ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 132/KH-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 15
tháng 7 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRUYỀN
THÔNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Thực hiện Quyết định số 636/QĐ-BTTTT ngày 12/5/2021
của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Kế hoạch truyền thông về
phòng, chống thiên tai đến năm 2030, UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng Kế hoạch
truyền thông phòng, chống thiên tai đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận
thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã
hội để triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp
luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;
qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên
tai; thông qua tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả
thiên tai.
b) Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố trong
việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của các cơ quan, đơn vị,
chính quyền các cấp và người dân thành phố Đà Nẵng.
c) Nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là người
dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt...
và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để hình thành văn hóa phòng ngừa,
phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên
tai của toàn dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi
trường do thiên tai.
d) Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng
dẫn các biện pháp phòng tránh và ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân
cư.
đ) Đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và tổ
chức các hoạt động nâng cao hiệu quả truyền thông; kết hợp giữa phương thức,
kinh nghiệm truyền thống với ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để truyền tải
thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, rủi ro thiên tai tới người dân, chú
trọng các đối tượng dễ bị tổn thương” vào dự thảo Kế hoạch truyền thông về
phòng chống thiên tai đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
2. Yêu cầu
a) Công tác truyền thông phải được thực hiện thường
xuyên, kịp thời, hiệu quả, với nhiều hình thức đa dạng, đồng bộ, phù hợp với
tình hình thực tế của địa phương; xác định vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
cấp ủy, chính quyền, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực
hiện phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
b) Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phải coi
trọng chất lượng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, thiết thực, tránh phô trương, hình
thức, lãng phí.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TRUYỀN
THÔNG
1. Nội dung tuyên truyền
a) Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó,
khắc phục hậu quả thiên tai.
b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận
thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng trong
công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
c) Tuyên truyền cho người dân các kỹ năng ứng phó
trước các tình huống của thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản,
chủ động phối hợp với chính quyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu
quả thiên tai.
d) Xu thế biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình
thiên tai trên thế giới và Việt Nam; những tác động của thiên tai, biến đổi khí
hậu tới kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, trật
tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.
đ) Tầm quan trọng của việc lồng ghép công tác phòng
ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, chiến lược phát triển
kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị; rà soát, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ
thuật, kiểm soát an toàn thiên tai trong tất cả các hoạt động phát triển kinh tế
- xã hội, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro do thiên tai.
e) Thông tin việc triển khai các giải pháp thực hiện
phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương như: đảm bảo
an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực
trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ
quét,...
g) Thông tin về việc huy động và sử dụng hiệu quả
nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
h) Thông tin việc ứng dụng khoa học, công nghệ
trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; hệ thống dự báo khí tượng
thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại.
i) Biểu dương, nhân rộng những tổ chức, cá nhân
tiêu biểu, những sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả của địa phương, đơn
vị; phát hiện, đấu tranh kịp thời với những hành vi vi phạm pháp luật về phòng
chống thiên tai; biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với công tác phòng ngừa,
ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; những hành vi tung tin không chính xác
gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.
k) Thông tin kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế,
cơ quan chuyên môn nước ngoài trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả
thiên tai.
2. Phương thức tuyên truyền
a) Tuyên truyền trên tất cả các loại hình báo chí:
báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử.
b) Tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở: Hệ
thống truyền thanh cấp quận, huyện, phường, xã.
c) Tuyên truyền trên hệ thống trang thông tin điện
tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và tuyên truyền qua mạng xã hội:
facebook, zalo, vcnet...
d) Tuyên truyền miệng qua đội ngũ báo cáo viên,
tuyên truyền viên cơ sở.
đ) Tuyên truyền trực quan: pa-nô, băng-rôn, cờ phướn,
bảng điện tử,... và các hoạt động triển lãm, văn hóa, văn nghệ.
e) Tuyên truyền qua các hình thức xuất bản phẩm
(tranh ảnh, áp - phích, poster, tập gấp, tờ rơi, sổ tay...)
g) Tuyên truyền qua dịch vụ viễn thông: email, tin
nhắn SMS...
h) Tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị, hội thảo,
cuộc thi, tập huấn, các triển lãm, trưng bày giới thiệu kết quả nghiên cứu ứng
dụng khoa học và công nghệ
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Từ năm 2021 đến năm 2030.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán, các cơ
quan, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch
này, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, đề án do đơn vị mình chủ trì thực
hiện để lập dự toán kinh phí chi tiết nội dung chi, mức chi theo chế độ chi
tiêu tài chính hiện hành, gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, trình cấp có
thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy
a) Chủ trì chỉ đạo, định hướng thông tin để các cơ
quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên,
tuyên truyền viên quán triệt nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng
viên và toàn thể nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai và chủ động thích ứng
với biến đổi khí hậu từ cộng đồng.
b) Hướng dẫn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền
viên cơ sở lồng ghép nội dung về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả
thiên tai trong hoạt động tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt cơ quan,
đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó,
khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố. Hằng năm tham mưu UBND
thành phố ban hành văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực
hiện Kế hoạch.
b) Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí địa
phương xây dựng và nâng cao chất lượng các tin, bài, tuyên truyền về công tác
phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai bám sát các nội dung tại mục
1, Phần II Kế hoạch này.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy
mạnh công tác truyền truyền phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
trên hệ thống thông tin điện tử, dịch vụ viễn thông và mạng xã hội.
d) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn chủ động cung cấp thông tin
hoặc mời các chuyên gia về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến
cung cấp thông tin tại giao ban báo chí định kỳ ở địa phương.
đ) Kiểm tra việc thực hiện công tác thông tin,
tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn
thành phố.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Cung cấp tài liệu, thông tin về các đợt thiên
tai; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tài
liệu tập huấn về các hoạt động phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại cộng
đồng và các tài liệu liên quan khác cho các cơ quan, đơn vị liên quan để thực
hiện công tác truyền thông.
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong công tác
tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai trên
địa bàn thành phố.
4. UBND các quận, huyện
a) Xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng, chống
thiên tai tại địa phương.
b) Chỉ đạo, triển khai và kiểm tra việc thực hiện
các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả
thiên tai trên hệ thống thông tin cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã.
c) Tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và cung cấp
thông tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở của các địa phương
tuyên truyền công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
5. Các cơ quan báo chí thành phố, Cổng Thông tin
điện tử thành phố
a) Chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện thông
tin, tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
theo nội dung tại mục 1 phần II của Kế hoạch này.
b) Tăng diện tích và thời lượng, tần suất thông
tin, phát sóng về các vấn đề liên quan đến việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục
hậu quả thiên tai trên các ấn phẩm truyền thông.
6. Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể
a) Căn cứ nội dung kế hoạch này xây dựng kế hoạch
truyền thông về phòng, chống thiên tai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng
quản lý của cơ quan, đơn vị.
b) Chỉ đạo Ban biên tập trang thông tin điện tử thường
xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai...lên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn
vị.
VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện Kế
hoạch định kỳ hằng năm trước ngày 30 tháng 11 và báo cáo đột xuất theo yêu cầu
về Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (Tầng 24, Trung tâm Hành chính thành phố,
số 24, Trần Phú, Đà Nẵng) để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Trên đây là Kế hoạch truyền thông về phòng, chống
thiên tai đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các cơ quan, đơn vị căn
cứ nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo UBND
thành phố (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để báo
cáo);
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành;
- Công an thành phố;
- UBND các quận, huyện;
- Các hội, đoàn thể;
- Các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử thành phố;
- Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng;
- Lưu: VT, KGVX.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quang Nam
|