ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 134/KH-UBND
|
Hưng Yên, ngày 29
tháng 8 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
VỀ
VIỆC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN
2023 - 2025
Thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản
lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025; Chỉ thị
số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô
nhiễm môi trường không khí; Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi
trường không khí giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 891/QĐ-BTNMT ngày 29/4/2022
của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số
1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch
quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025; Công
văn số 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc
hướng dẫn kỹ thuật xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp
tỉnh.
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ
trình số 439/TTr-STNMT ngày 15/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Kế hoạch
quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025” cụ
thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Cụ thể hóa các nội dung trong việc thực hiện Kế
hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp,
ngành, các tổ chức, cá nhân về quản lý chất lượng môi trường không khí.
- Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí,
nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
2. Yêu cầu
- Tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách
nhiệm, và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân,
trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Kế
hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025.
- Triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch quốc
gia về quản lý chất lượng môi trường không khí phù hợp với định hướng phát triển
kinh tế - xã hội, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.
II. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI QUẢN LÝ
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường
không khí trên địa bàn tỉnh thông qua kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát sinh
khí, bụi thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh; chú trọng công tác cảnh
báo, dự báo chất lượng môi trường không khí đồng thời tăng cường năng lực phòng
ngừa, xử lý, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng môi trường
không khí và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Tăng cường công tác giám sát chất lượng môi trường
không khí thông qua nhiệm vụ quan trắc môi trường và các trạm quan trắc môi trường
không khí xung quanh tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh để cập nhật, cung cấp
thông tin diễn biến chất lượng môi trường không khí đến cộng đồng; yêu cầu 100%
các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc
khí, bụi thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu online về Sở Tài nguyên và
Môi trường để kiểm tra, giám sát.
- 100% số doanh nghiệp có phát thải khí bụi thải phải
đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống thiết bị xử lý bụi, khí thải đảm bảo quy chuẩn
kỹ thuật về môi trường.
- Tăng cường phát triển mạng lưới giao thông công cộng,
hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; khuyến khích phát triển các
phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch thân thiện môi trường.
- Loại bỏ và nghiêm cấm 100% các phương tiện xe cơ
giới không đủ điều kiện tham gia giao thông.
- 100% các phương tiện vận tải chở vật liệu xây dựng
và hàng hóa phải có biện pháp che chắn đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường
khi lưu thông.
- Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất
lượng môi trường không khí xung quanh tại các đô thị, khu vực tập trung nhiều
nguồn thải.
- Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ
các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp.
3. Phạm vi quản lý
Phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí
trong Kế hoạch này là toàn tỉnh Hưng Yên, trong đó xem xét đến ảnh hưởng của ô
nhiễm từ các nguồn thải lớn ở các tỉnh lân cận.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Phòng ngừa, giảm thiểu phát
thải khí thải nguồn điểm
- Tăng cường kiểm tra, giám sát online thông qua hệ
thống quan trắc khí, bụi thải tự động liên tục tại các doanh nghiệp xả thải lớn.
Đồng thời tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm Kế hoạch hàng năm lấy mẫu giám sát
chất lượng môi trường đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn, các cơ sở có
nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự
án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, sử
dụng, nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
cao.
- Thẩm định chặt chẽ hồ sơ báo cáo đánh giá tác động
môi trường, hồ sơ cấp Giấy phép môi trường trong đó yêu cầu các cơ sở phát sinh
khí, bụi thải phải thực hiện nghiêm việc đầu tư công trình, lắp đặt, vận hành
thiết bị công nghệ xử lý đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; lắp
đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí bụi thải tự động, liên tục theo quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm,
đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư xây dựng, lắp đặt và vận hành các
hệ thống thiết bị xử lý khí, bụi thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn, có nguy
cơ cháy nổ cao. Công khai danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng; kết quả xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối
với các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin của tỉnh
- Thực hiện việc kiểm kê phát thải với các nguồn điểm
trên địa bàn tỉnh.
2. Phòng ngừa, giảm thiểu phát
thải khí thải nguồn di động
- Tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát khí thải
phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển mạng lưới, phương tiện giao
thông công cộng, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng, nhiên liệu sạch,
thân thiện môi trường (xe điện, gas, ...).
- Tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức
về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng phương tiện xe cơ giới cá nhân chuyển
sang ưu tiên lựa chọn sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường,
phương tiện giao thông công cộng.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Kiểm soát
khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010.
- Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng
và mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gắn với duy tu, đảm bảo
an toàn giao thông và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông.
- Thực hiện các chương trình, dự án về chuyển đổi
nguồn nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí từ các
phương tiện giao thông vận tải.
3. Phòng ngừa, giảm thiểu phát
thải khí thải nguồn diện
- Triển khai các giải pháp hạn chế và tiến tới cấm
hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm khói, bụi, thu gom, xử
lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.
- Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông
tin cho cộng đồng về ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng để cộng đồng
tự chuyển đổi sử dụng năng lượng, nhiên liệu sạch (điện, gas) trong hoạt
động đun nấu sinh hoạt tại gia đình.
- Thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn ngừa, giảm
thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh do hoạt động thi công xây
dựng các công trình xây dựng, quá trình vận chuyển các vật liệu dời.
- Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất
thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt hiện đại, xóa bỏ các bãi chôn lấp, đốt
rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
4. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp
khác
- Tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu
sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007, tập trung vào nhiệm
vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây
dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học.
- Sử dụng tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng
năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; ứng dụng công nghệ xử lý khí thải tiên tiến;
ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thúc đẩy sản
xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học trong sản xuất và tham gia giao thông.
- Tiếp tục hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan
trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; hoàn thiện hệ thống cơ
sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh.
- Nâng cao năng lực quản lý, giám sát chất lượng môi
trường không khí xung quanh, các nguồn phát thải bụi, khí thải cho Sở Tài
nguyên và Môi trường, Trung tâm quan trắc Thông tin Tài nguyên và môi trường, cụ
thể:
+ Rà soát và đánh giá thực trạng quản lý, vận
hành hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động liên tục (CEMs).
+ Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực kỹ
thuật trong xử lý thông tin, tổng hợp báo cáo, xây dựng AQI và đồng bộ hóa cơ sở
dữ liệu các trạm CEMs
+ Đề xuất UBND tỉnh các hoạt động tăng cường
năng lực quan trắc giám sát môi trường không khí dựa trên các trạm CEMs trên địa
bàn tỉnh.
- Rà soát bổ sung thông số cần thiết vào mạng lưới
quan trắc định kỳ của tỉnh theo các quy định hiện hành và rà soát, xem xét bổ
sung, thay đổi các vị trí quan trắc cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện
nay của tỉnh.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá
nhân về cải thiện hành vi sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm; hỗ trợ doanh nghiệp
xây dựng mô hình quản lý năng lượng hiệu quả, chương trình sản xuất sạch hơn.
5. Hoàn thiện cơ chế tài chính,
đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí
- Rà soát, cân đối nguồn ngân sách cho cơ quan quản
lý nhà nước thực hiện đầu tư bổ sung, nâng cấp trang thiết bị, quản lý vận hành
các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục, cố định do tỉnh đầu tư về khí
thải; bổ sung các điểm quan trắc môi trường không khí xung quanh tại các khu vực
có nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí cao.
- Huy động các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác
quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.
6. Hợp tác quốc tế và nghiên cứu
khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí
- Tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi, học tập
kinh nghiệm, tiếp nhận hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về quản lý
chất lượng môi trường không khí.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền
thông vào việc giám sát chất lượng môi trường không khí.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đề xuất các nhiệm
vụ nghiên cứu phát triển công nghệ, ứng dụng kết quả của nhiệm vụ khoa học và
công nghệ, các sáng kiến mang lại hiệu quả trong việc giảm thiếu phát thải bụi,
khí thải.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa
phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; theo dõi,
hướng dẫn, đôn đốc và báo cáo về UBND tỉnh theo quy định.
- Triển khai đánh giá hiệu quả thực hiện Kế hoạch
quản lý chất lượng môi trường không khí vào năm cuối cùng thực hiện kế hoạch, để
xây dựng, điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch trong giai
đoạn tiếp theo, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
trong từng giai đoạn.
- Xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường không khí
tỉnh Hưng Yên theo quy định.
- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cho
thành phố Hưng Yên và trên toàn tỉnh, công khai thông tin chất lượng môi trường
không khí trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
- Đề xuất với UBND tỉnh về việc hoàn thiện hệ thống
quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục và giám sát, theo
dõi, bảo dưỡng định kỳ với hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động,
liên tục do tỉnh đầu tư.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn,
quy định về quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh phù hợp với
quy hoạch phát triển của tỉnh.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra
việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các làng
nghề, khu xử lý chất thải tập trung, công trường xây dựng lớn, cơ sở công nghiệp,
y tế, giao thông vận tải.
- Tiếp tục thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự
án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, có
nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo quy định của tỉnh và thuộc 16 loại hình
dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn (ban hành kèm theo Nghị định số
08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Bảo vệ môi trường).
- Công khai danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường,
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kết quả xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ
môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin của tỉnh.
- Thông qua đường dây nóng được kết nối từ Bộ Tài
nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường - UBND cấp huyện tăng cường
giám sát, kiểm tra, nhằm kịp thời chủ động nắm bắt thông tin, phát hiện, ngăn
chặn và nhanh chóng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xả
chất thải nhất là xả thải khí bụi thải chưa qua xử lý, xử lý chưa đạt quy chuẩn
kỹ thuật ra môi trường.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát online thông qua hệ
thống quan trắc khí, bụi thải tự động liên tục tại các doanh nghiệp xả thải lớn.
Đồng thời tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm Kế hoạch hàng năm lấy mẫu giám sát
chất lượng môi trường đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn, các cơ sở có
nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự
án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, sử
dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
cao.
2. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan
tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhiên liệu xăng, dầu, xử lý nghiêm các
đối tượng lưu hành sản phẩm kém chất lượng trên thị trường; tiếp tục tuyên truyền,
phổ biến sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường thay thế nhiên liệu
truyền thống.
- Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch
hơn, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ xử lý
khí thải tiên tiến; ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học trong sản xuất và tham gia
giao thông.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá
nhân về cải thiện hành vi sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm; hỗ trợ doanh nghiệp
xây dựng mô hình quản lý năng lượng hiệu quả.
3. Sở Xây dựng
- Tham mưu quy hoạch đô thị đảm bảo tỷ lệ cây xanh,
mặt nước trong đô thị đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan (trên
cơ sở Mục 5 Chỉ thị số 03/TTg của Thủ tướng Chính phủ): Rà soát, đánh giá lại
công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây
xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh,
khu phố xanh, thành phố xanh...; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật
về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các công
trường xây dựng.
4. Sở Giao thông vận tải
- Tham mưu tổ chức thực hiện chính sách kiểm soát
khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; áp dụng công cụ kinh tế để hạn
chế việc sử dụng các phương tiện giao thông cũ, lạc hậu nhất là tại các khu vực
đô thị; tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
- Tham mưu xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng cường,
phát triển mạng lưới giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu thân thiện môi
trường để thay thế việc sử dụng phương tiện cá nhân. Khuyến khích người dân sử
dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân; khuyến
khích việc sử dụng hình thức tham gia giao thông bằng xe đạp, xe điện trong khu
vực thành phố, thị xã.
- Thường xuyên rà soát, đánh giá, đầu tư sửa chữa,
bảo trì, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý;
tăng cường kiểm soát ô nhiễm bụi, khí thải trong hoạt động thi công xây dựng.
5. Sở Y tế
- Thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu ảnh
hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe; tuyên truyền phổ biến các hướng dẫn và cảnh
báo các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí, đưa ra
các khuyến cáo để người dân ứng phó khi gặp tình trạng ô nhiễm không khí.
- Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm từ các hoạt
động đốt chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan có
ý kiến công nghệ hoặc thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư phải thẩm định
công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ, trong đó, có các dự án phát thải khí
thải lớn.
- Khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm
đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên
liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải; nghiên cứu
khoa học, chuyển giao công nghệ về phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý, quan trắc khí
thải, sử dụng hiệu quả nhiên liệu.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu
UBND tỉnh đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh để nghiên cứu về kiểm soát chất lượng
không khí, chất lượng nhiên liệu... trong đó ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu
về nâng cao quản lý chất lượng không khí, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi
trường.
