BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4/CĐ-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 10 năm 2021
|
CÔNG ĐIỆN
V/V CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BÃO, MƯA LŨ
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG điện:
- Sở Thông tin và Truyền thông
các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên.
- Các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự
báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, tại khu vực ven
biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An ấp có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; các tỉnh phía
Đông Bắc bộ vào Thanh hóa có mưa to đến rất to, các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và đồng
bằng Bắc bộ có mưa to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập
úng cục bộ tại vùng thấp trũng, ven sông.
Đồng thời, hiện nay cơn bão có
tên quốc tế Kompasu đang hoạt động ở ngay khu vực biển phía Đông Philippin và
có thể đi vào biển đông trở thành cơn bão số 8. Hồi 07 giờ ngày 11/10, vị trí
tâm bão ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 124,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông
(Phi-líp-pin) 250km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh
cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di
chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông
và mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc;
118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo,
bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển
Đông và tiếp tục mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0
độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150km về
phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật
cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo,
bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 07
giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông,
ngay trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm
bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng
nay (11/10), ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, đêm tăng lên
cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh. Cảnh báo
cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Bắc Biển đông: cấp 3.
Đây là tình huống thiên tai
nguy hiểm liên tiếp (nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong khi dịch bệnh
Covid-19 vẫn còn phức tạp ở một số địa phương.
Để chủ động ứng phó với thiên
tai, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện
nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày
10/10/2021 về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ. Yêu cầu các đơn vị căn cứ
vào tình hình cụ thể tại đơn vị để vận dụng phương trâm "bốn tại chỗ",
sẵn sàng các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, kết hợp với các biện pháp phòng
chống dịch bệnh (vừa đảm bảo sẵn sàng ứng phó với bão, vừa đảm bảo an toàn
trong công tác phòng chống dịch Covid-19). Yêu cầu các đơn vị ưu tiên tập trung
thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
1. Triển khai
và thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn và trực ứng cứu thông tin; theo dõi sát tình hình diễn
biến của bão, mưa, lũ; báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của mạng lưới và
thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống bão, mưa,
lũ và công tác tìm kiếm cứu nạn về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm
cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ TTTT (BCH PCTT, TKCN & PTDS Bộ TTTT).
2. Cục Viễn
thông:
a) Tham gia đầy đủ công tác họp
báo về ứng phó với bão, mưa lũ do BCĐQG về PCTT tổ chức. Là đầu mối tiếp nhận
thông tin, tổng hợp tình hình diễn biến của thiên tai. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ
các phương án chỉ đạo ứng phó.
b) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn
thông di động nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão khi có yêu
cầu từ Chính phủ, BCĐQG về PCTT, UBQG TKCN.
3. Cục Báo
chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ đạo các cơ quan thông
tin đại chúng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo diễn biến của
bão, mưa lũ, các chỉ đạo ứng phó với, bão, mưa, lũ để chính quyền các cấp ở địa
phương và người dân theo dõi, cập nhật thường xuyên. Trong đó đặc biệt chú trọng
đưa các tin bài cảnh báo người dân về nguy cơ diễn ra mưa, lũ sau bão và phòng
chống dịch bệnh có thể phát sinh do lũ, ngập lụt.
4. Cục Thông
tin cơ sở chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh không dây đưa tin cảnh báo, dự báo
về bão, mưa lũ và chỉ đạo ứng phó của chính quyền để người dân biết và chủ động
phòng, tránh.
5. Cục Bưu điện
Trung ương
- Đảm bảo thông tin liên lạc bằng
xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên
tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai ứng phó
với bão, mưa lũ khi có yêu cầu.
- Phối hợp với Tập đoàn VNPT đảm
bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó với bão, mưa
lũ sau bão của Trung ương và chính quyền các cấp tại các tỉnh/thành phố nói
trên.
