ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/CT-UBND
|
Đồng Nai, ngày 29 tháng 12 năm 2023
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỂ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2024 VỀ
QUẢN LÝ, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường
trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị
và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tình hình vệ sinh môi trường đã có chuyển
biến, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của cán bộ, doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân được nâng lên, tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của quần chúng
nhân dân.
Tuy nhiên, trước sức ép của quá trình phát triển kinh tế - xã hội,
công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng ô nhiễm
môi trường cục bộ vẫn còn diễn ra ở một số khu vực; áp lực từ chất thải sản xuất
công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt ngày một gia tăng.
Thực hiện Nghị
quyết số 11-NQ/TU ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa
XI về chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc
phòng, an ninh, xây dựng Đảng, đoàn thể năm 2024 và Nghị quyết số 30/NQ-HĐND
ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phát triển
- kinh tế, quốc phòng - an ninh năm 2024 tỉnh Đồng Nai.
Để hoàn thành các chỉ tiêu về
môi trường theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07
tháng 12 năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI và Nghị quyết số 30/NQ-HĐND
ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các
nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 về quản lý, bảo vệ môi trường, như sau:
I. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
NĂM 2024
1. Triển khai thực hiện Đề
án quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định về quản lý chất
thải rắn sinh hoạt và quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế
nguy hại trên địa bàn tỉnh
a) Sở Tài nguyên và Môi trường
chủ trì xây dựng kế hoạch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển
khai Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định về quản
lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải
y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh trong
quý I năm 2024.
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long
Khánh và thành phố Biên Hòa:
- Thực hiện đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống
thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phục
vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
- Tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện phân loại
chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại địa phương theo Chỉ thị số 54-CT/TU ngày
24 tháng 3 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó mỗi huyện, thành phố chọn 01 xã/phường/thị trấn làm mô
hình điểm thực hiện đồng bộ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; qua đó
tạo hiệu ứng cho hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên
địa bàn.
- Chỉ đạo Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa
bàn định kỳ hàng tháng tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt và các loại
chất thải phát sinh trên các tuyến đường giao thông, khu vực công cộng, các khu
đất chưa sử dụng, dọn dẹp vệ sinh tạo cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp
tại các địa phương trên toàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
các hành vi đổ chất thải rắn sinh hoạt, các loại chất thải không đúng quy định.
2. Triển khai thực hiện dự
án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện, công suất 1.200 tấn rác/ngày tại
xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu theo phương thức đối tác công tư (PPP)
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan rà soát, thẩm định Báo cáo
nghiên cứu khả thi dự án, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê
duyệt theo quy định; Đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức
lựa chọn nhà đầu tư dự án, ký hợp đồng dự án theo quy định. Thời hạn hoàn thành
trong năm 2024.
3. Tiếp tục triển khai thực
hiện hiệu quả Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân
dân tỉnh thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn
đến 2050
a) Sở Xây dựng chủ
trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thoát nước mưa, thu gom và xử lý
nước thải đô thị tại các khu vực có nguy cơ ngập úng; các dự án cải tạo kênh
mương, đoạn sông suối đã bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập
trung và các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Nghiêm ngặt bảo vệ
diện tích các hồ tự nhiên, suối tự nhiên, không để lấn chiếm làm mất hoặc thu hẹp
diện tích dòng chảy. Tổng hợp tất cả các dự án về thoát nước và xử lý nước thải
đô thị đã, đang và chưa triển khai thực hiện trên địa bàn.
b) Sở Tài nguyên
và Môi trường chủ trì, phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các đơn vị
liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý
nước thải tập trung tại các khu công nghiệp đang hoạt động.
c) Sở Công Thương
chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và
thành phố Biên Hòa giám sát, đôn đốc các chủ đầu
tư cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp hoàn thành lập thủ
tục môi trường, đầu tư các hạng mục công trình xử lý nước thải theo quy định.
d) Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa thực hiện rà soát
tình hình dân cư sinh sống tại các cụm công nghiệp đã được thành lập trên địa
bàn quản lý và đề xuất lộ trình di dời dân cư sinh sống (nếu có) ra khỏi cụm
công nghiệp.
đ) Sở Tài nguyên
và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Long Khánh
tiếp tục kiểm tra, xử lý và theo dõi việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu
quả gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi trên địa
bàn theo Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh,
nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi.
e) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ
trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Long Khánh xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện di dời
các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn quản
lý theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng
nhân dân tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim
yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được
phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Quyết
định số 296/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt danh sách các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép
chăn nuôi.
g) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long
Khánh và thành phố Biên Hòa chủ trì rà soát thống kê các cơ sở
sản xuất, kinh doanh nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp có khả năng gây
ô nhiễm môi trường để xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời vào các khu công nghiệp,
cụm công nghiệp.
II. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng các
sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và
thành phố Biên Hòa căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức triển
khai thực hiện nghiêm túc tại địa phương, đơn vị và chịu trách nhiệm trước Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
2. Các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa có
trách nhiệm đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị nêu trên về Ủy ban nhân
dân tỉnh, đồng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp trước
ngày 15 tháng 12 năm 2024.
3. Sở Tài nguyên
và Môi trường làm cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này và tổng
hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh trước ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các
sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện
nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng
mắc, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và
thành phố Biên Hòa kịp thời có văn bản báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để
tổng hợp, tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Phi
|