ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 193/KH-UBND
|
Bình Định, ngày
18 tháng 11 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 327/QĐ-TTG NGÀY 10/3/2022
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ
BỀN VỮNG, HIỆU QUẢ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Thực hiện Quyết định số
3817/QĐ-BNN-LN ngày 12/9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc
ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu
quả giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực
hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn
2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định, với các nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Triển khai thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững,
hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
b) Phát triển ngành công nghiệp
chế biến gỗ của tỉnh thành một ngành công nghiệp bền vững, hiệu quả, theo chuỗi
giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm
nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ.
2. Yêu cầu
a) Xác định rõ các nội dung,
nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế của địa
phương, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để triển khai thực
hiện Đề án một cách đồng bộ, hiệu quả.
b) Kế hoạch cần có sự tham gia
của các sở, ngành và địa phương có liên quan; các doanh nghiệp liên quan đến chế
biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Hoàn thiện hệ thống chính sách:
Tham gia đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về
lâm nghiệp, chế biến và thương mại lâm sản.
2. Phát triển cơ sở hạ tầng, mở
rộng quy mô sản xuất: Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ
tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển.
3. Phát triển các nhóm sản phẩm
gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên
thị trường. Tập trung ưu tiên phát triển, sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm
chính sau: Nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất (bàn ghế, giường, tủ, bếp, bàn trang
trí, giá, kệ sách…), nhóm sản phẩm đồ gỗ ngoài trời (ghế xích đu, cầu trượt, dù
che nắng,...), nhóm sản phẩm nhựa đan, nhóm sản phẩm gỗ ván nhân tạo.
4. Phát triển thị trường thương
mại gỗ và sản phẩm gỗ: Tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm có
nhiều tiềm năng, lợi thế tại thị trường trong nước và tại các thị trường xuất
khẩu chính gồm: Mỹ, các nước khối CPTTP, Hàn Quốc, các nước khối EVFTA, các nước
khối RCEP, Anh và các nước Châu Âu khác.
5. Ứng dụng khoa học công nghệ:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa trong chế biến,
bảo quản gỗ; công nghệ sản xuất sử dụng phế liệu, phụ phẩm lâm nghiệp; các công
nghệ mới tạo ra các loại sản phẩm chất lượng cao. Ứng dụng hệ thống quản lý điều
hành sản xuất kinh doanh bằng các phần mềm quản lý tiên tiến, giảm thiểu việc sử
dụng nhân công; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ngành công nghệ chế biến gỗ để
hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn công nghệ, quyết định đầu tư, đổi mới và chuyển
giao công nghệ.
6. Phát triển nguồn nhân lực: Đẩy
mạnh hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước
trong đào tạo nguồn nhân lực ngành chế biến gỗ; tăng cường cung cấp thông tin
cho các doanh chế biến gỗ về các quy định kiểm soát gỗ hợp pháp; các biện pháp
phòng vệ thương mại.
7. Phát triển nguồn nguyên liệu
gỗ hợp pháp: Thực hiện việc trồng rừng sản xuất thâm canh, nâng cao năng suất,
chất lượng rừng, đáp ứng từ 80% trở lên nhu cầu nguyên liệu gỗ cho sản xuất, chế
biến; quản lý, giám sát chất lượng nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp đạt
trên 95%; sử dụng giống tốt, cây giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ
rõ ràng, có hồ sơ quản lý giống; tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến
gỗ với các chủ rừng, hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung; tăng năng suất,
chất lượng rừng trồng đạt bình quân 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và đạt
22 m3/ha/năm vào năm 2030; tăng độ tuổi khai thác rừng trồng trên 5
năm. Tổ chức có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trồng rừng
gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch về
triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả
giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động
người dân, doanh nghiệp hạn chế khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh rừng
trồng gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn, nâng
cao hiệu quả kinh doanh rừng trồng.
- Phối hợp với các đơn vị xây dựng
và thực hiện phương án cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở
Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối và bố trí kinh phí để
triển khai thực hiện Kế hoạch.
2. Sở
Công Thương
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai Kế hoạch thực
hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn
2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì triển khai các cơ chế,
chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, mở rộng các cụm công
nghiệp có ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ các hiệp hội chế biến
gỗ tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại, tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo các
quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ các hiệp hội, doanh
nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại
trong và ngoài nước; giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ sản xuất
chế biến tại tỉnh Bình Định.
3. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ giao đất lâm
nghiệp cho các đơn vị.
4. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
- Trên cơ sở đề xuất của Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Kế hoạch
và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí vốn đầu tư
công để thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Kế hoạch theo quy định (nếu có).
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan
thực hiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến phát triển ngành công
nghiệp chế biến gỗ bền vững trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Tài
chính
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp triển khai thực hiện các chính sách hỗ
trợ trồng rừng sản xuất thâm canh gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng theo quy định.
6. Hiệp hội
Gỗ và Lâm sản Bình Định
- Tổ chức tuyên truyền, thông
tin về Kế hoạch đến các hội viên để nâng cao tinh thần chủ động, phòng ngừa rủi
ro; truyền thông các quy định pháp luật, hệ thống trách nhiệm giải trình về gỗ
hợp pháp; đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bảo vệ thương hiệu, uy tín của
ngành công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn
vị, địa phương có liên quan xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của ngành công
nghiệp chế biến gỗ, hình thành một hội chợ quốc tế cho các sản phẩm gỗ trên địa
bàn tỉnh; hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia vào các Hội, Hiệp hội, làng nghề chế
biến gỗ nhằm đạt mục tiêu của Đề án.
7. Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan
- Triển khai thực hiện Đề án
phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 -
2030 tại địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa
phương có tiềm năng, lợi thế phát triển được thành lập
- Định kỳ hàng năm, gửi báo cáo
kết quả tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch nêu trên về Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn trước ngày 05 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo theo quy định./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCT TT UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh;
- Các Sở: NN và PTNT, Công Thương, Tài nguyên và MT, Kế hoạch và ĐT, Tài
chính;
- Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP;
- Lưu: VT, K13 (25b).
|
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Thanh
|