6. Sở Thông
tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố:
a) Chỉ đạo các Đài Phát thanh,
Truyền hình tỉnh, thành phố, các Đài truyền thanh cơ sở cập nhật bản tin dự báo
bão từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, tăng thời lượng và tần suất
phát bản tin dự báo bão, mưa lũ để thông báo kịp thời cho người dân chủ động
phòng chống, đặc biệt là công tác ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét
có thể xảy ra và công tác di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ
quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
b) Làm đầu mối chỉ đạo các
doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn cùng phối hợp triển khai đồng bộ
các phương án và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thông tin liên lạc cho Lãnh đạo Uỷ
ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh, thành phố và chính quyền địa
phương trong tỉnh để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống bão, mưa lũ trên
địa bàn. Tổ chức kiểm tra ngay thông tin liên lạc tại các trọng điểm PCTT của tỉnh
như các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ
chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu khu vực vừa bị ảnh hưởng của thiên
tai, …
c) Xác định các xã bị mất liên
lạc do ảnh hưởng của bão để phối hợp với Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp
roaming giữa các mạng nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công
tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với bão và nhu cầu liên lạc của người dân
d) Đối với các địa phương vẫn
đang thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, Sở TTTT hỗ trợ, tạo điều
kiện cho doanh nghiệp trong việc lại phục vụ công tác ứng phó ngoài hiện trường
(hỗ trợ thủ tục đi lại, di chuyển cho cán bộ, phương tiện làm nhiệm vụ ứng cứu
thông tin) đảm bảo tốt công tác ứng phó với bão và công tác phòng chống dịch bệnh
Covid-19.
7. Các doanh
nghiệp bưu chính, viễn thông:
a) Tập trung triển khai ngay
các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục
vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão, mưa lũ, sẵn sàng phương án ứng cứu
thông tin khi có sự cố xảy ra.
b) Các doanh nghiệp viễn thông
tập trung gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, anten thuộc các hệ thống đài
thu, phát sóng vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị
ảnh hưởng của bão, bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như
thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự
kiến nằm trong ảnh hưởng trực tiếp của bão.
c) Các doanh nghiệp thông tin
di động:
- Đảm bảo an toàn mạng lưới, đảm
bảo thông tin liên lạc công cộng bằng mạng cố định, di động, Internet.
- Tăng cường, bổ sung các trạm
BTS di động và xe thông tin cơ động đến các địa điểm có nguy cơ bị mất liên lạc
để sẵn sáng ứng cứu thông tin trong trường hợp bị gián đoạn.
- Sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh
báo tình hình của bão, mưa lũ và các chỉ đạo ứng phó tới các thuê bao trong
vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của bão.
- Sẵn sàng phương án roaming giữa
các mạng di động khi có yêu cầu.
d) Chấp hành nghiêm các quy định
về phòng chống dịch Covid-19, trang bị đầy đủ bảo hộ phòng dịch và bảo hộ an
toàn lao động cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ ứng cứu thông tin, đảm bảo
thông tin liên lạc ngoài hiện trường.
8. Công ty
TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam:
a) Chủ động phối hợp với Trung
tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia để phát sóng kịp thời các bản tin dự báo
bão; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để phát kèm theo bản
tin dự báo bão thông báo về vùng nguy hiểm và hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền
đang hoạt động trên biển tránh xa vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn;
b) Duy trì nghiêm chế độ trực
canh thông tin cấp cứu - khẩn cấp, đặc biệt đối với các tàu thuyền đánh bắt hải
sản bằng phương thức thoại trên tần số cấp cứu - khẩn cấp, tiếp nhận, chuyển
tin kịp thời đến các địa chỉ nhận tin theo quy định.
9. Các đơn vị
tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến bão, mưa lũ; báo cáo kịp thời tình
hình hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông và đảm bảo thông tin liên lạc;
đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn
thông)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- BCĐQG về PCTT (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thành viên BCH PCTT, TKCN &PTDS Bộ TTTT;
- Trung tâm thông tin (để đăng website Bộ);
- Lưu: VT, CVT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Đức Long
|