ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3575/KH-UBND
|
Đồng
Nai, ngày 12 tháng 4 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2018
Căn cứ Nghị quyết số
185/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh,
bổ sung một số điều của Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND
tỉnh về việc thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến
năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2325/QĐ-UBND
ngày 25/7/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chương trình Bảo vệ môi trường tỉnh
Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch số 3055/KH-UBND ngày 04/4/2017 của
UBND tỉnh Đồng Nai về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2017;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế
hoạch bảo vệ môi trường năm 2018 trên địa bàn tỉnh như sau:
Phần I
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2017
I. VỀ CÁC CHỈ TIÊU
CHỦ YẾU:
Các chỉ tiêu về môi trường đều được
hoàn thành theo mục tiêu đề ra, cụ thể:
1. Đạt 100% các khu công nghiệp
(KCN) đang hoạt động trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải tập trung
(HTXLNTTT) đạt chuẩn môi trường
Đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh
có 32 KCN được thành lập, trong đó 31/32 KCN đã có dự án đi vào hoạt động
(riêng KCN Công nghệ cao Long Thành đang trong quá trình thu hồi đất, đầu tư
xây dựng hạ tầng) về cơ bản đã xây dựng hoàn thành HTXLNTTT, đạt 100%, đạt mục
tiêu so với Nghị quyết, với tổng công suất thiết kế là 166.070 m3/ngày.đêm
(tổng vốn đầu tư khoảng 1.763 tỷ đồng).
2. Chỉ tiêu 100% khu công nghiệp
có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động
Trong năm 2017, đã hoàn thành thủ tục
đầu tư lắp đặt 06 trạm quan trắc tự động nước thải tại 06 KCN: Nhơn Trạch 2 - Lộc
Khang, Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, Nhơn Trạch 6A, Giang Điền, Dầu Giây và Long
Khánh. Như vậy, đến cuối năm 2017, tỉnh có 25/25 KCN đủ nước thải để vận hành
liên tục hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động,
đạt 100% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết là 100%).
3. Chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải
(theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/01/2017 của Tỉnh ủy)
a) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế
phát sinh đạt 100%, khoảng 02 tấn/ngày (đạt chỉ tiêu Nghị quyết là 100%);
b) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải
nguy hại đạt 97%, khoảng 373,8 tấn/ngày (đạt chỉ tiêu Nghị quyết là 97%);
c) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn
công nghiệp không nguy hại đạt 100%, khoảng 1.317,7 tấn/ngày (đạt chỉ tiêu Nghị
quyết là 100%);
d) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn
sinh hoạt đạt 99%, khoảng 1.638 tấn/ngày (vượt so với mục tiêu Nghị quyết là
96%);
đ) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 29,76% (đạt
chỉ tiêu Nghị quyết là 29,76%); tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt
100% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết là trên 99%);
e) Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước
sạch đạt Quy chuẩn QCVN 02/2009/BYT đạt 65% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết là 65%).
g) Riêng tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn
sinh hoạt (sau khi xử lý) đến hết năm 2017 là 60% (chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết
là 15%)
II. CÔNG TÁC QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Công tác xây dựng, ban hành các
văn bản về quản lý bảo vệ môi trường
a) Trong năm 2017, UBND tỉnh đã trình
HĐND tỉnh ban hành 03 Nghị quyết:
- Nghị quyết số 63/2017/NQ-HĐND ngày
07/7/2017 quy định về phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đề án
bảo vệ môi trường chi tiết, phương án cải tạo phục hồi môi trường phương án cải
tạo phục hồi môi trường bổ sung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
- Nghị quyết số 68/2017/NQ-HĐND ngày
07/7/2017 quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
- Nghị quyết số 92/2017/NQ-HĐND ngày
08/12/2017 thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Nai đến năm
2020, định hướng đến năm 2030.
b) UBND tỉnh đã ban hành 02 Kế hoạch:
- Kế hoạch 833/KH-UBND ngày
25/01/2017 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ
tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.
- Kế hoạch số 3055/KH-UBND ngày 04/4/2017
về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2017.
2. Công tác tuyên truyền, giáo dục,
nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường
a) Về phổ biến văn bản quy phạm pháp luật:
Tổ chức 05 lớp tập huấn các văn với hơn 1.800 lượt người tham dự nhằm giúp toàn
thể cán bộ công chức, viên chức có hoạt động về quản lý môi trường nắm vững các
kiến thức và các yêu cầu cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước.
b) Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức
cộng đồng về bảo vệ môi trường:
- UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số
4192/KH-UBND ngày 08/5/2017 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần Lễ Đồng Nai
xanh; tổ chức Lễ mít tinh khai mạc Tuần lễ Đồng Nai xanh lồng ghép hưởng ứng
Ngày Môi trường thế giới 05/6 năm 2017. Đồng thời, đã tổ chức các hoạt động hưởng
ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2017 và triển khai hoạt động hưởng
ứng các tuần lễ BVMT trong năm 2017. Kết quả: Đã tổ chức 14 buổi mitting với gần
7.082 lượt người tham dự; thực hiện 93 xe cổ động; treo, phát 24.522 tờ rơi,
băng rôn, banner tại các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí
nghiệp và trên các tuyến đường giao thông chính của tỉnh. Triển khai phát động
151 đợt ra quân tổng vệ sinh; thu gom 27.244m3 rác; trồng mới và
chăm sóc hơn 11.645 cây xanh, bồn hoa; dọn dẹp vệ sinh, nâng cấp sửa chữa
1.642km đường giao thông; nạo vét 21.020m kênh mương.
- Tổ chức trên 300 lớp tập huấn về sử
dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và bảo vệ môi trường thu hút hơn 6000 lượt
người tham dự; tổ chức 88 cuộc thi, 32 hội nghị, treo 44 băng rôn, áp phích, cắm
346 bảng cấm lửa về công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
- Xây dựng các phim tài liệu, phóng sự
theo các chuyên đề về nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học cho người
dân; tổ chức chương trình truyền thông “Bảo vệ môi trường để phát huy giá trị
di tích danh thắng Quốc gia núi Chứa Chan” thu hút khoảng 500 lượt người tham dự.
