ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2708/KH-UBND
|
Quảng Bình, ngày
28 tháng 12 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI MỘT SỐ NGHỀ KHAI THÁC HẢI SẢN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGUỒN LỢI VÀ
MÔI TRƯỜNG SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2030, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2045
- Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;
- Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản
ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái;
- Căn cứ Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050;
- Căn cứ Quyết định số 2888/QĐ-BNN-TS ngày
19/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi
một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái;
- Căn cứ Kế hoạch số 2520/KH-UBND ngày 11/11/2021 của
UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề
án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường
sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 20231- 2030, tầm nhìn đến năm
2045 như sau:
I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2045
1. Mục tiêu đến năm 2030
1.1. Mục tiêu chung
Chuyên đôi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng
lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh
hưởng ít hơn hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác thủy sản để từng bước
cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi
thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong
khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư
dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập bảo đảm cuộc sống sau khi
chuyển đổi nghề.
1.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến năm 2025
- Chuyển đổi 290 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ
(Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét) và 40 tàu cá hoạt động ở
vùng lộng (Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét) đang làm
khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản,
nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển.
- Chuyển đổi 50 tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi,
trong đó tập trung chuyển đổi các tàu làm nghề lưới kéo, rê thu ngừ sang các
nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần.
- Tập huấn, đào tạo nghề cho 1.100 ngư dân có tàu
cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.
b) Giai đoạn từ năm 2026 - 2030
- Chuyển đổi 390 tàu cá hoạt động ở vùng ven bờ
(Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét), và 60 tàu cá hoạt động
ở vùng lộng (Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét) đang làm
khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản,
nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển.
- Chuyển đổi 80 tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi,
trong đó tập trung chuyển đổi các tàu làm nghề lưới kéo, rê thu ngừ sang các
nghề lông bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ
nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí.
- Tập huấn, đào tạo nghề cho 1.600 ngư dân có tàu
cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.
2. Tầm nhìn đến năm 2045
Cơ bản hoàn thiện việc chuyển tàu cá làm nghề khai
thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi hải sản, môi trường, hệ sinh thái của
các vùng biển; góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao hiệu quả quản lý đội
tàu cá, ổn định đời sống của ngư dân; tham gia chủ động, có trách nhiệm để phát
triển hiệu quả, bền vững ngành khai thác thủy sản.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác truyền thông
- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo nhân rộng
các mô hình nghề cá giải trí; các mô hình chuyển đổi từ nghề lưới kéo, nghề rê
thu ngừ sang các nghề khác đạt hiệu quả để người dân biết và tổ chức triển khai
thực hiện; Hướng dẫn các quy trình mới, đào tạo nghề, tuyên truyền về tác hại của
việc khai thác hủy diệt và khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, thường xuyên
tuyên truyền ngư dân không khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước
ngoài.
- Tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân ứng dụng các mẫu
tàu mới phù hợp với khai thác hải sản vùng biển khơi, tiến tới thay thế tàu vỏ
gỗ bằng vật liệu phù hợp; Ứng dụng ngư cụ, phương pháp khai thác tiên tiến thân
thiện với môi trường để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; Sử
dụng các tiến bộ về dự báo ngư trường, mùa vụ khai thác; chuyển giao các máy
móc thiết bị mới, ít tốn nguyên liệu để giảm chi phí nhằm nâng cao sản lượng khai
thác và hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
2. Tăng cường quản lý nhà nước
về khai thác thủy sản
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số
2520/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển
thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết
định số 4921/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện
Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 20/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực
hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về
“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045”; thực hiện tốt Quy hoạch phát triển thủy sản trong Quy hoạch tỉnh Quảng
Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định tiêu chí đặc
thù và Quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải
hoán, thuê, mua tàu cá đã được UBND tỉnh ban hành và tuân thủ các nội dung chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 đối với
việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá; Không bổ sung các nghề khai thác hải
sản có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển
nghề khai thác thủy sản của trung ương và địa phương; Tạm dừng cấp văn bản chấp
thuận cho đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá đối với tàu cá làm nghề cấm, nghề
hạn chế phát triển theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm, không cấp giấy
phép khai thác thủy sản cho các tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bản chấp
thuận cải hoán đóng mới tàu cá.
- Thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản tại
vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh Quảng Bình để xác định hạn ngạch giấy
phép khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, vùng lộng theo quy định của Luật Thủy
sản 2017. Quản lý chặt việc thực hiện theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản
do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định đối với nhóm tàu khai thác
vùng khơi và của tỉnh ban hành đối với nhóm tàu khai thác vùng lộng và vùng ven
bờ, để đảm bảo đội tàu về ngưỡng bằng khoảng 60% số tàu cá hoạt động tại vùng
ven bờ, khoảng 70% số tàu cá hoạt động tại vùng lộng, khoảng 90% số tàu cá hoạt
động tại vùng khơi so với thời điểm khi bắt đầu thực hiện Kế hoạch.
- Thành lập lực lượng kiểm ngư, tổ chức kiểm soát
các hoạt động khai thác hải sản, thực thi pháp luật trên các vùng biển quản lý;
Ngăn chặn, xử lý tàu không có giấy phép, giấy phép hết hạn, hoạt động không
đúng với nội dung của giấy phép tham gia vào khai thác thủy sản.
- Kiểm soát, giám sát chặt chẽ sản lượng khai thác
được từ đội tàu theo quy định khi tàu cá cập cảng bốc dỡ sản phẩm.
3. Cơ chế, chính sách
- Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát
triển thủy sản của Trung ương như: Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai
thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa;
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng
phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày
07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
55/2015/NĐ-CP ; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế,
chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tranh
thủ sự giúp đỡ hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá.
- Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển
sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản hàng năm; Chương trình khuyến
nông trên địa bàn và một số nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình dự án khác.
- Xây dựng thí điểm, nhân rộng và chuyển giao mô
hình chuyển đổi nghề nghiệp, ưu tiên các mô hình chuyển đổi tạo được nhiều việc
làm cho lao động. Lựa chọn các nghề yêu cầu kỹ thuật dễ học, dễ thực hành phù hợp
với trình độ học vấn của ngư dân.
- Xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ cho ngư dân
chuyển đổi nghề từ các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy
sản, môi trường và hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với
môi trường gắn với hiện đại hóa tàu cá hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác
thủy sản thác phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế xã
hội của địa phương.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ; nguồn ngân
sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các sở, ban, ngành,
đơn vị, địa phương; các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan theo quy
định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Nguồn vốn tài trợ, viện trợ và huy động của các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật nhằm đầu tư, phát
triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của
Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Kế hoạch này và tình hình thực tế tại địa
phương để triển khai thực hiện và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân
chuyển đổi nghề khai thác hải sản phù hợp, có hiệu quả.
- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và các địa
phương phối hợp tốt với các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thực hiện tốt Kế hoạch; định kỳ hàng năm tổng hợp và báo cáo kết quả thực
hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ
sung Quy định về tiêu chí đặc thù và Quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn
bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng
Bình để phù hợp với quy định tại Quyết định số 208/QĐ-TTg và tình hình thực tế
tại địa phương.
- Tham mưu chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác
thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang
các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh
vực khai thác sau khi Trung ương ban hành chính sách, đồng thời thực hiện hiệu
quả các dự án, chính sách khác của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi nghề khai
thác hải sản.
- Tham mưu hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra tình hình thực
hiện Kế hoạch của các địa phương, đơn vị; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả thực
hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối
hợp với các sở ngành, địa phương tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho ngư dân có
tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Theo chức
năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều
chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí thực hiện; tranh thủ sự giúp đỡ
của các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để tham mưu lồng ghép bố
trí nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch; đồng thời tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu
tư các dự án phục vụ chuyển đổi nghề khai thác hải sản, phát triển khoa học kỹ
thuật, công nghệ khai thác, các ngành kinh tế biển nhằm thu hút lao động, giải
quyết việc làm cho ngư dân ven biển.
5. Các sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Khoa học
và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối
hợp, tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch có liên quan đến ngành, lĩnh vực
được phân công phụ trách.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội
Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động hội
viên vùng ven biển biết, đồng thuận, tham gia quá trình chuyển đổi một số nghề
khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các
huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực
hiện nếu có vướng mắc, kịp thời thông tin về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Cơ quan, đơn vị, địa phương có tên ở Mục IV;
- VPUBND tỉnh;
- Chi cục Thủy sản;
- Lưu: VT, CVNN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Ngọc Lâm
|