cây xanh theo chỉ tiêu được giao.

- Kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay tham gia, đóng góp thực hiện trồng cây xanh.

- Chỉ đạo gieo ươm, chuẩn bị đủ cây giống có chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo kế hoạch, dự án được duyệt.

- Giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây hàng năm cho các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các xã phường, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng và cây xanh.

- Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, các hành vi phá hoại cây xanh; tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo định kỳ hàng quý (trước ngày 25 của tháng cuối quý), năm (trước ngày 15/12) về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Kiểm lâm) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

6. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động thành viên tổ chức tham gia trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh; huy động nguồn vốn trong các tổ chức, doanh nghiệp, quyên góp của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cho phát triển cây xanh; triển khai các hoạt động tình nguyện tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng về mục đích, ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, cây xanh; động viên, khuyến khích, kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.

Trên đây là Kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định;
- Lưu: VP1, VP3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Dũng

 

PHỤ LỤC I

CHỈ TIÊU TRỒNG CÂY PHÂN TÁN
(Kèm theo Kế hoạch số: 63/KH-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh Nam Định)

TT

Huyện, TP

ĐVT

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng số cây

1

Hải Hậu

Nghìn cây

220

150

140

135

120

765

2

Nghĩa Hưng

Nghìn cây

220

150

135

130

115

750

3

Giao Thủy

Nghìn cây

200

140

130

125

130

725

4

Xuân Trường

Nghìn cây

190

145

120

115

120

690

5

Trực Ninh

Nghìn cây

150

130

115

115

115

625

6

Nam Trực

Nghìn cây

140

125

125

120

100

610

7

Vụ Bản

Nghìn cây

160

110

110

130

110

620

8

Ý Yên

Nghìn cây

150

130

100

110

95

585

9

Mỹ Lộc

Nghìn cây

140

110

120

115

90

575

10

TP Nam Định

Nghìn cây

30

10

5

5

5

55

 

Cộng

Nghìn cây

1.600

1.200

1.100

1.100

1.000

6.000

 

PHỤ LỤC II

CHỈ TIÊU TRỒNG RỪNG
(Kèm theo Kế hoạch số: 63/KH-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh Nam Định)

TT

Hạng mục

Đơn vị tỉnh

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng (ha)

Số cây quy đổi tương đương (nghìn cây)

1

Trồng rừng mới

ha

37

10

31

25

27

130

260

2

Trồng bổ sung phục hồi rừng

ha

0

190

30

20

0

240

240

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

500

Ghi chú:

+ Trồng rừng mới: 1 ha = 2.000 cây/ha.

+ Trồng bổ sung phục hồi rừng: 1 ha = 1.000 cây/ha.

 

PHỤ LỤC III

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số: 63/KH-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh Nam Định)

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Đơn vị

Tổng số cây (nghìn cây)

Tổng kinh phí

Ngân sách nhà nước

Vốn xã hội hóa

Tổng ngân sách nhà nước

Ngân sách Trung ương, tỉnh

Ngân sách huyện, TP (lồng ghép các Chương trình, dự án có hạng mục trồng cây xanh)

I

Cây phân tán

6.000

124.400

12.440

0

12.440

111.960

1

Hải Hậu

765

15.300

1.530

0

1.530

13.770

2

Nghĩa Hưng

750

15.000

1.500

0

1.500

13.500

3

Giao Thủy

725

14.500

1.450

0

1.450

13.050

4

Xuân Trường

690

13.800

1.380

0

1.380

12.420

5

Trực Ninh

625

12.500

1.250

0

1.250

11.250

6

Nam Trực

610

12.200

1.220

0

1.220

10.980

7

Vụ Bản

620

12.400

1.240

0

1.240

11.160

8

Ý Yên

585

11.700

1.170

0

1.170

10.530

9

Mỹ Lộc

575

11.500

1.150

0

1.150

10.350

10

TP Nam Định

55

5.500

550

0

550

4.950

II

Trồng rừng tập trung

500

44.800

44.800

44.800

0

0

1

Trồng Mới

260

20.800

20.800

20.800

0

0

2

Trồng bổ sung

240

24.000

24.000

24.000

0

0

 

Cộng

6.500

169.200

57.240

44.800

12.440

111.960

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 63/KH-UBND ngày 16/06/2021 về trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


926

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.151.109
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!