Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 3785/KH-UBND 2021 huy động lực lượng của cơ quan để cứu nạn cứu hộ tỉnh Kon Tum

Số hiệu: 3785/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Lê Ngọc Tuấn
Ngày ban hành: 21/10/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3785/KH-UBND

Kon Tum, ngày 21 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HUY ĐỘNG TỐI ĐA CÁC LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TÀI SẢN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN ĐỂ CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chế độ đối với người được huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên Đội Dân phòng, Đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở, Chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy;

Để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống cháy, nổ, tai nạn và sự cố góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh; cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ tốt các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

2. Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội bền vững, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

3. Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, năng lực chỉ huy, điều hành và công tác phối hợp của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ với các lực lượng liên quan để xử lý các vụ cháy, nổ hoặc tai nạn, sự cố lớn, phức tạp xảy ra trên địa bàn.

4. Kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng liên quan; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ban ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

II. NGUYÊN TẮC HUY ĐỘNG

1. Công tác huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tại nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố phải được tiến hành khẩn trương, kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”. Sử dụng mọi nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ưu tiên các hoạt động cứu người và cứu tài sản.

2. Khi cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm điều hành, chỉ huy công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu; được quyền huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, báo cáo lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp và báo ngay cho Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, số điện thoại 114) để kịp thời chi viện, ứng cứu.

3. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi nhận được lệnh huy động phải nhanh chóng huy động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố để phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời khi tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường.

4. Đảm bảo sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng được huy động trong suốt quá trình tổ chức thực hiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, xác định rõ lực lượng chủ trì, lực lượng phối hợp trong từng hoạt động của quá trình triển khai thực hiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

5. Khi tiến hành công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo an toàn đối với người, phương tiện tham gia thực hiện nhiệm vụ và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và bảo vệ môi trường.

6. Lực lượng, phương tiện được huy động để phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo hoạt động tốt nhất theo các yêu cầu, nhiệm vụ được đề ra.

7. Lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động vào chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.

8. Công tác huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân đội và Công an phải đảm bảo tập trung, thống nhất, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các đơn vị theo quy định của pháp luật; bảo đảm sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhưng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của lực lượng Công an và Quân đội. Quá trình phối hợp phải giữ bí mật về lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, hồ sơ, tài liệu, thông tin liên quan đến hoạt động phối hợp của lực lượng Công an và Quân đội trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

III. NỘI DUNG CHI TIẾT

1. Tổ chức chỉ đạo, chỉ huy, điều hành:

a. Cấp tỉnh:

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Cơ quan chỉ huy, điều hành: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

b. Cấp huyện:

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan chỉ huy, điều hành: Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; Công an các huyện, thành phố; Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố; các ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

2. Cơ chế và thẩm quyền huy động:

a. Trường hợp chỉ đạo, chỉ huy cao nhất tại hiện trường cháy, nổ, tai nạn, sự cố là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Thẩm quyền ra mệnh lệnh huy động: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Lực lượng được huy động tham gia: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Công ty Điện lực Kon Tum, Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

b. Trường hợp chỉ đạo, chỉ huy cao nhất tại hiện trường cháy, nổ, tai nạn, sự cố là lãnh đạo Công an tỉnh:

- Thẩm quyền ra mệnh lệnh huy động: Lãnh đạo Công an tỉnh.

- Lực lượng huy động tham gia: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Công ty Điện lực Kon Tum, Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

c. Trường hợp chỉ đạo, chỉ huy cao nhất tại hiện trường cháy, nổ, tai nạn, sự cố là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Thẩm quyền ra mệnh lệnh huy động: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

- Lực lượng được huy động tham gia: Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an huyện, thành phố; Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn quản lý.

d. Trường hợp chỉ huy cao nhất tại hiện trường cháy, nổ, tai nạn, sự cố là lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ:

- Thẩm quyền ra mệnh lệnh huy động: Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh.

- Lực lượng được huy động tham gia: Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn quản lý.