7. Sở Tài chính
Cân đối, bố trí nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn
vốn hợp pháp khác cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục vụ cho công tác quản
lý chất lượng môi trường không khí.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức
hướng dẫn xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tái chế thành sản phẩm có ích
thân thiện môi trường, tiến tới chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông
nghiệp sau mỗi vụ thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tuyên truyền, nâng cao ý thức của các chủ trang
trại, gia trại trong việc bảo vệ môi trường chăn nuôi; hướng dẫn xây dựng mô
hình chăn nuôi an toàn sinh học, như: Nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót
sinh học; sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas,... nhằm xử
lý chất thải chăn nuôi, giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng
phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, nâng cao hiệu quả chăn nuôi; xử lý chất thải
chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trong tỉnh,
các văn phòng đại diện báo chí; hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác
tuyên truyền về các quy định về quản lý chất lượng môi trường không khí, công
khai thông tin chất lượng môi trường không khí xung quanh trên các phương tiện
thông tin đại chúng.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch truyền
thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe
cộng đồng
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân
sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở có nguồn phát sinh bụi, khí thải lớn,
có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn, xử lý vi phạm theo thẩm quyền (nếu có). Kịp
thời phản ánh thông tin về ô nhiễm, sự cố môi trường về Sở Tài nguyên và Môi
trường, UBND tỉnh theo quy định.
- Phối hợp đề xuất các điểm quan trắc vào chương
trình, mạng lưới quan trắc của tỉnh; kịp thời đề xuất bổ sung điểm quan trắc hoặc
điểm cần tăng tần suất quan trắc chất lượng môi trường không khí do có nguy cơ
ô nhiễm môi trường cao.
- Phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được
giao.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa
bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân không đốt rác thải,
rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; hạn chế, tiến tới không sử dụng
than, củi trong hoạt động sinh hoạt hộ gia đình; đưa ra các nội dung thực hiện
công tác bảo vệ môi trường không khí, chống rác thải nhựa vào các cam kết,
hương ước của thôn, xã, phường đặc biệt đối với các xã thực hiện chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
- Đối với huyện Văn Lâm, cần đưa ra quy định khắt
khe với các hộ sản xuất, kinh doanh tái chế nhựa tại Làng nghề Minh Khai, không
được phép đốt rác tránh phát thải Dioxin và các chất PCB vào môi trường không
khí. Làng tái chế nhựa Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào tại thời điểm quan
trắc chưa phát hiện phát thải gây ô nhiễm nhưng do tính chất tương đồng cũng cần
quan tâm tới biện pháp cấm đốt rác thải nhựa, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi
trường không khí.
11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng
Yên và các tổ chức chính trị, xã hội
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các
đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành các quy định của Luật bảo vệ môi trường
và các văn bản hướng dẫn hiện hành; tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ
môi trường, phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ giữ gìn cảnh quan môi trường,
đa dạng sinh học; cụ thể hóa nội dung bảo vệ môi trường trong tiêu chí đánh giá
thi đua của cuộc vận động, phong trào do Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, phối hợp; tuyên truyền, vận động
nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường không khí của
các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh; phản ánh, tố giác các
hành vi vi phạm tới các cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hội
viên, thành viên nâng cao nhận thức về tác động ô nhiễm môi trường không khí, vận
động ký cam kết, giao ước không đốt rác thải nhựa, chất thải rắn, phế phụ phẩm
nông nghiệp sau thu hoạch. Hạn chế, tiến tới không sử dụng than, củi trong hoạt
động sinh hoạt hộ gia đình để giảm các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi
trường.
12. Cơ chế về báo cáo, giám sát, phối hợp, chia
sẻ, công khai, trao đổi, cung cấp thông tin về chất lượng môi trường không khí
tại địa phương
- Căn cứ nội dung Kế hoạch, các sở, ban ngành tỉnh,
UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực
hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài
nguyên và Môi trường tổng hợp) trước ngày 15/12 hằng năm.
- Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp,
tham mưu báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh,
UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc
triển khai thực hiện Kế hoạch; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT2L.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hùng Nam
|