ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 154/KH-UBND
|
Bắc Giang, ngày
26 tháng 9 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG MÙA KHÔ
2024-2025
Thời gian qua công tác phòng
cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo tích cực
của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các ngành, nhiều biện pháp đã được
triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; các vụ cháy rừng được phát hiện,
xử lý kịp thời, giảm thiểu được thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người tham gia
chữa cháy rừng; số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra đều
giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo thống kê của các địa phương,
tính đến nay toàn tỉnh có trên 37.400 ha rừng trồng bị thiệt hại do bão số 3
gây ra, với các loài cây Keo, Bạch đàn, Thông,… làm gia tăng nguồn vật liệu
cháy. Hiện nay, thời tiết chuẩn bị chuyển sang mùa hanh khô, độ ẩm không khí
trung bình xuống thấp, nhiệt độ tăng cao, khô hạn, nắng nóng có xu hướng kéo
dài và gia tăng nguy cơ cháy rừng cao ở hầu hết các vùng trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục tổ chức thực hiện
nghiêm túc Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực
hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số
156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của Chính phủ
ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW; Chỉ thị số
03/CT-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết trồng cây đời
đời nhớ ơn Bác Hồ và tăng cường công tác bảo vệ rừng; Công điện số 43/CĐ-TTg
ngày 01/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục, quyết liệt triển khai
có hiệu quả các biện pháp cấp bách PCCCR; Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT
ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về PCCCR;
Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa
bàn tỉnh Bắc Giang; Văn bản số 2457-CV/TU ngày 21/9/2023 của Tỉnh ủy về việc
triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 18/8/2023 của Ban Bí thư. Đồng
thời tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 4679/KH-UBND ngày 22/10/2020
của UBND tỉnh về PCCCR tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch UBND tỉnh
xây dựng Kế hoạch triển khai công tác PCCCR mùa khô 2024-2025 như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao năng lực PCCCR trên
các mặt: Chỉ đạo, chỉ huy, trình độ chuyên môn; tính kịp thời; nhận thức của
người dân địa phương và chính quyền địa phương; công trình phòng cháy,
trang thiết bị, công cụ chữa cháy được đầu tư và bố trí hợp lý.
- Tăng cường sự hợp tác, phối
hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành của địa phương, giữa các lực lượng chữa
cháy rừng các cấp, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR.
- Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt
hại do cháy rừng gây ra, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi
trường trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu: Các cấp,
các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp PCCCR. Phối hợp
chặt chẽ, thống nhất giữa UBND cấp huyện với các ngành, cơ quan chức năng để
thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của cấp trên. Xác định PCCCR là nhiệm vụ
trọng tâm của địa phương, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác
trong các tháng mùa khô để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
II. NỘI DUNG
KẾ HOẠCH
1. Tổ chức xây dựng lực
lượng, kế hoạch, phương án PCCCR
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn
hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR các cấp (tỉnh, huyện, xã và chủ rừng là tổ chức);
các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR tại các thôn, bản, khu vực trọng
điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Đồng thời phân công nhiệm vụ và sửa đổi
bổ sung quy chế hoạt động của Ban chỉ huy PCCCR các cấp cho phù hợp với tình
hình thực tế.
- Xây dựng Kế hoạch triển khai
công tác PCCCR mùa khô 2024-2025 (huyện, xã, chủ rừng là tổ chức); dự toán
kinh phí thực hiện công tác PCCCR năm 2025 của địa phương, đơn vị trình cấp có
thẩm quyền bố trí kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện.
- Ban Chỉ huy PCCCR cấp tỉnh, cấp
huyện ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các địa
phương (cấp huyện, xã), đơn vị và chủ rừng lớn trong việc chấp hành các quy định
của pháp luật về PCCCR, nhất là các địa phương có diện tích rừng lớn bị thiệt
hại do Bão số 3 gây ra.
- Tiếp tục đôn đốc các chủ
rừng trên địa bàn quản lý xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực tập Phương án
PCCCR theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Tăng cường tuyên truyền,
giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc
và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là
việc đốt dọn thực bì, đốt nương làm rẫy theo đúng quy định.
3. Thường xuyên dự báo
và thông tin cảnh báo cấp dự báo cháy rừng xuống các địa phương, đơn vị,
chủ rừng và nhân dân được biết để chủ động PCCCR; sẵn sàng lực lượng, phương
tiện, thiết bị, hậu cần cần thiết để chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại
chỗ”.