đ. Trường hợp chỉ huy cao nhất tại hiện trường cháy, nổ, tai nạn, sự cố là lãnh đạo Công an cấp huyện:

- Thẩm quyền ra mệnh lệnh huy động: Lãnh đạo Công an huyện, thành phố.

- Lực lượng được huy động tham gia: Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn quản lý.

e. Trường hợp chỉ huy cao nhất tại hiện trường cháy, nổ, tai nạn, sự cố là Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố:

- Thẩm quyền ra mệnh lệnh huy động: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; người đứng đầu cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

- Lực lượng được huy động tham gia: Lực lượng của tổ chức, cơ quan, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình.

f. Trường hợp chỉ huy cao nhất tại hiện trường cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết.

g. Phương tiện được huy động: Các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thông dụng, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy và các loại phương tiện chuyên dùng khác.

3. Huy động lực lượng và phương tiện của Quân đội, của tổ chức quốc tế và các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại các huyện, thành phố:

a. Người, phương tiện của các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh khi không làm nhiệm vụ khẩn cấp đều có thể được huy động để phối hợp thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Người chỉ huy đơn vị Quân đội khi nhận được lệnh huy động lực lượng và phương tiện để phối hợp thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải chấp hành ngay hoặc báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để tổ chức thực hiện.

b. Người, phương tiện của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại tỉnh đều có thể được huy động để phối hợp thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trừ những tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật.

4. Các lực lượng, phương tiện được huy động:

a. Quân đội: Lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được thành lập, trang bị theo quy định của pháp luật tại các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan Quân đội khác đóng quân trên địa bàn tỉnh.

b. Công an tỉnh: Lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được thành lập, trang bị theo quy định của pháp luật tại các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố trực thuộc Công an tỉnh và các đơn vị Công an khác đóng quân trên địa bàn tỉnh.

c. Lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

d. Lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ của các khu dân cư từ cấp xã trở lên.

đ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đang hoạt động và sinh sống trên địa bàn tỉnh có lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị theo quy định của pháp luật.

5. Quy định về phương tiện được huy động:

a. Phương tiện được huy động để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, bao gồm:

- Các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới: Xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ, xe bồn tiếp nước, máy bơm chữa cháy...

- Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thông dụng: Bình chữa cháy, lăng chữa cháy, vòi chữa cháy, đầu nối, hai chạc, ba chạc, thang cứu người, dây cứu người, ống tụt, đệm cứu người,…

- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy, phương tiện chuyên dùng (xe múc, xe cẩu, xe nâng, xe chiếu sáng, xe chở nước...)

- Các loại phương tiện chuyên dùng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khác: Trang phục chữa cháy, mặt nạ phòng độc; phương tiện, dụng cụ phá dỡ và thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc...

b. Không huy động các loại xe sau đây để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

- Xe Quân sự, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.

- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.

- Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

- Đoàn xe có Cảnh sát dẫn đường.

- Đoàn xe tang.

- Các xe ưu tiên khác theo quy định của pháp luật.

6. Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a. Đối với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

b. Trong trường hợp tại nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ chưa đến thì chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là Đội trưởng Đội Phòng cháy, chữa cháy cơ sở, Chuyên ngành; người đứng đầu đơn vị, cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên.

c. Khi người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đến nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố thì người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu có trách nhiệm tham gia Ban Chỉ huy chữa cháy và bàn giao quyền chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ.

d. Nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

- Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản, nguồn nước và vật liệu chữa cháy để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Xác định khu vực chữa cháy, đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy.

- Đề ra các yêu cầu về bảo đảm giao thông, trật tự.

- Tổ chức hậu cần chữa cháy, phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và y tế.