Ngoài ra, thực hiện việc tuyên truyền
về các hoạt động bảo vệ môi trường đến học sinh khối tiểu học, trung học cơ sở
và trung học phổ thông thông qua các cuộc thi về bảo vệ môi trường; tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin, đại chúng và pano điện tử; tổ chức công khai
thông tin về diễn biến chất lượng môi trường theo định kỳ trên trang thông tin
điện tử. Qua đó, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường từng
bước được nâng lên.
3. Bảo vệ môi trường các khu vực
trọng điểm
a) Bảo vệ môi trường khu vực đô thị
Công tác bảo vệ môi trường khu vực đô
thị được quan tâm thực hiện, cụ thể đã triển khai các dự án như sau:
- Dự án hệ thống thoát nước và xử lý
nước thải trên địa bàn thành phố Biên Hòa
+ Tiếp tục thực hiện tiểu dự án xây dựng
trạm xử lý nước thải số 1, thành phố Biên Hòa, giai đoạn 1, công suất 9.500 m3/ngày,
hiện đã thực hiện vận hành chuyển giao công nghệ.
+ Dự án hệ thống thoát nước và xử lý
nước thải thành phố Biên Hòa, giai đoạn 1: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ
trương đầu tư dự án tại Quyết định số 2346/QĐ-TTg ngày 02/12/2016. Ngày
20/01/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án tại Quyết định số 246/QĐ-UBND. Ngày
31/8/2017, hiệp định vay vốn ODA của dự án Biên Hòa đã được ký kết giữa Cơ quan
hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Việt Nam với tổng giá trị 24,7 tỷ
Yên. Hiện đang thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn quốc tế. Dự
án sẽ giải quyết thoát nước và xử lý nước thải cho phạm vi diện tích 668ha qua
09 phường, bao gồm: Thanh Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng, Quang Vinh, Trung Dũng,
Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp, một phần phường Tân Tiến và nhánh Suối Linh, rạch
Diên Hồng.
+ Tiểu dự án chống ngập úng khu vực
xa lộ Hà Nội (đoạn qua bệnh viện Thánh Tâm): Tiểu dự án đã thực hiện hoàn thành
và đưa vào sử dụng. Tiểu dự án đã góp phần cải thiện tình trạng ngập ở khu vực
cây xăng Tân Hòa.
+ Dự án chống ngập úng suối Chùa, suối
Bà Lúa, suối Cầu Quan (nạo vét): Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định
số 259/QĐ-UBND ngày 20/01/2017. Hiện đã hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi
công lập dự toán xây dựng. Dự án nhằm tiêu thoát nước cho một phần phường Long
Bình, phường Long Bình Tân, xã Phước Tân và xã An Hòa.
+ Dự án xây dựng, cải tạo đoạn cống
thoát nước từ phía Công ty Nông súc sản Đồng Nai băng qua đường Nguyễn Ái Quốc
ra suối Săn Máu: Dự án đã hoàn thành công tác bồi thường và đang thi công đoạn còn
lại.
+ Dự án chống ngập úng tại khu vực
ngã 5 Biên Hùng, thành phố Biên Hòa: Dự án khởi công từ ngày 05/10/2017 và đang
được triển khai thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành giữa năm 2018.
+ Dự án Nạo vét Suối Săn Máu, thành
phố Biên Hòa: Dự án có chiều dài nạo vét là 6.192m, đến nay đã nghiệm thu đưa
vào sử dụng được 6.052m, chiếm 97,74% tổng chiều dài tuyến. Hiện nay, đang hoàn
thiện gói thầu xây lắp bổ sung dài 140m đoạn cuối tuyến tiếp giáp sông Cái (phường
Tân Mai).
Ngoài ra, còn một số dự án chống ngập
úng cục bộ do UBND thành phố Biên Hòa làm chủ đầu tư, bao gồm: Tuyến suối Linh
chiều dài khoảng 3,3km; tuyến suối Bà Bột, chiều dài khoảng 928m; tuyến suối
Tân Mai, chiều dài khoảng 1,1km. Sau khi thành phố Biên Hòa hoàn thành các dự
án thoát nước, xử lý nước thải và các dự án chống ngập úng cục bộ sẽ giải quyết
được tình trạng ngập úng, thu gom và xử lý được lưu lượng nước thải sinh hoạt
(khoảng 61.500m3/ngày) của dân cư trên địa bàn 09 phường nội ô của
thành phố, góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm đối với lưu vực sông Đồng Nai đoạn
chảy qua thành phố Biên Hòa, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường sống của
người dân và mỹ quan đô thị.
- Dự án hệ thống thoát nước và xử lý
nước thải trên địa bàn các huyện
+ Huyện Nhơn Trạch
Dự án tuyến thoát nước dải cây xanh:
Ngày 20/9/2017, HĐND tỉnh có Văn bản số 595/HĐND về việc thống nhất điều chỉnh
chủ trương đầu tư dự án, hiện đang thi công xây dựng công trình và thực hiện
công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án nạo vét kênh thoát nước cuối đường
số 2: Dự án đang triển khai thi công, đến nay tổng khối lượng thi công đạt khoảng
96%.
Dự án tuyến thoát nước từ KCN Nhơn Trạch
1 ra rạch Bà Ký: Ngày 27/10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số
3809/QĐ-UBND điều chỉnh dự án đầu tư, hiện đang tiếp tục lựa chọn nhà thầu thi
công xây dựng.
Dự án tuyến thoát nước từ cầu Suối Cạn
ra rạch Cái Sình: Ngày 27/10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số
3811/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án, hiện đang theo dõi công tác
phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn giai đoạn điều chỉnh bổ
sung dự án.
