ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 141/KH-UBND
|
Bắc Giang, ngày
14 tháng 8 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN VÀ TUYÊN TRUYỀN, TẬP
HUẤN KỸ NĂNG CƠ BẢN VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BẮC GIANG
Thời gian qua, các đơn vị, địa
phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả công tác
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Tuy nhiên, tại một số
khu dân cư, hộ gia đình việc thực hiện “4 tại chỗ” còn chưa đầy đủ, bài bản, thống
nhất; nhiều hộ gia đình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được tập huấn
kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); việc
trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ (bình chữa cháy) chưa được các hộ gia
đình quan tâm đầu tư trang bị[1];
còn để xảy ra một số vụ cháy nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh gây hậu
quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, điển hình như: Vụ cháy xảy ra hồi
01h00’ ngày 22/6/2023 tại gia đình Ông Tống Văn Lân, địa chỉ: thôn Sơn Quang,
xã Trung Sơn, huyện Việt Yên làm 03 người chết…; trong đó, có nguyên nhân là do
sơ suất, bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt gây cháy.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả
Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công
tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; đồng thời, góp phần đảm bảo đến
hết năm 2023 mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được trang bị tối thiểu 01 bình
chữa cháy và có ít nhất 01 người trong hộ gia đình được tuyên truyền, tập huấn
kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH, Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Ngăn chặn, kiềm chế
các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ
quan trong khu dân cư, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa
ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân, hộ gia đình về
công tác PCCC và CNCH; trang bị kiến thức phòng ngừa, kỹ năng xử lý tình huống
cháy, nổ, sự cố, tai nạn bảo vệ an toàn cho con người và tài sản của Nhà nước,
của Nhân dân.
2. Chuẩn bị sẵn sàng về
lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH với phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại
chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” đảm bảo khả
năng chữa cháy khi đám cháy mới phát sinh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về
tài sản, con người do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.
II. NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM
1. Tiếp tục thực hiện Kết
luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số
47-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác PCCC; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng
cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Công văn số
1892/UBND-NC ngày 18/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác
trang bị PCCC và CNCH; tiếp tục gắn trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu
các đơn vị, địa phương về tình hình, kết quả công tác PCCC và CNCH theo địa
bàn, lĩnh vực được giao phụ trách, quản lý.
2. Tăng cường công tác
phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC và CNCH cho người đứng đầu cơ
quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh (đảm bảo đến 31/12/2023,
100% các hộ gia đình được trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy xách tay, mỗi hộ
gia đình có ít nhất 01 người được tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH). Các cơ
quan, đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức
phát động phong trào mỗi gia đình cán bộ, công chức, viên chức tự trang bị bình
chữa cháy tại gia đình; đồng thời, xem xét trách nhiệm tham gia của cán bộ, đảng
viên là một trong các nội dung bình xét thi đua cuối năm và gắn trách nhiệm của
thủ trưởng đơn vị đối với việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên
chức thực hiện.
3. Tiếp tục rà soát,
nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”. Kịp
thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác PCCC
và CNCH, đảm bảo phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH hoạt động nề nếp, hiệu
quả.
4. Tuyên truyền rộng
rãi, sâu rộng, phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH đến người đứng đầu cơ sở, người
lao động và người dân; nâng cao trách nhiệm về PCCC và CNCH của chính quyền địa
phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trong việc thực hiện nghiêm các
quy định của pháp luật về PCCC.
5. Phát động đợt cao điểm
xây dựng phong trào sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, khu dân cư, tổ dân phố, hộ
gia đình tự trang bị bình chữa cháy; vận động cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, tổ
chức, nhà hảo tâm quan tâm ủng hộ kinh phí mua sắm bình chữa cháy phát tặng cho
các đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.
6. Định kỳ hàng năm tổ
chức sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào vận động cơ quan, tổ chức, hộ gia
đình về trang bị phương tiện chữa cháy và tuyên truyền, huấn luyện kiến thức
pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH, bảo đảm phong trào thiết thực, hiệu quả,
tránh phô trương, hình thức, lãng phí.
III. PHÂN
CÔNG NHIỆM VỤ
1. Các cơ quan, đơn vị, địa
phương
Người đứng đầu các cơ quan, đơn
vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định rõ tầm quan trọng của
công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để phục
vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Yêu cầu 100% cán bộ,
công chức, viên chức gương mẫu trong việc triển khai thực hiện mỗi gia đình tự
trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy xách tay (hoàn thành xong trước ngày
30/9/2023); đồng thời, chủ động tuyên truyền, vận động đến người thân tự
trang bị bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thô sơ bảo đảm khi có cháy, nổ xảy ra
có phương tiện chữa cháy, CNCH ngay từ khi đám cháy mới phát sinh.