- Tổ chức thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Tổ chức công tác chính trị tư tưởng trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Tổ chức thông tin về vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

- Đề xuất các yêu cầu khác phục vụ cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

7. Thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản:

a. Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được thể hiện bằng lệnh huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy (Mẫu số PC20 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày … của Chính phủ); trường hợp khẩn cấp, lệnh huy động hoặc quyết định có thể bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản. Người ra lệnh bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, đồng thời phải nêu rõ yêu cầu về người, phương tiện, tài sản cần huy động và thời gian, địa điểm tập kết.

b. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài phạm vi quản lý, người chỉ huy chữa cháy báo cáo đề xuất và được người có thẩm quyền huy động đồng ý thì được phép huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó để chữa cháy nhưng sau đó phải tham mưu cho người có thẩm quyền huy động ban hành quyết định huy động bằng văn bản.

8. Quy định xe ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho người và phương tiện được huy động:

a. Các xe, tàu và các phương tiện giao thông khác của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ khi đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được sử dụng tín hiệu ưu tiên, quyền ưu tiên lưu thông và các quyền ưu tiên khác theo quy định của pháp luật.

b. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy của cơ quan, tổ chức và cá nhân được huy động làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được hưởng quyền ưu tiên trong phạm vi khu vực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, được ưu tiên qua cầu, phà và được miễn phí lưu thông trên đường.

c. Người được huy động làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xuất trình lệnh huy động thì được ưu tiên đi trên các phương tiện giao thông và chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện giao thông hoặc những người có trách nhiệm liên quan giải quyết đi ngay trong thời gian sớm nhất. Người và phương tiện tham gia giao thông khi thấy tín hiệu còi, đèn, cờ ưu tiên của phương tiện đi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải nhanh chóng nhường đường.

d. Lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng khác khi làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn giao thông có trách nhiệm bảo đảm cho lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được lưu thông nhanh nhất.

9. Chế độ chính sách đối với người và phương tiện, tài sản:

a. Người được huy động tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT- BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chế độ đối với người được huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên Đội Dân phòng, Đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở, Chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy.

b. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động mà bị mất, bị hư hỏng; nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định tại các điểm c và d, khoản 1, Điều 38 của Luật Phòng cháy, chữa cháy thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

c. Kinh phí bồi thường được cấp từ ngân sách Nhà nước.

10. Kinh phí thực hiện chế độ đối với người được huy động:

a. Nguồn từ Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm xã hội:

- Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế đối với người được huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị thương quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính.

- Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả chế độ trợ cấp đối với người được huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị thương hoặc bị chết theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 3 và khoản 1, Điều 4 của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính.

b. Nguồn từ ngân sách Nhà nước:

- Ngân sách Trung ương đảm bảo bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chế độ đối với người được huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị thương, bị chết đủ điều kiện xét hưởng chính sách thương binh, như thương binh quy định tại Điều 5 hoặc được công nhận là liệt sỹ quy định tại Điều 6 của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính.

- Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

c. Nguồn từ đơn vị quản lý trực tiếp:

- Đơn vị quản lý trực tiếp chi trả các chế độ cụ thể như sau:

+ Đồng chi trả các chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3; chi phí khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT- BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính.

+ Trợ cấp theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 và khoản 2, Điều 4 của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính.

- Đối với đơn vị quản lý trực tiếp do ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thì kinh phí chi trả các chế độ tại điểm a, khoản 3, Điều 13 của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo phân cấp bố trí trong dự toán hàng năm của đơn vị. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

- Đối với đơn vị quản lý trực tiếp không do ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thì kinh phí chi trả các chế độ quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 13 của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính và được hạch toán vào chi phí hợp lý của đơn vị.