+ Huyện Long Thành
Dự án thi công xây lắp hệ thống thoát
nước khu vực suối Nước Trong: Đã hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công (đoạn điều
chỉnh) và dự toán - tổng dự toán công trình. Hiện đang tiến hành thi công nạo
vét đoạn từ cầu Tam An đến cuối tuyến, khối lượng thi công đạt 41%.
Dự án Hồ chứa nước chống lũ Lộc An,
huyện Long Thành: Trong năm 2017, đã triển khai thi công gói thầu số 1 (xây lắp).
Dự án sau khi xây dựng hoàn thành đảm bảo khả năng chống ngập úng cho khu vực hạ
lưu gồm một phần xã Lộc An và thị trấn Long Thành, đồng thời kết hợp tạo nguồn
nước tưới và môi trường tốt hơn cho khu vực xung quanh dự án.
+ Thị xã Long Khánh: Dự án hệ thống
thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thị xã Long Khánh. Ngày 23/8/2016,
UBND tỉnh đã có Văn bản số 7476/UBND-ĐT báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất
chủ trương đầu tư của dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Đơn vị
tư vấn đang triển khai Hợp đồng khảo sát xây dựng số 24/2017/HĐTV-UGCE ngày
02/10/2017 phục vụ công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công
trình.
+ Huyện Trảng Bom: Dự án tuyến thoát
nước suối Đá, đã hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng công trình.
Hiện đang theo dõi công tác thẩm định, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho
dự án.
+ Huyện Vĩnh Cửu: Dự án hệ thống
thoát nước khu vực trung tâm xã Thạnh Phú, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu
tư, hiện đang lập hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án.
- Đối với tình hình xây dựng các khu
xử lý (KXL) chất thải: Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 09 KXL chất thải theo
quy hoạch đã thu hút được 16 dự án đầu tư, cụ thể: Có 10 dự án tại 09 KXL đã tiếp
nhận, xử lý chất thải; 04 dự án tại 02 KXL đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng
và 02 dự án tại 02 KXL hiện ngưng tiếp nhận chất thải.
- Đối với công tác di dời các cơ sở
gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị
trên địa bàn tỉnh: Nhìn chung, công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh trong
năm 2017 còn chậm so với tiến độ, việc vừa đảm bảo hoạt động sản xuất tại vị
trí cũ mà vẫn bố trí được vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới là một
thách thức lớn đối với các doanh nghiệp di dời. Mặt khác, hầu hết các cụm công
nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết, chưa đầu tư hạ tầng hoàn
chỉnh, giá thuê cao là nguyên nhân khiến công tác di dời còn chậm.
- Triển khai các dự án xử lý nước thải
và chất thải phát sinh trong lĩnh vực y tế
+ Về xử lý chất thải rắn y tế
Tổng số lượng phát sinh chất thải của
các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh năm 2017 là 5.156 tấn. Trong đó các cơ sở khám
chữa bệnh có giường bệnh nội trú gồm 17 bệnh viện và 05 phòng khám đa khoa là
446 tấn; các trung tâm y tế và 171 trạm y tế xã, phường, thị trấn là 211 tấn và
các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân 295 tấn. Trong đó chất thải y tế nguy hại khoảng
02 tấn/ngày.đêm.
Tổng số lò đốt chất thải y tế trên địa
bàn tỉnh là 08 lò đốt, trong đó: 06 lò đốt đặt tại Bệnh viện tuyến huyện với tổng
công suất 1.900kg/ngày; 01 lò đốt tại huyện Cẩm Mỹ ngưng hoạt động do bị hư hỏng
nặng; 01 lò đốt xử lý chất thải phát sinh tại các cơ sở y tế thuộc khu vực
thành phố Biên Hòa của Công ty Cổ phần Môi trường Sonadezi với công suất xử lý
05 tấn/ngày. Hiện nay, chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế thuộc
khu vực thành phố Biên Hòa, bao gồm cả y tế công lập, y tế tư nhân được thu
gom, xử lý thông qua hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường Sonadezi.
+ Xử lý nước thải y tế
Lượng nước thải y tế phát sinh khoảng
5.076m3/ngày.đêm. Trong đó: 17 bệnh viện phát sinh khoảng 3.630m3/ngày.đêm;
các trung tâm y tế phát sinh khoảng 1.240m3/ngày.đêm; 171 trạm y tế xã
phát sinh khoảng 85,5m3/ngày.đêm, các cơ sở y tế tư nhân phát sinh
khoảng 120m3/ngày.đêm.
Hầu hết hệ thống xử lý nước thải tại
các bệnh viện, các trung tâm y tế và trạm y tế tuyến tỉnh đều có nước thải đầu
ra đạt quy chuẩn quy định; tuy nhiên, hiện nay 02 bệnh viện có hệ thống xử lý
nước thải đang xuống cấp gồm: Bệnh viện đa khoa thành phố Biên Hòa và Bệnh viện
Phổi Đồng Nai.
Ngoài ra, tại các bệnh viện và phòng
khám đa khoa thuộc các cơ sở y tế tư nhân đều đã được đầu tư hệ thống xử lý nước
thải y tế.
b) Bảo vệ môi trường khu công nghiệp,
cụm công nghiệp
- Bảo vệ môi trường khu công nghiệp
Ngoài nhiệm vụ quan trắc nước thải tại
các KCN trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, định
kỳ 01 năm 02 lần, Ban Quản lý các KCN phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến
hành kiểm tra, giám sát việc thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và
tình hình xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN, kết
quả giám sát như sau:
+ Tổng lượng nước thải phát sinh tại
31 KCN đang hoạt động khoảng 116.893 m3/ngày.đêm, trong đó: Lượng nước thải của
các doanh nghiệp thu gom đấu nối về các HTXLNTTT là 83.088 m3/ngày.đêm
(chiếm 71,08%); lượng nước thải của các doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực
tiếp là 33.685 m3/ngày.đêm (chiếm 28,82%); lượng nước thải còn lại của
các doanh nghiệp chưa đấu nối khoảng 120 m3/ngày.đêm (chiếm 0,1%).
