ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 8/CT-UBND
|
Nam Định, ngày 21
tháng 9 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, TÁI SỬ DỤNG,
TÁI CHẾ, XỬ LÝ VÀ GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA
Ô nhiễm nhựa
đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối
mặt. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni- lông khó phân hủy, sản
phẩm nhựa dùng một lần đã và đang tác động không nhỏ đến môi trường sống, sức
khỏe của con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việt Nam đã cam
kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường
sinh thái biển và đại dương. Năm 2017, Việt Nam đã chính thức gia nhập danh
sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương.
Ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về kế
hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; theo
đó đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan,
tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và cá nhân đã có các hành động thiết thực, ý
nghĩa, hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa.
Những năm gần
đây, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng
bộ các giải pháp bảo vệ môi trường được mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận hưởng ứng
nên công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải
rắn nói chung, quản lý chất thải nhựa nói riêng đã dần đi vào nề nếp. Để tiếp tục
tăng cường hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ môi trường, công tác quản lý,
tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường, Chủ tịch
UBND tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực
hiện các nội dung sau:
- Gương mẫu,
tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử
dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói
thực phẩm, chai lọ, cốc, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm,...); không sử dụng
băng rôn, khẩu hiệu, chai cốc, ống hút,... dùng một lần tại công sở và trong
các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện
khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
- Tiên phong,
gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng
rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích xây dựng, thực
hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong
lĩnh vực và địa bàn quản lý.
- Thường xuyên
tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của công chức, viên chức,
người lao động trong cơ quan, đơn vị về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất
thải, chất thải nhựa; tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các văn bản của
Trung ương, địa phương liên quan đến quản lý chất thải nhựa (Quyết định số
491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược
quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế
hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Văn bản
số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/01/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phát động
“Phong trào chống rác thải nhựa”; Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 04/02/2020 của
UBND tỉnh về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030); phối hợp với các tổ
chức chính trị - xã hội, cá nhân có liên quan xây dựng phong trào chống chất thải
nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư thực hiện phân loại rác thải tại nguồn,
hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông
khó phân hủy, bao gói thực phẩm, chai lọ, cốc, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm...)
để bảo vệ môi trường.
- Chủ tịch
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện
Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 -
2025; tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và các biện pháp kỹ thuật
để thu gom chất thải nhựa trên các sông, rạch, kênh, mương,... hạn chế rác thải
nhựa đổ ra biển, khuyến khích hoạt động xã hội hóa việc thu gom, xử lý chất thải
nhựa trên biển, sông, kênh, mương và các ao, hồ.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối
hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền
nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý
chất thải nhựa; tăng cường kiểm tra việc tuân thủ chính sách pháp luật về bảo vệ
môi trường đối với các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa, các làng nghề, cơ sở tái
chế nhựa, cơ sở nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất; phát hiện và
xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) về bảo vệ môi trường theo đúng quy định
của pháp luật.
3. Sở Công Thương
Chỉ đạo các
trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, các cơ sở sản xuất,
kinh doanh,... trên địa bàn thực hiện cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế
sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường;
không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi
ni-lông khó phân hủy sang các loại túi thân thiện với môi trường.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối
hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải
nhựa trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; phối hợp hướng dẫn các địa
phương ven biển thực hiện các giải pháp thu hồi ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc,
thải bỏ trên biển; thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón
đúng quy định.
5. Sở Y tế
Chỉ đạo thực
hiện phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại các bệnh viện, cơ sở y tế; đưa
tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa là một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh, sạch,
đẹp.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo việc
xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại rác thải, giảm thiểu chất thải nhựa, bố
trí các thùng thu gom, phân loại rác thải trong các trường học, cơ sở giáo dục,
đào tạo; lồng ghép nội dung về phân loại rác thải tại nguồn vào chương trình học
nội khóa, ngoại khóa; đưa nội dung phân loại rác thải, giảm thiểu chất thải nhựa
là một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo, hướng
dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch khác tại khu, điểm
du lịch, khu di tích, danh lam thắng cảnh, các cơ sở thể dục thể thao, trung
tâm huấn luyện và thi đấu thể thao, đặc biệt là các khu nghỉ mát ven biển giảm
thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,
Báo Nam Định
Phối hợp với
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tuyên truyền thực hiện Chỉ thị và thực
hiện chương trình truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại, thu
gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
9. Các Sở, ngành
Căn cứ chức
năng nhiệm vụ:
- Tăng cường
công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về BVMT nói
chung, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng; phân loại rác thải, giảm
thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa
dùng một lần.
- Đề xuất cơ
chế tài chính nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu chất thải
nhựa, thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và chất thải nhựa;
hỗ trợ các cơ sở sản xuất các sản phẩm với vật liệu thân thiện môi trường.
- Nghiên cứu,
học tập kinh nghiệm và triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể,
chính trị - xã hội
Tăng cường
giám sát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai
hiệu quả các chương trình phân loại rác thải tại nguồn, quản lý, tái sử dụng,
tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; tổ chức tuyên truyền, vận động các
thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức và toàn xã hội tham gia “Phong trào
chống rác thải nhựa”.
11. Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh
Thực hiện cam
kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng hoặc thay thế các sản phẩm nhựa
dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thực hiện phân loại
rác thải tại nguồn; áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến; tận dụng nguyên liệu
thừa, tái chế, tái sử dụng trong quá trình sản xuất nhằm giảm thiểu lượng chất
thải rắn công nghiệp phát sinh.
Thủ trưởng các
Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức có liên quan
có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Tài
nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị; định
kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (để b/c)
- Bộ Tài nguyên và Môi trường; (để b/c)
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các Sở, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Website tỉnh, VP UBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3.
|
CHỦ TỊCH
Phạm Đình Nghị
|