THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
19/1998/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 4 năm 1998
|
CHỈ THỊ
VỀ
CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG VÀ CHỮA CHÁY RỪNG
Thời tiết năm nay có nhiều biến
động khắc nghiệt và do hậu quả của việc đốt rừng làm nương rẫy trong nhiều năm,
cùng với nạn chặt phá rừng bừa bãi làm cho môi trường sinh thái bị huỷ hoại
nghiêm trọng, hạn hán gay gắt còn có thể kéo dài trên diện rộng ở các vùng
trọng điểm nhất là các vùng miền Trung, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù các địa phương đã có
nhiều cố gắng chủ động tổ chức phòng cháy chữa cháy rừng, nhưng cho đến nay
tình trạng cháy rừng vẫn còn tiếp diễn, nguy cơ xảy ra cháy lớn vẫn chưa được
loại trừ.
Để tăng cường hơn nữa công tác
phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng bị cháy,
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
cấp (tỉnh, thành phố, huyện, xã) chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức lực
lượng, huy động các phương tiện hiện có và sử dụng các tiến bộ kỹ thuật vào
việc phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thuộc địa phương quản lý, quyết
tâm bảo vệ rừng, ngăn chặn đến mức thấp nhất những sự cố cháy rừng có thể xảy
ra; đặc biệt tập trung bảo vệ các khu rừng đặc dụng, các vùng rừng phòng hộ đầu
nguồn và các khu rừng quan trọng khác...
- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến
những chủ trương của Nhà nước về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng đến
từng cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cấp xã, ấp, làng, bản; vận động từng hộ
gia đình, từng xã, ấp, làng, bản phải có cam kết không để xảy ra cháy rừng
thuộc phạm vi được quản lý, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi, việc
làm của người khác có khả năng gây ra cháy rừng.
- Các xã phải tổ chức các đội
dân phòng làm nòng cốt cho lực lượng phòng cháy, chứa cháy tại chỗ, thường
xuyên tuần tra, kiểm tra bảo vệ các loại rừng trong phạm vi của địa phương,
huấn luyện các phương án phòng cháy chữa cháy; khi có xảy ra cháy rừng phải chủ
động tổ chức ứng cứu tại chỗ trước khi có lực lượng viện trợ ở trên.
- Ở các vùng xung yếu, trọng
điểm dễ xảy ra cháy rừng, mỗi xã được hợp đồng một người để làm công tác chuyên
trách bảo vệ rừng trong các tháng cao điểm của mùa khô.
2. Chỉ đạo các lực lượng Kiểm
lâm, Quân đội, Công an, triển khai giải quyết cụ thể các trường hợp gây ra cháy
rừng:
- Đối với đồng bào dân tộc gốc ở
địa phương, đồng bào đi xây dựng kinh tế mới, các tỉnh phải có kế hoạch hỗ trợ
về đời sống để đồng bào không đốt rừng làm nương rẫy; những diện tích đã có
nương rẫy của đồng bào sản xuất ổn định, phải kiểm tra, hướng dẫn, có quy định
cụ thể về việc đốt nương, sản xuất, bảo đảm không để xảy ra cháy rừng.
- Đối với những hộ dân di cư tự
do, nếu tự ý khai phá rừng lấy đất làm nhà, làm nương rãy ở những nơi không
thuộc vùng quy hoạch các khu dân cư hoặc vùng quy hoạch đất cho sản xuất thì
kiên quyết đưa ra khỏi rừng, chuyển đến những khu được quy hoạch, tổ chức thành
các đơn vị hành chính, bố trí cho đồng bào có đất ở và đất sản xuất.
Các tỉnh có dân di cư tự do đến,
phải lập danh sách báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh có dân đi biết để có trách nhiệm cử lãnh đạo tỉnh vào địa phương
có dân của tỉnh mình, hỗ trợ về kinh phí và phối hợp chỉ đạo tổ chức nhân dân
ổn định sản xuất và đời sống.
- Những trường hợp cố ý phá rừng
trồng cà phê, cao su, điều hoặc các cây trồng ngắn ngày thì kiên quyết phá bỏ,
buộc những người đã phá rừng đó phải trồng lại rừng trên diện tích đã phá.
- Phối hợp các lực lượng Kiểm
lâm, Quân đội, Công an trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp gây ra
cháy rừng, tăng cường truy quét bọn lâm tặc.
3. Ở cấp tỉnh, cấp huyện phải
kiện toàn và tăng cường lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, đồng thời
tổ chức các lực lượng quân đội, công an làm công tác ứng cứu phòng cháy, chữa
cháy rừng, có khả năng cơ động hỗ trợ cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở
cơ sở khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
4. Để tổ chức thực hiện có kết
quả những nội dung biện pháp cấp bách phòng cháy và chữa cháy rừng trên đây,
các cấp các ngành phải khẩn trương giải quyết các việc sau:
- Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ phải
giao nhiệm vụ và chỉ đạo các đơn vị Quân đội, Công an tổ chức các lực lượng cơ
động, tập huấn các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tham gia tuần tra,
kiểm tra và thường trực, ứng cứu khi có trường hợp cháy rừng xảy ra.
- Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn xem xét quy định chế độ phụ cấp cho cán bộ hợp đồng làm
công tác bảo vệ rừng ở cấp xã trong các tháng cao điểm mùa khô.
Đối với người có công và trong
các trường hợp bị thương hoặc bị chết trong khi làm công tác phòng cháy, chữa
cháy rừng, truy bắt bọn lâm tặc để bảo vệ rừng thì được khen thưởng xứng đáng
và đề nghị Chính phủ có chế độ, chính sách phù hợp.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự trù kinh
phí cho phòng cháy, chữa cháy rừng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kinh phí phòng cháy, chữa cháy
rừng bảo đảm chi dùng để trợ cấp công tác tuần tra rừng, chữa cháy rừng, mua
sắm vật tư, trang thiết bị ở mức cần thiết cho việc phòng cháy, chữa cháy. Đặc
biệt ở các tỉnh thuộc vùng trọng điểm khô hạn có khả năng cháy lớn cần có dự
trữ hoá chất và phương tiện phòng cháy, chữa cháy để chủ động ứng phó với những
trường hợp xảy ra cháy rừng nghiêm trọng.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các quy định,
chính sách về phòng cháy, chữa cháy rừng để bảo đảm cho công tác bảo vệ rừng
được thực hiện có hiệu quả.