+ Đến nay, tại 29 KCN đang hoạt động
(không tính KCN Ông Kèo do vướng bồi thường giải tỏa nên chưa xây dựng được tuyến
thu gom nước thải) chỉ còn 02 doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối nước thải vào
hệ thống thu gom nước thải tập trung của KCN; 02 doanh nghiệp có trước khi KCN
được thành lập và hiện nay đang thỏa thuận đấu nối xử lý nước thải với công ty
đầu tư hạ tầng KCN Bàu Xéo.
+ Riêng đối với 02 KCN Ông Kèo và Thạnh
Phú còn 11 doanh nghiệp chưa thể thực hiện đấu nối vì chưa có tuyến thu gom nước
thải của KCN.
- Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27
cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch, trong đó: 04/27 CCN đã xây dựng hạ tầng
tương đối hoàn chỉnh, 02/27 CCN đang triển khai xây dựng hạ tầng, 21/27 CCN
chưa tiến hành xây dựng hạ tầng.
+ 14/27 CCN đã thu hút 172 doanh nghiệp
đăng ký đầu tư; trong đó: 05/14 CCN đang hoạt động đã có thủ tục môi trường
(chiếm tỷ lệ 35,7%); 02/13 CCN chưa hoạt động đã có thủ tục môi trường.
+ Trong 172 doanh nghiệp đăng ký đầu
tư có khoảng 86 doanh nghiệp (chiếm 50%) tổng số doanh nghiệp đã thực hiện thủ
tục môi trường cho dự án. Hiện tại, 119/172 doanh nghiệp đăng ký đầu tư đã đi
vào hoạt động, trong đó: 28/119 doanh nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý
nước thải (24%); 91/119 doanh nghiệp đang hoạt động còn lại thì nước thải qua bể
tự hoại.
c) Bảo vệ môi trường nông thôn
- Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án
Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tạo điều kiện cho người dân nông
thôn được lắp đặt đồng hồ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp
nước tập trung; tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân tự bảo vệ sức khỏe,
làm sạch nguồn nước trước khi đưa vào sử dụng.
- Thực hiện chương trình cùng nông
dân bảo vệ môi trường triển khai ở tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng 03 mô hình thu gom chất thải rắn từ hoạt động trồng trọt.
- Đồng thời, đến cuối năm 2017, UBND
tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 128/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã
nông thôn mới đạt nông thôn mới kiểu mẫu (nâng cao) và 06 huyện đạt chuẩn nông
mới.
4. Công tác phòng ngừa, hạn chế và
khắc phục ô nhiễm môi trường
a) Ngành tài nguyên và môi trường
- Công tác quản lý tài nguyên nước:
+ Đã ban hành Danh mục vùng cấm khai
thác nước dưới đất, vùng cấm xây mới, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và
quy định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
+ Hoàn thành rà soát, kiểm tra, đánh
giá nhu cầu sử dụng nước sạch, tình hình cung cấp nước sạch và khai thác nước
ngầm hiện nay trên địa bàn 02 huyện Long Thành và Nhơn Trạch.
+ Thu hồi và giải phóng mặt bằng, bàn
giao việc bảo quản và giám sát 50/66 công trình giếng khoan quan trắc động thái
nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
- Công tác quản lý tài nguyên khoáng
sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác:
+ Trong năm 2017, đã tiến hành khảo
sát thực tế, đánh giá hiện trạng công tác bảo vệ môi trường và yêu cầu khắc phục
tình trạng ô nhiễm môi trường tại tất cả 34 mỏ trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc
lắp đặt camera truyền tải dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.
+ UBND tỉnh Đồng Nai đã ký kết quy chế
phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; ký Quy chế
phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và
Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài
nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh; ký kết Quy chế phối
hợp với Bộ Giao thông và Vận tải về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động
đối với các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong
vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước
thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.
+ Tiến hành thực hiện rà soát nhu cầu
sử dụng khoáng sản, so sánh đối chiếu với tổng lượng khoáng sản đã cấp phép
khai thác và lượng khoáng sản nhập từ ngoài tỉnh về. Trên cơ sở đó, tham mưu cấp
phép khai thác hợp lý nhằm đảm bảo lượng khai thác cung ứng phù hợp với nhu cầu
sử dụng thực tế trên địa bàn. Qua đó, giảm tình trạng khai thác khoáng sản cho
tương lai.
- Công tác quản lý, bảo vệ môi trường:
+ Trong năm 2017 đã hoàn thành rà
soát, lập danh sách các dự án có nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) và các dự
án có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đồng
thời, cũng đã yêu cầu 27 doanh nghiệp có quy mô xả thải lớn (1.000m3/ngày)
thực hiện lắp đặt quan trắc nước thải tự động. Đến nay, đã có 20/27 doanh nghiệp
thực hiện với tổng lưu lượng nước thải được giám sát hơn 58.000m3/ngày.đêm.
+ Năm 2017, đã có 03 cơ sở đã được chứng
nhận hoàn thành khắc phục, nâng tổng số cơ sở đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm
môi trường là 152/157 cơ sở (đạt 96,8%). Đối với 05 cơ sở còn lại, UBND tỉnh đã
chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý các KCN và các đơn
vị có liên quan theo dõi, giám sát, đôn đốc tình hình khắc phục ô nhiễm của các
cơ sở.
+ Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các
ngành, các cấp phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo việc giám sát 21 “điểm
nóng” ô nhiễm môi trường. Qua đó, đã yêu cầu các đơn vị này từng bước khắc phục
vi phạm và ô nhiễm môi trường, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý phù hợp.