4. Thường xuyên tuần
tra, canh gác và trực bảo vệ rừng và PCCCR tại các chòi canh lửa, các chốt,
trạm bảo vệ rừng. Khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên phải
bố trí lực lượng thường trực trực PCCCR theo quy định tại Quyết định số
66/2021/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh; nghiêm cấm mọi hành vi đốt
nương, làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong suốt thời kỳ cao điểm
cháy rừng theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện điểm cháy và huy
động lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, không để
cháy lan ra diện rộng.
5. Tổ chức thực hiện tốt,
hiệu quả công tác phối hợp bảo vệ rừng và PCCCR được quy định tại Nghị định số
02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của
Dân quân tự vệ. Đồng thời tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết
bị, dụng cụ PCCCR và phối hợp chỉ huy chữa cháy rừng theo phương án, quy chế,
kế hoạch đã được ký kết.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh
- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ
huy PCCCR tỉnh; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cho các
thành viên Ban Chỉ huy.
- Xây dựng kế hoạch và thành lập
Đoàn kiểm tra liên ngành (Kiểm Lâm, Quân Đội, Công an) để tổ chức kiểm tra, đôn
đốc các địa phương (cấp huyện, cấp xã), đơn vị, chủ rừng trong việc chấp hành
các quy định của pháp luật về PCCCR.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Tiếp tục chỉ đạo tham mưu tổ
chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung chỉ thị, nghị định, thông tư,
quyết định của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ
Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát
triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Văn bản số 2457-CV/TU ngày 21/9/2023 của
Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 18/8/2023 của
Ban Bí thư; Quyết định số 66/2021/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh ban
hành Quy định cấp dự báo cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên
địa bàn tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch số 4679/KH-UBND ngày 22/10/2020 của UBND tỉnh
về PCCCR tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2465/QĐ-UBND ngày
01/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang công bố các xã trọng điểm cháy
rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; các dự án về PCCCR của tỉnh giai đoạn
2021-2025; Phương án huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chữa cháy rừng
khi xảy ra cháy lớn trên địa bàn tỉnh và các chế độ chính sách liên quan đến
công tác bảo vệ rừng và PCCCR;...
- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm
+ Chủ động dự báo và thông tin
cảnh báo cấp dự báo cháy rừng xuống các địa phương, chủ rừng và nhân dân
để nắm rõ tình hình diễn biến của thời tiết và tổ chức thực hiện các biện
pháp PCCCR; cung cấp thông tin dự báo cháy rừng cho Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Báo Bắc Giang và cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm để đưa tin cảnh báo nguy cơ cháy
rừng.
+ Tăng cường phối hợp với UBND
các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giáo dục, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của
Đảng, pháp luật của nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR.
+ Tăng cường tuần tra, kiểm tra
các khu vực trọng điểm về cháy rừng, nhất là những diện tích rừng bị thiệt
hại, ảnh hưởng do Bão số 3; kịp thời đề xuất các biện pháp PCCCR nhằm ứng phó
kịp thời với nguy cơ gây cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy
rừng gây ra.
+ Tổ chức lực lượng thường trực
theo quy định tại Quyết định số 66/2021/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh
(khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên); chuẩn bị phương tiện,
thiết bị, dụng cụ sẵn sàng cho công tác chữa cháy rừng; huy động lực lượng,
phương tiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tham gia chữa cháy
khi có cháy rừng xảy ra.
+ Thường xuyên kiểm tra, giám
sát việc chấp hành các quy định về PCCCR của các chủ rừng; kịp thời phát
hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng và chủ rừng thiếu trách nhiệm gây ra
cháy rừng.
+ Tăng cường phối hợp với các
cơ quan Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong
việc thực hiện các quy chế, kế hoạch phối hợp đã được ký kết.
+ Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc
chủ rừng xây dựng và thực tập Phương án PCCCR theo quy định của pháp luật về
phòng cháy và chữa cháy.
+ Xây dựng Quy chế phối hợp huy
động lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bắc
Giang trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Thông tư số
25/2019/TT-BNNPTNT .
3. Công an tỉnh
- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát
phòng cháy, chữa cháy và CNCH, Công an các huyện, thành phố tăng cường phối
hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền các cấp sẵn sàng huy động lực
lượng, phương tiện để hỗ trợ trong việc chữa cháy rừng; phối hợp điều tra
xác định nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật;
có kế hoạch tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật PCCCR
cho lực lượng chuyên trách và dân phòng.
- Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm
các cấp kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực tập
phương án PCCCR theo quy định.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc,
lực lượng Dân quân tự vệ phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa
bàn tích cực phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tham gia công tác bảo vệ rừng và
PCCCR; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu kịp thời các tình huống
cháy rừng xảy ra.
