ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
422/KH-UBND
|
Bắc
Kạn, ngày 12 tháng 07 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
HUY ĐỘNG TỐI ĐA LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN VÀ TÀI SẢN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ
CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN THAM GIA CHỮA CHÁY, CỨU
NẠN, CỨU HỘ
Căn cứ: Điều 33, Điều 34 Luật phòng
cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Điều 15, Điều 17 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP
ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn cứu hộ (Nghị định số
83/2017/NĐ-CP); Điều 20, Điều 23, Điều 24 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày
24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (Nghị định số
136/2020/NĐ-CP); Điều 6 Thông tư 140/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 của Bộ Công an
quy định về triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CC&CNCH)
của lực lượng Công an nhân dân. Theo Hướng dẫn số 07/HD-BCA-C07 ngày 31/3/2021
của Bộ Công an về huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình
huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả
năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý, Ủy ban nhân dân
tỉnh xây dựng Kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện và tài sản của
các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh để tham gia
CC&CNCH khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố lớn, phức tạp,
như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nhằm chủ động trong việc huy động lực
lượng, phương tiện của các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh để kịp
thời xử lý các tình huống cháy nổ, tai nạn, sự cố lớn, phức tạp trên địa bàn
toàn tỉnh.
- Thống nhất về nguyên tắc huy động,
thẩm quyền, chỉ huy, điều hành, các trường hợp cần huy động lực lượng, phương
tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tham gia xử
lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố có diễn biến lớn, phức tạp. Tăng cường sự phối
hợp của các lực lượng, các đơn vị để đạt hiệu quả cao trong công tác
CC&CNCH.
- Nhằm nâng cao hiệu quả trong công
tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH đối với các cơ sở, địa bàn quản lý và chủ
động ứng phó với các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố có nguy cơ gây thiệt hại
nghiêm trọng về người và tài sản.
2. Yêu cầu
Các đơn vị, lực lượng khi nhận được lệnh
huy động, yêu cầu chi viện phải đảm bảo về thời gian, số lượng lực lượng,
phương tiện tham gia. Chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện
nghiêm túc mệnh lệnh của Ban chỉ huy CC&CNCH và thực hiện chế độ thông tin
báo cáo theo quy định.
II. NỘI DUNG HUY ĐỘNG
1. Các trường hợp cần huy động lực
lượng, phương tiện và tài sản để CC&CNCH
Khi tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố
có quy mô lớn, diễn biến phức tạp xảy ra trên địa bàn tỉnh vượt quá khả năng ứng
phó của Công an tỉnh mà cần phải huy động lực lượng, phương tiện CC&CNCH,
các phương tiện chuyên dùng khác (xe cứu thương, xe cẩu, máy xúc, xe ủi, xe chở
nước...) và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa tỉnh
để CC&CNCH.
2. Thẩm quyền huy động lực lượng,
phương tiện và tài sản để CC&CNCH
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện và
tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân quy định tại điểm a, khoản
1, Điều 23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP .
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức quy
định tại điểm c, khoản 1, Điều 23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP .
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ
gia đình và cá nhân quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 23 Nghị định
136/2020/NĐ-CP .
- Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng Công an các huyện, thành phố được quyền
huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc quyền, lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy
cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành quy định tại điểm b, khoản 1, Điều
23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP .
3. Thủ tục huy động lực lượng,
phương tiện và tài sản để CC&CNCH
Thực hiện theo quy định tại khoản 2,
Điều 23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP
III. PHÂN CÔNG THỰC
HIỆN
1. Công an tỉnh
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện thường
trực 24/24 giờ tiếp nhận, xử lý thông tin các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố; tham
gia hoạt động CC&CNCH; đảm bảo an ninh trật tự khi có sự cố, cháy lớn xảy
ra, không để tội phạm, phần tử xấu lợi dụng phá hoại, chiếm đoạt tài sản của
nhà nước và nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng, phương tiện
tham gia CC&CNCH thực thi nhiệm vụ.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị,
cơ quan chức năng bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, xác minh, điều tra nguyên
nhân vụ cháy; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra các vụ cháy, nổ,
tai nạn, sự cố. Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm
phải củng cố hồ sơ, khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp theo dõi, ghi hình, đưa
tin; đồng thời định hướng dư luận, ngăn chặn những thông tin kích động, xuyên tạc,
bôi nhọ công tác, hình ảnh của lực lượng tham gia công tác CC&CNCH.
- Kết thúc hoạt động xử lý tình huống
cháy, tai nạn, sự cố, người chỉ huy CC&CNCH phối hợp với các đơn vị, địa
phương có liên quan tham mưu người có thẩm quyền ban hành quyết định huy động bằng
văn bản.
- Hoàn thiện các thủ tục hoàn trả tài
sản, bồi thường thiệt hại về tài sản do việc trưng dụng, huy động để
CC&CNCH theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, trình cấp có
thẩm quyền quyết định; tổ chức hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại.
- Tổ chức họp đánh giá kết quả, rút
kinh nghiệm hoạt động CC&CNCH và đề xuất các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ,
tai nạn, sự cố có thể xảy ra. Tổng hợp đề xuất khen thưởng các tập thể, tổ chức,
cá nhân trong và ngoài lực lượng có thành tích xuất sắc trong công tác
CC&CNCH.
2. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Nắm tình hình địa điểm xảy ra sự cố
cháy, nổ, tai nạn, sự cố; tình hình khu dân cư nơi xảy ra cháy, thông tin đầy đủ
cho Ban Chỉ huy CC&CNCH. Sẵn sàng huy động lực lượng,
phương tiện để hỗ trợ cứu người, chống cháy lan và chữa cháy theo yêu cầu của
chỉ huy chữa cháy. Huy động tổng hợp các lực lượng, nguồn lực tham gia chữa
cháy, mọi hoạt động phải được tiến hành chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn
biến tình hình thực tế tình huống diễn ra, theo phương châm 04 tại chỗ “lực lượng
tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ”.
- Bố trí kinh phí cho hoạt động
PCCC&CNCH; mua sắm trang bị phương tiện, thiết bị CC&CNCH cần thiết,
phù hợp cho các lực lượng làm nhiệm vụ CC&CNCH của địa
phương.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Huy động lực lượng, phương tiện trong biên chế phối hợp với các lực lượng tham gia khắc phục sự cố ban đầu và tìm cứu cứu nạn.
Sẵn sàng huy động lực lượng Dân quân tự vệ tham gia khắc
phục hậu quả. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức xử lý chất độc, chất nổ,
hóa chất khi xảy ra sự cố.
4. Sở Giao thông vận tải
- Theo thẩm quyền, huy động các
(phương tiện) trong và ngoài ngành tham gia xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự
cố và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy CC&CNCH.
- Bố trí phương tiện để đón, đưa lực
lượng đến tham gia chữa cháy, vận chuyển phương tiện, trang thiết bị chữa cháy
và tài sản cứu được.
5. Sở Xây dựng
Cử công chức có chuyên môn, nghiệp vụ
phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH xác định tình trạng của công
trình, cấu kiện xây dựng dưới tác động của nhiệt độ khi cháy để phục vụ cho
công tác chữa cháy, cứu người, cứu tài sản.
Sẵn sàng huy động xe, cần cẩu, máy ủi,
máy xúc tại các công trình đang xây dựng để tham gia cứu hộ, cứu nạn (hỗ trợ cứu
người, chống cháy lan...) theo yêu cầu của Ban Chỉ huy CC&CNCH.
6. Sở Y tế
- Điều động xe cứu thương và nhân
viên y tế để tiếp nhận, sơ cấp cứu và di chuyển người bị nạn đến các cơ sở y tế
gần nhất.
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thực
hiện việc trưng cầu giám định theo quy định khi có nạn nhân chưa xác định được
danh tính, nhận dạng do sự cố, cháy nổ gây ra; bảo quản thi thể nạn nhân bị thiệt
mạng theo đúng quy định để bàn giao cho gia đình nạn nhân.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Đảm bảo thông tin thông suốt, đáp ứng
yêu cầu liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành CC&CNCH;
- Chỉ đạo các báo, đài, cơ quan thông
tin của địa phương xảy ra cháy cập nhật tình hình, đưa tin về vụ cháy, tai nạn,
sự cố một cách chính thống; ngăn chặn những thông tin kích động, xuyên tạc, bôi
nhọ hình ảnh của lực lượng tham gia công tác CC&CNCH.
8. Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện bồi thường thiệt hại
về phương tiện, tài sản cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được
trưng dụng tham gia công tác CC&CNCH theo phân cấp ngân sách nhà nước và
các văn bản hướng dẫn thi hành.
9. Công ty Cổ phần cấp thoát nước
Bắc Kạn: Đảm bảo lưu lượng và áp lực nước liên tục
trên đường ống phân phối chính tới khu vực xảy ra cháy; huy động các xe chở nước
của Công ty tiếp nước cho các phương tiện chữa cháy.
10. Công ty Cổ phần Môi trường và
Công trình đô thị Bắc Kạn: Huy động các xe chở nước,
xe nâng để phục vụ CC&CNCH theo yêu cầu của Ban Chỉ huy CC&CNCH.
11. Công ty Điện lực Bắc Kạn
- Chủ động cập nhật tình hình, kịp thời
cắt điện tại khu vực xảy ra cháy, tai nạn, sự cố để đảm bảo an toàn cho việc chữa
cháy, cứu người, cứu tài sản.
- Tổ chức kiểm tra và khắc phục sự cố
thiết bị điện sau vụ cháy.
12. Người đứng đầu các sở, ban,
ngành, đoàn thể, UBND cấp xã, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, các Công ty, Doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân nơi xảy ra cháy
- Chủ động huy động mọi nguồn lực phối
hợp với cơ quan Công an và các đơn vị chức năng trong việc
tham gia công tác CC&CNCH.
- Trên cơ sở chứng kiến vụ việc, cung
cấp các thông tin liên quan đến vụ cháy, tai nạn, sự cố; có trách nhiệm trong
công tác giải quyết các vấn đề sau khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại
khu vực mình quản lý.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành,
đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, người
đứng đầu các Công ty, Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các hộ gia đình, cá
nhân chủ động trong công tác phối hợp thực hiện các nội dung tại kế hoạch này
khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố; huy động tối đa mọi lực lượng, phương tiện
khi được người có thẩm quyền trưng dụng để xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố,
tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
2. Giao Công an tỉnh là cơ quan thường
trực thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch này theo chức năng nhiệm vụ và thẩm
quyền khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố: Chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền; quán triệt,
triển khai, tuyên truyền nội dung kế hoạch này đến UBND cấp xã, các Công ty,
Doanh nghiệp đóng trên địa bàn; các hộ gia đình, cá nhân biết để tham gia chữa
cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai thực hiện
nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về
Công an tỉnh (qua PC07) để được hướng dẫn, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Cục C07 - BCA;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Công ty, Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT, Hoàng.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Quang Tuyên
|