11. Chế độ thông tin, báo cáo:

a. Việc thông tin liên lạc giữa các cấp, các ngành được thực hiện bằng hệ thống thông tin vô tuyến, hữu tuyến và bằng lệnh huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy hoặc quyết định huy động lực lượng Dân phòng, lực lượng Phòng cháy, chữa cháy cơ sở, Chuyên ngành tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Từng bước hiện đại hóa công tác thông tin để đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

b. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, thống kê, bổ sung và điều chỉnh những thay đổi về lực lượng, phương tiện của đơn vị mình để tổng hợp, báo cáo định kỳ về cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì theo đúng quy định. Các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sơ kết, tổng kết), đột xuất về cơ quan cấp trên đúng quy định.

c. Các thông tin về sự cố cháy, nổ, tai nạn, sự cố thuộc phạm vi của cấp nào thì cấp đó phải báo cáo ngay bằng điện thoại trong thời gian sớm nhất hoặc bằng văn bản cho cơ quan chỉ đạo cấp trên và cơ quan chuyên trách chỉ đạo về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không quá 24 giờ sau khi sự cố cháy, nổ xảy ra.

d. Việc cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng về cháy, nổ, tai nạn, sự cố và kết quả chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo sự thống nhất và do Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ các cấp chịu trách nhiệm công bố.

12. Thi đua khen thưởng và xử lý kỷ luật:

a. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng và đảm bảo các quy định của pháp luật.

b. Cá nhân, tổ chức có hành vi gây cản trở, không chấp hành theo lệnh huy động phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc lợi dụng công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh:

a. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ bảo đảm sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin cháy, nổ, tai nạn, sự cố và chủ trì tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

b. Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh huy động lực lượng, phương tiện phù hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thực hiện công tác phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

c. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, rà soát và nắm chắc số lượng, chủng loại phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ làm căn cứ xây dựng phương án huy động theo từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế của các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn tỉnh.

d. Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong địa bàn tỉnh tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ theo các tình huống cơ bản có nhiều lực lượng tham gia nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố có thể xảy ra.

đ. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Bệnh xá Công an tỉnh và các lực lượng liên quan tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và cấp cứu kịp thời đối với các nạn nhân; phân công, bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị luôn chủ động sẵn sàng ứng phó, tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

e. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức điều tra xác định nguyên nhân xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố; tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa các tai nạn, sự cố có thể xảy ra.

f. Chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan tổ chức điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật khi để xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm tổ chức điều tra, khởi tố và xử lý đúng theo quy định pháp luật.

g. Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện tham gia hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền huy động theo cơ chế và thẩm quyền được quy định tại Kế hoạch này.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

a. Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc. Khi có lệnh huy động của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhanh chóng đến hiện trường phối hợp cùng Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tham gia thực hiện có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

b. Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện tham gia hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền huy động theo cơ chế và thẩm quyền được quy định tại Kế hoạch này.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc. Khi có lệnh huy động, nhanh chóng đến hiện trường phối hợp cùng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị có liên quan tham gia thực hiện có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các vụ cháy rừng.

b. Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện tham gia hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền huy động theo cơ chế và thẩm quyền được quy định tại Kế hoạch này.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a. Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc. Khi có lệnh huy động, nhanh chóng đến hiện trường phối hợp cùng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị có liên quan tham gia thực hiện có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ, phát tán và cháy, nổ hóa chất độc hại.

b. Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện tham gia hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền huy động theo cơ chế và thẩm quyền được quy định tại Kế hoạch này.

5. Sở Giao thông vận tải:

a. Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc. Khi có lệnh huy động, nhanh chóng đến hiện trường phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tham gia thực hiện có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố đường bộ, đường thủy; tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ trên ao, hồ, sông, suối, các công trình cầu, cống, đường, các đập chứa nước…

b. Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện tham gia hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền huy động theo cơ chế và thẩm quyền được quy định tại Kế hoạch này.

6. Sở Y tế:

a. Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc, khi có lệnh huy động của chỉ huy chữa cháy; huy động lực lượng y sĩ, bác sĩ, phương tiện cấp cứu, cơ số máu, cơ số thuốc cần thiết nhanh chóng đến hiện trường tổ chức sơ cứu ban đầu và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.

b. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện việc trưng cầu giám định mẫu ADN theo quy định khi có nạn nhân tử vong do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra mà chưa xác định được danh tính, chưa được gia đình nhận dạng trước khi mai táng; bảo quản và xác định danh tính nạn nhân tử vong do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra theo đúng quy định để bàn giao cho gia đình nạn nhân lo hậu sự.

c. Chỉ đạo các Trạm y tế xã, phường, thị trấn sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu kịp thời khi có nạn nhân.

d. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thực hiện việc mai táng các nạn nhân không xác định được danh tính bị tử vong do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra và có giải pháp vệ sinh làm sạch môi trường ở nơi xảy ra vụ việc.