- Chủ trì tổ chức thực hiện phối
hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR theo Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày
30/6/2020 của Chính phủ Quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham
mưu phân bổ vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư ngân sách tỉnh, đảm bảo cho
công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Tài chính: Tham
mưu phân bổ vốn sự nghiệp của trung ương, tỉnh, đảm bảo đảm bảo cho công tác
PCCCR trên địa bàn tỉnh.
7. Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Báo Bắc Giang
- Tổ chức tuyên truyền phổ biến
Kế hoạch của UBND tỉnh sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân.
- Tăng cường đưa tin, bài,
phóng sự tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Kịp thời thông tin cảnh
báo cấp dự báo cháy rừng xuống các địa phương, đơn vị, chủ rừng và nhân
dân biết để chủ động phòng ngừa.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội: Tích cực tuyên truyền,
vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động PCCCR; giám sát việc
thực hiện nhiệm vụ PCCCR tại các địa phương, đơn vị; kịp thời biểu dương “người
tốt, việc tốt” trong công tác PCCCR.
9. UBND các huyện, thành phố
- Tăng cường tuyên truyền, phổ
biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ
rừng và PCCCR; giáo dục pháp luật, kiến thức về bảo vệ rừng và PCCCR cho
nhân dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động bảo vệ rừng và
PCCCR.
- Chỉ đạo rà soát, kiện toàn,
duy trì hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, cấp xã và chủ rừng
lớn; đồng thời phân công nhiệm vụ và sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của Ban
Chỉ huy PCCCR cho phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng và ban hành: Kế hoạch
triển khai công tác PCCCR mùa khô 2024-2025 cấp huyện, cấp xã (kế hoạch phải cụ
thể, chi tiết, xác định rõ vùng trọng điểm cháy có nguy cơ cao xảy ra cháy
rừng theo mức độ kiểm soát của cấp thôn, xã); Kế hoạch kiểm tra công tác
PCCCR mùa khô 2024-2025 cấp huyện; tổ chức kiểm tra theo kế hoạch trước ngày
25/10/2024; đôn đốc, hướng dẫn chủ rừng xây dựng, sửa đổi, bổ sung và
thực tập Phương án PCCCR theo quy định; tổ chức tổng kết công tác PCCCR mùa
khô 2023-2024, phương hướng nhiệm vụ mùa khô 2024-2025. Báo cáo kết quả thực
hiện về Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh (qua Chi cục Kiểm lâm) trước ngày
30/10/2024 để tổng hợp báo cáo theo quy định.
- Chỉ đạo xây dựng dự toán
kinh phí thực hiện công tác PCCCR năm 2025 của địa phương trình cấp có thẩm
quyền bố trí kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện.
- Chỉ đạo UBND cấp xã, các đơn
vị chủ rừng trên địa bàn bố trí lực lượng, phương tiện phục vụ cho công tác
PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để
ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Báo cáo về Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh
tình hình cháy rừng xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời; chỉ đạo tổ chức
khắc phục hậu quả do cháy gây ra.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
các xã trọng điểm về cháy rừng trong việc chấp hành các quy định của pháp
luật về PCCCR trên địa bàn quản lý, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần
trách nhiệm của các lực lượng làm công tác PCCCR.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có
hiệu quả các Quy chế, Kế hoạch phối hợp về bảo vệ rừng và PCCCR đã được ký kết.
- Địa phương nào để xảy ra tình
trạng cháy rừng nghiêm trọng mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của
mình không có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt
để thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý
theo quy định của pháp luật.
10. Chủ rừng: Các Ban
quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp; các
đơn vị lực lượng vũ trang; các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư,... được
Nhà nước giao, cho thuê rừng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc trách nhiệm
của chủ rừng về công tác bảo vệ rừng và PCCCR theo quy định tại Luật Lâm
nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác
có liên quan. Chủ động xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực tập phương án PCCCR
theo quy định; tự đảm bảo kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCCR; tổ chức tốt lực
lượng, phương tiện, máy móc, trang thiết bị, dụng cụ, công trình PCCCR cho công
tác PCCCR trên diện tích được Nhà nước giao, cho thuê.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm - cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCCCR cấp tỉnh)
theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch này, báo cáo UBND tỉnh
và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
công tác PCCCR mùa khô 2024-2025; căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân
công, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ
quan, đơn vị chủ rừng có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch
này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh;
- Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Bắc Giang;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng;
- Các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, TH, KT, NC, KTN, TTTT;
+ Cổng TTĐT tỉnh;
+ Lưu VT, NN Thăng.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ô Pích
|