+ Công tác quan trắc các thành phần
môi trường tiếp tục được duy trì (chất lượng nước mặt, chất lượng không khí, chất
lượng môi trường đất, động thái và môi trường nước dưới đất) để kịp thời theo
dõi, giám sát, cảnh báo về chất lượng môi trường. Chỉ đạo tiến hành thu mẫu và
phân tích nhanh mẫu nước thải đối với 1997 giếng tại khu vực ấp 4, ấp 5, xã Hiệp
Phước, huyện Nhơn Trạch và bước đầu triển khai việc thu mẫu, phân tích chuyên
sâu nước giếng, nước thải và mẫu đất để có cơ sở đánh giá toàn diện nguyên nhân
gây ô nhiễm và đề xuất giải pháp khắc phục. Thực hiện quan trắc Dioxin khu vực
phụ cận sân bay Biên Hòa, qua đó phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện dự án
“Đánh giá, khoanh vùng ô nhiễm dioxin khu vực xung quanh sân bay Biên Hòa” phục
vụ công tác tẩy độc trong thời gian tới.
+ Về công tác thẩm định, phê duyệt hồ
sơ môi trường: Tổng số hồ sơ “một cửa” đã tiếp nhận và xử lý đến ngày
31/12/2017 là 688 lượt hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt
99,4% hồ sơ, trễ hạn 04 lượt hồ sơ (tỷ lệ 0,6%).
+ Tiếp tục thực hiện công tác thu phí
bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với nước thải
(bao gồm nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp), tổng số phí thu được là
39.229.670.984 đồng. Ngoài ra, vẫn đang tiếp tục thực hiện thu phí bảo vệ môi
trường đối với chất thải rắn của các doanh nghiệp chưa thực hiện đến hết ngày
14/6/2015, tổng số phí thu được là 509.740.442 đồng.
+ Trong năm 2017, Quỹ Bảo vệ môi trường
tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định đối với 11 dự án với tổng số vốn là 25,5 tỷ đồng.
Cơ bản hoàn thành thu hồi nợ gốc đối với những dự án đến kỳ trả nợ, đạt 100% kế
hoạch. Tiếp nhận ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác
khoáng sản (đã tiếp nhận với số tiền là 16,3 tỷ đồng/26 dự án).
b) Ngành nông nghiệp
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám
sát các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tổ chức làm việc với các ngành đơn vị,
các trại chăn nuôi thống nhất các giải pháp khắc phục, xử lý tình hình hoạt động
về bảo vệ môi trường. Kết quả kiểm tra, tái kiểm tra, giám sát, theo dõi việc
khắc phục đối với 114/166 trại quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường có
78 trại (chiếm 68%) đã cơ bản xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải.
- Về thủy sản: Tiến hành kiểm tra
đánh giá xếp loại 15 cơ sở, trong đó 02 chỉ tiêu: Xây dựng và vận hành hệ thống
xử lý nước thải và thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải đúng quy định; Tiến
hành quan trắc, thu mẫu các khu vực trọng điểm nuôi trồng thủy sản tại huyện
Nhơn Trạch, Định Quán và thành phố Biên Hòa nhằm cảnh báo đến người dân các biện
pháp ứng phó với những biến động nếu có các chỉ tiêu môi trường nước vượt quá
giới hạn cho phép.
- Duy trì kiểm tra, kiểm soát việc sử
dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp; tổ
chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; kiểm
tra, rà soát, thống kê toàn bộ các hộ gia đình, các địa điểm nuôi nhốt động vật
hoang dã, hướng dẫn chủ hộ đăng ký trại nuôi động vật hoang dã; duy trì công
tác phòng chống dịch hại vật nuôi trên địa bàn tỉnh; kết hợp xử lý tiêu hủy gia
súc, gia cầm bị dịch bệnh đúng quy định, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường;
tỉnh đã quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, giết mổ tập
trung tại địa bàn các huyện để quản lý tốt vấn đề môi trường và kiểm soát dịch
bệnh trong hoạt động chăn nuôi; tiếp tục triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh
tranh ngành chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai (Lifsap) do
Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.
c) Ngành công thương
- Tổ chức 02 lớp “Tập huấn, huấn luyện
lực lượng ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017 -
2020” cho các học viên đến từ cơ quan quản lý nhà nước các tỉnh, huyện, xã và
các doanh nghiệp hoạt động hóa chất.
- Triển khai thực hiện Đề án điều chỉnh
“Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường về hóa chất độc hại trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai đến năm 2020”. Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở hoạt
động hóa chất cập nhật, thực hiện và chủ động xây dựng biện pháp phòng ngừa và
phối hợp tham gia ứng phó sự cố môi trường về hóa chất độc hại theo thẩm quyền.
- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của
Kế hoạch Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp năm 2017 trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai, tạo được điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các quy
trình sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên,
nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia
tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và
bảo đảm phát triển bền vững.
d) Ngành khoa học và công nghệ
Triển khai dự án Dự án “Nghiên cứu khả
năng ngập tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh biến đổi khí hậu” và tổ chức Hội đồng
Khoa học và Công nghệ xét duyệt thuyết minh đối với 02 dự án: (1) “Đánh giá
tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đến lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi
trường nông thôn tỉnh Đồng Nai và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực ứng phó”;
(2) “Nghiên cứu phương pháp định lượng và ước tính phát thải khí nhà kính cho
các ngành kinh tế trọng điểm của Đồng Nai”.
III. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
1. Những kết quả đạt được
Trong năm 2017, các nhóm chỉ tiêu cơ
bản về môi trường đều đạt và vượt so với mục tiêu Kế hoạch đề ra, các nhiệm vụ,
dự án về bảo vệ môi trường đã được triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến
độ, hiệu quả.
a) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn
sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải rắn nguy hại và
chất thải y tế đều đạt và vượt các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 06/NQ-TU của Tỉnh
ủy.
b) Hoạt động truyền thông nâng cao nhận
thức cộng đồng về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh và tăng cường, kết quả từ các
hoạt động giáo dục truyền thông, nhận thức các cấp, các ngành và ý thức bảo vệ
môi trường của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng đã có những chuyển biến rõ
rệt, góp phần tích cực thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
c) Đã tập trung cho công tác phòng ngừa
và kiểm soát ô nhiễm, công tác quản lý chất thải đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt,
đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý theo quy hoạch; nước thải công nghiệp
đã được xử lý và kiểm soát chặt chẽ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
giám sát các cơ sở sản xuất, khai thác khoáng sản, chăn nuôi... góp phần hạn chế
nguồn ô nhiễm môi trường.
d) Việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện
chất lượng môi trường thực hiện có hiệu quả, các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường
đã được kiểm tra, giám sát thường xuyên.
đ) Việc triển khai thực hiện dự án tổng
thể về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học, công tác trồng rừng và bảo vệ rừng
được đẩy mạnh, đã góp phần gìn giữ đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ở mức
ổn định.
e) Công tác quan trắc các thành phần
môi trường luôn được quan tâm, kịp thời phản ánh chất lượng môi trường để các cấp
chính quyền ra quyết định quản lý, công khai cảnh báo cộng đồng về chất lượng
môi trường để có những biện pháp thích ứng phù hợp.
g) Quan tâm đầu tư nâng cao năng lực
quan trắc, nhất là quan trắc tự động liên tục để theo dõi chặt chẽ diễn biến chất
lượng môi trường.
2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công
tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại
nhất định, như:
a) Chưa hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ
chôn lấp chất thải sinh hoạt dưới 15%. Nguyên nhân do lộ trình thu gom, xử lý
chất thải sinh hoạt, giảm tỷ lệ chôn lấp của các chủ xử lý có thời gian khác
nhau. UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều
chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản phúc đáp; dự án đầu tư nhà máy đốt rác
thu hồi điện năng tại Khu xử lý Vĩnh Tân dự kiến xử lý khối lượng lớn rác thải
sinh hoạt trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa vẫn đang trong thời
gian thu hút đầu tư, dự kiến đến năm 2019 đi vào hoạt động mới có thể đưa tỷ lệ
chôn lấp dưới 15% như Nghị quyết đề ra.
b) Các KCN đang hoạt động về cơ bản
đã hoàn thành xây dựng 100% HTXLNTT, tuy nhiên còn 02 KCN chưa hoàn thành tuyến
thu gom nước thải do chưa hoàn tất việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (KCN
Ông Kèo, KCN Thạnh Phú).
c) Tình hình thu gom, xử lý bao thuốc
bảo vệ thực vật chưa triệt để, vẫn còn tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến tình trạng thuốc bảo vệ thực vật lẫn trong đất,
theo nước mưa xuống các vùng trũng gây ô nhiễm môi trường.
d) Công tác thanh tra, kiểm tra đã được
tăng cường nhưng trên địa bàn có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường,
xả đổ chất thải không đúng nơi quy định. Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ phát
triển đô thị, công nghiệp cao tạo nên áp lực lớn đến môi trường, hạ tầng về môi
trường không theo kịp, đáp ứng nhu cầu phát triển; lực lượng công chức làm công
tác bảo vệ môi trường, thanh tra, kiểm tra về môi trường còn ít về số lượng.
Phần II
KẾ HOẠCH BẢO VỆ
MÔI TRƯỜNG NĂM 2018
I. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU
1. Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ
môi trường trên địa bàn tỉnh; cụ thể hóa những nội dung, công tác bảo vệ môi
trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 theo Nghị quyết số 185/2015/NQ-HĐND
ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số điều của Nghị quyết số
125/2008/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2008 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề
án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến
năm 2020 để tập trung thực hiện.
2. Thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết
của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018; xác định cụ
thể công việc, phân công trách nhiệm và giải pháp thực hiện.
3. Kế hoạch phải được triển khai thực
hiện kịp thời, đồng bộ; quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc,
đồng thời theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện.
II. CÁC CHỈ TIÊU
CHỦ YẾU
Trong năm 2018, về công tác bảo vệ
môi trường trên địa bàn tỉnh, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu sau:
1. Thu gom và xử lý chất thải y tế đạt
100%; chất thải nguy hại đạt 98%; chất thải công nghiệp không nguy hại đạt
100%; chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% trong đó, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp đạt dưới
50%;
2. Tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt
động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đạt
100%; khu công nghiệp có nước thải ổn định lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải
tự động đạt 100%.
3. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt
29,76%.
4. Duy trì tỷ lệ số dân được sử dụng
nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch theo
Quy chuẩn QCVN 02/2009/BYT là 70%.
III. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Công tác xây dựng, ban hành các
văn bản về quản lý bảo vệ môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì,
phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố
Biên Hòa: Tiếp tục tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014, rà soát các
văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường do HĐND,
UBND tỉnh ban hành không còn phù hợp để đề xuất bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi phù hợp
với các quy định mới về môi trường.
2. Công tác tuyên truyền, giáo dục,
nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và
thành phố Biên Hòa: Triển khai các hoạt động hưởng ứng các tuần lễ bảo vệ môi
trường và các ngày lễ kỷ niệm ngành tài nguyên môi trường; tiếp tục tổ chức hoạt
động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường năm 2018
theo Chương trình Liên tịch được ký kết; triển khai thực hiện các dự án thành
phần thuộc Dự án tổng thể về truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường;
tổ chức tập huấn, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
và tài nguyên; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng và
an toàn sinh học.
Đồng thời, thực hiện công khai thông
tin về diễn biến chất lượng môi trường theo định kỳ về kết quả xử lý vi phạm pháp
luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân, phân loại các cơ sở gây ô
nhiễm môi trường nghiêm trọng để cộng đồng cùng giám sát, kiểm tra.
