Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 484/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Nông Quang Nhất
Ngày ban hành: 12/07/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 484/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 12 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 208/QĐ-TTG NGÀY 29/02/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA HỆ SINH THÁI RỪNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Văn bản số 3146/BNN-LN ngày 03/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án) và theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 110/TTr-SNN ngày 10 tháng 7 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xác định nguồn lực và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

2. Yêu cầu

Xây dựng Kế hoạch đảm bảo đầy đủ và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch, các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh rừng trồng, cấp chứng chỉ rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ môi trường rừng; phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Khai thác giá trị của hệ sinh thái rừng gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân ở khu vực có rừng và người làm nghề rừng.

2. Mục tiêu cụ thể

Phát triển nguồn cung nguyên liệu cho chế biến gỗ thông qua việc thực hiện thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ; đáp ứng 100% nhu cầu thị trường trong tỉnh vào năm 2030 và hướng đến xuất khẩu; đến năm 2050 có 100% các sản phẩm gỗ đều được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến tăng trên 1 lần vào năm 2030 so với năm 2020; phấn đấu tăng gấp khoảng 2 lần và hướng đến xuất khẩu vào năm 2050.

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng khoảng 20% ngoài giá trị gỗ rừng trồng.

Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; tiếp cận, triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, tiến tới tham gia thị trường lưu giữ các-bon trong nước và quốc tế; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; phấn đấu nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân khoảng 5%/năm.

Trên cơ sở Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các Ban Quản lý rừng đặc dụng đã được UBND tỉnh phê duyệt và các chủ rừng khác có nhu cầu kinh doanh du lịch sinh thái. Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng đặc dụng; bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh.

Thu hút, lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực có rừng đến năm 2030 chiếm trên 50%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt từ 40% trở lên vào năm 2030 và trên 60% vào năm 2050. Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của lao động là người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 tăng trên 1 lần và đến năm 2050 tăng gấp khoảng 2 lần so với năm 2025.

III. NHIỆM VỤ

1. Phát triển nguồn nguyên liệu

Hình thành một số vùng trồng rừng sản xuất tập trung, ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Định hướng và khuyến khích chủ rừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao và lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa của từng vùng, khu vực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó tập trung trồng rừng gỗ lớn như: Thông, Mỡ, Giổi, Keo,… cây đa mục đích như: Hồi, Quế, Dẻ ván ghép, Trám đen ghép,... và đẩy mạnh phát triển cây lâm sản ngoài gỗ như: Trà hoa vàng, Giang lấy lá (Giang nhung), Thảo quả,… để nâng cao chất lượng rừng trồng, từng bước hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu tập trung góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 (tại Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn), tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân miền núi.

Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, công ty, doanh nghiệp thực hiện trồng rừng sản xuất, các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững hướng đến mục tiêu cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

2. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu

Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; đề xuất kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm, từng vùng sinh thái. Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh Bắc Kạn Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thích hợp với yêu cầu sinh thái của mỗi loài, ưu tiên một số loài cây có giá trị kinh tế cao như: Trà hoa vàng, Khôi nhung tía, Khôi nhung, Hà Thủ ô, Ba kích, Xạ đen, Cà gai leo, Cát sâm, Sa nhân, Hồi lai; khảo sát, nghiên cứu hình thành một số vùng trồng cây Giang lấy lá, Thảo quả,... khi có điều kiện thích hợp. Cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu đối với diện tích đủ điều kiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Khuyến khích phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các sản phẩm OCOP về dược liệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc.

3. Phát triển các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp

Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm kết hợp như: Nuôi trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; mô hình vườn rừng; phát triển cây đa mục đích, chăn nuôi dưới tán rừng.

Lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, đa mục đích phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả và quản lý chất lượng cây trồng, vật nuôi,… kết hợp dưới tán rừng, không gây mất rừng và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng.

Tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng bền vững, hiệu quả; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

4. Phát triển dịch vụ môi trường rừng

Phát triển dịch vụ môi trường rừng, quan tâm, tiếp cận dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng; đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với cộng đồng người dân địa phương; từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

5. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí

Kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đối với công tác quản lý rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng và phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp theo phương án quản lý rừng bền vững đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Tuyên truyền, tăng cường hợp tác giữa chủ rừng với cộng đồng, khuyến khích cộng đồng, hộ gia đình tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch; đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng đối với cộng đồng địa phương.

Phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn du lịch cộng đồng. Thu hút các nguồn lực tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các hệ sinh thái rừng; hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao sinh kế thông qua việc sử dụng lao động địa phương.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về cơ chế, chính sách

Rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định, chính sách hiện hành liên quan về lâm nghiệp; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Căn cứ thực tiễn tại địa phương để đề xuất, tham gia ý kiến dự thảo các quy định, hướng dẫn về quản lý bảo tồn, khai thác, sử dụng và phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu; các quy định về nuôi trồng, phát triển các loài cây trồng, vật nuôi trong môi trường rừng theo mô hình nông, lâm, ngư kết hợp; chính sách về đồng quản lý, chia sẻ lợi ích với người dân địa phương về sử dụng tri thức bản địa để phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu và chia sẻ lợi ích từ khai thác tài nguyên thiên nhiên và môi trường rừng; quy định, chính sách trong việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các loại rừng.

Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp gắn với thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp; tăng cường thu hút các nguồn lực vốn từ các thành phần kinh tế.