7. Sở Công thương:

a. Khi có sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện tới hiện trường. Xác định rõ tính chất vật lý, tính chất nguy hiểm, độc tính và các tính chất nguy hại khác của hóa chất để cung cấp cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ để đảm bảo công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả.

b. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Xây dựng:

a. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, đề xuất hướng xử lý các công trình xây dựng, nhà xưởng, chung cư có nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố sập đổ, sạt lở. Chỉ định tổ chức giám định chất lượng công trình thuộc phạm vi quản lý để phục vụ cho công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân của tai nạn, sự cố.

b. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố khi có lệnh huy động của cấp có thẩm quyền.

9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a. Chỉ đạo các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu liên hợp thể thao thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, xây dựng nội quy, cảnh báo..., đồng thời phải có phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ khi có vụ việc xảy ra.

b. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố khi có lệnh huy động của cấp có thẩm quyền.

10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh.

b. Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an tỉnh, các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét đối với các chế độ, chính sách cho người trực tiếp tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

11. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với sở, ban ngành và các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

12. Sở Tài chính phối hợp với Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đôn đốc việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn kinh phí tại các địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật.

13. Sở Thông tin và Truyền thông:

a. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tự giác tham gia phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

b. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh (VNPT, Viettel, Mobifone...) ưu tiên và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng yêu cầu liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động.

14. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Công an tỉnh trong việc xây dựng và đưa các tin, bài, phóng sự tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nguy cơ gây cháy, hướng dẫn các biện pháp chữa cháy, tự thoát nạn và cứu người trong đám cháy; đồng thời thông tin nhằm định hướng dư luận về những sự cố cháy lớn xảy ra trên địa bàn.

15. Hội Chữ thập đỏ tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động tham gia cứu nạn, cứu hộ, sơ cứu, cấp cứu người bị nạn và khắc phục hậu quả khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra theo lệnh huy động của cấp có thẩm quyền.

16. Công ty Điện lực Kon Tum:

a. Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng liên quan triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn điện cho lực lượng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, người dân khu vực xảy ra sự cố; khẩn trương khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra.

b. Đảm bảo nguồn điện phục vụ cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

17. Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum:

a. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống các trụ nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh; rà soát, đề xuất lắp đặt mới các trụ nước chữa cháy tại các khu vực dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy lớn.

b. Tập trung lưu lượng, cột áp các trụ nước chữa cháy đô thị ở khu vực xảy ra cháy, đảm bảo lưu lượng và áp lực nước liên tục trên đường ống tại khu vực xảy ra cháy lớn.

18. Các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết để tham gia công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

19. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:

a. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn để người dân biết và phòng tránh.

b. Xây dựng phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng để sẵn sàng thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.

c. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tham gia công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra; tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá thiệt hại theo đúng quy định, kịp thời báo cáo và đề xuất cơ quan cấp trên các biện pháp xử lý, khắc phục.

d. Tiến hành rà soát, kiện toàn, củng cố lực lượng Dân phòng đảm bảo về số lượng và chất lượng, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố, cháy, nổ xảy ra trên địa bàn và tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn khác khi có yêu cầu.

đ. Quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết, phù hợp cho các lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của địa phương.

e. Hàng năm, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ, hàng năm (trước ngày 15/11) báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, chỉ đạo.

2. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổ chức rút kinh nghiệm về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh báo để các cơ quan, đơn vị và địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công ty Điện lực Kon Tum;
- Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NCLTD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 3785/KH-UBND ngày 21/10/2021 về huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


364

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.118.159
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!