3. Bảo vệ môi trường các khu vực
trọng điểm
a) Bảo vệ môi trường khu vực đô thị
- Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh
Đồng Nai chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã
Long Khánh và thành phố Biên Hòa hoàn thành các dự án cải tạo kênh mương, đoạn
sông suối đã bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung. Theo
dõi, giám sát việc xây dựng và hoạt động của các dự án trong các khu xử lý chất
thải.
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp
với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên
Hòa: Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xử lý việc di dời các cơ sở có quy mô báo cáo
đánh giá tác động môi trường; tiếp tục thực hiện các nội dung công việc theo
phân công chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 1631/QĐ-UBND ngày 04/6/2014
(di dời đợt 1) và Quyết định số 2572/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 (di dời đợt 2);
theo dõi công tác bảo vệ môi trường đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn tập
trung gắn với tái chế chất thải, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn các huyện
theo quy hoạch; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các khu xử lý nước thải,
chất thải rắn tập trung tại các đô thị; giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân
thực hiện xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và chất thải y tế.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và
thành phố Biên Hòa thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi vào các vùng quy hoạch
khuyến khích phát triển chăn nuôi.
- Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở,
ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tập
trung triển khai các dự án xử lý nước thải và chất thải rắn phát sinh trong
lĩnh vực y tế, gồm:
+ Tăng cường phổ biến các quy định của
Nhà nước và của ngành y tế cho các cơ sở y tế, kể cả cơ sở y tế tư nhân về công
tác bảo vệ môi trường và xử lý chất thải y tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra
việc xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế tư nhân, thực hiện chuyển chất thải
cho các đơn vị có chức năng để xử lý theo đúng quy định.
+ Các bệnh viện, trung tâm y tế thường
xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và duy trì hoạt động hệ thống xử lý nước thải theo
quy định. Phối hợp các ban ngành giám sát chất lượng của các công trình xử lý
chất thải tại các bệnh viện.
+ Phối hợp với Công ty Cổ phần Môi
trường Sonadezi thực hiện dự án xây mới lò đốt rác y tế tại thành phố Biên Hòa
đảm bảo duy trì việc xử lý rác y tế đạt 100%.
b) Bảo vệ môi trường khu công nghiệp,
cụm công nghiệp
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp, các sở, ban, ngành liên quan: Tổ
chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập
trung của các KCN đang hoạt động; tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc đấu nối nước
mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong các KCN; tăng cường kiểm tra hoạt động
thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp
trong KCN; giám sát việc xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các
doanh nghiệp trong KCN; hoàn thành lắp đặt 06 trạm quan trắc tự động nước thải
tại 06 KCN: Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang, Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, Nhơn Trạch 6A,
Giang Điền, Dầu Giây và Long Khánh.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với
UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa giám sát, đôn đốc các
chủ đầu tư cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp hoàn thành
lập thủ tục môi trường, đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy
định.
c) Bảo vệ môi trường nông thôn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long
Khánh và thành phố Biên Hòa:
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các công
trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn theo Chương trình nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 11/01/2012 của
UBND tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch
97-KH/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó tiếp tục triển
khai thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 -
2020.
- Chủ động thực hiện công tác phòng
chống dịch hại vật nuôi, kết hợp với việc xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm đúng
quy định, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường.
- Nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm
môi trường tại các điểm phát sinh chất thải nguy hại ở các hợp tác xã sản xuất
nông nghiệp theo hướng GAP; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh, sử
dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
- Tiếp tục các biện pháp bảo vệ môi động
vật hoang dã; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý bảo vệ
rừng giữa các chủ rừng với chính quyền địa phương sở tại.
4. Công tác phòng ngừa, hạn chế và
khắc phục ô nhiễm môi trường
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và
thành phố Biên Hòa:
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số
833/KH-UBND ngày 25/01/2017 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số
25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; thực hiện
Nghị quyết số 185/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh điều chỉnh bổ sung
Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND thông qua đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
- Tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền
thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường năm 2018; đồng thời tiếp
tục triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình liên tịch giai
đoạn 2016 - 2020.
- Triển khai thực hiện quan trắc các
thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh theo mạng lưới quan trắc đã được UBND tỉnh
phê duyệt; vận hành 27 trạm quan trắc tự động liên tục nước mặt, không khí và
nước thải trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục triển khai kế hoạch hành động
khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Đồng Nai
giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2020.
- Triển khai kế hoạch liên tỉnh/thành
về phối hợp triển khai hoạt động vớt, xử lý lục bình khai thông dòng chảy trên
sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông và các kênh, rạch giáp ranh kết nối
giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây
Ninh.
- Thực hiện các biện pháp tăng cường
cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, đặc biệt
là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng
sông theo Quy chế phối hợp số 37/QCPH-TPHCM-BRVT-DN-BD-TN-LA-TG-BP-LD ngày
06/01/2017 về Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên
khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa
thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương,
tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng.
- Thực hiện thu thập dữ liệu, đánh
giá hiện trạng, lập đề cương dự án kiểm kê, cập nhật tài nguyên đa dạng sinh học,
xây dựng mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học tỉnh Đồng Nai; đồng thời tiếp tục
thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học
và an toàn sinh học.
- Thực hiện chặt chẽ, đúng quy định về
thẩm định, phê duyệt các thủ tục môi trường. Tiếp tục kiểm tra việc thu gom, vận
chuyển và xử lý chất thải nguy hại của các đơn vị được cấp phép thu gom, xử lý
chất thải nguy hại liên tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh; kiểm tra tiến độ xây
dựng và vận hành các khu xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại theo quy hoạch,
đảm bảo tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt dưới 50%.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra,
giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện phân
loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường
hoạt động kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng và ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và chứng nhận khắc phục
ô nhiễm, đồng thời xử lý và tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất đối với các cơ
sở cố tình không khắc phục theo quy định.