2. Công an tỉnh
- Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng
cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC và CNCH cho người dân
thông qua các buổi tập huấn tại khu dân cư, tổ dân phố đảm bảo mỗi hộ gia đình
phải có ít nhất 01 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH (đến
31/12/2023 đảm bảo 100% hộ gia đình ít nhất có một người được tập huấn kiến thức,
kỹ năng PCCC và CNCH) và 100% người làm nhiệm vụ PCCC tại các cơ sở thuộc
diện quản lý về PCCC phải được tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC
và CNCH theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với cơ quan truyền
thông Trung ương, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật,
kỹ năng về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua
công tác tuyên truyền công khai những cơ sở, khu dân cư không đảm bảo an toàn về
PCCC và CNCH nhằm nâng cao về nhận thức, trách nhiệm về PCCC và CNCH của chính
quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trong việc thực hiện
nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn
vị chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, tổ
chức, nhà hảo tâm ủng hộ, xây dựng quỹ “nhà tôi có bình chữa cháy” để
phát tặng cho đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn bảo đảm
phong trào có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo chuẩn bị tài liệu, giáo án, nội dung về an toàn PCCC và CNCH đưa nội
dung giảng dạy vào các cấp bậc học, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong công
tác giáo dục đào tạo.
- Phối hợp với Ban Quản lý các
khu công nghiệp tỉnh tổ chức tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng cho cán bộ, công
nhân viên, người lao động trên địa bàn tỉnh, chú trọng tập huấn cho công nhân,
người lao động cơ sở thuê trọ, lưu trú tại địa bàn quanh các khu, cụm công nghiệp
về công tác PCCC và CNCH.
3. Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Báo Bắc Giang
Tăng cường thời lượng đưa tin
bài, ưu tiên bố trí khung giờ “vàng” tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng
PCCC, thoát hiểm, thoát nạn để khán giả dễ theo dõi. Phối hợp Công an tỉnh biểu
dương những mô hình, cách làm hay, hiệu quả về công tác PCCC và CNCH tại cơ sở;
công bố danh sách những công trình, cơ sở vi phạm nghiêm trọng không bảo đảm an
toàn PCCC để người dân nắm được và giám sát thực hiện.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Công an tỉnh
nghiên cứu, xây dựng nội dung bài giảng kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đưa
vào chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục theo
Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo
dục pháp luật cho học sinh, sinh viên về các quy định PCCC và CNCH. Giúp cho học
sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nắm được các kiến thức, kỹ năng về
PCCC và CNCH.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác phối hợp với lực
lượng Công an cùng cấp tuyên truyền, vận động đến 100% cán bộ, công chức, viên
chức, người dân trên địa bàn trang bị phương tiện chữa cháy tại gia đình; vận động
các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh ủng
hộ bình chữa cháy để tặng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo,
hộ cận nghèo.
6. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo UBND cấp xã vận động
mỗi gia đình tự trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy xách tay, có phương án hỗ
trợ từ ngân sách địa phương. Huy động nguồn lực xã hội hóa từ các cơ quan, tổ
chức, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ bình chữa cháy để trang bị cho đối
tượng là các hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách…
đảm bảo phong trào “nhà tôi có bình chữa cháy” trong khu vực dân cư thiết thực,
hiệu quả (đến 30/9/2023 có 50% hộ gia đình tự trang bị 01 bình chữa cháy và
đến 31/12/2023 đảm bảo 100% hộ gia đình trên địa bàn được trang bị bình chữa
cháy).
- Tiếp tục rà soát, xây dựng
nhân rộng mô hình “Tổ liên gia đảm bảo an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”
trên địa bàn quản lý; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động lực lượng dân
phòng, bảo đảm chế độ phụ cấp kinh phí mua sắm, phương tiện, dụng cụ chữa cháy,
cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của pháp luật. Giao nhiệm vụ cụ thể cho lực
lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ... trong việc phối hợp với lực lượng Công
an bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại địa phương, cơ sở.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở, cơ quan thuộc
UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực
và chịu trách trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, kết quả thực hiện theo chức
năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện báo cáo về Chủ tịch UBND tỉnh (qua
Công an tỉnh) định kỳ trước ngày 30/9/2023 và trước ngày 15/12/2023
để tổng hợp báo cáo.
2. Giao Công an tỉnh
theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực hiện kế hoạch này; tổng hợp,
báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Công an theo quy định./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh:
+ LĐVP, TKCT, TH;
+ Lưu: VT, NC.Bền.
|
CHỦ TỊCH
Lê Ánh Dương
|
[1] Theo thống kê của Công
an tỉnh, đến nay hiện có 54.530/456.125 hộ gia đình được trang bị bình chữa
cháy (đạt 12%); 240.523/471.807 người dân trong hộ gia đình được tuyên
truyền, tập huấn kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH (đạt 51 %).