2. Về quản lý rừng và phát triển vùng nguyên liệu

Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; khai thác, sử dụng rừng hiệu quả gắn với bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; quá trình xây dựng phương án quản lý và tổ chức các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng đều có sự tham gia của cơ quan, chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Rà soát, xác định cụ thể khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ quản lý rừng sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, cập nhật hiện trạng rừng, phân loại 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn để nâng cao chất lượng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng, chống thiên tai; lập hồ sơ quản lý rừng theo chức năng, mục đích sử dụng.

Phát triển vùng nguyên liệu cho chế biến lâm sản và phát triển rừng trồng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu có năng suất và chất lượng cao, cùng sự tham gia của các thành phần kinh tế; nâng cao hiệu quả kinh tế, chú trọng phát triển lâm nghiệp đa mục đích (gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, dịch vụ); nông, lâm, ngư kết hợp.

Đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với chủ rừng trong việc trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và dược liệu.

3. Về khoa học và công nghệ

Ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát huy tối đa các giá trị của hệ sinh thái rừng, sử dụng các giống cây trồng rừng có năng suất, chất lượng cao; áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; thực hiện cấp mã số vùng nuôi trồng, truy xuất, xác định nguồn gốc.

Chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho người làm nghề rừng, tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, khai thác, chế biến, bảo quản và thị trường các sản phẩm lâm sản.

Xây dựng các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình sản xuất liên kết, mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới dây chuyền công nghệ, gắn sản xuất với công nghệ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa.

4. Về tổ chức sản xuất

Tăng cường liên kết sản xuất trong lâm nghiệp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và nhà khoa học; xây dựng các mô hình trồng rừng, mô hình làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; phát triển các mô hình lâm sản ngoài gỗ, dược liệu có giá trị; các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; xây dựng một số mô hình đồng quản lý rừng, gắn kết cộng đồng địa phương.

Hoàn thiện quy định một số định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật, rà soát diện tích rừng chưa giao, hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, để giao cho chủ rừng quản lý theo quy định của pháp luật.

Tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm từ dược liệu; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với hệ sinh thái rừng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế rừng bền vững.

Đẩy mạnh thực hiện liên kết vùng, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với liên kết vùng sinh thái; chuyển đổi sản xuất lâm nghiệp từ quảng canh sang thâm canh để tăng năng suất chất lượng, giá trị sản phẩm; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là đầu tư phát triển hệ thống đường lâm nghiệp.

5. Về đào tạo, tập huấn, tuyên truyền và nâng cao năng lực

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi tới các tổ chức, doanh nghiệp,chủ rừng, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có các hoạt động liên quan tới lâm nghiệp.

Đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc lâm sản, chứng nhận quản lý rừng bền vững, mã số vùng trồng.

6. Về hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác với các đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển ứng dụng khoa học trong phát triển lâm nghiệp bền vững để tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ tiên tiến thông qua viện trợ, hợp tác. Đẩy mạnh hợp tác về lĩnh vực lâm nghiệp: Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giống cây trồng, quy trình và công nghệ sản xuất, chế biến, hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất,…

Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển lâm nghiệp. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án do các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ.

V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Phát huy tối đa các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khác; nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Huy động các nguồn xã hội hóa; nguồn vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư; nguồn vốn tự có.

VI. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; tham mưu lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án có liên quan.

Chủ trì, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tổ chức triển khai có hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn kỹ thuật về nuôi trồng, phát triển các loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao trong môi trường rừng theo tiêu chuẩn GACP - WHO.

Hướng dẫn, đôn đốc, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tiễn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, cân đối vốn đầu tư phát triển để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, theo dõi và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối bố trí từ nguồn vốn chi thường xuyên và lồng ghép với các chương trình, dự án, kế hoạch khác có liên quan trên địa bàn tỉnh để thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được phê duyệt tại Kế hoạch này, đảm bảo theo khả năng cân đối ngân sách tỉnh và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, theo dõi và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chỉ đạo, hướng dẫn việc đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các chủ rừng; rà soát, lập hồ sơ ranh giới cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn; rà soát ranh giới, xử lý các trường hợp chồng lấn diện tích đất đai để bảo đảm sử dụng đất ổn định, lâu dài, đúng mục đích.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất rừng của các tổ chức đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao đất, cho thuê đất và tổ chức thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

5. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch về khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thông tin thị trường, ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, theo dõi và tổ chức thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

6. Sở Y tế

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật về nuôi trồng, phát triển các loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao trong môi trường rừng theo tiêu chuẩn GACP - WHO.

Hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chế biến dược liệu, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng cho du khách trong nước và quốc tế; phối hợp, hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có nguồn gốc từ rừng gắn với nét văn hóa cổ truyền của người dân địa phương.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, theo dõi và tổ chức thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

8. Ban Dân tộc tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí lồng ghép các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình, đề án, dự án có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, theo dõi và tổ chức thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cơ quan, đơn vị liên quan và các tầng lớp nhân dân về vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng; phổ biến, khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tại địa phương tham gia thực hiện.

Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Lồng ghép thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đang thực hiện trên địa bàn; bố trí kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định.

Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, hằng năm báo cáo kết quả gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
Gửi bản điện tử:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Các Ban quản lý rừng đặc dụng;
- Công ty TNHH MTV lâm nghiệp;
- CVP, PCVP (Ô. Trung)
- Lưu: VT, Bắc.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nông Quang Nhất

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 484/KH-UBND ngày 12/07/2024 thực hiện Quyết định 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


37

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.71.240
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!