- Tiếp tục điều tra, cập nhật dữ liệu
nguồn thải trên địa bàn tỉnh, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận.
- Thực hiện công tác thu phí về bảo vệ
môi trường và hỗ trợ vốn cho các dự án bảo vệ môi trường:
+ Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối
với nước thải công nghiệp theo Nghị định số 25/2013/NĐ-CP của Chính phủ phấn đấu
đạt 37 tỷ đồng.
+ Hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị vay vốn,
tiếp nhận, thẩm định và cho vay 100% các hồ sơ dự án đủ điều kiện thuộc đối tượng
cho vay; cấp đủ 100% vốn vay theo tiến độ thực hiện của dự án; đảm bảo thu hồi
nợ gốc các dự án đến kỳ trả nợ khoảng 18 tỷ đồng/30 dự án; tiếp nhận, quản lý
tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản
khoảng 5,7 tỷ đồng/33 dự án; tài trợ cho các chương trình, dự án về bảo vệ môi
trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với kinh phí khoảng 100 triệu đồng, được
trích từ nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường
trong khai thác, sử dụng tài nguyên:
+ Tiếp tục triển khai dự án điều tra,
đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh, qua đó lập danh mục các nguồn
nước cần lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thu hồi đất và giải phóng mặt
bằng đối với 11 công trình giếng khoan mới trên địa bàn các huyện: Định Quán,
Tân Phú, Thống Nhất, Cẩm Mỹ; tiếp tục rà soát các trường hợp khai thác nước dưới
đất trên địa bàn huyện Long Thành và Nhơn Trạch đến nay đã có nguồn nước mặt
cung cấp đề xuất.
+ Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị
số 14-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn
tỉnh, trong đó: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cải tạo phục hồi môi trường
đối với các dự án khai thác khoáng sản nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn các
hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để ngăn ngừa, hạn chế tác động
đến môi trường.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long
Khánh và thành phố Biên Hòa:
- Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và
kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên địa bàn tỉnh.
- Nhân rộng mô hình phân loại, thu
gom, vận chuyển và xử lý giảm thiểu chất thải nguy hại từ các cơ sở kinh doanh,
các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP và các xã nông thôn mới trên
địa bàn tỉnh.
- Thực hiện hiệu quả các biện pháp
phòng, chống cháy rừng, nhất là rừng đầu nguồn xung yếu và rừng phòng hộ; tăng
cường công tác bảo vệ Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai; tăng cường việc trồng rừng
và giữ mức độ che phủ của rừng nhằm đảm bảo việc giữ nước, tiêu thoát nước, chống
xói mòn, sạt lở. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có điều kiện
thành lập trung tâm cứu hộ các loài động thực vật rừng, góp phần phát triển
thêm nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng.
c) Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về hóa
chất và bảo vệ môi trường ngành công thương; giám sát các hoạt động diễn tập ứng
phó sự cố hóa chất các doanh nghiệp.
d) Sở Y tế: Tăng cường kiểm tra việc
xử lý chất thải y tế của các cơ sở y tế theo đúng quy định. Theo dõi, giám sát,
đánh giá và chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải y tế.
đ) Sở Xây dựng: Chủ trì, hướng dẫn kiểm
tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng
kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải đô thị.
e) Sở Giao thông - Vận tải: Chủ trì
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt
động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hoạt động giao thông vận tải; phối
hợp quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông đường thủy đảm bảo môi trường,
nguồn nước.
g) Sở Khoa học và Công nghệ: Triển
khai dự án Dự án “Đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đến lĩnh vực
nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đồng Nai và đề xuất giải pháp
nâng cao năng lực ứng phó” và “Nghiên cứu phương pháp định lượng và ước tính
phát thải khí nhà kính cho các ngành kinh tế trọng điểm của Đồng Nai”.
h) Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì,
phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục đưa nội dung giáo dục môi
trường vào chương trình giáo dục cấp phổ thông, cấp tiểu học.
i) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chủ trì tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn việc thực hiện bảo vệ môi trường
trong hoạt động du lịch.
k) Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ
trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn,
phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường qua công tác báo chí, xuất bản,
phát thanh, truyền hình.
l) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu
UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư cho các dự án liên quan đến công tác bảo vệ
môi trường trên địa bàn tỉnh.
m) Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa bố
trí nguồn kinh phí phù hợp, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường
trong từng năm; chủ trì, xây dựng đơn giá dịch vụ chất thải rắn, phí vệ sinh
môi trường của chất thải rắn thông thường.
n) Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng
tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị quản lý, sử dụng vốn để
thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh và thực hiện chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến kết thúc
xây dựng, đưa dự án vào khai thác sử dụng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.
o) UBND các huyện, thị xã Long Khánh
và thành phố Biên Hòa: Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ
môi trường trên địa bàn; phối hợp với các Sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác
tuyên truyền bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện các dự án có liên quan về
công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn; chịu trách nhiệm về chỉ tiêu thu gom
và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ
tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa căn cứ theo chức năng,
nhiệm vụ và phạm vi quản lý được phân công tại Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn
2016 - 2020 và Kế hoạch này tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị.
2. Căn cứ kế hoạch, các sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm
xây dựng kế hoạch cụ thể bảo vệ môi trường năm 2018 và chủ động xây dựng các
chương trình, đề án, dự án đã được phân công tại địa phương.
3. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm đánh giá, báo cáo kết quả
thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2018 về UBND tỉnh, đồng
gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường giúp
UBND tỉnh làm đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp báo
cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch bảo vệ môi trường
năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã
Long Khánh và thành phố Biên Hòa căn cứ nội dung kế hoạch triển khai thực hiện./.
(Đính kèm: Phụ lục danh mục nhiệm vụ,
dự án bảo vệ môi trường năm 2018)./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi
trường (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TX. Long Khánh, TP Biên Hòa;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng
Nai;
- Chánh, Phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, CNN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Chánh
|